Tháng 5/68 và tháng 5/18, có gì lạ ?

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20007
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tháng 5/68 và tháng 5/18, có gì lạ ?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           








              
    Tháng 5/68 và tháng 5/18,
              
    có gì lạ ?

    ____________________
    Nguyễn thị Cỏ May - 04/05/2018
              






    tháng 5-1968, trước đại học Sorbonne
    sinh viên thách thức nhân viên công lực
              

    Nay đúng 50 năm xảy ra biến cố bạo loạn khắp nước Pháp. Xảy ra một cách hoàn toàn đột biến. Ngoài trí tưởng tượng của mọi người. Nguyên nhơn rất nhàm chán nhưng cường độ lan rộng, thu hút vào cuộc nhiều người, nhiều tổ chức xã hội lại vô cùng mãnh liệt.

    Năm nay, ngày 1 tháng 5/18, các nghiệp đoàn, các đảng phái phe tả kêu gọi biểu tình cho hùng hồn, vừa để kỷ niệm biến cố lịch sử tháng 5/68, vừa để làm áp lực chánh phủ phải bỏ chọn lọc vào Đại học, ngưng chương trình cải tổ chánh sách xã hội, phải giữ nguyên những gì thợ thuyền đat được. Cảnh sát paris cảnh giác có những «nhóm quá khích» đã muốn biến ngày Quốc tế Lao động năm nay thành «Ngày cách mạng». Chúng sẽ tấn công vào lực lượng giữ an ninh và tất cả những biểu tượng tư bản. Trong lúc đó, một số nghiệp đoàn khác biểu tình dưới khẩu hiệu «yêu sách và văn hóa», chủ trương «đối thoại và thương thảo». Thế là trên tầm vóc quốc gia, các tổ chức lao động đã chia rẽ nhau khá nghiêm trọng tuy nhiên tình hình xã hội pháp vẫn đang căng thẳng do những cuộc biểu tình, bãi khóa, chiếm trường sở của sinh viên và biểu tình, đình công liên tục của nghiệp đoàn, của công chức, của giới hưu trí, và có thể kéo dài tới mùa hè.
    Phía chánh phủ có vẻ kiên quyết giữ lập trường trước đòi hỏi của các nghìệp đoàn. Ông Tổng thống Emmanuel Macron vẫn đi thăm viếng nước Úc và Tân Đảo (Nouvelle Calédonie) như thời biểu dự liệu.

    Năm nay, đặc biệt hơn các năm qua, biểu tình không chỉ cho ngày 1/5 mà liên tục từ 1/5 kéo dài cho tới 5/5, ngày mà các tổ chức bìểu tình làm lễ dành cho Tổng thống Macron và chánh sách của ông với khẩu hiệu «Thôi đủ rồi». Phong trào tả khuynh «Nước Pháp bất khuất» của Mélenchon tích cực vận động cho cuộc biểu tình thành công. Phe cộng sản hô khẩu hiệu «chúng tôi tranh đấu chống Macron tới cùng»!

    Một bản kêu gọi được năm mươi trí thức, nghệ sĩ phái tả ký sẽ đưa ra trong cuộc biểu tình hôm thứ bảy 5/5 để phản đối chánh sách «tự do và độc đoán» của ông Macron.







    Ngày 1/5

    Cuộc biểu tình truyền thống của các nghiệp đoàn vừa bắt đầu chiều hôm nay ở Công trường Bastille (Paris XI) để đi tới Công trướng Italie (Paris XIII) thì xảy ra cuộc bạo loạn, cảnh sát can thiệp, biểu tình phải thay đổi lộ trình, nhưng cũng vì bạo loạn, đoàn người bị tản mác khá nhiều. Theo cảnh sát, biểu tình có lối 20 000 người tham dự. Ban tổ chức cho rằng con số đó chỉ mới phân nửa trên thực tế.

    Cùng theo đoàn biểu tình, có 14 500 người sẵn sàng bạo loạn. Trong số này, có 1 200 người bị cảnh sát nhận diện thuộc băng đảng cực đoan (Black blocs). Khói lửa bắt đầu bốc lên do những trái molotov của họ ném ra. Cửa hàng -dấu hiệu tư bản- bị đập phá trong số đó, Mc Donald bị đập phá tan tành. Cảnh sát bắt giữ 200 người.



