- 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

BÔNG HỒNG MÙA XUÂN

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          







          
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Người Ở Lại Charlie

Bài viết bởi Ngoc Han »

  •           





              
    Cám ơn tác giả Vĩnh Hiếu,
    TRÊN VÒM TRỜI LỬA ĐẠN (KQ Vĩnh Hiếu): Mùa Hè Đỏ Lửa

              




    Người Ở Lại Charlie
    ______________________________________



    Một chút gì để nhớ đến những cánh chim Thần Tượng gãy cảnh trên vòm trời Cao Nguyên Miền Tây: Trung-úy Phạm Thành Rinh, Trung-úy Nguyễn Tường Vân, Trung-úy Trần văn Long, Thiếu-úy Võ Diện cùng các mê vô xạ thủ Linh Thông, Lan, Phiệt.

    Một nén hương lòng thắp lên để tưởng nhớ tới vị anh hùng Trung-tá Nguyễn Đình Bảo cùng với tất cả những chiến sĩ Mũ Đỏ can trường đã bỏ mình trên ngọn đồi lịch sử Charlie…


    Ngày 12 tháng 4 năm 72

    Này anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
    Anh! Vâng, chính anh là loài chim quý
    Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý
    Một lần dậy cánh bay
    Người để cho người nước mắt trên tay…
    (Trần Thiện Thanh)

    Một buổi chiều trên vòm trời miền Tây Nguyên, một buổi chiều sau một ngày sôi động chiến tranh của “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Bầu không khí vẩn đục khói rừng âm ỉ cháy, phảng phất đâu đây mùi tử khí. Xa xa những vạt nắng nhạt màu còn vương vấn trải dài trên những triền núi cao…Hai chiếc trực thăng võ trang của Phi đoàn Thần Tượng đang lầm lũi trên đường trở về căn cứ Cù Hanh sau một ngày nhào lộn trên vòm trời khói lửa.

    Trên ghế bay, Thiếu-úy Nguyễn Thanh Hùng im lặng câm cần lái, đôi mắt đăm chiêu, trên nét mặt thể hiện nét mệt mỏi. Ngồi bên cạnh, tôi uể oải dựa ngữa đầu vào lưng ghế bay nhìn xuống con Quốc lộ 14 đang chạy lùi dưới chân. Đây là con đường huyết mạch nối liền Kontum và thị trấn Pleiku chạy giữa vùng núi rừng xanh thẳm. Dọc theo hai bên đường được khai quang trống trải để đề phòng những cuộc phục kích của Việt Cộng. Những người Thượng lưng đeo chiếc gùi đầy củi đang cúi đầu bước nhanh cố tranh thủ với bóng đêm đang chầm chập tới. Một vài người ngững đầu lên đưa tay vẫy chào hai con tàu đang lướt qua trên đầu. Phía bên trái ngọn núi Chu Pao đứng sừng sững nhìn xuống QL 14 như một vọng canh chiến lược thiên nhiên. Nơi đây sẽ khởi chiến những trận đánh đẫm máu của ta và địch trong những ngày sắp tới để dành chủ quyền kiểm soát con đường huyết mạch này. Từ hướng Pleiku, một đoàn xe công-voa nhà binh mở đèn pha chạy nối đuôi nhau chạy ngược về hướng mặt trận đang bùng nổ. Con Quốc lộ xa xôi này giờ đây đã trở thành một con đường vô cùng quen thuộc với những con chim sắt ngày ngày tung cánh lao đi vào vùng lửa đạn.

    Sau phi vụ tiếp tế đẫm máu mở màn tại Tiền đồn 6, kế cận phi trường Phượng Hoàng, Tân Cảnh, phi đoàn 215 Thần Tượng đã được lệnh tăng phái lên Pleiku để yễm trợ cho mặt trận vùng cao nguyên.

    Nguyên phi đội được chỉ định ở trong một trong những “barrack” của Mỹ để lại trong phi trường cạnh một sân cỏ rộng. Ở đó đậu tạm những chiếc trực thăng của biệt đội trong giai đoạn hành quân. Trong linh cảm, tất cả nhân viên phi hành đều biết rằng sẽ phải đối đầu với một trận chiến khốc liệt và có thể kéo dài. Phi trường Cù Hanh càng ngày càng bận rộn theo mức leo thang của chiến cuộc, sự sinh hoạt tại căn cứ mang một màu sắc nghiêm trọng khẩn trương hơn. Đứng trên tầng hai của biệt đội nằm trên một vùng đất khá cao, tôi có thể quan sát mọi sự hoạt động của phi trường vào mỗi buổi sáng sớm. Trên những con đường những chiếc xe pick-up màu xanh chạy vội vã chở đầy phi công; những người lính Không quân hối hả trên những chiếc xe gắn máy phóng đến phần sở cho kịp giờ; những hàng gánh rong bán thức ăn sáng rộn rịp ở những góc đường.

    Ngoài phi đạo máy bay sắp hàng để chuẩn bị cất cánh lên vùng; những chiếc khu trục thô kệch nặng nề, đeo đầy bom tiếng máy rú lên như con thú dữ; những chiếc máy bay quan sát mảnh mai như con hạc trắng nhẹ nhàng cất cánh lên không trung; mấy chiếc vận tải C-123, C-130 to lớn đậu trên tarmac kế những “hangar” khổng lồ, cửa cargo sau đuôi tàu mở rộng, những kiện hàng nằm ngổn ngang. Tại mấy ụ đậu trực thăng, tiếng quay máy o…o…của những động cơ bán phản lực cùng tiếng chém gió phầng phậc của những chiếc tàu đang lơ lững trên “taxiway” càng làm cho bầu không khí càng thêm sôi động.

    Vào những giờ ăn tại câu lạc bộ của Không Đoàn đầy người đủ mọi thành phần của các quân binh chủng. Hoa tiêu trong những bộ đồ bay tác chiến đủ kiểu, từ bộ đồ nomex hai mảnh của những hoa tiêu trực thăng, đội nón rằn ri như lính Lôi Hổ, đến những phi công khu trục với bộ đồ bay cam, xám hay kaki, cùng những người không phi hành ngồi tụm năm tụm ba trên bàn, trên khuôn mặt mọi người thể hiện lên nét khẩn trương, phản ảnh một cuộc chiến đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Từ đầu năm 72 đến trung tuần tháng ba, địch đã đủ thời giờ dàn trận và bố trí ở những mặt trận mà chúng đã chọn, và đến bây giờ là giai đoạn tống công kích. Quân đội VNCH bị ở trong thế cờ thụ động, dò dẫm nghe ngóng hoạt động của địch. Không lực của Đồng Minh cũng như Việt Nam liên tục ngày đêm oanh tạc những điểm tập trung của địch để tiêu hủy tiềm năng của Cộng quân trước khi chúng thực sự mở cuộc tổng tấn công. Riêng về hoạt động của các phi đoàn trực thăng đa số là tiếp tế cũng như đổ toán Lôi Hổ để thám sát, dò tìm tin tức sau phòng tuyến của địch. Những phi vụ bay gần vùng biên giới thường đem lại cho phi hành đoàn những cảm giác căng thẳng nếu không nói là lo ngại vì sự hiểm nghèo của nó.

    Nhớ lại một phi vụ thi hành khi sương mù đang còn lãng đãng trên đầu ngọn cây, hai chiếc trực thăng võ trang trong đội hình tác chiến, hướng về vùng biên giới. Tôi đang cầm cần lái bay sát trên mặt rừng cây trùng điệp, né tránh những bãi cỏ trống hay rừng thưa, bỗng dưng trước mặt một tàn cây đại thụ cành lá xum xoe nhô lên cao trước mũi tàu. Loáng thoáng bên dưới ánh mắt tôi bắt gặp năm bảy bóng đen đang di động trên những cành cây. Giật thót người tôi kéo ngược cần lái, con tàu bay vút lên cao! Tim đập thình thịch tôi la: -“Trời đất!..Việt Cộng!., tụi mày thấy không!?”

    Người hoa tiêu phụ quay nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, buột miệng:

    -“Việt Cộng ở đâu ông!?.. Khỉ đó!.. Một đàn khỉ đu trên cây tôi thấy rõ ràng!”

    Tôi cắt lời:

    -“Bạn nói gì?.. Tôi thấy năm bảy đứa bận đồ đen đang rình mà bạn nói là khỉ”. Như không đồng ý với người hoa tiêu phụ tôi quay ra phía sau hỏi hai anh mê vô xạ thủ:

    -“Tụi mày thấy gì? Tao thấy rõ ràng lố nhố mấy thằng bận áo đen đang đeo trên cành cao. Bố chúng nó! Làm tao hết hồn..

    Mấy anh xạ thủ sau nhe miệng cười:

    -“Ông giật cần lái làm tụi tui hết hồn!..Khỉ đó ông à,., tụi tui thấy rõ ràng mà!”

    Lợi dụng địa thế rừng rậm vùng cao nguyên, Việt Cộng thường cho những khinh binh leo lên cây cao hay làm những chòi nhỏ trên đọt để quan sát sự di chuyển cũng như những hoạt động của máy bay và đôi lúc chúng cũng dùng súng trường để bắn sẻ vào những chiếc trực thăng bay ở độ thấp. Đến đây thì tôi mới biết rằng mình lầm, hồn vía trở lại!

    Trong một chuyến bay thả toán khác, tôi đã bất ngờ đụng địch sau khi thi hành xong phi vụ yễm trợ thả toán Lôi Hổ kế cạnh con đường mòn Hồ Chí Minh. Trên đường về, cho tàu lướt nhạnh trên mặt rừng già dày đặc để tránh phòng không đích. Bất ngờ trước mặt mũi tàu một bãi cỏ xanh rộng hiện ra, tôi thoáng thấy một khẩu phòng không được ngụy trang băng những cành lá đặt dưới tàn cây sát bìa rừng. Nòng súng đen ngòm to chỉa thăng lên trời. Mặc dù đã xông pha trận mạc qua nhiêu năm tôi vẫn không làm sao tránh được cái cảm giác bị giật mình khi gặp một yếu tố bất ngờ. Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một khẩu súng cao xạ cỡ lớn trong khoảng cách quá gần, tức thời tôi bẻ ngoặc cần lái quẹo gắt né bãi cỏ trống. Địch và chúng tôi bất ngờ giáp măt cả hai không bên nào có thì giờ để phản ứng. Đó cũng là môt điều may mắn cho phi hành đoàn. Hai chiếc trực thăng trưc chỉ về căn cứ, nhưng hình ảnh khẩu phòng không nằm ở góc rừng cứ lẩn quẩn trong đầu tôi như đang ngạo nghễ thách đố…Trước đây không lâu Trung-úy Phạm Thành Rinh, một người bạn chí thân của tôi trong phi đội võ trang 215, và Thiếu-úy Võ Diện đã bị bắn nổ tung trên bầu trời mịt mờ khói lửa cũa Võ Định, Tân Cảnh. Rinh đã cùng phi hành đoàn thảng thốt ra đi, không kịp nói một lời trên tần số. Tôi đã mất một người bạn, một nghệ sĩ với cây đàn…Giọng hát ngọt ngào trầm ấm anh thường trình diễn trong những buổi dạ vũ của phi đoàn còn văng vẵng bên tai:

    Em đến bên tôi một chiều khi nắng qua rồi…
    Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới…
    Xa xa tiếng đàn trầm vô tư…
    Đâu đây dáng huyền bền duyên mơ…
    Bên cầu biên giới…
    Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi…

    Rinh đã vĩnh viễn ra đi, thân xác anh đã trở thành cát bụi trên vùng trời biên giới, anh không còn hiện hữu để “lặng nghe dòng đời từ từ trôi…” Rinh và tôi chỉ có hai người được chọn về với phi đoàn 215 trong tất cả các bạn cùng khóa. Anh ra đi vì khẩu phòng không oan nghiệt. Hình ảnh đau thương trở lại trong tâm trí, máu huyết trong người tôi sôi sục, tôi muốn quay trở lại ngay để trút lên đầu địch những hận thù chất chứa.

    Nhìn lại khả năng và vũ khí giới hạn trong tay, trực diện đối đầu với khẩu phòng không này quả là một sự điên rồ. Những sách vở kiến thức học ở trường bay chưa bao giờ dạy chúng tôi phương thức để đối phó với hoàn cảnh này. Trực thăng vận quá mới mẻ đối với chiến tranh Việt Nam. Những hoa tiêu trực thăng chỉ được dạy kỹ thuật bay bổng, ngoài ra họ phải tự học hỏi lấy để sống còn qua những kinh nghiệm bản thân để đối phó với một mặt trận càng ngày càng leo thang.

    Khẩu cao xạ phòng không vẫn đang chờ đợi. Lòng tôi sôi sục. Tôi chợt liên tưởng đến chiêu pháp: “dương Đông kích Tây”. Nếu tôi cho “wingman” (chiếc bay theo sau) của tôi bay vòng sát đầu ngọn cây phía Bắc của địch, tiếng động cơ ồn ào cùng tiếng chém gió của cánh quạt sẽ gây sự chú ý của tên xạ thủ phòng không và chắc chắn nó sẽ quay mũi súng chờ đợi. Bay nhanh sát trên đàu ngọn cây từ hướng Nam lên, tôi sẽ bất ngờ đột kích. Khẩu cao xạ nặng nề sẽ không kịp quay họng súng kịp để tác xạ. Nếu sự suy luận của tôi đúng, tôi chỉ cần vài ba giây ngắn ngủi đó để hoàn tất sứ mạng.

    Tôi quyết định quay tàu lui, sau khi cho chiếc trực thăng võ trang số hai biết ý định. Chúng tôi chia tay nhau, chiếc số hai thi hành nhiệm vụ “dương Bắc”, tôi ở lại chờ đợi sứ mạng “kích Nam”. Không đầy một phút sau chiếc gun số hai báo cho biết đã đến vùng. Thời cơ đã điểm, không một giây chậm trể, tôi lao con tàu về hướng khẩu phòng không. Chiếc tàu cắm đầu chúi mũi lướt vùn vụt trên đầu mặt rừng già gợn sóng nhấp nhô như mặt biển xanh. Khi chỉ còn cách bãi cỏ một khoảng ngắn, tôi kéo ngược cần lái, con tàu tức khắc ngóc đầu lên cao như con rắn hổ phùng mang trợn má trước khi mổ vào đầu địch.

    Xoẹt…xoẹt…xoẹt… Mười bốn trái “rocket” vội vã thi nhau rời con tàu lao thẳng tới dàn phòng không ẩn hiện trong đám cây góc rừng. Những tiếng nổ ầm vang dội núi đồi, bụi mù xen lẫn cành lá bay tung tóe khắp nơi. Tai nghe loáng thoáng tiếng cóc cóc đâu đó từ những khẩu AK-47. Tôi không còn thì giờ để nhìn thành quả, một tay đè mạnh cần cao độ, tay kia bẻ ngoặc cần lái, con tàu nghiêng mình lài xuống về phía bờ cây cao.

    Trước sự ngỡ ngàng của địch quân chiếc trực thăng chỉ xuất hiện năm ba giây rồi vụt biến mất dạng trên mặt rừng mênh mông, theo sau chiếc Hổ 2 sát nhập lại nối đuôi nhau như hai con rắn độc hạ thủ xong lủi vào bụi cây rậm…Trên đường trở về căn cứ, tôi hình dung một nụ cười mãn nguyện đang nở trên môi của Rinh nơi chín suối.

