Xuân Canh Tý - 2020

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Canh Tý - 2020

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Chuyện Tết





    Lúc mẹ Hà gọi thì Hà còn đang ngủ say chưa muốn dậy; nhưng giọng mẹ Hà dịu dàng nói:

    – Hôm nay mồng một Tết, con gái mẹ dậy sớm một chút nào. Dậy mặc áo đẹp rồi ra mẹ mở hàng cho.

    Thế là Hà vội ngồi dậy và tỉnh ngủ ngay. Thoạt mở mắt chỉ mới nhìn thấy mẹ mà lòng Hà đã rộn lên. Trông mẹ hôm nay tươi đẹp lạ. Mới sáng sớm mà mẹ đã mặc áo dài. Mẹ mặc chiếc áo Thượng Hải màu huyết dụ; chiếc áo mà từ lâu rồi mẹ Hà chỉ cất ở trong tủ; mẹ lại đánh phấn nữa, thảo nào trông mẹ khác và đẹp quá làm Hà càng thấy vui sướng và yêu mẹ hơn lên. Hà níu chặt lấy cổ mẹ yên lặng áp má trên vai mẹ, nhưng mẹ Hà nhè nhẹ gỡ tay Hà ra và mỉm cười nói:

    – Con mẹ năm nay đã lên tám rồi mà còn nũng nịu mãi thôi.

    Mẹ Hà mặc cho Hà cái áo len cho khỏi lạnh rồi cúi xuống lấy đôi dép của Hà và đỡ Hà xuống đất. Lúc vào tới sân thì Hà gặp u già. “A! Lại cả u già nữa”; chiếc quần láng đen còn bóng hồ mới và chiếc áo cánh trắng mới tinh của u mặc hôm nay đã làm người u trở nên gọn gàng và sạch sẽ, không luộm thuộm như những ngày thường, luôn luôn u chỉ mặc chiếc áo nâu rách và chiếc quần đen đã bạc màu lúc nào cũng sắn sộc sệch, ống cao ống thấp. Lúc trông thấy Hà, u tủm tỉm cười có vẻ như hơi ngượng vì u đang mặc bộ quần áo mới. U nói với Hà:

    – A, em Hà. Chúc em năm nay chóng nhớn và học giỏi bằng năm bằng mười năm ngoái.

    Hà vui quá định nói với u rất nhiều, nhưng chẳng biết nói thế nào. Rút cục Hà chạy sà tới u, ôm lấy ngang lưng u nũng nịu:

    – Không, u bế em đi rửa mặt cơ, chóng lên, áo mới của em đâu?

    Mẹ Hà mắng yêu Hà:

    – Hà ngoan nào. Sáng mồng một mà đã làm nũng rồi.

    Rồi mẹ Hà bảo u già:

    – Thôi u cho em đi rửa mặt rồi còn thay quần áo cho em. À, u đã tẩy bóng cho tôi chưa. Còn nồi ninh u có cho nước mắm thì liệu coi không lại mặn đấy.

    – Thưa mợ vâng. Bóng tôi đã tẩy rồi nhưng mợ coi lại cho, xem đã được chưa.

    Lạ quá, những câu nói của mẹ Hà và của u già hôm nay cũng khác mọi ngày. Tuy cũng vẫn là những lời mẹ Hà sai bảo u già và cũng vẫn là những lời u già nói với mẹ, nhưng trong tất cả giọng nói của hai người có đượm một tình thân mến đặc biệt. Tuy trời lúc này đã tờ mờ sáng mà ở trong bếp Hà thấy vẫn còn để đèn điện. Trong ba bếp lò cái nào cũng hồng rực lửa, bên trên đặt mấy nồi to hơn những nồi nấu thường ngày. Cái gì cũng vui lạ trong cái vui lạ lại có một tình thương yêu ấm cúng làm Hà náo nức. Hà chỉ muốn chạy nhảy hò hét. Lúc u già dắt Hà tới buồng tắm trong khi u quay ra lấy khăn để rửa mặt cho Hà thì Hà đã ngồi sà xuống bên chậu nước, nhúng cả hai tay vào chậu nước nóng nấu lá mùi già, tỏa hơi thơm đầm ấm mờ cả gian buồng tắm. Hà lấy tay khỏa mạnh trong chậu làm nước bắn tung tóe cả ra ngoài, u già đến giữ tay Hà và bảo:

    – Em ngoan nào. Sáng mồng một mà.

    Hà cười khanh khách hỏi:

    – U ơi, nước thơm quá u nhỉ. Sao ngày thường u không nấu nước lá thơm cho Hà rửa mặt?

    – A, Tết mới nấu chứ.

    – Sao lại Tết mới nấu?

    – Tại Tết mà. Thôi em để u rửa, chóng còn ra mặc áo đẹp còn đi lễ Tết với mợ.

    Tiếp lời u già, tiếng pháo trong thành phố nổ ran. Hà hỏi u già:

    – Sao nhà ta không đốt pháo hở u?

    oOo

    Lời bé Hà hỏi làm u già nhớ tới những cái Tết của gia đình nhà này hồi ba năm về trước, khi ba của Hà còn sống. U làm với bố mẹ Hà từ khi chưa có Hà nên u biết rõ lắm. Trước kia, Tết đến thì vui vẻ quá. Trước Tết độ tuần lễ, ba Hà đã đi sắm cành đào thực to về cắm trong chiếc lọ sứ Tàu đặt giữa phòng khách. Trong khi đó thì mẹ Hà ngồi nhà gọt thủy tiên và trông coi phụ với u già nấu các thức bánh mứt. Đêm hai mươi chín, ba mươi, mọi người càng bận rộn nhưng vui tấp nập hơn. Ba Hà đi lên chợ Đồng Xuân mua những chậu cúc đại đóa màu vàng tươi. Mẹ Hà và u già ở nhà làm gà, thổi xôi để sửa soạn cúng Giao Thừa, rồi đốt pháo và ăn uống xong mới đi ngủ. Sáng mồng một, khách khứa tới xông đất và chúc mừng tấp nập, chẳng bù cho mấy cái Tết gần đây, mẹ Hà không hề sắm sửa gì, chỉ may cho Hà bộ quần mới và u già hai bộ quần áo vải như thường lệ. Bao giờ mẹ Hà cũng may áo vải trắng cho u già, nhưng u chỉ mặc trắng có mấy tháng rồi lại đem ruộm nâu. Tối Ba mươi, trong nhà buồn ngắt. Hà đi ngủ sởm, u già không có việc gì làm cũng nằm một chỗ nhớ tới gia đình u. Người con trai độc nhất của u đã đi đâu biệt tích từ mười năm nay để lại người vợ sống đơn chiếc con như người góa bụa. Vì nhớ con trai nên u thương con dâu lắm. U đi ở với bố mẹ Hà từ ngày ấy, nhưng ít dám tiêu đến tiều lương, chỉ lo để dành, cứ đến cuối năm, con dâu u ở quê ra, u lại cho ít nhiều tiền làm vốn. Còn u đã coi gia đình Hà như gia đình mình. Có lần u bảo mẹ Hà:

    – Sống, tôi làm cho mợ; chết mợ chôn tôi.

    U thì thế, còn mẹ Hà thì vừa ngồi đợi cúng Giao Thừa vừa khóc thầm vì u thấy mắt mẹ Hà cứ đỏ hoe lên. Trong ba ngày Tết, mẹ Hà không đi đâu vì có đại tang, mà khách khứa cũng rất ít người đến nhà mẹ Hà, chỉ vài người thân trong họ.

    Nhưng năm nay vừa hết tang ba Hà, trước Tết mẹ Hà đã bàn với u già:

    – U ạ? Tết năm nay hết tang cậu rồi, nhà cũng phải làm ít bánh mứt, và ngày mồng Một cũng nấu lấy mấy bát mà cúng cụ và cậu chẳng phải tội.

    Rồi mẹ Hà im lặng một lát lại tiếp:

    – Mọi năm có tang, ở nhà đã đành, năm nay đoạn tang cậu, tôi cũng phải cho em Hà đi lễ Tết các nhà quen thuộc chứ thôi sao được. A, hễ cậu Đức có tới, u nhớ nhắc cậu ấy đổi hộ cho ít tiền mới để đến Tết tôi còn mở hàng cho trẻ con.

    Nói đến đây, mẹ Hà ngưng lại, khe khẽ nén tiếng thở dài rồi tiếp:

    – Rõ khổ! Mấy năm nay vận áo sám. Kiếm chẳng ra lại còn Tết với nhất, tôi lo quả.

    U già chỉ biết nhìn mẹ Hà, chép miệng một lúc rồi u nói:

    – Mợ ạ, áo tôi năm nay còn mặc được, hay mợ đừng may nữa.

    Mẹ Hà cười, gắt khẽ lên với u già để che vẻ cảm động của mình:

    – U rõ lẩm cẩm. Cả năm chỉ có hai bộ quần áo, chẳng may thì u mặc bằng gì.

    U già như không để ý tới lời mẹ Hà:

    – Hôm này cái cả nhà tôi nó có ra, mợ trả cho tôi một nửa tiền lương để đưa nó thôi. Còn mợ giữ lại cho tôi.

    Mẹ Hà chấm nước mắt nhìn u già định nói gì với u nhưng lại thôi.

    oOo

    – Kìa u, bé hỏi sao nhà ta không đốt pháo?

    U già vội đáp:

    – Có, năm nay có đốt pháo, nhưng đợi có người xông nhà đã. Thôi xong rồi, Hà ra mặc áo đẹp, rồi mợ còn mừng tuổi cho.

    Một lúc sau, bé Hà đã súng sính trong bộ quần áo mới màu hồng trên đầu có tết cái nơ đỏ. Hà hớn hở đi ra đi vào, tay cầm năm tờ giấy một đồng mới, mẹ Hà mới mừng tuổi cho.

    Suốt cả ngày mồng một Hà đã được theo mẹ đi rất nhiều nơi.

    Trước hết, Hà theo mẹ đi lễ ở đền; trong lúc mẹ Hà ngồi lễ và khấn thì Hà ra chơi quanh quẩn ở ngoài. Sân đền đầy xác pháo đỏ rải rác trên mặt cỏ xanh mượt mà Hà gọi là cỏ mọc hoa đỏ. Trời tươi sáng nhưng vẫn có mưa bụi bay phơi phới nhẹ như sương, nhẹ đến nỗi Hà vẫn chơi ở sân mà không ướt. Lâu lắm Hà mới thấy trên chiếc áo dạ đang mặc, bị những hạt mưa bụi bám màng màng như tơ nhện. Lúc Hà đưa tay phủi thì mới biết là quần áo mình đã bị ẩm. Trời rét nhưng hơi nóng trong người Hà bốc ra đủ để Hà cảm thấy nỗi ấm áp trong cái rét ngọt rất dễ chịu đó. Trong không khí có quyện phảng phất mùi hoa lan, hoa ngâu, hoa mống rồng trồng ngay ở sân đền. Mùi thơm của thứ hoa lẫn với mùi khói trầm nhang trở nên một mùi thơm đặc biệt mà Hà chỉ được hưởng mỗi lần đi lễ các đền chùa. Vì chỉ có những đền chùa mới có được mùi thơm tinh khiết và đặc biệt đó. Hà rất thích hai cây hải đường chỉ thấp ngang đầu Hà nở đầy hoa trồng cân đối ngay trước cửa điện thờ, vì Hà có thể nhẹ đỡ từng nụ hoa trên tay mà ngắm nghía không chán. Những nụ hoa đỏ thắm cũng bị những hạt mưa bụi nhẹ bao ở ngoài làm Hà không dám động mạnh sợ rơi những hạt mưa đó.

    Lúc sau, mẹ Hà lễ xong, hai mẹ con đi ra sân ngoài. Mẹ Hà ngước mắt tìm một cành cây có nhiều lộc; khi đã thấy, mẹ Hà kiễng chân níu cành lá xuống để bẻ mang về. Cây bị rung, những hạt mưa đọng trên các cành rơi xuống rào rào. Hà cuống quít đưa cả hai tay ra như muốn hứng lấy tất cả những giọt nước ấy cho khỏi phí, vì Hà thấy những giọt nước mưa đọng trên những lá cây lóng lánh đẹp vô cùng. Loay hoay một lát mẹ Hà mới bẻ được cành lộc rồi cả hai mẹ con cùng vui vẻ ra về. Tới nhà, mẹ Hà đưa cành lá cho u già đem cài trên cửa ra vào. U già khen:

    – Úi chao. Mợ bẻ được cành lộc đẹp quá. Chắc năm nay làm ăn dễ chịu lắm đấy.

    Mẹ Hà cười:

    – Ở trên ngọn còn nhiều cành đẹp nữa đấy u ạ. Nhưng cao quá tôi với không tới, giá…

    Mẹ Hà định nói: “Giá như những năm trước, có ba Hà thì đã bẻ được cành tốt,” nhưng bà chợt im.

