- 30/04/2021 - tưởng niệm 46 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

tạp ghi sau 40 năm (kỳ 1)

Bài viết bởi Hoàng Vân »







  • tạp ghi sau 40 năm
              
    (kỳ 1)

    ___________________________
    phi ngọc hùng _ 2015







    nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ
    tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn
    rasul gamzatov

    bạn có thể từ bỏ được mọi thứ
    nhưng bạn không thể từ bỏ được quá khứ
    abraham lincoln



    Tựa

    Giống vòng xích sắt của chiếc xe tăng với những móc xích hoen rỉ, vì năm tháng nối nhau lăn theo gió cát bụi mù của trận địa. Bài sử truyện đây cũng vậy, được kết nối với những trận chiến qua giấy khô mực nẻ gần như đã mờ nhân ảnh theo thời gian từ 2 giờ sáng ngày 10-3-1975 tại Ban Mê Thuột đến 8 giờ 45 tối 30-4 ở Sài Gòn. Bài viết tạm cho là văn sử mà sử phẩm trích dẫn theo tác giả trong và ngoài nước, đôi khi có chi tiết búi bấn ngay trong một bài viết. Vì vậy mức độ trung thực chỉ có giới hạn. Lực đực qua tác giả ngoại quốc, vì thiên tả, những ký giả phản chiến này cùng tiếng Tây tiếng u, nên không tránh khỏi chữ nghĩa hợi ra thỉ, ngư ra lỗ. Riêng tác giả trong nước, với họ lịch sử là chuyện kể của kẻ chiến thắng. Vì thế chẳng thể cho là khả tín. Tuy nhiên người sưu tầm vẫn đần đù đưa vào sử truyện để tồn nghi.

    Đẽo câu gọt chữ thì những góp nhặt, ghi chép trong tạp ghi không di lụy với chủ quan, hay khách quan. Bởi nhẽ đúng hay sai chỉ cách nhau một sợi tóc, vì cái đúng của hiện tại có thể là cái sai của…100 năm sau. Vì vậy người sưu tầm chỈ vơ bèo gạt tép những gì khả dĩ có thể chấp nhận được. Và được biểu nhất lãm từng giờ, từng ngày với phiến ngôn chích tự lụi đụi tìm lại những khúc quanh của quân sử. Người sưu tầm không dám lấy đũa chống trời lộng chữ như bút sử Lê Hy trong Đại Việt sử ký là: "Khảo đính sử phẩm cũ, chỗ nào sai thì sửa lại, chỗ nào đúng thì ghi chép lấy". Mà chỉ có chút hơi hám sử cương mục của Chu Hy…đời Nam Tống: "Các việc chép theo thứ tự thời gian như phép chép biên niên, nhưng tóm lược việc định chép trong một đoạn hoặc một câu ngắn, nêu lên một tiêu đề, ở dưới chép tự sự của sử sự xảy ra”.

    Đắm chìm trong lửa đạn, người sưu tầm mằn mò những sự kiện riêng lẻ, kết nối thành một tương quan liên đới tổng hợp hầu mong có cái nhìn nào đấy qua trận chiến của một thời khói lửa. Từ lỗ chiếu môn qua đỉnh đầu ruồi, người viết nhắm vào những truyện ngắn, ký truyện, bút ký chiến trường để có cái nhìn nào đó với trận chiến của thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Nói cho ngay, người viết cũng muốn đẩy đưa bạn đọc phiêu lãng quên mình lãng du nhưng không lãng quên những ì ầm của xe tăng, những ầm ì của đại pháo của một thời chinh chiến đã qua.

    Sa đà với những góp nhặt sỏi đá khác, người sưu tầm chỉ giữ lại dữ kiện như một dấu ấn của chiến trường xưa, tên tuổi cũ. Tuy nhiên có một số tiết mục như quân sử ngoại truyện, hay bên lề trận chiến đôi khi không cùng góc nhìn với bạn đọc. Người viết không um thủm là "phán quan" mà chỉ vạy vọ từ "ngự sử văn đàn" khó tính khác. Thêm nữa qua sử học, sử phẩm khả tín sau 60 năm mới được đưa vào sử thi. Nhưng nay đã 40 năm, những truyền văn vẫn còn những ẩn khuất nằm sau những trận chiến để trở thành truyền thuyết. Vì thế văn bài, văn sử này được nối lại từng khúc, từng đoạn, được lược khảo, kỷ lược hầu mong góp nhặt những mảnh khuyết sử như những mắt xích đứt của chiếc xe tăng, của cả hai bên…bên bờ trận địa.

    Tạp ghi sau 40 năm để đi tìm thời gian đã mất, vì cảm tính, vì đứng bên lề cuộc chiến, người cầm bút vất vưởng với chữ nghĩa nên không thể tránh khỏi những cảm hoài với những người cầm súng của một thời một thuở nhất tướng công thành vạn cốt khô hiện đang nằm ở đâu đó…
              

    (Nghĩa địa Xuân Lộc sau 75)


    Với thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý, nay xin thưa.
    Ất Mùi năm thứ 40 (1975– 2015) - Phi Ngọc Hùng

              


    ___________________________



    Mục lục



    Tựa.........

    Ngày thứ 1 – 2 ngày trận chiến Ban Mê Thuột : 10-3-1975
    Ngày thứ 2 – Ban Mê Thuột thất thủ : 11-3-1975
    Ngày thứ 3 – Chuẩn bị tái chiếm Ban Mê Thuột: 12-3-1975
    Ngày thứ 4 – Di tản miền Trung : 13-3-1975
    Ngày thứ 5 – Di tản cao nguyên : 14-3-1975
    Ngày thứ 6 – Khánh Dương : 15-3-1975
    Ngày thứ 7 - Quân đoàn II triệt thoái : 16-3-1975
    Ngày thứ 8 – Tuy Hoà : 17-3-1975
    Ngày thứ 9 – Phú Yên : 18-3-1975
    Ngày thứ 10 – Trận chiến Quảng Trị : 19-3-1975
    Ngày thứ 11 – Huế di tản : 20-3-1975
    Ngày thứ 12 – Đèo Ải Vân : 21-3-1975
    Ngày thứ 13 – Trận địa từ Huế tới Đà Nẵng : 22-3-1975
    Ngày thứ 14 – Trận chiến Huế : 23-3-1975
    Ngày thứ 15 – Tam Kỳ : 24-3-1975
    Ngày thứ 16 – Đà Nẵng di tản : 25-3-1975
    Ngày thứ 17 – Phú Thứ : 26-3-1975
    Ngày thứ 18 – Bình Định : 27-3-1975
    Ngày thứ 19 – Quảng Nam : 28-3-1975
    Ngày thứ 20 – Lâm Đồng : 29-3-1975
    Ngày thứ 21 – Quy Nhơn : 30-3-1975
    Ngày thứ 22 – Bình Định thất thủ : 31-3-1975
    Ngày thứ 23 - Ngày cuối cùng của Quân đoàn II : 1-4-1975
    Ngày thứ 24 - Nha Trang : 2-4-1975
    Ngày thứ 25 - Phan Rang – Phan Thiết : 3-4-1975
    Ngày thứ 26 - Phan Rang - Ninh Thuận : 4-4-1975
    Ngày thứ 27 - Sài Gòn thay đổi nhân sự (1) : 5-4-1975
    Ngày thứ 28 - Phan Thiết – Bình Thuận : 6-4-1975
    Ngày thứ 29 - Bình Dương – Long Khánh : 7-4-1975
    Ngày thứ 30 - Trận chiến trên Quốc lộ 20 : 8-4-1975
    Ngày thứ 31 - Trận chiến Long Khánh (Xuân Lộc) : 9-4-1975
    Ngày thứ 32 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 10-4-1975
    Ngày thứ 33 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 11-4-1975
    Ngày thứ 34 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 12-4-1975
    Ngày thứ 35 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 13-4-1975
    Ngày thứ 36 - Trận chiến Long Khánh (CBU 55) : 14-4-1975
    Ngày thứ 37 - Trận chiến Long Khánh (BLU 82) : 15-4-1975
    Ngày thứ 38 - Trận chiến Dầu Giây : 16-4-1975
    Ngày thứ 39 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 17-4-1975
    Ngày thứ 40 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 18-4-1975
    Ngày thứ 41 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 19-4-1975
    Ngày thứ 42 - Xuân Lộc triệt thoái : 20-4-1975
    Ngày thứ 43 - Sài Gòn thay đổi nhân sự (2) : 21-4-1975
    Ngày thứ 44 - Long Khánh hoàn tất cuộc triệt thoái : 22-4-1975
    Ngày thứ 45 - Sài Gòn lập tuyến phòng thủ : 23-4-1975
    Ngày thứ 46 - Bà Rịa : 24-4-1975
    Ngày thứ 47 – Bình Dương, Long An : 25-4-1975
    Ngày thứ 48 - Bà Rịa : 26-4-1975
    Ngày thứ 49 - Tân Cảng – Sài Gòn : 27-4-1975
    Ngày thứ 50 - Sài Gòn thay đổi nhân sự (3) : 28-4-1975
    Ngày thứ 51 - Sài Gòn di tản : 29-4-1975
    Ngày thứ 52 – Sài Gòn ngày dài nhất : 30-4-1975

    Bạt……..




    ____________________________





    Ghi chú:
    • (1) hoặc - :
      là ký hiệu của Chú thích hay Phụ chú,
      và (…)
      là còn tiếp tục ở khúc sau.
                
    • Vì bài viết có quá nhiều tên riêng, tên gọi nhưng trong ngữ pháp lại không có quy ước viết chữ hoa hay chữ thường vì mỗi chữ hoa hay chữ thường đặt ở đâu đều có dụng ý riêng nào đó. Nhất là cụm từ quá dài nên để tránh rối trí, và rối rắm người viết chỉ viết hoa ở chữ đầu như: Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, v…v…


              

              




    Vùng 2 chiến thuật – Quân đoàn II

    Vùng 2 CT từ Kontum đến Phan Thiết.
    (gồm các tỉnh: Ban Mê Thuột, Pleiku, Nha Trang, Cam Ranh, v…v…Phan Rang)
    Quân đoàn II có 2 sư đoàn: Sư đoàn 22 và Sư đoàn 23.



    Sự bắt đầu của kết thúc

    10-3-1975, thị xã Ban Mê Thuột của tỉnh Đắc Lắc ở cao nguyên Trung phần miền Nam Việt Nam sau khi bị quân Bắc Việt tấn công dữ dội đã thất thủ. Tính từ ngày này đến 50 ngày (?) sau đó thủ đô Sài Gòn cũng chịu chung số phận như Ban Mê Thuột, đưa đến sự sụp đổ toàn diện của miền Nam và chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 30 năm. Sau 3 năm làm phóng viên tại đây, đối với tôi (Komori Yoshihisa) là một chuỗi ngày dài những lúc đi đây đi đó để bám sát chiến trường. Tất cả đều là những sự kiện mà đối với sự suy nghĩ thông thường của một đặc phái viên, có nằm trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được các diễn biến đột ngột này.

    Đối với miền Nam, trong ngày tết Nguyên Đán năm 1975 đã xảy ra một điềm bất thường là việc thị trấn Phước Bình của tỉnh Phước Long cách Sài Gòn khoảng 130 km về hướng bắc đã bị quân Bắc Việt chiếm cứ. Phước Bình vốn là một thị trấn nhỏ nằm trong vùng núi non hiểm trở. Kể từ khi Hiệp định Ba Lê được ký kết, tại nơi đây không xảy ra một cuộc giao tranh quân sự nào. Vì thế, đây là một hành động vi phạm trắng trợn điều khoản căn bản của Hiệp định Ba Lê của Bắc Việt, nhưng họ vẫn tiếp tục mở rộng địa bàn tấn công và sau đó đã làm chủ tình hình toàn bộ tỉnh Phước Long. Nhưng về sự kiện này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại có hành động khó hiểu là không cho viện binh đến Phước Long để tiếp cứu.

    Xét về mặt chiến lược, Phước Long là một cứ địa nằm dọc theo biên giới Campuchia, có dân số ít ỏi lại thiếu tài nguyên, đồng thời nó cũng nằm sát ngay khu vực của đường mòn Hồ Chí Minh nên khá bất lợi trong việc đưa quân đến đây để phản công lại quân Bắc Việt. Nhưng điều quan trọng hơn hết là có lẽ ông Thiệu đã muốn chứng tỏ cho Hoa Kỳ thấy rằng Bắc Việt đang ngang nhiên vi phạm Hiệp định Ba Lê và uy hiếp miền Nam, như vậy, Hoa Kỳ sẽ không thể ngưng viện trợ được. Đây chính là một sách lược của ông Thiệu.

    (The Fall Of Sai Gon - Komori Yoshihisa)

    Komori Yoshihisa, một đặc phái viên kỳ cựu của Nhật Bản đã có mặt tại Sài Gòn trước và sau thời điểm 30-4-1975. Komori Yoshihisa là ký giả của tờ báo Mainichi được biệt phái đến Sài Gòn từ năm 1972 với tính cách là trưởng ban biên tập tại Sài Gòn.

    - : "Sự bắt đầu của kết thúc” là tựa đề trong phần dẫn nhập Sài Gòn thất thủ (The Fall Of Sai Gon) của ký giả Komori Yoshihisa. Sài Gòn thất thủ là một loạt ký sự được đăng tải suốt gần một tháng trên nhật báo Sankei trong mục “Đặc phái viên của thế kỷ 20".

    - : Xem "Xuân Lộc, một chiến thắng ngắn ngủi" hoặc Sài Gòn thất thủ của Komori Yoshihisa

    ở tiết mục Bình Dương-Long Khánh: 7-4-1975 và Sài Gòn lập tuyến phòng thủ: 23-4-11975.




    Chiến dịch Đông-Xuân

    Giữa tháng 12-1974, Bắc quân mở giai đoạn đầu chiến dịch Đông-Xuân. Họ đánh chiếm hai thị xã phía đông bắc Sài Gòn. Mục đích những trận chiến ấy đã rõ. Họ định cô lập Sài Gòn bằng cách cắt mọi đường quan trọng đi vào thủ đô việc mà trước kia họ thường định làm.

    Ở sứ quán, mọi người thống nhất về mục tiêu chính của Bắc Việt nhưng không đồng ý với nhau về mục tiêu phụ. Graham Martin cho là Bắc quân sẽ đánh Tây Ninh, Tom Polgar và tôi (Frank Snepp) ngã về phía Phước Long. Bắc Việt cũng đang đắn đo giữa hai nơi, việc này chúng tôi không biết. Văn Tiến Dũng, người đưa quân đội Bắc Việt vào Nam đến thắng lợi đã kể lại chuyện này trong tập hồi ký ông viết sau chiến tranh. Đầu tháng 12, từ nhiều ngày, tướng Dũng và bộ tham mưu đã nghiền ngẫm kế hoạch, đến ngày thứ tư, một sự kiện xảy ra, làm họ chú ý.

    Một nhân viên tình báo (1) của họ nằm ngay trong giới thân cận của Thiệu gửi cho họ một báo cáo tuyệt mật về nhận định của chế độ Sài Gòn. Đó là biên bản một cuộc họp quan trọng trong hai ngày 9 và 10-12-1974 ở Sài Gòn nhằm tìm hiểu ý đồ của Hà Nội. Sau cuộc họp, Thiệu và các sĩ quan của ông ta thống nhất nhận định rằng, trong những tháng sắp tới, Bắc quân sẽ mở cuộc tấn công quan trọng hơn vào năm 1974 nhưng chưa lớn bằng cuộc tấn công năm 1968. (trận Mậu Thân đúng như tin do Polgar và tôi báo cho Nam Việt Nam 15 ngày trước).

    Nhân viên tình báo ấy cũng báo tin là Thiệu đã đi đến kết luận rằng quân đội Bắc Việt Nam không thể đánh chiếm và giữ những thành phố quan trọng được, họ nhằm hướng chính là Quân khu III, chủ đích là Tây Ninh (dự đoán của Martin) và họ chỉ tiếp tục tấn công cho đến tháng 6, hết mùa khô. Sau đó, họ ngừng để lấy lại sức và củng cố, vẫn theo nhân viên tình báo này, Thiệu cũng căn cứ vào sự phân tích của bản thân, quyết định không gửi quân tiếp viện cho Quân đoàn II ở cao nguyên, mà trái lại tập trung lực lượng phòng thủ ở phía nam.

    Không khó khăn gì để nhận ra sự mừng rỡ của Hà Nội khi được đọc biên bản nói trên. Họ đã rõ Thiệu nhận định như thế nào, họ có thể thảo được kế hoạch. Vì Thiệu cho là muốn đánh Tây Ninh thì phải đánh Phước Long, Thiệu không tin họ tấn công cao nguyên.

    Họ lại được tin chắc chắn là Hoa Kỳ không can thiệp để cứu vãn đồng minh. Họ còn một vũ khí mới nữa, sự ủng hộ của đồng minh duy nhất, quyết định thắng lợi hay thất bại. Lần đầu tiên kể từ ngày ngừng bắn, Liên Xô, đồng minh lớn của Hà Nội, sẵn sàng ủng hộ một chính sách tấn công giải phóng miền Nam. Cuối tháng 12, trước khi tấn công Phước Long, người đứng đầu lực lượng vũ trang Liên Xô, Đại tướng Viktor Kulikov bay đến Hà Nội.

    Polgar và tôi báo ngay cho giám đốc CIA biết. Chúng tôi không làm thế nào mà nắm được những vấn đề Kulikov thảo luận với Hà Nội. Điều quan trọng đối với chúng tôi (tôi nhấn mạnh điểm này trong một bức điện) là cuộc viếng thăm Bắc Việt Nam tương tự như trước đây của một vị tướng Liên Xô hồi năm 1971, diễn ra trước cuộc tấn công lớn (Mùa hè đỏ lửa 72) của Hà Nội. Thật vô ích nếu nói rằng Polgar bắt buộc phải nhắc lại cho Hoa Thịnh Đốn biết tình hình hiện nay có thể giống y hệt như trường hợp trước. Nhưng những người phân tích tin của CIA ở Washington và bộ ngoại giao không đồng ý với nhận định trên. Họ cho là cuộc viếng thăm của Kulikov chỉ là một cuộc viếng thăm thường lệ. Sau này họ thấy rõ chúng tôi lập luận đúng. Những tuần sau khi Kulikov đến thăm Việt Nam, khối lượng thiết bị quân sự Liên Xô chở bằng đường biển tới Bắc Việt tăng gấp bốn lần, Mátxcơva đã ủng hộ hết mức cuộc tấn công cuối cùng của Hà Nội...Giữa tháng 1-1975, Bộ chính trị họp ở Hà Nội để dựng kế hoạch đánh chiếm Ban Mê Thuột, Các ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ quyết định phải có một ủy viên bộ chính trị chịu trách nhiệm hoàn toàn. Người được chọn là Đại tướng Văn Tiến Dũng.

    Trong khi ấy ở ngoài mặt trận, có một sự yên tĩnh bất ngờ. Vì nếu sự yên tĩnh là một sự đánh lừa thì đồng thời nó cũng là một sự cần thiết, sau khi đánh chiếm được Phước Long họ đang đổi hướng tấn công. Quân lính của họ phải có thì giờ thở rồi mới có thể tiến về thị xã Ban Mê Thuột trên cao nguyên được. Bộ tổng tham mưu Nam Việt Nam không phải là không biết những cuộc hành quân của đối phương. Mấy ngày gần đấy, sĩ quan tình báo của quân đội Nam Việt Nam ở Quân khu II đã khám phá được nhiều dấu hiệu chứng tỏ có những hoạt động ấy.

    Và, cũng lúc ấy, nhân viên tình báo của chính phủ ở Quảng Đức, phía nam thị xã Ban Mê Thuột báo cho chúng tôi biết sự có mặt của nhiều đơn vị quan trọng quân đội Bắc Việt Nam ở Campuchia, bên kia biên giới. Dường như họ muốn đánh Quảng Đức…

    (Decent Interval - Frank Snepp)

              

              
    Frank Snepp là nhân viên CIA chi nhánh SàI Gòn và là trưởng bộ phận phân tích tin tức của tòa đại sứ Mỹ.
    Decent Interval (Cuộc tháo chạy tán loạn) là tên cuốn hồi ký của Frank Snepp kể về những ngày cuối cùng
    của Sài Gòn năm 1975.
    (1) Đinh Văn Đệ, điệp viên chiến lược trong vai Chủ tịch ủy ban quốc phòng hạ viện Sài Gòn. Theo chỉ thị của Phạm Hùng, ông Đệ từng gặp Chuẩn tướng Trần Đình Thọ TP3/BTTM VNCH để tìm hiểu VNCH có ý định chiếm lại Phước Long hay không.




    Chiến lược hai năm…

    Tướng Nga Viktor Kulikov, phụ tá bộ trưởng quốc phòng tới Hà Nội thúc đẩy Bắc Việt tấn công xâm chiếm miền Nam và hứa giúp thêm vũ khí đạn dược. Cuối tháng 10-1974 Bộ chính trị Bắc Việt quyết định kế hoạch tác chiến năm 1975: “Quyết tâm chiến lược của Bộ chính trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược 2 năm (1) 1975-1976, Năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam". (*** Ðại thắng mùa xuân, trang 29)

    Tháng 10-1974, Bộ tổng tham mưu Bắc Việt đã trình bày kế hoạch tác chiến lên Bộ chính trị và Quân ủy trung ương chọn chiến trường cao nguyên (2) làm chủ yếu: "Khi thảo luận kế hoạch tác chiến chiến lược năm 1975, một vấn đề rất quan trọng nữa được đặt ra là chọn chiến trường chủ yếu ở đâu? Trên toàn chiến trường miền Nam, địch bố trí lực lượng theo thế “mạnh ở hai đầu”. Cụ thể là ở Quân khu I tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, địch có 3 sư đoàn chủ lực, ở Quân khu III, trong đó có tuyến phòng thủ ngoài bảo vệ Sài Gòn, địch có 3 sư đoàn, nhưng chúng còn có thể sẵn sàng cơ động 1-2 sư đoàn trong số 3 sư đoàn ở Quân khu IV về.

    Còn ở Quân khu II, trong đó có Tây Nguyên, địch chỉ có 2 sư đoàn chủ lực, lại phải rải ra vừa giữ các tỉnh Tây Nguyên, vừa phải bảo vệ các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Bình Ðịnh đến Bình Thuận. Tây Nguyên là một chiến trường có nhiều thế lợi để phát triển về phía nam theo đường số 14 hoặc xuống phía đông theo các đường số 19, 21. Hội nghị nhất trí thông qua phương án của Bộ tổng tham mưu, chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng chiến trường chủ yếu trong và rộng khắp năm 1975". (*** Ðại thắng mùa xuân, trang 24)

    Như thế Bắc Việt đã chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột từ bốn tháng trước ngày tấn công trong khi ta không có một nhận định hoặc tin tức tình báo nào rõ rệt. Bắc quân nghi binh đánh Pleiku để nhử ta lên giải tỏa rồi cắt các đường dẫn đến Ban Mê Thuột. Bắc quân cắt các đường 14, 19, 21 nhử quân đội VNCH về phía bắc để bất thần tấn công Ban Mê Thuột.

    Ngày 1-3-1975,
    Sư đoàn 968 địch pháo kích phi trường Cù Hanh, Pleiku.
    Ngày 4-3,
    Trung đoàn 95B và Sư đoàn 3 Sao Vàng tấn công ngăn chận Quốc lộ 19 tại An Khê như muốn tấn công Pleiku, cắt đường giao thông Pleiku và Nha Trang.
    Ngày 5-3,
    Trung đoàn 25 cắt Quốc lộ 21 giữa Phước An và Khánh Dương, cắt đường Nha Trang-Ban Mê Thuột.

    Ngày 9-3,
    Sư đoàn F10 nhất định san bằng quận Đức Lập để tiến quân về Ban Mê Thuột. Từ 6 giờ sáng, pháo binh bắn và sau đó quân chính qui mở trận địa chiến đánh ban ngày, các công sự phòng thủ bị sập. Các đồn phụ đã bị "bứt", tiểu đoàn địa phương quân đóng tại Núi Lửa cách Đức Lập 9 cây số bị địch tràn ngập sau một trận đánh đẫm máu.

    (Nguyễn Định)




    Chiến trường Tây Nguyên

    Ngày 8-1-1975,
    Bộ chính trị trung ương đảng lao động Việt Nam đã dự định trong kế hoạch tấn công: “Sẽ bắt đầu tổng công kích miền Nam vào mùa xuân năm 1975 và trong vòng 2 năm, giữa năm 1976 sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam". Tóm lại, cuộc tấn công Ban Mê Thuột vào tháng 3-1975 đã chính thức mở màn cho chiến dịch tổng tấn công này.

    Tháng 2-75,
    để thực hiện cuộc tổng tấn công, Văn Tiến Dũng đã bí mật rời khỏi Hà Nội vào Nam bằng những con đường mòn bí mật mới được thiết lập tại phía đông dãy Trường Sơn. Tại đây, Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ huy những cuộc tấn công bất ngờ vào Ban Mê Thuột và lúc đó ở chung quanh tỉnh Pleiku, một trong các cứ địa hiểm yếu của miền Trung cũng đã bị bao vây chặt chẽ bởi đại quân của Bắc Việt với mục địch ngụy trang cho một cuộc tấn công chính thức vào đây hầu phân tán sự phòng thủ của quân đội VNCH tại Ban Mê Thuột. Tuy nhiên, có tới 3 sư đoàn quân Bắc Việt đã hiện diện sẵn để chuẩn bị cho những cuộc tấn công bất ngờ vào Ban Mê Thuột. Trong khi đó, thành phần chủ lực của VNCH là Sư đoàn 23 được điều động về Pleiku để tiếp ứng tạo thành một lực lượng phòng thủ hùng hậu duy nhất tại đây.

