- 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Tháng Ba Mùa Hỗn Loạn

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Tháng Ba Mùa Hỗn Loạn





    Lẽ ra bây giờ khi những cụm hoa huệ bắt đầu nhô lên khỏi mặt tuyết với những chồi non xanh mướt, những nhánh cây trơ cành bắt đầu quẫy mình vươn ra những mầm sống những búp non, thành phố sẽ rộn ràng chuẩn bị đón xuân trong bầu không khí tươi mới. Ở nơi đây, dẫu sẽ còn những đợt tuyết se sắt, những ngày băng giá hoặc có khi những cơn bão rét mướt đi qua, cây lá có thể gẫy đổ, sinh hoạt của thành phố có thể bị chững lại như đã từng bị trong những năm qua. Nhưng đó là chuyện của đất trời, của thiên nhiên, của thời tiết. Vậy mà tháng Ba năm nay thì không.

    Riêng với tôi, tháng Ba còn có nhiều lao xao khác. Bởi đó là tháng có ngày sinh nhật của mình, cũng là ngày thị xã cũ nơi tôi sinh ra và lớn lên rơi vào tay người bên kia chiến tuyến. Là tháng chứa đầy những giọt nước mắt buồn tủi cùng những chia ly.

    Buổi chiều tháng Ba năm nay từ trường vừa về đến nhà, tôi nhận được điện thoại của sở giáo dục báo tin trường sẽ tạm thời đóng cửa một tuần và chờ cho đến khi có lịnh mới. Thành thật mà nói trong trí tôi đã bùng lên rất nhiều điều mâu thuẫn với nhau. Trước hết tôi nghĩ tiểu bang này mới chỉ có vài người nhiễm vi khuẩn mà làm gì đã rối lên như thế. Nhưng sau đó khi nhớ đến đất nước tôi từng sống mười lăm năm dài ở Âu châu đang vùng vẫy với bịnh dịch này mà ngẩn ngơ. Rồi tôi lại nghĩ đến quê nhà. Lòng tôi não nề buồn. Tôi nhận ra ở nơi đây mới chỉ vài trường hợp nhiễm bịnh thật mà chính phủ đã quan tâm đến mức như vậy trong khi nơi ấy, gần vùng xuất phát dịch, điều kiện y tế thiếu thốn mọi bề, nhưng quan chức chỉ muốn dấu diếm mọi tin tức và vẫn ba hoa “virus không làm gì được ta”. Nhà cầm quyền ở nơi ấy vẫn coi mạng người như một trò đùa, vẫn cố vơ vét đến giọt máu cuối cùng người dân, tăng giá điện, tăng bắt bớ với những người muốn sống công bình.

    Tôi như rớt xuống. Không biết suy nghĩ thêm gì trừ những hỗn độn trong trí. Năm phút sau đó tôi nhận thêm cú điện thoại của cô bạn đồng nghiệp, hỏi tôi đã nghe tin gì chưa. Tôi đáp rồi. Bình thường tôi lười đọc email, thường nghe thông báo chuyện ở trường rất muộn nên cô bạn tôi hay nhắc giúp. Bạn bè đồng nghiệp khác trêu tôi có thư ký riêng. Chiều hôm ấy đã không ngoại lệ. Tưởng phải “tường trình” tất cả những gì mình đã được thông báo, nghe tôi trả lời thế, cô bạn có vẻ ngạc nhiên:

    – Biết rồi à?

    Tôi ừ. Cô bạn chậc lưỡi:

    – Tình hình nghe có vẻ rối nhỉ?

    Không biết trả lời thế nào, tôi đành nói:

    – Thôi kệ, nghỉ vài hôm cho khoẻ, đám con nít hành tụi mình cũng nhiều rồi mà.

    Tôi và cô cùng làm trong lớp các trẻ em tự kỷ, thường gặp phải những phản ứng bất thường của các em hằng ngày nên nhiều lúc đuối sức. Chuyện rên rỉ bảo chỉ muốn được “nghỉ vài ngày cho khoẻ” gần như ngày nào cũng được lôi ra nói. Cô bạn tôi người Ấn, sinh ra và lớn lên ở Singapore, cái đất nước ai cũng biết dẫu nhỏ bé nhưng đẹp và có đời sống rất cao so với nhiều nước đông nam Á khác, nếu không vì chuyện tình duyên trắc trở hẳn cô bạn tôi sẽ không bao giờ rời khỏi quê hương mình. Cô thường rủ tôi khi về hưu thì qua dưỡng già ở quê cô. Những chuyện nằm duỗi chân bên bờ biển, phơi nắng, hóng gió mát có lúc nửa đùa nửa thật cả cô lẫn tôi hay nói với các đồng nghiệp khác trong giờ giải lao. Tôi hẹn với cô một mùa hè nào đó, dầu chưa già, chưa về hưu tôi cũng sẽ làm một chuyến nghỉ ngơi với cô ở đó.

    Nhưng kỳ này, có lẽ còn nghỉ dài hạn, mà chắc chẳng có gì vui. Chưa tính tới chuyện lương hướng có thể không được trả, cái bầu không khí nặng nề ở chung quanh thừa sức để khiến chúng tôi ngộp thở. Những tháng Ba các năm trước, có thể gọi mùa này là mùa dịch cảm cúm vì trời nóng lạnh bất thường, nhức đầu sổ mũi hành hạ nhiều người là điều không thể tránh, nhất là trẻ em trong lớp của chúng tôi. Ngày nào đến lớp cũng có thể nghe các em lẫn cô giáo ho hen, rồi có thể thấy những khuôn mặt đầy nước mắt nước mũi, hoặc có khi sốt nóng đến độ chúng tôi phải gọi phụ huynh đến đưa về. Chúng tôi thường đùa với thời tiết trái khuấy mà không gặp những chuyện như thế, có lẽ phải ăn mừng…

    Và đang khi tôi còn suy nghĩ mông lung, cô bạn tôi lại chậc lưỡi bảo cả trường chỉ có tôi và cô người Á châu, dẫu không có ai nghi ngờ, không ai khó chịu, nhưng chắc tự mình cũng phải e dè để người khác không mất thoải mái. Tôi im lặng. Không muốn nhưng vẫn nhớ đến một vài tin tức chẳng biết thật hay giả về chuyện người châu Á bị hành hung khi dịch bịnh bùng nổ mà thở dài.

    Ngày đầu tiên không đi làm, hai đứa nhóc không đi học, ba bà cháu chúng tôi vẫn có những sinh hoạt bình thường như những kỳ nghỉ khác, nấu ăn làm bánh, vẽ viết, nên tôi chưa nhận ra sự thay đổi chóng vánh bên ngoài. Cho đến khi con gái và rể tôi trở về nhà nói mọi sinh hoạt trong thành phố đang bắt đầu chững lại, nhà hàng không có khách, tiệm tạp hoá không có những thứ vẫn có thể mua dễ dàng bất cứ khi nào như trước đây, và ngoài đường xe cộ ít hẳn lại, tôi mới bắt đầu chú ý. Tôi nói có thể một phần nào đó do nhà trường đóng cửa, không xe bus, không phụ huynh đón đưa học sinh, và người già theo lời khuyên của chính phủ không ra đường nhiều nên vắng chăng. Các con tôi không nói gì. Có lẽ cũng có cùng hy vọng như tôi là mọi sự sẽ không đến nỗi nào.

    Tuy nhiên bầu không khí lặng người mỗi ngày mỗi tăng. Dẫu gia đình chúng tôi rất bình tĩnh, không hoảng hốt, và luôn theo dõi tất cả những thông tin của chính phủ cũng như làm theo mọi điều được khuyên, đồng thời chúng tôi không bao giờ nói đến những điều bi quan, hay bàn tán về những tin tức không được kiểm nghiệm, vậy mà cũng có lúc cũng không thể giữ lòng yên bình. Chẳng hạn chỉ cần một vài việc tình cờ ập đến cùng lúc như đi mua một thứ cần dùng cho gia đình mà không nơi nào có bán, về đến nhà bạn bè lại gọi đến kể lể hoặc than thở về những bất tiện do cơn đại dịch gây ra là tâm trí đã khác. Rồi đọc thêm tin tức trên báo trên truyền hình, internet, nghe radio nhắc nhở thế nọ thế kia, cố gắng lắm nhưng có lúc tinh thần cũng xuống thấp.

    Thành phố này dân cư không đông đúc, khu vực chúng tôi sống rất yên tĩnh, êm ả. Xe cộ không qua lại nhiều khiến chúng tôi vui và hài lòng lắm. Nhưng sau ngày nhà trường đóng cửa, thư viện đóng cửa, nhìn ra đường càng lúc càng vắng, vắng đến ái ngại, lòng bất giác cũng ái ngại theo.

    Và trong những ngày ngồi nhà nhìn ra ngoài như thế, tôi bỗng chạnh lòng nhớ đến con đường trước mặt nhà vào một tháng Ba năm xưa. Cái con đường dẫu không vắng lặng nhưng yên ả, ngày trước hai bên đường còn có hàng cây kiền kiền rất đẹp. Sau này chiến tranh lan tràn, con đường cần phải mở rộng thêm nên chỉ còn lại khu vườn ươm trồng khuynh diệp. Con đường rất yên lành như vậy mà bỗng một tối khi đang ngủ, mọi người đều bị đánh thức bởi tiếng người, tiếng chân chạy ồn ào bên ngoài. Rồi những ô cửa sổ mở ra, những khung cửa chính mở ra. Mọi người đều sững sờ trước hình ảnh những đoàn người gồng gánh, bồng bế nhau như thác lũ đang đổ về phố chính.

    “Huế mất rồi!”. “Quảng Trị mất rồi!”… Đó là những câu trả lời từ những người tản cư từ bên kia đèo Hải Vân vào thị xã chúng tôi. Đó là những ngày gần cuối tháng Ba, sau khi tướng Ngô Quang Trưởng xác nhận bỏ Huế vì đã thất thủ Quảng Trị. Đó là những ngày mà sau đó các đoàn xe công voa không còn chạy ra tuyến đầu mà đều ngược về phương nam. Là những ngày người người nhà nhà hỗn loạn với các tin tức lạnh người tràn về. Mất nơi này, mất nơi kia. Và cũng vẫn như hiện tại, không ai dám cả quyết những gì sắp xảy đến trong tương lai, có những gia đình cũng gắng không hoang mang, nhưng rồi vẫn không thể ngồi yên.

    Những ngày cuối tháng Ba ấy, trường lớp thưa dần rồi còn lại lèo tèo không bao nhiêu học sinh đến lớp. Tôi cũng đã đến trường cho đến một ngày cổng hoàn toàn đóng. Chúng tôi đã thẩn thờ ra về trên những con phố vắng lặng, tàn hoang. Nhiều nơi đã đóng cửa, hàng quán phố chợ đã tiêu điều, nhiều nhà đã không còn ở lại. Cái nhộn nhịp biến mất, sức sống của thị xã như chết rũ theo. Tôi trở về nhà với lòng buồn bã nhưng chưa biết nỗi lo lắng của người lớn. Mãi hôm sau khi nhiều người đến nhà kể cho ba mẹ tôi nghe kho gạo gần thương cảng đã bị cướp, nhiều gia đình bỏ đi sớm cũng bị người tản cư vào ở hoặc bị ai đó vào nhà sục của, tôi mới thấy sự lo sợ nhuốm lên. Khi xe quân trấn không còn tuần hành trên đường để giữ an ninh, ba tôi hỏi mẹ tôi có nên đi hay không. Đi hay không? Di tản hay không? Mẹ tôi không biết trả lời thế nào nên ba tôi chạy lên nhà cô họ tôi, người có chức vụ cao nhất của hãng hàng không Việt Nam tại thị xã để hỏi vé máy bay. Trước đó vài tháng ba mẹ tôi đã đặt cọc tiền mua nhà ở Sài Gòn, nên chuyện vào thủ đô đúng là điều nên làm. Nhưng đến lúc ấy thì mọi sự đều đã muộn. Ngay cả cô tôi mà cũng không có phương tiện nào để ra đi…

    Cuối tháng Ba thị xã mất. Gia đình tôi kẹt ở lại như rất nhiều người. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh thành phố dần dà bớt hỗn loạn nhưng sau đó là chìm hẳn vào hoang tàn. Bóng tối trùm lên mọi ngõ ngách, mọi đời sống. Mỗi một ngày qua đi là một cơn đau nhức. Mỗi một ngày qua đi là một nỗi kinh hoàng…

    Bốn mươi lăm năm sau, trên một đất nước thanh bình, yên ổn, bỗng bất chợt như bắt gặp lại những cảm giác bồn chồn bất ổn xưa kia. Mặc dầu là những nỗi lo sợ không có tên vì không là lửa đạn, không là chinh chiến, không là người có thể giết người bằng súng, bằng khủng bố, bằng cả cái đói nhưng chúng vẫn có một sức mạnh rất lớn. Nỗi lo sợ bây giờ có thể bị thổi phồng từ truyền thông, từ thông tin không chinh xác, từ người nọ lan sang người kia, hoặc từ đâu không rõ nhưng đã nhưng bùng lên dữ dội và nổ ra ở khắp nơi, không chỉ ở một đất nước mà nhiều đất nước khiến không ai có thể ngồi yên.

    Tôi đã buồn rầu nhiều ngày. Nặng nề nhiều ngày. Nhưng sáng nay khi thức dậy, đọc những lời chia buồn, những bài viết về nữ danh ca đã không còn ở với chúng ta, đọc thêm tin cựu thiếu tướng đã quyết đấu với kẻ thù cho đến giờ phút cuối cùng cũng vừa giã từ cõi đời, tôi tự hỏi, giả sử giờ này Chúa muốn tôi ra đi, kể cả ra đi vì bịnh cúm đang hoành hành khắp thế giới chăng nữa, tôi sẽ nói gì với Chúa? Xin Ngài cho ở lại hay tôi sẽ sẵn sàng? Tôi đã vâng lời Ngài dạy sống cách bình tĩnh và đầy niềm tin yêu. Tôi cũng đã “Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên”. Đặc biệt trong mùa dịch bịnh, tôi đã làm theo tất cả những gì sở y tế chỉ bảo, tuân thủ các luật lệ chính phủ ban hành. Nhưng nếu dịch bịnh vẫn xảy đến với tôi, thì phải chăng là ngày giờ của tôi đã được định, tôi có nên vui vẻ lên đường?

    Tôi đã ngồi yên nhiều giờ để suy gẫm. Và cuối cùng tôi yên lòng. Tôi nghĩ thêm, những ngày cuối tháng Ba ở đây rồi cũng sẽ hết, những tháng năm khác cũng sẽ qua, dịch bịnh cho dẫu có chậm đi chăng nữa cũng sẽ không còn. Nhưng sau đại dịch, nếu tôi vẫn còn hiện hữu trên trái đất này, nơi tôi đang sống và nhiều nơi khác trên thế giới chắc chắn sẽ không có những gương mặt người đáng sợ, những khủng bố tinh thần kinh khiếp, những ngày đói rách cùng cực do một thứ chủ nghĩa tạo nên. Cuộc sống ở nơi đây chắc chắn sẽ trở về bình yên như trước.
    Phải, mọi thứ sẽ phải qua đi.

    Tôi chỉ thương cho quê hương vẫn còn muôn vàn khốn khó, rồi sẽ khốn khó thêm. Thương cho những mảnh đời bất hạnh vẫn còn nhiều lắm, ở nơi đó, đã nhọc nhằn sẽ còn nhọc nhằn thêm…
    Tôi đã cầu nguyện. Tôi đang cầu nguyện. Và tôi sẽ cầu nguyện cho quê hương tôi… Nhưng lòng tôi đau đớn vô cùng.

