- 30/04/2019 - tưởng niệm 44 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Quốc Hận 30-4-1975 : Viết về Người Lính Bất Hạnh VNCH

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Quốc Hận 30-4-1975 :
              
    Viết về Người Lính Bất Hạnh
    VNCH

    ___________________________
    Mường Giang







    Hai mươi năm chinh chiến, QLVNCH đã có 250.000 người gục ngã trước đạn thù và nửa triệu thương binh chịu đời bất hạnh vì một phần cơ thể đã gửi lại sa trường. Tuy nay chính phủ cũng như QLVNCH không còn nữa, nhưng trong tâm tư của mọi người được sống sót qua cuộc đổi đời mạt kiếp, thì lý tưởng và danh dự của Người Lính càng được sáng tỏ, trong niềm hãnh diện chung của quân-dân Miền Nam.

              

              

    • Lịch sử của một quốc gia là những gì trung thực, mà người dân của nước đó đã ghi chép không hề thêm bớt. Nhờ vậy ta mới biết được về cuộc nội chiến của Hoa Kỳ xảy ra từ năm 1861-1865, cùng với thái độ của dân chúng và chính quyền nước Mỹ tại Miền Bắc là kẻ thắng trận, đã không hề lên án, bỏ tù hay trả thù những người Miền Nam bại trận. Ðã vậy, Hoa Kỳ còn ghi ơn tất cả những chiến sĩ của hai miền vừa nằm xuống trong cuộc chiến, vì lý tưởng riêng của họ.
                
    • Thế Chiến 2 kết thúc, Tòa Án Quốc Tế Nuremburg chỉ kết tội những đầu sỏ trong phe Trục mà không hề bắt bớ hay gây khó khăn cho quân nhân các nước Ðức-Ý-Nhật…
                
    • Năm 1920, lãnh tụ kháng chiến quân Libya là Tướng Mukhta bị người Ý bắt và tử hình, nhưng chính tổng tư lệnh Ý tại Bắc Phi là người đã ở lại pháp trường để lo lắng hậu sự cho vị anh hùng dân tộc Libya, vốn là kẻ thù của người Ý lúc đó.
                
    • Tại VN, khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền tây Nam Phần năm 1867, sau đó là thành Hà Nội năm 1873. Các tướng lãnh thủ thành đương thời là Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu.. đã oanh liệt tử tiết theo thành mất và được kẻ thù là người Pháp tôn kính mặc niệm như chính các tướng lãnh của họ.
                
    • Sau rốt là số phận của 500.000 quân nhân Mỹ đã tham chiến tại VN, trong số này hơn 50.000 người tử trận. Ngày nay các chiến sĩ trên đã được quốc dân Hoa Kỳ trả lại công lý và danh dự, để họ hiên ngang ưỡn ngực, cũng như an giấc nghìn thu bên cạnh ông cha, một đời liệt sĩ. Tất cả đã chết cho lý tưởng quốc gia, sống vinh quang và yên nghỉ trong danh dự.
                
    • Người lính VNCH trong suốt hai mươi năm binh lửa cũng vậy, đã phơi gan trải mật để bảo vệ cho đất nước và mạng sống của đồng bào, bị Cộng Sản quốc tế Bắc Việt xâm lăng giết hại. Tóm lại gần hết cuộc chiến, ở đâu có Cộng Sản khủng bố cướp bóc giết hại dân lành, là ở đó có sự hiện diện của người lính miền Nam. Ở đâu có bóng cờ vàng ba sọc đỏ, là ở đó người dân trong vùng chiến nạn, tìm đủ mọi cách trốn thoát sự kềm kẹp của giặc cộng, để trở về vùng quốc gia nhờ che chở đùm bọc. Ai có làm lính tác chiến hay người cán bộ áo đen Bình Ðịnh Nông Thôn, Cán Bộ Xã Hội.. mới biết được thế nào là nổi thống khổ, trên đe dưới búa, cá nằm giữa dao thớt, người dân tay không hứng hai lằn đạn bạn thù, của người VN trong thời ly loạn. Có là người dân bị kẹt trong vùng xôi đậu, lửa khói bom đạn, mới thấu hiểu đời người lính gian khổ chết chóc muôn trùng. Có là người dân quèn, nghèo sống đời cay cực, mới thương xót cho “ cảnh ba đồng, ba cộc “ của kiếp lính Miền Nam.


              

              

    Nhức nhối và mai mĩa nhất, đó là hiện tượng ‘thuyền nhân tị nạn‘ sau ngày 30-4-1975.
    • Ngoài tuyệt đại đa số nạn nhân đích thực của CSQT,
    • trong số này không thiếu mặt “ những tên tuổi lớn “ một thời chạy theo VC đâm sau lưng người lính,
    • những nhà văn, nhà báo, cha cố..
    • kể cả thành phần suốt đời chỉ biết sống ký sinh vào xã hội..
      cũng lợi dụng “ danh nghĩa người lính “ để được tị nạn chính trị.
    Ứa gan hơn
    • là những tên VC trà trộn trong hàng ngũ những người vượt biên, vượt biển,
      sau khi tới được bờ đất hứa, chúng trở mặt ngay, để lộ diện thành công an, cán bộ, đảng viên như ngày nào..
      để nạt nộ, hăm dọa đồng hương, qua cái đòn “ nếu theo Ngụy “, sẽ không được về VN để thăm nhà, như đã thấy tới độ mù mắt khắp nơi tại hải ngoại.


    Trong nổi chịu đựng hy sinh âm thầm nhưng thảm nhất là người lính đã không bao giờ được một lời an ủi tử tế của hậu phương, để yên tâm tiếp tục cầm súng giết giặc bảo vệ cho người dân. Trái lại họ còn bị muôn ngàn bất hạnh đeo đuổi suốt cuộc chiến.
    • Thật vậy, khi cầm súng thì cô đơn,
      nửa đường bị hậu phương, đồng minh và lãnh đạo phản bội bán đứng.
    • Ngày trở về thì bị giặc trả thù đầy đoạ,
      rồi chết thầm trong đói nghèo tủi nhục.

    • Tiếp tay với những tâm hồn thác loạn, ăn cơm quốc gia thờ ma cọng sản,
      là bọn báo chí quốc tế bất tài, a dua, xu thời.
    Nhờ vậy mà cọng sản Bắc Việt, mới có cơ hội tung hoành một mình một cõi, thao túng vẽ vời huyền thoại, bóp mép lịch sử, để đầu độc các thế hệ VN đang sống trong sự kềm kẹp của chế độ bạo tàn, độc đảng. Nhưng rồi gieo gió thì phải gặt bảo, chính sự khoắc lác dại khờ trên, đã đưa toàn bộ đảng cọng sản VN chìm trong cái vũng bùn ô nhục, khi bí mật lịch sử lần lượt được mọi phe phái bật mí và hồi tưởng.
    • Câu chuyện tướng Nguyễn Ngọc Loan trong trận Tết Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn,vì không thể chịu nổi hành động dã man, đẩy các trẻ em trong xóm ra làm lá chắn đở đạn cho đồng bọn tẩu thoát. Vì quá tức giận không kềm chế được, nên tướng Loan đã rút súng Rouleau ngắn nòng, bắn chết tên VC chỉ huy là Bảy Lốp, tại ngả ba Vườn Lài (góc đường Vạn Hạnh, Minh Mạng và Vĩnh Viễn), trước mặt phóng viên Mỹ là Eddie Adams, nên đã chụp được tấm hình này, đem bán rao khắp thế giới và nhận được giải thưởng quốc tế.

      Sau ngày 30-4-1975 Tướng Loan tới tị nạn tại Hoa Kỳ, đã bị bọn phản chiến cùng với giới truyền thông Mỹ làm lớn chuyện. Thậm chí có Elizabeth Holtzman (nữ dân biểu DC bang New York) và Dân biểu Harold Sawyer (CH bang Michigan), đã kiện cáo, đòi Chính phủ Mỹ trục xuất tướng Loan ra khỏi Hoa Kỳ, vì tội vi phạm nhân quyền nhưng bị thất bại.

      Trước và sau ngày tướng Loan từ trần 14-7-1998, người phóng viên chụp tấm hình năm xưa Eddie Adams, đã viết một bài báo xin lỗi tướng Loan vì sự ray rứt hối hận của mình, trong đó có đoạn
      • “ Ông đã làm công việc của ông, còn tôi làm bổn phận của tôi “.
      Ngày tướng Loan qua đời, Eddie lại viết thêm môt bài báo khác đăng trên tờ Times, đồng thời gới tới một vòng hoa phúng điếu, trên đó có đính một danh thiếp viết tay
      • “ General, I ‘am so,so,so.. sorry “.
      Bao nhiêu đó, chắc cũng đủ làm nhức óc những tên “ sống nhờ người tị nạn “ nhưng lúc nào cũng viết lách, làm báo ca tụng VC.

                
    • Ðau đớn nhất là trận Hạ Lào 1971, cho dù các đơn vị đã tham chiến như SD Dù, TQLC, Sư Ðoàn 1 BB, Lữ Ðoàn 1 Thiết Kỵ và Liên Ðoàn 1 BDQ có bị tổn thất nặng nề. Nhưng cuối cùng QLVNCH cũng đã đạt được mục đích của cuộc hành quân, là phá hủy gần như toàn bộ các cơ sở hậu cần, tiếp liệu tại các mật khu, binh trạm tại đây. Lúc đó, chỉ có Ðại Úy Trương Duy Hy, pháo đội trưởng PDC/44, tham dự cuộc hành quân, tại căn cứ Hỏa lực 30, là tác giả quyển Hồi ký “ Tử thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30, Hạ Lào “ là viết sự thật. Ngoài ra tất cả bọn phóng viên Mỹ&Tây phương đều ở Khe Sanh, hằng ngày nhìn cảnh máy bay tải thương xác lính và thương binh về tới tắp. Từ đó chụp hình, diễn dịch rồi gửi về nước, nói là QLVNCH đã thảm bại tại Hạ Lào, giống như hồi Tết Mậu Thân (1968).

                

                

      Riêng làng báo Sài Gòn cũng vậy, vì không có ai vào tận chiến trường để chứng kiện sự thật, nên chỉ đành “chôm chĩa tin từ báo Mỹ“
      • rồi
        “Mao Tôn Cương thành trận đánh cuối cùng không có đại bàng “
        rằng
        “ VC đâu có quân số đông đảo để đánh QLVNCH, mà chỉ sử sụng hỏa pháo.
        Ở đây làm gì có kho tàng như tình báo đã báo cáo láo”.
      Tóm lại theo họ thì QLVNCH vì sợ hỏa lực của VC nên bỏ chạy. Có đọc những tin tức của báo chí Sài Gòn lúc đó, mới thấy máu của người Lính Miền Nam đã đổ suốt cuộc chiến để bảo vệ cho “đám này“, thật là uổng phí và tội nghiệp cho những kẻ đã nằm xuống truớc ngày 30-4-1975.


    Nhưng người lính VNCH từ trước tới nay chỉ biết có cầm súng để chiến đấu giữ nước và bảo vệ sinh mạng cho người khác, chứ không quen viết lịch sử để ca tụng một chiều. Cho nên nếu có được một tiếng cảm ơn hay sự hồi phục danh dự, thì đó cũng chỉ là sự phản tỉnh của thế giới tự do khi đã biết được sự thật cùng ý nghĩa của cuộc chiến mà người Miền Nam phải bán mạng để chống ngăn giặc Bắc xâm lăng tới giờ phút cuối cùng. Ngoài ra còn có sự tưởng tiếc muộn màng của đồng bào hậu phương, đối với người chiến sĩ VNCH, khi chính bản thân và gia đình người dân qua cuộc đổi đời, cũng đã trở thành nạn nhân tận tuyệt, của một chế độ bạo tàn, của những con người không có nhân tính, mà hôm qua chính người dân coi như thần thánh, nên đã công khai giúp và theo chúng, đâm sau lưng đồng đội, đồng bào mình.

    • Trong lúc đất nước đang lâm nguy vì giặc xâm lăng phương Bắc,
    • trong lúc gần hết thanh niên nam nữ thuộc mọi tầng lớp của xã hội miền Nam, không phân biệt sang hèn, kinh thượng, bỏ nhà, bỏ lớp, bỏ hết tương lai của tuổi trẻ và đời người để lên đường ra biên cương chống giặc thù.
    • Giữa lúc đất nước lầm than, muôn người khốn khổ vì chiến tranh do Hồ Chí Minh và cọng sản mang từ Liên Xô-Trung Cộng vào để dầy xéo non sông tổ quốc,
    thì tại hậu phương Miền Nam có một số người tự nhận mình là trí thức, giáo sư, tu sĩ, hầu hết đều đang độ xuân thì, mập mạnh nhưng lại tìm cách đứng bên lề cuộc chiến bằng đủ mọi lý do để được hoãn dịch, trốn nghĩa vụ làm trai trong thời tao loạn. Nếu vì sợ chết mà trốn đi lính, thì cũng còn có thể tha thứ nhưng những hạng người này, không bao giờ chịu để yên cho đồng bào và đất nước mình đang trăn trở trong cơn đau bom đạn, hận thù, đói nghèo và ly biệt. Họ hoàn toàn không thông cảm cho ai hết, ngoài cái lý tưởng đã thu lượm được, qua sách báo tây phương phản chiến và các kinh điển nhật tụng của thiên đàng xã hội chủ nghĩa, trong lúc được sống ở hậu phương, thừa mứa vật chất, đàn bà và thời gian để đâm thọt, phá hoại những người đang liều mạng xã thân bảo vệ mạng sống thừa thải ký sinh của mình.

    Ngày nay ai cũng biết, cuộc chiến Ðông Dương lần thứ hai (1955-1975) rất đa dạng, phức tạp, khó có thể định nghĩa cho trọn vẹn. Nói chung tùy theo lý tưởng, ai muốn gọi thế nào cũng đều có ý nghĩa riêng với người trong cuộc.
    Cho nên với người Miền Nam VN,
    thì đây là một cuộc chiến đấu chống xâm lăng.
    Cuộc chiến này hoàn toàn khác biệt với cuộc phân tranh của hai họ Trịnh Nguyễn vào thế kỷ thứ 17, lúc đó chỉ là cuộc tương tàn nồi da xáo thịt để tranh giành quyền lãnh đạo của đất nước. Trái lại cuộc chiến lần này, người Miền Nam chiến đấu, vừa để tự vệ, vừa bảo vệ phân nửa mảnh đất VN, để khỏi bị Bắc Việt nhuộm đỏ bằng chủ thuyết cọng sản. Nhưng với bọn trí thức thiên tả, phản chiến nằm vùng lúc đó, lại trắng trợn phỉ báng, gọi QLVNCH là lính đánh thuê cho Mỹ.

