Trang 1/1

Phê bình Kim Dung

Đã gửi: Thứ tư 26/12/18 18:42
bởi Hoàng Vân
  •           





    Phê bình Kim Dung
    ________________________________
    13/11/2018

              

              




    Kim Dung, nhà văn Trung Hoa nổi tiếng về tiểu thuyết võ hiệp vừa qua đời ngày 30/10/2018. Người viết xin có đôi giòng nhắc lại sự nghiệp ông. Tiểu sử và khen ngợi ông độc giả VN chắc chẳng lạ gì qua net và một số sách nghiên cứu của người Việt cũng như Trung Hoa (đã được dịch). Bài này chỉ xin nêu vài nhận định tiêu cực về ông mà độc giả VN ít biết để có một hình ảnh toàn diện về nhà văn nổi tiếng này.


    Nửa sau thập niên 50 tại Hong Kong, Đài Loan cũng như cộng đồng Hoa Kiều, nở rộ tiểu thuyết võ hiệp. Cho tới thập niên 70 đã xuất hiện nhiều truyện hay, gọi là Tân Phái, để phân biệt với các truyện cùng loại thời kỳ trước, gọi là Cựu Phái hay Uyên Ương Hồ Điệp Phái. Các truyện hay này, cùng với các truyện mô phỏng tiếp sau, cũng như các chuyển thể sang phim ảnh, TV, truyện tranh, video games… vẫn tiếp tục lưu hành đến nay, tất cả tạo một nét phổ quát trong văn hóa đại chúng Trung Hoa toàn cầu. Nổi tiếng nhất là truyện của Kim Dung.

    Kim Dung đến định cư tại Hong Kong năm 1948, và năm 1955 bắt đầu xuất bản truyện trên báo tại thuộc địa này. Kim Dung là tác giả Trung Hoa thế kỷ XX có độc giả đông đảo nhất, hơn cả Lỗ Tấn. Truyện Kim Dung đượm nhiều tình cảm trong toàn cảnh rộng lớn của lịch sử Trung Hoa; sức sáng tạo không ngừng với các bố cục phức tạp hấp dẫn; đủ mọi kiểu loại nhân vật đa diện sống động và các khám phá tâm lý trong tương quan giữa họ; kết hợp các kỹ thuật văn chương tinh tế của Tây Phương với thể loại võ hiệp truyền thống; tái tạo văn xuôi bản điạ; tài tình đan dệt những chiêm nghiệm sâu sắc của đời sống vào các hoạt động võ hiệp làm độc giả thích thú; giới thiệu thành công văn hóa và giá trị của Trung Hoa tới lượng độc giả lớn lao, đa dạng, khác nhau về địa lý, giai tầng xã hội và tuổi tác.

    Nhiều người xác quyết truyện Kim Dung không những là điển hình tuyệt nhất của tiểu thuyết võ hiệp mà chúng còn nâng thể loại này thành văn chương chính thức. Tác phẩm của ông được đưa vào chương trình học, thảo luận trên hội nghị văn học thế giới, và tạo thành một mảng nghiên cứu văn học gọi là Kim học (Jinology).

    Có tin đồn nhiều lần ông được đề nghị giải Nobel. Truyện Kim Dung còn có ý nghĩa lớn ở chỗ trước đây loại kiếm hiệp chỉ được coi nhẹ, thêm nữa lại xuất phát từ một thuộc địa, không phải lục địa chính quốc, vậy mà ngày nay Kim Dung đã được lục địa công nhận, vinh danh, và được tặng thưởng nhiều bằng danh dự.



    Tân Phái là tên gọi loại truyện võ hiệp thập niên 50 ở Đài Loan và Hồng Kông, để phân biệt với Cựu Phái của tác giả trước giải phóng. Tân Phái là tiếp nối Cựu Phái về nội dung, chủ đề, kết cấu, và kỹ thuật tự sự, chứ không phải là một cuộc cách mạng tách biệt, và mang tính cách địa lý, chính trị hơn là văn chương nghệ thuật.