    HOÀNG NGA


    Nguồn:https://vietluan.com.au

              
Last edited by Bạch Vân on Thứ hai 20/04/20 17:36, edited 1 time in total.
Ngoc Han
Bài viết: 1582
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Ngoc Han »

Đọc lại Tháng Ba Gãy Súng-Cao Xuân Huy,

http://cothommagazine.com/CoThompdf/Tha ... y-1985.pdf
          


          
          


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hoa Địa Ngục - Thơ Nguyễn Chí Thiện - Tao Đàn Hoàng Oanh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          










Bản 1 - 13


Bản 14 - 25





viewtopic.php?f=131&t=3598&p=25852#p25852
          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tháng Tư ngày đó

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Tháng Tư ngày đó
    __________________________________
    Nguyễn Thị Thêm







    Tháng ba 1975 Đà Nẵng trong cơn sốt chiến tranh. Ngôi trường tôi dạy tạm thời cho học sinh nghỉ học. Người dân tị nạn từ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị chạy vào lũ lượt. Trường mở cửa để làm trại tiếp cư. Các giáo viên phải có mặt để giúp đở dân chúng.

    Nhà tôi ở đối diện với trường học. Đó là lý do tôi nhất định xin về dạy tại đây để tiện việc đi về. Mặc dù bên Ty Giáo Dục Đà Nẵng đã bố trí tôi dạy tại trung tâm thành phố.

    Con nhỏ tên Khanh dạy chung trường với tôi đã khuyên tôi từ tháng trước:
    - Em nói với riêng chị, Đà Nẵng sẽ mất về phía bên kia. Chị nên rút hết tiền nhà băng ra và tìm cách cho anh ở nhà đừng về đơn vị. Quân Giải phóng sắp về.

    Tôi nhìn Khanh bằng đôi mắt nghi ngờ. Đã từng ở vùng xôi đậu, tôi hiểu hai bộ mặt của một con người. Tôi nói:
    - Em làm việc cho phía bên kia hả?

    Nó cười:
    -Em mà làm gì. Em nghe người ta nói!

    Thế là Khanh rút tiền ngân hàng, dẫn nhóm tôi đi Chợ Cồn ăn uống một bữa thịnh soạn. Em mua tặng cho mỗi đứa một xấp vải áo dài hoa đồng màu và lơi dần không đi dạy. Chúng tôi phải thay phiên nhau đứng lớp dùm. Khi đoàn người tị nạn về trường, Khanh chỉ có mặt vài lần để xem tình hình. Lần cuối em nhắc tôi lần nữa:
    - Chị đã làm như lời em dặn chưa? Hãy tin em. Em coi chị như chị ruột nên mới dám nói. Chị xem em nè.

    Nói xong Khanh xòe hai bàn tay đã cắt móng sạch sẽ không sơn màu mè đỏ rực như lúc trước. Nó ôm tôi thật chặt. Cho địa chỉ nhà dặn khi nào cần thì tìm nó. Xong nó biến mất không tới trường.

    Tôi lúc đó chạy qua chạy về phụ sắp xếp và giúp đỡ cho bà con trong nỗi lo sợ. Thế nhưng tôi nói ra thì mẹ chồng không tin, còn chồng thì ở mãi đơn vị với bao nhiêu tin xấu từ hậu cứ đưa về.

    Đêm đêm pháo dội về ầm ĩ, vì nhà tôi gần phi trường Phước Tường. Đêm nào tôi cũng ôm con chạy xuống hầm trú ẩn. Tôi cũng như mọi người dân ở đây sống hồi hộp vô cùng.

    Radio loan tin quân ta đã tháo chạy nhiều nơi và Đà Nẵng trong cơn dầu sôi lửa bỏng. Thiên hạ đua nhau tháo chạy về hướng bến tàu, nhà cửa bỏ trống, mọi người không màng làm ăn, chỉ nghe ngóng và bàn tính đi hay ở lại. Chợ thưa dần, dường những tên nằm vùng đã chính thức lộ mặt. Chồng tôi vẫn còn ở bộ chỉ huy trung đoàn. Mọi tin tức về anh mù mịt, không biết dọ hỏi nơi nào. Ai chạy mặc ai, chúng tôi chỉ ngồi nhà chờ tin anh trong sự hồi hộp và hoang mang.

              

              

    Ngày tiếp ngày, Đà Nẵng vẫn hổn loạn, bọn hôi của nhào vào những nhà chạy loạn lấy đồ. Những chiếc xe đạp, xe Honda, xe ba gác xuôi ngược với đủ thứ đồ dùng gia đình trên đó. Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện những người mang trên tay những băng đỏ. Họ nghênh ngang đi khắp mọi nơi, mặt đằng đằng sát khí. Những tin xấu trên radio vẫn liên tục đưa về. Chồng tôi vẫn bặt tăm. Chết sống ra sao không rõ.

    Nhà tôi cũng là một trại tạm cư, ba gia đình bà con bên chồng từ Quảng Trị vào lánh nạn. Mụ Xếp đến ở nhà tôi với cô con gái thật đẹp tuổi đang độ 17, 18. Đây là gia đình có người đi tập kết. Họ vui ra mặt khi cuộc chiến mỗi lúc nghiêng về phía bên kia. Gia đình anh Bi với hai vợ chồng và 5 đứa con nhỏ. Gia đình chú Đen, 2 vợ chồng với đứa con trai. Mẹ chồng tôi đã mua gạo thật nhiều gạo và thức ăn khô dự trữ để phòng khi hữu sự. Bây giờ là lúc phải dùng để phục vụ cho hơn 10 người đến ở mà không biết khi nào cuộc chiến chấm dứt.

    Gia đình mụ Xếp bán vải nên đồ đạc mụ đem tị nạn chất chật căn phòng bên hông nhà. Vợ chồng anh Bi sáng sớm là bỏ đi ra ngoài. Tôi không biết anh chị đi đâu, bầy cháu tôi phải lo cho ăn uống và chăm sóc. Mỗi lần về đến nhà là đem rất nhiều đồ đạc. Anh chị bỏ vào trong phòng khách dành riêng cho anh chị. Tôi đoán anh chị đi hôi của những tiệm mà chủ đã bỏ đi ra bến tàu, nhưng không dám hỏi.

    Tôi bận bịu với trường, con và 5 đứa cháu. Nấu nướng, cơm nước liền tay. Mẹ chồng tôi hết đi ra rồi đi vô, thở dài lo lắng. Có lúc bà và Mụ Xếp dẫn nhau đi dò tình hình cả buổi trời. Về nhà bà ngồi khóc vì không biết con trai mình sẽ ra sao.

    Cuối cùng, trong cơn hổn loạn đó, chồng tôi đã về với một toán lính mặt mày xơ xác, đầy mỏi mệt và sợ hãi. Họ mặc quân phục, súng ống đầy đủ vì từ căn cứ về. Nghe kể, chồng tôi ở trung tâm hành quân và nhận lệnh bỏ ngõ, nhưng không liên lạc được với Đại đội cũ của mình. Lo cho lính tráng anh đích thân lên tận nơi đóng quân của Đại đội để kéo họ về. Lịnh trên tuyên bố bỏ Đà Nẵng, ở lại chiến đấu chỉ có con đường chết. Cho nên anh cùng một số lính về đây. Một số tan hàng đã trà trộn với dân chúng tìm về gia đình.

    Tôi lo làm cơm nấu thức ăn cho một đại gia đình tối tăm mặt mũi. Ăn cơm xong, chồng tôi quyết định cùng anh em ra bến tàu chạy về Sài gòn.

    Có người về báo tin ở bến tàu rất hổn loạn, lính và dân tràn về không thể chen chân. Mọi người tranh nhau tìm một chỗ để thoát khỏi Đà Nẵng. Nghe nói có nổ súng và có người chết.

              

              

    Má chồng tôi lưỡng lự không muốn chạy vì còn phần mộ tổ tiên ở quê. Thương con bà đành chìu chúng tôi, miễn cưỡng đi theo. Mấy gia đình tạm cư nhà tôi họ ở lại chờ tình hình. Gia đình tôi nói lời từ biệt và gửi nhà lại cho họ trông chừng dùm. Những người lính đi thành một vòng cung bảo vệ đưa gia đình ông thầy ra bến tàu. Đi được một quảng đường, hòa mình vào dòng người di tản đông đúc, hỗn tạp, má chồng tôi không đi tiếp. Dừng ngay giữa đường, bà nói:
    - Thôi! Vợ chồng mi đi đi. Mạ không đi nữa, mạ về có chết ở cươi mạ cũng chịu. Nếu còn sống thì mạ về quê lo phần mộ tổ tiên ông bà.

    Là con một, mẹ anh ấy đã ở vậy nuôi con từ lúc chồng mất thật sớm, chồng tôi không thể làm đứa con bất hiếu. Anh quyết định ở lại cùng mẹ. Từ giã đồng đội, chồng tôi dẫn mẹ và vợ con rẽ đoàn người để ngược lại về nhà. Đó là ngày 28/3/1975.

    Về nhà được một chút, mừng vì nhà không bị người ngoài vào hôi của. Chưa biết phải làm gì trong tình thế hổn loạn, thì xe chở người bên kia, cờ xí rợp trời, reo la inh ỏi chạy ngang đường lộ. Đà Nẵng đã thật sự thất thủ.

    Tới tối, những người lính lục đục trở về nhà tôi trong sự sợ hãi, mọi việc đã kết thúc. Tôi lôi đồ dân sự của chồng phân phát cho họ. Mấy anh em quăng quân trang, súng, đạn xuống cái hố kế ao rau muống sau nhà. Cuộc đời binh nghiệp chấm dứt hôm nay.

    Chồng tôi cố thủ trong nhà để chăm mấy đứa cháu và con. Tôi đi chợ nấu ăn tất bật cả ngày. Những người lính cũng chỉ biết ngồi nhà nghe radio, thỉnh thoảng ra ngoài nghe ngóng. Không khí trong nhà trầm lại, nặng nề. Dường như có một bàn tay vô hình siết chặc cổ. Đau đớn, ngộp thở không thể vẫy vùng. Những người cùng quê ra khỏi nhà mỗi ngày, chôm đồ cũng có, tìm bà con cũng có. Họ dọ dẫm tìm phương tiện về lại Quảng Trị.

    Cuối tháng ba, đầu tháng tư những người bà con bên chồng tôi từng đi tập kết đã có mặt ở Đà Nẵng. Họ tìm cách liên lạc và nhắn tin khuyên má chồng tôi về quê. Những người tạm cư nhà tôi lần lượt rời nhà tôi để về quê. Khi đi họ ít đồ. Khi về nhiều hơn. Chỉ có nhà tôi gạo cũng lưng, thức ăn cũng hết và tiền bạc cũng không còn là bao. Bây giờ đã đến lúc mạnh ai nấy bơi.

    Tôi thuyên chuyển về đây dạy học, lương truy lãnh đầu tháng tư sẽ nhận coi như mất trắng. Mẹ con tôi dành dụm mới mua cái nhà này. Bà chủ nhà bán gấp để theo Cha Đạo vào Nam. Mọi sự việc xảy ra bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên chồng tôi còn sống và về nhà kịp thời là sự may mắn nhất hiện giờ.

    Những người lính quê miền Trung chia tay chúng tôi về lại gia đình. Những người quê miền Nam không biết đi đâu, vẫn ở lại nhà tôi chờ đợi tình hình. Họ là những người bạn, người em chân thành dễ mến. Họ cũng như tôi đang hướng về Sài Gòn với tất cả thương yêu và lo lắng.

    Má chồng tôi quyết định đem gia đình về lại quê nhà để ổn định đời sống. Nhất là để gặp lại người em trai út đã tập kết ra Bắc bao nhiêu năm không gặp.Tôi tìm Khanh, nhỏ bạn dạy chung. Đến nhà mới phát hiện nhà Khanh là căn cứ nằm vùng. Ba em ấy là thành ủy và gia đình thuộc thành phần cốt cán của chính quyền mới.

    Khanh khuyên tôi đừng về Quảng Trị, hãy ở lại Đà Nẵng vì ở thành phố chính sách cho "lính ngụy" sẽ khác hơn. Tôi không thể cưỡng lại quyết định của mẹ chồng và chồng nên đành phải ra đi. Khanh dẫn tôi đến Ty Giáo Dục Đà Nẵng. Giữa cơn hỗn loạn, giấy tờ văn thư tung tóe khắp nơi, mà em vẫn tìm ra người tiếp quản . Em xin cho tôi được giấy thuyên chuyển từ ty giáo dục Đà Nẵng về Quảng Trị. Đưa giấy tờ cho tôi. Khanh dặn:
    - Em khó khăn lắm mới có được giấy này. Chị phải giữ kỹ, không thể xin cái thứ hai. Vì khi ổn định, thành phần cán bộ cốt cán sẽ thay đổi . Chị nhớ chỉ trao cho Ty Giáo Dục Quảng Trị, không đưa cho bất cứ ai ở cấp Xã, Huyện. Chị phải đi dạy vì chị là một nhà giáo giỏi, có chuyên môn.

    Khanh ôm tôi lưu luyến và từ biệt. Còn tôi trong vòng tay ấm áp đó tôi chợt rùng mình. Thì ra lâu nay bên cạnh mình là người của phía bên kia. Thật đáng sợ. Kể từ hôm đó, tôi không hề biết tông tích hay liên lạc với Khanh cho đến bây giờ. Cám ơn Khanh đã hết lòng giúp đở.

    Đúng như Khanh đã nói, tiền gửi ngân hàng của gia đình tôi không lấy được một đồng. Nhưng với tính cả tin, mẹ chồng tôi vẫn nuôi hy vọng chính phủ mới sẽ trả lại cho mình, vì mình gửi ngân hàng nhà nước. Mình là dân, nhà nước nào, chính phủ nào cũng đối xử với dân như nhau mà thôi.

    Căn nhà của tôi đã được tháo gỡ, đồ đạc chất một đống trước sân. Che vài tấm tôn làm chỗ ngủ ban đêm và trưa nắng. Tôi như người mộng du làm việc liền tay mà đầu óc không tỉnh táo. Tôi sẽ về đâu, quê chồng tôi sẽ đến như thế nào?. Gia đình anh em tôi loạn lạc này sống hay chết? hai giới tuyến khác nhau biết bao giờ tôi mới gặp lại mẹ cha. Tôi có còn tiếp tục đi dạy được không? Cuộc sống mới sẽ ra sao?Mẹ chồng tôi mừng vui ra mặt. Bà chỉ có một thằng con trai. Bây giờ im tiếng súng không còn chiến tranh. Hòa bình về rồi, quê hương là vòng tay ấm áp ôm những người xa xứ về lại gần gũi bên mồ mã tổ tiên. Bà sẽ về quê, sum họp với bà con làng nước, sửa sang lại nhà từ đường, vun quén lại mãnh đất bà từng sinh ra và lớn lên. Bà sẽ không còn lo sợ cho con trước làn tên mũi đạn.

    Những người bên kia tìm cách liên lạc về:
    - Mụ trở về làng mền đi. Không răng mô. Chi chứ việc của hắn có bầy choa lo, vợ hắn đi dạy tại làng. Mụ chừ yên tâm khỏi lo chi súng đạn. Đảng sáng suốt lắm. Mụ sợ chi.

    Chú chồng tôi từ quê cũng nhắn vào:
    - Mụ về làng đi. Tui cho một sào lúa sắp chín ngoài đồng. Mụ về gặt mà ăn, lo chi đói với khổ. Khi mô mụ lo cho chúng tui, bi chừ tới lúc bầy choa lo cho mụ.