    Chính bọn trí thức thiên tả này
    • đã lợi dụng quyền tự do báo chí ngôn luận của VNCH,
      để viết lách, bôi nhọ, xuyên tạc, tuyên truyền phá nát hậu phương,
      đâm sau lưng chiến sĩ tiền tuyến, đang liều chết để bảo vệ đồng bào, trong đó có cả sinh mạng ký sinh của chúng.


    Cuối cùng, VNCH đã sụp đổ, kéo theo sự mất mát toàn diện mà người Việt QG đã tốn xương máu xây dựng. Người chạy thoát ra nước ngoài tuy không bị đau đớn thể xác nhưng tinh thần và sự dằn vặt, cũng đã làm cho họ điên đảo suốt quảng đời lưu vong nơi xứ người. Tội nghiệp nhất, cũng vẫn là
    Lính phải còng lưng cúi đầu gánh chịu
    những thảm tuyệt của kẻ thù man rợ,
    những điều mà chắc chắn thế giới tự do không hề nghĩ tới, vậy mà vẫn tới trong địa ngục trần gian của các nước Cộng Sản, trong đó có CSVN.

              

              

    Ngoại trừ một số rất ít khôn ngoan hay có thân nhân VC bảo lãnh, hầu hết các cấp Quân, Công, Cán, Cảnh của Nam VN đều chịu sự hành hạ nơi chốn lao tù. Chúng bắt tất cả Sĩ quan và cán bộ, công chức, cảnh sát VNCH vào tù, qua cái gọi là “ Trại Cải Tạo “ để đánh lừa thế giới, về sự dã man tàn ác đối với tù nhân chiến tranh, trái với công pháp quốc tế đã qui định. Hầu hết các trại tù đều lập ở Miền Bắc và Bắc Trung Phần, phía bên kia vĩ tuyến 17. Tại Miền Nam, trại tù nằm trong rừng núi cheo leo, ma thiêng nước độc, để lao động khổ sai, chết dần mòn vì sự hành hạ của quản giáo và nổi cực khổ, đói lạnh nhưng ăn uống thì thiếu thốn với khẩu phần hằng ngày, chỉ lưng chén cơm gạo xấu, trộn với khoai bắp, còn những người bị biệt giam thì đói khát vì phần ăn phát rất ít. Nói chung là không còn bút mực nào để kể cho hết nổi hận hờn tủi nhục của người tù dưới chế độ CS. Ðói quá nên người tù phải ăn tất cả những gì có trước mặt như rắn, rít, ếch nhái, chuột, trùn đất, cào cào.. kể cả cỏ chai và cỏ diệu, thay cơm để đủ sức chống chọi với tử thần, lúc nào cũng như chực chờ sẳn bên cạnh :
              
    ‘Ngày hành xác giữa núi rừng hoang vắng,
    đêm ôm đầu thương tiếc chuyện ngày xưa
    bạn bè đến đây càng lúc càng thưa
    thằng nằm xuống, thằng đày sang trại khác
    thằng chống lại thì xác thân tan nát
    thằng bệnh đau thân xác cũng không còn
    đem xác người đi phá núi dời non
    đem mạng sống để gở mìn tháo đạn
    thay trời dẫn nước vào sông đã cạn
    thay trâu kéo cầy phá vỡ ruộng hoang
    buổi sáng gượng vui nhìn lúa trổ bông
    nữa đêm khóc thầm đời lính bất hạnh
    tôi đã sống qua những ngày đói lạnh
    tôi đã nhét đầy tài liệu buồn nôn
    kiểm điểm nghìn câu cho tốt tốt hơn
    để theo đảng biến người thành khỉ vượn “.


    (thơ mường giang).

              
    Lính sống bị trả thù đã đành, cho tới những người lính đã chết, CSQT cũng không tha, thì nói chi thành phần Thương Phế Binh, Cô Nhi Tư Sĩ của VNCH, lại càng bị đoạ đày thê thảm. Tất cả năm tháng dù nay đã đi vào quân sử nhưng sự thật vẵn còn nguyên trước mắt, với hai cảnh đời hiển hiện như một chứng tích nghìn đời không phai mờ :
    • Ðó là địa ngục VN sau 38 năm bị giặc chiếm đóng
    • và giá trị đích thực của QLVNCH từ 1960-1975,
      đã có rất nhiều cấp chỉ huy tài ba lẫn đạo đức, văn võ vẹn toàn, được đào tạo từ các quân trường nổi tiếng nhất vùng Ðông Nam Á thời đó gồm các Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, Bộ Binh Thủ Ðức, Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị, Các Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân và Hải Quân, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và Cảnh Sát,Trường Ðại Học Quân Sự.. chứ đâu phải chỉ có những tướng tá từ thời Pháp thuộc ?!


    Ngày xưa người Lính VN, chiến đấu trong vinh quang, khi trở về cũng thật hiên ngang, giữa cảnh phu phụ trùng phùng, nồng ấm kết lại mối tình xưa :
              
    ‘..xin vì chàng, xếp bào cởi giáp
    xin vì chàng giũ lớp phong sương
    vì chàng tay chuốc chén vàng
    vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng.. ’


    (Chinh Phụ Ngâm
    Ðặng Trần Côn và Ðoàn Thị Ðiểm)

              
    Ngày nay người chiến sĩ VNCH không có cái diễm phúc trên,
    • vì suốt cuộc chiến hai mươi năm,
      ngoài mặt trận thì chống trả với kẻ thù trong nổi cô độc.
    • Khi trở về
      lại bị kẻ thù đọa đầy, tù ngục và chết trong uất hận nghẹn ngào.

              
    Thử hỏi giữa cõi đời này,
    có quân đội nào bất hạnh hơn QLVNCH ?

    Ngày nay, đã có không biết bao nhiêu người ,đang sống thản nhiên khắp các nẻo đường hải ngoại, mà hầu hết bản thân họ hay con cháu, hôm qua vẫn sống nhờ sự bảo bọc của lính. Không biết trong tâm tư đó, có một giây phút nào do lương tâm xao động, khiến trái tim người, chợt nghĩ tới những kẻ bất hạnh đã VỊ QUỐC VONG THÂN ?

    Xưa NGƯỜI LÍNH chiến đấu anh dũng trong khói lửa để bảo quốc an dân. Nay những người lính già còn sót lại sau cuộc chiến và lớp hậu duệ của lính năm nào, cũng đã và đang tiếp tục tranh đấu không ngừng, cho một ngày về QUANG PHỤC QUÊ HƯƠNG được sống thật với tự do và no ấm, như chúng ta hiện nay đang hưởng tại quê người.
              
    ‘..tội nghiệp, đời trai chưa thỏa chí
    sa trường dung ruổi đã phơi thây
    đoàn quân hùng liệt nay về đất
    hồn vẫn quanh co giẫm lối gầy

    chiều chiều đứng ngóng ngàn mây nổi
    mà khóc quê hương khuất bến bờ
    nhớ lúc hát rừng nơi chiến địa
    mộng hoàng hoa, khép giữa hư vô‘


    (thơ Mường Giang)

              
              
    Xin nghiêng mình trước đồng đội
    đồng bào
    đã hy sinh vì đại nghĩa Dân Tộc Việt.


    Cũng xin chân thành biết ơn Quý Ân nhân đồng hương
    khắp mọi nẻo đường viễn xứ,
    đã và đang hướng về những người lính cũ ngày xưa,
    giờ họ là Quả phụ,
    cô nhi
    và thương phế binh VNCH đang kẹt ở quê nhà.

              











    Từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
    Tháng 4-2013

    MƯỜNG GIANG



    nguồn: baovecovang2012.wordpress.com

              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nụ Vàng

Bài viết bởi Hoàng Vân »

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Những ngày cuối cùng của Sài Gòn thất thủ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Những ngày cuối cùng của Sài Gòn thất thủ







    Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 40 năm mà tới nay vẫn còn nhiều trong âm vang dư luận Việt và Mỹ. Có những bí ẩn, của những sắp xếp chính trị giữa các thế lưc cường quốc trên thế giới nên dù bây giờ đã đến thời hạn giải mật các hồ sơ tối mật của Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nên những câu hỏi thắc mắc để kiếm tìm sự thật lịch sử vẫn chưa dược giải đáp bao nhiêu. Ðã có nhiều phát biểu của các nhân vật chính trị quân sự coi như có thẩm quyền và hiểu biết cả hai phía Việt và Mỹ, cả hai chiến tuyến Việt quốc gia và Việt Cộng sản, Ðã có rất nhiều tài liệu sách vở của nhửng nhân chứng lịch sử nhưng khi cùng nói về những sự kiện thì lại mâu thuẫn nhau đến mức rõ ràng ai cũng nhận được. Riêng cá nhân tôi, khi xem những phim ảnh hoặc đọc những tài liệu sách vở đã có những thắc mắc hiển nhiên. Người xưa nói “tận tín thư bất như vô thư” nghĩa là nếu tin tưởng tuyệt đối vào sách vở thì nhiều khi không đọc lại có lợi hơn.

    Tôi đọc bài viết “Last Men Out” của Đai sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam thời kỳ ấy Grahom Martin (bản dịch Nguyễn Huy Ðiền) về những ngày cuối cùng của Hoa Kỳ tại Việt Nam:

    “Nếu có một nhân vật biết được ngọn ngành mọi việc, mọi trò của những người ỏ đấy (Sài Gòn, Việt Nam) thì chính là tôi. Nhưng vào chính giờ phút cuối có những người khác nữa làm làm gì khác thì tôi đành chịu, tôi không thể biết đích xác cho nổi.

    Một ông đã gây rối cho tôi như thế nào chính là một người bạn tốt mà đến nay tôi vẫn thích, đó là Erich Von Marbod. Ông này đến Việt Nam từ bộ Quốc Phòng mà ông là phụ tá bộ trưởng. Ông ta cho không quân Việt Nam bay đi vài chiếc F-5 của họ sang Thái Lan. Việc này trái lệnh tôi. Một mặt, chẳng quan hệ gì. Nhưng ở mặt khác lại vô cùng hệ trọng. Bởi vì tôi đã yêu cầu ngoại trưởng Kissinger một thời hạn, tôi nói là 2 tuần. Chúng tôi cố mang đi tất cả các nhà thầu công tác quốc phòng mà chúng tôi không thể rõ hết là những người ấy cư ngụ ở những địa chỉ nào. Mà chúng ta thì không thể bỏ họ mà ra đi. Ðó là lúc đòi hỏi sự chậm rãi thận trọng. Cho nên việc ErichVon Marbod thuyết phục tướng Trần Văn Minh cho mấy cái phi cơ bay sang Thái Lan là một lỗi lầm rất lớn. Nó làm người Thái e ngại. Rồi những người đưa phi cơ sang bên ấy lại bị dấu diếm, họ không được báo trước rằng sau đó họ sẽ không được phép trở về với gia đình. Ðể làm họ dịu xuống người ta phải phục thuốc họ. Và chính những người này đã gây rối khi đến Guam. Lỗi của tôi, đáng lẽ tôi phải tống cổ Von Marbod từ hai ngày trước. Ðáng lẽ tôi cũng phải tống cổ cả Polgar đi, hắn không biết trời đất gì. Hắn không xứng đáng điều khiển cơ quan tình báo ở đấy. Hắn muốn chơi trội cùng với gã Malcolm Browne bên tờ Times và các ông bạn Hung Gia Lợi của hắn bên Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến, rồi cả William Colby lẫn Kissinger đều nói lại với tôi việc ấy và tôi đã nói với Polgar rằng nếu anh cứ tiếp tục làm những việc như thế tôi sẽ cắt hai hòn dái nhét vào mỗi lỗ tai của anh mỗi bên một hòn(?). Jim Kean đã nghe tôi nói với hắn như thế trong cầu thang máy.

    Tôi đã không có gì để ân hận nhiều ngoài việc ân hận đã không tống cổ cả Polgar lẫn Von Marbod từ sớm. Họ đi hay ở cũng chẳng có gì khác biệt. Chỉ có hậu quả khác biệt trầm trọng mà sau đó tôi đã khám phá ra khi đọc tấm điện văn của các tướng Bắc Việt; họ nghĩ việc đưa mấy chiếc phi cơ sang Thái Lan là chúng ta đã nuốt lời hứa với họ. Chúng ta đã nói chúng ta sẽ không mang các chiến cụ đi. Chúng ta chỉ muốn họ để chúng ta yên ổn ra đi trong trật tự. Vì họ nghĩ chúng ta nuốt lời, hôm sau họ pháo kích vào phi trường giết mất vài lính Thủy Quân Lục Chiến của chúng ta. Vì vậy đến lúc tôi phải hạ lệnh trực thăng vận. Ðây là lúc mọi sự bắt đầu bung ra…”


    Ðại sứ Martin đã nói về cái lịnh cho phi cơ F-5 di tản sang Thái Lan của Trung tướng tư lệnh KQVNCH và cho rằng vì cái lệnh này mà quân Cộng Sản pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất. Ðó có phải là sự thực?

