Du Hiệp Khách, Ông là ai ?

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Du Hiệp Khách, Ông là ai ?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    Du Hiệp Khách,
    Ông là ai ?

    ____________________________
    Phạm Đức Thân


              

              

    Đọc truyện chưởng, nhiều người thắc mắc, không biết các du hiệp khách gốc gác đâu ra, có nghề nghiệp gì không, sống thế nào, mà cứ đi giang hồ hành hiệp. Bài này cố gắng giải đáp phần nào thắc mắc trên để độc giả hiểu rõ bối cảnh lịch sử Trung Hoa hầu thưởng thức truyện chưởng thấu đáo hơn..




    • Du là đi đây đó;
    • hiệp là hào hiệp.
    • Du hiệp khách hay hiệp khách, hiệp sĩ
      là người hào hiệp, thường bênh vực kẻ yếu, hoạn nạn, giúp đỡ người nghèo.
    Hiệp khách xuất hiện ở Trung Hoa vào thời Chiến Quốc (403-221 BC) trong bối cảnh bất ổn chính trị, xáo trộn xã hội và nở rộ tư tưởng. Nhà Chu mất kiểm soát các chư hầu - những người này đang tự xưng vương và đánh nhau tranh giành quyền lực. Quý tộc suy tàn, không tiếp tục bảo trợ người có biệt tài (nhạc sĩ, pháp sư, thuật sĩ, bói sĩ...) khiến họ lang thang tìm đến xin việc nơi các lãnh chúa phong kiến. Các nhà tư tưởng cũng đua nhau trình bầy giải pháp cứu vãn tình trạng xã hội.



    • Nho gia (Khổng giáo) đề nghị trị nước theo luân lý, đạo đức như thánh vương Nghiêu Thuấn ngày xưa.
    • Lão gia khuyên vô vi, cứ để tự nhiên, bãi bỏ các định chế xã hội và chính trị.
    • Pháp gia nhấn mạnh đến luật pháp và hình phạt để ngăn ngừa tội phạm.
    • Mặc gia rao giảng hòa bình và tình thương.

    Trong khi chính khách bôn ba thuyết phục lãnh chúa trị dân theo cách mình đề nghị thì hiệp khách đơn giản tự tay thực thi công lý, cải sửa việc họ cho là sai trái, bất công, đồng thời giúp đỡ người nghèo, hoạn nạn, bênh vực kẻ yếu, cô thế. Họ không ngần ngại sử dụng võ lực, cũng như xem nhẹ luật pháp. Họ thường hành động trên động cơ vị tha và sẵn sàng hy sinh cho chính nghĩa.

    Về nguồn gốc xã hội của hiệp khách, các học giả có ý kiến khác nhau.
    • GS Phùng Hữu Lan cho rằng họ là nông dân và nghệ nhân thất nghiệp đã trở thành võ sĩ chuyên nghiệp.

      GS Lao Kan khi bàn về hiệp khách đời Hán nhận xét rằng họ là dân thường, biết võ nghệ, và hành hiệp chuyên nghiệp.

      Tuy nhiên T'ao Hsi-sheng nghĩ khác. Theo ông, võ sĩ, thương gia, nghệ nhân khánh tận và nông dân thất nghiệp tạo thành một giai cấp lớn trong xã hội. Họ không có tài sản nhưng bảo họ thuộc giai cấp bình dân là không đúng. Những người này ghét lao động, có thói quen lang thang, nhàn tản. Trong số người nghèo của giai cấp võ sĩ, một số người vẫn thích đánh đấm, có tham vọng và khả năng tổ chức, lãnh đạo. Các võ sĩ này tạo thành một giai cấp đứng giữa quý tộc và dân giả.

      GS Yang Lien-sheng cũng cùng nhận xét như trên. Có khi chính hiệp khách ngày xưa là quý tộc, nhưng nay thất thế họ đồng hóa với dân thường. Thời Chiến Quốc họ được coi như một giai cấp riêng. Lúc đó, trật tự phong kiến cổ bắt đầu tan rã, nhiều võ sĩ gia truyền mất địa vị và tước hiệu. Là những người can đảm, cương trực, được thêm các thanh niên dân giả khỏe mạnh tham gia, họ phân tán tứ xứ, kiếm sống bằng làm công, bảo vệ, có khi hy sinh cả mạng sống, cho người thu nhận, cấp dưỡng họ.

