- 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Ngày 30 Tháng Tư, 1975 -
    Lần thật chết với quê hương



    Nghĩa Trang Quân Đội VNCH trước năm 1975
    (nguyenkhapnoi.com)



    Dẫn Nhập: Không hiểu từ bao giờ, như thế nào, đứa nhỏ mới tập đánh vần, đọc và học thuộc lòng bài thơ.. Đây sông Gianh đây biên cương thống khổ.. Đây sa trường đây nấm mộ trời Nam Đây dòng sông dòng máu Việt còn loang.. Đây cổ độ xương tàn xưa chất đống.. Mà quả thật nó không hiểu “cổ độ” là gì lại có nhiều xương chất đống?! Nó cũng không hiểu vì sao tên nó “Nam” được kể vào, cũng như tên hai đứa em “Lạc, Hồng” con ông chú Xuyến cũng được kể ra với “Nơi gươm hồng tàn giết giống Lạc Hồng”.. Ai đã lấy gươm “giết/nghe ghê quá” hai đứa em của nó? Tóm lại, đứa nhỏ hoàn toàn không hiểu hết nghĩa bài học thuộc lòng, tuy nhiên nó cảm nhận một cảm giác rất rõ.. Nó thấy buồn buồn nặng xuống trũng ngực - Cũng chưa hiểu nghĩa “buồn là gì”...


    #1. Hoá ra cảm giác nhạt nhạt trong miệng, buồn buồn đè nặng, đau đau ở trũng ngực làm đứa nhỏ có thói quen luôn rờ tay lên ngực áo như muốn gỡ đi một khối nặng vô hình dính sâu đâu trong người mà sau nầy khi khôn lớn, nó mới biết đó là vị trí gần quả tim làm chặn ngang đường thở. Cảm giác nầy vốn có từ thời thơ ấu nhưng do còn quá nhỏ nên đưá bé chưa biết gọi ra tên. Cảm ứng xa xưa ấy chính là Nỗi Đau/Cảm giác Buồn sau nầy khôn lớn anh mới biết ra qua thân phận Người Lính trên Quê Hương Việt Nam.

    Nhưng không chỉ là thế, sâu xa hơn ám ảnh từ thời ấu thơ, mối ưu phiền (không duyên cớ) ngày tuổi trẻ vừa tới 20 tuổi, từng đêm nói Trường Đà Lạt, nhìn ra ánh đèn xanh nơi xa vườn Bích Â.. Còn có điều gì khác, lớn lao, kinh hoàng, khốc liệt hơn.. Đấy là Năm 1965, sau trận chiến bùng nỗ ngày 11 tháng 6, với cơn mưa u uất mùa hạ Miền Nam, nơi Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp. Mưa không đủ lớn, không dài lâu để cho người có cảm giác được tẩy rửa, cuốn trôi. Mưa âm âm, ngột ngạt làm bốc dầy thêm mùi xác chết của những đơn vị gồm Tiểu Đoàn 2, Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 Bộ Binh; của Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân; và đơn vị đầu đời, thiết thân, thương mến, Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù với những người lính anh quen mặt từ buổi trưa cuối năm 1963 khi mang chiếc xắc marin nhà binh bước qua cổng doanh trại, vào trình diện tiểu đoàn trưởng.. Những người lính với sức chịu đựng dường như vô hạn dưới khối nặng của thùng đạn, ba-lô, nón sắc, vũ khí họ mang trên vai, vác lên lưng, để từng ngày cúi gầm mặt bước xuống vùng sình lầy mênh mông, trèo lên dốc đá núi thăm thẳm, lội xuyên rừng rậm ngút ngàn không tiếng nhỏ than van, ghìm lại hơi thở dài nặng nhọc... Nhưng ngày ấy, tất cả những người lính gần gũi thuơng mến nầy đã là những xác chết căng cứng, da tím sẫm bốc mùi xanh xao tanh tưởi.. Những khuôn mặt, dạng người tinh anh tươi trẻ của tuần, tháng trước biến dạng thành những khối thịt ủng lầy máu sẫm, đất bùn đỏ, nhầy nhụa thêm bởi thấm mưa của bao ngày nằm nơi đụng trận, một chốn gọi là xã Đồng Xoài, Quận Đôn Luân, Tỉnh Bình Dương, nơi chỉ xa Sài Gòn chưa đấy 100 cây số đường chim bay.


    #2. Rồi từ Giao Thừa Mậu Thân, bắt đầu ở Huế, ngõ Âm Hồn, lối đi ra đường Mai Thúc Loan, hướng Cửa Đông Ba. Khoảng đường u thẫm chập dầy bóng đen đêm Xuân 1968, với tình thế nguy biến tang thương hơn qua hoạt cảnh người lính xao xác chạy dọc những khu nhà đỗ nát, vừa chạy tránh đạn, vừa kéo xác đồng đội.. Anh đi ngang qua căn nhà có xác người đàn bà chết trong vị thế quỳ trước chiếc bàn thờ xiêu đỗ tung toé, hẳn đang khấn lạy, cầu xin.. Nhưng xác chết chỉ còn thân người, bởi chiếc đầu đã bị cắt lià, vất tung đâu đó. Bên cạnh, thây cô gái tóc dài lây lất, khuôn mặt chỉ còn những tảng thịt rời rã.. Nhận biết đấy là người thiếu nữ do chiếc áo dài trắng và áo len màu tím than, màu riêng biệt đặc trưng của người thiếu nữ xứ Huế. Nhưng, như một an ủi khốn cùng, ở Huế, hay quanh ngoại ô Sài Gòn, vùng Nhị Bình, Thạch Lộc, Hốc Môn, Gia Định trong dịp chiến loạn Mậu Thân 1968, người ta vẫn còn khả năng phân biệt đấy là xác chết của lính hay của dân; của dân chúng Huế hay gã bộ đội Sinh Bắc-Tử Nam, hoặc cán binh Mặt trận giải phóng.. qua áo quần, dạng tướng, đôi dép Nhật làm ở Chợ Lớn, giày botte de saut của lính cộng hòa hay loại dép râu mang theo từ Miền Bắc của bộ đội cộng sản. Suốt dọc cù lao sông Sài Gòn chảy qua Bình Phước, Bình Triệu, Thạnh Lộc, Nhị Bình, Gò Vấp.. Cả một vùng hoa mai tàn tạ trong ánh nắng lung linh mùi tử khí.


    #3. Tiếp đến năm 1972, cảnh chết trên quê hương miền Nam tăng vụt cường độ với bất hạnh, tang thương nhân lên gấp bội phần cho dù trí tưởng tượng về tình huống khốn cùng từ lâu đã được người Việt hằng mang nặng, chuẩn bị gánh chịu. Trên chín cây số từ La Vang, nam Quảng Trị đến Cầu Trường Phước lớp nhựa đường đã hoàn toàn chảy nhão, đun nóng sôi bởi một thứ lửa nhân tạo. Lửa được cháy lên do từ áo quần, tay nải, bao bị, gồng gánh, và tế bào thịt da của người tẫm vào lưỡi lửa của xe cộ, xăng nhớt.. Tất cả biến thái nên thành ngọn lửa bền bỉ âm ỉ. Thế nên trên quảng đường chín cây số nam Thị Xã Quảng Trị mà báo chí Miền Nam đặt nên tên đau thương Đại Lộ Kinh Hoàng hoàn toàn không còn dạng thây ma để được gọi nên là xác chết, mà chỉ là những mảnh xương cốt rời rã, lăn lóc, lẫn lộn đất, đá, cát vương vãi dưới gầm khung xe cháy nám, nơi ổ súng cong queo, sau những bụi lùm trơ trọi, những gò, đụn oan khiên mà ổ mối đùn lên gây tanh mùi máu. Trong cùng lúc, vào thời điểm đầu mùa Hè, 1972 ở An Lộc nơi Bệnh viện Tiểu Khu Bình Long cũng xẩy ra tình cảnh kinh hoàng đau thương tương tự. Vì pháo binh yểm trợ cho các sư đoàn 5, 7 bộ binh cộng sản đã học được một kinh nghiệm hữu dụng: “Ban ngày chỉ pháo xuống nhiều điểm bên trong thị xã để dân chúng tin rằng “bộ đội giải phóng” không pháo kích vô chỗ bệnh viện!” Nhưng vào ban đêm, Trường Trung Học Cộng Đồng, Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long.. nơi lớp lớp người bị thương đang lê lết trong bãi máu, giữa những người hấp hối để cầu sống sót, cầu được lúc bình yên.. Cho dẫu bình yên được chết.. Những nơi nầy biến thành những điểm tập trung của pháo binh cộng sản.. Điễn hình chỉ trong một đêm 10 tháng Tư tám ngàn quả đạn 130 ly rơi xuống xé toang đám xác người.. Người sống lẫn kẻ chết.. Tất cả đồng tung lên ngật ngật với thân thể con người chỉ còn là những mảnh vụn tơi tả lẫn với bụi, khói, mãnh thép..


    #4. Với tình cảnh sống-chết đan kín, xen kẻ cùng nhau trong suốt chặng đường dài hơn một thập niên như trên vừa kể ra.. Nên đã rất nhiều lần, trong đêm khuya bất chợt anh nghe ra tiếng gọi oan hờn từ Nghĩa Trang Quân Đội nhìn từ Đồi Mũ Đỏ, Căn Cứ Nguyễn Huệ, bản doanh Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù trên vùng đồi Long Bình.. TẤT CẢ HIỆN ĐỦ TRONG BUỔI SÁNG HÔM NAY – Ngày 30 tháng Tư Năm 1975 - Sự Chết bắt đầu trùm chiếc cánh tối tăm hung hiểm lúc 6 giờ 15 chiều ngày 28 tháng 4, khi chuỗi bom dưới cánh của những chiếc A37 do viên phi công phản trắc Nguyễn Thành Trung hướng dẫn rơi xuống phi đạo Tân Sơn Nhất. Đạn phòng không bắn lên, phi cơ F5 đuổi theo muộn màng, vô vọng. Cửa ngỏ tháo chạy của Sài Gòn đóng sập lại. Cuối cùng, Tân Sơn Nhất thật sự vùng vẫy, hấp hối, chìm dần trong lửa hoả ngục khi dàn đại pháo, hỏa tiễn cộng sản từ Đồng Dù, Củ Chi, ranh giới Hậu Nghĩa, Gia Định bắt đầu đỗ xuống không ngắt nhịp.. Từng trái đạn 130 ly, từng hỏa tiễn 122 ly chính xác rơi xuống..Tân Sơn Nhất vật vã, co quắp, rã chết, sụp vỡ, hấp hối trong khói đen, lửa ngọn.. Cuộc hành hình kéo dài từ 1 giờ sáng ngày 29 tiếp tục đến rạng đông. Ở căn cứ DAO, Văn phòng Tùy Viên Quân Lực Mỹ, ba ngàn người tỵ nạn chờ đợi di tản bằng C130, hoặc C141 qua Guam đưa mắt nhìn lên trời, giữa vũng lửa, đếm rõ từng viên đạn pháo rơi xuống.. Đống hành lý khổng lồ gồm quý kim, vàng, kim cương, giấy bạc Năm Trăm Trần Hưng Đạo của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam; giấy bạc đô-la của ngân khố Mỹ.. Tất cả cùng trộn lẫn với thịt da thân thể người thành một thứ pháo bông tan tác bay tung toé, hiện thực nơi trần thế cảnh địa ngục vô vàn mà nhà thơ Dante đã diễn tả qua thi ca.


    #4.1. Sáng 29 tháng 4, những tướng lãnh đã ra đi, những sĩ quan cao cấp cũng rời bỏ nhiệm sở, đơn vị.. Nhưng, Trung Úy Phi Công Trang Văn Thành còn lại. Thành có danh hiệu “Thành mọi” bởi nước da ngâm đen quá độ ra chỗ đậu tàu.. Anh nỗ máy chiếc C119 Hỏa Long, đơn độc bay lên trời xanh bảo vệ, cứu viện Tân Sơn Nhất. Từ trên cao, Trung Úy Thành thấy rõ những vị trí pháo của binh đội cộng sản.. Anh nghiêng cánh, chúc mũi chiếc Hỏa Long căm phẫn trút xuống tràng đạn 7.62 ly, và tất cả hỏa lực cơ hữu của hai khẩu đại bác 20 ly gắn dưới cánh.. Lửa nháng lên dưới thân tàu, toán phòng không cộng sản phản pháo, nhưng không kịp, Thành bình tĩnh, tài giỏi lách ra khỏi vùng hỏa tập lưới đạn của giặc. Anh đáp xuống lại phi đạo thân yêu quen thuộc đang bốc khói mù bởi cuộc dội bom chiều hôm trước, và cuộc pháo kích cường tập từ sau nửa đêm về sáng của ngày đau thương tang tóc nầy. Mặc, Thành một mình tự tay nạp đạn vào tàu, anh trở lại bầu trời trên phi cảng Tân Sơn Nhất - Cửa ngỏ của Miền Nam. Anh nhìn xuống những vị trí pháo cộng sản mà giờ nầy tạm ngưng hoạt động vì vừa bị anh tấn công.. Hóa ra cả một quốc gia chỉ còn được lần cứu viện bi hùng tuyệt vọng nầy. Thành chúc mũi tàu, bấm chặt hệ thống kích hỏa bên cạnh chỗ ngồi, một mình anh lấy đường nhắm.. Một mình anh.. Phải chỉ một mình anh - Trung úy Trang Văn Thành, “Thành Thiếu Sinh Quân”. Thành hạ thấp hơn để đường đạn thêm phần chính xác. Thân tàu rung mạnh.. Lửa! Lửa! Lửa cháy ngang cánh trái con tàu, ngay bình xăng, sát cạnh ghế ngồi.. Thành giật mạnh chốt thoát hiểm để bung thân ra khỏi con tàu. Tất cả kẹt cứng. Anh dùng tay đẩy cửa buồng lái phóng mình ra, chiếc dù bung mạnh.. Các múi, giây dù vướng vít rối rắm. Thành bị giữ chặt bởi chiếc dù và khung cửa. Lửa bừng bừng! Lửa ào ạt.. Người phi công chìm trong lửa, gục chết giữa không gian trên quê hương.


    #4.2. Sáng 30 tháng 4, năm 1975. Anh lục túi lấy hết giấy tờ gồm Chứng Chỉ Tại Ngũ, Thẻ Lãnh Lương, Thẻ Báo Chí, Chứng Minh Thư mang Danh Số 41 Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương... ném tất cả xuống miệng cống trước trước nhà sách Khai Trí, Đường Lê Lợi.. Coi như mình đã chết...Hình như anh vừa nói ra lời với cảm giác thanh thản của người vừa cất xong gánh nặng quá lớn. Tay anh giữ hai chiếc máy ảnh trước ngực.. Anh tự nhắc nhở: Ít ra còn có vật dụng để thực hiện một công việc, làm một nhiệm vụ. Đây là những hình ảnh không thể thiếu cho mai sau. Để tương lai còn có người biết đến, thấy ra lần tận diệt của Sàigòn. Của miền Nam. Với cách giải thích tội nghiệp cùng đường nầy, anh đi về phía Công Trường Lam Sơn, trước trụ sở Hạ Viện. Chung quanh Sàigòn vắng hoe. Trời bỗng nhiên trở mưa.. Cơn mưa ngắn, từng giọt khô nồng, u uất. Chiếc xe Molotova Trung Cộng (sau khi đi tù mới biết đấy là xe Zil) từ hướng đường Trần Hưng Đạo, chạy chậm rãi qua bùng binh chợ Bến Thành.. Những người đi đường nhìn lên, ngó mông trống trải. Xe tới trước thềm Hạ Viện, đám thiếu nữ nhẩy xuống, một người đội mũ tai bèo, chắc là người chỉ huy trung đội lính phụ nữ, từ ca-bin xe bước ra, chỉ chỏ, ban lệnh, kéo từng người vào vị trí gọi là “chiến đấu”... Các đồng chí, các đồng chí... bố trí đây nì, sẵn sàng tác chiến... Giọng người vùng miền Bắc Trung Việt cấm cẳng, the thé. Những thiếu nữ ngồi bất động nghiêm trọng. Tất cả đều mặc áo quần mới, áo mầu xanh dương, quần đen, vải nội hoá còn nguyên dấu hồ, giây đạn đeo chéo qua thân, miết xuống những thớ thịt ở ngực, phần bụng. Băng đạn trên thân người mới tinh màu đồng đỏ au.


    #4.3. Từ Công Trường Lam Sơn, đầu đường Nguyễn Huệ, đám đông dần tập trung để xem mặt “bộ đội Việt cộng”. Thêm hai xe đổ quân trước rạp Rex. Lính cộng sản nhẩy xuống, chạy vội vào hàng hiên, nằm, trườn, bò, nháo nhác. Tiếng đập đục rầm rập từ những cơ sở ngoại quốc, những khối cửa sắt lay động, phá bung, những tấm kiếng tủ lớn bị đập vỡ, đồ đạt kéo lê hỗn độn, vội vàng trên mặt đường. Người mỗi lúc mỗi đông. Người dồn dập ùn ùn, la ó, chưởi thề, giành giựt. Đám đông chạy về phía Building Brink, khu Đồn Đất, nhà thương Grall, những nơi có cơ sở của Mỹ kiều, những văn phòng mà chủ nhân đã bỏ đi. Bất chợt, tất cả lắng lại để nghe rất rõ .. Có người tự tử. Có người mới bắn chết. Ai? Lính hả? Không biết, chỉ thấy mặc đồ lính mình. Ở đâu? Ở ngoãi, chỗ tượng Thủy Quân Lục Chiến.. Lời trao đổi đứt khúc, vội vã, mất hút giữa những tiếng thở dồn dập, bước chân cuống cuồng nôn nóng của đám đông đang hăm hở tiến tới những kho hàng, cơ sở đầy ắp vật dụng, thức ăn, rượu, bia. Tiếng súng nổ, đạn bay lên trời.. Và những bóng người chạy lúp xúp vào cổng Tòa Đô Chính. Anh đưa máy hình lên làm động tác quen thuộc, thuần thục hằng thực hiện trước kia nơi những chiến trường lửa đạn vây bủa. Đồng thời anh chợt nhói đau, nói thầm.. Đây là lần cuối cùng. Đây là giờ cuối cùng với cảm giác cạn ly rượu ân huệ hành quyết trước khi bịt mắt dẫn đi bắn. Anh đi theo đám lính cộng sản với hai thanh niên cầm cờ đỏ chạy vào chiếm Tòa Đô Chánh. Thoáng rất ngắn, anh ngừng lại, liếc về phía khối tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, nơi có Người Lính vừa chết. Buổi Sáng 30 tháng Tư, 1975. Chen giữa âm sắc xích xe tăng đổ nhào cửa Dinh Độc Lập có tiếng nổ khô nhỏ của viên đạn ghim vào, nằm sâu trong đầu Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia NGUYỄN VĂN LONG.


    #4.4. Anh lên yên, nhấn mạnh bàn đạp, động tác không chủ đích đi dọc đường Lê Văn Duyệt, qua Chợ Đũi, nơi các bạn hôm qua hằng vui vầy, sống động.. Anh đạp dài theo Lê Văn Duyệt giữa giòng âm động dồn dập của Sài Gòn đang hồi tẫm liệm với nhịp chày vồ dộng mạnh xuống trăm, ngàn quan tài. Mà quả thật có nhiều quan tài của những người vừa chết.. Đến trước cổng trại Nguyễn Trung Hiếu, hậu cứ Tiểu Đoàn 1 Dù, gặp Thiếu Tá Trần Công Hạnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2 Dù, Khóa 20 Đà Lạt. Anh hỏi Hạnh: “Bây giờ bạn tính sao?” Tròng mắt người bạn khô khan ráo hoảnh sau bao ngày đêm không ngủ. Hạnh nói dứt khoát, dẫu mệt nhọc, rời rã: “Tôi còn đến 500 người lính, tất cả các đại đội trưởng đang đợi lệnh tôi. Anh xem tôi có thể làm gì, đi đâu?!” Có một xác con trẻ trần truồng không biết ai ném ra từ bao giờ lên mặt đường. Một cô gái mặc áo dài trắng nữ sinh đi đến, gác chiếc xe đạp mini cạnh lề đường, bình thãn, thành thạo đưa máy ảnh lên, lấy góc cạnh thây đứa trẻ chết. Anh hỏi cô gái: Cháu chụp tấm hình nầy làm gì trong khi không dám nhìn đến thây đứa bé mà giờ nầy đã miết xuống mặt nhựa đường do đám người chạy loạn từ khu Ngã Tư Bảy Hiền dẫm lên. Cô gái nhỏ trả lời mau chóng: Chụp để làm chứng tội ác Mỹ-Ngụy trước khi bọn chúng rẫy chết! Giọng cô nhỏ đanh lại, mắt quắt lên sau lớp kính trắng. Anh thoáng kinh hãi vì chứng kiến một điều ghê rợn: “Hóa ra Sự Ác do cộng sản giáo dục có thể chụp xuống lòng người mau chóng đến thế sao?” Bấy giờ chỉ mấy mươi phút sau lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh.


    #4.5. Một trung đội lính Dù mà thật sự chỉ khoảng hơn một tiểu đội giữ nhiệm vụ an ninh cư xá sĩ quan Bắc Hải đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, trước 1972 là Tư lệnh phó Sư đoàn Dù. Chuẩn Tướng Hậu trãi chiếc bản đồ trên mui xe jeep, bàn tính với những viên sĩ quan. Khi biết lệnh đầu hàng đã thi hành, ông vất tung chiếc bản đồ, gầm lên lời nguyền rũa, bỏ vào nhà.. Anh nói với viên thiếu úy trung đội trưởng: Tôi vừa gặp ông Hạnh ngoài cổng Tiểu Đoàn 1. Ông Hạnh không có ý kiến, bảo anh em ai về nhà nấy. Nhưng viên thiếu úy trả lời quyết liệt: “Tôi không đầu hàng, tôi với trung đội sẽ ra bến tàu tiếp tục chiến đấu..”. Thiếu úy Huỳnh Văn Thái tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di chuyển.. Trung đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng Đường Tô Hiến Thành, rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến tàu. Nhưng những Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái không ra đến bến Bạch Đằng, khi tới đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng tròn, đưa súng lên trời đồng hô lớn.. Việt Nam Cộng Hoà Muôn Năm.. Con chết đây cha ơi! Và những trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nỗ sau lời hô vĩnh quyết cùng đất nước Miền Nam.


    #4.6. Sau nầy, anh biết thêm, trên đoạn đường anh vừa đi qua, ngõ nhỏ băng ra Chợ Ông Tạ, trong một căn nhà đã diễn nên hoạt cảnh uy nghi bi tráng của cả một gia đình quyết tử cùng vận nước. Thiếu Tá Đặng Sĩ Vĩnh thuộc Khoá 1 Nam Định, chuyên ngành tình báo đặc biệt, biệt phái ngoại ngạch qua ngành viễn thông, phụ trách đường giây quốc ngoại. Người con trai lớn của gia đình, Trung Úy Đặng Trần Vinh sĩ quan Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu.. Hai người cùng trao đổi lời đối thoại sau khi có lệnh đầu hàng.. Tùy con, riêng bố đã quyết như đã nói với con từ trước. Nếu bố đã quyết như thế, con và các cháu cũng đồng lòng. Toàn gia đình uống chậm những liều thuốc độc cực mạnh đã chuẫn bị từ trước. Cuối cùng Trung Úy Đặng Trần Vinh kết thúc bi kịch với viên đạn bắn tung phần sọ não sau khi đứng chào tấm Đại Kỳ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ với lời hô khiến sông núi cũng quặn thắt thương đau.. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm!


    #4.7. Ở Vùng IV, đồng bằng châu thổ Sông Cửu Long, chị Nguyễn Thị Thàng vợ một Nghĩa Quân Đồn Giồng Trôm, thay chồng giữ đồn đến trái lựu đạn cuối cùng. Chị kết thúc đời mình bên cạnh thây của chồng, các con, với những vũ khí, máy truyền tin đã bị phá hủy.. Không để cho Việt cộng một cái gì cả! Người chồng đã dặn chị trước khi lâm tử.

    Cùng lần với những danh tướng vị quốc vong thân Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Hồ Ngọc Cẩn... rất nhiều người không ai biết cấp thiếu, trung úy kể cả binh sĩ, hạ sĩ quan,.. Cũng không thiếu những người dân, những người dân thường đã chết cùng lần vĩnh quyết Miền Nam. Anh đi qua biên giới tử sinh nầy với mặc cảm phạm tội - Tội đã sống sót. Đấy là cảm ứng có thật từ ngày 15 tháng 3 khi theo đoàn người di tản dọc Tỉnh Lộ 7 từ Pleiku về Phú Bổn, xuống Tuy Hoà.. Khi đứng trên Đèo Hải Vân ngày 25 tháng 3, nhìn đoàn người chạy loạn từ Quảng Trị, Huế vào Đà Nẵng. Khi nghe ra tiếng hờn đau ai oán của người đàn bà chân trần, tóc rối, lật vạt áo dài ra để thấy đứa con nhỏ đã chết từ lâu trên tay. Nay sáng 30 Tháng Tư, anh đi về nhà với màn nước mắt pha máu.. Máu trên áo, ở đầu ngón tay, nơi cánh mũi gây gây, nồng gắt mùi nồng lạnh do khi anh đến gần, cúi xuống chụp hình Thiếu Úy Thái và những người lính nhảy dù tự sát. Mắt người chết nhìn anh trừng trừng khốc liệt. Không hiểu anh đã về đến nhà theo lối nào, nhưng quả thật đây thật là đoạn đường dài nhất, gớm ghê nhất anh vừa đi qua với cổ đắng, miệng khô rốc, trí óc vỡ loãng trỗng không.

