Chuẩn bị ngày giỗ 30 tháng10 TẢN MẠN ÐÔI ÐIỀU VỀ TRUYỆN KIẾM HIỆP CỦA KIM-DUNG

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Chuẩn bị ngày giỗ 30 tháng10 TẢN MẠN ÐÔI ÐIỀU VỀ TRUYỆN KIẾM HIỆP CỦA KIM-DUNG

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Chuẩn bị ngày giỗ 30 tháng10
    TẢN MẠN ÐÔI ÐIỀU VỀ TRUYỆN KIẾM HIỆP CỦA KIM-DUNG





    Khưu-Xứ-Cơ sinh năm 1148 tại Sơn-Ðông, là đệ tử của Vương-Trùng-Dương (Toàn Chân Giáo). Ông được Nguyên Thế Tổ tặng biệt hiệu Trường Xuân Chân Nhân. Có lẽ vì người đời phóng đại tán dương là ông giỏi thuật trường sinh có thể sống đến 300 năm, rất hợp với nỗi khát khao thầm kín nhưng mãnh liệt của Thành Cát Tư Hãn, người muốn chinh phục thế giới. Nên đại hãn đã hạ chiếu thư với lời lẽ hết sức khiêm cung trân trọng, để mời Chân Nhân hội kiến. Năm 1222 Khưu-Xứ-Cơ tới Tháp Lý Hàn của Thành Cát Tư Hãn (thuộc nội địa Afganistan ngày nay). Ông đã nói rằng: “Ðạo trường sinh phải là sự sống vĩnh hằng của chân ngã, chứ không phải là công năng của dược liệu cho nhục thể”.

    Nhân vật Khưu-Xứ-Cơ được “minh chủ võ lâm” của tiểu thuyết kiếm hiệp là Kim-Dung nhắc đến trong “Anh hùng xạ điêu”. Ỷ thiên đồ long thì báo Ðồng-Nai dịch là “Cô Gái Ðồ Long”, nhưng đọc hết tác phẩm, không thấy cô gái nào giết rồng hết! Kim-Dung gát bút “độc cô cầu bại”, “tiếu ngạo giang hồ” thiên giới vào lúc 16 giờ 30 ngày 30/10/2018 để lại cho đời mười bốn bộ truyện kiếm hiệp, không những làm cho hằng triệu triệu người Á-Châu say mê điên đảo, (nội người Hoa đã 300 triệu ấn bản khắp thế giới) mà còn được Anh Quốc trao tặng huân chương OBE năm 1981, Bắc Đẩu Bội Tinh năm 1982, Commandeur de l’Ordre des Arts et des Lettres năm 2004 của chính phủ Pháp. Kim-Dung cũng là giáo sư danh dự của đại học Bắc-Kinh, Chiết-Giang, Nam-Khai, Hong Kong, British Columbia, là tiến sĩ danh dự của Đại học Cambridge. Ông cũng là thành viên trong Ủy Ban Dự Thảo Đạo Luật Cơ Bản Hồng Kông, cũng là Ủy viên Giám sát sự chuyển giao Hồng Kông về Trung Quốc.

    Rớt tú tài là đi trung sĩ, nhưng lũ học trò chúng tôi (những năm 1962, 1963, 1964,) ngày mai đi thi, đêm nay còn mê “luyện chưởng” cho tới khi biết cho bằng được kết quả Chu-Chỉ-Nhược với tình thù rực nắng hay nàng công chúa Triệu-Minh tài sắc vẹn toàn sẽ nên duyên với Trương-Vô-Kỵ, rồi mới yên lòng đi thi! Ðến khi Tiếu Ngạo Giang Hồ ra đời thì báo Cấp-Tiến phải phái một phóng viên qua Hong Kong để dịch ngay cho báo mình ra trước các báo khác một ngày. Buổi sáng vào chỗ làm thì từ ông tổng giám đốc ngân hàng đến giám đốc, nhân viên, lao công, gác dan… đều bàn tán sôi nổi xem làm sao Lệnh Hồ Xung dùng “vô chiêu” thắng được Vạn Lý Ðộc Hành Ðiền-Bá-Quang! Kim-Dung không những có mặt cho giải trí mà còn ảnh hưởng tới xã hội, văn hóa, và cả tới chính trị nữa. (Ðặng-Tiểu-Bình cũng mê kiếm hiệp của Kim-Dung). Kim-Dung dùng đối thoại của đôi tình nhân Quách-Tỉnh, Hoàng-Dung để nhắn nhủ các lãnh đạo: “Anh hùng phải là người yêu nước yêu dân và luôn nghĩ cho sự an vui của bá tánh”.

