- 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Chiều ra Đài chiến sĩ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          







          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hóa ra có tới hai 'Tháng Tư Đen'

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Hóa ra
    có tới hai 'Tháng Tư Đen'

    __________________________________
    Nguyễn Tiến Hưng _ 1 tháng 11 2018






              

    Tổng thống Ngô Đình Diệm trong một hình tư liệu. Bên phải là cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai ông

              


    Lịch sử Miền Nam Việt Nam thật kỳ lạ: hai cái mốc lịch sử ấy lại cách nhau đúng 20 năm - đánh dấu lúc khai sinh và lúc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.




    'Tháng Tư Đen' thứ nhất: năm 1955

    Sau khi ông Ngô Đình Diệm nhận chức Thủ Tướng vào Hè 1954, Sàigòn dần dần chìm đắm vào cảnh nội loạn. Lý do chính yếu là Pháp nhất quyết dẹp Thủ Tướng Diệm để thành lập một chính phủ thân Pháp và bảo vệ quyền lợi của Pháp.

    Tình hình chính trị khó khăn tại Miền Nam từ năm 1954 kéo dài sang năm 1955. Tư lệnh quân Đội Pháp Paul Ély thuyết phục được Đại sứ Mỹ Lawton Collins rằng ông Diệm không thể lãnh đạo Miền Nam Tự Do. Ông đề nghị năm bước để thay thế Thủ tướng Diệm (chỉ mới chấp chính được mười tháng). Collins đích thân bay về Washington để áp lực cả tổng thống lẫn ngoại trưởng. Sau cùng cả TT Eisenhower lẫn Ngoại Trưởng Dulles đã phải nghe theo - dù hết sức lưỡng lự. Washington gửi điện mật tới Sàigòn đồng ý cho đảo chính vào lúc Pháp đang bí mật yễm trợ lực lượng Bình Xuyên lật đổ Tổng thống Diệm.

    Vào mùa xuân 1955, ngoài đối phó với Pháp, ông Diệm còn có vấn đề lớn lao nữa là việc định cư gần một triệu dân di cư từ ngoài Bắc vào Nam, bất chợt làm tăng dân số Miền Nam lên 7%.

    Khi đưa một số dân lên khai khẩn các khu dinh điền trên cao nguyên, ông Diệm bị chỉ trích là mang người Kinh lên chiếm đất của người Thượng. Nhiều người còn dị nghị là chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị Bắc Nam và thiên vị người Công Giáo.

    Không những tình hình chính trị mà tôn giáo tại Miền Nam thật rối ren. Vào tháng 3, các giáo phái thành lập "Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia."

    Quốc trưởng Bảo Đại ủng hộ Mặt Trận và thông báo cho Mỹ là ông Diệm không còn hữu hiệu nữa. Ngày 21 tháng 3, 1950 Mặt Trận tống đạt một tối hậu thư, đòi ông Diệm trong vòng năm ngày phải thành lập chính phủ mới, gồm đại diện của các lực lượng dân chủ đối lập nếu không họ sẽ biểu tình.

    Thành lập xong, đại diện Mặt Trận liên lạc ngay với phía Mỹ để yêu cầu ủng hộ việc đòi ông Diệm phải thành lập chính phủ mới. Tại Sàigòn, Đại sứ Collins tuy là chống biểu tình nhưng khuyên ông Diệm phải thương thuyết để dung hòa với Mặt Trận, như vậy "có thể đổi thù thành bạn."

    Thoạt đầu ông Diệm đồng ý, nhưng khi các giáo phái nói là không thể điều đình về những yêu sách của họ, ông Diệm cho ông Collins biết là sẽ dùng vũ lực để giải quyết. Collins không đồng ý, trả lời rằng quân đội sẽ không ủng hộ việc dùng vũ lực và tiếp tục khuyên ông Diệm phải tìm giải pháp ôn hòa.




    Một quyết định táo bạo

    Cuối tháng 3, 1955 bầu không khí Sàigòn trở nên ngột ngạt sau khi ông Diệm ban hành sắc lệnh tách Cảnh sát Biệt khu Thủ đô ra khỏi hệ thống chỉ huy của Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia Lại Văn Sang. Không thông báo cho Đại sứ Mỹ, ông Diệm bắt đầu xúc tiến kế hoạch truất chức ông Sang và tấn chiếm Trung Tâm Cảnh sát, dự định cả hai việc sẽ được thi hành vào ngày 29 tháng 3.

    Thế nhưng chỉ mấy giờ trước khi kế hoạch bắt đầu, Pháp biết được tin này nên gấp rút can ngăn ông Diệm, hứa sẽ tìm cách đưa quân đội Bình Xuyên ra khỏi lực luợng cảnh sát.

    Đại sứ Collins cũng đến gặp ông Diệm để phản đối việc dùng vũ lực.
    • "Nếu ngài giải quyết vấn đề bằng cách này, chúng tôi sẽ bị áp lực mạnh mẽ phải ủng hộ việc thay đổi chính phủ ngài."

    Đêm 29 rạng 30 tháng 3, giao tranh giữa Bình Xuyên và quân đội quốc gia đã xảy ra, nhưng vào lúc 3:15 sáng, Tướng Ely áp đặt ngay lệnh ngưng chiến. Để biểu dương lực lượng, ông cho xe thiết giáp quần trên đường phố Sàigòn. Vì đã có giao tranh đem đến đổ máu và chết chóc, Pháp nhân cơ hội này sắp xếp một kế hoạch toàn bộ để dẹp ông Diệm.

    Một mặt thì thuyết phục Đại sứ Collins (cũng là cựu chiến hữu với Ély trong Thế Chiến II) về ông Diệm không đủ tài năng và uy tín, mặt khác thì đề với nghị Quốc trưởng Bảo Đại ở Cannes phải có hành động quyết liệt như cất chức ông Diệm, đồng thời ngấm ngầm yểm trợ lực lượng Bình Xuyên.




    Tháng 4/1955: năm bước để loại bỏ Thủ Tướng Diệm

              

    TT Ngô Đình Diệm trong một ảnh chụp cuối tháng 11/1955

              

    Pháp đã thành công trong việc thuyết phục được Đại sứ Mỹ Collins. Ngày 9 tháng 4, 1955 ông Collins gửi Ngoại Trưởng Dulles một điện văn dài, đề nghị toàn bộ cách giải quyết cuộc khủng hoảng tại Sàigòn. Đề nghị này gồm hai phần: sắp xếp việc ông Diệm 'từ chức,' và thẩm định hậu quả của việc từ chức. Tóm tắt phần một như sau:

    Hãy xem công điện số 4448

    • Ngày 9 tháng 4, 1955

      Việc sắp xếp cho ông Diệm từ chức gồm 5 bước đi, :
      1. Giải quyết vấn đề rút Cảnh sát và Công an ra khỏi tay Bình Xuyên;
      2. Thuyết phục ông Diệm từ chức;
      3. Tìm người thay thế ông Diệm làm Thủ tướng;
      4. Đi tới một thỏa thuận về giải pháp đối với các giáo phái; và
      5. Vận động để các giáo phái chấp nhận giải pháp trên.





    Nửa đêm ngày 28 tháng 4

    Khuyến cáo của Đại sứ rõ ràng, mạch lạc là như vậy, nhưng tại Washington phản ứng về vụ Bình Xuyên nổ súng thì lại khác.

    Ngay trước khi kim đồng hồ chỉ nửa đêm ngày 28 tháng 4, 1955 ở Sàigòn tức là trưa ngày 29 tháng 4 ở Washington, Ngoại trưởng Dulles nhận được tin "giao tranh đã bắt đầu giữa Quân Đội Quốc Gia và Bình Xuyên" khi ông đang ăn trưa với một số dân biểu lưỡng đảng tại Tòa Bạch Ốc:
    • "Đây là cơ hội chúng ta đã chờ đợi để tìm hiểu xem ông Diệm có đủ can đảm và quyết tâm hành động không, và cũng để biết được Quân đội Việt Nam có trung thành với ông ta hay không," ông Dulles nói với các dân biểu,
      "Nếu chứng tỏ được hai điều này thì ta hết lo (we are over the hump); còn nếu như ông thất bại về một trong hai điểm thì bắt buộc ông ta phải từ chức. Dù sao chúng ta cũng sẽ có câu trả lời."
    TT Eisenhower chỉ thị:
    • "Nếu như ông ta thất bại thì thật là bết bát, nhưng ta cần phải tìm hiểu ngay bây giờ hơn là để muộn về sau, xem Quân đội Quốc gia mà ta tốn phí quá nhiều để phát triển liệu có trung thành với ông ta hay không."

    Trong hoàn cảnh xáo trộn và trước sự chống đối ông Diệm của Đại sứ Collins, TT Eisenhower gọi ông Collins về Washington để tham khảo. Trước khi đi, ông Collins còn gửi đề nghị cho TT Eisenhower (19/04/1955) là vẫn phải thay thế ông Diệm.

    Rồi Collins còn đến gặp ông Diệm một lần nữa và báo cáo về Washington là ông đã nói thẳng với ông Diệm rằng chính phủ của ông ta sẽ không thể tồn tại nổi được ba tháng nữa, và nếu cứ tiếp tục như thế này thì loạn lạc là điều trông thấy. Và vì vậy,
    • "Tôi thêm rằng bắt buộc tôi phải báo cáo cho chính phủ tôi rằng hành động của ông Diệm sẽ dẫn tới một cuộc nội chiến."
    Theo Collins, ông Diệm đã trả lời rằng mỗi khi ông nhân nhượng và thỏa hiệp thì vấn đề lại trở nên khó khăn hơn. Vì sợ ông Diệm lợi dụng lúc Collins không có mặt ở Sàigòn để tấn công Bình Xuyên và đặt Mỹ vào một việc đã rồi nên Collins còn căn dặn ông Diệm là
    • "Ngài nên làm bất cứ điều gì có thể để tránh xảy ra một cuộc xung đột trong khi tôi đi vắng."


              

    Cao ủy Pháp, tướng Paul Ely (giữa) cùng ông Ngô Đình Diệm, lúc đó mang chức Thủ tướng,
    tại một chùa ở Chợ Lớn trong lễ Phật giáo tưởng niệm chiến sỹ trận vong Pháp - Việt tháng 1/1955

              

    Ông Diệm nói lảng đi, phàn nàn rằng nếu như ông đã cất chức Tổng Giám Đốc Cảnh sát Lại Văn Sang ngay từ đầu thì bây giờ tình hình tại Sàigòn đã có thể kiểm soát được rồi. Chào tạm biệt, ông Collins cho ông Diệm hay là chính Quốc trưởng Bảo Đại sẽ giải nhiệm ông nếu tình hình này cứ kéo dài. Kết thúc bản báo cáo gửi Washington, Collins đề nghị:
    • "Tôi không thấy, nhắc lại là không thấy, một giải pháp nào khác ngoài việc thay thế ông Diệm cho sớm."





    Bên bờ vực thẳm

    Đại sứ Collins về tới Washington ngày thứ Năm, 21/04. Ngày 22 tháng 4, ông dùng bữa ăn trưa với TT Eisenhower, và sau đó gặp Ngoại trưởng Dulles cùng với các đại diện Bộ Quốc Phòng và Trung ương Tình báo để 'lobby' chống ông Diệm. Ông nhắc lại quan điểm của ông một cách mãnh liệt và cứng rắn hơn trước là Mỹ phải thay thế ông Diệm và có kế họach hành động ngay tức khắc.

    Trước áp lực mạnh mẽ của Collins, vừa là đặc ủy của Tổng Thống, vừa là đại sứ, lại là chứng nhân có mặt tại chỗ để nhận xét, nên sau cùng ông ta đã thắng thế. Ngày 27 tháng 4, ông Dulles đã đồng ý một cách lưỡng lự. Ông chấp thuận một mật điện do Bộ Ngoại giao soạn thảo ra lệnh thay thế Thủ Tướng Diệm. Ông Young viết lại rằng:
    • "Chẳng một ai trong chúng tôi thật sự tin tưởng vào bức điện đó, nhưng chúng tôi phải đối diện với những đề nghị mạnh mẽ của Collins và ưu thế của ông là ông ta đã đến tòa Bạch Ốc ngay hôm sau ngày ông từ Sàigon về tới Washington."