    Ôi! những tin thật tốt, những tấm lòng mở ra như như hoa như gấm. Xóa đi bao nhiêu lời khuyên chân tình của tôi. Tôi khuyên gia đình chồng tôi khoan về quê, cứ ở lại đây chờ tình hình. Người ta sao mình vậy. Xem sao đã rồi hãy tính. Nhưng tiếng nói của tôi rơi vào vô vọng, khi mẹ chồng tôi buông một câu như đinh đóng cột với sự đồng tình của chồng tôi:
    - Mi muốn ở lại thì ở. Tao và hắn sẽ đem con bé về quê. Mi mần răng thì cứ làm.

    Tôi ở lại ư? Nhà đâu mà ở, tứ cố vô thân biết sống với ai. Còn con tôi, núm ruột yêu thương tôi không thể xa cách. Tôi ngậm ngùi buông xuôi số phận.

    Mẹ chồng tôi cả tin nên không mua gạo đem về quê. Gạo nhà dự trữ đã gần hết, Má chồng tôi chỉ cần gạo đổ vào các thùng đạn để chén, dĩa kiểu cho khỏi bể mà thôi. Khi tôi nói bà mua vài bao gạo đem về quê, bà lắc đầu cười rạng rỡ:
    - Về làng mình ăn gạo mới con hè! Chi chớ lúa mới gặt về, chà ra, nấu cơm ăn với ruốc và rau luộc thì ngon chi lạ. Ai lại chở củi về rừng.

    Bà thuê một chiếc xe tải chở nhà và gia đình về quê với giá hơn một cây vàng. Bà không tiếc nuối vì nghe lời cách mạng.

    Một người lính miền Nam là đệ tử ruột của chồng tôi, theo chuyến xe tải má chồng tôi mướn, cùng chuyển đồ đạc gia đình tôi về quê. Em ở lại phụ dựng nhà xong mới từ giã tìm đường về với gia đình. Chúng tôi sau này ở trong Nam cũng cố gắng đi tìm nhưng không gặp lại. Chúng tôi đã biệt tin em tới bây giờ.

    Đây là lần đầu tiên tôi biết đến quê chồng. Một miếng đất từ đường nho nhỏ, căn nhà gạch bị hư nhiều, bây giờ được làm nhà bếp. Nhà từ Đà Nẵng đem về được dựng lại làm nhà trên. Gia đình bên chồng tôi đa phần làm nghề mộc nên anh em mỗi người góp một tay chỉ mấy ngày là xong. Chúng tôi tạm thời ổn định chỗ ở.

    Con sông Ô Lâu rất gần nhà. Nước trong veo, cá lội nhìn thấy rõ ràng. Tắm giặt lấy nước uống, nước xài gì cũng ở đó. Tôi ra bến loay hoay không biết làm sao lấy nước. Không biết làm sao tắm. Mỗi chiều vợ chồng tôi tập gánh nước. Tôi tập gánh mỗi đầu 1/4 thùng nước rồi tăng dần dần. Vai sưng to đau nhức. Đã vậy tôi không dám tắm sông. Cứ khệ nệ gánh nước về nhà để tắm. Có lần chồng tôi xô tôi đại xuống sông rồi nói: "Tắm là vậy đó. Có gì khó đâu" Thế nhưng tắm sông đối với tôi cũng kỳ kỳ vì tôi không quen.

    Nhà quê cho nên chỉ xài đèn dầu và cũng không có bếp gas. Về đây đầu tiên là phải kiếm cái gì để chụm lửa nấu cơm. Mấy mẹ con đi ra chợ quét lá cây bàng về thổi. Quơ nè tre gai đâm tay chảy máu. Con bé lớn đi qua nhà máy xay lúa xin trấu về chụm.Vợ chồng tôi xin ông chú gốc rạ ngoài đồng và cắt gánh về phơi khô chụm lửa. Hai vợ chồng gặp mưa và gió lớn. Tôi ướt mem, gió thổi muốn bay cả người và quang gánh. Chồng tôi lôi tôi vào trường học trú mưa. Anh lau nước mưa trên mặt tôi thương cảm. Đó là cái nhìn âu yếm lần cuối cùng trước khi anh đi tù Cộng Sản.

    Vợ chồng tôi trình diện chính quyền địa phương. Ông Bí thư, ông Chủ Tịch đều là người làng. Cả hai nhìn chúng tôi như những con vật bị ghẻ lở. Họ soi mói nhìn tôi, một người phụ nữ ngụy quyền miền Nam có một đứa con lai Mỹ. Dù đứa con gái ấy tôi không sinh ra nhưng tiếp tay nuôi dưỡng tàn dư Đế quốc thì tội còn nặng hơn lỡ có con với Mỹ. Ông Chủ tịch xã giơ hàm răng vàng khè cáu thuốc lào cười vào mặt tôi:
    - O có tội. Tội nặng lắm. Phải đi học tập, phải học tập cải tạo thông suốt mới được trả quyền công dân.

    Chồng tôi bị Ủy Ban Xã đòi phải đưa ra tất cả huy chương anh đã được. Phải bằng vàng, bằng đồng thực sự. Họ không tin những huy chương đó chỉ là tượng trưng. Giấy tờ chứng minh đưa ra chúng bảo không hợp lệ. Lại một phen cãi vã sôi nổi của chồng tôi và nhóm cán bộ ngu ngốc mới từ miền Bắc vô. Chồng tôi bị ghi sổ bìa đen vì dám chống cự cãi tay đôi với cán bộ.

    Các chú chồng và cậu chồng tôi phán những câu thật mới mẻ và nhớ đời:
    - Mi là đại úy, mi có tội với Đảng với đồng bào. Tại sao mi ngoan cố cãi chi với cán bộ. Mi đi học tập cải tạo tư tưởng tốt sẽ được chính phủ khoan hồng về sum họp gia đình. Gia đình mi ở nhà có Đảng và nhà nước lo.

    Thế là chồng tôi được lệnh gọi, khăn gói đi tù tận miền Bắc thâm sơn nước độc suốt hơn 8 năm trời. Không như miền Nam còn được về nhà rồi mới đi tiếp. Chồng tôi một lần đi và biệt vô âm tín.

    Má chồng tôi bán nữ trang để mua gạo ăn ngay tuần đầu tiên dọn về. Bà bị rơi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Bà không còn cười sảng khoái như trước. Bà thường khóc tức tưởi và bệnh thật nặng. Trong bà niềm hối hận vì nhẹ dạ cả tin Thương con đi tù không tin tức. Thương dâu ruộng đồng cực khổ. Không có cái ăn, bà phải vất vả buôn bán, nên bà đau yếu triền miên.

    Tôi bị trấn lột hết giấy tờ tùy thân kể cả giấy thuyên chuyển đi dạy. Họ tuyên bố mọi việc được quyết định từ cấp xã. Muốn đi lên tỉnh không có chữ ký của xã tôi không thể rời khỏi làng. Họ cho tôi đi học tập chính trị tại Đông Hà 3 tuần. Ở nhờ nhà dân, mọi sự tự túc. Con bé em ở nhà khát sữa không có mẹ. Làm gì có sữa Similac để bú, sữa hộp mua cũng không có tiền. Bà nội cho uống nước cháo pha đường đỡ đói. Ở đây tôi lên cơn sốt vì sữa căng cứng không biết sao giải quyết. Cuối cùng phải nhờ con người dân bú thép dùm.

    Những buổi học chính trị nhàm chán, những bài giảng huấn vô lý và ngang ngược. Nuốt vào lòng bao bất mãn tôi chịu đựng để còn về với con. Một người trong khóa học vô tình hỏi một câu ngô nghê:
    - Xin hỏi cán bộ. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đặt thủ đô ở nơi nào trong nước ta?

    Thế là hôm sau anh ta khuất bóng. Nghe nói đã được lịnh thuyên chuyển đi học tập nơi khác rồi.

    Sau hơn 3 tuần đi học chính trị tại Đông Hà tôi chính thức được gia nhập hợp tác xã nông nghiệp. Ông chủ tịch nói với tôi :
    - Giấy tờ đi dạy của O tui giữ. O phải tập lao động chân tay. O lao động tốt thì chồng O sớm về. O ngoan cố, chồng O không được khoan hồng.

    Cái mắc xích giữa người ở nhà và tù cải tạo ràng rịt như vậy nên tôi đành chịu nhịn sang sông. Tôi đã biết thế nào là lao động vinh quang. Biết thế nào là xã viên hợp tác xã miền Bắc. Thế nào là người dân dưới chính quyền Cộng Sản. Đây là một miền quê chuyên về trồng lúa. Tất cả ruộng của người dân bị xung vào hợp tác xã nhà nước. Trâu bò cũng vậy. Trong xã chia nhiều đội lao động dưới quyền một ông Đội trưởng, một đội phó và một thư ký đội. Đội tôi là đội 11.

    Tất cả việc làm ngoài đồng đều được làm bằng sức người và sức trâu. Trâu cày, bừa và đạp lúa. Còn lại người xã viên làm mọi việc. Cuốc đất, gieo mạ, cấy lúa, làm cỏ, xịt thuốc, bón phân, cắt, gánh lúa...Tất cả công đoạn, mọi xã viên đều phải được phân công làm. Không vì yếu hay không biết mà miễn trừ. Mọi người đều phải lao động như nhau, hưởng quyền lợi như nhau và xem chừng lẫn nhau.

    Tôi đã được phân công chăn trâu ngay từ ngày đầu tiên vào đội. Tôi về nhà ôm mặt khóc vì sợ. Cả đời tôi không biết ruộng nương. Trâu là con vật tôi sợ nhất với cái sừng to và dài. Vậy mà tôi vẫn phải "Chăn trâu sướng lắm chứ". Tôi cắt cỏ cho trâu ăn bị gai quàu chảy cả máu tay. Không đúng loại cỏ, trâu chê, tôi không có điểm. Tôi cấy lúa hè thu ông xã trưởng đến ngay lối nhổ lên coi, độ sâu không đúng, bị mất điểm hôm đó.Tôi đi đạp nước ruộng sâu, đi bộ đến nơi là gần một ngày trời. Một tuần đạp nước, mỗi lần đạp là hai người, không quen làm, tôi bị bàn đạp đập vào chân bầm tím. Họ cho tôi đạp ít, nấu cơm nhiều. Cuối cùng bị trừ điểm . Tôi cắt lúa không quen cầm vằng tay bị thương chảy máu. Tôi không biết dùng đòn xốc đâm bó lúa để gánh đi,phải nhờ người khác giúp bị trừ điểm. Tôi gánh lúa không nổi và về sân đội chậm, bị trừ điểm.

    Cuối cùng điểm nào tôi cũng thấp. Nhưng tôi học được nhiều thứ ở đây mà không trường nào dạy. Đó là kiên trì chịu đựng và học hỏi. Sống ở đây mới biết miền Nam mình quá ư trù phú, sung sướng. Thật lòng, chỉ khi làm một xã viên hợp tác xã mới thấy thương dân miền Bắc và yêu quý vô cùng cuộc sống dưới chính thể VNCH tự do dân chủ.

    Tham gia hợp tác xã, mọi xã viên ăn cơm nhà đi lao động. Lúa chỉ được chia khi vụ mùa kết thúc. Sau khi đóng thuế cho Xã, trả nợ phân, lúa giống, thuốc trừ sâu... còn lại mới chia cho xã viên. Lúa được chia theo công điểm lao động cộng lại suốt vụ mùa. Điểm lao động được bình bầu sau mỗi ngày làm việc. Mà bình điểm lao động mới nhiêu khê.

    Sau khi được lệnh nghỉ việc, cả nhóm ngồi lại và mỗi người đứng lên tự nhận xét mình làm hôm nay tốt hay không, đáng bao nhiêu điểm. Mỗi xã viên có ý kiến nhận xét số điểm ấy có xứng đáng hay không. Đồng ý thông qua hết, thư ký mới ghi vào sổ. Bình tới bình lui, tranh nhau, cãi nhau từng điểm một. Hôm nào về nhà cũng tối om. Tôi đi bờ ruộng không quen cứ bị sụp chân lọt xuống ruộng hoài. Hai chân mốc cời, gót chân nứt nẻ. Lẹt đẹt đi sau, sợ ma muốn khóc. Ôi còn đâu cái thời điệu đàng mang guốc cao đứng trên bục giảng.

    Tôi là dân chưa hề biết ruộng đồng nên công điểm có là bao. Nhất là cái khoản bình điểm tôi thấy như tập cho con người tranh chấp nhỏ mọn soi mói lẫn nhau. Thật là một việc làm đáng xấu hổ. Coi quyền lợi cá nhân quá lớn không ngại bôi bẩn hay hạ gục người khác. Tôi không bao giờ tự cho điểm mình hay bình điểm xấu cho người khác. Khi tới phiên tôi, tôi chỉ xin tập thể cho bao nhiêu cũng được. Tôi đến đây để học làm cho nên không biết đáng được bao nhiêu điểm. Do đó cuối mùa lúa tôi chỉ được 100 ký thóc và vài gánh rơm đem về chụm lửa.

    Mẹ chồng tôi bán dần nữ trang để mua gạo và thức ăn. Khi lấy lại cân bằng, bà phải thích nghi và bắt đầu buôn bán lại để có đồng ra đồng vô nuôi cả gia đình. Mọi sinh hoạt đều nhờ vào sự bươn chải của bà mẹ già tội nghiệp. Tôi không quen ngôn ngữ và phong tục, không biết buôn bán, lại phải đi lao động hợp tác xã nên thật tội nghiệp mẹ chồng tôi cực khổ nuôi dâu và nuôi cháu.

    Một lần cả ba bà cháu đều bệnh. Mẹ chồng tôi đau buồn, sức yếu không ngồi dậy được, toàn thân đau nhức. Tôi đun rơm nấu ba nồi nước. Một nồi nước lá thuốc, một nồi nước chè xanh, một nồi nước trà tươi để bà cần thứ gì thì có. Sáng sớm lo cho mẹ chồng xong, tôi để con bé nằm bên nội, cõng con bé lớn đi trạm xá.

    Đoạn đường làng thật xa. Hai chân con như muốn quẹt dưới đất. Những cơn ho làm con bé như muốn ngất đi. Làn da trắng tái lại tội tình. Đến nơi khai bệnh để lấy vài viên xuyên tam liên đem về. Buổi chiều bồng con bé em đi trạm lần nữa cũng để lấy vài viên xuyên tam liên tán ra cho uống. Biết rằng thuốc cũng chẳng trị được gì, nhưng có sự chứng nhận của trạm, tôi mới được phép ở nhà chăm con.

    Nhìn căn nhà trống vắng, nhìn ba người nằm rũ trên giường vì bệnh. Tôi muốn chết cho xong. Tôi ra giữa trời khấn tứ phương, tôi xin cho tôi một lối thoát, tôi xin cho mẹ chồng và hai đứa con tôi bình an. Tôi như muốn điên lên vì bao nghịch cảnh. Như một người máy hay một người mất trí, tôi ra vườn hái đủ loại cây cỏ kể cả dây tơ hồng, cỏ vườn chầu, rau má, cỏ gấu, mã đề, rau húng quế, rau sam, dây cứt quạ, dây nhãn lồng... Tôi chặt ra, phơi khô rồi rang thủy thổ. Tôi nấu nước cho cả ba người cùng uống. "Liều mạng". Tôi nhủ thầm.

    Thế mà mẹ chồng tôi ngồi dậy được, con bé lớn giảm ho, con bé em bớt sốt, những ban đỏ nổi lên rồi từ từ lặn. Một sự trả lời diệu kỳ từ ơn trên. Tôi cảm thấy mình vững tin hơn về sự sắp đặt an bài từ cõi vô hình. Tôi mạnh dạn đối diện thực tế. Tôi cứng cỏi hẳn lên. Tôi phải gánh vác cùng mẹ chồng lo nuôi con khôn lớn.

