- 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




          

          
__ 30 / 04 / 2020 __

tưởng niệm
45 năm
người Việt mất miền Nam Tự Do
          
          



          






Nước mất nhà tan,
nhưng đoàn người ly hương vẫn nâng cao
biểu tượng của Tự Do
mọi nơi, mọi lúc
như một lời thề cho con cháu
đem cờ này về lại quê hương


cho ánh Tự Do trải vàng
từ Cà Mau cho đến Nam Quan

cho dòng Nhân Ái chảy mãi
trong tim người Nam Trung Bắc







          



          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

          


Ngày Quốc Hận







30 Tháng 4 – Xóa bàn cờ tướng
Thí chốt, phủi tay … Thế là hết chơi!
Đại Sứ Martin hạ cờ Mỹ xuống
Trực thăng SeaKing bốc thẳng ra khơi!

30 Tháng 4 - Miền Nam thất thủ
Quân Lực Việt Nam tan rã đau thương
Máu lệ quân dân đẫm đầy trang sử
Quốc Hận này đau thấm tận tủy xương!

30 Tháng 4 – Cờ máu xuất hiện
Nón cối dép râu, kéo vào Sài-gòn
Dân chúng ùn ùn trốn chạy ra biền
Đi tìm Tự do. Xa lũ ác ôn !

30 Tháng 4 - Hải Quân bất mãn
Tài liệu Tham mưu thiêu hủy sạch trơn
Toàn Bộ Tư Lệnh âm thầm di tản
Chiến hạm, Giang đoàn … trực chỉ Côn Sơn.

30 Tháng 4 – Vùng 4 còn vững
Mười rưỡi nghe tin, Minh-Cồ đầu hàng
Như ngọn giáo đâm ngay tim!... chết sững!
Một tiếng súng “!”. Trời! - Tướng Nguyễn Khoa Nam !

30 Tháng 4 – buông súng… phi lý!
Sư Đoàn 5 , phòng tuyến vẫn y nguyên
Tư Lệnh Sư Đoàn - Tướng Lê Nguyên Vỹ
Chào biệt anh em. Tuẫn tiết oai nghiêm!

30 Tháng 4 – Đoàn quân thất thủ
Đang khi chiến binh, khí tiết bừng bừng!
“Vị Quốc Vong Thân” : - Tướng Phạm Văn Phú
- Tướng Trần Văn Hai, - Tướng Lê Văn Hưng …

30 Tháng 4 – Người không tự vận
Tỉnh Trưởng Chương Thiện chiến đấu tới cùng
Vị “Liệt Sĩ” : Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn
Giặc đem ra bắn! Ông chết bi hùng!

30 Tháng 4 –Rã ngũ gần hết
Còn lại Vũng Tầu, Trường Thiếu sinh Quân
Vẫn kềm chặt súng, coi thường cái chết
Rốt cuộc, các em ngồi khóc giữa sân !!!

30 Tháng 4 – Hai tay hai súng
Anh lính hiên ngang đi giữa Sài-gòn
Trái lựu đạn móc tòn ten trước bụng
“Mẹ đời! Cộng phỉ !… cùng chết nghe con”!

30 Tháng 4 – Cộng nô tàn bạo
Qủy quyệt, gian manh, vào cướp Miền Nam
Ngục tù khổ sai, gọi là “cải tạo”
“Vùng kinh tế mới”đầy ải lầm than!

30 Tháng 4 – Hận đau khôn xiết!
Hơn bốn chục năm … núi sông u sầu
Cương quyết vùng lên! Toàn dân nước Việt!
Giữ Giang Sơn cho con cháu ngàn sau!

30 Tháng 4 – Ước mong chờ đợi !
Hồn thiêng sông núi “Việt Nam Cộng Hoà”
Cờ Vàng uy linh, bay khắp Thế giới
Sẽ về Quê hương ! Một ngày không xa!

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia



Nguồn:http://cothommagazine.com



          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

- 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    30.4. Lúc đó bác ở đâu?






    Thưa bác, nhiều năm qua bác nhắc đi nhắc lại về chuyện Ba Mươi tháng Tư. Bác nói rằng mỗi người đều có một ngày Ba Mươi tháng Tư cho riêng mình. Bác vẫn hỏi một câu: Lúc ấy quý vị đang ở đâu? Thưa bác, ngày Ba Mươi tháng Tư năm 75 cháu đi nhận xác chồng ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Xin kể đầu đuôi như sau:Người yêu của cháu, chồng sắp cưới của cháu là Nguyễn Ðông Thành, trung úy Biệt Ðộng Quân, đơn vị đóng tại Chân Thành (Bình Long) vào thời kỳ 1975.

    Từ lúc ra trường Thủ Ðức, anh làm trung đội trưởng tác chiến cho đến khi lên trung úy đại đội trưởng đã bị thương 4 lần. Một lần bị thương nặng phải nằm nhà thương hai tháng. Còn các lần khác chỉ bị thương nhẹ.Cháu gặp anh trong một lần nữ sinh đi ủy lạo chiến sĩ tại Tổng Y Viện Cộng Hòa rồi quen nhau. Sau đó chúng cháu đôi khi lại còn cầu cho bị thương nhẹ để có dịp gặp nhau ở Sài Gòn. Một lần anh chỉ bị trẹo chân vì nhảy trực thăng mà được nghỉ đến gần một tháng. Ðó là lần bị thương hạnh phúc nhất của chúng cháu. Gia đình hai bên đã có dịp gặp nhau sau khi chúng cháu về thưa với cha mẹ. Ðầu năm 75 đã làm đám hỏi. Chờ đến đầu tháng 5-1975 là làm đám cưới. Cháu có ông cậu làm trung tá ở Sài Gòn quen biết nhiều nên hy vọng sẽ giúp cho anh Ðông Thành đổi về đơn vị hậu cứ hay về Bộ Quốc Phòng.Tết 75, hai đứa chúng cháu đến mừng tuổi cậu và xin cậu chạy giúp. Chạy đây là nói hộ chứ không phải tiền bạc gì hết. Cậu cháu coi tướng anh Thành và rất hài lòng để mừng cho cháu gái. Cậu khen vị hôn phu của cháu tuy còn trẻ nhưng rất đẹp trai và tướng mạo đàng hoàng. Anh mới có 22 tuổi, còn cháu 19 tuổi vào năm 1975. Cháu cũng khá cao mà anh Thành còn cao hơn cháu cả đầu người. Anh chơi thể thao cả xà ngang và xà dọc nên người rất tài tử. Bạn học trường Gia Long đứa nào cũng thích trung úy Ðông Thành của cháu.

    Tuy nhiên, khi hỏi chuyện về đơn vị của Thành thì ông cậu của cháu hơi ngần ngại. Cậu nói rằng năm trước có xin cho con một anh bạn đóng đồn được đổi về tỉnh. Chỉ một tuần sau anh thiếu úy lên thay thế bị hy sinh. Bà mẹ anh này đi thưa Giám Sát Viện về tội ăn tiền đổi người để đưa con bà vào chỗ chết. Vì vậy cậu cháu nói để chờ một thời gian, đơn vị rút từ Chân Thành về hậu cứ rồi sẽ xin đổi sau.Người yêu của cháu cũng rất tự ái nên không hề nói gì thêm, cứ bấm tay cháu gạt đi không muốn đề cập đến việc xin thuyên chuyển nữa. Từ biệt ông cậu xong, hai đứa ra về. Cháu giận anh ấy hết sức, nhiều lúc chỉ muốn cho ra trận chết đi cho rồi.Ðàn ông mới hơn hai mươi tuổi mà đã muốn làm anh hùng. Gia đình anh ấy con một, xin hoãn dịch cũng còn được chứ ai lại đi Biệt Ðộng Quân. Quanh năm hành quân, đôi khi ở đơn vị còn có lệnh phải cạo trọc đầu cho thêm dữ dội. Nhưng nói gì thì nói, anh Ðông Thành dù để tóc dài hay tóc ngắn thì trông vẫn đẹp như tài tử Pháp Alain Delon. Cháu rất hãnh diện đi với anh ở đường Nguyễn Huệ. Nhưng hai đứa đâu có được dịp đi chơi với nhau nhiều lần.