    Sau đấy, Hà lại được mẹ cho đi mừng tuổi các nhà quen thuộc. Tới nhà ai, mẹ Hà cũng mở ví lấy tiền mở hàng cho các trẻ con nhà chủ và Hà cũng được nhiều tiền mừng tuổi lại. Phần nhiều toàn là giấy một đồng mới tinh, Hà nâng niu từng tờ và hễ cứ được ai cho thêm đồng nào, Hà lại chập với số tiền đã có từ trước để đếm đi đếm lại. Tối đó về nhà, Hà trải từng tờ giấy bạc lên khắp mặt bàn, soạn giấy năm đồng riêng ra cho khỏi lẫn với giấy một đồng, rồi Hà cẩn thận cho vào cái túi tay màu đỏ của Hà. Tối ngủ, Hà cầm theo cả túi tiền vào giường. Thấy thế, u già hỏi đùa:

    – Em cho u vay nào.

    Hà ngần ngừ rồi lắc đầu.

    – Thế Hà để tiền làm gì?

    Hà nói ngay:

    – Để Hà mua búp-bê to mà ngày trước ba Hà đã định mua cho Hà ấy. Con búp-bê biết khóc, biết cười và có cả chai sữa ở mồm nữa cơ u ạ.

    Qua ngày mồng hai, sang mồng ba, mẹ Hà vẫn giắt Hà đi lễ tết các nhà. Lúc nào ở nhà thì mẹ Hà lại bận tiếp các người đến chúc Tết nhà Hà, thành thử mẹ Hà luôn luôn bận. Đến chiều mồng ba, mẹ Hà chợt nhớ còn quên chưa đến nhà bác Lý. Lúc hai mẹ con ngồi trên xe đến nhà bác Lý, Hà nói và hỏi mẹ luôn miệng. Nhưng mẹ Hà thì chỉ ừ ào, ít nói. Nét mặt có vẻ băn khoăn, bà mở ví của bà, lục lục bên trong một lát, xong rồi đóng lại. Xe đã chạy tới đường Đồng Khánh chỉ còn vài phố nữa thì đến nhà bác Lý. Mẹ Hà ngập ngừng mãi rồi ngắt lời Hà và hỏi Hà:

    – Này con… Đưa mẹ giữ tiền hộ cho.

    Hà nhìn mẹ rồi nói:

    – Không. Con thích giữ lấy để mấy hôm nữa mẹ đưa con đi mua búp-bê cơ.

    – Ừ thì mấy hôm nữa mẹ đưa con đi mua búp-bê, nhưng giờ thì đưa mẹ giữ hộ, không con giữ mà mất thì làm thế nào.

    Thấy mẹ nói có lý, Hà yên lặng tỏ ý ưng thuận nhưng không được vui. Một lúc, Hà mở cái túi đỏ của mình, lôi cuộn tiền chậm chạp đưa cho mẹ, Hà đã cẩn thận, xếp thẳng những tờ giấy bạc, cuộn lại, xong lại lấy giấy bóng đỏ gói, rồi chằng cao su rất cẩn thận. Nhưng Mẹ Hà tháo dây cao su và giấy đỏ vứt đi rồi xếp tiền vào trong ví của bà. Thay thế, Hà vội hỏi:

    – Sao mẹ lại vứt giấy đỏ của con đi?

    – Giấy ấy nhàu rồi, không đẹp con ạ. Về nhà mẹ cho tờ khác đẹp hơn.

    Đến nhà bác Lý, sau khi mọi người chúc mừng nhau ồn ào, Hà được bác mừng tuổi cho những mười tờ giấy một đồng. Hà đang vui hỉ hửng, bỗng mở to mắt ngạc nhiên vì thấy mẹ đang mở ví lấy xấp tiền của Hà ra để mừng tuổi cho các con bác Lý. Bác Lý đông con quá, lố nhố đến bảy tám đứa mà mẹ Hà lại gọi tất cả đến trước mặt bà để bà mừng tuổi cho mỗi đứa đến năm tờ chứ không ít.

    Xấp tiền của Hà trên tay mẹ Hà cứ mỏng dần và mắt Hà thì mọng đỏ. Nhưng Hà cứ giương mắt lên và nhìn xấp tiền trên tay mẹ, cổ Hà đã có một cục gì chạy lên chạy xuống. Hà cũng không hiểu tại sao lúc ấy lại không đòi ngay xấp tiền về. Chợt Hà thấy mẹ thoáng nhìn mình. Tia nhìn của bà ngầm có ý dỗ dành và buồn buồn. Thế là Hà cúi xuống chớp chớp mắt, nước mắt theo những cái chớp trào lên mi. Mẹ Hà kéo Hà ôm vào lòng, Hà cảm thấy mẹ thoáng ghì chặt lấy mình. Bà nói vội và khẽ bên tai Hà:

    – Đừng con. Mẹ xin, mẹ xin. Rồi về mẹ trả con.

    Nhưng rồi bà lại vội tươi nét mặt nói với bác Lý:

    – Đấy, cháu bác lớn thế mà vẫn cứ còn hay làm nũng. Đang đòi về đấy ạ, thực hư quá.

    Bác Lý cười:

    – Nào, cháu bác muốn gì nào. Ngồi một tí nữa rồi mẹ cho về việc gì mà phải ngủ nhè.

    Ra khỏi nhà bác Lý, Hà òa lên vừa khóc vừa nói:

    – Con bắt đền mẹ đấy nào, mẹ lấy tiền của con cho con bác Lý hết rồi. Con bắt đền mẹ nào…

    Mẹ Hà dỗ:

    – Nín con. Về nhà mẹ đền. Mẹ có lấy mất của con đâu. Nín rồi mấy hôm nữa mẹ đưa đi mua búp-bê.

    Nhưng Hà không nín. Mẹ Hà dỗ mãi rồi cũng kệ. Đến nhà, mẹ Hà gọi u già lên bảo gì khẽ lắm. Xong bà quay đi thay quần áo rồi lên nằm nghỉ trên giường. U già lần túi áo trong tháo kim băng rút gói vải nhỏ ở trong ra. U loay hoay mở gói lấy mấy chục bạc xong đem đến chỗ Hà u đưa cho Hà:

    – Này, tiền của em mợ trả đấy, việc gì mà phải khóc.

    Hà ngây người:

    – Không, em không thèm lấy liền ấy đâu. Của em tiền mới cơ. Em bắt đền đấy nào…

    Cứ như thế một lúc lâu. U già dỗ chẳng được bỏ ra ngoài sân dọn dẹp Hà thì không gào to nữa, nhưng vẫn ti tỉ khóc và tức vì đã thế mẹ Hà còn để kệ Hà mà đi nằm. Nhưng Hà bỗng nín bặt và lắng nghe, hình như mẹ Hà vừa thở dài rất nhẹ. Đúng rồi bà vừa trở mình nằm thẳng. Một cánh tay vắt che ngang mặt. Hình như mẹ Hà lại khóc nữa chứ. Hà nín thở hồi hộp và hối hận muốn chạy lại nhấc tay mẹ ra xem có phải mẹ khóc thật không, nhưng vẫn không dám. Đúng lúc đó u già vào. Trông thấy u, Hà lại òa lên khóc. Nhưng u già không biết là lúc này Hà chỉ hối hận vì tự nhiên thấy thương mẹ mà khóc? U đến cạnh Hà lại móc túi lấy mấy chục bạc đưa cho Hà.

    – Thôi em. Năm mới mà. Khóc dai quá. Nín đi, tiền này cũng mua được búp-bê mà.

    Hà gào to:

    – Không… em không lấy… em không lấy đâu.

    Hà định bảo với u già là Hà hối hận, không lấy tiền nữa. Nhưng u già không hiểu tưởng Hà vẫn còn dỗi, u thở dài:

    – Gớm, em gan quả, hư quá, em làm mẹ buồn đấy.

    Mẹ Hà vẫn nằm yên dáng điệu cũ nhưng bà nói:

    – Thôi u cứ đi làm cơm đi.

    Mẹ Hà chỉ nói có thế, nhưng Hà nghe giọng mẹ thì biết đúng là mẹ đã khóc thật. Hà thấy khổ quá nên chạy xầm tới bên mẹ, kéo cánh tay mẹ Hà đang để che ngang mắt bà ra. Hà nức nở khóc và nằm rúc đầu vào nách mẹ; tấm tức gọi:

    – Mẹ ơi.

    Mẹ Hà chợt hiểu, bà ôm lấy Hà, dụi cái má đẫm nước mắt của bà vào má Hà, cười nói:

    – Con gái mẹ…

    Còn u già vừa gởi tiền cất vào túi vừa đi ra sân mủm mỉm cười lẩm bẩm:

    – Rõ thật.

    Nguyễn Thị Vinh

    Nguồn:https://vietmessenger.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Canh Tý - 2020

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    45 Tết Lưu Vong
    (Lời dâng lên Mẹ Việt Nam)




    MẸ VIỆT NAM ơi!

    45 năm rồi

    Áo con đã rách.

    Còn sợi chỉ nào, từ nguồn thiêng huyết mạch

    Cho con xin, vá lại áo Đời.

    Con đã đi, đường gai góc mòn hơi

    Xuyên rừng núi, mồ hôi pha trộn máu.

    Về quê hương, nguyện lòng son chiến đấu

    Nửa đường đi thành đêm tối lao tù.

    Mười năm ôm hận nghìn thu

    Lênh đênh chìm theo vận Nước.

    Và hôm nay, vạn nẻo đường xuôi ngược

    Con vẫn còn tiếp bước Cha Ông.

    *

    Bao nhiêu năm – Mẹ đã đau lòng

    Nghe con khóc từ trùng dương sóng chuyển.

    Huyền sử xưa năm mươi con theo Cha về biển

    Giống Rồng Thiêng mở rộng cõi bờ.

    Còn hôm nay vì hai tiếng Tự Do

    Trăm ngàn thây vùi tan nơi vực thẳm.

    Năm mươi con vượt rừng sâu muôn dặm

    Theo Mẹ hiền – thơm nửa máu dòng Tiên.

    Dựng quê hương hùng sử khắp ba miền

    Nay Văn Hiến cằn khô cùng sỏi đá.

    Những địa danh chôn xương tù gục ngã

    Tên kinh hoàng, tủi nhục đến nghìn năm.

    Hoàng Liên Sơn không nấm mộ con nằm

    Cổng Trời nghe máu khóc.

    Dã thú vờn quanh, xiềng gông, tang tóc,

    Nghĩa “Con Người” thua chữ sắn khoai.

    *

    Bao nhiêu năm – em bán hình hài

    Tìm miếng cơm manh áo.

    Đại Hàn, Đài Loan, xông xáo

    Mua em về làm món đồ chơi.

    Năm nghìn năm dù nước lửa dầu sôi

    Chưa bao giờ mẹ bán con vì đói.

    Bầy trẻ thơ còm cõi

    Bươi rác nghèo, rách rưới lang thang.

    Nghe quanh mình loa vẫn thét “vinh quang”

    Đường Tương Lai đá cũng tan thành lệ.

    *

    Bao nhiêu năm tưởng chào vui thế hệ

    Ngẩng cao đầu, tay vói đến năm Châu.

    Nhưng cội nguồn và đạo lý chìm sâu

    Lo sáng tạo những đua đòi vật chất.

    Mùi kim tiền thơm hơn bánh mật

    Giấc mơ vàng : – mong thoát khỏi quê hương.

    Thúy Kiều xưa, rơi sóng nước Tiền Đường

    Nay viết lại thành Tiền Giang, phản động! (*)

    Lũy tre xanh, cánh tay thần Phù Đổng

    Bao anh hùng dựng Nước thuở ban khai

    Còn lại đây hoang phế cả đền đài

    Tên Hùng Vương đành thua tên Bill Gates. (*).

    Túi càn khôn đã nghèo, thêm rỗng tuếch,

    Văn Hóa này còn lại tiếng “bia ôm”!

    *

    Bao nhiêu năm – răng hổ đói đỏ ngòm

    Luôn gầm thét, xé tươi hồn Dân Tộc.

    Từ địa đạo ùn lên bao cơn lốc

    Thành “đại gia” chễm chệ một phương trời.

    Miệng “vô sản” toàn men rượu nồng hơi,

    Tay “chuyên chính” ôm bao đầy châu báu.

    Dinh thự nguy nga, dựng lên từ máu

    Của nhân dân khổ hạnh một đời.

    Người thương binh ngẩng mặt nhìn trời

    Nghe tiếng khóc trong tiếng cười vang vọng.

    Chiếc xe lăn bánh mòn, gãy gọng

    Lê thân tàn về cuối hẻm đơn côi.

    *

    MẸ VIỆT NAM ơi!

    45 năm rồi, niềm đau quặn thắt.

    Đã có bao người lửa lòng nguội tắt

    Dĩ vãng quên rồi, hiu hắt tình Quê?

    Lớp già nua mơ ước nẻo về

    Không nhắm mắt, cuối đời lên tiếng nấc.

    Còn tuổi trẻ hồn nhiên hoa mật

    Nơi xứ người chấp nhận quê hương.

    *

    Nhưng một ngày mai:

    Đường hoa nở hướng dương

    Hành trình thôi cúi mặt.

    Sẽ có những đàn con vòng tay siết chặt

    Kéo mặt trời về lại phương Đông.

    Tổ Quốc sẽ tươi hồng

    Giữa hào quang Dân Tộc.

    Cây Tự Do sẽ đâm chồi nẩy lộc

    Lửa Nhân Quyền bừng sáng nẻo thâm u.

    Mái trường vui thay thế chốn lao tù

    Cho con học từ cội nguồn Nhân Bản.