    Hậu từ

    “Người Nhật là một dân tộc vĩ đại qua nghi lễ hiến tế, tức Sepuku (mỗ bụng tự sát) khi danh dự cá nhân, tập thể, tổ quốc bị xúc phạm. Dân tộc Việt Nam không có nghi thức uy hùng, dũng cảm ấy. Tuy nhiên, Người Việt cũng có phương thức riêng để bày tỏ Lòng Yêu Nước, cách gìn giữ phẩm giá Con Người. Người Việt xử dụng Cái Chết để chứng thực nguyện vọng kia qua cách thế im lặng và đơn giản nhưng không kém phần cao thượng. Cuối cùng, bi kịch không chỉ xẩy ra với thời điểm 30 tháng tư, 1975 mà sau đó, suốt hai thập niên 70, 80, hai triệu người Việt Nam, không phân biệt người Nam, hay người Bắc những người đã sống lâu dài dưới chế độ cộng sản Hà Nội từ 1945, từ 1954.. Tất cả đã cùng phá thân băng qua biển lớn, xuyên rừng rậm vùng Đông-Nam Á, với giá máu 600,000 người chết trên đường di tản ra khỏi nước. Hóa ra Dân Tộc Việt, những người Việt Nam bình thường đã đồng lần thực hiện một điều mà họ không hề diễn đạt nên lời: Chết vì Tự Do để bảo vệ Phẩm Giá, Quyền Làm Người. Người Việt Nam đã và đang hiện thực điều mầu nhiệm nầy qua từng ngày vượt sống trên quê hương khổ nạn, với chính thân xác của mình.

    Viết lại sau 45 năm

    • Dâng lên Tổ Quốc,

      Và Anh Linh Người Việt đã lâm tử trong

      Lần Thật Chết Với Quê Hương.

    Cali, 30 Tháng Tư, 1975-2020

    Phan Nhật Nam


    Nguồn:http://viendongdaily.com


              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Chuyện cổng Dinh Độc Lập & xe tăng Bắc Việt trong ngày 30/4/1975

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Chuyện cổng Dinh Độc Lập
    & xe tăng Bắc Việt trong ngày 30/4/1975

    __________________________________
    Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao)






              

              


    Kỷ niệm 45 năm Quốc Hận 1975-2020 và nhân đọc được bài viết "Chuyện cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975" của giáo sư Trần Gia Phụng trên trang mạng Dân Làm Báo, xin mạn phép được bổ sung thêm một vài chi tiết lịch sử trong mong muốn góp sức làm sáng tỏ phần nào cho chân lịch sử Việt Nam cận đại nói chung và về câu chuyện cổng Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 nói riêng.




    ***
    Lịch sử theo cách viết của Việt Cộng chỉ là một chuỗi các sự kiện luôn được "đẽo gọt" và "chế tạo" nhằm mục đích tuyên truyền, phục vụ cho lợi ích và nhu cầu chính trị của đảng cộng sản Việt Nam theo từng giai đoạn hoạt động của nó. Hoàn toàn không có được phần trăm nào có thể tạm coi là sự thật trong các bộ sách lịch sử của Việt Cộng. Chuyện xưa là các anh hùng cuội Lê Văn Tám, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn... đều là sản phẩm tưởng tượng của những bộ óc bần cố nông, nên nhanh chóng lộ rõ cái "láo không có căn" và khó thuyết phục người nghe. Chuyện mới là chiếc xe tank nào của Bắc Việt là chiếc đầu tiên vào Dinh Độc Lập trong sáng ngày 30/4/1975 tuy không phải là sự "giả tưởng: nhưng dưới sự trình bày của các nhà viết sử cộng sản cũng đã trở nên bất nhất, khi này, khi khác, bởi thói tật tuyên truyền ưa vẽ lại lịch sử theo ý đảng.

    Với bản chất đầu phục, nô lệ đàn anh Liên Xô, Trung Cộng tới mức khiếp nhược, phải tính toán chi ly từng chút một khi đu dây giữa Moscow và Bắc Kinh, lồng trong tâm thế xu phụ, nhỏ nhen, tráo trở và sẵn sàng ăn cháo đá bát tùy giai đoạn, bên cạnh thói huênh hoang muốn biến một mâm cổ được dọn sẵn đưa lên tận miệng, thành một chiến thắng long trời lở đất của "anh bộ đội cụ Hồ" và để giải quyết những tranh chấp hư danh giữa các nhân vật có liên quan đang ở trên tuyến đầu vào lúc hỗn loạn đó, cụ thể là sự tranh giành công lao giữa bộ binh và thiết giáp Bắc Việt, đã khiến cho một sự kiện lịch sử tương đối rõ ràng là cuộc chiếm đóng Dinh Độc Lập bởi xe tăng cộng sản diễn ra như thế nào đã trở thành quá rối rắm, khi Hà Nội nhào nặn ra chuyện xe tăng số 843 của Bùi Quang Thận và xe tăng số 390 của Vũ Đăng Toàn ủi sập cổng Dinh Độc Lập và chiếm phủ Tổng thống Ngụy đầy tính "sử thi" như một dấu chấm hết chiến tranh đầy lẫm liệt dưới sự lãnh đạo quang vinh của "đảng ta".

    Một nữa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nữa sự thật thì không thể là sự thật và thói Nhổ rồi Liếm và Liếm rồi Nhổ trong quá trình "giết sử: của bọn văn nô cộng sản luôn là một "chân lý không hề thay đổi". Do đó nhân 45 năm kỷ niệm ngày VNCH bị bức tử, xin được thử tóm lược lại hoàn cảnh và diễn tiến khả tín nhất về sự kiện này qua lời kể của một số nhân chứng tại chỗ để viết lại cho đúng với thực tế hơn.




    1. Sơ lược hoạt động tác chiến của lữ đoàn 203 xe tăng Bắc Việt
    trên hướng đông nam Sài Gòn cuối tháng 4/1975.


    Lữ đoàn 203 xe tăng do Trung tá bắc quân Nguyễn Tất Tài làm lữ đoàn trưởng và Trung tá bắc quân Bùi Văn Tùng làm chính ủy là đơn vị xung kích chính được phối thuộc trong đội hình quân đoàn 2 bắc quân có trách nhiệm tiến đánh ở phía đông nam Sài Gòn. Lữ đoàn 203 xe tăng có 4 tiểu đoàn tác chiến thuộc dụng, có cấp số trang bị 101 xe tăng loại T.54, T.59, thiết giáp lội nước PT.76, thiết giáp PT.85 và thiết giáp chở quân BTR.50 cơ hữu. Trong các trận đánh từ Huế - Đà Nẵng vào đến Sài Gòn đã có tổng cộng 43 chiến cụ các loại của lữ đoàn bị phá hủy, nên quân đoàn 2 phải bổ sung cho lữ đoàn 203 thêm tiểu đoàn 5 thiết giáp của trung đoàn xe tăng 574, nhằm duy trì tổng số phương tiện cơ giới chiến đấu thực tế của lữ đoàn 203 lên 81 trang bị, gồm 46 xe tăng, 34 thiết giáp và 1 xe kéo (1).

    Sáng 30/4 mũi tiền kích của quân đoàn 2 bắc quân gồm trung đoàn 66/304 phối hợp với tiểu đoàn 1/203 xe tăng tiến đánh cầu Tân Cảng, đang do tiểu đoàn 12 Dù nam quân phòng thủ. Giao tranh nỗ ra rất dữ dội. Hai đại đội 2 và 3/1/203 xe tăng là hai đơn vị chủ công vượt cầu bị quân Dù chận đánh quyết liệt, gây tổn thất nặng, với 3 xe tăng bị bắn cháy tại chỗ và Ngô Văn Nhỡ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, lữ đoàn 203 xe tăng tử thương (2). Lực lượng bắc quân bị chận đứng hoàn toàn, không thể vượt được qua bờ tây cầu Tân Cảng.

    Khi có lệnh buông súng, giải chiến của Tổng thống Dương Văn Minh lúc 10 giờ 15 phút sáng cùng ngày, tiểu đoàn 12 Dù tuy đã gắn 2.000 kg chất nỗ TNT nhưng quyết định không phá sập cầu Tân Cảng như kế hoạch tiên liệu mà tự tan hàng, rời khu trách nhiệm lúc gần giữa trưa ngày 30/4/1975 (3).

    Do hai đại đội 2 và 3 của tiểu đoàn 1/203 xe tăng đều đã bị tổn thất nặng, không còn khả năng tác chiến, đại đội 4/1/203 xe tăng của Bùi Quang Thận đang làm trừ bị với 7 xe tăng loại T.54 và T.59 được lệnh lên thay thế làm nhiệm vụ mở đường cho mũi tiền kích quân đoàn 2. Tuy nhiên do xe tăng T.54 số 380 bị bắn hư hại nặng trong trận đánh trước đó tại huấn khu Long Thành, vũ khí chính bất khiển dụng, trưởng xa, xạ thủ chính đều thương vong, xa đội chỉ còn hai người, nên tách khỏi đơn vị lui ra phía sau và đại đội 4/1/203 còn 6 xe tăng khiển dụng mới vượt qua cầu Tân Cảng tiến về phía Thị Nghè.

    Tại khu vực cầu Thị Nghè - Thảo Cầm Viên có 2 chiến xa hạng nhẹ M.41 của nam quân phòng thủ ở đài phát thanh ra nghênh cản tại ngã tư Hồng Thập Tự - Nguyễn Bỉnh Khiêm, bắn cháy loại ra khỏi vòng chiến 2 xe tăng T.59 số 307 và số 866, chỉ có trưởng xa 866 là Lê Tiến Hùng bị trọng thương, được người dân trong vùng đưa đi bệnh viện Sùng Chính cấp cứu mới sống sót. Tuy nhiên nhờ có lợi thế kỹ thuật là loại xe tăng hạng nặng hơn, các xe tăng còn lại của đại đội 4/1/203 đã nhanh chóng bắn cháy 2 chiến xa M.41 lẻ loi để tiếp tục thẳng tiến về Dinh Độc Lập.




    2. Diễn tiến thực tiễn
    từ Thảo Cầm Viên đến Dinh Độc Lập


    Lữ đoàn 203 xe tăng bắc quân không có bản đồ nội đô Sài Gòn phân phối cho các xe tăng tham chiến, chỉ phổ biến khẩu lệnh hướng dẩn tính từ cầu Thị Nghè xe tăng bắc quân phải lần lượt vượt qua 6 ngã tư, tới ngã tư thứ 7 (tức ngã tư Hồng Thập Tự - Công Lý) quẹo trái thì sẽ đến Dinh Độc Lập, nên từ Thảo Cầm Viên 4 xe tăng của đại đội 4/1 đã di hành hàng dọc trên đường Hồng Thập Tự, theo thứ tự xe tăng số 879 của Bùi Đức Mai đi đầu, kế tiếp là xe tăng số 843 của Bùi Quang Thận, tới xe tăng số 390 của Vũ Đăng

    Toàn và đoạn hậu là xe tăng số 844 của Vũ Văn Giáo.

    Do cách xác định mục tiêu quá đơn giản, trong khi các trưởng xa đều không nắm vững lộ trình thực địa, nên dù không còn bị bất kỳ một sự kháng cự nào, các xe tăng của đại đội 4/1/203 bắc quân vẫn không thể liên thủ hợp đoàn tiến chiếm mục tiêu cùng lúc, phải lần lượt đến Dinh Độc Lập từ các hướng khác nhau, do đã có nhiều xe bị lạc đường riêng lẻ. Xe tăng của Bùi Đức Mai đi đúng hướng dẫn. Xe tăng của Bùi Quang Thận rẽ trái sớm lạc qua đường Pasteur, phải nhờ dân chỉ đường ra đại lộ Thống Nhất để rẻ phải đến Dinh Độc Lập. Xe tăng của Vũ Đăng Toàn thì xuống quá sâu tới đường Công chúa Huyền Trân, cũng phải hỏi đường để lui lại đường Hồng Thập Tự, rẻ phải vào đường Công Lý và đến Dinh Độc Lập.

    Tại Dinh Độc Lập, các cánh cổng chính, phụ đi vào sân dinh đều được mở ra sẵn. Cũng không có những binh sĩ canh gác như thông lệ do liên đoàn liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống của Trung tá Võ Ngọc Lân đã giải giới theo lệnh Tổng thống Dương Văn Minh lúc 11 giờ sáng. Các trang bị vũ khí đều gom chất đống cạnh hồ nước ngoài sân cỏ (4).

    Xe tank số 879 của Bùi Đức Mai là chiếc đơn độc đầu tiên chạy ào vào cổng chính, leo lên sân cỏ trước dinh, nên phải bắn chỉ thiên vài loạt thượng liên 12,7 li thị uy và trấn an tinh thần cho xa đội (4 & 5). Xe tank T.54 số 843 của Bùi Quang Thận từ đại lộ Thống Nhất chạy vào cổng phụ bên trái để yểm trợ, nhưng do cổng hẹp, tốc độ cao, tay lái nặng và hướng đi xéo một góc hơn 40 độ, nên đã bị kẹt lại bên ngoài. Bùi Quang Thận ra khỏi xe gỡ lấy lá cờ CPCMLT treo trên xe và chạy bộ vào dinh. Xe tăng 843 lùi ra, chỉnh lại hướng mới đi tiếp được qua cổng phụ, đồng lúc đó chiếc thứ ba là loại xe tăng T.59 số 390 của Vũ Đăng Toàn vừa đến mục tiêu từ ngã tư Hồng Thập Tự - Công Lý và ở cánh trái xe tăng 843, thấy xe 843 đang kẹt bên ngoài nên đã lao nhanh qua cổng chính chạy vào dinh, nhưng vì mũi xe ép quá sát vào trụ cổng trái đã phá hư bản lề cánh cổng chính bên trái và xô cánh cổng bật ngã sang một bên.

    Các phóng viên nhiếp ảnh và ký giả quốc tế đang có mặt trong khuôn viên Dinh Độc Lập như Francoise Demulder và Jean Claude Labbe của Pháp, Neil Davis của Úc và Borries Gallasch của Đức, lúc này mới rời chổ ẩn núp để quay phim và chụp hình. Ở phía bên này sân cỏ và từ con đường trước cánh trái mặt tiền của dinh, phóng viên Francoise Demulder may mắn chụp được loạt ảnh đúng thời điểm xe tăng 843 đang kẹt bên ngoài và Bùi Quang Thận đang cầm cờ chuẩn bị chạy vào (hình số 1), xe tăng số 390 đang ép ngã cánh cổng khi vượt qua cổng chính và xe tăng 843 đang chỉnh hướng chạy vào dinh theo cổng phụ (hình số 2). Riêng xe tăng số 844 của Vũ Văn Giáo vì vượt qua cổng dinh sau đó khá lâu khi tình thế đã bớt căng thẳng nên những cán binh tùng thiết đã ngồi hẳn bên ngoài xe (hình số 3).

    Hai chiếc xe tăng đến sau vòng sang hai bên chiếc thứ nhất và tất cả dừng lại ngay trước mặt tiền của Dinh Độc Lập. Khoảng 20 - 30 phát súng khác đã được bắn lên (4). Bùi Quang Thận cầm lá cờ của CPCMLT chạy bộ vào tới được sinh viên nằm vùng Nguyễn Hữu Thái hướng dẩn đường lên sân thượng Dinh Độc Lập và treo cờ CPCMLT lên lúc 12 giờ 15 trưa ngày 30/4/1975.

              

    Hình số 1: Xe tăng 843 đang bị kẹt ở cổng phụ
    và Bùi Quang Thận cầm cờ chuẩn bị chạy bộ vào Dinh Độc Lập
    (Photo by Francoise Demulder, 1975).



    Hình số 2: Xe tăng số 843 đang chỉnh hướng đi vào,
    trong khi xe tăng số 390 vừa ép ngã cánh cổng chính
    và Bùi Quang Thận cầm cờ mới bắt đầu chạy qua sân cỏ Dinh Độc Lập
    (Photo by Francoise Demulder, 1975).



    Hình số 3: Xe tăng số 844 đang vượt qua cổng Dinh Độc Lập
    với một số cán binh ngồi hẳn trên nóc xe
    (Photo by Francoise Demulder, 1975).

              



    3/ Nhận xét và giải thích

    - Các tin tức chính thức của Hà Nội (dù đôi khi có trái ngược nhau), nhưng đều cho rằng xe tăng T.54 số 843 của Bùi Quang Thận, hoặc xe tăng T.59 số 390 của Vũ Đăng Toàn, chính là một trong số hai xe tăng bắc quân đầu tiên vào tới nội vi khuôn viên Dinh Độc Lập.

    Khẳng định này không hợp lý. Trên nguyên tắc và với thực tế bố trí đội hình hành quân theo hàng dọc, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu của bất kỳ đơn vị tác chiến nào - ở đây là đơn vị xe tăng, thì xe tăng của đại đội trưởng (Bùi Quang Thận), hoặc xe tăng của chính trị viên đại đội (Vũ Đăng Toàn), thường không thể ở vị trí dẫn đầu đoàn xung kích, ít ra cũng phải có 1 - 2 xe tăng đảm nhiệm vai trò khinh kỵ tiền phong. Do đó khi các xe tăng số 307 và 866 đã bị tiêu diệt tại cầu Thị Nghè, thì xe tăng số 879 của Bùi Đức Mai là đáp ứng thỏa đáng nhất cho nhiệm vụ mở đường, đi đúng hướng dẫn và mới là xe tăng đầu tiên vào Dinh Độc Lập (như ghi nhận của Trần Mai Hạnh). Đồng thời do tới sớm nhất một mình, thiếu sự phối hợp yểm trợ, nên... lạnh cẳng buộc xe 879 đã phải bắn vài loạt đạn 12,7 li uy hiếp để lấy tinh thần (như ghi nhận của Borries Gallasch).

    - Các tin tức của Hà Nội cũng đều cho rằng những cánh cổng Dinh Độc Lập đều đóng, (vài tài liệu còn hoang tưởng hơn khi cho rằng hàng rào và cổng Dinh Độc Lập đều có truyền điện cao thế?) khiến các xe tăng bắc quân phải húc đổ cổng khi tràn vào dinh. Đây chỉ là lối khoa trương, vẽ vời thêm râu ria cho tư thế hùng dũng của "quân đội nhân dân". Ngoài xác nhận cổng Dinh Độc Lập hoàn toàn mở ra của các nhân chứng tại chỗ Nhan Hữu Hậu, Borries Gallasch, chi tiết cổng Dinh Độc Lập đóng và việc mô tả xe tăng bắc quân phải húc đổ cánh cổng đang đóng, cũng hoàn toàn không hợp lý về mặt thực tiễn trên thực địa.

    Nếu cổng đóng và khóa chặt, thì với sức húc và tốc độ tối đa của các khối sắt thép nặng 40 tấn như T.54 và T.59, ít nhất cũng sẽ phá đổ luôn các trụ cổng, cánh cổng, cùng một đoạn hàng rào của Dinh Độc Lập.

    Nếu cổng đóng thì trước khi mũi xe tăng húc được cánh cổng, nòng đại bác 100 li nhô dài ra phía trước, phải lọt vào các khe gióng sắt, kéo xé toạc bản lề và sẽ "treo" luôn cánh cổng vào thân súng, không thể “dẫm “lên cánh cổng, như các sản phẩm dàn dựng, tuyên truyền của thông tấn xã Hà Nội thực hiện sau ngày 1/5/1975.

    - Chiếc xe tăng xe tăng kém may mắn số 879 bị xóa tên trong lịch sử (Hình số 4) và chiếc xe tăng số 390 suýt bị bỏ quên (Hình số 5), đều là nạn nhân của thói quan liêu, bàn giấy và bản chất theo gió bỏ buồm của nhiều giới chức chỉ huy bắc quân đang ở tuyến sau, cũng như tâm thế huênh hoang, chụp giựt và "nghe hơi nồi chõ" của đám phóng viên thông tấn xã Hà Nội đi theo đoàn quân.

    ...Theo Trung tá Bùi Văn Tùng, khi biết Bùi Quang Thận cắm cờ, mọi người đều suy ra Thận cắm cờ thì xe 843 phải là xe vào trước. Khi về tập trung tại Long Bình (ngày 1/5/1975), dù xe 390 có báo cáo húc đổ cổng dinh, nhưng báo chí đã (lỡ) nói là xe 843, nên xa đội 390 cũng cho qua. Về sau do vụ ai cắm cờ đã khá bầm dập (do tranh chấp giữa bộ binh là trung đoàn 66 với Đại úy Phạm Xuân Thệ, về sau được thăng cấp lên đến Trung tướng, tư lệnh quân đoàn 2, tư lệnh quân khu 1, với bộ chỉ huy lữ đoàn 203 xe tăng, mà tất cả các cấp liên hệ như Nguyễn Tất Tài, Bùi Văn Tùng, đều lần lượt giải ngũ với cấp bậc Đại tá, trong đó Bùi Quang Thận tuy khi giải ngũ lên tới cấp Đại tá, nhưng cũng chỉ được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng võ trang sau khi đã qua đời hai năm), nên nhiều người suy nghĩ cãi chính làm chi cho thêm phức tạp. Kế tiếp là Việt Nam xảy ra xung đột với Trung Cộng, mà chiếc 390 lại là T.59 do Trung Cộng viện trợ, trong khi chiếc 843 là T.54 do Liên Xô viện trợ, nên càng không có ai bận tâm tới việc phải làm rõ sự kiện này (..). Trong những năm tiếp theo xe tăng số 390 tiếp tục phải đánh nhau ở Cambodia và trên biên giới phía bắc, xa đội cũ cũng đều lần lượt giải ngũ (trong thập niên 80), lầm lũi mưu sinh và không có ý khơi lại sự việc để tìm kiếm vinh quang. Khi coi phim tài liệu, thấy cảnh Bùi Quang Thận cầm một lá cờ rất to, loại cờ không có trong các chiếc xe tăng đã tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày 30/4, Thiếu úy Lê Văn Phượng (đại đội phó kỹ thuật đại đội 4/1/203) đã phải tặc lưỡi cho rằng lịch sử đôi khi chỉ được làm bằng báo chí... (Huy Đức - Trương Huy San, Bên thắng cuộc, 2012).

    Xe tăng T.54B số 843 được tung hô và công nhận là báu vật bảo tàng năm 1979. Xe tăng T.59 còn may mắn trở về cuối thập niên 90, đúng vào lúc nhà nước cộng sản Hà Nội đang có nhu cầu cấp thiết phải hàn gắn và níu kéo lại mối quan hệ đầu phục đàn anh Bắc Kinh, nên loại T.59 mới được khôi phục lại giá trị và vai trò của xe tăng 390 mới được xiễn dương, mới được cho sánh vai cùng xe tăng 843 của ông anh cả Xô Viết để làm báu vật bảo tàng của quân đội năm 2011.

    Chiếc xe tăng 879 hẩm hiu hoàn toàn không còn được nhắc tới. Nó đã đi trước cột mốc lịch sử dưới nhản quan của đảng một bước, nên có lẽ nó đã là đống sắt vụn ở đâu đó, bởi vì sau đó không lâu lữ đoàn 203 xe tăng còn phải tiếp tục tham gia vào hai cuộc chiến tranh biên giới diễn ra trong năm 1979.

              

    Hình số 4: Xe tăng số 879 và xa đội
    khi đã vào trong sân cỏ Dinh Độc Lập
    (Photo by Jean Claude Labbe, 1975).



    Hình số 5: Xe tăng 390 trước Dinh Độc Lập
    (Photo by Francoise Demulder, 1975)



    Hình số 6: Phóng ảnh báo Nhân Dân số 7668
    và bài viết của Trần Mai Hạnh.

              



    Ghi chú:
    (1) Thượng tướng bắc quân Nguyễn Hữu An, Nguyễn Tư Đương chấp bút,
    Chiến trường mới, 2002,
    Đại tá bắc quân Đào Văn Xuân,
    Nước mắt dành cho ngày gặp mặt, 2011.
    (2) Đại tá bắc quân Nguyễn Khắc Nguyệt,
    Hành trình đến Dinh Độc Lập, 2008.
    (3) Thiếu tá Nguyễn Văn Nghiêm, tiểu đoàn trưởng 12 Dù, Nhân chứng, dẩn bởi Ngy Thanh,
    Người thua cuộc đọc bên thắng cuộc, 2013.
    (4) Borries Gallasch,
    Sài Gòn - Hochiminh City: The Zero Hour (Reportage on the End of the Việt Nam War), 1975,
    Thiếu tá Nhan Hữu Hậu, trưởng khối an ninh phủ Thủ tướng,
    Sài Gòn trong cơn hấp hối 30/4/1975, 2011.
    (5) Trần Mai Hạnh, phóng viên thông tấn xã Hà Nội,
    Tiến vào phủ Tổng thống Ngụy, Báo Nhân Dân số 7668, ngày 2/5/1975.






    08/2018, sửa chữa bổ sung 04/2020.
    Nguyễn Hoàng Dân

    https://danlambaovn.blogspot.com/2020/0 ... g-bac.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Mùa đi tù

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Mùa đi tù
    __________________________________
    Thanh Thản Nhiên (Danlambao)






    Hàng năm mỗi nước luôn có các đại lễ cho dân chúng tưởng nhớ như mùa Giáng Sinh, Phật Đản, mùa Vu Lan hay lễ Phục Sinh. Mọi người nô nức chuẩn bị và vui mừng đôi ba tuần. Trái lại, mùa "Đi tù" của các chiến binh bại trận bắt đầu thi hành sau ngày đại tang mất nước không lâu. Các loa của phường, khóm ra rả suốt ngày. Đến tối truyền hình đưa tin liên tiếp lệnh của Ủy ban Quân quản Thành phố bảo tất cả mọi thành phần quân dân cán chính phải chuẩn bị đi học tập trong mười ngày. Giới báo chí văn nghệ cũng chung số phận. Càng nổi tiếng càng mau đứng trong danh sách "phản động" chống phá nên phải "mời" qúi vị vào tù sớm nếu không mau chân lánh nạn. Đấy là mùa đen tối nhất của dân miền Nam, làm khủng hoảng tinh thần người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đau buồn não ruột. Một đàng thì hân hoan chào mừng, đàng tỉ tê rên xiết đếm từng ngày.