    Qua tháng 3-1975, có tin địch uy hiếp Chân Thành, gia đình hai bên và riêng cháu lo lắng ngày đêm. Rồi tin từ Bộ Chỉ Huy là đơn vị Biệt Ðộng Quân ở Chân Thành có lệnh rút. Quân đội cho lệnh bỏ Chân Thành.Chưa bao giờ cháu lại vui mừng khi được tin quân ta rút như vậy. Là một học sinh chưa được 20 tuổi, cháu chỉ mong người yêu sớm trở về bình yên.
    Quân đội muốn bỏ đâu thì bỏ. Muốn rút đâu thì rút. Nhưng đau khổ chưa, đúng như cháu đã lo ngày lo đêm. Ðơn vị cho người đưa tin về nhà để đi nhận xác Ðông Thành vào ngày 25 tháng 4-1975. Người lính ở đơn vị nói rằng anh ấy đã chiến đấu anh dũng ra sao, hy sinh như thế nào, chẳng còn lòng dạ nào mà nghe chuyện. Sao bao nhiêu người còn sống ở Sài Gòn không ra mà anh dũng hy sinh.Trời đất công bình ở chỗ nào. Ði lính có ba năm mà bị thương đến 4 lần, rồi mới chết. Ðông Thành của cháu hiền lành như thế, có làm hại ai đâu mà phải chết oan uổng như vậy. Sau khi được tin cháu cứ như điên dại rồi đi theo gia đình lên Nghĩa Trang Quân Ðội nhận xác người yêu. Dù chưa cưới nhưng cháu đã khai là chồng. Mấy ông đòi hôn thú vì tưởng cháu muốn xin tiền chồng chết. Xin tiền tử tuất với 12 tháng lương. Cháu quyết liệt nhận xác chồng dù chẳng có hôn thú.Ðất nước có còn đâu mà lãnh tiền. Anh Ðông Thành nằm như ngủ. Ðạn vào ngực, vào tim, vào bụng nhưng mặt anh vẫn nguyên lành. Anh nằm đó vẫn đẹp như thiên thần. Anh về bằng trực thăng trên băng ca đúng như trong bài ca, đúng như trong tiểu thuyết. Bên cạnh xác anh có nhiều đồng bạn cũng chết nhưng vì để lâu nên bốc mùi hôi thối.





    Nhiều gia đình cũng đến nhận xác. Ðàn bà trẻ con khóc la ầm ỹ. Cháu cũng hòa theo tiếng khóc nức nở. Gia đình chôn xác anh ngày 27 tháng 4-1975, buổi chiều thì ra về nhưng cháu ở lại. Cháu trốn vào khu Nghĩa Dũng Ðài nhưng người nhà lại tưởng bạn cháu chở về Sài Gòn. Suốt những ngày cuối tháng 4 đau khổ cháu tha hồ khóc. Trên Nghĩa Trang Biên Hòa toàn là gia đình tử sĩ nên cũng không ai chú ý. Có gia đình đem theo radio nên mở ra nghe tin tức chiến sự. Rồi dân di tản ở bốn phương trời kéo nhau về tạm trú. Họ dựng lều ngay bên cạnh các phần mộ.Khu lính chết đã lâu thì có mộ bia và tấm ciment bên trên. Khu mới chết thì chỉ đắp đất. Có cả trăm cả ngàn ngôi mộ. Những ngày đầu thì có nhiều xác chở về bằng trực thăng. Về sau xác chở về toàn bằng xe nhà binh. Sau cùng thì đủ các thứ xe chở xác về Ðơn Vị Chung Sự. Nơi để xác có máy lạnh nhưng không có điện nên trở mùi hôi thối.




    Nhiều xác chở đến để ngay dưới đất, trời nắng bốc mùi làm cho các gia đình ở gần phải dở lều di chuyển đi nơi khác. Ông sĩ quan trách nhiệm chôn cất nóng nẩy gắt gỏng và anh em chôn cất làm việc rất vất vả. Ai cũng có mùi rượu và dầu Nhị Thiên Ðường đầy người. Ðến ngày 30 tháng 4, khi có lệnh đầu hàng thì không còn ai trách nhiệm. Lúc đó đã xuất hiện người của cộng sản ra gom dân gom lính chạy loạn bắt phải đào hố chôn tập thể. Một anh công binh của mình lấy xe đào các hố thật lớn, rồi đưa tất cả các xác lính Việt Nam Cộng Hòa chôn tập thể. Có gia đình cố dành lại xác người thân tự đào lỗ chôn riêng. Cháu thấy một gia đình chỉ có người vợ trẻ với mấy đứa con tám chín tuổi ạch đụi bới đất chôn chồng.Cháu tìm cuốc đến giúp một tay và thấy mình đã bớt điên. Thấy cảnh hai đứa nhỏ cùng mẹ móc đất chôn bố, cháu thấy cuộc chiến tranh vô nghĩa biết chừng nào. Và sự đau khổ của mình cũng chẳng phải là duy nhất. Ðứa con gái chừng 10 tuổi và đứa em trai 6 tuổi vừa khóc vừa móc đất giúp mẹ. Cháu sẽ không bao giờ quên được hình ảnh này.





    Sau đó qua ngày 2 tháng 5-1975, cháu quá giang xe của người ta về lại Sài Gòn. Năm 1980, cháu lập gia đình với một anh Thủ Ðức còn trẻ có 2 năm cải tạo. Chúng cháu vượt biên rồi vào Mỹ. Chồng cháu rất hiểu biết nên tôn trọng mối tình đầu của cháu với Ðông Thành.Từ mùa Xuân 1993, chúng cháu cứ vài năm lại về Sài Gòn và lần nào cũng lên Nghĩa Trang. Cháu có thuê người làm cho anh Thành tấm ciment đúng kích thước như các ngôi mộ khác chứ không muốn xây cho thật lớn. Anh Thành đã muốn được chết như các chiến hữu thì phải để anh nằm giống như các bạn của anh.

    Cháu vừa thương mà vừa giận anh biết chừng nào. Người yêu của cháu là mối tình đầu, anh chính là hình ảnh của chiến tranh Việt Nam. Cháu vừa ghét lại vừa thương. Ðã 30 năm qua rồi mà tình cảm vẫn không thay đổi. Bác đã hỏi rằng, ngày Ba Mươi tháng Tư cháu ở đâu? Vâng, 30 tháng 4-1975, cháu đi chôn chồng ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Vậy thì phần bác, Ba Mươi tháng Tư, bác ở đâu? (Viết tặng các con của mẹ)


    Tiểu Quyên


    Nguồn:https://tonthattue.blogspot.com


              
Last edited by Bạch Vân on Thứ sáu 17/04/20 04:01, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

          

Tháng Tư ơi…





Tháng tư khóc đoàn quân thua trận
vất súng quăng gươm buổi tan hàng
tháng tư đau trên chết ngổn ngang
tháng tư thương người đi đen biển

mấy mươi năm một thời chinh chiến
những nhục vinh còn đó chưa phai
tháng tư bước chậm xuống trần ai
tung chút bụi trên tàn tro cũ

như lũ ve sầu vừa tỉnh ngủ
cất tiếng gọi thức hồn núi sông
người sống còn, kiệt sức đợi mong
kẻ chết, linh hồn thêm băng giá

tháng tư ơi! bây giờ mất cả
mỗi năm mỗi nghiền nát chuyện xưa
tháng tư lạnh lùng đổ cơn mưa
rơi từng giọt vào tim người cũ

tháng tư – ta gầm như con thú
nhức nhối cả đời một vết thương
dẫu sao ta cũng tới cuối đường
chết hận giữa tan hoang trời đất

tháng tư – ta một đời chật vật
không còn hơi sức đếm ngày qua
cuộc chiến này có lẽ mình ta
trơ trụi ngó tháng tư trờ tới

nguyễn thanh khiết
tháng tư 2018



          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Tháng Tư nói chuyện ‘giải phóng’




    Sài Gòn những ngày êm đềm, có chủ quyền, tự do, dân chúng đang hạnh phúc. Trong hình là cổng chào “Hân Hoan Chào Mừng Phái Đoàn Thủ Tướng Nhật Bản” tại ngã tư Công Lý-Hiền Vương năm 1967 (nay là ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Võ Thị Sáu, quận 1, Sài Gòn). Bên phải đường Công Lý là Dinh Phó Tổng Thống (nay là Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi).
    (Hình: Flickr manhhai)



    “Hoan hô giải phóng, hoan hô phỏng..!?
    Ruột héo gan bầm có biết không?” (P.Đ.)