      Nhưng GS Tatsuo Masubuchi có ý kiến khác hẳn, cho rằng hiệp khách không phải là một nhóm người riêng biệt trong xã hội, mà chỉ là những người có máu hiệp sĩ, do tánh khí hơn là nguồn gốc xã hội, biểu thị tác phong, lối sống hơn là nghề nghiệp. Điều này xem ra có vẻ hợp lý hơn cả.





    Thứ nhất, Tư Mã Thiên (145-86 BC) trong sách Sử Ký phần Tiểu Sử Các Hiệp Khách luôn luôn phân biệt rõ "hiệp sĩ bình dân" (ăn mặc xuề xòa), "hiệp sĩ làng", "hiệp sĩ xóm nghèo" . Điều này hàm ý có những hiệp sĩ không bình dân, không thuộc làng xóm, vì nếu không, thì chả cần phải nói rõ gốc gác xã hội ra như vậy.
    Thứ hai, ông so sánh hiệp sĩ mà Thái Tử phong kiến thường gọi là "khách" với hiệp sĩ bình dân, và nếu nhận xét hiệp sĩ bình dân thi hành công việc khó khăn hơn, đáng khen, đáng phục hơn, mặc dù "khách" cũng là hiệp sĩ.
    Ban Cố (32-92) trong sách Hán Thư cũng viết:
    • "Dựa vào ảnh hưởng của các Vương, các Công, họ [Thái Tử] trở thành hiệp khách".
    Vậy rõ ràng quý tộc cũng có thể là hiệp khách.

    Hiệp khách được cấp dưỡng, nhưng không thể bảo tất cả dựa vào công tác để có lợi tức như một nghề.
    • Chu Chia (thế kỷ III BC) là chủ điền, mua dân làm lao động trên đất của mình.
    • Ning Ch'eng (thế kỷ II BC) mua đất, làm giầu rồi mới bắt đầu hành hiệp.
    Thật ra, thường là hiệp khách cho tiền giúp người, hơn là hành hiệp để được nhận tiền. Tiền của họ phần nhiều do quà tặng của bạn bè, người hâm mộ, đóng góp tự nguyện, mặc dù đôi khi họ cũng tịch thu của cường hào ác bá bóc lột để đem cho người nghèo.

    Mặt khác có người không phải vì giỏi võ nghệ hay tài quân sự, mà chỉ vì lòng vị tha, bác ái, thực thi công lý mà nổi tiếng hành hiệp. Như vậy không thể bảo hiệp khách là một giai cấp hoặc chuyên nghiệp, mà đúng ra họ chỉ là người có lòng hào hiệp, theo đuổi một lý tưởng. Lý tưởng này thường bao gồm mấy đặc điểm như sau.

    • 1/ Vị tha.
      Đây là đặc điểm nổi bật của hiệp khách. Họ thường giúp đỡ người nghèo, kẻ bị áp bức, đôi khi mất mạng vì ra tay cứu người. Không những đối với thân thuộc, bạn bè, mà cả đối với người dưng, cho nên hiệp thường gắn liền với nghĩa, gọi là hiệp nghĩa để chỉ tánh cách vị tha này.
      Phùng Hữu Lan nhận thấy cái nghĩa này cao hơn tiêu chuẩn đạo đức bình thường, là một "siêu đạo đức".
      • Làm ơn không mong báo đáp là đạo đức,
      • nhưng làm ơn mà từ chối báo đáp là siêu đạo đức


      2/ Công lý.
      Vị tha trên phát sinh từ quan niệm công bằng hợp lý, có khi đặt trên cả tình cảm gia đình.
      • Vd. Kuo Hsieh đành để cháu mình bị giết vì ông nghĩ nó đã làm điều sai trái.
      Công bình đòi phải "chơi đẹp", kết hợp với vị tha tạo nên câu nói mô tả rất đúng: hiệp khách là người "giữa đường thấy chuyện bất bình, liền rút đao tương trợ"; Trong khi chính khách hy vọng hão huyền vào chuyện lay động tâm các vua chúa thì hiệp khách tìm được cách nhanh chóng và trực tiếp để ít ra thi hành chút công lý hạn chế.