    Ông cũng gián tiếp đưa những nghệ nhân tầm thường trở thành tài tử gạo cội lừng danh như: Lý-Á-Bằng vai Lệnh-Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, Xà Thị Mạn trong Tuyết Sơn Phi Hồ, Trương Trí Lâm, vai Quách-Tỉnh trong Anh Hùng Xạ Điêu. Không ai thay thế được La Gia Lương qua vai Dương-Khang, trong Anh Hùng Xạ Điêu, Trần Tiểu Xuân không dám đóng vai Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký, vì sợ không thể sánh nổi với Lương Triều Vĩ, nhưng kết cuộc lại được nhiệt liệt tán thưởng, Lý Nhược Ðồng cũng được ái mộ không thua gì Trần Ngọc-Liên trong vai Tiểu Long Nữ. Vai Dương Quá trong Thần Điêu Đại Hiệp đã nâng Cổ Thiên Lạc từ người mẫu bước lên điạ vị tài tử gạo cội. Lưu Diệc Phi đẹp thoát trần, xứng đáng với đệ nhất giai nhân Vương Ngọc Yến trong Thiên Long Bát Bộ. Dương-Mịch được ca ngợi qua vai Quách-Tương trong Thần Điêu Đại Hiệp… Những cuộc tình thiên thu tuyệt vọng làm chấn động lòng người như thánh nữ Tiểu-Siêu ngậm ngùi, biệt ly với Trương-Vô-Kỵ mà về hồi giáo Ba-Tư. Công Tôn Lục Ngạn chôn xác dưới Tuyệt tình cốc vì hy sinh đỡ một nhát đao cho người yêu Dương Qúa. Trời đất cũng tang thương khi anh hùng Kiều Phong ôm xác A-Châu với nỗi đau khổ thê lương trong sấm chớp mưa giăng, phủ mờ nước mắt! A-Tử móc mắt trả lại cho kẻ tình si Du-Thản-Chi, rồi từ đỉnh cao của Nhạn Môn Quan, ôm xác tỉ phu Tiêu-Phong, lao xuống vực thẳm, cũng là một kết cuộc đầy bi thương.

    Tuy nhiên, có lúc độc giả cũng chúc phúc và hân hoan cho Hư-Trúc “lù khù mà ôm cái lu” lấy được công chúa Tây-Hạ, không cầu mà tái hợp “Mộng Cô” để thành phò mã. Chàng khờ Ðoàn-Dự mê gái đến quên mạng sống của mình. Ai mắng mỏ, xỏ xiên mặc kệ, cái mặt trơ trơ, cứ đeo sát giai nhân Vương Ngọc-Yến, lúc nào cũng sẳn sàng vì nàng mà hy sinh tính mệnh. “Trời cao có mắt” nên cuối cùng Vương Ngữ-Yên cũng đáp lại tình chàng, cho bỏ công đeo đuổi!