    Tôi được tin Sài Gòn thất thủ vào một buổi chiều trên đường từ ruộng về nhà. Xa xa đã nghe loa của Xã vang vang báo tin toàn thắng. Tôi khựng lại để nghe một lần nữa rồi lặng người đi. Vậy là toàn cõi VN đã là của Cộng Sản. Đành chấp nhận như một định mệnh đã an bài. Trong tôi nhen nhúm một niềm vui đoàn tụ song thân. Bên bờ sông Ô Lâu nhìn dòng nước êm đềm trôi tôi lại nghĩ đến Sài gòn trong cơn hổn loạn như Đà Nẵng trước đây. Nhưng tôi thật sự không thể tưởng tượng được sự hỗn loạn đó kinh khủng đến thế nào.

    Chồng tôi vẫn biền biệt. Hình như anh đã được chuyển ra Bắc nhưng nơi nào thì chưa có tin về. Tôi ôm con vào trong lòng. Con bé ốm yếu xanh xao tội nghiệp. Mọi thứ đã chấm dứt hôm nay. Tôi biết tôi sẽ không bao giờ được trở lại nghề dạy học. Tôi biết con đường phía trước sẽ đầy dẫy chông gai và tủi nhục. Tôi hoàn toàn không biết tin tức chính xác về Sài gòn. Chỉ biết tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng và toàn cõi VN đã rơi vào tay Cộng Sản.

    Con bé lớn tôi đi học. Tờ giấy khai sinh kèm theo hồ sơ đóng một cái mộc đỏ "Con ngụy quân, ngụy quyền" làm tôi chới với. Làm sao thoát khỏi mấy chữ đỏ này trong suốt cuộc đời con tôi. Con bé em lớn dần và bập bẹ nói. Mỗi khi đi ngang cỗng chào của xóm có hình ông Hồ và tấm bảng "Độc lập, tự do, hạnh phúc" Cháu giơ tay lên "Muôn năm, muôn năm". Trời ơi! những câu hô hào khẩu hiệu hàng ngày trên cái loa trước trụ sở Ủy Ban đã dạy con tôi hai chữ này. Mọi thứ nhồi nhét vào đầu óc trẻ thơ cho tôi thấy sự khác biệt của nền giáo dục tôi từng học và dạy khác với bây giờ như thế nào.

    Con bé chị đi học về hỏi tôi;
    - Mạ có biết răng mà mền được như ri không?

    Tôi trả lời con là Không biết. Con bé hí hửng trả lời:
    -Rứa là nhờ Bác Hồ Chí Minh hy sinh cứu nát. Khôn có Bác mền chết đói. Cô con dạy như rứa. Mền phải nhớ ơn Bác Hồ Chí Minh".

    Học tập và giáo dục chính trị dường như tổ chức thường xuyên cho mọi người dân trong làng xã. Buổi tối đi làm về chưa kịp ăn cơm đã nghe kẻng đội vang lên báo tin lên Ủy Ban học tập. Có khi về trễ không kịp tắm rửa thay đồ, nghe kẻng đội đánh là phải đi ngay. Mọi người tay cầm con cúi (là rơm bện thật chặc dùng để đốt lên làm đuốc đi đêm) để đi họp. Trên chiếc bàn con, đèn dầu leo lét, cán bộ miền Bắc quần chẻn áo ngắn nói như vẹt. Vừa dai, vừa dài vừa vô lý kéo dài trong cái ngáp mệt mõi và ngủ gật của bà con xã viên.

    Tan buổi họp, từng đoàn người như những bóng ma với đóm lửa lập lòe đi vào từng xóm. Những hàng tre trúc thấp thoáng ánh lửa như âm hồn phảng phất trở về.

    Tháng tư năm 1975, người con gái Biên Hòa hoàn toàn đổi đời để sống cho chồng và cho con. Tôi quên mình là ai và hòa nhập với đời sống một xã viên hợp tác xã. Dần dần giọng tôi cứng lại. Tôi nói chuyện bằng âm hưởng của người Quảng Trị nặng và trầm. Tôi dùng những từ địa phương mà người miền Nam không thể nào hiểu được. Thí dụ như "Lấy chỗi quét sân", tôi sẽ nói "Lấy chủi suốt trươi." "Vợ chồng" sẽ dùng chữ "Cáy Dôn", "Uống nước" là "Uống nát", "Cắt gốc rạ" gọi là Bứt Tót"...Mặt tôi sạm đen, chân mốc cời nứt nẻ. Bàn tay ô dề chai cứng, lưng bàn tay chằng chịt những đường gân nổi lên xấu xí. Chiếc vòng cẩm thạch lên nước xanh tuyền ngày xưa, đã bị vùi xuống bùn đen làm chết ngọc. Tôi muốn cỡi ra cất đi nhưng bàn tay đã quá to không cách nào lấy ra được.

    Tôi đã có thể chăn trâu, ra lịnh cho trâu đi hay đứng lại. Biết cỏ nào trâu ăn, cỏ nào trâu chê. Việc làm ruộng tôi cũng quen dần. Tôi đã không còn sợ đỉa. Quen dần những câu nói chơi, nói lóng tục tỉu của những người nông dân khi xuống đồng hay gặt lúa. Tôi đã biết cười mỉm khi nghe những bài lên lớp thần thoại Liên Sô vĩ đại hay sự trù dập của những người cầm quyền. Tôi không giận khi họ lấy tôi làm đề tài để chế nhạo vợ sĩ quan ngụy mất nết, hám danh. Tôi không nhục khi họ nói tôi là Me Mỹ có con lai, bám chân đế quốc.

    Sống ở nơi này, tôi đã hứng chịu nhiều bi ai nhất trong cuộc đời. Nhưng cũng nơi này cho tôi một tình cảm thiêng liêng ràng buộc nghĩa tình. Cho tôi tập làm người đúng nghĩa, biết tiết kiệm và lo xa. Biết trân quý hạt gạo, củ khoai, chén ruốc. Biết sự nhọc nhằn của những người nông dân tay lấm chân bùn.

    Hơn nữa, ở đây tôi đã biết thế nào là bão lụt. Con nước từ dưới sông cứ dâng lên theo cơn mưa không lớn lắm nhưng rất nhiều gió và lạnh. Chỉ vài giờ đồng hồ thôi là xung quanh nước ngập mênh mông. Ngồi trong nhà có thể vớt củi trôi về. Những bụi chuối ngoài vườn chỉ còn thấy những chiếc lá lay động như bàn tay con nguời giơ lên vẫy để cầu cứu. Người dân ở đây nghe gió là đoán biết con nước sắp về, lụt sẽ tới. Họ chặt sẵn chuối làm bè và đó là phương tiện duy nhất để đi từ nhà này sang nhà khác.

    Lụt có thể kéo dài vài ngày, nhưng cái lạnh thì cả mấy tháng. Đó là lý do mà ruốc và thuốc lá rất mắc mỏ và cần thiết. Nhà nào cũng phơi khô khoai, sắn, ớt, trữ mắm ruốc để dành ăn. Cái lạnh miền Trung mới đáng sợ. Lạnh đến cá cũng nhảy lên bờ để chết. Tay tôi cấy lúa mà trơ ra không nắm được. Hai chân đứng dưới ruộng quíu lại không thể bước. Tôi té nhiều lần, quần áo lấm đầy bùn nhưng phải đứng lên tiến tới cùng bạn cấy. Nếu không đỉa sẽ gom về tấn công và sẽ bị phê bình kiểm thảo. Mọi người ai cũng ăn trầu và hút thuốc. Riêng tôi chỉ nhai gừng để giữ ấm. Thức ăn đem theo họ kho ớt đỏ lòm, lại còn cắn ớt trái. Riêng tôi chỉ chút muối mè nên lạnh càng thêm lạnh.

    Vâng, tháng tư năm 1975 riêng tôi là như vậy. Tôi từng nói đùa với chồng

    • Anh đi cải tạo miền xa.
      Em cũng cải tạo ở nhà khác chi
      Giữ trâu, cấy lúa khó gì
      Làm thân vợ ngụy kiên trì vượt qua.





    Sau 30 tháng 4/ 1975 Biết bao oan khiên đã xảy ra cho dân tộc VN. Bao nhiêu xác người bỏ thây trên biển đông vì hai chữ tự do, bao nhiêu mạng tù nhân CS chết ức oan trên núi rừng Việt Bắc, bao nhiêu người con gái đã bị làm nhục vì hải tặc Thái Lan. Những vết hằn chiến tranh thành sẹo, thành hậu chấn theo mỗi mùa tháng tư lại về. Những khúc phim cũ được quay lại ngay chính từ mỗi con người để khắc khoải không nguôi.

    Tôi đang ở đây, một nước Mỹ xa lạ trở thành quê hương. Những người láng giềng nhiều chủng tộc khác nhau. Hai thằng con trai tôi sinh sau ngày chồng ra tù, bây giờ đang là những người quân nhân trong quân đội Hoa Kỳ. Màu cờ con tôi phục vụ không phải là màu cờ của Tổ Quốc VN.

    Các cháu tôi đã được sinh ra và lớn lên với quốc tịch Mỹ, nói tiếng Mỹ và sống theo người Mỹ. Con bé 5 tháng tuổi trong ngày 30/4/75 bây giờ là một phụ nữ trung niên công ăn việc làm ổn định. Chồng tôi do hậu chấn tù đày nên thân xác và tâm thần sa sút nặng nề. Những ám ảnh những ngày tù tội đè nặng quá khứ anh vô phương vùng vẫy. Tôi sống trong sự tuyệt vọng về bệnh tình của chồng, dù đây là một nước văn minh có điều kiện về y tế tiên tiến nhất trên thế giới.

    Tôi cám ơn đất nước đã cưu mang gia đình tôi để chúng tôi có cuộc sống tự do. Các con và cháu tôi đến trường mà không bị cái lý lịch ngụy cản bước tương lai. Tôi đã có quá nhiều thứ trong cuộc sống nhờ bàn tay giúp đỡ của những người không hề quen biết. Ông Trời đã xếp đặt cho những kẻ thua cuộc lại có thể đứng thẳng lên hảnh diện vì lý tưởng của mình. Những chiếc áo lính, những cái nón, những bản nhạc... Tất cả những gì của Mỹ Ngụy bây giờ lại là những món đồ giá trị được yêu thích và đáng trân trọng.

    Những người con Ngụy thế hệ thứ hai đã làm rạng danh cha ông tham gia vào dòng chính của quốc gia tạm dung. Các cháu đang và sẽ là những con người tài năng, giỏi giang đóng góp tài sức và trí tuệ cho đất nước cưu mang mình. Con tôi hãnh diện vì lý tưởng Quốc Gia của cha mình và dù lá cờ vàng không được tung bay tại quê hương VN nhưng nó lồng lộng rực rỡ mọi nơi trên thế giới.

    Xin cám ơn những người đã tranh đấu cho người lính được đến Mỹ theo diện HO. Cám ơn những người đã dũng cảm đứng lên cất cao tiếng nói tự do của người Việt Nam. Cám ơn anh, cám ơn chị, cám ơn mọi người đã cho chúng tôi đến đây để sống một cách lương thiện và đầy tình người.

    Tháng 4 /2019 tôi viết lại bài này để nhớ một thời xã viên của mình.

    Người chồng của tôi đã khuất núi. Anh đã về với tổ tiên và anh em đồng đội. Anh đã không còn đau đớn và khổ sở vì hậu chấn của chiến tranh và tù đày.

    Tôi không còn trẻ để buồn vui quá khứ. Mọi sự việc trong tôi bây giờ là hãy quên những gì quên được. Sống vui vẻ từng ngày cho con cháu vui theo.

    Quê hương Việt Nam vẫn mãi mãi nằm trong trái tim tôi.





    Nguyễn thị Thêm
    tháng 4/2019





    https://hon-viet.co.uk/NguyenThiThem_ThangTuNgayDo.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Phép lạ Cờ Vàng

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          



          




Phép lạ Cờ Vàng
____________________________






Bạn ơi,
Bạn có thể gọi đó là một điều phi thường,
Còn tôi, tôi coi đó thực là phép lạ.
Mấy mươi năm sau ngày chính quyền và quân đội ta tan rã,
Chính thể xoá tên,
Dân ta, hơn ba triệu người, lưu lạc khắp mọi miền,
Khắp bốn biển, năm châu,
Vẫn đoàn kết cùng nhau,
Không phải quanh một minh chủ,
Hoặc một chính đảng có tầm cỡ,
Mà quanh một tấm vải. Vâng chỉ một tấm vải
(Hoặc đôi khi chỉ là tờ giấy)
Nền vàng với ba sọc đỏ.

Cờ Vàng là tên ta gọi nó.
Thấy nó là ta vui.
Thấy nó là ta cười.
Cười mà mắt lại rưng rưng,
Tủi, tủi, mừng mừng.
Ôi, hơn ba triệu người, bá nhân, bá tính,
Khác địa phương, tôn giáo, lập trường, chính kiến,
Giàu nghèo cách biệt, học lực không đều.
Nhưng quanh Cờ Vàng mọi ngăn cách bỗng triệt tiêu.
Ta đứng sát vai nhau, cất tiếng ca chào kính.
Chào Cờ Vàng, chào Tổng Tư Lệnh, Chào Thủ Lĩnh
Của chúng ta,
Vị Thủ Lĩnh tài ba
Cùng một lúc có mặt khắp nơi trên trái đất,
Cả trên chiến trường Afghanistan, Iraq,
Như một vị thần triệu mắt, triệu tay,
Như bà mẹ triệu con mà thương mến vẫn đong đầy...
Ôi ngọn cờ thần thánh đó
Mà hàng triệu con dân Miền Nam đã tưới bằng máu đỏ,
Đang liên kết chúng ta thành một khối vững vàng.

Vậy còn đợi gì, bạn ơi, hãy kính cẩn hô vang:
Vạn tuế Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ!
Vạn tuế Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ!
Vạn tuế Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ!
Vạn tuế Thủ Lĩnh của Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản trên khắp cả địa cầu,
Khắp bốn biển, năm châu!




Sarasota, 4/19/2020 (revised)
Vũ Linh Huy




          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2020 - Tưởng niệm 45 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Sau ngày 30-4-1975





    Sau ngày 30-4-1975 Bắc Việt Nam (BVN) chủ trương tiêu diệt triệt để tiềm lực Nam Việt Nam (NVN) về nhân lực, về kinh tế và về văn hóa nhằm củng cố việc cưỡng chiếm NVN và chận đứng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) có thể hồi sinh ở NVN.

    1.- Tiêu diệt nhân lực VNCH
    Trước khi tấn công Sài Gòn, Ban Bí thư Trung ương đảng Lao Động (đảng CS) từ Hà Nội đưa ra chỉ thị số 218/CT-TW ngày 18-4-1975, quy định chính sách đối với công chức và sĩ quan VNCH bị bắt như sau: “Đối với sĩ quan, tất cả đều phải tập trung giam giữ quản lý, giáo dục và lao động; sau nầy tùy sự tiến bộ của từng tên sẽ phân loại và sẽ có chính sách giải quyết cụ thể. Những người có chuyên môn kỹ thuật [kể cả lính và sĩ quan] mà ta cần thì có thể dùng vào từng việc trong một thời gian nhất định, nhưng phải cảnh giác và phải quản lý chặt chẽ, sau nầy tùy theo yêu cầu của ta và tùy theo sự tiến bộ của từng người mà có thể tuyển dụng vào làm ở các ngành ngoài quân đội. Đối với những phần tử ác ôn, tình báo, an ninh quân đội, sĩ quan tâm lý, bình định chiêu hồi, đầu sỏ đảng phái phản động trong quân đội, thì bất kể là lính, hạ sĩ quan hay sĩ quan, đều phải tập trung cải tạo dài hạn, giam giữ riêng ở nơi an toàn và quản lý chặt chẽ.” (Huy Đức, Bên thắng cuộc, I: Giải phóng, Los Angeles: Osin Book, 2012, tr. 39.)

