- 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20015
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Mấy dặm sơn khê

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          






Mấy dặm sơn khê
Nguyễn văn Đông
Bạch Vân


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20015
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

45 năm sau, nhìn lại hành trình dựng nước trong thời chiến: VNCH 1955-1975

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    45 năm sau,
    nhìn lại hành trình dựng nước trong thời chiến:
    VNCH 1955-1975

    __________________________________
    Trùng Dương _ Gửi cho BBC từ Sacramento, California - Hoa Kỳ
    28 tháng 4 2020





              

    Bìa trước của tuyển tập ''Kinh nghiệm Kiến quốc''

              

    Ai làm mất Nam Việt Nam là câu hỏi được đặt ra ngay sau 30/4/1975. Như hồi quân của Mao Trạch Đông tiến chiếm Hoa Lục năm 1949 người ta đã hỏi nhau, đúng ra là đổ lỗi cho nhau, là ai đã làm mất Trung Hoa.

    Khi còn ở trong trại tị nạn Camp Pendleton ở Nam Cali, tôi có dịp ở chung lều với gia đình một ông bác sĩ thuộc lứa tuổi trung niên. Như nhiều người Miền Nam, ông tỏ ra cay đắng cho rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi Miền Nam.

    Ông cho biết sẽ tìm xin tị nạn tại Pháp hay Canada, vì cảm thấy không thể sống tại đất nước đã phụ rẫy mình. Chúng tôi đứt liên lạc từ sau khi rời trại, và tôi không rõ gia đình ông gồm bà vợ, vợ chồng cô con gái và ba đứa cháu ngoại còn nhỏ đã phiêu bạt nơi nào.

    Ai làm mất Nam Việt Nam là câu hỏi thời thượng dạo ấy.

    Giới bảo thủ thì đổ cho là giới báo chí khuynh tả làm mất Miền Nam. Họ quên là số phận Miền Nam đã được định đoạt từ khi Tổng thống Cộng hòa Richard Nixon bắt tay với Trung Quốc ba năm trước đó, nhắm vào thị trường béo bở với hàng tỉ người tiêu thụ tương lai. Mặc dù chính chúng ta dạo ấy không muốn tin như thế.

    Ai làm mất miền Nam thì là chuyện đã rồi đối với tôi vào buổi sáng ngày 1/5 cách đây 45 năm thức dậy trong căn lều nhà binh mới dựng hôm trước, cỏ còn cao quá đầu gối, chỉ mới có tôi và hai đứa con nhỏ, 9 và 2 tuổi, được lùa vào đây nửa đêm hôm trước từ chiếc xe buýt đón chúng tôi đến từ Guam tại phi trường Los Angeles.

    Tôi nhìn ra những ngọn đồi thoai thoải phủ thảm hoa vàng giữa cái lạnh rơi rớt từ mùa đông vừa qua, nghe trong đầu câu hát Lòng thật bình yên mà sao buồn thế / Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ… (Trịnh Công Sơn, "Bên đời quạnh hiu.") Có điều tôi không đang khóc. Mắt tôi ráo hoảnh.

    Tôi lớn lên tiêm nhiễm lời răn dậy "tiên trách kỷ, hậu trách nhân," tự trách mình trước rồi hẵng trách người. Và từ buổi sáng trên đồi hoa vàng nơi xứ người, tôi nhìn vào chính tôi, vào hồn của mảnh đất Miền Nam thân yêu nơi tôi lớn lên từ năm 1954 sau khi cha mẹ tôi mang chúng tôi 11 anh chị em chạy nạn cộng sản vào lập nghiệp.

    Đây cũng là nơi ra đời của một quốc gia mới mẻ, mang tên Việt Nam Cộng Hòa, được sự hỗ trợ tận tình của một Hoa Kỳ thời hậu đệ nhị Thế chiến đã trở nên hùng mạnh nhất thế giới, và của các bạn đồng minh trong khối tự do, những quốc gia đã chịu ơn nước Mỹ giúp tái thiết.

    Không thể phủ nhận, đã hẳn, Hoa Kỳ thoạt kỳ thủy đã có chủ ý coi VNCH là "tiền đồn cuối cùng" để ngăn chặn làn sóng đỏ tưởng bách chiến bách thắng hồi ấy. Song người Việt Miền Nam chúng ta coi đây là cơ hội ngàn năm một thuở để xây dựng một xã hội tự do dân chủ thực sự đầu tiên trong lịch sử của hàng ngàn năm nếu không là sống trong chế độ quân chủ chuyên chế thì là bị đô hộ bởi ngoại nhân. Người Miền Nam không coi nhẹ nền cộng hòa còn rất non trẻ này. Trong khói lửa mịt mù và một bối cảnh chính trị nhiều biến động, người Miền Nam vẫn kiên nhẫn xây dựng và vun sới cho mảnh đất tự do nhỏ bé.

    Vậy mà, bằng cách này cách khác, chúng ta đã phí phạm cơ hội quí báu ấy. Tôi sẽ không dài dòng kể lể ở đây hàng núi lý do tại sao, cả nội lẫn ngoại. Chỉ vắn tắt là sau 20 năm dựng nước trong một bối cảnh chính trị bất ổn và một cuộc chiến đẫm máu đã lấy đi hàng triệu sinh mạng cả dân lẫn quân, kết cuộc là cuộc đại di tản lần thứ hai cho những người may mắn chạy thoát gọng kìm cộng sản ngày một xiết chặt tự do sau cái ngày oan nghiệt 30/4.

              

    Thuyền nhân Việt Nam leo lên thang khi được tàu Mỹ vớt tại Biển Đông sau biến cố 30/4/1975

              

    Hàng vạn người không may mắn đã liều mạng vượt biên và bỏ mình trong rừng sâu hay ngoài biển cả. Hàng ngàn vạn người khác của chế độ cộng hòa đã bị lùa vô các trại tập trung cưỡng bách lao động mọc lên nhan nhản khắp vùng đất nước. Nhiều người đã bỏ mạng. Họ là những quân dân cán chính, trí thức, khoa học gia, kỹ sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ - phần lớn tình nguyện đi trình diện hy vọng sau khi được "cải tạo học tập" họ sẽ được phép mang khả năng giúp xây dựng đất nước. Điều đó đã không xẩy ra trong một chế độ đòi hỏi "hồng hơn chuyên."

    Tổng thống Kennedy có lần đã nói: "Chiến thắng có cả trăm ông cha và thất bại trở thành mồ côi" (Victory has a hundred fathers and defeat is an orphan). Người Việt Miền Nam, dù lưu vong hay còn ở quê nhà, thẩy đều đã trở thành "mồ côi."

    Nhiều thập niên qua, chúng ta đã sống trong thầm lặng, chịu đựng bị hiểu lầm và nhục nhã, cố gắng dồn mọi nghị lực vào việc xây dựng lại đời sống trên mảnh đất quê hương thứ hai, nuôi dậy con cái, vun sới gia đình, và có một dạo còn cung cấp cho người thân, bằng hữu còn kẹt lại sống thiếu thốn mọi sự. Vào giờ rảnh rỗi và dịp cuối tuần, chúng ta tập hợp nhau, người bàn chuyện quang phục quê hương; kẻ nói chuyện bảo tồn lịch sử và văn hóa đã và đang bị cộng sản tàn phá, hủy hoại ở quê nhà - cũng là một hình thức quang phục quê hương khi các giá trị dân tộc và nhân bản đang trên đà thoái hóa nơi quê nhà. Những hoạt động này đã giúp nối kết người Việt hải ngoại không chỉ ở Mỹ mà còn khắp thế giới lại với nhau.

    Các nỗ lực bảo tồn văn hóa và lịch sử của người Việt hải ngoại thường nhỏ giọt, riêng lẻ, phần lớn do cá nhân bỏ tiền túi ra thực hiện. Thảng hoặc, có những trường hợp nhận được tài trợ như nhà văn Võ Phiến được một tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội tài trợ đi sưu tầm tài liệu và thực hiện bộ "Văn Học Miền Nam Tổng Quan" vào đầu thập niên 1980. Dù vậy, kết quả của những nỗ lực này phải nói là phong phú, xuất hiện dưới hình thức sách báo, băng nhạc, hình ảnh, bầy bán khắp nơi. Những tác phẩm bị cộng sản cấm đoán, tịch thu, đốt hủy cũng đã được chụp và tái bản ở hải ngoại, ngay cả những bộ sách của thời tiền chiến được tái bản ở Miền Nam trước 1975 cũng theo chân chúng ta ra hải ngoại.

    Và hồi ký đủ loại đề tài phong phú của nhiều người viết thuộc mọi thành phần trong và ngoài nước, đặc biệt là các hồi ký của nhiều người đã từng là đảng viên cộng sản nay tỉnh ra. Từ ngày kỹ thuật Internet ra đời cách đây 25 năm, sinh hoạt văn hóa này càng nở rộ. Dù vậy, các ấn phẩm vẫn chỉ thu hẹp phần lớn trong phạm vi tiếng Việt, hạn chế đối với các thế hệ trưởng thành hoặc sinh ra và lớn lên ở hải ngoại.

    Gần ngày kỷ niệm 45 năm ngày 30 tháng 4, 1975 đánh dấu ngày Miền Nam bị bức tử, tôi nhận được tập sách từ lâu trông đợi và cuối cùng đã tới tay. Đó là tuyển tập "The Republic of Vietnam, 1955-1975 - Vietnamese Perspectives on Nation Building," bàn về công cuộc kiến quốc của Việt Nam Cộng Hòa, do Vũ Tường, giáo sư ngành chính trị học tại Đại học Oregon, và Sean Fear thuộc Đại học Leeds, Anh Quốc, biên soạn và nhà xuất bản Cornell University Press ấn hành.

    Đây là một tập hợp các bài thuyết trình tại cuộc hội thảo hai ngày Symposium Nation-Building in War: The Experience of Republican Vietnam, 1955-1975, diễn ra tại Đại học Tiểu bang California ở Berkely cách đây vài năm, do một nhóm giáo sư trẻ gốc Việt tổ chức. Trong bài này, người viết sẽ dùng chữ "Kinh nghiệm Kiến quốc" để chỉ tên của tuyển tập này.

    Các tác giả trong tập "Kiến quốc," gồm các cựu viên chức, giáo sư, chiến binh, ký giả, và văn nghệ sĩ của một thời Miền Nam, nay đã trên dưới 80, chia sẻ kinh nghiệm của một thời trẻ trung đầy lý tưởng trong công cuộc xây dựng tân quốc gia Việt Nam Cộng Hòa "như một quốc gia họ kỳ vọng trong trí tưởng với tất cả thiết tha, chứ không phải là một công cụ chính trị của chính phủ Mỹ," theo các chủ biên trong bài giới thiệu tuyển tập.

    Đó là các lời chứng về chiến tranh, chính trị, kinh tế và đời thường của người dân thuộc mọi tầng lớp trong thời Đệ nhị Cộng hòa giữa bầu không khí sôi sục của trận chiến mà người Mỹ quen gọi là Chiến tranh Việt Nam. Khác với quan niệm phổ biến tại Mỹ, là chính quyền VNCH là bù nhìn của Mỹ, tập sách "cho thấy cuộc xung đột tại Việt Nam là một phân chia ý thức hệ giữa cộng sản bắc phương và phe không cộng sản Miền Nam, chứ không chỉ là cuộc chiến ủy quyền trong thời Chiến tranh Lạnh," như các tài liệu đã giải mật cho thấy việc công quân đã dược cộng sản quốc tế hỗ trợ như thế nào bên cạnh quyết tâm của người cộng sản đưa VN vào quỹ đạo ngoại bang này.

    Tôi phải nhìn nhận là cho tới gần đây, ký ức cề công cuộc xây dựng đất nước thời cộng hoà của tôi chỉ thu gọn vào môi trường tôi có thể tạm cho là mình biết nhiều nhất, đó là văn học nghệ thuật. Tập sách "Kinh nghiệm Kiến quốc" đã cho tôi một cái nhìn toàn diện về các công cuộc phát triển và tiến bộ khác trong công trình xây dựng đất nước. Khó mà có thể tưởng tượng tất cả chỉ diễn ra trong vòng 20 năm, và trong một bối cảnh chiến tranh khói lửa đầy chết chóc tang thương.

    Qua năm phần chính - phát triển kinh tế, chính trị và an ninh, giáo dục, báo chí và truyền thông, và văn hóa và nghệ thuật - chia thành 17 chương, người đọc có dịp tham dự hàm thụ công cuộc dựng nước gian nan song hào hứng.

    Lãnh vực nào cũng đầy thông tin quan trọng và hữu ích cho một công cuộc tái xây dựng một Việt Nam nhân bản, khai phóng và tiến bộ trong tương lai, song một trong các lãnh vực lôi cuốn tôi nhất là giáo dục vì đó là nền tảng cho sự phát triển vững bền và lâu dài. Trong hai chương 8 và 9, hai nhà giáo dục Nguyễn Hữu Phước và Võ Kim Sơn thay phiên nhau trình bầy về nền giáo dục của VNCH dựa trên nền tảng nhân bản, dân tộc và khai phóng - tôi không khỏi hình dung tới chiếc kiềng ba chân vững vàng trong bếp của người Việt xưa.