    Không kẻ nào được quyền mua bán

    Thịt da em, nguồn sống của Rồng Tiên.

    Hồn Tổ Quốc linh thiêng

    Đài cao về chiếm ngự.

    Cuộc hành trình từ quê hương – viễn xứ –

    Chuyển xoay thành trẩy hội hoa đăng.

    Từ phương Nam tung vút cánh chim Bằng

    Thành Rồng thiêng Đông Á.

    Từ núi cao nghiêng mình ra biển cả

    Rạng ngời soi hai chữ: VIỆT NAM.

    *

    Lời trần tình bao nhiêu năm

    Con viết bằng tim máu.

    Từ nỗi đau âm thầm chôn giấu

    Kính dâng lên TỔ QUỐC hằng yêu.

    Mỗi chữ-vần mong gói trọn một điều:

    Từ Tâm Thức xin góp chung Hành Động.

    Đại cuộc Toàn Dân ban con Lẽ Sống

    Hiến dâng đời cho trọn nghĩa Quê Hương.

    MẸ VIỆT NAM ơi!

    Dù gian lao xin tiếp máu Lên Đường

    Cho con về với Mẹ.

    Vững chân đi, qua trăm ngàn dâu bể

    Được quỳ ôm từng mảnh đất quê Cha.

    Phút cuối đời xin biến lệ thành hoa

    Giữa triều vui Dân Tộc.

    Trong lòng con : – Vĩnh hằng TỔ QUỐC

    Huy hoàng Văn Hiến – Tự Do!

    VÕ ĐẠI TÔN


    Ghi chú:

    * Văn Học – Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học tại Việt Nam năm 2004, qua đề tài bình luận về truyện Kiều của Nguyễn Du, đã có nhiều thí sinh nộp bài viết : Thúy Kiều vì buồn chuyện gia đình đã tự vận tại sông Tiền Giang, may nhờ một nữ cán bộ cộng sản vớt lên, cải tạo tư tưởng phản động, Thúy Kiều giác ngộ, xin được kết nạp vào dảng.

    * Lịch sử – Trong cuộc thăm dò ý kiến sinh viên các trường đại học ở Việt Nam về các vĩ nhân thế giới và dân tộc, đa số sinh viên đều tuyển chọn Bill Gates làm thần tượng số 1 của giới thanh niên hiện nay trong nước.


    Nguồn:https://baotgm.net



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Canh Tý - 2020

Bài viết bởi Bạch Vân »

          







          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Canh Tý - 2020

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Năm Tý nói chuyện Chuột




    Nguồn gốc loài chuột:

    Không ai biết được nguồn gốc của chuột phát sinh từ đâu mà ra. Tất cả thế giới đều cho đó là hiện tượng do thiên nhiên tạo dựng nên các sinh vật trên trái đất, giống như chuyện trong kinh thánh nói về việc tạo dựng nên vũ trụ và con người phát xuất từ đất bùn, Chúa nặn lên tổ tiên của loài người là Adam và Eva.

    Có một câu hỏi đặt ra, mà cho đến ngày nay vẫn chưa có câu giải đáp. Tại sao tổ tiên của chúng ta lại chọn loài chuột đứng đầu cho 12 con giáp? Mà lại không chọn con vật khác?? Chưa có câu trả lời chính xác.

    Nhưng có giả thuyết cho rằng: Sở dĩ chuột được đứng đầu trong 12 con giáp, vì theo các khoa học gia cho biết vào giờ Tý khoảng từ 23 giờ khuya đến 02 giờ sáng là giờ chuột hoạt động rất mạnh, đi cắn phá và kiếm ăn. Giờ đó chúng rất tỉnh táo và bén nhậy. Lồng trong thời điểm đó, đa số các cặp vợ chồng chọn là giờ để ân ái, giao hợp với nhau. Giờ này yên tịnh, những người thân hoặc con cái trong gia đình đang yên giấc ngủ. Lợi dụng giờ giấc này, các cặp vợ chồng thức dậy, khều nhau cùng diễn trò mây, mưa, “trùm mền múa lân”. Nên phụ nữ thường hay cấn thai vào giờ Tý. Do đó mới có sự phát sinh ra nhân loại lan tràn trên trái đất. Vì vậy chuột được coi là con vật làm chuẩn đứng đầu 12 con giáp. Đây chỉ là một giả thuyết thôi, không có sự xác minh chính thức.

    Đã có sự thống nhất ở một số quốc gia Á châu, trong đó có người Việt Nam. Cha ông chúng ta đã chọn 12 con vật tiểu biểu cho 12 con giáp. Có 7 con vật là loại chăn nuôi: Trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, heo.

    Còn 4 con vật khác thuộc loại hoang dã: Chuột, hổ, rắn, khỉ và 1 con vật coi như là thần linh, đó là Rồng.

    Các loại chuột và họ nhà chuột:

    Chuột sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, có nhiều loại khác nhau, riêng chuột (Rattus) có tới 570 loại giống, đó là một số lượng giống vật nhiều loại nhất, so với bất cứ loại động vật có vú nào. Chuột nhắt (Mus) cũng có khoảng 370 loại. Cũng theo ước tính của các nhà khoa học thì hiện nay trên thế giới có khoảng trên 4 tỉ con chuột, nghĩa là bằng khoảng 2/3 dân số loài người trên thế giới..

    Chuột đàn rất mắn đẻ, sau khi giao cấu, chuột cái có bầu từ 19 đến 22 ngày, khoảng 3 tuần là đẻ. Chúng đẻ rất nhiều, mỗi năm chuột cái sinh sản từ 5 đến 7 lứa và mỗi lứa đẻ từ 6 đến 10 con. Chuột cái con (female), lớn chừng 3 tháng tuổi là có thể giao cấu, thụ thai và sanh con. Cứ 3 tháng chuột cái lại sanh một lần. Tuổi thọ của chuột sống tối đa khoảng từ 3 đến 4 năm.

    Theo thống kê cho biết: Chuột cái, nếu cứ mỗi lần sanh sản “mẹ tròn, con vuông” thì khoảng sau 3 năm, nó sẽ có đến 5 đời: Con, cháu, chắt, chút, chít có thể lên đến hàng triệu con. Nếu không có loài người và những sinh vật sát hại chúng như: Mèo, chó, rắn, diều hâu, chồn, cáo. .vv.. Giết và ăn thịt chuột, thì chẳng bao lâu chuột sẽ sinh nở kín trái đất.

    Chuột thuộc loại gặm nhấm và sinh sản nhiều, cho nên chúng được xếp vào loại động vật có quân số đông nhất trên địa cầu. Chuột có nhiều loại:

    -Chuột Bạch -Chuột Cống (hay chuột Na Uy) -Chuột Chù -Chuột Đại thử (hay còn gọi chuột Kangaroo) -Chuột Đồng -Chuột Giunea pig -Chuột Nhà -Chuột Nước -Chuột Nhảy -Chuột Sạ -Chuột Sao -Chuột Sóc -Chuột Túi -Chuột Vòng..v.v.. Chuột vòng và chuột bạch nuôi làm cảnh trong nhà.

    Chuột cũng biết ghen:

    Theo các nhà nghiên cứu cho biết: Khi chuột nhà gặp một con chuột lạ xuất hiện, trưởng bày chuột sẽ xua đuổi hoặc chiến đấu với tên chuột lạ cho tới khi chuột lạ biến mất, hoặc tiêu diệt tên đó. Chuột tiết ra một mùi riêng để chúng dễ nhận diện ra bà con. Trong trường hợp chuột chồng phải đi xa kiếm ăn, hoặc vắng nhà. Chuột vợ ở nhà cho chồng mọc sừng. Hoặc có tên chuột đực nào gian manh đến tán tỉnh, tằng tịu với chuột cái, chuột chồng về, sẽ trừng trị chuột cái cho đến khi cái mùi của tên chuột đực dê xồm được gió cuốn bay đi hết khỏi lông của chuột vợ, thì chuột vợ mới được chồng tha…

    Thực phẩm của chuột:

    Chuột ăn được các loại thực phẩm mà con người, hay bất cứ sinh vật nào trên trái đất có thể ăn được. Chúng ăn, gặm nhấm và phá hoại mùa màng, lương thực của dân gian khoảng 42.5 triệu tấn trong một năm, từ ngoài cánh đồng vào đến các kho dự trữ. Số lượng lương thực này được Hội Lương Nông Quốc Tế LHQ ước tính bằng tổng sản lượng lương thực của 25 nước nghèo trên thế giới cộng lại. (trong đó có VN).

    Cứ mỗi vụ mùa, một con chuột tha về hang, ổ khoảng từ 3 đến 5 kílô thóc gạo. Chuột ăn một ngày khoảng 100gr thức ăn, bằng 50 hay 80% trọng lượng toàn thân của nó. Các nông gia ước tính, cứ mỗi hecta ruộng, rẫy, có khoảng 20 hang chuột.

    Qua một cuộc nghiên cứu và thí nghiệm, trong phòng Lab. Người ta bắt một con chuột nhắt thả vào trong một hũ gạo. Kết quả ghi nhận được như sau: Chuột nhắt ăn một năm hết 18.2kg gạo và bài tiết ra 25,000 cục phân, tổng cộng nặng 1.8kg và xả ra khoảng 4,640cm khối nước tiểu. Lượng gạo bị nhiễm bẩn, hư hại không dùng được, nhiều gấp 10 lần số gạo chuột đã ăn.

    Thịt chuột:

    Thịt chuột là món đặc sản của người dân miền Tây Việt Nam. Ai về miệt dưới, hướng Rạch Giá, Long Xuyên Châu Đốc, đi qua hai đầu cầu bắc, bến phà Vàm Cống đều nhìn thấy những quán cơm bán thịt đồng quê, nơi đây có những quán bán thịt chuột đã lột da, được xếp trong những cái khay, hoặc xiên thành từng vỉ, treo lủng lẳng trước quán để cho khách lựa chọn. Khách chỉ cần mua về, chặt thịt ra từng mảnh, ướp gia vị, nướng rôti hay kho sả ớt, ăn cũng rất thú vị. Trước khi làm món thịt chuột, người ta bắt chuột còn sống, cầm cái đuôi, dốc đầu chuột xuống, quay vài vòng cho chuột chóng mặt, rồi đập đầu chuột vào vật cứng như gỗ, đá hay đất cho chết. Chặt bỏ đầu, chân, đuôi và lột da vất đi. Mổ bụng, bỏ ruột, chỉ lấy độc nhất cái thân mà thôi. Rửa thịt cho sạch, sau đó chặt ra làm 4 hay 6 miếng tùy theo món chế biến, ướp gia vị với hành, tỏi, sả, ớt cho thơm…đem xào, chiên hay kho cũng ngon.

    Bắt chuột miền quê: Năm 1954 di cư vào Nam, chúng tôi thấy những người dân miền Nam bắt rắn, bắt chuột về ăn thịt. Lúc đầu chúng tôi nhìn thấy họ làm thịt rắn và chuột. Nghĩ tới lúc ăn, sao tôi thấy ơn ớn. Nhưng về sau được những người bạn miền Nam cho ăn thử, thấy ngon và có lý, nên chúng tôi cũng học theo, đi săn bắt chuột và rắn về mần thịt.

    Khởi đầu dân Bắc Kỳ di cư vào Nam được chính phủ Ngô Đình Diệm đưa đi định cư nơi vùng dinh điền Cái Sắn, nằm giữa liên tỉnh lộ Long Xuyên - Rạch Giá.

    Cái Sắn là một cánh đồng hoang vu ngập nước từ tháng 5 đến tháng 12, cỏ dại mọc cao khoảng từ 2 tới 3 mét, đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Đến mùa khô, chính phủ gửi một đội quân máy cày, có Mã Lực mạnh, kéo loại giàn cày 3 chảo, khoảng vài chục chiếc xuống dinh điền Cái Sắn, giúp dân chúng phá hoang lập ấp. Đội máy cày, kéo giàn cày chạy trước, chúng tôi dẫn chó chạy theo sau, để săn bắt những con chuột đồng bụ bẫm và những chú rắn hổ hành bự, trông rất dự tợn. Bày chó giúp chúng tôi bắt chuột, rắn và rùa rất nhanh chóng, gọn gàng và hữu hiệu. Chó rượt theo chuột, cạp ngang lưng con chuột hay đuôi rắn kéo về, chúng tôi chỉ cần lấy cây đập đầu rắn hoặc tóm cổ chuột, bỏ vào bao hay rọ là xong ngay.

    Chúng tôi thường đem theo những cái bao bố (empty bags) đã được Cơ Quan Viện Trợ Mỹ dùng để đựng gạo và bột mì phát cho dân chúng, để nhốt chuột và rắn. Chúng tôi dẫn chó theo đoàn máy cày chừng vài tiếng đồng hồ là có một vài bao chuột, rùa và rắn đem về mần thịt.