    Sau ngày 30-4-1975, nhà cầm quyền CS kêu gọi sĩ quan VNCH từ cấp thiếu úy trở lên, công chức cao cấp, và cán bộ chuyên viên VNCH ở các thành phố và các tỉnh thành từ Quảng Trị vào đến Cà Mau, trình diện và chuẩn bị lương thực, để học tập chính sách của “chính phủ cách mạng” trong ba ngày, hay một tuần hay một tháng tùy cấp bậc và tùy địa phương. Khi đại đa số sĩ quan, công chức VNCH trình diện (còn có một thiểu số người bỏ trốn), thì tất cả bị đưa đi giam giữ trong các trại tù gọi là trại học tập cải tạo trên các vùng rừng thiêng nước độc, không tuyên án và không thời hạn.


    Theo bộ Encyclopedia of the Vietnam War, sau biến cố năm 1975, số lượng sĩ quan, công chức và cán bộ VNCH bị bỏ tù khoảng hơn 1,000,000 người trên tổng dân số NVN lúc đó khoảng 20 triệu người. Tất cả bị giam tại trên 150 trại giam; theo đó, khoảng 500,000 được thả về trong 3 tháng đầu; 200,000 bị giam từ 2 đến 4 năm; 250,000 bị giam ít nhất 5 năm, và năm 1983 (tức sau 8 năm) còn khoảng 60,000 người bị giữ lại (Spencer C. Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, Vol. two, Santa Barbara, California: 1998, tr. 602). Một tác giả trong nước cho biết rằng: “Ở Sài Gòn, 443,360 người ra trình diện, trong đó có hai mươi tám viên tướng, 362 đại tá, 1,806 trung tá, 3,978 thiếu tá, 39,304 sĩ quan cấp úy, 35,564 cảnh sát, 1,932 nhân viên tình báo các loại, 1,469 viên chức cao cấp trong chính quyền, 9,306 người trong các đảng phái được cách mạng coi là “phản động”. Chỉ 4,162 người phải truy bắt trong đó có một viên tướng và 281 sĩ quan cấp tá.” (Huy Đức, sđd. tr. 37.)

    Trong số trên 1,000,000 người bị tù sau năm 1975, theo những cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Âu Châu, có khoảng 165,000 nạn nhân đã từ trần trong các trại tù “cải tạo”. (Anh Do & Hieu Tran Phan, “Millions of lives changed forever with Saigon’s fall”, nhật báo Orange County Register, Chủ Nhật, 29-4-2001, phụ trang đặc biệt về ngày 30-4, tt. 2-3.)

    2.- Tiêu diệt kinh tế VNCH
    Song song với việc tiêu diệt nhân lực VNCH, CS tiêu diệt luôn tiềm lực kinh tế VNCH, để VNCH không thể hồi sinh. Đầu tiên, CS chiếm ngay số vàng của VNCH ở trong và ngoài nước. Ở trong nước, sau ngày 30-4-1975, từ đầu tháng 5-1975, CS kiểm kê 16 tấn vàng trong Ngân hàng Quốc gia ở Sài Gòn. (Google: Huỳnh Bửu Sơn “16 tấn vàng của Việt Nam Cộng Hòa”.) Lúc đó, CS tung tin thất thiệt rằng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đem số vàng nầy ra nước ngoài. Ở ngoài nước, trước ngày 30-4-1975, VNCH ký gởi 5,7 tấn vàng tại ngân hàng Bank fur Internationnalen Zahlung Sausgleih ở Thụy Sĩ. Số vàng được đưa qua Tiệp Khắc (lúc đó còn CS), và CSVN nhờ Tiệp Khắc bán để lấy ngoại tệ (Wikipedia.)
    Về mặt xã hội, CS áp dụng kế hoạch kinh tế mới, nói là để phân phối lại dân số sau chiến tranh, nhưng thực tế là nhắm mục đích phân tán dân thành phố, buộc dân những thành phố lớn, như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ đi về nông thôn, để cướp nhà cửa và tài sản của họ ở thành phố. Những gia đình có thân nhân bị bắt đi học tập cải tạo phải đi kinh tế mới, thì được hứa hẹn thân nhân sẽ được sớm trở về đoàn tụ gia đình. Những quân nhân, công chức, cán bộ chế độ VNCH nếu được thả ra từ các trại tù cải tạo, đều không được về ở các thành phố đã sinh sống trước đây, mà phải đi kinh tế mới. Những gia đình tư sản bị kiểm kê, dù là tư sản mại bản hay tư sản dân tộc, đều phải đi kinh tế mới. Mục đích của CS là trả thù, trù dập, cướp của, cướp nhà.


    Khi đến vùng kinh tế mới, mỗi gia đình (CS gọi là hộ khẩu) được cấp 500m2 đất để sản xuất riêng. Ngoài ra, những người trong độ tuổi lao động, không đau ốm phải tham gia sản xuất trong hợp tác xã, làm công tính điểm và được trả lương theo số điểm. (Lâm Văn Bé, “Những biến động dân số Việt Nam”, tạp chí Truyền Thông, số 37-38, Montréal: 2010, tt. 132-133.)

    Theo tài liệu trong nước: “Chỉ trong vòng vài năm, chúng ta [nhà cầm quyền CS] đã đưa được 1,300,000 người từ các nơi trong cả nước đến các vùng kinh tế mới và đã khai hoang, phục hóa được ngót một triệu hecta đất. Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn vạch kế hoạch đưa trên trên một triệu đồng bào không trực tiếp lao động sản xuất đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hơn một năm sau, đến tháng 6-1976, Sài Gòn đã tổ chức cho gần 30 vạn dân đi các vùng kinh tế mới, lập thành 94 xã, trong đó 82 xã ổn định về đất canh tác và thổ cư.” (Lê Mậu Hãn, Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 2001, tr. 282.) Một thống kê khác cho thấy từ năm 1976 đến năm 2000 (25 năm), có 5 triệu người bị cưỡng bách di dân đi vùng kinh tế mới. (Lâm Văn Bé, bđd. tr. 134.)

    Tuy nhiên, sau một thời gian ở vùng kinh tế mới, nhiều người kiếm cách trở về thành phố. Kế hoạch kinh tế mới không thành công, ngoài việc nhà nước CS cướp nhà cửa, tài sản các nạn nhân.

    Ngày 10-9-1975, CS mở chiến dịch đánh “tư sản mại bản” (comprador) đợt 1. Theo CS, tư sản mại bản là những nhà đại tư bản trước năm 1975, chuyên xuất nhập cảng hoặc làm ăn buôn bán với người ngoại quốc, mà CS tố cáo giới nầy đã dựa vào thế lực nước ngoài để bóc lột dân chúng.

    Ngày 22-9-1975, CS ra lệnh đổi tiền, 500 đồng tiền VNCH đổi lấy 1 đồng tiền Ngân hàng Việt Nam tức loại tiền mới của nhà cầm quyền CS. (Viện Kinh tế – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 45 năm kinh tế Việt Nam (1945-1990), Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1990, tr. 237.) Mỗi gia đình (hộ khẩu) được đổi tối đa 200 đồng mới. Tiền cũ còn dư phải gởi vào ngân hàng, rút ra và đổi từ từ.


    Đây là một biện pháp nhằm cướp đoạt tài sản và làm nghèo dân chúng NVN. Lúc đó, xuất hiện câu ca dao: “Năm đồng đổi lấy một xu,/ Người khôn đi học [tập], thằng ngu làm thầy.” [Cộng sản đổi tiền lần thứ hai ngày 3-5-1978 và đổi tiền lần thứ ba ngày 14-9-1985. (Viện Kinh tế, sđd. tt. 237, 240.)]

    Nhà nước CS mở chiến dịch đánh tư sản mại bản đợt 2 bắt đầu ngày 4-12-1975, nhắm vào những nhà tư sản nhỏ hơn, nhưng vẫn còn giàu có. Vào đầu năm 1978, CS mở chiến dịch đánh “tư sản dân tộc” do Đỗ Mười cầm đầu, gọi là “công tư hợp doanh”. Tư nhân phải đem cơ sở sản xuất hay kinh doanh riêng của tư nhân, vào hợp doanh với nhà nước. Tất cả doanh gia đều phải vào công tư hợp doanh (CTHD) mới được kinh doanh.

    Nói là “công tư hợp doanh”, nhưng nhà nước không bỏ vốn, chỉ đứng ra quản lý, điều hành. Người chủ cũ (tư nhân) sẽ là một thành viên và lãnh lương theo quy định chức vụ hay cấp bậc. Nếu bị cất chức, chủ cũ xem như mất trắng tài sản của mình. Dân chúng mỉa mai gọi CTHD là “Của Tôi Họ Dành”.

    Ở nông thôn thì CS thực hiện nền kinh tế chỉ huy nhanh chóng hơn, chủ trương “ruộng đất thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước quản lý.” Tất cả ruộng đất tư nhân đều bị quốc hữu hóa và nông dân, điền chủ đều phải vào hợp tác xã nông nghiệp hoàn toàn do cán bộ CS điều hành.

    3.- Tiêu diệt văn hóa miền Nam
    Chủ trương nhuộm đỏ toàn dân NVN, CS buộc toàn dân học tập chủ nghĩa CS. Cộng sản xóa bỏ nền văn hóa, giáo dục VNCH, bãi bỏ nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng ở miền Nam, thay bằng nền giáo dục phục vụ chế độ và đảng CS, nhằm đào tạo những con người hồng hơn chuyên, mang tính đảng nhiều hơn chuyên môn, biết vâng lời đảng CS hơn là biết suy nghĩ. Học sinh phải học thuộc lòng “Năm điều” do Hồ Chí Minh đề ra là: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.” Không có điều nào dạy trẻ em có hiếu với cha me, thương yêu anh chị em, lễ độ, nhân ái và tín nghĩa với mọi người, tức không dạy đức dục cho trẻ em, vì CS chủ trương vô gia đình, vô tổ quốc. Vào năm cuối trung học, học sinh phải học và thi tốt nghiệp môn chủ nghĩa CS, lý thuyết Mác-Lê, lịch sử đảng CS Việt và CS thế giới. Sau khi tốt nghiệp, môn học nầy chẳng ứng dụng được gì vào đời, nên học sinh không thích học, thầy giáo không thích dạy.

    Dưới chế độ CS, không có tự do ngôn luận. Cộng sản kiểm soát toàn bộ các sinh hoạt văn hóa, điều khiển chặt chẽ ngành truyền thông, Báo chí đều do cơ quan đảng xuất bản. Cộng sản đốt hết sách báo NVN mà CS cho là đồi trụy, kiểm duyệt kỹ càng các tác phẩm nghiên cứu, văn chương, ca nhạc…


    Về tôn giáo, CS chủ trương vô tôn giáo, và CS muốn tiêu diệt các tôn giáo nhưng không nổi, nên CS tìm cách kiểm soát, ngăn chận các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động các tu sĩ, và lập ra các giáo hội quốc doanh do CS điều khiển, gây chia rẽ trong nội bộ các tôn giáo. Cộng sản không thể lập giáo hội Công giáo quốc doanh, cũng không ngăn chận được hoạt động các giáo sĩ, nên CS bí mật tìm cách phá hoại, khủng bố, và mua chuộc một số giáo sĩ. Với các hệ phái Tin Lành, các hội thánh riêng lẻ, độc lập, tự trị, hoạt động nhiều ở miền núi và cao nguyên vắng vẻ, nên CS theo dõi, hạn chế, uy hiếp hay bắt giam các giáo sĩ.

    Kết luận

    Đảng CS cưỡng chiếm được NVN, nhưng CS không chinh phục được lòng dân. Chủ trương tiêu diệt tiềm lực VNCH sau ngày 30-4-1975 nói chung là thất bại. Đúng như câu đồng dao dân chúng truyền tụng “Cộng Hòa chôn mà chưa chết”. Ngoại trừ việc CS chận đứng các lực lượng đối kháng, giữ vững chế độ CS, còn lại CS đều thay đổi theo VNCH. Đảng CS chỉ còn giữ cơ cấu độc tài đảng trị để duy trì quyền lực. Cũng đúng như dân chúng nói “Cộng sản chết mà chưa chôn”.

    Trong khi đó, các trại tù cải tạo của CS không cải tạo được ai, mà chỉ gây thêm hận thù. Ra khỏi tù, ai cũng tìm cách vượt biên hoặc theo các chương trình ODP hay HO ra nước ngoài. Ra khỏi nước, người Việt tập hop thành những cộng đồng chống cộng. Ở trong nước, dầu bị CS kềm kẹp khắc nghiệt, vẫn xuất hiện nhiều nhà tranh đấu, đòi tự do dân chủ, chống CSVN, và chống mưu đồ xâm lăng của Tàu cộng.

    Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19-9-2018 ở Hòa Bình, tù nhân lương tâm Đào Quang Thực tuyên bố lời cuối cùng sau khi bị kết án 14 năm tù giam, 5 năm quản chế: “Tôi đấu tranh cho tự do dân chủ và quyền con người cho đất nước tôi. Tôi đấu tranh cho đất nước tôi được sống trong môi trường trong lành. Tôi không ân hận.” (http//www.facebook.com/VOATiengViet) (Đài phát thanh VOA ngày 19-9-2018).

    Về kinh tế, chính sách kinh tế chỉ huy của CS không kích thích nổi sự phát triển kinh tế, nên đất nước suy sụp. Lo sợ dân chúng nổi dậy, năm 1986, CS bắt đầu “đổi mới” kinh tế, bãi bỏ kinh tế chỉ huy, trở lại nền kinh tế thị trường, nay do CS kiểm soát, gọi là kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Kinh tế chỉ huy là nền tảng của chủ nghĩa CS. Bãi bỏ kinh tế chỉ huy có nghĩa là chủ nghĩa CS hoàn toàn thất bại.

    Về văn hóa, trước 30-4-1975, NVN vốn chủ trương văn hóa dân tộc cổ truyền, mở cửa đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới. Sau năm 1975, CS truyền bá văn hóa Mac-xít, nhưng vô hiệu. Văn hóa cổ truyền vả tinh thần VNCH vẫn tiềm tàng trong dân chúng. Người BVN, kể cả toàn bộ cán bộ CS cao cấp, chuyển đổi hoàn toàn theo nếp sống văn minh và văn hóa NVN, ngoại trừ duy trì tổ chức độc tài CS.


    Trong chiến tranh, CS đưa ra chiêu bài chống Mỹ cứu nước. Nay CSVN lại rước Mỹ giúp nước. Ngày 3-2-1994, Hoa Kỳ bỏ cấm vận Việt Nam và bình thường hóa ngoại giao ngày 11-7-1995. Từ đó, các nước tư bản bắt đầu vào Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên, do CS không có cán bộ đủ năng lực quản lý nền kinh tế thị trường, nên tham nhũng tràn lan khắp nước.

    Trong thời gian nầy, ngành Internet xuất hiện đúng lúc, làm bộc phát thông tin trên mạng lưới toàn cầu. Những bài viết của người Việt trong và ngoài nước phô bày thực trạng độc tài đảng trị, lệ thuộc Tàu cộng, kinh tế yếu kém, bóc lột, tham nhũng, tệ nạn xã hội… đều được đưa lên Internet.