    Sao Chúa sống lại ai cũng vui mừng? Còn tù nhân đi không biết ngày về thì không vui? Ta vô tư thì không phải con người hoặc kẻ đó có trái tim sắt đá. Nhưng nhạc sĩ TCS còn nghĩ cảm sâu xa hơn khi ông hiểu "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau" Chúng còn biết buồn khi không gần kề huống chi con người. Hai hình ảnh vui, buồn luôn đi ngược chiều dù rằng ta vẫn nói "vui buồn có nhau". Trong trận đá banh, hễ anh thắng thì phe kia phải thua chớ hai bên không thắng một lượt gọi là huề. Nhưng cũng không được, phải "đá" tiếp. Cả hai ngang ngửa nhau vẫn đá phạt đền để lãnh cúp vàng chớ!

    Chồng tôi bị thương nặng giải ngũ sớm nên không vướng tù còn anh rể phải cải tạo ba năm. Bà chị long đong như lục bình trôi theo nước lớn, nước ròng vì chồng là trung úy ngành CTCT. Súng ngừng nổ bom đạn ngưng rơi, người dân phải vui mừng khôn xiết? Thưa không, vẫn có những tiếng súng rời rạc mà tiếng nổ của nó làm bể tan lồng ngực của người bại trận kiêu hùng, bất khuất. Anh linh các vị anh hùng vì nước quên mình thề rằng "thà chết chứ không đầu hàng" là Trung tá Nguyễn Văn Long thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc Gia, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu tướng Phạm văn Phú, Chuẩn tướng Lê văn Hưng, Chuẩn tường Lê Nguyên Vỹ và Chuẩn tướng Trần văn Hai. Bên dân sự có ông Bộ Trưởng Ngoại giao Trần Chánh Thành đã uống thuốc quá liều để quyên sinh. Những gương tuẫn tiết nầy quân đội và đồng bào đều ngậm ngùi không quên. Riêng tôi xin phép nhắc lại để lòng mình thêm giây phút thương tiếc, ghi ơn các tướng lãnh cho thế hệ sanh sau ngày Quốc tang thêm chất liệu đấu tranh chống cộng. Mọi người nghe dặn dò “chỉ đem ít đồ dùng cá nhân và lương thực trong mười ngày" hoặc một tháng hay một năm" tùy "tù nhân" học thấy tiến bộ thì được ra sớm. Tuy nhiên, các chú bác và đàn anh bị cai tù đánh đập tàn nhẫn đã ngã gục hoặc sắp mất nên chúng tha cho về. Các nhân sĩ bị CS đày đọa đến chết gồm các ông:

    - 1976: Luật sư Trần Văn Tuyên, thi bá Vũ Hoàng Chương
    - 1978: Đại tá sử gia Phạm Văn Sơn.
    - 1979: Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.
    - 1980: Nhà văn Hồ Hữu Tường.

    Khi bị giam ở Yên Bái thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có viết mấy câu thơ “Đầm mình trong hạnh của ẩn mặt. Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu. Dò dẫm lối về đêm tối mịt. Sông xa núi thẩm quê nhà đâu?"

    Cộng sản ban hành Nghị quyết 297-CP ngày 11/11 1977 thẳng tay đàn áp các tôn giáo. Đức TGM Nguyễn Kim Điền bị cs bức tử tại nhà thương Saint- Paul (Sài Gòn) vào tối 8/6/1988. Một nữ y tá theo lệnh cấp trên đã chích thuốc độc giết chết vị TGM giáo phận Huế. CS không chấp nhận làm xét nghiệm tử thi để xác nhận tên độc dược.(*)

    Bộ đội giải phóng lo vơ vét đồ Mỹ Ngụy chở về Bắc. Các Tướng, Tá còn kẹt ở lại lặng lẽ sắp hàng vào tù. Anh rể tôi sợ bận lòng bên vợ nên mang có túi vải nhỏ gọn nhẹ, cần nhất là giấy tờ tùy thân của mình chớ thức ăn không quan tâm, còn thật thà tin tưởng “chỉ đi mười ngày", xách nhiều mệt mỏi. Tôi không có mặt để chứng kiến cảnh buồn rầu chia tay hơn Lan và Điệp vì ở đây "Lan" đã mang bầu rồi. Nếu thấy chắc khóc trước vì tội nghiệp. Nghe má tôi kể xong, bà yên lặng chẳng khóc còn tôi lại mau nước mắt. Hay tại ba má tôi khóc nhiều vì các con, hết gái tới trai sắp bước vào tuổi bị đi nghĩa vụ, phải suy tính bằng mọi giá lo đi chui mới được, cho nên nước mắt bà đã cạn?

    Trước ngày mất nước không bao lâu hai chị em tôi phải tìm kế sanh nhai. Sách vở không còn hấp dẫn nữa. Tôi không thích tà tà sánh vai đi ngang "con đường Duy Tân cây dài bóng mát" hay trốn qua thư viện cho tịnh tâm gạo bài. Tôi phải phụ gánh vác việc nhà. Anh chị mình vui chưa bao lâu phải câm nín giấu cái buồn riêng, không ai dám thốt ra lời. Anh sợ nói lời buồn sẽ ảnh hưởng đến thai nhi đang tượng hình trong bụng mẹ. Không là thầy bói tôi đoán bụng người khác… sai chăng? Mấy ông tướng số hay giảng giải dài dòng, lý luận cao siêu theo cõi trên hay cõi vô hình nào đó để lượm tiền quẻ. Tôi chỉ dựa vào tâm lý anh chị theo triết học chút chút. Nhưng thôi ở đây không phải giờ triết, giờ của giáo sư Trần Bích Lan (thi sĩ Nguyên Sa). Thầy thừa biết giờ nầy chán và buồn ngủ nên cố tìm thí dụ tếu để đem vào môn học. Cử chỉ, nét mặt thầy ra sao tôi nhớ như in. Thầy nói dí dỏm mà rất tự nhiên, tỉnh tuồng, trong lớp ít kẻ cười vì lười, riêng tôi lại siêng... cười thán phục lối pha trò của thầy. Nhưng giờ triết của giáo sư, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương mới là chán vì thầy chỉ biết… buồn! Cười sao nổi khi thầy chuyên sáng tác những bản nhạc da diết:
    "Lạnh lùng sương rơi heo may,
    ....

    Thế đó nhạc PMC diễn tả nào là "lạnh lùng" rồi "buồn, sầu" đi tới "thương với nhớ". Ai tình cảm lai láng mà bây giờ lại sống đời tha hương nữa, ôi chao "nhớ ơi là nhớ đến bất tận". Trong giờ thầy dạy, thầy không đem nhạc ra hát lai rai để chúng tôi bớt căng thẳng đầu óc vì những bài tâm lý học khô khan, trừu tượng. Thầy muốn chúng tôi phải nhồi nhét món ăn nuốt không vô nầy để đi thi.

    Giờ đây tôi không thích buồn thương theo thầy nữa mà chỉ buồn với mùa Quốc tang, mùa "đi tù" của các anh chiến sĩ ngày xưa. Cho tôi được đồng cảm với nỗi buồn đó "hát nữa đi Hương hát điệu nhạc buồn, điệu nhạc quê hương. Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường. Hát kể quê hương núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường. Đồng tan hoang nên lúa ngại đơm bông, thuyền ham đi nên nước còn trông mong khiến cả đêm thâu tiếng em rầu rầu." (Hương ca vô tận của NS Trầm Tử Thiêng)

    Thật đúng vậy "Tiễn anh lên đường" không chỉ riêng gia đình tôi. Mỗi anh lính lên đường đi tù là có bao nhiêu người thân đưa mắt xót xa theo dõi, hy vọng hỏi "bao giờ trở về"? Ta mượn tạm câu trả lời của Phạm Duy rằng là "xin trả lời mai mốt anh về". Ông Phạm Duy rất sành tâm lý hơn ai hết, ông biết rút ngắn thời gian không cho quá lâu sợ người vợ, người yêu mỏi mòn trông đợi chỉ là "mai với mốt" thôi. Nó còn cận kề hơn Ủy ban nhân dân Thành phố nói "mười ngày"! Trước khi lệnh học tập chính thức ban hành, ngày nào anh tôi cũng đạp xe vào cơ quan để dò tin nóng hổi. Trăm lần như một vợ lo lắng khi anh trở về:

    - Có gì mới không anh?
    - Chưa có gì hết!

    Anh bám sát tin tức còn hơn theo dõi ngày nào sắp tận thế. Phường, xã hay cơ quan ra chỉ thị gì anh thi hành răm rắp còn hơn nghe lời cha mẹ.

    Nhưng không thể ngồi than thở mãi! Chúng tôi người trong Nam linh cảm mình đang bị cửa tù bên ngoài từng bước xiết chặt, không kể nhà tù nhỏ hẹp mà các anh sắp sửa đi vào. Ai cũng chạy rong để dò tìm đường vượt biên, càng nán lại lâu càng nguy hiểm. Chị mình đang bụng mang dạ chửa, ba má tôi bao thầu kêu con gái về nuôi kề cận để ông bà lo thay vì ngược lại.

    Bầu trời Sài Gòn nhìn đâu cũng thấy một màu ảm đạm, thê lương khi các anh vào tù. Không khí quá yên tĩnh. Nhà nhà đều cửa đóng then cài kín mít, mọi người sợ đủ thứ, khác hẳn cảnh nhộn nhịp khi xưa. Cửa hàng càng lớn đồ sộ lại càng đóng vĩnh viễn, một là bị đánh tư sản, hai là chủ nhân đang dọn đường đi chui. Hàng quán nho nhỏ bắt buộc mở đón khách mua lai vãng, chỉ mở he hé cầm chừng vì "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".



    Đi chợ trên đường về, tình cờ tôi chứng kiến hàng đoàn xe nhà binh chở các anh di chuyển trong đường phố để đưa ra Bắc, vào khám Chí Hòa, bà con lặng lẽ giơ tay vẫy chào, tôi đứng chết lặng nước mắt tuôn chảy, không có ai tôi sẽ khóc lớn cho nhẹ người. Tâm trạng các anh ngồi trong xe chắc cũng như chúng tôi bên ngoài. Xin bạn đọc tha thứ khi tôi không muốn khơi lại vết dao đâm một cách tỉ mỉ, vì càng đi sâu vào vấn đề thì người viết thấy mình não nuột trước nhứt và không biết "nỗi xót xa tôi để nơi nào"? Dần dà nhà nước cách mạng không đủ sức nuôi và dạy những tù nhân "khó dạy". Học sao được khi kẻ ngu dạy người khôn. Các anh chỉ mỉm cười khinh bỉ ngồi nghe chúng "lên lớp". Họ cho gia đình đi thăm nuôi để tiếp tế lương thực nuôi sống các anh, để tiếp tục hành hạ trả thù vì chúng không đủ cơm nuôi tù nhân.

    Bà chủ hảng dệt lớn ở Thủ Đức người cùng quê ngoại thương cho tôi vào làm ở phòng thương vụ đặt trụ sở gần Bến Chương Dương Sài Gòn. Nước mất bà bỏ đi, văn phòng dời hết về Thủ Đức thành xí nghiệp dệt Quốc doanh. Những giờ nghỉ ăn trưa, tôi tranh thủ đi kiếm các loại rau nhất là rau dền cho bà bầu ăn đặng có sữa cho con bú mà nhà cũng có cơm rau đạm bạc lây lất. Tôi thay mặt anh rể săn sóc chị mình để phụ ba mẹ còn bầy con nhỏ. Trong hãng khi tới ngày bán nhu yếu phẩm cho công nhân, tôi canh ai bỏ và bán ra trích lương tháng của mình đi mua lại hết để trong gia đình xài và ăn uống có dinh dưỡng một chút. Chị sanh con đầu lòng chồng thì đi tù thật thương người nằm ổ.

    Và thời gian mười ngày hay mười tháng, mười năm của tù cải tạo đến hồi kết thế nào, người có thân nhân trong hoàn cảnh đó đều nắm vững vì mình là nhân vật chánh, phụ đã góp mặt trong phim "Mùa đi tù" nầy.


    (*) Trích: Ái Hữu luật khoa.com





    3/05/2020
    Thanh Thản Nhiên

    https://danlambaovn.blogspot.com/2020/05/mua-i-tu.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đặc điểm chiến tranh 1954-1975 (Bài 1)

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Đặc điểm chiến tranh
    1954-1975

    (Bài 1)
    __________________________________
    Trần Gia Phụng (Danlambao)






    Chiến tranh Việt Nam 1954-1975 rất đa dạng. Đặc điểm cuộc chiến nầy cũng chính là đặc điểm lý do vì sao các nước tham chiến. Xin bắt đầu với Bắc Việt Nam (BVN) vì BVN là đơn vị gây ra cuộc chiến.




    Bắc Việt Cộng Sản: Chiến tranh xâm lược và bành trướng

    Nửa tháng trước hiệp định Genève (20-7-1954), trong cuộc họp tại Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Cộng), từ 3 đến 5-7-1954, thủ tướng Trung Cộng Châu Ân Lai khuyên Hồ Chí Minh (HCM) chôn giấu võ khí và cài cán bộ, đảng viên cộng sản (CS) ở lại Nam Việt Nam (NVN) sau khi đất nước bị chia hai để chuẩn bị tái chiến. (Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị (Chu Ân Lai và hội nghị Genève) Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, Dương Danh Dy dịch, tựa đề là Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954, chương 27 "Hội nghị Liễu Châu then chốt".) (Nguồn: Internet). Hồ Chí Minh đồng ý.

    Trong số những cán bộ CS ở lại NVN sau hiệp định Genève, có những cán bộ cao cấp như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm. (Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập I: Giải phóng, New York: Osinbook, 2012, tt. 270-273.) Như thế, chẳng những CS vi phạm hiệp định Genève, mà CS còn nuôi sẵn chủ trương gây chiến với NVN trước khi ký kết hiệp định đình chiến Genève.

    Sau hiệp định Genève, lực lượng CS cài lại ở NVN quấy phá và khủng bố ở NVN ngay từ năm 1954. Cuộc khủng bố chấn động nhứt của CS là cuộc ám sát hụt tổng thống Ngô Đình Diệm khi tổng thống đến khánh thành Hội chợ Ban Mê Thuột ngày 22-2-1957.

    Trong khi đó ở BVN, cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu từ tháng 6-1955 đến tháng 7-1956, giết hơn 172,000 người. (Đặng Phong chủ biên, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập II: 1955-1975, Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 2005, tr. 85.) Trường Chinh từ chức tổng bí thư. Hà Nội gọi Lê Duẩn ra BVN phụ tá cho HCM. Vào cuối năm 1958, Lê Duẩn được gởi vào NVN để nghiên cứu tình hình. Khi trở ra BVN, Lê Duẩn viết bản báo cáo, đề nghị đánh chiếm NVN bằng võ lực. (Stanley Karnow, Vietnam A History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 237-238.) Bản báo cáo của Lê Duẩn là nền tảng của quyết định hội nghị Trung ương đảng Lao Động ngày 13-5-1959, đưa ra nghị quyết thống nhất đất nước bằng võ lực và đưa miền BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa. (Báo Nhân Dân, Hà Nội ngày 14-5-1959.)

    Từ tháng 2 đến tháng 4-1958, tại Genève, Liên Hiệp Quốc họp để bàn về luật biển, đưa ra bốn quy ước về luật biển (United Nations Convention on Law of the Sea, viết tắt là UNCLOS). Lúc đó chưa phải là thành viên của LHQ, nên Trung Cộng không được tham dự hội nghị. Vì vậy, Trung Cộng tự ý công bố quyết định về hải phận ngày 4-9-1958, trong đó điều 1 và điều 4 ghi rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Biển Đông là của Trung Cộng, trong khi hai quần đảo nầy thuộc chủ quyền NVN. Đây là công bố của Trung Cộng cho thế giới biết lập trường của Trung Cộng về hải phận, mà không cần nước nào trả lời.

    Để lấy lòng Trung Cộng, Phạm Văn Đồng, thủ tướng BVN, với sự đồng ý của HCM và Bộ chính trị, ký quốc thư ngày 14-9-1958 tán thành quyết định trên của Trung Cộng. Năm sau, Phạm Văn Đồng qua Bắc Kinh tháng 10-1959 cầu viện. Đáp lại, tháng 11-1959, Trung Cộng đưa một phái đoàn sang BVN trong hai tháng, nghiên cứu tất cả những nhu cầu cần thiết của BVN. Tháng 5-1960, các nhà lãnh đạo BVN và Trung Cộng hội họp liên tiếp ở Hà Nội và Bắc Kinh để thảo luận chiến lược tấn công NVN. (Qiang Zhai, China & the Vietnam Wars, 1950-1975, The University of Carolina Press, 2000, pp. 82-83.)

    Được Trung Cộng hứa hẹn viện trợ, đảng Lao Động họp đại hội III tại Hà Nội, từ 5-9 đến 10-9-1960, công bố hai mục tiêu lớn là: 1) Xây dựng BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa. 2) Giải phóng NVN bằng võ lực; nghĩa là BVN quyết định động binh đánh chiếm NVN. Để phát động chiến tranh, đảng Lao Động đưa ra hai chiêu bài: 1) Thống nhất đất nước. 2) Chống Mỹ cứu nước.

    Về viêc thống nhất đất nước, BVN tố cáo NVN không tôn trọng hiệp định Genève về việc tổ chức tổng tuyển cử năm 1956. Tuy nhiên hiệp định Genève không có điều khoản nào quy định việc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. (Xin mời vào Google đọc kỹ lại hiệp định Genève.) Việc tổng tuyển cử chỉ được nêu ra trong điều 7 của bản "Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương" ngày 21-7-1954. Không nước nào ký tên vào bản tuyên bố nầy, nghĩa là bản tuyên tố chỉ có tính cách gợi ý hay đề nghị, mà không có tính cách bắt buộc phải thi hành (cưỡng hành).

    Về liên lạc với Mỹ (Hoa Kỳ), từ năm 1945, cơ quan tình báo Hoa Kỳ OSS (Office of Strategic Services), tiền thân của C.I.A. (Central Intelligence Agency), đã giúp HCM và Việt Minh, mặt trận của đảng CS. Sau khi đảng CS cướp chính quyền ở Hà Nội và HCM thành lập nhà nước VNDCCH ngày 2-9-1945, thì OSS lặng lẽ rút lui do tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman thay đổi chủ trương của tổng thống Roosevelt, bỏ ngõ Đông Dương cho Pháp trở lui. Từ đó, giữa Hoa Kỳ và CSVN không còn liên lạc với nhau.

    Sau hội nghị Liễu Châu, trở về lại Thái Nguyên, HCM đưa ra chủ trương chống Mỹ tại hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TƯĐ Lao Động ngày 15-7-1954, và cho rằng “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Miên Lào…” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 7: 1953-1955, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 314-315.) Nghĩa là chủ trương chống Mỹ cứu nước cũng đã được HCM đưa ra trước cả hiệp định Genève ngày 20-7-1954.

    Tuy tuyên bố “Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Miên Lào”, nhưng HCM không giải thích cụ thể vì sao tự nhiên Mỹ trở thành kẻ thù chính của ba nước Đông Dương. Lúc đó Mỹ chưa đưa quân vào NVN. Đây phải chăng chính là kết quả mật đàm giữa HCM và Châu Ân Lai tại Liễu Châu, hoặc điều kiện của Châu Ân Lai đưa cho HCM để CSVN được Trung Cộng tiếp tục viện trợ?




    Các nước cộng sản: mỗi nước một kế hoạch

    Về các nước CS, có các điểm đáng chú ý: Thứ nhứt, các chế độ CS đều độc tài, tự quyết định chủ trương, chính sách nhà nước mà không cần hỏi dân ý hay quốc hội. Thứ hai, khi muốn viện trợ, đảng CS tự ý quyết định, mà không xin ý kiến quốc hội như các nước dân chủ. Thứ ba, sự liên lạc giữa đảng với đảng là căn bản trong sự giao thiệp giữa các nước CS. Ví dụ đảng CS Tàu nói chuyện với đảng CSVN. Đảng CSVN ra lệnh cho nhà nước CS Việt thi hành, không theo thể thức giữa quốc gia với quốc gia. Ngoại giao giữa đảng với đảng hiện vẫn được áp dụng giữa Trung Cộng và CSVN. Ví dụ hội nghị Thành Đô tháng 9- 1990 chỉ là cuộc họp giữa đại diện 2 đảng. Kết quả không được đưa ra quốc hội duyệt y, nhưng nhà nước CSVN phải thi hành, ví dụ thay đổi lãnh đạo CSVN năm 1991, thay đổi hiến pháp ngày 15-4-1992…




    Trung cộng: Bảo vệ biên giới - Nhìn xuống Đông Nam Á

    Nước CS đầu tiên giúp BVN để tấn công NVN là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) hay Trung Cộng. Từ năm 1956, Trung Cộng chống lại chủ trương "sống chung hòa bình" giữa các nước không cùng chế độ chính trị do bí thư thứ nhứt đảng CSLX Khrushchev đưa ra. Phía bắc, phía tây và tây nam, Trung Cộng vừa bị núi non hiểm trở, vừa bị Liên Xô và Ấn Độ chận đứng. Phía đông là Thái Bình Dương với hàng rào ba nước đồng minh của Hoa Kỳ và ký hiệp ước phòng thủ song phương với Hoa Kỳ là Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Hoa Dân Quốc tức Đài Loan (Taiwan). Bị bao vây ba mặt, Trung Cộng rất lo ngại bị cô lập và nhứt là lo ngại bị Hoa Kỳ tấn công hoặc chận luôn ở biên giới phía nam.

    Sau khi thủ tướng BVN là Phạm Văn Đồng ký quốc thư ngày 14-9-1958, tán thành công bố về hải phận của Trung Cộng (đã viết ở trên), Trung Cộng viện trợ tối đa cho BVN, nói là vì tình nghĩa quốc tế CS, nhưng thật ra Trung Cộng xem BVN là tiền đồn chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía nam cho Trung Cộng. Trung Cộng còn muốn bảo vệ đường giao thông bằng đường sông, đường bộ, và đường hỏa xa dọc sông Hồng, từ các tỉnh vùng sâu của Trung Cộng là Vân Nam, Quý Châu qua Việt Nam ở Lào Cai, ra Biển Đông ở hải cảng Hải Phòng. Đồng thời Trung Cộng còn muốn mở cánh cửa nhìn xuống Đông Nam Á.

    Ngoài quân viện, từ tháng 6-1965 đến tháng 3-1968, Trung Cộng gởi sang BVN 320,000 quân, trú đóng ở các tỉnh và thành phố phía bắc Hà Nội, điều khiển các dàn súng phòng không, sửa chữa đường sá, cầu cống, đường xe lửa, bảo vệ các tỉnh phía bắc, nhằm giúp BVN kéo hết lực lượng xuống tấn công NVN.

              

    Nguồn ảnh: The Blade, Toledo, Ohio: Thứ Ba 16-5-1989.
    (Trích lại từ DCVOnline.net, ngày 13-8-2012.)

              

    Khi tổng thống Hoa Kỳ Richad Nxon viếng thăm Trung Cộng, Nixon báo cho Trung Cộng biết rằng Hoa Kỳ sẽ rút quân khỏi NVN. Hoa Kỳ báo cho Trung Cộng biết việc Hoa Kỳ rút quân, thì không khác gì Hoa Kỳ báo cho BVN biết mà không báo cho NVN biết. Sau đó Nixon ký thông cáo chung Thượng Hải ngày 28-2-1972 với thủ tướng Trung Cộng là Châu Ân Lai, công nhận chỉ có một nước Trung Hoa, thì Trung Cộng yên tâm rút quân ở BVN về nước sau hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Nhân cơ hội Hoa Kỳ ngưng viện trợ cho NVN và NVN đang chống đỡ những cuộc tấn công mạnh mẽ của BVN, Trung Cộng bất ngờ đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19-1-1974. Bắc Việt Nam hoàn toàn làm ngơ trước cuộc xâm lăng của Trung Cộng.




    Liên Xô: Quá xa Đông Nam Á - Viện trợ giờ chót

    Về phía Liên Xô, trong đại hội lần thứ 20 đảng CSLX tháng 2-1956, bí thư thứ nhứt đảng CSLX Nikita Khrushchev đưa ra chủ trương “chung sống hòa bình” giữa các nước không cùng chế độ chính trị. Vì Liên Xô đang chủ trương hòa dịu với các nước Tây phương, nên tháng 7-1959, khi HCM qua Moscow, đề nghị Liên Xô yểm trợ BVN để BVN tấn công NVN, thì Liên Xô khuyên HCM nên tiếp tục mưu tìm sự thống nhất trong hòa bình. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, The Vietnam War, 1954-1965, New York: Cambridge University Press, 2006, tr. 83.)

    Ngày 14-10-1964, Nikita Khruschev bị hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng CSLX đảo chánh một cách êm thắm. Leonid Brezhnev lên thay, làm bí thư thứ nhứt đảng CSLX, đưa ra chủ tương cứng rắn trở lại, quyết định viện trợ và gởi quân sang giúp BVN.