    Miền Nam đã nhận được sự tiếp tay của nhiều trường đại học tại Mỹ, trong đó có Đại học Tiểu bang Michigan giúp tái tổ chức và điều hành các hệ thống công lập; Đại học Nam Tiểu bang Illinois giúp huấn luyện các giáo viên tiểu học; Đại học Ohio trong việc thiết lập hệ thống Trung học Tổng hợp; và Đại học Wisconsin/Stevens Points tiếp tay khai triển hệ thống giáo dục cao cấp. Kết quả là sau 20 năm xây dựng nước, VNCH đã thiết lập và phát triển được nhiều cơ sở giáo dục như các trường trung học tổng hợp, hệ thống đại học cộng đồng, hệ thống trắc nghiệm và thẩm định, và các đại học huấn luyện giáo chức. Trừ các trường do tư nhân đứng ra thiết lập, còn tất cả các trường công, từ tiểu học tới đại học, hoàn toàn miễn phí.

    Gần đây trên Internet, tôi thấy xuất hiện những bài viết nói lên niềm tiếc nuối đối với hệ thống giáo dục của Miền Nam. Điển hình là bài khá dài và chi tiết, tựa là "Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến," về hệ thống giáo dục của Miền Nam. Nhiều người trẻ trong nước cũng đã bầy tỏ niềm nuối tiếc đã không được lớn lên trong môi trường đó.

    Nhờ nền giáo dục phổ biến và phần lớn miễn phí, số học sinh, sinh viên gia tăng, nhu cầu sách vở cũng nhờ vậy mà tăng trưởng, tiếp tay đẩy mạnh các sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có các ngành thuộc văn học nghệ thuật và báo chí.

    Cuộc chiến tại Việt Nam hiển nhiên "không chỉ là cuộc chiến ủy nhiệm," các chủ biên tuyển tập kết luận.

    "Cuộc tranh chấp cộng sản/cộng hòa tại Việt Nam vô phương hóa giải này đã tồn tại ngay cả trước khi quân đội Mỹ vào tham chiến, và nó tồn tại tới ngay cả bây giờ trong cộng đồng Việt trên khắp thế giới. […] Với gốc rễ lịch sử và ý thức hệ sâu xa của cuộc nội chiến tại Việt Nam, bên cạnh vai trò quan trọng của Miền Nam trong việc khuôn đúc nên kết quả, ta không thể tiếp tục tảng lờ mà không kể tới ảnh hưởng của di sản cộng hòa trên nguồn gốc và hậu quả của cuộc chiến."





    Trùng Dương
    Gửi cho BBC từ Sacramento, California - Hoa Kỳ -
    28 tháng 4 2020


    https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-52439866
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3530
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

30/04 Chương Trình Đặc Biệt Tưởng Niệm Tháng Tư Đen - Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư 2020


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20015
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Câu chuyện tướng Lê văn Hưng tuẩn tiết

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Câu chuyện
    tướng Lê văn Hưng
    tuẩn tiết

    __________________________________
    Mạnh Kim


              

    Chuẩn tướng Lê Văn Hưng

              


    Đây là câu chuyện tướng Lê Văn Hưng tuẫn tiết mà tôi chép lại từ cuộc gặp gỡ một nhân chứng trực tiếp…

    Đối diện tôi là một ông già ốm yếu 75 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Nhắc lại chuyện cũ, ông nhớ như in từng chi tiết và thuật lại sống động mạch lạc như thể thời gian vẫn chưa làm hao mòn ký ức ông. Tôi đã ngồi với ông từ 10g30 sáng đến 3g chiều mà câu chuyện vẫn chưa dứt. Ông là Huỳnh Quang Nghĩa, cựu trung úy Chánh văn phòng của Chuẩn tướng Tư lệnh phó Quân đoàn IV Lê Văn Hưng, Quân lực VNCH. Trung úy Nghĩa là nhân chứng mục kích từ đầu đến đuôi cái chết của Tướng Hưng. Câu chuyện được kể dưới đây là những gì được ghi trong hồi ức cá nhân mà trung úy Nghĩa cho tôi xem, cùng những gì ông kể với tôi hôm ấy…

    “Sau khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, Chuẩn tướng bảo tôi (Huỳnh Quang Nghĩa) gọi để nói chuyện với 16 Tiểu Khu Trưởng, yêu cầu ban hành thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Quân đoàn IV. Vùng IV có vẻ chuẩn bị đối phó với tình hình hơn là chấp nhận treo cờ rũ. Khi nghe tin Sài Gòn thất thủ, dân chúng Cần Thơ bắt đầu mua nhanh bán vội để thu xếp về nhà. Khuôn mặt ai nấy đều lo âu. Xe lướt nhanh hơn, người đi bộ gần như chạy, đường phố giống như đang trốn chạy khỏi cơn giông lớn. Sau thông điệp đầu hàng của Tổng thống Minh, mọi liên lạc với Sài Gòn đều bị cắt đứt. Tuy vậy, cho đến trưa, tình hình Cần Thơ cũng như 16 tỉnh miền Tây vẫn yên tĩnh. Các tiểu khu vẫn còn liên lạc tốt với Bộ Tư Lệnh Quân đoàn.

    13g, tôi trở vào Bộ Tư Lệnh, cách tư dinh Chuẩn tướng Hưng chừng 300 mét. Tôi thấy chiếc Falcon đen đưa bà Chuẩn tướng cùng hai con rời cổng dinh. Khuôn viên Bộ Tư Lệnh vắng ngắt đến nghẹt thở. Chuẩn tướng đứng nơi hiên tiền đình, nhìn mông lung ra khoảng sân phía trước. Tôi đứng bên trái ông, cách vài bước hơi chếch phía sau, hướng tầm mắt theo ông. Mới vào mùa hè mà cảnh vật như đã thu đông. Trời chiều ảm đạm, thê lương, từng mảng mưa bụi lạnh lẽo thả xuống tàng phượng vĩ nở đỏ ối giữa sân. Chuẩn tướng bất động. Tất cả mang đến cho tôi một cảm giác u buồn, tan tác. Bất chợt, ông quay lại hỏi tôi:

    – Cô (bà phu nhân Chuẩn tướng) đi đâu?

    – Thưa, cô đến nhà thờ xin rửa tội.

    Thật sự mấy ngày nay tôi thấy có chuyện hơi lạ trong dinh. Tình hình nguy ngập như vậy mà người thợ may riêng không ngớt giải quyết mớ vải vóc mới tinh cho bà Chuẩn tướng cùng thân quyến. Bây giờ bà và các con lại đi lễ. Tôi không thể ngờ được rằng ông bà Chuẩn tướng đã âm thầm bàn bạc chuẩn bị cái chết cho toàn bộ gia đình và bà Chuẩn tướng cũng dọn mình bằng cung cách riêng của bà. Bà muốn khi từ giã cõi đời sẽ cùng con cái được đón nhận là con chiên của Chúa và bước vào áo quan trong bộ đồ mới tinh trong trắng. Vào buổi sáng ngay sau thông điệp của Tổng thống Minh, bà Chuẩn tướng gọi điện thoại sang văn phòng tôi, bảo tìm càng nhiều càng tốt thuốc Valium 5mg…

    Đèn phòng vừa bật sáng, tôi giật mình ngó qua khung cửa sổ. Bóng tối đã nhợt nhờ ngoài sân. Phía cuối phòng, bà Chuẩn tướng và gia đình đã ngồi vào bàn ăn. Một người lính phục dịch đặt trên bàn Chuẩn tướng dĩa, muỗng và hai quả trứng gà ngâm trong ly nước sôi. Đó là buổi ăn tối của ông hôm nay. Đang miên man, tôi giựt mình khi điện thoại reo. Nhấc ống nghe, tôi vội chuyển cho Chuẩn tướng khi nhận ra giọng trầm trầm của Thiếu tướng Tư lệnh (Nguyễn Khoa Nam) đầu bên kia. Buông ống điện thoại, Chuẩn tướng thừ người bất động. Lần đầu tiên, tôi nhận rõ nét mệt mỏi tuyệt vọng trên gương mặt ông…

    Chuẩn tướng bảo tôi tập hợp toán lính gác để ông nói chuyện. Tiểu đội bảo vệ tư dinh Tư Lệnh Phó xếp thành hai hàng bên hông dinh chỗ khúc sân lối ra vào. Bằng giọng cảm động, chân tình, Chuẩn tướng cám ơn họ vẫn ở bên ông đến giờ phút này và bảo anh em ai muốn rời dinh cứ tùy ý… 10 phút sau Chuẩn tướng gọi tôi lên lầu. Tại đây, tôi thấy ngoài tôi và Thiếu tá Phương, còn hiện diện đông đủ binh sĩ từng phục dịch Chuẩn tướng và gia đình. Chuẩn tướng đứng nơi phòng ngủ, hai cánh tay ghì chặt đứa con gái ba tuổi để đầu cháu tựa vào má ông. Bà Chuẩn tướng đứng cạnh bên. Hai bàn tay măng non cháu bé hồn nhiên lùa trên tóc cha, làm lòa xòa vài lọn tóc rối trên trán Chuẩn tướng. Bức tranh bi thảm ấy khiến lòng tôi ngậm ngùi tê cứng. Bằng giọng tha thiết ân cần, Chuẩn tướng gởi lại bà cùng hai con cho chúng tôi. Ông quả quyết từ giờ cho đến sáng sẽ không có gì xảy ra, bảo chúng tôi cố gắng hộ tống bà Chuẩn tướng và hai đứa bé về Sài Gòn rạng sáng ngày mai 1-5. Trước đó, ông đã thuyết phục bà phải sống để nuôi con chứ không thể giết con bằng ý định tự sát cả gia đình như ban đầu.

    Bất ngờ, ông quát bảo tất cả trở xuống dưới lầu, chỉ còn mình tôi và bà Chuẩn tướng. Lúc đó khoảng 8g30 tối 30-4. Bên trong phòng ngủ, khi nụ hôn vĩnh biệt của bà Chuẩn tướng vừa kịp đặt lên má chồng, ông vội đẩy bà ra phía ngoài và đóng nhanh cánh cửa. Lúc quay lại, còn thấy tôi trong phòng, ông thảng thốt: “Nghĩa! Mày đi ra!”. Vừa nói ông vừa nắm tay tôi lôi về phía cửa. Tôi bệu bạo: “Cho tôi ở lại cùng Chuẩn tướng…”.

    Sự dứt khoát của nghiêm lệnh hàng ngày trong giây phút xúc động mãnh liệt làm giọng Chuẩn tướng lạc đi. Ông cố đẩy tôi ra cửa. Sự va chạm ngắn ngủi đầy bi thương ấy khiến tôi có cảm giác như thỏi nam châm đang cố rút khỏi thanh sắt. Ôi! Cái chết hoàn toàn được sắp đặt trước, lần đầu tiên trong đời tôi mới chứng kiến. Tôi chợt bật khóc và cùng bà Chuẩn tướng quỳ xuống trên nền cửa bên ngoài. Bên tai còn vọng nghe tiếng rít khô khốc của tiếng then cài. Mọi sự diễn ra không đầy một phút sau. Tiếng nổ chát chúa vang lên sau cánh cửa. Tôi hoảng hốt bật dậy và kêu lớn khi thấy ba bốn cái đầu đang nhớn nhác nhìn lên từ dưới chân cầu thang: “Con dao, lấy con dao cạy cửa mau!…”.

    Người tài xế tên Giêng cầm con dao to nhọn vội vàng chạy lên. Mọi người ùa vào phòng. Tôi bàng hoàng khóc ngất. Tất cả cũng khóc và chạy đến chỗ giường ngủ của Chuẩn tướng. Ông nằm ngửa trên tấm nệm drap trắng, hai cánh tay buông ngang, khuy cổ và ngực áo bung ra, máu tươi nhuộm thắm ngực trái chiếc thun trắng bên trong. Có lẽ Chuẩn tướng đã ngồi ở thành giường, một tay cởi hai khuy áo trên, tay kia đưa nòng khẩu Colt 45 ấn vào tim…

    Tôi còn nhớ lúc ông đảm nhiệm Tư lệnh Sư đoàn 21, một buổi chiều sau giờ nghỉ việc, tôi theo ông thả bộ và dừng lại nơi nhà nghỉ trong khuôn viên Bộ Tư Lệnh. Không biết đang nghĩ gì, ông cười cười quay lại nói với tôi: “Mày còn nhớ không, lúc ở Trung đoàn, tuy ở bất kỳ vùng hành quân nào, trước khi đi ngủ, Đồng hoặc mày đều gọi về Chương Thiện để tao nói chuyện với cô (bà phu nhân Chuẩn tướng). Ở mặt trận An Lộc cũng vậy, tối nào tao cũng gọi về Lai Khê nói chuyện với cổ”. Chuẩn tướng nói thêm: “Lúc đó (nếu An Lộc thất thủ), tao chợt nghĩ nếu tao bắn vào đầu chắc cô mày không dám nhìn mặt, nên tao đã quyết ý có gì thì sẽ bắn vào tim”.

              




    Trung úy Huỳnh Quang Nghĩa

              

    Viên đạn oan nghiệt đã xuyên chính xác qua tim. Đứa con trai đầu lòng Lê Uy Hải khi đó vừa tròn sáu tuổi nhặt đầu đạn đưa mọi người xem, rồi mím môi, khép năm ngón tay giữ chặt. Nhìn cử chỉ ấy, tôi nghĩ tuổi thơ ngây dại của cháu đã trôi qua mất kể từ buổi tối hôm ấy rồi. Trước đó một tiếng, một anh trai và một em gái ba tuổi còn đùa giỡn trên tấm nệm cao su đặt dưới nền gạch cạnh phòng cha, hai đứa bé không hề hay biết lát nữa đây vành khăn tang trắng sẽ phủ lên tuổi ấu thơ hồn nhiên của chúng… Với tôi, âm hưởng Tướng Hưng vẫn vang vọng lại hồn tôi rõ ràng từng lời, nhức nhối như từng vết dao đâm: “Nghĩa, tùy mày. Tao đã quyết định cuộc đời của tao! Chuẩn tướng, Thiếu tá hay Trung úy không là gì cả, cái quan trọng là có sống nhục được hay không!”