    Ở miền Tây vào mùa nước lớn chúng tôi dẫn chó theo lên xuồng, chống sào vào các bụi tre hay các bụi rậm, lấy đòng đâm chuột, nhiều chú chuột bị động, sợ nhẩy xuống nước trốn, chó rượt theo bắt lại. Vào mùa khô chúng tôi dẫn chó ra cánh đồng, thấy hang, ổ nào nghi là có chuột, chúng tôi đốt nùi rơm, hun khói thổi vào trong hang, chuột, rắn bị ngộp chui ra, phóng chạy, chó thoải mái rượt theo, cạp lưng chuột mang về giao cho chúng tôi. Ở miền Tây, người ta thường ra đồng bắt chuột đem về làm mồi nhậu với rượu đế, nấu gạo nếp than Bắc kỳ, nhậu tuyệt cú mèo, xỉn vút cần câu.

    Trước 1975 ở Cần Thơ có quán Bảy Rùa nằm kế Bến Xe Mới gần Lộ 20. Quán này chuyên nấu các món nhậu thịt đồng quê như: Rùa, rắn, cua đinh, cua đơ và thịt chuột khá ngon. Dân nhậu Miệt Vườn thường hay ghé vào quán Bảy Rùa để lai rai thưởng thức các món thịt hoang dã đồng quê. Cần Thơ còn có thêm quán Vĩnh Ký và vài quán nữa cũng nấu các món đồng quê thuộc loại số dách.

    Bây giờ hồi tưởng lại qúa khứ, vẫn còn thấy thèm “Món Nhậu Đồng Quê”. Ông bạn miệt vườn của tôi ở Cái Răng có treo trên tường 4 câu thơ:

    • Bao giờ bạn đến thăm nhà

      Thưởng thức đặc sản đậm đà tình quê

      Mùa đông tôi đón bạn về

      Ăn món thịt Chuột hương quê tự hào…



    Nhậu thịt Chuột 7 Món:

    1. Chuột luộc ướp lá chanh. Thịt chuột luộc, ép với lá chanh. Sau khi luộc vớt thịt ra, lấy hai cái kẹp bằng tre, ép cho ra hết nước, rồi chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, bày ra đĩa, rắc lá chanh thái chỉ và hành ngò lên trên, ăn ngon như thịt gà…

    2. Chuột xào. Thịt chuột chặt thành miếng cỡ bằng 3 ngón tay, cho vào chảo xào chín với nước sốt. Đậu phộng giã nhỏ, rau thơm, hành, ngò, lá răm thái nhỏ, rắc lên trên, món này ăn với bún hết xẩy.

    3. Chuột chiên dòn, rắc ngò gai, ngò ôm, ớt thái mỏng trộn với chanh trên dĩa thịt, chấm với nước mắm pha lạt, dầm với củ kiệu, cà rốt thái mỏng, món này nhậu bí tỷ. Ngoài ra còn có mục:

    4. Thịt Chuột nấu đông

    5. Thịt Chuột giả cầy

    6. Thịt Chuột xào chua ngọt

    7. Thịt Chuột sốt cà chua

    Nghe đồn, ở miền Bắc có 2 tỉnh nổi tiếng về chợ bán thịt chuột và nấu món ăn thịt chuột là tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh. Nhất là làng Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh có quán thịt chuột 7 món. Giá thịt chuột vào những ngày gần Tết ở vùng này khoảng từ 12,000 đến 15,000 đồng VN/ kg.

    (Phỏng theo hành trình văn hóa VTV4)

    Theo khách du lịch kể lại, bên Trung Quốc ở tỉnh Vũ Hán có một khách sạn lớn, chuyên nhận chiêu đãi du khách đặc sản thịt chuột 10 món. Những món thịnh soạn này được các chú Ba biến chế từ 100 con chuột đồng. Món Fillet chuột được nhiều thực khách ưa chuộng. Chợ tỉnh Quảng Tây bán chuột sống, chợ Quảng Đông bán thịt chuột đóng hộp. Dân Phúc kiến cho rằng, thịt chuột có cái lườn là ngon nhất.

    Trung Quốc cũng còn món thịt chuột độc đáo nữa là thịt “Chuột Bao Tử”. Món này được chế biến từ loại chuột đồng baby, được bắt đem về nuôi từ lúc còn nhỏ, cho chúng ăn bằng gạo trộn lẫn với trứng gà và các vị thuốc bắc, uống nước sâm và nước ép trái lê. Khi chuột đủ lớn, thụ thai vừa sanh con, chuột con còn sống được cột chặt, cho vào làm nhân bánh, như nhân bánh bao. Khi người ăn đưa bánh vào miệng cắn ăn, sẽ nghe tiếng kêu của chuột nhí còn sống bên trong. Đây là một trong 7 món đặc biệt mà Từ Hy Thái Hậu đã chiêu đãi các sư thần vào đêm giao thừa khoảng năm 1877 Tân Tý.

    (Trích theo hội thi chuyên gia nấu ăn Trung Quốc)

    Thịt Chuột là một món ăn thú vị nhất của Mèo.

    Tôn Giáo Chuột:

    Bên Ấn Độ có một tôn giáo thờ Chuột. Trong một đêm khuya, tôi tình cờ mở TV coi đài số 2 ABC, chương trình Thế Giới chung quanh chúng ta, tường thuật thời sự bên Ấn Độ có đạo thờ chuột. Nguyên một làng thờ chuột, tôi không nhớ rõ tên làng này. Đạo Trưởng cấm các tín đồ không được nuôi những gia súc sát hại chuột, vì chuột là thần thánh, mọi người phải nuôi chuột và cho chúng ăn. Tôi nhìn thấy chúng sống và chạy nhầy luẩn quẩn chung với người. Hàng hàng, lớp lớp chuột chạy khắp mọi nơi trong nhà ngoài ngõ, nhìn thấy mà nổi da gà. Có lẽ đây là một tôn giáo có tín ngưỡng hơi quái đản.

    Chuột Trong Kinh Thánh (trích theo các sách)

    Lê Vi - Chương 11 -29Trong số các loài vật nhỏ lúc nhúc trên mặt đất, các ngươi phải coi những loài này là ô uế: Chuột chũi, chuột nhắt, mọi thứ thằn lằn,

    Samuel I - Chương 6 -4Người Phi-li-tinh hỏi: “Của lễ đền tội chúng tôi phải nộp cho Người là gì?” Họ đáp: “Năm cái khối u bằng vàng và năm con chuột bằng vàng, tính theo số các vương hầu người Phi-li-tinh, vì cũng một tai hoạ đã giáng xuống trên tất cả anh em và trên các vương hầu của anh em”.

    Samuel I - Chương 6 -5Anh em hãy làm những hình ảnh các khối u của anh em, và hình ảnh các con chuột đang phá phách xứ sở, và hãy tôn vinh Thiên Chúa Ít-ra-en. May ra Người sẽ nhẹ tay với anh em, với các thần của anh em và xứ sở anh em.

    Samuel I - Chương 6 -11Chúng đặt hòm bia Đức Chúa lên xe, cùng với cái tráp đựng các con chuột bằng vàng và hình ảnh các khối u của chúng.

    Samuel I - Chương 6 -18Ngoài ra còn có các con chuột bằng vàng, tính theo số tất cả các thành người Phi-li-tinh thuộc về năm vương hầu, từ thành kiên cố cho đến làng bỏ ngỏ. Tảng đá lớn trên đó người ta đã đặt hòm bia Đức Chúa là bằng chứng cho đến ngày hôm nay, trong cánh đồng ông Giơ-hô-su-a người Bết Se-mét.

    Isaia - Chương 2 -20Ngày đó, con người sẽ ném cho chuột chù, cho dơi những tà thần bằng bạc, tà thần bằng vàng của họ mà họ đã làm ra để thờ.

    Isaia - Chương 66 -17Những kẻ tự thánh hiến và tự thanh tẩy để vào các khu vườn sau một người đứng ở giữa, những kẻ ăn thịt heo, thịt các thú vật kinh tởm và thịt chuột, đều sẽ chết cả lũ.

    -Sấm ngôn của Đức Chúa.

    Như vậy lược sơ qua các bộ kinh thánh, chúng ta chỉ tìm thấy có Chuột được nói đến trong kinh thánh Cựu Ước. Còn kinh thánh Tân Ước thì không hề đá động gì đến loài chuột cả.

    Văn nghệ chuột:

    Hồi còn nhỏ, học ở bậc tiểu học, thầy cô giáo bắt chúng tôi phải tập dợt văn nghệ để trình diễn vào cuối niên học:

    Bọn tôi không có máu văn nghệ, nên chẳng biết phải nghĩ ra tiết mục gì để mà trình diễn. Thầy cô ra điều kiện, nếu đội nào không có tiết mục trình diễn văn nghệ, sẽ phải đi làm vệ sinh và công tác dọn dẹp trường lớp. Sợ phải làm công tác, nên thằng bạn tôi đề nghị chúng mình chế ra bản nhạc “Chuột chết thúi để hát.” Vì hôm qua, Ba nó phát giác ra, dưới gầm giường có một con chuột chết thúi, mùi rất hôi, nó ớn quá. Thế là hắn chế ra bài hát, bắt cả 3 thằng chúng tôi tập để lên sân khấu trình diễn. Tôi lấy cây chổi làm microphone, Thiện lấy cái mẹt của bà nó cột thêm khúc tre chế ra cây đàn, Hiển lấy cái nồi làm trống. Tôi bắt đầu hát:

    • Chuột chết nuỗn, nuồn, nuồn, nuồn, a! á ! à !!

      Thằng Thiện bạn tôi nó đánh đàn phụ họa ngay:

      Tưng, tưng..Pùng píng, pung pang! pang! pang!


    Thằng Hiển đứng kế bên tôi lấy mồm gõ vào cái nồi làm trống kêu: Tùng! Tùng !!! thế là cả hội trường cùng vỗ tay cười. Chúng tôi không ngờ màn trình diễn “Con chuột chết thúi” của chúng tôi lại được khán giả hâm mộ như vậy.

    Trước năm 1975 Nhà tôi ở kế bên chợ, nên thường nghe các người quảng cáo bán thuốc Sơn Đông, họ biểu diễn võ thuật, để rao bán các thứ thuốc, kể cả thuốc diệt chuột. Họ rao bằng những vần thơ rất hay sau đây:

    Thuốc chuột đây! Thuốc chuột đây!

    Chuột ăn chuột chết

    Rết ăn, rết què

    Đánh đổ đầu hè

    Kiến ăn, kiến chết


    Nghe cũng vui tai và có nhiều khách hàng đến mua


    Tục Ngữ Chuột

    Chuột sa hũ gạo. Mèo vờn chuột. Loắt choắt như chuột nhắt. Hôi như chuột chù. Lù đù như chuột cống. Thúi như chuột chết. Lấm lép như chuột ngày.

    Film Hoạt Họa Mickey Mouse

    Film hoạt họa Mickey Mouse được sáng chế năm 1928 do hoạ sĩ Ub Iwerks (Ubbe Ert Iwwerks) người Đức, ông di dân sang Mỹ năm 1869 và làm việc cho công ty sản xuất film Walt Disney, chuyên vẽ film hoạt họa cho hãng film này. Sau một thời gian những film hoạt họa loại “Oswald the Lucky Rabbit” do ông vẽ, không còn được khán giả hâm mộ nữa. Nên nhà sản xuất Walt Disney đã đề nghị ông vẽ film hoạt hoạ mới, thay thế các film cũ không ăn khách. Ub Iwerks đã thử vẽ film hoạt hoạ về Ếch, Chó, Mèo, nhưng đã bị nhà sản xuất Walt Disney loại bỏ, không vừa ý. Mãi đến năm 1925 một hoạ sĩ khác tên Hug Harman vẽ những chú chuột chung quanh tấm hình của Walt Disney. Từ đó Ub Iwerks có ý tưởng vẽ film hoạt họa về Chuột, và ông đã khởi sự vẽ loại film này. Film hoạt họa Mickey Mouse đầu tiên ra đời là Film “Plane Crazy” được trình chiếu ngày 15 tháng 5 năm 1928 Pilot là một chú chuột ra khỏi máy bay rồi nhảy dù. Nhưng film này đã không gợi lên được hết những ý tưởng thiết thực cho khán giả. Walt Disney đã mau mắn cho sản xuất film thứ 2 do U. Iwerks vẽ tên là “The Gallopin Gaucho”. Những film loại này hoàn toàn ghép giọng nói của Walt Disney vào film, diễn xuất trong vai Chuột. Dự tính của Walt Disney khi cho trình chiếu film Mickey Mouse sẽ thu lợi nhuận khoảng US $75 dollars một tuần, nhưng nó đã thành công vượt mức. Kết quả mỗi tuần thu được US $150 dollars, gấp đôi lợi nhuận dự tính. Film Mickey Mouse được lưu truyền đến ngày nay và được hàng tỷ khán giả nhi đồng mến mộ. Ở các trung tâm giải trí Disney World, Florida và Disney Land, California hàng ngày đều có các diễn xuất về Mickey Mouse cho các du khách thưởng lãm, rất ăn khách.

    Nghệ thuật chuột: Bên VN, vào những ngày Tết, người ta hay bày bán những bức tranh Đồng Hồ vẽ cảnh “Đám Cưới Chuột” “Mèo Vờn Chuột”.vv.