    Tháng 3-1965, khi Hoa Kỳ bắt đầu đổ quân vào NVN thì cũng trong thời gian nầy, quân đội Liên Xô đến BVN khoảng 3,000 người, thuộc Phòng Tùy viên Quân sự Tòa đại sứ Liên Xô tại Hà Nội, đều là chuyên viên không quân, kỹ thuật phòng không và hỏa tiễn (BVN gọi là tên lửa). Nhiệm vụ của chuyên viên LX là lắp ráp các bệ đặt hỏa tiễn đất đối không, huấn luyện tại chỗ phi công BVN lái các loại máy bay chiến đấu MIG-21 và SU. Ngoài ra còn có một số chuyên gia về hải quân và các binh chủng khác. Quân nhân Liên Xô bận thường phục, sống riêng biệt, thường dân BVN ít biết về sự hiện diện của quân đội Liên Xô.

    Năm 1974, đại tướng Viktor Kulikov, thứ trưởng bộ Quốc phòng kiêm tổng tham mưu trưởng Hồng quân Liên Xô, đại diện cho Hồng quân Liên Xô, đến Hà Nội tham dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập quân đội CSVN ngày 22-12-1974. Trước khi dự lễ, Viktor Kulikov dự họp hội nghị lần thứ 23 của ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động, khai mạc ngày 18-12-1974. Trong cuộc họp, Kulikov thông báo hai điều: 1) Theo tin tình báo của Liên Xô, Hoa Kỳ sẽ ngưng cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho NVN, nên đây là cơ hội thuận tiện để đánh NVN. 2) Liên Xô cam kết gia tăng viện trợ quân sự cho BVN, nhằm tấn công NVN.

    Ngay sau khi Kulikov về Moscow, viện trợ Liên Xô tăng gấp 4 lần trong các tháng đầu năm 1975. (Henry Kissinger, Years of Renewal, New York: Simon & Schuster, 1999, tr. 481.) Rõ ràng Liên Xô nhận thấy sau khi Hoa Kỳ ngưng viện trợ quân sự cho VNCH, VNCH hết nhiên liệu, đạn dược để chiến đấu và sẽ thất bại, nên Liên Xô đầu tư mạnh mẽ cho tương lai ở Đông Nam Á. Liên Xô còn vận động Cuba và các nước CS Đông Âu, viện trợ thêm cho BVN, góp sức với khối CS tấn công VNCH.




    Kết luận

    Bắc Việt Nam tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vi phạm hiệp định Genève và chủ tâm gây chiến để xâm lược NVN, thực hiện nhiệm vụ bành trướng cho CS quốc tế, như Lê Duẩn, bí thư thứ nhứt đảng Lao Động, đã từng tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.” (Nguyễn Mạnh Cầm, ngoại trưởng CSVN từ 1991 đến 2000, trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 24-1-2013.)

    Trung Cộng giúp đỡ CSVN nhắm dùng CSVN làm tiền đồn bảo vệ biên giới phía nam của Trung Cộng. Mao Trạch Đông đã từng nói: “Không thể chỉ nói Trung Quốc giúp Việt Nam, phải nói rằng Việt Nam cũng giúp Trung Quốc là sự giúp đỡ lẫn nhau.” (La Quý Ba, “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản”, trong Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, 2002, Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch. Montreal: Nxb. Tạp chí Truyền Thông (in lại), số 32 & 33, 2009, tr. 27.) Mao Trạch Đông muốn nói đến việc CSVN bảo vệ biên giới phía nam cho Trung Cộng.

    Ngày 28-6-1958, Mao Trạch Đông tuyên bố với một nhóm tướng lãnh thân cận rằng: “Hiện nay, Thái Bình Dương không yên ổn. Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.” (Jung Chang and Jon Halliday, The Unknown Story MAO, New York: Alfred A. Knopf, Publisher, 2005, tr. 426.) Phát biểu nầy là khởi đầu cho chủ trương mới của Trung Cộng về Biển Đông và Thái Bình Dương.

    Chẳng những tham vọng tiến ra Thái Bình Dương, mà Mao Trạch Đông còn nuôi tham vọng tiến xuống Đông Nam Á, và đã từng nói với các đại biểu đảng Lao Động Việt Nam ở hội nghị Vũ Hán năm 1963 rằng: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500,000 bần nông đưa quân xuống Đông nam châu Á.” (Nxb. Sự Thật, Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: 1979, tr. 16.). (Xem thêm: Nguyễn Trọng Vĩnh, BBC Vietnamese, ngày 1-12-2013.)

    Còn Liên Xô ở quá xa Đông Nam Á. Khi HCM qua Liên Xô xin viện trợ năm 1950, Stalin không giúp đỡ mà giao trách nhiệm cho Mao Trạch Đông. (Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, sđd. tr. 45.) Các lý do khiến Stalin lạnh nhạt với HCM: 1) Stalin không tin HCM là người CS trung kiên vì HCM đã cộng tác với OSS Hoa Kỳ năm 1945. 2) Stalin không tin những chế độ CS không do Stalin thành lập. 3) Lúc đó, Stalin đang ủng hộ đảng CS Pháp. Nếu Stalin giúp CSVN chống Pháp, dân chúng Pháp sẽ không ủng hộ đảng CS Pháp. 4) Việt Nam ở viễn đông, quá xa Liên Xô. Liên Xô ít có quyền lợi ở vùng nầy.

    Mãi đến gần cuối chiến tranh 46-54, Stalin mới viện trợ súng cối hạng nặng để CSVN tấn công Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh 54-75 cũng thế. Sau biến cố Maddox ở Vịnh Bắc Việt (tháng 8-1964), Liên Xô mới viện trợ cho BVN, và sau đó tăng cường viện trợ khi biết chắc chắn Hoa Kỳ rút quân năm 1973.

    (Còn tiếp)





    28.04.2020
    Trần Gia Phụng

    https://danlambaovn.blogspot.com/2020/0 ... bai-1.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đặc điểm chiến tranh 1954-1975 (Bài 2)

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Đặc điểm Chiến Tranh
    1954-1975

    (Bài 2)
    __________________________________
    Trần Gia Phụng (Danlambao)





    Sau Bắc Việt Nam và khối cộng sàn, là đặc điểm vì sao Nam Việt Nam và Hoa Kỳ tham chiến.



    Nam Việt Nam: Chiến tranh tự vệ

    Sau hiệp đinh Genève, ở Nam Việt Nam (NVN), chính phủ Ngô Đình Diệm dần dần ổn định tình hình, cải tổ quân đội, phát triển kinh tế, tiếp thu các cơ sở do Pháp chuyển giao, đón tiếp và tái định cư gần một triệu đồng bào di cư từ Bắc Việt Nam (BVN). Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955 đưa thủ tướng Diệm lên làm quốc trưởng. Ngày 26-10-1955, quốc trưởng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) theo tổng thống chế, do ông Diệm làm tổng thống đầu tiên.

    Đối với BVN, ngày 10-8-1955, thủ tướng NVN Ngô Đình Diệm bác bỏ đề nghị của thủ tướng BVN Phạm Văn Đồng ngày 19-7-1955, yêu cầu mở hội nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20-7-1955, để bàn về việc tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975, tập I-C: 1955-1963, Houston, Nxb Văn Hóa, 2000, tr. 73.) Sau đó Phạm Văn Đồng nhiều lần đề nghị tiếp, nhưng đều bị chính phủ NVN từ chối vì hiệp định Genève chẳng có điều khoản nào về việc tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam. (Đã viết trong bài trước, mục 1 về BVN.) Thế là BVN động binh tấn công NVN.

    Không lẽ ngồi chờ chết, NVN không còn chọn lựa nào khác, phải tự vệ, chống cuộc xâm lăng của BVN và khối CS. Nam Việt Nam yếu thế, phải nhờ Hoa Kỳ viện trợ võ khí, quân nhu và cả bộ binh chiến đấu. Hoa Kỳ giúp NVN theo quyền lợi của Hoa Kỳ. Sau hiệp định Paris (27-1-1973), Hoa Kỳ rút hết quân về nước, ngưng viện trợ cho VNCH. Quân đội VNCH một mình chiến đấu hữu hiệu chống CS và vẫn đứng vũng trong hai năm, cho đến khi hết nhiên liệu và đạn dược, mới chịu buông súng ngày 30-4-1975.




    Hoa Kỳ: Thay đổi chính sách theo chiến lược toàn cầu

    Hoa Kỳ là một cường quốc, bang giao rộng rãi trên thế giới, luôn luôn giữ thế cân bằng chính trị (balance politique) của Hoa Kỳ với các nước đồng minh và các nước thuộc các khối chính trị khác. Chính sách của Hoa Kỳ ở NVN thay đổi tùy theo chiến lược ngoai giao toàn cầu của Hoa Kỳ.



    Chiến lược Đông Á thập niên 50:

    Đảng CS cầm quyền ở Trung Hoa tháng 10-1949, bắt đầu thách thức Hoa Kỳ ở Đông Á. Hoa Kỳ và Trung Cộng đụng độ tại chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Sau khi tổng thống Dwight D. Eisenhower lên cầm quyền ngày 20-01-1953, Hoa Kỳ ký với Nam Triều Tiên Mutual Defense Treaty Between the United States and the Republic of Korea ngày 1-10-1953; với Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan) Sino-American Mutual Defense Treaty ngày 2-12-1955, và với Nhật Bản Treaty of Mutual Cooperation and Security between the United States and Japan ngày 19-1-1960. Hoa Kỳ quyết chận đứng Trung Cộng tiến ra Thái Bình Dương; nhằm bảo vệ các quần đảo đông bắc Thái Bình Dương tức phía tây Hoa Kỳ, từ Alaska đến California, là những căn cứ Hải quân phên dậu bảo vệ Hoa Kỳ.

    Lúc đó, các nước Đông Dương bị ràng buộc vào điều 19 chương III của hiệp định Genève (20-7-1954), không liên minh quân sự với nước ngoài, nên NVN, Cao Miên và Lào được sắp vào nhóm được bảo vệ trong phụ bản của Hiệp ước Hỗ tương Phòng thủ Đông Nam Á tại Manila (Phi Luật Tân), ngày 8-9-1954.

    Vào cuối nhiệm kỳ 2 của tổng thống Eisenhower, phi cơ do thám U-2 của Hoa Kỳ, bay qua không phận Liên Xô ở cao độ 70,000 feet (21,3 Km), bị bắn rơi ngày 1-5-1960, gây cuộc khủng hoảng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Phi công Francis Gary Powers, được thả năm 1962, đổi lấy một điệp viên Liên Xô bị bắt.



    Chiến tranh lạnh đầu thập niên 60:

    Sau khi tổng thống John F. Kennedy lên cầm quyền ngày 20-01-1961, liên tiếp xảy ra các khủng hoảng Mỹ-Nga: 1) Hoa Kỳ ủng hộ nghĩa quân Cuba chống Fidel Castro, đổ bộ Vịnh Con Heo tháng 4-1961, nhưng thất bại. 2) Ngày 13-08-1961, Đông Đức xây bước tường ngăn chận giữa Đông và Tây Berlin. Trong 2 ngày 27 và 28-8-1961, xe tăng Mỹ-Nga đối đầu căng thẳng tại trạm kiểm soát Charlie của Mỹ ở bức tường nầy. Cuối cùng hai bên đồng rút quân. 3) Từ tháng 9-1962, Liên Xô và Cuba bắt đầu xây dựng các căn cứ hỏa tiễn ở Cuba, nhắm vào Hoa Kỳ. Ngày 17-10-1962, Hoa Kỳ phát hiện việc nầy. Tuy xảy ra khủng hoảng, nhưng hai bên đều tự chế. Cuộc khủng hoảng kết thúc tháng 11-1962: Liên Xô rút lui hỏa tiễn khỏi Cuba. Hoa Kỳ rút lui hỏa tiễn khỏi Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.

    Sau cuộc khủng hoảng Đông Đức (8-1961), tổng thống Ngô Đình Diệm hai lần đề nghị Hoa Kỳ ký với VNCH một hiệp ước phòng thủ hỗ tương, nhưng Hoa Kỳ đều từ chối. Tổng thống Diệm đề nghị lần đầu ngày 29-9-1961 với đô đốc Harry D. Felt, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. (Stanley Karnow, Vietnam A History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 251), và lần hai với đại tướng Maxwell Taylor, tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đến Sài Gòn từ 18 đến 24-10-1961. (John S. Bowman, The Vietnam War, Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tr. 22.) Kennedy còn quyết định rút cố vấn ở NVN về Hoa Kỳ, nhưng chưa kịp thi hành thì ông bị ám sát ngày 22-11-1963.

    Đối thủ của Kennedy, N. Khruschev bị đảo chánh ngày 14-10-1964. Leonid Brezhnev lên thay, quay qua củng cố khối CS (vụ Tiệp Khắc), gây hấn với Trung Cộng (vụ Ussuri) và tăng cường viện trợ cho BVN.



    Báo trước cho CSVN Hoa Kỳ tham chiến:

    Phó tổng thống Lyndon B. Johnson lên cầm quyền từ 22-11-1963 đến 20-01-1969, thay đổi chính sách của Kennedy, quyết định đưa bộ binh tham chiến ở NVN. Ngày 30-4-1964 ngoại trưởng Hoa Kỳ là Dean Rusk nhờ trưởng đoàn Canada trong Ủy Ban Kiểm soát Quốc tế (International Control Commission) là J. Blair Seaborn, đề nghị với BVN ngưng yểm trợ cho CS miền Nam, thì Hoa Kỳ sẽ viện trợ kinh tế cho BVN. Khi gặp Phạm Văn Đồng tại Hà Nội ngày 18-6-1964, Seaborn cho BVN biết đề nghị của Hoa Kỳ và thêm rằng Hoa Kỳ không có ý tiêu diệt chế độ Hà Nội, mà chỉ muốn hòa bình. (Mark Moyar, sđd. tr. 307) Phạm Văn Đồng bác bỏ đề nghị của Hoa Kỳ.



    Chiến tranh giới hạn:

    Hoa Kỳ đưa bộ binh đến Đà Nẵng ngày 8-3-1965. Trong chiến tranh Triều Tiên, Hoa Kỳ tấn công Bắc Triều Tiên để phòng thủ Nam Triều Tiên, tức lấy công làm thủ. Trung Cộng phản ứng, giúp Bắc Triều Tiên, đẩy lui quân Hoa Kỳ. Lần nầy, Hoa Kỳ muốn tránh sự can thiệp của Trung Cộng, chỉ giúp VNCH phòng thủ ở NVN. Điều nầy nằm trong kế hoạch “chiến tranh giới hạn”. Đô đốc Ulysses Simpson Grant Sharp, tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (từ 1964 đến 1968) đã tiết lộ về chiến tranh giới hạn, tạm dịch như sau: “Chính phủ chúng ta [Hoa Kỳ] lập lại rõ ràng nhiều lần rằng các mục tiêu tranh chấp ở Việt Nam rất giới hạn. Chúng ta không được tiêu diệt chế độ Hà Nội, không cưỡng ép dân chúng Bắc Việt Nam phải thay đổi nhà cầm quyền, và không tàn phá Bắc Việt Nam. Chúng ta chỉ đơn giản muốn Bắc Việt Nam ngừng điều khiển và yểm trợ Việt cộng nổi dậy ở trong Nam và đưa lực lượng Bắc Việt Nam trở ra Bắc. Chiến lược điều khiển chiến tranh của chúng ta phản ảnh những mục tiêu giới hạn trên đây.” (William D. Pawley & Richard R. Tryon, Jr., Why the Communists are Winning as of 1976 and How They Lost in 1990, http://www.gratisbooks.com/.)

    Thật rất khó khăn khi phòng thủ một vùng rộng lớn nhiều rừng núi như NVN để đối phó với chiến tranh du kích của CS. Muốn chống du kích, thì phải chận đứng nguồn tiếp tế cho du kích. Không được tiếp liệu, du kích sẽ thiếu điều kiện để họat động. Nếu không đánh BVN, thì BVN liên tục tiếp tế cho CS ở NVN, quanh năm nuôi dưỡng du kích CS ở NVN, nên khó có thể tiêu diệt hết được du kích CS ở NVN.

    Ngoài việc giới hạn mục tiêu, bộ Quốc phòng Hoa Kỳ còn buộc quân đội của mình phải tuân thủ những quy tắc tham chiến (rules of engagement) tức những quy tắc ứng xử khi lâm chiến, như một thứ cẩm nang chiến tranh. Những quy tắc tham chiến còn nhằm ngăn ngừa và giới hạn những ngẫu biến có thể làm bùng nổ những tranh chấp bất ngờ ở vùng biên giới Hoa Việt hay vùng phi quân sự (vĩ tuyến 17), nhất là do những hoạt động của Không quân. (Spencer C. Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, Vol. two, Santa Barbara, California: ABC-CLIO, 1998, tt. 625-626.)
    Những quy tắc nầy do bộ Quốc phòng Hoa Kỳ soạn thảo, thay đổi, thêm bớt tùy hoàn cảnh và giai đoạn, quy định những hạn chế phức tạp mà quân đội Hoa Kỳ phải tuân hành ở Đông Dương. (J. Terry Emerson, How Rules of Engagemnet Lost Vietnam War, Human Events, Vol. 45, No. 20, May 18, 1985.)

    Những quy tắc tham chiến hạn chế các mục tiêu tấn công và hạn chế nhiều nhứt là hoạt động của phi cơ. Trong chiến tranh hiện đại, quan trọng nhứt trên chiến trường là hỏa lực yểm trợ. Quân đội CS dựa vào hỏa lực yểm trợ của xe tăng, thiết giáp. Quân đội Hoa Kỳ dựa vào hỏa lực yểm trợ của phi cơ. Giới hạn hoạt động của phi cơ, sẽ giới hạn hỏa lực yểm trợ, làm giảm sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ. Ai vi phạm sẽ bị trừng phạt tùy theo mức độ. Ví dụ đại tướng John Daniel Lavelle, chỉ huy Không lực Hoa Kỳ tại Việt Nam, bị cất chức tháng 3-1972, giáng hạ hai cấp và về hưu trí, vì ông đã ra lệnh oanh kích những mục tiêu giới hạn. (John S. Bowman, sđd. tr.198.) (Xem thêm Google: John Daniel Lavelle.)

    Tác giả Steve Farrell, trong sách Why We Lost in Vietnam - The Untold Story, cho rằng “Những quy tắc nầy bảo đảm rằng chúng ta [Hoa Kỳ] không thể thắng, và cộng sản không thể thua.” (Steve Farrell, Why We Lost in Vietnam - The Untold Story, University of Toronto, School of Continuimg Studies, The Moral Liberal.) Thượng nghị sĩ Barry Goldwater, bang Arizona, gọi đây là “no win policy” (chính sách không thắng). (The Bryan Times, Thursday April 17, 1975, tr. 6. http://news.google.com/newspapers.)

    Đánh trận mà không thắng không thua để làm gì thì Hoa Kỳ lúc đó không cho biết lý do, nhưng chắc chắn chiến tranh sẽ kéo dài trên chiến trường NVN; và Hoa Kỳ có thời gian tiêu thụ cho hết số võ khí tồn kho của Hoa Kỳ từ thời thế chiến thứ hai và thời chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), thử nghiệm một số võ khí mới của Hoa Kỳ (súng M16 hay AR15, phi cơ B52, bom chùm...), và theo dõi, nghiên cứu những loại võ khí mới của Liên Xô viện trợ cho quân đội CS sử dụng ở Việt Nam (súng AK-47, xe tăng T54...).



    Hoa Kỳ ngăn cản đề nghị bắc tiến của Quân đội VNCH:

    Theo các tướng lãnh VNCH, muốn chận đứng du kích CS ở NVN, thì phải tấn công BVN để BVN ngưng tiếp tế cho CSNVN, nhưng đều bị Hoa Kỳ chận đứng. 1) Ngày 19-7-1964, thủ tướng Nguyễn Khánh công khai hô hào bắc tiến. (John S. Bowman, sđd. tt. 42.). Kết quả, Nguyễn Khánh bị các tướng trẻ đẩy ra nước ngoài làm đại sứ.

    2) Ngày 1-12-1965, trung tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Vùng I Chiến thuật kiêm tư lệnh Quân đoàn I viết thư cho chính phủ đưa đề nghị bắc tiến, và đề nghị với cả Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. (Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam, một trời tâm sự, California: Nxb. Anh Thư, 1987, tt. 319-334.). Kết quả, sau vụ biến động miền Trung, tướng Thi được đưa qua Hoa Kỳ chữa bệnh thối mũi tháng 7-1966.

    3) Theo đại tướng Cao Văn Viên, vào năm 1966, ông đưa ra một chiến lược 7 điểm, trong đó điểm thứ 6 là đổ bộ lên Vinh (tỉnh Nghệ An) hay Hà Tĩnh (tỉnh Quảng Bình), nhưng không được thi hành. (Cao Văn Viên, Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa, Virginia: Vietnambibliography, 2008, tr. 288.)

    4) Cũng trong năm 1966, nhận thấy quân BVN qua vùng phi quân sự (Quảng Trị), tướng William Westmoreland đề nghị với bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lập phòng tuyến KANZUS, chận ngang khu phi quân sự,. KANZUS tức Korea, Australia, New Zealand và United States. Đại sứ các nước nầy tại Sài Gòn đều chấp thuận kế hoạch KANZUS, nhưng bị Washington DC bác bỏ. (William C. Westmoreland, A Soldier Reports, New York: Da Capo Press, 1989, tr. 197.)

    5) Khi mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, tháng 1-1971, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đề nghị VNCH đưa một sư đoàn tiến qua bắc vĩ tuyến 17 nhằm đánh lạc hướng CS, nhưng Hoa Kỳ từ chối. (Nguyễn Tiến Hưng và J.L. Schecter, Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C & K Promotions, Inc., tr. 75 và tr. 116.)

    6) Trong mùa hè năm 1972, BVN tràn quân qua vĩ tuyến 17, tấn công VNCH. Quân đoàn I đề nghị đánh thẳng qua sông Bến Hải, nhưng cố vấn Mỹ không đồng ý. Lo ngại Quân đoàn I có thể tự ý tiến quân ra BVN, các cố vấn Mỹ giới hạn việc tiếp vận cho Lữ đoàn 1 Kỵ binh 20 gallons xăng mỗi ngày cho một xe, đạn pháo binh chỉ được bắn 5 quả mỗi ngày cho một khẩu và ngưng tiếp tế lương khô cho Lữ đoàn. (Hà Mai Việt, Thép và Máu, Thiết giáp trong chiến tranh, Texas: 2005, tr. 103.)



    Hoa Kỳ thay đổi sách lược và lui quân:

    Trong khi cuộc chiến đang tiếp diễn, bên trong Hoa Kỳ, phong trào phản chiến nổi lên mạnh mẽ, thì vào cuối thập niên 60, người Hoa Kỳ nhận ra rằng: 1) Chiến tranh giới hạn của Hoa Kỳ ở NVN không thành công, số tử vong của quân đội Hoa Kỳ càng ngày càng cao. 2) Dựa trên quan niệm địa chính trị học (geopolitics), các chính trị gia Hoa Kỳ thấy rằng "Bắc Việt không thể tàn phá Hoa Kỳ trong vòng nửa giờ, hoặc tiêu hủy các thành phố, giết một nửa dân số, nhưng với hỏa tiễn nguyên tử, Liên Xô có thể làm được việc đó. Trung Quốc tuy chưa ngang tầm của Liên Xô vì ít võ khí nguyên tử, nhưng lại đe dọa phần còn lại của Á châu vì ý hệ chính trị cứng rắn và vì dân số đông đảo của họ… Hy sinh Nam Việt Nam mới thật là đáng giá. Còn hơn là hao phí thêm nhiều sinh mạng người Mỹ và hàng tỷ mỹ kim để chống đỡ Nam Việt Nam mà ít hy vọng thắng lợi, tại sao không thỏa thuận thua cuộc để đổi lấy sự mở cửa Trung Quốc nhắm làm yếu đi kẻ thù thực sự là Liên Xô." (Roger Warner, Shooting at the Moon, Steerforth Press, South Royalton, Vermont, 1996, tt. 333- 334, tr. 336.)

    Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11-1968, ứng cử viên Richard Nixon (Cộng Hòa) hứa sẽ chấm dứt chiến tranh, đem lại “hòa bình trong danh dự” cho Hoa Kỳ. Đắc cử và cầm quyền từ 20-1-1969, Nixon đưa ra kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, chuyển giao trách nhiệm chiến đấu cho quân đội VNCH, nhưng thực tế là Hoa Kỳ bỏ cuộc, rút quân về nước. Nixon còn tìm cách liên lạc với Trung Cộng.

    Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ lúc đó là Henry Kissinger, một người Mỹ gốc Do Thái, bí mật đến Bắc Kinh ngày 9-7-1971. Trong cuộc gặp thủ tướng Trung Cộng là Châu Ân Lai, về vấn đề Việt Nam, Kissinger cho Châu Ân Lai biết: “Chúng tôi sửa soạn rút quân hoàn toàn ra khỏi Đông Dương và ấn định ngày giờ rút quân, nếu có một cuộc ngưng bắn và phóng thích tù binh của chúng tôi. Thứ đến, chúng tôi sẽ để cho giải pháp chính trị của Nam Việt Nam tự diễn biến và phó mặc cho một mình người Việt.”(Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư tổng thống Thiệu, California: Cơ sở Hứa Chấn Minh, 2010, tr. 617.) Trong cuộc họp hôm sau, Kissinger nói thêm: “Điều chúng tôi yêu cầu là một khoảng thời gian chuyển tiếp giữa sự rút quân và diễn biến chính trị. Không phải là để chúng tôi có thể trở vào lại [Việt Nam], nhưng chúng tôi có thể để cho dân tộc Việt Nam và dân tộc các nơi khác ở Đông Dương tự quyết định lấy số phận của họ... Nếu sau khi quân đội Mỹ rút lui hoàn toàn, mà các dân tộc Đông Dương thay đổi chính quyền của họ, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp.” (Nguyễn Tiến Hưng, sđd. tr. 624.)