    Cùng thời điểm này, tại Quân khu II bao gồm toàn thể miền Trung, quân VNCH đang hiện diện với quân số tương đương với 2 sư đoàn nhưng Bắc Việt cũng đã phối trí tại đây tới 5 sư đoàn. Với tương quan lực lượng về quân số như vậy, dĩ nhiên là những trận đánh sau đó vào Pleiku của quân Bắc Việt được coi như sẽ dễ dàng tạo áp lực nặng nề cho quân đội VNCH. Hơn nữa, Pleiku lại là một cứ điểm quan trọng của Bộ tư lệnh Quân khu 2 VNCH nên ai cũng nghĩ rằng quân đội miền Nam sẽ tử thủ để bảo vệ cứ địa này. Ông Thiệu bỗng nhiên ra lệnh bỏ Pleiku và triệt thoái cao nguyên, rút hết toàn bộ quân đội đang phòng thủ ở miền Trung về Nam. Ông Thiệu đã nhận định vì Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ nên quân đội miền Nam đã không đủ vũ khí đạn dược để chiến đấu cùng quân số hùng hậu của quân Bắc Việt. Sau khi rút quân từ miền Trung, quân đội VNCH sẽ tập trung để tạo thành tuyến phòng thủ bao bọc các nơi đông dân cư ở ven biển và thủ đô Sài Gòn trong một chiến thuật triệt để tử thủ phần đất miền Nam còn lại.

    Thế nhưng, chiến thuật này đã hoàn toàn thất bại vì đội quân triệt thoái của miền Nam đã tựa như những mảnh băng sơn tan rả và bị chôn vùi dưới cơn hồng thủy lánh nạn của người dân miền Trung lúc đó thật hỗn loạn.Nói khác đi là quân đội VNCH đã mất đi thế lực chiến đấu. Sự kiện này đối với Văn Tiến Dũng chẳng khác nào một cơ hội bằng vàng vì bất chiến tự nhiên thành và theo kế hoạch về một tình thế khống chế toàn bộ miền Trung sẽ bắt đầu từ năm 1976 nay lại hoàn thành sớm hơn dự định. Vì vậy, Văn Tiến Dũng đã ra lệnh cho toàn quân Bắc Việt truy kích ráo riết các đường tháo lui của quân đội miền Nam.

    (The Fall Of Sai Gon - Komori Yoshihisa)




    Khi đồng minh tháo chạy

    Ngày 20-3, tôi nhận được điện thoại vào 6 giờ sáng: “Anh qua tôi ăn quà sáng", tiếng ông Thiệu bên kia đầu giây. Sớm như như thế này chắc có chuyện gì đây? Tôi nghĩ. Tới nơi tôi thấy cái bàn ăn nhỏ đặt sát bên cửa sổ trên hành lang lầu ba, địa điểm mà ông cho rằng không bị CIA nghe lén. Vì chuyện gì bàn ở văn phòng ông hay phòng họp là bị nghe lén. Ông cho biết như vậy. Khi người giúp việc rời xa bàn, Ông Thiệu nghiêm giọng nói:
    • 5 trong 7 sư đoàn trừ bị Bắc Việt đã vào tới miền Nam. Như vây tổng cộng là 19 sư đoàn trang bị đầy đủ gần một ngàn xe tăng và trọng pháo. Hôm qua xe tăng Bắc Việt đã vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm Quảng Trị và bắt đầu pháo kích vào Huế.

    Ông Thiệu không nói gì tới vụ rút Pleiku, bỏ Ban Mê Thuột và những cuộc họp mới đây với thủ tướng Khiêm, đại tướng Viên, trung tướng Quang, trung tướng Trưởng, thiếu tướng Phú.

    Lúc tôi bắt đầu ăn tô phở thì ông lấy bút ra viết trên trang giấy. Dường như là để thuyết phục chính bản thân mình. Tôi hiểu ngay là ông đang tính toán để đi tới một quyết định nào đó.

    Viết xong, ông nói:
    • Mình phải đặt câu hỏi với Hoa Kỳ "oui ou non" (có hay không) buộc họ phải dứt khoát có muốn giúp nữa hay không. Mình không thể chờ lâu hơn được nữa. Rồi đây sẽ quá muộn để Hoa Kỳ không thể dùng cái lập luận “sự đã rồi” để lấy cớ bảo tôi rằng “Sorry, it is too late to intervene…” (Rất tiếc đã quá muộn để can thiệp).


    (Nguyễn Tiến Hưng)




    Bên lề trận chiến

    Trận chiến Đức Lập không nằm trong Tạp ghi sau 40 năm. VÌ qua 52 ngày trận chiến, người sưu tầm lấy cái mốc thời gian khởi đầu với Ban Mê Thuột kể từ ngày 10-3-1975.

    - : Đức Lập cách Ban Mê Thuột khoảng 10 km về phía tây. Ngày 9-3-1975, Bắc quân đánh Đức Lập để thăm dò. Một ngày sau Bắc quân đánh phi trường Phụng Dực và Ban Mê Thuột.




    Quân sử ngoại truyện

    (…) Tôi là người chiến binh đã trực tiếp trải qua chiến tranh. Bây giờ xem sách báo đều thấy nói Chiến dịch mùa xuân năm 1975 trải qua 55 ngày đêm ta giành toàn thắng. Tôi đã tự nhẩm tính nếu tính từ 10-3 là ngày ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, đến ngày 30-4 thì chỉ có 52 ngày. Còn nếu tính từ ngày 4 tháng 3 (trận đánh trên Quốc lộ 19 tại An Khê như muốn tấn công Pleiku) theo từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam năm 2004, trang 197, phần “Chiến dịch Tây Nguyên" thì phải là 58 ngày đêm. Vậy con số 55 ngày đêm là bắt đầu tính từ ngày nào?

    Tôi đã đếm đi tính lại nhiều lần nhưng dù ngày bắt đầu chiến dịch được tính là 4-3 hay 10-3 thì con số cũng không phải là 55 ngày đêm như lâu nay vẫn ghi trong sách báo. (…)

    (Nguyễn Văn Việt)




    Ngày thứ 1
    Trận chiến Ban Mê Thuột


    Ngày 10-3-1975, khoảng 2 giờ sáng, ba Sư đoàn 316, F10, 320 gồm ba mũi tấn công Ban Mê Thuột phối hợp với đặc công đã nằm trong thị xã cùng với chiến xa T54 và các loại trọng pháo nã pháo đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly vào các cứ điểm quân sự. Trong một đêm bộ đội Bắc Việt đã đưa được một lực lượng đông đảo 12 trung đoàn gồm 9 trung đoàn bộ binh và các trung đoàn xe tăng, pháo binh, phòng không vào trận địa.

    Lực lượng của quân lực VNCH tại Ban Mê Thuột lúc bấy giờ không quá một nghìn người, gồm hậu cứ của Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, hậu cứ Bộ chỉ huy Thiết đoàn 8 mà quân số chủ lực của các đơn vị này đã được điều động về Pleiku từ trước Tết chưa được trả về từ Tết Ất Mão 1975. Trong thị xã, ngoài các đơn vị địa phương quân, chỉ có những thành phần quân nhân lo về tiếp liệu như các đơn vị quân cụ, công binh, truyền tin, v…v….

    Nói theo nghĩa khác Ban Mê Thuột trong khoảng thời gian này không lực lượng bảo vệ.

    12 giờ trưa, địch quân mở đợt pháo kích dồn dập vào bộ chỉ huy tiểu khu, bản doanh bộ tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. tiểu khu Ban Mê Thuột mất!

    4 giờ chiều, Bắc quân chiếm thị xã Ban Mê Thuột, ngoại trừ khu vực bộ tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh còn được trấn giữ...

    6 giờ chiều, thành phố bấy giờ như một bãi tha ma, chứa đầy tử khí. Những đống tro tàn của nhiều khu phố bị cháy, bụi khói và gạch vụn gợi cho người ta cái cảm xúc của một chiến trường tàn cuộc lạnh lẽo rợn người

    (Trọng Đạt - Nguyễn Định – SQTB K10B/72)




    Bên lề trận chiến

    Ngày 10-3-1975, Bắc quân tấn công Ban Mê Thuột. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu họp Hội đồng an ninh quốc gia duyệt xét kế hoạch bỏ 6 tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị đến Bình Định.

    Ngày 11-3, tổng thống Thiệu mời các tướng Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang ăn sáng tại dinh Độc Lập và sau đó trình bày ý định muốn cắt bỏ bớt lãnh thổ cho vừa với mức viện trợ quân sự của Hoa Kỳ. Tướng Viên ghi lại cảm nghĩ của ông lúc đó: “Quyết định của tổng thống Thiệu cho chúng tôi thấy đây là một quyết định ông đã suy xét thận trọng. Hình như tổng thống Thiệu đã ngần ngại về quyết định đó, và bây giờ ông chỉ thổ lộ cho ba người chúng tôi trong bữa ăn sáng…”. (*** Cao Văn Viên, The Final Collapse, trang 129-131).

    (Nguyễn Kỳ Phong)




    Khi đồng minh tháo chạy

    Sau khi phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ tới Sài Gòn quan sát và tìm hiểu tại chỗ nhu cầu VNCH để cứu xét vụ quân viện 300 triệu. Tin từ Ngũ giác đài cho hay cơ nguy là không có hy vọng gì để có quân viện. Ông Thiệu tỏ ra tuyệt vọng. Phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ vừa rời Sài Gòn,

    Bắc Việt tấn công Ban Mê Thuột 2 giờ sáng ngày 10-3-1975.

    Cùng ngày phái đoàn thượng viện VNCH (ông Trần Văn Lắm) từ Washington về để vận động cho biết không hy vọng 300 triệu và có thể không còn viện trợ quân sự nữa.

    Hôm sau, ngày 11-3, ông Thiệu họp với thủ tướng Khiêm, đại tướng Viên và trung tướng Quang thông báo quyết định tái phối tri.

    Ngày sau đó, 13-3 quốc hội Hoa Kỳ bỏ phiếu: Không có bất cứ viện trợ nào cho miền Nam.

    Hai ngày sau 15-3, Thiếu tướng Pham Văn Phú bay về Nha Trang. Ông đã đi tiên phong của một cuộc hành trình gian khổ đến bờ vực thẳm…

    (Nguyễn Tiến Hưng)




    Góp nhặt…ghi chép…

    Ngay sau khi Bắc quân khởi sự tấn công Ban Mê Thuột, liên tiếp trong 3 ngày 10, 11 và 12-3-1975, Thiếu tướng Phạm Văn Phú đã nhận nhiều lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, và Đại tướng Cao Văn Viên.

    Người đầu tiên điện thoại hỏi tình hình là đại tướng Viên (7 giờ sáng ngày 10-3-1975), tiếp đến thủ tướng Khiêm từ Đà Lạt gọi lức 8 giờ 40, tổng thống Thiệu gọi lúc 10 giờ 10 và 19 giờ tối, trong ngày 11-3-1975. Lúc 15 giờ 30, đại tướng Viên gọi điện thoại ra lệnh cho thiếu tướng Phú "bốc" ngay Chuẩn tướng Lê Trung Tường, tư lệnh Sư đoàn 23 BB, đang chỉ huy mặt trận phía nam Pleiku "thả" xuống Ban Mê Thuột để chỉ huy các cánh quân.

    Sau đó, vào lúc 5 giờ chiều, tổng thống Thiệu gọi lên Pleiku để nghe thiếu tướng Phú báo cáo tình hình. Trong lần gọi vào 11 giờ đêm, tổng thống Thiệu ra lệnh cho tướng Phú với nội dung:
    • “Linh động trong mọi trường hợp. Không nên dồn hết quân cho mặt trận Ban Mê Thuột. Tư lệnh quân đoàn được toàn quyền quyết định, có thể bỏ Ban Mê Thuột. Cần phải tránh sa lầy vì có thể địch sẽ mở hai, ba mặt trận lớn nữa tại Quân khu II. Tường trình chính xác về các sư đoàn Bắc Việt hiện đang tham chiến tại Ban Mê Thuột".





    Khi đồng minh tháo chạy

    Khi họp với ông Thiệu ở phòng được gọi là "Phòng tình hình", trên bàn họp tôi thấy một quyển sách móng, mở ra đọc đó là báo cáo của tướng Murray phân tích tình hình ảnh hưởng vùng và quân khu với mức quân viện nếu có được mà tôi tóm lược như sau:
    • - 1.4 tỷ giữ được cả 4 Vùng chiến thuật.
      - 1.1 tỷ QK1 phải bỏ.
      - 900 triệu khó giữ được QK1 và QK2.
      - 750 triêu chỉ giữ được Sài Gòn và QK4.


    (…)

    - : Thực tế, quyết định của ông Thiệu vào khoảng cuối năm 1974 đã được nghiên cứu từ trước (với Murray) chứ không phải vội vàng như nhiều người vẫn phê phán. Chính bởi những yếu tố đó nên khi Ban Mê Thuột mất, ông Thiệu liền ra lệnh rút khỏi cao nguyên. (Vũ Tiến Đức)




    Bên lề trận chiến

    Tài liệu của CIA:
    • “Kể từ cuối tháng 12-1973 đến đầu tháng 1-1974 tướng John Murray và ban tham mưu của ông đã làm việc ngày đêm để cố gắng tìm đáp số cho bài toán viện trợ quân sự. Nhưng mỗi lần họ tìm ra một giải pháp để giải quyết vấn đề thì lại phát sinh một vấn đề khác mà kết quả cũng chỉ đưa tới bí lối".
      (*** Decent Interval, trang 95).


    Cũng theo Frank Snepp, ngày 16-8-1974, John Murray họp buổi họp chót với Đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng, và tướng Đồng Văn Khuyên, tổng cục trưởng tổng cục tiếp vận. John Murray khuyên tướng Viên nên liệu cơm gắp mắm, gấp rút lên kế hoạch sẵn sàng bỏ Vùng 1, Vùng 2, và cả Vùng 3 để về cố thủ Vùng 4.

    Theo Nguyễn Tiến Hưng, ông đã tình cờ trông thấy bản kế hoạch “cắt đất theo lượng viện trợ”, của Murray nằm trên bàn của tổng thống Thiệu vào tháng 5-1974.

    Như vậy Murray chính là tác giả của kế hoạch bỏ Vùng 1, Vùng 2 vào năm 1975.

    Một kế hoạch mà cho tới 40 năm sau người ta vẫn cho là sáng kiến của Nguyễn Văn Thiệu.

    (Bùi Anh Trinh)




    Khi đồng minh tháo chạy

    Ông Martin tường trình trước quốc hội: 1974, chuẩn tướng người Úc tên Ted Sarong (1) làm việc với Trung tướng Đặng Văn Quang và đi đến kết luận là nên bỏ QK1 và QK2. Chỉ giữ tuyến từ Nha Trang tới Tây Ninh. Theo ông Kissinger vào tháng 2-1975, ông Robert Thompson (chuyên gia người Anh về chiến thuật du kích ở Malaysia) thăm viếng Sài Gòn và làm cố vấn cho họ. Khi về ông báo cáo với tổng thống Ford: Nếu Hà Nội đem những sư đoàn trừ bị từ phía bắc vùng phi quân sự, (DMZ) vào, thì quân đội VNCH sẽ mất ít nhất là sư đoàn dù, thủy quân lục chiến, và 3 sư đoàn khác. Tất cả sẽ sụp đổ! chiến tranh sẽ chấm dứt!
    (…)
    (1) Ngày 29-4-2000, nữ ký giả Marcella Bombardieri viết trên tờ Boston Global một bài tựa đề “Nguyễn Văn Thiệu sống ẩn dật ở Boston” về cuộc sống của ông Thiệu. Bombardieri nhắc lại sử gia George Herring, một người chuyên nghiên cứu về Việt Nam thuộc đại học Kentucky, đã phê bình ông Thiệu về những tính toán chiến thuật nhầm lẫn vì nghe lời tướng Ted Serong, một chuyên gia về du kích chiến của Úc, khi ông ra lệnh triệt thoái khỏi cao nguyên.
    (…)




    Lạc đạn (1)

              

    Tù binh tại Ban Mê Thuột
    (ảnh AFP)

              

    Sau khi Bắc quân chiếm thành phố Ban Mê Thuột (1), nhiều chuyện thật khôi hài, nhưng lại rất thật đã xày ra trên thành phố này. Không hiểu sau này, em út tôi lớn lên, đọc lại những điều tôi viết ở đây có tin hay không, vì bây giờ là năm 1975, chỉ còn 25 năm nữa là hết thế kỷ thứ 20.

    Một số dân thành phố chạy thoát khỏi thị xã, bộ đội chiếm những căn nhà này. Ban Mê Thuột tuy là một thành phố nhỏ so với các thành phố khác nhưng nhà cửa được xây dựng khoảng thập niên 60, với lối kiến trúc có nhà tắm, nhà bếp, phòng khách rất tiện nghi.

    Một ngày, có 2 bộ đôi chiếm dụng 1 căn nhà trên đường Hai Bà Trưng, ra chợ mua 2 con cá lóc (do bạn hàng từ quận Lạc Thiện mang ra chợ Ban Mê Thuột bán) đem về thả trong hầm cầu (toilet bowl). Ngày hôm sau, cá biến mất, 2 bộ đội kết tội những nhà lân cận ăn trộm cá của cách mạng, hàng xóm hết cả hồn vía.

    - Ai đã vào nhà ăn trộm cá, phải thành thật khai để được khoan hồng.

    Hàng xóm sợ quá đành đứng chịu trận để cho cán bộ thóa mạ, mãi 1 lúc khá lâu, có cụ H. đã ngoài 60 tuổi, lấy hết can đảm hỏi cán bộ:

    - Thưa cán bộ nhốt cá ở đâu mà bị mất trộm?

    - Đây, vào đây chỉ cho, cán bộ cách mạng không bao giờ nói láo.

    Cụ H. vào nhà mới hay cán bộ đã nhốt cá ở…Cán bộ lại còn khen, nước trong thùng này mát lắm. Cụ dở khóc dở cười và gỉai thích cho cán bộ đó là…cái bồn đi cầu.

    (Ban Mê Thuột những ngày đầu - Nguyễn Định)


    (1) Lạc đạn là những tiết mục…"lạc lõng – lạc đề" trong Tạp ghi sau 40 năm.


    - : Xem tiếp "cà rem phơi khô" và "TV chạy đầy đường” qua bài viết "30 tháng 4! Ký ức của một người chưa cầm súng", tiêt mục Ngày thứ 49 - Tân Cảng-Sài Gòn 27-4-1975.





    Ngày thứ 2
    Ban Mê Thuột thất thủ


    Ngày 11-3, 8 giờ sáng, giờ phút của định mệnh, và cũng là khởi đầu ngày thứ hai trong trận đánh quyết định giữa hai miền Nam-Bắc 1975. Chiến trường Ban Mê Thuột coi như kết thúc với sự tràn ngập của bộ đội Bắc Việt.

    Hơn 10 giờ sáng, thình lình mọi người nghe một tiếng nổ ầm thật kinh hoàng. Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh đã bị không quân ném nhầm. Trung tâm hành quân Sư đoàn 23 BB bị sập và các hệ thống liên lạc đều bị hư hại toàn bộ. Đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó Sư đoàn 23 BB, kiêm tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột rút khỏi bộ tư lệnh Sư đoàn để bảo toàn lực lượng. Đến xế trưa, bên cạnh đại tá Quang chỉ còn có người thiếu úy, sĩ quan tùy viên và một người lính. Không thể đi tới được phi trường Phụng Dực và cũng không còn phương tiện truyền tin để liên lạc, ba người nhắm hướng nam đi về phía Quảng Đức.

    11 giờ 50, ngày 11-3, bộ tư lệnh Quân đoàn II mất liên lạc với đại tá Quang.

    Nhưng tại phi trường Phụng Dực, một trung đoàn của Sư đoàn 23, với 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 53 Bộ binh, một chi đoàn thiết vận xa M113, một pháo đội đại bác 105 ly vẫn tiếp tục chiến đấu thêm một tuần lễ nữa.

    (Phạm Huấn – Trọng Đạt – SQTB K10B/72)




    Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương

    Dù cấp nhỏ, nhưng tôi vẫn cố gắng phân tích theo nhãn quan của tôi để mình còn nước còn tát trong việc giữ Ban Mê Thuột, vùng trách nhiệm của mình. Nhìn qua những mũi tên và những đơn vị của Bắc quân, theo như bản phối trí của Quân đoàn 3 Bắc Việt:
              

    Phi trường Phụng Dực, Đức Lập
              
    Các Sư đoàn 320, F10, 316 của Bắc quân vẫn còn ở phía tây Pleiku và Kontum. Những tin tức các sư đoàn này đã về Ban Mê Thuột vẫn chưa được quân đoàn xác nhận, vẫn còn phải theo dõi và kiểm chứng, nói theo phòng 2 của quân đoàn.

    Tôi tiên đoán, Ban Mê Thuột sẽ là nơi thử lửa đầu tiên cho việc tiến chiếm miền Nam. Bằng chứng là họ đã chặt tay chân của Ban Mê Thuột bằng cách nhổ cứ điểm Đức Lập coi như đứt đoạn. Vì vậy, tôi đã nhiều lần xin tướng Phú tăng cường quân bằng cách đưa Trung đoàn 45 BB về phòng thủ Ban Mê Thuột.

    Với nhiều lần xin quân viện, mãi đến ngày 4-3-1975, tướng Phú mới bằng lòng cho Trung đoàn 45 về Ban Mê Thuột. Lệnh di chuyển đã được ban hành, 2 giờ chiều cùng ngày, toàn thể đơn vị thuộc Trung đoàn 45 đã ngồi lên xe GMC để chờ lệnh Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 BB là xe chuyển bánh. Không ngờ vừa lúc đó, pháo kích của Bắc quân rót vào thị xã Pleiku, vào bộ tư lệnh Quân đoàn II. Tướng Phú đang ở Nha Trang được báo cáo của tham mưu trưởng Quân đoàn II về việc pháo kích này, đã không ngần ngại hét vào máy:
    • ”Tôi ra lệnh cho Trung đoàn 45 BB không di chuyển về Ban Mê Thuột nữa, ở lại Pleiku vì mặt trận Pleiku đã bùng nổ rồi".

    (Nguyễn Trọng Luật)
    Đại tá Nguyễn Trọng Luật, tỉnh trưởng Darlac.




    Quân đoàn 3 tại Vùng 2 chiến thuật

    Quân đoàn 3, còn gọi là Binh đoàn Tây Nguyên gồm 3 sư đoàn bộ binh F10, 316, 320A, trung đoàn xe tăng 273, trung đoàn pháo binh 40 và 575, trung đoàn đặc công 198, trung đoàn phòng không 232, 234 và 593, các trung đoàn công binh 7 và 576,…v…v… Sư đoàn F10 (ở nam Lào qua) và mới từ quận Đức Lập kéo về Ban Mê Thuột. Sư đoàn 316 (từ Nghệ An vào)
    Tổng cộng khoảng 5 sư đoàn.

    Tại Pleiku có Sư đoàn 3 Sao Vàng và Sư đoàn 968 bôn tạp từ Lào qua.




    Bên lề trận chiến

    Theo sách Đại thắng mùa xuân thì đêm 11-3-1975, Bắc quân bắt được Đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó Sư đoàn 23 BB tại Ban Mê Thuột. Ông này khuyên Văn Tiến Dũng nên đánh thẳng xuống Nha Trang và Cam Ranh bởi vì giữa Ban Mê Thuột và Nha Trang chỉ còn 1 trung đội địa phương quân (!) đóng tại đèo M’Drak.

    2 giờ sáng ngày 12-3, đi được khoảng 6 cây số đường rừng ngay khi vừa tới sát một làng thượng, thì bị Bắc quân nổ súng, xông ra vây bắt. Thấy đại tá Quang vẫn còn mang cấp bậc trên cổ áo và xưng danh là tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh, chúng đã trói lại, lột giầy và liệng xuống hố. Chừng một giờ sau, chúng được lệnh dẫn đại tá Quang đi suốt đêm. Tới chiều hôm sau, ngày 13-3, được cởi trói, cho đi giầy vào và chở đi bằng xe molotova sang Cam Bốt để khai thác. Vùng rừng núi này, chắc chắn là nơi đặt bản doanh bộ tư lệnh chiến trường Tây Nguyên 1975 của 2 tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng và Hoàng Minh Thảo.

    Trong suốt thời gian bị điều tra, đại tá Quang bị khủng bố tinh thần, cùm giữ hai chân trong hai thân cây lớn được khoét lỗ sẵn. Đó có thể cũng là kết quả đưa đến những lời cung khai của tư lệnh phó Sư đoàn 23 BB, như Văn Tiến Dũng đã viết trong cuốn Đại thắng mùa xuân.

    (Phạm Huấn)




    Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương

    Khoảng 2 giờ sáng ngày 10-3-1975, khi Ban Mê Thuột còn đang trong giấc điệp, bỗng bị đánh thức dậy bằng tiếng pháo kích inh tai, rợn óc của địch quân. Tôi rất bình tĩnh vì đã nếm mùi hỏa tiễn của họ ở những trận đánh trước…Từ lầu hai tôi chạy xuống hầm chỉ huy, đây là một hầm rất kiên cố, làm bằng bê tông cốt sắt. Trong hầm trang bị đầy đủ máy móc truyền tin để liên lạc tới các đơn vị trực thuộc rất dễ dàng. Tôi liên lạc ngay trưởng phòng 3 tiểu khu:
    • - Anh hãy gọi ngay pháo binh Sư đoàn 23 BB tại Phụng Dực phản pháo.