    Ngày quốc tế lao động 1/5 là ngày lễ truyền thống nhưng lịch sử của nó đã bị thay đổi. Tưởng cũng nên nhắc lại đôi dòng.

    Nó khởi đầu ở Mỹ cũng như "Ngày Quốc tế Phụ nữ"«Ngày Quốc tế của Người lao động Nam/Nữ». Âu châu thừa hưởng do Đệ II Quốc tế tiếp nhận năm 1886 và Thống chế Pétain, sau đó, đổi lại thành Ngày quốc tế lao động.
    • Năm 1886, các nghiệp đoàn ở Chicago (Mỹ) tổ chức biểu tình lớn đòi ngày làm việc 8 giờ. Khi diễn giả cuối cùng bước lên diễn đàn, cảnh sát bắt đầu can thiệp làm một người chết và mười người bị thương. Nghiệp đoàn kêu gọi biểu tình ngày 4/5 để phản đối. Bom nổ, có thêm người chết và bị thương. Những người bị bắt được đưa ra Tòa xử theo tội chống phá vô chánh phủ. Tòa án được yêu cầu xử họ để làm gương và cứu vãn tình trạng xã hội hết bạo loạn.

      Năm 1889, Đệ II Quốc tế lấy ngày 1/5 làm "ngày hành động" của thợ thuyền cho cả thế giới. Qua năm sau, thợ thuyền đòi thành công ngày làm việc 8 giờ và lấy ngày 1/5 làm ngày vĩnh viễn đánh dấu sự thắng lợi này.

      Ngày 1/5 được chọn để kỷ niệm ngày thợ thuyền ở Chicago đổ máu, đồng thời ở Âu châu, ngày 1/5 được các phong trào chánh trị phe xã hội Đệ II Quốc tế chọn, chớ không phải do các nghiệp đoàn. Càng không phải do cộng sản đề nghị vì cộng sản chưa được thai nghén.

      Năm 1919, Quốc hội pháp bìểu quyết công nhơn làm việc ngày 8 giờ và ngày 1/5 được nghỉ.

      Năm 1947, Đệ IV Cộng hòa chấp nhận ngày 1/5 làm ngày lễ nghỉ và ăn lương. Qua năm sau, ngày 1/5 chánh thức trở thành «Ngày Quốc tế lao động» tuy hoàn toàn sai với sự ra đời của nó ở buổi đầu
      (Theo Thierry Noisette, L’Obs, 1/5/18) .





    Tháng 5/68

    Người xưa nói «Một đóm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả một khu rừng lớn”. Mùa Xuân 68, một cuộc nổi dậy của sinh viên Paris dẫn đến một cuộc xung đột gay gắt với cảnh sát, lan tràn khắp nước Pháp khi sinh viên các Đại học tham gia, cả nghiệp đoàn thợ thuyền, nông dân cũng nhâp cuộc. Bạo động kéo dài hơn cả tháng làm cho nước Pháp như đang trong một cuộc chiến tranh tự phát.

    Năm mươi năm sau, người ta vẫn còn tự hỏi tại sao có thể một cuộc bạo loạn như vậy xảy ra một cách dễ dàng? Nhiều phân tách, nhận định nhưng vẫn chưa có kết luận dứt khoát ngoài điều cụ thể là xã hội pháp biến chuyển tận gốc rễ còn để lại vết tích tận ngày nay.

    Bạo loạn được châm ngòi ngày 22/03 năm 68 ở Đại học Nanterre, ngoại ô Tây-Bắc Paris. Người xách động là thanh niên 22 tuổi Daniel Cohn-Bendit, sinh viên người Đức theo học xã hội học, cùng với 142 sinh viên khác chiếm đóng khu hành chánh của trường. Họ yêu cầu cảnh sát thả những sinh viên bị bắt vì biểu tình chống chiến tranh việt nam, đập phá trụ sở American Express. Đây là những sinh viên của tổ chức cộng sản phản chiến Ủy hội Quốc gia Việt nam, gốc Staline, Mao, Castro, …Họ kêu gọi sinh viên Nanterre bắt tay với họ. Họ hô khẩu hiệu “trả tự do bạn chúng tôi”.