    Trung úy Huỳnh Quang Nghĩa cho tôi biết thêm, đám tang Tướng Hưng được tổ chức theo nghi lễ quân đội VNCH, và sáng ngày 1-5, ông được mang về mảnh đất quê nhà Cái Răng để chôn vội. Đó là mảnh đất chứ không phải khu nhà riêng của Tướng Hưng và là tài sản còn lại duy nhất của Tướng Hưng. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp hiển hách kể từ khi gia nhập quân lực VNCH năm 1954 đến khi chết, Tướng Hưng chưa từng có căn nhà riêng nào. Sau 1975, mảnh đất có mộ Tướng Hưng rơi vào tay một thiếu tá “thắng trận”. Khoảng trước năm 2000, ngôi mộ bị sụp lún, gia đình Tướng Hưng được báo cho biết. Bà Hưng từ Mỹ âm thầm về cải táng và mang tro cốt chồng theo.

    Quanh câu chuyện Tướng Hưng, Trung úy Huỳnh Quang Nghĩa có nhờ tôi cải chính giùm ông một ngộ nhận nhỏ. Khi chết, trong mình Tướng Hưng có hai chiếc quẹt Zippo. Một chiếc được bà Hưng lấy làm kỷ vật; chiếc kia do ông Nghĩa giữ. Năm 1998, ông Nghĩa tặng cái Zippo ấy cho ông anh rể thứ ba được bảo lãnh đi Pháp. Ông Nghĩa còn giữ thêm cái gạt tàn. Đó là cái gạt tàn của Sư đoàn 21 do Tiểu đoàn 21 tiếp vận làm từ vỏ đạn 115 ly, có đính phù hiệu Quân đoàn IV và phù hiệu Sư đoàn 21, để trên bàn làm việc của Tướng Hưng. Khi ông Nghĩa đi “học tập cải tạo”, cha của ông, vì sợ, nên đục bỏ hai miếng đồng phù hiệu Quân đoàn IV và Sư đoàn 21. Khoảng năm 1998 hoặc 1999, khi ông anh rể thứ tư từ Mỹ về thăm, ông Nghĩa lại tặng di vật ấy. Trở về Mỹ, bác này trao cái gạt tàn cho một viện bảo tàng Quân lực VNCH ở California, nhưng không rõ vì lý do gì, cái gạt tàn lại được ghi là di vật của Tướng Nguyễn Khoa Nam.

    …..

    Tôi đã đăng câu chuyện này trên Facebook cá nhân cách đây 4 năm. Nay post lại, để một lần nữa, như một nén nhang cho vị tướng đã khuất.









    Mạnh Kim

    https://www.vietluan.com.au/cau-chuyen- ... tuan-tiet/
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20015
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Chuyện Cổng Dinh Độc Lập Ngày 30-4-1975

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Chuyện Cổng Dinh Độc Lập
    Ngày 30-4-1975

    __________________________________
    Trần Gia Phụng _ 04/30/2020




              

              




    Tin tức báo chí của cộng sản Việt Nam (CSVN) đều viết rằng khi tấn công dinh Độc Lập ở thủ đô Sài Gòn ngày 30-4-1975, chiến xa CS đã ủi sập cánh cổng dinh Độc Lập. Chẳng những thế, bộ Lịch sử Việt Nam do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Việt Nam [cộng sản] tại Hà Nội phát hành tháng 8 năm 2017, cũng viết như thế. Bộ thông sử nầy rất đồ sộ, gồm 15 tập, tổng cộng trên 9,000 trang, do 30 giáo sư, tiến sĩ Sử học CSVN biên soạn. Trong 15 tập nầy, tập thứ 13, do PGS-TS [phó giáo sư tiến sĩ] Nguyễn Văn Nhật chủ biên, chương VI, trang 535 viết nguyên văn như sau:

    “Thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm dinh Độc Lập – dinh lũy cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203 dẫn đầu đội hình tiến công của Quân đoàn 2, húc đổ cánh cổng sắt của dinh Độc Lập …”

    Bộ sách nầy được xem là bộ chính sử căn bản của chế độ CSVN, làm nền tảng cho các sách giáo khoa lịch sử của CSVN. Dưới chế độ CSVN thế kỷ 21, các giáo sư tiến sĩ với các loa phát thanh phường khóm làng xã nói cùng một nhịp điệu như nhau, đúng như ý kiến của nhà văn Pháp André Gide vào thập niên 30 thế kỷ trước, cách đây gần 90 năm. Theo lời mời của nhà cầm quyền Liên Xô, Gide đến Moscow (Moscou), thủ đô của Liên Xô, tham dự tang lễ của nhà văn Maxime Gorki. Khi trở về Pháp, ông viết tác phẩm Retour de l’URSS, ấn hành năm 1936 ở Paris. Trong sách nầy, ông đã viết rằng ở nước Nga CS, chỉ cần nghe một người Nga nói gì thì đủ biết 200 triệu dân Nga nói gì. Ngày nay ở Việt Nam không lẽ cũng có thể nói chỉ cần nghe loa phóng thanh phường xã thôn xóm CS nói gì, thì cũng có thể đoán biết các giáo sư tiến sĩ CS nói gì?

    Trở lại nguồn tin về cánh cổng dinh Độc Lập Sài Gòn ngày 30-4-1975 do CSVN đưa ra, báo chí thế giới cũng đều viết theo như thế. Tuy nhiên, trên lý luận, xin chú ý mới chỉ trên lý luận cho vui mà thôi, có hai câu hỏi cần được đặt ra là: 1) Lúc đó, cựu đại tướng Dương Văn Minh đang có mặt trong dinh Độc Lập mà theo lời ông là để chờ đợi quân CS đến. Chờ “khách” thì phải mở cổng dinh để đón mời “khách” vào. Nếu đóng cổng dinh, thì “khách” làm sao mà vào được? 2) Những tấm hình hay những đoạn phim về cảnh chiến xa CS ủi sập cổng dinh Độc Lập để vào bên trong dinh, đều được chụp từ bên trong chụp ra. Có hai điểm cần chú ý: Thứ nhứt, cổng dinh phải đóng thì xe tăng mới ủi sập để đi vào. Thứ hai, nếu cổng đóng lại, tức cổng dinh chưa mở, thì người chụp hình hay người quay phim cảnh nầy, làm sao mà vào bên trong dinh Độc Lập trước xe tăng để chụp hình hay quay phim? Hay những người nầy trổ tài chui cổng hoặc trèo tường để vào hành nghề? Đó mới chỉ là nói lý cho vui thôi thưa độc giả.

    Trong thực tế, một người tận mắt chứng kiến cảnh chiến xa CS chạy vào dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, kể lại đầu đuôi câu chuyện cho người viết bài nầy rất rõ ràng và hoàn toàn khác với sách vở CS đã viết. Đó là giáo sư tiến sĩ Đỗ Văn Thành, hiện nay đang giảng dạy tại đại học Oslo, Na Uy (Norway).

    Lúc đó, vào năm 1975, giáo sư Thành còn trẻ, nhà ở vùng cầu Sài Gòn, ngồi trên yên sau xe vespa của phụ thân, tò mò chạy theo sau đoàn quân của CS, để theo dõi cho biết chuyện gì sẽ xảy ra khi quân CS vào thành phố. Ông Thành đã chứng kiến tận mắt đầy đủ sự việc tại cổng dinh Độc Lập hôm đó.

    Theo lời giáo sư Thành kể lại, sáng ngày 30-4-1975, cổng dinh Độc Lập đã mở sẵn. Xe thiết giáp CS khi đến dinh Đôc Lập, chạy thẳng vào trong dinh, không có gì trở ngại. Vào bên trong rồi, có thể do lệnh trên, tài xế lại lái xe thiết giáp chạy trở ra ngoài. Khi đó, lính CS đóng cổng dinh, quàng dây xích sắt, nhưng không khóa. Xe thiết giáp quay đầu trở lại, chạy đến tông sập cánh cổng dinh Độc Lập, rồi chạy vào bên trong, để cho các nhiếp ảnh viên chụp hình và quay phim.

    Giáo sư Đỗ Văn Thành kể lại câu chuyện trên cho người viết tại nhà bác sĩ Phạm Hữu Trác, phụ trách tạp chí Truyền Thông ở Montreal ngày 28-4-2007, nhân dịp ông Thành cùng gia đình từ Oslo (Na Uy) qua Montreal (Canada) tham dự Lễ ra mắt sách Kỷ niệm và suy ngẫm, bản dịch từ sách Souvenirs et Pensées của thân mẫu ông là bác sĩ Nguyễn Thị Đảnh tại TRUNG TÂM SAIM (Service d’ Adaptation et d’Integration de Montréal) do Khối Y giới Cao niên và Cơ sở Truyền Thông Montreal tổ chức. Ngoài lời trình bày trên đây của giáo sư Đỗ Văn Thành, ba tài liệu sau đây cũng trình bày câu chuyện gần như thế:

    1) Bài báo “Sài Gòn trong cơn hấp hối 30-04-1975” của Nhan Hữu Mai, cận vệ của cựu thủ tướng Vũ Văn Mẫu, đăng trên http://sucmanhcongdong.info và được luân lưu trên các e-mail group. Trong bài báo nầy, ông Nhan Hữu Mai viết: “Khoảng 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4, xe tăng cộng sản tiến vào dinh Độc Lập mà không gặp một sức kháng cự nào vì cổng chính đã được mở rộng từ trước.”

    2) Thứ hai là bài “Dinh Độc Lập, ngày tháng đợi chờ” của Ý Yên, đăng trên DCVOnline.net ngày 10-04-2012, theo đó: “Lúc 11:15 ngày 30-4-1975, toán xe tăng Bắc Việt tới cổng dinh theo đường Thống Nhứt, trương cờ Mặt Trận GPMN. Một người lính trên xe ra lệnh cho lính gác khóa cánh cổng lại; anh lính chần chờ, quay vô hỏi lệnh viên sĩ quan trực, bị người bộ đội trên xe bắn chết tại chỗ. Một bộ đội khác nhảy xuống, khép cánh cổng, lấy khóa xích vòng chặt lại để chiếc T-54 rồ máy húc nghiêng cánh cổng màu xanh, dây xích bung ra. Đại liên trên xe và lính tùng thiết đồng loạt tác xạ dữ dội, làm như có sức chống trả từ trong dinh. Xe tăng tràn vô đến giữa sân cỏ, mấy người lính Bắc Việt nhảy xuống…”

    3) Thứ ba, theo tác giả Huy Đức, trong sách Bên thắng cuộc, tập I: Giải phóng, Saigon: Osinbook 2012, chương I: Ba mươi tháng Tư, mục: Sài Gòn trong vòng vây, tr. 32 thì sáng 30-4-1975, cựu tướng Nguyễn Hữu Hạnh đến nhà số 3 đường Trần Quý Cáp [dinh Hoa Lan] tìm tổng thống Dương Văn Minh nhưng không có; tướng Hạnh liền đến dinh Độc Lập, “vào thẳng dinh bằng cổng chính, cổng dinh mở, không có lính gác.” Lúc ông Hạnh đến, cổng dinh Độc Lập mở, không lính gác thì ngay sau đó, quân CS đến, đâu có ai đóng hay gác cổng? Chú ý: đây là tài liệu do một nhà báo CS trong nước viết. Hiện người nầy còn sống và hành nghề trong nước.

    Như thế, qua hai câu hỏi đặt ra từ đầu, qua câu chuyện kể của tiến sĩ Đỗ Văn Thành, và qua các bài báo trên đây, nhứt là qua tài liệu của một nhà báo CS, thì rõ ràng vào ngày 30-4-1975, cổng dinh Độc Lập đã mở sẵn, còn việc chiến xa CS ủi sập cổng dinh Độc Lập chỉ là một màn kịch do CS dàn dựng để tuyên truyền, bắt trẻ em học tập trong các sach giáo khoa lịch sử CS. Tài tình quá! Giống như xi-nê-ma Hồ Ly Vọng!

    Đây không phải là lần đầu CS đóng kịch. Năm 1954 cũng vậy. Các sách lịch sử CS đều đăng hình cờ đỏ của CS được bộ đội CS cắm trên hầm chỉ huy của thiếu tướng Pháp De Castries khi tấn công Điện Biên Phủ. Trận nầy kết thúc ngày 7-5-1954, kết thúc luôn cuộc chiến 1946-1954. Sau đó là hội nghị Genève, đưa đến hiệp định đình chiến và chia hai đất nước ở vĩ tuyến 17.

    Tuy nhiên điện báo Tuần Việt Nam ở trong nước (http://tuanvietnam.net) ngày 07-05-2009 đã đăng bài phỏng vấn thiếu tướng Lê Mã Lương, giám đốc Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (CS), theo đó thiếu tướng Lương đã phủ nhận điều nầy.

    Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết tại Điện Biên Phủ, chỉ có một lá cờ duy nhứt được cắm trên đồi mà CS gọi là đồi Him Lam (tức đồi cứ điểm Béatrice), còn lá cờ cắm trên nóc hầm của thiếu tướng De Castries lần đầu tiên xuất hiện trong bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi của nhà quay phim Liên Xô là Roman Karmen, tức cảnh lá cờ CS trên hầm chỉ huy của thiếu tướng De Castries chỉ là cảnh xi-nê-ma mà thôi, không có thật.

    Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết: “Sau khi Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ghi nhận chính xác điều đó, chúng tôi đã cất lá cờ tung bay trên nóc hầm Đờ Cát trước đây có trưng bày ở bảo tàng.” Điện báo ViệtLand ở hải ngoại ngày 07-05-2009 đã chụp hình và đăng lại toàn bộ bài của điện báo Tuần Việt Nam (http://tuanvietnam.net).

    Những chuyện tầm thường và rõ ràng như thế mà CS còn thay trắng đổi đen, theo chủ trương của đảng CS, huống gì là những sự kiện lịch sử trọng đại. Sử học CSVN chỉ để phục vị chủ nghĩa CS, phục vụ đảng CS và phục vụ nhà nước CS. Vì vậy, ngày nay, trong nước thầy không muốn dạy sử, học trò không muốn học sử.

    Thế đó! “Học sử ngày nay đã chán rồi”. Không ai lạ gì lịch sử viết theo lệnh của đảng CSVN!





    (Texas, 30-4-2020)
    TRẦN GIA PHỤNG

    https://nguoivietboston.com/?p=8103
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20015
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Lời ngỏ (của chủ tịch Quốc hội Đức quốc) nhân ngày Tưởng niệm 45 năm chấm dứt Chiến tranh Việt Nam

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Lời ngỏ (của chủ tịch Quốc hội Đức quốc)
    nhân ngày Tưởng niệm
    45 năm chấm dứt Chiến tranh Việt Nam

    __________________________________
    Lê Ngọc Châu




              

    Tiến Sĩ Wolfgang Schäuble Chủ Tịch Quốc Hội Đức Quốc

              





              
    Tiến Sĩ Wolfgang Schäuble
    Chủ Tịch Quốc Hội Đức Quốc

              
    Lời ngỏ nhân ngày Tưởng niệm 45 năm chấm dứt Chiến tranh Việt Nam

              


    “Ai nhắm mắt chối bỏ quá khứ,
    người đó sẽ mù quáng trước hiện tại.”

    (Richard von Weizäcker)


    Trong sự hỗn loạn của chiến tranh kéo dài nhiều năm, hầu như không có một gia đình người Việt nào trong thế kỷ 20 mà không bị bức hại và phải đào thoát. Chiến tranh Việt Nam đã tạo ra hàng triệu nạn nhân, với bao người tàn phế, cô nhi, chấn thương tâm lý và để lại một đất nước hoang tàn.

    Mặc dù trận chiến đã kết thúc cách nay 45 năm nhưng hòa bình thực sự vẫn chưa trở lại. Đối với nhiều người thì đó lại là sự khởi đầu của một nỗi thống khổ mới:

    Trước những khủng bố của chế độ Cộng Sản khoảng một triệu rưỡi người Việt vượt biển trốn chạy. Trên 200.000 thuyền nhân bị chết đuối, chết khát hay bị rơi vào bàn tay của hải tặc tân thời. Người nào vượt qua thành công chuyến chạy trốn hãi hùng này thì phải đối diện với nhiệm vụ xây dựng một cuộc sống mới cho bản thân và gia đình tại nơi lưu vong, xa quê hương.

    Ngay tại Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng có nhiều người tỵ nạn như thế đến cư trú. Phần lớn họ được cứu vớt bởi con tàu Cap Anamur, xuất phát từ động lực phiến loạn của một người danh bất hư truyền Rupert Neudeck. Chính ông cùng những người hỗ trợ không những chỉ mủn lòng dậm chân tại chỗ trước những cảnh tượng trên biển Đông, mà họ còn hành động và vận động thành công cho việc tiếp nhận nhiều thuyền nhân vào Cộng Hòa Liên Bang Đức, mặc dù thời đó vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi trong chính trị.

    Từ đó một Cộng Đồng người Việt qua những thập niên đã lớn lên trong Xã Hội chúng tôi; Cộng Đồng này vào lúc nước Đức thống nhất có thêm cả những người hợp tác lao động thời Cộng Hòa Dân Chủ Đông Đức đến từ nước Việt Nam Cộng Sản. Nhiều người được nhập tịch từ lâu, có nguồn gốc Việt Nam đã cho thấy di dân đem lại sự trù phú cho toàn xã hội. Họ đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước chúng ta và giúp đỡ gia đình họ tại quê hương cũ. Họ đã trở thành một phần của nước Đức, một tấm gương cho sự hội nhập thành công.

    Hôm nay chúng tôi chia sẻ với quý vị sự đau buồn cho nhiều nạn nhân. Qua kinh nghiệm đau thương của mình, chúng tôi hiểu nỗi đắng cay khi đất nước bị phân chia, khi gia đình bị ly tán, khi Nhân Quyền và Dân Chủ, Tự Do Báo Chí và Tư Tưởng bị cắt xén. Nhưng trường hợp nước Đức cũng cho thấy rằng: Cuối cùng Tự Do vẫn thắng thế.

    Sự tưởng niệm về những sự kiện đã diễn ra luôn mang tính cách quan trọng – trong tinh thần của Richard von Weizäcker: Điều đó giúp chúng ta nhìn thấy hiện tại với tất cả thách thức của nó.




    ———————-

    Ghi chú:
    * Nhận trực tiếp bản bằng Đức & Việt ngữ per E-Mail từ anh TDTV, PCT Ngoại vụ BCH/Liên Hội Người Việt Tị Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức.
    * Không thấy ghi tên người dịch. Xin mạn phép phổ biến cả thư viết bằng Đức ngữ của Tiến Sĩ Wolfgang Schäuble để rộng đường dư luận.

    Lê Ngọc Châu phổ biến
    Nam Đức, ngày 30.04.2020





              
    __________________________________________________











    ____________________________________

              





    Lê Ngọc Châu phổ biến
    Nam Đức, ngày 30.04.2020


    https://nguoivietboston.com/?p=8093
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20015
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tổng quan 45 năm đất nước dưới chế độ cộng sản

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Tổng quan
    45 năm đất nước dưới chế độ cộng sản

    __________________________________
    Luật sư Đào Tăng Dực _ (Danlambao)





    Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến ngày 30 tháng 4 năm 2020 thời gian 45 năm. Đây là một khoảng thời gia rất dài trong đời người và thời gian đủ để một quốc gia, dưới sự lãnh đạo của một tập thể hoặc cá nhân sáng suốt, có thể đưa cả một dân tộc đi lên và xoay chuyển vận mệnh như Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản, Tổng Thống Mustafa Kamal Ataturk của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Tổng Thống Phác Chính Hy của Nam Hàn.

    Lịch sử phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới chứng minh rằng, trừ những trường hợp vô cùng hiếm hoi, trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia lệ thuộc nhiều vào 2 yếu tố chủ quan nội tại:

    a. Một là bàn tay và khối óc của người dân trong quốc gia đó,

    b. Hai là tài ba và viễn kiến của giới lãnh đạo,

    Nhiều hơn là những yếu tố khách quan bên ngoài như những tài nguyên thiên nhiên hoặc điều kiện địa lý thuận lợi.

    Trong trường hợp của dân tộc Việt Nam, chúng ta có 2 giai đoạn lịch sử khách quan rõ rệt: đó là trước năm 1975 và sau năm 1975.

    Đất nước chúng ta đã trường tồn qua nhiều ngàn năm lịch sử. Chính vì thế, bàn tay và khối óc của người dân Việt, bất kể Nam hay Bắc đều không sai biệt.

    Trước 1975, các dân tộc Đông Á (trừ Nhật Bản lúc đó tuy phát triển nhưng chưa ngang bằng với các quốc gia Tây Phương) đều chậm tiến như Nam Việt Nam và có phong trào cho những sinh viên du học tại các quốc gia Tây Phương như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Anh quốc, Đức, Canada, Úc và Tân Tây Lan…

    Ngoài Bắc, nhà cầm quyền CSVN cũng có phong trào cho sinh viên du học Liên Xô và các quốc gia Đông Âu tương tự.

    Vào thời điểm đó, các sinh viên miền Nam Việt Nam, nói về bàn tay và khối óc, không những không thua gì các sinh viên đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kong và Singapore. Những sinh viên miền Bắc đến Đông Âu có lẽ cũng đạt được những thành quả tương tự.

    Sau năm 1975, thì tính đến hiện nay, có khoảng từ 4 đến 5 triệu người Việt sinh sống tại các nước Tây Phương từ Hoa kỳ đến Âu Châu và Úc Châu. Bất cứ nơi nào, các cộng đồng người Việt cũng chứng tỏ bàn tay và khối óc của Việt Tộc ngang bằng, nếu không nói là về nhiều phương diện vượt trội không những dân bản xứ mà ngay cả các cộng đồng di dân Đông Á khác.

    Công đồng người Việt không những thành công vượt trội về các khía cạnh trí tuệ như tỷ lệ người tốt nghiệp đạo học cao mà các nghệ nhân và thương nhân cũng thành đạt không kém.

    Câu hỏi hiển nhiên phải đặt ra là:

    Tại sao bàn tay và khối óc của dân Việt tỏa sáng tại hải ngoại, nhưng lại lu mờ đến mức độ thảm thương và đưa đến tình trạng đất nước nghèo khổ, kém phát triển và trở thành nỗi nhục của cả dân tộc?

    Thật vậy, khi chúng ta so sánh với các quốc gia cùng văn hóa và chiều dài lịch sử như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kong và Singapore thì dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN thật tủi nhục.

    1. Trên bình diện chính trị:

    Trong khi các quốc gia Đông Á dứt khoát vứt bỏ ý thức hệ Mác Lê, canh tân và cải tổ hệ thống chính trị, xây dựng nền móng vững chãi cho những định chế chính trị dân chủ, rồi lập tức hóa rồng, thì Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng CS đề xuất hiến pháp 2013.

    Đây là một trong những hiến pháp phản động nhất trong lịch sử đất nước. Một mặt HP này hiến định ý thức hệ Mác Lê lỗi thời và cái mà người CS gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác HP còn hiến định hóa sự cai trị vĩnh viễn và vô điều kiện của đảng CSVN.

    2. Trên bình diện chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ:

    Lịch sử sẽ chứng minh rằng, một trong những trọng tội của đảng CSVN qua tất cả các đời tổng bí thư từ Lê Duẩn, Trường Chinh, đến Nông Dức Mạnh và nhất là Nguyễn Phú Trọng, là đảng chỉ là một tập thể mãi quốc cầu vinh. Mọi công dân Việt Nam khi mới sinh ra đều học bài học lịch sử rằng, lãnh thổ nước Việt Nam kéo dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu và bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông.

    Đảng CSVN đã công khai bán Ải Nam Quan, một phần của Thác Bản Giốc, hằng chục ngàn cây số vuông lãnh hải cũng như Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 (dù có giá trị pháp lý hay không) và những văn kiện chính trị cũng như giáo dục khác cùng thời của CSVN chứng minh không thể chối cãi, chủ ý bán nước của tập thể này.

    3. Trên bình diện Nhân quyền và Công bằng xã hội

    Trong phúc trình năm 2019 của cơ quan Human Rights Watch thì:

    “Tình trạng nhân quyền đáng kinh tởm của Việt Nam trở nên tệ hại hơn vào năm 2018 khi nhà cầm quyền giam giữ những người bất đồng chính kiến lâu hơn, cho phép những thành phần côn đồ tấn công các nhà tranh đấu cho nhân quyền và luật hóa các điều khoản ngăn cấm quyền tự do phát biểu.

    Đảng CSVN độc bá quyền hành qua guồng máy chính quyền, kiểm soát mọi tổ chức chính trị và xã hội lớn và trừng phạt tất cả mọi người chỉ trích hoặc thách thức sự cai trị của họ” . (https://www.hrw.org/world-report/2019/c ... rs/vietnam)

    Những điều khoản Bộ Luật Hình Sự “không giống bất cứ một quốc gia nghiêm chỉnh nào” trên thế giới hoàn toàn khinh thường sự thông minh của người dân như:

    Các điều 79 (sau 1/1/2018 là 109) “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, điều 88 (nay 117) "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" và điều 258 (nay 331) "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" đã đưa bao nhiêu công dân Việt yêu nước vào vòng lao lý.

    Thêm vào đó Một cách vắn tắt Luật An Ninh Mạng 2018 nghiêm cấm khắt khe thêm những phê phán của công dân đối với đảng và nhà nước.

    Theo phúc trình và bảng sắp hạng của cơ quan Transparency International năm 2018 thì Việt Nam đứng hạng 117 trong 180 quốc gia. Có nghĩa là một trong những quốc gia tham nhũng tệ hại nhất.

    Các quốc gia khác xếp hạng như sau:

    Singapore 3
    Hong Kong 14
    Japan 18
    Taiwan 31
    South Korea 45
    China 87
    (Corruption perception index 2018 – 180 nations https://www.transparency.org/cpi2018)

    4. Trên bình diện phát triển kinh tế:

    Sau 45 năm dưới sự cai trị của đảng CSVN thì lợi tức đổ đầu người của dân Việt vào năm 2019 trên danh nghĩa (nominal) là 2,740 Mỹ Kim, đứng thứ 129 trên thế giới, theo Wikipedia.

    Lợi tức đổ đầu một người Nhật Bản là 43,043 Mỹ Kim năm 2020, đứng thứ 22 (gấp 16 lần VN); Nam Hàn là 31,246 Mỹ Kim năm 2020, đứng thứ 27 (gấp 11 lần); Đài Loan là 24,828 Mỹ Kim năm 2019 (gấp 9 lần); Singapore là 65,627 Mỹ Kim, đứng thứ 7 (gấp 24 lần); Hong Kong là 49,334 Mỹ Kim năm 2019, đứng thứ 16 (gấp 18 lần); và Trung Quốc là 10,872 Mỹ Kim năm 2020, đứng thứ 67 (gấp 4 lần).