    ….

    – Mãnh Hổ, Charlie…Hai bạn ờ đang ở đâu, cho biết vi trí. Tiếng nói của Thiếu-tá Phạm Bính, phi đoàn trường của phi đoàn 215 đột ngột vang trong tần số VHF.

    Ngạc nhiên khi nghe chiếc Charlie gọi tôi trong giờ phút này, tôi trả lời:

    – Charlie đây Hổ!..còn chừng mười phút nữa đáp Pleiku.

    – Tôi vừa nhận được tin tức mới nhất,., căn cứ hỏa lực Charlie đang bị tấn công nguy kịch, tình trạng rất nguy ngập,..quân bạn đang cần sự yễm trợ của tất cả những phi cơ nào đang có mặt trên vùng…Hai Hổ quay lại vùng Võ Định, hiện tôi đang có mặt tại đây với Ban chỉ huy Dù, hai bạn lúc nào đến cho tôi biết, sẽ có chỉ thị.

    Vừa nghe Charlie dứt lời trên tần số Thiếu-úy Hùng quay sang nhìn tôi vài giây như dò hỏi, xong buột miệng:

    – Trời đất… trễ quá rồi tới đó là quá tối thấy đường đâu mà đánh. Trước thái độ của Hùng, tôi biết anh đã quá mệt mỏi sau một ngày dài, nhưng không có một sự lựa chọn, tôi trả lời Charlie:

    – Hổ nghe năm!., quay lại Võ Định. Nói xong tôi ra dấu tay cho Hùng quay đầu con tầu trở lại hướng Bắc. Sau lưng chiếc Hổ 2 bám sát. Nhìn ra bên ngoài, bầu trời mập mờ không còn bao lâu nữa thì tối hẳn. Lòng dấy lên một niềm e ngại, chưa bao giờ tôi thực sự tham dự một trận đánh đêm trong vùng rừng núi cao nguyên này cả. Tuy nhiên theo chỉ thị của cấp trên, tôi phải tuân lệnh. Tôi vỗ về người hoa tiêu bạn:

    – Ráng tí đi Hùng, có lẽ mình sẽ đánh vài “pass” rồi về thôi.

    Trong phi đoàn anh hoa tiêu phụ của tôi có biệt danh là “Hùng kiềng”, chân anh hơi cong cong, anh có tướng đi khệnh khạng như “cao bồi” cỡi ngựa. Anh tánh bộc trực có gì nói nấy, lại có tội hơi lè phè. Tôi còn nhớ một buổi sáng đang mơ màng nằm ngủ trong phòng bỗng nghe văng vẳng tiếng đồng hồ báo thức của ai reo dai dẳng, liên tục. Tôi ngồi dậy bước ra khỏi giường, ngang phòng Hùng thuê cách tôi một căn, tiếng reo vang rền, tôi đây nhẹ vào cửa không khóa. Hùng đang nằm ngữa mình trần trùng trục mồ hôi đổ nhễ nhại, hả miệng ngáy o…o…Hoa tiêu phụ có bổn phận phải có mặt trước để check tàu, trưởng phi cơ sẽ ra sau. Chiếc đồng hồ điện báo thức réo rắt từ sáu giờ sáng đến quá chín giờ mà anh vẫn còn chìm đắm trong giấc ngủ say.

    Hùng là một hoa tiêu phụ bay với tôi rất nhiều phi vụ và đã chia sẻ với tôi nhiều giây phút đáng nhớ. Một lần trên đường bay ra Phù Cát, giao tay lái cho Hùng xong tôi ngồi dựa ngữa vào lưng ghế, mắt nhắm lại nghỉ mệt. Trong tiếng máy nổ đều đặn, con tàu rung nhẹ dần đưa tôi vào “chốn lãng du”… Đang phiêu diêu nơi “chốn tang bồng” con tàu chợt rung động mạnh, tôi hé mở mắt ra nhìn: tất cả xung quanh con tàu bao phủ một màu mây trắng xóa, không biết đâu là trời đất. Mơ mơ màng màng, tôi tự hỏi: tàu bị lọt vô mây,., ai đang cầm lái đây?..vertigo ? Những tư tưởng mơ hồ loáng thoáng trong đâu như tia điện làm tôi tỉnh hẳn người. Hốt hoảng tôi ngồi phắt dậy, tay chụp vội cần lái la to:

    -“Ê! ê!.. chết!..chết!..”

    Vừa chưa la chưa hết câu, đột nhiên bầu trời trở lại trong sáng, dưới chân mặt biển xanh ngát một màu. Con tàu vừa bay xuyên qua một đám mây nhỏ! Sượng sùng tôi trả cần lái lại cho Hùng. Cũng nên biết trực thăng thường bay VFR (Visual Flight Rules), chun vô mây là điều bất khả kháng.

    Cuộc đời hoa tiêu trực thăng gian khổ, năm tháng đương đầu với những giờ bay dài đăng đẳng. Một ngày ngồi trên chiếc ghế bay bảy tám tiếng là chuyện thường khi hợp đoàn phải di chuyển cả tiểu đoàn bạn vào vùng hành quân. Ngồi trên ghế chai cả mông, mồ hôi đổ ướt đít đến mọc mụn.

    Một lần khác trên thung lũng “Buôn Mì Gà” vào buổi trưa hè nắng gắt, hai chiếc “gun” bay vòng trên trời chờ hợp đoàn trở về bốc thêm quân, Hùng cầm cần lái tôi ngữa đầu vào lưng ghế nghỉ rồi ngủ thiếp đi. Bay vòng chờ trên cao, mỗi khi con tàu hướng về phía mặt trời, ánh nắng dọi thẳng vào mặt nóng ran. Chợt tôi mơ một cơn ác mộng, thấy con tàu đường trở về căn cứ, mình đang bay bị bốc cháy dữ dội, lửa ngọn lan tràn đến phòng lái. Tôi hốt hoảng ngồi bật dậy la làng:

    -“Cháy!..cháy!..cháy!”

    Mở mắt ra, tim đập thình thịch, tôi ngơ ngác nhìn quanh. Bên ghế trái “Hùng kiềng” đang im lặng miệng phì phèo điếu thuốc lá trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên, rồi bật cười lớn. Biết là hố, tôi lấy tay áo quẹt lau mồ hôi đổ hột trên mặt, sửa lại thế ngồi, xong lui cui móc điếu thuốc lá châm hút, nhìn ra ngoài trời xanh, mây trắng không nói một lời

    – Sao ông thầy,., mình cần load thêm đạn không? Người xạ thủ ngồi sau khoang tàu hỏi tôi.

    – À…thôi có lẽ còn chừng đó xài đủ rồi, để coi tình trạng như thế nào đã. Chắc không lâu đâu,., đánh vài vòng rồi về,., tối rồi.

    Phía sau tàu Trung sĩ Hội xạ đang ngồi bệt trên sàn lúi húi sửa khẩu súng bị kẹt, chiếc áo bay phập phồng gió lộng trong khoang tàu mở cửa. Trung sĩ Song mê vô ngồi trên thùng đạn đang ưu tư nhìn vào khoảng không. Một niềm cảm xúc dấỵ lên trong lòng thương cho những người bạn đồng hành gần gũi qua bao nhiêu năm chung chia tất cả những vui buồn khổ cực.

    Trong những giây phút mạng sống như chỉ mành treo chuông trên mặt trận họ cũng hứng chịu không khác gì hoa tiêu, nhưng họ đã không được đề cao hay tưởng thưởng tương xứng với những gì họ đã đóng góp. Phi đội trực thăng võ trang trong phi đoàn chỉ là một nhóm nhỏ, rất thân tình gần gũi với nhau, anh em biết tánh tình từng người một.

    Trung sĩ Song xạ thủ theo đạo Phật, theo tôi biết anh kỵ sát sanh, một con kiến anh cũng không muốn giết vậy mà không hiểu tại sao anh lại xin vào phi đội trực thăng võ trang. Trong một phi vụ phía Bắc Gia Nghĩa, đang bay quan sát bãi đáp ở độ cao vài trăm bộ, bất chợt một tên Việt Cộng từ bụi cây giữa bãi cỏ trống phóng như cắt hướng về bìa rùng. Tôi la to:

    “Song!.. Song!..bắn!..bắn!..”

    Hàng ngàn viên đạn tuông ra từ nòng súng cày lên mặt đất tung tóe như mưa bấc. Tên địch vẫn chạy.. .chạy mãi đến gần bìa rừng. Tay kềm con tàu, theo dõi diễn tiến qua khung cửa, tôi điên “tiết vịt” lên lắc mạnh cần lái, con tàu chao đảo. Tôi nói to như hét:

    -“Hội!..Hội!..qua bên này bắn đi… nhanh lên…, coi chừng nó chạy mất…Bắn như con c.!”

    Nhưng đã quá muộn tên vc đã biến mất dạng dưới những tàng cây rừng rậm rạp. Tôi lầm bầm một mình trong “intercom”: Mẹ!..sợ sát sanh mà còn đòi đi bay “gun”.

    – Hổ tới đâu rồi, báo cáo…Giọng nói của Thiếu-tá Bính nghe trên tần số.

    – Chừng vài phút sẽ đến Võ Định, OK,.. tôi thấy Charlie rồi…

    Cao trên thung lũng đậm màu đêm xuống, bên con sông Pokor uốn khúc phía Tây QL 14, chiếc trực thăng Charlie lơ lững như một chấm đen trên đầu dãy “Rocket Ridge”. Phía Đông nằm sát con lộ là Võ Định, nơi đóng quân của bộ chỉ huy Lữ Đoàn 2 Dù.

    – Hổ “hold” chờ phía Đông đồi Charlie…Hổ sẽ cùng bốn chiếc “gunship” của phi đoàn 235 và 229 vào yễm trợ…chừng vài phút nữa họ sẽ có mặt….

    Tôi cho con tàu bay vòng về phía Đông dãy núi trọc nhìn xuống cụm đồi phòng thủ của đôn Charlie hình yên ngựa. Từ cao tôi có thể thấy những trái đại pháo liên tục rớt trên mặt đất của đồn, nổ tóe lửa trong ánh hoàng hôn mờ ảo, trông lập lòe chớp lóe như pháo bông. Căn cứ hỏa lực này giờ hầu như đã thành bình địa. Những công sự phòng thủ bị pháo nát, hòa lẫn với đất cát không nhận ra hình hài.

    Tại căn cứ này, địch đã dùng chiến thuật công đồn đả viện, tiền pháo hậu xung. Chúng tiêu hao tất cả những tiềm lực chiến đấu của quân bạn bằng những trái đạn đại pháo, những trái đạn nổ chậm chui xuống đất rồi nổ tung phá nát hầm sâu. Một mặt chúng ngăn chặn nguồn tiếp tế duy nhất là trực thăng bằng những khẩu phòng không bố trí xung quanh đĩnh núi hay những trái pháo đã được điều chỉnh sẵn nhắm vào bãi đáp.

    Trong bóng chiều tà, từ đỉnh đồi Charlie nhìn thẳng xuống tới chân núi phía Đông tôi vẫn còn nhận rõ một khoảng đất cỏ cháy xém, ngay chính giữa là một khối sắt co dúm đen đủi, kế bên là một khúc đuôi trực thăng còn nguyên nằm lật ngược. Tất cả đó là những gì còn sót lại của một con chim sắt thuộc phi đoàn Thần Tượng đã gãy cánh cách đây mấy ngày. Hình ảnh còn mới mẻ của phi hành đoàn thân yêu đã ra đi trong bất ngờ, trong thảng thốt như một cuốn phim kinh hoàng bừng sống lại trước mắt tôi.

    Mười giờ sáng hôm đó, năm phi hành đoàn Thần Tượng đáp tại bộ chỉ huy Dù ở căn cứ Võ Định, sát phía Đông QL 14. Chiếc Charlie do Thiếu-tá Khưu Văn Phát, phi đoàn phó 215 cầm lái. Vì Lữ Đoàn Dù chỉ đóng quân tại những căn cứ cố định trên những tiền đồn cao điểm nên những phi vụ thường là tản thương hoặc tiếp tế. Năm chiếc tầu đã tắt máy. Tôi mở cửa tàu, bước xuống đi lững thững vào bộ chỉ huy dọc theo hàng rào kẽm gai con đường đất đỏ quanh co. Gần đó là những chiếc lều dã chiến màu xanh cứt ngựa thật lớn, trên nóc đầy những cột “ăn ten” chĩa thắng lên trời. Không xa đặt vài khẩu trọng pháo, thỉnh thoảng nổ đì đùng…

    Vòng vo một khoảng nữa thì tôi đến căn trại của bộ chỉ huy Lữ Đoàn II Dù. Tôi bước vào lều. Thiếu-tá Phát đã có mặt với một vài vị sĩ quan bạn ngồi kế bên một cái bàn dài trải những tấm bản đồ xanh lơ. Kế đó Trung-tá Đặng Duy Lạc, một hoa tiêu A-37, Không đoàn Trưởng KD62/CT tại Nha Trang, đang nói chuyện với một sĩ quan cấp tá Dù. Sự hiện diện của Trung-tá Lạc làm cho tôi rất ngạc nhiên. Tôi vừa đưa tay chào theo cung cách nhà binh vừa bước đến gần bên Thiếu-tá Phát kéo chiếc ghế trống ra ngồi, xong tôi ghé sát vào tai Thiếu-tá Phát hỏi nhỏ:

    -“Ông Trung-tá Lạc làm gì ở đây vậy? ”

    -“À,., ổng chỉ lên thăm và ủng hộ tinh thần anh em thôi, chiều ổng về lại Nha Trang rồi”.

    Thiếu-tá Phát trả lời xong nói tiếp:

    -“Ngồi tí rồi mình đi, sáng hôm nay chỉ có hai phi vụ tiếp tế cho đồi Charlie… Anh còn nhớ vụ tôi bị bắn ở Tiền đồn 6 không? Phòng không đây nặng hơn nhiều… nên cẩn thận”.

    -“Thầy quá may đó,., nhìn chiếc tàu bị bắn, tôi không hiểu sao Thầy về kịp đáp Phượng Hoàng an toàn được”

    Nhớ lại hình ảnh chiếc trực thăng khi đem về căn cứ, viên đạn xụyên qua sàn tầu, đâm lủng bình xăng đi thẳng lên làm một lổ lớn trên trần tàu rồi bay thẳng lên trời, may viên đạn trúng tàu không phải là đạn lửa, không thì con tàu sẽ nổ tan xác pháo. Tôi cảm thấy cuộc đời bay bổng của hoa tiêu trực thăng thật quá mong manh, mạng sống như chỉ mành treo chuông, nhất là trong những trận chiến sôi động này, tương lai chỉ đếm từng ngày một.

    Ngồi nói chuyện đôi ba câu xong, tôi đứng dậy bước khỏi lều hút thuốc lá. Trong ánh nắng chói chang, tôi để tầm mắt về hướng Tây, dãy núi “Rocket Ridge” đứng sừng sững bất động dưới bầu trời xanh. Đã mấy ngày nay tin tức cho biết Cộng Quân đang áp đảo căn cứ trên đỉnh núi, cố tình muốn dứt nọc trước khi tổng tấn công vào vùng Tân Cảnh, dưới trách nhiệm của Sư Đoàn 22 bộ binh. Những viên đạn đại pháo 130 ly, những trái hỏa tiễn 122 ly cùng với những súng cối 82 ly ngày đêm không ngưng nghỉ rót vào những căn cứ hỏa lực.