    Tiến sĩ, giáo sư đại học, nhà văn viết bài bình luận: Ðỗ Long Vân, (học văn khoa Đại học Sorbone Paris, giáo sư đại học Huế đã viết tiểu luận “Vô-kỵ giữa chúng ta hay là Hiện tượng Kim Dung”, Nhạc sĩ Vũ Ðức Sao Biển (Võ-Hợi / PCT) đã viết khảo luận “Kim Dung giữa đời tôi”. Nguyên Sa, Bùi Giáng, Hiếu Chân, Nguyễn Mộng Giác, Bửu Ý… cũng nhiều bình luận. Giáo sư Nguyễn-Ngọc-Huy, (người trình luận án tiến sĩ chính trị tại Đại học Paris) đã viết tác phẩm “Các ẩn số chánh trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim-Dung”. Sách dày hơn 300 trang và tái bản ba lần. (xem tự do trên internet). Bộ giáo dục Singapore đã dùng “Thiên Long Bát Bộ” hay “Lục Mạch Thần Kiếm” làm tài liệu giáo khoa cho học sinh trung học cấp ba. Con nít trong các xóm lao động hát “Có Cô Gái Ðồ Long lắc bầu cua, lắc một cái ra ba con gà mái”. Ðứa khác không chịu, cải lại: “hai con thôi” rồi xáp vô đánh nhau bằng chưởng! “Hoa-Sơn luận kiếm” xong rồi, cả bầy “ma giáo” này kéo nhau duyệt binh quanh xóm, rống họng lên “muôn năm trừng trị, nhất thống giang hồ!”. Mấy thằng cu lẹt đẹt phiùa sau, chạy theo tuột quần luôn mà không huởn để kéo lên!

    Chiêu cuối cùng trong đả cẩu bổng pháp (đánh chó) của Hồng Thất Công là “thiên hạ vô cẩu”. Phải chăng Kim-Dung ước mơ một xã hội không còn loại cẩu quan, là loài ăn bẩn, tham quan vô lại? Trương Vô Kỵ là con của ngũ hiệp Trương Thiếu Sơn mà mẹ lại là ma nữ Ân Tố Tố. Vô-Kỵ thừa kế tất cả tài năng của một thần y, là đệ nhất cao thủ về Cửu dương thần công phái Thiếu Lâm, lại đạt công lực tột đỉnh về Càn khôn đại na di của minh giáo Ba-Tư. Trên đỉnh Quang-Minh dùng vô địch thần công của mình để hóa giải hận thù, cứu cho Minh giáo khỏi bị diệt vong và tránh tổn thương cho lục đại môn phái. Vô Kỵ không những là một anh hùng đem lại thái bình cho võ lâm mà còn chứng tỏ một tấm lòng nhân từ độ lượng vô bờ bến. Khác với Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, Nhậm Ngã Hành gian ác, thủ đoạn bá đạo phải nhận lãnh kết cục đau thương!

    Cái ghen đã gây ra những cuộc trả thù long trời lở đất: Một vương phi cành vàng lá ngọc, đã trả thù quân vương Ðoàn-Chính-Thuần lã lướt bay bướm, bằng cách hiến mình cho một tên ăn mày dơ dáy Ðoàn-Diên-Khánh! (Khang Mẫn) trong vai Mã phu nhân của Cái bang (xuất hiện là quần hùng mê mẫn), đã trả thù người hờ hững trước nhan sắc của mình, bằng những thủ đoạn làm cho đại anh hùng Kiều-Phong tự sát, chết đứng giữa loạn đao của quần hùng tại Nhạn Môn Quan! (Thiên Long Bát Bộ ấn bản 2003 thì nói rằng Tiêu-Phong không cầm quân phạt Tống theo lệnh vua là bất trung bất nghĩa, nên tự sát). Khi tiễn Vô Kỵ xuống thuyền đi trị bệnh, cô bé Chu Chỉ Nhược bịn rịn nhìn theo “con mắt còn có đuôi”. Tình yêu đã khắc sâu từ đấy. Vậy mà Thù Nhi (cháu nội của Ân Thiên Chính) dám đòi làm vợ Vô Kỵ, không đúng nguyên tắc “First come first serve”, ghen ứa gan luôn, nên sau khi đánh thuốc mê mọi người, Chỉ Nhược đã rạch nát mặt Thù Nhi cho biết tay; rồi đổ hết tội lên đầu tình địch Triệu Minh!