              

    Pháo 105 ly tầm tác xạ 15 km Pháo 130 ly tầm tác xạ 27 km

    - : Tuy nhiên pháo 175 ly có tầm bắn từ 25 đến 27 km.

              

    Tiếng pháo kích vang rền thị xã Ban Mê Thuột cho đến 4 giờ sáng. Đạn pháo kích 130 ly vẫn rót đều vào thị xã. Lý do dễ hiểu là pháo binh của ta tại phi trường Phụng Dực phản pháo với đạn 105 ly đâu có tầm xa như đạn 130 ly của họ. Vì vậy sự phản pháo trở nên vô vọng, không thể khóa họng những khẩu đại pháo của địch. Nhất là pháo binh của ta không có L19 hướng dẫn, chỉ điểm, điều chỉnh chính xác.

    ***

    Đến 7 giờ sáng, địch ngưng pháo kích và cũng ngay lúc này trưởng ty cảnh sát Darlac báo cáo thẳng với tôi:
    – Thưa đại tá, chiến xa nó đã tiến vào thị xã và hiện đang bố trí xung quanh nhà thờ thị xã. (cũng nên ghi nhận là nhà thờ Công giáo này nằm ở trung tâm thành phố).

    Tôi liền báo cáo và xin tướng Phú được qua chung ở với Đại tá Vũ Thế Quang, tại trung tâm hành quân Sư đoàn 23 BB. Tướng Phú chấp thuận. Mối lo ngại lớn lao của đại tá Quang và tôi là chiến xa của họ đã lọt vào giữa thị xã. Với kinh nghiệm của một sĩ quan kỵ binh tôi hiểu rất rõ hỏa lực tấn công của những con ngựa sắt này.

    Sự chênh lệch về lực lượng ta và địch quá rõ. Địa phương quân phải so tài với quân chính qui Bắc Việt, với sự yểm trợ chiến xa và pháo binh. Còn bên ta, pháo binh tại Phụng Dực, cũng như phi pháo không thể yểm trợ. Một phần vì dân chúng chưa được di tản. Cộng thêm, hỏa lực phòng không của địch dày đặc, làm phản lực cơ A37 của ta cũng không thể xuống thấp để thả bom cho chính xác được.

    2 giờ 45, trưởng phòng 3 tiểu khu báo cáo: Một trái đã đánh trúng hầm TOC/TK.

    1 giờ 30, trưởng phòng 3 tiểu khu lại báo cáo: Chiến xa tràn ngập hệ thống phòng thủ.

    (…)




    Góp nhặt…ghi chép…

    Chiều ngày 15-3 tại chi khu Phước An của tiểu khu Đắc Lắc, trưởng phòng tình báo Quân đoàn II là Đại tá Trịnh Tiếu nhờ Thiếu tá Phạm Huấn, đặc phái viên của tướng Phạm Văn Phú, báo lại cho tướng Phú (đang ở BTL/Quân khu II tại Nha Trang) rằng quân Bắc Việt tại Ban Mê Thuột có 4 sư đoàn, đang tràn về Nha Trang. Trong khi tình hình Quân khu II lâm vào cảnh hiểm nghèo như thế thì hồi ký của tướng Viên không hề có lấy một dòng đả động tới việc ông đã ra lệnh như thế nào hoặc làm gì để giúp tướng Phú trong suốt khoảng thời gian từ khi trận Ban Mê Thuột bắt đầu nổ ra cho tới ngày quân Bắc Việt thanh toán xong Ban Mê Thuột và bắt đầu tràn xuống Phú Bổn. Tướng Viên không giúp gì tướng Phú để tái dựng lại cầu sông Ba.

    (Bùi Anh Trinh)




    Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương

    2:00 giờ, BCH/TK coi như thất thủ hoàn toàn. Tôi liền báo cáo cho tướng Phú. Tướng Phú ra lệnh cho trực thăng vận Liên đoàn 21 Biệt động quân xuống Ban Mê Thuột.

    Đến mãi 6 giờ, Quân đoàn II mới quyết định cho thả Liên đoàn 21 BĐQ xuống BCH/CK Buôn Hô rồi đi bộ tiến vào thị xã Ban Mê Thuột. Tôi liên lạc với chỉ huy trưởng Liên đoàn 21 BĐQ, hối thúc phải cho tiến quân nhanh vào thị xã để tái chiếm lại BCH/TK.

    Mãi đến 11 giờ khuya, họ cho biết rằng đã tới ven thị xã Ban Mê Thuột mà không tiến vào được vì bị địch chặn đánh. Tôi theo dõi cuộc tiến quân của Liên đoàn 21 BĐQ từng phút, cứ 15-20 phút là tôi liên lạc với họ hỏi coi đã tiến tới đâu rồi. Vẫn những câu trả lời ngắn gọn: ”Đang tiến nhưng gặp nhiều ổ kháng cự”.

    Tôi chờ đợi Liên đoàn 21 BĐQ tiến vào thị xã, 2 giờ sáng ngày 11-3, rồi 3 giờ, rồi 4 giờ cho đến hừng sáng Liên đoàn 21 BĐQ cũng không tiến vào được.

    7 giờ sáng ngày 11-3, Bắc quân bắt đầu nã pháo binh vào Bộ tư lệnh Sư đoàn 23, Tôi đoán chắc rằng họ đang cho pháo binh bắn vào vị trí BTL/SĐ23 để chuẩn bị tấn công. Tôi nói với đại tá Quang, lúc này là lúc nguy ngập, sắp cận chiến.

    Lúc này khoảng 7 giờ 30 sáng. Tôi đi thẳng ra cửa BTL/SĐ thấy ngoài cổng BTL khoảng cách độ 300 m đầy chiến xa T54 đã bao xung quang BTL. Tiếng máy kêu ầm ầm và các chiến xa đâm thẳng vào cổng bộ tư lệnh. Những con cua sắt ì ạch tiến gần cổng 250 m, rồi 200 m, rồi 100 m. Chiến xa địch đầu chầm chậm tiến thẳng vào thiết vận xa M113. May mà ngụy trang nên chúng không thấy. Tôi mừng quá và nói thầm trong bụng: "Mày sẽ chết con ạ"… Thần kinh tôi như giãn ra. Tất cả anh em chúng tôi hồi hộp, giờ sinh tử bắt đầu. Khói đen từ ống thoát phun ra mù mịt, chiến xa T54 địch, chiếc đầu chầm chậm tiến vào. Chúng vẫn chưa biết có chiếc M113 đang chờ đón nó vào cửa tử, vì được ngụy trang kỹ càng như đã nói trên. Tôi hét lớn "Bắn!". Thay vì chúng tôi phải nghe tiếng nổ thật lớn của viên đạn vút ra khỏi nòng súng, thì trái lại cây súng chỉ cho chúng tôi một tiếng khô khan, lãng xẹc: "Cóc!".

    Trong khi mắt mọi người và tôi dán chặt vào những con cua sắt. Tôi gào lên:
    – Gì thế! Gì thế!
    Xạ thủ trả lời:
    – Trở ngại tác xạ, đại tá!
    – Mở "culasse" ra xem?
    – Trình đại tá, "percuteur" bị gẫy!
    – Có "percuteur" thay thế không?
    – Thưa… không!

    (…)




    Chuyện kể thời hậu chiến

    Gần nhà em có một chú tử sĩ, chú bị cụt đầu.
    Sáng nào chú cũng đi qua nhà em để ăn sáng.




    Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương

    Tiếng: "Thưa không" làm tôi toát mồ hôi, vì đây là hy vọng cuối cùng cho sự cầm cự với họ để chờ viện binh tới. Bây giờ tiêu diệt chiến xa địch bằng phương tiện gì đây? À phải rồi, chúng ta còn oanh tạc cơ đang bay lượn trên không. Những chiếc phản lực cơ A37 sẽ xơi tái chúng một cách dễ dàng. Tôi liên lạc ngay với L19 và nói chấp nhận sự nguy hiểm để dùng phản lực cơ dội bom thẳng vào các chiến xa đang tiến vào Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 BB, và như vậy mới chặn đứng cuộc xung phong của họ. Trong lúc chờ đợi phi cơ làm thịt mấy con "cua sắt". Thình lình, mọi người nghe một tiếng nổ "ầm" thật khủng khiếp vang dội cả một góc trời. Cát, đá, bụi tung lên cao cả hàng trăm thước. Thôi rồi! Trung tâm hành quân sư đoàn nơi đầu não để chống lại địch quân đã bị không quân ta đánh trúng.

    TOC bị sập và các phương tiện truyền tin thiết trí trong đó đều tiêu tùng theo mây khói. Ai cũng biết, trong trận mạc, truyền tin là huyết mạch chính. Bây giờ không còn để liên lạc với cấp trên và thông tin cho cấp dưới nữa. Không một chút suy nghĩ, tôi nói nhanh với đại tá Quang:
    • – Không thể cố thủ được nữa. Không có truyền tin, chiến xa làm sao chận đứng những chiến xa T54 và bộ binh đang tiến vào căn cứ. Trong khi đó chúng ta không có viện binh. Tồi đề nghị chúng ta rút ra khỏi vị trí phòng thủ BTL sư đoàn ngay để bảo toàn lưc lượng còn lại.

    Đại tá Quang đồng ý và ra lệnh rút quân. Chúng tôi vọt ra khỏi hàng rào và hướng về phía tây tức là "suối Bà Hoàng". Cũng may mùa này là mùa khô nên suối cạn. Đáy suối lại thấp hơn mặt đất tới 15 m nên rất dễ cho việc ẩn nấp. Anh em binh sĩ đi theo chừng 100 người. Xa xa tiếng phát thanh tuyên truyền của địch quân gần chùa Phật giáo của Tỉnh hội Phật giáo Ban Mê Thuột kêu gọi các binh sĩ ta đầu hàng. Chúng tôi tiếp tục di chuyển…

    Hình ảnh lê thê lếch thếch của đoàn quân như khúc phim trên màn bạc cho trận Thế chiến thứ hai, trận Dunkerque năm 1940, mà lực lượng đồng minh phải bỏ thành phố vì bị Đức tràn ngập. Lúc đó họ còn thiết giáp, nhưng thiết giáp của Đức tối tân hơn nên phải ra hàng. Họ chạy đến bờ biển và đã kiếm bất cứ phương tiện nào như du thuyền, canô hay thùng phao để thoát. Còn tôi bây giờ còn gì đây. Sinh ra làm lính thiết giáp mà bây giờ di chuyển như lính bộ binh.
    (…)





    Ngày thứ 3
    Chuẩn bị tái chiếm Ban Mê Thuột : 12-3-1975


    Ngày 12-3, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân đoàn II quyết định tổ chức cuộc đổ quân tăng viện để tái chiếm Ban Mê Thuột. Thiếu tướng Phú rời bộ tư lệnh Quân đoàn II tới Ban Mê Thuột vào khoảng 2 giờ chiều, Tướng Phú đã liên lạc với các đơn vị đang chiến đấu ở quanh Ban Mê Thuột như Trung đoàn 53 BB ở phi trường Phụng Dực, Liên đoàn 21 Biệt động quân, các tiểu đoàn địa phương quân Darlac. Sau khi hoàn tất việc điều động đợt đổ quân đầu tiên, Thiếu tướng Phú giao trách nhiệm chỉ huy trực tiếp các cánh quân tái chiếm Ban Mê Thuột cho Chuẩn tướng Lê Trung Tường, tư lệnh Sư đoàn 23 BB, rồi ông trở lại Pleiku.

    Trong buổi chiều cùng ngày, cùng lúc gia tăng áp lực tại chiến trường Ban Mê Thuột, thì tại Pleiku, từ những đỉnh cao phía tây-bắc của thị xã này, Bắc quân quân đã pháo kích bằng hỏa tiễn vào phi trường quân sự Cù Hanh và bộ tư lệnh Quân đoàn II.
    (Phạm Huấn – Trọng Đạt – SQTB K10B/72)




    Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương

    Tôi bàn với đại tá Quang. Mình phải phân tán mỏng để tránh sư phát giác của địch quân. Tôi đề nghị: ”Toa” đi về một phía, “moa” một phía và cố gắng tìm về Nha Trang. Đại tá Quang gật đầu và chọn ngay cho mình một quyết định. Vị tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột nói với tôi: "Moa sẽ đi về hướng nam, đến gần cầu khoảng cách 14 km là tìm đường về Nha Trang". Còn tôi không còn chọn lựa naò khác hơn là đi về hướng tây, chờ trời tối sẽ bọc lên phía bắc Ban Mê Thuột và từ đó tìm về Nha Trang.

    Tôi rất ngao ngán cho việc vượt thoát này. Nhưng không còn một con đường nào khác. Chúng tôi bò tiến lên ngang mặt đất. Vưà lúc đó hàng loạt súng cộng đồng nổ vang và nhắm vào đoàn người chúng tôi. Đạn cày xới lên đất làm tung bụi mịt mù. Tiếng đại liên, tiếng gào thét của chiến xa đang tiến về chúng tôi như cuộc bủa vây đang thắt chặt. Tôi biết chúng tôi không thể nào thoát trước một thế trận đường cùng này. Tôi bèn bàn với thiếu úy Phương là nên đầu hàng. Thiếu úy Phương cởi áo lót trắng và lấy cây đưa lên cao phẩy qua phẩy lại để ra dấu hiệu đầu hàng. Lập tức súng đại liên ngưng bắn và chiến xa tiến sát về phía chúng tôi khoảng 10 m, một cán binh nhảy ra khỏi chiến xa, với khẩu AK47 chĩa thẳng vào chúng tôi và quát lớn:
    – Tụi bay chức vụ, cấp bậc gì??
    Như cái máy, tôi trả lời:
    – Tôi là đại tá tỉnh trưởng.
    Hắn tròn xoe mắt lại và nghi ngờ:
    – Thật không? Thật không?
    Tôi gật đầu và hắn hỏi tiếp:
    – Tên gì nói mau.
    Tôi không ngần ngại:
    – Nguyễn Trọng Luật.
    – Thật không?
    – Thật.

    Hắn sững người và rất đỗi ngạc nhiên. Hắn càng ghìm tay súng vào đầu tôi. Một cán binh khác nhảy từ trên xe đến lột hết quần áo tôi. Trên người tôi chỉ còn chiếc áo lót và chiếc quần treillis. Chúng lấy hết súng lục, áo giáp, nón sắt, giầy boots và luôn cả vớ. Chúng nhanh tay lấy giây trói chặt tay tôi ra đằng sau. Chừng nửa giờ sau, một chiến xa khác tới. Một cán binh mặt mũi sáng sủa nhảy ra khỏi chiến xa và tiến tới tôi hỏi:
    – Anh có thật là Đại tá Nguyễn Trọng Luật, tỉnh trưởng Darlac không?
    – Đúng.
    – Thôi anh ngồi chờ, chốc lát sẽ có xe đưa anh đi.


    Khoảng 4 giờ chiều, một chiến xa khác xuất hiện và bốc một mình tôi lên xe. Xe bắt đầu di chuyển. Tôi có thể đoán chắc là chúng đi về hướng tây để đến bộ chỉ huy của chúng.
    (…)




    Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

    Tôi sinh năm 1943, vào mùa xuân 75, tôi là thiếu úy Sư đoàn 23 quân lực VNCH, đóng ở Pleiku và Ban Mê Thuột. Khoảng tháng 3, tiểu đoàn tôi tiến vào mật khu Quang Nhiêu, cách Ban Mê Thuột chừng mười bảy cây số. Trong chiến dịch này, chạm trán một nhóm trinh sát Bắc Việt, chúng tôi khai hỏa, giết chết bảy, bắt sống hai. Một trong hai tên bị bắt là sĩ quan. Phía chúng tôi tổn thất bốn. Cùng với việc bắt tù binh, chúng tôi cũng tìm được nhiều tài liệu và tin tức quan hệ. Chúng tôi cho gửi ngay các tài liệu và tù binh về bộ chỉ huy.

    Nhưng khi tiến thêm chừng một cây số, chúng tôi có lệnh ngừng và rút quân, vì an ninh quân đội khai thác tù binh, biết được có nhiều đơn vị quân đội chính quy Bắc Việt lúc ấy chỉ đóng cách chúng tôi hai ngày đường bộ. Nhưng sự thực, chúng chỉ cách địa điểm chúng tôi có hai cây số, nếu tiến thêm chúng tôi đã bị quét gọn rồi. Vì thế chúng tôi rút về Quang Nhiêu, ở lại bảo vệ địa điểm này. Như vậy chúng tôi đã biết thực lực địch quân. Chúng tôi hiểu tình hình nghiêm trọng, nhưng tôi không nghĩ các sĩ quan ở tỉnh và tư lệnh vùng biết được tình hình nghiêm trọng là đã có nhiều quân chính quy Bắc Việt như vậy ở trong vùng.

    Tình trạng rất phức tạp. Tiểu đoàn chúng tôi gồm bốn đại đội. Đại đội tôi là Đại đội 1, nhận lệnh trở lại Ban Mê Thuột, vào giữa thành phố để yểm trợ các xe dầu của sư đoàn, Đại đội 2 đến đóng tại bộ chỉ huy Sư đoàn 23. Một đại đội khác được gửi đến yểm trợ các căn cứ nhẹ của quân đoàn, nhưng đã bị tiêu diệt toàn bộ. Đêm mùng 9 rạng ngày 10-3, đại đội tôi có lệnh đến phòng vệ cây cầu trên đường 14 để giữ khai thông con lộ. Nhưng đêm ấy, quân Bắc Việt pháo rất dữ, chúng tôi lâm tình trạng hết sức nguy kịch. Tôi dẫn lính trở ra, nhưng quân cảnh yêu cầu chúng tôi trở lại vị trí để chuẩn bị vì tình hình nghiêm trọng. Mọi việc có vẻ không khá. Tôi nghĩ lúc ấy ai nấy đều biết trước một cuộc tấn công sẽ phải xảy ra.

    (Larry Engelmann & Nguyễn Trường Toại)




    Ngồi ở quán nhậu kể chuyện súng đạn

    Gần nhà em có một chú thương binh, chú đã bị thương hai lần.
    Một lần ở Buôn Mê Thuột và một lần ở đùi.




    Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương

    Tại trại tù Nam Hà, tôi được biết đứa con út của tôi đã chết tại xã Châu Sơn cách thị xã Ban Mê Thuột chừng hơn 3 km. Số là khi Bắc quân tràn ngập, các con tôi đã theo chân những binh lính trong dinh chạy trú ẩn tại nhà cha Tâm, cha sở xã Châu Sơ, một xã phần đông là người Công giáo từ Bắc di cư vào Nam năm 1954, nên có tinh thần chống Cộng cao độ. Bắc quân đã nã pháo kích như mưa vào làng, làm trúng hầm trú ẩn gia đình cha Tâm. Kết quả là đứa con út tôi và 2 đứa cháu của cha Tâm bị tử thương.

    Trong tù, tôi gặp Đại tá Nguyễn Văn Của, thiết giáp, tỉnh trưởng tỉnh Châu Đốc cho tôi biết khi Ban Mê Thuột bị mất, ông Thiệu đã triệu các tỉnh trưởng về họp tại dinh Độc Lập và nói:
    • Thằng Luật trở về trình diện, tôi sẽ xử bắn ngay vì bỏ chạy mà không giữ được thị xã. Còn các anh cũng vậy, ai bỏ tỉnh mà chạy, tôi cũng bắn ngay.

    Nghe lời kể của anh Của mà lòng tôi xót xa, Ở đời ai có hiểu mình và tôi lại nghĩ tới mình đang trong đời lao tù không có ngày ra này. Thêm nữa, cũng may cho tôi là tôi đã không bỏ tỉnh, chạy trước khi địch quân đến mà tôi ở lại cố thủ để bị bắt tại chiến trường. Nếu không bị xui xẻo vì bị oanh tạc lầm vào TOC, nếu quân tiếp viện đến kịp thời thì đâu đến nỗi bị bắt và ở tù tại miền Bắc 13 năm, 5 tháng, 25 ngày.

    Sau khi gia đình tôi đã được định cư tại Mỹ, qua diện HO. Vì chưa ổn định được đời sống nên tôi chưa có dịp diện kiến ông Thiệu để thưa lại vị tổng tư lệnh của tôi đôi điều. Có một cảm nghĩ mà tôi cứ suy nghĩ mãi là các tướng VNCH có đọc truyện Tàu không, nhất là tướng Phú, để không bị Bắc Việt đánh lừa ở Vùng 2. Vì nếu đọc truyện Tàu đời xưa, chúng ta đều biết trận đánh giữa Hàn Tín và Hạng Võ được gọi là:

    Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương.

              
    (Nguyễn Trọng Luật)



    http://chimviet.free.fr/lichsu/phingoch ... Ky01_a.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hận Tháng Tư

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          





Hận Tháng Tư
__________________
Ngô Minh Hằng
Gởi Đồng Bào và Quê Hương nhân Ngày Quốc Hận




Năm tháng theo nhau rụng xuống đời
Tháng Tư lại đến, Tháng Tư ơi !
Tháng Tư này nữa là bao nhỉ
Mà vẫn xa quê, vẫn phận hời ???

Tóc đã phai xanh, tuổi đã chiều
Vì sầu tổ quốc, vẫn đăm chiêu
Phần thương dân tộc trong hờn tủi
Phần xót quê hương đỏ giáo điều ...

Hỡi những trái tim, những tấm lòng
Cơ trời vận nước buổi suy vong
Hãy xin gìn giữ niềm trung nghĩa
Đừng để ngàn sau hổ giống dòng

Đừng để tàn phai nét đẹp xưa
Của trang thanh sử, dẫu giao mùa
Chao ơi, từ đỏ cơn hồng thủy
Bao kẻ xuôi dòng theo gió mưa !!!

Nhìn những lòng thay những nắng phai
Mà tim thổn thức nhịp u hoài
Mà đau mà xót niềm hưng phế
Thương bóng Loa Thành, thương Ức Trai !

Giọt lệ đôi phen đã ngỡ ngàng
Khi người đổi bến, kẻ sang ngang
Thịnh suy mới rõ lòng trung nghĩa
Mới thấy vàng thau thật rõ ràng !

Dốc thẳm, đường chênh vắng bóng người
Âm thầm chiến sĩ bước đơn côi
Con thuyền chính nghĩa, lòng son sắt
Xin chớ phong ba mãi dập vùi !

Mấy chục năm dài vẫn đợi mong
Đợi anh góp sức, chị chung lòng
Đứng lên trừ hết loài gian ác
Để trả cho tròn nợ núi sông

Rồi sẽ bình minh rực tháng Tư
Quê hương nhất định hết lao tù
Cờ Vàng tô thắm khung trời Việt
Tổ quốc vinh quang, sạch bóng thù



04-2021
Ngô Minh Hằng



          

https://bacaytruc.com/index.php/9599-h- ... -minh-h-ng
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: - 30/04/2021 - tưởng niệm 46 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Ngoc Han »

NHẮN NGƯỜI VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG TRONG THÁNG TƯ

Tháng tư này bạn có về thăm quê nhà
Cho tôi gửi theo một bình nước mắt
Tưới lên trên mấy mộ phần hiu hắt
Của bạn bè gục ngã ngày cuối tháng tư

40 năm tôi đã khóc thừa dư
Ở mỗi độ tháng tư về đây đó
Khóc cho người ở lại sống cuộc đời khốn khó
Khóc cho thân tôi lưu lạc phương trời

Khi bạn về nếu có dịp rong chơi
Xin bạn ghé thăm nghĩa trang An Khánh (*)
Nơi an nghỉ của mấy ông thần Tinh Long (**) ngang ngạnh
(Người ta chuẩn bị đầu hàng còn cố bảo vệ Thành Đô)

Tôi cứ tưởng nước mắt đã cạn khô
Nhưng lại chảy khi đụng tới chỗ đau âm ỷ
Tôi, thằng lính ngang trời không hề ủy mị
Nhưng vết thương lòng còn tươm máu không thôi

Nếu có ghé quê xin bạn đốt giùm tôi
Chín nén nhang cho chín người chung một mộ
Nán một chút nhổ giùm cho sạch cỏ
Để họ nhìn thấy bầu trời vẫn vằng vặc trăng sao

Ơi những oan hồn Tinh Long
Đừng buồn lòng vì tao vẫn “mầy tao”
Như một thuở mình cùng đi mây về gió
Như một thuở trong nhọc nhằn khốn khó
Chia với nhau những tân khổ giữa lưng trời

Mỗi độ tháng tư lòng tưởng tiếc, bồi hồi
Khi bóng xế sắp tàn bên ngõ vắng
Còn bao nhiêu nữa những ngày mưa, tháng nắng

Để mình lại hợp đoàn
Hát vang thiên đường
Bản hành khúc Không Quân



Ghi chú:



(*) Nghĩa trang An Khánh ở Thủ Thiêm là nơi có ngôi mộ tập thể của Phi Hành Đoàn Tinh Long 07, là phi hành đoàn bị bắn hạ trong vòng đại phi trường Tân Sơn Nhất, khoảng 7 giờ sáng, ngày 29/4/1975, sau khi quần thảo với bắc quân hơn 1 tiếng đồng hồ.

(**) PHD Tinh Long 07 gồm Trang Văn Thành (Pilot), Tào Thuận (Co-pilot), Phạm Tấn Đức (NAV), Trương Ngọc Anh (NOS), Phan Quốc Tuấn (FE), Nguyễn Thái Bình (G1), Nguyễn Văn Bền (G2), Bùi Minh Tân (IO), Nguyễn Tiến Cường (LM), Nguyễn Văn Chín (Gunner Lead – người duy nhất nhảy dù được, hiện còn sống ở Saigon)

Yên Sơn
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Chuyện Di Tản 1975

Bài viết bởi Hoàng Vân »







  • Chuyện Di Tản 1975
    ___________________________
    Tiểu Tử




    Tôi không có đi di tản hồi những ngày cuối tháng Tư 1975 nên không biết cảnh di tản ở Sài Gòn ra làm sao. Mãi đến sau nầy, khi đã định cư ở Pháp, nhờ xem truyền hình mới biết!