    – “Lẹ đi, tao đá cái chết mẹ bây giờ!”

    Đang đứng dựa gốc cột dưới căn lều dã chiến bộ chỉ huy, tôi quay lại thấy một anh trung sĩ Dù, đầu đội nón “bê-rê” đỏ đi kế bên một thằng bé cỡ mười sáu tuổi mười bảy tuổi, bận bộ đồ màu xanh cứt ngựa của lính chính quy Cộng Sản, tóctai bơ phờ, mặt mày ngơ ngáo. Thấy tôi anh ngừng lai chào tôi hỏi:

    -“Anh đem nó đi đâu vậy?”

    -Dạ… tôi đưa nó đi cầu”, xong anh nói tiếp: “Nó vừa mới bị bắt sống tối hôm qua đó,., nó thuộc Sư Đoàn Thép, bộ chỉ huy cho chở về đây lấy tin tức. Tụi nó hết người rồi phải lấy toàn con nít hỉ mũi chưa sạch. Sư Đoàn Thép bây giờ toàn thứ này nhiều lắm”.

    Nhìn khuôn mặt non choẹt tái mét vì đã chui rúc trong rừng sâu nước độc, mỏng manh trong bộ quân phục xốc xếch, chân mang đôi dép quai râu, tôi thấy tội nghiệp cho những đứa trẻ “sinh Bắc tử Nam”. Anh lính Dù đứng một lát xong dục:

    – “Đi mày!”

    Tôi gật đầu chào rồi bước ra chỗ bãi đậu, lửng thửng đi ngang qua hai chiếc trực thăng chở tiếp tế. Sau khoang tàu, mấy phi hành đoàn đang tập tụ binh xập xám chờ phi vụ.

    -“Ê! bao lâu nữa thì đi?”

    Trung-úy Vân bay chiếc số một đang ngồi trong khoang tàu hỏi vọng ra.

    -“Sắp sửa rồi, chuẩn bị đi!”

    Tôi vừa bước gần Vân thấy có Thiếu-úy Long đứng kế bên, tôi hỏi một câu nửa chơi nửa thiệt :

    -“Sao? Long! giải được bùa chưa?”

    Anh không trả lời chỉ nhếch mép cười. Nghe mấy người bạn kể lại vì tội dụ dỗ một cô gái Thượng ở Ba Mê Thuột, anh đã bị thư một cái dằm vào chân, mỗi đêm đều bị nhức nhối. Tôi nghe anh em nói tưởng họ đùa, nhưng khi gặp anh Long hỏi thì anh xác nhận chuyện đó có thật. Mỗi lần trong phi đoàn có phi vụ nào đi Ba Mê Thuột anh đều xin theo để gặp thầy pháp giải bùa chữa bệnh.

    Từ ngày mặt trận bùng nổ, tôi đã cảm nhận rằng trong bầu không khí chiến tranh càng ngày càng leo thang, tâm tư anh em phi hành đoàn bắt đầu mang một nỗi e dè, lo lắng. Tối hôm qua, ở tại biệt đội, trong khi mọi người đang tụ tập bàn tán xôn xao về tin của một chiếc tàu của phi đoàn bạn bị bắn nổ trên không trung, Trung-úy Vân vừa mới lên từ Nha Trang, ngồi trong phòng tại biệt đội, anh tâm sự với một người bạn thân rằng vợ anh mới sanh, tiền bạc chẳng có nhiều, mặt trận càng ngày càng sôi động làm anh rất quan tâm…Trước khi đi ngủ anh móc tất cả trong túi lấy ra được mấy ngàn đồng, cùng với cái đồng hồ rồi bỏ tất cả trong hộc tủ, nhờ một người bạn nếu anh có mệnh hệ gì thì giao lại tất cả cho vợ anh. Nghe câu chuyện tôi linh cảm đó như là một điềm xấu có thể xảy ra cho Trung-úy Vân.

    Từ căn lều bộ chỉ huy, Trung-tá Lạc bận bộ đồ bay màu xám, chiếc nón lưỡi trai đen trên đầu với hai nhành dương liễu trắng trông rất phong độ, đi song đôi với Thiếu-tá Phát, phía sau Trung-tá Nhảy Dù đầu đội nón sắt tay cầm bản đồ và mấy người tùy tùng. Tất cả đang tiến ra bãi đậu. Âm thanh o…o…quay máy của Charlie khởi đầu cho phi vụ tiếp tế.

    Hai chiếc trực thăng vừa quay máy, vừa nhận hàng của một chiếc xe cam nhông đậu kế bên hông. Những thùng bằng gổ thông chứa đạn dược, C-Ration ( khẩu phần ăn của nhà binh) cùng với những ống sắt đựng đại bác dùng để chứa nước được chất đầy trên boong tàu. Đợi tất cả cất cánh trước cho rộng chỗ, tôi từ từ nương con tàu nặng nề súng đạn rời khỏi bãi, vượt qua hàng rào kẽm gai và những cây “ăng-ten” cao nghệu. Nhìn xuống, những căn lều lúp xúp của trung tâm hành quân Dù Võ Định vây quanh bởi hàng chục vòng kẽm gai nhỏ dần dưới ánh nắng mai gay gắt…

    Bay chừng năm bảy phút, tất cả hợp đoàn đã đến vùng. Rặng núi “Rocket Ridge” đang nằm im lìm dưới bầu trời trong xanh. Chiếc Charlie bay vòng trên cao độ nhìn xuống, căn cứ Charlie. Nơi đây gồm ba cứ điểm phòng ngự từ Nam lên Bắc, điểm thấp nhất đồi 960 cũng là bãi đậu trực thăng làm nơi tiếp tế, rồi tới đồi 1020, cao nhất phía Bắc là đỉnh Charlie, 1050. Tất cả tạo thành một địa thế từ xa nhìn giống như hình yên ngựa. Tại cụm phòng ngự này đã bị Cộng quân mở hàng loạt trận địa pháo 130 ly, 122 ly và hỏa tiễn đủ loại, chúng cố dứt điếm căn cứ này với mọi giá. Tại cao điểm này chúng có thể kiểm soát tất cả những di chuyển cũng như hoạt động dưới thung lũng sông Pokor cũng như QL 14 chạy dài tới thị xã Tân Cảnh, mục tiêu trọng yếu đầu tiên trước khi tiến chiếm Kontum. Trước đó mấy ngày căn cứ hỏa lực Yankee phía Bẳc Charlie đã bị thất thủ.

    Vòng vây địch siết chặt, áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung, sau những trận mưa pháo dữ dội, địch quân xung phong ào ạt vào căn cứ, sau bao lần đều bị đẩy lui bởi sức kháng cự mãnh liệt của những chiến sĩ Dù và sự yễm trợ của phi pháo. Sự kiên nhẫn của địch quân có giới hạn, chúng trở thành như điên cuồng lao đầu vào trước những mũi súng của quân ta. Xác của những tên Cộng quân nằm la liệt ngoài những hàng rào phòng thủ, tan nát cháy đen vì đạn pháo binh cũng như bom “napal” của những chiếc máy bay khu trục. Tình trạng đạn dược lương thực nước uống cạn dần đến mức tối thiểu, nếu không được tiếp tế trong ngày hôm nay, Tiểu Đoàn 11 của Trung-tá Nguyển Đình Bảo sẽ không còn phương tiện để chống trả sức tấn công liên tục của địch.

    Từ ngày Cộng Sản khởi động cuộc chiến tại miền Nam, chiến thuật trực thăng vận đã được đem ra áp dụng lần đầu tiên trong lịch sừ chiến tranh thế giới. Trực thăng vận đã hoạt động rất hữu hiệu trong chiến trường du kích chiến. Nhưng chiến tranh càng ngày càng leo thang, địch quân được tăng cường và trang bị thêm nhiều vũ khí tối tân hạng nặng, đặc biệt nhất là vũ khí phòng không. Trực thăng với tốc độ chậm dễ bị phương hại và đã trở thành những mục tiêu dễ dàng cho những loại súng cỡ lớn từ 12 ly 7, 37 ly và đặt biệt là những hỏa tiễn cầm tay như SA-7.

    Sự tổn thất chiến trường của ngành trực thăng càng ngày càng lên cao. Mấy ngày hôm nay những phi vụ tiếp tế đã gặp nhiều khó khăn trở ngại vì rừng phòng không và những trái đạn pháo kích chính xác địch đã điều chỉnh sẵn nhắm vào bãi đáp trực thăng. Tôi cảm thấy bất lực trước hỏa lực cũng như khả năng yêu kém của chiếc trực thăng võ trang này để bảo vệ hữu hiệu cho những người bạn đồng đội.

    Chiếc tàu tiếp tế số một của Trung-úy Vân bắt đầu vào đáp. Trên triền núi trơ trụi vì đạn pháo bao ngày qua từ màu xanh cỏ úa đã trở thành màu đất đỏ lồi lõm những hố đạn pháo. Ba điểm phòng thủ đồi Charlie đã xơ xác hoang tàn gần như thành bình địa.

    Trong cái im lặng của sự chờ đợi nghe ngóng của địch, tôi cảm tưởng như tất cả những trái đại pháo đang chờ con tàu mong manh nay đi vào ổ phục kích. Tôi cho chiếc Hổ 1 bọc sau đuôi cánh trái, chiếc Hổ 2 bên cánh phải. Từ sau lưng trên cao nhìn xuống tôi theo dõi chiếc trực thăng của Trung-úy Vân chậm chạp hạ cao độ rồi từ từ đáp xuống trên vòng tròn nhỏ của bãi trực thăng. Bụi đỏ bốc lên dưới sức gió của cánh quạt. Từ vị thế trên cao phía sau tôi nhìn xuyên qua cánh quạt trực thăng, những người lính trên tàu đạp vội vã những thùng đồ xuông bãi… Bỗng trên bãi đáp không xa hai ba trái pháo nổ bung khói đen cùng bụi đỏ bốc lên đồng thời những tiếng súng nổ vang rền lên từ triền núi kế cận. Con tàu chậin chạp từ từ quaỵ đầu lại chuẩn bị cất cánh, đồng thời trên tần số tôi nghe tiếng của Trung-úy Vân đứt đoạn:

    -“Charlie! Ground fires! Ground fires!..tàu trúng đạn!..”

    Từ những mõm núi trọc mênh mông, những viên đạn pháo không biế nơi xuất phát, những viên đạn phòng không từ những hang hóc của những ngọn đồi kế cận bắn tới tấp hướng tàu của Trung-úy Vân. Phản ứng tự nhiên, tôi cắm đầu con tàu phóng những trái “rocket” rải rác trên triền núi. Những trái hỏa tiễn nổ lốm đốm trên sườn núi, tung lên những đám bụi đỏ, yếu ớt vô hiệu quả trước kẻ thù đang ẩn nấp sâu trong hang hố đâu đó.

    Sau khi tác xạ xong tôi quay vòng lại nhìn tàu của Trung-úy Vân vừa lên cao. Trên tần số tiếng la hốt hoảng của Thiếu-tá Phát:

    -“Lead”!.. “lead”!..tàu bạn đang bốc khói nghe không trả lời?”

    Không có tiếng trả lời! Chiếc trực thăng từ bãi đáp đang lấy cao độ rời khỏi triền núi, một làn khói đen đang bốc lên từ buồng máy. Không khí căng thẳng đến tột độ.

    -“Lead! tàu bạn bị cháy…đáp ngay!..đáp ngay! Dưới chân bạn có bãi đáp trông ngay triền đôi, bạn nghe không trả lời?” Tiếng của Thiếu-tá Phát dồn dập. Từ xa, cùng cao độ tôi thấy con tàu của Trung-úy Vân lửa bắt đầu ngún lên thành ngọn bao trùm buồng máy. Lửa lan dần đến giữa thân tàu.Tôi phụ họa:

    -“Đáp…đáp…tàu cháy,..tàu cháy…đáp dưới chân đồi,., nghe không Vân?”

    Kéo hết tốc độ tôi cố đến gần chiếc tàu bị nạn. Lửa mỗi lúc mỗi cao, khoang tàu mịt mù khói đen thấp thoáng hai anh mê vô xạ thủ đang chồm về phía “cockpit” để tránh hơi nóng càng ngày càng mãnh liệt.

    – “Đáp…đáp ngay…đáp xuống triền núi có Hổ cover đây…nghe rõ trả lời?

    Hình như mọi sự liên lạc đã bị cắt đứt. Chiếc trực thăng của Trung-úy Vân đang trở thành một khối lửa cuồn cuộn, lao nhanh xuống triền núi vỡ bùng! Tất cả chỉ còn là một đống sắt đang cháy ngùn ngụt! Trong cơn hốt hoảng phi hành đoàn chỉ muốn bay xa khỏi tầm sát hại của địch mà không ước lượng được tình trạng thiệt hại của con tàu đến khi quá trễ. Tôi cho tàu lượn thấp xuống nhìn trong tuyệt vọng. Hai chiếc “gun” bay vòng tròn trên chiếc tàu bị nạn và sau đó được lệnh rời vùng. Tôi ngoái đầu nhìn đám cháy mịt mù một lần cuối rồi chuyển hướng bay, nước mắt lưng tròng…

    Trên tần số có tiếng của Thiếu-tá Phạm Bính:

    – Mãnh Hổ, đây Charlie…Bốn chiếc “gun” của hai phi đoàn bạn đã đến vùng, bạn dẫn tất cả vào mục tiêu.

    Tôi ngước đầu nhìn, từ xa bốn chấm đen từng cặp một đang bay đến trên nền trời sẩm tối.

    – Charlie…đây Mãnh Hổ!..Cho biết vị trí tác xạ chính xác? Tôi hỏi.

    – Hổ đây CharlieLhiện tại địch đã tràn ngập khắp mọi nơi, hai cao điểm thâp đã bị địch chiếm, chỉ còn đỉnh đồi Charlie đang còn giao tranh cận chiến… Bạn tự do oanh kích ngay trên căn cứ Charlie!.. nghe rõ trả lời?…

    Thiếu-tá Bính vừa dứt lời trên tần số, tôi bàng hoàng không tin những gì mình vừa nghe được:

    – Charlie, đây Hổ!.. Thiếu-tá muốn tôi đánh ngay vào đỉnh đồi!?..

    – Đúng năm!

    Tiếng nói rõ ràng và khẳng định của Charlie không còn làm tôi nghi ngờ gì nữa. Lần đầu tiên chứng kiến sự thất thủ của quân bạn ngay trước mắt. Căn cứ được đóng và bảo vệ bởi một lực lượng tinh hoa và kinh nghiệm nhất của QLVNCH, đã từng chiến thắng bao nhiêu mặt trận, đã làm cho địch nhiều phen kinh hoàng khiếp đảm, giờ đây đang bó tay trước những đợt tấn công thí mạng của đối phương. Với sự hiểu biết hạn chế của một hoa tiêu trực thăng võ trang, tôi thường tự hỏi về chiến thuật của bộ chỉ huy khi để một đơn vị tác chiến như Nhảy Dù sở trường trong việc tấn công và chủ động trong chiến trường phải đóng trụ tại một cao điểm. Thụ động chờ đợi địch là sở đoản của binh chủng Nhảy Dù. Họ được huấn luyện để tấn công, không phải để giữ đồn.