    Tại Đại hội đồng thứ 26 của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ không phủ quyết cuộc biểu quyết ngày 25-10-1971, theo đó Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) tức Trung Cộng được cử giữ ghế đại biểu Trung Hoa tại LHQ, thay cho Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Ghế Trung Cộng tại LHQ là ghế hội viên thường trực, có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ.

    Trong cuộc viếng thăm Trung Cộng từ 21-2-1972, tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon họp lần đầu với Châu Ân Lai, ngày 22-2-1972, đã đề cập ngay đến vấn đề Việt Nam: “Chúng tôi đã đề nghị rút hết người Hoa Kỳ, mà không để cái “đuôi” đàng sau - như cách nói của Thủ tướng - và ngưng bắn trên toàn Đông Dương, miễn là chúng tôi lấy lại được tù binh. Sau đó, chúng tôi sẽ để cho dân chúng ở đó tự quyết định.” (Nguyễn Tiến Hưng, sđd. tr. 627.) Trước khi phái đoàn Hoa Kỳ về nước, Nixon và Châu Ân Lai ký kết bản "Thông cáo chung" tại Thượng Hải (Shanghai) ngày 28-2-1972, gồm 16 điều. Quan trọng nhứt là những điều hai bên công nhận lẫn nhau, và Hoa Kỳ công nhận chỉ có một nước Trung Hoa.

    Sau khi Richard Nixon về nước, Châu Ân Lai đến Hà Nội ngày 4-3-1972, thuật lại cho giới lãnh đạo đảng Lao Động nội dung cuộc gặp gỡ giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ, báo cho BVN biết Hoa Kỳ sẽ rút quân về nước, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Trung Cộng đối với BVN. (Qiang Zhai, sđd. tr. 200.)

    Từ 19 đến 23-6-1972 Henry Kissinger qua Bắc Kinh lần nữa. Trong cuộc gặp ngày 22-6-1972, Kissinger mở lời với Châu Ân Lai rằng: “Nếu chúng tôi có thể sống với một chính phủ cộng sản ở Trung Hoa, chúng tôi phải có khả năng chấp nhận điều đó ở Đông Dương.” (Nguyễn Tiến Hưng, sđd. tt. 638-642.) Kissinger còn nói thẳng ra rằng việc CSVN xâm lăng NVN bằng võ lực có thể được chấp nhận nếu xảy ra vào một thời gian lâu đủ sau khi Hoa Kỳ rút quân. (Nguyễn Tiến Hưng, sđd. tt. 638-642.)

    Trong khi đó, Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy cuộc hòa đàm Paris giữa Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Ngày 27-1-1973, bốn bên ký Hiệp định chấn dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam). Cũng trong ngày 27-1-1973, Hoa Kỳ bãi bỏ luật động viên ở Hoa Kỳ. Sau đó, Hoa Kỳ đưa hết tù binh bị BVN cầm giữ vế nước, yên lòng dân chúng Mỹ. Phong trào phản chiến chấm dứt.

    Sau hiệp định Paris, Hoa Kỳ rút hết quân về nước. Hoa Kỳ cũng giảm thiểu gần như chấm dứt viện trợ cho VNCH. Vào tháng 2-1975, các loại đạn dược tồn kho VNCH chỉ đủ dùng trong khoảng 30 ngày. (Cao Văn Viên, sđd. tr. 92.) Trong khi cả khối CS đang dồn viện trợ cho BVN tấn công NVN, và VNCH một mình can đảm tiếp tục chiến đấu chống CS, thì bộ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ là Henry Kissinger lại trù ẻo VNCH: “Tại sao họ không chết lẹ đi cho rồi? Điều tệ nhất có thể xảy ra là họ cứ sống dai dẳng hoài.” (Lời của Henry Kissinger nói với Ron Nessen. Ron Nessen thuật lại trong sách It Sure Looks Different from the Inside, Chicago: Playboy Press, 1978, tr. 98. Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter trích dẫn, Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C & K Promotions, Inc., 1987, tr. 512.)




    Kết luận

    Do CSBVN gây chiến, nên VNCH phải chiến đấu để tự vệ. Vì yếu thế trước sức tấn công của BVN và cả khối CS, VNCH phải nhờ Hoa Kỳ giúp đỡ và viện trợ. Hoa Kỳ đến giúp VNCH theo những tính toán riêng của Hoa Kỳ trong việc ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa CS, nhứt là Trung Cộng xuống Đông Nam Á.

    Hoa Kỳ là nước tự do dân chủ. Tự do dân chủ là điều ai cũng thích, nhưng tự do dân chủ cũng có điểm bất lợi trong chiến tranh, vì chính sách thay đổi theo nhiệm kỳ của từng đời tổng thống. Tổng thống Eisenhower chủ trương cứng rắn, bảo vệ Lào để bảo vệ NVN. Kennedy mềm mỏng sau vụ Vịnh Con Heo (tháng 4-1961), ký hiệp ước trung lập Lào năm 1962, khiến cho quân BVN dễ xâm nhập vào Lào, rồi tiến xuống NVN. Johnson tăng quân, đẩy cuộc chiến lên cao độ. Nixon đưa ra Việt Nam hóa để rút quân.

    Lạ lùng là khi đưa quân vào NVN, Hoa Kỳ báo trước cho BVN. Khi rút quân, Hoa Kỳ báo cho Trung Cộng biết, thì cũng như báo trước cho BVN biết. Hoa Kỳ chủ trương chiến tranh giới hạn, đưa ra những quy tắc tham chiến, không đánh BVN bằng Bộ binh, nên không chận được nguồn tiếp tế cho CS ở NVM và không tiêu diệt được du kích CS ở NVN. Hoa Kỳ chỉ muốn làm thế nào cho CS rút quân về BVN, mà hai bên không thắng và không thua. Khi bắt tay được với Trung Cộng, thì Hoa Kỳ bỏ rơi NVN.

    Đành rằng Hoa Kỳ là một cường quốc trên thế giới, nền ngoai giao rất đa đoan, phức tạp. Chính sách của Hoa Kỳ dưới thời bất cứ tổng thống nào cũng chỉ phục vụ quyền lợi của dân chúng Hoa Kỳ, nhưng dù sao, như lời tổng thống Trần Văn Hương nói với đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin trước khi chia tay vào tháng 4-1975: “Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó.” (Trần Đông Phong, Việt Nam Cộng Hòa 10 ngày cuối cùng, California: Nxb. Nam Việt, 2006, tr. 353.)

    Chính quyền Hoa Kỳ hành động vì quyền lợi của Hoa Kỳ là chuyện hoàn toàn hợp lý với công dân Hoa Kỳ, nhưng điều nầy cần phải cân bằng với quyền lợi của đồng minh, và tránh gây tác hại cho các nước đồng minh trong cuộc. Nếu không, Hoa Kỳ có thể làm mất niềm tin nơi các đồng minh của Hoa Kỳ, chẳng những ở Đông Nam Á mà cả trên thế giới.









    04.05.2020
    Trần Gia Phụng

    https://danlambaovn.blogspot.com/2020/0 ... bai-2.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

16 tấn vàng của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa để lại, cộng sản VN đã sử dụng như thế nào?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    16 tấn vàng
    của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa để lại,
    cộng sản VN đã sử dụng như thế nào?

    __________________________________
    (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu
    tổng hợp)






    Cộng sản VN bán 16 tấn vàng của VNCH

    Sau ngày 30/4/1975 báo chí phương tây cũng như bọn bồi bút cộng sản trong nước đã đưa nhiều tin bài bịa đặt lố bịch và dối trá trắng trợn về việc nhà lãnh đạo VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã tẩu tán số vàng dự trữ 16 tấn của Miền Nam Việt Nam. Nhưng rồi cuối cùng, sau mấy chục năm, sự thật lịch sử cũng đã được làm sáng tỏ. (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu)

    Ông Huỳnh Bửu Sơn là người đã quản lý và chuyển giao số tài sản quốc gia đó cho chế độ mới. Ông Sơn thuộc nhóm lãnh đạo Nha Phát Hành, Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam và là người giữ chìa khóa hầm vàng.

    Ông Sơn cho biết, số lượng vàng có trong hầm như thế nào, thì khi được tiếp quản và chuyển giao cho Ủy Ban Quân Quản lúc đó được giao toàn vẹn không thiếu một nút vàng nào cả. Gọi là nút vàng vì ngoài những thoi vàng tính cách ra, còn có những đồng tiền cổ, những đồng tiền vàng Napoleon nhưng được buôn lậu sang Việt Nam và bị bắt dưới hình thức những cái nút cài áo. Cho nên, khi được giao lại cho Ủy Ban Quân Quản thì toàn bộ vàng trong hầm bạc của Ngân Hàng Quốc Gia VNCH bao gồm cả những đồng tiền cổ đó được giao đầy đủ hết.

    Việc giữ chìa khóa hầm bạc không phải chỉ một người mà giữ được. Tức là có hai bộ chìa khóa, một bộ thuộc về bên kiểm soát, một bộ thuộc về bên điều hành; phải có hai bộ chìa khóa đó và thêm ông Lê Minh Kiêm, người giữ mật mã của cửa ra vào hầm vàng hầm bạc đó thì mới có thể mở cửa được. (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu)

    Việc sổ sách kế toán ghi chép thời đó cũng đã rất chặt chẽ và bảo đảm vì thật ra thời đó cũng đã có hệ thống máy điện toán rồi; tất nhiên không mạnh và nhanh như hiện nay; nhưng Ngân Hàng Quốc Gia VNCH đã có sử dụng hệ thống điện toán để theo dõi tài sản đó và ghi rõ trên các bảng kê, gọi là listings. Những bảng kê đó được đối chiếu nhiều lần mỗi khi có trường hợp khẩn cấp về vàng.

    Đầu tháng 6 năm 1975, Huỳnh Bửu Sơn người giữ chìa khóa kho vàng và Lê Minh Kiêm người giữ mã số của các hầm bạc được lệnh của Ban Quân Quản Ngân Hàng Quốc Gia cùng đơn vị tiếp quản tiến hành kiểm kê các kho tiền và vàng của VNCH. (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu) Số tiền và vàng nằm trong kho khớp đúng với sổ sách từng chi tiết nhỏ.

    Ông Huỳnh Bửu Sơn kể về cuộc kiểm kê kho vàng lần cuối cùng khi bàn giao cho cộng sản: Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14 kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi chút.

    Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau…

    Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho.

    Về số phận của 16 tấn vàng của Chính Phủ VNCH đã để lại, nguyên Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước VN Lữ Minh Châu đã trả lời câu hỏi này: “Nó đã được bán ra quốc tế trong tổng số hơn 40 tấn vàng để giải quyết những vấn đề khó khăn kinh tế cấp bách của quốc gia khi đó, trong đó có miếng ăn của người dân”.

    Theo lời kể của những người trong cuộc, cho đến nay, họ vẫn còn nhớ rất rõ những thương vụ bán vàng đặc biệt này.
    (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu)




    Bán qua Liên Xô

    “Chuyến hàng đầu tiên rời Hà Nội ngày 1-12-1979, số lượng 101 hòm, nặng 4.455kg... Sau đó là những hợp đồng giao vàng tái chế, vay mượn, cầm cố bán vàng với số lượng hơn 40 tấn, thu được trên 500 triệu USD” - đó là một đoạn trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Dễ, thời điểm đó là Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Vietcombank, được ghi lại trong cuốn Lịch sử Ngân Hàng Ngoại Thương VN. (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu)

    Theo đó, sau năm 1975, VN đối mặt với vô vàn khó khăn về kinh tế nên rất cần ngoại tệ để giải quyết những nhu cầu cấp bách của quốc gia như mua lương thực, nguyên liệu, trả nợ cho các quốc gia cộng sản đàn anh trước đây đã viện trợ cho cộng sản VN có cơ hội xâm lăng và cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam ...

    Thời điểm đó, miếng ăn của người dân thiếu hụt nghiêm trọng đến mức phải ăn trực tiếp cả hạt bo bo chưa kịp xay xát, các loại lúa mì, lúa mạch phẩm chất thấp. Các lãnh đạo cộng sản VN, vốn không hề có một chút hiểu biết gì về quản lý cũng như kinh tế, nên đã phải mất rất nhiều thời gian chạy gạo cho thấy tình hình kinh tế VN sau 1975 hết sức tồi tệ và trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết ...

    Trong khi đó, các sản phẩm nông nghiệp trong nước lúc ấy cũng đã không đáp ứng nổi nhu cầu nội địa, nên bắt buộc phải tìm những nguồn lương thực quốc tế. Nhưng cho dù có mua bán ở đâu đi nữa thì rồi cũng phải trả tiền cho bên bán, và lấy ngoại tệ ở đâu ra? (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu). Giải pháp khả thi nhất lúc bấy giờ đối với cộng sản VN là bán vàng của quốc gia để lấy ngoại tệ.

    Tuy nhiên, rất ít người biết rằng thương vụ đặc biệt này hoàn toàn không hề đơn giản như nhiều người nghĩ, kể cả một số cán bộ cấp cao của cộng sản VN. Lý do là vì số lượng vàng của Chính Phủ VNCH để lại sau 30/ 04/ 1975 thì có nhưng lại là có xuất xứ của Chính Phủ VN Cộng Hòa, và nhất là khi đó lại đang trong giai đoạn VN bị Hoa Kỳ cấm vận gay gắt.

    Theo cuốn “Lịch sử Ngân Hàng Ngoại Thương” ghi lại: “Kho vàng lúc ấy như sau: ngoài số vàng không đáng kể của miền Bắc (đơn vị tạ), Ngân Hàng Nhà Nước đã tiếp nhận vàng của chính quyền Sài Gòn và vàng của các nguồn khác. Cơ cấu của kho vàng rất không “đồng bộ”: vàng thỏi của Anh mỗi thỏi nặng 12,7kg, vàng thỏi của Mỹ mỗi thỏi nặng 10kg. Các thỏi đều có mã riêng, nhãn hiệu, xuất xứ. Ngoài vàng thỏi còn có các loại vàng lá Kim Thành, các loại vàng vụn (kể cả nhẫn, vòng, kiềng)".

    "Ban đầu những người có trách nhiệm đều nghĩ đơn giản: ta có vàng, đem bán lấy ngoại tệ, việc đó đâu có khó. Nhưng ngay tại phiên giao dịch đầu tiên có tính chất thăm dò với Liên Xô, các bạn Liên Xô cho biết hàng hóa trên thị trường vàng quốc tế phải là những thỏi vàng chuẩn của Anh, Mỹ hoặc Liên Xô. Các loại vàng thỏi Anh, Mỹ... có xuất xứ tại VN không thể tiêu thụ trên thị trường vì có quá nhiều rủi ro do chính sách cấm vận của Mỹ đối với VN”.

    Vì vậy, để giải quyết vấn đề, cộng sản VN và Liên Xô đã bàn bạc, thảo luận với nhau và cuối cùng đi đến thống nhất là phải tái chế lại vàng theo tiêu chuẩn của Liên Xô, mỗi thỏi 1kg. (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu)

    Đến khoảng cuối năm 1979, theo lệnh của nhà cầm quyền cộng sản VN, Ngân Hàng Vietcombank đã ký với Liên Xô một số các hợp đồng để tái chế vàng của VNCH, vay mượn cầm cố số vàng và tiêu thụ vàng của VN trên thị trường thế giới.

    Sau đó, phía Liên Xô đã cung cấp cho VN các rương (hòm) bằng thép cứng theo tiêu chuẩn ngân hàng của họ. Tiếp theo, việc chuyên chở vàng cũng được thực hiện bằng máy bay thương mại của Liên Xô, nhưng suốt quá trình thực hiện, tất cả hoạt động đã được bảo mật tối đa để hành khách không được biết có loại hàng đặc biệt này trên máy bay.




    Những kiện hàng bí mật trên chuyến bay Aeroflot

    Theo ông Nguyễn Duy Lộ, nguyên Phó Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Vietcombank kể lại thì ông là thành viên hội đồng kiểm kê quốc gia, lo những việc trong nước như kiểm kê số lượng vàng, đóng hòm theo tiêu chuẩn và niêm phong; còn phía ông Dễ thì lo các vấn đề với phía Liên Xô. (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu)

    Số vàng từ trong kho ngân hàng được bảo mật nghiêm ngật và chở ra phi trường Nội Bài. Công việc bảo vệ số vàng rất chặt chẽ và kín đáo. Các hòm vàng được niêm phong cẩn thận, hoàn tất các thủ tục xong xuôi mới được chuyển ra máy bay của hãng hàng không Liên Xô. Ngay cả các nhân viên phi trường khi đó cũng rất ít người được biết đến loại hàng đặc biệt này trên các chuyến bay của Aeroflot.

    Sau khi các hòm vàng được đưa lên máy bay, người có nhiệm vụ trực tiếp đi theo chuyến bay của Hãng hàng không Aeroflot là ông Nguyễn Văn Dễ, lúc đó là Phó Tổng Giám Đốc Vietcombank. Ông chính là người thường xuyên đi Liên Xô bất cứ lúc nào để lo cho các cuộc đàm phán, ký kết hợp đồng giao vàng, tái chế, vay cầm cố vàng, bán vàng với phía Ngân Hàng Ngoại Thương Liên Xô.

    Khi máy bay của hãng Aeroflot hạ cánh trên đất Liên Xô, ngân hàng phía Liên Xô đã có sẵn các xe bọc thép chờ đón. Họ không cần mở các hòm vàng để kiểm đếm số lượng vàng trong đó mà chỉ niêm phong bên ngoài hòm vàng rồi lại tiếp tục chuyển số vàng về kho bảo mật.

    Tất cả là khoảng hơn 40 tấn, trong số đó có 16 tấn vàng thỏi lấy được từ Ngân Hàng Quốc Gia của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, còn lại là các loại vàng khác nhau từ những nguồn khác.

    Sau khi chuyến đầu tiên chuyển đi 4.455kg vàng trong 101 chiếc hòm thì vào ngày 1-12-1979, cộng sản VN đã gửi công hàm đến Liên Xô đề nghị vay 100 triệu USD để dự phòng thanh toán nợ đến hạn trong khi chưa có nguồn thu tài chánh nào.

    Lúc này, cũng chính ông Dễ là người được cộng sản VN ủy nhiệm ký hợp đồng vay ngoại tệ này. Phía Liên Xô đồng ý cho vay, nhưng phải theo thông lệ thương mại quốc tế vì họ cũng không có ngoại tệ dư thừa, phải huy động từ thị trường tự do.Theo đó, VN chỉ có thể được vay với điều kiện phải có thế chấp bằng chính số lượng vàng chuyển sang Liên Xô. Hiệp định vay 100 triệu USD có thế chấp bằng vàng này đã hoàn tất vào khoảng tháng 3-1980.

    Lý do cho việc VN phải vay nóng ngoại tệ gấp rút như vậy là bởi số lượng vàng chuyển sang tái chế ở Liên Xô chưa thực hiện xong và không kịp đem ra thị trường bán, trong đó có Thụy Sĩ. (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu). Trong khi đó thì các nhu cầu cấp bách của Việt Nam, bao gồm cả vấn đề thiếu thốn lương thực nghiêm trọng cho người dân đã bắt buộc cộng sản VN phải có ngoại tệ ngay để mua lương thực cứu đói.

    Thời gian đó, theo ông Dễ kể lại, hầu như tháng nào ông cũng phải bay sang Liên Xô để làm việc với phía Liên Xô. Hơn 40 tấn vàng của VN đã được chuyển đi trong nhiều đợt. Nhiệm vụ của phía VN là chỉ đảm trách bảo vệ việc vận chuyển số vàng đến khi đưa lên máy bay của Liên Xô; những công việc sau đó là thuộc trách nhiệm của phía Liên Xô.
    (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu)




    ___________

    Năm 1979, cộng sản VN đã phải chở 40 tấn vàng đi bán để giải quyết khó khăn kinh tế khi đó đã trở nên quá cấp bách và để mua gạo cứu đói. Nhưng 10 năm sau, năm 1989, VN đã phải nhập vàng về, gấp 4 lần số chở đi bán.

    Ngoài 16 tấn vàng trên, VNCH còn gửi 5,7 tấn vàng tại ngân hàng Bank fur Internationnalen Zahlung Sausgleih ở Thụy Sĩ. Sau khi đã chiếm được Miền Nam Việt Nam, bọn cộng sản đã mang 40 tấn vàng sang Liên Xô bán như vừa kể ở phần trên, và lấy 5,7 tấn vàng VNCH gửi bên Thụy Sĩ bán cho Tiệp Khắc. Năm 1995-1996, TT Hoa Kỳ Bill Clinton ký hiệp định bình thường hóa quan hệ, các khoản tiền mặt của Chính Phủ VNCH gửi ở nước ngoài đã được bọn cộng sản VN rút ngay về nước lên tới gần 400 triệu USD (những khoản tiền VNCH gửi ở nước ngoài bị Mỹ đóng băng sau sự kiên 30-4-1975).

    Như vậy là đã có tổng cộng gần 22 tấn vàng và gần 400 triệu USD (giá trị thời nay khoảng 1,6 tỷ USD) của Chính Phủ VNCH để lại sau cái ngày tang thương 30/ 04/ 1975 của Miền Nam Việt Nam.





    (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu
    tổng hợp)


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Sau 1975, CSVN cướp của người dân Việt Nam Cộng Hòa: Đánh tư sản!

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Sau 1975, CSVN cướp của người dân Việt Nam Cộng Hòa:
    Đánh tư sản!

    __________________________________
    Tú Hoa _ 1/5/2015





    I. ĐÁNH TƯ SẢN

    ĐÁNH TƯ SẢN cũng là một sự kiện chấn động lịch sử Việt Nam ngang hàng sự kiện THUYỀN NHÂN VIỆT NAM và chỉ xảy ra sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Sự kiện ĐÁNH TƯ SẢN thể hiện quyết tâm cướp bóc thẳng tay của Cộng Sản Hà Nội trực tiếp lên đầu lên cổ người dân miền Nam: Việt Nam Cộng Hòa.

    Đặc biệt, Cộng Sản Hà Nội ban hành Quyết Định mang số 111/CP vào ngày tháng 4 năm 1977 do Phạm Hùng ký chỉ đặc biệt nhằm vào việc tịch thu nhà cửa đất đai của nhân dân miền Nam một cách công khai trắng trợn như Phát Xít Đức đã từng thi hành đối với các công dân Đức gốc Do Thái vào năm 1939.

    Các đợt ĐÁNH TƯ SẢN cướp bóc người dân miền Nam được Cộng Sản Hà Nội cho ký số X1, X2 và X3.




    Đợt cướp X1 được bắt đầu vào sáng ngày 11 tháng Chín năm 1975 xảy ra khắp 17 tỉnh thành miền Nam và thành phố Sài Gòn. Đợt cướp này chủ yếu nhắm vào nhà của các cư dân thành thị, tịch thu nhà và cưỡng bức toàn bộ những nạn nhân phải đi về vùng “Kinh Tế Mới” sống đói khổ như Phát Xít Đức đã từng làm khi tống cổ người Đức gốc Do Thái vào trại tập trung.

    Đợt cướp X1 này, những người dân Việt gốc Hoa vốn đã di dân vào miền Nam Việt Nam từ cuối triều Minh, đầu triều nhà Thanh, sanh sống thành công tại miền Nam ngót nghét hơn 200 năm. Máu và nước mắt, oán hờn ngút trời cho một vùng đất hiền lành này phải chịu oan khiên, tan nát.




    Đợt cướp X2 được Cộng Sản Hà Nội tiến hành từ tháng Ba năm 1978 và được kéo dài cho đến sau “Đổi Mới”, tức là khoảng năm 1990 thì mới chấm dứt. Đợt cướp này chủ yếu nhắm vào tư thuơng, “tiểu tư sản”, các thành phần sản xuất nhỏ vốn rất đa dạng và phồn thịnh trong nền kinh tế tự do do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa khuyến khích hậu thuẫn cho quốc dân từ bấy lâu.

    Nền công nghiệp nhẹ, sản xuất đồ xài gia dụng trong nhà của Việt Nam đã hoàn toàn chính thức bị phá hũy. Người dân Việt Nam sẽ không còn thấy các sản phẩm tự hào của dân tộc như nồi nhôm hiệu Ba Cây Dừa , xà-bông (savon) hiệu cô Ba, xe hơi hiệu La Đalat, hiệu đèn trang trí Nguyễn Văn Mạnh, …etc…. Không những thế, các nhà máy nhỏ sản xuất nhu yếu phẩm như đường, bột giặt, giấy, …etc cũng bị tê liệt vì chủ nhân bị “quốc hữu hóa” và bị đẩy đi vào tù.

    Riêng tại Sài Gòn, thì báo Tuổi Trẻ đã phải thừa nhận vuốt đuôi là đã có trên 10000 tiệm bán bị đóng chỉ qua một đêm, khiến một viên thuốc trụ sinh cũng không có mà mua, mà dùng. Nhà sách Khai Trí lừng lẫy, biểu tượng của cả Sài Gòn cũng bị báo đài tại Sài Gòn lúc bấy giờ rêu rao là “tư bản chó đẻ và cần phải tịch thu”. Nhà sách Khai Trí đã từ tâm giúp đỡ biết bao văn nghệ sĩ của miền Nam, âm thầm thực hiện đường lối khai dân trí của cụ Phan Chu Trinh cho dân tộc mà nay cũng bị cướp không từ bởi Cộng Sản.