    Nhưng vụ bắt giữ nhóm sinh viên biểu tình chỉ là một giọt nước làm tràn li .

    Trước đó, một số nam sinh viên tới khu vực nữ sinh viên bị ngăn cản vì nội qui cấm từ 22 giờ. Chính đìều này đã làm họ bất mãn tràn ngập. Tuổi trẻ cảm thấy bực bội cái xã hội pháp còn nặng bảo thủ những nếp cũ. Về chánh trị, họ chống lại
    • “tư bản, tư sản, Đế quốc Mỹ, sự kiểm duyệt, sự đàn áp cua chánh phủ De Gaulle cai trị độc đoán"
    tuy nước Pháp đang phát triển đem lại đời sống vật chất khá sung mãn. Trong lúc đó, họ nhìn thấy ở Anh, thanh niên không bị ràng buộc, sống phóng túng, phong trào nhạc trẻ Beatles đang có sức thu hút như một làn sóng mới, đẩy tuổi trẻ sống thác loạn, đắm mình trong cần sa, ma túy, tình dục,…

    Tuổi trẻ pháp cảm thấy bị ngột ngạt, muốn đập phá để tự giải phóng, tự mình quyết định cuộc sống của mình: “Sống không bị ràng buộc. Hưởng thụ không bị ngăn cản” như một khẩu hiệu trên tường Đại học Sorbonne.

    Những người của 50 năm trước ngày nay nhớ lại không khỏi cười
    • “Tháng 5/68 là mùa xuân của bạo loạn và không tưởng”.
              

    Hãy thực tế, hãy đòi hỏi điều không thể
              

    Mà đúng vậy. Tuổi trẻ pháp lúc bấy giờ chỉ muốn thay đổi xã hội, hoàn toàn không nghĩ gì đền quyền lực. Vì đó là một cuộc nổi loạn. Không ai đặt vấn đề chánh trị như thay đổi Hìến pháp. Vì nổi loạn, phong trào tháng 5/68 đã phá nát nề nếp cũ, từ học đường, gia đình ra xã hội. Theo cựu TT Sarkozy, người ta có thể qui cho
    • “tháng 5/68 tất cả những tệ nạn xã hội pháp ngày nay. Nó áp đặt cho chúng ta tính tương đối về trí thức và đạo đức. Họ khẳng định rằng mọi thứ đều có giá trị bằng nhau, không có sự khác biệt giữa thiện và ác, giữa đúng và sai, giữa cái đẹp và cái xấu, …”.
    Thậm chí những người làm bạo loạn 5/68 còn kêu gọi thầy giáo ngưng chấm điểm học sinh, nhà trường ngưng xếp hạng học sinh để tránh cho học sinh học dở không bị sợ hãi, không thấy xấu hổ.

    Sự khủng hoảng này ngày nay còn đang tác hại xã hôi và trường học pháp. Nhưng những người xách động phong trào 5/68, ai đứng ra nhận trách nhiệm? Nhiều lãnh đạo hoặc tham gia phong trào sau này lại tham gia chánh phủ, nhứt là chánh phủ Tả phái. Daniel Cohn-Bendit nhờ thành tích 5/68 đắc cử Dân biểu Âu châu. Ngày nay, hỏi ông chuyện 5/68, ông cười
    • “Chuyện đã qua, chỉ đáng quên đi . Nhắc lại, chán lắm …”.
    Cohn–Bendit không phải cộng sản mà vẫn theo nề nếp cộng sản
    “Nhỏ xách động, phá phách, lớn lên làm Dân biểu”
    (Cộng sản, nhỏ không học, lớn lên vào Bộ chánh trị).
              

    Trước những hệ quả của tháng 5/68 làm biến chuyển sâu xa văn hóa và xã hội pháp trên cả nước, các chánh phủ sau này kêu gọi tái lập nền đạo đức xã hội nhưng lúng túng không biết thứ đạo đức nào đây? Trong chương trình giáo dục, lập lại môn Công dân giáo dục, nghĩa vụ quân sự, …nhưng chưa thấy thắm vào đâu hết cả!