    Và cũng như việc những phi công VNCH mang máy bay đến căn cứ KQ Utapao ở Thái Lan bị giấu diếm tin tức nên đã gây rối đến nỗi các giới chức Mỹ phải “phục thuốc” để giải quyết. Một nhân chứng là Đại úy Trần Văn Phúc, người đã bay hai phi vụ cuối cùng chiều ngày 28 tháng tư và sáng sớm ngày 29 tháng Tư trên không phận Sài Gòn và anh cũng là người phi công VNCH rời khỏi phi trường Utapao xác nhận là chuyện mà Đại sứ Martin nói hoàn toàn không phải là sự thực. Ông kể lại: “Khoảng 4 hay 5 giờ chiều ngày 29 tháng Tư năm 1975 tại Utapao, Thái Lan sau khi được biết có một phi vụ C-141 sẽ bay sang Tân Sơn Nhất chúng tôi gặp vị Đại Tá Mỹ chỉ huy phó căn cứ KQ Utapao. Chính tôi lập danh sách gồm 22 người tôi còn nhớ vài người như Thiếu Tá Võ Thành Tâm phi công C-47 nhà ở cư xá Thanh Ða, Thượng sĩ Lợi phi đạo A1… Chúng tôi mòn mỏi chờ đợi và đến 4 giờ sáng ngày 30 tháng tư vị CHP Căn cứ trả lời phi vụ C-141 bị hủy bỏ. Chúng tôi xin ông cho chúng tôi ở lại đất Thái để gần Việt Nam hơn, ông tận tình giải thích ông muốn giúp nhưng chính phủ Thái không muốn dính líu gì tới cuộc di tản của người Việt Nam Ông giải thích thêm đó là lý do các phi cơ VN vừa đáp xuống chúng tôi cho xóa lá cờ VN ngay. Ông khuyên chúng tôi nên đi Guam còn chuyện ở lại đất Thái thì không thể được. Hết cách chúng tôi giải tán. Tôi chờ cho mọi người đi gần hết tôi mới đi Guam ngày 4 tháng 5 năm 1975. Khi tới Guam nghe tin đồn: ‘Những người không chịu đi bị Mỹ đánh lừa rồi chích thuốc ngủ chở lên máy bay bằng băng ca…’”

    Trung tướng Trần Văn Minh trong bài viết cuối đời “Sự Thật Ðời Tôi” đã phản bác lại sự kiện mà Đại sứ Martin đã viết trong “Last Men Out”. Vị cựu tư lệnh Không Lực VNCH viết:

    “Gần trưa ngày 29 tháng tư, tôi nhận được một điện thoaiï gọi từ cơ quan DAO nói rằng sẽ có một cuộc họp giữa Mỹ và các cấp chỉ huy của VNAF. Tôi qua cơ quan DAO với nhiều người nữa. Chúng tôi được đưa vào một gian phòng. Rồi người ta để chúng tôi ngồi đó một lúc lâu. Chúng tôi nghĩ Ðại sứ Martin hay tướng Homer Smith (tùy viên quân sự) hoặc ai đó sẽ thuyết trình một kế hoạch đẩy lui Cộng Quân. Nhưng chẳng có ai thuyết trình cả… Không có ai thuyết trình cho đến xế trưa. Sau khi chúng toi đi vào khu vực DAO thì một người lính gác đã tước vũ khí của chúng tôi. Ðiều này chưa bao giờ xảy ra trước đó. Rồi cuối cùng cũng có một người mặc đồ sĩ quan bước vào phòng và nói rằng: ‘Ðã kết thúc rồi, thưa tướng Minh. Một trực thăng đang đợi ngoài kia sẽ đưa ông đi’. Chúng tôi bước ra chiếc trực thăng. Nó đưa chúng tôi ra chiếc Blue Ridge ngoài biển Ðông.

    Một đại tá Không Quân Mỹ đang ngồi trên tàu với tôi. Ông ta ngồi kế bên tôi. Ông khóc suốt chuyến bay. Ông không nói được. Nhưng ông ấy đã viết lên một mảnh giấy rồi đưa cho tôi. Tôi đọc: “Thưa tướng quân, tôi rất tiếc”. Tôi vẫn còn giữ mảnh giất đó cho tới ngày hôm nay. Tôi sẽ giữ mảnh giấy ấy suốt đời. Tôi sẽ luôn nhó tới chuyến bay buồn thảm ra chiến hạm Blue Ridge…”


    Như vậy khi đọc xong hai văn bản, chúng ta sẽ tin ai? Ông Ðại Sứ Hoa Kỳ Martin hay Trung Tướng Tư Lệnh KQ/VNCH Trần Văn Minh? Có ai ra lệnh cho phi cơ F-5 cất cánh sang phi trường Utapao ở Thái Lan không? Ðây có phải là một bí ẩn vào giờ cuối cùng của Sài Gòn thất thủ?

    Có một phim tài liệu khá chân thực về những ngày cuối cùng của cuộc chiến khi Sài Gòn sắp thất thủ vào tay quân Cộng Sản.

    Ngày 28 tháng 4 năm 2015, một bộ phim mới về chiến tranh Việt Nam được trình chiếu. Phim Last Day in Việt Nam với đạo diễn Rory Kennedy, con gái của cố Thượng nghị sĩ Robert Kennedy, người đã chủ trương phải chấm dứt chiến tranh Việt Nam và cũng là cháu của Tổng thống John F. Kennedy người đã chủ trương can thiệp bằng quân sự vào Việt Nam. Ðây là một phim tài liệu ghi chép lại những hoạt cảnh cuối cùng khi Hoa Kỳ rút khỏi cuộc chiến. Những trang sử bi thảm được giở lại với những nhân chứng kể lại những câu chuyện của ngày mà Mỹ rút khỏi Việt Nam khi quân Cộng Sản Bắc Việt đang tiến vào Sài Gòn.

    Cuốn phim mang theo một thông điệp khá nhân bản tuy vẫn chưa nói hết được sự thực lịch sử. Chiến tranh Việt Nam chấm dứt như một kịch bản hoàn hảo của các thế lực ngoại cường quyết định. Như phim Viet Nam Viêt Nam của John Ford, người Mỹ đã vào đất nước này và tham dự cuộc chiến ra sao thì bây giờ với Last Day in Việt Nam thì người Mỹ đã thất hứa với đồng minh và chấm dứt cuộc chiến.Năm 1975, Tổng thống Gerald Ford Cộng Hòa ở một thế hành pháp bị Quốc hội dân chủ lấn áp nên bị bó tay và những quyết định cắt bớt quân viện trong khi phe Cộng sản lại gia tăng viện trợ khiến chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.

    Phim Last Day in Việt Nam mở đầu với những trang lịch sử Việt Nam với Hiệp Ðịnh Paris năm 1973 với những điều khoản ngưng bắn, trao trả tù binh và dần dần rút quân về nước. Và khi quân Cộng sản tiến vào Sài Gòn, cảnh hoảng loạn đã diễn ra và thấy được người dân Nam Việt Nam ghê sợ Cộng sản như thế nào. Cuộc di tản với nhiều cảnh tượng bi thảm từ Đà Nẵng tới Sài Gòn khiến khán giả có cảm giác Cộng sản như một dịch bệnh khủng khiếp.

    Trong những cuộc phỏng vấn, các nhân chứng đã kể về những điều mà họ chứng kiến cùng những nhận xét. Như cựu Đại úy Mỹ Herrington hồi nhớ lại những ngày trước đây 40 năm tả lại những cảnh hỗn loạn tại phi trường và chính ông đã giúp được nhiều người Việt Nam di tản. Dù Tổng thống Nixon đã hứa với Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu là sẽ can thiệp oanh tạc Bắc Việt khi Cộng sản vi phạm hiệp định Paris nhưng năm 1974 thì vì vụ Watergate nên bị từ chức và Tổng thống Gerald Ford lên thay ở trong thế yếu so với quốc hội Dân chủ nên bị bó tay. Sau khi cộng quân tấn công Ban Mê Thuột, Pleiku di tản và Ðà Nẵng cũng di tản theo. Ðại úy Harrington tố cáo sự tàn ác của quân Cộng sản và đối chiếu là phần phỏng vấn của Ðại tá Hải quân VNCH Ðỗ Kiểm nói về tình hình chiến cuộc ở Ðà Nẵng.Vì sự thay đổi quyết định của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc tử thủ lúc di tản nên tình hình suy đồi một cách nhanh chóng. Phim chiếu những cảnh hỗn loạn ở phi trường Ðà Nẵng, máy bay chưa đáp xong đã phải cất cánh vì đã đầy người. Tổng thống Ford cho biết khoảng 150 đến 170 ngàn quân lính Cộng sản Bắc Việt đang tiến quân chiếm miền Nam Việt Nam và hiện ở Ðà Nẵng có gần nửa triệu người tị nạn đổ về phía Nam hướng Sài Gòn.

    Tổng thống Ford đề nghị quốc hội chấp thuận ngân khoản 722 triệu Mỹ kim khẩn cấp để cứu Miền Nam nhưng bị bác bỏ. Nhiều dân biểu cho rằng nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỉ đô la cho chiến tranh VN mà vẫn không có kết quả thì với 722 triệu thì có kết quả gì. Chính ngoại trưởng Kissinger cũng tuyên bố 722 triệu không giải quyết được tình thế nên chỉ còn cách tổ chức di tản để có thể rút ra khỏi Việt Nam.

    Last Day in Việt Nam nói về kế hoạch di tản, khởi đầu chỉ dự trù rút người Mỹ mà không bốc người Viêt Nam. Ngày 29 tháng 4 năm 1975, ở Sài Gòn đầy những tin đồn về cuộc di tản. Chỉ còn có khoảng hơn 5 ngàn người Mỹ và họ có một số thân nhân người Việt là ưu tiên cho cuộc di tản. Lãnh sự Mỹ tại Cần Thơ của quân khu 4 cũng nói về kế hoạch di tản. Ở tòa đại sứ Mỹ ở Sài gòn, quang cảnh thật là bi thảm nhưng cũng may là không có chuyện gì đáng tiếc. Theo như kế hoạch trực thăng vận, từ hạm đội ngoài biển Ðông, các trực thăng bay vào và bốc người đi. Từ các địa điểm tập trung rồi vào Tòa Ðại sứ nên khuôn viên nơi đây tràn ngập những người chờ được di tản.

    Phim quay cảnh ngoài hạm đội Mỹ, cảnh các trực thăng đáp xuống khu trục hạm USS Kirk, cảnh tàu trực thăng bị đẩy xuống biển để lấy chỗ trống cho tàu khác đáp, cảnh lính Mỹ khám và tước vũ khí của người lính Việt. Tổng cộng có 17 trực thăng của KQ/VNCH đáp xuống chiến hạm này.

    Phi công Đại úy Nguyễn Văn Ba lái chiếc trực thăng Chinook CH47 trong đó chở vợ con và những người quá giang không còn đủ nhiên liệu để bay xa hơn xin đáp xuống USS Kirk. Phi cơ quá lớn không thể đáp được nên ông đã “hover” trên sàn tàu để mọi người nhảy xuống được các thủy thủ đỡ rồi ông cho chiếc trực thăng lật ngửa trên mặt biển rồi cùng một lúc phóng xuống mặt nước lặn xuống bơi ra xa và thoát hiểm. Ðây là một cảnh sinh động trong phim.

    Phim cũng quay lại cảnh hỗn loạn tại khuôn viên tòa đại sứ Mỹ. Chính ông Đại úy Mỹ phụ trách an ninh tòa đại sứ Herrington đã tuyên bố với mọi người là tất cả sẽ được di tản hết không ai bị bỏ lại.

    Ở ngoài biển, những con tàu dân sự lớn cũng chở đầy những người tị nạn. Có những cố gắng để cứu giúp thêm trong việc vớt những người tị nạn từ những ghe nhỏ. Ở Sài Gòn, phim quay cảnh chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi tòa đại sứ. Cảnh hôi của, cảnh hỗn loạn trên đường phố. Lúc đó, quân Cộng sản tiến vào thủ đô Sài Gòn, tổng thống VNCH Dương Văn Minh bị buộc phải tuyên bố đầu hàng. Phim quay lại những cảnh tượng bi thảm của người lính VNCH thua trận.

    Ðại tá Ðỗ Kiểm nói về lễ hạ cờ trên hạm đội khi các tàu chiến vào hải phận Phi Luật Tân. Chính phủ nước này sợ xích mích với Cộng Sản Việt Nam nên bắt hạ cờ VNCH và treo cờ Mỹ mới cho cập bến.

    Cảnh cuối cùng của phim là cảnh 11 người lính TQLC Mỹ chờ trực thăng tới đón vào lúc gần 8 giờ sáng ngày 30 tháng tư năm 1975. Họ giã từ Việt nam và để lại 420 người Việt bị bỏ rơi trong khuôn viên tòa đại sứ. Thượng sĩ Juan Valdez là người sau cùng lên trực thăng. Ông đếm lại nhiều lần để chắc chắn rằng không bỏ sót lại một người lính nào trong toán của ông.

    Phim tài liệu nên phần phỏng vấn các nhân vật lịch sử là chính yếu. Các nhân vật này nói về những diễn tiến lịch sử qua vài phút nên khó mà đầy đủ chi tiết và khán giả khi xem cũng hơi bị khó khăn khi theo dõi. Cũng như cuốn phim còn thiếu những diễn tiến khác như các tướng lãnh VNCH tự sát, hoặc những cảnh chiến đấu giờ thứ 25 của quân lực VNCH, để cân bằng với những cảnh hỗn loạn được chiếu.

    Những nhân chứng được phỏng vấn là Ngoại trưởng Kissinger, phân tích gia CIA Frank Snepp, cố vấn Richard Amtage, cựu Đại úy Hugh Doyle, cựu Hạm trưởng Paul Jacob của khu trục hạm USS Kirk, cựu Đại úy Stuart Herrington, người phụ trách an ninh tòa đại sứ Mỹ, một số quân nhân Mỹ canh gác tòa đại sứ: Thượng sĩ Juan Valdez, Binh nhì Mike. Ðại tá Ðỗ Kiểm, Trung úy Phạm Hữu Ðàm, sinh viên Phó Ðức Bình là nhân chứng phía VNCH. Pham Hữu Ðàm bị bỏ lại, đi tù và 13 năm sau mới tới Mỹ. Phó Ðức Bình bị bắt giam một năm sau năm 1979 vượt biên và tới Mỹ.

    Phần kết của phim là bài hát buồn bã và giọng nói u sầu của Đại úy Herrington: “Because we did’nt acted together. There were thousands and thousands of America who served in Việt Nam, who is setting at home hearts broken at watching this whole thing comes to none”.

    Những ngày cuối tháng tư năm 1975 là những vết đen của lịch sử Hoa Kỳ. Nó là nguyên nhân hay hệ quả để chấm dứt một cuộc chiến?

    Nhưng trong bài viết “Last Men Out” của Ðại Sứ Hoa Kỳ Grham Martin viết ra sao về nhân vật Ðại úy Herrington? Ông Đại sứ viết:

    “Chúng tôi có một gã tên Stuart Herrington làm dưới quyền Đại tá Madison. Gã này đang giúp việc xếp người vào trực thăng trong sân tòa đại sứ. Gã có biết cái gì hơn là xếp người? Nhưng khổ nỗi gã là thứ mồm loa mép giải, đáng lẽ biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe. Ðằng này ai hỏi gì gã cũng trả lời láo lếu. Vì thế khi các phi công bay vào họ muốn hỏi tôi còn phải chở bao nhiêu người nữa, gã Herrington mau mồm nói: “hai ngàn hoặc hai ngàn rưỡi nữa”. Ông Đề đốc Noel Gayler ở ngoài hạm đội dãy nảy như gái ngồi phải cọc. Chở nhiều quá lỡ xảy ra tai nạn ai gánh đây? Là người phụ trách công tác ông ấy áp lực khủng khiếp mà thúc chúng tôi “Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ xong là bỏ đi quách đi, bỏ những người Việt ở lại”. Chuyện này không được. Ðây là chuyện mà tôi từ chối. Brent Scowcroft đã hứa với tôi rằng sẽ có 50 chuyến trực thăng cho người Việt và Ðại Hàn mà chúng tôi cam kết. Chúng tôi đã đếm kỹ lưỡng số người khi kéo họ qua bức tường lọt vào tòa Ðại Sứ. Nhiều người là những nhân vật trọng yếu, có người là bộ trưởng trong chính phủ… Tuy nhiên chúng tôi không có ý định mang họ vào rồi bỏ họ mà đi! Khốn thay, lời nói của gã Herrington với viên phi công được chuyển tới ông đề đốc rồi chuyển tới tư lệnh Thái Bình Dương lời nói ấy chuyển vòng đến Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger rằng: “Hễ cứ hỏi lúc nào Martin cũng bảo còn hai ngàn người nữa, bất kể đã chở được bao nhiêu Cứ cái đà này đến phút chót vẫn là hai ngàn người”. Trong công tác bê bết máu lửa này dựa trên lời hứa Scowcroft, chúng tôi đã phải thực sự tính toán cẩn thận: cứ mỗi chuyến chín mươi người. Ông ấy là cố vấn an ninh của tổng thống, không tin ở ông thì tin vào trời đất quỷ thần nào? Thế rồi đột ngột họ gửi thêm điện văn bảo: “Chấm dứt. Chuyến trực thăng kế tiếp xin ông đi đi cho!”. Tất cả chỉ vì gã Herrington này, sau đó anh ta lại viết sách và trở nên một đại anh hùng???”.