    Trong giờ phút này không thấy bóng dáng của một chiếc khu trục trên bầu trời, chắc không cần thiết nữa. Quân bạn có lẽ đã dùng hết tất cả mọi khả năng yễm trợ, sáu chiếc trực thăng võ trang bây giờ chỉ còn là những vớt vát cuối cùng cố gây tổn thất tối đa cho quân địch trước khi chúng hoàn thành mục đích của chúng.

    Lấy tần số của Charlie, tôi liên lạc được với bốn chiếc “gun” của phi đoàn bạn và tất cả sáu chiếc theo nhau đi vào vùng. Bầu trời đã tối lắm rồi, triền núi của ngọn “Rocket Ridge” mờ ẩn hiện sau nền trời đen xám. Từ trên cao độ tôi tiến gần vào mục tiêu, chỗ trũng thấp yên ngựa bãi đáp trực thăng cao điểm 960 là một trong ba cao điểm quen thuộc của cụm đồi Charlie, nơi mà Trung-úy Vân và phi hành đoàn đã bị bắn, và lên theo triền dốc và phía Bẳc vài trăm bộ là cao điểm thứ hai 1020 đã bị địch chiếm, chỉ còn lại cứ điểm cao nhất 1050 Charlie do Trung-tá Nguyễn Đình Bảo chỉ huy là đang còn giao tranh. Bay đến gần đỉnh núi cao vô tri giác đó tôi như đã cảm nhận được những trái lựu đạn đang chuyền tay nhau nô tung giữa những giao thông hào bể nát, những viên đạn súng trường bắn thật gần, những người lính Dù đang vật lộn với kẻ thù đông đảo, cố chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…

    Giờ phút này sự chính xác của những trái “rocket” của sáu chiếc trực thăng võ trang không còn cần thiết nữa. Trên bãi chiến trường này, mảnh đất nhỏ hẹp nào cũng là mục tiêu. Sau khi thông báo cho những chiếc “gun” đang theo sau, tôi cho con tàu cỡ ngàn bộ trên đỉnh cao điểm cắm đầu xuống bắt đầu oanh kích. Những trái hỏa tiễn cháy bùng nối đuôi lao xuống đỉnh núi, theo sau những vệt lửa dài chạm đất nổ tung, tóe lửa. Những khẩu “mini-gun” quay vù tuôn những viên đạn lửa nối đuôi nhau tạo một đường đỏ dài uốn éo trong ánh sáng mờ ảo.

    Theo sau những chiếc “gun” tuần tự phóng những trái “rocket” xuống đỉnh núi, những đốm lửa lóe lên bởi những trái “rocket” trong bóng đêm chập choạng như đánh thức rừng phòng không của địch. Chung quanh đỉnh đồi bỗng lấp lánh chấp chóa ánh sáng rực rỡ như cây Noel trong đêm Giáng Sinh. Một rừng tên lửa đỏ lao về hướng những chiếc trực thăng đang cắm đâu xạ kích. Tôi la lớn trong tần số:

    – “Phòng không!..phòng không!..Break! Break!..” Vừa la xong tôi kéo ngược con tàu lên cao. Những viên đạn lửa bay vút hướng lên bầu trời đen như những vì sao xẹt. Không cần thiết phải có sự chính xác nữa, tôi thông báo cho tất cả hợp đoàn “gun” xử dụng tất cả những đạn dược còn lại một lần cuối trước khi rời vùng.

    Từ khoảng cách khá an toàn xa tầm bắn của những khẩu phòng không, tôi kéo con tàu nhổng đầu lên phóng những trái “rocket” bắn vòng cầu như đạn pháo binh, những trái hỏa tiễn biến mất vào khoảng không gian mù mịt rồi rơi rớt rải rác trên đỉnh đồi tóe lửa. Những mũi súng cao xạ của địch tức thì phản ứng, từ triền núi lấp lánh những ánh lửa đỏ bay như mưa rào ngược về hướng những con tàu ẩn hiện trong bóng tối.

    Tất cả đều vô nghĩa! Trận đánh đã ngã ngũ! Những con chim sắt đang cố gắng thi hành phi vụ cuối cùng trong vô vọng. Ngọn đồi mang tên Charlie không còn nữa, chỉ còn lại là dư âm của những trận đánh kinh hoàng trong ngày tháng qua. Những người lính Dù đã anh dũng chiến đấu tới giây phút cuối cùng với vị chỉ huy anh hùng của họ, Trung-tá Nguyễn Đình Bảo.

    -Hổ đây Charlie!.. các bạn có thể trở về căn cứ. Thông báo cho tất cả biết trong vòng mười lăm phút nữa sẽ có phi vụ B-52 đến trải thảm bom. Các bạn hãy mau rời vùng!

    Tiếng nói của Thiếu-tá Phạm Bính lạnh lùng trên tần số.

    Tôi quay đầu con tàu quay rời vùng giao tranh, những đốm lửa lập lòe trên ngọn đồi Charlie đang chìm dần vào bóng tối. Trung-úy Nguyễn Tường Vân, Thiếu-úy Trần Văn Long và phi hành đoàn cùng tất cả những chiến sĩ Dù đã ở lại ngọn đồi Charlie, mãi mãi…. Xa xa, thành phố Pleiku đã lên đèn, một vùng ánh sáng lấp lánh, nhạt nhòa ẩn hiện, không biết vì đêm đen hay vì dòng lệ đã trào dâng lên khóe mắt ?

    Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
    Đã vui chơi trong cuộc đời nay
    Đã bay cao trong vòm trời đầy
    Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai
    Không có ai, từng ngày,
    không có ai đời đời, ru anh ngủ vùi,
    Mùa mưa tới trong nghĩa trang này cỏ loài chim thôi!..

    Văng vẳng đâu đây, âm thanh ì ầm rung chuyển bầu khí quyển từ thảm bom của những chiếc pháo đài bay B-52 vang vọng…






    trích Bút Ký Chiến trường: "Trên Vòm Trời Lửa Đạn"
    Vĩnh Hiếu

    https://anhdao.org/a242/mua-he-do-lua-n ... -vinh-hieu
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

40 Năm Hành Trình Tị Nạn: CÁI GIÁ CỦA TỰ DO

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          







          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tháng Tư và những chiếc lá rơi về cội

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Tháng Tư
    và những chiếc lá rơi về cội

    __________________________________
    Lâm Bình Duy Nhiên -19/04/2020






    Những ngày bị cách ly này đã cho tôi thêm chút thời gian đọc và viết lách. Có những chuyện tưởng chừng đã làm tự bấy lâu nhưng đến giờ mới ngỡ vẫn chưa xong. Trên kệ sách, nhiều cuốn vẫn còn nằm đó, chỉ đọc đôi trang rồi lại thôi…

    Theo dõi tin tức nhiều. Những con số về người bị nhiễm dịch và bị Covid-19 cướp đi mạng sống ngày càng cao tại Thụy Sĩ. Trong số những người ra đi, có cả những khuôn mặt trưởng thượng, quen thuộc của cộng đồng. Con virus không biên giới, và những cái chết, suy cho cùng, không mang quốc tịch. Số người đến đó là hết.

    Biết vậy nhưng không khỏi chạnh lòng khi nhận ra rằng những khuôn mặt của các bậc trưởng lão trong cộng đồng ngày càng thưa dần. Cứ như lá rơi về cội. Mới ngày nào, mỗi khi họp mặt nhân dịp Tết Hội Cựu Quân nhân VNCH hay ngày Quân lực, các chú, các bác còn đông đủ, dẫu sức khỏe đã bắt đầu yếu dần, thế mà ngày nay, chắc chỉ còn đếm trên đầu ngón tay…

    Có lần trò chuyện với anh Chủ tịch Hội NVQG tại Lausanne, tôi có nói:
    • ” Chẳng biết tương lai cộng đồng này rồi sẽ ra sao khi mà những năm tháng tới, các chú, các bác lần lượt ra đi!”.
    Thay cho câu trả lời là sự thở dài trong tĩnh lặng.

    Cộng đồng vốn nhỏ nhưng luôn đi đầu trong việc gìn giữ bản sắc văn hoá từ gần 40 năm qua. Đó là cộng đồng tị nạn cộng sản, không thể lẫn lộn vào đâu được dẫu thời gian trôi qua với bao thay đổi thời cuộc và nhận thức. Cộng đồng vẫn còn đó nhưng người về ngày càng thưa dần, cứ như thể sức sống chỉ còn đun nấu trong một thiểu số nhỏ, rất nhỏ, những người ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng.

    Đó là cộng đồng của những người cương trực, đã phải bỏ tất cả những gì dấu yêu và cả quê hương thân thương để sống đời tha hương, lữ khách đến giây phút cuối cùng.

    Tôi có may mắn được trò chuyện đôi lần với một bác cựu quân nhân. Bác bảo:
    • “Nhiên à, bác dứt khoát không về một khi cộng sản vẫn còn tại Việt Nam!”.
    Bác nói điều ấy cách đây cũng cả 15 năm rồi. Thế rồi một ngày cuối tháng giêng, nhận tin bác mất. Tôi và vợ ghé viếng bác lần chót. Trên cánh cửa phòng nơi bác yên nghỉ, đơn giản một tấm hình Vịnh Hạ Long. Một khoảng lặng đau buồn khi nhớ lại lời bác tâm sự. Đến cuối đời, Việt Nam vẫn trong tim nhưng sao xa vời vợi và có lẽ đó là nỗi đau khôn xiết của bao người đã phải bỏ nước ra đi.

    Có những bác đã ra đi ngay trong mùa đại dịch khi mà xã hội bị cách ly và phong tỏa khiến cho tang lễ chỉ diễn ra trong vòng tối thân mật. Nỗi buồn như thể vô biên…

    Những người còn lại cũng đã trên dưới 80. Thời gian cũng chẳng còn bao. Một bác, chủ tịch Hội cựu Quân nhân, có nói với tôi một lần:
    • ” Bác mong cộng sản không còn, bác mua vé về Việt Nam liền.
      Bác ra Bắc, thăm quê vợ. Vợ người ngoài ấy nhưng bác chưa một lần ra!”.


    Mà bác năm nay cũng đã 86 tuổi rồi!

    Và có lẽ ngày về sẽ còn rất xa, rất xa…

    Trong nỗi nhớ quê hương là hình ảnh của những năm tháng tù đày đau thương mà những người như bác đã từng phải trãi qua sau biến cố 30/4/1975. Đó là những ngày tháng “học tập cải tạo” trong những trại tù khét tiếng của cộng sản Việt Nam tại miền Bắc và miền Trung.

    Tôi hiểu vì sao những người như bác đến cuối đời vẫn không muốn về quê hương. Những gì họ đã phải sống trong những năm tháng đó đã khiến họ căm phẫn chế độ độc tài đến tận xương tủy. Có lần bác kể những người sĩ quan như bác trong các trại tù bị bắt làm việc cực kỳ nặng và bị đối xử còn tệ hơn súc vật. Làm ruộng, đào đất, trồng trọt, với hai bàn tay trắng. Bộ đội cộng sản bắt các bác phải lấy tay bóc phân người để trồng cây. Các bác không được rửa tay với nước và cứ thế đến chiều tối cán bộ mang cơm ra cho ăn. Và phải ăn với chính đôi bàn tay đầy phân người dơ bẩn và hôi thúi ấy!

    Một sự trả thù tàn bạo và vô nhân tính. Đó cũng là những gì diễn ra hàng ngày trong những trại tù khổng lồ mà chính quyền cộng sản dành cho những sĩ quan, trí thức của VNCH, của “xã hội cũ”, của những kẻ bị xem là “ngụy quân, ngụy quyền”.

    Nếu như Quần đảo Gulag của Alexandre Soljenitsyne đã lột trần sự tàn bạo của hệ thống cải tạo lao động khổ sai dày đặt do Liên Xô dựng lên thì các trại tù học tập cải tạo của cộng sản Việt Nam cũng tàn ác và khét tiếng không kém. Có những người đau đớn nhận ra rằng những điều Soljenitsyne miêu tả trong sách lại là những cực hình mình đang phải sống và phải chịu đựng hằng ngày.

    Lắng nghe những lời tâm sự của các bác, tôi chợt hiểu và cảm thông nỗi căm hờn “bên thắng cuộc” đến như thế.

    Nhưng những người của thế hệ các bác có còn bao nhiêu theo thời gian dần trôi?

    Khi mà trong nước, chế độ vẫn còn tự hào và ngợi ca “chiến thắng thần thánh”, “giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, bất chấp nỗi đau của những người đã mất tất cả, từ tự do đến quê hương, thì làm sao vết thương chiến tranh được hàn gắn và xoa dịu?

    Có người trong nước nói với tôi rằng:
    • “Thôi cứ để bọn cực đoan ở cả hai bên chết hết rồi tính chuyện hoà hợp- hoà giải sau”.
    Nghe thật tàn nhẫn!

    Ai cực đoan?
    • Những kẻ thất bại? Những kẻ tha hương?
      Hay những kẻ cầm quyền?
    Cầm quyền là cả một chế độ, cả một hệ thống, có cực đoan nằm xuống thì những kẻ khác chưa hẳn đã hết phần cực đoan thay thế. Tựu trung họ vẫn muốn duy trì chế độ và quyền lực tối cao một cách độc đoán.

    Cái gọi là “hoà hợp-hoà giải” của nhà cầm quyền là nước cờ lâu dài. Họ kiên nhẫn chờ đợi và chờ đợi cho đến khi những chiếc lá già cỗi sau cùng rơi về cội. “Cực đoan” của “những người bại cuộc” không còn nữa, thay vào đó là một thế hệ khác trẻ hơn, chán ghét hận thù, muốn quên quá khứ đau thương của cha ông, muốn vui chơi, muốn sống theo lời ru ngủ, vỗ về của nhà cầm quyền. Chính thế hệ đó là mục tiêu của chế độ để hợp thức hoá tính chính danh của họ, của đảng cộng sản với hy vọng dập tắt luôn những làn sóng đối lập bên ngoài.

    Trong một dịp Tết Trung Thu do Hội Người Việt Quốc gia tại Lausanne tổ chức, một anh thuộc hàng tinh hoa của đảng bảo với tôi rằng:
    • ” Nói thật, em phục những gì anh làm nhưng em nghĩ, vô ích thôi. Trước sau gì cộng đồng này cũng rơi vào tay họ”.

    • “Họ” là cộng đồng người Việt do sứ quán cộng sản đứng đằng sau thành lập.
    • “Họ” là nhiều người được nhà nước gởi sang để học tập và …để ở lại.
    • “ Họ” cũng có cộng đồng người Việt, đánh đồng với cả cộng đồng tị nạn.
      • Cộng đồng trí thức,
        cộng đồng du học sinh,
        cộng đồng mua bán,
        cộng đồng tương trợ,…
        với những đường lối sinh hoạt và qui trình hoạt động cụ thể nhằm từng bước cảm tình hoá bà con tị nạn để sau đó thay thế luôn cả những cộng đồng tự do tại Thuỵ Sĩ.
    • Họ biết giờ ai cũng muốn về và ai cũng ngại chuyện chính trị, ngoại trừ những thành phần “cực đoan” lớn tuổi, chiếm thiểu số.
      Trong những ngày Tết, dẫu có cờ vàng tung bay nhưng người của Sứ quán vẫn âm thầm đi dự và quan sát. Giới trí thức của đảng vẫn không ngại đưa con cái đến chơi. Họ từ từ chuẩn bị tất cả vì họ biết, trong những ngày hội ấy, số người còn nặng lòng với những khái niệm chính trị, tự do hay dân chủ chẳng còn bao nhiêu trong số hàng trăm người đi dự.