    Mật điện lịch sử ngày 27/04/1955: thay thế Thủ Tướng Diệm

    Bức điện ngày 27 tháng 4, 1955 cho phép sắp xếp thay thế Thủ Tướng Diệm trích dẫn ở phần Phụ Lục là một văn kiện lịch sử hết sức quan trọng. Nó giống như mật điện ngày 24 tháng 8, 1963 vào lúc sắp xếp việc đảo chánh. Sau đây là tóm tắt:



    Bộ Ngoại Giao
    Ngày 27/04/1955

    "Tướng Collins và Ely phải thông báo cho Thủ tướng Diệm biết rằng vì lý do ông không thành lập được một chính phủ liên hiệp có cơ sở rộng rãi và ông bị người Việt chống đối, chính phủ Hoa kỳ và Pháp không còn đủ tư thế để ngăn ngừa việc ông phải từ chức. Những đức tính yêu nước của ông vẫn có giá trị tiềm năng lớn đối với Việt Nam, và chúng ta hy vọng rằng ông sẽ hợp tác với bất kỳ chinh phủ mới nào được chỉ định…

    " Chúng tôi tạm đề nghị một tân chính phủ như sau:

    • 1)Nội các: quyền hành pháp đầy đủ trao cho [Trần Văn] Đỗ hoặc [Phan Huy] Quát làm thủ tướng và phó thủ tướng…
      2)Hội Đồng Tư Vấn khoảng từ 25 đến 35 đại diện các phe nhóm, gồm cả các giáo phái…và
      3) Quốc hội Lâm thời: một cơ chế gần như một Quốc Hội Lập Pháp, gồm những người đã trù liệu được bầu ra hay chỉ định theo lịch trình…"


    Dulles


    Bộ Ngoại giao gửi mật điện đi vào lúc 6 giờ chiều ngày 27/04 giờ Washington nhưng khi chỉ thị vừa được gửi đi là tin tức này đã lọt ra ngoài nên ông Diệm biết được và đã hành động kịp thời. Theo tác giả Mark Moyar trong cuốn Triumph Foresaken (xuất bản năm 2006) thì:
    • "Trong mấy giờ đồng hồ hết sức cam go sau khi gửi mật điện này, Washington nhận được rất nhiều điện văn dồn dập do Đại tá Landsdale gửi.

      Rồi ngay trước khi kim đồng hồ chỉ nữa đêm giờ Washington (Sàigòn là trưa) Landsdale báo cáo là "giao tranh đã bắt đầu giữa Quân đội Quốc Gia và Bình Xuyên."

    TT Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles nghe vậy giật mình, quyết định hủy bỏ kế hoạch Collins nhằm dẹp ông Diệm, đồng thời ra lệnh cho Tòa Đại sứ Mỹ ở Paris và Sài gòn phải gấp rút đốt hết các mật điện nói về việc này. Về thời điểm này, tác giả nổi tiếng về lịch sử Việt Nam Joseph Buttinger trong cuốn "Vietnam, A Dragon Embattled" nhận xét:
    • "Trong sự tranh đấu để thu hồi và bảo vệ được quyền bính, ông Diệm đã trải qua nhiều giai đoạn bất trắc và khổ cực. Tuy nhiên, cho dù cả trong những tuần lễ trước cuộc đảo chánh và ám sát ông năm 1963, ông Diệm cũng đã không bị gian lao, cay đắng bằng trong tháng 4, 1955."





    May mắn cho kế hoạch khai sinh VNCH

              

    Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm trong một chuyến thăm Hoa Kỳ

              

    Trước khi rời Sàigòn về Washington (ngày 20/04), theo tác giả Mark Moyar trong sách đã viện dẫn, Đại sứ Collins có nói với Cao ủy Pháp Ely rằng:
    • "Hoa Kỳ đã quyết định ông Diệm phải từ chức."

    Theo sự thỏa thuận này, ngày 30 tháng 4, Ely tới gặp Quyền Đại sứ Mỹ Randolph Kidder để yêu cầu Hoa Kỳ cộng tác với Pháp trong việc dẹp ông Diệm. Lúc ấy, Kidder không biết chính sách của Washington diễn biến ra sao vì trước khi rời Sàigòn, Collins chỉ nói với Kidder là
    • "thượng cấp còn đang bàn định về những kế hoạch mới của Hoa Kỳ tại Việt Nam,"
    và lúc này Collins còn đang bàn bạc, vận động tại Washington.

    Thế nhưng, vì đã tận mắt thấy ông Diệm đang thành công, Kidder trả lời thẳng thừng cho Ely là
    • "Không, Hoa Kỳ sẽ không cộng tác trong việc dẹp ông Diệm."
    Về sau, Kidder kể lại
    • "Lúc ấy tôi thực không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự quyết định lấy về chính sách của Hoa Kỳ, vì nếu trả lời là "tôi không biết" thì thật là buồn cười."

    Tướng Ely vô cùng giận dữ và phản đối, cho rằng Hoa Kỳ đã bội ước, vì chính ông đã nhận được sự đồng ý của Tướng Collins về việc thay thế ông Diệm. Thái độ phẫn nộ của Ely cũng giống như lúc ông đã hết sức bất mãn về sự hứa hẹn của tướng Radford là sẽ can thiệp vào Điện Biên Phủ, rồi không làm như vậy. Dù Ely phản kháng, Kidder vẫn giữ nguyên lập trường là Hoa Kỳ ủng hộ ông Diệm chứ không bắt tay với Pháp để dẹp ông đi.

    Rất may cho Thủ Tướng Diệm và còn may hơn nữa cho việc khai sinh nền Cộng Hòa Việt Nam: cũng theo Moyar, nếu như trong buổi họp ngày 30 tháng 4, ông Kidder đã nói thật với Tướng Ely rằng:
    • Tòa Đại sứ thực sự chưa nhận được những hướng dẫn về chính sách của Hoa kỳ đối với ông Diệm vào lúc ấy (ngoài lệnh hủy công điện ngày 27 tháng 4)
    thì rất có thể ông Ely đã có những biện pháp mạnh mẽ để dẹp ông Diệm hơn là đã nhân nhượng ông ta.

    Ngoài ra, giả như Đại sứ Collins không về Washington và có mặt tại buổi họp với Ely hôm ấy thì rất có thể là Collins đã đồng ý với Ely rồi. (Sự việc này cho ta một bài học: hành động của đại sứ Mỹ có mặt tại chỗ là hết sức quan trọng).

    Năm năm sau, trong một bức thư gửi TT Diệm (1960), TT Eisenhower còn nhắc tới sự cương quyết và thành công của Thủ tướng Diệm năm 1955:
    • "Chúng tôi đã chứng kiến sự can đảm và táo bạo mà Ngài và nhân dân Việt Nam đã biểu dương để đạt tới độc lập trong một tình huống nguy hiểm đến độ nhiều người đã coi như là vô vọng. Chúng tôi còn ngưỡng mộ khi tình trạng hỗn loạn ở Miền Nam đã nhường chỗ cho trật tự, và tiến bộ đã thay thế cho tuyệt vọng, tất cả với một tốc độ thật nhanh chóng."


    Nền Cộng hòa của TT Ngô Đình Diệm đã vượt qua và tồn tại đến ngày 1/11/1963.

    Bài lấy từ trích dẫn trong cuốn sách 'Khi Đồng Minh Nhảy Vào' của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng. Ông là Cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách
    • Khi Đồng minh Tháo chạy (2005)
      Khi Đồng minh Nhảy vào (2016).







    Nguyễn Tiến Hưng

    https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46058746
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Việt Nam Cộng Hòa và những định mệnh xui xẻo

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Việt Nam Cộng Hòa
    và những định mệnh xui xẻo

    __________________________________
    Nguyễn Tiến Hưng _ 29 tháng 4 2017






              

    Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa Đại Hàn Lý Thừa Vãn và Tổng thống Đệ nhất VNCH Ngô Đình Diệm
    vào năm 1958

              


    Nhìn lại lịch sử, chúng tôi thấy câu ngạn ngữ "hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai" sao nó đúng quá: tai bay vạ gió thì luôn theo nhau mà đến với Việt Nam Cộng Hòa, còn những cái may mắn thì ít khi nó trở lại.

    Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm: sau bao nhiêu gian lao với Pháp, ông đã khai sinh ra nền Cộng Hòa.

    Sau đó xây dựng được những thành tích vẻ vang của "Năm Năm Vàng Son 1955-1960," (độc giả xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 13). Nhưng vừa tới năm 1961 thì ông phải đối đầu ngay với những giao động khôn lường: nửa năm đầu thì Tổng thống John F. Kennedy hết sức ủng hộ, tới nửa năm sau, bang giao Việt - Mỹ rơi vào khủng hoảng.

    Sau cùng thì trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng vào dịp Lễ Phật Đản thứ 2507 (ngày 8/5/1963), TT Kennedy gửi ông Henry Cabot Lodge sang làm Đại sứ thay thế ĐS Frederick Nolting về hưu.

    Nolting là người ủng hộ ông Diệm. Ông Lodge là người mưu mô, nham hiểm, có nhiều thành kiến về ông Diệm. Vì tham vọng muốn lập thành tích để ra ứng cứ tổng thống vào năm 1964 cho nên ông đã dùng đủ mọi mưu lược triệt tiêu Tổng thống Diệm với hậu quả là phá nát nền Đệ Nhất Cộng Hòa mùa Thu 1963. Tôi gọi ông này là Đao phủ HENRY I.

    Tới Đệ Nhị Cộng Hòa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại gặp ngay một tay HENRY nữa - Henry A. Kissinger. Về ông này, ta có thể đặt câu hỏi: ở một cường quốc vĩ đại như Hoa Kỳ, biết bao nhiêu người vừa tài, vừa đức, vừa có tâm, vừa có tầm mà lại không lên được tới địa vị quyền hành như ông Kissinger?

    Ông này còn mưu lược, gian dối hơn Cabot Lodge gấp mấy lần. Kissinger đã đạo diễn chính sách của Hoa Kỳ về Việt Nam trong gần sáu năm rưỡi, tức là trên hai phần ba thời gian của Đệ Nhị Cộng Hòa.

    Cái nguy hiểm cho cả Mỹ lẫn Miền Nam là ông này thích hành động bí mật và một mình.

    Trong một cuộc phỏng vấn với nữ ký giả người Ý, bà Oriana Fallaci, ông giải thích rằng sở dĩ ông có sức mạnh là nhờ ở lối hành động một mình:

    "Điểm chính là lúc nào tôi cũng hành động một mình. Người Mỹ thích cái đó vô cùng. Người Mỹ thích hình ảnh một gã chăn bò dẫn đầu một toán di dân, một mình trên lưng ngựa, đi đầu, thủng thẳng tiến vào một tỉnh lỵ, một thị xã; chỉ mình với ngựa thôi, không có gì khác. Có thể là không có cả súng nữa, là vì gã ta không cần bắn. Gã chỉ hành động bằng cách là ở đúng chỗ, vào đúng lúc, thế thôi. Nói gọn hơn, gã là một cao bồi miền Tây."

    Tôi gọi ông này là Đao phủ HENRY II.

    Nhân dịp 30 tháng Tư, chúng tôi xin chia sẻ với đồng hương một vài cảm nghĩ về số phận long đong của cả hai nền Cộng Hòa vào lúc hoàng hôn thê lương ảm đạm.





    Khi Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ

    Những cái xui xẻo đã xảy ra liên tục cho Tổng thống Ngô Đình Diệm trong ba ngày cuối cùng của cuộc đời ông (xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 22).

    Ngày 3/03/1963 Tòa Bạch Ốc gửi mật điện chỉ thị cho Đại sứ Lodge là: "phải thông báo đầy đủ cho Tướng Harkins (tư lệnh quân đội Mỹ ở Miền Nam) trong mọi giai đoạn, và sử dụng những khuyến cáo của cả Harkins lẫn Smith," và "tất cả chỉ thị cho Conein (người trung gian với nhóm tướng lãnh đảo chính) cũng phải được thông qua ý kiến của Harkins và Smith." Nhưng vào những giờ phút chót, ông Lodge đã trái lệnh Tổng thống, không chịu bàn bạc, thông báo gì với ông Harkins (vì Harkins hết sức bênh vực TT Diệm);

              

    Cố vấn Ngô Đình Nhu, người bị sát hại cùng anh ông, Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa năm 1963

              

    Cùng ngày 30/03, Đại sứ Lodge hoãn chuyến đi Washington. Ông đã định đi vào ngày 31 tháng 10. Chỉ thị từ Washington là khi ông Lodge đi vắng thì Tướng Harkins sẽ thay thế ông để điều khiển ở Sàigòn. Nếu ông Harkins ở lại thì khó có thể đảo chính. Sau cùng, Washington lại quyết định cho phép ông Lodge hoãn chuyến đi vài ngày. Lodge muốn ở lại Sàigòn để theo rõi đảo chính ngày hôm sau.

    Ngày 31 tháng 10 là ngày trước đảo chính. Vì ngày đảo chính (mồng 1 tháng 11) là ngày Lễ Các Thánh, ngày lễ của người Công giáo, nên ông Diệm có thể đi kinh lý hoặc thăm viếng chỗ này chỗ kia. Cho nên Tướng Trần Văn Đôn đề nghị với TT Diệm là ông nên tiếp xã giao Đô đốc Harry Felt (Tư lệnh quân lực Mỹ Thái Bình Dương) vừa tới Sàigòn. Đề nghị như vậy là để có cớ thuyết phục TT Diệm ở lại Dinh Gia Long trong ngày đảo chính cho chắc ăn.

    Chính ông Đôn đã viết lại trong cuốn hồi ký Our Endless War - Inside Vietnam:

    "Sáng ngày 31 tháng 10, tôi vào dinh gặp Tổng thống Diệm để hỏi về vấn đề Đô đốc Felt đến Sàigòn, và dò hỏi xem có phải vì ông không có mặt ở Sàigòn vào ngày mai nên không tiếp ông Felt được hay không? Ông Diệm ngạc nhiên vì không biết tin ông Felt tới Sàigòn."