    Sự yếu kém về phát triển kinh tế, cộng với tham nhũng và bất công xã hội là một tội ác của các chế độ độc tài. Thật vậy, khi chúng ta nhìn hình ảnh của những bệnh nhân trong các nhà thương tại Việt Nam thiếu giường, thiếu thuốc men, nằm la liệt trên thềm bệnh viện. Khi chúng ta chứng kiến những bà mẹ Việt Nam già nua, yếu đuối phải đi ăn xin hay bán vé số sống qua ngày. Khi chúng ta chứng kiến các trẻ em Việt Nam đói trơ xương tại các vùng quê nghèo khổ.

    Trong khi đó, chúng ta cũng chứng kiến trên mạng lưới toàn cầu đời sống sung túc của nhân dân, từ già đến trẻ, những phương tiện y khoa đầy đủ và công bằng xã hội tại các quốc gia Đông Á.

    Nhất là khi chúng ta chứng kiến sự xa hoa phung phí đến mức độ phi nhân của những người như TBT CSVN Nông Đức Mạnh. Tất cả những hình ảnh đó phát xuất từ tội ác của đảng CSVN.

    Tại sao đảng CSVN lại thua xa đảng CSTQ?

    Nhà cầm quyền Đảng CSVN thua xa các chế độ tự do dân chủ trên thế giới đã đành. Câu hỏi là tại sao đảng CSVN lại thua xa cả đảng CSTQ như thế?

    Câu trả lời nằm nơi 2 yếu tố tiêu cực của tập thể này. Một là bản tính thiếu sáng tạo từ khởi thủy. Ông Hồ Chí Minh thực sự kiến thức hạn hẹp và hoàn toàn không có sáng tạo, nhất là về phương diện tư tưởng. Ông là một nhân vật lão luyện giang hồ nhưng luôn tự nhận về tư tưởng như là học trò chăm chỉ của các Bác Mác, Lê, Stalin và Mao Trạch Đông. Các đồ đệ của ông, sau khi ông qua đời cũng thế. Nhất là khi phải đối diện với những biến cố lịch sử như xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc, hoặc sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết …thì họ không có khả năng tư duy độc lập.

    Yếu tố thứ nhì là bản tính tôi đòi của chính ông Hồ truyền lại cho các hậu duệ. Ông giỏi nhất là trò đu dây giữa LBXV và TQ. Khi LBXV sụp đổ thì bản tính tôi đòi này biến thành bán nước và tận trung với CSTQ.

    Câu hỏi tiếp theo là nếu đảng CSVN chưa từng xuất hiện trong lịch sử đất nước dân tộc Việt sẽ đi về đâu?

    Nếu đảng CSVN chưa hề hiện hữu trong hoàn cảnh đất nước thì các đảng phái quốc gia thời đó như Việt Nam Quốc Dân Đảng, các hệ phái Đại Việt, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng và các đảng phái quốc gia khác đã hoàn tất công cuộc kháng Pháp dành độc lập. Đất nước chúng ta đã không bị chia Nam Bắc, dân tộc đã có một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên và một nền kinh tế không thua kém các quốc gia phát triển khác trên thế giới.

    Và sau cùng, sự cáo chung nhanh chóng của đảng CSVN sẽ có hậu quả gì?

    Bàn tay và khối óc của dân tộc Việt đã nhiều thế hệ tiền nhân trui rèn suốt gần 5000 năm huyền sử và lịch sử, không dễ gì mai một sau 75 năm tại miền Bắc và 45 năm tại miền Nam, dầu cho sự cai trị của người cộng sản có đẫm máu bao nhiêu.

    Sự cáo chung nhanh chóng của đảng CSVN sẽ đưa đến sự hồi sinh mạnh mẽ của dân tộc. Đảng CSVN ngay từ khởi thủy là một ký sinh trùng, hút máu của dân tộc, làm suy yếu nguyên khí của toàn dân. Tuy nhiên dân tộc Việt sẽ hồi sinh nhanh chóng trên các bình diện văn hóa, kinh tế, chính trị và sẽ thăng hoa trên vòm trời Đông Á.





    30/04/2020
    Đào Tăng Dực

    https://danlambaovn.blogspot.com/2020/0 ... che-o.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20015
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tháng tư: Vì sao nên nỗi?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Tháng tư: Vì sao nên nỗi?
    __________________________________
    Nguyễn Tường Tuấn _ (Danlambao)





    Xin dâng một nén hương lên các chiến sĩ, nhân viên quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà, đã hy sinh trong hằng trăm trại tù cộng sản sau "Tháng tư đen 1975". Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh tử sĩ tại nghĩa trang Quân đội Biên Hoà và mộ phần khắp nơi trên đất nước. Thành kính tưởng nhớ năm vị Tướng lãnh đã tuẫn tiết trong ngày mất nước. Quỳ lạy trước bàn thờ hai vị Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh, Tướng Lê Văn Hưng và Lê Nguyên Vỹ, mà tôi được vinh dự phục vụ dưới quyền tại mặt trận An Lộc, Rạch Bắp...

    Vinh danh người em kết nghĩa, Trung uý Tiêu Quốc Quyền, Đại đội phó 7/5 Trinh sát nơi tôi làm Đại đội trưởng cho đến ngày cuối cùng. Quyền được biết trong ám danh đàm thoại quân đội: "Tố Quyên" hoặc "59", sau ngày mất nước, bị giam tại trại Gia Trung Kontum, theo lời kể của bạn tù, cố Hải quân Trung uý Vũ Mạnh Hùng trên báo Người Việt (17/5/2016): Ngày 12/4/1979, Quyền và 7 sĩ quan bị giam giữ đã cướp súng AK 47 bắn chết bọn cai ngục, anh đã bị chúng bắt lại và hạ sát. Tố Quyên không bao giờ chết, mộ phần bạn sẽ nằm mãi trong trái tim chúng tôi. Không ai có thể vui trong những ngày cuối tháng tư này, nghĩ đến Biển đông đã đem theo khoảng 300,000 sinh mạng người Việt, thà chết hơn bị nhuộm đỏ! Và hôm nay, csVN vẫn tiếp tục ồn ào, kỷ niệm 45 năm "người Việt giết người Việt" ngay cả loài cầm thú cũng không làm điều ô nhục như thế! Hỡi "loài man rợ", cứ vay trước đi, vay hận thù ân oán, ngày trả nợ sắp đến xin đừng hỏi tại sao tiền lời lại quá cao! Như những cánh rừng cháy, lửa thiên thu sẽ đốt sạch, đám cây già cằn cỗi mục nát biến thành tro bụi, để cho những hạt mầm mới vun lên. Việt Nam sẽ vươn lên trong hoang tàn đổ nát, thế hệ sau vững mạnh hơn lớp đi trước. Hận thù bị đốt sạch, chôn sâu, để con rồng cháu tiên từ núi đi xuống, từ biển vươn lên hội tụ bên nhau, tay bắt mặt mừng.

    Sau cái ngày miễn cưỡng buông súng, tủi nhục đi tù, trốn trại Hàm Tân Z 30C đi 10 ngày trong rừng, vượt biên, bị bắt lại hai lần, nếm mùi Chí Hoà và cả hai lần sau cũng đều trốn trại thành công, trước khi đến bến bờ tự do. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về số phận hẩm hiu đất nước chúng ta. Vì sao nên nỗi?

    Tại sao một chế độ tốt đẹp thua "loài man rợ"? Tại sao người văn minh, có học lại phải ngồi nghe bọn "dốt đặc cán mai" ngọng líu ngọng lo lên mặt dậy dỗ? Rất nhiều câu hỏi "tại sao", và hôm nay xin trình bầy cùng bạn đọc một vài suy nghĩ đến từ trí óc nông cạn của người viết.

    I. Cộng sản thắng không phải vì chính nghĩa, nhưng vì tàn ác

    Bưng bít thông tin. Miền Bắc trước 1975 và cả nước sau này có được tự do báo chí không? Bịt mắt, che tai người dân là một tội ác trời không tha, đất không dung. Chính sách "hộ khẩu" kiểm soát "lương thực" dã man vô cùng. Chúng biến con người thành nghi kỵ lẫn nhau, người em trai của mẹ tôi ở lại miền Bắc sau này kể lại, ăn con gà cũng phải lén lút, mang chôn đám lông, chỉ sợ hàng xóm biết được đi báo côn an! Đi làm phải khai lý lịch ba đời, côn an khu vực trở thành ác mộng của xóm làng, khu phố, chúng vào nhà dân như chốn không người... Hôm nay, ở trong nước ai cất lên tiếng nói, viết Facebook đều phải trả giá bằng nhiều năm tù tội. Không riêng gì người chống đối, cả gia đình của họ cũng sẽ bị vạ lây, côn an gác trước cửa, thân nhân bị đuổi việc nơi họ làm, triệt đường sống những ai chống đối là chính sách của cộng sản. Không tàn ác, không phải là cộng sản, và họ không ngần ngại che dấu điều đó qua hành động! Chỉ có người dân hiền lành không hoặc không muốn nhận ra mà thôi! Cứ xem, cho đến nay đã bao nhiêu người khi ra khỏi đồn côn an là đi thẳng về nghĩa trang? Bao nhiêu quan tài được gia đình đem đến trước những cơ sở bạo quyền? Bao nhiêu người viết blog nhận những bản án tù năm mười năm? Mọi người im lặng, xã hội vô cảm xem như không có chuyện gì xẩy ra! Số đông chỉ biết chăm chú về miếng cơm, manh áo, và quay mặt trước đau khổ của đồng loại! Sợ hãi trước bạo lực khiến lương tâm đi vắng và quên đi rằng chấp nhận đánh đổi tự do cho an toàn nhất thời, chúng ta sẽ vĩnh viễn mất tự do! Người nô lệ, không có bổn phận tuân theo luật của kẻ áp bức, vùng lên hay là suốt đời tăm tối!

    Bọn cầm quyền cộng sản Hà Nội là tội phạm, ngày phán xét sẽ đến, tên nào nhanh chân chạy ra nước ngoài, sớm muộn cũng sẽ phải ra toà án quốc tế. Đám gian ác còn lại, tôi e rằng máu sẽ đổ, những ngôi nhà bạc tỷ, những chiếc xe hơi bóng bẩy sẽ bùng cháy trên đường phố. Bọn côn an sẽ trút bỏ quân phục giống như đồng đội chúng đã từng làm khi bị dân chúng bao vây, cờ máu sao vàng chỉ còn là miếng giẻ rách ô nhục. Nhưng, chúng ta cũng đừng vơ đũa tất cả người dân miền Bắc, họ cũng chỉ là nạn nhân, bị tuyên truyền, đầu độc từ bao năm. Nếu hơn một triệu người Bắc di cư 1954 không chạy kịp vào Nam thì số phận cũng chẳng khác gì họ. Không ai có quyền chọn cha mẹ, hay nơi sinh trưởng, số phận làm điều đó! Nhưng chúng ta có quyền xây dựng lại quê hương, quét dọn lại ngôi nhà, xua đuổi bầy quỷ ám.

    II. Cộng sản một xã hội toàn dân bị tẩy não

    Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hoà dựa trên: Nhân bản - Dân tộc - Khai phóng. Tại miền Bắc sau khi cộng sản cướp chính quyền từ chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim, và trên cả nước, sau "Tháng tư đen 1975" một chính sách "tẩy não" áp đặt toàn diện. Vladimir Lenin, ông tổ của csVN chỉ rõ về điều này, "Hãy cho tôi bốn năm để dậy dỗ bọn trẻ, hạt giống tôi gieo sẽ không bao giờ bị mất gốc" (Give me four years to teach the children and the seed I have sown will never be uprooted).

    Người Việt Nam ở trong hay ngoài nước đều rất thông minh. Cứ nhìn vào Hoa Kỳ hiện nay chúng ta sẽ thấy, rất nhiều vị Tướng trong quân đội Mỹ là người Việt, có Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, Thẩm phán, Dân biểu Quốc hội... Có bao nhiêu sắc dân khác, từng có mặt trên đất nước Hoa Kỳ nhiều năm trước người Việt đạt được? Nhưng tại sao người trong nước không tìm ra những cá nhân xuất sắc như thế? Cùng một giòng họ Nguyễn, Lê, Trần, cùng một huyết thống di truyền DNA?

    Chính sách "tẩy não" ngu dân là câu trả lời. Một em bé ngay từ tiểu học phải quàng khăn đỏ, học tập theo gương lão Hồ bán nước, tên ấu dâm đến quốc tế phải cảnh cáo! Đất nước 4,000 năm có cả trăm ngàn anh hùng, giờ đây chúng vất tất cả, chỉ còn lại một "xác thối" để thờ, thì lấy đâu ra người giỏi!

    Người trẻ trong nước, như chim Ưng được nuôi trong lồng năm này, tháng nọ, nên họ không tin là mình có thể soãi cánh trên trời cao. Đó chính là sự khác biệt giữa tuổi trẻ Việt Nam và Hồng Kông! Chim Ưng Việt chỉ biết đi và không được dậy bay, lâu ngày mất cả khả năng săn mồi, chỉ biết trông vào ơn đảng.