    Tại làng Mái, tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc, nổi tiếng về nghệ thuật sáng tác tranh Đông Hồ, đặc biệt là Bức tranh dân gian “Đám Cưới Chuột” toàn cảnh bức tranh diễn tả một chú Rể chuột thi đỗ làm quan, vinh quy bái tổ về quê cưới vợ “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” Chuột xếp thành 2 hàng đi rước Dâu. Chú Rể chuột bảnh chọe, oai phong, đội mũ cánh chuồn, trông ra dáng vẻ quan tước, cưỡi ngựa đi trước đoàn rước Dâu, đang ngoảnh mặt lại, nhìn cô Dâu chuột ngồi trong cỗ kiệu hoa, cùng đi với bầu đoàn thê tử nhà chuột, có che lọng vàng, tán hoa.

    Hàng rước thứ 2 của đoàn chuột kế bên phía trong tranh là đại diện cho gia tộc nhà chuột với những thanh nam và nữ tú chuột, ăn mặc chỉnh tề, đang xếp hàng đi đến trước mặt chú Mèo ngồi bệ vệ chặn đường. Hai họ nhà chuột khúm núm đến lễ Mèo, đút lót, hối lộ. Kẻ thì bưng chim gáy, người thì xách cá. Theo sau là một ban kèn chuột đang hòa tấu khúc nhạc, ca tụng mèo. Chú Mèo ngồi chễm chệ chặn đường, phùng má, trợn mắt, vênh râu, múa vuốt ra oai, hù dọa đám rước Dâu chuột.

    Nhìn kỹ bức tranh có ghi câu đối:

    • Thử bối đệ ngư: Chí! Chí! Chí!”

      “Miêu nhi thủ lễ: Mưu! Mưu!Mưu!”


    Hai câu đối này có nghĩa là:

    • “Bày Chuột dâng cá kêu: Chí! Chí! Chí!”

      “Chú Mèo giữ lễ kêu: Meo! Meo! Meo!”


    Thêm mấy hàng chữ nhỏ góc trên, phía bên trái: “Tác Lạc” nghĩa là: “Mua vui” với câu:

    • “Khôn khôn đá co dễ. Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời”


    Theo các cụ ngày xưa cho biết: Thì bức tranh này gợi ý qua câu chuyện ngụ ngôn “Đám Cưới Chuột”. Nội dung câu chuyện được kể như sau: Một hôm giòng họ nhà Chuột quyết định làm đám cưới cho hai con. Chuột mẹ tất tưởi lo mọi công việc chuẩn bị cho đám cưới, kể cả việc đi coi tuổi cho cô Dâu, chú Rể, rồi định ngày lành tháng tốt để cưới hỏi. Có một việc quan trọng, cả họ phải lo, là lỡi ngãi hối lộ quan bác Mèo Già để tránh bị phiền hà, Mong sao quan Mèo làm ngơ cho đám cưới được diễn tiến tốt đẹp. Đến ngày cưới, họ hàng nhà chuột, quần áo chỉnh tề, trong nghi thức cổ truyền dân tộc đầy hân hoan rạng rỡ. Hôn lễ cử hành trong nghi thức đơn giản, không rườm rà, đã được quan bác Mèo thông cảm cho hoàn tất êm đẹp. Thế nhưng một bi kịch đã không xảy ra trong ngày đám cưới chuột, mà lại xảy ra vào ngày vợ chuột sinh con đầu lòng. Vợ chuột vừa qua cơn đau đẻ “Vượt biển một mình” cứ tưởng sẽ được “Mẹ tròn, con vuông”. Nào ngờ đâu, bất chợt quan Mèo già xuất hiện, bắt trọn ổ cả nhà chuột đem đi hành hình xơi tái, kết liễu tang thương một gia đình trẻ nhà chuột.

    • Thơ Đám Cưới Chuột

      Trạng Chuột ơn vua cưới vợ làng

      Kiệu sơn lộng lẫy, lọng hoa vàng

      Nàng Dâu xứ Chuột đi chân đất

      Ngón nhỏ, bùn đen vẫn dính chân

      Có con Mèo mướp ngồi trên trốc

      Chồm hổm, vênh râu, đợi để dâng

      Chú chuột thổi kèn, chân rúm lại

      Con Chép đồng quê, vẩy ngấn vàng

      Không biết quan Mèo có chịu yên,

      Có đòi lễ vật phải nhiều thêm?

      Mà bao năm tháng, trên tranh Tết

      Tiếng trống vinh qui vẫn rộn ràng

      Ngựa hồn, quan trạng giong cương bước

      Chuột vợ chưa hay mình đã quan

      Một bước lên bà là thế đấy,

      Khối cô Chuột khác, nghĩ mà thèm!

      Chao ôi! Chuyện học xưa nay thế!

      Đời trước, đời sau vẫn ước mơ,

      Hoa tay dân giã, người không vẽ

      Vẽ Chuột nhung nhăng đến tận giờ!

      (Văn Phú)



    Chuột và Khoa Học Y Khoa

    Công dụng của chuột: Chuột hầu hết được các nhà khoa học sử dụng trong các phòng thí nghiệm để theo dõi các dịch vụ thử nghiệm y tế như: Thử nghiệm y dược, để biết công hiệu của từng loại dược phẩm trước khi áp dụng chữa trị cứu sống con người.

    Chuột truyền dịch hạch:

    Chuột cống là loại chuột nguy hiểm nhất. Chúng truyền dịch bệnh sang người qua các ký sinh trùng bám trên lông của chúng. Các loại bọ chuột này là những vi trùng: Dịch hạch, đậu lào, sốt ban nóng. Chuột còn tiềm ẩn 5 hay 6 loại giun ký sinh trùng, dễ lây lan sang loài người. Cần phải phòng ngừa và tiêu diệt chúng.

    Diệt chuột trên đảo Pulau Bidong

    Năm 1979 chúng tôi vượt biển đến trại tỵ nạn Pulau Bidong, vào thời điểm này dân số tỵ nạn của trại lên đến 50,000 người. Thực phẩm được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho tàu chở tới tấp sang đảo tiếp tế. Đây cũng là dịp cho các bày chuột phát triển sinh sôi nảy nở. Chúng xâm nhập vào các nơi để đồ ăn của dân tỵ nạn, thừa hưởng các thức ăn, rác rến dư thừa do dân tỵ nạn thải bừa bãi xuống gềnh núi, lạch suối chung quanh trại, nên chẳng bao lâu chuột đã sinh sản tràn lan, hằng hà sa số khắp mọi nơi trên đảo. Cao Ủy LHQ và Ban Điều Hành trại phải phát động phong trào vệ sinh phòng dịch bằng cách khuyến khích và cổ động dân chúng diệt chuột thường xuyên.

    Khi nghệ sĩ Hùng Cường vượt biên đến đảo Bidong, anh gia nhập khối thông tin văn nghệ và đã sáng tác ra bản nhạc Diệt Chuột. Cứ vài tiếng đồng hồ thì Ban Thông Tin trại lại cho phát thanh bản nhạc Diệt Chuột do Hùng Cường hát, mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ:

    Bắt con chuột đó! Bắt con chuột đó!

    Không bắt được, nó sẽ chui vô hang,

    gây mầm bệnh giết hại chúng ta


    Sau đó Ban Điều Hành trại phát cạm bẫy và thuốc diệt chuột cho từng gia đình trong trại. Mỗi sáng Ban Vệ Sinh thu gom xác chuột bị chết hoặc mắc cạm, dồn vào bao cho xuống xà lan rác, kéo ra giữa biển ngâm tôm, cho cá ăn. Có nhiều bà con tỵ nạn, ban đêm đang ngủ ngon giấc thì bị những chú chuột lén vô gặm, cạp chân, đau chết cha, chết mẹ.

    Phương pháp diệt chuột tự nhiên:

    Có một nông gia đề nghị ra một phương pháp diệt chuột bằng cách “Lấy độc trị độc” không tốn tiền.

    Bắt sống một vài tên chuột bự, rồi lấy chỉ khâu chặt đít chuột lại, đem ghìm chặt đuôi của chúng xuống đất hay cột chân chúng vào cọc với một sợi dây dài, nơi khu vực nào có nhiều bọn chuột xuất hiện. Hãy cho mấy tên chuột bị khâu đít, ăn thật no. Mấy ngày sau khi bị khâu đít, chuột không “ị” được, khó chịu, sẽ bực tức đuổi theo bất cứ tên chuột nào đến gần, cắn xé đến chết cho bõ ghét. Như vậy các tên chuột đang tự do ở ngoài sẽ sợ, không dám đến gần.

    Những đội quân sát thủ, giết chuột phải kể đến: Mèo, chồn, cầy hương, diều hâu, cú, chim lợn, rắn.

    Ngày nay người ta còn chế ra nhiều phương cách bắt chuột và diệt chuột. Quốc gia nào cũng có các cơ xưởng sản xuất cạm, bẫy bắt chuột, hoặc chế tạo thuốc diệt chuột. Một phát minh mới, là một loại Keo để trên điã. Chuột bước vào đĩa kiếm mồi ăn, chân đạp lên keo, sẽ bị keo dính chặt, giữ lại. Chủ nhà chỉ việc bắt, rồi đập chết hoặc đem đi thiêu hay cho mèo ăn, khỏi phải mất công đi tìm những con chuột chết thúi đâu đó, vì bị ăn trúng bả thuốc.

    Ngoài miền Bắc Việt Nam trước kia, những làng quê toạ lạc bên bờ sông Lam, tỉnh Nghệ Tĩnh thường tổ chức ngày Lễ Hội Xuất Quân Diệt Chuột vào đầu năm, với một chương trình văn nghệ đặc sắc, diễn các hoạt cảnh bắt chuột, diệt chuột, để dân chúng trong các làng noi gương, thi đua diệt chuột bảo vệ mùa màng..

    Viết về chuột thì còn vô số chuyện, không sao kể hết..

    Nhân dịp năm hết, Tết đến, xin kính chúc:

    Quí Độc Giả Vietcatholic.net một năm mới:

    May mắn, Khang An, Thịnh vượng và Hạnh Phúc.

    Thành công về mọi mặt tinh thần cũng như vật chất


    Jos. Vĩnh

    Xuân Mậu Tý


    Nguồnhttp://catholicvideo.org


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Canh Tý - 2020

Bài viết bởi Bạch Vân »

          


Tết ly hương





Đêm mơ nghe tiếng pháo
Tưởng đón xuân quê nhà
Chợ Bến Thành đông đảo
Phố Nguyễn Huệ đầy hoa
Đêm giao thừa rộn rã
Đi hái lộc đầu năm
Kẻ đến chùa lạy Phật
Người vào Lăng* xin xăm
Mai vàng tươi hương sắc
Chào mùa Xuân thiêng liêng
Người người vui mở hội
Cùng đón xuân mọi miền
Trên bàn thờ ngày Tết
Đủ bánh, mứt, rượu, trà
Thịt kho tàu dưa giá
Hoa trái cúng ông bà
Chợt giật mình tỉnh mộâng
Giữa đêm trường quạnh hiu
Tết về trên Bắc Mỹ
Trời lạnh giá tịch liêu!

HOÀNG TRÙNG DƯƠNG
(*) Lăng Ông Bà Chiểu.

Nguồn:http://cothommagazine.com


          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Canh Tý - 2020

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Cười tí mùa Xuân :giggles:


    Cũng thấy cảnh ấy

    Đầu năm mới, một người tới thăm bạn ở bệnh viện:

    - Tôi không nghĩ là nhanh đến thế. Mới tối qua tôi còn thấy bạn đón giao thừa và khiêu vũ cùng một cô tóc vàng cơ mà.

    - Thì vợ tôi cũng thấy cảnh ấy nên mới ra nông nỗi này.


    Tán thành


    Cô vợ đi chợ về hớn hở khoe với chồng:

    - Anh ạ, hôm nay rất nhiều người khen em xinh và trẻ hẳn ra.

    Anh chồng gật gù đáp:

    - Ừ, dịp Tết này ngoài đường thì thiếu gì kẻ say...


    Kiêng người lạ

    Một giọng đàn ông hoảng hốt gọi đến sở cảnh sát đêm giao thừa:

    - Xin báo cho 113 gấp. Tôi ở số nhà… Căn hộ của tôi vừa bị kẻ gian bẻ khoá, chúng đã lấy sạch tiền, vàng…

    - Ông và gia đình bình tĩnh và cố giữ nguyên hiện trường. Chúng tôi sẽ đến ngay..

    - Ấy, từ từ cũng được, qua mồng 3 các ông hãy đến, nhà tôi vẫn kiêng người lạ xông đất.


    Mừng hụt


    Thấy bố mẹ vừa về đến ngõ, cu Tý chạy ra hớn hở khoe:

    - Mẹ ơi! Sáng nay có cô Mười ở bên Mỹ mới đến nhà chơi. Cô tặng cho nhà mình một món quà và nói rằng: “Món quà của cô tuy nhỏ nhưng cũng đủ cho gia đình cháu dùng trong một năm”.

    Nghe thế, mẹ cu Tý mừng quýnh, hỏi ngay:

    - Món quà gì thế con?

    - Dạ, một quyển lịch!


    Dê thiến

    Trên xe buýt, một thiếu nữ trẻ đẹp bồng trên tay một con dê, thỉnh thoảng lại âu yếm vuốt ve. Một chàng thanh niên ngồi bên cạnh khẽ nói:

    - Con dê này tốt số quá.

    Cô nọ mỉm cười. Anh chàng liền tán tới:

    - Ước gì anh là con dê này nhỉ.