    Vì Tướng Đôn đề nghị, TT Diệm đã quyết định ở lại Sài gòn để tiếp Đô đốc Felt vào ngày 1/11.

    Buổi sáng ngày 1 tháng 11, khi TT Diệm tiếp hai ông Felt và Lodge, ông bất chợt hỏi ông Lodge rằng ông biết đang có âm mưu đảo chính nhưng không biết rõ tướng tá nào muốn đảo chính. Ông Lodge trả lời một cách quanh co: "Tôi không nghĩ rằng Tổng thống phải lo ngại gì cả." Như vậy là để đánh lừa ông Diệm;

    Một chuyện nữa hết sức quan trọng, đó là cuối cùng, như đã đề cập trên đây, Tổng thống Diệm đã muốn làm một nghĩa cử ôn hòa với cả Đại sứ Lodge, cả Tổng thống Hoa kỳ. Vì biết ông Lodge sắp lên đường về Washington, ông dặn ông Lodge là khi về tới Washington thì nên gặp hai ông Colby (trưởng trạm CIA ở Sàigòn trước đây) và Nolting (cựu Đại sứ) để bàn bạc về vấn đề giải quyết chuyện ông Nhu cho ổn thỏa.

    Rồi ông gửi một thông điệp cho TT Kennedy nói:

    "Tôi bằng lòng chấp nhận tất cả những đề nghị của Tổng thống Kennedy một cách hết sức nghiêm chỉnh, và muốn thực sự thi hành những điều này, chỉ còn vấn đề thời gian tính."

    Chắc ông Lodge cũng còn một chút lương tâm và cho rằng như vậy là đã có thể đi tới chỗ hòa hoãn với ông Diệm được rồi, nên ông có báo cáo về Washington thông điệp này.

    Thế nhưng, vô tình hay hữu ý, theo Mark Moyar thì ông Lodge lại gửi điện tín này theo thủ tục 'ưu tiên thấp nhất' nên khi thông điệp này tới Washington thì tiếng súng đã bắt đầu nổ ở Sàigòn rồi. Theo một tác giả khác, James W. Douglas trong cuốn JFK and The Unspeakable thì Lodge đã trì hoãn để khi Kennedy nhận được điện tín này thì đã quá trễ.

    Ngày 1 tháng 11 cũng là ngày sinh nhật của Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải quân, là người trung thành với TT Diệm và đã cứu ông trong dịp đảo chính tháng 2 năm 1962.

    Sau khi chơi quần vợt với một số đồng đội, họ mời ông dùng cơm trưa để mừng sinh nhật thứ 36 của ông. Thoạt đầu, ông đã từ chối. Buổi sáng hôm ấy, ông cũng đã chột dạ vì thấy có những cuộc chuyển quân hơi lạ nên muốn theo dõi để báo cáo cho ông Diệm. Nhưng rồi viên sĩ quan phụ tá cố nài ép nên ông nể lòng. Lúc đang trên đường đi tới một quán nhậu ở ngoại ô Sàigòn, ông đã bị sát hại. Như vậy là ông Quyền đã đi trước và dọn đường tới nghĩa trang cho hai ông Diệm-Nhu.

    Theo tác giả Mark Moyar (trong cuốn Triumph Forsaken) thì "khi cuộc đảo chính sắp bắt đầu, một viên sĩ quan chỉ huy lữ đoàn Lực lượng Đặc biệt đề nghị với Tổng thống Diệm cho ông dùng xe thiết giáp tấn công tổng hành dinh của nhóm đảo chính để bắt trọn ổ số Tướng lãnh đang họp hành. Thành công là chắc chắn, viên sĩ quan cố thuyết phục ông Diệm, vì chỉ có một số lính đang tập sự đứng gác ở Tổng Tham Mưu, và đúng như vậy.

    Nếu những tướng chủ mưu bị bắt thì quân đội đảo chính tất sẽ bị rối loạn.

    Nhưng TT Diệm không cho phép, ông nói: "Quân đội phải tiết kiệm súng đạn để chống Cộng, và tránh đổ máu," rồi thêm: "Chỉ cần bảo vệ Dinh Gia Long, nhà Bưu điện và Tổng Nha Ngân khố."

              

    GS Nguyễn Tiến Hưng gọi ông Henry Kissinger (bìa trái hình) là Đao phủ Henry II

              

    Như đề cập trên đây, sau khi tiếng súng đảo chính đã vang dội, Tổng thống Diệm gọi giây nói cho Đại sứ Lodge vào lúc 4 giờ 30 chiều (ngày 1 tháng 11) để hỏi về thái độ của Hoa kỳ. Ông Lodge trả lời lơ mơ là ông không biết gì để nói nhưng có đề nghị với ông Diệm là sẽ cho xe cắm cờ Mỹ đến Dinh Gia Long đưa ông Diệm ra phi trường, rồi dùng máy bay riêng của đại sứ để chở ông ra khỏi nước, nhưng TT Diệm từ chối. Nhưng trái với điều mà nhiều tác giả đã viết, cuộc điện đàm này không phải là trao đổi cuối cùng giữa hai người. Vẫn còn một cú điện thoại khác nữa.

    Cú điện thoại thứ hai là lúc ở tại nhà thờ Cha Tam, ông Diệm đã gọi ông Lodge để yêu cầu giúp đỡ phương tiện để ra đi, vì ông Lodge đã hứa rằng "Nếu tôi có thể làm được gì để giúp cho an toàn của Ngài thì Ngài cứ gọi tôi." Nhưng bây giờ ông Lodge lại trả lời là Tòa Đại sứ Mỹ chỉ có thể cho ông trú ẩn và bất cứ điều gì khác, nhưng không thể giúp phương tiện chuyên chở ông ra khỏi nước. Như vậy là trái hẳn với đề nghị của ông Lodge chiều hôm trước. Ông Mike Dunn, Phụ tá trưởng của đại sứ - là người đứng bên ông Lodge khi ông này nói diện thoại với ông Diệm - đã xin tự nguyện đến chở hai ông Diệm, Nhu đi để bảo vệ cho hai ông, nhưng ông Lodge đã không đồng ý! "Tôi thật ngạc nhiên là ta đã không làm gì để giúp cho hai anh em họ Ngô," ông Dunn phàn nàn.

    Một nhân chứng nữa cũng khẳng định về việc này là nhà báo Joseph Fried của tờ New York Daily News trong một báo cáo vào ngày 5 tháng 11, 1963.

    Sau khi ông Lodge từ chối giúp đỡ, Tổng thống Diệm hoàn toàn thất vọng, khoảng 7 giờ sáng ngày mồng 2 ông quyết định gọi điện thoại cho Bộ Chỉ huy Đảo Chánh thông báo là ông đã ra lệnh cho lính phòng vệ Phủ tổng thống ngưng bắn và ông đầu hàng vô điều kiện.

    Đây là một việc không may mắn nhất cho TT Diệm vì cho tới ngày đảo chính, nhóm tướng lãnh vẫn còn nghi ngờ nhau, chưa có sự tin tưởng và đồng ý hoàn toàn. Chính TT Thiệu đã kể lại (với Phụ Tá Nguyễn Văn Ngân) là "nếu ông Diệm và ông Nhu không ra trình diện (gọi điện thoại) vào sáng ngày 2 tháng 11, chỉ cần nán lại tới trưa cùng ngày thì các tướng lãnh sẽ lên máy bay chạy hết vì lo sợ và nghi ngờ lẫn nhau" là đã mắc mưu ông Nhu.

    Trước đó, trong giai đoạn chuẩn bị đảo chính, Tướng Paul Harkins, Tư lệnh Mỹ ở Việt Nam cũng báo cáo về cho tướng Maxwell Taylor, Chủ tịch Tham Mưu Liên Quân về nhóm tướng lãnh:

    "Tôi thấy chúng ta có một tổ chức của nhóm người thật hoang mang trong đó mọi người nghi ngờ mọi người khác."

    Các tướng lãnh yêu cầu Conein sắp xếp máy bay, nhưng CIA trả lời là cần 24 giờ thì mới thu xếp được, nhưng thật ra là đã có sẵn một chiếc máy bay ở Sàigòn để chở Đại sứ Lodge về Washington và ông này đã hoãn chuyến đi. Dù sao, khi nghe thấy nói đến 24 giờ, Tướng Minh gắt lên "Chúng tôi không giữ họ lâu thêm được nữa."

    Sau này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (lúc đó là Đại tá) còn kể lại với chúng tôi rằng:

    "Khi được lệnh đánh Dinh Gia Long, ông đã có ý định tìm TT Diệm và mời ông lên xe jeep mở mui để về Bộ TTM rồi đưa ông đi ra ngoại quốc, nhưng khi chiếm Dinh xong thì thấy ông Diệm đã đi rồi. Ông Thiệu thêm: "Nếu như TT Diệm đi xe jeep mui trần như vậy thì không ai dám sát hại ông..."

    Đến khi ông Thiệu được tin TT Diệm gọi điện thoại về Bộ Tổng Tham Mưu, ông còn đề nghị với Tướng Minh để cho ông đi đón TT Diệm từ nhà thờ Cha Tam, nhưng ông Minh gạt đi và nói "Khỏi phải lo, đã có người rồi."





    Bất hạnh cuối cùng của Đệ Nhị Cộng Hòa

    Tháng 2/1972, TT Nixon đi Bắc Kinh gặp Chủ tịch Mao. Dịp này ông đã đảo ngược "chính sách ngăn chặn Trung Quốc" (containment of China). Khi mở cửa Bắc Kinh thì ông đóng cửa Sàigòn, và khi bắt tay với ông Mao thì buông ngay tay ông Thiệu (như chúng tôi đã viết trong cuốn Tâm Tư Tổng Thống Thiệu).

    Sau đó Nixon - Kissinger áp lực Miền Nam ký Hiệp Định Paris (1/1973). Từ đó những cái xui xui xẻo tới dồn dập:

    Ngược lại với những cam kết của TT Nixon là sẽ tiếp tục viện trợ, VNCH vừa ký kết một hiệp định hết sức bất lợi thì lại bị cắt xén viện trợ thật bất ngờ và thật nhanh;

    Còn được chút ít viện trợ thì lại bị ngay cú 'sốc' siêu lạm phát (do chiến tranh Israel - Ai Cập vào tháng 10/1973) làm tiêu hao mãi lực của viện trợ. Một thùng dầu thô đang từ 4USD vọt lên 12 USD.

    Tới khi viên trợ bị cắt hết, Miền Nam xoay xở đi vay Quốc Vương xứ Saudi để mua tiếp liệu. Vua Saud al Faisal vừa đồng ý cho vay 300 triệu USD thì lại bị người cháu ruột hạ sát thê thảm ngay trong hoàng cung. Ông nằm xuống vào đúng ngày cố đô Huế bị bỏ ngỏ.

              

    Tổng thống Johnson và Tổng thống Thiệu tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Việt 20/07/1968 ở Honolulu

              

    Trên chiến trường, lúc bị tấn công, Ban Mê Thuột gọi không quân đến yểm trợ. Phi vụ vừa tới thả bom thì một trái rơi trúng ngay Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23;

    Mất Ban Mê Thuột, có lệnh rút Pleiku. Ngày 18 tháng 3, quân dân hoảng hốt rút trên con đường 7B đẫm máu. Vừa về tới Phú Bổn thì bị kẹt ngay vì công binh chưa làm xong cây cầu nổi như đã dự tính: đoàn người di tản chịu thêm một trận pháo kích bên bờ sông Ea Pha. Sau này Tổng Thống Thiệu kể lại cho tôi rằng ông vẫn còn thắc mắc về chuyện tại sao Công Binh không làm xong cái cầu nổi? Đại tướng Viên cũng cho rằng "Sư đoàn 320 của cộng sản sẽ không bao giờ truy kích kịp đoàn quân nếu chúng ta có được cầu qua sông thiết lập đúng lúc, và giữ đuợc trật tự trong đoàn dân quân di tản." Vì cầu không xong, cho nên:

    Hai ngày sau mới rời đuợc Hậu Bổn. Đoàn dân quân vừa tiến được chừng 20 cây số là khựng ngay, vì "trước mặt đoàn di tản là Phú Túc đả bị địch chiếm."

    Khi không quân tới cứu,"một trái bom nữa rơi vào đoàn quân đi đầu, gây thương vong cho gần một tiểu đoàn Biệt Động Quân."

    Tôi đang dự một buổi họp đầy căng thẳng tại Dinh Độc Lập sau cuộc rút lui thảm hại này thì Đại Tá Cầm (Chánh Văn phòng Tổng Thống) bước vào đưa một tin bất hạnh: ông Paul Léandri, trưởng phòng thông tấn xã Agence France Presse ở Sàigòn bị cảnh sát bắn chết.