    Trong trận chiến giữa "thiện" và "ác" bao giờ cái "ác" cũng chiến thắng đầu tiên, để rồi theo thời gian chúng sẽ tự huỷ. Người công chính sẽ phải vượt qua bão tố, trải qua nhiều sàng lọc, để cuối cùng như Frederic Nietzsche khẳng định: "Những gì không giết được chúng ta, sẽ giúp chúng ta vững mạnh hơn" (That wich does not kill us, make us stronger). Làn sóng "thất nghiệp" đang gào thét, cuồng bạo tiến về quê hương, không ai muốn bão táp đến với gia đình, nhưng cũng chẳng một ai ngăn được cơn phẫn nộ của trời đất! Sau cơn bão, cây nào đứng vững, cây đó mới xứng đáng tồn tại, Nietzche đã nói như thế!

    III. Cộng sản dùng bọn ngu dốt để cai trị

    Trái với thể chế tự do, trọng dụng người tài giỏi, cộng sản làm ngược lại, càng ngu càng tốt. "Hồng hơn chuyên" là thế đó! Hồng có nghĩa là đỏ, là cộng sản, và chuyên là chuyên môn. Bạn đọc vào Google tìm thêm những câu nói "ngu" của cán bộ csVN, mọi người sẽ được dịp cười vỡ bụng. Một ông tưởng thú mà đọc "ma dzê in Việt Nam" thì đủ biết trình độ cao cỡ nào? Bạn có nghe câu nói, "đem một con bò qua Liên xô, ba năm sau trở về thành tiến sĩ". Lý lịch ba đời bần cố nông là quan trọng, đảng ta có trường đào tạo bác sĩ dốt như "chuyên tu", kỹ sư ngu như "tại chức". Cả nước lao đao chống dịch "Chinese virus" thì Chủ tịch tự phong Lù Trọng Thắng chui rúc trong hang lo việc đảng!

    Khi những thằng ngu có chức, có quyền, chúng sẽ sống chết bảo vệ chế độ, bọn này thừa biết đảng toi thì số phận chúng sẽ đi theo. Nhà bề thế chúng nó ở, xe đẹp chúng đi, tiền tươi thóc thật chúng mua nhà bên Mỹ, con cái gửi ra nước ngoài... Tất cả đến từ đảng mà ba đời chúng có nằm mơ cũng không thấy! Tin rằng bọn này sẽ thay đổi là "ảo tưởng!" Tên Nguyễn Minh Triết từng nói "Bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát" theo hiến pháp thổ tả của csVN, "điều 4" công nhận quyền lĩnh đạo của đảng. Lù Trọng Thắng còn sủa to hơn nữa "Cương lĩnh đảng đứng trên cả hiến pháp". Những ai còn tin rằng sẽ có ngày csVN tự thay đổi, những người đó cần phải xem lại chỉ số IQ của mình! Đừng nhắc đến bọn 30/4, mặc dù không phải gia đình cộng sản nhưng nhờ vào vc chúng mới có công ăn việc làm, lật cộng sản đi thì lấy gì mà ăn? Số còn lại chỉ muốn an thân an phận, miễn là thoải mái ăn nhậu mỗi ngày.

    Trong xã hội, có người này, người kia! Sẽ có người chọn kiếp sống cỏ cây, không hề phản kháng, cứ tưới lên chúng tôi bia rượu thế là đủ rồi! Nhưng xã hội càng nhiều bất công, khoảng cách giầu nghèo cách xa, và số người "thất nghiệp" tăng cao vì ảnh hưởng gián tiếp từ "Chinese virus" thì tất yếu nó sẽ đổ. Vị lãnh tụ Dân quyền Hoa Kỳ, Mục sư Martin Luther King từng nói: "Bi kịch lớn nhất không phải sự áp bức và tàn ác của kẻ xấu, mà chính là sự im lặng của người tốt." (The ultimate tragedy is not the oppression and cruelty by the bad people, but the silence over that by the good people). Người tốt sẽ không thể "im lặng" khi "thất nghiệp" và "đói" bao phủ! Vợ đau, con đói thì người tốt biết sẽ phải làm gì? Tin mới nhất ở ngoài Bắc vào cả chùa ăn trộm chuông đồng và tượng Phật, những ngày tới còn nhiều chuyện khác mà không ai tiên đoán được! Ngôi nhà trên cát đang bị sóng cuốn ra biển!

    IV. Cộng sản còn đến hôm nay vì chúng ta đi theo lối cũ. Tha thứ cho chúng tôi khi mạo muội viết lên điều này. Can đảm nhìn vào phương pháp đấu tranh của người Việt trong lẫn ngoài nước trong 45 năm qua, chẳng có gì mới! Đức Phật dậy, "Muốn thấy điều ít người thấy, bạn phải đến chỗ ít người đi" (To see what few have seen, you must go where few have gone.) Để thành công trong tranh đấu, phải làm những điều không mấy ai làm.

    Trong nước, là nơi quan trọng nhất để lật đổ chế độ độc tài, đảng trị, các trí thức, trí ngủ chỉ biết viết "kiến nghị" với hàng đống chữ "kính xin" "kính gửi" hoặc bạo hơn nữa làm bản sao gửi cho các toà đại sứ một vài quốc gia tự do. Xin lỗi quý vị, bọn chúng nhận đơn, đem vào nhà vệ sinh đọc, sau đó làm gì người thông minh sẽ biết. Thành thật, chúng tôi cũng không tin là bọn cướp "người Bắc có ný nuận" phí thời giờ ra đọc! Chúng đang bận thu vén, chuẩn bị cho chuyến tầu cuối chạy trốn! Toà Đại sứ nước ngoài, đón tiếp quý vị, nhận đơn, và chụp ảnh thì có gì là ghê gớm? Nhưng họ đâu có quyền can thiệp vào chính quyền nước khác? Khi Tổng thống Barrack Obama qua thăm Việt Nam, ông mời một số nhà hoạt động dân sự đến dự buổi nói chuyện của mình, côn an cộng sản ngang nhiên tóm vài chú, Obama cũng đành nhịn nhục như từng có lần phải đi cửa sau máy bay!

    Hải ngoại, năm nào cũng thế, chừng đó màn chống cộng, nhưng sau đó lại đua nhau đi gửi tiền về Việt Nam. Tại sao các hội đoàn người Việt tại nước ngoài không thay đổi chiến thuật, chiến lược? Biểu tình chống treo cờ cộng sản, ĐÚNG! Biểu tình chống các phái đoàn cộng sản, ĐÚNG! Một số người xúm nhau lại vác cờ quốc gia, nửa đêm ra sân bay đón đám con tin Việt cộng đem ra đổi chác, SAI! Trở nên thần tượng của người Việt hôm nay quá dễ, vào tù cộng sản vài năm là đủ thành anh hùng! Buồn nôn!

    Tại các thành phố trên nước Mỹ, và nhiều nước khác, người Việt biết rõ những siêu thị, văn phòng du lịch, chợ thực phẩm Á Đông hay nơi nào nhận gửi tiền về Việt Nam. Tại sao các hội đoàn không trình bầy và thuyết phục những nơi đó chấm dứt màn tiếp sức cho giặc? Chủ tiệm không đồng ý! Không sao, hội đoàn họp nhau lại, chia ra, mỗi ngày cử năm ba người đến trước cửa tiệm, cầm quốc kỳ VNCH, không ồn ào, không vi phạm luật pháp quốc gia nơi cư trú, phát truyền đơn cho khách đến mua hàng... Cứ thế mà làm, ở California năm 1999, cộng đồng người Việt Quốc gia đã áp dụng phương pháp đó trong 53 ngày khiến tên Trần Trường phải đóng cửa tiệm. Cơn đại dịch "Chinese virus" đang cho chúng ta cơ hội, sẽ ít người gửi tiền về hơn, và đây là trận đánh sinh tử quyết định. Nếu các trang mạng, chương trình radio trên

    Youtube... cùng gửi thông điệp này đến khán thính giả, chúng ta sẽ thắng. Xin đừng mất thời giờ chửi nhau, một tập thể chia rẽ không thể làm chuyện lớn. Chưa đánh giặc, đã đánh lẫn nhau! Đừng tranh dành công lao chống cộng, ném cái "tôi" vào sọt rác, chúng ta chỉ có thể thắng khi mọi người cùng hợp sức. Mỗi chúng ta chỉ là một bánh xe rất nhỏ, trong cả guồng máy, nếu tất cả cùng làm hết bổn phận của mình, chiếc máy sẽ chuyển động.

    Nhà bác học Albert Einstein nhận xét về lý do chúng ta không thành công, trong câu nói ngắn gọn: "Định nghĩa của ngu xuẩn là cứ làm đi làm lại một việc, và mong một kết quả mới" (The definition of insanity is doing the same thing repeatedly and expecting different results). Chúng tôi tôn trọng các hội đoàn người Việt tại hải ngoại, không mong gì hơn chỉ xin đề nghị một cách đánh mới, hiệu quả hơn. Cộng sản đã dùng chính sách lương thực để kiểm soát dân, tại sao chúng ta không biết quay lại "xiết bao tử" chúng? "Chinese virus" đang khiến csVN tan ra từng mảng vì "thất nghiệp" và "đói", hãy bồi thêm những quả đấm thôi sơn vào ngay bao tử con quái vật. Thử xem chúng sống thêm được mấy ngày?

    Tiền của người Việt hải ngoại gửi về trong bao nhiêu năm qua, chính là "máy thở" cho chế độ bạo tàn, khốn nạn csVN. Giờ đây là lúc rút "ống thở". Thân nhân chúng ta ở trong nước không đến nỗi khó khăn đâu, ngưng một năm gửi tiền về là chúng toi thôi.

    Chính trị là nghệ thuật thay đổi để đáp ứng tình thế. "Chinese virus" cho chúng ta một cơ hội tuyệt vời, vài chục triệu người đã và đang bị "thất nghiệp" (xem lại bài Tháng tư Cách mạng 2020) chiến thuật mới là cùng nhau xuống đường, đòi lại tiền "Bảo hiểm thất nghiệp" và "Bảo hiểm xã hội". Vài chục ngàn công nhân đứng lên vì cuộc sống, cơn sóng đó sẽ nhanh chóng lôi cuốn thêm thành triệu, triệu người. Chế độ csVN không còn tiền đâu mà trả, chúng chia chác nhau hết từ lâu rồi, chúng dùng tiền của chúng ta để trả nợ cho những công ty quốc doanh nhà nước làm ăn thua lỗ, đút túi xây nhà, mua xe, gửi con du học, người trong nước biết rõ điều này. Chúng sẽ bỏ chạy!

    Người Việt Nam chân chính trong và ngoài nước, không thể tiếp tục im lặng như loài Đà điểu chui đầu dưới cát khi gập dông bão. Hãy đứng lên cho quyền sống của bản thân và gia đình. Đứng lên vì tương lai nước Việt.

    V. Cộng sản còn đến hôm nay, vì người trí thức vẫn còn trong "tháp ngà"

    Bất cứ cuộc tranh đấu nào, cũng cần đến sự dấn thân của nhiều thành phần trong xã hội. Tôi đã có mặt tại vài cuộc biểu tình tại Sài Gòn vào những năm trước đây. Tinh thần người dân tuyệt vời, tuổi trẻ can đảm. Nhưng vắng bóng những trí thức tên tuổi trong nước!

    Người Việt tại ngoại quốc không thiếu gì những vị thành đạt, tại đây chúng ta cũng cần phải biết theo luật pháp Mỹ, những sĩ quan trong quân đội, những viên chức cao cấp trong guồng máy chính phủ Hoa Kỳ đều không được phép tham gia chính trị. Nhưng còn các vị giáo sư đại học, chuyên gia trong những, viện nghiên cứu quốc tế với bằng cấp cao ngất trời... Quý ngài làm gì cho đất nước hôm nay?

    Chúng tôi đọc nhiều bài phân tích của quý vị trên báo chí, chương trình tiếng Việt VOA, BBC, RFA, trình độ chuyên môn rất cao, không chối cãi điều đó. Nhưng quý vị quên một điều quan trọng, khiến bài viết như gửi về chốn "hư không". Xin hãy tự hỏi, Lù Trọng Thắng, tưởng thú "cờ lờ mờ vờ", và đám Bộ Cá Tra Hà Nội có đứa nào hiểu được điều quý vị viết không? Thật ra, chúng cóc cần hiểu! Trong thư gửi Gorkin năm 1919, Lenin ông tổ của bè lũ Ba đình là người đầu tiên gọi "Trí thức là cục phân", quý vị chẳng là gì với bầy thảo khấu csVN! Chỉ là cây cảnh, không hơn không kém!

    Nhà lĩnh tụ thông minh của Singapore, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng nhiều lần qua cố vấn bọn chúng, chẳng ma nào nghe, để rồi khi ký giả hỏi ông ta về Việt Nam, ông Lý Quang Diệu chua chát trả lời: "Đừng hỏi tôi về Việt Nam nữa!" Nói theo Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trí thức Việt Nam hôm nay hành động như "người già trong công viên", suy nghĩ như "người điên trong thành phố". Xin lỗi!

    Cố vấn cho Việt Nam một chính sách kinh tế đổi mới, hoặc nhân lúc này nên bỏ Tầu theo Mỹ, rất ĐÚNG. Nhưng vượt quá trình độ cũng như khả năng hiểu biết của bè lũ Ba đình! Chưa nói đến theo Mỹ thì mất đảng, cho nên thà theo Tầu chấp nhận mất nước nhưng giữ được đảng thì vẫn hơn. Có vị nào giỏi, được thế giới kính trọng hơn ông Lý Quang Diệu? Ba đình có thèm nghe ông ta đâu?