    Tên gián điệp với hành tung bí mật, xuất qủi nhập thần, tạo ra gió tanh mưa máu, thống khổ điêu linh cho giang hồ, lại là tên Thành-Khôn khoác áo cà sa núp bóng trong Thiếu lâm tự!

    Kim-Dung quả là một thức giả uyên bác vô tiền khoáng hậu! Nhưng ông có dụng ý gì khi để cho Khưu-Xứ-Cơ tặng hai con dao cho anh em Quách-Tỉnh và Dương-Khang? Trong văn hóa của người Việt, người Nhật, chắc người Hoa cũng kỵ tặng dao kéo là đồ chia cắt, hay LY là cách biệt phân ly. Có những món mà người đời thường không dùng làm qùa tặng nhau. Người Nhật không tặng đồng hồ. Người Việt cũng không tặng khăn là khó khăn, lau mồ hôi nước mắt. Tặng người yêu hoa vàng là hoàng hoa ly biệt, thay lời chia tay. “Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc”. Nếu đã thực sự có nàng, cần gì yêu hoa cúc cho đỡ tương tư? Quách-Tỉnh là con người lương thiện, chẳng những không làm phò mã, đại tướng cho Thành Cát Tư Hãn, không đem quân Mông-Cổ tiêu diệt nước Tống để làm vua Tống. Trái lại, Quách-Tỉnh quyết tâm bảo vệ bá tánh thành Tương-Dương và trở thành anh hùng nước Tống. Còn Dương-Khang quên nghĩa phụ tình, bán nước cầu vinh. Dương-Khang đâm chết Âu Dương Khắc rồi để luôn con dao có khắc tên Quách Tỉnh trên thi thể nạn nhân. Tây Ðộc Âu Dương Phong mất con đau xót, nên hồ đồ giết oan cả sáu sư phụ của Quách-Tỉnh để trả thù! Có phải hai con dao đã chia cắt tình huynh đệ và xảy ra những đau thương hay không? Hai anh em Quách và Dương vừa nhận hai con dao từ Khưu-Xứ-Cơ thì thảm họa chết chóc, ly tán liền xảy ra! Quách Tỉnh xuất thân con nhà đàng hoàng, thật thà, chậm chạp, tối dạ nhưng một phần vì có tâm tốt, một phần nhờ người yêu Hoàng Dung “cố vấn” mà trở thành đại hiệp. Nhưng thần tượng Quách-Tỉnh bị phê phán khi con gái Quách-Phù lở tay chặt đứt tay của Dương Qúa, Ông quyết tâm chặt đứt tay con gái, không biết để làm gì? Nếu không nhờ Hoàng Dung và sư phụ Kha Trấn Ác ngăn cản sự điên rồ này, thì Quách Tỉnh đã trở thành tội nhân thiên cổ! Còn Vi Tiểu Bảo trong Lộc Ðỉnh Ký là con một cô gái điếm, cờ bạc, lưu manh, tham lam hiếu sắc, sợ chết! Lần đầu gặp A-Kha là say mê điên đảo, cuối cùng lấy tới bảy bà vợ. Hắn là ân nhân của Thái hậu, bạn của hoàng đế, dạy vua chưởi thề (“con bà nó”), là Hương chủ Thiên Ðịa Hội, là Bạch long sứ của Thần Long giáo, là em rể của vua, là tình nhân của công chúa nước Nga. Rồi cao nhất là Lộc Ðỉnh Công, Ðô thống của triều Thanh. (Vua nói không còn chức nào cao hơn nữa để ban cho hắn). Hắn không biết chữ nhưng ân oán phân minh, hết mực kính yêu sư phụ Trần Cận Nam, biết dùng tình, tiền, thế lực… nên trở thành ân nhân của mọi người. Do đó muốn làm cái gì cũng thành công hết. Cho nên hắn là “đệ nhất kỳ nhân” trong tiểu thuyết Kim Dung!