    Để duy trì quyền lực, CS duy trì độc đảng, độc quyền chính trị, văn hóa, truyền thông, với nền giáo dục phục vụ CS, và chỉ nới lỏng dần dần những luật lệ không quan trọng. Trộm cướp, đĩ điếm bộc phát, xã hội xáo trộn. Dân chúng không còn sợ nhà nước CS như trước, đua nhau khiếu kiện trên toàn quốc, và tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Cộng đe dọa Biển Đông. Nhà cầm quyền CS đàn áp biểu tình, đàn áp tinh thần yêu nước của dân chúng, làm lộ rõ thêm bộ mặt phản quốc của CS.

    Trong lúc đang khó khăn, thì thiên tai ập đến. Đồng bằng sông Cửu Long từ từ nhiễm mặn, khô cằn nứt nẻ. Vựa lúa của dân tộc bị đe dọa. Ngoài nước, cuộc thương chiến Hoa Kỳ-Trung Cộng từ 2018; dịch siêu vi khuẩn Vũ Hán (Trung Cộng) bùng phát đầu 2020, ảnh hưởng đến Việt Nam, vì kinh tế Việt Nam gắn liền với kinh tế Trung Cộng. Nếu tình trạng nầy kéo dài, Việt Nam có thể sẽ bị khủng hoảng trầm trọng.

    Ngày nay, sau 45 năm thống trị Việt Nam, dầu CS tuyên truyền thế nào đi nữa, thì dân chúng cũng không còn tin tưởng CS. Kinh tế suy thoái, ngân quỹ cạn kiệt, nợ nần tràn ngập đến hồi phá sản, đàn anh Tàu Cộng liểng xiểng, ghế dựa của CSVN lung lay.

    Trước khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, CSVN đã nhảy trước tại hội nghị Thành Đô tháng 9-1990, bỏ Liên Xô chạy theo Trung Cộng để tự cứu. Ngày nay, Trung Cộng đang khó khăn lụn bại, và lâm nguy, không còn dựa hơi được nữa, là cơ hội để CSVN nhanh chân thoát Trung, nhảy thêm bước nữa.

    Có hai tấm gương trước mắt: 1) Từ năm 1990, các nước Đông Âu vĩnh viễn từ bỏ các chế độ CS. Chỉ sau vài thập kỷ, các nước Đông Âu hầu như bắt kịp các nước Âu Mỹ. 2) Hiện nay, trong nước, sinh viên, học sinh Việt Nam du học nước ngoài, đều chọn du học các nước Âu Mỹ. Trên 38,000 du học sinh Hoa Kỳ. Đó là chưa kể du học Anh, Pháp, Nhật, Úc. Chỉ một số rất ít được học bỗng mới qua Trung Cộng. Tuổi trẻ rất sáng suốt. Chuyến tàu đổi mới do sinh viên cầm lái đã khởi động. Các toa dân chúng đã đầy ắp. Chỉ toa dành cho lãnh đạo CS còn trống. Thiên thời đã sẵn sàng. Cơ hội không phải dễ có.

    Vậy lãnh đạo CSVN hãy can đảm nhanh chân theo con em mình kẻo trễ. Còn hơn là lú lẫn ôm mãi cái chủ nghĩa CS lỗi thời, giữ chút hư danh và quyền lợi, cản đường dân tộc, lại lệ thuộc bắc phương, bị bắt nạt trên Biển Đông. Lâu lâu, Trung Cộng ngứa tay tát tai vài cái giải trí. Thật nhục nhã mà vẫn ngậm miệng ăn tiền. Rồi sẽ có lúc không tránh khỏi số phận Nicolae Ceausescu (Romania) chập chờn đâu đó!

    21.04.2020

    Trần Gia Phụng


    Nguồn:https://danlambaovn.blogspot.com



              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Kỷ Niệm Ngày Quốc Hận

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Kỷ Niệm Ngày Quốc Hận
    __________________________________
    Thùy Nhiên






    Tôi tên Nguyễn Bá Quang, là một sĩ quan QLVNCH cấp bậc Đại Úy thuộc đơn vị 101 P2/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Ở tù CSVN tại trại tù Tiên Lãnh, Quảng Nam, Đà Nẵng suốt hơn 12 năm. Qua Mỹ với diện HO.5 năm 1991. Hiện cư ngụ tại Reda, Califonia.

    Trong thời gian tôi ở tù chưa được thả, gia đình vợ con tôi vượt biển tìm tự do tại Cà Mau tỉnh Minh Hải. Trong chuyến vượt biển hãi hùng ngày 22-2-1985 vợ và sáu người con trai của tôi đã bỏ xác trên biển cả vì bọn hải tặc làm đắm thuyền. Ngoài ra còn có cả nhạc phụ của tôi và các em vợ cùng các cháu đã chết một cách tức tưởi trên chuyến tàu đau thương ấy. Chỉ còn sống sót người con gái yêu thương của tôi tên Thùy Nhiên và dì ruột của cháu là Phạm Thị Sa.

    Năm 1975 mất nước, con gái tôi mới có tám tuổi. Khi CS Bắc Việt chiếm miền Nam chúng dọa nạt, đấy ải gia đình của các sĩ quan QLVNCH đi cải tạo tại các trại lao động khổ sai. Vợ con tôi phải đi kinh tế mới tại Cà Mau, Minh Hải, việc học hành khó khăn, cháu chỉ học tới lớp bảy rồi phải bỏ lỡ dở đi buôn cá tại vùng ven sông thuộc Cà Mau để kiếm tiền nuôi gia đình và các em trai còn nhỏ tiếp tục đi học, vì thế nên cháu chỉ có thể thuật lại Nỗi bất hạnh của đời tôi một cách trung thực.

    Là ba của cháu, tôi cũng chỉ sửa những lỗi văn phạm, chính tả. Qua sự thúc bách của tôi, cháu mới có thể thuật lại câu chuyện thương tâm, vì mỗi lần nhớ lại những cảnh đau thương tang tóc của gia đình thì cháu đâm thẫn thờ, ngơ ngẩn hết mấy ngày, và lòng tôi cũng quặn đau vô vàn. Hiện cháu đã lập gia đình và sống với chồng con tại Úc. Sau đây là câu chuyện của con gái tôi, nỗi bất hạnh của cháu, cũng là nỗi bất hạnh của tôi.

    (Nguyễn Bá Quang)


              
    ***** Dưới đây là bài viết *****

              








    Sau bao tháng ngày mẹ và các anh chuẩn bị ghe thuyền, từng can dầu, tom góp từng gói lương khô như gạo sấy, thuốc men v....v...một cách bí mật. Ông ngoại, gia đình bà dì ruột, gia đình của cha Liêm, từng tốp, từng tốp len lỏi trong đêm tối lần lượt đến điểm tập trung tai bãi Đá Bạc Cà Mau thuộc tỉnh Minh Hải.

    Tất cả chúng tôi yên lặng lên thuyền, gồm có 22 người đã có mặt đầy đủ. Tiếng nổ dòn của máy lướt sóng ra khơi, mọi người chúng tôi nín thở hồi hộp.

    Qua mấy giờ lầm lũi chạy trong đêm, trời đã sáng, ánh nắng chan hòa, chúng tôi đã rời khỏi hải phận Việt Nam, mọi người thở ra nhẹ nhỏm, vui mừng, bồi hồi xúc động vì đã thoát qua được chặng đường đầy nguy hiểm và bất trắc nhất, vì nếu chẳng may mà bị VC bắt lại, thì bị tù tội, tịch thu tài sản, tất cả đều mất sạch. Niềm vui thoát được khỏi bọn công an VC đang miên man trong đầu óc mọi người, bỗng nhìn đằng xa có chiếc tàu lớn hiện ra, tim tôi đánh thình thịch, tàu của ai đây? Của CS hay của thế giới tự do? Càng lại gần thì càng hồi hộp, một thoáng chán nản và sợ sệt hiện rõ trên nét mặt mọi người khi nhìn rõ màu cờ máu Liên Xô, Thuyền của chúng tôi cố ý lái chệch hướng chiếc tàu lớn, cứ thế tiến thẳng, đã qua thêm một sự nguy hiểm, và cũng vì thế thuyền đã chệch hướng đi như ban đầu đã định trước của mình. Chạy thêm vài giờ nữa thì đằng trước hiện lên một chiếc thuyền đánh cá treo cờ VC (cờ đỏ sao vàng), bên hông tàu thấy hai chữ Kiên Giang, giây phút trọng đại, mọi người như nín thở, từ thuyền bên kia phát loa yêu cầu thuyền chúng tôi ngừng lại để cho họ kiểm soát.

    Không thể để bị bắt, rồi phải ngồi tù, tài sản bị mất sạch, nên thuyền chúng tôi quyết định mở hết tốc lực. Một loạt đạn AK nổ dòn bắn về phía chúng tôi, tài công lúc đó là anh Hai Liêm của tôi bị thương ở cánh tay, Mẹ bị thương ở bả vai, ông Ngoại bị thương nhẹ ở đầu. Thuyền bắt buộc phải ngừng lại. Tất cả bàng hoàng chờ đợi những gì xấu nhất sắp xảy ra.

    Thuyền Kiên Giang là thuyền đánh cá nhưng có cán bộ VC, công an mang theo súng, bọn chúng bước qua thuyền chúng tôi lục soát từng người một kể cả những em bé 3, 4 tuổi, tịch thu một số vàng và tiền bạc (đô la) mà mọi người mang theo, chúng lấy một máy lớn của thuyền chúng tôi và dọa sẽ đưa trở lại vào bờ giao cho công an địa phương xử lý. Ông ngoại tôi là người lớn tuổi nhất trong thuyền, ôm vết thương còn chảy máu trên đầu loang xuống mặt, cố gắng năn nỉ giải thích:

    - Các anh cho chúng tôi đi, nếu đưa chúng tôi trở lại bờ Việt Nam thì các anh chẳng có lợi gì cả, chúng tôi bị tù tội, tiền, vàng của các anh vừa tịch thu thì cũng phải giao nạp cho công an thôi.

    Sau đó bọn họ cho chúng tôi đi, và chỉ hướng cho tàu chạy.

    Còn lại một máy nhỏ, thuyền tiếp tục chạy một cách nặng nhọc, chậm chạp lướt sóng tiến về vùng biển Thái Lan. Chạy được một giờ đồng hồ nữa thấy có một chiếc thuyền giống thuyền đánh cá xuất hiện, khi chiếc thuyền này tiến lại gần không thấy treo cờ nước nào cả, nhưng dấu hiệu trên mạn thuyền được bôi lem, chạy với tốc độ nhanh rồi quay đầu chận ngang thuyền chúng tôi. Đã trải qua nhiều hiểm nguy, lần này tôi hồi hộp và lo sợ, tất cả như nín thở, những đứa nhỏ cũng biết được những gì quan trọng sắp xảy ra nên chúng ngồi thu mình vào thành ghe im re trông thật tội nghiệp. Tất cả không một tiếng động.

    Tiếng nói ở thuyền bên kia là một tiếng lạ không ai hiểu gì, lúc đó cha Liêm là người biết tiếng Anh nói xin họ giúp đỡ. Toán người kia như không nghe biết, với cử chỉ hung hăng dữ tợn, cặp vào thuyền chúng tôi la hét lục soát từng người một.

    Một lần nữa vơ vét sạch những gì tàu Kiên Giang VC vơ vét còn sót lại. Thấy kết quả lục soát chúng chẳng được là bao, chúng đi tìm từng bộ mặt một, nhất là nhìn chằm chằm vào những người đàn bà con gái. Mẹ tôi còn trẻ đẹp nhưng vừa bị thương mất máu co ro, mặt mày tái mét nên chúng bỏ qua không để ý tới.

    Chúng đến gần tôi và chị H, bạn gái của anh Hai, chúng liền nắm áo chúng tôi kéo qua thuyền chúng nó.

    Trước cảnh dã man này mấy anh tôi không kềm hãm được nên đã có phản ứng binh vực em mình (tôi lúc đó mới được 18 tuổi, cô kia xấp xỉ tuổi tôi hoặc lớn hơn một tuổi ) nên đã la ó phản đối. Mẹ tôi cúi lậy xin chúng tha. Ông ngoại, cha Liêm năn nỉ nài nỉ chúng chẳng nghe. Chúng đẩy chúng tôi qua thuyền chúng. Phẫn uất trước hành động tàn bạo này, mấy anh tôi đánh trả lại chúng. Chúng rút súng lục ra uy hiếp và chế ngự mấy anh. Lúc đó chúng lôi chúng tôi xuống nhốt dưới hầm tàu tối đen. Từ đó không hay biết chi nữa những việc xảy ra bên ngoài.

    Sau khi bắt chúng tôi, chúng nổ máy cho tàu chạy, sau đó quay trở lại đâm vào thuyền chúng tôi làm vỡ thuyền, thuyền chìm, chuyện xảy ra tôi sẽ kể tiếp phần sau khi tôi gặp lại người dì ruột tại trại SongLa.

    Ngồi trong hầm tàu tối đen mà lòng tan nát, tôi chấn tĩnh mình bằng lời cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, hiện ra trước mặt tôi là hình ảnh của mẹ, các anh, em tôi và ba tôi. Mẹ, các anh em tôi giờ đây trên biển cả mênh mông đã trôi dạt về đâu rồi? Đã được tàu của thế giới tự do vớt chưa? Ba tôi trong trại tù CS tại trại Tiên Lãnh, Quảng Nam Đà Nẵng, ba là sĩ quan QLVNCH ở tù 10 năm rồi tương lai sẽ ra sao đây. Tôi nhớ hết những người thân thương, đầu óc tôi rối bời như có trăm ngàn mũi kim nhọn đâm vào quả tim bé nhỏ của tôi tan nát. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến hoặc tưởng tượng ra hoàn cảnh mà tôi phải gánh chịu như hôm nay. Nước mắt tràn đầy ra má mà chẳngoi hay biết gì, nước mắt đã làm dịu cơn khủng hoảng của tôi. Một niềm hy vọng loé lên trong đầu, chắc mẹ và các anh em của mình còn sống sẽ được tàu vớt, sẽ vượt qua nguy hiểm để đến bến bờ tự do và mình sẽ được gặp lại.

    Ở trên tàu của bọn cướp được vài hôm, chúng chuyển tôi qua tầu đánh cá thứ hai, còn chị H. thì ở lại trên tầu của chúng nói tiếng Thái với nhau tôi không hiểu một tí gì cả chỉ biết cảm nhận theo linh tính của mình, thấy tàu này chuyên lo đánh cá, chắc là họ vừa đánh cá vừa làm hải tặc ăn cướp chăng? Một tuần sau chúng lại chuyển tôi qua tàu khác, cứ thế lênh đênh trên biển cả qua ngày thứ 51, ngày này chúng chuyển qua một tàu khác nữa, người trên tàu có vẻ hung tợn dữ dằn hơn những chiếc tàu trước đây.

    Vào khoảng nửa đêm một tên đàn ông vào kéo tôi dậy, nhìn cặp mắt nó, thấy dễ sợ như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Người tôi run bần bật, miệng thầm đọc kinh xin ơn trên phù hộ cứu giúp. Chúng nó sờ mó và bắt cởi hết quần áo, chúng nói gì với nhau tôi không hiểu, chỉ biết kẹp hai chân cứng lại, hai tay ôm chặt lấy ngực, và nhìn vào vết thẹo nổi đỏ trên cánh tay tôi. Lúc nhỏ khoảng hai tuổi bị tai nạn phỏng dầu làm đường đến 50% khi chữa lành vẫn còn vết thẹo luôn ửng đỏ. Không biết ai xui khiến cho tôi cứ nhìn vào vết thẹo ấy và kêu la thảm thiết. Bọn chúng nói với nhau những điều gì, tôi cảm nhận như chúng e ngại về vết thẹo của tôi là bị bệnh phong cùi gì chăng? Sau khi bàn bạc chúng đã xô tôi xuống biển không cho một vật gì có thể trôi nổi trên mặt biển.