    Léandri loan tin "có số lính người Thượng (Montagnards) đã nổi loạn ở Hậu Bổn, chống lại quân đội VNCH'. Nha Cảnh Sát mời ông đến để thẩm vấn. Sau vài tiếng đồng hồ bị giữ lại, Leandri bỗng nhiên bước ra khỏi phòng, nhảy lên xe và lái vút đi. Khi cảnh sát huýt còi ngừng, ông cứ tiếp tục phóng. Cảnh sát rút súng bắn vài phát vào bánh xe để giữ lại. Chẳng may một viên đạn lạc trúng ngay vao người. Leandri gục chết tại chỗ.

    Phóng viên ngoại quốc vô cùng phẫn uất, phản kháng kịch liệt. Trong một tình hình vô cùng bất lợi cho Miền Nam về tất cả mọi phương diện quân sự, chính trị, kinh tế, và bộ mặt Miền Nam đã bị bôi nhọ bởi những hình ảnh dã man, độc tài, tham nhũng, bây giờ hình ảnh Leandri bị bắn gục chết lại phóng đi khắp thế giới! Tổng Thống Thiệu nghe tin này đã tái mặt. Ông liền chấm dứt, bước ra khỏi phòng họp.

    Mấy ngày hôm sau, trong một phiên họp khác ở Văn Phòng Thủ Tướng, lại có tin chiếc máy bay vận chuyển C-5A chở đám trẻ em mồ côi vừa cất cánh ở Tân Sơn Nhất đã bị nổ tan. Chết trên 200 trăm em bé! Vào chính lúc đó lại đang có những chống đối ngay tại Washington về việc di tản người Việt Nam bằng máy bay Mỹ.

    Ôi sao tin tức nó dồn dập, bi đát đến thế vào lúc con thuyền Miền Nam nghiêng ngửa sắp chìm đắm!

    Suy gẫm như vậy, nhiều nguời trong đó có tác giả, cũng chỉ còn có cách là nghĩ đến chữ 'mệnh'.

    ...Ngày nay nhìn lại, riêng phần tác giả thì cũng chỉ có một mong ước, đó là những thế hệ con cháu được sống trong thời đại kỹ thuật, có nhiều phương tiện và hoàn cảnh thuận lợi để liên lạc nên sẽ có thể gần gũi nhau hơn, thông cảm nhau hơn để rồi từng bước có thể giúp cho vận mệnh đất nước trở nên tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn.

    Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là niềm hy vọng của đại đa số người dân Việt Nam hôm nay.


    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng. Sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, tác giả từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn.
    Ông là tác giả cuốn 'Khi Đồng minh Tháo chạy' và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Virginia, Hoa Kỳ.






    Nguyễn Tiến Hưng

    https://www.bbc.com/vietnamese/39750353
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tạ Từ Trong Đêm & Từ đó em buồn

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




LK Tạ Từ Trong Đêm & Từ Đó Em Buồn (Trần thiện Thanh)
Nắng Thủy Tinh & Quyên Di



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

30 Tháng Tư nào con cũng thổn thức trong mơ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    30 Tháng Tư nào
    con cũng thổn thức trong mơ

    __________________________________
    Đặng Huy Văn (Danlambao)





    Tôi tình cờ quen một người bán dạo trên đường phố Sài Gòn gần tuổi 60 kể cho nghe câu chuyện đời của anh ấy. Nhân dip kỉ niệm lần thứ 45 ngày 30 /4/1975, ngày hai ba con anh ấy bị thất lạc nhau, tôi xin trân trọng gửi tới quí vị độc giả một bài viết về cái ngày đau thương đó. Với bài viết này, tôi hi vọng anh ấy sẽ có thể gặp lại được người cha ruột yêu dấu của mình nếu may mắn ba của anh đang được sống an lành ở đâu đó trong các cộng đồng người Việt của chúng ta ở Hải Ngoại.





    30 Tháng Tư nào con cũng thổn thức trong mơ

    Ba dìu con dọc theo Đường Tự Do ra thẳng Bến Bạch Đằng[1]
    Khoảng 2 giờ sáng ngày 30 tháng Tư, 45 năm rồi con vẫn nhớ!
    Giữa hàng vạn người chạy di tản cùng bà già trẻ nhỏ
    Đang cố níu bám trên cầu tàu chờ chiến hạm quay sang

    Con bị lạc ba giữa những tiếng còi hụ hú vang
    Từ những con tàu nhổ neo ra khơi không bao giờ trở lại
    Ba có lên được không trên chuyến tàu hôm ấy?
    Hay đã quay xuống tìm con rồi bị kẹt lại trên bờ

    Ba đã chạy về đâu khi đứa con tàn tật ngây thơ
    Không có cơm để ăn, không còn nhà để ở?
    Con bò lết đến sáng đêm rồi một người đàn bà quay lại đỡ
    Đưa về nhà chăm nom và nuôi con đến bây giờ

    30 tháng Tư nào con cũng thổn thức trong mơ
    Đau nhớ lời ba: “Ông nội con theo Việt Minh đi đánh Pháp
    "Rồi đội Cải Cách Ruộng Đất về đã xử bắn ông ở Đại Từ[2]
    "Ba phải trốn di cư vào Nam theo các Cha Đạo ở Bùi Chu!”[3]

    Nay ba sống ở nơi nào còn nhớ chăng Mậu Thân xưa?
    Lúc cả nhà ta đang yên giấc trong đêm Mùng Một Tết
    Một quả đạn rơi trúng giừơng đã làm má và em con bị chết
    Con nằm kế bên, một chân bị đứt ngang tàn phế đến bây giờ!

    Nếu không được má nuôi cưu mang và sắm cho xe bán dạo
    Thì con trai ba chắc đã không còn sống được để mong chờ
    Thương má nuôi, chồng má bị mất tích khi vượt tù Côn Đảo[4]
    Cứ 30 tháng Tư về má lại tủi thân, ngồi khóc tựa trẻ thơ!

    Đi bán dạo đến nơi nào con cũng cố hỏi dò
    Để xem ba còn sống chăng qua những tháng năm cải tạo?
    Hay ba đã bị chết chìm cùng hàng chục vạn thuyền nhân gặp bão?[5]
    Nhưng con vẫn thầm mong ba đang sống an lành ở một nơi xa

    Con ao ước sẽ có một ngày được về tận quê cha
    Để xây cất lại mồ mả của tổ tiên cùng của ông bà nội
    Nhưng Đại Từ quá xa má nuôi già không đi nổi
    Mình con đi khó khăn nên chưa thể về, xin tạ tội cùng ba!

    Con cũng hay qua Gò Dưa thăm em và cầu nguyện má[6]
    Phù hộ cho ba sống lâu để còn về gặp con và thăm lại quê nhà!
    Nhưng nếu không may ba đã mãi mãi không trở về được nữa
    Xin ba hãy báo mộng cho con để con lo hương khói nghe ba!





    • Chú thích:

      [1] Bến Bạch Đằng là một quân cảng của Hải Quân VNCH trước ngày 30/4/1975.
      [2] Đại Từ, Thái Nguyên, nơi mở đầu chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất của CS miền Bắc từ 1954-1956.
      [3] Bùi Chu, một giáo phận ở Nam Định, nơi giúp đỡ cho những ai muốn di cư vào Nam từ 1954-1955.
      [4] Côn Đảo là nhà tù của Pháp, sau này là của VNCH dùng để giam giữ những tù nhân chính trị.
      [5] Từ 5/1975-1990 đã có trên 40 vạn thuyền nhân VN bị chết chìm trên biển do bị bão tố, hư hỏng tàu, hoặc hải tặc...
      [6] Gò Dưa là một nghĩa trang thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM (Sài Gòn)





    Sài Gòn, 28/4/2020
    Đặng Huy Văn

    https://danlambaovn.blogspot.com/2020/0 ... -thuc.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tự sự tháng 4 của một người lính già

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Tự sự tháng 4
    của một người lính già

    __________________________________
    Hồ Hải





    Mỗi năm cứ đến tháng 4 là Lão (nick name của nhân vật) thấy buồn, trăn trở, suy nghĩ chuyện xưa, chuyện nay...

    Cách đây 45 năm, những ngày cuối tháng 4, 1975 Lão vừa đúng 30 tuổi, còn đầy nhiệt huyết, đã cùng với đồng đội, dù bất mãn, bất phục, không cam lòng, cũng phải buông súng đầu hàng theo lệnh của vị Tổng thống 3 ngày, từ 28 đến 30 tháng 4.

    Thật tình mà nói thời điểm đó, Lão không có nhận định, phân tích nào rõ rệt về tình hình chiến sự, chính trị đang xảy ra chung quanh. Lão theo tàu công tác tuần tiểu rồi chở người di tản từ Vùng I vào Saigon không ghé qua Vùng II để Lão có thể về đón vợ con đi theo. Trên bờ, dưới biển, khối người di tản như bị đẩy xuôi bởi cơn nước lũ, cuốn trôi đi không cưỡng lại được. Tháng 4, từ Vùng I ra Phú Quốc rồi trở lại Sài Gòn, Lão chứng kiến vô số người chen lấn tìm cách lên tàu ra khơi, vượt thoát ra nước ngoài nhưng Lão thì gần như dửng dưng, ngoài cuộc. Đơn giản Lão tự lý giải: năm 1954 đất nước chia đôi, nhiều người di cư vô Nam, thân nhân còn ngoài Bắc, chỉ cách con sông Bến Hải chưa đến 200 mét mà suốt 20 năm họ không hề được gặp lại nhau, nay đi nước ngoài một mình thì chừng nào mới gặp lại được mẹ, vợ, con và người thân? Trong chiến tranh nếu mình bị phía bên kia bắt làm tù binh, họ tra tấn để khai thác tin tức, nay hết chiến tranh rồi chắc bị nhốt một thời gian là cùng. Về sống với gia đình khi không còn chiến tranh là điều mà ai cũng mong muốn, cho dù có cực khổ cũng chấp nhận. Chiến tranh trên đất nước tội nghiệp này suốt 20 năm, bao nhiêu người cả hai miền Nam, Bắc đã nằm xuống, nhiều người đã bỏ mất một phần thân thể ngoài chiến trường, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha; nay không còn chiến tranh, lẽ nào họ còn hận thù? Dù gì cũng là người Việt Nam với nhau. Chắc cũng có nhiều người lúc đó đã thật thà, đơn giản nếu không nói là ngây thơ, nghĩ như Lão.




    Sau 2 tuần miền Nam hoàn toàn mất, Lão nhận giấy gọi đi trình diện học tập nhưng thực tế là đi tù. Lão nghe có người nói, miền Nam không thua ở chiến trường mà thua dinh Độc Lập, ở Washington DC. Là một người lính, Lão thấy có chút an ủi, như được rửa chút mặt mũi để cam lòng khăn gói vô tù. Trong tù, Lão có dư thời giờ để nghiền ngẫm về lý do miền Nam mất một cách tức tưởi. Ngày đi lao động, tối bụng đói meo, nằm gát tay lên trán, trằn trọc suy nghĩ. Những khi có dịp, năm ba đứa bạn tù ngồi xúm lại bàn tán chuyện những ngày tháng 3 tháng 4. Đứa thì đang đánh bất phân thắng bại với địch nhưng có lệnh rút quân; đứa chưa đánh đã rút; đứa đánh đến viên đạn cuối cùng đành phải để cho chúng bắt làm tù binh; trách lãnh đạo, trách người bạn “đồng minh” Hoa Kỳ đã phủi áo ra đi. Nhiều “tư tưởng lớn” gặp nhau trong những buổi “hội thảo nhỏ” này. Kết quả “thu hoạch” được sau những buổi hội thảo “ngoài luồng”: “Miền Nam mất vì nhiều lý do, trong đó có “đồng minh” Hoa Kỳ.

    Ra tù, Lão nghe có một số người chê quân đội miền Nam hèn không đánh đến viên đạn cuối cùng đã đầu hàng nay đổ lỗi cho Hoa Kỳ để chạy tội. Lão nghĩ: Ừ, thì chúng tôi hèn nhưng rồi đánh được bao lâu? 2 tháng, 3 tháng? Hết viên đạn cuối cùng rồi sao nữa? Lúc đó anh đang ở đâu? Làm gì? Lão tự nhủ: mình chỉ là một quân nhân cấp bậc nhỏ, biết được bao nhiêu chuyện chiến lược, quân sự, chính trị trong nước cũng như thế giới nên không phê phán kiểu “giậu đỗ bìm leo?” Ai muốn chứng tỏ mình là quân sư, là “rồng nằm”, “rồng ẩn” (ngọa hổ, tàng long) trong thời chiến; nay mất nước, không còn chiến tranh thì muốn thành “rồng bay”, “rồng lộn” thì cứ thỏa chí, cứ “phán” như Thánh cho thiên hạ biết đến thì mặc họ. Lão ngã nón đi chỗ khác.