    Sau đây là vài cảnh đã làm tôi xúc động, xin kể lại để cùng chia xẻ…




    Chuyện 1: Cuộc di tản kinh hoàng

    Ở bến tàu, thiên hạ bồng bế nhau, tay xách nách mang, kêu réo nhau ầm ĩ, hớt hơ hớt hải chạy về phía chiếc cầu thang dẫn lên bong một chiếc tàu cao nghều nghệu. Cầu thang đầy người, xô đẩy chen lấn nhau, kêu gọi nhau, gây gổ nhau… ồn ào. Trên bong tàu cũng đầy người lố nhố, giành nhau chồm lên be tàu để gọi người nhà còn kẹt dưới bến, miệng la tay quơ ra dấu chỉ trỏ… cũng ồn ào như dòng người trên cầu thang !

    Giữa cầu thang, một bà già. Máy quay phim zoom ngay bà nên nhìn thấy rõ: Bà mặc quần đen áo túi trắng đầu cột khăn rằn, không mang bao bị gì hết, bà đang bò nặng nhọc lên từng nấc thang. Bà không dáo dác nhìn trước ngó sau hay có cử chi tìm kiếm ai, có nghĩa là bà già đó đi một mình. Phía sau bà thiên hạ dồn lên, bị cản trở nên la ó! Thấy vậy, một thanh niên tự động lòn lưng dưới người bà già cõng bà lên, xóc vài cái cho thăng bằng rồi trèo tiếp.

    Chuyện chỉ có vậy, nhưng sao hình ảnh đó cứ đeo theo tôi từ bao nhiêu năm, để tôi cứ phải thắc mắc: Bà già đó sợ gì mà phải đi di tản? Con cháu bà đâu mà để bà đi một mình Rồi cuộc đời của bà trong chuỗi ngày còn lại trên xứ định cư ra sao? Còn cậu thanh niên đã làm môt cử chỉ đẹp – quá đẹp – bây giờ ở đâu?… Tôi muốn gởi đến người đó lời cám ơn chân thành của tôi, bởi vì anh ta đã cho tôi thấy cái tình người trên quê hương tôi nó vẫn là như vậy đó, cho dù ở trong một hoàn cảnh xô bồ hỗn loạn như những ngày cuối cùng của tháng Tư 1975…




    Chuyện 2: Những bàn tay nhân ái

    Cũng trên chiếc cầu thang dẫn lên tàu, một người đàn ông tay ôm bao đồ to trước ngực, cõng một bà già tóc bạc phếu lất phất bay theo từng cơn gió sông. Bà già ốm nhom, mặc quần đen áo bà ba màu cốt trầu, tay trái ôm cổ người đàn ông, tay mặt cầm cái nón lá. Bà nép má trái lên vai người đàn ông, mặt quay ra ngoài về phía máy quay phim. Nhờ máy zoom vào bà nên nhìn rõ nét mặt rất bình thản của bà, trái ngược hẳn với sự thất thanh sợ hãi ở chung quanh!

    Lên gần đến bong tàu, bỗng bà già vuột tay làm rơi cái nón lá. Bà chồm người ra, hốt hoảng nhìn theo cái nón đang lộn qua chao lại trước khi mất hút về phía dưới. Rồi bà bật khóc thảm thiết…

    Bà già đó chắc đã quyết định bỏ hết để ra đi, yên chí ra đi, vì bà mang theo một vật mà bà xem là quý giá nhứt, bởi nó quá gần gũi với cuộc đời của bà: Cái nón lá ! Đến khi mất nó, có lẽ bà mới cảm nhận được rằng bà thật sự mất tất cả. Cái nón lá đã chứa đựng cả bầu trời quê hương của bà, hỏi sao bà không xót xa đau khổ? Nghĩ như vậy nên tôi thấy thương bà già đó vô cùng. Tôi hy vọng, về sau trên xứ sở tạm dung, bà mua được một cái nón lá để mỗi lần đội lên bà sống lại với vài ba kỷ niệm nào đó, ở một góc trời nào đó của quê hương…




    Chuyện 3: Quê hương xa rồi

    Cũng trên bến tàu nầy. Trong luồng người đi như chạy, một người đàn bà còn trẻ mang hai cái xắc trên vai, tay bồng một đứa nhỏ. Chắc đuối sức nên cô ta quỵ xuống. Thiên hạ quay đầu nhìn nhưng vẫn hối hả đi qua, còn tránh xa cô ta như tránh một chướng ngại vật nguy hiểm ! Trong sự ồn ào hỗn tạp đó, bỗng nghe tiếng được tiếng mất của người đàn bà vừa khóc la vừa làm cử chỉ cầu cứu. Đứa nhỏ trong tay cô ta ốm nhom, đầu chờ vờ mắt sâu hõm, đang lả người về một bên, tay chân xụi lơ. Người mẹ – chắc là người mẹ, bởi vì chỉ có người mẹ mới ôm đứa con quặt quẹo xấu xí như vậy để cùng đi di tản, và chỉ có người mẹ mới bất chấp cái nhìn bàng quan của thiên hạ mà khóc than thống thiết như vậy – người mẹ đó quýnh quáng ngước nhìn lên luồng người, tiếp tục van lạy cầu khẩn.

    Bỗng, có hai thanh niên mang ba lô đi tới, nhìn thấy. Họ dừng lại, khom xuống hỏi. Rồi họ ngồi thụp xuống, một anh rờ đầu rờ tay vạch mắt đứa nhỏ, họ nói gì với nhau rồi nói gì với người đàn bà. Thấy cô ta trao đứa bé cho một anh thanh niên. Anh nầy bồng đứa nhỏ úp vào ngực mình rồi vén áo đưa lưng đứa nhỏ cho anh kia xem. Thằng nhỏ ốm đến nỗi cái xương sống lồi lên một đường dài…

    Anh thứ hai đã lấy trong túi ra chai dầu từ lúc nào, bắt đầu thoa dầu rồi cạo gió bằng miếng thẻ bài của quân đội.

    Thiên hạ vẫn rần rần hối hả đi qua. Hai thanh niên nhìn về hướng cái cầu thang, có vẻ hốt hoảng. Họ quay qua người đàn bà, nói gì đó rồi đứng lên, bồng đứa nhỏ, vừa chạy về phía cầu thang vừa cạo gió! Người mẹ cố sức đứng lên, xiêu xiêu muốn quỵ xuống, vừa khóc vừa đưa tay vẫy về hướng đứa con. Một anh lính Mỹ chợt đi qua, dừng lại nhìn, rồi như hiểu ra, vội vã chạy lại đỡ người mẹ, bồng xóc lên đi nhanh nhanh theo hai chàng thanh niên, cây súng anh mang chéo trên lưng lắc la lắc lư theo từng nhịp bước….

    Viết lại chuyện nầy, mặc dù đã hơn ba mươi năm, nhưng tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ con thằng nhỏ được tai qua nạn khỏi, cầu nguyện cho hai anh thanh niên có một cuộc sống an vui tương xứng với nghĩa cử cao đẹp mà hai anh đã làm. Và dĩ nhiên, bây giờ, tôi nhìn mấy anh lính Mỹ với cái nhìn có thiện cảm!




    Chuyện 4:Những cuộc chia tay xé lòng

    Cũng trên bến tàu. Cầu thang đã được kéo lên. Trên tàu đầy người, ồn ào. Dưới bến vẫn còn đầy người và cũng ồn ào. Ở dưới nói vói lên, ở trên nói vọng xuống, và vì thấy tàu sắp rời bến nên càng quýnh quáng tranh nhau vừa ra dấu vừa la lớn, mạnh ai nấy la nên không nghe được gì rõ rệt hết !

    Máy quay phim zoom vào một người đàn ông đứng tuổi đang hướng lên trên ra dấu nói gì đó. Bên cạnh ông là một thằng nhỏ cỡ chín mười tuổi, nép vào chân của ông, mặt mày ngơ ngác. Một lúc sau, người đàn ông chắp tay hướng lên trên xá xá nhiều lần như van lạy người trên tàu, gương mặt sạm nắng của ông ta có vẻ rất thành khẩn. Bỗng trên tàu thòng xuống một sợi thừng cỡ nửa cườm tay, đầu dây đong đưa. Mấy người bên dưới tranh nhau chụp. Người đàn ông nắm được, mỉm cười sung sướng, vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ. Xong, ông đưa tay ra dấu cho bên trên. Thằng nhỏ được từ từ kéo lên, tòn ten dọc theo hông tàu. Nó không la không khóc, hai tay nắm chặt sợi dây, ráng nghiêng người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống. Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay ra dấu như muốn nói: «Đi, đi ! Đi, đi!». Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt vào hai tay khóc ngất! Bấy giờ, tôi đoán ông ta là cha của thằng nhỏ đang tòn ten trên kia… Không có tiếng còi tàu hụ buồn thê thiết khi lìa bến, nhưng sao tôi cũng nghe ứa nước mắt!

    Không biết thằng nhỏ đó – bây giờ cũng đã trên bốn mươi tuổi — ở đâu ? Cha con nó có gặp lại nhau không ? Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…



    https://www.tvvn.org/chuyen-di-tan-1975-tieu-tu-2/
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

tạp ghi sau 40 năm (kỳ 2)

Bài viết bởi Hoàng Vân »







  • tạp ghi sau 40 năm
              
    (kỳ 2)

    ___________________________
    phi ngọc hùng _ 2015






    Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

    Quân chính quy Bắc Việt xoay trở để chiếm Ban Mê Thuột trong vòng có hai ngày. Tôi đã chứng kiến câu chuyện thất thủ Ban Mê Thuột với tư cách một quân nhân chiến đấu.

    Và sau đây, tôi xin kể những gì đã xảy ra:

    – Đêm mùng 9-3, một đoàn xe vận tải chở vũ khí đạn dược tiến đến Ban Mê Thuột. Trước đấy, chúng tôi nghe tin đường Nha Trang-Ban Mê Thuột đã nghẽn, xe cộ không chạy được, tại sao đoàn xe vận tải này đi lọt? Nhưng đoàn xe đến từ Nha Trang làm chúng tôi yên lòng. Chúng tôi cảm thấy dễ chịu vì tưởng quân đội đã đánh bật được chúng, mở lại đường, cho đến khi khám phá đoàn xe này là của địch chứ không phải xe chúng tôi. Đã có địch xâm nhập vào hàng ngũ chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ biết nguồn gốc những chiếc xe vận tải này từ đâu. Nhưng đến chiều mùng 9-3, đoàn xe tới Ban Mê Thuật chở đầy võ khí. Rồi có một chuyện gì, vài người biết được, do đó khi tôi dẫn lính ra thì được yêu cầu quay lại.

    Cũng đêm đó, bộ chỉ huy sư đoàn ra lệnh cho đại đội tôi vào lúc 3 giờ sáng di chuyển lên Bang Dao, nhưng 2 giờ sáng thì địch bắt đầu pháo, chúng tôi không cách gì nhúc nhích nổi. Vào khoảng 8 cho đến 10 giờ sáng, kho đạn không cách chúng tôi bao xa phát nổ. Cả một nghĩa địa và đồn kiểm lâm gần đấy biến mất, trống trơn. Chúng tôi nhận tin địch có chiến xa T54 đang tiến đến tỉnh. Tiểu đội chúng tôi vừa ló ra thì đụng ngay nhóm địch gào thét inh ỏi. Chúng nã đạn B40 vào chúng tôi.

    Lúc ấy, nghe động cơ ầm ĩ, chúng tôi cứ tưởng chiến xa T54, nhưng sau mới biết là không phải. Thật ra đấy là tiếng động cơ của những chiếc xe be kéo gỗ trong rừng. Địch đã mưu mô đưa xe be vào tỉnh, chúng đặt xe một chỗ, rồi cho nổ máy. Tiếng động cơ xe be rất giống tiếng động cơ T54 làm lính VNCH mất tinh thần. Chúng tôi chỉ là một đơn vị nhỏ. Tinh trạng hỗn loạn xảy ra chính vì lầm tưởng quân Bắc Việt đã mang nhiều xe tăng tiến đến.

    (…)




    Góp nhặt…ghi chép…

    Tổng thống Thiệu ra lệnh cho tướng Phú rút bỏ Pleiku và Kontum…Tướng Phú sẽ cho tái phối trí bộ chỉ huy, nhưng tướng Phú sẽ "không" rút quân khỏi Pleiku và Kontum.

    Theo cuốn The Decent Interval của tác giả Frank Snepp (the CIA’s Chief Strategy Analyst VN)

    có đoạn ghi:
    (…) Ở Cam Ranh, Phú cố tình trình bày với Thiệu:
    • Lực lượng địch gồm 5 sư đoàn nay đang dàn từ Pleiku đến Ban Mê Thuột. Mọi đường đi ra bờ biển đều bị cắt. Với lực lượng ông ta có trong tay, ông chỉ giữ được Tây Nguyên trong một, hai tháng với điều kiện được không quân yểm trợ tối đa, tiếp tế bằng không vận đầy đủ nhu cầu về vật liệu, vũ khí, đạn dược, bổ sung quân số đủ bù số thiệt hại nặng vừa qua.


    (Đào Văn)




    Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

    Địch chiếm toàn tỉnh trong vòng có hai ngày. Sau đó, tại hậu cứ chúng tôi, khu phi trường Phụng Dực cách Ban Mê Thuột 10 cây số, nơi đóng căn cứ của Trung đoàn 53 và Trung đoàn 54, chúng tôi đã chiến đấu ròng rã gần mười ngày. Tỉ số tổn thất của địch nặng hơn chúng tôi. Tỉ số thương vong của địch là bảy so với chúng tôi là hai. Chúng tôi chiến đấu đến khi hết đạn, phải gọi trực thăng tiếp tế. Họ thả thùng đạn xuống gần phía Bắc quân hơn phía chúng tôi, chúng tôi không thể lấy đạn được. Vì thế chúng tôi đành chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng, rồi hầu hết chúng tôi đều tử trận. Sau, chỉ còn trung đoàn trưởng là trung tá Ân và hai quân nhân sống sót trong cuộc tàn sát này. Tôi là một trong những người sống sót ấy.

    Sau đó, địch truy lùng các binh sĩ VNCH. Chúng bắt được tôi trong một thời gian ngắn. Tôi không quen đường trong thị xã Ban Mê Thuột. Mặc dầu đã ở vùng này khá lâu nhưng ít khi tôi ra tỉnh. Tôi là một người lính chiến, hầu hết thì giờ dành cho các cuộc hành quân, chiến dịch.

    Việc thất thủ Ban Mê Thuột là việc không tránh khỏi. Ở đây chỉ có mỗi một tiểu đoàn phòng vệ tỉnh, tức là bốn đại đội, mà một đại đội đã được đưa đi chỗ khác, nên chỉ có ba đại đội ở nơi này. Cũng có một số quân nhân nữa, nhưng họ đều là lính văn phòng. Nói rằng Ban Mê Thuột mất trong hai ngày là không hoàn toàn đúng. Chính ra Ban Mê Thuột đã mất trong vòng một ngày. Tuy nhiên, thưa ông, ông (Larry Engelmann) phải biết đã có một trận đánh lớn diễn ra cách Ban Mê Thuột mười cây số, tại phi trường Phụng Dực. Chính nơi đây chúng tôi đã thực sự chiến đấu mãnh liệt với địch quân, chúng tôi đã cầm chân chúng suốt một tuần lễ.
    (…)




    Góp nhặt…ghi chép…

    Khi nghe tin rút bỏ Pleiku-Kontum, tác giả Pierre Darcourt (1) có đến Bộ tổng tham mưu gặp đại tá Khôi và đi Mỹ Tho gặp Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam (tư lệnh Vùng 4) để tìm hiểu về vụ triệt thóai Quân khu II, và tường thuật lại trong cuốn Vietnam, Qu’as Tu Fait De Tes Fils.

    Tướng Nam:
    • (…) Ngày 14-3-1975, tổng thống gọi ông (tướng Phú) về Cam Ranh và cho lệnh ông ta phải lui quân. Bây giờ chúng tôi biết được là cuộc bàn cãi rất đầy sóng gió. tướng Phú đã từ chối không thi hành lệnh. Ông ta đã nói thẳng với tổng thống Thiệu: Tôi đã đánh giặc 23 năm, và tôi chưa bao giờ biết lui quân. Hãy tìm người khác để chỉ huy cuộc chạy trốn này.

      Nói xong ông vứt khẩu súng lục của ông lên bàn và ra khỏi phòng họp, đóng sầm cửa lại. Và sau đó ông bay về Nha Trang, khai bệnh vào nằm bệnh viện.

      Chính là ông Thiệu (là người ra lệnh triệt thoái). Sau khi tướng Phú đã từ chối "không" thi hành lệnh, ông Thiệu đã báo động cho đại tá Tất, tư lệnh phó của ông Phú, một sĩ quan biệt động quân và giao cho ông nầy chức vụ tư lệnh vùng. (…)


    (Nguyễn Đại Phượng)

    (1) Xem "Ngọn đồi cuối cùng" của Pierre Darcourt ở tiết mục12 ngày trận chiến Xuân Lộc.




    Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

    Sau đấy chúng tôi đã có một cố gắng tái chiếm Ban Mê Thuột. Ông nhớ chứ, tôi thuộc Trung đoàn 53 và trong trận đánh đã kể, hầu hết đã hy sinh. Việc cố tái chiếm Ban Mê Thuột là do Trung đoàn 44, bấy giờ đóng ở Pleiku. Tại khu trung tâm. Tại nhiều nơi khác. Dẫu chỉ là những trận nhỏ, nhưng vẫn là những trận đánh. Những người chiến đấu đã chiến đấu với tất cả nhiệt tình, họ không phải đánh chỉ vì phải đánh. Họ mãnh liệt đấu tranh với Bắc quân.

    Vào ngày 10-3 khi địch quân đang tấn công chúng tôi, lúc Ban Mê Thuột chưa mất, lúc những trận đánh còn đang diễn ra, thì khi mở máy truyền tin, chúng tôi đã nghe một cuộc điện đàm giữa bộ chỉ huy sư đoàn với tướng Phú ở Pleiku. Tướng Phú bay trên trực thăng nói chuyện với tư lệnh phó sư đoàn là đại tá Quang. Tôi có một người bạn, là đại úy truyền tin của trung đoàn cũng đã mở cùng một tần số và cũng nghe được những gì tôi đã nghe.

    Tướng Phú nói:
    • Được rồi! Với bất cứ giá nào ông cũng phải giữ Ban Mê Thuột. Tôi sẽ cho ông bất cứ cái gì ông cần. Tôi sẽ tiếp vận vũ khí, binh sĩ nếu ông muốn. Nhưng phải giữ Ban Mê Thuột bằng mọi giá.
    Đó là những gì rõ ràng tôi đã nghe.

    Đại tá Quang bảo chúng tôi đủ sức tiếp tục chiến đấu. Nhưng thử nhìn thực tế xem. Chúng tôi chỉ có hai tiểu đoàn, một tiểu đoàn đã đưa đi Phước An, còn lại một ở Ban Mê Thuột, trong tiểu đoàn ấy, một đại đội đã bị tiêu diệt ngày 10-3.

    (Nguyễn Trường Toại & Larry Engelmann)

    - :Larry Engelmann là đại uý văn phòng tùy viên quân sự của toà đại sứ Mỹ, sau 75 ông là giáo sư khoa sử của đại học San Jose, California. Ông phỏng vấn Thiếu úy Nguyễn Trường Toại thuộc Sư đoàn 23 quân lực VNCH. Thiếu úy Nguyễn Trường Toại là một trong 300 người được Larry Engelmann phỏng vấn trong 5 năm qua để có tác phẩm Tears Before The Rain.

    - :Tựa đề nguyên bản của tác giả “Không ai sống sót” được đổi thành "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" dựa vào bút ký "Những anh hùng vô danh đồn Dak Seang" của tác giả Trường Sơn Lê Xuân Nhị viết về trận đánh âm thầm để rồi không một ai trở về của anh em địa phương quân tại một một tiền đồn Dak Seang xó núi hẻo lánh ở Pleiku.




    Đánh Ban Mê Thuột hay Pleiku?

    Về cuộc tiến công Ban Mê Thuột chúng tôi đã làm cho quân đội miền Nam ngạc nhiên nhưng mặt khác, chính họ cũng làm chúng tôi ngạc nhiên vì họ tan rã quá mau, chúng tôi không lường trước sự việc xảy ra như vậy. Chúng tôi cứ tưởng sau cuộc tiến công Ban Mê thuột, quân đội miền Nam sẽ tái lập phòng tuyến phản công. Chúng tôi dự liệu một trận mãnh liệt lâu dài hơn với quân đội miền Nam ở vùng chung quanh Ban Mê Thuột. Nhưng ngay cả trong trí tưởng tượng, chúng tôi cũng không hề nghĩ đến việc Thiệu đã phản ứng lại cuộc tiến công với một cách bất ngờ như thế.

    Trong thực tế, phản ứng của Thiệu đã tạo một câu hỏi lớn trong trí óc chúng tôi, làm chúng tôi tự hỏi phải chăng đây là một cái bẫy, một chiến thuật khôn khéo để nhử chúng tôi. Không thể nào chúng tôi tin nổi những chuyện ông ta đã làm. Chính vì hành vi đó của ông Thiệu, chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ phải đương đầu một chiến thuật phòng thủ cực kỳ sáng tạo mới mẻ, do đó trước hết các cấp chỉ huy của chúng tôi phải tiến lên hết sức cẩn thận, xem chừng đừng rơi vào bẫy. Trong mấy ngày đầu, chúng tôi đinh ninh quân đội miền Nam đã hoạch định một vài ngạc nhiên lớn dành cho chúng tôi. Nhưng đến khi Thiệu rút quân ở Pleiku, Kontum, đột nhiên chúng tôi nhận thức được là chẳng có cạm bẫy, chẳng kế hoạch gì, miền Nam đã bỏ cuộc, không chiến đấu nữa. Lúc ấy là lúc chúng tôi quyết định đuổi theo càng nhanh càng tốt.

    (Trần Công Mẫn)




    Ngồi ở quán nhậu kể chuyện súng đạn

    Chị em du kích giỏi thay
    Bắn máy bay Mỹ rơi ngay cửa mình




    Đánh Ban Mê Thuột hay Pleiku?

    Vào Nam được ít lâu tướng Dũng và phó của ông, Tướng Hoàng Minh Thảo triệu tập các chỉ huy đơn vị để so sánh lực lượng. Họ kết luận rằng lực lượng đôi bên trên cao nguyên gần như ngang nhau, nhưng quân đội Bắc Việt Nam không có vùng đất cụ thể phải bảo vệ, có thể di chuyển và tấn công vào bất cứ hướng nào để làm chủ tình hình. Đó là chìa khóa để tấn công Ban Mê Thuột, chưa kể đến mưu lược và thời cơ bất ngờ. Họ vẫn tiếp tục làm cho tướng Phú tưởng lầm rằng cuộc tấn công chủ đích nhằm vào phía bắc cao nguyên nên đã ngăn cản được tướng Phú cho quân về giữ Ban Mê Thuột. Tướng Dũng nói với bộ tham mưu chiến dịch này được chia làm nhiều giai đoạn. Mới đầu, chặn tất cả các đường đi lên cao nguyên. Ông đã đưa ra một kế hoạch gọi là "hoa sen nở": Đánh thẳng ngay vào trung tâm thị xã, nhanh chóng diệt đầu não chỉ huy của địch rồi mới phát triển trở ra tiêu diệt địch bên ngoài thị xã.

    Nhờ có nhiều nhân viên tình báo và bắt được thông điệp gửi ra-đi-ô của Phú, tướng Dũng hiểu ngay rằng Phú gặp nhiều khó khăn trong việc chống đỡ với quân của ông. Không những bộ chỉ huy Nam Việt Nam mất dấu vết Sư đoàn 320 Bắc Việt Nam mà còn chưa tìm thấy Sư đoàn 10 đúng ra phải tiến về phía Kontum và Pleiku. Trên thực tế, sư đoàn này đang hành quân xuống phía nam, hỗ trợ cho sư đoàn 320 ở Ban Mê Thuột. Nhưng Phú không hề biết. Tướng Dũng quyết định làm tăng thêm mối do dự của ông ta. Ông ra lệnh cho những đơn vị còn lại ở Pleiku và Kontum mở những cuộc tấn công trong những vùng mà thường Sư đoàn 10 vẫn hành quân, để Phú tiếp tục đinh ninh rằng sư đoàn này vẫn còn ở đó.

    (Decent Interval - Frank Snepp)




    Góp nhặt…ghi chép…

    Tướng Phú, tư lệnh Quân khu II tỏ ra bối rối trước những phát hiện ấy. Vì ông ta không có đủ lực lượng ở Tây Nguyên để có thể bảo vệ cùng một lúc 2 mục tiêu. Sư đoàn 23, sư đoàn thiện chiến của Nam Việt Nam bị phân tán quá mỏng. Hai trung đoàn đóng rải rác ở Kontum và Pleiku, trung đoàn thứ ba bị chia cắt trên mặt trận Ban Mê Thuột-Quảng Đức. Để đối phó với cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột, tướng Phú cũng biết rằng phải gọi 2 trung đoàn về, có khi hơn thế, tùy theo lực lượng của địch.