    Chuyện xưa kể rằng: “Khổng Tử đi qua bên núi Thái Sơn, nghe có một người đàn bà khóc bên một ngôi mộ rất bi thương. Ông sai Tử Lộ hỏi bà ta rằng: ‘Tiếng khóc của bà dường như có nhiều nỗi đau đớn?’ Người đàn bà trả lời: ‘Đúng thế. Ngày trước cha chồng tôi chết vì cọp, chồng tôi cũng chết vì cọp, nay con tôi lại chết vì cọp.’ Khổng Tử hỏi lại: ‘Tại sao bà không bỏ đi?’ Người đàn bà đáp: ‘Ở đây không có chính sách hà khắc!’ Khổng Tử quay lại nói với các môn sinh: ‘Các trò hãy ghi nhớ điều đó. Chính sách hà khắc còn tàn bạo hơn cọp dữ.’”

    Điều này làm cho chúng ta hiểu nguyên nhân vì sao chế độ Cộng Sản, nhân danh là “giải phóng dân tộc,” đến đâu, dân đều bỏ chạy khỏi nơi đó! Đông Đức vượt tường Bá Linh sang Tây Đức, Bắc Hàn sang Nam Hàn và Bắc Việt trốn chạy vào Nam, và ngay bây giờ ở Việt Nam, người ta còn tìm cách bỏ nước ra đi.

    Giải phóng có nghĩ là cởi ra, mở ra. Trong một nghĩa khác thiên về chính trị, đó là “giải trừ câu thúc, đem lại tự do.” Bị Đức Quốc Xã chiếm đóng bốn năm, sau khi đồng minh đổ bộ lên Normandie, ngày 25 Tháng Tám, 1944, Tướng Pháp De Gaulle cùng với một sư đoàn thiết giáp đã vào giải phóng Paris.

    Trong một quy mô nhỏ hơn, năm 1968, sau 26 ngày Cộng Sản Bắc Việt chiếm đóng thành phố Huế, ngày 24 Tháng Hai, 1968, Quân Đội VNCH phản công giải phóng Huế. Đó mới gọi là “giải phóng” chính danh và đích thực. Còn những hành động như tấn công, cướp bóc, giết người vào một phần đất đang có chủ quyền, tự do, dân chúng đang hạnh phúc, không thể gọi là giải phóng.

    Mặt khác, dân tộc đang bị áp bức, xâm lược luôn khao khát được giải phóng. Khi De Gaulle vào Paris, hàng trăm ngàn dân chúng đổ ra đường đón mừng, khi quân đội VNCH giải phóng Huế, dân chúng trong các vùng chiếm đóng, hay ở các hầm trú ẩn, chạy về phía cờ vàng. Mang danh “giải phóng,” mà khi tiến vào một thành phố, “giải phóng” đã không hề được đón tiếp, dân chúng ở đó đã sợ hãi bỏ chạy hết gọi là “chạy giặc,” thì hành động quân sự đó, không thể xem là một hành động giải phóng.

    Chiêu bài “giải phóng” luôn luôn được nói đến trong các bản văn, báo chí, tuyên truyền của Cộng Sản Bắc Việt, và thứ quân vũ trang này luôn luôn tự xưng là “quân giải phóng!” Nhưng trên thực tế, “quân giải phóng” đi đến đâu, dân chúng bỏ nhà, bỏ của chạy xa chừng ấy trong khi những bản nhạc như “giải phóng miền Nam” hay “tiến về Sài Gòn!” đang còn ra rả trong các loa tuyên truyền. Cộng Sản Việt Nam luôn luôn tuyên truyền chính nghĩa thuộc về họ, dân chúng ủng hộ họ, và về chiêu bài giải phóng vẫn không ngớt được nói đến. Vùng tự do quốc gia, chúng gọi là vùng “tạm chiếm,” vùng Cộng Sản kiểm soát, chúng gọi là “vùng tự do.” Nhưng từ bao lâu nay, người dân vẫn từ “vùng tự do” chạy về “vùng chiếm đóng!” Không có dân, lãnh thổ đó thành vô hồn, chính nghĩa đâu?

    Năm 1968, khi Việt Cộng tiến chiếm Huế, bao nhiêu đồng bào đã chạy về nơi an toàn, nơi có quân đội miền Nam trấn giữ, không hề có hành vi vùng dậy cướp chính quyền, hay cờ xí xuống đường hoan hô “quân giải phóng!” Khi Paris được giải phóng, dân Pháp còn căm thù Đức Quốc Xã và thẳng tay trừng trị, ngay những kẻ đã trốn chạy, trái lại chúng ta không hề thấy một hành động giết viên chức chính quyền địa phương nào của người miền Nam.

    Mùa Hè năm 1972, khi quân Bắc Việt tràn qua sông Bến Hải, dân số Quảng Trị có hơn 300,000, đã có 250,000 người bồng bế gồng gánh, đi về phía Nam “chạy Việt Cộng!” Ngư dân tại Gia Hải di tản vào Đà Nẵng trên 150 chiếc thuyền, chuyến ra đi của họ đã bị Cộng quân ngăn cản, nổ súng vào đoàn thuyền, làm nhiều người bị thương và chết.

    Cơn hoảng loạn của miền Nam Việt Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975, đã nói đến nỗi sợ hãi khốn cùng của người dân miền Nam trước thảm họa Việt Cộng. Việt Cộng “giải phóng” Quảng Trị, dân chúng chạy vào Huế. Việt Cộng “giải phóng” Huế, dân chúng tràn xuống biển Thuận An, chen nhau lên đèo Hải Vân tìm đường vào Đà Nẵng. Việt Cộng “giải phóng” Đà Nẵng, dân chúng xuống biển đi về phía Nam.

    Khi Cộng Sản tuyên bố “giải phóng hoàn toàn miền Nam,” đặt toàn bộ đất nước dưới quyền cai trị của đảng, dân miền Nam đã ùn ùn bỏ nước ra đi, vượt biển băng rừng, không những đã bỏ lại nhà cửa, tiền bạc mà còn chấp nhận thà chết còn hơn sống với Cộng Sản, cứ hai người ra đi mới có một người đến bến bờ tự do!

    Trước đó, khoảng năm 1970, Tổng Trưởng Dân Vận-Chiêu Hồi Hồ Văn Châm đã gọi thái độ trốn chạy khỏi chế độ Cộng Sản này bằng thành ngữ “bỏ phiếu bằng chân!”

    Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thì trong khoảng thời gian 20 năm từ 1975 đến 1995 có 796,310 người từ Việt Nam vượt biên bằng đường biển. Và chưa hết đâu! Đất nước còn chế độ Cộng Sản thì dân chúng còn bỏ nước ra đi. Tôi không nói ngoa, ngày nay còn có người đóng tàu vượt biển đi Úc (Tháng Tám và Tháng Mười Một, 2018) hay đến Đài Loan (Tháng Ba, 2018).