    - Vậy anh thử kêu lên xem.

    - Be…e…e…e

    - Ồ đúng đấy. Nhưng anh biết tôi đưa dê này đi đâu không?

    - Chắc là đi tiêm thuốc bổ.

    - Không tôi đưa nó đi… thiến, lấy ngọc dương ngâm rượu!

    - !!!


    Vái gì mà dài vậy ta?

    Ra Tết người ta đi lễ chùa đông nườm nượp. Một anh người Bắc vô Nam ăn Tết và đi lễ ở một ngôi chùa nổi tiếng ở T.N. Vốn là một người gia giáo, làm gì cũng khuôn phép cẩn thận, thắp nhang cũng phải đúng cách, đang trong công đoạn chắp tay vái thì bỗng anh nghe tiếng một cô gái trẻ phía sau thốt lên: “Trời đất quỷ thần ơi, lần đầu tiên tui chứng kiến, cái ông này… dzái dài quá trời!”.

    Mặt đỏ tưng bừng, anh chàng nói trên ngượng ngùng liếc xuống... chân, thầm phục tài “thấu thị” của cô gái.


    Điệp khúc mùa xuân

    Hai vợ chồng nọ cùng làm một cơ quan, chồng thường hay đi công tác xa, gần Tết chồng điện về hỏi vợ:

    - “Em đã thấy mùa xuân chưa?”.

    Hiểu ý chồng muốn hỏi: “Đã có tiền thưởng Tết chưa?”, vợ liền trả lời:

    - “Xuân đã về” rồi, nhưng mà “Anh cho em mùa xuân” nghe…

    Chồng cụt hứng thở dài:

    - Như vậy là đối với anh “Mùa xuân không còn nữa” ư?

    - Đương nhiên rồi, đó là “Điệp khúc mùa xuân” mà anh!


    ST


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Canh Tý - 2020

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Mẹ và Mùa Xuân




    Thấm thoát lại hết một năm nữa rồi, thời gian trôi nhanh quá! Mùa Giáng Sinh vừa đi qua là mùa tết đã sửa soạn bước đến bên thềm dưới bầu trời đông lạnh giá.

    Từ ngày định cư ở Mỹ cho đến nay, tôi không có dịp nào để đón tết nữa. Tôi chỉ nhìn thấy tết qua những trang báo, những hình ảnh trên computer, những video nhạc về xuân. Tết chỉ còn là kỷ niệm đọng mãi trong ký ức tôi với những hoài niệm về thời niên thiếu xa xưa vui xuân bên cha mẹ, anh em trong cuộc sống đầy đủ. Nhắc đến tết lúc nào tôi cũng nhớ đến mẹ tôi, người đã chuẩn bị cả mấy tháng trời để mang đến một niềm vui trọn vẹn cho gia đình, từ chuẩn bị may những bộ quần áo mới cho chồng và các con, đến việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn cho ba ngày tết. Công việc bếp núc rất bận rộn với nhiều dự tính của mẹ, nào là gói bánh chưng, làm giò thủ, làm kiệu, ngâm hành, muối dưa, sên mứt, kho thịt… Và tôi cũng phải luôn tay phụ việc bên mẹ trong những giai đoạn sắp xếp gói bánh như rửa lá dông, chẻ lạt, giã đậu xanh, thái thịt… Những ngày xuân vui ấy không kéo dài được bao lâu khi cuộc chiến tranh Nam Bắc vừa tàn trên đất nước, cũng là lúc tôi vừa bước vào tuổi thiếu nữ chứng kiến bao nhiêu bi kịch trong gia đình và sự thảm hại của những cái tết nghèo đói, nhất là những ngày tết đã không còn mẹ vẫn làm nhức nhối trái tim tôi.

    Tính đến mùa xuân năm nay thì mẹ tôi đã ra đi hơn ba mươi ba năm rồi! Ba mươi ba năm có biết bao thay đổi trong cuộc đời của mỗi một người. Cùng với sự thay đổi, lớp bụi năm tháng thi nhau phủ dầy lên ký ức làm nhạt nhòa không ít những chuyện xưa cũ. Song, có một chuyện đã trở thành bất tử từ nhiều thế hệ này qua thế hệ khác mà không ai có thể quên lãng, chối bỏ, hay phủ nhận. Câu chuyện bình thường quanh đời sống gia đình lại rất phi thường, còn được ca ngợi trong mọi lĩnh vực thi ca, âm nhạc, điện ảnh, hội họa và ngay cả trong kinh sách (kinh Vu Lan). Đó là câu chuyện về người mẹ luôn có sự bắt đầu và không bao giờ kết thúc; vì thật ra, có ngôn từ nào ở trần gian này diễn tả cho hết được tình thương bao la, sự hy sinh vô bờ bến của người mẹ?

    Mùa xuân năm 1998, khi tôi chập chững vào ngành học “Giáo Dục Mầm Non” trên đất Mỹ, một trong những lớp học đầu tiên tôi đã học là lớp “Human Being”. Ở lớp này, tôi được xem cuốn phim về sự hình thành và phát triển của một đứa bé từ thời kỳ phôi thai cho đến tám tuổi. Đây là một cuốn phim khoa học rất hay, có lẽ nhóm làm phim đã đặt một máy thu hình nhỏ xíu trong cơ thể người mẹ để ghi lại từ sự kết hợp khởi nguồn giữa cha và mẹ, tạo thành giọt máu rồi giọt máu ấy lớn dần từng ngày, từng tuần, từng tháng đến khi thành hình với đầy đủ mặt mũi chân tay để chào đời. Trong phim có chiếu cận cảnh sanh nở của ba bà mẹ trẻ với ba trường hợp khác nhau; trường hợp thứ nhất là sanh thường, thứ hai là sanh ngược và thứ ba là sanh mổ. Lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt cảnh sinh con, chỉ mới nhìn khuôn mặt đau đớn của người mẹ sanh thường thôi, tự dưng nước mắt tôi chảy ra dàn dụa, tôi nghĩ ngay đến mẹ tôi đã trải qua mười lần trên bàn sanh. Sự xúc động đã làm tôi không thể ghi chép được đặc điểm nào trong phim vào sổ tay. Mắt tôi cứ trợn to lên để nhìn rõ từng chi tiết diệu kỳ mà Thượng Đế đã ban cho người đàn bà thiên chức làm mẹ. Giờ đây đã mười mấy năm trôi qua, hình ảnh sanh nở kia vẫn còn hiển hiện trong ký ức tôi mỗi khi tôi được đọc hay được nghe bất cứ câu chuyện nào về tình mẹ, càng cảm thấy nặng lòng thương nhớ mẹ tôi nhiều hơn và còn thương cho tất cả những người mẹ trên cõi đời này.

    2016 FEB 15 MẸ XUÂNMẹ tôi là hình ảnh chung của những bà mẹ Việt Nam trong hoàn cảnh phải thay chồng nuôi dạy con một mình giữa cuộc đổi đời khốn khó, thê lương. Mẹ đã lặn lội thân cò một sương hai nắng, chịu đựng bao gian khổ nhọc nhằn mong kiếm được miếng cơm cho các con. Mặc dù sự cố gắng của mẹ tôi chỉ kéo dài có bảy năm ngắn ngủi rồi mẹ ngả bịnh và kiệt sức buông tay, nhưng sự cố gắng ấy thật can đảm, thật tuyệt vời trong thời gian chúng tôi thiếu vắng tình cha. Bảy năm tưởng ngắn lại hóa dài dăng dẳng trong sự chờ đợi mỏi mòn ngày trở về của cha tôi từ trại tù cải tạo. Bảy năm lê thê trên suốt con đường chạy đua tìm sự sống trong nỗi chết lần mòn lẫn bao tủi nhục. Sự tủi nhục bắt đầu từ những ngày mẹ tôi tập tễnh vào nghề buôn bán với một thúng tôm khô nhỏ. Mẹ phải chịu nghe những lời xỉ vả, chửi thề, xô đẩy từ những người bán hàng lân cận để cố tìm một chỗ ngồi bán chật hẹp. Chen chân vào môi trường buôn bán tạp nhạp, cạnh tranh, không một chút kinh nghiệm, lại thêm bản tính hiền lành nên ngày theo ngày mẹ tôi đã bị thất bại đến kiệt quệ vốn liếng. Khó khăn từ sự thất bại vẫn không làm cho mẹ tôi nản lòng phải chịu đầu hàng cuộc sống một cách dễ dàng khi mười miệng ăn đang chờ mẹ từng ngày… Mẹ tôi đã xoay sở bằng đủ mọi cách chống chọi với cơn đói lúc nào cũng tấn công chúng tôi. Mẹ vận dụng tài may vá, thêu đan xin vào làm việc ở một hợp tác xã may mặc, ngoài giờ làm việc mẹ tôi nhận đồ đan len thêm. Công việc này như thích hợp với mẹ tôi hơn nhưng không phải là không có những đắng cay tiếp nối.

    Tôi còn nhớ những ngày cận tết cuối năm 1976, năm tôi đang theo học lớp mười hai, cũng là năm học tôi bị khủng hoảng tinh thần nhiều nhất. Do nhìn thấy nỗi vất vả của mẹ với sự thiếu thốn ngày càng trầm trọng trong gia đình, tôi không chịu nổi những cơn đói đến hoa mắt, run rẩy chân tay nên tôi luôn đòi nghỉ học để đi làm, mặc cho mẹ tôi khuyên ngăn nhiều lần tôi vẫn bướng bỉnh không nghe. Rồi một ngày cuối năm năm ấy, chiều theo ý muốn của tôi, mẹ dắt tôi vào hợp tác xã may mặc để phụ việc với tổ làm khuy áo. Lúc đó, tôi đã không hình dung ra được sự khó khăn muôn mặt của trường đời, càng không biết đo lường khả năng của chính mình là đứa con gái không tháo vát, thiếu lanh lẹ, có tính tự ái vặt.

    Trong ngày đầu đi làm, tôi đã chẳng giúp được mẹ tôi điều gì hữu ích mà chỉ gieo thêm phiền não cho mẹ vì sự nông nổi của tuổi trẻ. Khi tôi thấy bà tổ trưởng tổ hợp may ném một đống quần áo bị trả lại vào mặt mẹ tôi với giọng chì chiết: – Bà coi đi nè, kiểm hàng cái kiểu gì vậy hả? Lương tháng nào cũng đòi mượn trước mà làm thì không ra hồn gì hết, để hàng bị trả lại cả đống như vầy, coi có được không?

    Tôi tức giận trước hành động của bà liền quăng cái áo đang làm khuy dở xuống sàn nhà và đứng bật dậy thu hết can đảm nói một hơi: – Cô làm gì mà liệng đồ vô mặt mẹ cháu dữ vậy, hàng may sai đâu phải tại lỗi một mình mẹ cháu…

    Bà ta chồm lên cướp lời tôi: – Ê, mày là cái thá gì trong này chứ, đừng có dở cái giọng hỗn láo ra nghen, có giỏi thì đi làm mướn nuôi mẹ mày đi, ở đó mà hạch sách người lớn.

    Ngọn lửa tức giận trong người tôi bừng thêm lên, tôi nói lớn: – Cháu không biết ai hỗn hơn ai, nhưng cháu chưa bao giờ liệng đồ vô mặt người lớn như cô, cháu chỉ muốn nói đến cách cư xử giữa người với người thôi…

    Tiếng bà ta gầm lên cắt đứt câu nói của tôi: – A, con ranh con dạy đời tao đó hả? Cùng một lúc tiếng mẹ tôi quát tôi:

    – Lý, có câm mồm đi không, thôi về đi, không cần mày phụ nữa, đi về, đi ngay.

    Vừa nói, mẹ kéo tay tôi đẩy mạnh ra cửa, tôi nghe tiếng bà tổ trưởng ong óng phía sau: – Từ rày về sau tôi không muốn bà đưa đứa con nào vô đây phụ hết. Làm không tăng năng suất được bao nhiêu mà còn hư hàng thêm nữa.

    Cơn tức giận của tôi chưa nguôi được nhưng biết không thể nói gì hơn, tôi đành bước ra cửa trong nỗi hậm hực. Trên đường về nhà nghe tiếng pháo nổ rời rạc xa xa đâu đó, tôi tưởng như từng tiếng đập vào lòng tôi đau buốt, thêm xót xa cho mẹ và cho cả gia đình tôi giữa cảnh khốn khổ. Tôi cảm thấy mình vô tích sự và bất lực làm sao!

    2016 FEB 15 MẸ XUÂNHôm đó mẹ tôi về nhà rất trễ trông mẹ thật mệt mỏi, tóc tai bơ phờ rũ rượi, tôi biết mẹ tôi rất đói. Nghe tiếng mẹ thở dài não ruột, tôi đoán chắc là bà tổ trưởng không cho mẹ tôi mượn lương trước rồi! Nghĩ đến hành động của mình lúc sáng đã không kiềm chế được sự tức giận đi tranh cãi với bà tổ trưởng làm lỡ mất cơ hội giúp mẹ, còn mất luôn khoản lương lẽ ra bà ứng trước cho mẹ tôi để chi tiêu. Tôi hối hận, tôi giận tôi ngu ngốc, tôi tức tối bà tổ trưởng tàn nhẫn đã làm gia đình tôi điêu đứng trong lúc tết đang kề cận. Ôi cái tết thứ hai sau ngày hòa bình không có cha tôi sao khổ quá!!! Hương vị tết của những ngày mẹ tôi bận rộn làm kiệu, muối dưa, làm giò thủ, sên mứt, gói bánh chưng đang chết dần theo thời gian.