    Nhưng vấn đề đối với ông ta là nếu bỏ việc bảo vệ Kontum và Peiku, việc đó ông ta không dám làm. Hai tỉnh này rất quan trọng về mặt chiến lược. Không những nằm trên những đường chính theo đó, quân Bắc Việt xâm nhập từ Lào và Campuchia về mà hai tỉnh đó còn là điểm tựa nhảy ra bờ biển. Con đường chính đông-tây của Quân khu II, là con đường số 19, nối Pleiku với Qui Nhơn. Phú giải thích: Không, tôi không thế liều như thế được. Phải để quân đóng yên tại chỗ. giữ đại bộ phận trong đó có hầu hết Sư đoàn 23, tập trung trên cao nguyên phía bắc. Để bảo vệ quyết định của mình, Phú nêu ra những tin tức thu được qua đài phát thanh của Bắc quân. Những tin ấy có vẻ chỉ rằng bộ chỉ huy của Sư đoàn 320 vẫn đóng ở căn cứ cũ của họ, Ở Đức Cơ, phía tây Pleiku. Nếu đúng như thế thì những tin tức tình báo làm cho người ta lầm lẫn và Ban Mê Thuột không phải là mục tiêu của Sư đoàn 320.

    Để che giấu mục tiêu tấn công của họ trên cao nguyên, quân đội Bắc Việt tổ chức một sở chỉ huy giả ở Đức Cơ và từ đó đánh điện đi các nơi để làm cho quân đội Nam Việt Nam tưởng lầm rằng Sư đoàn 320 vẫn ở đấy. Mánh khóe này đã đánh lừa được cả chúng tôi. Nó gây ra hậu quả tai hại cho chế độ Sài Gòn.

    (Decent Interval - Frank Snepp)




    Quân sử ngoại truyện

    Sau Hiệp định Paris, có việc rút giảm tiếp vận vũ khí từ các nước xã hội chủ nghiã. Nhưng Trung Quốc lại khác, vì trước cả hiệp định Paris, Trung Quốc đã ký hiệp định Thượng Hải (1) với Mỹ. Dựa trên sự công bố hiệp định này thì rõ ràng Trung Quốc không hỗ trợ chúng tôi và không thực sự muốn chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Trung Quốc không thực sự hài lòng vui vẻ gì về việc cuối cùng trận chiến đã được giải quyết, họ không hài lòng vui vẻ gì về cuộc Đại thắng mùa xuân của chúng tôi.

    (Trần Công Mẫn)

    (1) Theo như thỏa thuận Mao Trạch Đông-Nixon năm 1972, Mao Trạch Đông muốn miền Nam trung lập. (Xem "Những ngày cuối cùng của Vùng 1 và miền Nam" của Duy Lam ở khúc sau)




    Góp nhặt…ghi chép…

    Sau năm 1970, Trung Quốc chỉ còn giúp đỡ Bắc Việt một cách thụ động. Xích lại gần hơn với Mỹ, không lo ngại nhiều về sự đe doạ ở biên giới phía nam, Trung Quốc không muốn có một nước Việt Nam, dù cộng sản, được thống nhất. Chính Mao Trạch đông đã khuyên Phạm Văn Đồng nên tiếp tục cuộc chiến tranh du kích. Không nên tổng tấn công xâm chiếm hết miền Nam, dù lúc đó Bắc Việt đang thắng thế.

    Mao nói:
    • Cái chổi của chúng tôi không quét tới Đài Loan thì cái chổi của các đồng chí cũng không nên quét tới Sài Gòn.


    (Chiến tranh Đông Dương III - Hoàng Dung)




    Thâm u bí sử

    Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng lúc đầu cũng không biết đánh Buôn Mê Thuột hay Pleiku trước.

    Rồi ông nhất trí:Đánh dọ dẫm Đức Lập trước, tuỳ theo tình hình biến chuyển đánh Buôn Mê Thuột sau. Sau đó vì tình hình biến chuyển vì Đức Lập không được tiếp viện, Mỹ không can thiệp nên ngay ngày hôm sau, ông cho đánh Buôn Mê Thuột ngay.

    Trong khi ấy chiến thuật của ông có tên là "hoa sen nở": Đánh thẳng ngay vào trung tâm thị xã, rồi mới phát triển trở ra tiêu diệt địch bên ngoài thị xã. Vậy mà ông đánh…Đức Lập. (1)

    Cũng như với chiến thuật "hoa sen nở" thì phải đánh thẳng vào Sài Gòn, ông lại đánh Xuân Lộc. Sau này qua Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến thuật "hoa sen nở" là của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo điều nghiên chứ không phải là của Đại tướng Văn Tiến Dũng.

    (Trần Công Mẫn)

    Trần Công Mẫn, quân hàm trung tướng, sau ngồi ở Hà Nội viết "quân sử" về cuộc chiến tranh Việt Nam (1945-1975). Nhất là nhận định về Đại thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng.

    (1) Nhiều đơn vị quân đội Bắc Việt đánh nhiều vị trí dọc đường số 19 giữa Pleiku và bờ biển. Ngày 4-3, để hoàn thành giai đoạn đầu cuộc tấn công của ông Dũng, là việc đánh cắt đường số 14 giữa Pleiku và Ban Mê Thuột. Nhưng ông Dũng muốn hoãn lại càng lâu càng tốt để không làm lộ lực lượng nơi đóng quân. Vì một đơn vị quá sốt ruột của Sư đoàn 320 đã chặn đánh một đoàn xe VNCH trên đường ấy, thế là làm lộ nơi đóng quân. (Decent Interval)




    Đánh Ban Mê Thuột hay Pleiku?

    Trong khi đó, Sư đoàn 316 của Bắc Việt Nam đến phía tây Ban Mê Thuột, hỗ trợ cho trận đánh. Cũng như tướng Dũng, sư đoàn này từ Bắc vào hành quân liền trong ba tuần, không dùng điện thoại để liên lạc và ra-đi-ô. Cuối tháng 2, ba sư đoàn Bắc Việt Nam sẵn sàng tấn công thị xã Ban Mê Thuột. Như thế tướng Dũng có lợi thế: Năm chọi một. Cùng lúc ấy, sư đoàn khác, Sư đoàn 968 từ nam Lào tới, quấy rối vùng giữa Kontum và Pleiku.

    Ở sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, chúng tôi không hề biết (1) tướng Dũng đang ở miền Nam Việt Nam. Lại cũng không biết việc ông đặt “sở chỉ huy” ở phía tây nam Ban Mê Thuột, đang chuẩn bị tấn công thị xã Ban Mê Thuột. Quân tiếp viện Bắc Việt kéo vào vùng này không hề ai biết.

    Nếu đúng là họ chuẩn bị mở một chiến dịch mùa khô mới thì không một ai trong chúng tôi biết rõ mục tiêu chính của họ ở đâu?.

    (Decent Interval - Frank Snepp)

    (1) Ngày 5-2-1975, tướng Văn Tiến Dũng từ phi trường Gia Lâm đáp máy bay xuống Ðồng Hới rồi vào Quảng Trị, tới sông Bến Hải, đi xuồng máy tới bộ chỉ huy chiến dịch tại phía tây Gio Linh để điều động toàn bộ chiến dịch. (Komori Yoshihisa)




    Thâm u bí sử

    Trước khi khởi sự Chiến dịch 275, tướng Dũng đã chỉ vẽ nhiều lần cho tư lệnh Sư đoàn 320 về những con đường quân lực VNCH không thể nào dùng nó (liên tỉnh lộ 7) như là lối thoát sau cùng. Tuy nhiên, Hà Nội sau khi nghe tin đài BBC nói dân chúng đang bỏ Pleiku, các chuyến bay từ Pleiku về Nha Trang tấp nập…Hà Nội đánh tín hiệu ngày 16-3 báo cho biết bộ tư lệnh Quân đoàn II đã di tản về Nha Trang, Khi ấy tướng Dũng mới bắt đầu nghĩ lại xem có con đường nào khác cho địch quân rút được không. Ðến 4 giờ chiều cùng ngày, công điện của Hà Nội báo cho biết (tình báo Bắc Việt) một đoàn xe dài từ Pleiku tiến về phía nam xuống Ban Mê Thuột. Tin này làm cho tướng Dũng bối rối. Phải chăng quân lực VNCH phản công?

    Tình báo (nội địa) của tướng Dũng cho ông ta câu trả lời ngay sau đó, đúng như tình hình diễn biến qua đài BBC. Ðến lúc này bộ chỉ huy của tướng Dũng mới giở bản đồ ra, dò tìm địch quân. Kiểm điểm lại, tướng Dũng và tướng Kim Tuấn, tư lệnh Sư đoàn 320, mới biết bị tướng Phú lừa ngay trước mắt. Tướng Dũng khiển trách tướng Kim Tuấn, đồng thời phối trí các đơn vị di chuyển về liên tỉnh lộ 7 để tiêu diệt đoàn công voa di tản về Tuy Hòa.

    (Cuộc di tản đầy máu và nước mắt
    - Trịnh Tiếu)




    Quân sử ngoại truyện

    Trong thời điểm đó, căn cứ trên những tin tức thu được từ nhiều nguồn cùng với nhãn quan quân sự sắc bén của một vị tư lệnh tài ba, tướng Giáp đã dự kiến khả năng địch rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên. Trong bức điện gửi tướng Văn Tiến Dũng ngày 13-3, tướng Giáp đã nhắc nhở tướng Dũng: Trường hợp địch bị mất thị xã Buôn Ma Thuột thì cũng nên nghĩ đến khả năng chúng buộc phải thực hiện rút lui chiến lược (Pleiku-Kon tum).

    Hôm sau, nhận được tin địch đốt kho vũ khí ở Kon Tum, tướng Giáp nói với tướng Lê Trọng Tấn: Địch rút bỏ Pleiku-Kon Tum đã rõ rệt. Chúng sẽ đưa lực lượng xuống co cụm giữ đồng bằng khu 5, Huế và Đà Nẵng. Anh điện ngay cho anh Dũng biết.

    - : Tổng hợp & trích lục từ Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Võ Nguyên Giáp.




    Đánh Ban Mê Thuột hay Pleiku?

    Cuối tuần đầu tháng 3, quân đội Bắc Việt mở rộng việc tuyển và rèn luyện quân sự. Trong sáu tháng gần đây, số quân xâm nhập miền Nam lên tới hơn 63.000 người. Tăng gấp hai lần so với thời kỳ 1973-1974. Cái mà chúng tôi chắc không biết, là ngoài 63.000 quân, còn Sư đoàn 316 đã vào miền Nam để tham gia cuộc tấn công thị xã Ban Mê Thuột.

    Quân đội Bắc Việt mở đầu cuộc tấn công Ban Mê Thuột trên cao nguyên vào tháng 3, bằng việc đánh chiếm quận Đức Lập, một đồn nằm ở giữa biên giới Campuchia và thị xã Ban Mê Thuột. Nhiều đơn vị quân đội Bắc Việt đánh nhiều vị trí dọc đường số 19 giữa Pleiku và bờ biển, cắt hẳn con đường này. Ngày 4-3, để hoàn thành giai đoạn đầu cuộc tấn công của ông Dũng, là việc đánh cắt đường số 14 giữa Pleiku và Ban Mê Thuột. Nhưng ông Dũng muốn hoãn lạicàng lâu càng tốt để không làm lộ lực lượng nơi đóng quân. Vì một đơn vị quá sốt ruột của Sư đoàn 320 đã chặn đánh một đoàn xe trên đường ấy, thế là làm lộ nơi đóng quân.

    Ở bộ chỉ huy tướng Phú, tại Pleiku, trưởng ban tình báo nói với Phú và nhận định rằng Ban Mê Thuột sắp bị tấn công. Phú vẫn nghi ngờ, nhưng sau ông cũng quyết định gửi một trung đoàn đến Buôn Hồ, cách thị xã 10 cây số để chặn một trung đoàn quân Bắc Việt đã đóng ở đó. Tình hình này làm ông Dũng xét lại kế hoạch. Nếu để đơn vị Nam Việt Nam mới đến mở rộng cuộc đánh thăm dò thì ông mất yếu tố bất ngờ. Như thế phải tấn công Ban Mê Thuột ngay.

    Mặc dù thiếu tin tình báo vấn đề quan trọng, tôi cũng đã dự đoán được những việc Bắc Việt sẽ làm trong những tuần tới. Có một điểm quan trọng nhưng tôi không mò ra: Tôi không tiên liệu được họ sẽ đánh vào nơi nào đầu tiên? Tuy có chú ý đến những cuộc chuyển quân không bình thường ở phía tây và phía bắc Ban Mê Thuột nhưng tôi nghĩ không nên vội kết luận một cách bi quan. Đáng lẽ nói là sẽ có cuộc tấn công vào thị xã, tôi dự đoán rằng họ có ý định bao vây nó và cắt đứt mọi đường giao thông trong vùng. Đó là một sai lầm lớn do sự dốt nát của tôi.

    (Decent Interval - Frank Snepp)




    Tỉnh lộ 7B và cầu sông Ba

    Tại cuộc họp Cam Ranh, khi nghe Thiếu tướng Phạm Văn Phú chọn tỉnh lộ 7B làm trục lộ rút quân, Đại tướng Cao Văn Viên không đồng ý, vị tổng tham mưu trưởng quân lực VNCH cho rằng đưa một quân đoàn di chuyển trên một đoạn đường dài hơn 250 cây số mà không nắm rõ tình hình an ninh lộ trình là "quá sức liều lĩnh", và đã nhắc nhở thiếu tướng Phú về những khó khăn và nguy hiểm sắp đến, cũng như biện pháp an ninh cần chuẩn bị.

    Đại tướng Viên cũng đã đề cập đến sự thất bại của quân Pháp khi muốn rút quân từ Lạng Sơn về đồng bằng trong năm 1947. Ông cũng nhắc đến hai cuộc chuyển quân của hai binh đoàn Pháp trước năm 1954, theo đó một binh đoàn từ Thất Khê lên hướng bắc và một binh đoàn từ Cao Bằng di chuyển về hướng nam, tất cả đều bị đánh tan nát tại chân núi xung quanh Đông Khê, dọc theo Quốc lộ Thuộc địa số 4. Về địa thế và con đường mà thiếu tướng Phú chọn để di chuyển Quân đoàn II thì vào tháng 6-1954, Lực lượng Cơ động 100 nổi tiếng của quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương đã bị thảm sát trên Quốc lộ 19 gần An Khê và số sống sót còn lại cũng bị tiêu diệt tại Đèo Chu-Drek trên Quốc lộ 14. Theo đại tướng Viên, đó là "những bài học máu xương và thảm khốc nhất mà bất cứ vị chỉ huy nào cũng phải biết rõ vì địa thế hiểm trở của vùng cao nguyên là vậy".

    Tuy nhiên cuối cùng đại tướng Viên cũng không tìm ra được một trục lộ nào khác nên kế hoạch của thiếu tướng Phú đã được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chấp thuận.

    (SQTB K10B/72)




    Bên lề trận chiến

    Sau này tổng thống Thiệu thắc mắc với tôi:
    • Tại sao công binh không làm xong cái cầu nổi.


    Đại tướng Viên cho rằng: Sư đoàn 320sẽ không truy kích kịp nếu cầu được thiết lập đúng lúc. Vì cầu không làm xong nên 3 ngày sau mới rời được Phú Bổn.

    (Nguyễn Tiến Hưng)





    Ngày thứ 5
    Di tản cao nguyên : 14-3-1975


    Sáng ngày 14-3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang đến Cam Ranh để họp với Thiếu tướng Phạm Văn Phú. Tại cuộc họp kéo dài gần 2 giờ, tổng thống Thiệu ra lệnh cho tướng Phú phải rút toàn bộ lực lượng Quân đoàn II tại hai tỉnh Pleiku và Kontum về khu vực duyên hải miền Trung (Phú Yên và Khánh Hòa) để tái phối trí lực lượng phản công chiếm lại Ban Mê Thuột.

    Khi được tổng thống Thiệu hỏi nên rút quân theo trục lộ nào, Tướng Phú đã trình bày rằng các quốc lộ chính nối trong khu vực cao nguyên đã bị Bắc quân cắt đứt, chỉ còn liên tỉnh lộ 7B. Đây là con đường đá từ Quốc lộ 14 rẽ ra phía nam cách thị xã Pleiku chừng 32 km, chạy theo hướng đông nam, xuyên qua Hậu Bổn về Tuy Hòa (tỉnh lỵ Phú Yên).

    (SQTB K10B/72)




    Quân sử ngoại truyện

    Tất cả vì Lê Duẩn trước kia theo Trung Quốc nên kết tội "xét lại" tướng Võ Nguyên Giáp. Trong khi tướng Võ Nguyên Giáp có "vấn đề" với Trung Quốc. Sau này Lê Duẩn theo Nga lại gần gũi với tướng Giáp. Vì vậy trở về Chiến tranh Đông Dương I.

    Trong trận Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp chủ trương "Chắc thắng mới đánh – Không thắng không đánh” nên có xung đột với Đoàn trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh với thí quân đánh biển người như ở Cao Ly. Trận đánh đầu tiên, Võ Nguyên Giáp tự ý quyết định điều trung đoàn 102 của đại đoàn 308 tấn công đồi C1, bị hoả pháo địch sát thương nặng. Chỉ huy “quả đoán” của Võ Nguyên Giáp không ngờ bị vấp váp. Võ Nguyên Giáp bị Vi Quốc Thanh chú trọng phê bình nghiêm khắc biểu hiện có hành vi vô kỷ luật, báo cáo láo tình hình, v…v...

    Với quyết định thay đổi kế hoạch, Võ Nguyên Giáp đã lấy trách nhiệm của "tướng ngoài mặt trận" là quyết định cá nhân ngày 25-1-1954. Các nhà sử học Trung Quốc thừa nhận lúc đó, việc liên lạc giữa bộ chỉ huy ở Điện Biên Phủ với Bộ chính trị không dùng vô tuyến điện, mà dùng ngựa, đi về phải nhiều ngày. Đến ngày 27-1-1954, Vi Quốc Thanh mới nhận được tin tức từ Bộ chính trị, tức là 2 ngày sau khi Võ Nguyên Giáp ra lệnh đổi kế hoạch "kéo pháo ra".

    Trước đó, đang lúc tiền phương tiến hành chuẩn bị tác chiến khẩn trương, ngày 23-11-1953, Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN Văn Tiến Dũng cử cục trưởng tác chiến Hà Văn Lâu gặp cố vấn Trung Quốc bàn vấn đề…"tướng ngoài mặt trận Võ Nguyên Giáp" có…vấn đề.

    (Tổng hợp & trích lục từ hồi ký của của La Quý Ba, trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc)




    Quân sử ngoại truyện

    Năm 1946, Trường Chinh, đứng thứ hai trong ban lãnh đạo sau Hồ Chí Minh, đã thất bại trong việc ngăn không cho Võ Nguyên Giáp được phong cấp đại tướng.

    Vì Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp bất đồng về phạm vi và mức độ mà các cố vấn quân sự Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến chiến lược chiến trường của Việt Nam, vì các cố vấn trên quyền của Võ Nguyên Giáp, họ được đơn phương bổ nhiệm các trợ lý quan trọng.




    Quân sử ngoại truyện

    Theo tướng Giáp: Năm 74, khi tình hình "nước sôi lửa bỏng", thì tướng Giáp bị đau bụng dữ dội rồi ngất đi đột ngột. Ông kể:
    • Khi tỉnh lại tôi thấy mình đang nằm trong máy bay cấp cứu sang Liên Xô chữa bệnh.
    Tháng 4-74, Nga Xô bố trí đưa ông trở về.

    Theo tướng Giáp: Mùa hè năm 74, khi cùng đi nghỉ ở Đồ Sơn, Lê Duẩn bàn với ông một loạt các vấn đề chiến lược vì thấy ông đã hồi phục sức khoẻ sau khi mổ sỏi mật ở Liên Xô.

    Lê Duẩn nói với ông: Kế hoạch giải phóng rất khẩn trương. Anh nắm lấy mà làm.

    Tướng Giáp vừa an dưỡng vừa hoàn thành dự thảo lần thứ 6 "Kế hoạch chiến lược giành thắng lợi ở miền Nam". Trước đó vì tướng Giáp có "quan hệ" với đại sứ Nga Shcherbakov, một "sĩ quan tình báo" của Liên Xô. Lê Đức Thọ đề nghị: Khai trừ khỏi Bộ chính trị. Lê Duẩn không đồng ý, Lê Duẩn nói rằng chúng ta đang cần đến sự giúp đỡ của Liên Xô trong sự nghiệp giải phóng miền Nam. Giáp là người của Liên Xô, nếu kỷ luật Giáp sẽ động đến Liên Xô ảnh hưởng không nhỏ đến sự viện trợ của Liên Xô.

    (Quyền bính - Huy Đức)

    -: Sau này Lê Đức Thọ muốn…“cắt đầu” tướng Giáp.

    Xem Tang thương ngẫu lục ở tiết mục Ngày thứ 16 – Đà Nẵng di tản: 25-3-1975.




    Quân sử ngoại truyện

    Tất cả chúng ta đều có thắc mắc giống nhau:

    Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ mà không nhắc đến tên đồng chí Võ Nguyên Giáp. Lịch sử là lịch sử, nếu thiếu chân thật, sẽ không còn là lịch sử. Điện Biên Phủ thắng lợi là nhờ cố vấn Trung Quốc. Nhưng "họ" không biết rằng, nếu nghe lời cố vấn Trung Quốc tiến công theo kiểu "biển người", thất bại là chắc chắn và cuộc kháng chiến đã phải lùi lại 10 năm. "Họ" còn nói, tổng tấn công năm 1975, đồng chí Lê Duẩn là Bí thư quân ủy trung ương chứ không phải ông Giáp. Cuốn Đại thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng nghe nói độc giả phản ứng, phải sửa tới 30 chỗ. Lịch sử rất công bằng. Cho nên, "thật công bằng" đi liền với "thật công tâm".

    (Hồi ký kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm - Trần Văn Trà)




    Bất kiến quan tài bất xuất nhân lệ

    Năm 1975, ngày 15–3, lúc 3 giờ sáng, Tiểu đoàn 231 ĐPQ từ Ninh Thuận lên đến chi khu Khánh Dương. Đây là tiểu đoàn thứ 5 được thảy vào trận địa Khánh Dương, và chỉ độc một tiểu đoàn. Bốn tiểu đoàn ĐPQ trước đó đã bị đánh tan. Lúc này tướng Phú vẫn còn hy vọng giải tỏa Quốc lộ 21 tại đồi 519 để thông đường tiếp vận cho Sư đoàn 23 BB và lực lượng tái chiếm Ban Mê Thuột đang tập trung tại chi khu Phước An (1), là quận giáp giới với chi khu Khánh Dương của tỉnh Khánh Hòa.

    (Chú giải: Trích lời kể của trưởng ban hành quân Tiểu đoàn 231 ĐPQ)

    ***
    Đoàn xe chúng tôi lên đến Khánh Dương khoảng tinh mơ 3 giờ sáng. Còn cách trận địa 10 cây số thì đoàn xe phải tắt đèn pha và đi bằng đèn mắt cáo trong đêm tối mù mù. Khi xe của tôi và tiểu đoàn trưởng vừa ngừng tại bãi đậu xe thì đại úy tiểu đoàn phó từ xe khác bước tới:

    “Từ chết đến bị thương! Không tư cách gì sống nổi thiếu tá ơi!"…

    Nghe lạ, vì chưa biết ất giáp gi, nhưng tôi vừa bước xuống xe thì có 2 sĩ quan hành quân thuộc tiểu khu Khánh Hòa đến trao "lệnh hành quân" và thuyết trình hành quân ngay tại bãi đậu xe, dưới ánh đèn pin vàng ệch. Theo như mục tình hình "chiến sự" của "lệnh hành quân" thì quân số địch là 1 tiểu đoàn nhưng họ có ưu thế là chiếm trước trận địa và đã bố trí trận địa quanh khu vực đồi 519. Do đó nhiệm vụ của tiểu đoàn tôi là áp sát khu vực xung quanh đồi 519 để thám sát, điều nghiên vị trí bố phòng của địch. Tuy nhiên với kinh nghiệm chiến trường tôi biết trong lệnh hành quân này có điều gì lắt léo, bởi vì một tiểu đoàn của địch không thể nào dàn hàng ngang 18 cây số (suốt bề ngang của thung lũng Khánh Dương).

    Tôi bước vào lều của bộ chỉ huy hành quân. Thiếu tá Hớn cho tôi biết tất cả sự thật:

    Lực lượng địch chốt tại đồi 519 không phải là 1 tiểu đoàn nón tai bèo (MTGPMN) mà là Trung đoàn chủ lực 25…nón cối. (1)

    Sau khi cho biết rõ tình hình, thiếu tá Hớn kết luận tiểu đoàn của tôi là một tiểu đoàn bị đem ra thí quân trước khi quân dù khóa được đèo M’Drak. Hy vọng sống sót trở về rất mong manh.

    Tôi hỏi lại thiếu tá Hớn là ở trên không còn cách nào khác nữa sao?

    Thiếu tá Hớn cho biết là…hết thuốc chữa vì hiện thời không còn quân.

    (Bùi Anh Trinh)

    (1) Trung đoàn 25 thuộc Sư đoàn F10 đã đánh phi trường Phụng Dực ở Ban Mê Thuột.

    - : Tôi rời khỏi Pleiku một ngày sau khi thành phố Ban Mê Thuột vừa lọt vào tay giặc.

    Sáng ngày 13-3-75, theo những toán quân đầu tiên của đơn vị được trực thăng vận từ Hàm Rồng đổ xuống Phước An, quận lỵ duy nhất còn lại của tỉnh Darlac, nằm cách Ban Mê Thuột khoảng 30 cây số trên QL21 về hướng Nha Trang.