    Lục địa cho rằng nhân tố chính tạo nên xuất hiện và thành công của Tân Phái là sức mạnh truyền thống của truyện kiếm hiệp đã có từ xưa; thịnh vượng của nền kinh tế hậu chiến kéo theo giải trí văn hóa mở rộng; cũng như thể hiện tâm lý văn hóa đặc thù của dân Trung Hoa qua quan niệm nghĩa và hiệp.

    Xuất hiện truyện võ hiệp Tân Phái ở hải ngoại không phải chỉ do tâm lý ước muốn ngấm ngầm về nghĩa hiệp, giang hồ, lịch sử và địa lý của đất đai tổ tiên. Nó còn là một tránh né tạm thời khỏi văn minh thương mại hiện đại, khỏi cạnh tranh kinh tế tàn nhẫn và phấn đấu sinh tồn. Nó là một hình thức độc đáo của phản kháng, một cảm giác bất an sâu sắc.



    Nói vậy thật quá đơn giản vì đã bỏ qua bối cảnh địa lý chính trị của Tân Phái. Nhiều người tị nạn ở Đài Loan và Hong Kong không phải vì lý do kinh tế mà vì không chấp nhận chế độ Cộng Sản. Kim Dung không chỉ là nhà văn mà còn là chủ nhân tờ Minh Báo, nhà bình luận chính trị, một tiếng nói của dân Hong Kong, phân tích các biến động chính trị tại đại lục những thập niên 60, 70, 80, hội viên của ủy ban phác thảo chương trình Hong Kong trở lại lục địa, phát ngôn viên và đại diện của truyền thông Trung Hoa, một danh nhân nổi tiếng luôn luôn được truyền thông thế giới theo dõi.

    Ma Kuok-ming phân tích hình thành của truyện Kim Dung, nhận thấy hầu hết truyện Kim Dung nằm trong bối cảnh lịch sử dân Hán bị đe dọa, hay thực sự bị đô hộ của ngoại bang.

    Ông đọc truyện Kim Dung như một điều đình về các vấn đề căn cước của thuộc địa Hong Kong. Ông chỉ ra chủ nghĩa ái quốc đấu tranh đẫm máu trong các truyện ban đầu như Anh Hùng Xạ Điêu đã bị xét lại, dung hòa và biến chất trong các truyện về sau. Theo ông có sự tương đồng giữa hoạt động võ hiệp và thảo luận văn hóa ưu tú truyền thống.

    Toàn bộ tác phẩm Kim Dung cho thấy nỗ lực của giới ưu tú văn hóa cao muốn thảo luận chiến lược duy trì quyền lực trong khi phải đối diện với hai đe dọa: chủ nghĩa đế quốc Tây Phương xâm nhập và quần chúng thấp kém đang vươn lên mạnh mẽ.



    Hong Kong dung hòa đã được thể hiện trong Vi Tiểu Bảo, nhân vật chính trong truyện chót Lộc Đỉnh Ký, đã chọn làm “con hoang” (bastardy) của đế quốc để đổi lại được tiếp tục hưởng các đặc quyền của gia trưởng. Cái khúc xạ của kinh nghiệm Hong Kong trong Lộc Đỉnh Ký cũng là điểm chính của Lin Linghan khi cho rằng Lộc Đỉnh Ký phơi bầy thảo luận phức tạp giữa lực lượng chính trị của chủ nghĩa thực dân và đòi hỏi ý thức hệ và kinh tế của văn hóa thương mại.



    Song Weijie cũng quan tâm đến các khía cạnh thực dân, dân tộc và căn cước, cho rằng lịch sử tác động trong truyện biểu thị cơ bản các vấn đề đương đại. Tuy nhiên không thể giản lược truyện Kim Dung vào tình trạng Hong Kong như một ẩn dụ dân tộc.

    Xem xét những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc, vấn đề căn cước cá nhân, xác định ký ức lịch sử và văn hóa, cũng như tiến triển của các biểu hiện này trong toàn bộ tác phẩm Kim Dung, ông thấy rằng những văn bản này cần xét lại và phần nào mang hơi hướng thành kiến dân tộc hẹp hòi, cũng như phản ánh những vấn đề của xã hội thuộc địa, của nước nhỏ yếu kém.