    Không dưới hình thức vượt biển thì người ta trốn chế độ bằng con đường du học không về, định cư theo con cái, đầu tư để có quốc tịch nước ngoài, đăng ký lấy chồng ngoại nhân, đi lao động hay du lịch trốn ở lại…

    Trước thái độ dứt khoát của người dân ghê sợ chế độ, bỏ quê hương ra đi như thế, Cộng Sản coi họ như là những kẻ thù cần phải tiêu diệt, bắn bỏ không thương tiếc. Không hợp tác, nổi dậy, hơn 5,000 người dân Huế bị đập đầu hay chôn sống trong các hầm tập thể. 2,000 người dân Quảng Trị bị tàn sát trên đoạn đường dài độ 9 km từ Quảng Trị vào Huế vì cái tội chạy khỏi quê hương vì sợ “giải phóng!”

    Cộng Sản Bắc Việt đã dùng pháo 122 ly, 130 ly, cối 160 ly… từ hướng rừng Trường Sơn bắn vào dòng người di tản. “Chiến công” giết người này, 37 năm sau, đảng Cộng Sản đã thú nhận là công lao của Trung Đoàn Pháo Binh 38-Bông Lau, đơn vị này đã được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,” được kể lại trong cuốn sách “Mùa Hè Cháy,” của tác giả Quý Hải, một đại tá của quân Bắc Việt viết về trận thảm sát trên đường di tản của dân Quảng Trị.

    Rồi sau đó, bao nhiêu người bị bắn hay bị pháo kích trên các bờ biển miền Trung vì muốn ra khơi chạy trốn Việt Cộng vào những ngày cuối Tháng Ba, Tháng Tư, 1975! Bao nhiêu người bị tù đày, bắn giết vì “tội” vượt biên!

    Ngày 30 Tháng Tư, 1975, được Cộng Sản Bắc Việt rêu rao là ngày họ “giải phóng” dân chúng miền Nam khỏi sự “kìm kẹp” của Mỹ-Ngụy. Tới nay đã 44 năm trôi qua, ta thử nhìn lại xem ngày này: Ai giải phóng ai?

    Lâu nay chúng ta đã được đọc các bài viết về chuyện “giải phóng” có tên hay giấu tên, cũng như của nhà báo Huy Đức, Trần Quang Thành, nhà văn Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Phan Huy, Tiến Sĩ Lê Hiển Dương, Châu Hiển Lý (bộ đội tập kết,) nhất là qua thực tế của người dân đã sống với chế độ miền Nam, cả nước đều đã mở mắt thấy rõ:

    -Cuộc kháng chiến “giải phóng miền Nam,” thống nhất đất nước, thực chất chỉ là cuộc chiến đánh thuê của người lính Bắc Việt cho Liên Xô, Trung Quốc.

    -Xã Hội Chủ Nghĩa là một xã hội tồi tệ và được phơi bày rõ rệt qua sự nghèo khổ của nhân dân miền Bắc và là một thời đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam, thê thảm và lạc hậu, hy sinh hạnh phúc của nhân dân cho sự nghiệp của đảng Cộng Sản quốc tế.

    -Xã hội ngày nay là một xã hội đạo đức băng hoại đến cùng với đĩ điếm, buôn người, rượu chè, giết chóc, hối lộ tham nhũng ngay cả trong ngành giáo dục và tư pháp. Người dân có quyền ăn chơi, nhậu nhẹt, sa đọa… nhưng không có quyền phát biểu hay phê phán người cầm quyền. Hệ thống công an, roi cùm, nhà tù đã bóp chẹt quyền con người. Giàu nghèo cách biệt bởi đảng cầm quyền có quá nhiều quyền lực, tham ô, vơ vét!

    Như thế gọi là giải phóng ư?

    “Đất lành chim đậu,” nhưng thực tế, là sau 44 năm “giải phóng,” dân chúng còn phải bỏ nước vượt biển ra đi, hai tiếng “giải phóng” trở thành thứ ngôn ngữ lừa dối, điêu ngoa. Cái ngày mà đảng Cộng Sản gọi là “ngày Giải Phóng” chính là cái này thảm họa của cả dân tộc Việt Nam.

    Xin đừng quên, và đừng “quen miệng,” đừng vì đầu óc ngu muội, mà dùng hai chữ ‘giải phóng” nữa!

    Huy Phương



    Nguồn:https://www.nguoi-viet.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Vô lượng tấm lòng người Mẹ -
    Người vợ miền Nam





    Ngày ấy cách đây rất xa, khi những giọt mưa đầu mùa Hè rơi xuống…… Từ trong thăm thẳm, xa xôi, tận cùng trí nhớ… Nầy đây, lần tháng Sáu 1965, ngày vỡ trận Đồng Xoài, bắt đầu từ những ngày sau ngày 10, 11… nơi Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp, với hằng trăm, lên đến số ngàn xác chết của Tiểu Đoàn 2/7 Sư đoàn 5 Bộ Binh; Tiểu Đoàn 52 Biệt Động, và đơn vị thân thiết đầu đời, Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù mà số người chết không thể kiểm kê chính xác.. Nên chỉ biết lấy quân số cơ hữu của đơn vị xong trừ cho đám người hiện còn có mặt để thấy ra số người đã chết! Đại đội anh, buổi hành quân lên xe phải bốn GMC mới chuyển chở hết, bấy giờ đếm đi đếm lại còn đúng 14 người. Anh là sĩ quan độc nhất còn có mặt.

    Văn phòng đại đội, nơi anh thường ngồi họp với các bạn, nay chỉ còn mấy cái ghế để chỏng chơ, đi ngang qua không dám nhìn vào. Người sống sót ngồi nhìn nhau ngơ ngác, vô hồn ở sân cờ tiểu đoàn đang là bãi hỗn mang chen chúc, gào kêu những người vợ lính quấn dối những vành khăn trắng xổ tung tưởi do những con nhỏ bấu víu, khóc ngất.. Ba, ba đâu má ơi!! Anh lúc ấy chỉ là gã Thiếu Úy tuổi vừa qua hai mươi tuổi, nhìn trân vào mỗi người vợ, con người lính với cảm giác có tội – Tội sống sót khi người khác phải chết – Những người rất cần thiết cho một đơn vị gia đình mà anh không hề có chút nhỏ kinh nghiệm để đảm đương.

    Nhưng nỗi đau không hẳn chỉ như trên, với những ngày chiến trận tàn khốc, nơi trại gia binh, hậu cứ đơn vị anh. Anh lần sống với người nơi Miền Nam và chứng kiến.. Chiều 13 tháng Ba, 1975 anh đến Pleiku, phi cơ tắt máy, trả tĩnh mịch lại cho toàn khu phi trường mà đã một lần vô cùng náo nhiệt, là nơi đặt đại bản doanh chỉ huy quân sự toàn Tây Nguyên, lẫn duyên hải trung bộ nước Việt.

    Nhưng chiều ngày tháng Ba năm ấy, vùng phi trường quân sự, bộ tư lệnh Quân Đoàn II đã thực sự là một cảnh chiến địa cuối mùa, tàn cuộc, với người lính đã mất hẳn hùng khí chiến đấu bởi trạng huống bị bỏ rơi, bị phản bội.

    Khi anh vào thành phố, đêm xuống nhanh chụp bóng tối âm u lên hàng thông xăm xắp trĩu nặng dọc hai bên con lộ chính. Đường Hoàng Diệu heo hút hàng phố đóng kín, điện tắt, chập choạng đàn chó đói chạy ngóng hơi chủ. Ánh đèn dầu của quán ăn người Hoa trước rạp Diệp Kính chìm chìm vũng vàng đục qua màn sương dày cho anh hiểu rõ thêm..

    Thành phố đã là một thây chết không người chôn cất đang dần khô lạnh.