    • Cách đây hai năm, trong một Hội chợ Tết, tôi có một gian hàng bán sách Chính Trị Bình Dân của Phạm Đoan Trang. Cả ngày, từ 11 giờ sáng đến 22 giờ tối, tôi chỉ bán được 6 hay 7 cuốn. Ai cũng tránh xa gian hàng ấy kể cả những người từng một thời vượt biên trốn chạy cộng sản. Có một anh Tây, tò mò đến gian hàng xem sách, tôi định giới thiệu thì tức khắc, có lẽ cô vợ, còn rất trẻ, chạy đến kéo anh ta ra xa và giải thích gì đó. Chắc có lẽ cô ta không muốn dính líu gì đến những chủ đề “phản động” chăng?

      Trong số hàng trăm người đến dự hôm ấy, có nhiều bạn trẻ mới từ Việt Nam sang học. Họ đến gian hàng, xem tờ giới thiệu sách, cầm sách, bỏ xuống, nói nhỏ với nhau, rồi mang hủ tiếu, phở ra ăn ngay trên bàn trưng bày sách một cách vô tư. Họ cố tình xả rác ngay trên bàn, bên cạnh những cuốn sách rồi bỏ đi. Tôi phải lên tiếng bảo dọn thì họ mới miễn cưỡng làm.

      Tất cả đều có chủ đích và đứng đằng sau là sứ quán.

                
    • Khi tìm thông tin về vụ ông Lê Đình Kình và Đồng Tâm thì tôi mới biết rằng một nhà báo có tiếng của tờ Thanh Niên chỉ ở cách nhà tôi hơn 20 cây số. Cô ta là đặc phái viên của một trong những cơ quan tuyên truyền quan trọng của chế độ. Những bài viết do cô ta gởi về hoàn toàn đi ngược lại với tiêu chí của người làm báo đó là Sự Thật. Không hề có sự đàn áp bằng vũ lực và việc chống đối lực lượng thi hành công vụ là sai, cần lên án. Đó là những gì mà cô ta viết về người dân Đồng Tâm và về cái chết của ông Kình.

      Trớ trêu là có nhiều người Việt tại Thụy Sĩ đọc và tin vào luận điệu tuyên truyền không trung thực ấy.

      Trong một bài báo khác, về vấn đề Việt Nam và Trung Quốc, cô ta đã dẫn lời một chính trị gia tại thành phố Genève khi ông này khuyên Việt Nam hãy giữ thể chế độc đảng để đối đầu với những tham vọng của Bắc Kinh!

      Ông này thuộc đảng cực hữu UDC, đảng lớn nhất Thuỵ Sĩ.

      Những bài báo định hướng dư luận ngay trong lòng một cộng đồng tị nạn cộng sản chắc chắn sẽ mang lại những kết quả có lợi cho nhà cầm quyền trong tham vọng xoá bỏ những tiếng nói phản kháng cuối cùng tại đây.

                
    • Cho nên, ngay khi toàn xã hội Thụy Sĩ bị cách ly vì đại dịch Vũ Hán, thì người của sứ quán vẫn có dịp lên tiếng. Chuyện một anh chàng tiến sĩ bị nhiễm coronavirus và tự chữa bệnh ở nhà dưới sự giúp đỡ của vợ con, tưởng chừng đơn thuần chỉ là một chiến tích của riêng anh ta, lại được báo chí trong nước đưa tin rầm rộ. Rồi cả một kênh tivi tại Quận Cam bên Mỹ cũng phỏng vấn, thâu clip,… Cứ như thể có cả một bộ máy tuyên truyền hậu thuẫn. Sau những lời kể chi tiết về quá trình chống dịch thành công là lời “nhắn nhủ “ nếu có bị nhiễm dịch hãy liên lạc với sứ quán, với các hội đoàn trí thức người Việt (dĩ nhiên cũng của sứ quán) tại Thuỵ Sĩ để được trợ giúp!

      Anh này mới sang được vài năm nhưng đã mua nhà, ở xứ mà giá tiền một căn nhà nổi tiếng là không hề rẻ!



    Đấy, cái chuyện của cộng đồng tị nạn cộng sản ở đây là thế. Theo thời gian,
    • người ta đã cố tình quên đi những năm tháng cay đắng và khắc nghiệt dưới chế độ độc tài toàn trị
    • và nhất là họ muốn quên đi cái nguyên nhân của sự tha hương.
    • Họ muốn xoá khỏi ký ức những cuộc vượt biên “tìm tự do trong cái chết” đẫm nước mắt,
      thay vào đó là sống cuộc sống an lành, “hoà hợp-hoà giải” như chiêu bài của người cộng sản kêu gọi.

    Cái chuyện ở Thụy Sĩ hoàn toàn có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản.
    • Đức,
      Pháp,
      Úc,
      Canada
      thậm chí cả Mỹ,
    các hội đoàn do người cộng sản nắm giữ sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi thời cơ để thay thế cộng đồng quốc gia.

    Nhất là khi thế hệ lão thành không còn nữa và thế hệ trẻ thờ ơ với những bất công đang xảy ra tại quê nhà.

    Những chiếc lá sau cùng đang dần dần rơi về cội, trở về với cát bụi và đem theo những nỗi niềm tha hương buồn thăm thẳm của đời người. Có lẽ chẳng có dân tộc nào chịu nhiều đau thương và hận thù như dân tộc Việt. Mãi đến giờ những vết thương vẫn chưa lành và vẫn còn âm ỉ đớn đau trong cái thân thể èo uột và bệnh hoạn kia. Cái thân thể của dân tộc Việt đáng thương.

    Từ chuyện cộng đồng đến những đớn đau của đất nước mỗi khi tháng Tư lại về. Nhớ đến thế hệ “cực đoan” dám chống cộng đến cuối đời và để lại nắm tro tàn nơi đất khách quê người. Và không quên hàng triệu người đã nằm xuống vì cuộc chiến Nam-Bắc (tạm gọi như thế) đẫm máu, sau cùng chỉ mang lại hận thù và chia cắt.

    30/4 năm nay lại trong cách ly và phong tỏa do một con virus tại Vũ Hán gây ra. Chợt hỏi:
    • “45 năm rồi sao vẫn còn nhiều đắng cay và nước mắt?”.






    Lâm Binh Duy Nhiên
              

    https://www.danchimviet.info/thang-tu-v ... 020/19158/
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Thiếu tướng Lê Minh Đảo

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




























          
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Trung úy Sơn

Bài viết bởi Ngoc Han »

  •           







    Đọc lại truyện dịch của chị Lan Huệ, bài đọc không biết ở đâu, chắc anh Tư còn nhớ, chỉ dùm, đa tạ.






    Trung úy Sơn
    ______________________________
    Lan Huệ dịch từ Lieutenant Son,
    trong A Life on the Road (1990) - ký sự của Charles Kuralt (1934-1997),
    với sự giúp đở của chị Lú-Xì, anh Hoài Vọng, anh Ngọc Hân, anh Gun Ho, anh Triển. Xin cảm ơn các anh chị.

    Chân thành tưởng niệm Trung úy Sơn và những người con anh dũng của đất nước đã hy sinh cho chính nghĩa tự do.





    Mùa Xuân năm ấy, Les Midgley thốt ra một từ, mà chỉ cần chệch đi vài mươi xăng-ti-mét, tôi đã tiêu ra ma. Ông ấy nói, "Vietnam."

    Lúc đó là tháng Tư năm 1961. Ghi chú của tôi có viết rằng "Áng chừng 500 cố vấn quân sự Mỹ hiện diện ở đây." Chưa một hãng thông tấn Mỹ nào coi cuộc chiến Việt Nam đủ quan trọng để thiết lập một văn phòng thuờng trực tại quốc gia này. Cuộc thăm viếng của một phái đoàn truyền hình Mỹ bất thường đến nỗi khi anh chàng quay phim người Los Angeles, Fred Dieterich và tôi đáp xuống phi trường Saigon, chánh phủ Nam Việt Nam đã phái hẳn một chiếc Citroen với tài xế riêng, đón chúng tôi về thành phố. Họ đã sắp xếp cho chúng tôi phỏng vấn Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Dinh Tổng Thống vào sáng hôm sau.

    Diệm là tổng thống dân cử nhưng đã trở thành một nhà độc tài, ra lệnh bắt giữ phe đối lập và kiểm duyệt báo chí gắt gao hòng chiến thắng được Cộng Sản. Quân đội của ông đã chiến đấu một cách khốc liệt trong rừng thẳm, nơi đồng ruộng, và họ đang từ từ sa lầy. Trong cuộc phỏng vấn, ông Diệm thẳng thắn nói về số phận khốn khổ của đất nước mình, không hề che đậy bằng những ngôn từ hoa mỹ như tôi tưởng nhầm. Ông thẳng thừng xin viện trợ quân sự Mỹ.

    Khi Việt Nam bị chia cắt vào năm 1954, ông nói, có 900.000 người đã chạy vào Nam. Phần lớn họ là những người di cư chống Cộng, ông nói, nhưng trong đó có khoảng 10.000 người là Việt-Cộng, là binh lính có huấn luyện hẳn hoi, được lệnh trà trộn vào dân chúng và khủng bố họ.

    "Giết ấp trưởng," ông nói, "giết ấp phó, khủng bố dân chúng, kiểm soát thôn làng. Đó là sách lược của họ. Hiện nay Việt Cộng hùng mạnh hơn với sự tham gia trực tiếp của cán binh Hà Nội. Đây là một cuộc xâm lăng được ngụy trang tinh vi, được Trung Cộng và Nga Xô ủng hộ. Để chống lại họ, chánh quyền chúng tôi cần rất nhiều viện trợ quân sự từ nước Mỹ."

    Tôi đề nghị rằng là một cựu thuộc địa của Pháp, miền Nam Việt Nam có thể hy vọng vào sự giúp đỡ của người Pháp.

    "Người Pháp không có ý chí," Diệm nói thẳng. "Chỉ nước Mỹ của ông mới đủ cương quyết để bảo vệ tự do cho thế giới. Nếu nước Mỹ cũng mất đi quyết tâm của họ, Việt Nam sẽ không còn tự do nữa."

    Ngày ấy, Ngô Đình Diệm đã cho tôi một số hiểu biết về lịch sử. Và cũng như một số tiên đoán về tương lai.

    Tôi thấy Sài Gòn là thành phố hấp dẫn nhất trong các thành phố. Chiến tranh ở miền quê chưa ảnh huởng lên thủ đô. Những người tôi đã gặp, những thầy giáo, ký giả, hầu bàn và tài xế tắc-xi, tất cả đều thân thiện và chu đáo. Phụ nữ xinh đẹp, tôi nghĩ thế, tha thướt trong những tà áo trong mờ, và tiết xuân đáng yêu, và cà phê vĩa hè ngon tuyệt. Ban ngày tôi bách bộ trên những đại lộ với hàng cây rợp bóng, ban đêm trong khách sạn Majestic cổ kính tôi nằm dài trên giường dưới cây quạt trần lười lĩnh, lắng nghe dòng sông rì rào chảy. Cũng như hàng đàn phóng viên Tây Phương vào những năm sau đó, tôi đã yêu thuơng Sài Gòn. Nó thật xứng đáng cho ta chiến đấu vì nó, tôi nghĩ. Nếu thành phố rực nắng, duyên dáng này rơi vào tay Cộng Sản và trở nên xám xịt và cứng ngắc, thì chẳng còn chút hy vọng nào cho nền văn minh nhân loại.

    Mỗi ngày, tôi ghé qua phòng báo chí của chánh quyền để kỳ kèo một viên chức ở đấy cấp cho tôi giấy phép đi theo một cuộc hành quân. Ban đầu ông ấy nói, "Nguy hiểm lắm," rồi sau đó, "Không chừng," rồi khi ông ấy biết là tôi không chịu biến đi đâu cả, cuối cùng đến một ngày, "Mai nhé. Buổi trưa Trung úy Sơn sẽ đón ông ở khách sạn. Hãy chuẩn bị cho chuyến đi kéo dài mấy ngày."

    Hôm sau Fred Dieterich quăng mớ đồ nghề của anh vào phần sau chiếc xe Jeep của quân đội Việt Nam và leo lên ngồi ở băng sau. Tôi ngồi ghế trước với tài xế, với Trung úy Sơn, may thay anh là một sĩ quan Biệt Động Quân đã được huấn luyện mấy tháng ở Mỹ. Tiếng Pháp tồi tệ của tôi và mớ tiếng Anh ít ỏi của anh đủ cho chúng tôi trò chuyện với nhau trên đường rời khỏi thành phố. Mặc dù còn trẻ, Trung úy Sơn đã là một người lính dầy dạn. Gia đình anh là người quốc gia, anh nói. Anh và hai anh, đã theo Việt Minh đánh đuổi thực dân Pháp, và chính anh, một liên lạc viên, đã tham dự trận vây hãm cuối cùng ở Điện Biên Phủ năm 1954. "Nhưng chúng tôi muốn có một đất nước tự do," anh nói. "Gia đình chúng tôi không kháng chiến chống Pháp để rồi bị cai trị bởi Hồ Chí Minh." Anh nhún vai và mỉm cười. "Do đó, giờ đây chúng tôi lại tiếp tục chiến đấu. Ông sẽ gặp nhiều người giống tôi trong binh chủng Biệt Động Quân."

    Cùng với Trung Úy Sơn và đơn vị của anh, Đại đội 150 Biệt Động Quân, chúng tôi nghỉ đêm trong một nhà kho bỏ hoang thuộc địa phận quận Bến Cát. Sơn giới thiệu chúng tôi với trung đội của anh. Chúng tôi trịnh trọng bắt tay từng người và sau đó anh diễn thuyết với họ. "Tôi bảo họ, ngày mai phải chăm sóc hai anh," anh vừa nói vừa nhoẽn miệng cười.

    Khi đêm xuống, Sơn mang thức ăn đến, cơm và thịt với một thứ nước sốt hôi hôi. "Cái gì vậy?" tôi hỏi. "Tôi không biết diễn tả," anh nói, và cười to. "Dù sao, đừng có hỏi." Anh đưa ghế bố cho Fred và tôi nằm, trong khi anh và các người lính lăn lóc dưới đất trên mấy tấm chăn. "Tôi không chịu đâu," tôi nói. "Chúng tôi sẳn sàng sống y hệt như các anh." Anh dơ tay khỏi đầu. "Hai anh là khách," anh nói.

    Các sĩ quan tụ lại ở một góc nhà kho, nghiên cứu bản đồ dưới ánh sáng một ngọn đèn không chụp treo lơ lửng từ trên trần. Sáng hôm sau, ba trung đội Biệt Động Quân được điều động về phía nam tới một vùng đất giữa sông Saigon và một con kênh, hy vọng bắt được một nhóm Việt Cộng ở một nơi gọi là An Điền. Trung đội của Trung úy Sơn đi giữa. "Chúng ta không đi đường mòn," Sơn nói như xin lỗi. "Tôi rất tiếc, chân hai anh sẽ dính bùn."

    Chúng tôi khởi hành bằng xe cam nhông trước khi trời sáng. Chỉ một đoạn ngắn, xe đã ngừng lại ở ven một cánh rừng rậm. Trong bóng tối, các quân nhân đội mũ sắt, khoác súng trường và đeo băng đạn lên người trong im lặng. Trong lúc chúng tôi đổ vào rừng, pháo binh ở một nơi nào đó đàng sau chúng tôi, nã đạn 155 ly qua đầu chúng tôi vào - vào cái gì? tôi nào có biết. Vào bất kỳ thứ gì bên trong kia.