    Chuyện nói Mỹ phản bội, có người không đồng ý. Vâng, thì mỗi người một nhận định. Bạn bè bắt tay hứa hẹn, anh giúp tôi cùng đánh kẻ thù nguy hiểm kia để hai ta cùng được sống yên ổn, hòa bình. Nay anh bỏ tôi đi bắt tay chơi với thằng đàn anh của nó trong khi anh biết làm như vậy là tôi chết chắc! Anh vì lợi ích gia đình nên phải làm thế. Tôi hiểu, tôi không đổ tội hay lên án anh nhưng cái nguyên nhân (khiến tôi phải thua đến mất nước) thì không thể không nói. Đạo lý giang hồ, tôi nói đó là hành động phản bạn, bội tín, tức phản bội, sai hay sao?




    Được phóng thích về với gia đình, Lão chứng kiến đất nước trở lại thời kỳ đồ đá. Giải phóng miền Nam nhưng thực sự thì họ lại cướp của cải vật chất miền Nam mang về Bắc, cướp nhà chiếm đất, đuổi người dân miền Nam lên vùng kinh tế mới phá rừng, làm rẫy để kiếm ăn khiến cho người dân miền Nam đang có đời sống ấm no, đầy đủ nay trở thành tay trắng?

    Người dân miền Nam tìm đủ mọi cách để vượt biên, vượt biển đi tìm tự do. Từ ngữ giải phóng nghe đểu cáng, dối trá muốn văng tục. Giải phóng tại sao trong lúc giao chiến đồng bào đều bỏ chạy về phía quốc gia? Khi đất nước “thống nhất” và được “giải phóng” rồi thì tại sao đồng bào liều mạng bỏ chạy ra nước ngoài tìm đất sống?

    Qua tin tức từ nhiều nguồn, Lão biết được sau khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, miền Nam tuy đã mất nhưng rãi rác nhiều nơi có hàng ngàn người bất phục, hàng chục tướng tá, hàng trăm sĩ quan các cấp khác và binh sĩ tự sát, nhiều người tiếp tục chiến đấu, rốt cuộc họ bị phe thắng trận bắt tra tấn, xử tử. Hàng trăm ngàn người khác trong các trại tù “cải tạo” đã chết dần, chết mòn vì bị ngược đãi, hành hạ, thiếu ăn, thiếu thuốc, lao động khổ sai, họ đã chết trong các trại tù khắp cả nước nhưng thế giới đã làm ngơ? Con số tử vong kể trên cùng với hơn nửa triệu người bỏ mình trên đường vượt biên, vượt biển sau khi cộng sản cướp miền Nam đâu có ít hơn nếu ngày đó ông Dương Văn Minh đừng tuyên bố đầu hàng, đánh “ta-pi” một trận, đàng nào cũng chết nhưng họ chết oanh liệt hơn, không chết thê thảm trong đau đớn, tủi nhục.

    Và, giá như sau khi quân miền Bắc thắng miền Nam, họ đối xử với quân cán chính miền Nam được một phần của tướng S. Grant, liên bang miền Bắc đã đối xử với quân của tướng Robert E. Lee liên bang miền Nam trong cuộc chiến tranh Nam - Bắc của Hoa Kỳ năm 1865 thì đất nước VN của Lão nay khác biết là bao nhiêu? Hàng trăm ngàn nhân tài của miền Nam, ở tuổi đóng góp xây dựng đất nước tốt nhất sau khi chiến tranh chấm dứt, đã bị hủy diệt, chôn vùi bởi sự hận thù ngu xuẩn, phi nhân của đám quan quân bên thắng trận.




    Từ nước ngoài nhìn về quê hương, Lão chua xót thấy bánh xe lịch sử của đất nước Lão đang từng ngày quay ngược chiều.

    - Cách mạng là nhằm xóa bỏ cái cũ, cái xấu để thay cái mới, cái tốt hơn nhưng bọn cộng sản trên đất nước VN của Lão đã làm ngược lại.

    - Đấu tranh xóa bỏ giai cấp thì họ lại tạo nhiều tầng lớp giai cấp thống trị, bốc lột, tư bản đỏ.

    - Giải phóng để không còn người bóc lột người thì họ lại tạo ra một đám quan quân, chính quyền, đảng viên, côn an không chỉ tham nhũng, đàn áp, bốc lột mà còn ăn cướp công khai có văn bản.

    - Miền Nam đang phát triển, mặc dù trong thời kỳ chiến tranh nhưng kinh tế, mức sống người dân đã không thua kém các nước trong vùng như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nam Hàn nay đã bị thụt lùi hàng 100 năm so với họ.

    - VN của Lão chưa có thời nào tuổi trẻ phải đi lao động, đi làm điếm ở nước ngoài để kiếm sống. Cũng chưa hề có chuyện người nước ngoài vào VN mua vợ và cũng chưa bao giờ nghe chuyện người dân VN ra nước ngoài trộm cắp để bị họ kinh rẽ như dưới thời “đỉnh cao trí tuệ”, “ưu việt” của cái xã hội chủ nghĩa bánh vẽ này.

    - Miền Nam đang có một nền văn hóa khai phóng, đạo đức và nhân bản nay đã suy đồi ruỗng nát, phi đạo đức, từ trò đến thầy và cả một hệ thống giáo dục đâu cũng thấy phong bì, mua bán bằng cấp; phụ huynh đến trường bắt cô giáo quỳ; thầy cô phạt học trò uống nước giẻ lau bảng; nữ sinh từng đám đánh nhau, lột trần truồng trên đường và người qua đường thì “vô tư” đứng xem.

    Người dân VN cả nước bị cộng sản lừa từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến hôm nay. Những người lính như Lão, làm tròn bổn phận của một công dân, chiến đấu tự vệ để bảo vệ lãnh thổ, tự do cho mình và đồng bào mình, rõ ràng là cuộc chiến đấu có chính nghĩa nhưng lại bị thua trận đến mất nước chỉ vì kẻ thù thì dối trá, đồng minh thì bội ước, người dân thì thật thà đến ngây thơ nên không ít người đã tin chúng, tiếp tay chúng. Thù trong, giặc ngoài thì chính quyền, quân đội VNCH của Lão chịu sao nỗi? Hận thù, ân oán cá nhân có thể gát bỏ hoặc thời gian có thể nguôi ngoai chìm dần vào quá khứ nhưng tội ác của kẻ bán nước, đang diễn ra từng ngày, dân tộc Lão đang có nguy cơ bị Hán hóa, diệt vong thì làm sao Lão quên và không hận? Tất cả những oan nghiệt, tai họa đó đã ập xuống đất nước Lão vào ngày 30 tháng 4 năm 75. Vậy ngày này phải là ngày Quốc hận mới chính xác, không lý do gì Lão phải tránh né, đánh đồng hay ngụy biện bởi một nhóm chữ khác.

    Có lúc Lão cũng tự hỏi: mình nghĩ nhiều quá như vậy để làm gì?




    Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” lại đang ở nước ngoài, Lão không dám mong làm được điều gì to lớn để góp một tay với đồng bào trong nước, Lão chỉ mong gìn giữ cộng đồng Lão đang sống ở đây, không cho lá cờ máu hiện diện; ngăn chận không cho những tên cộng sản theo chân người Việt tị nạn để nằm vùng chui rúc, len lõi như những con vi trùng, vi khuẩn phá nát, gây chia rẽ cộng đồng... Lão xem đây là một bổn phận mà những người thế hệ thứ nhất như Lão nên làm.

    Những người thuộc VNCH xưa như Lão, có một trời kỷ niệm gắn bó, tha thiết với quê hương đất nước, am hiểu lịch sử đấu tranh của dân tộc; hiểu những gian trá, hiểm ác của đối phương, biết bạn biết thù; hiểu tại sao người dân miền Nam Việt Nam đã thua trong cuộc chiến tranh năm 1975; hiểu tại sao người dân trong nước đang đấu tranh hôm nay nên Lão cần phải truyền đạt lại cho con cháu Lão biết. Chúng cần phải hiểu tại sao chúng có mặt ở đây? phải biết rõ nguồn gốc, lịch sử dân tộc của mình. Và quan trọng là chúng biết phải nên làm gì cho quê hương đất tổ, hôm nay và mai sau. Nếu Lão không làm những chuyện này thì con cháu Lão lấy gì làm vốn liếng, hành trang nếu chúng muốn tiếp nối công việc dang dỡ của cha, ông. Với khả năng và sự thành đạt của chúng ở nước ngoài, chúng có thể tiếp tay hữu hiệu cho công cuộc đấu tranh của đồng bào quốc nội trong lãnh vực ngoại vận. Và, sau này khi chế độc cộng sản không còn, chúng có thể về mà xây dựng lại đất nước, chứ không phải bây giờ.

    Ngày bỏ nước ra đi, Lão cũng mang ít nhiều hoài bão mong có ngày trở lại. Mới đó mà nay đã 45 cái 30 tháng 4! Thời gian trôi mau như “bóng câu qua cửa sổ” không khỏi ngậm ngùi. Tuổi trẻ nhìn về phía trước, tuổi già nhìn ngược lại phía sau. Lão chợt bâng khuâng thấy nhớ bạn đồng ngũ, nhớ em thơ và mẹ già “một mái đầu hoa trắng tiễn đưa...” lúc Lão ra đi nay người đã không còn nữa. Bất chợt Lão nhớ hai câu thơ trong bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm:
              
    Ly khách ven trời nghe muốn khóc
    Tiếng đời xua động tiếng hờn căm!

              





    30.04.2020
    Hồ Hải

    https://danlambaovn.blogspot.com/2020/0 ... h-gia.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

30 tháng 4: Ngày khốn nạn

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    30 tháng 4:
    Ngày khốn nạn

    __________________________________
    Vũ Đông Hà (Danlambao)





    Ba mươi tháng tư. Một buổi tối năm nào ngồi nhậu trước chung cư, lũ chúng tôi cùng nhau say với quá khứ. Tính sổ ra mới biết cuộc đời của mỗi thằng chẳng có gì đáng kể từ cái ngày năm ấy. Bạn tôi say mèm nốc gọn chai bia và đọc hai câu của một nhà thơ nào đó:
              
    Chuyến tôi đi xe đò đứt thắng,
    đ. mẹ đời đ. má tương lai.

    Mấy mươi năm sau, túm gọn cuộc đời của nhau bằng 2 câu thơ bạn tôi đọc, nhìn thực tại trần ai của đất nước để đo lường giá trị của mốc điểm lịch sử, tôi thấy cái tên gọi mà ôn tôi, một cu li không biết đọc không biết viết, đặt cho nó vào đêm cuối cùng tôi ngồi bên ôn là chính xác:
              
    30 tháng 4 - Ngày Khốn Nạn...

              



    *
    Cuộc đời có nhiều khúc chia ly. Thâm Tâm "đưa người ta không đưa sang sông, sao có tiếng sóng ở trong lòng". Thanh Tâm Tuyền là "thằng điên khùng, ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới". Trịnh Công Sơn có "những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng như mây, chút nắng vàng giờ đây cũng vội, khép lại từng đêm vui".

    Lãng mạn hay ngậm ngùi, giây phút giã từ vẫn là điều biết trước. Phần tôi, đã không có một phút chia tay, không một lời đưa tiễn, không một vòng tay. Trưa 2 giờ, "hẹn gặp nhau ngày mai ở lớp học" - cô bạn học trò có đôi mắt người Sơn Tây cười quay đi. Đó là lần cuối tôi nhìn thấy lưng bạn tôi. Đó là buổi sau cùng tôi có các bạn tôi. Đó là ngày chấm dứt thời thơ ấu. Trong một ngày, tôi mất vĩnh viễn một quãng đời đẹp nhất. Không biết trước. Không một lời chia tay. Không bao giờ gặp lại. Trong tôi, hình ảnh những đứa bạn đã dừng lại vĩnh viễn, sống và chết ở ngày ấy. Cho đến bây giờ.

    Mười ba bạn vẫn mười ba
    Dù đời nghiệt ngã dù ta đã già
    Khói sương nhân ảnh có mờ
    Bạn ta, ta giữ một ngày mười ba

    Ngày đó là ngày 9 tháng 3 năm 1975. Hôm sau, Ban Mê Thuột thất thủ.

    *

    Buổi sáng, ôn nội, má tôi cùng đàn con 7 đứa di tản qua nhà chú Kim Liên. Nhà chị mái tôn vách gỗ, ở đây nguy hiểm; anh Hai lại không có nhà - Chú Kim Liên ân cần bảo. Tiếng đại pháo vẫn liên tục ầm ì vọng về từ chiều hôm qua trên thành phố hoang mang. Ba tôi không thấy về từ tiểu khu Mai Hắc Đế. Má tôi âu lo không biết nên đem theo những gì. Ôn tôi làu bàu nhà mình không ở, lại đi đâu. Tôi và lũ em vui mừng vì tự nhiên có một ngày nghỉ học. 1 giờ trưa, mọi toan tính, làu bàu, vui mừng đã chấm dứt khi những viên đạn AK xé nát khung cửa sắt phía trước và bên kia của con đường A Ma Trang Long ngập lửa. Chiến tranh thật sự gõ cửa vào nhà. Chú Kim Liên ngồi co rút dưới chân cầu thang, mặt không còn chút máu, mếu máo khóc. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy người lớn sợ hãi hơn tôi.