    Riêng về chỉ thị 43 của “Bộ Chính Trị” Cộng Sản Hà Nội vào tháng Năm năm 1978 đã “quốc hữu hóa” toàn bộ đất đai của nông dân miền Nam vào tay nhà nước thông qua hình thức “Tập Đoàn Sản Xuất” dẫn đến nạn đói năm 1979 ngay liền sau đó vì lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp bị sút giảm toàn diện tại miền Nam.

    Tình trạng cướp bóc của Đảng Cộng Sản Hà Nội, ở nông thôn miền Nam càng kinh khiếp và dữ dội hơn ở Sài Gòn dù không ồn ào bằng.

    Tổng số lúa mà nông dân miền Nam Đảng Cộng Sản Hà Nội đã cướp đoạt để chở ra ngoài Bắc không thông qua quy chế thu mua được loan truyền là khoảng 4 triệu tấn gạo vào đầu năm 1978 trên đài phát thanh Hà Nội khi ca ngợi thành tích ĐÁNH TƯ SẢN của các đảng bộ địa phương miền Nam. Đương nhiên, con số chính thức được các nông dân kêu ca là lớn hơn nhiều.

    Sang đến năm 1979, Võ Văn Kiệt đã phải phỉnh lừa, làm bộ giả nhân giả nghĩa loan báo thu mua lúa từ nông dân với giá cao gấp cả ngàn lần giá quy định của Nhà Nước (!) để cứu vãn tình thế bất mãn không còn dằn được nữa từ nông dân miền Nam trước những đợt cướp lúa từ năm 1977 trở đi.




    Song song với chiến dịch X2 là chiến dịch X3 đặc biệt tập trung tại Sài Gòn với một âm mưu kín đáo từ Bộ Chính Trị là trục xuất toàn bộ người Sài Gòn cũ ra khỏi nơi ở để “Bắc Kỳ hóa” thành phố Sài Gòn. Sau chiến dịch X3, hàng ngàn gia đình cán bộ miền Bắc đã vào Sài gòn sanh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu. Theo thừa nhận ngắn ngủi từ báo SGGP và báo Công An khi bàn đến vấn đề trả lại nhà cho những “đối tượng” bị đánh tư sản oan ức vào tháng 9 năm 1989, ước tính lên đến khoảng 150 ngàn người thuộc gia đình cán bộ gốc miền Bắc vào Sài Gòn sanh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu.

    Đỗ Mười, sau này là Tổng Bí Thư Đảng, lúc bấy giờ thay thế ông Nguyễn Văn Linh làm “trưởng ban cải tạo TW” Vào ngày 16 tháng Hai năm 1976 là người chỉ huy trực tiếp cuộc cướp bóc này lên đầu lên cổ người dân Sài Gòn.

    “Trong chiến dịch này, số lượng người Sài Gòn phải bị mất hết tài sản và bị cưỡng bức đi KINH TẾ MỚI là khoảng SÁU TRĂM NGÀN NGƯỜI, tạo ra một sự hoảng sợ hoang man chưa từng có trong lịch sử phát triển Sài Gòn qua các triều đại. Cuối đợt X3 , ghi nhận của Cộng Sản Hà Nội là có khoảng 950 ngàn người Sài Gòn bị cưỡng bức đi KINH TẾ MỚI, không hoàn thành chỉ tiêu đề ra là một triệu hai người!”

    Sức mạnh kinh tế Sài Gòn tự nhiên bị phá hoại đi đến kiết quệ hoàn toàn sau chiến dịch X3 do Đổ Mười trực tiếp chỉ huy. Hơn 14 NGÀN cơ sở tiểu thủ công nghiệp tại Sài Gòn rất cần cho nền kinh tế quốc dân, với khoảng 270 ngàn nhân công hoàn toàn bị cướp trắng, đóng cửa với tổng số thiệt hại tài sản trước mắt lên đế gần chín đến hai mươi mốt tỷ Mỹ kim và tiến trình phát triển công nghệ của đất nước trong tự cường hoàn toàn KHÔNG CÒN HY VỌNG để phục hồi.

    Riêng về tổng số vàng, nữ trang mà Cộng Sản Hà Nội thẳng tay cướp bÓc người dân miền Nam được các báo đài của Đảng thừa nhận lên đến 4000 lượng vàng- nhưng đây chỉ là con số tượng trựng tính riêng ở Sài Gòn từ tháng Năm năm 1977 qua tháng Hai năm 1978 mà thôi. Cộng Sản Hà Nội đã cướp cả thảy trên dưới gần 35 ngàn lượng vàng, tính luôn cả nữ trang và kim cương trong những đợt ĐÁNH TƯ SẢN cướp bóc thẳng tay lên lên đầu lên cổ nhân dân miền Nam.

    Xin được ghi chú thêm là chỉ nội vụ lừa đảo mà Đảng Cộng Sản Hà Nội tiến hành cho phép người Việt gốc Hoa ra đi bán chính thức nếu đóng khoảng 120 lượng vàng đã góp vào gần 10 ngàn lượng vàng tổng cộng.

    Trung bình , mổi người dân miền Nam nằm trong đối tượng bị ĐÁNH TƯ SẢN mất trắng khoảng 9 lượng vàng không tính đất đai , nhà cửa , phụ tùng thiết bị , đồ cổ , và các tài sản khác. Trữ lượng vàng của toàn bộ người dân miền Nam có thể lên đến 250 ngàn lượng vàng tính đến năm 1975 nhưng Cộng Sản đã không thể cướp sạch nổi do đồng bào khôn khéo giấu đi và phản kháng cũng như đem theo khi di tản.





    II. KINH TẾ MỚI:

    Tất cả những ai tại Sài Gòn bị đảng Cộng Sản Hà Nội cướp nhà , tịch thu tài sản điều phải đi về vùng “KINH TẾ MỚI”, là những nơi mà cơ sở hạ tầng cho sanh hoạt chưa được xây dựng, trong đó có cả điện nước, trường học và bệnh Xá. HƠN SÁU TRĂM NGÀN nạn nhân bị cưỡng bức qua đêm phải rời Sài Gòn để về những vùng KINH TẾ MỚI và bỏ lại hết toàn bộ tài sản của mình từ nhà ở , của cải , đồ đạc cho Đảng Cộng Sản “quản lý”.

              

    Những người bị cướp bóc, tịch thu nhà và sau đó dồn lên vùng kinh tế mới

              

    “Chỉ tiêu đề ra là phải đưa cưỡng bức khoảng gần một triệu người Sài Gòn ra các Vùng KINH TẾ MỚI và buộc họ phải bỏ hết tài sản nhà cửa lại cho Đảng Cộng Sản Hà Nội quản lý. Tổng kết từ các báo cáo thành tích cải tạo XHCN của Đảng, số người bị cưỡng bức đi Kinh Tế Mới từ Sài Gòn qua mười năm Quá Độ- ĐÁNH TƯ SẢN như sau:

    THỜI KỲ CHỈ TIÊU KẾT QUẢ THỰC HIỆN GHI CHÚ
    1976- 1979 4 triệu người 1,5 triệu người 95% là từ Sài Gòn
    1979-1984 1 triệu người 1,3 triệu người 50% là từ Sài Gòn

    Khi đến vùng “KINH TẾ MỚI” để sống tham gia các tập đoàn sản xuất hay còn gọi tắt là Hợp Tác Xã, “thành quả lao động” của các nạn nhân này được phân phối chia ra như sau:

    30% trả thuế
    25% góp cho chính phủ theo giá thu mua của nhà nước;
    15% trả lương cho cán bộ quản lý ;
    30% còn lại chia cho các thành viên tính theo số điểm thuế lao động

    Như vậy là sản phẩm nông nghiệp từ các nông trường vùng “Kinh tế Mới” đã bị Đảng tịch thu hết 70 % và chỉ còn 30% là chia lại cho các thành viên, vốn là các nạn nhân bị tịch thu nhà cửa các nạn nhân sống trong vùng “Kinh Tế Mới”.

    Thế là cả triệu người dân Sài Gòn đột nhiên lâm vào cảnh đói kém trầm trọng như là đòn trả thù hữu hiệu của chế độ Cộng Sản Hà Nội đối với những bị liệt vào thành phần không phải “Cách Mạng”, ngụy quân ngụy quyền và tiểu tư sản.

    Ước tính có khoảng 300 ngàn trẻ em bị thất học vì sống ở các vùng “Kinh Tế Mới”này. Nhân dân miền Nam- cả triệu người đang sống sung túc bổng lao vào chịu đói kém khổ sở chưa từng có. Nạn đói kém lan tràn khắp mọi nơi, mọi nhà trước thảm cảnh cướp bóc này của Cộng Sản Hà Nội.

    Hàng vạn người dân Sài Gòn đã phải bỏ trốn khỏi các vùng “Kinh Tế Mới”, đi ăn xin trên đường Về Sài Gòn, đói rách khổ sở. Đây là thời kỳ khốn khổ bi đát nhất trong lịch sử phát triển Sài Gòn!




    III. Nguyên văn toàn bộ Quyết Định 111/CP
    của Cộng Sản Hà Nội trong quyết tâm cướp bóc tài sản người dân miền Nam Việt Nam:

    Quyết định 111/CP của Cộng Sản Hà Nội là một tài liệu chứng quan trọng đối với sử học cho tội ác cướp bóc của Cộng Sản đối với nhân dân miền Nam: Việt Nam Cộng Hòa.

    Quyết định này là nguồn gốc của mọi khổ đau, nghèo khó của người dân miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 và là lý do Việt Nam bị tụt hậu về mọi mặt , đứng hàng thứ ba nghèo nhất thế giới theo tuyên bố của Liên Hiệp Quốc vào năm 1985.

    Sau đây là nguyên bản của quyết định:

    HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
    Số: 111/CP
    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

    Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 1977

    QUYẾT ĐỊNH
    CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 111/CP NGÀY 14 THÁNG 4 NĂM 1977 VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VÀ CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CHO THUÊ Ở CÁC ĐÔ THỊ CỦA CÁC TỈNH PHÍA NAM

    HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
    Tiếp theo bản tuyên bố của Chính phủ về chính sách đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam hiện nay;
    Để tăng cường quản lý nhà đất và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân ở các tỉnh phía Nam;
    Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng và của đồng chí Trưởng Ban Cải tạo Công thương nghiệp tư doanh Trung ương trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 25/2/1977;

    QUYẾT ĐỊNH
    Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị các tỉnh phía Nam.
    Điều 2.- Các đồng chí Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các đồng chí chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam có trách nhiệm thi hành quyết định này, các đồng chí Bộ trưởng các Bộ Xây dựng, Nội vụ, Ngoại giao và các đồng chí Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp tư doanh Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn các ngành, các cấp thi hành quyết định này, tuỳ theo chức năng quản lý và những vấn đề có liên quan đến ngành mình.

    CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VÀ CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CHO THUÊ Ở CÁC ĐÔ THỊ CÁC TỈNH PHÍA NAM
    MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

    Việc quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị, các tỉnh phía Nam cần đạt được mục đích, yêu cầu sau đây:
    - Xoá bỏ kinh doanh bóc lột về nhà đất; thực hiện thống nhất quản lý của Nhà nước về nhà đất ở đô thị.
    - Cải tạo đến đâu, quản lý tốt đến đó, đồng thời tiến hành quy hoạch, bố trí, sắp xếp điều chỉnh lại những khu vực sản xuất, khu vực hành chính, sự nghiệp, khu vực ở và các cơ sở phúc lợi công cộng… sao cho công bằng; hợp lý và có lợi nhất, trên tinh thần tận dụng cơ sở sẵn có, kết hợp với xây dựng mới; từng bước giải quyết chỗ làm việc cho cơ quan Nhà nước và chỗ ở cho công nhân, nhân viên và nhân dân lao động chưa có chỗ ở hoặc ở quá chật, cải thiện từng bước điều kiện nhà ở của nhân dân góp phần ổn định và phát triển sản xuất.
    - Tăng cường việc bảo quản, sửa chữa nhà cửa và từng bước cải tạo và xây dựng thành thị theo hướng xã hội chủ nghĩa.

    I. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHÀ ĐẤT, CHO THUÊ:

    1. Nhà nước quốc hữu hoá toàn bộ nhà cho thuê, không kể diện tích cho thuê nhiều hay ít của tư sản mại bản, của địa chủ, của tư sản gian thương lớn, của những người phạm tội nặng về chính trị và kinh tế của các tổ chức phản động.
    2. Nhà nước trực tiếp quản lý toàn bộ nhà cho thuê của các chủ là cá nhân, công ty, đoàn hội, tôn giáo v.v… trừ trường hợp nhân dân lao động có ít diện tích cho nhau thuê để ở hoặc cho ở nhờ.
    Tuỳ theo chất lượng, công dụng của từng ngôi nhà, tuỳ theo diện tích cho thuê nhiều hay ít, tuỳ theo thu nhập của chủ nhà cao hay thấp, Nhà nước để cho những chủ nhà là cá nhân được hưởng một phần tiền thuê nhà. Phần chủ nhà được hưởng sẽ do Bộ Xây dựng quy định cụ thể, nhiều nhất không quá 25% tiền thuê nhà.
    Riêng đối với những chủ nhà là cá nhân có ít nhà cho thuê để ở, diện tích cho thuê dưới 150 m2 ở các tỉnh, dưới 200 m2 ở thành phố Hồ Chí Minh, hoặc thu tiền cho thuê nhà (không kể tiền đặt cọc) hàng năm dưới 600 đồng ở các tỉnh và 800 đồng ở thành phố Hồ Chí Minh thì trước mắt chủ nhà vẫn được tạm thời cho thuê nhưng phải chấp hành đầy đủ những quy định thống nhất về đăng ký, hợp đồng giá cho thuê, điều lệ bảo quản sửa chữa, quyền lưu trú của người thuê.
    3. Nhà nước trực tiếp quản lý tất cả các biệt thự cho thuê (không kể diện tích nhiều hay ít) và toàn bộ diện tích nhà cho thuê không phải để ở mà để làm cửa hàng, bệnh viện, trường học (không kể diện tích cho thuê nhiều hay ít). Nhà nước trực tiếp quản lý tất cả các cư xá công và tư, không kể là cư xá cho thuê hay ở không mất tiền. Đối với những căn hộ mà người ở đã mua đứt và có giấy tờ hợp lệ thì coi như của riêng, nếu không phải là đối tượng bị tịch thu trưng thu thì người đã mua nhà được Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu.
    4. Đối với thần sĩ trí thức, gia đình có công với cách mạng có nhà cho thuê thì vận động họ hiến. Công nhân, viên chức Nhà nước và Đảng viên có nhà cho thuê hoặc đang quản lý nhà cho thuê thì giao những nhà đó cho Nhà nước quản lý.
    5. Những chủ có nhà cho thuê mà không có chỗ ở được giữ lại một diện tích để ở tương đương với bình quân diện tích chung ngoài xã hội hoặc có thể rộng hơn một ít tuỳ theo cấu trúc của ngôi nhà.
    6. Nhà nước trực tiếp quản lý toàn bộ đất cho thuê không phân biệt diện tích nhiều hay ít và nói chung không bồi hoàn, trừ trường hợp đặc biệt.
    7. Người đang thuê đất được phép sử dụng mà không được mua bán, chuyển dịch và phải tuân theo những quy định về quản lý nhà đất ở đô thị.

    II. ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT VẮNG CHỦ

    1. Tất cả những nhà, đất và tài sản vắng chủ của người Việt nam và ngoại kiều đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. Khi người chủ về, Nhà nước sẽ giải quyết với họ. Không ai được chiếm dụng, tự ý chuyển nhượng, mua bán nhà cửa, tài sản vắng chủ khi không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
    2. Nhà nước quản lý sử dụng những nhà, đất và tài sản vắng chủ cho thuê theo chính sách cải tạo nhà cho thuê.
    3. Nhà nước quản lý sử dụng những nhà, đất và tài sản vắng chủ của những người đã ra nước ngoài làm ăn buôn bán, hành nghề từ trước ngày giải phóng, khi họ trở về sẽ tuỳ từng trường hợp mà nghiên cứu giải quyết sau.
    Riêng đối với những người sau đây, khi họ trở về, Nhà nước sẽ xét từng trường hợp cụ thể mà trả lại nhà cửa, tài sản cho họ:
    a. Những người làm ăn lương thiện đi chữa bệnh, đi thăm viếng bà con, đi học ở nước ngoài.
    b. Những người đi tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến.
    c. Những người là nhân dân lao động vì hoang mang sợ hãi bỏ chạy đi các nơi trước và trong những ngày giải phóng.
    4. Những nhà, đất và tài sản mà trước khi vắng, chủ nhà đã uỷ quyền hợp pháp cho những người là con đẻ, vợ hoặc chồng hợp pháp của mình quản lý thì những người ấy được tiếp tục quản lý và phải chấp hành những chính sách quản lý nhà, đất của Nhà nước; trường hợp chưa kịp uỷ quyền hợp pháp thì Nhà nước cho phép những người là cha mẹ, con đẻ, vợ hoặc chồng hợp pháp của họ trước đây đã ở trong những nhà ấy, nay được tiếp tục ở nhưng không được bán, chuyển dịch bất động sản.
    Đối với thân nhân không phải là cha mẹ, vợ chống, con của các chủ vắng mặt mà trước đây cùng ở chung với chủ nhà, nếu nay còn ở lại thì sẽ được thu xếp cho ở một chỗ trong nhà hoặc xếp ở nơi khác.
    5. Những trường hợp xin thừa kế, xin hiến nhà, đất và tài sản vắng chủ sẽ được nghiên cứu giải quyết từng trường hợp cụ thể theo chính sách.
    6. Uỷ ban nhân dân thành phố, tỉnh thống nhất quản lý những nhà đất và tài sản vắng chủ tại địa phương.
    Cơ quan quản lý nhà đất và cơ quan tài chính chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, kiểm kê định giá, xử lý và thanh toán với chủ nhà khi họ trở về theo đúng các chính sách chế độ và thống nhất quản lý nhà đất và tài sản vắng chủ của Nhà nước.

    III. ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CỦA CÁC ĐOÀN HỘI TÔN GIÁO

    Để bảo đảm thống nhất quản lý nhà cửa, bảo đảm tôn trọng tự do tín ngưỡng và căn cứ vào các chế độ, chính sách khác của Nhà nước, việc quản lý của các đoàn, hội tôn giáo ở các tỉnh phía Nam được quy định như sau:
    1. Nhà nước bảo hộ mọi nhà thờ, chùa chiền, miếu mạc, thánh thất được thực sự và thuần tuý dùng vào việc thờ cúng hành đạo.
    2. Nhà nước tịch thu toàn bộ nhà đất của các Đoàn Hội các tổ chức không được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động.
    3. Nhà, đất của các đoàn, hội, các tổ chức khác và của các tôn giáo hiện đang cho thuê được giải quyết theo chính sách chung về nhà, đất cho thuê. Riêng đối với các nhà tập trung của các tổ chức, các tôn giáo đã cho hội viên, giáo dân của mình nhờ, hoặc ở thuê với giá rất rẻ mà không nằm trong phạm vi nơi thờ cúng, hành đạo thì Nhà nước có thể xét cấp hẳn cho người đang sử dụng.
    4. Những nhà cửa đất đai khác còn bỏ trống hoặc dùng vào mục đích không phải thờ cúng, hành đạo, thì Nhà nước vận động thuyết phục giáo dân giao cho Nhà nước dùng vào việc phục vụ lợi ích chung.

    IV. ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CỦA CÁC TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN THUỘC BỘ MÁY CAI TRỊ CỦA NGUỴ QUÂN NGUỴ QUYỀN VÀ ĐẢNG PHÁI PHẢN ĐỘNG:

    1. Mọi loại nhà cửa, đất đai trước ngày Giải phóng do chính quyền Mỹ nguỵ quản lý hoặc dành cho những tổ chức hay cá nhân, thuộc nguỵ quân nguỵ quyền và các tổ chức đảng phái phản động sử dụng, nay đều là tài sản công cộng, do Nhà nước trực tiếp quản lý.
    2. Nhà cửa, đất đai của những người sau đây đều do Nhà nước trực tiếp quản lý:
    - Sĩ quan nguỵ quân cấp từ thiếu tá trở lên.
    - Sĩ quan cảnh sát từ cấp trung uý trở lên
    - Cán bộ thuộc bộ máy cai trị của nguỵ quyền đã giữ chức vụ, từ Chủ sự phòng cơ quan Trung ương, Ty phó, Quận phó trở lên.
    - Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng.
    3. Những người có nhà cho thuê và nhà thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý, tuỳ theo chức vụ cấp bậc, quá trình hoạt động dưới thời Mỹ nguỵ và thái độ chính trị hiện nay của đương sự mà có thể chiếu cố dành cho một diện tích ở thích đáng, nếu chưa có chỗ ở.

    V. ĐỐI VỚI NHÀ ĐẤT CỦA NGOẠI KIỀU

    Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thừa nhận mọi cam kết của chính quyền Mỹ nguỵ với các nước và các tổ chức quốc tế có cơ quan ở miền Nam Việt Nam.

    Nhà nước không thừa nhận quyền sở hữu về bất động sản đã có của các nước và của ngoại kiều trên lãnh thổ Việt Nam từ trước ngày Giải phóng. Chính phủ sẽ giải quyết các vấn đề tồn tại về các loại nhà, đất này theo hướng sau đây:
    1. Quốc hữu hoá không bồi hoàn toàn bộ đất đai, nhà cho thuê của chính phủ nước ngoài và ngoại kiều. Xét trường hợp cụ thể có hình thức xử lý đích đáng; không bồi hoàn, bồi hoàn tượng trưng, bồi hoàn một phần tuỳ theo quan hệ ngoại giao giữa nước ta với nước hữu quan nếu là nhà thuộc quyền sở hữu của Nhà nước hữu quan, và tuỳ theo tính chất kinh doanh bóc lột của ngoại kiều nếu là nhà thuộc quyền sở hữu của ngoại kiều.
    2. Tịch thu toàn bộ tài sản:
    a. Của nước trực tiếp tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam.
    b. Của ngoại kiều trực tiếp phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
    c. Của nước ngoài đã được sử dụng vào mục đích của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
    3. Đối với nhà làm việc và nhà ở của các Chính phủ nước ngoài khác và của các tổ chức quốc tế thì giải quyết như sau:
    Nếu là nhà mua hoặc tự xây cất hợp pháp, căn cứ vào quy hoạch của đô thị mà có thể cho họ giữ lại một số nhà cần thiết để làm cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan nghiệp vụ được Nhà nước ta chấp nhận. Những nhà không dùng vào công việc trên thì phải nhượng lại.
    Đối với những nhà không mua hoặc xây cất không hợp pháp thì Nhà nước quản lý không bồi hoàn.
    4. Nhà của ngoại kiều:
    - Đối với những ngoại kiều được ở lại nước ta làm ăn sinh sống, có nhà tự xây dựng hợp pháp thì được thừa nhận quyền sử dụng để ở.
    - Đối với ngoại kiều được phép xuất cảnh:
    Nếu là người lao động, thì Nhà nước cho phép bán nhà mà họ đang ở hoặc tự xây cất hợp pháp.
    Nếu có cha mẹ, vợ chồng hợp pháp, con đẻ được ở lại và đã cùng ở chung một hộ thì có thể được xét cho nhận uỷ quyền quản lý.
    Đối với nhà của ngoại kiều không phải là nhân dân lao động thì trước khi xuất cảnh đều phải giao lại cho Nhà nước quản lý, và tuỳ từng trường hợp, Nhà nước sẽ không bồi hoàn, bồi hoàn tượng trưng, hoặc bồi hoàn một phần.

    HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
    PHÓ THỦ TƯỚNG
    (Đã ký)
    Phạm Hùng


    “Điều IV của QĐ 111/CP” đã cho thấy rõ gia đình và thân nhân của các anh em Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải chịu mất nhà mất cửa rất thê thảm. Mọi quy chụp là “phản động” hay “Ngụy quân, Ngụy quyền “ thì coi như là bị tịch thu nhà cửa.

    Dòng chữ cuối cùng của khoản 2 điều IV của QĐ 111/CP có ghi rõ là nhà cửa đất đai của các thành phần sau đây bị tịch thu:

    “Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng.”

    Bởi không có định nghĩa rõ ràng thế nào là thành phần ác ôn nên các viên chức cán bộ Cộng Sản tha hồ kết tội thuờng dân vô tôi vạ là thành phần ác ôn của “Ngụy quyền” để tư lợi cướp bóc nhà cửa cho riêng mình, không cần tòa án nào xét xử cả. Ai ai cũng có thể là điệp viên CIA, hay là có lý lịch ba đời liên quan đến Ngụy quân, và điều có tư tưởng phản động và cần phải tịch thu nhà cửa dựa trên điều khoản này của Q Đ 111/CP.

    Không khí hoảng sợ , đau thuơng oán hận lan tràn khắp cả miền Nam.





    IV. Hậu quả ĐÁNH TƯ SẢN của Cộng Sản Hà Nội:

    Theo các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về kinh tế, Việt Nam tụt hậu hơn 50 năm về kinh tế vì các chính sách đánh tư sản này của Cộng Sản Hà Nội lên đầu người dân miền Nam. Việt Nam là quốc gia nghèo đứng hàng thứ ba trên thế giới vào năm 1985.

    Cho đến giờ phút này , người dân Việt Nam vẫn chưa thực sự có quyền TƯ HỮU mà chỉ có quyền SỬ DỤNG, nghĩa là thảm họa bị ĐÁNH TƯ SẢN trong quá khứ vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân Việt Nam bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra chiếu theo luật pháp hiện hành của Cộng Sản Hà Nội.