    Khi một nửa đơn vị vừa xuống Phước An, thì Pleiku có lệnh di tản. Một nửa quân số còn lại phải di chuyển theo đoàn quân di tản trên Tỉnh lộ 7B. Một cuộc triệt thoái sai lầm, tệ hại và bi thảm nhất trong chiến tranh.

    (Phạm Tín An Ninh)




    Chữ nghĩa của một thời chinh chiến
    trong quán nhậu


    Từ chết đến bị thương
    (Nho nhe là: Bán tử bất hoại)




    Một cơn gió bụi

    Một nửa đơn vị của tôi gần như bị xóa sổ. Hai người bạn thân của tôi đều là tiểu đoàn trưởng đã tự sát, nhiều đồng đội của tôi đã chết trong đớn đau tức tưởi.

    (Phạm Tín An Ninh)





    Ngày thứ 6
    Khánh Dương : 15-3-1975


    Để đối phó với Bắc quân từ Ban Mê Thuột tràn xuống Nha Trang, Thiếu tướng Phạm Văn Phú cầu cứu với Bộ tổng tham mưu và được cho biết 3 hôm nữa Lữ đoàn 3 Dù sẽ đổ bộ tại Nha Trang để lên chặn địch tại Khánh Dương. Tướng Phú không thể chờ quân dù nên điều động Trung đoàn 40 thuộc Sư đoàn 22 BB tại bắc Bình Định lên Khánh Dương và Tiểu đoàn 231 ĐPQ từ Ninh Thuận lên chi khu Khánh Dương.

    Lúc này tướng Phú vẫn còn hy vọng giải tỏa Quốc lộ 21 tại đồi 519 để giải toả đường tiếp vận cho Sư đoàn 23 BB và lực lượng tái chiếm Ban Mê Thuột đang tập trung tại Khánh Hòa. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 231 ĐPQ là làm sao cầm chân Bắc quân trong 3 ngày: Sau 3 ngày sẽ có 1 lữ đoàn dù lên Khánh Dương lập phòng tuyến tại đèo đèo M’Drak,




    Một cơn gió bụi

    Ngày 15-3, lúc 3 giờ sáng, Tiểu đoàn 231 ĐPQ lúc đi có 377 người, khi về còn 72 người.

    (Bùi Anh Trinh)




    Bất kiến quan tài bất xuất nhân lệ

    Sau một ngày nghỉ ngơi lấy sức, 8 giờ sáng ngày 16-3 chúng tôi xuất phát từ buôn M’Dung tiến về phía đồi 519. Khoảng một tiếng sau tôi nhận được lời nhắn của thiếu tá Hớn hãy sang tần số đặc biệt giữa hai chúng tôi. Sau khi sang tần số đặc biệt, ông chuyển cho tôi một câu nhắn tin được ngụy hóa bằng “khóa đối chứng” (bảng mã của ngành truyền tin). Người lính mang máy cho tôi biết nguyên văn lời nhắn là: "Quân số địch là 3X". Người lính đó hỏi tôi 3X là bao nhiêu? Tôi trả lời ngay là 1 trung đoàn (do tôi bị ám ảnh bởi lời của thiếu tá Hớn trước đó quân số địch là 1 trung đoàn). Đi thêm được vài bước thì người tôi chợt lạnh toát, mồ hôi vã ra:

    Bởi vì tôi sực nhớ lại 3X là…một quân đoàn (1).

    Tôi mất hồn, không phải vì tính mạng mỏng manh của chúng tôi, mà vì địch đã tập trung tại Ban Mê Thuột một quân đoàn thì dĩ nhiên họ sẽ không dừng tại đây, chắc chắn họ…đi bộ xuống Khánh Hòa! Làm sao mà tiểu đoàn của tôi có thề cản nổi bước chân của họ trước khi quân dù khóa đèo M’Drak? Vì chỉ cần một sư đoàn đi bộ, dẵm lên chúng tôi cũng bá thở, nát bấy người rồi(vì chúng tôi chỉ có 377 người, trong khi một quân đoàn của họ có khoảng 40.000 người).

    Lúc đó là 9 giờ sáng nhưng tôi có cảm tưởng như là trời đang hoàng hôn, cảnh vật mờ nhân ảo như trong một giấc mơ. Nhìn loáng thoáng bóng những người lính lặng lẽ tiến bên cạnh lòng tôi tê điếng vì câu nói của ông đại úy tiểu đoàn phó chỉ…“từ chết đến bị thương”, và tê tái tới câu "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ" ở quán nhậu. Trong một buổi sáng lay lắt như cảnh chiều tà, từ…bàn nhậu tôi lại vất vưởng đến câu thơ: Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi - Giục ẩm tỳ bà mã thượng thôi - Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu - Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

    Vì chỉ một mình tôi biết chắc là họ sẽ…không thể trở về.

    (Bùi Anh Trinh)

    (1) Theo lời dẫn chứng của Đại tướng Cao Văn Viên thì đây không phải là quân đoàn mà là Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3 của Bắc Việt.




    Chữ nghĩa của một thời chinh chiến
    trong quán nhậu


    Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ
    (Nho táo là: Bất kiến quan tài bất hạ lệ)




    Quân sử ngoại truyện

    Phải đợi 30 năm sau, cuối tháng 10-1974 Đại tướng Nga Viktor Kulikov, phụ tá bộ trưởng quốc phòng tới Hà Nội thúc đẩy miền Bắc tấn công xâm chiếm miền Nam và hứa giúp thêm vũ khí đạn dược (1). Lúc này Lê Duẩn dựa vào Nga, tướng Võ Nguyên Giáp mới có cơ hội "cầm quân" trở lại, Khi ấy tướng Võ Nguyên Giáp ngồi ở "Tổng hành dinh" ở phố Hoàng Diệu, Hà Nội để điều quân và tướng Văn Tiến Dũng là "tướng ngoài mặt trận".

    Nhưng tất cả nhờ vào tướng Hoàng Minh Thảo qua trận đánh Ban Mê Thuột.

    Nhân kỷ niệm 25 năm ngày "Giải phóng miền Nam" (1975-2000), nhà xuất bản Chính trị quốc gia ra mắt cuốn: Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của tướng Võ Nguyên Giáp. Trong chương IX mang tên "Chiến dịch Hồ Chí Minh", đoạn viết về những động thái diễn ra tại Ban Mê Thuột và tướng Hoàng Minh Thảo…

    “5 năm trực tiếp gắn bó với chiến trường Tây Nguyên đã cho ông (tướng Thảo) nhiều kinh nghiệm quý báu. Chính cuốn sách Tìm hiểu tổ tiên ta đánh giặc viết năm 1971, tướng Hoàng Minh Thảo đã nhận ra chỗ yếu và hiểm yếu của chiến trường Tây Nguyên. Điều đó khẳng định trong chiến dịch Đắk Tô -Tân Cảnh diễn ra mùa khô năm 1972 do ông chỉ huy".

    Đến năm 1973, khi ra Bắc họp, tướng Hoàng Minh Thảo đã đề nghị với tướng Võ Nguyên Giáp về việc đánh Buôn Ma Thuột, chi tiết này đã được ghi lại trong cuốn hồi ức của tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng – trang 126. Trong buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu ý kiến:

    “Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi sơ hở nhất". Tôi rất tán thành. Sau này ý kiến đó của ông được Bộ chính trị, Bộ quốc phòng, Bộ tổng tham mưu đồng tình chấp nhận.

    (Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng - Võ Nguyên Giáp)

    (1)Nga viện trợ dồi dào, về vũ khí nên quân đội miền Bắc đứng hàng thứ năm trên thế giới về vũ khí. Về quân số, quân lực VNCH đứng hàng thứ tư sau Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ.

    (Chiến tranh Đông Dương III - Hoàng Dung)




    Quân sử ngoại truyện

    Bộ chính tri bắt đầu chấp nhận phương án “tổng công kích” của tướng Giáp. Thượng tướng Lê Hữu Đức, thời gian ấy là cục trưởng cục tác chiến, thường xuyên phải làm việc với Lê Duẩn. Tướng Đức kể: “Anh Duẩn cứ cằn nhằn tôi đã tổng công kích sao không công kích thẳng vào Sài Gòn mà lại chọn Buôn Mê Thuột".

    Kế hoạch đánh Buôn Mê Thuột (giữa năm 73, tướng Giáp làm việc với tướng Hoàng Minh Thảo) được tướng Giáp trao đổi với tướng Dũng chi tiết trong cuộc gặp với tướng Hoàng Văn Thái trước khi Văn Tiến Dũng vào miền Nam.

    Tướng Giáp là thường vụ quân uỷ nên nhất trí đề nghị đưa Văn Tiến Dũng vào miền Nam, tác chiên phát triển và bố trí cụ thể do tướng Văn Tiến Dũng quyết định. Tướng Lê Hữu Đức nói: “Anh Văn chỉ thị tôi sang báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của anh Ba…”. (Lê Duẩn)

    Nghe chuyện Văn Tiến Dũng vào Nam. Anh Ba tỏ ý phân vân...

    (Quyền bính – Huy Đức)




    Thâm u bí sử

    Sau ngày 30-4-1975 toàn thắng, một năm sau tại Đại hội IV tháng 12-1976.

    Tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn giữ chức bộ trưởng Bộ quốc phòng, với thứ bậc trong Bộ chính trị chỉ xếp sau Lê Đức Thọ. Năm 1980, ông phải giao chức vụ này cho Văn Tiến Dũng.

    Trước đó, cả ông Thọ và ông Lê Duẩn đều nhiều lần công khai đánh giá thấp khả năng, kể cả “khả năng cầm quân” của tướng Võ Nguyên Giáp.

    (Quyền bính – Huy Đức)




    Quân sử ngoại truyện

    Từ nhãn quan một nhà nghiên cứu quân sự, ông (tướng Thảo) đã chọn hướng chiến lược Tây Nguyên, nơi hiểm yếu là Buôn Ma Thuột và trực tiếp chỉ huy, đề ra nguyên lý: "Mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời - Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thời thế”, đó là tinh hoa của nghệ thuật quân sự mà chính Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã vận dụng. Tây Nguyên rung chuyển. Chọn Tây Nguyên có rừng núi, cao nguyên, lại là nơi có đường Hồ Chí Minh chiến lược đi qua.

    Để tạo thế phá vỡ Tây Nguyên, bộ tổng tư lệnh quyết định đưa Quân đoàn 4 vào phía bắc Đồng Nai, Quân đoàn 2 vào phía tây Huế. Quân lực của họ phải đưa sư đoàn lính dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ giữ Sài Gòn và Huế. Khi lực lượng tổng dự bị chiến lược này di chuyển, Tây Nguyên hở sườn. Đồng thời, ta bất ngờ tăng thêm cho Tây Nguyên 2 sư đoàn là Sư đoàn 968 và Sư đoàn 316. Thực hiện kế nghi binh lừa địch, với lực lượng tại chỗ, ta đã đưa Sư đoàn 10 tiến về Đức Lập, phía nam Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 320 đã tiến về Ea H’leo, bắc Buôn Ma Thuột đánh chia cắt ở Tây Nguyên chuẩn bị cho việc “trói địch lại mà diệt”. Sư đoàn 316 bí mật xuất phát từ Nghệ An bằng cơ giới vào chiến trường phía nam Tây Nguyên. Sư đoàn 968 hành quân bộ vượt qua vùng rừng núi Việt-Lào tiến vào phía bắc Tây Nguyên thay thế Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 để hai sư đoàn này bí mật chuyển từ Kon Tum về phía nam. Với sức mạnh từ ba sư đoàn ta bất ngờ tiến công thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột.

    (Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng - Võ Nguyên Giáp)




    Bên lề trận chiến

    Vì sao cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975? Cùng lúc đó, dự trữ đạn dược, xăng dầu và tiếp liệu quân sự nói chung của quân đội VNCH đã khan hiếm nghiêm trọng. Theo dự tính của Bộ tổng tham mưu: Dự trữ đạn dược tồn kho chỉ còn cung ứng được từ 30 tới 45 ngày.

    Tướng Cao Văn Viên kết luận rằng nếu tình hình chiến sự cứ tiếp tục xảy ra theo cùng một nhịp độ thì số đạn tồn kho sẽ hết vào tháng 6-1975, nếu không nhận được thêm viện trợ.

    Với tình hình đó, tác giả cuốn Khi đồng minh tháo chạy (Nguyễn Tiến Hưng) kết luận.

    Như vậy, ta có thể đặt câu hỏi về phương diện lịch sử…

    Nếu như không có biến cố 30-4-1975 thì tới tháng 6 Quân lực VNCH sẽ lấy gì mà chiến đấu?

    Như vậy dù ông Thiệu không rút bỏ cao nguyên và giao cho tướng Phú tử thủ tại Pleiku, Kontum…thì cũng chỉ giữ được một thời gian nào đó, có lẽ không quá một tháng.

    Vì bị kiệt quệ đạn dược tiếp liệu trước áp lực mạnh và áp đảo của địch.

    Vì:

    Tháng 4-1975: Quốc hội Mỹ đã bác bỏ tất cả các khoản viện trợ cho chiến tranh VN.




    Quân đoàn II triệt thoái

    Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên phân tích về liên tỉnh lộ 7B và cuộc rút quân của Quân đoàn II. Đại tướng Viên phân tích rằng ngoài trừ khúc từ Quốc lộ 14 đi Hậu Bổn (1) còn dùng được, đoạn còn lại không biết như thế nào. Trong khi đại tướng Viên lo ngại về lộ trình rút quân, thì thiếu tướng Phú lại tin tưởng về kế hoạch chuyển quân theo liên tỉnh lộ 7B. Đây là con đường đá từ Quốc lộ 14 đi Hậu Bổn có đèo Cheo Reo (1) về Tuy Hòa sát biển. Đường này rất ghồ ghề, đá lởm chởm và bị bỏ lâu không dùng đến. Giải thích về sự chọn lựa này, thiếu tướng Phú trình bày rằng yếu tố bất ngờ đã khiến ông có dự tính như thế.

    Nhận định về quyết định của tổng thống Thiệu và kế hoạch chuyển quân của thiếu tướng Phú, đại tướng Viên cho rằng: Đưa một lực lượng cỡ quân đoàn với đầy đủ quân cụ, và nhiều thứ khác qua núi cao và rừng già trên vùng cao nguyên phải là một người chỉ huy sáng suốt lúc nào cũng phải cẩn trọng với tình trạng địch đang có mặt hầu như cùng khắp tại khu vực đó.

    (1) Hậu Bổn trước có tên là Cheo Reo. Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho thành lập tỉnh Phú Bổn và đổi tên thị trấn Cheo Reo thành Hậu Bổn. (Trọng Đạt)

    Bản đồ quốc lộ và tỉnh lộ ở cao nguyên Trung phần

              

              

    Quốc lộ 14 : Ban Mê Thuột - Peiku
    Quốc lộ 19 : Peiku – Quy Nhơn
    Quốc lộ 21 : Ban Mê Thuột – Khánh Dương – Dục Mỹ - Ninh Hoà
    Tỉnh lộ 7 : Pleiku – Hậu Bổn – Phù Túc – Củng Sơn – Tuy Hoà
    - : Tỉnh lộ 7 (hay 7B) nay đổi tên thành Quốc lộ 25.






    Ngày thứ 7
    Quân đoàn II triệt thoái : 16-3-1975


    Sáng ngày 15-3, Thiếu tướng Phạm Văn Phú cùng với một số sĩ quan trưởng phòng và sĩ quan tham mưu của bay về Nha Trang để tái tổ chức bộ tư lệnh Quân đoàn II tại đây.

    Cũng trong ngày 15-3, Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, phụ tá hành quân tư lệnh Quân đoàn II và vài sĩ quan tham mưu bay tới Tuy Hòa (tỉnh lỵ tỉnh Phú Yên) để chuẩn bị đón đoàn quân của Quân đoàn II di chuyển từ Pleiku về với một số quân xa bắt đầu rời Pleiku theo từng toán nhỏ.

    (SQTB K10B/72)




    Góp nhặt…ghi chép…

    Trong khi quân đội Sài Gòn bỏ Kontum và Pleiku đồng thời bố trí lại kế hoạch quân sự ở Quân khu I và II theo hướng bất lợi. Đại sứ Mỹ (1) tại Sài Gòn không được tổng thống Thiệu thông báo. Đến chiều 17-3 nhờ một điệp viên CIA cung cấp cho phía Mỹ các thông tin mật đầu tiên về chiến lược “nhẹ đầu nặng đuôi” của tổng thống Thiệu. Điệp viên này cho CIA biết, chủ trương của tổng thống Thiệu là tăng cường bảo vệ Sài Gòn bằng mọi giá. Do vậy, trong trường hợp đối phương tấn công mạnh, tướng Phú được phép rút khỏi Kontum và Pleiku.

    Được tin này, tướng Homer Smith, tùy viên quân sự sứ quán Mỹ tại Sài Gòn lập tức đến gặp tướng Cao Văn Viên để nói rằng việc rút quân khỏi Pleiku và Kon Tum là một sai lầm lớn có thể dẫn đến thảm họa. Tướng Smith trách tướng Viên vì sao không thông báo điều này cho phía Mỹ trong cuộc gặp gỡ giữa hai ông trước đó một ngày để ít nhất phía Mỹ có thể giúp được về quân vận. Nghe nói vậy, tướng Viên nói đó là do ý muốn của tổng thống Thiệu.

    (Nguyễn Đại Phượng)

    (1) Khoảng thời gian này, Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin về lại tiểu bang Carolina của ông để nghỉ ngơi. Điều hành tại toà đại sứ là Phó đại sứ Wolf Lehmann.




    CIA và các ông tướng

    - : “Điệp viên" trên là Đại tá Lê Khắc Lý, tham mưu trưởng Quân khu II. Trong khi tổng thống Thiệu dấu người Mỹ thì ông Lý báo cáo cho Stephens (phụ tá của Nicol) biết:

    Ngày mai 14-3 tướng Phú sẽ họp với tổng thống Thiệu tại Cam Ranh. Buổi họp được giữ kín và máy bay của tướng Phú sẽ đi Qui Nhơn trước để đánh lạc hướng. Lý hứa với Nicol có tin gì sau khi Phú đi họp về Lý sẽ cho hay. Stephens vội vàng thông báo tin cho cố vấn tỉnh Đắc Lắc Earl Thieme. (CIA and The Generals). Sáng ngày 15-3 chính đại tá Lý báo cho Stephens biết kế hoạch của tổng thống Thiệu và kế hoạch của tướng Phú dựa trên yếu tố bí mật và bất ngờ. Nhưng sau đó đảo lộn tất cả, cuộc rút quân đã biến thành cuộc chạy loạn.

    (Bùi Anh Trinh)

    - : Sau Đại tá Lê Khắc Lý được giao điều động lực lượng công binh bắc cầu phao sông Ba.




    Góp nhặt sỏi đá

    Tài liệu của Phạm Huấn cho biết thêm: Để bảo mật cho chuyến đi của ông Thiệu nên đã không có một chuẩn bị nào tiếp đón ông và phái đoàn. Ngay cả một cái thang cao dùng cho loại máy bay lớn DC6 cũng không có. Chiếc "biệt thự bay" tiến vào chỗ đậu. Một chiếc xe jeep được lái tới sát bên. Ông Thiệu và các tướng Khiêm, Viên, Quang lần lượt… "tụt" bằng đít khỏi chiếc DC6 xuống mui xe! Rồi mui xe nhẩy xuống. (Cuộc triệt thoái cao nguyên)




    Bên lề trận chiến

    Trong cuộc họp ở Cam Ranh, tổng thống Thiệu căn dặn tướng Phú lệnh triệt thoái tối mật, từ cấp tỉnh trưởng, tiểu khu trưởng trở xuống không được biết, có nghĩa là các lực lượng địa phương quân vẫn ở lại chiến đấu, tiếp tục làm việc với tỉnh trưởng, quận trưởng. Chỉ có chủ lực quân gồm bộ binh, pháo binh, thiết giáp, công binh, không quân là phải triệt thoái.

    Do kế hoạch triệt thoái Pleiku và Kontum tiến hành một cách bí mật theo lệnh của tổng thống Thiệu. Tỉnh trưởng Pleiku, Đại tá Hoàng Đình Thọ nhờ ở gần bộ tư lệnh nên được biết trước, và kịp di tản nhưng bị bắt cùng với Chuẩn tướng Phạm Duy Tất ở Hậu Bổn.




    Một cơn gió bụi

    Tỉnh trưởng Kontum, vì không hay cuộc rút quân nên chạy sau. Theo tài liệu của tướng Cao Viên, viết cho Trung tâm quân sử lục quân Hoa Kỳ, thì đến phút chót mới được biết.

    Ông tỉnh trưởng tháp tùng theo đoàn quân, nhưng giữa đường thì bị địch quân bắn chết.




    Quân đoàn II triệt thoái

    Phước An 16-3
    Trong 2 ngày nữa, nếu đoàn xe không về tới Phú Bổn như dự định, thì Phước An sẽ vô cùng nguy ngập. Bởi vì địch chỉ cần sử dụng một phần lực lượng tại Ban Mê Thuột với chiến xa và trọng pháo yểm trợ, sẽ dứt Phước An (1) dễ dàng. Và sau đó là Khánh Dương (2).

    Kiểm điểm lại quân số của sư đoàn và những đơn vị hiện đang ở Phước An, đại tá Đức, tân tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh vô cùng lo ngại. Lực lượng chính yếu của sư đoàn là Trung đoàn 45 tình nguyện nhảy xuống Phước An tăng cường thì hôm nay đã tan hàng, trở thành dân sự già nửa quân số. Trung đoàn 45 còn lại đúng 200. Trung đoàn 44 khoảng 300. Bộ tư lệnh sư đoàn tại Chu Cúc chỉ có 42 người. Hậu trạm tại Khánh Dương khoảng 700 tay súng, không chiến xa chỉ có 4 khẩu đại bác 105 ly phải đương đầu với Sư đoàn F10 Bắc quân từ Ban Mê Thuột kéo về, với quân số 7, 8 nghìn và có chiến xa, đại pháo yểm trợ!
    17 giờ, phi cơ quan sát phát hiện khoảng 10 chiến xa địch gần Chu Cúc, xin đánh bom tối đa.
    5 phi tuần khu trục từ Phan Rang lên. Phi tuần 1 lên tới vùng mục tiêu lúc 17 giờ 40 phút. Trời mù, không nhìn rõ, các khu trục cơ phải quay về. Thêm 2 xe tăng Bắc Việt di chuyển ở phía bắc cây số 62, mặt trận Khánh Dương. Hai Trung đoàn 64 và 48 Bắc quân đã di chuyển tới tây bắc Khánh Dương khoảng 20 cây số. Lực lương Sư đoàn 23 BB sẽ cùng phối hợp với 2 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 22 BB tăng cường tổ chức tuyến phòng thủ, chận đứng cuộc tiến quân xuống Khánh Dương, Dục Mỹ của địch.

    Nhưng cũng chỉ là trứng chọi đá! Quả thật trong trận này, lực lượng Bắc quân và Nam quân quá chênh lệch! Ngày 16-3-1975 Pleiku, KonTum với những con đường để thoát chạy là 7B, 14, 19, 20, 21. Nhưng tổn thất nhất là con đường 7B.

    (Phạm Huấn)

    (1) Phước An nằm ở phía nam Ban Mê Thuột.
    (2) Khánh Dương nằm trên Quốc lộ 21, giữa Ban Mê Thuột và Ninh Hoà (Nha Trang).




    Quân đoàn II triệt thoái

    Ngày 16-3-1975 bắt đầu rời Pleiku gồm các đơn vị quân cụ, đạn dược, pháo binh, khoảng 200 xe. Tướng Phạm Văn Phú và bộ tư lệnh về Nha Trang, tướng Phạm Duy Tất đôn đốc cuộc di tản, mỗi ngày một đoàn xe khoảng 200 hay 250 chiếc, ngày đầu êm xuôi vì bất ngờ.

    Ngày hôm sau 17-3-1975 các đơn vị pháo binh còn lại, công binh, quân y, tổng cộng chừng 250 xe. Dân chúng, gia đình binh sĩ chạy ùa theo, làm náo loạn gây trở ngại cho cuộc triệt thoái.

    Ngày 18-3, bộ chỉ huy và ban tham mưu quân đoàn về tới Hậu Bổn, Phú Bổn, các đoàn xe từ ba ngày trước kẹt lại đây, đoạn đường từ Hậu Bổn về Tuy Hoà chưa giao thông được vì công binh chưa làm xong cầu qua sông Ba (1). Tối hôm ấy Bắc quân đuổi theo pháo kích dữ dội gây thiệt hại hầu hết chiến xa và trọng pháo tại đây. Sư đoàn 320 Bắc quân đóng tại Buôn Hô, Ban Mê Thuột được lệnh đuổi theo đoàn xe triệt thoái từ 16-3 đến 18-3-1975 vào Phú Bổn rồi tiếp tục đánh phá tới Củng Sơn.

    Ngày 20-3 đoàn quân rời Hậu Bổn nhưng chỉ đi được 20 km thì phải đi chậm lại vì Phú Túc phía trước đã bị chiếm, đoàn quân di tản vừa chống trả vừa tiến. Không quân đến yểm trợ nhưng ném bom nhầm vào đoàn quân gây tử thương gần một tiểu đoàn BĐQ, thiệt hại này lại càng gây thêm rối loạn. Tại Phú Túc hỗn loạn diễn ra dữ dội. Bắc quân đóng chốt, một tiểu đoàn địa phương quân và biệt động quân được giao nhiệm vụ nhổ chốt.

    Khi đến Củng Sơn cách Tuy Hoà 65 km đoàn di tản phải băng qua sông Ba. Trực thăng CH47 chở từng đoạn cầu lên sông Ba để ráp nối.