    Chiều. Im lặng. Dãy nhà bên kia đường đã cháy rụi. Mọi người quyết định kéo nhau về chùa Khải Đoan. Ở chùa vẫn tốt hơn, ôn nói. Đi ngang đường Quang Trung, tôi nhìn thấy chiếc xe tăng áng trước chợ Đê. Hai người lính bộ đội mệt mỏi yên lặng đứng nhìn chúng tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy những người phía bên kia. Họ bình thường không hung tợn như hình ảnh tôi có trong đầu qua những sách hình đã xem, những truyện đã đọc. Chú Kim Liên mặt mày lại tái mét, chân đi muốn khụy.

    Tới ngã tư Nguyễn Tri Phương và Phan Bội Châu, má tôi thì thầm vào tai bảo tôi chạy về nhà lấy cái túi má dấu dưới bệ thờ. Không sao đâu ôn… xong con chạy liền tới chùa nghe con. Má tôi nói với ôn và dặn dò tôi. Trên đường về nhà tôi gặp anh Vi trốn lính hàng xóm. Anh đã gần 25, 26 mà khai sinh lúc nào cũng 16. Gần tới nhà thì anh bị chận lại. Mấy năm trốn cảnh sát Cộng hòa, hôm nay anh bị bộ đội cụ Hồ bắt. Anh Vi gỡ gạc chỉ vào tôi nói xạo – chỉ có hai anh em, bắt tui rồi nó sống với ai? Bắt luôn! Trên đường cùng đoàn người bị bắt đi về ngã cầu số 14, anh Vi thì thầm chết cha rồi Cu Em, điệu này giống Phước Long, anh em mình sẽ bị bắt đi lao công chiến trường. Cám ơn anh Vi. Mười ba tuổi, thằng Cu Em trở thành tù binh chiến tranh. Chẳng có dịp nào để trách anh vì 3 năm sau nghe tin anh Vi chết ở Buôn Hô vì bệnh lao.

    *

    Tháng ba, tôi đi qua những hàng cà phê đứng gió. Đôi chân với gai mắc cỡ đâm sâu từ đêm qua vẫn còn râm râm nhức. Tôi đi qua vùng kỷ niệm của những buổi trưa trốn học tiết đầu, rủ nhau đạp xe đạp vào những đồn điền cà phê bắt ve sầu, nằm ngửa mặt đón những tia nước đái giống như mưa phùn của hàng nghìn con ve mà chắc chỉ ở nơi này mới có.

    Buổi chiều cả đoàn được dừng lại nghỉ qua đêm. Bác chủ đồn điền tốt bụng đem gạo và nồi nấu ra cho. Người con gái khoảng cùng tuổi cho tôi một cái mền xanh của quân đội Mỹ. Tôi ôm nồi xuống suối tắm và lấy nước nấu cơm. Vừa kịp vắt xong cái áo thì ầm ầm, tiếng bom như xé nát bên tai. F5 của không quân!. Tiếng người la ơi ới. Chiếc phản lực bay với tốc độ vượt âm thanh nên tiếng bom đến trước tiếng động theo sau. Tôi ôm nồi nước chạy vắt giò lên cổ. Bụi đỏ ngập bầu trời. Không kịp thở tôi về đến chỗ tập trung, nhìn lại nồi nước hình như không đổ một giọt. Sợ đến nỗi chạy trối sống trối chết mà vẫn vô thức giữ cho nồi nước còn nguyên. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là sợ đến té đái trước biên giới tử sinh. Tôi mất cái áo ở bờ suối. Tối hôm đó, nhớ má quá tôi quyết định trốn về.

    *

    Đi ngang qua nhà số 94 đường Lê Văn Duyệt nhìn vào tôi biết ôn, má và các em tôi không ở đó. Dì Vinh bán bánh căn đầu đường, má thằng Cứt bạn tôi, nói má con lúc ở chùa bả khóc quá chừng khi con bị mất tích. Cả nhà con bây giờ đang ở bên cậu Tương. Dì Vinh lấy một cái áo của thằng Cứt cho tôi mặc. Con ở trần về má con thấy bả còn khóc dữ. Về nhà cậu, má tôi ôm tôi bù lu bù loa. Ôm má, tôi nhìn ôn quẹt nước mắt. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn được giọt nước mắt của ôn. Còn tôi không hiểu sao tôi không có được một giọt nước mắt. Và ba tôi vẫn biệt tăm.

    Ngày hôm sau tôi theo má và ôn đi tìm ba. Con đường dẫn đến trường Trung học Tổng hợp nồng mùi xác chết. Trời Ban Mê giữa trưa tháng ba đã hầm hập gió mùa. Ôn, má và tôi đi suốt từ suối Đốc Học, đến tiểu khu Mai Hắc Đế, về phi trường L19 và dọc theo đường Hùng Vương. Những xác người sình căng giữa ngọ. Những con đường chết với đàn ruồi vo vo bay lên đáp xuống. Mỗi xác chết là mỗi bước phân vân, lưỡng lự. Mỗi xác chết ôn tôi rón rén đến gần nhìn. Mỗi xác chết nằm sấp ôn tôi lật ngữa. Mỗi xác chết ôn tôi cười mếu máo - không phải thằng Hai!. Mỗi xác chết má tôi cười theo sau làn nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, tôi cười trên những xác người.

    Một tuần sau ba tôi trở về với chiếc quần xà lỏn và cái áo may ô đen đủi. Đó là hình ảnh cuối cùng của người lính VNCH trong tôi. Ba tôi ôm ôn tôi khóc trước khi ôm má tôi.

    *

    Tháng Tư trở về ngôi nhà hương hỏa
    con chó già nằm ngủ thiên thu
    Minô, Minô gốc ổi vàng yên giấc
    chiếc võng buồn tênh
    không người đưa…

    Tôi trở về nhà. Bàn yên, ghế lặng, sách vở nằm im. Mười ba tuổi tôi đã cảm nhận được cuộc bể dâu. Hai anh em sinh đôi thằng Sinh thằng Sáng lớn hơn tôi 3 tuổi đi sùng sục khắp xóm với băng đỏ trên tay. Bác Khuê tài xế sát nhà làm tiệc mời hàng xóm tới nhậu oang oang để mọi người biết bác đang ăn mừng cách mạng về. Nhà thằng Khánh có ba nó làm lớn trong tòa tỉnh trưởng đóng cửa kín bưng. Ba tôi lính quèn nhưng nhờ nhậu giỏi nên quen biết lớn, sau một ngày đi mất tiêu, trở về nhà nói với má tôi chắc cả nhà ông tướng Cảnh, đại tá Quang đã đi rồi. Mình cũng phải đi thôi. Má tôi khóc lóc không biết nên đi hay ở, để lại mệ ngoại cho cậu Tương má không đành. Ngày hôm sau, tin đồn người di tản chết như rươi trên Quốc lộ Số 1 giải quyết mọi đắn đo của má. Còn tôi, tôi ra sau nhà, đào đất chôn Minô dưới gốc ổi.

    *

    Mỗi tối ngồi nghe đài ôn tôi lại mừng rỡ nói với cả nhà: Nha Trang mất. Pleiku mất. Đà Lạt mất… Mỗi địa danh thất thủ là mỗi gánh nhẹ được gỡ bỏ khỏi nỗi lo âu nặng nề của ôn. Ôn nói với má là ôn sợ nếu chỉ có Ban Mê Thuột bị mất giống như Phước Long mấy tháng trước đó thì đời thằng Hai sẽ tàn. Thôi thì mất hết là hết chiến tranh, thằng Hai, thằng Cu Em không phải bị bắt đi lao công chiến trường. Ôn tôi, một người làm cu li cho Tây, không biết đọc, biết viết chỉ nghĩ đơn giản như thế cho kết cục của một cuộc chiến 21 năm. Ngày 30 tháng 4 Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ôn thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó tôi đang ngồi viết lại những tờ khai lý lịch của ôn, ba và má. Mỗi lý lịch khoảng 10 trang. Mỗi người phải có ba bản sao. Tờ nào có một chữ sai phải viết lại cả trang.

    Ngày 30 tháng 4, cả nước lo âu hay cả nước mừng rỡ tôi không biết. Tôi ngồi chửi thề vì phải viết tay gần 100 trang bản khai lý lịch gia đình.

    *

    Sau ngày "giải phóng", má tôi đóng cửa tiệm buôn bán, chia tay đời sống tiểu tư sản và mua lại từ người bạn một đồn điền cà phê nhỏ để góp phần xây dựng đất nước. Má tôi dặn các em tôi ai hỏi phải nói như vậy. Được một năm má gần hết vốn. Cà phê thu hoạch được phải bán cho nhà nước với giá bèo nhưng phân bón phải mua giá chợ đen. Má tôi biểu chặt bớt cà phê để trồng khoai lang và khoai mì. Hì hục chặt được đâu mấy trăm cây thì cán bộ gọi lên phường bắt đóng tiền phạt. Cà phê là tài sản của nhân dân không được phá hoại. Không đủ tiền chăm sóc thì cà phê chết và lại bị phạt, má làm đơn xin dâng đồn điền cho nhà nước. Nhà nước không nhận vì đó là tài sản của nhân dân.

    Một đêm tối, má lặng lẽ dắt các em tôi trốn về Sài Gòn. Ôn về Đà Lạt ở với cô tôi. Ba tôi đi cải tạo vẫn mù tăm. Còn tôi ở lại, lang thang bụi đời và đi buôn lậu cà phê tuyến đường Sài Gòn – Ban Mê Thuột.

    Lần ghé Ấp Ánh Sáng ở Đà Lạt thăm ôn, ôn hỏi bây giờ con làm gì? Dạ con đi buôn cà phê. Ôn nhìn tôi buồn rầu không nói. Đêm tôi chào ôn trước khi về lại Ban Mê, ôn ngồi hút thuốc cẩm lệ và kể cho tôi nghe cuộc đời làm đầy tớ, cu li, thất học của ôn. Kể chuyện đời ôn, nhìn đứa cháu đích tôn buôn lậu bụi đời, ôn nói ngày 30 tháng 4 ôn vui mừng vì chỉ biết lo cho ba con và con, bây giờ ôn mới thấy đó là một ngày khốn nạn. Trước khi tôi đi ôn giúi vào tay tôi chiếc nhẫn vàng hai chỉ và ôn khóc.

    Đó là lần cuối tôi gặp ôn. Hai năm sau, ôn mất. Tôi không về nhìn ôn lần cuối và thắp được nén nhang trước mộ của ôn. Lúc đó, tôi đang bắt chước anh Vi chui nhủi ở Gò Công để trốn nghĩa vụ quân sự. Ngày ôn chết tôi không hay.

    *

    Năm tháng trôi. Người lính VNCH quần xà lỏn áo may ô lần cuối tôi nhìn bây giờ lụ khụ ở nhà giữ cháu cho con. Anh bộ đội cụ Hồ ở chợ Đê ngày ấy bây giờ còn hay mất? Cũng đang lủi thủi giữ cháu như tên lính ngụy cùng thời? Đã qua rồi những nòng súng chĩa vào nhau. Đã mất hút theo thời gian những ngày khói lửa Trường Sơn, Đại lộ Kinh hoàng và Mùa hè Đỏ lửa. Nhưng vẫn còn đó một cuộc chiến tàn khốc giữa độc tài và những kẻ bị trị. Tử vong, tự hủy hoại và mất mát của 45 năm thời bình đã vượt xa nhiều lần so với 21 năm chinh chiến. Đất nước này vẫn triền miên trong một cuộc chiến không bom đạn.

    Gần nửa thế kỷ trôi qua. Những đứa bé ngày xưa bây giờ đã gần nửa đời người. Con đường gian nan tưởng đã chấm dứt từ mù sương năm trước, từ thời đại của thế hệ đàn anh, nay vẫn còn tiếp diễn và kéo dài qua thế hệ đàn em.

    Ba mươi tháng tư. Một buổi tối năm nào ngồi nhậu trước chung cư, lũ chúng tôi cùng nhau say với quá khứ. Tính sổ ra mới biết cuộc đời của mỗi thằng chẳng có gì đáng kể từ cái ngày năm ấy. Bạn tôi say mèm nốc gọn chai bia và đọc hai câu của một nhà thơ nào đó:

    Chuyến tôi đi xe đò đứt thắng
    đ. mẹ đời đ. má tương lai.

    Ba mươi tháng tư. Một ngày với nhiều tên gọi. Đại thắng mùa xuân, ngày giải phóng, ngày thống nhất, ngày quốc hận, tháng tư đen... Cuộc chiến không bom đạn lại được thêm giáo thêm gươm bởi những danh xưng định vị tư tưởng và lằn ranh ta-địch. Có nghĩa lý gì về tên gọi cho một ngày của quá khứ trần ai. Tên của nó chỉ chính xác bằng bóng hình qua tấm gương soi của thực tế hiện tại.

    Năm tháng trôi qua dưới lá cờ máu và chân dung lãnh tụ đểu cáng, túm gọn cuộc đời của nhau bằng 2 câu thơ bạn tôi đọc, nhìn thực tại trần ai của đất nước để đo lường giá trị của mốc điểm lịch sử, tôi thấy cái tên gọi mà ôn tôi, một cu li không biết đọc không biết viết, đặt cho nó vào đêm cuối cùng tôi ngồi bên ôn là chính xác:
              
    30 tháng 4 - ngày khốn nạn.