    Kim-Dung kết thúc tác phẩm rất tài tình hợp lý. Nghe nói có lúc ông thử sửa “Thần Điêu Đại Hiệp” để cho Tiểu Long Nữ chết luôn khi rơi xuống vực và Dương Quá không tái hợp Cô Long nên phải lấy Quách-Tương. Ðộc giả ồ ạt kéo đi biểu tình phản đối cái kết vô hậu như vậy, nên ông không dám sửa nữa! Trong Ỷ thiên Ðồ Long Ký, Kim Dung đã gởi gấm một chủ đề: “Biết điều sai mà sửa, là làm một điều thiện lớn”: Giang hồ nhìn Ân Tố Tố là ma nữ tà giáo, nhưng khi cùng Trương Thúy Sơn kết làm chồng vợ đã thề: “Nếu sau này được về lại Trung Nguyên, tiểu nữ sẽ cải tà qui chánh, sám hối tội đã qua, theo phu quân làm điều thiện, quyết không giết ai nữa”. Ðến khi mang thai, thấy chồng bắt được một con hươu mẹ, hươu con đi theo mãi không rời, nàng liền đem hưu mẹ thả đi, dù mọi người phải chịu đói! Ðến khi Thúy-Sơn chết, nàng đã tự sát chết theo chồng cho trọn nghĩa đá vàng! Chỉ có chân nhân như Trương Tam Phong mới dám nói “Hai chữ chính tà thực ra rất khó phân biệt. Ðệ tử chính phái mà tâm thuật bất chính, cũng là tà đồ. Người trong tà phái nhưng nhất tâm hướng thiện, cũng là chính nhân quân tử”. Trong Lục Mạch Thần Kiếm, ông để cho Mộ Dung Phục vì mưu đồ làm vua mà phụ tình một đại giai nhân tuyệt sắc là Vương-Ngọc-Yến, nên cuối cùng cũng được lên ngôi xưng trẩm với đám quần thần con nít, tóc còn để chỏm nơi nghĩa điạ! Kim Mao Sơn Vương Tạ-Tốn tự phế bỏ võ công, hóa giải oán thù bỏ đồ đao hướng Phật. Khi Trương-Vô Kỵ chạy tới bên cạnh, nước mắt như mưa, chỉ gọi được “nghĩa phụ”. Tạ Tốn cười: “Thằng ngốc con, nghĩa phụ được ba vị cao tăng điểm hóa, đại ngộ, tội nghiệt cả đời hoá giải. Ngươi phải vì ta mà vui mừng, sao lại khóc? Ta phế bỏ võ công có gì đáng tiếc…”. Còn như Mộ Dung Bác suốt đời mưu bá đồ vương, có huyết hải thâm thù với Tiêu Viễn Sơn, sau khi được cao tăng Thiếu Lâm chuyển hóa, đã đại triệt đại ngộ mà rằng: “Thứ dân như đất như bụi, đế vương cũng chỉ có thế mà thôi. Ðại Yên không phục quốc là không mà phục quốc cũng là không.”

    Như vậy triết lý Phật giáo được Kim-Dung lồng vào kiếm hiệp rất lý thú. Nhưng Nghi-Lâm sư muội “đi tu làm sao cho thành chánh quả” bởi hình bóng Lệnh Hồ đại ca không bao giờ nhạt phai trong tim? Chưa kết được! Cũng như Quách-Tỉnh nếu không gặp Hoàng-Dung, đâu có nỡ nào phải để Hoa-Tranh công chúa mỗi hoàng hôn mỏi mòn chờ đợi trong bụi mờ của đại mạc?/-


    Thiên Cơ Phạm-đình Mai


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Kim Dung”