    (Trọng Đạt)

    (1) Sông Ba tức sông Ea Pa cách đèo Cheo Reo (Hậu Bổn) vài cây số.




    Kontum-Pleiku di tản

    Trích đoạn: (…) Lại thêm một hoàng hôn, có thể hơn thế nữa, bắt đầu trưa hôm nay là 12 giờ, dân chúng các vùng lân cận Pleiku đều đổ xô về thị xã Pleiku. Họ đang sống những giờ phút lo âu kinh hoàng ngoài đường phố. Trên khắp các ngả đường đều chật các xe đủ loại, xe quân sự, xe dân sự, xe chở hàng, xe ủi đất, xe chữa lửa, xe máy kéo có rờ moọc bên trên chất đầy những "gia bảo" cuối cùng của dân chúng. Tất cả các gia đình, già trẻ lớn bé, dân sự cũng như quân sự ngồi sẵn trên xe để chờ di tản mà họ không biết là đi đường nào. Ngoài đường phố đầy rẫy những quân nhân và thường dân tay xách nách mang và bồng bế các trẻ thơ, xách những giỏ đồ đạc lang thang khắp phố, không biết đi đâu nữa. Pleiku đang sống trong một không khí kinh hoàng chưa từng thấy, hơn cả cố đô Huế năm 1972.

    Kontum-Pleiku coi như bị bỏ ngỏ vì các nhân viên có trọng trách an ninh đã chỉ lo riêng cho gia đình họ, và không còn ai còn có tinh thần đảm nhận trách vụ của mình… Sự kiểm soát đã lọt ra ngoài tay của các giới lãnh đạo chính quyền tỉnh. Riêng các lực lượng nòng cốt còn có kỷ luật và tinh thần chiến đấu. Nhưng tình trạng hỗn loạn của dân chúng Pleiku ra đầy ngoài đường đã tạo nên một cảnh tượng thật không thể tưởng tượng nổi. Trên khuôn mặt mỗi người đều lộ vẻ lo âu không tả hết. Chiến tranh thực sự chưa tới Pleiku. Chưa một đạn pháo kích nào của địch bắn vào thị xã Pleiku. Hoàng hôn của Pleiku có thể như đã bắt đầu. Đồng thời có thể tiếp luôn những cảnh hoàng hôn khác. Tình trạng Pleiku bi thảm quá, đồng bào ơi! (…)

    (Báo Chính Luận - Nguyễn Tú)




    Quân đoàn II triệt thoái

    Ngày 22-3 cầu ráp xong đoàn di tản qua sông theo hương lộ 436 về Tuy Hoà, vì xe cộ quá đông cầu bị sập chết nhiều người phải sửa chữa thêm lần nữa. Chặng đường cuối cùng từ đây về Tuy Hoà rất cam go vì có nhiều chốt, trời mưa lạnh, Bắc quân pháo kích đoàn di tản để cầm chân ta. Tiểu khu Tuy Hoà không còn quân để tiếp viện nên đoàn quân di tản phải tự lo lấy, các binh sĩ Tiểu đoàn 34, Liên đoàn 7 BĐQ liều mạng lên tấn công các cứ điểm Bắc quân cùng với chiến xa M113 tiêu diệt chốt địch.

    Ngày 27-3 sau khi thanh toán chốt cuối cùng đoàn di tản về tới Tuy Hoà buổi tối tổng cộng 300 xe (trong số 1.200 xe) mở đường máu về được Tuy Hoà.

    (…)




    Kontum-Pleiku di tản

    Từ trưa các lực lượng an ninh trong thị xã Pleiku như quân cảnh, cảnh sát bỏ tất cả nhiệm sở không còn thấy bóng một ai, mặc dầu hôm qua (thứ bảy) 15 tháng 3 còn canh phòng rất gay gắt các ngả ra vào tỉnh và thị xã Pleiku. Mọi đường phố không còn một nhân viên công lực nào giữ trật tự nữa.. Tất cả mọi người đều về nhà lo di tản cho gia đình. Liên lạc vô tuyến của hệ thống quân đội không còn được điều hòa và hữu hiệu như trước nữa tuy vẫn chưa hẳn gián đoạn. Các nhân viên truyền tin cũng thay nhau về nhà để lo việc di tản gia đình. Sự kiểm soát an ninh trật tự coi như đã tuột khỏi tầm tay của chính quyền địa phương Pleiku.

    Ngay từ xế trưa (chủ nhật) 16-3, các xe nào đã chất xong đồ vật đều chuyển bánh trên Quốc lộ 14 đi về Phú Bổn thành một đoàn dài. Nhưng phải kể từ 20 giờ ngày hôm nay, sự di chuyển toàn diện của dân chúng mới thực sự bắt đầu, đoàn xe ước chừng đến hàng ngàn chiếc, bật đèn pha nối đuôi nhau trên hàng chục cây số trông như một cuộc "trở về nhà sau cuộc nghỉ ngơi cuối tuần". Nhưng ra khỏi thị xã được vài cây số thì đoàn xe bị kẹt vì những chiếc xe nhỏ hơn như xe lam, xe ô tô nhỏ, xe Honda muốn vượt trước. Dân nghèo ra đi bằng phương tiện trời đã phú cho họ là đôi chân của chính họ. Họ đây là gồm cả già, trẻ, lớn, bé, con nít còn bồng trên tay, đàn bà đang mang bầu, tay xách, nách mang, một vài manh chiếu, một vài bọc quần áo, buồn tủi, lo âu, gia đình nọ nối tiếp gia đình kia đi hàng một sát bên lề đường để tránh đoàn xe. Đèn pha của đoàn xe lần lượt chiếu các bóng lưng còng xuống của người lớn, những bóng nhỏ hơn của các trẻ em tay níu vạt áo hoặc ống quần của người bố hay người mẹ…

    Họ lặng lẽ thất thểu bước nọ trước bước kia trong đêm tối của tâm hồn.

    (…)




    Góp nhặt…ghi chép…

    Trong số 60.000 chủ lực quân chỉ có 20.000 tới được Tuy Hoà. 5 liên đoàn BĐQ 7.000 người chỉ còn 900 người. Lữ đoàn 2 Thiết kỵ với trên 100 xe tăng nay chỉ còn 13 chiếc M113.

    Ông Cao Văn Viên nói ít nhất 75% lực lượng, khả năng tác chiến của Quân đoàn II gồm Sư đoàn 23 BB, biệt động quân, thiết giáp, pháo binh, công binh… bị hủy hoại trong vòng 10 ngày. Vì thế kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột không thể thực hiện được vì không còn quân.

    (Chiến tranh Việt Nam toàn tập - Nguyễn Đức Phương)




    Kontum-Pleiku di tản

    Chính Luận: Chiều tối chủ nhật ngày 16 tháng 3 năm 1975, bạn Nguyễn Tú, đặc phái viên Chính Luận tại chiến trường Quân khu II đã từ Pleiku gọi điện thoại cho biết về tình hình Pleiku sau khi Bộ Tư lệnh Quân khu 2 di tản về Nha Trang.

    Bạn Nguyễn Tú cho biết trong hai ngày qua, đồng bào trong tỉnh đã hoang mang đến cực độ khi nghe tin các đài phát thanh ngoại quốc loan báo Bộ Tư lệnh Quân Khu 2 di tản về Nha Trang. Giới hữu trách không có lời giải thích để trấn an đồng bào mỗi phút lại càng mất thêm tinh thần, mạnh ai lo liệu phương tiện di tản.

    Chiều qua 15-6 (thứ bảy), các phố xá đã đóng cửa không buôn bán cầm chừng như trước đây, và đồng bào đã đổ xô hết ra đường, nhốn nháo ngược xuôi tìm lối chạy. Người ta thuê bao đủ mọi loại xe, chất hết đồ đạc quần áo để chuẩn bị chạy. Những người ít tiền cũng vét túi, chung nhau thuê xe, và các loại xe, từ xe lam, xe vận tải, xe lô, xe nhà, xe Honda, cho đến cả xe ủi đất, xe cứu hỏa, xe cần trục, máy cày v.v. đều chất đầy ắp đồ đạc, đầu nối đuôi dài trên các đường phố chính như Hoàng Diệu, Võ Tánh, Phan Bội Châu, Quang Trung, Hai Bà Trưng. Tất cả di chuyển, nhưng không biết di chuyển theo lối nào, vì con đường duy nhất có thể chạy về Quy Nhơn là Quốc lộ 19 thì đã bị địch cắt. Áp lực của địch quân vẫn nặng nề trên đường băng rừng băng núi này, cái chết có thể đe dọa tập thể tị nạn bất cứ nơi nào và bất cứ giờ phút nào.

    Những chuyến bay của hàng không Việt Nam đã ngưng từ mấy hôm nay nên phi trường chỉ còn là nơi hoạt động rộn rịp của các loại máy bay quân sự. Tin tức một số gia đình thuộc bộ tư lệnh quân đoàn được di tản ra khỏi Pleiku làm cho mọi người càng thêm hốt hoảng. Họ chỉ còn trông ngóng vào con đường sống duy nhất là Quốc lộ 19. Họ mong ngóng cho quốc lộ này được giải tỏa mau lẹ trước khi địch kéo tới. Ám ảnh…đai lộ kinh hoàng và chợ Đông Ba rực cháy ngày nào ở miền Trung là một ám ảnh khó xóa nhòa trong tâm tư mọi người. Dắt díu nhau ngược xuôi ngoài đường phố, và đồng bào ngơ ngác thầm hỏi nhau biết chạy đi đâu bây giờ?

    Qua điện thoại bạn Nguyễn Tú báo tin cho tòa soạn biết là bạn đang tìm cách thoát khỏi Pleiku cùng đồng bào và sau đây là bản tin cuối cùng của bạn từ Pleiku gửi về cho tòa soạn và bạn đọc Chính Luận. Lại thêm một hoàng hôn.

    (…)




    Quân đoàn II triệt thoái

    Ngày đầu tiên của cuộc rút quân. Trời mây mù, ảm đạm. Thành Pleime nằm trên một ngọn đồi cao, nơi đặt bản doanh của bộ tư lệnh Quân đoàn II. Con đường từ bộ tư lệnh quân đoàn về Pleiku kéo dài mấy cây số, và từ những ngả đường khác đổ xô về, người và xe cộ nối đuôi, dồn, lấn, kẹt cứng. Tin quân đoàn "di tản" đã không còn là một tin "tối mật" như các giới chức quân sự mong muốn, mọi người dân Pleiku, mọi gia đình quân nhân, và chắc chắn cả...địch nữa, đều biết. Hỗn loạn, cướp bóc, bắn phá xảy ra nhiều nơi, trong và ngoài thị xã.

    8 giờ 40 phút, cắt đứt mọi liên lạc bằng điện thoại với bộ tư lệnh Quân đoàn II ở Pleiku. Đoàn xe di chuyển, khoảng 4.000 quân xa đủ loại và những xe dân sự.

    10 giờ phi trường Cù Hanh chính thức đóng cửa.

    10 giờ 45 phút, Đại tá Trần Cửu Thiên bay đi Phú Bổn cùng với các chuyên viên truyền tin, thiết lập hệ thống liên lạc để tường trình tình hình đoàn xe từng giờ về Nha Trang, và Sài Gòn.

    10 giờ 50 phút, tổng thống Thiệu gọi ra lệnh giải tỏa gấp rút mặt trận Khánh Dương và Quốc lộ 21 bằng mọi giá. Chặng đầu của cuộc rút quân Pleiku-Phú Bổn sáng ngày 17-3 diễn ra tốt đẹp. Hệ thống liên lạc siêu tần số từ Nha Trang và đoàn quân triệt thoái bị gián đoạn trong 2 giờ đầu. Nhưng sau đó, từ 12 giờ 20 phút, mọi liên lạc và báo cáo đều rõ ràng.

    (…)




    Kontum-Pleiku di tản

    Ngày thứ nhất (chủ nhật) 16-3-1975.

    Tất cả lên đường. Tối nay, Pleiku đã thực sự hỗn loạn. Tất cả dân chúng Pleiku thêm vào đó dân chúng ven tỉnh, dân chúng thuộc vài quận gần thị xã Pleiku, và cả dân chúng Kontum đã hốt hoảng tiếp tục chất các hàng hóa, bàn ghế tủ giường, cùng những vật dụng riêng lên đủ thứ xe: xe lam, xe ba bánh, xe vận tải hạng nặng, xe jeep, xe hốt rác, xe GMC nhà binh, xe Honda. Thậm chí xe be, xe cần trục, xe máy kéo xe trắc tơ. Cả đến xe chữa lửa cũng được dùng để chất đồ và chở người. Xe nào chất xong đồ là người leo lên ngồi sẵn, xe nào đôi nhíp cũng gần như thăng bằng, vì chất quá nặng. Pleiku không còn gì để cho tôi săn thêm tin thêm nữa. Ba lô vẫn cõng trên vai, hồi 22 giờ 30 tôi theo đoàn người di tản ra khỏi thị xã Pleiku.

    Đốt phá, bỏ rơi: Các kho súng, kho đạn tại Pleiku đã được lệnh thiêu hủy, tiếng nổ lớn nối liền tiếng nổ nhỏ. Từng cột khói đen bốc lên trong lửa đỏ từ các bồn nhiên liệu cũng được lệnh phá hủy. Tất cả đều bùng cháy. Nhiều khu phố trong thị xã Pleiku đã bị toán người đập phá nhà cửa của các chủ nhân đã di tản, và đã bị phóng hỏa ít nhất tôi đếm cũng được 14 đám cháy trong những khu phố khác nhau. Nhiều tiếng súng cũng đã nổ trong thị xã. Quân cũng như dân y viện không còn hoạt động. Một số bệnh nhân tại dân y viện cũng như một số thương binh tại quân y viện Pleiku đã bị bỏ rơi lại vì không còn ai lo cho họ nữa. Chính họ trong tình trạng bệnh hoạn chẳng tự mình làm được, ngoài sự chết đói dần mòn trên giường bệnh.

    Cuộc di tản này chắc chắn sẽ kéo dài tới ngày hôm sau. Thế là Kontum và Pleiku đã bỏ ngỏ, chính thức và không chính thức. Không chính thức mà chính thức vào hồi 20 giờ đêm ngày ngày chủ nhật 16 tháng 3 năm 1975.

    (…)




    Quân đoàn II triệt thoái

    Tuy nhiên, có một điều mà Quân đoàn II biết trước là cầu bắc qua sông Ba về phía nam Củng Sơn đã bị phá hủy hoàn toàn, không thể sửa chữa được, Vì vậy thiếu tướng Phú chỉ yêu cầu Bộ tổng tham mưu cung cấp phương tiện cầu nổi để qua sông mà thôi.

              

              
    Liên tỉnh lộ 7B
    (SQTB K10B/72)

              
    - : Tướng Viên cho rằng Sư đoàn 320 sẽ không truy kích kịp nếu cầu được thiết lập đúng lúc. Vì cầu không làm xong nên 2 ngày sau (1a) mới rời được Phú Bổn. (…trích lục lại)

    - : Canh bạc tướng Phú chọn Quốc lộ 7 có thể đã an toàn nếu các cầu nổi được bắc kịp thời và sau này tướng Viên đổ lỗi cho tướng Phú phải hoãn cuộc di tản ít ngày để cho công binh kịp bắc cầu. (Cuộc di tản đầy máu và nước mắt - Trịnh Tiếu)




    http://chimviet.free.fr/lichsu/phingoch ... Ky02_a.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Ngày Buồn Nhất Đời Tôi (30-04-1975)

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          







          

https://huongduongtxd.com/ngaybuonnhatdoitoi.pdf
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tháng Tư Tang Khó

Bài viết bởi Hoàng Vân »







  • Tháng Tư Tang Khó
    ___________________________
    Nguyễn Nhơn






    Tháng tư buồn, nhớ quê nhà Miền Nam yếu dấu. Nhớ về Làng Bưng Cầu, nơi chôn nhau, cắt rốn, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Nhớ người mẹ già nay không còn nữa. Nhớ lời mẹ dạy ngày xưa: Một là, không được dối trá. Hai là, sống cho có nghĩa, có nhân.
    Con nghe lời mẹ dạy, chuộng điều nhân nghĩa. Gặp thời buổi vận nước ngả nghiêng, bọn hung tàn, quỉ đỏ phủi sạch “Đại Nghĩa Dân tộc”, bằng súng đạn tàn phá, xâm chiếm Miền Nam. Bằng tấm lòng nhân nghĩa, con của mẹ không đương cự được, đành để mất nước, thân lưu lạc xứ người. Ngày nay con của mẹ cũng đã già, mỗi độ Tháng Tư về chỉ biết ngậm ngùi nhìn về bên kia bờ Đại Dương, nhớ nhà, nhớ xứ.

              

              

    QUÊ NHÀ MIỀN NAM, MỘT THUỞ HUY HOÀNG

    Làng Bưng Cầu, tuy chỉ cách tỉnh lỵ Thủ Dầu Một chưa đầy năm cây số ngàn, vẫn là một làng quê, phần lớn là đồng khô, cỏ cháy, chỉ có một vạc ruộng chạy dọc dài theo hai bên bờ suối, có cây cầu ván bắc ngang nên mới gọi Bưng Cầu. Tên chữ thì đẹp là Tương Bình Hiệp.
    • Ở nhà mẹ dạy điều nhân nghĩa,
      cắp cặp đệm vô trường làng, thầy dạy, học lễ, học văn: Tiên học lễ, hậu học văn.
      • Lễ là khoanh tay, cúi đầu, đi: thưa, về: trình.
        Văn là học chữ cho biết điều nghĩa, lý.
    Cứ vậy mà đi cho hết lớp nhứt trường làng. Rồi, sáng tinh mơ, quơ “con cúi” soi đường ra học trường tỉnh, biết thêm sự tích bà Trưng, bà Triệu, Hội nghị Diên Hồng. Ra tỉnh, gặp cơn gia biến, học trầy trật mãi tới 15 tuổi mới thỉnh được cái bằng Tiểu học. Nhưng, vậy vẫn còn ngon, các ông nhỏ thế hệ 1930s, vì chiến tranh, học hành dang dở, có ông tuổi 17, 18 mới giựt được cái certificat d’étude primaire. Hồi đó, lận lưng cái Tiểu học cũng có cơ hội làm ăn: hoặc có dịp xin vào thơ ký công nhựt, hoặc trợ giáo viên (instituteur auxiliaire), hoặc chịu khó lên vùng sở cao su, xin làm giám thị có khi cũng mở mặt.

    Lên trung học mới thật là quờ quạng. Thời đó, cả Saigon và Miền Đông chỉ có mỗi một trường Trung học công lập Pétrus Ký, thi tuyển thật gắt gao, cả trăm lấy vào chỉ năm, bảy nhơn nên thi rớt, phải theo nghiệp trường tử, trường tư. Cả xứ Thủ chỉ có một Trung học Tư thục mà cũng không chuyên nghiệp, hầu như anh, chú học trước, dạy lại cho em cháu học sau. Cho nên việc học thật là trầy trật. Đã vậy còn thêm cái nợ mơ mộng tuổi thanh xuân. Nào là:
    • … Buồn vào hồn…không tên…
      Thức giấc nửa đêm … nhớ chuyện xưa…vào đời
      Đường phố…. vắng…đêm nao…ta hẹn hò.

    Nào là:
    • Sơn nữ oi!
      Làm chi … cho đớn đau lòng…
      Trong một thời gian…rồi thương, rồi nhớ…


    Đã vậy còn hơi hám chánh trị, giữa niên học 1956-57 đang học Đệ tứ niên, lo học thi túi bụi mà vẫn tham gia vận động bầu cử thành lập Đệ Nhất Cộng Hòa. Ngày lễ mừng Đệ Nhất Cộng Hòa, chàng trai tuổi 18 đứng trên kiệu hoa, hăng hái huơ dao chém rắn ba đầu Phong-Thực-Cọng. Học hành lãng đãng vậy mà cuối năm vẫn thi đậu một lượt cả hai bằng Brevet du premier cycle lẫn Trung học Đệ nhứt cấp mới thật là kỳ. Thừa thắng xông lên, ta học nhảy lớp. Cuối năm sau, đậu Tú tài phần 1 gọn bân. Năm sau, vừa học vừa dạy giờ, vừa lái Ếch bà rong chơi vẫn đỗ Tú tài toàn phần như số mạng định sẳn.

    Viết vậy để cầu vui cho qua Tháng Tư buồn chớ thật sự chương trình Trung học Phổ thông thời đó nặng lắm! Có thể nói mở mắt ra là thi: Thi lên lớp, thi lấy bằng cấp.
    • Tám tuổi học lớp Ba: Thi lấy bằng sơ học.
      Mười hai tuổi, lớp Nhất thi bằng Tiểu học.
      Lớp Đệ tứ, thi Trung học Đệ nhất cấp.
      Lớp Đệ nhị thi Tú tài Phần 1.
      Năm sau, thi Tú tài toàn phần.
    Chỉ nội có cái Tú tài phần 1 chận đường tiến thủ không biết bao nhiêu người! Để mở rộng chương trình Trung học phổ thông, chánh phủ cho bãi bỏ các cuộc thi lấy bằng cấp, từ lớp 1 đến lớp 12 chỉ thi một lần Tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Niên khóa 1957-58 toàn quốc chỉ có 4,000 cô cậu Tú. Năm 1970, 40,000 học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông: Sĩ số tăng gấp 10 lần. Theo quốc sách Cộng đồng Đồng tiến, trường học mọc lên như nấm:
    • Mỗi ấp lớn đều có trường sơ cấp,
      Xã có trường Tiểu học,
      Quận có Trung học Công lập.


    Thời đó, có cái bằng Tú tài lận lưng là tương lai rộng mở.
    • Muốn làm bác sĩ thì ghi danh lớp Lý-hóa-sinh (PCB), đại học khoa học.
      Muốn làm kỷ sư phải thi tuyển vào Trường Kỷ thuật Phú Thọ.
      Muốn làm giáo sư Trung học thì thi vào Đại học sư phạm.
      Muốn tham dự vào việc quản trị công quyền, nói nôm na là việc cai trị thì phải thi vào Học viện Quốc gia Hành chánh.


    Thằng Đực làng Bưng Cầu bỗng nhớ lại ngày xưa, học lớp Nhứt trường tỉnh, một bửa chánh chủ tỉnh Tây làm phách, ăn hiếp thầy mình, la quở oan uổng thầy trước lớp. Mặc dầu thầy cương cường, bất phục, lớn tiếng cải lại không chịu để y làm nhục, kể như bảo vệ được danh dự của giới giáo chức, nhưng cậu tú Nhơn ngày nay cũng muốn tham dự vào việc cai trị để góp phần ngăn ngừa những việc bất công như vậy không tái diễn dưới thời VNCH nên mới thi vào Học viện Quốc gia Hành chánh.

    Làm việc ở cơ quan an ninh Saigon một năm thấy không hợp mới xin trở về ngành hành chánh. Nhiệm sở kế tiếp là tỉnh Chương Thiện. Hồi đó, ít ai biết tỉnh Chương Thiện ở đâu bởi vì là tỉnh tân lập. Nơi đây vốn là hai xã xa xôi Vị Thanh, Hỏa Lựu thuộc Quận Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ. Sau thời kỳ phát triển theo mô thức “Khu trù mật” trở nên trù phú, được coi như là thành công của chính sách nầy nên biến cải thành tỉnh lỵ của tỉnh tân lập Chương Thiện. Thật ra thì tỉnh lỵ cũng chỉ vẽn vẹn có một dãy phố chạy dọc theo bờ kinh Xà No, dài chừng cây số. Nhà lồng chợ mới cất cũng nhỏ. Có điều giá sinh hoạt thật thoải mái. Ngưới dân thì cuộc sống no đủ, chút tiền thu được từ tiền bán gà, vịt, tôm, cá bỏ ống dành dụm cho việc mua sắm áo quần ngày tư, ngày Tết hoặc khi hữu sự. Nhưng mà, muốn được như vậy, cái giá người lính Quốc gia phải hy sinh thật là lớn lắm! Chỉ một trận đánh để đẩy lui bọn quỷ đỏ vào sâu mật khu U Minh, bảo vệ an ninh cho đồng bào suốt một dọc dài từ Ngọc Hòa, đầu kinh Xà No cho tới Cầu Đúc, Gò Quao (Kiên Hưng), Trung Đoàn 31 BB/QLVNCH đã phải hy sinh hàng hàng, lớp lớp chiến binh, hòm tử sĩ đặt suốt một đoạn đường băng phi cơ Caribou vận tải. Tạo thanh bình cho người dân được “an cư, lạc nghiệp”, biết bao xương trắng, máu đào đã đổ xuống, thấm mặt đất “Miệt ngàn, miệt thứ!” xa xôi. Cho nên câu hò vè:
    • “Kinh Xà No người không lo đói
      Gạo Nàng Mau vừa dẽo, vừa thơm”

    cất lên vào buổi chiều tà, nghe lòng buồn man mát! Từ thuở người xưa đi vào khai phá vùng miệt ngàn, miệt thứ:
    • Dưới sông, sấu lội, trên bờ cọp đua
      Đôi bàn tay rắn rỏi, vẹt cây xú, cây bần
      Lập nên vườn tược tốt tươi
      Dưới sông, vịt lội, trên bờ gà bươi

    Để giữ được cuộc sống an bình cho thôn làng, người lính Dân vệ cũng từng phen hy sinh xương máu. Niềm vui quân-dân-chánh rạng rở khi:
    • Dưới sông, máy đuôi tôm chạy
      Trên bờ xe máy Honda đua

    Nhà cửa bằng gạch ngói lần lượt thay thế nhà tranh, vách lá. Người dân Miệt thứ nay cũng thảnh thơi, con cái được học hành.