              




    Vũ Đông Hà

    https://danlambaovn.blogspot.com/2020/0 ... n-nan.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hố chôn người ám ảnh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Hố chôn người ám ảnh
    __________________________________
    Hồi ký của Trần Đức Thạch





    LTS:
    Nhà thơ, nhà văn Trần Đức Thạch, nay 68 tuổi, bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam ngày 23 Tháng Tư, 2020, tại xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông bị vu cho tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền…” theo Điều 109 Bộ Luật Hình Sự CSVN với bản án có thể từ 12 năm đến tử hình.

    Ông từng bị kết án tù hai lần vào các năm 2000 (án 15 năm sau giảm xuống còn 8 năm, tội “xâm phạm an ninh quốc gia”) và 2009 (án tù 3 năm, tội “Tuyên truyền chống nhà nước”). Ông viết blog và sau này có trang Facebook Trần Đức Thạch đăng tải những suy nghĩ của mình hoặc chia sẻ bài viết của những người khác về các vấn đề thời sự. Vì vậy, ông đã bị thẩm vấn, sách nhiễu, đe dọa rất nhiều lần.

    Nhiều năm trước, ông cho phổ biến hồi ký “Hố Chôn Người Ám Ảnh” kể lại tội ác của CSVN đã giết hàng trăm người dân vô tội tại một ấp trong tỉnh Long Khánh ngay sau khi CSVN nhuộm đỏ được miền Nam Việt Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975. Lúc đó, ông mới 23 tuổi, là “phân đội trưởng trinh sát, Tiểu Đoàn 8, Trung Đoàn 266, Sư Đoàn 341.” Hồi ký này được đăng tải lại trên nhiều trang mạng khác nhau như một tài liệu lịch sử tội ác của Cộng Sản đối với người dân Việt Nam.


    Tháng Tư, 1975, đơn vị chúng tôi (Sư Đoàn 341 thường gọi là đoàn Sông Lam A) phối hợp với sư đoàn khác đánh vào căn cứ phòng ngự Xuân Lộc. Trận chiến quyết liệt kéo dài 12 ngày đêm. Tiểu Đoàn 8 chúng tôi do hành quân bị lạc nên được giao nhiệm vụ chốt chặn. Nhằm không cho các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiếp viện cũng như rút lui.

    Phải công nhận là Sư Đoàn 18 của phía đối phương họ đánh trả rất ngoan cường. Tôi tận mắt chứng kiến hai người lính Sư Đoàn 18 đã trả lời gọi đầu hàng của chúng tôi bằng những loạt súng AR15. Sau đó họ ôm nhau tự sát bằng một quả lựu đạn đặt kẹp giữa hai người. Một tiếng nổ nhoáng lửa, xác họ tung tóe giữa vườn cam sau ấp Bàu Cá. Hình ảnh bi hùng ấy đã gây ấn tượng mạnh cho tôi.

    Tinh thần của người lính đích thực là vậy. Vị tướng nào có những người lính như thế, dù bại trận cũng có quyền tự hào về họ. Họ đã thể hiện khí phách của người trai nơi chiến trận. Giả thiết nếu phía bên kia chiến thắng chắc chắn họ sẽ được truy tôn là những người anh hùng lưu danh muôn thủa. Nhưng vận nước đã đi theo một hướng khác. Họ đành phải chấp nhận tan vào cõi hư vô như hơn 50 thủy binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bỏ mình ngoài biển để bảo vệ Hoàng Sa.

    …Nghe tiếng súng nổ ran, tôi cắt rừng chạy đến nơi có tiếng súng. Đấy là ấp Tân Lập thuộc huyện Cao Su tỉnh Đồng Nai bây giờ. Ấp nằm giữa cánh rừng cao su cổ thụ. Đạn súng đại liên của các anh bộ đội cụ Hồ vãi ra như mưa. Là phân đội trưởng trinh sát, tôi dễ dàng nhận ra tiếng nổ từng loại vũ khí bằng kỹ năng nghiệp vụ. Chuyện gì thế này? Tôi căng mắt quan sát. Địch đâu chẳng thấy, chỉ thấy những người dân lành bị bắn đổ vật xuống như ngả rạ. Máu trào lai láng, tiếng kêu khóc như ri. Lợi dụng vật che đỡ, tôi ngược làn đạn tiến gần tới ổ súng đang khạc lửa.

    -Đừng bắn nữa! Tôi đây! Thạch trinh sát Tiểu Đoàn 8 đây!

    Nghe tiếng tôi, họng súng khạc thêm mấy viên đạn nữa mới chịu ngừng.

    Tôi quát:

    -Địch đâu mà các ông bắn dữ thế? Tý nữa thì thịt cả mình.

    Mấy ông lính trẻ tròn mắt nhìn tôi ngơ ngác. Họ trả lời tôi:

    -Anh ơi! Đây là lệnh…

    -Lệnh gì mà lệnh, các ông mù à? Toàn dân lành đang chết chất đống kia kìa!

    -Anh không biết đấy thôi. Cấp trên lệnh cho bọn em “giết lầm hơn bỏ sót.” Bọn em được phổ biến là dân ở đây ác ôn lắm!

    -Tôi mới từ đằng kia lại, không có địch đâu. Các ông không được bắn nữa để tôi kiểm tra tình hình thế nào. Có gì tôi chịu trách nhiệm!

    Thấy tôi cương quyết, đám lính trẻ nghe theo. Tôi quay lại phía hàng trăm người bị giết và bị thương. Họ chồng đống lên nhau máu me đầm đìa, máu chảy thành suối. Một cụ già bị bắn nát bàn tay đang vật vã kêu lên đau đớn. Tôi vực cụ vào bóng mát rồi dật cuốn băng cá nhân duy nhất bên mình băng tạm cho cụ. Lát sau tôi quay lại thì cụ đã tắt thở vì máu ra quá nhiều. Một chỗ thấy năm người con gái và năm người con trai bị bắn chết châu đầu vào nhau. Tôi hỏi người lính trẻ đi theo bên cạnh:

    -Ai bắn đấy?

    -Đại đội phó Hường đấy anh ạ!


    Ông Trần Đức Thạch mới bị bắt giam ngày 23 Tháng Tư, 2020, vì bị vu cho tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền….” (Hình: Facebook Trần Đức Thạch).
    Lại nữa, tôi ngó vào cửa một gia đình, cả nhà đang ăn cơm, anh bộ đội cụ Hồ nào đó đã thả vào mâm một quả lựu đạn, cả nhà chết rã rượi trong cảnh cơm lộn máu. Tôi bị sốc thực sự. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ “Đi dân nhớ, ở dân thương” mà thế này ư? Cứ bảo là Mỹ Ngụy ác ôn chứ hành động dã man này của chúng ta nên gọi là gì? Tâm trạng tôi lúc đó như có bão xoáy. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhận ra ngay những việc cần làm. Tôi tập trung những người sống sót lại. Bảo chị em phụ nữ và trẻ con ra rừng tổ chức ăn uống nghỉ tạm. Cốt là không cho mọi người chứng kiến lâu cảnh rùng rợn này. Đàn ông từ 18 đến 45 tuổi có nhiệm vụ ra sau ấp đào cho tôi một cái hố. Trong ấp ai có xe ô tô, xe lam, máy cày phải huy động hết để chở người bị thương đi viện. Mọi người đồng thanh:

    -Xe thì có nhưng dọc đường sợ bị bộ đội giải phóng bắn lắm!

    -Không lo, có tôi đi cùng!

    Tôi giao cho Nghê, một du kích dẫn đường vừa có bố bị bộ đội cụ Hồ sát hại:

    -Việc lỡ như thế rồi, chú nén đau thương lại giúp anh. Thu hồi căn cước tư trang của những người đã chết sau này còn có việc cần đến.

    Thế là suốt chiều hôm đó, tôi lấy một miếng vải đỏ cột lên cánh tay trái. Lăm lăm khẩu AK ngồi trên chiếc xe dẫn đầu đoàn lần lượt chở hết người bị thương ra bệnh viện Suối Tre. Tối hôm ấy, tôi cho chuyển hết xác người bị chết ra cái hố đã đào. Không còn cách nào khác là phải chôn chung. Trưa ngày hôm sau người ta mới dám lấp. Đây là ngôi mộ tập thể mà trong hoàn cảnh ấy tôi buộc lòng phải xử lý như vậy.

    Trời nắng gắt, để bà con phơi thây mãi không được. Một nấm mồ chung hàng trăm người lẫn lộn, không hương khói, không gì hết. Tôi cho dọn vệ sinh sạch sẽ những chỗ mọi người bị tàn sát. Xong, mới dám cho đám phụ nữ và trẻ con ở ngoài rừng về. Tôi vượt mặt cả cấp trên để làm việc theo tiếng gọi lương tâm của mình bằng mọi nỗ lực có thể để cứu giúp đồng bào.

    Tưởng thế là tốt, sau này nghĩ lại mới thầy hành động của mình giống như sự phi tang tội ác cho những anh bộ đội cụ Hồ. Thú thật lúc ấy tôi vẫn còn một phần ngu tín. Cũng muốn bảo vệ danh dự cho đội quân lính cụ Hồ luôn luôn được ca ngợi là tốt đẹp. Tuy vậy tôi bắt đầu nghi ngờ “Tại sao người ta giết người la liệt rồi bỏ mặc. Chẳng lẽ họ mất hết nhân tính rồi sao?”

    Công việc xong tôi gặp Nghê để chia buồn. Tôi không tránh khỏi cảm giác tội lỗi. Nghê đã đưa xác bố về chôn tạm ở nhà bếp. Tội nghiệp Nghê quá. Lặn lội đi theo cách mạng, ngày Nghê dẫn bộ đội về giải phóng ấp lại là ngày bộ đội cụ Hồ giết chết bố Nghê. Nghê “mừng chưa kịp no” đã phải chịu thảm cảnh trớ trêu đau đớn. Nghê buồn rầu nói với tôi:

    -Hôm qua nghe lời anh. Em thu được hai nón đồng hồ, tư trang và căn cước của những người bị giết. Sau đó có một anh bộ đội bảo đưa cho anh ấy quản lý. Em giao lại hết cho anh ấy để lo việc chôn ba.

    -Em bị thằng cha nào đó lừa rồi. Thôi quên chuyện đó đi em ạ. Anh thành thật chia buồn với em. Chiến tranh thường mang đến những điều không may tột cùng đau đớn mà chúng ta không thể lường trước được. Anh cũng đang cảm thấy có lỗi trong chuyện này.

    ***

    …Đã mấy chục năm qua, khi hằng năm, khắp nơi tưng bừng kỷ niệm chiến thắng 30 Tháng Tư thì tôi lại bị ám ảnh nhớ về hàng trăm dân lành bị tàn sát ở ấp Tân Lập. Cái hố chôn người bây giờ ra sao? Người ta sẽ xử lý nó như thế nào hay để nguyên vậy? Tôi muốn được quay lại đó để thắp nén hương nói lời tạ tội. Vô hình trung việc làm tốt đẹp của tôi đã giúp cho người ta bưng bít tội ác.

    Không! Người dân ấp Tân Lập sẽ khắc vào xương tủy câu chuyện này. Nỗi đau đớn oan khiên lúc đấy chưa thể phải nhòa được. Còn những người tham gia cuộc tàn sát ấy nữa, có lẽ họ cũng vô cùng dằn vặt khi nhận những tấm huân chương do đảng và nhà nước trao tặng sau ngày chiến thắng. Ý nghĩ ấy giúp tôi dũng cảm kể lại câu chuyện bi thương này.

    Sau ngày giải phóng miền Nam 30 Tháng Tư, 1975, tôi có chụp một kiểu ảnh đang cởi áo, lột sao dang dở. Tôi đem tặng cho một thằng bạn đồng hương chí cốt. Hắn run người, mặt tái mét:

    -Tao không dám nhận đâu, họ phát hiện ra tấm ảnh này quy cho phản động là chết cả lũ!.

    Bạn tôi sợ là đúng. Vì cậu ta là đảng viên. Nhưng điều bạn ấy không hiểu là tôi làm vậy vì cảm thấy hổ thẹn và nhục nhã cho anh bộ đội cụ hồ khi nghĩ tới vụ thảm sát ở ấp Tân Lập…



    Thời gian trôi. Tôi, từ một chàng lính trẻ măng ngày nào bây giờ đã là một ông già với mái đầu hoa râm đốm bạc. Vậy mà tôi chưa nói được câu chuyện lẽ ra phải nói. Đôi lúc tôi âm thầm kể lại cho một số bạn bè tin cậy. Nghe xong ai cũng khuyên “Nói ra làm gì, nguy hiểm lắm đấy.” Và quả thật, sống trong xã hội xã hội chủ nghĩa quái đản này, người ta quen thói bưng bít sự thật. Sự thật không có lợi cho đảng, cho nhà nước chớ dại mà nói ra, bị thủ tiêu hoặc vào tù là điều chắc.