    Ðại sứ Martin đã kết luận về công việc làm của mình trong biến cố ấy: “Trong lúc trực thăng bay. Chúng tôi đã rũ bỏ xong. Chúng tôi đã mang hết người Mỹ ra đi, đó là trách nhiệm chủ yếu của chúng tôi. Chúng tôi cũng mang được một số lớn người Việt trong khả năng của chúng tôi. Ðáng lẽ chúng tôi nên mang đi nhiều hơn nữa với hơn 400 người cuối cùng trong tòa đại sứ ra đi. Nhưng rất tiếc vì sự lôi thôi đã xảy ra trong lúc rối loạn như thế thôi.

    Tôi đã nhận lãnh nhiều trách cứ về vụ Việt Nam. Chính vì thế mà rất lâu sau, dợi cho tất cả mọi thứ lắng xuống, tôi mới ra Quốc Hội để mọi người đứng lên nhận lãnh trách nhiệm và nhận lỗi của mình và họ đã làm như thế.

    Dẫu sao tôi cũng có nhiều điều thích thú. Tôi không bao giờ lo rằng mình có thể bị giải nhiệm. Nên tôi tính nếu bị sa thải, thì sẽ ngồi với cái máy chữ và viết…

    Áp lực của nhóm chủ hòa đã áp đặt trên hệ thống giáo dục mà sự mù quáng của chủ trương: “đừng-làm- một -cái- gì-có -thể-gây- tranh-luận-hoặc- bị- tấn- công”. Ðã có khuynh hướng chế ngự hệ thống giáo dục của chúng ta, do đó các nhà xuất bản sách giáo khoa hoặc giả lơ chuyện Việt Nam hoạc chỉ mô tả sơ sài nhạt nhẽo chẳng giúp ai có thể hiểu sự thực thế nào. Ðiều này đáng tức cười bởi vì về phương diện khác nó lại là một điều tốt. Thỉnh thoảng nói chuyện với sinh viên, tôi đã nhận ra đa số chẳng những không hiểu biết gì mà còn rất ngây thơ về chuyện Việt Nam. Nhưng chính vì thế họ lại có thể tìm hiểu sự kiện với một quan điểm hoàn toàn khách quan. Chính vì thế họ trở thành nhóm người duy nhất tại nước Mỹ có thể nhìn mọi sự với quan điểm khách quan ấy. Vì vậy, khi thấy được những sự kiện được phô bày đầy đủ rõ rật trước mắt, họ bực tức vì họ đã bị bưng bít do đó đã bị từ chối trong việc tìm hiểu và đã chỉ đọc được một phần của vấn đề. Hiện nhiên sau này các sử gia sẽ đào sâu mở rộng hơn. Có lẽ họ sẽ đối xử rất tử tế với tôi, có lẽ còn hơn cả sự xứng đáng của tôi. Dẫu vậy, chúng ta hãy còn biết bao nhiêu chuyện trời đất mà những chuyện ấy vẫn chưa từng được kể hết ra…”

    Ðại sứ Grham Martin có một người con là Trung úy Glenn Dill Mann là một phi công trực thăng bay gunship đã bị bắn rơi trong trận đánh Thạch Trụ gần căn cứ Chu Lai tháng 11 năm 1965 và được chôn cất tại nghĩa trang Arlington National Cemetery. Chúng ta có thể hiểu thế nào khi ông đã viết về một biến cố không những trọng đại với ông ở thời điểm đó mà còn ảnh hưởng đến mấy chục năm sau này cho cả thế giới và nước Hoa Ky như bài viết này của ông?


    Nguyễn Mạnh Trinh.


    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tháng Tư, 1975, một ngày khứ quốc…

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Tháng Tư, 1975,
    một ngày khứ quốc…

    ___________________________
    Viên Linh _ 24/04/2019



              


    Sài Gòn trước năm 1975 với hình ảnh xe thổ mộ trước Hội Trường Diên Hồng bến Lê Quang Liêm.
    (Hình: Viên Linh)

              





    Người ta có thể từ bỏ tất cả để ra đi, từ bỏ một gia đình là thông thường nhất, người này từ bỏ kẻ kia là chuyện hằng ngày, người hay vật bị bỏ lại tùy theo chủ quan có khi là bị trừ khử hay không.

    Nhưng quê hương bị bỏ lại được gọi khác hơn:
    • “Đất nước đã qua,
      đất nước những năm xưa,
      khứ quốc,
      đất nước ta đã từ bỏ.”


    Kẻ khứ quốc là kẻ đã bỏ nước ra đi không bao giờ trở lại, như người viết bài này, ít nhất là cho đến bây giờ, 44 năm sau…

    Những dòng này được viết ra quanh một chuyến đi khiến quê hương rồi trở thành đất nước đã qua. Tôi biết có nhiều người bỏ nước ra đi từ mấy chục năm trước chưa có dịp trở về, hy vọng một ngày về sẽ đến, hy vọng đất nước của người đó sẽ không bao giờ là mội nơi bị từ bỏ, là khứ quốc…




    1.
    …Anh John W. mời tôi vào văn phòng của anh, và ra hiệu cho tôi đóng cửa lại.

    Khu nhà gạch kiên cố nơi đặt trụ sở hai ba cơ quan khác nhau một phía là Dinh Độc Lập, phía bên kia thời trước gọi là Sở Thú, từ khi sở thú không có đủ các loại thú quý hiếm nó đã trở thành Thảo Cầm Viên, vì có nhiều cây và có nhiều vịt trời gà qué chim ngỗng chăng?

    Thời Pháp, khu đất rộng lớn ấy là trụ sở của ngự lâm quân (không rõ cấp số). Sau 1954, các tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ngự trong Dinh Độc Lập, khu đất nói trên được phân ra làm trụ sở cho nhiều cơ quan chính quyền trung ương, trong có các cơ sở tình báo, mật vụ, an ninh quân đội, và cho cả mấy đài phát thanh mật hay không mật, họ và tôi vẫn gật đầu chào nhau, thay vì trao đổi bằng ngôn ngữ, tiếng Việt của họ hay tiếng Miên tiếng Lào tiếng Thái của tôi không rành, gật đầu chào nhau là được rồi.

    Tôi có dịp làm việc trong hai ba đài phát thanh hồi những năm 1960, 1970, như đài Tiếng Nói Tự Do, và một đài các thính giả Việt ít nghe nói đến, hoàn toàn mật, vì nó chỉ phát thanh ra Bắc vĩ tuyến 17… Bài vở biên tập xong, ban thực hiện trong có các xướng ngôn viên, các nghệ sĩ trình diễn tên tuổi, các kỹ thuật gia lành nghề… đầy đủ các nhân sự và phương tiện cần thiết để hoàn tất một chương trình truyền thanh đạt tiêu chuẩn cao, nhưng lại không phát thanh cho thính giả miền Nam.

    Chương trình mỗi 30 phút được thu băng thu đĩa xong sẽ chuyển ra Đông Hà, từ đó thơ văn âm nhạc bình luận của Sài Gòn sẽ được phát tuyến qua sông Bến Hải, về phía Bắc vĩ tuyến 17. Nhiều khi trong trường hợp nào đó, một bài được thu vào nguyên một chiếc radio transitor, bỏ vào bao nylon, ép dán không thể thấm nước, lại nổi trên mặt nước, và được những chuyến bay thấp sát ngọn cây, thả xuống phía Bắc vĩ tuyến 17.

    Hôm tôi bước vào phòng anh John W., giám đốc chương trình Nhà Số 7 – gọi thế vừa dễ hiểu lại vừa bảo mật một cách tự nhiên, ngôi nhà đó có lối ra vào mở ra đường Hồng Thập Tự. Còn nhớ đó là một ngày trong nửa sau của Tháng Ba, 1975, anh cho tôi biết sơ qua tình hình (sự chuẩn bị di chuyển) và đưa cho tôi một mẫu đơn đánh máy, để điền vào và trao lại anh sau.

    Anh cho biết,
    • vì anh đã cho biết anh sẵn sàng “di chuyển theo đài” một khi chiến sự lan tới Sài Gòn, nên anh mới có mẫu đơn này. Anh phải trao lại cho tôi trước 5 giờ chiều nay. Và sau đó đài di chuyển tới đâu, anh và gia đình anh sẽ di chuyển tới đó.

      “Trường hợp nhân viên có hai gia đình?” tôi hỏi.

      “Nhân viên không mang theo gia đình (vợ con) được quyền mang theo mẹ và một em gái hay chị gái để trông nom mẹ. Không ai có hai gia đình cả… (Anh nhìn thẳng và sâu vào mắt tôi) Anh chỉ mang theo một gia đình, dù gia đình anh đông tới 10 người,” anh nói.

    Anh nói đúng con số nhân sự gia đình tôi, dĩ nhiên tôi chỉ có một gia đình, nhưng mười năm trước có một gia đình khác, bây giờ lại có gia đình khác, cộng lại cũ mới là gia đình mười người. Tôi nói với anh:
    • “Tôi phải mang đi hết, kể cả gia đình cũ.”





    2.
    John là người Mỹ, thua tôi 10 tuổi, anh 28 và có vợ Việt người miền Nam, anh là trưởng ban chương trình phân bộ Việt Ngữ của đài. Hôm cậu em tôi vội vã rời chiếc taxi ở Sài Gòn, quên cái máy ảnh trên băng ghế sau, tính tới cảnh sát nhờ kiếm lại, anh John lắc đầu nói với chúng tôi:
    • “Cậu định làm chuyện mò kim đáy biển.”

    Tiếng Việt của John có cả ngạn ngữ, phương châm. Phân bộ Việt Ngữ của đài ngoài chúng tôi là nhân viên thường trực, còn mua bài, 5,000 một bài đọc trong 5 phút, của vài nhà văn tên tuổi (vài người thường viết trên tờ Bách Khoa). Anh John cầm bút mực đỏ sửa từng câu. Trang bài bị sửa khoảng 20 chỗ. Tôi nhìn kỹ và thấy anh sửa rất hợp lý và tôi ngậm ngùi cho một hai nhà văn đó. Như tôi biết anh còn dạy học ở một trường Anh Ngữ nổi tiếng ở Sài Gòn.

    Khi biết chuyến đi có khứ mà không chắc có hồi, sự lựa chọn đau đớn không thể nói hết. Tôi nói với anh John:
    • “Đất nước đổi thay trong loạn lạc, đàn bà trẻ con sẽ chết đói, tôi có bổn phận đối với họ, phải mang đi hết. Trong các nhân viên, tôi mang theo gia đình 10 người tưởng là đông, không phải, có một gia đình đúng 20 người.”
    Anh gật đầu đồng ý.

    Lúc đã ở ngoài khơi Phú Quốc đêm 29 chuyển qua ngày 30 Tháng Tư, đứng dưới cái thang dây, tôi đẩy vợ con từng người lên thang trước, mình leo lên cuối cùng ôm đứa con gái út 14 tháng trước ngực, đeo chiếc ba-lô giấy tờ riêng tư và cái phin cà phê với nắm cà phê Gió Bắc Sài Gòn sau lưng.

    Một thời gian sau khi đã định cư ở Virginia, tôi tìm mãi không thấy cái ba lô đâu, hóa ra bà vợ cũ của tôi đã ném nó vào sọt rác; nhiều người thường nghĩ cái gì óng ánh mới quý giá.

    Nhiều người khi đến Guam không biết con tàu vớt mình tên là gì, riêng tôi đã cố tìm đọc tên nó khi leo lên cái thang dây: American Challenger, hàng chữ bên hông tàu khá lớn. Còn nhớ giữa biển khi tôi lấy nước nóng từ máy nước trên tàu pha cà phê phin thơm lừng, bà vợ Đại Tá T. đã tới chào tôi nói, chồng bà “nghe” mùi cà phê không nhịn được, xin ông nhà báo nửa lon cà phê nóng. Tôi đã mời ông một lon riêng.

    Nếu phải khai báo trên giấy tờ về chuyến đi Mỹ hồi 1975, tôi là thuyền nhân, đi thuyền từ Phú Quốc ra hải phận quốc tế và được một con tàu ngoại quốc vớt lên, gần sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975.

    Chỉ khác là chúng tôi đã chờ trên đảo đó từ ngày Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức; chúng tôi ngồi trên cỏ với chai Cointrau lấy từ cái ba lô ra lúc từ cái máy radio chạy pin, tiếng ông tổng thống tuyên bố từ chức vang lên…







    Viên Linh



    nguồn: nguoi-viet.com

              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Cánh chim viễn xứ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




.... Tối nay N. gửi Nhà Nam bài hát này: Cánh Chim Viễn Xứ của Linh Giang.