    Thứ hai, căn nhà Việt Nam đã mục nát từ nóc xuống tận móng rồi. Mọi phòng đều bị mối mọt ăn, đụng vào đâu rã rời nơi đó. Cách duy nhất là phá bỏ toàn diện để xây lại ngôi nhà mới. Hãy chỉ cho chúng tôi làm sao phá cho nhanh, thay vì vẽ vời sửa sang từng phòng một. Sửa lại phòng ngủ thật đẹp, trong căn nhà mục nát thì nghĩa lý gì? Một cơn gió thổi, toi cả lũ! Biển đảo mất chúng có dám hó hé đâu? Trung cộng xây đập trên thượng nguồn khiến Đồng bằng sông Cửu Long hạn hán, chúng câm như hến! Lời khuyên vàng ngọc của các vị chẳng qua là gửi gió cho mây ngàn bay!

    Bằng cấp giá trị gì nếu không đóng góp được thực tế được cho xã hội! Hãy để dân đen chúng tôi đập phá căn nhà đổ nát trước, đứng lên quét sạch bọn bán nước... Lúc đó sẽ cần đến sự giúp đỡ của quý vị. Việt Nam Cộng Hoà trước đây, mất nước cũng chỉ vì bọn trí thức, xuống đường như tên Huỳnh Tấn Mẫm. Anh em chúng tôi hy sinh trên chiến trường, chết trong tù cải tạo cũng chỉ vì bọn khốn nạn này. Bây giờ, khi cơn địa chấn đang làm rung chuyển cả nhân loại, thì quý vị lại ngồi trong "tháp ngà" đưa ra những bài viết xa rời thực tế, chẳng khác gì đàn gẩy tai trâu, nước đổ đầu vịt.

    Căn nhà Việt Nam đã mục nát, cần phá đi toàn bộ để xây dựng lại từ đầu. Vất đi những ý kiến làm sao để "thoát Trung". Bảo csVN "thoát Trung" khác nào tròng giây treo cổ vào đầu Lù Trọng Thắng? Con đường "thoát Trung" hiệu quả nhất cho đất nước là nhanh chóng lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam.

    Cho phép chúng tôi kết luận bằng câu nói nổi tiếng của Thomas Jefferson, Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, một trong những vị tổ phụ khai sinh ra Bản Hiến pháp Mỹ: "Khi người dân sợ chính phủ, độc tài xuất hiện. Khi chính phủ sợ người dân, tự do sẽ đến" (When the people fear their government, there is tyranny; when the government fears the people, there is liberty).

    Cụ Nguyễn Trãi nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự lỗi lạc, người đã tham gia cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại quân Minh. Khi thành công vào năm 1428, Nguyễn Trãi trở thành khai quốc công thần của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, để lại cho con cháu lời khuyên: "Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân". Hãy cho bọn côn đồ thấy sức mạnh vũ bão của toàn dân,

    Hãy chỉ cho những chú chim Ưng tập bay! Đây là thời điểm!





    30/04/2020
    Nguyễn Tường Tuấn

    https://danlambaovn.blogspot.com/2020/0 ... n-noi.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20015
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Ngày này

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Ngày này
    __________________________________
    Trần Quốc Việt _ (Danlambao)





    Cha hỏi con ngày này là ngày gì. Ngày mất nước, con đáp.

    Mẹ hỏi con ngày này là ngày gì. Ngày con bắt đầu hiểu sự hy sinh vô bờ bến của mẹ, con đáp.

    Chị hỏi em ngày này là ngày gì. Ngày tuổi thần tiên không còn, em đáp.

    Ông kêu cháu lại nói:

    - Những gì cháu nghe đều đúng. Nhưng không quan trọng bằng điều này. Đây là ngày cháu phải khắc sâu trong lòng, phải nhắc lại cho con cháu của cháu. Ai đấy nói đại ý rằng cuộc đấu tranh chống lại chế độ toàn trị - cội nguồn của mọi tội ác - là cuộc đấu tranh chống lại sự lãng quên.

    Cháu bối rối nhìn ông. Ông nhìn cháu, thở dài nói:

    - Cháu chưa hiểu. Cháu ở trong địa ngục. Cháu muốn ra khỏi địa ngục thì cháu phải nhớ cánh cửa đã đưa cháu vào địa ngục để hy vọng cháu có thể thoát ra từ đấy. Ký ức chính là cánh cửa đầu tiên mở ra con đường giải thoát. Khi cháu không còn nhớ cánh cửa ấy cháu mặc nhiên coi địa ngục là số phận tự nhiên của mình. Dù cửa địa ngục có mở cháu cũng không muốn bước ra.

    Năm ấy tôi tóc còn xanh, tôi không hiểu những gì ông nói nhưng tôi cố không nhìn ông nữa. Tôi bước ra khỏi phòng.

    *

    Hiểu là một quá trình. Hôm nay, sau hàng chục năm, tôi nghiệm ra lời ông nói. Và tôi hiểu ra rằng còn nhớ là còn hy vọng. Hy vọng là ánh sáng, lãng quên là bóng tối.

    Ngày 30 tháng Tư là ngày cửa địa ngục trần thế mở ra. Ngày này là ngày ta không thể quên để ta có thể tìm đường trở lại ánh sáng dương thế cho mình và cho quê hương.






    30/04/2020
    Trần Quốc Việt

    https://danlambaovn.blogspot.com/2020/05/ngay-nay.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20015
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

30-4 nhìn lại con bài "Thành Phần Thứ Ba" của cộng sản Hà Nội

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    30-4
    nhìn lại con bài "Thành Phần Thứ Ba" của cộng sản Hà Nội

    __________________________________
    Nguyễn thị Cỏ May _ (Danlambao)





    “30 tháng 4” thật sự là chỉ một ngày như bao nhiêu ngày khác trên tờ lịch. Nhưng từ sau 30 tháng 4 năm 1975, nó trở thành một ngày trọng đại vì nó ghi lại một biến cố lớn, đau thương, bám chặt ký ức của người Việt Nam. Nó đánh thức lòng trắc ẩn và lương tâm thế giới văn minh do những hệ quả kéo dài của nó.

    Đối với người Việt Nam, đó là “Ngày Quốc hận”, “Ngày Mất nước”... Nhưng với người cộng sản Hà Nội, cũng là ngày đó, nó trở thành ngày “Giải phóng Miền Nam”, ngày “Đất nước thống nhất”... Ngày lễ hội vui mừng!

    Kẻ mất buồn, người được vui! Thông thường thôi. Nói theo Võ văn Kiệt thì ngày 30 tháng 4 “Có một triệu người vui, có một triệu người buồn”. Phải chăng Ông Kiệt đã nghĩ tới những người không phải bên thắng cuộc? Nhưng thật lòng thì ông buồn hay vui? Cái nào nhiều, cái nào ít? Nhưng giờ đây chắc chắn cả nước buồn! Cả người cộng sản phản tỉnh và đông đảo thanh niên. Trừ những người cộng sản làm giàu nhờ cầm quyền. Những người này nói cách mạng, làm chính quyền cách mạng nhưng không ai có thành tích cách mạng. Du đãng mà mặt không dính thẹo thì không thể nói là du đãng hay anh chị được. Chỉ là những tên điếm đàng mà thôi. Đó là những Nguyễn Phú Trọng, những Tô Lâm, những Lê Thanh Hải... Nguyễn Tấn Dũng ít ra còn có thành tích lúc 16 tuổi làm y tá, xức thuốc đỏ cho du kích VC trong mật khu Rạch giá, Cà Mau.

    Giữa hai lớp người buồn vui đó, có một ít người không thấy buồn, trái lại thấy vui vì tự “chia vui” với “Bên thắng cuộc”. Tất cả họ đều thuộc lớp khá giả trong xã hội Miền Nam nhưng lại chạy theo cộng sản, làm tay sai cộng sản chống lại chính quyền miền Nam.

    Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài "Nối vòng tay lớn". Bài hát kêu gọi và nói về ước mơ thống nhất dân tộc hai miền Nam Bắc mà ông viết từ năm 1968 nhưng chưa từng công bố cho tới thời điểm đó, nay được ông công bố để kỷ niệm sự kiện trọng đại mà ông mong chờ đã lâu. Trong bài phát biểu trên đài, ông kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam:

    "Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó... Hôm nay tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước... Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải, tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu và cũng như những người chưa quen của tôi xin ở lại và kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam này..."

    Những ngày sau đó, Trịnh Công Sơn cũng không có chỗ đứng. Nghe bạn khuyên nên về Huế sống yên lành hơn vì quê hương và bạn bè cũ. Nhưng ở Huế, ông thấy có nhiều khó khăn. Bạn lại khuyên ông nên trở vào Sài Gòn tốt hơn. Và ông ở Sài Gòn luôn từ đó. May mà ông không bị đi cải tạo tập trung như nhiều văn nghệ sĩ khác.

    Sau gần nửa thế kỷ “thắng cuộc”, đất nước về một mối xã hội chủ nghĩa, những điều họ tranh đấu đòi hỏi ngày trước như dân chủ, tự do, xã hội công bằng, người không bóc lột người, no cơm ấm áo, không có bóng dáng ngoại bang... thì nay, những điều đó chẳng những chưa có, trái lại còn trầm trọng hơn đang trở thành thực tế xã hội Việt Nam nhưng không thấy những người đó đứng lên, biểu tình, tuyệt thực, đói hỏi như trước kia. Đó là những người của “Thành phần Thứ ba” hay của “Lực lượng Thứ ba”.

    Thành phần thứ ba

    Tổ chức “Thành phần thứ ba” hay “Lực lượng thứ ba” ra đời trong hoàn cảnh nào, không rõ ràng lắm. Theo ký giả Pomonti của nhựt báo Le Monde, “Thành phần thứ ba” xuất hiện năm 1960 sau khi Nhóm Caravelle đưa ra bản Tuyên ngôn với 18 nhân sĩ ký tên đòi hỏi ông Tổng thống Ngô Đình Diệm cải tổ đường lối cai trị, chấm dứt tình trạng độc tài gia đình trị. Sau đó thì xuất hiện phong trào quần chúng nổi lên chống chế độ Ngô Đình Diệm độc tài, kỳ thị tôn giáo.

    Nhưng theo ký giả Decornoy, cũng của Le Monde, thì vào cuối năm 1969, có một phong trào quần chúng xuất hiện ở Sài Gòn chống chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, đòi hòa bình, đi theo chủ trương “Hòa giải dân tộc” của tướng Dương Văn Minh.

    “Thành phần thứ ba” gồm một số Dân biểu như Hồ Ngọc Nhuận, Kiều Mộng Thu, Lý Quí Chung, Dương văn Ba, Ngô Công Đức; Sinh viên có Huỳnh Tấn Mẩm, Nguyễn Hũu Thái...; trí thức có Bà Ngô Bá Thành...; tu sĩ có Ni sư Huỳnh Liên, Linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ...

    Năm 1971, Sài Gòn tổ chức bầu cử Quốc hội. Nguyễn Hũu Thái được Mặt trận Giải phóng Miền Nam bí mật móc nối đề nghị ra tranh cử với lập trường “hòa bình đứng giữa ” chuẩn bị cho Thành phần thứ ba khi có Chính phủ 3 thành phần theo Hiệp định Paris tuy lúc đó Hội nghị Paris chưa kết thúc.

    Nhưng “Thành phần thứ ba” trở thành một danh xưng chính thức từ khi Hà Nội đưa ra tại hòa đàm Paris đề nghị thành lập một chính phủ liên hiệp gồm 3 thành phần. Xin nhắc lại thành phần thứ ba của Hà Nội đề cập không có phong trào sinh viên, dân biểu, trí thức, tu sĩ, như trên đây.

    Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước sau vẫn cương quyết phủ nhận thành phần thứ ba. Năm 1972, Hà Nội chính thức lên tiếng bênh vực phong trào này.

    Chẳng những phủ nhận “Thành phần thứ ba” hay “Lực lượng thứ ba”, chính phủ Sài Gòn cũng từ chối đề nghị một Chính phủ Liên hiệp 3 Thành phần như phía Việt cộng đòi hỏi. Tuy nhiên, khi “Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình” ký kết tháng giêng 1973 ở Paris thì có điều 12 qui định thành lập một “Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần ngang nhau”.

    Hà Nội coi trọng thành phần thứ ba như là một yếu tố giúp họ thắng lợi bằng chính trị: “Việc thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc ở miền Nam là chìa khóa dẫn đến hòa bình, và lực lượng thứ ba là một thành phần không thể thiếu được của giải pháp này...” (Phạm văn Đồng trả lời nhà báo pháp Jean Lacouture, Etudes vietnamiennes, Paris).

    Để làm áp lực ở hòa đàm Paris, Hà Nội cho thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đưa ra đề nghị “8 điểm” có đề cập thành lập một Chính phủ Liên hiệp Lâm thời gồm 3 thành phần: "những người của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời, những người yêu chuộng hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ trong chính quyền Sài Gòn, và những nhân vật của các lực lượng chính trị và tôn giáo, trong hay ngoài nước, có lập trường ủng hộ hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ phản ánh các khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam về hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, và hòa giải, hòa hợp dân tộc."

    Tiếp theo, vào cuối 1973, rầm rộ xuất hiện ở Sài Gòn nhiều phong trào đều do Hà Nội thổi lên như:

    - Phong trào Phụ nữ đòi Quyền sống (Bà Ngô Bá Thành sáng lập).

    - Phong trào Thi hành Hiệp Định Paris.

    - Mặt trận Nhân dân Cứu đói (Tổ chức lớn nhất ở Miền Nam với sự tham gia của các nhóm Công giáo, Phật giáo, Hòa Hảo và Cao Đài. Linh mục Phan Khắc Từ là một trong 3 phó chủ tịch.)