    Trần Đức Thạch,
    cựu phân đội trưởng trinh sát Tiểu Đoàn 8, Trung Đoàn 266, Sư Đoàn 341, Quân Đoàn 4

    https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/ho- ... duc-thach/
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

30/04/1975: Giờ Sài Gòn khác giờ Hà Nội và cái nhìn lịch sử cũng khác

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    30/04/1975:
    Giờ Sài Gòn khác giờ Hà Nội
    và cái nhìn lịch sử cũng khác

    __________________________________
    Nguyễn Quang Duy _ 29 tháng 4 2020[/i]





    Ngày 30/4/1975, miền Bắc và miền Nam có 2 cách tính giờ khác nhau, giờ Sài Gòn đi trước giờ Hà Nội 1 tiếng đồng hồ.

    Đọc các bài viết về ngày 30/4/1975 có người dùng giờ Sài Gòn có người dùng giờ Hà Nội, có bài viết chỗ dùng giờ Hà Nội chỗ dùng giờ Sài Gòn, bài này tôi cố gắng chuyển sang giờ Sài Gòn cho bạn đọc dễ theo dõi.




    Hai chiếc xe tăng

    9 giờ 30 sáng 30/4/1975, quân Bắc Việt vượt cầu Sài Gòn, binh sĩ miền Nam kháng cự dữ dội, có ít nhất 4 xe tăng và hằng trăm bộ đội chết trong trận này.

    Khoảng 10 giờ 30 sáng, máy phát thanh liên tục phát lời Đại Tướng Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ ngừng bắn sửa soạn bàn giao cho phía bên kia.

    Cầu Sài Gòn là mũi tiến chính của quân Bắc Việt, trước hỏa lực quá hùng hậu của đối phương, súng hết đạn binh sĩ miền Nam rút dần.

    Ba xe tăng Bắc Việt vượt cầu Sài Gòn, tìm đường đến dinh Độc Lập, một chiếc bị bắn cháy ở cầu Thị Nghè, hai chiếc còn lại chạy lạc đường phải nhờ người hướng dẫn.

    Chừng 11 giờ 45 chiếc xe tăng mang số 843 chạy tới Dinh Độc Lập húc vào cổng phụ bị đứt bánh xích nên kẹt không vào được.

    Chiếc tăng số 390 đến sau ít phút húc đổ cổng chính chạy vào trước tiên, nhưng vì là T59 sản xuất tại Trung Quốc, nên trong một thời gian dài phải nhường công chạy vào Dinh trước cho chiếc T54 mang số 843 sản xuất tại Liên Xô.




    Chuyện hai lá cờ…

    Lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam đầu tiên được cắm trên nóc dinh Độc Lập là lá cờ treo trước mũi xe tăng mang số 843 do Trung Úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận lấy xuống và mang lên nóc Dinh treo.

    Số phận lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa một thời gian dài được Hà Nội đưa tin là từ nóc Dinh được ném xuống đất, sau này mới biết được Trung Úy Bùi Quang Thận cẩn thận giữ riêng làm kỷ niệm.

    Trong bộ phim tài liệu về ngày 30/4/1975, đóng vào đầu tháng 5/1975, ông Bùi Quang Thận mang một lá cờ xanh đỏ sao vàng rất to, không phải là lá cờ cắm trên chiếc xe tăng mang số 843.

    Số phận lá cờ xanh đỏ sao vàng được ông Thận đầu tiên cắm trên nóc Dinh Độc Lập không rõ ra sao, vì nó vừa cũ vừa nhỏ nên ngay trưa hôm đó được thay thế bằng một lá cờ mới và lớn hơn...





    Xém đụng trận ngay trước Dinh

    Phóng viên Boric Gallasch chứng kiến một số binh sĩ miền Nam rời khỏi Dinh Độc Lập, có thể ông không biết các binh sĩ này do 1 thiếu tá Tiểu Đoàn trưởng Lôi Hổ phụ trách phòng thủ sân bay Tân Sơn Nhứt đến Dinh để hỏi rõ về lời kêu gọi ngừng bắn và bàn giao của Đại Tướng Dương văn Minh.

    Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cho biết cánh quân này không chấp nhận đầu hàng, họ chỉ rời đi ít phút trước khi hai xe tăng 843 và 390 ủi sập cổng Dinh Độc Lập.

    Tại Tân Sơn Nhất cánh quân này vừa bắn cháy 3 xe tăng Bắc Việt, nếu hai xe tăng 843 và 390 biết đường chạy thẳng đến Dinh đã đụng độ với cánh quân nói trên và lịch sử có thể đã khác đi.

    Ở một số địa điểm như Tân Sơn Nhất, trại Hoàng Hoa Thám, Bộ Tổng Tham Mưu,… một số binh sĩ miền Nam vẫn kháng cự cho đến khi Đại Tướng Dương văn Minh đọc Tuyên Bố Đầu Hàng.

    Còn ở các nơi khác vì lực lượng cộng sản quá hùng hậu, binh lính miền Nam rút về phía trung tâm Sài Gòn, đến khi nghe tướng Minh kêu gọi ngừng bắn thì tự động buông súng tan hàng hay buông súng khi thấy sự xuất hiện của quân miền Bắc.




    Không máy ghi âm…

    Phóng viên cho tờ báo Đức, Der Spiegel kể lại Đại tướng Dương văn Minh định thu băng lời Tuyên Bố Đầu Hàng nhưng vì không tìm thấy chiếc máy ghi âm nên mới phải sang Đài Phát Thanh.

    Ông TizianoTerzani viết: “nhân viên (Dinh Độc Lập) bỏ trốn mang đi tất cả những gì họ có thể cuỗm”.

    Sang Đài Phát Thanh cũng không tìm thấy máy ghi âm nào, ông viết: “Toà nhà cũng vừa trải qua những trận hôi của.” nên cuối cùng phải dùng chiếc máy ghi âm nhỏ của ông để thu lời Tuyên Bố đầu hàng.

    Nhận xét của ông thiếu công bình cho những người miền Nam, vì đa số các nhân viên Dinh Độc Lập hay Đài Phát Thành khi ấy đều muốn bỏ của cải họ gầy dựng bao năm để chạy thoát cộng sản.

    Những chiếc máy ghi âm vừa gọn, vừa nhỏ, vừa lạ, vừa quý, là kỷ niệm tiếp thu Sài Gòn, người bộ đội có thể mang về miền Bắc khoe với gia đình.

    Xin đừng nghĩ xấu cho họ, đó là việc làm bình thường của những người chiến thắng cần có chút gì làm kỷ niệm, nhờ thế Trung úy Bùi Quang Thận mới giữ lá cờ vàng ba sọc đỏ trong suốt 20 năm.





    Đạn lạc…

    Xe tăng, xe thiết giáp, quân xa chở lính miền Bắc đổ về dinh Độc Lập mỗi lúc một đông, những tràng súng chỉ thiên mừng chiến thắng nổ vang trời, khói súng mịt mù.

    Người lính Bắc Việt thuộc tiểu đoàn 7 bộ binh tên Tô Văn Thành đang ngồi trên thành xe tăng bị trúng đạn rớt xuống đường, chết ngay trước dinh Độc Lập.

    Báo chí đưa tin ông Thành bị Biệt kích dù 81 từ phía trụ sở Bộ Ngoại giao bắn chết, nhưng đạn lạc thì đúng là nguyên nhân dẫn đến cái chết kết thúc trận chiến kéo dài trên 20 năm.




    Vị quốc vong thân…

    Nhắc đến 30/4/1975, không nhắc đến năm vị tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê văn Hưng, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú, và Lê Nguyên Vỹ và các binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà tuẫn tiết quả là điều thiếu sót.

    Tại thành phố Melbourne, nơi gia đình tôi đang sống, những anh hùng vị quốc vong thân được thờ trong Đền Thờ Quốc Tổ và có Tượng Đài để ghi nhận ân đức những người đã chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do trong hơn 20 năm.





    Đoàn quân cuối cùng…

    Nhà tôi ở Bàn Cờ chỉ cách Dinh Độc lập chừng 4 cây số, khoảng 12 giờ trưa những tiếng súng mừng chiến thắng làm mọi người tưởng lầm là cộng sản đang đánh chiếm Dinh.

    Đến 1 giờ trưa, Đại Tướng Dương Văn Minh lên Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng, bà con lối xóm đều vui vì chiến tranh chấm dứt, nhưng lại lo âu khi nghĩ đến tương lai.

    Chừng 1 giờ 30, chính mắt tôi chứng kiến một đội lính Việt Nam Cộng Hòa chừng 20 người đủ mọi binh chủng đi đầu là một sĩ quan Dù rất trẻ mang súng lục, những người đi sau súng ống đầy đủ, hàng ngũ chỉnh tề, tiếp tục bảo vệ người dân khu phố.

    Những người lính cộng hòa chỉ tan hàng khi thấy bóng dáng của bộ đội cộng sản, chính nhờ họ Sài Gòn mới được chuyển giao một cách bình yên cho Quân đội miền Bắc.





    Những người cộng sản đầu tiên

    Chừng 2 giờ trưa, tôi đi bộ ra đường Phan Đình Phùng, súng ống và quần áo quân nhân rải rác hai bên đường, dân chúng đã bắt đầu đổ ra đường, vẫn chưa thấy bóng dáng của những người cộng sản vào tiếp thu khu vực.

    Tôi chuyển sang đường Hồng Thập Tự, hướng về Dinh Độc Lập, đã thấy một số bộ đội cộng sản trên những xe Jeep với lá cờ xanh đỏ sao vàng.

    Một số biệt thự chủ nhân đã di tản bị hôi của, bộ đội bắn chỉ thiên giải tán, nhưng không dám đến gần đám đông để tịch thu đồ vật.

    Tôi đến Dinh Độc Lập sau 3 giờ chiều, bộ đội miền Bắc đã đóng quân trong và ngoài Dinh, dân Sài Gòn đến xem bộ đội miền Bắc khá đông.

    Những bộ đội với nón cối và dép râu những thứ mà tôi chưa hề gặp, họ đều rất trẻ, vui vẻ trả lời những câu hỏi với cùng một giọng điệu, cùng một bài bản được học tập trước ngày tiếp thu Sài Gòn.

    Tôi đi thẳng ra Chợ Sài Gòn chứng kiến cảnh sinh hoạt bắt đầu trở lại, quanh Dinh Độc Lập và Chợ Sài Gòn đã bắt đầu có những trao đổi bằng tiền Hồ Chí Minh, Sài Gòn là vậy, vừa thoát chết là có người nghĩ ngay đến bán buôn.

    Tôi nghe những tiếng nổ lớn, như đạn súng cối, từ phía Dinh Độc Lập, tiếp theo là những tiếng súng đủ loại. Sau này nghe kể thì có người nói là hai cánh quân cộng sản bắn vào nhau mà không rõ lý do gì (?).

    Tôi vội quay về nhà, trên đường về tôi chứng kiến những xe tăng và quân xa bộ đội, có thể, đang trên đường chuyển quân về miền Tây.

    Ngay cuối đường Hồng Thập Tự gần ngã sáu Cộng Hòa, một chiếc xe tăng bị bắn cháy, tôi không nhớ xe tăng phía bên nào.

    Tối xem truyền hình, người xướng ngôn viên nói tiếng Nam khuôn mặt đằng đằng sát khí, hùng hổ đưa tin về Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng.

    Ngày hôm sau, xướng ngôn viên khác xuất hiện trên truyền hình với khuôn mặt và giọng nói ít cộng sản hơn, nhưng tin tức thì cũng vẫn một giọng tuyên truyền, khác hẳn với tin tức thời Việt Nam Cộng Hòa.





              

    Người đi Mỹ theo chương trình định cư năm 1983

              
    45 năm nhìn lại…

    Chỉ sau hai ngày Sài Gòn thất thủ, chỉ sau hai tháng miền Bắc tiếp thu miền Nam, Việt Nam bước sang một trang sử mới.

    Cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa, một xã hội chưa ai hình dung được hình dáng của nó, không tiến được thì lùi, cộng sản đã lùi về cách quản lý kinh tế thời Việt Nam Cộng Hòa.

    Giá trị vật chất có thể phục hồi, nhưng giá trị tinh thần như niềm tin, giáo dục, văn hóa, thể chế, tự do, dân chủ và nhân quyền của người miền Nam đã mất khó có thể phục hồi.

    Ngày 30/4/1975, các cán bộ của Quân đội Nhân dân VN không muốn nói chuyện bàn giao với 'ngụy quyền' mà bắt Đại tướng Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện.

    Người cộng sản ngày nay phải công nhận phần nào thế chính danh của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng vì từ chối không để VNCH bàn giao nên mất đi sự nối tiếp, sự thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông theo công pháp quốc tế.

    Từ góc nhìn đó, ngày 30/4/1975 cũng đã không để lại dư âm tốt về thống nhất quốc gia và lòng người trên cả nước Việt Nam.





    Nguyễn Quang Duy
    Melbourne, Australia.

    https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52458508
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”