N. thân chúc tất cả một cuối tuần bình an :flwrhrts:



Hình ảnh




          
          

Về Mục Lục

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Những Chuyện Đáng Nhớ và Những Chuyện Đáng Quên của Tháng 4, 1975

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Những Chuyện
    Đáng Nhớ
    và Những Chuyện
    Đáng Quên
    của Tháng 4, 1975
    ___________________________
    Huỳnh Hùng



              

              




              
    Một nén hương lòng khách viễn xứ
    Bùi ngùi nỗi nhớ cố hương xưa.
    _________________________

              
    1/ Những Chuyện đáng nhớ:

    • 1- a: Ông Trần Văn Hương.
      Ngày 21 tháng 4, 1975 đến ngày 28 tháng 4,1975

      Trong ngày 29 tháng 4, dù rất bận rộn trong việc di tản hàng chục ngàn người Mỹ và người tị nạn VN, Đại sứ Martin cũng đã tìm cách đến gặp cụ Trần Văn Hương, cựu Tổng Thống VNCH tại phủ Phó Tổng Thống trên đường Công Lý lần chót. Theo GS Nguyễn ngọc An, bạn thâm giao của cụ Hương thì cuộc gặp gỡ nầy đã diễn ra như sau:
      • «Cũng ngày đó, 29 tháng 4 năm 1975, đại sứ Hoa Kỳ, ông Martin đến tư dinh đường Công Lý với một tham vụ sứ quán nói tiếng Pháp. Đại khái đại sứ nói:
        • «Thưa Tổng Thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Nhơn danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đến mời Tổng Thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào mà Tổng Thống muốn. Chính phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị Tổng Thống cho đến ngày TT trăm tuổi già»

        Tổng Thống Trần Văn Hương mỉm cười trả lời:
        • «Thưa Ngài đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn Ông đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết Cộng Sản vào được Saigon, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia xẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông Đại sứ đã đến viếng tôi.»

        Khi nghe câu «Les États-Unis ont aussi leur part de responsabilité (Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó), đại sứ Martin giựt mình nhìn trân trân ông Trần Văn Hương. Năm 1980, ông Hương thuật lại với tôi: “Dứt câu chuyện, on se sépare sans même se serrer la main»
        (GS Nguyễn Ngọc An. Cụ Trần Văn Hương, đăng trên Thời Luận không rõ ngày)


      Trong một cuộc tiếp xúc với Bs Nguyễn Lưu Viên, cựu Phó Thủ Tướng VNCH, tại Westminster,California, Bs Viên có cho người viết biết rằng vào sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, ông và bà Trần Văn Văn có đến thăm cụ Trần Văn Hương một lần cuối và cụ Hương đã nói với hai người rằng hai vị đại sứ Pháp và Hoa Kỳ có đến mời ông đi tị nạn, nhưng ông đã từ chối lời mời của họ.

      Vào năm 1978, khi Việt Cộng trả lại «quyền công dân cho Dương Văn Minh, các anh em đang bị tù học tập cải tạo đều bị đi xem hình ảnh và phim chiếu lại cảnh cựu «Tổng Thống» Dương Văn Minh đang hồ hởi hân hoan đi bầu Quốc Hội «đảng cử dân bầu » của Cộng Sản. Cụ Trần Văn Hương cũng được CS trả lại quyền công dân, nhưng cụ đã từ chối. Cựu Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương đã gởi bức thư sau đây đến cấp lãnh đạo chính quyền CS:
      • «… Hiện nay vẫn còn có mấy trăm ngàn nhơn viên chế độ cũ, cả văn lẫn võ, từ Phó Thủ tướng đến Tổng bộ trưởng, các tướng lãnh, quân nhân công chức các cấp, các chính trị gia, các vị lãnh đạo tôn giáo, đảng phái, đang bị tập trung cải tạo, rĩ tai thì ngắn hạn mà cho đến nay vẫn chưa thấy về.

        Tôi là người đứng đầu hàng lãnh đạo chánh phủ VNCH, xin lãnh hết trách nhiệm một mình. Tôi xin chánh phủ mới thả họ về hết, vì họ là những người chỉ biết thừa hành mạng lệnh cấp trên, họ không có tội gì cả. Tôi xin chánh phủ mới tha họ về sum họp với vợ con, còn lo làm ăn xây dựng đất nước.

        Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó, tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi»

                
      Cụ Trần Văn Hương không hề nhận quyền công dân của Cộng Sản
      và cho đến khi từ trần vào năm 1981 thì cụ vẫn còn là công dân của Việt Nam Cộng Hòa.

                

                
    • 1- b Những người dân, quân cán chính Việt Nam Cọng Hòa
      đã tuẫn tiết hy sinh trong ngày, sau ngày 30 tháng tư 1975:

      như Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ và Chuẩn Tướng Trần văn Hai, và nhiều vị sĩ quan và quân dân cán chính vô danh khác đã âm thầm tự kết liễu đời mình v.v…

      Người bạn mà Chính quyền Mỹ đã bỏ quên không thương tiếc là Cambodia,Việt Nam Cộng Hòa để bắt tay với Tàu cộng,trong lúc đó thì Miền Bắc Việt Nam là đàn em thân tín vẫn được sự bao bọc che chở của Nga Cộng và Tàu Cộng.

      Ở Cambodia, cũng có một người như vậy: Ngày 16 tháng 4 năm 1975, Thủ tướng Sirik Matak đã viết một lá thư vô cùng cảm động gởi cho Đại sứ Mỹ tại Nam-Vang là ông John Gunther Dean. Lá thư đầy nghĩa khí và tiết tháo của một người anh hùng “sinh vi tướng, tử vi thần” như sau:

      • "Phỏng Dịch.
        Nam Vang ngày 16 tháng 4 năm 1975.

        Thưa Ngài và Bạn,
        Tôi thành thật cảm tạ ngài đã viết thư và còn đề nghị giúp tôi phương tiện đi tìm tự do. Than ôi! Tôi không thể bỏ đi một cách hèn nhát như vậy! Với Ngài (đại sứ John Gunther Dean) và nhất là với xứ sở vĩ đại của Ngài, không bao giờ tôi lại tin rằng quý vị đã nhẫn tâm bỏ rơi một dân tộc đã lựa chọn tự do. Quý vị từ chối bảo vệ chúng tôi và chúng tôi chẳng thể làm được gì hết.

        Ngài ra đi, tôi cầu chúc Ngài và xứ sở của Ngài được hạnh phúc dưới bầu trời này.. Nhưng xin Ngài nhớ cho rằng nếu tôi phải chết ở đây và ở lại đất nước tôi yêu dấu thì tuy đó là điều tệ hại, nhưng tất cả chúng ta đều sinh ra và cũng sẽ chết vào một ngày nào đó. Tôi chỉ ân hận một điều là đã quá tin và trót tin ở nơi quý vị, những người bạn Hoa Kỳ!

        Xin Ngài nhận những cảm nghĩ chân thành và thân hữu của tôi.
        Sirik Matak"


      Nhưng phần sau Ông Matak không giống Ông Trần Văn Hương, vì hai ngày sau Ông đến tòa Đại Sứ Pháp ở Nam Vang để xin đi Pháp.

      Theo bài viết mới đây bởi sử gia Trần Gia Phụng
      (cf “Lịch sử phán xét”, Toronto, 29/1/2011, trên website):
      • “Trước khi Sài Gòn sụp đổ, ngày 28-4-1975, đại sứ Pháp cho người mời tổng thống Hương di tản. Tổng thống Hương trả lời:
        • ‘Nếu trời hại, nước tôi mất, tôi xin thề là sẽ ở lại đây và mất theo nước mình.’





    2/ Những Chuyện đáng quên:

    • 2- a: Ông Nguyễn Văn Thiệu
      Tháng 4 năm 1975, Ông Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình đổ lỗi thất bại cho Hoa Kỳ, đồng thời tuyên bố sẽ tử thủ Sài Gòn, nhưng sau ngày 21 tháng 4, 1975 ông bí mật di tản ra nước ngoài và cuối cùng định cư ở Mỹ cho đến khi qua đời.

      Nhưng may thay, ông còn nghĩa khí và chịu tiếng oan từ năm 1975 đến khi ông mất: Bị bên thắng cuộc, Miền Bắc Việt Nam đã lấy 16 tấn vàng đem ra Hà Nội và sau đó lại đổ tiếng oan cho Ông Nguyễn Văn Thiệu lấy vàng đem ra nước ngoài.
                

                
    • 2- b: Tướng Dương Văn Minh
      Chiều 28 tháng 4, 1975 đến ngày 30 tháng 4, 1975

      Chiều 28.4.1975, vào lúc 17giờ 50, Tướng Dương Văn Minh đã nhận chức Tổng Thống. Lễ bàn giao được diễn ra tại Phòng Khánh Tiết của Dinh Độc Lập, có trực tiếp truyền thanh. Tướng Dương Văn Minh đã buớc lên bực, trầm tĩnh đọc bản tuyên bố đường lối của chính phủ ông là “sẽ chấm dứt chiến tranh bằng cách thương thuyết và hòa giải với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”.

      Lúc 4 giờ 35 sáng 30.4.1975, Thích Trí Quang đã nói với Dương Văn Minh qua điện thoại:
      • “Thưa Tổng Thống, cũng như Tổng Thống là tôi vẫn chờ đến giờ nầy và theo tôi nghĩ có lẽ với tình thế hiện tại, trong sứ mạng của tôi, người đứng trung gian bắc nhịp cầu của thế cờ chính trị, có thể nói là chấm dứt. Với trọng trách là Tổng Thống, hơn nữa là một Đại Tướng, tôi nghĩ công việc phải nhờ vào tài quân sự của Đại Tướng, chứ giải pháp chính trị của tôi coi như chấm dứt, và từ giờ phút này nếu có chuyện gì xẩy đến thì mọi trách nhiệm đều do Tổng Thống, à quên Đại Tướng quyết định với giải pháp quân sự, mà trong lãnh vực này Đại Tướng rất rành và giỏi hơn tôi.
        Xin chào Tổng Thống…”

      Dương Văn Minh chỉ trả lời gọn một câu:
      • “Thầy giết tôi rồi!”
      và cúp máy điện thoại. Lúc đó là 4 giờ 45 phút sáng.
                

                
    • 2- c: Nối vòng Tay Lớn
      với tiếng hát Trịnh Công Sơn trên đài Phát Thanh Sài Gòn.


      3h chiều ngày 30/4/1975, Đài phát thanh Sài Gòn phát lời giới thiệu:
      • "Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em văn nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta. Đó là ngày chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước. Cũng như niềm mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất. Thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó”.
      Sau đó, ông cất cao lới hát "Nối vòng tay lớn" mà không cần nhạc đệm kèm lời nhắn:
      • “Hôm nay, tôi xin hát lại bài hát “Nối vòng tay lớn”, trên đài không có đàn ghi ta. Thực sự vòng tay lớn đã được nối kết”.





    .........................

    Chỉ vài ngày nữa là đến ngày 30 tháng 4, bên thắng cuộc thì vui, bên thua cuộc thì buồn.
    Hơn 44 năm mà Vòng tay lớn vẫn là Vòng kim cô,
    • đâu là độc lập, đâu là tự do và đâu là thống nhất,
      chỉ thấy vòng kim cô đang siết chặt trong vòng tay lông lá của Tàu Cộng.








    Huỳnh Hùng



    nguồn: haingoaiphiemdam.com

              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: - 30/04/2019 - tưởng niệm 44 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »









Về Mục Lục
          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Bài thơ tháng Tư

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           



              


    người lính tiểu đoàn 83 Biệt Động Quân VNCH trong những ngày cuối của cuộc chiến
    (ảnh của ký giả pháp Michel Laurent, chết ngày 28/04/75 (29 tuổi)
    khi xe dân sự của anh lọt ổ phục kích của Việt cộng tại Hố Nai)

              

              


              
    Bài thơ tháng Tư
    _________________________




    Tháng Tư đá dựng mờ sương khói
    Những chiến trường xưa đất bạc màu
    Anh hùng rót mật tràn gan phổi
    Đồng đội dồn lên đỏ chiến hào.

    Tháng Tư pháo thét anh hùng mạt
    Trái tim căng vỡ những cung đàn
    Bài thơ ngược dốc hồn phiêu bạt
    Người về chôn mộng buổi tàn xuân.

    Tháng Tư còn cháy còn nghi ngút
    Những nấm mồ xưa những nỗi lòng
    Anh hùng muôn thuở như men rượu
    Say giữa ngàn thu giữa tiếng thù.

    Tháng Tư rót chén huỳnh ngơ ngác
    Rủ bụi ngồi xem nghé rã đàn
    Hồn nghiêng áo trận rơi tan tác
    Anh hùng một bận chít khăn tang.

    Tháng Tư ngó lại sầu nghiêng ngửa
    Đạn rít ngang đầu nhớ cố hương
    Anh hùng vuốt mặt hề! thiên cổ
    Trả nợ non sông nợ chiến trường.

    Tháng Tư người đợi người chưa tới
    Chiến mã xa rồi chiến mã ơi
    Chiều hôm nhuộm đỏ đường biên giới
    Ngựa hí rền đau cả đất trời.





    Lý Thừa Nghiệp

              




              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Chiến Sĩ VNCH dù tử danh bất tử

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Chiến Sĩ VNCH
    dù tử danh bất tử

    ___________________________
    Nguyễn Lộc Yên



              

              




    (Phần 1)

    Mỗi năm đến ngày 30 tháng Tư, tâm tư của người Việt Quốc gia có lẽ hầu hết cảm thấy luyến tiếc miền Nam Việt Nam đã một thời được sống tự do mà ngày nay đã bị cướp mất! Tự do dân chủ là lẽ sống tất yếu của con người, không có một thế lực nào có đủ khả năng ngăn cản bước tiến của nhân loại. Bất cứ kẻ nào, bất cứ đảng phái nào ngăn cản bước tiến của nhân loại thì chắc chắn sẽ bị đào thải sớm hay muộn mà thôi! Riêng Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) không khỏi lưu luyến một thời hào hùng, can trường đã qua! Sự hào hùng, can trường thuở nào của Chiến Sĩ VNCH, dù có nhiều người đã tuẫn tiết hay đã lẫm liệt hy sinh, nhưng tên tuổi sẽ mãi mãi trường tồn bất tử. Vì sao? Vì “Vị Quốc vong thân” thì tên tuổi mãi mãi bất tử vậy.

    Sự thật đã minh chứng rằng trong suốt 20 năm chiến tranh, những nơi đã xảy ra chiến trận lẫy lừng, Chiến Sĩ VNCH đã biến những địa danh:
    • Bình Long An Lộc (1972),
      Cổ Thành Quảng Trị (1972).
      Đồi Charlie,
      ĐắK Tô,
      Tân Cảnh (1972).
      Hải Chiến Hoàng Sa (1974).
      Phòng tuyến Xuân Lộc (1975)...
    thành những địa danh nổi tiếng trong Quân sử thời cận đại. Mỗi khi nhắc nhở đến những địa danh này đã làm sống lại tinh thần chiến đấu can trường của Chiến Sĩ VNCH. Trong 20 năm chiến tranh, Chiến Sĩ VNCH đã can trường chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc trước nạn xâm lăng của Cộng sản. Dẫu biết rằng: “Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi” (Say nằm trận địa đừng cười. Xưa nay chinh chiến mấy người hồi hương). Dù biết chiến trường là hiểm nguy, nhưng Chiến Sĩ VNCH đã quyết tâm xông pha hay quyết tâm tử chiến với quân thù, nên có biết bao người đã lẫm liệt hy sinh!