    - Mặt trận các Tôn giáo vì Hòa bình, Hòa hợp, và Hòa giải (Dương Văn Minh sáng lập).

    - Lực lượng Hòa hợp Hòa giải Dân tộc (Một tổ chức Phật giáo do Vũ Văn Mẫu lãnh đạo).

    - Tổ chức Nhân dân đòi Thi hành Hiệp định Paris (Ngô Bá Thành sáng lập).

    - Ủy ban Tranh đấu cho Tự do Báo chí và Xuất Bản (Dân biểu Nguyễn Văn Binh, anh vợ Ngô Công Đức đứng đầu).

    - Ủy ban đòi trả tự do cho tù Chính trị của Lực lượng thứ ba.

    - Ủy ban bảo vệ quyền lợi người lao động (Linh mục Phan Khắc Từ lãnh đạo).

    - Nhóm các Nhà Lập Pháp Tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Hòa bình.

    Nhưng hiện tượng quần chúng này chỉ là những đòi hỏi giai đoạn của người cộng sản để chờ đợi đạt trọn vẹn mục tiêu cuối cùng. Đó là ngày 30 tháng 4/1975.

    Sau 30-4-75 có hai nước Việt Nam cùng xin gia nhập LHQ?

    Cuộc chiến Nam-Bắc Việt Nam kết thúc ngày 30-04-1975 thì qua tháng 4/1976 hai miền Việt Nam được thống nhất thành một nước có tên gọi là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Không đợi thi hành Hiệp định Paris.

    Nhân đây xin nhắc lại cái chết của một cựu Nam Bộ kháng chiến Khu 7 liên hệ tới quyết định thống nhất 2 Miền sớm hơn thời hạn. Trong Hội nghị Hiệp thương chính trị bàn về thống nhất, tướng Huỳnh Văn Nghệ, tức Tám Nghệ, cựu Bộ trưởng Lâm nghiệp, phản đối việc quyết định thống nhất sớm. Giận dữ, ông rút khẩu súng cá nhân dằn lên bàn, gằn giọng - “Ai quyết định thống nhất ngay, hãy bước qua sát chết của tôi”. Qua đầu năm 1977, Huỳnh Văn Nghệ một hôm bị đau bụng, Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương đảng vội cho chở ông vào Chợ Rẩy để chữa trị. Bác sĩ ở Hà Nội phải vào để săn sóc ông theo tiêu chuẩn cán bộ đảng viên. Vài hôm sau, ông thấy tình trạng sức khỏe của mình không có gì nặng nên muốn về nhưng bác sĩ không cho. Đưa ông đi chụp hình, liền sau đó, đưa ông qua phòng mổ và mổ. Bình thường gặp bác sĩ thứ thiệt của Hà Nội mổ thì cũng khó sống. Nay ông lại được bác sĩ Hà Nội đặc biệt quan tâm mổ theo ý kiến của Ban Bảo vệ sức khoẻ Trung ương đảng thì dĩ nhiên ông không thể không ra về bằng ngỏ sau của nhà thương. Chuyện này, Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa biết nên bà có lên tiếng trong nôi bộ và bà tỏ thái độ bằng cách trả thẻ đảng. Phạm văn Đồng can thiệp không được, đành chấp nhận và yêu cầu bà giữ tiếng trong 10 năm. Đúng 10 năm, bà công bố việc trả thẻ đảng của bà trên nhật báo Le Monde của Pháp. Về cái chết của Huỳnh văn Nghệ, bà chỉ nói riêng trong vòng thân mật mà thôi.

    Thống nhất xong, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nộp đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1977, và trở thành thành viên thứ 149 của LHQ vào ngày 20 tháng 9/1977.

    Nhưng ít người biết rằng trước khi thống nhất đã từng có hai nước Việt Nam nộp đơn cùng xin gia nhập Liên Hiệp Quốc. Một là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thủ đô Hà Nội, với cờ đỏ sao vàng. Và nước Việt Nam kia là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, thủ đô Sài Gòn, có cờ nửa đỏ trên, nửa xanh dưới, ngôi sao vàng giữa.

    Lá cờ nửa đỏ nửa xanh này xuất hiện vào cuối năm 1960, khi một số trí thức miền Nam tuyên bố thành lập “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam” trong vùng rừng núi Lộc Ninh, để đối lập với chính phủ Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn. Sau thời gian dài hoạt động khủng bố nhờ đó tư cách Mặt trận được thừa nhận. Và cũng từ đó Mặt trận này thành lập một chính phủ có tên là “Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”.

    Trong thời gian đó, Hà Nội cứ nói lấy được cuộc chiến ở miền Nam là cuộc chiến giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa với lực lượng võ trang của Mặt trận. Tức do nhân dân Miền nam nổi lên đòi độc lập và thống nhất chớ không do miền Bắc can thiệp. Khi chính phủ Sài Gòn đưa bằng chứng cán binh của Hà Nội xâm nhập vào Nam thì Nguyễn Thị Bình trả lời “Họ là người Việt Nam thì dĩ nhiên họ có quyền đi trong vùng lãnh thổ của họ”.

    Ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn sụp đổ, thì cờ của Mặt trận Giải phóng được kéo lên nóc dinh Độc lập ở Sài Gòn. Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố thừa kế Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, xác nhận lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 tới mũi Cà mau, với cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    Giữa tháng 7/1975, hai nước Việt Nam cùng đề nghị nộp đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc. Đại diện cho Hà Nội là ông Nguyễn Văn Lưu, ông Đinh Bá Thi đại diện cho Sài Gòn.

    Ngày 11/8/1975, Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đồng ý cho hai nước Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, nhưng bị Hoa Kỳ phủ quyết nên việc gia nhập LHQ của 2 nước của cùng Hà Nội không thành.

    Giải thích lý do Hoa Kỳ dùng quyền phủ quyết, Gs Ngô Vĩnh Long cho rằng vì họ không muốn có 2 nước Việt Nam “độc lập” cùng Hội viên LHQ mà để 2 Việt Nam thống nhất theo Hà Nội, tức trở thành cộng sản. Hoa Kỳ sẽ có cớ không bang giao, mà còn dùng Việt Nam như một nơi thực hiện một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Liên Xô (Joaquin Nguyễn Hòa, BBC. 20/4/19)

    Còn theo Gs Đoàn Viết Hoạt, hiện sống tại Mỹ, thì quyết định của Mỹ không cho hai miền Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc có thể liên quan đến những thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 1972 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao sau tuyên bố Thượng Hải. Lúc đó, Mỹ toan tính liên minh với Trung Quốc để chống Liên Xô, giao vùng Đông Nam Á cho Trung Quốc, và Bắc Kinh không muốn có một miền Nam Việt Nam độc lập, không theo cộng sản. Theo giải thích này, Gs Hoạt tin rằng Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam không phải của cộng sản Hà Nội nặn ra!?

    Vẫn theo Gs Ngô Vĩnh Long thì cho đến 30/4/1975, quan điểm về sự thống nhất Việt Nam của Hà Nội cũng như Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, khi chiến tranh kết thúc, sẽ là một quá trình nhiều bước kéo dài từ 12 đến 14 năm. Vì việc gia nhập Liên Hiệp Quốc của hai nước Việt Nam thất bại đã thúc giục những thành phần cứng rắn tại Hà Nội kết thúc dự án thống nhất đất nước kéo dài đó.

    Nhưng sau khi việc gia nhập Liên Hiệp Quốc của hai miền Việt Nam bị thất bại, Đảng Lao động Việt Nam, tức đảng Cộng sản Hà Nội hiện nay, họp Hội nghị trung ương lần thứ 24, quyết định gấp rút thống nhất Việt Nam "Đứng trước yêu cầu của tình hình cách mạng mới, tháng 9/1975 tại Hội nghị lần thứ 24, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước" (Nghị quyết số 247-NQ/TW, ngày 29/9/1975 Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới “Hoàn thành thống nhất tổ quốc và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”).

    Thế là Mặt trận và cả Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam cùng dẹp tiệm vì đã “hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ lịch sử” (Nguyễn thị Bình tuyên bố).

    Tuy tài liệu không thấy nhắc tới đã có 2 nước Việt Nam chính thức xin gia nhập LHQ nhưng Gs Đoàn Viết Hoạt nhớ lại, lúc còn ở Sài Gòn, ông có nghe một bản tin của đài BBC về sự kiện hai nước Việt Nam cùng xin gia nhập Liên Hiệp Quốc rồi bị thất bại vào tháng 8/1975. Tức chuyện đã có 2 Việt Nam cùng xin gia nhập LHQ là thật.

    Chứng kiến sự quản lý nhà nước tại Sài Gòn sau ngày 30/4/1975 ông Hoạt kể lại ông thấy tất cả những quyết định của nhà cầm quyền đều mang danh nghĩa Cộng hòa miền Nam Việt Nam, kèm theo tiêu đề: “Độc lập, tự do, Trung lập”.

    Với bản tin thế giới nghe qua đài BBC, cộng với sự kiện mình không bị bắt, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng những người cộng sản lúc đó đang thật sự tính tới dự án cho miền Nam một qui chế riêng, chứ không gấp rút thống nhất Việt Nam dưới màu áo cộng sản duy nhất (theo trích dẫn trên).

    Đâu là sự thật?

    Sáng ngày 1 tháng 5/1975, tại Sài Gòn có cuộc diễn binh lớn do chính quyền mới tổ chức để ăn mừng "Đại thắng Mùa xuân". Bộ trưởng Tư pháp Trương Như Tảng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời ngồi trên khán đài danh dự coi diễn binh. Chờ hoài không thấy "đoàn quân giải phóng" đi qua, bèn nghiêng qua hỏi một sĩ quan Quân đội nhân dân. Vị sĩ quan này trả lời rất vui vẻ - “Ủa anh không biết sao? Quân đội ta đã thống nhất tối hôm qua rồi kia mà!” (Trương Nhu Tảng kể lại lúc tỵ nạn ở Paris).

    Qua ngày 2 tháng 5/1975, chính quyền mới ra lệnh giải tán tất cả các tổ chức chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo... được thành lập dưới chế độ VNCH. Còn các tổ chức mới thành lập để chống "Mỹ Ngụy cứu nước" đều bị hoặc tự giải tán, hoặc sáp nhập vào các tổ chức chính thức của Hà Nội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ Giải phóng, cả Chính phủ cách mạng Lâm thời, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, các cơ sở vật chất ở hải ngoại... đều không còn vết tích!

    Điều đáng ngạc nhiên là việc giải tán không có một lời phản đối hay than phiền nào của những người trong các tổ chức đó hết cả, mặc dầu họ đã từng can trường đương đầu với chế độ VNCH, không hề sợ sệt dùi cui, hơi cay, tù đày. Hay nay họ cũng hiểu nhiệm vụ “cách mạng” chạy theo cộng sản của họ đã hoàn tất!

    Thái độ của trí thức

    Ai cũng biết triết gia Jean-Paul Sartre là người không có chính kiến chắc chắn. Đúng hơn ông là người có tinh thần tiến bộ mà hơi “ba phải”, nặng cá nhân chủ nghĩa, khuynh hướng vô chính phủ, chống chủ nghĩa quân phiệt, và hơn hết là chống tư sản nên ông dễ ngã theo cộng sản. Từ những năm 1950, Sartre ủng hộ Liên Xô mạnh mẽ. Cho đến nỗi ông đã không ngần ngại lớn tiếng chửi thẳng ai không theo cộng sản là thứ con chó! Đến khi Liên Xô đưa xe tăng qua đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary ông mới từ bỏ cộng sản. Cộng sản Pháp lên án ông đã đầu hàng giai cấp. Trong lúc đó, Raymond Aron, bạn của Sartre, lại tôn thờ tinh thần dân chủ tự do. Vì vậy hai người ghét nhau trong thời chiến tranh lạnh. Họ không hề nói chuyện với nhau, không gặp nhau suốt từ những năm 47.

    Thế mà tháng 6/1979, trước thảm họa cộng sản ở Việt Nam và Miên, cả 2 cùng tới Điện Elysée yêu cầu Tổng thống Giscard d’Estaing hãy mở rộng cửa đón nhận người Miên và Việt Nam, hàng chục ngàn, hằng trăm ngàn đang chạy trốn cộng sản.

    Sartre trả lời báo chí “Riêng cá nhân tôi, tôi ủng hộ những ngưởi tuy không phải là bạn của tôi trong thời gian Việt Nam tranh đấu cho tự do (Việt Minh). Nhưng điều đó không có gì quan trọng, bởi vì điều quan trọng ở đây, chính họ là những con người. Những người đang bị nguy hiểm”.

    Lời tuyên bố trên đây cho thấy Sartre không ngụ ý vì đã phủ nhận ý thức hệ cộng sản mà thật sự chỉ là lương tâm con người trí thức thúc đẩy ông hành động.

    Qua cách ứng sử này, Aron và Sartre bắt tay nhau. Hai người nắm tay nhau cùng bước ra khỏi Elysée.

    Các đảng phái khác, cả Xã hội, RPR, đều hưởng ứng cùng vận động giúp đỡ người tỵ nạn cộng sản. Hồng Y Etchegaray kêu gọi mỗi gia đình giáo dân hãy đón nhận 1 gia đình người tỵ nạn.

    Hơn tháng sau, tháng 7/79, Pháp đón nhận và định cư 128531 người tỵ nạn cộng sản Đông Dương.






    30/04/2020
    Nguyễn thị Cỏ May

    https://danlambaovn.blogspot.com/2020/0 ... hu-ba.html
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”