    Khi mặt trời lên, tôi nhận ra là chúng tôi đã đi qua những cụm nhà hoang vắng trong rừng."Không có ai ở nhà," Sơn nói. "Sợ chúng tôi, sợ kẻ thù. Lúc nào cũng trốn chạy."

    Cuộc pháo kích đã ngừng. Buổi sáng trở nên im ả, ngoại trừ tiếng động gây bởi khoảng ba chục đôi giày bốt trên mặt đất. Chúng tôi ra khỏi cánh rừng, leo một hàng rào kẻm gai và lội bì bõm hàng cây số đất ruộng. Freddy Dieterich và tôi đi trước người lính tiền tiêu mấy bước, quay mặt lại để quay cảnh đoàn quân tiến tới. Ngày bắt đầu nóng bức. Tôi nghĩ trong đầu, được rồi, chẳng có gì xảy ra hết. Nhưng ít nhất, mình cũng có những thước phim đẹp về cảnh hành quân trên đồng ruộng.

    Vừa khi chúng tôi lên tới chỗ cao nhất của một cái hào, tiếng súng máy nổ dòn từ hàng cây bên bờ kia của dòng suối cách chúng tôi chừng một dặm. Súng nổ to hơn, dồn dập hơn cho đến khi chúng giống như một tiếng bom dài không dứt. Chúng tôi có thể trông thấy bóng người lúp xúp chạy men theo hàng cây và nghe tiếng reo hò của họ.

    Trung úy Sơn hét to mệnh lệnh cho lính của anh. "Bị phục kích!" anh nói với tôi. "Trung đội kia đã trúng ổ phục kích. Họ cần chúng ta." Anh rút khẩu súng lục 45 ly, quơ cao khỏi đầu, dẫn binh lính xông vào chỗ giao tranh. Quân lính chạy theo anh, băng qua suối và lăn xả đến rặng cây. Không một chút chậm trễ, Fred Dieterich và tôi cũng theo kịp để ghi hình và thâu âm cảnh những người lính xung trận.

    Khi chúng tôi tới bên rặng cây, tiếng súng đã ngừng, chỉ còn lại vài tiếng nổ rời rạc từ rừng sâu vọng ra. Tôi thấy xác người rải rác ở bìa rừng, phần lớn là Biệt Động Quân, nhưng cũng có hai người mặc đồ bộ đen kiểu Việt Cộng. Một khẩu Browning, súng trường tự động nằm kế bên một xác VC. Xác kia chỉ trang bị với một thanh mã tấu.

    Trung úy Sơn cho trung đội của mình dừng lại ở hàng cây. Theo lệnh của anh, mỗi người lấy một chiếc khăn mùi-xoa và cột nó vào cánh tay trái. Sơn đưa khăn tay cho chúng tôi. "Làm như thế để vào trong kia, chúng ta không bắn nhầm nhau," anh nói. "Bây giờ mình từ từ tiến vào. Hai anh đi sát theo tôi."

    Những người lính tỏa theo hình rẻ quạt dọc theo hàng cây và theo hiệu lệnh của Sơn, chúng tôi xông vào rừng. Chúng tôi trườn tới, bốn mươi lăm mét, rồi chín mươi mét, mỗi chiến sĩ đều vô cùng cảnh giác trước những di động dù nhỏ nhặt nhất. Chúng tôi gặp thêm nhiều xác chết. Chúng tôi bò qua một người lính Biệt Động Quân bị thương nhẹ, đang cố gắng cầm máu ở ngực một đồng đội bị thương rất nặng; Sơn ngừng lại vài giây, nói với anh ta rồi tiếp tục dẫn chúng tôi, chầm chậm, không lời. Fred Dieterich thì thào. "Dễ sợ như địa ngục."

    Cuối cùng chúng tôi cũng ra tới một con đường dẫn vào một cánh rừng thưa. Ở đây có một ngôi chùa nhỏ, điêu tàn và một căn nhà tróc nóc. Sơn ra hiệu cho bốn người lính kiểm tra ngôi chùa và căn nhà. Họ dùng bá súng đẩy cửa chùa rồi ùa vào. Trống không. Họ thận trọng bao quanh căn nhà và xông vào. Trống không. Họ mừng rỡ đón những người còn lại ngay giữa trảng. Chúng tôi xếp thành một vòng tròn, mỗi người chăm chú quan sát cánh rừng tĩnh mịch.

    Và rồi trần gian biến thành địa ngục hỗn loạn. Rừng chung quanh nổ đì đùng. Chúng tôi bị bắn xối xả, tiếng súng đinh tai điếc óc. Phải mất một hai giây tôi mới hiểu, đạn đến từ những họng súng cách chúng tôi chỉ vài thước, và nhắm vào chúng tôi. Tôi nhìn quanh tìm chỗ núp, nhưng không có chỗ nào ngoại trừ một trũng cạn ở giữa trảng. Fred và tôi, cùng một lúc, nhảy vào trũng cạn này. Chúng tôi có thể nhìn thấy bóng người lố nhố trong rừng đang bắn vào chúng tôi. Không thể tin nỗi, Fred bật ổ kính chuyển sang ống tầm xa, chống mình trên khuỷu tay, nhắm vào họ, và bấm lia bấm lịa.

    "Ngừng lại!" tôi gào lên. "Núp xuống!"

    Fred Dieterich bình thản nói, "Charlie, tôi tính rồi. Bề nào cũng nên chụp vài tấm để sau này người ta còn biết chuyện gì đã xảy ra cho chúng ta."

    "Không cần đâu!" tôi quát to. "Không đúng như vậy đâu! Núp mau!"

    Mong mỏi trợ giúp cho trung đội bị phục kích đầu tiên, đoàn chúng tôi đã rơi vào một ổ phục kích khác. Dù đầu nép rất thấp, tôi cũng có thể nhìn quanh và thấy ngay rằng chúng tôi đang ở trong một tình huống nguy kịch. Rất nhiều Biệt Động Quân bị trúng đạn trong đợt tấn công đầu tiên, nằm la liệt chung quanh, đã chết hay bị thương. Tuy vậy, những người còn đứng vững vẫn chiến đấu một cách dũng cảm. Một người vừa chạy vào rừng vừa ôm súng bắn cho đến khi gục ngã dưới lằn đạn kẻ thù. Anh nằm xuống, ngón tay vẫn ghì chặt cò súng, súng của anh giựt từng tràng đạn lên trời. Những người lính khác đâu lưng thành một vòng và đều đặn bắn hàng tràng đạn vào trong rừng. Trung úy Sơn bị trúng đạn ở cánh tay, nhưng anh vẫn còn hoạt động, quỳ bên cạnh người lính truyền tin, quay mạnh cần chiếc radio từ, cố gọi cho bộ tư lệnh tiểu đoàn xin cứu viện. Fred Dieterich và tôi trườn vài mét tới gần anh để ghi hình nỗ lực này. Đạn rơi rào rào chung quanh. Sơn mặc kệ chúng và tiếp tục gật cái cần máy. Việc làm này không có hiệu quả. Không một câu trả lời nào. Chúng tôi đang ở ngoài vùng phủ sóng.

    Rồi người lính truyền tin, một cậu bé chưa quá mười bẩy hay mười tám tuổi, có một hành động can đảm táo bạo nhất mà tôi đã từng gặp. Không nói một lời, cậu thò tay vào túi xách, rút một cuồn dây kim loại, cột một đầu dây vào ăng ten của máy truyền tin. Cậu vừa tháo cuồn dây vừa chạy tới một cái cây. Miệng ngậm đầu dây, cậu trèo lên cây giữa lưới đạn bao quanh, cột dây vào một nhánh cao rồi thoăn thoắt trèo xuống, trở lại với máy truyền tin của mình, không một chút sây sướt. Cậu quay mạnh chiếc cần. Trung úy Sơn, nằm cạnh máy, nói vào mi-crô, liên lạc với tổng hành dinh của tiểu đoàn và đọc toạ độ cho họ. "Cứ nằm sát đất," anh nói với Fred và tôi. "Ổn rồi. Sẽ có lính Nhảy Dù."

    Cuộc giao tranh dịu lại. Tôi không còn thấy tên VC nào trong rừng, mặc dù thỉnh thoảng vẫn từ một chỗ nào đó vài tiếng súng còn rời rạc bắn xuyên qua trảng. Hai người lính của Sơn băng bó cánh tay cho anh, rồi với túi cứu thương, họ bò quanh để xem có thể giúp gì cho những người bị thương. Họ kéo nhiều thương binh để dựa vách ngôi chùa, nơi đó một số lớn bị sốc và chết trong khi chúng tôi chờ đợi lính Dù.

    Sơn đứng dậy, đi lòng vòng trong trảng, khuyến khích tinh thần những người còn sống. Anh đến gần Freddy và tôi, rồi quỳ xuống. "Chúng ta sắp hết đạn," anh nói. "Hai anh nên biết điều này. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ bị tấn công lần nữa, nhưng nếu có, chúng ta sẽ ..."

    Một phát súng đơn độc bắn từ trong rừng ra. Viên đạn xuyên vào chính giữa cái nón sắt của Sơn, từ ót trổ qua trán. Anh đổ ụp vào tôi và ngã xuống.

    Thoạt nhìn thì vết thương rất nhỏ. Tôi ôm đầu anh vào lòng. Tôi nhặt một nắm lá trên mặt đất và cố nhét chúng vào vết thương cho máu ngừng chảy.

    Tôi nhớ rằng phát đạn kết thúc đời Sơn là phát đạn cuối cùng đã bắn ra trong ngày hôm đó. Lính Dù tới, bằng xe cam nhông. VC đã biến mất vào rừng, cùng với người chết và thương binh của họ. Chúng tôi theo đường lộ đi vài ba cây số tới một ngôi trường làng để tụ họp lại. Có một tấm áp-phích rớt trên nền nhà, tôi nhặt lên và sau này nhờ người ta dịch. Tấm áp-phích viết: "Không góp gạo cho Cộng Sản. Không cung cấp tin tức cho Cộng Sản. Không cho Cộng Sản vào nhà." Tấm áp phích nằm dưới đất, vì Cộng Sản đã đột kích nhà trường đêm trước.

    Một Đại tá chỉ huy Biệt Động Quân, đến ngôi trường bằng xe Jeep. Ông tập hợp những người lính và nói, "Các anh là một đại đội oai hùng. Các anh đã cầm cự được kẻ thù với quân số lớn gấp năm lần. Đừng nghĩ tới người chết. Các anh chiến đấu cho lý tưởng và chiến thắng sẽ thuộc về các anh."

    Nhưng mười chín người trong đại đội không có mặt để nghe ông nói. Họ đã chết ngày hôm ấy.Trong đó có hai sĩ quan, Trung úy Sơn và viên sĩ quan chỉ huy đại đội. Tôi thấy có ít nhất mười một người bị thương; có lẽ còn có thêm nhiều người khác.

    Đại tá dành một chiếc xe bọc thép đưa Fred Dieterich và tôi trở lại Sài Gòn. Chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã về tới chốn an toàn của cái thành phố duyên dáng này. Xe chúng tôi rầm rập chạy qua những đại lộ thênh thang. Đây đó vài chiếc xe đạp thong thả lăn bánh. Những quán cà phê vỉa hè đông nghẹt khách. Chúng tôi về đến cửa chánh của khách sạn Majestic trước khi trời tối và chúng tôi mang đồ nghề của mình, đi qua hành lang tới thang máy. Mọi người đều quay lại nhìn chúng tôi, vì chúng tôi trông quá sức bẩn thỉu và lạc lõng. Sơ-mi của tôi còn bệt dính máu của Trung úy Sơn.

    Tôi không bao giờ gạt được Trung úy Sơn ra khỏi tâm trí của mình. Suốt những năm của chiến tranh Việt Nam, tôi luôn nghĩ đến anh. Tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần, theo các chuyến hành quân về quê -- nhưng khi ấy với quân đội Mỹ -- và tôi đã chứng kiến cái chết của nhiều con người nghĩa hiệp ở những cánh rừng thưa. Khi cuộc chiến kéo dài không phân thắng bại và con số thương vong của người Mỹ gia tăng, ở Mỹ đã trở thành hợp mốt khi người ta nói rằng thanh niên Mỹ chết không có chính nghĩa. Tất cả các bạn tôi đều đồng ý đó là một cuộc chiến vô đạo đức, một cuộc chiến mà đế quốc Mỹ chống phá lại "nhân dân Việt Nam."

    Tôi không bao giờ nghĩ vậy. Những người Việt mà tôi gặp không muốn dính dấp gì đến chiến tranh. Họ muốn được yên thân. Nhưng họ không được để yên. Họ bị xâm lăng bởi một đạo quân từ miền Bắc, gởi đi từ một chính quyền họ căm ghét. Tôi nghĩ đến Sơn, người đã ước muốn một nước Việt tự do nhiều đến nỗi anh đã tiếp tục vào lính, cho dù những ngày chiến đấu của anh lẽ ra phải chấm dứt từ lâu. Tôi nghĩ đến những người lính của Đại đội 150, người lính đã ôm khẩu tiểu liên chạy bổ vào rừng, người lính đã trèo cây với hàm răng ngậm sợi ăng ten. Tôi nghĩ, và tôi vẫn còn nghĩ rằng, công lý và chính nghĩa ngự trị trong những con người can đảm này. Tôi ghét lắm, khi sau này trở lại và nghe chính đồng bào của tôi gọi họ là "gooks."

    Những người sống sót -- không nhiều Biệt Động Quân đâu -- hiện thời có lẽ đang "học tập cải tạo." Thành phố Sài Gòn chậm rãi, đáng yêu đã trở thành Thành Hồ. Vết thương của cuộc chiến tranh Việt Nam ở Mỹ lành dần. Phần lớn người Mỹ không còn nhớ nhiều đến cuộc chiến, hay họ cũng chẳng hề quan tâm gì tới ước vọng của "nhân dân Việt Nam."

    Khi đến Hoa Thịnh Đốn, thỉnh thoảng tôi cũng ghé thăm Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam. Có tên của một vài người mà tôi quen biết khắc trên cẩm thạch đen. Tôi nghĩ đến họ. Không có tên của Sơn, dĩ nhiên, nhưng tôi cũng nhớ tới anh.

    Tôi chỉ gặp anh trong một ngày.

    Tôi còn chưa hề tìm biết trọn tên anh.





    Lan Huệ dịch thuật

    http://dtphorum.com/pr4/showthread.php? ... post158394
              
Last edited by Ngoc Han on Thứ bảy 25/04/20 16:24, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

ANH KHÔNG CHẾT ĐÂU ANH

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          







viewtopic.php?f=6&t=27&start=1260#p26175
          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Lai Lịch Một Tấm Ảnh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Lai Lịch Một Tấm Ảnh
    __________________________________
    Trần Đình Thục _ May 12, 2018





              

    Tấm hình sinh viên Việt Nam xuống đường ở Paris, Pháp, ngày 27 tháng Tư, 1975.

              

    Lời Giới Thiệu:

    Bức ảnh của Nhiếp Ảnh Gia Trần Ðình Thục, một sinh viên du học tại Pháp, chụp vào ngày 27/4/75 trước khi Saigon thất thủ ba ngày, đã được nhà văn Huy Phương dùng làm ảnh bìa cho cuốn “Ngậm Ngùi tháng Tư” xuất bản năm 2014, được đặt tên là “Paris Ðể Tang”.