              

              

    Rời Chương Thiện, tôi về Miền Đông, xứ Bưởi vào giữa năm 1964. Hồi đó, từ ngả tư Xa Lộ- Tam Hiệp vào tới xã Bùi Tiếng, dân cư, nhà cửa sầm uất. Nhưng từ Bùi Tiếng vào đến cây xăng Vườn Mít, nhà cửa, cư dân thưa thớt. Cả tỉnh lỵ chỉ có một rạp hát Biên Hùng cũ kỷ. Nhà hàng ăn Tây chỉ có mỗi La Plage, bên bờ sông Đồng, xéo bên kia Đình Tân Lân. Nhà hàng Tàu chỉ có Hạnh Phước khi ấy chỉ là căn phố trệt.

    Vậy mà chỉ năm ba năm sau, bộ mặt của Thành phố Biên Hòa đã biến đổi vượt bực. Rạp Lido trên đường Hàm nghi ngạo nghễ dựng lên. Cuối cùng là rạp Thanh Bình ở ngả ba Vườn Mít đồ sộ không kém bất cứ rạp ciné nào ở Saigon. Nhà hàng La Plage mở rộng, Hạnh Phước lên lầu. Đặc biệt về sau, nhà hàng Câu Lạc bộ Biên Hòa, tục gọi Biên Hòa Club chẳng những qui mô rộng lớn mà cảnh trí còn đẹp đẻ hơn bất cứ nhà hàng nào ở Saigon.

    Đặc biệt là Khu Kỷ Nghệ Biên Hòa, tuy là theo mẫu Cao Hùng Đài Loan, nhưng phát triển rất nhanh, nỗi tiếng khắp Đông Nam Á. Vài phái đoàn Phi Châu cũng đến quan sát. Riêng ngành sản xuất giấy, hai xí nghiệp Cogido và Tân Mai đã đáp ứng đủ nhu cầu toàn quốc, kể cả giấy in báo cũng đủ dùng, khỏi phải theo chế độ cấp bông giấy theo Quota. Điều ít ai biết là nhà máy ráp máy cày Kubota chẳng những đáp ứng nổi nhu cầu nội địa mà còn xuất cảng qua cả Nam Dương. Đặc biệt hơn nữa, hảng sản xuất TV Sanyo chuẩn bị lập nhà máy lắp ráp máy truyền hình màu để xuất cảng khắp vùng Đông Nam Á và hứa hẹn lập cho một đài phát truyền hình màu ở Saigon.

    Cho nên nói, Một Thuở Huy Hoàng, đâu phải là giàu sang, danh vọng gì mà chỉ muốn nói rằng, đó là kết tinh của bao nhiêu tâm huyết, mồ hôi nước mắt, xương trắng máu đào của hàng hàng, lớp lớp Quân-Dân-Cán-Chính đổ ra để vừa chiến đấu giữ nước vừa lo xây dựng, phát triển đem lại Tự do, no ấm cho cả 19 triệu dân trong suốt 21 năm dài. Vì vậy mà xót xa, đau đớn. Đau đớn đâu phải chỉ vì mất nước, lâm thân tù tội mà trước hơn hết là vì lũ quỷ đỏ phương Bắc tràn vô cướp phá tan hoang tất cả bao công trình quân dân Miền Nam đổ máu xây dựng nên !
    Để rồi chỉ biết cùng nhau than thở:
    • Mũ cối, dép râu dẫm nát đời son trẻ
      Nón tai bèo phủ lấp nẽo tương lai !





    NGÀY NAY, TOÀN THỂ ĐẤT NƯỚC NHUỘM MÀU TANG

    Có một vị Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ gốc Việt, có ông nội và người cha trước kia bị vc sát hại, ngậm ngùi nói:
    • Việc ngày trước có thể bỏ qua. Việc ngày nay mới thật là đau xót !
    Vậy đó, thù nhà có thể bỏ qua, nhưng đất nước bị tàn phá, dân tình khốn khổ, khó bề nhịn được. Người cs cai trị đất nước còn bạo ngược hơn cả giặc nhà Minh cho đến nỗi người nhạc sĩ trẻ Việt Khang đã phải ngạc nhiên hỏi:
    • Anh ở đâu? Sao lại mắng tôi bằng giọng nói dân tôi? Dân tộc anh ở đâu?

    Vậy đó, vì sao mà một người Việt ở hải ngoại đang cầm súng bảo vệ an ninh cho đất nước, quê hương mới, chỉ biết nhìn về quê nhà đau xót? Vì sao mà một thanh niên Việt Nam đang sống trên chính đất nước mình mà không được tỏ bày lòng yêu nước, chống xâm lăng? Vì sao mà kẻ đánh đập, ngăn cấm anh lại nói giọng dân anh?

    Chỉ vì những người chiến thắng là cs, hình dạng, ngôn ngữ VN nhưng xử sự, hành động bạo ngược theo giáo điều duy vật, vô thần, lòng ruột lai căng chẳng còn dân tộc tính, quên hết điều nhân nghĩa, truyền thống tổ tiên.

    Mấy ngày nay, nhân tháng tư buồn, bài thơ “Hãy chụp giùm tôi” của tác giả Trần Văn Lương được phổ biến kèm theo bộ hình minh họa hai cảnh đời dưới thời xã nghĩa hung tàn: “ Kẻ ăn không hết, người lần không ra.” Đại gia “hãnh tiến” tư bản đỏ cùng cường hào ác bá thời nay sống xa hoa, nhà lầu, xe xịn cả trực thăng, máy bay riêng hàng mấy triệu đô trong khi ngoài kia người dân, kể cả thiếu nhi bới bãi rác sống từng ngày. Nhìn tấm hình bà cụ già 76 tuổi, sáng tinh mơ, mùa đông rét buốt, lặn lội nơi bờ biển mò sò, bắt ốc chỉ đủ đong gạo sống cầm hơi mới thật là thảm!

    Vì đâu nên nỗi?!
              
    Chỉ vì công an, chỉ biết còn đảng, còn mình,
    đánh đập, giết hại dân như chuyện thường ngày ở huyện.

    Chỉ vì cường hào ác bá tân thời, qui qui, hoạch hoạch, cướp ruộng vườn
    để hàng hàng, lớp lớp dân oan vong gia, thất thổ,
    sống vô gia cư, tử vô địa táng !!!

    Chỉ vì lũ đầu trâu mặt ngựa cầm quyền
    đành lòng để dân chết sống mặc bây, tiền thầy bỏ túi !

    Chỉ vì người dân bị đẩy vào đường cùng,
    lừa đảo, tranh cướp nhau cầu sống !

              
    Ngày kia, Sáu Kiệt nói:
    • “ Ngày 30 tháng Tư, triệu người vui, triệu người buồn!’

    Ngày nay, mọi người cùng nói:
              
    Ngày 30 tháng Tư,
    chỉ có vài trăm ngàn tham quan, tư bản đỏ là vui,
    còn toàn thể dân tộc đều buồn!

              
    Cho nên mới nói,
              
    Toàn thể đất nước nhuộm màu tang!!

              
    Chỉ vì chúng, chính chúng,
              
    phường phản nước, hại dân
    sống phè phởn, ca múa trên bửa tiệc đầu lâu, xương máu dân lành !

              
    Một tay gạt nước mắt, một tay run rẩy gõ bàn phiếm những dòng mở đầu, giờ đây không còn nghĩ gì được nữa, xin dừng lại nơi đây.





    https://bienxua.wordpress.com/2017/03/2 ... -tang-kho/
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Lời cho phỉ quyền

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          





Lời cho phỉ quyền
__________________
Huy Văn




Trước hết, cần phải nói cho bọn mày rõ
Tao sống lưu vong nhưng không phải là việt kiều
Khi xưa quặn lòng lìa tổ quốc thân yêu
là đã quyết không chung trời với cộng sản!

Đừng theo thói quen của lũ côn đồ hung hãn
khi nói gì cũng bắt mọi người phải nghe theo
Thật không may! Dân đen phải sống cảnh khó nghèo
trong khi đó chúng bây lúc nào cũng chỉ lo vỗ béo.

Vết dao đâm hơn 40 năm vẫn chưa lành thẹo
Đừng tưởng Bắc, Nam cứ mãi chịu cúi đầu.
Chờ mà xem! Từ Nam Quan tới Cà Mau
sẽ vùng dậy để đập tan xiềng xích!

Hơn 70 năm, qua mười đời chủ tịch (*)
chúng mày chỉ giỏi tài lòn cúi bắc phương
Hán tặc giết dân, gieo bao nỗi đoạn trường
bây chỉ biết nín khe, rụt đầu... vâng phục!

Đã nhổ, liếm bao lần mà không hề biết nhục
Giải phóng con (&^%(#@! ) gì khi chiếm được miền Nam!
Sau hơn 40 năm rõ ràng bây là đám gian, tham
hăm hở kéo lê dân xuống tận cùng vực thẳm!

Việt Nam bây giờ như con thuyền sắp đắm
nên lũ bây đang tìm mọi cách để chạy làng
mặc quê hương lọt vào tay của ngoại bang
là giặc Hán: một kẻ thù truyền kiếp!

Uổng công giữ nước qua bao đời trung liệt
Đến ngày nay chúng bây phá tan hoang
Khắp mọi nơi, từ thành thị tới thôn làng
đâu đâu cũng thấy tử thần đang rình rập!

Mọi thứ trên đời đều do bọn Tàu nội nhập
Hóa chất tràn lan, được bày bán công khai
Khổ cho dân nghèo phải ngày một, ngày hai
nuốt độc dược, bấm bụng ăn...để sống!

Hà Nội ngày, đêm vẫn còn lớn họng
"Còn đảng, còn mình..." Tổ mẹ bọn bây!
Đảng chúng bây là một lũ cướp ngày
hèn với giặc, ác với Dân ai chẳng biết!

Tan nát ruộng vườn khiến bần dân rên xiết
Chính phủ ở đâu?! Sao chỉ thấy côn đồ
Có chế độ nào tồi như lũ cộng nô
đã vô liêm sĩ, lại toàn đồ ăn hại!

Hãy nhớ: chúng bây có ngày sẽ phải
cúp đuôi chồn, bỏ của chạy thoát thân!
Cảnh toàn dân khởi nghĩa đã đến gần
Ngày đền tội chẳng còn xa đâu!..Con ạ!



(*) Không kể cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ Tịch từ 31/05/1946 đến 21/09/1946 )
(&^%(#@! ) = Tự ý KIỂM DUYỆT



Huy Văn
          

          

          

https://nhinrabonphuong.blogspot.com/20 ... y-van.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hãy Chụp Giùm Tôi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


          
          Lê Minh giới thiệu:

Tháng Tư đen gần kề, nhất là sau 35 năm, cộng đồng Việt tại hải ngoại khắp nơi đang sửa soạn ngày đau buồn của miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản. Ba mươi lăm năm qua, lòng người dân Việt vẫn chưa nguôi. Trong số những người này có thi Sĩ Trần Văn Lương. Chưa một lần quay trở lại quê hương, nhưng Ông đã ghi lại phần lớn hiện thực bộ mặt thật quê nhà trong những vần thơ dành riêng cho thời gian đen tối trong lịch sử Nam Việt Nam.

Trước khi mời quí vị ngẫm nghĩ về 30/4 qua vần thơ của Thi sĩ Trần Văn Lương, chúng tôi hân hạnh đước giới thiệu đôi hàng về tác giả.

Ông Trần Văn Lương tốt nghiệp cử nhân Văn Khoa ban Hán văn tại đại học Đà Lạt (VN) vào khoảng cuối thập niên 1960. Ông được mô tả là một trong số ít người tinh thông về Hán Văn còn sót lại trong thời đại chúng ta. Quí vị cũng cho thể thưởng thức văn tài của người thi sĩ đa tài này trong bài khoản luận về “Mùa Thu Trong Văn Thơ Cổ Điển Trung Hoa” ...

Như chúng ta, Thi sĩ Trần Văn Lương đến Hoa Kỳ tỵ nạn Cộng Sản từ 1975. Dù tinh thông hán học và triết học, nhưng khi định cư tại Quận Cam, ông đã theo đuổi ngành học thuần túy về khoa học tại Đại học Long Beach và tiếp tục học vấn đến cấp bằng tiến sĩ về khoa học. Hiện này ông là một trong những khoa học gia xuất sắc của công ty Boeing tại Thành phố Anaheim.

Xin mời quí vị độc giả thưởng thức vần thơ 30/4 của Tiến sĩ Trần Văn Lương, cũng như phần diễn dịch qua Anh Ngữ của nhà giáo Hoàng Đình Thắng, cử nhân Văn Chương Anh Văn của Đại Học Đà lạt năm 1968, ông cũng là bạn cùng phân khoa với thi sĩ Lương. Hiện này ông Thắng đang dậy môn Văn Chương Anh cho một trường trung học tại San Jose, California.

          





Hãy Chụp Giùm Tôi
__________________
Trần Văn Lương






Dạo:
Mây đêm kín lối quay về,
Ánh đèn sặc sỡ, biết quê chốn nào.


******

Đừng khoe tôi, hỡi người bạn tài hoa,
Những tấm ảnh mang ra từ địa ngục,
Nơi bạn mới về rong chơi hạnh phúc,
Dù bao người vẫn tủi nhục xót xa.

Đừng khoe tôi hình ảnh một quê nhà,
Mà bạn nghĩ đang trên đà "đổi mới",
Những thành thị xưa hiền như bông bưởi,
Nay bỗng dưng rã rượi nét giang hồ.

Đừng khoe tôi những cảnh tượng xô bồ,
Những trụy lạc giờ vô phương cứu chữa.
Đất nước đã từ lâu không khói lửa,
Sao rạc rài hơn cả thuở chiến chinh.

Đừng khoe tôi những yến tiệc linh đình,
Những phố xá ngập phồn vinh giả tạo,
Nơi thiểu số tung tiền như xác pháo,
Khi dân nghèo không muỗng cháo cầm hơi.

Đừng khoe tôi cảnh tụ họp ăn chơi,
Của những kẻ đã một thời chui nhủi,
Bỏ tất cả, trong đêm dài thui thủi,
Ngược xuôi tìm đường xăm xúi vượt biên.

Đừng khoe tôi những con phố "bưng biền",
Những quảng cáo, những mặt tiền nham nhở,
Những khách sạn ánh đèn màu rực rỡ,
Trơ trẽn bày, dụ dỗ khách phương xa.

Đừng khoe tôi chốn thờ phượng nguy nga,
Những dinh thự xa hoa nằm choán ngõ,
Những màu sắc lam, vàng, đen, tím, đỏ,
Đang uốn mình theo gió đón hương bay.

Đừng khoe tôi ảnh Hà Nội hôm nay,
Thành phố đã chết từ ngày tháng đó,
Khi bị ép khoác lên màu cờ đỏ,
Khi triệu người phải trốn bỏ vô Nam.

Đừng khoe tôi những cảnh tượng giàu sang,
Đã được bạn tóm càn vô ống kính,
Những hình ảnh mà kẻ thù toan tính,
Muốn tung ra để cố phỉnh gạt người.

******

Bạn thân ơi, sao không chụp giùm tôi,
Nỗi thống khổ của triệu người dân Việt,
Nửa thế kỷ trong ngục tù rên xiết,
Oán hờn kia dẫu chết chẳng hề tan.

Chụp giùm tôi đàn thiếu nữ Việt nam,
Thân trần trụi xếp hàng chờ được lựa,
Hay bầy trẻ mặt chưa phai mùi sữa,
Bị bán làm nô lệ ở phương xa.

Chụp giùm tôi đôi mắt mẹ, mắt cha,
Mà suối lệ chỉ còn là máu đỏ,
Khóc con cháu ra đi từ năm đó,
Biển dập vùi, đà tách ngõ u minh.

Chụp giùm tôi số phận những thương binh,
Đã vì nước quên mình trên chiến trận,
Mà giờ đây ôm hận,
Tấm thân tàn lận đận giữa phong ba.

Chụp giùm tôi hình ảnh những cụ già,
Bọn đầu nậu gom ra đường hành khất,
Để đêm đến, nộp hết tiền góp nhặt,
Đổi chén cơm dầm nước mắt nuôi thân.

Chụp giùm tôi xác chết những ngư dân,
Bị Tàu giết bao lần trên biển rộng,
Hay những chiếc quan tài chưa kịp đóng,
Chở cha, anh lao động Mã Lai về.

Chụp giùm tôi thảm cảnh những dân quê,
Chịu đánh đập chán chê dù vô tội,
Hay cảnh những anh hùng không uốn gối,
Gánh đọa đày trong ngục tối bao la.

Chụp giùm tôi mốc biên giới Việt Hoa,
Lấn vào đất của ông cha để lại,
Hay lãnh thổ cao nguyên còn hoang dại,
Lũ sài lang hèn nhát lạy dâng Tàu.

Chụp giùm tôi những nghĩa địa buồn đau,
Chúng tàn phá, chẳng còn đâu bia mộ.
Kẻ sống sót đã đành cam chịu khổ,
Người chết sao cũng khốn khó trăm đường.

******

Hãy chụp giùm tôi hết những tang thương,
Hình ảnh thật một quê hương bất hạnh,
Nơi mà bạn, xưa đêm trường gió lạnh,
Đã căm hờn quyết mạnh dạn ra khơi.

Chiếc thuyền con, ca nước lã cầm hơi,
Mạng sống nhỏ đem phơi đầu sóng dữ.
Rồi tha phương lữ thứ,
Tháng năm dài, quá khứ cũng dần phai.

Lòng người chóng nguôi ngoai,
Tháng Tư đến, có mấy ai còn nhớ!





Cali, đầu mùa Quốc Hận, 2010
Trần Văn Lương




Bản dịch Anh ngữ:
Hoàng Văn Thắng (K5-VK 68):

Take These Pictures For Me, Please....


You are a braggart, though you are talented,
Show me the pictures that you took in hell
Where you spent your time in leisure and entertainment
While others live in misery and humiliation

Please do not show me photographs of our homeland
Which you think is on the way of modernization trend
Old cities, full of grapefruit flowers, were so beautiful
Now artificially pretty like the powdered faces of prostitues

Do not show me pictures of places where patrons enjoyed themselves
Where lustful acts were committed-beyond reform
Our country was no longer at war
Why nowadays it is so ravaged"

No, do not show me pictures of parties and feasts
And cities with fake facades of prosperity
Where a small group of rich people spend money extravagantly
And the majority of hand-to mouth people are starving

Hide away pictures of restaurants and karaoke joints
Where patrons were once illegal residents
Looking for ways to illegally escape from the homeland
They gave up everything, in the darkness of night
Looking for ways to cross the oceans and borders

Do not brag to me about new towns and cities
And the patched-up advertisements and discolored front doors
Also hotels with spendid neon lights
Shamelessly designed just to lure far-away tourists

Do not tell me more about magnificent temples
Or villas and mansions which block the alleys
Do not show me striped fabric of multicolor
Flying to embrace coming perfume-carrying wind

Leave them out of my sight the pictures of Hanoi
This city has been dead since the day
It put on a coat of red banner
Forcing millions to "emigrate" to the South

Put them behind me the pictures of the rich
Which you took without any second thought
These are the pictures our enemies have been attempting
To fool me and you, too, my friends

******
My dear friends, why did you not do me a favor
Taking pictures of millions of poor Vietnamese souls
Who half of a century have lived in anguish
Their anger would not be diminished even after death

Take a picture of a group of Vietnamese girls
Who, in their naked body, stood in rows to be selected
Or young preteen boys and girls being sold to be slaves in far-away lands

Take a picture of the father's and mother's eyes
Whose incessant tears now became blood
As they cried for their children who had died at sea.

Take a picture of the wounded soldiers and officers
Who sacrificed themselves in battles
Buried their vengeance now living a life of turmoil

Take a picture of the old women
Trained by hoodlums to do the street begging
At the end of day, they would pour out all they had
Into the pockets of these villains, leaving a meager earning for a day's food.

Take a picture of the fishermen who died at the hands of Chinese
Or the open coffins of Vietnamese laborers; fathers and brothers
Waiting to be transported back home from Malaysia

Take a picture of the simple peasants
Though innocent, they endured the endless corporal punishment
Or the brave heroes who refused to bend down, imprisoned in the dark cells

Take a picture of the Chinese-Vietnamese border
Where part of our fatherland is being trespassed
Or the wild highland which the cowards signed off the unlimited lease to Chinese

Take a picture of the cemeteries
Where tombstones were destroyed or damaged, no identity can be found
The living and the dead
Suffer the same miserable fate

******
Take a picture, please, aim your camera at the pains and the wounds
The picture of a sorry homeland
From this place, on a dark, cold night you set sail to escape

In a small boat and with a glass of water to quench your thirst
Confronting your little body and soul with the violent coming waves
Then vanishing in all walks of life
The past, though long, will soon be forgotten

Humans, as foreseen, easy to forget the sorrows of the bygone days
How many of us still keep in mind the memorable April"





Bản dịch Pháp ngữ:
Cụ Cao Tịnh Nguyên (Marin/Épagnier - 15/Avril/2010):

Prends ces photos pour moi, s'il te plaît


Ne me montre pas, mon ami talentueux
Toutes ces photos prises de l'enfer
Où tu venais de visiter avec tant de plaisir
Pendant que tous les autres étaient en train de souffrir

Ne me montre pas l'image d'un pays natal
Tu pensais qu'il était d'être modernisé
Ces villes, jadis, douces comme les fleurs de pamplemousse
Elles sont maintenant minables, fatiguées comme les visages des prostituées

Ne me montre pas ces spectacles indécents,
Ces incurables lieux de débauche
Notre pays n'est plus en guerre
Et pourquoi est-il si ravagé maintenant?

Ne me montre pas ces photos de festins copieux
Et des villes avec l'apparence de prospérité
Où un petit groupe de riches dépensent follement l'argent,
Pendant que les pauvres n'ont rien à manger !

Ne me montre pas les photos des restaurants luxueux et des lieux de plaisir et de joie
Où les patrons sont de résidents illégaux
Qui laissent tomber tout, derrière eux, dans la nuit profonde
Pour chercher un moyen de s'enfuir à l'étranger comme "Boat People"

Ne me montre pas ces rues de "Maquis"
Ces publicités, ces façades de maison barbouillées
Ces hôtels avec éclatantes lumières effrontées
Pour séduire les passagers et les étrangers

Ne me montre pas les temples grandioses et leurs pagodes
Les spendides villas et palais envahissant tous les terrains
Toutes ces couleurs: bleu, jaune, noir, violet, rouge
Sont en train de s'onduler dans le vent pour se mélanger avec le vent parfumé

Ne me montre pas les photos de Hanoi récente.
Cette ville était morte depuis ce jour funeste
Où elle fut obligée de se baisser sous le drapeau rouge
Forçant des millions et des millions de réfugiés à s'enfuir vers le Sud

Ne me montre pas la photo des spectacles des riches
Que tu as prise follement dans ton objectif
Ces images que les ennemis ont l'intention
De nous montrer pour nous imposer.

******

Cher ami, pourquoi ne prends-tu pas pour moi
Une photo des souffrances des millions de Vietnamiens
Gémissant dans des prisons depuis un demi-siècle?
Leurs ressentiments et leurs haines restent inoubliables même après la mort ...

Prends pour moi une photo des jeunes Vietnamiennes
Dont leurs corps tout nus se mettent en rang pour être choisies
Ou celle des petits enfants même encore des bébés avec l'odeur du lait maternel
Qui sont vendus comme esclaves aux pays lointains

Prends pour moi la photo des yeux des pères et ceux des mères
Dont leurs larmes deviennent le sang rouge
Ayant pleuré depuis le départ de leurs enfants et petits enfants
A travers l'océan où leurs corps sont perdus dans l'eau profonde

Prends pour moi les photos de la destinée des invalides militaires
Pour la patrie, sacrifiant leur vie sur les champs de bataille!
Et maintenant dans leur corps mutilé rempli d'une grande haine
Ils souffrent atrocement dans la tempête de la vie.

Prends pour moi les photos des personnes âgées
Entraînées par les chefs de bandes pour mendier dans les rues
Et quand le soir vient, elles doivent leur verser tout l'argent mendié
En échange d'un bol de riz rempli de larmes pour se nourrir

Prends pour moi les photos des cadaves des pêcheurs Vietnamiens
Tués par les Chinois sur la mer immense,
Ou celles des cercueils pas encore fermés
Attendant le retour des cadavres des pères et des frères tranportés de Malaysia

Prends pour moi les photos des pauvres paysans
Battus sans cesse même s'ils sont innocents
Ou celles des "Héros" ne voulant pas se baisser
Dans les sombres cellules des grandes prisons

Prends pour moi la photo de la limite de frontière Vietnam-Chine déplacée
S'emparant aussi de la terre laissée par nos ancêtres
Et celle encore sauvage des Hauts-plateaux
Que ces lâches imbéciles ont offerte aux Chinois

Prends pour moi la photo des cimetières sinistres
Où toutes les pierres tombales sont détruites
Les survivants doivent sûrement souffrir
Et peut-être même les morts rencontrent pas mal de difficultés!

******

Prends pour moi les photos de toutes ces misérables souffrances
De la vraie image d'un pays natal malheureux
D'où tu as décidé dans la nuit profonde
De t'enfuir à l'étranger avec un grand courage!

Sur le petit bateau avec un peu d'eau seulement pour te nourrir
Mettant ta mince vie en danger sur les puissantes vagues de l'océan
Loin de chez toi maintenant, tout seul à l'étranger
Le long temps s'écoule et le passé est vite oublié

La mémoire s'efface, quand "le Sombre Mois d'Avril" revient,
Qui, parmi nous se rappelle encore de ces douloureux souvenirs?


          

          


          

http://www.saimonthidan.com/?c=article&p=4777
https://vietbao.com/a109203/quoc-han-na ... p-gium-toi
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”