    Nước lạnh làm tỉnh hẳn người, tôi đã thoát qua những bàn tay con quỷ dữ, cố gắng với hai chân để người mình nổi lên trên mặt nước (ở Cà Mau tôi sống bên sông nên bơi lội cũng khá giỏi. Trên biển giữa đêm đen, có gì ghê rợn bằng. Tôi cố sức mình chống chọi với bao ý nghĩ bi thương, bản năng sinh tồn lại đến với tôi mãnh liệt, tôi kêu xin mẹ Maria bổn mạng hãy cứu giúp tôi. Một lần nữa hình ảnh của mẹ, anh, em và Ba tôi ở trại cải tạo lại hiện ra như khuyến khích tôi hãy ra sức cố gắng chống chọi với tử thần để ráng sống may đâu có người cứu vớt. Vì thế mà đã qua được năm tiếng đồng hồ dưới biển lạnh.

    Trời đã hừng đông, một tia hy vọng đến với tôi, nhưng người càng ngày càng bị lạnh cóng, sắp sửa không chịu đựng nổi nữa rồi, thì may thay, nghe có tiếng động cơ của thuyền chạy đến.

    Tôi cố giơ tay lên nhưng thân hoàn toàn cóng cứng, rất may trên thuyền họ nhìn thấy, dừng thuyền lại và vớt tôi lên. Nguyện xin đây là một chiếc thuyền làm ăn lương thiện để tôi còn được sống an bình. Thật quả như lòng mong ước, tôi được những người này săn sóc tận tình, cho quần áo để mặc, cho ăn uống đàng hoàng và dùng máy vô tuyến gọi police (cảnh sát ) Thái cho tàu ra đón tôi vào bờ và đưa đến trại Song La và đến trại Sikiew.

    Hằng ngày ở trại, cô đơn lạc lõng, thân gái dặm trường, hằng đêm nguyện cầu cho lòng vơi đi ít niềm đau. Mong chờ mẹ, anh em sẽ đến với mình, nhưng càng ngày càng thấy bặt tăm vô âm tín, lòng buồn rười rượi. Mỗi khi có người mới nhập trại tôi thường đến để cầu mong gặp người thân. Hôm nay bất thần tôi thấy dì Sa, em của mẹ thất thểu bước vào trại, dì cháu gặp lại nhau, nước mắt tuôn trào như mưa, và Dì đã kể lại những gì xảy ra kế tiếp khi tôi bị hải tặc bắt qua tàu của chúng.






    Sau khi bọn hải tặc bắt con và H qua tàu của chúng. Vì không chịu nổi những uất ức các anh con đã phản ứng mãnh liệt đánh lại chúng nó. Nhưng chúng có súng, nên các anh con đành thúc thủ. Chúng lồng lộn lên lục soát nát bét trên tàu, bắt mọi người cởi bỏ hết quần áo chỉ cho mặc một quần lót mỏng, lấy hết những gì còn lại trên tàu, rồi rú máy cho tàu chạy.

    Mọi người chưa kịp hoàn hồn thì thấy tàu hải tặc quay đầu trở lại, và chạy rất nhanh đâm thẳng vào hông thuyền của mình đánh rầm, thuyền vỡ làm đôi, một số người văng xuống biển. Đồ vật nặng chìm xuống nước, những vật nhẹ nổi lềnh bềnh. Trong lúc hỗn loạn, mỗi người đều bơi lội, vớ lấy can đựng dầu, đụng nước làm phao. Các anh con, Chương, Long bơi vớt những tấm ván để kết làm bè, kèm lên phần thuyền còn lại nổi trên mặt nước. Phần bè và thuyền nổi cho mẹ, dì, con của dì và Đạt, Hoài, hai em con. Ông ngoại và anh Liêm đã ra đi trong lúc thuyền bị đánh chìm vì cả hai đều bị thương.

    Trời bắt đầu sập tối, nỗi kinh hoàng xâm chiếm lòng người. Màn đêm đem đến sự sợ hãi cho mọi người trong cảnh thập tử nhất sinh, lạnh đói và khát, nhưng vẫn cố gắng bu lấy bên nhau, cùng nhau sống chết.

    Thấy các em con vì đói khát và lạnh, quá tội nghiệp nên Chương liều bơi, lặn xuống lòng thuyền may ra tìm được nước uống hoặc thức ăn. Nhưng đã lâu không thấy Chương trở lại, mẹ và Dì kêu gào thật lâu chẳng có tiếng trả lời. Hễ người nào chịu không nổi buông tay ra là đi vĩnh viễn. Thấy những người thân lần lượt ra đi, lòng mẹ và dì tan nát nhưng biết làm sao đây hỡi trời, chỉ biết đọc kinh cầu nguyện Chúa, Mẹ cứu giúp, hộ phù. Phía bên kia có Linh mục Hồ Quang Liêm và người em Hồ Quang Lập cùng mấy người bà con của cha trong đêm đó cũng ra đi.

    Ngày thứ hai kể từ ngày đắm thuyền chỉ còn có dì, mẹ và mấy đứa nhỏ vì được ngồi trên bè, nên chống được sự lạnh cóng. Mẹ con bị thương máu ra nhiều, không ăn, không uống nên người mệt lả đi, hơi thở yếu dần, dì gọi mẹ không trả lời nổi, mẹ tức tưởi ra đi. Đạt, Hoài hai em của con ôm mẹ khóc thảm thiết, dì đứt cả ruột gan. Các cháu cứ muốn giữ mẹ lại bên cạnh không xa rời, dì khuyên nhiều lần các cháu mới chịu để mẹ con xuống lòng đại dương. Còn lại con Châu, con Xuân của dì mềm người vì đói khát lặng lẽ ra đi. Dì như người mất hồn, không còn biết gì nữa, đặt con mình xuống nước cho dòng nước trôi xuôi, đau đớn vô cùng.

    Ngày thứ ba chỉ còn lại Dì, Em Đạt của con, mệt quá gục trên tấm ván, bỗng nó ngồi nhổm dậy nói: Để con lấy nước cho dì, con thấy có dòng suối trong xanh, nước ngọt lắm dì ơi nó định bước xuống nước để đi. Dì cầm tay nó kéo lại: Con ơi không có đâu, đó chỉ là ảo ảnh mà thôi, con ngồi xuống đây đọc kinh với với dì xin ngài ban phước. Sau khi kinh nguyện, yên tĩnh được một lúc, nó lại kêu lên khát nước quá dì ơi con chịu hết nổi rồi. Dì nói trong vô thức hay con uống đại một hớp nước biển xem có chống chọi được không? Sau khi uống một miếng nước vào bụng, tức thì cháu ôm bụng rên la khủng khiếp, nước bọt trào ra nơi miệng, nước bọt giống như bọt xà phòng trào ra, trào ra, cháu lịm người dần và nằm bất động, người cuối cùng ở bên cạnh dì cũng ra đi.

    Còn lại một mình đang nằm chờ chết dưới ánh nắng như thiêu như đốt bỗng thấy có đám mây đen kéo đến trời đột nhiên dịu xuống, một vài giọt mưa rơi trên mặt dì, dì liếm từng giọt nước, nhưng người dì đã kiệt sức không còn hay biết gì nữa cả. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trên thuyền đánh cá của người Thái Lan. Theo tàu họ trên biển, 15 ngày sau thì được đưa vào trại Batani, qua trại SongLa và dì gặp con tại đây.







    Ôi ! Những biến cố đó trong đời làm tôi điên dại, sống dưới ánh nắng mặt trời mà như trong hang âm u. Tôi đã mất mẹ, mất anh, mất em, mất ông ngoại, cậu, cháu và những người thân yêu, 18 người đã chết tức tưởi, bỏ mình trên biển cả ... Đó là tất cả NỖI BẤT HẠNH CỦA ĐỜI TÔI.

    Mẹ ơi! Sao mẹ nỡ xa lìa con, xa lìa ba, ba đã chịu bao nhiêu điều cay đắng tủi nhục trong ngục tù Cộng Sản. Các anh ơi! Các em ơi! Tất cả đã xa lìa tôi, vĩnh viễn ly biệt tôi một cách tức tưởi: Khổ đau tột đỉnh, hận thành non cao, Biển xa sóng lớn dạt dào, nhớ anh, em, mẹ có ngày nào nguôi.


    * Viết để kính dâng linh hồn mẹ Phạm Thị Khanh, Ông ngoại Phạm Văn Đình, Cậu Phạm Văn Tiếng, các Anh: Nguyễn Bá Liêm, Nguyễn Bá Chương, Nguyễn Bá Long, các em, Nguyễn Bá Phú, Nguyễn Bá Đạt, Nguyễn Bá Hoài, Chú nguyễn Văn Dậu, các em con dì Nguyễn thị Minh Châu, Nguyễn thị Minh Xuân, Nguyễn Minh Toàn và Linh mục Hồ Quang Liêm, chú Hồ Quang Lập và các anh bà con với cha Liêm mà tôi không nhớ tên.

    * Viết cho Ba là Nguyễn Bá Quang. Ba và con cùng chịu NỖI BẤT HẠNH trên cuộc đời này.




    Thùy Nhiên
    viết từ Úc Châu





    https://hon-viet.co.uk/ThuyNhien_KyNiemNgayQuocHan.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hỏi người có tiếc?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Hỏi người có tiếc?
    __________________________________
    Đặng Chí Hùng





    Hỏi người có tiếc?

    45 năm, thế là đã 45 năm của cái ngày đau thương cho Miền Nam nói riêng và VN nói chung. Cái ngày tang tóc ấy là một nỗi buồn trong lịch sử dân tộc VN. Nó dứt khoát không phải là “Nỗi buồn chiến Tranh” mà Bảo Ninh đã viết bởi vì ông ấy đã viết cho Miền Bắc mà không biết rằng kẻ gây chiến đau thương cho Miền Nam và Việt Nam lại bắt nguồn từ chính Miền Bắc. Và cho đến hôm nay, một người Miền Bắc chẳng có chút liên quan gì đến Miền Nam lại viết về cái ngày đó và hỏi rằng “Người còn có tiếc?”

    Tôi muốn hỏi những người lính cộng sản, những người đã tham gia đoàn quân tiến vào Miền Nam năm 1975 rằng “Có phải Miền Nam nghèo khổ, sống trong cùm kẹp không?” Trả lời thật lòng đi, đừng trả lời bằng những điều dối trá trong sách của tuyên giáo cộng sản. Chắc chắn các vị còn lương tri sẽ phải trả lời giống như những gì bà Dương Thu Hương đã nói “Chế độ man rợ lại thắng chế độ văn minh”.

    Vâng! Chiến thắng không phải là vĩnh cửu và chiến thắng không phải chỉ bằng quân sự. Nước Tàu đã mất cả ngàn năm chiến tranh xâm chiếm nước ta. Đã có lúc mấy trăm năm liền chúng cai trị dân ta, tìm mọi cách xóa đi nước Việt, người Việt và văn hóa Việt. Nhưng chúng đã không thành công. Điều đó đã nói lên một sự thật không thể chối bỏ rằng “Bạn có thể cưỡng bức một quốc gia, một dân tộc bằng quân sự, nhưng để đắc nhân tâm dân tộc đó, bạn phải có một tấm lòng”. Nhưng kẻ đi cưỡng bức thì làm gì có tấm lòng mà nhất là CSVN thì càng không có điều đó. Chúng ta đã thấy sau năm 1975, CSVN đã trả thù tàn bạo với những quân dân cán chính VNCH như thế nào, chắc tôi không còn nhắc tới nữa. Cho nên, cái gọi là “Chiến thắng mùa xuân 1975” của CSVN chỉ là một sự may mắn trong một thế cờ quân sự và chính trị của những nước lớn như Mỹ, Liên Xô (Cũ), Tàu cộng mà thôi.

    Tôi trách những người lính Miền Bắc tham gia đoàn quân chiếm Miền Nam trong đó có nhiều người thân của tôi 7 phần thì tôi phải trách những người Miền Nam phá hoại Miền Nam 10 phần. Tại sao lại nói thế? Tôi không hề bao biện cho người Bắc, nhưng sống trong một xã hội độc tài toàn trị, không thông tin, không internet và nếu không gia nhập quân đội thì chỉ có nước “Sống không bằng chết” thì chuyện bị lừa, bị ép vào cái mục đích để làm bá quyền cho bộ chính trị là chuyện bình thường. Họ không hoàn toàn vô tội trong sự đau thương của dân tộc bởi dù đúng hay sai, chủ quan hay khách quan thì họ cũng đã ở trong guồng máy gây đau thương cho cả dân tộc.

    Nhưng đáng trách hơn là những người Miền Nam trong cái gọi là Mặt Trận giải phóng Miền Nam. Họ chẳng phải mặt trận trung lập gì cả, họ thực sự là đảng viên CS lập ra để mà phá Miền Nam. Những nhân sĩ trí thức được VNCH cho ăn học đàng hoàng, trong và ngoài nước như Dương Quỳnh Hoa, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm vv…đã quay lại tiếp tay cho CSVN phá nát Miền Nam. Giờ thì VN ra sao? Đã đủ độc tài chưa? Đã đủ cay đắng chưa? Đã đủ nhục nhã chưa? Các vị có hối tiếc không? Các vị có hối hận hay không?

    Không chỉ Miền Nam bị mất mà từ đó nước VN đã rơi vào thảm cảnh CS. Những người trí thức Miền Nam đã tham gia phá nát Miền Nam nghĩ gì khi VNCH là một đất nước có nền kinh tế, văn hóa, đời sống, giáo dục khiến cả Singapore, Thái vv…ngưỡng mộ, lấy làm mô hình học tập lại bị phá nát bởi sự tiếp tay của các người? Để giờ đây dân Sài Gòn bì bõm lội trong nước ngập bẩn đầy phân thối của cái tên Hồ Chí Minh.

    Cái Hồ Chí Minh nó thối nát và bẩn thỉu như chính cái tên của con người mang họa cho Việt Nam đó. Miền Nam đau thương, cả nước đau thương. Hỏi các vị đã một lần nào xin lỗi Miền Nam? Hỏi các vị đã một lần dám nói lên những sự thật đau lòng mà các vị đã làm: Góp tay cùng CS giết chết VN.

    Giờ thì nước nhục, lòng dân đau, người dân khổ, các vị có thấy hối tiếc nếu còn Miền Nam trù phú? Giá mà, giá mà…chắc các vị sẽ nhủ trong lòng như vậy. Nhưng đừng giá mà nữa mà đã đến lúc các vị phải công khai thừa nhận lỗi lầm, công khai sửa nó bằng cách chung tay cùng người dân xóa bỏ chế độ CS. Đó mới chính là cách bù lại lỗi lầm đúng nhất mà các vị MTGPMN phải làm. Các vị còn ngồi đó mà thở dài, mà im lặng để che giấu lỗi lầm quá khứ thì các vị càng để lỗi lầm của các vị nặng nề thêm.

    45 năm rồi, Hỏi người có tiếc?




    Đặng Chí Hùng
    16/04/2020


    https://hon-viet.co.uk/DangChiHung_HoiNguoiCoTiec.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nhớ nước Việt Nam Cộng Hòa - đau lòng con Quốc Quốc!

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Nhớ nước
    Việt Nam Cộng Hòa -
    đau lòng con Quốc Quốc!

    __________________________________
    Hàn Giang Trần Lệ Tuyền






    Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc, Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia! Lời thơ của bà Huyện Thanh Quan, mỗi lần nhớ đến sao nghe như những nỗi lòng vọng tưởng cố hương vô cùng thống thiết của đa số người dân Việt Nam tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại, cho dẫu rằng không được sống trong cảnh giàu sang, nhưng ai cũng có một cuộc sống tương đối đầy đủ; song tất cả vẫn khôn nguôi nỗi nhớ về một thuở được sống dưới chính thể Cộng Hòa Việt Nam!