    Từ buổi sáng 13 tháng Ba kia, Tây Nguyên đã thật chết, dù người lính Sư Đoàn 23 Bộ Binh trong buổi sáng 14 tháng Ba tại sân bay Hàm Rồng đã hiện thực hành vi bi tráng tuyệt vọng.. Cả tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 45 đồng thanh hô lớn: “Thề quyết chiến lấy lại Ban Mê Thuộc” trước khi trực thăng vận xuống quận Phước An, Tây nam Ban Mê Thuộc để từ đấy tái chiếm thị xã. Cuộc trực thăng vận cũng được thực hiện với những người lính khác lạ: Họ có đủ giây ba chạc, ba lô, nhưng không mang vũ khí, đạn dược, thay vào đó bế những con nhỏ hay mang xách vật dụng gia đình, dành cho việc nội trợ: Những người vợ lính, nhảy trực thăng cùng chồng.

    Như một phản ứng tự nhiên, họ cũng chia lời thề nguyền quyết liệt với người lính, bởi ở nơi chốn vừa bị lực lượng cộng sản chiếm đóng kia là hậu cứ Sư Đoàn 23, trại gia binh của mỗi gia đình họ.

    Nhưng tình hình đã là điều bi thảm không thể che dấu, hồi phục. Những chiếc trực thăng bị trúng đạn ngay tại bãi đáp Phước An, cuộc trực thăng vận không thể hoàn tất, đồng lúc, Đại tá Trịnh Tiếu (Trưởng Phòng II (Phòng Quân Báo) Quân Đoàn), người được Tướng Phú chỉ định quyền Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuộc (trong ngày 13 tháng Ba) nhận được “mật lệnh cũng là phản lệnh”: “Bỏ Phước An, di chuyển về hướng đồng bằng. Chiến dịch giải tỏa Ban Mê Thuộc đồng lúc bị loại bỏ thay thế bởi lệnh, “di tản Quân Đoàn II khỏi Tây Nguyên”. Quyết định có từ cuộc họp gồm những “lãnh đạo”, miền Nam, những nhân sự có tước vị gọi là “tổng thống, thủ tướng, đại tướng tư lệnh, tổng tham mưu trưởng, cố vấn chính trị, quân sự..v..v..” Buổi họp ngày 14 tháng Ba ở Cam Ranh khai diễn cùng thời điểm khi người vợ lính Sư Đoàn 23 nhẩy xuống bãi pháo Phước An. Lần bức tử Miền Nam thật sự bắt đầu từ cuộc họp tàn hại nơi Cam Ranh với những kẻ chức quyền kể trên.

    Người di tản chết lây lất, lềnh đặc dọc hai trăm cây số đường đất đá Tỉnh Lộ 7 khởi từ ngã Ba Mỹ Thạch xuống Phú Bổn, băng Sông Ba về Tuy Hòa. Không phải cách chết thông thường với thân xác liền lặn, nhắm mắt bình an, nhưng chết nhiều lần, bởi tử thương do nhiều loại vũ khí gây nên, nằm xuống vương vãi với nhiều vị thế, nơi hốc đất, hẻm núi, bên cạnh đường. Người chết đứng tròng mắt kinh khiếp sững nhìn trời, kiến bâu đầy quanh khóe miệng. Bà nội dần chết để lại bên cạnh đường, với vị thế ngồi dựa lưng vào gốc cây, nhìn con cháu đi xa.. Những người lính và những người vợ lính bế con trong tay đi dưới đạn pháo. Biết đi được đến đâu hở trời?

    Hai-mươi bốn tháng Ba, cảnh tượng lập lại với cường độ hung hãn, thương tâm gấp bội, bởi co cụm lại nơi bến phà Thuận An, trên sóng nước sông Hương chảy ra biển dọc trăm cây số đường từ Huế vào Đà Nẵng, giữa đường đèo Hải Vân.

    Người mẹ quê đầu trần chân đất, phủ đứa bé vừa thai sinh dưới vạt áo dài vải đen vá đụp. Người mẹ đi từ Quảng Trị, vượt sông Mỹ Chánh vào địa vực Thừa Thiên-Huế, nhưng Huế đã là một địa ngục kinh hoàng vỡ toang theo độ lửa bừng bừng khô nỏ trong mắt người. Người mẹ tiếp nhập vào dòng người thất thần tan tác rời Huế (bởi đã tận hiểu nghĩa kinh hoàng của Mậu Thân, 1968, của tổng công kích Mùa Hè 1972), băng qua bãi pháo Đèo Ro Tượng, Đèo Phú Gia.. Đến đỉnh Hải Vân, đoàn người bị xé tung, cắt khúc, những bàn chân trần xênh xếch dính hắc ín và máu người chảy xối. Người mẹ vô hồn vén vạt áo nhìn con, đứa bé đã là một thây chết khô từ ngày qua, lúc nào không biết.

    Ngày 30 tháng Ba, bãi Tiên Sa Đà Nẵng thực sự trở nên là một nghĩa địa di động, trên bọt sóng những thây người chen chúc, đầu tóc rối xoắn, mắc vào những đồ đạc bập bềnh chìm lặng vào ra theo triều xô đẩy. Thây đàn bà, con trẻ nhiều hơn thây người mặc áo trận.

    Làm sao Người Lính có thể tồn tại và chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt thế kia? Hóa ra, tham dự cùng cuộc trường chinh nhọc nhằn với người lính từ bước đầu khởi cuộc có một nhân dáng nhỏ bé, yếu đuối, âm thầm chịu đựng với nỗi chết canh cánh không rời – Người Vợ lính. Đây là một đối tượng bị ngộ nhận một cách bạc bẽo và đáng trách qua tất cả những chữ nghĩa, văn hóa phẩm (của Miền Nam trước 1975, mà hiện nay ở hải ngoại thì lại hứng chịu cách đối xử lạnh nhạt, coi thường- Vợ của HO).

    Những người đàn bà nầy, từ lúc tuổi vừa qua hai mươi đã gánh chịu những giờ phút nguy nan thấp thỏm mà họ không có cách nào để chống đỡ, làm nhẹ bớt. Họ thức dậy rất sớm vào buổi sớm mai khi đơn vị di chuyển hành quân để sửa soạn cho người chồng bữa điểm tâm kham khổ với ý tưởng không dám nghĩ hết, biết đâu đây là lần chót? ”

    Họ bế đứa con còn quá nhỏ không hề biết đang xảy ra lần tạm biệt hay chia ly đành đoạn với người cha. Hai mẹ con thu người lại dưới ánh đèn đoàn xe GMC đang rời hậu cứ.

    Và người đàn bà, vợ người lính, thật sự chỉ là những cô thiếu nữ đang ở tuổi thanh xuân kia trở về khu trại gia binh để chờ đợi (một lần rất khả thể) vào một buổi nào đó viên sĩ quan chỉ huy hậu cứ sẽ đến gõ cửa nhà với câu nói khó khăn, ngắn lạnh: “chị chuẩn bị ngày mai theo xe hậu cứ lên nghĩa trang nhận anh!”

    Và nếu biến cố bi thảm nầy không xảy ra (như một phép mầu ân sủng), người đàn bà dần qua hết tuổi trẻ để cùng chia sẻ với chồng một ngọn nguồn đau thương, cảnh sống nhục nhằn thống khổ – Lần Miền Nam bị bức tử , sáng sớm ngày 30 tháng Tư, năm 1975. Vợ và những đứa con người lính bị đuổi ngay ra khỏi những căn nhà trong trại gia binh, khi người lính bắt đầu chịu cơn nhục hình (kể cả sự chết) bởi đoàn lũ đám người thắng trận đến từ Miền Bắc, nơi rừng sâu, đồng lầy trở vào thành phố với cách báo thù hả hê ti tiện của loại người hãnh tiến tham tàn vừa đoạt thắng.

    Sau 30 tháng Tư 1975, tại Miền Nam, theo như chính sách gọi là “khoan hồng nhân đạo” của chế độ cộng sản, những người thuộc gia đình “ngụy quân, ngụy quyền”, những người có dính líu với chế độ Mỹ-ngụy, kể cả những người làm công trong các căn cứ Mỹ, có nhà cho Mỹ kiều mướn ở những năm 65-75… Tất cả thành phần nầy, nghĩa là toàn bộ thị dân miền Nam đồng loạt bị đánh giá là kẻ thù của nhân dân”. Danh sách tổng hợp nầy xếp chung thành một loại “tiện dân” mới với hạng thứ 13 trong 14 giai tầng xã hội. Loại cuối đáy thứ 14 kia là bọn giết người, cướp của với trường hợp gia trọng, đang chờ ra pháp trường hoặc án tù cấm cố chung thân.