    Trong buổi Ra Mắt Sách ngày 27/4/2014, ông Trần Ðình Thục đã được mời làm diễn giả, và ông đã kể lại vì sao tấm ảnh này đã được chụp và chụp lúc nào với tất cả tâm tình của ông.





    Tôi cũng không ngờ, khi chụp tấm hình anh chị em sinh viên Paris vào một ngày cuối tháng Tư, 1975, ngày mà họ cấp bách làm một cuộc xuống đường qua các dãy phố thành phố Paris, để ủng hộ miền Nam Việt Nam và tưởng nhớ tới những chiến sĩ thân yêu đang hy sinh trong giai đoạn mịt mù khói lửa này, lại là một tấm hình lịch sử, đánh dấu sớm ngày tang thương của đất nước. Chỉ sớm trước có 3 ngày.

    Phải, trước đó, ròng rã suốt tháng Ba, hình ảnh trên TV cho thấy người dân Ðà Nẵng chạy loạn, hình ảnh các chiến trận hoang tàn, rồi cuộc rút lui chiến thuật bỏ đứt vùng cao nguyên, rồi việc Tổng Thống Thiệu từ chức, v.v… đã dồn dập chiếm trọn giờ tin tức trên đài truyền hình, khiến cho người sinh viên Việt, sống xa quê nhà có cảm tưởng như đang ngồi trên lửa bỏng.

    Tổng Hội Sinh Viên tại Paris do anh Trần Văn Bá làm chủ tịch lúc đó, đã quyết định phải làm một cái gì để nâng đỡ tinh thần bên quê nhà, mong ước chuyển về bên ấy chút tâm hiệp với các chiến sĩ đang khốn đốn vì bom lửa đạn. Họ, những người sinh viên thuộc vùng Paris và những vùng lân cận Orsay-Antony, Nanterre, đã kêu gọi nhau cùng tổ chức “Một Ngày Cho Quê Hương”.

    Trước tiên, phải là một cuộc xuống đường để ủng hộ miền Nam.







    Ngày 27 tháng Tư, mọi người hẹn nhau tại Cư Xá Sinh Viên Quốc Gia trên đường Bertholet. Cư xá là một khách sạn 7 tầng, Hotel Lutèce, được sinh viên âu yếm gọi là Nhà Lý Toét, nằm ngay trong khu La Tinh, trung tâm của các ngôi trường đại học lớn của thủ đô Paris.

    Hotel Lutèce được chính phủ VNCH thuê dài hạn từ nhiều năm, để những sinh viên tá túc trong những năm đầu khi họ từ Việt Nam qua Paris du học, giống như một ký túc xá.

    Sinh viên đồng lòng thúc đẩy anh em xuống đường trong tinh thần tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh tại quê nhà để bản thân mọi người được tiếp tục trau dồi việc học nơi xứ người.

    Từng thước vải đen được trải ra, những dòng chữ “Vinh Danh Các Chiến Sĩ Ðã Nằm Xuống Cho Tự Do,” “Miền Nam Tự Do Bất Diệt,” “Ngày Ðại Tang,” v.v… được viết bằng tiếng Pháp, chữ trắng trên nền vải đen.

    Mỗi người tự chít cho mình vành khăn trắng trên trán, phần để nói lên tâm nguyện của mình, phần để nhận diện nhau, tránh sự trà trộn trong lúc diễn hành của những phần tử “không quốc gia,” muốn phá hoại.

    Ðúng 3 giờ trưa, anh em sinh viên bắt đầu cuộc tuần hành trong thầm lặng qua các dãy phố của Quận 5, khu đại học. Biểu ngữ được giương cao, bát nhang, lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ được căng rộng bốn góc, dẫn đầu cuộc tuần hành dài cả trăm người.

    Hoàn toàn trong im lặng, không hoan hô, đả đảo. Một sự chịu đựng đầy tôn nghiêm và trật tự. Khởi đầu đoàn người bắt đầu đi từ đường Gay Lussac, một đại lộ sát nách với Ðiện Panthéon, nơi chôn cất những vĩ nhân của nước Pháp như Voltaire, Victor Hugo, Marie Curie, v.v… Họ đi dọc xuống tới vườn Luxembourg, rồi quẹo mặt ra đường Boulevard St. Michel, đi ngang trước cửa trường La Sorbonne, ngôi trường Văn Khoa và Luật Khoa nổi tiếng của Paris. Ðoàn người qua chiếc cầu Pont St. Michel, sau đó đổ ra đại lộ Rivoli rồi trực chỉ nhắm công trường La Concorde đi tới.

    Chữ La Concorde có nghĩa là “Ðồng Tâm”. Anh em sinh viên, những đứa con của miền Nam, đang thực sự hướng về quê nhà, đang thực sự đồng tâm chia sẻ nỗi điêu đứng của đất nước trong giai đoạn tàn tạ khốn đốn này.

    Bên đường, tiếng la lối của nhóm thiên tả cũng nhiều, tiếng khích lệ từ những người lớn lái xe qua “sao không làm sớm hơn?” cũng không ít.

    Anh chị em sinh viên vẫn âm thầm tiến bước. Ban báo chí của tổng hội trao tay cho những người qua đường những tờ bươm bướm in bằng máy roneo nói lên tình trạng của một nước tự do nhỏ bé đang bị cả khối Cộng Sản phụ nhau lấn chiếm.

              

              

    Cuộc tuần hành, không có giấy phép của Tòa Đô Chính. Tình trạng đất nước đang ở giai đoạn khẩn trương, không còn thì giờ để xin phép qua thủ tục hành chánh rườm rà. Vả lại đơn xin chắc chắn cũng sẽ bị Tòa Ðại Sứ Bắc Việt và cánh tả Pháp thiên Cộng phản đối, ngăn chặn.

    Bởi vậy phải tính chuyện liều mạng tổ chức một cuộc tuần hành chớp nhoáng, trong trường hợp bị chặn lại, cũng sẽ có tiếng vang trong giới báo chí, vẫn sẽ có những phản ứng thuận lợi về hình ảnh hiền hòa của một miền Nam đang bị xâm chiếm, trái ngược với những thỏa hiệp trong Hiệp Ðịnh Paris đã được ký kết ngay tại thành phố này.







    Cuộc tuần hành tuy không hợp lệ, nhưng lại là một thành công. Thành công ở chỗ đã không bị giải tán trong suốt lộ trình. Cơ quan công lực thành phố Paris thấy những khuôn mặt sinh viên trẻ Việt Nam tuần hành đông đảo, nhưng nghiêm túc, trong trật tự, không la hét, đập phá nên họ lẳng lặng theo sát, cuối cùng, cấp trên của họ đã tiếp xúc thẳng tại chỗ với người đại diện của Tổng Hội Sinh Viên là anh Trần Văn Bá. Sau khi đã biết rõ chủ đích ôn hòa và lộ trình của đoàn người, chính họ lại đích thân hộ tống đoàn tuần hành, giúp giải tỏa những khúc kẹt xe do cuộc xuống đường gây nên để giao thông có thể tránh và rẽ qua những hướng khác, một cách nhã nhặn êm thấm.

    Tôn chỉ của xã hội Pháp là “Liberté – Égalité – Fraternité” (Tự Do – Bình Ðẳng – Nhân Ái) quả thật đã được tôn trọng một cách dân chủ.

    Riêng đối với niềm tin của những con dân đất Việt, hồn thiêng sông núi, vong linh các chiến sĩ của tiền nhân, hình như đã chứng giám và hỗ trợ cho lòng thiện tâm của lớp trẻ, nên màn đầu của chương trình “Một Ngày Cho Quê Hương” đã có được một cuộc tuần hành êm ả, thành công.

              

              

    Màn sau của cuộc biểu tình đã được dự trù là sau khi đã tới được công trường La Concorde rồi, sinh viên sẽ tới ngay trước cổng Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, nằm tại một góc của công trường La Concorde (cuối đường Rivoli) để phản đối chính sách Mỹ đã dồn miền Nam vào hoàn cảnh tang thương hiện tại.

    Nhưng khi đoàn sinh viên tới sát khu Tòa Ðại Sứ Mỹ, thì nhân viên công lực Pháp, có sĩ quan cao cấp hiện diện, đã chặn đoàn biểu tình lại. Họ nhã nhặn nói: “Chúng tôi không thể để các bạn tới gần hơn nữa.”

    Tôn trọng luật lệ xứ người, anh chị em sinh viên đã dàn hàng ngang tại một góc công trường La Concorde, chênh chếch đối diện với Tòa Ðại Sứ Mỹ, trang nghiêm làm nghi thức tưởng niệm các chiến sĩ và cất cao bài quốc ca miền Nam để kết thúc cuộc biểu dương tấm lòng chia sẻ nỗi đau thương với đất nước.

              

              

    Tiếng hát của 300 người trẻ tuy đông đảo nhưng nghe vẫn như mất hút, lạc lõng bơ vơ giữa cái không gian bao la của một công trường rộng lớn. Lạc lõng bơ vơ như thân phận côi cút của một mảnh đất nhỏ bé đang bị bỏ rơi, nằm bên kia quá nửa vòng trái đất.

    Ðoàn biểu tình sau đó kéo nhau từng nhóm nhỏ về tụ tập tại trường Chính Trị Kinh Doanh của trường Ðại Học Assas, nằm bên hông vườn Luxembourg. Giảng đường to lớn của trường đại học có khuynh hướng thân hữu này luôn luôn rộng mở cho những người con của miền Nam tự do.
    Tại đây, anh chị em sinh viên của cả ba khu đại học đã làm một đêm không ngủ, có hội thảo, có ca hát. Những bài hát quê hương, tranh đấu được anh em sinh viên tự hát an ủi nhau trong giờ phút khốn đốn của miền Nam nước Việt.

    Ba ngày sau, đâu ngờ, Sài Gòn thất thủ.

    Thôi rồi, thế là mất hết, mất Sài Gòn, mất quê hương, mất luôn ngày về của lớp trẻ vẫn hằng mơ ước một ngày có thể đóng góp phần trí tuệ của mình cho quê hương thân yêu miền Nam.





    TDT
              

    https://www.tvvn.org/lai-lich-mot-tam-a ... dinh-thuc/
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Những vành khăn tang đầu tiên, khóc cho ngày Quốc Hận 30/4 tại hải ngoại

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Những vành khăn tang đầu tiên,
    khóc cho ngày Quốc Hận 30/4 tại hải ngoại

    __________________________________
    Hàn Giang Trần Lệ Tuyền





              

    Tấm hình sinh viên Việt Nam xuống đường ở Paris, Pháp, ngày 27 tháng Tư, 1975.

              


    Gọi những vành khăn tang đầu tiên, khóc cho ngày Quốc Hận 30/4, tại hải ngoại, dù những vành khăn tang ấy, đã xuất hiện cùng với lá Cờ vàng ba Sọc Đỏ trong cuộc tuần hành của các sinh viên tại kinh đô ánh sáng Paris;
    • bởi vì vào thời điểm đó, dẫu rằng ở nhiều quốc gia trên thế giới đều có những sinh viên đang theo học ở các trường đại học,
    • nhưng những sinh viên này đã không có những hành động để biểu lộ những tấm lòng đối với các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa cũng như đồng bào; nhưng trên hết, là đối với nước Việt Nam Cộng Hòa đang bị đảng cộng sản Hà Nội, là đảng cầm quyền của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã bất chấp Hiệp định Paris, 1973, về Việt Nam, xua quân cưỡng chiếm đất nước Việt Nam Cộng Hòa trước sự dửng dưng, quay mặt làm ngơ của cả thế giới; đặc biệt là những nước đã từng đặt bút để ký vào Hiệp định này.


    Ba mươi bảy năm dài đã trôi qua rồi, nhưng chẳng hiểu tại sao giờ đây vẫn còn một số người vẫn mộng du, hoang tưởng, để rồi vẫn cứ tin và nghĩ đến chuyện cầu xin các ông tổng thống của các cường quốc để mong các "ngài" sẽ giúp người dân Việt về những điều mình mong ước.

    • Chúng ta, những người Việt Nam có tâm thành với đất nước, chắc đã thấy những hình ảnh của nạn nhân đã bị công an Việt Nam cộng sản hành hạ, đánh đập cho đến chết với những xác thân đầy những thương tích bằng dao đâm, điện giật, dùi cui, gậy gộc... đến kinh hoàng, mà chẳng hề có một cường quốc nào thèm ngó tới.
    • Ngay cả những hình ảnh của những ngọn lửa bùng lên trên thân xác của những người trẻ tuổi ở Tây Tạng, họ đã tự đốt cháy thân mình để đòi độc lập, tự do cho Tây Tạng, và mỗi ngày những cuộc tự thiêu thật sự đều tăng lên. Đó là những cuộc đấu tranh, và sự đòi hỏi vô cùng chính đáng của người dân Tây Tạng, nhưng có ông tổng thống nào thèm nói tới hay không?
      Phải nói thật nhiều như thế, để hiểu rằng sinh mạng của người Tây Tạng không bao giờ được các cường quốc xem trọng bằng quyền lợi của họ.


    Ngày xưa, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma phải băng mình chạy trốn khỏi nước, để tỵ nạn, thì các cường quốc cũng đã làm ngơ, bỏ mặc cho Tây Tạng rơi vào tay của Tầu cộng.
    • NHƯNG, trong lúc Trời sầu đất thảm ấy, chỉ có duy nhất một người đã lên tiếng ủng hộ người dân Tây Tạng; đó là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm,
    • song chẳng những về mặt tinh thần, mà còn đem hết số tiền 10.000 đô la, của Giải thưởng Leadership Magasaysay để gửi giúp cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, là vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.


    Phải nói, để hiểu hết về lòng "nhân đạo" của các cường quốc.
    • Để thấy, ngày xưa, khi Thượng tọa Thích Quảng Đức bị đồng đạo đem ra đốt chết, thì các cường quốc, đặc biệt là "đồng minh Hoa Kỳ" đã hết lòng thổi cuộc đốt người này lên tới "thượng đỉnh" để giết chết nền đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa,
    • và còn chi ra những đồng tiền máu cho bọn đâm thuê chém mướn, và chúng đã vì những đồng tiền này, mà mất hết lương tri, trở thành những tên đồ tể, giết chết cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là vị Tổng Tư Lênh đầu tiên của quân đội Việt Nam Cộng Hòa;
      và đó, là phát súng đầu tiên đã báo hiệu cho sự sụp đổ hoàn toàn, đi đến mất nước Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30/4/1975, cho đến hôm nay đã là ba mươi bảy năm, và không ai có thể biết chắc sẽ còn bao lâu nữa?!


    Phải nói, để biết rằng, suốt 37 năm qua, tại sao những cuộc đấu tranh, những cái chết vô cùng đau đớn của đồng bào Việt Nam tại quốc nội,
    • nhưng các cường quốc vẫn cứ nhắm mắt làm ngơ như không hề hay biết,
    • hoặc chỉ nói qua cho có, cho lấy lệ,
    trong khi chế độ cộng sản đã cai trị đất nước tới 37 năm, còn cả hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa thì chưa đầy hai mươi năm ?!