    Kinh tế của Việt Nam mãi đến năm 1997 mới thực sự khắc phục được một phần hâu quả của 10 năm Quá Độ, ĐÁNH TƯ SẢN mang đầy cướp bóc ngu xuẫn do Cộng Sản Hà Nội tiến hành từ năm 1976 đến năm 1987.

    Từ năm 1987 đến năm 1997, Hoa Kỳ đã nhắm mắt làm ngơ cho những người Việt di tản hay Vượt Biên định cư tại Mỹ gởi tiền hàng ồ ạt về cứu đói thân nhân mình và vực dậy sự sinh động về kinh tế vốn có ngày nào của miền Nam.Tổng số ngoại tệ gởi về lên đến 8 đến 15 tỷ Mỹ kim mỗi năm trong suốt 10 năm đó.

    Sang đến năm 1989, báo SGGP từ hào Sài Gòn chịu 90 % ngân sách của cả nước và bắt đầu tiến hành trả lại nhà cho một số nạn nhân bao năm trời khổ ải đói rách, cũng như bắt đầu bàn tới vấn đề cho phép các Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa được bán nhà vốn hầu hết đã bị tịch thu nếu ra đi theo chương trình HO-Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân “trung tâm cải tạo”)

    Chỉ số nghèo đói của Việt Nam đứng hàng thứ ba trên thế giới và chỉ mới có những tiến bộ “cải thiện” mà thôi trong dạo gần đây khi World Bank và USAID tăng tốc trợ giúp.

    Mọi tài liệu, hình ảnh ca ngợi “ĐÁNH TƯ SẢN” từ các báo chí đài phát thanh của Đảng Cộng sản cũng bị dẹp dần đi.

    Đảng Cộng Sản Hà Nội tới ngày nay vẫn chưa chính thức xin lỗi hai mươi mốt triệu người dân miền Nam về hành động cướp bóc phi pháp này.







    Ngày 1/5/2015
    Tú Hoa

    http://saigonecho.com/index.php/lich-su ... anh-tu-san
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Lập Bia Mộ Thuyền Nhân Trên Đảo Kra

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          







          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Csvn Đánh Chìm Tàu Chi Mai Để Cướp Của

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Csvn Đánh Chìm Tàu Chi Mai Để Cướp Của
    __________________________________
    TT Tàu CSG-92 _ 15/03/2009




    *

    May mắn cho tôi là khi vượt biên vô cùng thuận buồm xuôi gió, nhưng ngược lại, tôi là chứng nhân cuả một vụ cướp của giết người thật là rùng rợn do bọn cộng sản Việt Nam thực hiện vào năm 1977 tại căn cứ Hải quân Cát Lái cũ cuả QLVNCH.

    Lúc bấy giờ tôi làm công nhân cho thuỷ đội Cảng Sàigòn, trên chiếc tàu kéo CSG 92 (Soài Rạp). Vào khoảng tháng 1 năm 1977 tàu chúng tôi chạy lên con sông Sàigòn tới phía sau nhà máy nhiệt điện Thủ Đức và kéo chiếc tàu tên là Chi Mai về Kinh Tân Thuận (kinh đôi) để cơ xưởng cảng Sàigòn gắn thêm một số máy phụ như máy charge gió (air compressor), máy bơm nước lườn, cũng như gắn thêm một số ống gió thông hơi từ boong tàu xuống tận 3 tầng dưới hầm máy. Tôi thấy cách thiết kế vô cùng lạ mắt và không có một chút gì là an toàn cho việc vận hành, cũng như an toàn thoát hiểm tối thiểu cho một con tàu di chuyển trên sông nước. Tôi có hỏi chú sáu Bền người công nhân đầu não của xưởng nầy về việc lạ lùng này thì chú trả lời rằng: "Chú đâu biết gì đâu. Nghe nói rằng thành uỷ thuê xưởng sửa chữa làm một số việc và nhà nước đôi bên thanh toán cho nhau. Chú chỉ là lính lác nên đâu biết gì việc cuả họ".

    Con tàu nầy có máy chính hiệu của Đức chế tạo, công suất 900 horse power. Con tàu nầy dài khoảng chừng 22m rộng 5, 5 mét, chiều sâu tính từ mớm nước khoảng 3, 3 mét, nhưng nếu tính từ trên mặt boong (deck) khoảng 5 mét là cùng. Khi tàu nầy gần ra khỏi ụ sửa chữa nó được hàn thêm một số miếng sắt chữ V loại 6mm làm một boong giả thêm nữa, cao hơn mặt boong khoảng 1.70 mét.

    Bấy giờ những người Hoa kiều trong Chợ Lớn thường tấp nập vào tầu nầy xem xét cúng bái và họ thường mang trái cây hoặc thịt thà qua biếu cho chúng tôi ăn. Sau vài lần họ muốn thuê chú hai Lâm Văn Tới làm máy trưởng cho tàu nầy. Họ nói dối rằng đấy là tàu khách chạy từ sài Gòn đi Cần Thơ. Nhưng chú khước từ, vì tàu CSG 62 cuả chú cũng sửa chữa sắp xong để hoạt động kéo xà lan nước đi Vũng Tàu cung cấp cho các tàu chiến cũng như đánh cá đang neo tại vùng cảng ấy. Sau họ bảo thật là đi vượt biên chính thức và sẵn lòng chi 15 lượng vàng và cho hết 6 người trong gia đình chú đi luôn không phải trả một xu nào cả, nhưng chú vẫn khước từ.

    Sau đó tôi thấy tên Út Lương tên thật là Lương Văn Út thuyền trưởng tàu khách An Giang chạy từ Tân Châu -Long Xuyên -Sài Gòn và ngược lại, nhận lời. Tên Út nầy là Việt kiều Kampuchia hồi hương về VN năm 69 hay 70 gì đó. Năm đó là năm Quân Lực VNCH hành quân vô Kampuchia tấn công và san bằng cục R cuả VC và cứu vớt Việt kiều khỏi bị bọn Lon Nol và Khmer Đỏ cáp duồn thả trôi sông Cửu Long về Việt Nam.

    Út Lương có nước da sậm nâu, gần giống như Miên. Không hiểu hắn xoay ở đâu ra bằng Tài Công hạng nhất của Bộ giao thông và Bưu điện cấp cho hắn. Bằng màu đỏ hẳn hòi, còn mới cứng, chứ thằng nầy nó dốt như Hồ Chí Minh, tiếng Tây thì quẹt quẹt, tiếng Miên thì good, tiếng Việt và tiếng Tàu thì cũng khá khá, nhưng về hải nghiệp nó là con zéro to tướng. Nội việc khử từ trường cho hải bàn khi tàu sửa chữa, hay trang bị thêm chi tiết nó cũng không biết, làm floating radar, hoặc tâm phương qua tín hiệu kiểm báo nó cũng mù tịt, thì nói chi đến tính toán sai biệt trục địa cầu hàng năm để cộng thêm vào hướng đi, hoặc trừ bớt cho đúng với hướng thật sự muốn đi. Nhưng hắn vẫn nhận trách nhiệm đưa tàu đến Cát Lái.

    Giờ đây tôi không chắc nhớ rõ ngày tháng sự vụ xảy ra, tôi chỉ nhớ lúc ấy trời nắng gắt lắm khoảng tháng 4 hay 5 gì đấy, bấy giờ tôi kéo xà lan chở nước xuống kho dầu Shell ở Nhà Bè bơm cho tàu dầu Hasukha của Liên Xô, và sau đó kéo ủi yểm trở cho hoa tiêu đưa tàu vào cặp cảng kho Esso Nhà Bè. Việc xong xuôi, tôi cặp xà lan nước đã giao hàng xong, kéo về lại cảng Sàigòn. Nhưng khi tàu sắp quanh vào khúc đèn xanh đỏ của sông Sàigòn, thì tôi thấy người trôi nổi lặn hụp bơi ngửa, bơi xấp đủ kiểu hết. Họ có áo phao bằng styro foam hoặc bằng túi hơi như loại hàng không phát cho hành khách. Cũng có người ôm bẹ dừa nước thả ngửa trên sông.

    Tôi co giảm vận tốc tàu lại và yêu cầu anh em thuỷ thủ ở tàu kéo cũng như xà lan thả các thang dây trên tàu và xà lan xuống tận mé nước đồng thời lấy các phao tròn cột dây vào quăng ra cho họ bám vào để kéo họ lên các thang dây của tàu và xà lan.

    Lúc bấy giờ là nước ròng chảy ra biển, và ngay chỗ nầy là mối tiếp giáp giữa 3 con sông Nhà Bè, Sàigòn và Đồng Nai nên mực nước luôn chảy nghịch lẫn nhau tạo thành dòng nước xoáy. Tôi sợ nạn nhân có thể bị lót lườn tàu và xà lan, vướng vào chân vịt, nếu họ luýnh quýnh và không hiểu biết. Vì vậy tôi chỉ để số vòng quay của chân vịt đủ mức cho tàu đứng yên một chỗ để đón cứu họ.

    Lúc bấy giờ các ghe đóng đáy giàn xây (dòng xoay) tại ngã ba của ba con sông cũng túa ra cứu giúp họ. Khi đó, trên tàu và xà lan của chúng tôi đã cứu được 18 người. Bỗng phía bên sông Nhà Bè (Rạch Bảy) có nhiều tiếng súng nổ chát chúa và canô công an VC tuần tra trên sông từ hướng nhà máy dầu Vinaoil cũng như trên Cát Lái chạy đổ xuống, xuôi theo dòng chảy, chúng bắn vào nạn nhân bơi trên sông không một chút thương tiếc, và đuổi theo bắn tận nhà máy Silico gần đến vàm sông Phú Xuân, nơi có căn cứ của bộ đội biên phòng đóng giữ.

    Riêng tàu của chúng tôi bị một tầu tuần tiễu có khoảng 6 công an nhảy lên bắt những nạn nhân này trói lại bằng dây ở những chiếc phao họ mang trên người, rồi đẩy họ té xuống tàu tuần cảnh, thấp hơn mặt boong xà lan ít nhất 2 mét. Khi không còn chỗ chứa các nạn nhân, chúng xô họ trở lại dòng sông lúc đó đang chảy xiết. Tôi la lên cản ngăn chúng, nhưng chúng bắt tôi vào trong phòng lái tàu và yêu cầu tôi chạy về cầu bến phá Cát Lái. Trên đoạn đường không đầy 2 cây số này tôi thấy vô số các túi sách may bằng nhựa simili và giỏ đệm trôi bồng bềnh trên mặt nước. Chúng ra lệnh cho tàu chạy chậm lại và dùng vợt chúng tôi thường dùng để vớt lon nhôm thực phẩm hoặc thức uống của tàu ngoại quốc thường vứt bỏ trôi nổi trên sông Sàigòn, để vớt những chiếc giỏ căng phồng này. Chúng tranh nhau mở ra lục lọi lấy vàng, đô la, đồng hồ... rồi chia chác nhau ngay tại chỗ.

    Vì phải chạy chậm để tụi công an vớt những chiếc giỏ trên mặt sông nên 2 giờ sau, tàu chúng tôi mới cặp được bến phà Cát Lái trong khi đoạn đường không đến 2 cây số mà vận tốc bình thường của tầu tôi là 16 hải lý giờ (khoảng 25 cây số giờ).

    Khi tàu vừa cập bến, tụi công an bắt chúng tôi lên bờ, lục soát trên tàu, xà lan và khám xét thân thể của chúng tôi. Đến khoảng 10 giờ tối thì tên đại tá công an trưởng phòng cứu hỏa đến hỏi chúng tôi có thấy điều gì hay không, có muốn khiếu nại gì không" Chúng tôi dư hiểu chúng muốn gì, nên ai cũng phải lắc đầu, "thưa không nghe, không thấy, không biết cũng như không khiếu nại điều gì". Chúng tôi chỉ xin chúng báo cáo về đội an ninh bảo vệ của bến cảng Sàigòn là tàu chúng tôi bị vướng lưới nên phải lặn gỡ, vì vậy về trễ. Chúng bằng lòng gọi phôn giúp cho việc ấy. Khi chúng tôi được thả trở lại tàu, trên bến phá, tụi công an đã cho lập vòng rào an ninh cấm tất cả nhân dân cùng những người không có trách nhiệm lui tới khu vực ấy. Vòng đai này được kéo bằng kẽm concertina, phía trong ở giữa bến phá chúng dùng nhưng manh cót quây tròn lại, che kín những xác người nằm ngổn ngang ít nhất là 150 người. Những xác người được xếp dài khaỏng 30 mét nằm kế bên nhau như cá trong hộp thành 3 hàng. Còn các túi hành lý được chất ngay lên xe truck cuả công an mà loại này trước năm 1975 dùng để tịch thu báo chí khi báo chí có nội dung xuyên tạc vu khống chính phủ VNCH, để làm lợi cho cộng sản.

    Sau đó hai ngày, đội thủy của cảng Sàigòn được lệnh điều động tàu của chúng tôi kéo cần cẩu 100 tấn (có sức mạnh kéo nổi 100 tấn). Cần cẩu nầy nguyên là của quân vận Mỹ bàn giao lại cho chính phủ VNCH, và sau chuyển lại cho cảng Sàigòn xử dụng. Chúng tôi kéo cần cẩu nổi này ra đến Cát Lái khoảng 10 giờ sáng và người nhái công an (Bắc Kỳ) lặn xuống choàng dây cáp 16 mm qua tàu Chi Mai để cho cần cẩu trục lên. Nhưng không biết loay hoay như thế nào đó họ làm mãi không xong, và phải xin toán người nhái của cảng Sàigòn đến giúp đỡ. Toán người nhái ốm đói nầy vốn là những công nhân trên 45 tuổi trước 1975 thuộc Ty Cảng Vụ cảng Sàigòn, có nhiệm vụ lặn kiểm tra các đế phao neo (con rùa) trên sông Sàigòn, cùng như kiểm tra chân đế cầu tàu trong cảng Sàigòn. Nhờ toán người nhái của Sàigòn trước 1975 , công việc trôi chảy, tôi nổ máy đẩy cần cẩu nổi ra xa, để neo căng cả 4 phiá và kéo tàu Chi Mai lên....

    Khi dây cáp được kéo lên chưa được 3 mét, từ dưới mặt nước nổi vọt lên những xác người như nhưng trái ngư lôi vừa thoát khỏi bệ phóng. Máu từ mũi tai cuả họ trào ra trông thật thảm khốc. Chú hai Giỏi, cần cẩu trưởng, người to như cảnh sát motor cycle của Mỹ, cũng phải rụng rời tay chân không thể tiếp tục giữ cần LIFT và dừng tay lại ngay vị trí nầy. Bọn công an trên cầu phà bụm tay lại làm loa ra lệnh kéo tiếp nên anh Sanh phải nhảy lên phòng điều khiển thay thế chu hai Giỏi...

    Dây được kéo lên từ từ thật chậm từng tấc cáp mỗi lần chuyển dịch, xác người tiếp tục vọt nổi lên, Tôi không nhớ rõ lắm vì cảm giác đã chết cứng tê dại, mắt mở nhưng hình như không còn biết gì cả. Vì đấy là xác người vô tội bị VC xua đuổi, hoặc lừa đảo, nên họ phải trốn ra nước ngoài. Họ là những người giàu có, có nhà cửa khang trang, cơ sở máy móc sản xuất, mà bọn công sản Bắc Kỳ xâm lược đang thèm thuồng muốn chiếm lấy làm cuả riêng, nên đã lừa họ mang của cải xuống tàu rồi tìm cách giết họ để chiếm đoạt của cải.

    Khi tàu nhô cột cờ lên khỏi mặt nước, một thảm cảnh mà suốt 16 năm sống xuôi ngược trên các dòng sông cuả VN, bờ duyên hải VN và Philippines tôi chưa bao giờ trông thấy cảnh tượng như thế. Qúy vị à! Một phụ nữ tay ôm chặt đứa bé gái khoảng một tuổi đã sình chương cuộn tròn như một quày dừa non. Chiếc áo Badesuite bằng thứ vải nylon dầy chắc vướng vào các móc dùng để móc cờ hiệu của tàu hoặc tín hiệu. Trên mặt của nạn nhân bị tôm cá rỉa mất gần hết một bên mặt....

    Tàu Chi Mai tiếp tục được kéo lên, trên mặt boong không còn gì tồn đọng. Trong cabin lái, xác hai cô gái trẻ ôm nhau chết cứng. Tàu Chi Mai tiếp tục được đưa lên cao, nước tràn ra từ các lỗ hublots (lỗ có kính tròn để cho thuỷ thủ có thể quan sát bên ngoài hay mở ra để nhận lấy gió khi những ngày biển êm gió lặng). Nước chảy tràn ra cho thấy bên trong, xác người dằn xẹp xuống như cá được đóng vào hộp vậy....

    Cuối cùng tàu Chi Mai được đặt trên boong cần cẩu 100 tấn, sau khi các kè được chêm chặt hai bên hông tàu Chi Mai. Chúng tôi thấy bên hông phía tay phải của tàu Chi Mai có một lỗ thủng to hình dạng tròn méo mó phần phía trước của lổ thủng bị tét ép vào phía trong thân tàu chứng tỏ khối thuốc nổ được đặt từ bên ngoài. Xác người bên trong chắc phải còn đủ cả vì lỗ thủng nầy, xác người không thể trôi ra được, vì tàu bị chìm nghiêng về phía nầy, bùn non và đất sét còn bám chặt cả một bên thân tàu.

    Xác nguời được đưa ra khỏi tàu Chi Mai đưa lên bến phà Cát Lái lập tức các túi hành lý bị tụi công an VC tịch thu đem lên xe cây ngay lập tức, không có thân nhân hay bất cứ ai léo hánh ở khu vực nầy. Chỉ huy bốc dỡ các tử thi nầy là Đại tá VC Đinh Mười, truởng phòng cảnh sát phòng cháy chửa cháy thành phố Sàigòn; và một tên đại tá khác của phòng cảnh sát trên sông. Lúc bấy giờ bí thư thành uỷ là Võ Văn Kiệt.

    Tổng cộng xác chết được đem ra là 426 xác cả nam lẫn nữ. Tôi đã không dám ăn thịt cá tôm cua hơn nửa năm trời mặc dù lúc bấy giờ công nhân kỹ thuật thuộc tổng cục đường biển như tôi mỗi tháng chỉ mua được 2 kí thịt heo cho nhu yếu phẩm mà thôi.

    Thằng Lương Văn Út tài công chiếc tàu Chi Mai còn sống nhăn răng tại Sài Gòn. Sau vụ nổ tàu Chi Mai, Cộng Sản không có cách gì che giấu được, vì hơn 170 hành khách nhà nghèo loại đóng 5 cây vàng cho một đầu người, phải chịu cảnh đứng ngồi như cá hộp. Họ hiểu đi tàu trong hoàn cảnh đó sẽ bị ướt lạnh khi trời mưa giông, vì cả hai thứ nước mưa và nước sóng biển. Họ chắc chắn hiểu được thân phận, và những rủi ro có thể mang đến cho họ khi bị say sóng, hoặc sóng to chụp phủ lên tàu có thể cuốn họ xuống biển, nên họ chịu rất nhiều tổn phí để kiếm mua phao vì thời ấy của đó là hàng quốc cấm, không có chợ nào được bày bán cả. Ngay cả như tôi, thuyền trưởng tàu kéo cấp ba (có công suất trên 1200 mã lực) là loại chỉ đếm trên đầu ngón tay vào năm 1989, vẫn không có áo phao cho cá nhân của mình nửa đó. Chỉ cấp loại xốp bình cà rem (Styro foam) nhét vào áo khỉ (monkey vest) như áo bộ đội mang băng đạn AK vậy, nhưng vẫn phải ghi tên và chức vụ bằng nước sơn đỏ, và điều nầy phòng vật tư của Công Ty làm sẵn phát cho tàu, nếu bị mất phải làm báo cáo và kiểm điểm như mất súng vậy.

    Chính các phao nầy đã giúp cho hầu hết những nguời trên boong nầy thóat ra khỏi tàu Chi Mai ngay lúc nó nghiêng chìm. Chỉ có những người thông thuộc với sông nước nên ỷ lại không mặc vào, có thể bị chết, hoặc thoát, hay tù sau vụ chìm nầy. Điều tôi nói đây có kiểm chứng, vì 4 ngày sau đó, những xác chết trôi nổi trên sông Nhà Bè, Phú Xuân, Soài Rạp, Lòng Tàu, cũng như trôi dạt vào những miệng đáy đóng trên sông để bắt tôm cá. Người dân đã báo cho chính quyền đem đi mai táng hoặc trả xác lại cho thân nhân.

    Còn cảnh công an VC bắn vào người vượt biên hôm đó, chính mắt những người đóng đáy thấy, thủy thủ tàu CSG 92 và xà lan 64 thấy, công nhân nhà máy Vinaoil và những cư dân trên bờ sông nhà bè phía đèn xanh đều thấy hết. Chưa hết đâu! Những người đi "đăng ký", tập trung tại bến xe Văn Thánh ngoài ngã ba Hàng Xanh để cho xe bus đưa vào bên phà Cát Lái, nhưng còn hai xe bus chót chưa vào tơi bến phà Cát Lái thì mìn đã nổ. Không biết rằng vì xe bus đến chậm hay thằng công an tay nghề quá zỏm, gài kim định giờ không chính xác"! Điều nầy từng xảy ra trong thời chiến qua các vụ đặc công VC đánh các cầu Bình Triệu, Bình Lợi, Tân Cảng... Đặc công VC ôm mìn lội ven sông để gài giật xập cầu, nhưng lội chưa tới nơi thì mìn phát nổ. Báo chí phổ biến tin tức, lính địa phương quân giữ cầu đèu biết chuyện nầy!

    Việc Cộng sản bắn chết người thường dân vô tội đâu có phải là điều hiếm hoi ở trong thời chiến cũng như thời bình. Hơn nữa VC đã dán bản cáo trạng khắp hai miền đất nước rằng "VƯỢT BIÊN LÀ PHẢN QUỐC". Vì vậy chúng sợ ai không dám bắn"! Hơn nữa VC bắn để cướp của, vì người bị chúng bắn là thành phần tư bản, bị VC ghép vào tội phản quốc bóc lột.

    Còn 2 chiếc xe bus chở người vượt biên đến sau, khi thấy tàu Chi Mai bị phát nổ, bọn công an liền ra lệnh cho quay đầu lên hướng nhà tù Thủ Đức tạm trú qua đêm và sáng hôm sau chở thẳng lên Bù Đóp nhốt cho đến gần 4 tháng. Sau đó, chúng đưa xuống cù lao Rồng ở Mỹ Tho cho đi bán chính thức, với điều kiện thêm 3 cây một đầu người.

    Ngoài ra, còn vụ cho chìm tàu khách Vũng Tàu tại ngã ba Thiềng Liềng năm 1979 để cướp tiền cướp của nữa. Vụ này VC bán bãi xong, trở giọng lật lọng bắt khách ra đi đa số là Bắc di cư năm 1954 và giáo dân ở giáo xứ Tân Định, Bà Chiểu, trong đó có con của nhạc sĩ Lê Văn Thiện, hòa âm cho ban nhạc Shotgun của ca sĩ Thanh Thuý.






    https://vietbao.com/a103524/chuyen-ke-h ... e-cuop-cua
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Cái Bóng Cuộc Chiến Và Món Nợ 45 Năm

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Cái Bóng Cuộc Chiến
    Và Món Nợ 45 Năm

    __________________________________
    Phạm Tín An Ninh _ 26-04-2020






    Đã kết thúc đúng 45 năm, nhưng cái bóng của cuộc chiến ấy dường như vẫn luôn bám theo đằng sau, nhiều lúc muốn chụp phủ lấy tôi như bóng ma, một thứ “bóng đè”, làm tôi muốn ngộp thở.

    Từ giã học đường, tôi vào lính khi còn rất trẻ. Cũng không hẳn vì thích đời binh nghiệp, nhưng ý thức trách nhiệm làm trai trong lúc đất nước đang trong khói lửa chiến tranh, nhìn quanh bạn bè thân quen đều lần lượt nhập ngũ, và gần như con đường nào rồi cuối cùng cũng dẫn tới cổng một quân trường, nên đúng như lời một bài hát cũ, “năm 21 tuổi tôi đi vào quân đội mà lòng chưa hề yêu ai”.

    Ra trường, được bổ nhậm về một đơn vị tác chiến lưu động. Trải qua nhiều chức vụ, tôi cũng chẳng phải là một cấp chỉ huy đảm lược, những chiến công hầu hết là nhờ vào máu xương của anh em binh sĩ. Không nhớ tôi đã hướng dẫn họ được những gì, nhưng chắc chắn tôi đã học được ở họ sự trung thành, lòng can đảm và nhiều kinh nghiệm chiến trường. Trong hơn mười năm chiến trận, tôi từng được thăng cấp đặc cách ngoài mặt trận và nhận một số huy chuơng tưởng thưởng. Nhiều lúc trầm tư, tôi phân vân không hiểu đó có phải thực sự là công trạng của mình, khi hình dung đến khá nhiều khuôn mặt đồng đội dưới quyền đã hy sinh, trong lúc mình vẫn đang còn sống? Tôi không bao giờ quên được những ánh mắt của họ đã nhìn tôi trước khi trút hơi thở cuối cùng. Không biết họ muốn trăng trối, gởi gấm hay oán trách điều gì. Tôi thường giành phần để được vuốt mắt họ khi tình hình có thể, như muốn thay một lời tạ lỗi, ít nhất là đã không bảo vệ được họ. Lời người xưa bao giờ cũng đúng “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Tôi không hề dám mơ tưởng đến chuyện làm tướng bao giờ, nhưng dù chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ, tôi cũng đã mắc nợ khá nhiều xương máu của đồng đội anh em, mà chắc chắn sẽ không bao giờ còn trả được.