    Để minh chứng lòng kiên trung của Chiến Sĩ VNCH, dù lẫm liệt chiến thắng hay can trường chiến bại! Tôi tưởng cần nêu lên một trong những trận chiến hào hùng vừa nêu trên, xin đơn cử Trận Hải Chiến Hoàng Sa vào ngày 19 tháng Giêng năm 1974, để thấy vì sao “Chiến Sĩ VNCH dù tử, danh bất tử”. So sánh về tương quan lực lượng thì Hải quân của Tàu cộng chẳng những đông đảo mà vũ khí sử dụng để xâm lược cũng tối tân và đầy đủ hơn. Dù vậy, Hải quân VNCH cũng đã giáng cho quân xâm lược 4 tàu bị hư hại nặng, 18 quân Tàu tử thương còn số quân Tàu bị thương thì không rõ. Về phía Hải quân VNCH thì 74 chiến sĩ đã hy sinh, trong đấy Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 bị trúng đạn ở phòng máy và phòng chỉ huy. Cả hạm trưởng Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà và hạm phó Đại úy Nguyễn Thành Trí đều bị thương. Biết tình trạng chiếc tàu không thể cứu vãn, Hạm trưởng lo lắng cho sinh mệnh của đồng đội, nên ra lệnh cho thủy thủ đoàn dùng bè thoát nạn vì đang nguy ngập. Anh em Hải quân không thể để Hạm trưởng còn lại trên tàu, nên tha thiết mong Hạm trưởng cùng rời tàu, nhưng Hạm trưởng vẫn khẳng khái, cương quyết ở lại tử tiết theo tàu, nêu cao tinh thần “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm”.

    ....
    Vì “Trận Hải Chiến hoàng Sa” Chiến Sĩ VNCH vị quốc vong thân, nên hằng năm vào ngày 19 tháng Giêng, đã được người Việt khắp nơi (hải ngoại và trong nước dù ở miền Nam hay Bắc Việt Nam) long trọng tổ chức lễ tưởng niệm các vị anh hùng đã lẫm liệt hy sinh. Từ đấy xác định rằng: “Cựu Thiếu tá Ngụy Văn Thà cùng 73 chiến sĩ dù tử nhưng danh bất tử”. Kính phục anh hùng vị quốc vong thân, xin thắp nén hương lòng bằng mấy vần thơ:

    • Bảy tư Chiến sĩ, nhớ nhung tâm!
      Tử chiến Hoàng Sa, há ngại ngần
      Tử tiết trung trinh, danh bất tử
      Ngụy Văn Thà, Tổ quốc tri ân!


    Mỗi năm đến ngày 30 tháng Tư, Đồng bào Việt Nam, nhất là anh em Chiến Sĩ VNCH, chẳng những u uất ngày quốc hận suốt 40 năm qua, mà còn thao thức bàng hoàng ngày 30-4-1975 đã buông súng tức tối, nỗi niềm ray rứt ấy khó khăn nguôi! Trong ngày và gần ngày 30-4-1975, Chiến Sĩ VNCH đã bị bức tử nhưng danh mãi mãi bất tử. Người viết xin được kính cẩn nghiêng mình kể đến tên tuổi một số vị anh hùng mà đồng bào luôn nhắc nhở và tri ân, trước nhất là “Ngũ Hổ Tướng Tuẫn Tiết!”.



    • 1- Tướng Nguyễn Khoa Nam,
      người gốc làng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, sinh tại Đà Nẵng năm 1927. Năm 1953, Ông nhập ngũ khóa 3 Thủ Đức, sau đấy gia nhập binh chủng Nhảy dù. Năm 1969, Ông giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh kiêm Tư lệnh Khu Chiến thuật Tiền Giang. Năm 1972, Ông được thăng thiếu tướng. Tháng 11 năm 1974, Tướng Nam được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 4, Vùng IV Chiến thuật. Ngày 30-4-1975, tổng thống bất đắc dĩ Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng. Rạng sáng ngày 1-5-1975, Tướng Nguyễn Khoa Nam dùng súng tuẫn tiết. Trước khi mất, Ông đã khẳng khái nói:
      • “Chúng tôi làm tướng mà không giữ được nước thì chết theo nước”.
      Kính phục, xin thắp nén hương lòng bằng mấy vần thơ đến người anh hùng tuẫn tiết:
      • Tướng Nam, tên tuổi rạng xa gần
        Tâm huyết lo lường bảo bọc dân
        Non nước nguy vong, đành tuẫn tiết!
        Đồng bào lưu luyến nhớ nhung ân!

                
    • 2- Tướng Lê Văn Hưng
      sinh năm 1933, tại Hóc Môn. Năm 1955, tốt nghiệp khóa 5 Trường Sĩ quan Thủ Đức. Năm 1970, Ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng tỉnh Phong Dinh. Năm 1971, Tướng Hưng được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh. Trận chiến Bình Long bắt đầu ngày 4-4-1972. Sau hai tháng tử chiến chống lại lực lượng Cộng quân đông đảo. Tướng Hưng vẫn giữ vững căn cứ và cuối cùng QLVNCH phản công quyết liệt đã đem về chiến thắng oanh liệt. Đến năm 1974, Ông đảm nhận chức vụ Tư lệnh phó Quân đoàn 4. Ngày 30-4-1975, tại văn phòng Tư lệnh phó của Quân đoàn 4 đóng tại Cần Thơ, sau khi Ông nói lời từ giã với gia đình và bắt tay từ biệt tất cả anh em quân nhân có mặt tại bộ chỉ huy, người “Anh hùng tử thủ An Lộc”, đã dùng súng lục tử tiết vào lúc 20 giờ 45 phút. Nhớ Tướng Hưng tuẫn tiết hào hùng, xin dâng mấy vần thơ thành kính!:

      • Tướng Hưng, lo lắng giữ non sông
        An Lộc can trường, rạng chiến công
        Nối chí Tiền nhân, chan chứa nghĩa
        Noi gương Hoàng Diệu sắt son long

                
    • 3- Tướng Trần Văn Hai
      sinh năm 1929, tại Cần Thơ. Đời binh nghiệp của Ông bắt đầu vào khóa 7, Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, tốt nghiệp năm 1951, Ông tình nguyện vào binh chủng Nhảy dù. Năm 1965, Ông được thăng trung tá và bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Phú Yên, Ông là một Tỉnh trưởng làm việc tận tụy và thanh liêm, nên dân chúng Phú Yên rất kính trọng. Trong thời gian Ông làm Tỉnh trưởng Phú Yên; Cộng sản Bắc Việt đã dùng đường biển chở một số lớn vũ khí từ miền Bắc vào Vũng Rô ở gần Đèo Cả, CSBV muốn lén lút đưa vũ khí vào Vũng Rô để cung cấp cho chiến trường miền Nam. CSBV không qua mặt được cơ quan tình báo Quốc gia, nên tỉnh đã điều quân phục kích và vây đánh, thu trọn số vũ khí khổng lồ này. Đây là một trong những thắng lợi to lớn của Ông. Tháng 5 năm 1968, Đại tá Trần Văn Hai được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia. Năm 1970, Tướng Hai rời ngành cảnh sát với cấp bậc chuẩn tướng để giữ chức vụ Tư lệnh Biệt khu 44. Năm 1971, Tướng Hai giữ chức Chỉ huy trưởng binh chủng Biệt động quân. Năm 1973, Tướng Hai làm chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn, kiêm Chỉ huy trưởng Huấn khu Dục Mỹ. Năm 1974, Ông giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh. Sau khi nghe ông Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, Tướng Hai ôn tồn khuyên bảo thuộc cấp trở về với gia đình, nhưng có một số quân nhân vẫn quyết tâm ở lại bảo vệ vị chủ tướng của mình. Chiều ngày 30-4-1975, Tướng Hai đã uống thuốc độc tuẫn tiết tại văn phòng Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Xin thành kính thắp nén hương lòng đến vị anh hùng đã tuẫn tiết vì nước bằng mấy vần thơ:

      • Trí dũng Tướng Hai, cung kính lòng
        Thanh liêm, khí khái thiết tha trông
        Chiến công hiển hách, ngời kim cổ
        Tuẫn tiết hào hùng, rạng núi sông!

                
    • 4- Tướng Lê Nguyên Vỹ
      sinh năm 1933, quê tỉnh Sơn Tây. Ông học khoá 2 Trường Sĩ quan Việt Nam ở Đập Đá, Huế. Năm 1972, lên Đại tá giữ chức Phó Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh đóng tại An Lộc, nơi đây ông đã sát cánh chiến đấu cùng Tướng Lê Văn Hưng là Tư lệnh Sư đoàn. Những chiến xa T-54 của Cộng quân đang hùng hổ tiến vào Bộ Chỉ huy Tiền phương của Sư đoàn. Đại tá Vỹ can trường đứng thẳng người, bắn một quả M72 trúng chiếc T-54 đi đầu, xe tăng Cộng quân phực cháy. Binh sĩ lên tinh thần, theo gương Đại tá Vỹ, xông xáo diệt tăng nên nhiều xe tăng Cộng quân bị tiêu diệt. Sau 68 ngày đêm tử thủ An Lộc, thị xã này được giải toả. Khoảng giữa năm 1973, Ông được đề cử làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh đóng ở căn cứ Lai Khê, tỉnh Bình Dương. Năm 1974, Ông được thăng chuẩn tướng. Cuối tháng 4 năm 1975, Cộng quân từ nhiều ngả tiến về Saigon, nhưng ở hướng Đông Bắc, Cộng quân không thể vượt qua căn cứ Lai Khê do Tướng Vỹ chỉ huy phòng thủ, mặc dù lực lượng Cộng quân đông hơn gấp nhiều lần. Sáng ngày 30-4-1975, tổng thống bất đắc dĩ Dương Văn Minh ra lệnh quân đội VNCH buông súng đầu hàng. Tướng Vỹ triệu tập sĩ quan và binh sĩ dưới quyền, Ông khẳng khái:
      • “Tôi là tướng chỉ huy mặt trận, tôi không thể thi hành được lệnh này. Tôi nghĩ rằng thân làm tướng, đã được hưởng ít nhiều vinh dự và ân huệ của quốc gia hơn các anh em, nên tôi phải chọn lấy con đường đi cho riêng tôi!”.
      Nói xong, ông dõng dạc bước ra sân, nghiêm trang đứng dưới cột cờ Bộ Tư lệnh, rút súng tuẫn tiết vào lúc 11 giờ sáng ngày 30-4-1975. Quá cảm phục tinh thần dũng cảm của Tướng Vỹ, xin được tỏ lòng thành kính bằng mấy vần thơ:
      • Tướng Vỹ sắt son quyết vẫy vùng
        Đồng bào bảo bọc, giữ kiên trung
        Lo lường non nước tròn tình nghĩa
        Tuẫn tiết hào hùng trọn thủy chung

                
    • 5- Tướng Phạm Văn Phú
      sinh năm 1929 tại Hà Đông, Bắc Việt. Năm 1953, Ông tốt nghiệp trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, Ông tình nguyện phục vụ trong binh chủng Nhảy dù Quân đội Liên hiệp Pháp. Năm 1954, Ông được đề cử giữ chức Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5 Nhảy dù. Ngày 7-5-1954, trận Điện Biên Phủ thất thủ, Ông bị Cộng quân bắt giam. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève ký kết, sau đó Ông được trao trả và tiếp tục phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đến tháng 8 năm 1970, Tướng Phú được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh và Ông được thăng Thiếu tướng tại mặt trận. Trong cuộc chiến mùa Hè 1972, Tướng Phú đã điều động Sư đoàn 1 Bộ binh giữ vững phòng tuyến Tây Nam Huế. Từ năm 1973 đến tháng 10 năm1974, Ông giữ chức chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Tháng 11 năm 1974, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh cử Tướng Phú giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu II, thay thế trung tướng Nguyễn Văn Toàn. Trận chiến Ban Mê Thuột bùng nổ ngày 10-3-1975, mặc dù Tướng Phú đã cố gắng chống lại Cộng quân quyết liệt, nhưng vẫn thất bại. Ngày 14-3-1975, trong một cuộc họp đặc biệt tại Cam Ranh, tổng thống Thiệu đã ra lệnh Tướng Phú triệt thoái toàn bộ Quân đoàn 2 khỏi cao nguyên.

      Sau khi lực lượng Quân Đoàn 2 triệt thoái khỏi Nha Trang, 1 giờ 45 trưa ngày 2-4-1975, Tướng Phú đã bay đến ngọn đồi “Lầu Ông Hoàng” ở Phan Thiết để chờ thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh Phó Quân đoàn 3, tới nhận bàn giao phần lãnh thổ cuối cùng của Quân khu II, để sát nhập vào Quân khu III. Tại đây, Tướng Phú đã có quyết định tự sát, Ông rút khẩu súng ngắn nòng ra khỏi vỏ rất nhanh, đại tá Đức kêu thất thanh: “Thiếu Tướng”! Khẩu súng trên tay Tướng Phú bị đại tá Đức gạt rơi xuống đất. Sự việc này xảy ra quá bất ngờ! Giữa tháng 4 năm 1975, Tướng Phú lâm bệnh nặng, phải đưa vào điều trị tại Tổng Y viện Cộng hòa. Sáng ngày 29-4-1975, tại căn nhà riêng ở đường Gia Long, Tướng Phú bảo vợ và các con đến hướng Trường đua Phú Thọ để tìm cách di tản. Tướng Phú ở nhà uống một liều thuốc độc cực mạnh để tử tiết. Khi hay tin, cả gia đình quay về nhà, Tướng Phú được đưa vào bệnh viện Grall để nhờ các bác sĩ Pháp cấp cứu. Tướng Phú mê man, mãi đến trưa ngày 30-4-1975, Ông mới tỉnh được giây lát, giọng Ông yếu ớt hỏi Bà Phú đang ngồi bên cạnh: “Tình hình đến đâu rồi?” Bà Phú thành thật: “Tướng Minh vừa nhận chức vụ Tổng thống, ông ra lệnh QLVNCH buông súng đầu hàng và Cộng quân đã cưỡng chiếm Sài Gòn!” Nghe xong, Tướng Phú vẻ mặt phẫn uất, rồi nhắm mắt và ra đi vĩnh viễn: Quá cảm phục! Kính cẩn thắp nén hương lòng đến người anh hùng tuẫn tiết vì nước bằng mấy vần thơ:

      • Tướng Phú, ngăn thù chốn núi non!
        Quân dân di tản, mãi lo toan!
        Vùng hai nguy ngập, băn khoăn dạ!
        Độc được quyên sinh, giữ sắt son!