      3/ Tự do cá nhân.
      Hiệp khách biểu lộ thái độ phản kháng không những bằng cách công khai thách thức luật pháp khi tự tay thực thi công lý, mà cả trong cuộc sống thường ngày. Họ thích tự do tuyệt đối, xem nhẹ quy ước xã hội, không theo một hình thức nào nhất định, đôi khi kỳ quặc, cho nên có người còn được gọi là quái khách.
      • Vd. Kinh Kha bạn với kẻ bán thịt chó, nhạc sĩ ( Cao Tiệm Ly ), cùng nhau ăn uống, cười khóc chỗ công cộng.
      • Chi An (112 BC) ngông cuồng, cục cằn, thô lỗ.


      4/ Trung thành.
      Trung thành cá nhân, riêng tư được coi trọng hơn cả trung thành với vua chúa, cha mẹ.
      • Kinh Kha chết cho Thái Tử Đan nước Yên không phải vì trả ơn cấp dưỡng mà vì "tri kỷ".
      • Thái Tử Wu-chi (243 BC) đãi ngộ hiệp khách rất hậu, trọng dụng Hou Ying. Khi phải di tản, Hou Ying già không thể đi theo, cắt họng để tỏ dạ trung thành.


      5/ Can đảm.
      Phải có can đảm thật lớn về thể chất cũng như tinh thần mới thành hiệp khách. Họ không ngại nguy hiểm, không coi trọng mạng sống, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, khi cần hy sinh cho đại nghĩa.


      6/ Chân thành và tin tưởng nhau.
      Hiệp khách coi trọng chân thực trong lời nói cũng như việc làm.
      Tư Mã Thiên viết
      • "Họ luôn luôn nói thật, luôn luôn hoàn tất việc đã khởi sự, luôn luôn giữ lời hứa".
      Có người thà chết hơn phản bội, để lộ bí mật.
      • Vd. Chi Shao-kung tự tử để khỏi lộ chỗ ẩn náu của Kuo Hsieh đang bị quan quân lùng bắt.
      • Điền Quang cũng tự tử để khỏi lộ bí mật của Thái Tử Đan.


      7/ Danh dự và danh vọng.
      Trung thực có liên quan đến danh dự.
      Tư Mã Thiên viết
      • " Họ hành động kỷ luật và trọng danh dự để cho tiếng tốt lan truyền".
      Hàn Phi Tử tuy chê họ, nhưng cũng phải công nhận họ đã đặt tiêu chuẩn cao về sự chính trực để được nổi tiếng. Hành hiệp chủ yếu do vị tha, nhưng cũng có một động cơ phụ hơi vị kỷ là thích được nổi tiếng..


      8/ Quảng đại và coi thường phú quý.
      Một mặt ham muốn nổi danh, nhưng mặt khác họ coi thường giầu sang. Họ có thể sở hữu hoặc được tặng nhiều tiền của, nhưng không bị cám dỗ, coi thường tài vật, và hào phóng chia sẻ cuộc sống dễ dãi với thân thuộc, bạn bè; hoặc quảng đại phân phát cho người nghèo.





    Dĩ nhiên không phải tất cả mang danh hiệp khách đều sống tuyệt đối trọn vẹn theo lý tưởng, cũng như người theo đạo ít khi sống trọn vẹn hết được các giáo điều. Đây chỉ là bản chất của con người, không riêng hiệp khách. Mặt khác họ cũng không toàn hảo. Ngay hiệp khách nổi tiếng đã sống rất lý tưởng cũng không tránh được nhược điểm nghiêm trọng.
    • Vd. họ rất dễ bị chạm tự ái, dễ nổi sùng, và hơi chút là động thủ. Đôi khi phản ứng quá lố, không tương thích với sự cố, mà có khi chỉ là tưởng tượng.

      Sách Hoài Nam Tử kể chuyện nhà giầu kia tiệc tùng vô ý để con diều bay thế nào mà làm rớt xác một con chuột xuống trúng đầu một hiệp khách. Nhóm hiệp khách cho là khinh thường họ, chờ nửa đêm xông vào nhà giết sạch cả gia đình.


    Ngoài ra quan niệm công lý của hiệp khách có tính hạn chế, trên căn bản cá nhân riêng rẽ hơn là toàn bộ xã hội. Hành động vị tha, cứu người chỉ lợi ích cho một số người thụ hưởng, không tác dụng đến cộng đồng. Mặt khác, coi thường pháp luật khi tự tay thực thi công lý, vô tình họ đã làm xáo trộn trật tự xã hội. Thảo nào họ bị Hàn Phi Tử và Ban Cố lên án trong khi Tư Mã Thiên thì khen ngợi.