    Về thăng trầm của truyền thống văn hóa Trung Hoa hiện đại, He Ping năm 1991 có nhận xét: các nhân vật trong toàn bộ truyện Kim Dung đã dần dần thay đổi thái độ từ tham vọng bất thành muốn thực hiện các giá trị đạo đức và chính trị của Khổng giáo sang cái nhìn của Phật giáo, để sau cùng là thái độ nhạo báng truyền thống của Vi Tiểu Bảo. Thay đổi này phản ánh tiến trình của tư tưởng Kim Dung trước số phận của giá trị Khổng giáo và truyền thống Trung Hoa trong các xáo trộn lớn của thời đại, như Cách Mạng Văn Hóa chẳng hạn.



    Wang Shuo là nhà văn nổi tiếng về truyện giật gân (pulp fiction) thập niên 80. Nhân vật của ông thường là dân hạ cấp, cơ hội, thiếu đạo đức của xã hội đô thị đương đại. Ngày 1/11/1999 xuất hiện bài báo Tôi Đọc Kim Dung (Wo Kan Jin Yong) của Wang Shuo, giống tựa quyển sách của Nghê Khuông. Nói thẳng và giản dị là đặc điểm cùa Wang Shuo. Ông bắt đầu bài báo bằng bầy tỏ sự coi thường các tác giả Đài Loan và Hong Kong như Kim Dung, Quỳnh Dao, không để ý đến truyện của họ, chê bai các người đọc truyện này. Mặc dù không ấn tượng trước danh tiếng đang lên của Kim Dung, có lần bị bạn bè thúc ép, ông đã thử đọc một truyện của Kim Dung, mà ông không nhớ tên vì ông ngửi không được phải vội vàng quẳng nó đi.
    • “Bố cục thì lập đi lập lại, văn phong dài lòng thòng. Ngay khi vừa đụng đầu nhau các nhân vật thường lao vào đấm đá, không thể giải quyết vấn đề mà rõ ràng chỉ cần vài ba câu nói là xong. Nhưng không bao giờ ai kết liễu ai hết. Bất cứ lúc nào có người sắp chết thì lại có ngay một cứu tinh từ trên trời rớt xuống. Tất cả đều vướng mắc trong những mớ bòng bong cựu thù, oán hận, chúng là chỗ dựa duy nhất để kéo dài cốt truyện.”

    Mặc dù kinh nghiệm đọc đầu tiên là gớm ghiếc, ông phải thử lần nữa vì các bạn ông vặn hỏi: “chưa đọc mấy mà sao dám phê bình?” Lần này ông ”phải bịt mũi” đọc hết quyển đầu của bộ Thiên Long Bát Bộ. Kinh nghiệm giống hệt lần trước. Ông công nhận tác giả có cố gắng trông thấy, nhưng nếu viết truyện phạm lỗi gì thì tác giả phạm y hệt. Ngôn ngữ sáo mòn, cổ lỗ, chả có vẻ gì là lời nói thường dùng hiện hành. Nhân vật một chiều, làm đúng theo hướng tác giả vạch trong cấu trúc truyện không sai chạy, giống như mấy con heo bị lửa trong khe hẹp. Họ không còn được nhận diện là con người hoặc là dân Trung Hoa. Nội dung toàn thể giống truyện thời xưa, nhiều bạo lực và hành vi xấu xa, núp dưới chiêu bài giảng dạy đạo đức.

    Lý do duy nhất Wang Shuo có thể nghĩ ra giải thích được tại sao truyện lại phổ biến, là có thể truyện được coi như một “nắn bóp đầu” (head massage) cho những nạn nhân của nếp sống hiện đại quá hối hả, khích động. Tóm lại, truyện Kim Dung thuộc loại nhạc pop Tứ Thiên Vương (Four Heavenly Kings), phim hoạt động của Jacky Chan, và truyện diễm tình của Quỳnh Dao… Bốn thứ đại thông tục, nhưng lại thành công lấn át hẳn bốn cột trụ: văn chương Kỷ Nguyên Mới, nhạc rock and roll, Hàn Lâm Điện Ảnh Bắc Kinh, Trung Tâm Nghệ Thuật Truyền Hình Bắc Kinh.
    • “Tôi không biết vấn đề nằm ở đâu. Có thể là ở Trung Quốc bất cứ cái gì cổ xưa, thô sơ, tự huyền thoại hóa thì lại có sức sống mạnh hơn mọi thứ khác.”