    ..................



              

              




    (Phần 2)


    • I- Những vị Chiến Sĩ VNCH đã tuẫn tiết
      trước và sau ngày 30 tháng Tư năm 1975!”:



      • 6- Ông Bộ trưởng Trần Chánh Thành:
        Nguyên là luật sư; thời Đệ nhất VNCH làm Bộ trưởng tại phủ Thủ tướng năm 1954; làm Bộ trưởng Bộ Thông tin năm 1955. Thời Đệ nhị VNCH, Ông là Nghị sĩ và chức vụ sau cùng là Tổng trưởng ngoại giao. Sau khi nghe tin tổng thống bất đắc dĩ Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, Ông đã uống thuốc độc tử tiết tại nhà để phản đối Việt cộng xâm chiếm miền Nam Việt Nam và tự chọn cho mình một cái chết hào hùng tròn tiết nghĩa. Cảm phục thay! Kính cẩn xin thắp nén hương lòng bằng mấy vần thơ đến người anh hùng tuẫn tiết:

        • Tổng trưởng Ngoại giao Trần Chánh Thành
          Tận tâm giúp nước được phồn vinh
          Giang sơn, Việt cộng gây tang tóc
          Tuẫn tiết hào hùng, rạng rỡ danh?!


        7- Đại tá Nguyễn Hữu Thông:
        Khóa 16 Sĩ quan Võ Bị Đà Lạt. Trung đoàn trưởng 42 Bộ binh, Sư đoàn 22 Bộ binh của QLVNCH. Trong khi hầu hết các Tiểu đoàn của ông đã lên tàu thủy để triệt thoái, thì còn một tiểu đoàn khác đang giao tranh ác liệt với Cộng quân tại khu vực nghĩa trang gần bờ biển, ở hướng tây nam của thành phố Qui Nhơn. Ông lo lắng binh sĩ của mình còn lại, nên xuống tàu bơi vào bờ để chiến đấu. Sau đó, Việt cộng tràn ngập thành phố, ông dùng súng colt 45 tuẫn tiết tại hải cảng Qui Nhơn ngày 31-3-1975. Thương tiếc thay!:

        • Đại tá can trường Nguyễn Hữu Thông
          Thương yêu binh sĩ thiết tha lòng
          Lo lường nòi giống, lo non nước
          Tử tiết hào hùng đượm núi sông!


        8- Trung tá Nguyễn Văn Hoàn:
        Trưởng đoàn 67, đơn vị 101 Bộ TTM. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

        9- Trung tá Nguyễn Đình Chi:
        Phụ tá Chánh sở 3 An ninh quân đội. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975, tại Cục An Ninh quân đội.

        10- Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương:
        Tuẫn tiết vào đầu tháng Tư năm 1975, cùng phu nhân là bà Lê Thị Kỳ Duyên, 2 người con và người cháu, tại phòng Văn Hóa Vụ ở Nha Trang.

        11- Trung tá Phạm Đức Lợi:
        Khóa 5, Sĩ quan Thủ Đức. Phụ tá Trưởng Khối Không Ảnh Phòng 2 Bộ TTM. Ông là nhà văn, nhà thơ, soạn kịch, bút danh: Phạm Việt Châu, cựu giảng viên Trường Sinh ngữ quân đội. Tuẫn tiết ngày 1-5-1975.

        12- Trung tá Phạm Thế Phiệt:
        Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

        13- Trung tá Nguyễn Xuân Trân:
        Khóa 5 Thủ Đức, Ban ước Tình báo Phòng 2, Bộ TTM. Tuẫn tiết ngày 1-5-1975.

        14- Trung tá Vũ Đình Duy:
        Trưởng đoàn 66 đơn vị 101, Bộ TTM. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

        15- Trung tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long:
        Chánh Sở Ty Cảnh Sát Quốc Gia Đà Nẵng. Ngày 28-3-1975, rời Đà Nẵng vào Sài Gòn. Sáng ngày 30-4-1975, tuẫn tiết bằng súng dưới tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, ở trước trụ sở Quốc Hội tại Sài Gòn.

        16- Thiếu tá Đặng Sĩ Vĩnh
        (có một số tài liệu ghi cấp bậc của ông là đại tá hoặc trung tá?): Trưởng Ban Bình Địa Phòng 2 Bộ TTM, sau biệt phái qua Cảnh Sát Quốc Gia. Sau khi nghe tin ông Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng. Vào lúc 2 giờ ngày 30-4-1975, thiếu tá Vĩnh tuẫn tiết bằng súng lục tại nhà riêng ở Sài Gòn cùng gia đình gồm vợ và 7 người con, tất cả 9 người!.

        17- Thiếu tá Không quân Nguyễn Gia Tập
        (1943-1975), Phi-đoàn Khu trục 514-518 Biên Hòa, đặc trách khu trục tại Bộ tư lệnh Không quân. Tuẫn tiết bằng súng lục trước sân cờ, trong căn cứ Bộ Tư lệnh Không quân ngày 30-4-1975.

        18- Thiếu Tá Nguyễn Văn Phúc:
        Tiểu đoàn trưởng Địa phương quân, Tiểu khu Hậu Nghĩa. Tuẫn tiết ngày 29-4-1975.

        19- Thiếu tá Lương Bông,
        Phó ty An ninh quân đội tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ). Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

        20- Thiếu Tá Trần Thế Anh:
        Đơn vị 101 Bộ TTM. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

        21- Hải quân Thiếu-tá Lê Anh Tuấn (1943-1975):
        Khóa 14 Sĩ quan Hải quân, là bào đệ của trung tướng Lê Nguyên Khang. Ông là Chỉ Huy Trưởng Giang đoàn 43. Ngày 30-4-1975, khi nghe tổng thống bất đắc dĩ Dương Văn Minh gọi buông vũ khí, giao miền Nam cho Việt cộng, Ông đang đứng trên chiếc soái đỉnh, quá xót xa cảnh nước mất nhà tan, đã dùng súng colt tuẫn tiết, thân ông ngã trên tấm bản đồ hành quân.

        22- Thiếu Tá Đỗ Văn Phát:
        Quận trưởng kiêm Chi Khu trưởng Thạnh Trị, tỉnh Ba Xuyên. Tuẫn tiết ngày 1-5-1975.

        23- Thiếu tá Mã Thành Nghĩa (Liên):
        Tiểu đoàn trưởng 411 Địa phương quân, Tiểu khu Bạc Liêu, khóa 10 Võ Bị Quốc gia Đà Lạt. Tuẫn tiết cùng vợ, ngày 30-4-1975.

        24- Thiếu Tá Đỗ Minh Hoàng:
        Chỉ Huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Quận Bình Phước, tỉnh Long An. Tuẫn tiết tại Cầu Quay thuộc Mỹ Tho, ngày 30-4-1975.

        25- Đại-úy Nguyễn Hòa Dương:
        Trường Quân Cảnh Vũng Tàu. Tuẫn tiết tại trường ngày 30-4-1975.

        26- Đại úy Vũ Khắc Cẩn:
        Ban 3, Tiểu khu Quảng Ngãi. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

        27- Đại úy Tạ Hữu Di:
        Tiểu đoàn phó 211 Pháo binh, thuộc Tiểu khu Chương Thiện. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

        28- Đại úy Phan Hữu Cương:
        Tuẫn tiết bằng thuốc độc vào tối ngày 1-5-1975, cùng vợ là trung úy Nữ Quân nhân Trần Mai Hương, nhưng sáng hôm sau trung úy Mai Hương được cứu sống, do người cháu phát hiện và đưa đi cấp cứu. Bảy năm sau, bà Mai Hương đã mang ba đứa con trai vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ, tất cả đều lớn khôn và thành đạt.

        29- Đại úy Nguyễn Văn Hựu:
        Trưởng Ban Văn khố Phòng 2, Bộ TTM. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975, tại Phòng 2 của Bộ TTM.

        30- Đại úy Nguyễn Ánh Tước:
        Khóa III/Thủ Đức, An Ninh Quân Đội. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

        31- Trung úy Nghiêm Viết Thảo:
        Khóa 1/70 Trường Sĩ quan Thủ Đức, An Ninh Quân Đội. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975, tại Kiến Hòa.

        32- Trung úy Đặng Trần Vinh
        (con của thiếu tá Đặng Sĩ Vĩnh): Phục vụ tại Phòng 2 Bộ TTM. Tuẫn tiết cùng vợ con ngày 30-4-1975.

        33- Trung úy Cảnh sát Quốc gia Nguyễn Văn Cảnh:
        Trưởng cuộc Vân Đồn, quận 8, tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

        34- Trung úy Nguyễn Văn Hoàng:
        Đại đội trưởng Đại đội 1 Tiểu đoàn 31 Biệt Động Quân cùng người yêu tự sát ngày 01-5-1975, tại Mương Chuối Nhà Bè (Nhà Bè vào thời VNCH thuộc tỉnh Long An, kể từ năm 1976 huyện Nhà Bè thuộc thành phố Sài Gòn).

        35- Thiếu úy Nguyễn Thanh Quan
        (Khóa 72): Phi công Phi đoàn 110 Quan sát. Tuẫn tiết vào chiều ngày 30-4-1975.

        36- Thiếu úy Nhảy Dù Hoàng Văn Thái:
        Khóa 5/69 Thủ Đức. Tuẫn tiết tại ngã 6 Chợ Lớn, thiếu úy Thái cùng một nhóm 7 Chiến hữu Nhảy Dù, mỗi người một quả lựu đạn, họ cùng mở chốt để tuẫn tiết tập thể vào ngày 30-4-1975. Các Chiến sĩ Nhảy Dù về bảo vệ Đài-phát-thanh và Đài Truyền-hình Việt Nam.

        37- Thiếu úy Nguyễn Phụng:
        Cảnh sát đặc biệt, tuẫn tiết ngày 30-4-1975, tại Thanh Đa, Sài Gòn.

        38- Chuẩn úy Đỗ Công Chính:
        Tiểu đoàn 12 Nhảy dù. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975, tại cầu Phan Thanh Giản.

        39- Thượng sĩ Bùi Quang Bộ:
        Trường Truyền tin Vũng Tàu. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975, cùng gia đình 9 người tại Vũng Tàu.

        40- Thượng Sĩ Phạm Xuân Thanh:
        Trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975, tại Vũng Tàu.

        41- Trung Sĩ I Trần Minh:
        Quân Cảnh tại Bộ TTM. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

        42- Hồ Chí Tâm:
        Binh nhì, Tiểu đoàn 490 Địa phương quân, Tiểu khu Ba Xuyên (Cà Mau). Tuẫn tiết bằng súng M16, vào trưa ngày 30-4-1975, tại Đầm Cùn, Cà Mau.

        43- Ông Cao Hoài Cải:
        Phụ Tá Trưởng Chi Chiêu Hồi, Quận Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận. Tuẫn tiết ngày 7-4-1975.




                
    • II- Những vị Chiến Sĩ VNCH đã can trường chiến đấu,
      khi bị Việt cộng bắt khảng khái không hàng, Việt cộng đã hành quyết:



      • 44- Đại tá Hồ Ngọc Cẩn:
        Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Chương Thiện. Mặc dù nghe đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi buông súng, nhưng ông vẫn can trường chỉ huy tiếp tục chiến đấu, gây tử thương nhiều Cộng quân. Thế cùng, ông bị Cộng quân bắt và đem hành hình tại sân vận động Cần Thơ ngày 14-8-1975. Trước lúc bị hành hình, Việt cộng hỏi ông có nhận tội không. Đại tá Cẩn dõng dạc trả lời:
        • “Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi.
          Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh làm nhục tôi.
          Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi.
          Tôi chiến đấu cho tự do của người dân.
          Tôi có công mà không có tội. Không ai có quyền kết tội tôi.
          Lịch sử sẽ phán xét các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy.
          Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Xin đừng bịt mắt.
          Đả đảo cộng sản,
          Việt Nam muôn năm”.
        Kính phục thay:
        • Hồ Ngọc Cẩn gìn giữ thổ cương
          Pháp trường dõng dạc, dạ kiên cường
          Quân thù hung hãn, nghe khâm phục
          Lẫm liệt hy sinh, luôn tiếc thương!


        45- Trung tá Võ Văn Đường:
        Trưởng ty Cảnh sát tỉnh Chương Thiện. Tại pháp trường ở sân vận động Cần Thơ, ngày 14-8-1975. Việt cộng kết tội ông có nợ máu với nhân dân, ông bình thản và khẳng khái trả lời:
        • “Tôi không có nợ máu với Đồng bào,
          Tôi bảo vệ đất nước, bảo vệ miền Nam Việt Nam”.
        Việt cộng tức tối nhào lại đánh và bịt miệng ông, tắt micro để Đồng bào không nghe được tiếng của ông đang nói hào hùng.

        46- Thiếu-tá Trịnh Tấn Tiếp:
        Quận trưởng Kiến Thiện, tỉnh Chương Thiện, là một Quận trưởng can trường thương dân lo nước. Ông đã bị Việt Cộng thảm sát tại sân vận động Cần Thơ ngày 14-8-1975.

        47- Thiếu Tá Lê Phó:
        Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia, Tỉnh An Giang bị Việt cộng bắt và đem hành hình ngày 3-5-1975.

        48- Thiếu tá Không quân Trương Phùng:
        Sanh năm 1943 tại Thừa Thiên-Huế, học khóa 64B SVSQ/TTHLKQ Nha Trang, phục vụ tại Phi Đoàn 110 Quan Sát Đà Nẵng, rồi Phi Đoàn 518 Phi Long tại Tân Sơn Nhất. Vào lúc 4 giờ sáng ngày 29-4-1975, dưới mưa pháo của Cộng quân, Thiếu tá Phùng vẫn dũng cảm cất cánh Khu trục A-1 cùng với một Khu trục A-1 khác thuộc Phi Đoàn 518 Phi Long, để dập tắt trận địa pháo của Cộng quân. Nhờ vậy, Sài Gòn đã tránh được thảm họa. Nhưng đi hai, về một, chiếc AD-5 Skyraider của phi tuần trưởng Thiếu tá Phùng thì biến mất, mãi 33 năm sau mới tìm thấy di cốt của Thiếu tá Phùng bị Cộng quân xử bắn ngày 29-4-1975, hiện nay di cốt được thờ tại chùa Bửu Quang.

        49- Đại úy Phạm Văn Bé:
        Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát tỉnh Chương Thiện, Việt cộng đem hành hình tại sân vận động Cần Thơ, ngày 14-8-1975.