    Liệt kê hàng đầu của danh sách thứ 13 kia là những thân nhân trực hệ của người đang trong các trại tập trung – Gia đình của tập thể quân-dân-cán-chính Miền Nam đang chịu phần trực tiếp bách hại. Và tiếp theo, có một chính sách rất mực hèn hạ được chế độ cộng sản cầm quyền áp dụng dể thực hiện món đòn thù lên những người đàn bà, những đứa trẻ không chút liên hệ chính trị nầy: Từ những cuốn sách với một lối hành văn xỏ xiên, đểu cáng (đặc chất và đặc thù của những tay làm “công tác văn hóa” Hà Nội chuyển vào Nam) như Tháng Ba Tây Nguyên của Nguyễn Khải, đến cách đuổi nhà, hôi của qua chước “ăn cướp ban ngày gọi là “đi kinh tế mới”; hoặc chính sách “Ba Cùng: Cùng ăn, ở, làm” xâm nhập dần vào đời sống gia đình người Miền Nam (Đã thực hiện một lần có hiệu quả với gia đình nông dân, phụ nữ Miền Nam trước ngày bộ đội cộng sản tập trung ra Bắc Vĩ Tuyến 17, theo điều khoản Hiệp Định Genève 1954) để hoàn tất bước đường “thực dân-nô dịch-cộng sản hóa Miền Nam” theo kế sách gọi là “xã hội chủ nghĩa”.

    Nhưng tất cả mưu định hiểm ác ti tiện chính trị xã hội của chế độ bất nhân gọi là xã hội chủ nghĩa kia đã hoàn toàn bất tác dụng đối với tấm lòng kiên trinh sắc son cao thượng của Người Đàn Bà Trung Liệt Miền Nam. Dẫu trận chiến khắc nghiệt im lặng trên diễn ra với ba tầng vây khổn. Trước tiên người đàn bà phải tự thân chiến đấu để tồn tại của bản thân mình. Thứ đến, phải giữ vững gia đình với đàn con đang tuổi lớn bị thiếu đi hẳn phần có mặt tối cần thiết của người cha.

    Và cuối cùng, họ chính là và phải là nguồn thúc giục, gìn giữ và hy vọng cho kẻ cùng khổ nơi xa – Những người chồng sau cửa tù ngục. Cuối cùng, khi đến Mỹ lại là một mặt trận im lặng kinh dị khác. Không nghề nghiệp; học vấn, bằng cấp không có; ngoại ngữ không biết, đường sá xa lộ Mỹ là một hỗn trận đe dọa.. !! Thế nhưng họ lại vào trận với một nghị lực tưởng như của một thứ hạng siêu nhân với vóc dáng bé nhỏ, yếu đuối.. Như đã một lần. Như đã nhiều lần nơi quê nhà trước, sau 1975..

    Sau 30 Tháng Tư, 1975, họ ra đi từ Miền Nam với những giỏ, xắc đựng những món quà cứu đói – Cũng là khẩu phần chiết giảm, dành dụm của toàn thể gia đình sau hằng tháng ngày dài túng thiếu. Chen chúc trong những chuyến tàu lửa “kinh hoàng” với những đám hành khách buôn hàng tàu chợ lềnh đục tiếng lời chưởi thề hạ tiện tục tĩu, thứ ngôn ngữ đặc thù chính thống của “xã hội xã hội chủ nghĩa tiên tiến”, gồm những tay cướp dọc chuyên nghiệp, những kẻ đâm chém thiện nghệ. Nếu không bị cướp dọc đường, nếu không bị trấn lột nhiều lần trong suốt chiều dài di chuyển qua “miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, họ sẽ đến một nhà ga tan nát nào đấy ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà-nam-ninh, Vĩnh Phú, Hà Tây…

    Cuối cùng lúc tàn trăng cuối tháng, tiếp tục con đường vạn dặm với những lần xe trâu, xe bò, xe thồ lẫn chân trần để vào các cổng trại tù… Nơi những trại giam giữ người thân với bàn chân ruộm rách nút nẻ máu, những cách tay tê mỏi, trầy trụa do phải mang vác khối quá nặng dài đường xa, nếu thoát khỏi dàn dựng “ghê tởm ác độc của những trò cướp giật, hiếp, giết phanh, xé, xóa tung tích thây (như cách mô tả “sáng tạo” ngược ngạo của Dương Thu Hương trong Tiểu Thuyết Vô Đề nói về lính Biệt Kích VNCH hoạt động trên đường Hồ Chí Minh trong Trường Sơn ở giai đoạn chiến tranh), chủ trì bởi đám thảo khấu do bộ đội, công an cộng sản ngụy trang dọc đường vào các trại. Cuối cùng, họ lại phải đối phó với một hệ thống cán bộ trại sẵn sàng ăn có đồ thăm nuôi và tìm cách hạ nhục xuyên qua áp lực “để được phép gặp mặt con; gặp mặt chồng”.

    Con đường từ ga Thanh Hóa vào các trại tù Lam Sơn, Thanh Phong, Thanh Cẩm dài khoảng năm chục cây số đường chim bay; đây là đường thượng sơn nối vùng núi non thượng lưu sông Đà, dẫn lên mạn Lai Châu, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Điện Biên Phủ hành lang thông qua vùng Trưng và Bắc Lào. Đường hiểm trở chạy quanh co giữa những rặng núi đá vôi dựng trường thành, làm thành một trở ngại thiên nhiên vô cùng lợi hại mà ngựa Mông Cổ Thế Kỷ 13 dẫu giẫm nát toàn cõi lục địa Á, Âu vẫn không thể nào xâm nhập được.

    Thế Kỷ 15, đạo binh xâm lược Nhà Minh đang ở đỉnh cao cường thịnh cũng không thể bén mảng vào đến những căn cứ địa Lam Sơn, Chí Linh của nghĩa quân Lê Lợi. Xe thiết giáp bọc sắt của Quân Đoàn Viễn Chinh Pháp trong chín năm 1945-1954 cũng đành thúc thủ dưới đồng bằng. Cuối cùng, biệt kích Mỹ với vũ khí tối hảo, yểm trợ tuyệt đối cũng không có cơ may đổ bộ, tấn công. Và bản thân những lính bộ đội cộng sản, dẫu trong những ngày kháng chiến vệ quốc chưa lộ mặt, vẫn phải ngã gục trên đoạn đường gai góc…

    • Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
      Chiến trường đi đâu tiếc ngày xanh

      Để rồi,
      Anh bạn dãi dầu không bước nỗi
      Gục bên mũi súng bỏ quên đời!

      (Thơ Quang Dũng- Tây Tiến)


    Thế nhưng, dọc con đường xuyên sơn hiểm nghèo trên, Người Mẹ-người Vợ-người Đàn Bà Miền Nam đã nhiều lần đi đến. Họ đến đủ với chồng, với con hằng mười năm, hai mươi năm khổ nạn quê hương, để nói cùng chồng, cùng con trong năm mười phút thăm nuôi, lời trung hậu đơn giản: “Anh yên tâm, ở nhà có em lo; hoặc: “Con cố gắng học tập…Mẹ còn sống ngày nào, Mẹ không bao giờ bỏ con.”