    Xét cho cùng, công của họ nhiều hơn tội. Ngay như Ban Cố cũng thừa nhận
    • "Nhìn chung họ là người có lòng tốt, đáng yêu; giúp người nghèo và cứu người hoạn nạn; khiêm nhượng và không khoa trương".
    Nếu không có lý tưởng với các đặc điểm nêu trên, làm sao họ có thể hành hiệp như vậy được.

    Họ sống tự do, hành động theo sở thích, nhưng không phải vô luân lý và đạo đức. Lý tưởng của họ có vài điểm tương hợp với các tư tưởng đương thời.
    • Họ không thích khuôn phép gò bó, đạo trung dung của Nho giáo, nhưng nhân, nghĩa, tín thì có phần tương hợp.
    • Pháp gia quá khe khắt, thiếu bao dung, nhân đạo không hợp với họ.
    • Mặc giáo và Lão giáo nhiều tương đồng với họ hơn.
    • Sau này thêm Phật giáo từ bi bác ái,
    • và Minh giáo cởi mở, rất hợp với họ.
    Cho nên hiệp khách có người là đạo sĩ, tăng ni hoặc đệ tử của họ.






    Lịch sử Trung Hoa từ Chiến Quốc đến nhà Thanh ghi lại nhiều hiệp khách nổi tiếng thật ngoài đời cũng như truyền thuyết.
    • Vd. Kinh Kha, Võ Tòng, Tống Giang...
    • Nhà thơ Lý Bạch (701-762) đời Đường.hồi trẻ đam mê quân sự và kiếm thuật, sống như hiệp khách, coi thường của cải. Chính ông tuyên bố có lần trong vòng một năm, ông giúp đỡ người hoạn nạn gần hết gia sản. Wei Hao, bạn ông, cho biết chính Lý Bạch đã dùng tay giết chết vài người.

    Sang tới Thanh triều (1644-1911) số hiệp khách giảm dần, nhưng không bao giờ hết hẳn.
    • Hai trong số lãnh đạo của cách mạng Thái Bình (1851-1866) là Hồ Dĩ Hoàng và Lâm Phượng Tường được coi như hiệp khách.
    Số hiệp khách giảm là vì xuất hiện chế độ bảo tiêu. Hiệp khách nay bảo vệ hàng hóa di chuyển của thương nhân, cũng như làm vệ sĩ cho quan chức. Trớ trêu là xưa họ coi thường luật pháp, nay trở thành bảo vệ luật pháp. Nhưng tinh thần hành hiệp vẫn không mất vì họ thường không chịu bảo vệ quan chức ác độc hoặc ức hiếp người nghèo.

    Hiệp khách có nhiều ở phía bắc Trung Hoa, có lẽ vì gần núi non sa mạc bao la, hơp với cuộc sống đây đó, cưỡi ngựa, bắn cung hơn miền Nam sống bằng nhiều thủy lộ. Tuy ngày nay không còn hiệp khách, nhưng tinh thần hành hiệp vẫn thỉnh thoảng thể hiện trong cuộc sống văn minh hiện đại..




    Dựa vào lịch sử, các nhà văn đã hư cấu thêm, tạo nên những nhân vật hiệp khách với các kỳ tích và tình tiết gay cấn, làm say mê độc giả trong các truyện như
    • Thủy Hử, Tam Hiệp Ngũ Nghĩa, Giang Hồ Kỳ Hiệp (Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự), Giao Trì Hiệp Nữ, Bồng Lai Hiệp Khách...
    Nhất là từ thập niên 50 thế kỷ XX xuất hiện truyện võ hiệp của các tác giả hiện đại như
    • Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Kim Dung..
    mở ra một kỷ nguyên mới đa dạng, sâu sắc, ly kỳ, hấp dẫn cả trăm triệu độc giả. Người viết hy vọng rằng hiểu biết bối cảnh lịch sử xuất hiện của hiệp khách sẽ giúp độc giả thưởng thức truyện chưởng đầy đủ hơn.






    Phạm Đức Thân
    (tham khảo sách The Chinese Knight-Errant, James J. Y. Liu)

    nguồn: http://www.art2all.net/tho/phamducthan/ ... nglaai.htm
Trả lời

Quay về “Kim Dung”