    Sau cùng, tháng 5/68 không chỉ biểu hiện khủng hoảng xã hội, mà còn mang sắc thái của một hiện tượng toàn cầu
    • về sự thức tỉnh của các nước đệ tam,
      về phong trào cộng sản làm chiến tranh đại lý ở Việt nam.
              





    Tháng 5/18

    Khá giống hồi 68, sinh viên cũng bắt đầu rục rịch vào cuối năm 17, qua đầu 2018, thành hình phong trào sinh viên chiếm trường học, phản đối chủ trương của chánh phủ chọn lọc vào Đại học.

    Trường bị sinh viên chiếm đóng, ăn ở luôn tại trường, giờ học bị hủy, thi định kỳ bị hoãn. Trên tường từ hành lang tới giảng đường, xuất hiện những dòng chữ ngoằn ngoèo, graffiti, khẩu hiệu,.. . Bàn ghế chất đống ngoài sân làm rào chắn... Đây là cách mà nhiều sinh viên của 15 Đại học Pháp trút bất bình và phẫn nộ từ cuối 03/2018 để phản đối Luật chọn lọc sinh viên sẽ áp dụng niên khóa tới. Vì sinh viên đòi hỏi Đại học là mở rộng cửa cho mọi người có bằng Tú Tài ghi tên vào học.

    Theo thẩm định ngày 23/04/2018 của Bộ Đại học Pháp, sự thiệt hại do sinh viên gây ra lên đến hơn 1 triệu euro. Riêng Đại học Paul-Valéry ở Montpellier và Paris I, Tolbiac, Paris XIII, là hai «khu kháng chiến biểu tượng» của phong trào, bị thiệt hại từ 200.000-300.000 euro.

    Sinh viên Agrève Agathe của Tolbiac trả lời RFI
    • “…Phong trào này không chỉ nhằm phản đối luật về xét tuyển đại học, mà còn là nơi tập hợp để quy tụ mọi cuộc đấu tranh. Việc phong tỏa một khu vực nào đó cho phép thấy rõ hơn những yêu cầu, không chỉ của mỗi giới sinh viên, mà còn của các lĩnh vực công đang lâm nguy.

      Vì thế, điều thúc đẩy tôi đến đây, đó là góp phần vào phong trào tập hợp, vừa mang tính văn hóa, vừa mang tính chính trị. Đây chính là điểm khiến Tolbiac trở thành nơi thú vị để tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe trước việc giới chính trị có vẻ rất kiên quyết trong việc áp dụng chương trình tự do kiểu mới.

      Đây cũng là nơi để chúng tôi chuẩn bị bảo vệ quyền lợi của mình, không hẳn chỉ là quyền lợi của sinh viên như tôi, mà còn của những người khác đang sống trong tình trạng bấp bênh »
      (Thu Hằng, rfi, Paris).

    Sinh viên biểu tình, bãi khóa ở một số trường nay yêu cầu được miễn thi nếu được điểm tối thiểu 10/20 như ở Toulouse, hoặc điểm tối đa 20/20 như ở Nanterre. Nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo
    • «Họ phải hiểu được một điều, đó là nếu muốn qua được kỳ thi cuối năm, tốt hơn hết là họ nên ôn tập».
              

              
    • Ở Pháp, các phong trào Tả khuynh (Staline, Trostky, Mao, Castro), các nghiệp đoàn đang biểu tình gây bạo loạn, đình công làm tê liệt xã hội, sinh viên chiếm trường học, bãi khóa,
    • TT Macron lại bỏ công du qua Úc và Tân Đảo.
    Phải chăng ông muốn nói chánh phủ giữ lập trường và để cho các đoàn thể, cả dân chúng pháp nay phải bắt đầu hiểu trách nhiệm của mình với đất nước?
              
    • Nhiều cán bộ trong đảng của ông lên tiếng phê binh ông thiếu quan tâm tình hình đất nước.
    • Trong lúc đó ở Sydney, ông Macron khen bà vợ của Thủ tướng Úc “ngon lành” (délicieux) làm cho dư luận có cơ hội châm biếm ông, tuy không ác ý lắm.

              

    tháng 4-2018, trước đại học Sorbonne
    sinh viên thách thức nhân viên công lực
              







    Nguyễn thị Cỏ May

              
    Nguồn: Tác giả qua Email. :flower:


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn thị Cỏ May”