    Có người đã đi như thế nhiều lần trong suốt hơn mười năm. Có người thực hiện chuyến đi vạn dặm từ Mỹ về nuôi con, thăm chồng như các Bà Khúc Minh Thơ, Trần Thị Thức (Bà Đoàn Viết Hoạt), những người đàn bà bản lãnh, kiên trung cùng chồng dự phần vào cuộc đấu tranh lớn cho Tự Do, Phẩm Giá Con Người. Nhưng bền bỉ âm thầm, và kỳ diệu đến độ tưởng chừng như không thực là những người vợ lính chịu cùng khổ nạn với chồng từ một thuở rất lâu, trước 1975, bắt đầu thập niên 60, lúc chiến tranh còn trong vòng bí mật – Những người lính không số quân thuộc những đơn vị mang bí số, bí danh – Những người lính bị bắt giữ không được công bố, không tính đến trong danh sách trao trả của Hiệp Định Ba-lê 1973; chịu hạn tù tương đương với bản án tử hình, chung thân cấm cố (nếu sống sót sau những trận nhục hình tra tấn của phía bắt giữ). Không hề ai biết đến, nói về họ – Kể cả cơ quan quân số, Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH – Chỉ những Người Mẹ – người Vợ Lính ở cùng, chờ đợi hằng hai mươi năm, hằng ba mươi năm, kết nên dấu ấn đau thương vô vàn cao thượng. Chỉ với những hành vi, tiếng lời nhỏ bé thăm thẳm thương yêu vừa kể ra trên – Người Lính đã kiên cường xốc tới trong lửa đạn, và tồn tại sau chiến tranh, trong ngục tù, bởi họ đã vô vàn nhận lãnh: Vô Lượng Tấm Lòng Người Mẹ – Người Vợ Miền Nam.

    Thủy chung, anh chỉ có một tấm lòng để nói Cùng Người – Với Người Lính, như đã một lần, về một nội dung, trong suốt một đời.

    Đất Mỹ, Ba-mươi năm sau
    Phan Nhật Nam



    Nguồn:https://baovecovang2012.wordpress.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

          

Tháng Tư, Ngày Tận Thế




Sài gòn tháng tư ngày tận thế
Mẹ về chưa kịp phút lâm chung
Để thấy thằng con ria họng súng
Viên đạn đồng kết liễu anh em.

Bốn mươi năm còn nghe tiếng khóc
Ngổn ngang một chứng tích tương tàn
Có tự hào bên nào chiến thắng
Bàn thờ cũng đã lạnh khói nhang.

Dòng máu đỏ mang hồn tổ quốc
Tội tình gì mà phải giết nhau
Mẹ đẻ hoang đàn con mất giống
Trơ gan vùi dập xác đồng bào!

Bốn mươi năm Sài gòn đã chết
Kể từ ngày thành phố đổi tên
Cờ sao bay đỏ tròng con mắt
Đắng hồn giỗ muộn tháng tư đen…

Hư Vô

Nguồn:https://vietluan.com.au


          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

          

Liên Khúc Quân Hành Việt Nam Cộng Hòa,








          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    45 Năm vẫn đợi mùa xuân





    Có những sự kiện lịch sử của một dân tộc trong đó người dân cảm thấy họ là những người đương thời may mắn được chứng kiến. May mắn là bởi vì có thể nó sẽ không còn được lập lại một lần nào khác trong lịch sử. May mắn có thể là vì người ta ao ước được thấy sự kiện đó xảy ra trong cuộc đời ngắn ngủi của mình trước khi nhắm mắt lìa đời, thấy mơ ước của mình đã trở thành sự thật.

    Người dân của Đông Đức, của Ba Lan, của Tiệp Khắc… ôm mối căm hờn sống dưới chế độ cộng sản từ năm 1945 khi Hồng Quân Liên Xô tràn qua Đông Âu để thiết lập nền thống trị. Tuy nhiên những dân tộc này là những dân tộc may mắn. Vì cuối cùng khát vọng, ước mơ về một mùa xuân của dân tộc đã trở thành sự thật. Chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ tại những quốc gia này.

    Tôi là một người Việt Nam không may mắn. Cái không may mắn của tôi còn tệ hại hơn sự không may mắn của rất nhiều người. Bởi vì không những tôi chưa thấy mùa xuân của dân tộc Việt Nam – tôi chưa thấy chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trên đất nước mình, mà tôi, do sự bất hạnh oái ăm, đã tận mắt chứng kiến ngày chủ nghĩa cộng sản thiết lập chế độ độc tài toàn trị trên toàn cõi Việt Nam, đẩy dân tộc này vào một giai đoạn tồi tệ nhất trong 4500 năm lịch sử.

    Đúng vào thời điểm này 45 năm trước, thành phố Đà Nẵng rơi vào tình cảnh cực kỳ hỗn loạn. Tôi còn nhớ ngôi nhà của chúng tôi trên đường Trưng Nữ Vương ở Đà Nẵng trở thành nơi cư trú của ít nhất 10 gia đình của các dì, các cậu tôi từ Huế tản cư vào.

    Dĩ nhiên lũ trẻ con chúng tôi có dịp gặp nhau và lấy làm thích thú lắm, mặc dầu cũng có thể nhận biết được chiến tranh đã có thể nhìn thấy rõ ràng trên đường phố. Thành phố đông nghẹt lính tráng từ các nơi quy tụ về, tiếng súng có thể nghe xa gần vọng về thành phố suốt ngày suốt đêm. Tần suất của những máy bay quân sự cất cánh từ sân bay Đà Nẵng cho thấy mức độ khẩn trương của tình hình.



    Triệt thoái Cao nguyên 3/1975



    Dự định di tản vào Sài Gòn bằng tàu vận tải của hải quân đã thất bại, vì cậu tôi vào phút chót đã được lệnh di tản đặc biệt không kịp đưa đại gia đình xuống tàu theo như dự định. Từ đó từng gia đình một phải tìm cách vào Nam với hy vọng tránh càng xa nỗi kinh hoàng mang tên Việt Cộng.

    Khác với những gia đình khác có những nhận thức mơ hồ về những người cộng sản, gia đình chúng tôi là người Huế và tận mắt chứng kiến sự tàn ác của đoàn quân từ rừng rú xuống đồng bằng trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Nhiều người trong đại gia đình của chúng tôi đã bị Việt Cộng bắt và chôn sống tại nhiều địa điểm khác nhau trong thời gian thành phố Huế bị chiếm đóng. Do đó không có một ai muốn ở lại khi nghe có tin phong phanh rằng Đà Nẵng sẽ trở thành một vùng “trái độn” và có những dấu hiệu cho thấy quân đội VNCH đang lui dần về phía Nam.

    Vào đêm 28/3/1975 ba tôi đã có một quyết định quan trọng mà có lẽ sau này đã làm ông hối tiếc. Trong khi gia đình các cậu dì tìm mọi cách để rời Đà Nẵng thì ba tôi quyết định ở lại. Ông cho rằng một chuyến đi biển bằng tàu cá xa xôi như thế làm cho ông không thể nào bảo đảm an toàn tính mạng cho cả một bầy con đông đúc. Hơn nữa lúc đó mẹ tôi lại đang có thai gần sinh đứa em út.

    Một người bạn thân của ba tôi, cùng có phần hùn trong các tàu đánh cá đã gặp ba tôi vào lúc nữa đêm hôm đó ngay trên cảng Tiên Sa để thuyết phục ba tôi và gia đình phải ra đi. Theo ông bạn này, thì ông ta sẽ bảo đảm an toàn cho cả gia đình đến Sài Gòn. Quan trọng hơn cả, ông này còn nói với ba tôi là miền Nam sắp rơi vào tay cộng sản cho nên sau khi đến Sài Gòn sẽ lấy thêm lương thực và sửa tàu trước khi vượt biển đi Thái Lan hay Phi. Sau này tôi mới biết sở dĩ ông bạn của ba tôi biết việc này là vì có một cậu con đang du học tại Canada và anh này đã nắm được tình hình lúc đó.

    Sau khi ba tôi cương quyết từ chối, gia đình ông bạn của ba tôi ra đi. Và theo đúng kế hoạch họ đã vượt biển trong ngày 30/4 từ Vũng Tàu và được tàu quân sự của Hoa Kỳ vớt trên hải phận quốc tế.