    Phục vụ trong một đơn vị Bộ Binh bình thường, nhưng chúng tôi chưa hề một lần bại trận. Ngay cả những trận chiến gay go, đẫm máu nhất, với lực lượng địch đông gấp nhiều lần và vũ khí tối tân hơn, chúng tôi vẫn chiến thắng vẻ vang, như trận phản phục kích trên QL-20 gần Di Linh (Lâm Đồng), trận chiến Tết Mậu Thân 1968 tại Phan Thiết, trận phản công tiêu diệt một lực lượng biển người của địch tại Bu-Prang (Quảng Đức) và đặc biệt nhất là trận chiến Kontum mùa Hè 1972. Vậy mà cuối cùng chúng tôi bỗng dưng trở thành những người bại trận. Bi thảm và tủi nhục hơn là dù có gãy súng, buông súng hay không, chúng tôi cũng thuộc về phía “đầu hàng” theo lệnh của ông tướng mới lên làm tổng thống ba ngày, nhân danh Tổng Tư Lệnh. Sau này, có người bảo ông làm đến đại tướng mà ngây thơ, nghe theo lời dụ dỗ, móc nối của ai đó và một người em ở phía bên kia, tin Cộng sản sẽ thành lập “chính phủ ba thành phần”. Có người lại bảo ông giành chức tổng thống chỉ để làm một điều duy nhất – đầu hàng. Cũng có người bênh vực, bảo nhờ ông đầu hàng nên tránh được một cuộc tắm máu, và có đủ thời gian cho một số người kịp chạy đến Subic Bay hay đảo Guam, sang Mỹ sớm. Là một thằng lính năm tháng ở trong rừng núi, ngộp thở với bao nhiêu thứ lệnh lạc trên chiến trường, tôi không biết gì về chính trị, nhất là các biến cố dồn dập, hỗn độn trong những ngày cuối cùng tại thủ đô Sài gòn, nhưng tôi cảm thấy “nhục!”

    Trong chiến tranh, thắng bại dù sao cũng là lẽ thường tình. Cuộc nội chiến Mỹ 1861-1865, Nam quân đã đầu hàng Bắc quân, và trong Đệ Nhị Thế Chiến, nước Nhật hùng mạnh đã phải đầu hàng quân đội Đồng Minh, sau khi hai quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki. Kẻ chiến thắng đã hành xử văn minh, nhân bản như thế nào, cho dù các cuộc chiến ấy cũng vô cùng tàn khốc, cướp đi rất nhiều sinh mệnh của hai bên – cả dân lẫn lính. Nhưng cuộc bại trận của chúng tôi sao mà phẫn uất và đau đớn quá. Bị đồng minh phản bội, bỏ rơi trong đành đoạn, tức tưởi. Thua một kẻ địch không đáng để thua. Và một chế độ tự do nhân bản, văn minh, phồn thịnh lại phải đầu hàng một chế độ man rợ, nghèo nàn, lạc hậu. (Có lẽ trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa từng có những người lính nào ở phe thắng trận lại ngồi khóc ở vệ đường trên phần đất vừa mới chiếm được – như trường hợp nhà văn bộ đội Dương Thu Hương và có thể còn nhiều người khác nữa– bởi nhận ra mình bị lừa dối, uổng phí cả một thời trai trẻ để đi “giải phóng” một đất nước tự do, văn minh, giàu có, hạnh phúc gấp vạn lần xứ sở của mình.)

    Điều đau lòng và đáng tủi nhục hơn là thua quá nhanh. Hai cuộc triệt thoái sai lầm tệ hại, từ Pleiku theo Tỉnh Lộ 7B của Quân Đoàn II và từ bờ biển Thuận An của Quân Đoàn I, dự trù theo đường biển, đã thất bại quá nặng nề bi thảm, không những làm mất hai quân đoàn ở những tuyến đầu cùng cả một sư đoàn tổng trừ bị tinh nhuệ, mà quan trọng hơn, làm mất tinh thần và niềm tin chiến đấu cho quân, dân cả nước. Điều đau đớn và tội nghiệp nhất của người lính chiến là khi họ không còn niềm tin vào cấp chỉ huy, lãnh đạo của mình. Đánh giặc mà không có hậu phương, không còn được tiếp tế, không có viện binh, có nơi không có cả cấp chỉ huy, và nhất là không biết cắt bỏ đất đến đâu, thì trận đánh đó trở thành bi thảm, niềm tin chiến thắng trở nên rất mong manh, vô vọng, người lính nếu còn chiến đấu chỉ vì tình đồng đội và tự vệ cho sự sống còn của chính cá nhân mình.

    Mặc dù ghi được hai điểm son cuối cùng trong quân sử (– Tại Ban Mê Thuột, chỉ một tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung Đoàn 53 được tăng cường hai Trung Đội PB 105 ly và một Đại Đội Trinh Sát, dưới sự chỉ huy của Trung Tá Võ Ân, quyết tử thủ tại căn cứ B50 bên phi trường Phụng Dực, đã dũng cảm chống trả một lực lượng hùng hậu của địch, với quân số gấp 5, 7 lần cùng nhiều chiến xa T-54, bao vây đúng một tuần sau khi cả thành phố Ban Mê Thuột đã thất thủ, tiêu diệt nhiều đơn vị, chiến xa địch, cho đến khi cạn đạn dược, phải mở đường máu thoát ra – và tuyến thép Long Khánh của Tướng Lê Minh Đảo đã cầm chân cả hơn một quân đoàn Cộng sản gần hai tuần lễ, gây tổn thất nặng nề cho địch, làm ngỡ ngàng cả thế giới, nhất là Tòa Bạch Ốc); nhưng cũng chỉ đúng 50 ngày, kể từ khi mất Ban Mê Thuột, một quân lực hùng mạnh gần như tan rã, và cả miền Nam mất vào tay giặc!

    Ngoại trừ phần lớn lực lượng Hải Quân và Lữ Đoàn I Nhảy Dù có phương tiện ra đi theo kế hoạch, một số thuộc các đơn vị Không Quân, và từng nhóm hoặc cá nhân mang theo gia đình tự vượt thoát bằng các loại phi cơ, ghe tàu kiếm được, hầu hết còn lại phải vào tù, từ những tướng lãnh đến sĩ quan mới ra trường, có cả một số hạ sĩ quan giữ những chức vụ liên quan tới an ninh, tình báo. Một số không nhỏ đã bị “bên thắng cuộc” tàn sát dã man tại địa phương, ngay sau khi cướp lấy chính quyền. Đặc biệt đáng kính phục, một số tướng lãnh cùng nhiều cấp chỉ huy và binh sĩ khí phách đã tự sát vào giờ thứ 25 để giữ tròn tiết tháo. Cả một miền Nam thua trận đã nhanh chóng trở thành một vùng đất chết, khốn cùng, bi thảm. Tiền bạc (có được từ mồ hôi nước mắt và có khi bằng xương máu) bỗng chốc không còn giá trị, nhà cửa, tài sản bị cướp sạch dưới danh nghĩa tịch thu, rất nhiều gia đình từ ông bà già đến những đứa con nít sơ sinh bị xua đuổi, cưỡng bách đi đến những nơi rừng thiêng nước độc. Người dân có cảm giác như bị lưu đày ngay trên chính quê hương mình. Tương lai chỉ còn là những cơn ác mộng. Thời ấy, mọi người chỉ còn biết nhìn ra biển khơi mênh mông để ước mơ một sự đổi thay nào đó ở phía bên kia chân trời mịt mờ vô định. Và còn gì đau đớn hơn khi con người nghĩ tới chuyện phải bỏ quê hương ra đi lại là một niềm khát vọng!

    Hơn tám năm bị đày ải qua nhiều trại tù Nam-Bắc, ngày trở về tôi không còn được nhìn lại mặt cha mình. Ông đã chết sau gần một năm bị bắt vào một trại tù khác trong Nam khi tuổi sắp 70. May mắn là tôi còn người vợ chung tình cùng tôi qua bao cuộc biển dâu, bươn chải nuôi đàn con dại, cho dù bữa no bữa đói.

    Nhìn thấy vợ con đói khổ, tả tơi, mình chẳng có thể giúp được điều gì, mà còn tạo thêm gánh nặng, cuối cùng, chỉ còn cách duy nhất – đem hết sinh mạng cả nhà để đánh một canh bạc cuối cùng – vượt biển.

    ***

    Tôi đến trại tị nạn khi phong trào kháng chiến, phục quốc đang trong thời kỳ đỉnh điểm. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do vị tướng Hải Quân Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, nghe nói có căn cứ, chiến khu ở đâu đó trên đất Thái Lan gần biên giới Lào-Việt. Có cả tờ báo và đài phát thanh Kháng Chiến. Tôi cùng rất nhiều anh em nức lòng hăng hái tuyên thệ để được trở thành đoàn viên. Đứng trước bàn thờ tổ quốc, đưa tay lên chào lá quốc kỳ, hô mấy lời thề mà trong trái tim bừng lên khí thế và nước mắt rưng rưng cảm động. Nhiều người sẵn sàng trở về chiến đấu. Riêng tôi còn tin tưởng và phấn chấn hơn khi được xem cuốn phim quay trong “chiến khu quốc nội”, nhận ra người bạn học đồng hương thân thiết, một sĩ quan TQLC, là kháng chiến quân cầm súng đứng bên cạnh Trung Tá Lê Hồng (bấy giờ được gọi là Thiếu Tướng Đặng Quốc Hiền), dưới lá cờ vàng phất phới tung bay giữa núi rừng biên giới.

              

    (Tr/Tá Lê Hồng trong chiến khu)

              

    (Trung Tá Lê Hồng là một cấp chỉ huy nổi tiếng trong binh chủng Nhảy Dù, mà tôi từng biết danh và kính phục. Ông xuất thân từ người lính binh nhì và hầu hết những cấp bậc đều được vinh thăng tại mặt trận. Sau trận chiến Long Khánh lẫy lừng, cùng sát cánh với SĐ 18 của Tướng Đảo, ngăn chặn hằng cả quân đoàn Bắc Việt có nhiều chiến xa, trên đường tiến chiếm Sài gòn, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù di chuyển về Gò Công, tìm đường để về Vùng 4 chiến đấu cùng Tướng Nguyễn Khoa Nam, nhưng đã quá muộn, không còn thời gian và cơ hội nữa. Với chức vụ Lữ Đoàn Phó LĐ1/ND, Trung Tá Lê Hồng đã thừa lệnh vị Lữ Đoàn Trưởng tìm mua ghe thuyền đưa toàn quân ra biển. Và đó là đơn vị Lục quân tác chiến duy nhất đã di tản toàn bộ đến Hoa Kỳ.)

    Nhưng chỉ vài tuần, sau ngày “Đại Hội Chính Nghĩa” của Mặt Trận tổ chức rầm rộ tại Washington DC-Hoa Kỳ thì chúng tôi dồn dập nhận được bao nhiêu tin tức không vui. Một số lớn cán bộ chủ chốt và đoàn viên tách ra, chia làm hai ba nhóm, lên án tố cáo lẫn nhau, lộ ra nhiều điều không thật. Chúng tôi ở tít mù xa nên chỉ biết tạm thời “án binh bất động.” để giữ tình anh em, chiến hữu. Chưa kịp phản ứng gì thì nghe tin vị Tướng lãnh đạo cùng nhiều cán bộ, kháng chiến quân đã hy sinh tại Nam Lào. Hình ảnh và tin tức có đầy trên báo chí, truyền hình Cộng sản. Lực lượng “quốc nội” xem như tan rã. Thằng bạn tôi có tên trong danh sách “bị giết”, Trung Tá Lê Hồng cũng không còn (sau này nghe nói ông chết trong chiến khu vì trọng bệnh). Như một quả bóng căng đầy bị xì hơi, chúng tôi chẳng còn gì để hy vọng. Tôi đau đớn rời khỏi tổ chức mà mình đã hết lòng góp công gầy dựng. Nỗi buồn lại tăng lên gấp bội, khi những người chết, dù gì họ cũng đã hy sinh vì Tổ quốc, lại không hề được chính thức công bố, truy điệu, vinh danh. Tôi ra phía sau nhà, đứng một mình trong bóng đêm, đốt ba nén hương hướng về phương Đông để tưởng nhớ thằng bạn cũ mà trong lòng ngậm ngùi đau đớn. Sau này tôi có dịp liên lạc được với vợ con nó, sống rất nghèo khổ ở Việt nam, ngay quê vợ tôi. Ông bà nhạc tôi từng cưu mang đứa con trai lớn của nó một thời gian, lo cho việc ăn ở, học hành.

    Những năm đầu định cư, sống trên vùng Bắc Âu băng giá, tôi càng lạnh lẽo hơn khi biết tin người anh hùng Trần Văn Bá, Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam ở Pháp cùng các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh và một số thành viên trong Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải phóng Việt Nam bị bắt khi xâm nhập vào bờ biển Cà Mau. Sau đó anh Bá đã bị CS xử bắn cùng nhiều người khác. Trên bàn thờ nhà tôi, có thêm tấm di ảnh của anh. Anh rất xứng đáng để được vinh danh như một vị anh hùng.

              

    (anh hùng Trần Văn Bá)

              

    Một tổ chức khác, Liên Minh Quang Phục Việt Nam của ông Võ Đại Tôn, một cựu sĩ quan cao cấp, từ Úc Châu, gạt lệ từ giã vợ trẻ con thơ tìm đường về phục quốc. Tôi hoàn toàn không biết gì về sách lược hay kế hoạch của ông cho đến khi nghe tin ông bị bắt. Sau này bất ngờ được xem cuốn phim quay cảnh ông bị cộng sản đưa ra một cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 13.7.1982. Cuốn phim do phóng viên Neil Davis của NBC News cùng ký giả Mori của đài truyền hình NHK/ Nhật Bản, thực hiện và may mắn được mang ra khỏi Việt Nam để trình chiếu trên đài truyền hình Tokyo, Nhật Bản. Chắc chắn bọn cầm quyền Hà Nội đã áp lực để bắt ông phải nói theo sự dàn dựng của chúng, nhưng ông đã khôn khéo lừa dụ địch, tương kế tựu kế, nhằm đưa được tiếng nói của mình ra bên ngoài thế giới. Trước nhiều phóng viên của các nước cộng sản và thế giới tự do, với nét mặt đanh thép và giọng nói dõng dạc, hùng hồn ông tuyên bố (nguyên văn): “Tổ chức của tôi có cơ sở tại Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc. Trong một mục đích của tổ chức, chúng tôi có kế hoạch dự trù xâm nhập trở về Việt Nam để tìm hiểu tình hình và từ đó sẽ đặt kế hoạch cho tương lai. Vì lẽ đó, tôi sẽ không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ, ủng hộ tôi. Tôi tiếp tục lập trường chính trị của tôi để tranh đấu cho tự do và giải phóng dân tộc. Tôi đã sẵn sàng nhận bất cứ bản án nào mà chế độ Công sản dành cho tôi”

    Cả hội trường im bặt, các phóng viên quốc tế sửng sốt, đám cán bộ cộng sản nhìn nhau ngơ ngác. Cuộc họp báo buộc phải dừng lại bởi xem như bất thành với ý đồ của đám người tổ chức (thuộc Bộ Thông Tin Văn Hóa CS).

    Niềm hạnh phúc vỡ òa trong trái tim tôi, hãnh diện về một vị đàn anh khí phách, nhưng sau đó lo lắng cho số phận của ông.

              

    (ông Võ Đại Tôn trong buổi họp báo của CS tại Hà Nội)

              

    Sau mười năm bị hành hạ kiên giam trong ngục tối, nhờ sự can thiệp của chính giới quốc tế và Úc Châu, ngày 11.12.1991, ông được trở về Úc với thân xác gầy gò còn hằn những vết đòn thù. Nhiều báo chí trên thế giới và hầu hết cộng đồng người Việt khắp nơi ca ngợi ông như một anh hùng, nhưng rồi cũng có ít người chê trách, kể cả miệt thị ông. Một lần nữa, tôi có cảm giác cay đắng, ngậm ngùi. Dù gì, lòng can đảm, tính khí khái và sư hy sinh lớn lao của ông cũng đã quá đủ để làm tôi kính phục. Xưa nay mấy ai đem chuyện thành bại mà luận anh hùng. Và với tôi, ông xứng đáng là một anh hùng.

    Rồi tất cả cũng từ từ đi vào quên lãng. Chuyện kháng chiến, phục quốc lắng xuống, nhưng mầm móng chia rẽ, nghi kỵ bắt đầu. Niềm tin mất dần, và dường như lòng một số đông người Việt tị nạn cũng dần dà chán chường, nguội lạnh.




    ***

    Vừa bỏ lại đằng sau gần mười năm khốn cùng tăm tối, lại vừa thoát chết trên biển Đông, giờ mới bước lên bến bờ tự do thì gặp bao nhiêu điều hụt hẫng đau lòng, tôi không còn muốn nhìn lại vùng bóng tối phía sau lưng bằng cách dồn hết nỗ lực hòa nhập vào quê hương mới.

    Đời sống ở vùng Bắc Âu thật an bình, dân tình hiền hòa, đất nước thơ mộng với rừng núi, sông hồ quanh năm tĩnh mịch, như là những liều thuốc nhiệm mầu tưởng chừng có thể chữa lành được những vết thương còn lại trong lòng mình.

    Tám năm sau, nhân dịp đưa ba cô con gái sang Mỹ học, tôi có dịp gặp lại một số đồng đội và bạn cùng tù cũ. Thời gian này, đã có nhiều đợt cựu tù “cải tạo” đến Mỹ theo diện HO. Rất vui và cảm động qua bao cuộc trùng phùng. Một chiều cuối tuần, chúng tôi theo anh bạn, trước kia là tiểu đoàn trưởng, đến tham dự buổi họp mặt binh chủng của anh, một binh chủng từng vang tiếng một thời, được tổ chức tại một nhà hàng lớn trong khu Little Saigon. Rất đông đảo người tham dự. Sau gần hai mươi năm tôi mới thấy lại nhiều anh em mặc quân phục, có vài người mang cả cấp bậc, và lần đầu tiên ở hải ngoại, chứng kiến một nghi lễ rước quốc, quân kỳ và chào cờ, với đầy đủ súng ống, có cả tiếng kèn đồng thổi bài truy điệu, tôi đã xúc động, nước mắt tuôn trào. Sau khi vị trưởng ban tổ chức giới thiệu thành phần ban chấp hành và đọc qua tiểu sử cùng những chiến công hào hùng của binh chủng, một vị tướng đại diện cho binh chủng được trịnh trọng mời lên sân khấu để “có đôi lời” cùng anh em đồng đội. Mái đầu đã bạc, nhưng phong cách của ông vẫn uy nghi, lời nói dõng dạc, lẫn chút xúc động khi nhắc đến những “thằng em” còn nằm lại ở chiến trường, hay đã chết trong tù ngục. Không khí như trầm xuống. Nước mắt tôi lại trào ra. Sau đó, tiếng nhạc nổi lên và cả chương trình dài còn lại dành cho văn nghệ, dạ vũ. Sự đổi “tông” ấy đã làm tôi hụt hẫng, tiếc nuối. Như một giấc mơ đẹp đẽ bỗng biến mất bởi những hình ảnh và âm vang đưa tôi trở về thực tế. Giá mà tôi rời khỏi hội trường sớm, sau phần nói chuyện của ông tướng thì hay biết bao nhiêu. Chắc tôi còn giữ được trong lòng nhiều hơi ấm cùng chút niềm kiêu hãnh hiếm hoi.

    Thời gian sau này, sau khi về hưu, tôi sang Mỹ sống nhiều hơn, đã làm quen với các sinh hoạt ở đây, dần dà rồi cũng thấy bình thường trước bao điều nhân tình thế thái. Nhưng tôi vẫn thấy nao lòng, khi chứng kiến những đồng đội của mình ngày một già thêm và bộ quân phục trên người không còn tạo cho họ cái oai phong, đẹp đẽ của ngày xưa, cái thời mà hầu như bản nhạc nào của miền Nam cũng nhắc đến và ca ngợi họ như những người hùng lý tưởng của các cô nữ sinh Gia Long, Trưng Vương, Bùi Thị Xuân, Đồng Khánh, các cô sinh viên Văn Khoa, Luật Khoa trên những con đường tình có lá me bay, cây dài bóng mát…, hay hình ảnh đẹp đẽ oai phong trong các cuộc diễn binh vào những Ngày Quân Lực năm nào, giờ thỉnh thoảng vẫn còn được nhìn thấy lại trên các video.

    Một hôm, tôi lặng người khi thấy trong cuộc diễn hành Tết trên đường phố Bolsa, có mấy ông bà mặc quân phục mang cả lon tướng, tá của nhiều quân chủng, mà tôi chưa hề nghe danh, biết mặt, bởi trông họ quê mùa, kệch cỡm, mang phù hiệu, giây biểu chương còn không đúng cách. Thì ra một đám tướng tá phường tuồng của một nhóm bệnh hoạn tự phong nào đó. Tôi giận đến phải buông ra mấy tiếng chửi thề và trách cứ ban tổ chức sao có thể để cho họ mạo nhận, diễn trò lố lăng như thế? Chẳng lẽ cái quân đội của chúng tôi từng có biết bao máu đào của hàng hàng lớp lớp chiến binh đổ xuống tô thắm màu cờ, giờ bị “xuống cấp” đến mức này sao? Từ đó, tôi không còn muốn có mặt trong các buổi họp mặt, diễn hành khi có những người mặc quân phục, mang lon lá một cách ô hợp, lố lăng như thế. Tôi không muốn phải đau lòng. Chính những hình ảnh tệ hại này đã nhắc nhớ, ám ảnh để tôi nhận ra mình là người lính trong đội quân thất trận, điều mà lúc nào tôi cũng muốn quên đi.

    Cũng ở Mỹ, đặc biệt Tiểu Bang California, nơi từng được mệnh danh “thủ đô người Việt tị nạn” và “thành trì chống Cộng”, tôi đã phải chứng kiến bao điều thị phi, chia rẽ, nghe những lời miệt thị giữa những người từng một thời là huynh đệ, đồng môn, đồng đội, đã từng quỳ xuống trên cùng một vũ đình trường đưa tay lên “xin thề” trong ngày lễ ra trường, và cùng sống chết bên nhau trên những chiến trường ngập đầy lửa đạn. Gần như cộng đồng, tập thể nào cũng chia ba xẻ bảy. Còn sức mạnh nào để đối phó với kẻ thù xảo quyệt, gian trá, bạo tàn, khi thế hệ chúng tôi tuổi đã già, sức đã kiệt, và sẽ để lại được những hoài bão gì cho con cháu mai sau?

    Mảnh đất xấu là nơi cơ hội cho cỏ dại, thường là loại cỏ đuôi chó. Tôi thật sự buồn nôn khi nhìn thấy vài bộ mặt, nhận mình từng là người hùng của binh chủng này binh chủng nọ, nhưng chạy về khóc lóc, bợ đỡ kẻ thù. Nghe những lời xu nịnh của họ, mà tôi thấy lợm giọng

    Bạn bè chiến đấu cùng tôi ngày xưa, hay cả những đồng môn, huynh đệ xuất thân từ một quân trường, giờ cũng bị những biến cố của dòng đời “lưu vong” này mà chia năm xẻ bảy. Tệ hơn có một số còn xem nhau như kẻ thù. Từ những bất đồng trong “kháng chiến”, “phục quốc” đến việc hội hè, đoàn thể, xây dựng tượng đài, tu sửa Nghĩa Trang QĐ Biên Hòa, thậm chí đến cả việc ủng hộ hay chống TT Trump, và mới đây là chuyện “Recall” hay “No Recall” trong Hội Đồng Thành Phố Westminster- đã giết chết biết bao tình chiến hữu, đồng đội, đồng môn, huynh đệ một thời.

    Tôi thực tình không hiểu nổi, chỉ cảm thấy đau lòng, xót xa, và nuối tiếc. Cái bóng ma cuộc chiến của hơn 45 năm trước mà tôi luôn muốn quên đi, giờ càng đè nặng lên tấm thân còm cõi, bóp nghẹt trái tim già nua của tôi, từng khát khao bao niềm hy vọng. Vết thương cũ trong lòng, tưởng có thể lành, giờ nhói đau trở lại. Và món nợ máu xương của bao đồng đội, đã hơn 45 năm rồi, biết đến khi nào mới trả được cho anh em!

    Cầu xin hồn thiêng sông núi, anh linh tiên tổ và liệt vị anh hùng, tử sĩ phù trợ cho cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt những huynh đệ từng mặc áo lính của tôi, sớm dẹp bỏ mọi chia rẽ, tị hiềm, đưa tất cả quy về một mối, cùng một lòng hổ trợ đồng bào trong nước, để họ có đủ can đảm bước qua nỗi sợ hãi, cùng đứng lên làm ngọn sóng thần nhận chìm chế độ Cộng sản man rợ, độc tài, tham nhũng, bán nước cầu vinh, để con cháu đời sau không còn bị nợ nần, ô nhục, xích xiềng, vươn lên sánh vai ngẩng mặt tự hào cùng năm châu bốn bể.

    Một chế độ đi ngược lại lòng dân và xu thế phát triển của nhân loại, tất yếu phải bị đào thải. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian – và sẽ biến thiên tùy theo những trái tim có cùng nhịp đập.





    Tháng 4/ 2020
    Phạm Tín An Ninh




              

    Video- Ông Võ Đại Tôn trả lời trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội (phần đầu)
    được trình chiêu trên Đài truyền Hình Tokyo- Nhật Bản

              

    https://phamtinanninh.com/?p=4631
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”