    Tôi ngập ngừng hỏi mẹ chuyện chỗ làm, mẹ tôi nhỏ nhẹ nói: – Con thấy rồi đấy, đi làm kiếm cơm không phải dễ, bởi vậy mẹ không bao giờ muốn con bỏ dở việc học để đi làm. Ráng học lên con ạ, có chữ nghĩa, có nghề chuyên môn không ai bắt nạt mình được.

    Câu nói dịu dàng như một tia sáng soi vào tâm tư u tối của tôi giữa sự chán nản tuyệt vọng. Tia sáng đã thực sự làm tôi thức tỉnh nhận ra rằng, tôi không thể ra đời làm việc lúc này khi tôi chưa đủ khả năng và bản lĩnh để đối đầu với mọi điều phức tạp trong cuộc sống. Nghĩ đến cách hành xử của bà tổ trưởng đối với mẹ tôi lúc sáng tôi chợt ứa nước mắt uất ức, và rồi tôi bỗng thấy mình như mạnh mẽ hơn với quyết tâm cố gắng học hành để kiếm được một việc làm tốt đỡ đần cho mẹ. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh mẹ tôi bị hà hiếp trong cái hợp tác xã may mặc ấy nữa. Tết năm ấy là những ngày bình thường trong gia đình tôi, mẹ cũng lo được cho chúng tôi một bữa cơm trắng với muối ớt là niềm hạnh phúc lớn lắm.

    Rồi những cái tết cơ hàn theo nhau đến hành hạ chúng tôi nhiều hơn trong sự thiếu thốn, đầy lo lắng cho căn bịnh bệnh nan y đang hoành hành trong cơ thể mẹ. Với tôi, tết chẳng còn ý nghĩa gì nữa! Mùa xuân năm 1983, gia đình tôi chưa kịp vui hết những ngày xuân đoàn tụ trong năm cũ thì mẹ tôi đã ra đi…

    Bao mùa xuân trôi qua tuổi đời thêm chồng chất, tôi đang già theo năm tháng, sức khỏe cũng đang trên đà suy yếu. Tôi thường dặn mình phải cố quên mọi chuyện cũ để lòng được thanh thản, bình an. Nhưng sao mỗi lần xuân đến, sự cô đơn, trống trải giữa cảnh trời đông tuyết trắng nơi xứ người, vẫn gợi cho tôi nhớ về một vùng trời kỷ niệm xuân vui, có cha mẹ, có anh em bên nhau. Tôi nhớ hương vị thơm ngon của bánh chưng, của các loại mứt, màu sắc của hoa trái, âm thanh lạch tạch rộn rã của pháo, mùi nhang trầm tỏa ngát đêm giao thừa trang nghiêm. Tôi nhớ mẹ tôi, nhớ bao chuyện buồn về những ngày xuân đau thương cũ. Dù là xuân buồn hay vui trong bất cứ hoàn cảnh nào mẹ tôi vẫn cố gắng đem lại cho các con mình một niềm hy vọng kiên trì vào học vấn. Đó cũng là những mùa xuân tươi sáng cho một tương lai thành đạt mà mẹ luôn mơ ước. Nhớ lại đoạn đường chông gai mẹ tôi đã đi qua, tôi đã từng giả sử nếu như trong đời sống hiện giờ trên đất nước tự do này, tôi phải nuôi mười đứa con với sự giúp đỡ tận tình từ chính phủ cho những gia đình nghèo, đông con. Tôi vẫn không chắc là tôi có thể cáng đáng nổi trách nhiệm một người mẹ nuôi con đơn độc. Chính những lúc nghĩ như thế, tôi không khỏi ngậm ngùi và thán phục mẹ tôi nói riêng cùng tất cả những người mẹ đông con trên cõi đời này nói chung đã một đời tận tụy hy sinh lo cho chồng con tiến bước đến một mùa xuân rạng rỡ.

    Người mẹ đã dệt nên mùa xuân rất đẹp bằng muôn sắc hoa tươi từ tấm lòng từ bi, nhân hậu. Mẹ và mùa xuân là hai hình ảnh tuyệt vời không bao giờ tách rời trong tâm não tôi.

    Thiên Lý


    Nguồn:https://www.vietthuc.org


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Canh Tý - 2020

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Lời xin lỗi đầu năm






    “So many times we lose our patience; me too, and I apologize for yesterday’s bad example.”

    Người thốt lên câu ấy là Đức Giáo Hoàng Francis. Nhiều người nghe hay đọc được câu xin lỗi ấy vào buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới 2020. Tuy Ngài không nói rõ là xin lỗi vụ gì nhưng hầu như ai cũng biết về câu chuyện mà Ngài gọi là “bad example” ấy.

    Bản tin phổ biến trên nhiều tờ báo thuật lại rằng, vào đêm cuối năm 31/12 tuần rồi, sau khi đến thăm khu triển lãm hoạt cảnh mừng Chúa giáng sinh được dựng lên trong khu di tích ở quảng trường St. Peter, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) đánh một vòng chào đón, thăm hỏi giáo dân và khách hành hương nơi đây theo truyền thống mỗi năm. Ngài vui vẻ vẫy tay chào đón, ban phép lành cho người khuyết tật và các trẻ em. Sau khi vươn tay vỗ vỗ vào má một em bé, lúc Ngài vừa quay lưng lại với đám đông thì một phụ nữ từ sau rào cản bất ngờ nhoài người ra chộp lấy bàn tay phải của Ngài và kéo mạnh Ngài quay ngược về phía mình. Người phụ nữ làm động tác lắc, giật cánh tay Ngài trong lúc miệng liên tiếp thốt ra những câu gì đó. Cú chụp bắt và giật lắc cánh tay khá mạnh bạo khiến vị Giáo Hoàng 83 tuổi sững sờ và hẳn cũng làm tay Ngài bị đau nữa nên phản ứng của Ngài là dùng bàn tay trái đập mạnh vào tay người phụ nữ để giải thoát bàn tay mình, trong lúc lớn tiếng hét vào mặt người phụ nữ. Khi rút tay được khỏi bàn tay nắm chặt của người phụ nữ, Ngài quay ngoắt đi, mặt đỏ lên và nét mặt Ngài chuyển từ trạng thái tình cảm hiền hòa, vui vẻ sang cáu kỉnh, bực bội.

    Video clip ghi lại diễn biến này truyền đi rất nhanh, hầu như ai cũng xem được.

    Chuyện xảy ra đêm giao thừa Tây thì sáng hôm sau, vào ngày Tết dương lịch ĐGH đã ngỏ lời xin lỗi về hành vi mà Ngài gọi là “mất kiên nhẫn” của mình trong bài giảng chào mừng năm mới 2020.

    Vì sao lại phải xin lỗi?

    Nhiều người cho rằng ĐGH không cần phải xin lỗi. Người cần xin lỗi phải là người phụ nữ khiếm nhã ấy hoặc phải là những cận vệ của Ngài vì đã không phản ứng kịp thời khiến Ngài phải rơi vào tình huống xấu ấy.

    Những ai quý trọng và bênh vực ĐGH đều tỏ sự cảm thông với Ngài, cho rằng Ngài cũng chỉ là người phàm trên thế gian này thôi và những phản ứng của Ngài rất là “người”. Trong lúc yêu cái đẹp, cái tốt thì Ngài cũng ghét cái xấu, cái ác và cũng biết thể hiện những tình cảm yêu ghét ấy khiến người đời càng cảm thấy gần gũi với Ngài. Con người chứ có phải là thánh nhân đâu, ai mà chẳng có lúc lầm lỗi, điều đáng nói là đến lúc bình tâm lại thì biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm.

    Ngược lại, cũng không ít người lên tiếng chê trách, thậm chí mỉa mai, cho là Ngài chỉ đạo đức giả, nói một đàng làm một nẻo, trong lúc vẫn khuyên dạy giáo dân mọi điều ngay lành, phải tu tâm dưỡng tánh, phải biết tĩnh tâm để cải thiện bản thân, vậy mà đến khi đụng chuyện thì tâm Ngài cũng không “tĩnh” nổi. Một bậc chân tu đạo cao đức dày như Ngài lẽ ra phải có cái tâm phẳng lặng, vượt lên trên mọi thói tật, tính khí của thế gian thường tình.

    Lại thêm điều trớ trêu là, bài giảng ngày đầu năm mới đi cùng với lời xin lỗi thành khẩn của ĐGH Francis lại mang nội dung lên án mọi hình thức bạo hành đối với phụ nữ, trong đó Ngài đưa ra nhận định sâu sắc rằng, cách ta đối xử với phụ nữ ra sao chính là thước đo nhân tính của ta.

    Về phía người phụ nữ có hành động kỳ quặc ấy, có vẻ chị ta hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt. Hành động lôi kéo, xô đẩy một ông cụ trên 80 tuổi bình thường đã khó chấp nhận, huống hồ đây lại là một vị giáo chủ của một tôn giáo lớn có biết bao tín đồ trên khắp thế giới. Người thì cho là chị này mắc bệnh tâm thần, người thì cho là chị ta tham lam, muốn giành lấy hết ơn phước từ ĐGH.

    Người phụ nữ ấy là ai, đến nay vẫn chẳng ai rõ tung tích, chỉ biết là người Á châu, không rõ đến từ đâu và cũng không rõ vì sao chị ta lại có hành vi lạ lùng đến như vậy. Trong vài giây của video clip ấy người ta thấy chị đưa tay làm dấu thánh giá với một với vẻ sùng kính và cũng nhận thấy nét mặt chị khá căng thẳng trong lúc ĐGH bước gần đến chỗ chị đang đứng.

    Không rõ người phụ nữ ấy nói gì với ĐGH trong lúc nắm chặt bàn tay Ngài, chỉ thấy vẻ mặt chị lộ vẻ thành khẩn, thống thiết. Có thể là lời khẩn cầu Thiên Chúa chúc phúc cho Ngài hoặc lời thỉnh cầu gì đó của riêng chị. Nhiều phần là ĐGH không nghe được những lời ấy vì Ngài đang chú tâm vào việc làm sao để mà giải thoát được bàn tay tội nghiệp của Ngài. Cũng không nghe ai thuật lại những lời Ngài to tiếng với người phụ nữ khi cố giằng tay mình ra khỏi bàn tay đang nắm chặt tay mình. Chắc không phải là lời lẽ ôn tồn như “What’s your problem, lady?” hoặc câu chúc “Happy New Year!”

    Khi một người bạn hỏi tôi nghĩ sao về hành động bất thường của người phụ nữ ấy, tôi có hơi ngần ngại đưa ra ý kiến. Không phải vì tôi nhớ đến lời Chúa dạy, “Ai không muốn mình bị phán xét thì đừng có phán xét kẻ khác.” Hoặc câu nói khá phổ biến của chính ĐGH Francis, “Tôi là ai mà đi phán xét người khác.” Lý do là tôi từng có những lần xét đoán con người qua các sự kiện hoặc tận mắt chứng kiến hoặc được thuật lại, và sau đó không ít lần nhận ra là mình đã xét đoán… lầm. Làm sao không lầm được, khi mà một kẻ sát nhân hàng loạt hay kẻ phạm những tội ác tày trời khó ai dung thứ được, thế nhưng từ thầy, cô giáo ở trường học, đến anh em bạn bè, đến đồng nghiệp, đến hàng xóm láng giềng và những ai từng quen biết kẻ tội phạm khi được hỏi đến đều sững sờ và cho là chuyện khó tin vì kẻ ấy vốn hiền lành tử tế, rất thân thiện và hay giúp đỡ người khác.

    Cũng vì vậy, tôi cố tìm cách lý giải hành động táo bạo bất ngờ của người phụ nữ bị không ít người “ném đá” ấy để may ra có thể hiểu được và cảm thông được. Chị ta có thể là một tín đồ cuồng nhiệt, hết lòng ngưỡng mộ ĐGH Francis, xem Ngài như một thần tượng lớn và khao khát được diện kiến; hoặc hơn thế nữa, được bắt tay Ngài một lần duy nhất trong đời. Chị ta có thể đến từ một nơi nào rất xa chỉ để mong được như vậy. Thế nhưng, thật rủi ro là khi ĐGH vừa bước đến gần và khi chị ta vừa cung kính làm dấu thánh giá vừa hồi hộp, háo hức để “chờ đến lượt mình” thì Ngài lại bất ngờ… quay lưng đi. Chị ta dễ gì chịu thua mà phải bằng mọi cách chụp bắt ngay cái khoảnh khắc “một lần là trăm năm” ấy bằng cách... chụp bắt lấy bàn tay của Ngài. Nói khác đi, tôi cho là người phụ nữ ấy bị kích động đến mức không kềm chế được hành động của mình trước một thần tượng quá lớn, vì cũng không nhận thức được đấy là hành vi bất kính.