    Sáng hôm sau trong tiếng đạn pháo dữ dội của Việt Cộng nhắm về cảng Tiên Sa, gia đình chúng tôi dắt díu nhau quay trở lại thành phố Đà Nẵng. Khi về đến gần chân cầu Trịnh Minh Thế, lần đầu tiên trong đời tôi thấy những tên lính Việt Cộng mặc đồng phục, đội nón cối và mang tiểu liên AK-47. Nhìn những tên lính này ôm súng chạy lúp xúp dọc theo mái hiên của nhà dân tôi có linh cảm rằng tôi đang chứng kiến sự mở đầu của một tương lai vô cùng ảm đạm không những cho gia đình tôi mà cả mọi người chung quanh.

    Tôi không muốn nhớ lại những khó khăn về vật chất lẫn tinh thần mà gia đình tôi đã phải chịu đựng hàng chục năm sau cái ngày 30/4 định mệnh đó, bởi vì chính bản thân tôi đã thấy biết bao gia đình lâm vào những hoàn cảnh cực kỳ bi đát trong đó nhiều thành viên trong gia đình của họ đã trở thành nạn nhân của chính sách đối xử phân biệt và trả thù của cộng sản, đã gục ngã, đã chết trong những hoàn cảnh vô cùng bi thảm.

    Tôi đã thấy những trại cải tạo dành cho sĩ quan VNCH nơi ba tôi, cậu tôi bị giam cầm và đối xử như súc vật. Nơi đó người ta đã tìm hết cách biến những con người có trí tuệ, có nhân cách, có tài năng ở miền Nam thành súc vật, để hủy hoại nhân cách của họ nhằm trả thù. Tôi đã thấy những con người cùng đường phải vượt biển để tìm đường sống. Không may họ đã bị bọn công an vô nhân tính bắn chết, xác trôi tấp vào bãi biển và liền bị bọn súc vật mổ banh bụng để tìm vàng và nữ trang mà chúng tin rằng người vượt biển dấu bên trong. Tôi đã thấy nhiều đến nỗi tôi cảm thấy mình là một người bất hạnh, vì phải sinh ra để chứng kiến những gì tàn tệ nhất mà những người cộng sản đã đối xử với những người anh em miền Nam thua trận, nhân danh những người đến để giải phóng. Tôi đã thấy nhiều đến nỗi tôi chỉ muốn quên đi như cố quên những cơn ác mộng.

    Thế nhưng 45 năm qua cơn ác mộng của dân tộc vẫn còn đó, vẫn hiện hữu như một thách thức của lương tri, như một sự sĩ nhục niềm tự hào của dân tộc. Nhưng cái đau đớn nhất mà tôi có thể cảm nhận được sau 45 năm chưa hẳn là vấn đề tự do dân chủ, mà là cái họa mất nước càng ngày càng rõ trước Trung Quốc và sự thoái hóa thê thảm của văn hóa Việt Nam, của đạo đức dân tộc và khả năng tư duy độc lập của đa số thế hệ trẻ tại Việt Nam hiện nay.

    Tôi luôn có một suy nghĩ rằng sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào sự ủng hộ của đảng cộng sản Trung Quốc. Chừng nào chính sách của Trung Quốc về Việt Nam chưa thay đổi thì ngày đó đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn chỗ dựa để tồn tại và cai trị Việt Nam.

    Việc Trung Quốc càng ngày càng trở nên giàu có và hùng mạnh cho thấy vấn đề “thoát Trung” càng lúc càng trở nên khó khăn. Thêm nữa vấn đề “thoát Trung” đang được bàn tán tại Việt Nam có thể chỉ là thủ thuật “an dân” của đảng cộng sản Việt Nam trong khi họ thực tâm muốn Việt Nam càng lúc càng gần Trung Quốc để nhận được sự cam kết bảo vệ từ đảng cộng sản Trung Quốc.

    Để đối phó với tình trạng phản kháng xã hội càng lúc càng tăng và tình trạng tha hóa đạo đức nghiêm trọng, đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam tìm cách giúp Khổng Tử tái sinh và kêu gọi sự phục hưng của Khổng giáo.

    Thoạt đầu người ta tin rằng Khổng giáo và Cộng sản không có điểm chung nào cả. Tuy nhiên tôi thấy rằng Khổng giáo chỉ xuất hiện dưới chế độ phong kiến, nhưng Khổng giáo bản thân nó không phải là chế độ phong kiến. Khổng giáo chỉ là một lý thuyết xã hội cổ súy sự nhận thức của người dân về vị trí của mình và tuân phục những người ở vị trí lãnh đạo. Chính vì thế khi nhận ra rằng Khổng giáo không phải là phong kiến, cả Trung Quốc và Việt Nam đều cố gắng khôi phục lại Khổng giáo nhằm tái lập trật tự xã hội và cũng cố vị thế của đảng cộng sản cầm quyền.

    Tuy nhiên di sản của Khổng giáo từ ngàn năm, kết hợp với tư duy cộng sản chủ nghĩa đã tạo ra những thế hệ một mặt thì hết sức cơ hội, cá nhân chủ nghĩa núp bóng “trách nhiệm tập thể” và một mặt thì hết sức thụ động, mất khả năng phản kháng và thái độ thần phục nhà cầm quyền.

    Sự thâm độc đã lên đến mức độ cực kỳ khi nhà cầm quyền cộng sản tại TQ và VN đang nổ lực để biến bản thân lý thuyết cộng sản trở thành văn hóa và cũng là một tôn giáo mới. Chính sách này được thực hiện dựa trên lý luận rằng một hệ tư tưởng, một chế độ chính trị có thể bị người dân vùng lên lật đổ. Tuy nhiên người dân không bao giờ có thể lật đổ một nền văn hóa hay lật đổ một tôn giáo.

    Đây chính là nguyện vọng của Nguyễn Phú Trọng khi ông ta nói rằng đảng cộng sản sẽ mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.

    Tuy nhiên sự phục hưng của Khổng giáo tại Việt Nam và Trung Quốc không giải quyết được vấn đề gì, vì thực ra Khổng giáo đã và đang tồn tại, vẫn chi phối suy nghĩ của người dân và giúp thiết lập cơ chế xã hội lẫn chính trị từ xưa đến nay, bất chấp chủ nghĩa cộng sản được truyền bá như một hệ tư tưởng chính thống từ những năm 1945 đến nay.

    Rõ ràng sự kết hợp giữa lý thuyết cộng sản và tư tưởng Khổng giáo tại Trung Quốc và Việt Nam hình thành một loại cocktail cực độc, làm dân chúng hai quốc gia này trở thành những con người mất hoàn toàn sức đề kháng.

    Trong bối cảnh đó tôi lại càng cảm thấy mình thật không may mắn, vì nếu như mọi việc cứ tiếp diễn như hiện nay, thì dù 45 năm đã qua và hay 100 năm sắp đến, tôi cũng sẽ không bao giờ nhìn thấy mùa xuân của dân tộc.

    Ls Lê Đức Minh


    Nguồn:https://news.vietluan.com.au


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

          



Lòng Như Tháng Tư





Tháng Tư không nói gì
lẽ nào như thế được?
người vẫn còn chân đi
mắt nào không lệ ướt?

Tháng Tư rầm rộ bước
xe như thác lên đèo
trực thăng rời sân thượng
còn vướng người đeo theo

Người đeo theo phi cơ
thân hình treo lủng lẳng
giữa trời đen, mây mù
cặp mắt trừng, ngó thẳng

Đối diện với cái chết
người sáng suốt như ma
tiềm thức bảo nó biết:
xuống thuyền. Đi. Đi xa ...

Nước loạn chẳng dung thân
người như chim xao xác
ra đi. Chết một lần
tấm lòng, như áo bạc!

Tháng Tư không nói gì
là người đã câm hết
cho tôi xin một lời
để biết mình chưa chết

VI KHUÊ (Virginia - USA)

Nguồn:http://cothommagazine.com



          
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”