    Ba mươi bảy năm dài trôi qua, chúng ta đã thấm thía vì có ai ngờ rằng “một lần đi là một lần vĩnh biệt”; trong số ấy, có những người đã vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất lạnh nơi xứ lạ, quê người, họ đã ôm ấp những ước mơ là được nhìn thấy lại quê hương cho đến phút cuối của cuộc đời, họ đã sống trong hy vọng, đợi chờ, và đã chết trong tuyệt vọng!

    Nhưng tất cả chúng ta, những người đã từng sống, từng được thở trong bầu không khí tự do, được cắp sách đến trường từ thời thơ ấu, cho đến các mái học đường khi đã trưởng thành dưới thể chế của nước Việt nam Cộng Hòa, mà có thể quên đi những bài học Sử Ký - Công Dân - Đức Dục từ bậc tiểu học: Yêu Nước - Chống Ngoại Xâm - Hiếu thảo với Ông Bà, Cha Mẹ - Kính trên nhường dưới.

    Nhưng đau buồn thay! vì còn đâu hình ảnh của những mái đầu xanh, tay ôm cặp sách vở, tất cả đều dỡ bỏ nón, mũ, đứng trang nghiêm để chào những người lớn tuổi, hoặc trước một đám tang đang đi qua đám học sinh bé nhỏ. Những hình ảnh ấy, giờ đây, chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi khi hoài niệm về dĩ vãng xa xôi; và biết đến bao giờ những hình ảnh đó mới được đem vào chương trình giáo dục cho tuổi thơ, để làm hành trang trên suốt con đường đời để phụng sự cho Chính Nghĩa - Quốc Gia - Dân tộc, khi đã được hun đúc bởi nền giáo dục rất đầy tình nhân ái và vị tha ấy?!

    Đại đế Napoléon đã từng nói:
    “Chúng ta phải có một quá khứ để tự hào, một hiện tại để hãnh diện, và một tương lai để hy vọng”.

    Vậy, để biết được chính trong hiện tại, và cả tương lai nữa, thì xin mọi người, chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm về một quá khứ vàng son của một thuở thanh bình của nước Việt Nam Cộng Hòa qua bài hát:

              
    Nắng Đẹp Miền Nam

    Đây trời bao la ánh nắng mai hé đầu ghềnh lan dần tới đồng xanh.
    Ta cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia cho người người vui hòa.
    Đường cày hôm nay lên tràn bông lúa mới ôi duyên dáng đồng ơi!
    Đến mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi
    Mình ngắm nhau cười.
    Kìa đàn chim quê chim tung bay về đâu
    mang tin rằng giờ đây ta sống với bình minh.
    Tiếng ca trong lành tiếng hát lừng trời xanh
    đẹp biết bao tâm tình..
    Tình là tình nồng thắm
    buộc lòng mình vào núi sông
    tình mến quê hương.
    Ngàn bóng đêm phai rồi
    vầng dương lên soi đời làng ta nay rạng ngời!
    Khi người lính chiến đã đấu tranh hiến hoà bình cho Đồng Tháp Cà Mau
    Ta người nông thôn quên sương giógóp gian lao lo được mùa mong cầu.
    Nhờ tình quân dân gây bao niềm thương ấm cúng non sông đón bình minh,
    gắng lên với ngày này ta cùng tưới đồng xanh rồi sống no lành.
    Đây quê hương thân yêu miền Nam
    nắng lên huy hoàng đẹp mùa vui sang.

              


    Nhưng than ôi! Những cảnh sống trong “Nắng đẹp miền Nam” còn đâu nữa! Mà nay, chỉ còn chẳng phải riêng cho người dân miền Nam, mà cả nước Việt Nam đã biến thành một xã hội hư nát, vong bản, phi nhân tính, không có cả tình thương giữa, ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, thì còn mơ gì đến tình yêu nước, yêu dân và tha nhân nữa?! Một điều dễ nhận ra, đó là, khi đọc trên các trang mạng Internet, từ trong nước, thì mọi người đã biết, hầu hết các vụ án thương tâm giữa những người ruột thịt trong gia đình, con cháu đánh đập, giết chết ngay cả ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt; và những người này, đa số họ được sinh ra sau ngày 30/4/1975, hoặc trước ngày này họ chỉ trên dưới mười tuổi, và họ không được đi học, không biết đọc, không biết viết! Riêng đối với những người được đi học, thì đều đã được “giáo dục” dưới chế độ cộng sản Việt Nam. Một chế độ, chỉ “giáo dục” lớp trẻ “yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội”. Ngay từ bậc tiểu học, họ cũng bị bắt buộc phải học “tư tưởng bác Hồ” và “Mỹ-Ngụy”. Họ không được giáo dục thế nào là lòng yêu nước thực sự, vì yêu nước thực sự là phải đặt Tổ Quốc và Dân Tộc lên trên hết, phải bảo vệ nền tự chủ của quốc gia, bảo vệ giang sơn gồm lãnh thổ, lãnh hải và các hải đảo, mà đã do tiền nhân của chúng ta dày công dựng xây bằng cả núi xương sông máu. Vì thế, là con dân nước Việt, bằng mọi giá, trong đó, có cái giá phải đánh đổi, là phải hy sinh ngay chính cả mạng sống của mình để bảo vệ, không bao giờ để cho một tấc đất nào phải bị rơi vào tay của ngoại bang, như hiện nay, đảng cộng sản Việt Nam đã đem một phần biển đảo để hiến dâng cho lũ giặc Tầu.

    Trong Nam Hoa Kinh - Trang Tử có viết:
    “Thiết câu giả tru, thiết Quốc giả Hầu”. Nghĩa là: ăn cắp một chiếc móc (câu) thì bị án tử; còn ăn cắp - cướp cả nước, thì được là chư hầu.

    Câu nói này, đã “ứng nghiệm” trong việc đảng cộng sản của nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” đã bất chấp những Hiệp ước như Hiệp định Paris, 1973, về Việt Nam, đã xua quân xâm lăng, và đã cướp được đất nước Việt Nam Cộng Hòa, để rồi chỉ xin được làm chư Hầu của lũ giặc Tầu, chứ chẳng phải vì một mục đích gì khác, khi đã đem cả máu xương của những thiếu niên, mà có những “bộ đội sinh Bắc tử Nam” là những trẻ em chỉ mới trên dưới mười tuổi. Họ đã bị đẩy vào các chiến trường miền Nam, còn tại miền Bắc, thì đã có những đội quân của Bắc Hàn, của Tầu cộng bảo vệ..., như các tài liệu đã công khai nói đến. Những tội ác đã đẩy trẻ em vào đội quân xâm lăng ở các trận chiến máu lửa, khi các em thiếu nhi, thiếu niên chưa ý thức gì về cuộc xâm lăng của đảng cộng sản của nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” như một Nông Văn Dèn (Dền), dân tộc Tày, khi chết chỉ mới vừa mười bốn tuổi, là một đại tội ác của nhân loại.

    Và, cũng trên những trang báo ở trong nước, đã đăng những tin về những người đã và đang bị bại liệt, tàn tật, trong đó, có cả những “công an nhân dân”, để kêu gọi mọi người giúp đỡ, tài trợ cho các chương trình được gọi là “Nhịp cầu nhân ái”. Vậy, chúng ta phải tự hỏi, tại sao ba mươi bảy năm qua rồi, mà vẫn còn những trường hợp như thế sau ngày 30/4/1975, mà đảng cộng sản Việt Nam đã gọi là “giải phóng”. Và, tại sao những kẻ từng đã xin tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại đã trở về để xây trường học, nhà thương, lập những hội từ thiện???

    Những kẻ này, có thật sự họ tự bỏ tiền túi ra để lập những “hội từ thiện”. Song hoặc giả như họ bỏ tiền ra, họ có lòng từ thiện thật sự, thì người viết bài này, xin nhắn với những kẻ ấy bằng một câu nói mà không nhớ là của ai, nhưng chỉ nhớ nội dung như sau:
    “Nếu ta chỉ cho một người ăn xin một con cá, thì ta nuôi họ được có một ngày. Nhưng, nếu ta chỉ cho họ biết cách câu cá, thì ta đã chỉ cho họ biết tự nuôi lấy chính bản thân họ suốt cả một đời”.





    Pháp quốc, 16/3/2012
    Hàn Giang Trần Lệ Tuyền


    https://hon-viet.co.uk/HanGiangTranLeTu ... ocQuoc.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Ngậm ngùi thảm cảnh tháng Tư! Ngàn dặm thăm chồng

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Ngậm ngùi thảm cảnh tháng Tư!
    Ngàn dặm thăm chồng

    __________________________________
    Nguyễn thị Ngoan







    “Vác đất sét nung gạch được chừng ba tháng. Thân gầy, đói, từ hầm sâu lặt lè vác nặng bước lên, đường trơn trợt té lên, té xuống như cơm bửa. May, được chuyển qua K5, sung vào đội Rau Xanh, nghĩa là trở lại nghề cuốc đất. Thời gian lững lờ trôi, trôi bằng bặc tính ra được hơn hai năm. Từ ngày ra Bắc đến nay đã bốn năm dư. Ngày ấy, bỗng nhiên được lịnh chuẩn bị ra gặp mặt vợ hiền. Tiểu tựa: Ngàn dặm thăm chồng không phải là ví von mà là còn hơn sự thật, bởi nhà từ tỉnh Biên Hòa, xuống ga Bình Triệu, chầu chực qua đêm mới lên được tàu hỏa Thống nhất viển du ra Bắc. Từ Saigon ra Hà Nội đường xa 1,772 Km, tức là đã trên ngàn dặm. Từ ga Hàng Cỏ mẹ và đứa con út 12 tuổi dắt díu nhau lên xe lửa Lào Cai, đổ xuống ga Ấm Thượng, gồng gánh đồ đạc xuống đò ngang sang Sông Hồng, mãi vào Bến Ngọc. Đổ bộ, vượt Dốc Phục Linh cao ngất nghễu rồi mới vào xóm A Mai, tới trại. Đúng là:
              
    Trèo đèo, vượt suối, sang sông
    Gánh gạo nuôi chồng nước mắt rơi rơi

              
    Cảnh vợ chồng ngâu gặp mặt nhau sau hơn bốn năm cách biệt mới thật là thảm! Chiếc bàn tiếp tân thiệt dài, ngồi hai bên được hơn mười cặp vợ chồng tù. Chiếc bàn lại rất rộng, chồng ngồi một bên, vợ bên kia, cách gần hai tầm tay với. Cả hai đàng phải vươn hết tầm tay mới lần được tay nhau. Ngồi ngay đầu bàn, trên ghế cao giống như trọng tài đấu tennis là ông “chỉ biết còn đảng, còn mình” mắt dòm lom lom theo dỏi. Cho nên bao niềm thương nhớ đành nuốt vào gan ruột, không nói nên lời! Chỉ biết lần tìm tay nhau, “mặt nhìn mặt, cầm tay, bâng khuâng không nói một câu...”. Đành phải hỏi nghiêm trang việc con cái học hành, lao động tốt cho đúng nội qui, không thôi buổi viếng thăm bị cúp! Thảm hơn hết là: Ngàn dặm tìm chồng, trèo đèo, vượt suối, sang sông để chỉ được nhìn mặt nhau trong mười lăm phút phù du!”

    (Trích: Các kiểu Đi Tù xã nghĩa - Nguyễn Nhơn)





              
    Quà cho Anh

    Từ ngày nhận được thư Anh
    Đắn đo lo lắng, ba cân phần quà.
    Thêm vào rồi lại bớt ra,
    Món nào ấp ủ tình xa đậm đà.
    Gởi Anh đôi bốt Bốt Bata ,
    Ấm chân vững bước đạp chà gốc gai.
    Gởi Anh bánh thuốc rê cay,
    Đốt ý thức hệ thành mây phiêu bồng.
    Đốt giai cấp đốt Hồ ngông,
    Lênin, Các Mác theo giòng khói tuôn.
    Gởi Anh bánh tổ đổ khuôn,
    Bền lòng chặt dạ, giữ đường kiên trung
    Bao nhiêu đau đớn hãi hùng
    Xin Anh hãy nhớ Em chung mối sầu.
    Gởi anh chiếc nón phết dầu
    Che mưa, đỡ nắng, làm gàu, làm thau
    Gởi anh đường cát trắng phau
    Dịu niềm cay đắng, nâng cao tinh thần.
    Gởi Anh tập giấy trắng ngần,
    Gởi niềm tâm sự lời gần ý xa.
    Gởi Anh chiếc áo bà ba,
    Quê hương nhuộm đỏ cửa nhà nát tan.
    Gởi thêm Anh chiếc áo hàn,
    Đông về ấp lạnh hè sang gối đầu.
    Gởi thêm mấy chiếc khăn hầu,
    Lót vai gánh nặng quấn đầu trời sương.
    Muối vừng muối xả thêm đường,
    Mặn mòi tình nghĩa yêu thương ngọt ngào.
    Đậu tương một hũ thêm vào,
    Anh em thân ái yêu nhau kiếp tù.
    Thương Anh thêm lọ dầu cù,
    Nhức đầu, trúng gió, đêm thu một mình
    Ba cân đã đủ vừa xinh,
    Thư mình Em thế tấm hình vợ con,
    Nhắn Anh còn nước còn non,
    Còn tình còn nghĩa ta còn gặp nhau.

    Bình Dương
    Nguyễn thị Ngoan







    Đoàn quân âm thầm

    Có đoàn quân nào âm thầm,
    Mà dũng cảm bền gan.
    Có đoàn quân nào hiên ngang
    Mà dịu dàng đằm thắm.
    Từ rừng sâu núi thẳm,
    Tận mũi, vịnh, cù lao,
    Từ chót vót non cao,
    Đến đảo xa bủa sóng.
    Không thiết giáp, cà nông
    Mà chỉ có tấm lòng chung thủy.
    Không học trường Võ Bị,
    Mà xuất quỉ, nhập thần
    Từ hốc hẻm xa gần
    Đều có bước chân đặt để.
    Không học trường Đồng Đế
    Mà chẳng nệ sình lầy.
    Văn thư, tài liệu đủ dầy
    Không một ngày Hành Chánh.
    Đêm ngày di hành đạt mức
    Không qua Thủ Đức, Quang Trung,
    Không Hải, Lục, Không quân,
    Mà mọi vùng xông xáo.
    Đâu màn: Lào Kay, Trảng Táo
    Chẳng ngại: Suối Máu, Đầm Dơi,
    Dù: Đá Bạc mù khơi,
    Mặc: nắng trời Thanh Hoá
    Sá gì Phú Yên sỏi đá,
    Bất chấp Mộc Hoá muỗi mòng.
    Trèo đèo, lội suối, giang sông.
    Vác, mang, đội, xách, gánh, gồng, thồ, khuân.
    Hồng trần bạc mái đầu xanh,
    Trắng ngà mắt biếc, long lanh lệ vàng.
    Từ ngày giặc dữ ngập tràn,
    Bỏ kim, bỏ bút, bò đàn, bỏ trâm.
    Nhập vào đoàn ngũ âm thầm
    Không lương, không chức, không diễn văn, dàn chào,
    Không mai vàng, mai bạc, không sao
    Chiến trường trang bị: thanh tao nụ cười.
    Dấn thân, xuất trận một thời
    Bể yên sóng lặng bây giờ, là ai?

    Bình Dương
    Nguyễn Thị Ngoan

              


    https://hon-viet.co.uk/NguyenThiNgoan_N ... mChong.htm
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”