    Phản hồi của Kim Dung trong bài báo ngày 5/11 ngắn và nhẹ nhàng thấy rõ, gồm có bốn điểm có vẻ không liên hệ với nhau. Ông nhắc đến lời khuyên của Phật rằng hãy cố gắng đừng để bị dao động bởi những khen chê bên ngoài và lời dạy của Mạnh Tử là đừng ngạc nhiên bởi những lời khen bất ngờ hoặc phê bình của người cầu toàn. Ông nghĩ rằng Wang Shuo đã mong đợi quá cao ở ông và ông liệt kê những danh dự thiên hạ đã dành cho ông – tiểu thuyết gia bậc thầy thế kỷ XX, tác phẩm được dạy tại đại học Beida, hội thảo ở Colorado về truyện Kim Dung..- mà ông đoan chắc với mọi người là ông cảm thấy không xứng đáng.

    Ông ngạc nhiên thấy được xếp ngang với Tứ Thiên Vương và mấy người khác. Ông cám ơn Wang Shuo đã không khe khắt hơn đối với bốn thứ đại thông tục. Ông nhắc lại ông đã có nhận xét tích cực về tác phẩm của Wang Shuo tại diễn đàn ở Đại Học Bắc Kinh. Sau cùng ông cám ơn độc giả đông đảo đã đón nhận truyện Kim Dung, cám ơn Trời đã ban phúc lớn cho ông. Trước cái lộc to lớn như thế vài lời thị phi không hề làm ông giảm hạnh phúc chút nào.



    Thật ra trước Wang Shuo, ngày 12/08/1999 He Manzi, một học giả về truyện võ hiệp và diễm tình truyền thống, trong bài báo tựa đề “Tiểu Thuyết Võ Hiệp và Diễm Tình” : Sự Kéo Dài Đời Sống Văn Hóa Cổ cũng đả kích Kim Dung và Quỳnh Dao, và không thèm đọc các truyện của họ. Nhưng Wang Shuo công kích mạnh hơn về nhiều mặt. Một là hoàn toàn không có văn tài. Hai là lệ thuộc thẩm mỹ và ý thức hệ vào những giới hạn của tiểu thuyết Trung Hoa cổ truyền. Việc Wang Shuo phản đối nệ cổ quá sáo mòn và tách xa đời sống hiện đại, còn hàm ý nhắc nhở đến quan niệm Mácxit chính thống về phát triển lịch sử của văn hóa và xã hội, qua kết luận
    • “Nghệ thuật giai cấp tư sản Trung Hoa có thể cung cấp thiết yếu là mục nát. Họ có thể bắt chước trào lưu mới, nhưng thế giới tinh thần của họ đã vĩnh viễn lún sâu và thâm nhiễm những mơ mộng hào nhoáng xa xưa“.

    Wang Shuo cũng chê Kim Dung là tác giả ngoại biên, mô tả dân Trung Hoa thiếu đích thực, ngôn ngữ Chiết Giang và Quảng Đông không thích hợp cho viết truyện như ngôn ngữ Bắc Kinh, tác giả miền bắc hơn tác giả miền nam… những vấn đề mà tới nay người của hai phe Wang Shuo và Kim Dung vẫn còn thỉnh thoảng tranh luận. Vì đã hẳn, luôn luôn có những nhân tố địa lý, chính trị, xã hội…ảnh hưởng đến đánh giá tác phẩm.



    Thật ra nhận xét của Wang Shuo chỉ được 7% độc giả đồng tình trong số 3000 người góp ý. 56% coi Wang Shuo là vô căn cứ và quá đáng; số còn lại không ý kiến. Thảo nào KD luôn hạnh phúc là phải. Cầu chúc ông nay ở cõi vĩnh hằng được thêm bội phần hạnh phúc.




    Phạm Đức Thân
    (tham khảo sách Paper Swordsmen của J.C. Hamm)




    http://vietluan.com.au/phe-binh-kim-dung/