        50- Thiếu úy Trần Đình Thoại:
        Sĩ quan thuộc tỉnh Chương Thiện, bị Việt cộng đem bắn, sau ngày giết hại Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, vì trước đó vài tháng trong một cuộc hành quân phối hợp giữa quân đội và Cảnh sát Dã chiến, Thiếu úy Thoại đã phá vỡ một căn cứ quan trọng của Việt cộng.

        51- Thượng Sĩ Nhơn:
        Cảnh sát Quốc gia tỉnh Ba Xuyên bị Việt cộng bắt và thảm sát!

        52- Trung sĩ Vũ Tiến Quang:
        Sinh năm 1956, Kiên Hưng, tỉnh Chương Thiện, ông đã kiên cường chiến đấu cho tới khi bị Cộng quân bắt, ông vẫn không chịu đầu hàng, nên bị Việt Cộng đem ra bắn trước dân chúng lúc 3 giờ chiều ngày 30-4-1975.

        53- “Thảm sát hãi hùng” tại tỉnh Phú Yên:
        Ngày 1 tháng 4 năm 1975, Cộng quân chiếm tỉnh Phú Yên, sau đấy kêu gọi “ngụy quân ngụy quyền” học tập 10 ngày. Anh em tin lời, đã trình diện tại tỉnh Phú Yên, họ bắt 125 người, trong đấy có nhiều người trong đảng Đại Việt. Họ dẫn đến Núi Đất thuộc xã Hòa Định, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại bờ mương dẫn thủy số 1, gần chỗ Lù Đôi, tay bị trói chặt phía trước và cột lối xâu chuỗi từ tay người này đến tay người kia. Hôm đó, là đêm 3 tháng Tư năm 1975 (22 tháng 2 năm Ất Mão), nên trời không trăng. Họ đã dùng súng trung liên và AK bắn xối xả. Mấy ngày sau, thân nhân của anh em bị thảm sát mới hay tin, tìm đến nơi thấy cả một đống người chết chồng chất, những thân xác bị khô đét thật thảm thương! Thân nhân phải tỉ mỉ tìm tòi từng chân răng kẽ tóc hoặc dấu vết đặc biệt của người quá cố, mới biết ai là người thân của mình bị thảm sát ở đấy!
        (Copy đề tài: “Thảm sát hãi hùng: Tỉnh Phú Yên” Click vào Google sẽ xem đầy đủ chi tiết).

        Những Chiến sĩ VNCH bị Việt cộng “thảm sát hãi hùng tại Phú Yên”, được biết một số nhân vật:

        • - Ông Nguyễn Khánh,
          chủ tịch xã Hòa Thắng.

          - Ông Nguyễn Phúc
          (em ruột ông Khánh), trưởng ban quân xa Ty Cảnh sát Phú Yên.

          - Trung úy Nguyễn Văn Nê
          (em ruột ông Khánh) là Cuộc trưởng thị xã Tuy Hòa.

          - Nguyễn Phương
          (rể ông Khánh) là cuộc phó xã Hòa Đa.

          - Châu Văn Hiển
          là Cảnh sát viên Ty Cảnh sát Tuy Hòa.

          - Nguyễn Hai
          là Cán bộ Xây dựng Nông thôn.

          - Ngô Văn Bộn
          là Cán bộ Xây dựng Nông thôn...

        Thảm thiết thay! Gia đình ông Nguyễn Khánh, bị thảm sát đến 4 người một lúc. Còn nhiều Quân nhân, Cảnh sát, Xây dựng Nông thôn và các vị làm việc Hành chánh, không sao biết hết?!.


    Người viết đã tìm tòi và tham chiếu những tài liệu sẵn có hoặc đã hỏi han bà con, bằng hữu để biết tên tuổi các Chiến Sĩ VNCH đã tuẫn tiết hay đã lẫm liệt hy sinh vào khoảng ngày 30-4-1975 cho bài viết này. Tuy nhiên, chúng ta nên tiếp tục tìm hiểu những Chiến Sĩ đã tuẫn tiết hay đã lẫm liệt hy sinh để tri ân.

    .....
    Người viết xin kính cẩn nghiêng mình ghi tạc tất cả những “Tử Sĩ đã vị quốc vong thân” bằng mấy vần thơ như thắp nén hương lòng đến những anh linh đã lẫm liệt hy sinh vì nước:



              
    Tiếc Thương Tử Sĩ
    ____________________


    Hồn Tử sĩ phiêu diêu vũ trụ!
    Ẩn chập chờn tinh tú gió sương
    Lo nhà, giúp nước can trường
    Nghĩa đài kính cẩn, khói hương phụng thờ

    Công hiển hách, sa cơ vì nước
    Dạ trung trinh, lỡ bước vì nhà
    Đồng bào cung kính thiết tha
    Đất trời lưu luyến, cỏ hoa cũng sầu!

    Dù tuẫn tiết biển sâu, núi thẳm
    Dù hy sinh rừng rậm, sông ngòi
    Vì non nước, bởi giống nòi
    Nghìn thu nhung nhớ, muôn đời biết ơn!

    Xưa Chiến sĩ núi non lặn lội
    Giữ tự do, vượt suối, băng rừng
    Nhớ người son sắt kiên trung
    Nhớ ơn báo quốc, hào hùng chiến công!

    Nhìn thăm thẳm lên không lồng lộng!
    Thấp thoáng xa những bóng anh linh!
    Nhớ ra người đã hy sinh
    Sao còn lẫm liệt, rập rình tiếng quân?!!!

    Ngày nào mất, mộ phần không biết?!
    Ngưỡng mộ người, thương tiếc, tiếc thương!
    Nguyện cầu Tử sĩ muôn phương
    Thảnh thơi cực lạc, thiên đường an vui!

              





    Nguyễn Lộc Yên



    nguồn (phần1): danlambaovn.blogspot.com
    nguồn (phần2): danlambaovn.blogspot.com

              

              
gió bấc
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ ba 12/03/19 19:39

Saigon của tôi

Bài viết bởi gió bấc »

  •           




    Saigon của tôi - Lý Thuỵ Ý


    “Sài Gòn vẫn rất dễ thương
    Cái tên dù lạ con đường vẫn quen”


    Tôi hay “viện dẫn” hai câu thơ của mình mỗi khi phải hồi âm một cánh thư xa nào đó, thường là câu hỏi “Sài Gòn bây giờ ra sao?”.
    Thật ra trong cảm nhận của tôi, Sài Gòn vẫn thế. Bởi dù trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm, thì Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông, thủ đô trong những trái tim miền Nam ngày nào vẫn không bao giờ thay đổi. Sài Gòn của một thời tôi mới lớn, những “con đường tình ta đi” Duy Tân, Trần Quý Cáp, Tú Xương, Công Lý. Những chiều bát phố Lê Lợi, Tự Do. Những rạp ciné. Món bánh tôm hẻm Casino (Sài Gòn). Những xe bò viên Nguyễn Thiện Thuật. Bánh mì thịt trước chợ Trương Minh Giảng, gỏi đu đủ – khô bò – nước mía Viễn Đông (góc Lê Lợi – Pasteur)…
    Sài Gòn của tôi “sáng nắng chiều mưa”. Mưa như được lập trình sẵn. Hoặc chiều hoặc sáng, có khi… cùng giờ nên người Sài Gòn có thể nhởn nhơ bát phố khi “cơn mưa qua”, rất ít khi mưa như… đòi nợ, điều này những năm gần đây hình như thay đổi, mưa dầm và mưa… mất trật tự, người Sài Gòn vốn quen kiểu “xưa” chẳng biết đâu mà lần! Nắng Sài Gòn không quá gắt. Có lẽ nhờ thế nên mới chợt mát chỉ qua màu áo lụa Hà Đông.
    Sài Gòn của tôi có những ngôi trường đi vào thơ và nhạc như Văn Khoa, Luật, Gia Long, Trưng Vương, những con đường địa chỉ báo như Lê Lai, Phạm Ngũ Lão… Hồn đất và hồn người quyện nhau hồn hậu, chân tình.
    Sài Gòn của tôi quốc vương Cam-bốt từng du học, người Sài Gòn chê hàng Thái, không thèm xài Colgate vì đã có kem Hynos “anh yêu em, anh yêu luôn kem” xịn hơn.
    Sài Gòn của tôi trẻ – luôn luôn trẻ. Không phải vì thiếu phố cổ hay người Sài Gòn không thích “ra vẻ cụ” mà vì Sài Gòn luôn luôn mới, hồn nhiên và dễ thương, không điệu đà, kệch cỡm.
    Sài Gòn của tôi còn nhiều hơn thế. Không diễn tả hết dù văn hóa cách mấy. Chỉ giản dị như lời hát “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”.
    Không lớn lao gì, kỷ niệm chỉ chứa đầy ngăn cặp học trò. Sự ồn ào sống động, dễ thương của vùng đất và con người. Đi xa, cứ về đến cầu Sài Gòn hay cầu Bình Điền là coi như đến nhà.
    Như bạn bè cùng trang lứa, tôi giữ Sài Gòn như giữ chính cuộc đời mình. Khóc một ngày khi thương xá Tam Đa bị thiêu rụi. Thức một đêm khi Eden bị đập bỏ. Có thể thay vào sẽ là một tòa nhà đẹp hơn, nhưng Eden của ngày nào:
    “Qua hành lang Eden ghi kỷ niệm
    Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm
    Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím
    Anh quen rồi, không lạnh – lính mà em!”
    Thì không bao giờ còn nữa.
    Vẫn biết có những sự đổi thay tốt hơn, đôi khi cần thiết, nhưng sao vẫn thấy chạnh lòng. Hơn sáu mươi năm hãnh diện làm “dân Sài Gòn”. Bỗng chợt giật mình tự hỏi, có khi nào người ta phù phép để Sài Gòn biến mất không nhỉ? Có khi nào Vương Cung Thánh Đường, chợ Bến Thành, Bưu điện Sài Gòn, một sớm mai thức dậy người Sài Gòn ngơ ngác hay tin sẽ trở thành trung tâm thương mại, cao ốc chọc trời…
    Ôi! Sài Gòn của tôi!
    Tôi vẫn nói vui rằng mình giữ lại “Sài Gòn xưa”. Từng tên đường, góc phố, giữ lại những buổi chiều hẹn hò: “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt” và giữ lại mãi mãi, những dấu yêu xưa!
    Và rồi lại buốt tim khi nghĩ đến một ngày nào “Sài Gòn của tôi” sẽ chỉ còn là hoài niệm. Vô tình ai đó sẽ tìm thấy trong những trang sách hằn dấu thời gian ở một hiệu sách cũ.
    Sài Gòn ơi!
    Tôi gặp lại họ rất tình cờ, trong một… tiệm sách cũ, nơi thường lưu lại những gì mà ta còn nhớ hay đã quên.
    Những trang giấy đã không còn nguyên màu trắng. Những dòng chữ như cũng nhạt theo năm tháng. Nhưng hình ảnh, dù phôi pha, thì nụ cười, ánh mắt cũng gợi nhớ một thời ta đã sống. Thời mà tên tuổi họ trên môi người hâm mộ Nghệ thuật thứ bảy, và họ được gọi một cách trang trọng là tài tử minh tinh.
    Chưa xa lắm nhưng cũng đủ để quên những gì không muốn nhớ. Khi mà muốn xem phim người ta không thể làm gì khác hơn là đến rạp, và cứ có phim hay là rạp chật như nêm… Và rạp hát nào cũng treo đầy ảnh minh tinh tài tử, không phải Hồng Kông, Hàn Quốc như bây giờ mà toàn Việt Nam. Tôi say mê điện ảnh, dù chưa tới tuổi “đến rạp một mình” và yêu họ, dĩ nhiên…
    Dạo đó chưa có những chương trình giao lưu, tài tử điện ảnh, ca sĩ tân nhạc cũng chưa phải “chạy sô” như bây giờ. Họ coi nghệ thuật như cứu cánh của đam mê và cả cuộc sống thực tế, nghề tay trái hầu như không có.
    Chẳng ai nghe nói Thẩm Thúy Hằng phải đi… biểu diễn tân nhạc để kiếm thêm, cũng không thấy Kiều Chinh tham gia chương trình “đại nhạc hội”. Họ cũng chẳng đóng cùng lúc hai, ba phim như các diễn viên “đắt khách” bây giờ. Dù đó là những tên tuổi lớn của điện ảnh Sài Gòn thuở ấy, những tên tuổi mà lứa tuổi 40, 50 hôm nay, nếu yêu điện ảnh khó mà quên được.
    Một Kiều Chinh tuyệt vời trong “Hồi Chuông Thiên Mụ”, Thẩm Thúy Hằng với “Người Đẹp Bình Dương”, Kiều Nguyệt Nga – Thu Trang trong “Lục Vân Tiên”, Túy Phượng diễm kiều với vai Công chúa của “Thạch Sanh – Lý Thông”… Tôi yêu nét thùy mị của Thu Trang, vẻ sắc sảo của Kiều Chinh, và nét đẹp duyên dáng Thẩm Thúy Hằng. Nam tài tử có La Thoại Tân, Anh Tứ, Lê Quỳnh, Anh Sơn, Đoàn Châu Mậu, Tâm Phan, Huy Cường, Trần Quang… Vân Hùng chuyên đóng kịch với kỳ nữ Kim Cương, thỉnh thoảng cũng “lên phim”. Rất nhiều, thời nào thì nghệ thuật cũng cần rất nhiều. Dù trong số họ không phải ai cũng đến được vinh quang, và để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật, không chỉ có diễn viên chính.
    Tình cờ gặp lại họ trong tiệm sách cũ. Nơi mà quá khứ lẫn với hiện tại, nơi mà thời gian chừng như bất lực, tôi thấy chút vui pha lẫn ngậm ngùi khi bắt gặp Lê Hoàng Hoa thời “mới làm quen với máy quay”, một Lê Mộng Hoàng hơn ba mươi năm về trước vẫn nhăn nhó… như bây giờ. Nụ cười Kiều Chinh và ánh mắt Thu Trang vẫn còn đó.
    Một thời tôi đã lớn lên cùng với tên tuổi họ. Rồi tất cả bỗng như không còn, bỗng như chưa từng có. Người ta trôi theo nhịp sống bằng những cách khác nhau, và lưu giữ hay xóa đi dĩ vãng tùy thuộc mỗi người. Có điều chắc chắn rằng những gì đã có thì vẫn còn đâu đó, và ta sẽ gặp khi tình cờ một lúc nào đó đảo ngược được thời gian…
    Và… thời gian đã đảo ngược với tôi, trong một tiệm sách cũ… Tình cờ…!

    Lý Thụy Ý

    ........

    Hôm nay đọc bài này lại hắt hiu nhớ Sài Gòn.





                         
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”