    Phải nói, để chúng ta tự hỏi rằng,
    • có phải vì chúng ta, những người Việt Nam yêu nước chân chính,
    • đã không thể kết hợp lại với nhau thành một đại khối dân tộc vững mạnh, để cùng nói lên tiếng nói chung, cùng đặt quyền lợi của Tổ Quốc và Dân Tộc lên hàng tối thượng, hầu có những hành động thực tiễn cho đại cuộc cứu dân, cứu nước ra khỏi bàn tay hung tàn của Tầu cộng đang chiếm cứ trên đất nước Việt Nam.


    Phải nói, để hiểu rằng,
    • nước Việt Nam Cộng Hòa dù đã bị một số người cố tình lãng quên,
    • nhưng không hề bị biến mất khi lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẫn còn phất phới tung bay ở khắp năm châu bốn bể, những nơi nào có người Việt Nam tỵ nạn cộng sản, ở nơi ấy đều có lá Cờ Vàng, mà không một quốc gia nào trên thế giới ngăn cấm người Việt tỵ nạn cộng sản treo cờ Vàng, cũng như không hề cấm cộng đồng người Việt biểu tình vào ngày Quốc Hận 30/4 với những rừng cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.
    Đó là những điều đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, không một quốc gia nào trên thế giới có thể đơn phương xé bỏ Hiệp định Paris, 1973, về Việt Nam.

    Và phải nói, để biết rằng những quốc gia đã ký vào Hiệp định Paris, 1973, về Việt Nam, theo như những điều khoản đã quy định không phủ nhận tất cả những điều khoản đã ghi trong bản Hiệp định Genève, 20/7/1954; đồng thời cũng chưa hề lên tiếng phủ nhận hiệp định này. Chính vì thế, cho nên trước Công pháp Quốc Tế,
              
    nước Việt Nam Cộng Hòa,
    gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
    vẫn không hề bị khai tử.

              
    Và vì những lẽ đó, cho nên tất cả những người Việt Nam yêu nước chân chính cần phải ngồi lại với nhau, để tìm cho ra những kế sách, để đòi lại đất nước Việt Nam Cộng Hòa, để có đủ tư cách pháp lý trước Công pháp Quốc tế, hầu đòi lại cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.





    Pháp quốc, 15/4/2012
    Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
              

    http://ydan.org/showthread.php?t=25970
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Chuyến Xe Bus Và Khúc Hát Người Lính Mù

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Chuyến Xe Bus
    Và Khúc Hát Người Lính Mù

    __________________________________
    Nguyễn Mạnh Trinh





    Sài Gòn, năm 1980. Lúc đó, cuộc “cách” cái “mạng” ngày 30 tháng Tư đã năm năm. Nhưng xem ra không khí chiến tranh vẫn còn bao phủ. Đời sống càng ngày càng đi vào bế tắc. Hè đường đầy những người đi kinh tế mới trở về hoặc vượt biên mất nhà sinh sống. Họ trở thành những người không nhà không hộ khẩu sống lây lất trong một thành phố đầy đe dọa. Những trại giam đầy ấp người tù, tù chính trị và tù hình sự. Đêm đêm là thời gian của kiểm tra hộ khẩu, của bắt người, của đe dọa chập chờn ngoài cánh cửa. Với người dân thường còn như vậy. Huống chi những người tù bị gọi là “cải tạo” trở về. Đời sống lại càng bị đe dọa hơn biết bao nhiều. Tôi cũng bị ảnh hưởng trong thời thế ấy. Sống bất hợp pháp trong nhà của mình và trong đầu óc lúc nào cũng chờ đợi một chuyến vượt biển ra đi. Cột đèn mà cũng muốn xuất ngoại, huống chi…

    Lúc ấy, phương tiện giao thông đi lại hầu như chỉ có xe buýt ở trong thành phố và xe đò đi xa ngoài thành phố. Ở bến xe, sinh hoạt thật nhộn nhịp. Như ở Xa Cảng Miền Tây lúc nào cũng đầy người mà số đông là những người chờ đợi một chuyến xe. Có người phải ngủ đêm chầu chực nhiều ngày. Nhưng nếu có tiền mua vé chợ đen, thì được đi ngay. Bao nhiêu con buôn đi hàng ngày mà còn chở theo hàng hóa cồng kềnh mà đâu có chờ đợi gì đâu. Còn xe buýt, thì là chỗ hỗn tạp. Đi xe luôn phải coi chừng, ăn cắp móc túi như ranh. Chỉ một loáng thôi, dù đã giữ gìn nhưng bị mất mát ngay một cách nhãn tiền. Thời mạt pháp, ai có thân thì giữ…

    Trên một chuyến xe, có hai người lính cũ, một mù một què, dắt díu nhau đi hát để kiếm miếng ăn độ nhật. Người què thì dẫn đường cho người mù không có mắt để đi lần theo từng hàng ghế. Họ mặc bộ quần áo trận đã rách te tua bạc phếch nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó hình ảnh của người lính thời xưa. Trên tay người lính mù là chiếc đàn mandoline cũ kỹ và anh hát những bản nhạc lính của cuộc chiến ngày cũ đã tàn nhưng còn nhiều hậu quả nhức nhối. Những bản nhạc đã vinh danh những anh hùng như
    • “Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc”
      hoặc “Người Ở Lại Charlie”.
    Khi hát tôi thấy dường như trong đôi mắt đen đục của người lính mù có chút nước mắt. Đi lần qua những hàng ghế, cũng có những người cho tiền, mặc dù họ không phải là những người khá giả trong xã hội này. Và nếu có một vài chú bộ đội phê bình nào là nhạc phản động, nào là nhạc vàng bị cấm thì họ lại bào chữa bảo vệ
    • “Người ta tàn tật đi kiếm ăn mà còn làm khó!”…


    Trong không khí đe dọa, họ vẫn cất tiếng hát. Hình như, họ đang chiến đấu với tiếng hát của mình.
    • Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…
      Hay :
      Anh không chết đâu anh người anh hùng mũ đỏ tên Đương…
      Hay
      Anh Quốc ơi từ nay trong gió ra khơi từ nay trên cánh mây trôi có hồn anh trong cõi lòng tôi.
    Ơi những tiếng hát nhắc lại một thời binh lửa mà những người bây giờ đang hát đã hiến dâng cho đất nước những phần thân thể của mình. Tự nhiên, tôi cảm thấy mình xúc động quá. Những người lính thời trước chịu bao nhiêu điều thua thiệt mà bây giờ vẫn còn cất tiếng hát bất chấp đe dọa bất chấp công an để vẳng lên tâm sự của mình. Và qua từng chuyến xe này qua chuyến xe khác, họ vẫn hát dù có khi bị bò vàng bắt hoặc đánh chửi. Những lời hát vẫn cất lên, mặc kệ bạo lực mặc kệ ngục tù.

    Có một bài thơ, đã được viết từ cảm xúc đó. Bài thơ

              

    “Chuyến Xe Bus và Khúc Hát Người Lính Mù”

    Trang lịch sử đã dầy thêm lớp bụi
    Ngăn kéo đời vùi kín mộ phần riêng
    Và lãnh đạm chẳng còn người nhắc đến
    Người trở về từ cuộc chiến lãng quên
    Đôi mắt đục nhìn mỏi mòn kiếp khác
    Đắt dìu nhau khập khiễng chuyến xe đời
    Người thua trận phần thịt xương bỏ lại
    Trên ruộng đồng sầu quê mẹ rã rời
    Chuyến xe vang lời ca nào năm cũ
    Nhắc chặng đường binh lửa lúc xa xưa
    Khói mịt mù đường chiến tranh bụi phủ
    Nghe bàng hoàng giọt nắng hắt giữa trưa
    Tiếng thê thiết gọi địa danh quen thuộc
    Thưở dọc ngang mê mải ngọn cờ bay
    Cuộc thánh chiến gió muộn phiền thổi ngược
    Dấu giầy buồn còn vết giữa sình lầy
    Ôi tiếng hát nhớ những người gục ngã
    Ngồi chuyến xe sao vang vọng nỗi niềm
    Âm thanh cao xoáy tròn tim gỗ đá
    Thúc hồn người theo nhịp thở chưa quên
    Ôi tiếng hát vinh danh đời lính chiến
    Cho máu xương không uổng phí ngày mai
    Có sương khói trong mắt đời cầu nguyện
    Để lỡ làng không chĩu nặng bờ vai
    Người thản nhiên những tia nhìn cú vọ
    Đây tàn hơi còn sót lại một đời
    Đây ngôn ngữ của Việt Nam đổ vỡ
    Vẳng không gian chợt héo một nụ cười
    Ta nghe rực cuối hồn trăm bó đuốc
    Một đời hoài tìm kiếm ánh đèn soi…”

              

    Bài thơ đó tôi viết ở Sài Gòn năm 1980. Bây giờ năm 2010, như vậy đã ba chục năm. Tôi đã rời thành phố thân yêu và cũng đã định cư ở Hoa Kỳ 30 năm. Hôm nay ngồi đọc tin về Đại Nhạc Hội tổ chức ở ngoài trời “Cám Ơn Anh” để gây quỹ cứu giúp thương phế binh của QLVNCH còn kẹt lại ở quê nhà bỗng dưng sinh ra nhiều hồi tưởng. Bài thơ dắt tôi trở về những ngày tháng năm năm 1975, khi Cộng sản đã chiếm được đất nước đã thẳng tay dã man đuổi tất cả thương bệnh binh trong quân y viện ra ngoài bất kể tình trạng nguy hiểm hay không. Nạn nhân nặng nề nhất ngay lập tức chịu ảnh hưởng thua trận chính là những người thương binh. Biết bao nhiêu là thảm cảnh xảy ra. Không hiểu họ đã xoay sở thế nào để sống còn trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát ấy.

    Chính Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn 4, trước khi quyết định tự sát đã đến thăm thương binh ở quân y viện Cần Thơ lần cuối vì ông biết số phận đáng thương của những người lính này. Trước khi tự sát, ông đã đến từng giường bệnh để an ủi những người lính đang điều trị tại đây. Ông đã não lòng khi trả lời một câu nói của người lính đang nằm viện :
    • “Thiếu Tướng đừng bỏ chúng em !”.
      “Không, Thiếu Tướng không bỏ đâu”.
    Phải, mặc dù đã đến lúc cờ tàn, ông không còn giúp đỡ gì được những anh hùng nhưng là nạn nhân của cuộc chiến nhưng tấm lòng nhân hậu của ông đã là gương sáng cho đời sau.

    Gần đây tôi có đọc một lá thư từ Việt Nam, của một người lính bị tàn phế gửi cho một người bạn. Bức thư có nhiều đoạn làm tôi suy nghĩ:

              

    “…
    Các anh ạ! Bây giờ thì buồn quá! Các anh – những sĩ quan QLVNCH, những người anh của chúng tôi, những Đại Bàng, những Bắc Đẩu, Hắc Báo của ngày nào một thời tung hoành ngang dọc khắp các chiến trường… các anh đã có một thời quang vinh và một thời nhục nhã, giờ đây sau 30 năm vẫn lặng lẽ, các anh cũng nhòa đi hình ảnh của ngày xưa?

    Các anh đã quên rồi sao? Quên rồi những chiến sĩ thuộc quyền của các anh đã nằm xuống vĩnh viễn trên đất mẹ thiêng liêng quên những đồng đội còn sống sót trong một tấm thân tật nguyền đau khổ, sống lây lất ở đầu đường xó chợ. Xin cảm ơn các anh về những đồng đô la mà các anh gửi về cho chúng tôi trong chương trình giúp đỡ thương phế binh QLVNCH. Những đồng tiền đó dù có giúp cho chúng tôi trong một thời gian ngắn, dù có an ủi cho những đớn đau vật chất được đôi phần nhưng cũng không làm sao giúp chúng tôi quên nỗi nhục nhã mất nước! Chúng tôi cần ở các anh những chuyện khác, các anh có thấu hiểu cho chúng tôi hay không? Tôi đã hiểu vì sao thằng khuân vác ở xóm trên, thằng vá xe đạp ở đầu đường, thằng chống nạng đi bán vé số ở cạnh nhà lại ghét cay ghét đắng đám Việt kiều. Họ là những người lính năm xưa, họ đã từng tuân lệnh những Đại Bàng, Thần Hổ xông pha nơi trận mạc. Họ đã từng chắt chiu từng đồng bạc nghĩa tình chung thủy gửi vào tận chốn tù đày thăm các anh. Họ đã từng uống với các anh chung rượu ân tình ngày đưa các anh lên phi cơ về vùng đất mới. Họ từng nuôi nấng một hoài vọng, một kỳ vọng ngày về vinh quang của QLVNCH.

    Nhưng chính các anh đã làm họ oán ghét đến độ khinh bỉ khi các anh áo gấm về làng, chễm chệ ngồi giữa nhà hàng khách sạn năm sao tung tiền ra để tỏ rõ một Việt Kiều yêu nước. Các anh có biết không? Từ trong sâu thẳm của cuộc đời, những người lính VNCH đang lê lết ở ngoài cửa nhà hàng mà các anh đang ăn uống vui chơi, đang nhìn các anh với ánh mắt hận thù. Hận thù lớn nhất của người lính là sự bội bạc, là sự phản bội! Không biết khi tôi kết tội các anh là phản bội có quá đáng hay không, nhưng các anh hãy tự suy nghĩ một chút sẽ thấy rõ hơn chúng tôi. Tôi không tin là tất cả các anh đã biến thái thành những tên Việt gian nhưng sự trở về như các anh trong hiện tại là đồng nghĩa với sự phản bội. Các Anh đã phản bội lại Tổ Quốc và rõ ràng nhất các anh đã phản bội lại chúng tôi
    …”

              


    Đọc lá thư ấy, lòng tôi như chùng xuống. Mỗi một người đếu có hoàn cảnh cũng như cách chọn lựa riêng nhưng tôi không ngờ rằng trong sâu thẳm của những người lính cũ còn có những nỗi niềm như thế. Sự phân cách quá sâu đậm, những con sông chia cách vẫn chưa thể lấp bằng được. Ngẫm suy lại, từ một khía cạnh nhìn ngắm khác nhau, đã có những khác biệt cho từng hành động…

    Tới bây giờ, với những người ở hải ngoại đã không quên các anh, những thương phế binh VNCH. Dù có một số ít vô ý thức trở về nước vui chơi trên nỗi nhọc nhằn của dân tộc nhưng phần đông đều hiểu và tri ân những người lính đã mang xương máu và thân thễ hiến dâng cho đất nước. Ở đại nhạc hôi “Cám Ơn Anh”, hàng chục ngàn khán gỉa đi xem không phải chỉ là đơn thuần mua vui mà là biểu lộ tinh thần biết ơn đối với người lính VNCH. Dù số tiền thu được lên tới cả triệu đô-la nhưng cũng không đủ cho nhu cầu của hàng chục ngàn người lính tàn phế cần giúp đỡ. Nhưng của ít tình nhiều, điều đó mới là đáng quý. Cũng như, với sự tham dự của cả hơn một trăm ca nhạc nghệ sỹ, cùng với cả trăm người thiện nguyện bỏ công sức và cả tiền của cá nhân, thì đó phải hiểu là một thành quả to lớn ở hải ngoại của những người dân luôn luôn tương trợ giúp đỡ nhau.
              
    Cám ơn anh!
    Những thương phế binh đã hiến dâng đời mình cho đất nước…

              





    Nguyễn Mạnh Trinh
              

    https://www.tvvn.org/chuyen-xe-bus-va-k ... h-trinh-2/
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”