    Hai mặt tấm gương soi





    Nếu nói rằng phản ứng và cách hành xử của ĐGH rất “người” thì hành động của người phụ nữ ấy cũng rất “người” vậy, nhất là chị ta chỉ là phàm nhân chứ nào có tu tập gì. Tôi chắc đêm ấy chị ta khó mà ngủ được vì mang nặng cảm giác bẽ bàng khi bị chính thần tượng mình yêu cuồng hất hủi, làm cho xấu hổ.

    Hẳn ai cũng từng có một đôi lần như thế trong đời, khi rơi vào trạng thái phấn khích quá độ thì hoàn toàn không kiểm soát được lời nói, hành động của mình.

    Về phía ĐGH Francis, hẳn Ngài cũng không lấy gì làm hứng thú khi phải xuất hiện trong mắt người đời như là một vị Giáo Hoàng dễ nổi quạu, làm cho hình ảnh Ngài kém đẹp đi phần nào, chưa nói là khiến giáo dân và những người cộng sự của Ngài cũng cảm thấy ngại ngùng khi tiếp cận Ngài.

    Đây cũng không phải lần đầu ĐGH Francis tỏ thái độ giận dữ, cáu kỉnh như vậy. Trước đó, trong chuyến viếng thăm 5 ngày ở Mexico vào tháng 2/2016, một nhóm tín đồ cuồng nhiệt ở thành phố Morella cũng đã kéo mạnh tay áo Ngài khiến Ngài ngã chúi vào một cậu bé khuyết tật ngồi trên xe lăn. Không nén được cơn giận, ĐGH trợn mắt, vung tay hét lớn, “Làm cái trò gì vậy? Đừng có cái thói ích kỷ như thế!”

    Tự chế là đức tính khó rèn luyện nhất trong mọi đức tính và cũng thể hiện bản lãnh một con người. Các sĩ quan trong quân đội VNCH ngày trước đều biết đến khẩu hiệu “Tự thắng để chỉ huy” trong các quân trường để rèn luyện bản thân và để trở thành một cấp chỉ huy giỏi. Không thắng, không chỉ huy được mình thì mong gì thắng được, chỉ huy được ai.

    Trước khi ngỏ lời xin lỗi vì đã không kềm chế được hành vi không lấy gì đẹp mắt của mình, hẳn ĐGH cũng đã nghĩ nhiều về người phụ nữ đường đột chụp lấy cánh tay mình và nhớ đến lời Chúa Giêsu thốt lên trước khi bị treo mình trên thập giá, “Lạy Cha, xin thứ tha cho họ vì họ không biết việc mình làm.”

    Vào buổi tối đầu năm ấy, tôi ngồi trông chừng hai đứa cháu nội đang chơi đùa với nhau nơi phòng khách. Trong lúc giành nhau một món đồ chơi, đứa bé gái ba tuổi bỗng xô ngã đứa em trai một tuổi làm cháu khóc thét lên vì đau, mặc dù trước đó tôi đã nhiều lần nhắc cháu gái là phải thương em, nhường nhịn em và không được xô ngã em. Không nén được cơn giận tôi tát nhẹ vào má cháu gái khiến cháu bật khóc, nước mắt nước mũi đầm đìa, dỗ mãi không nín. Ngay lúc ấy, tôi bỗng nhớ đến câu xin lỗi của ĐGH Francis vào buổi sáng và nhận ra là mình cũng đã “lost patience” y như Ngài vậy. Tôi vội vàng dỗ dành và xin lỗi cháu. Không rõ người phụ nữ được Ngài thành khẩn xin lỗi ấy có còn buồn giận Ngài, nhưng đứa cháu gái tôi thì vẫn khóc mãi có lẽ vì không nhận ra được vẻ thành khẩn trong lời xin lỗi của ông nội. ĐGH, ngày hôm trước Ngài phạm lỗi, ngày hôm sau Ngài nhận lỗi. Phần tôi, nhanh chóng nhận lỗi ngay khi vừa phạm lỗi, nhờ rút kinh nghiệm của người đi trước là Ngài. Xin kể mẩu chuyện nhỏ ấy để khoe rằng tôi rất vui khi học được bài học lớn từ một tình huống nhỏ đầy kịch tính của Ngài để cải thiện bản thân mình. Bài học ấy như hai mặt của một tấm gương soi. Mặt bên này đục mờ, lật sang mặt bên kia thì trong veo. Mặt bên này Ngài gọi là “bad example”, lật sang mặt bên kia, Ngài cho tôi cái “good example”.

    Không chỉ xin lỗi đứa cháu nhỏ, nếu có chỗ nào không phải trong câu chuyện đầu năm mà tôi muốn được chia sẻ cùng quý độc giả, cũng xin vui lòng nhận nơi tôi “lời xin lỗi đầu năm”.

    Lê Hữu


    Nguồn:https://www.diendantheky.net



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Canh Tý - 2020

Bài viết bởi Bạch Vân »

          






          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Canh Tý - 2020

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Sạch ngữ âm


    Ngoài Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ,
    còn tân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói ngọng


    Nếu bạn ngọng lờ-nờ và làm nghề đầu bếp, ra chợ hỏi mua cá nóc, cuối cùng vẫn xách cá lóc về nhà, thì không có gì thật sự đáng báo động. Song nếu bạn kiêm cả bồi bàn tiếp khách thì câu chuyện đã khác. Trừ khi bạn trưng biển “Ở đây có nói ngọng” mà quán vẫn đông thì xin chúc mừng, có khi bạn còn được lên CNN và trở thành một địa chỉ du lịch như bún mắng cháo chửi; đóng góp của Việt Nam cho thế giới là những ngóc ngách độc đáo như vậy. Còn lại, nếu khách nhất định cá lóc và bạn khăng khăng cá nóc, rồi lời qua tiếng lại, mày định đầu độc bố mày hử, rồi nước bọt văng tới đâu dao văng tới đấy, rồi báo chí giật tít “Án mạng vì món cá nhầm tên” – chậm nhất đến đây, là một cái thây, bạn sẽ muốn kiếp khác đầu thai thành loài gì cũng chấp nhận, miễn lờ-nờ không lẫn lộn.

    Tôi sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, một trong những thánh địa của tôn giáo nờ cao nờ thấp. Bây giờ người ta phong nó thành sự đa dạng ngữ âm vùng miền, thành phương ngữ, thổ ngữ gì đó và sẵn sàng tuốt dao bảo vệ nó trong những cuộc thánh chiến nho nhỏ. Cha mẹ tôi không được cấp tiến, khoan dung như thế. Cấm tiệt con cái a dua môi trường. Không nghe thì nọc ra giường. Roi chẳng bao giờ chạm vào mông, song sự cương quyết của phụ huynh khiến đàn con răm rắp học giọng đài phát thanh thay vì giọng hàng xóm. Tôi đánh mất đặc sản ngữ âm địa phương và không thấy mình nghèo đi, cũng không thấy những người bảo tồn đặc sản ấy tự hào về một đóng góp nào cho sự giàu có của tiếng Việt. Ngược lại, họ chỉ khổ sở bởi cái di sản bất đắc dĩ ấy, tiếng Việt chẳng keo kiệt với những tình huống éo le. Khi họ bảo rằng trời lồm mình làm lông lên no nắng, hay nâu nâu họ đi nạc, bạn có đủ tế nhị để không kín đáo nhếch mép? Đủ rộng lượng để chấp nhận một giáo viên môn toán cứ nũy thừa và nôgarit mà dạy? Một giáo viên môn sử cứ từ Nạc Nong Quân đến Ný Trần Nê? Một giáo viên môn văn cứ “Cỏ lon xanh tận chân trời“? Chậm nhất, đến “Lao lao dòng lước uốn quanh“, “Dùng dằng lửa ở lửa về” và “Lách tường bông niễu bay sang náng giềng“, bạn sẽ phải lờ mờ – hay nờ mờ cũng đáng khoan thứ? – nhận ra rằng căn cứ vào vị trí thiêng liêng – hay thiêng niêng cũng chưa chết ai? – của tác phẩm này, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn“, thì ngọng lờ-nờ là một cách vô tình làm mất nước.

    Đến lượt mình, tôi còn khắc nghiệt hơn hai đấng sinh thành. Tôi không kết bạn với người mắc cái tật khốn khổ nói trên. Tình bạn thậm chí có thể sống sót trong đống tro tàn của các chiến tuyến tư tưởng, song lại dễ cháy rụi bởi một chất xúc tác có vẻ hiền lành như ngọng lờ-nờ. Thuở trẻ có lần tôi phải lòng một chàng trai. Lỗi duy nhất, như thể để nêu bật sự hoàn hảo, là chàng lẫn đúng hai cái phụ âm chẳng họ hàng gì với nhau ấy. Không như mọi cách phát âm lệch chuẩn khác, ngọng lờ-nờ là một đột biến ngữ âm vô lý mà chức năng duy nhất là làm mất định hướng, làm nhiễu tư duy, làm hại ngôn ngữ, làm khổ chính tả, làm tội cái lưỡi và làm ô nhiễm môi trường âm thanh. Tôi đã nhặt nhạnh nhúm lý trí còn lại khi người ta yêu để bỏ chạy. Tôi có thể sống như thế nào đó cạnh một người biến tất cả lờ cao thành nờ thấp hoặc ngược lại, dù không chắc cái tai của mình có còn sống không. Ít ra, đó là người nhất quán. Nhưng với một người lờ nờ bất nhất thì chịu. Nói ngọng, viết ngọng và nghĩ ngọng là bộ ba khăng khít. Ngôn ngữ là phương tiện và biểu hiện của tư duy. Làm sao có thể tư duy bằng một ngôn ngữ đầy lẫn lộn, dễ dãi, buông thả, vô phương hướng, vô tổ chức, vô ý thức, vô nguyên tắc, vô trách nhiệm như vậy?

    Lẽ ra toàn bộ công chức nhà nước cũng như khối viên chức trong các ngành giáo dục đào tạo và truyền thông phải đạt tiêu chuẩn sạch ngữ âm ở mức không cản trở giao tiếp và không gây phản cảm, tối thiểu là không nhầm lẫn lờ-nờ. Ở nhà họ lên giường hay nên giường, ngoài đường họ lái xe hay nái xe Lexus hay Nexus, đi du lịch hay du nịch họ “hê-lô” hay “hê-nô”, họ diện đồ Louis Vuitton hay Nouis Vuitton, họ khấn vái thần linh hay thần ninh, chơi ten-nít hay ten-lít trong các câu lạc bộ hay câu nạc bộ, thích ăn lòng lợn hay nòng nợn, sau mấy ly bia hay ny bia giao lưu hay giao nưu bạn hữu họ có thể khen hay chửi Tổng thống Đo-nát Tờ-ram hay Đo-lát Tờ-ram, tưởng nhớ hay oán trách một thời Liên Xô hay Niên Xô, lo ngại hay no ngại cho thềm lục địa hay thềm nục địa của đất nước hay đất lước…, tất cả những tự do lựa chọn đó không ai can thiệp. Đa dạng muôn năm. Ở đất nước này, trừ đa dạng tư tưởng và đa nguyên đa đảng, còn lại ai muốn đa gì thì đa, đa thê thậm chí được ngưỡng mộ. Song ở cương vị chính thức thì khác. Không thể xuê xoa coi lỗi phát âm là chuyện nhỏ, bởi tính chính danh của mỗi chức vụ trong bộ máy nhà nước trước hết được thể hiện bằng sự tôn nghiêm. Tất nhiên công lý có phần hài hước khi thẩm phán nói ngọng. Tất nhiên nền giáo dục có phần lố bịch khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục “nuôn nuôn” nói về “chất nượng“. Và tất nhiên những viễn kiến của ngôi sao chính trị đang lên, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, khó được coi là nghiêm túc, khi ông cứ “nời giải Việt Nam” cho bài toán Việt Nam trong “nàn sóng internet thứ ba” mà diễn thuyết.

    Thử hình dung, Hồ Chủ tịch đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tháng 12 năm 1946 không phải bằng giọng truyền cảm và chuẩn xác – nếu không muốn nói là lý tưởng về ngữ âm -, mà níu nô: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất lước, nhất định không chịu nàm nô nệ… Việt Lam độc nập và thống nhất muôn lăm! Kháng chiến thắng nợi muôn lăm!”. Tôi tin rằng quốc dân sẽ bò ra cười, quên cả xách súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy gộc đi cứu nước; Điện Biên Phủ sẽ không xảy ra, lịch sử Việt Nam sẽ là một lịch sử khác. Lịch sử thế giới cũng sẽ là một lịch sử khác, nếu Quốc vương nước Anh George VI. không dày công tập luyện, khắc phục tật nói lắp bẩm sinh, để phát đi lời tuyên chiến hùng hồn với Đức Quốc Xã tháng 9 năm 1939.

    Còn lại câu hỏi, vì sao dàn lãnh đạo cao cấp hiện nay ở Việt Nam ngọng lờ-nờ như chưa bao giờ được ngọng, như không có chút sĩ diện nào để mất, như đang đặt nền móng cho ngôn ngữ hạ đẳng của giới thượng lưu mới? Trong một môi trường bẩn toàn diện, sạch ngữ âm có lẽ là xa xỉ, thậm chí vô nghĩa.


    Phạm Thị Hoài (baotreonline)


    Nguồn:https://www.danchimviet.info


              
Trả lời

Quay về “Chuyên đề”