Xuân Kỷ Hợi - 2019

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Kỷ Hợi - 2019

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Mùa xuân buồn lắm em ơi
    ___________________________________
    Nguyên Sa





              

    Mùa xuân buồn lắm em ơi
    Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
    Đạp xe qua nhà em
    Nhìn vào ngưỡng cửa
    Nhà số 20
    Anh nhớ em má hồng...

    Anh nhớ nhà em có cửa sơn xanh
    Có một hàng rào, có thầy, có mẹ ...
    Có ngựa chạy trong trường đua, người đi ngoài phố
    Nên anh đạp xe đi
    Rồi đạp xe về
    Mà chẳng có đôi ta...

    Mùa xuân buồn lắm em ơi
    Mỗi lần đạp xe về anh vẫn nghe lòng bỡ ngỡ
    Chiếc xe còn nguyên màu sơn xanh
    Nhưng tâm hồn đã ngả sang màu sắt rỉ

    Bởi vì từ Saigon lên tận trường đua Phú Thọ
    Hết cả tiền uống một ly nước mía
    Mà cũng không gặp em
    Nên khát đắng linh hồn

    Không phải anh ngại đường xá xa xôi
    Anh cần gì đường dài
    Anh cần gì nước mía
    Anh cần gì hoa thơm và chim cười trong lá biếc
    Cũng chẳng cần cỏ thêu xanh cánh đồng xa biền biệt
    Nhưng làm sao không có bóng hai người đè lên cỏ úa
    Để anh nghe em cười mà thấy cả mùa xuân...
    Làm sao chỉ có một mình anh
    Vừa đạp xe, vừa ngâm thơ (mà đường vẫn dài)
    Ngửa mặt lên cao, trời xanh biêng biếc
    Làm sao em không ngó xuống linh hồn?...

    Sao mùa xuân mà chẳng có mưa bay
    Chẳng có người đi bên cạnh cầm tay
    Anh chẳng được hôn lên trán ái tình
    Và nói năng những lời vô nghĩa...


              



              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Kỷ Hợi - 2019

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




          



PBN 124 - Nhạc Xuân Chọn Lọc (Vol. 1)

1. Anh Cho Em Mùa Xuân (Nguyễn Hiền, thơ: Kim Tuấn)
Minh Tuyết, Hương Thủy, Mai Thiên Vân, Hạ Vy, Hà Thanh Xuân, Châu Ngọc Hà, Hoàng Nhung, Diễm Sương
2. Hẹn Một Mùa Xuân (Đinh Việt Lang)
Đan Nguyên 5:08
3. Lời Hẹn Đầu Xuân (Đoàn Trung)
Mai Thiên Vân 9:32
4. LK Xuân Nào Con Sẽ Về (Trịnh Lâm Ngân)
Mai Quốc Huy
& Mừng Tuổi Mẹ (Trần Long Ẩn)
Hương Thủy 14:03
5. Mùa Xuân Bên Nhau (Thanh Sơn)
Tâm Đoan 21:51
6. Gái Xuân (Từ Vũ, thơ: Nguyễn Bính)
Hoàng Nhung 26:32
7. Tháng Giêng Và Anh (Ngô Thụy Miên, thơ: Nguyên Sa)
Trần Thái Hòa 30:53

          


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Kỷ Hợi - 2019

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    heo biết nói
    ___________________________________




    Cô giáo đọc truyện “Ba chú heo con” cho các bé nghe đến đoạn chú heo gặp bác nông dân và xin rơm: “Bác ơi, cho cháu xin ít rơm nhé”. Cô giáo ngừng lại hỏi:
    • – Các con có biết bác nông dân nói gì không?
    Tèo giơ tay:
    • – Thưa cô, bác ấy bảo: “Trời ơi! Một con heo biết nói!”


              
    .:lol2:

              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Kỷ Hợi - 2019

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




          
          




          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Kỷ Hợi - 2019

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




          



Nhạc Xuân Sôi Động Hải Ngoại 2019 | Tết Kỷ Hợi (Asia)

1 Mùa Xuân Ơi - Nhạc sĩ- Nguyễn Ngọc Thiện - Ca sĩ- Phương Trang
2 LK Hoa Cỏ Mùa Xuân, Anh Cho Em Mùa Xuân - Nguyễn Hồng Nhung, Sỹ Đan
3 LK Thì Thầm Mùa Xuân, Bên Em Mùa Xuân - Cát Lynh, Đoàn Phi
4 Lạc Mất Mùa Xuân - Nguyễn Hồng Nhung
5 Xuân Họp Mặt - Nhạc sĩ- Văn Phụng - Ca sĩ- Cardin

          


          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Kỷ Hợi - 2019

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Nhạc xuân mùa chinh chiến







    Sau tháng ngày giá lạnh, sau Giáng Sinh, khi nhạc Xuân vang lên, vang vọng trong nắng ấm báo hiệu cho năm mới sắp sang của Tết Dương Lịch và kéo dài cho đến Tết Nguyên Đán. “Ta ca vang, đàn nhịp nhàng, đón Xuân sang. Vui hân hoan, tình rộn ràng, mừng Xuân mới” như Ca Khúc Mừng Xuân của Văn Phụng.

    Khi đất nước phân chia, miền Nam VN thuở đó còn thanh bình, những ca khúc đón Xuân như: Xuân & Tuổi Trẻ của La Hối (lời Thế Lữ) năm 1946, Bến Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước năm 1949 với điệu Valse (luân vũ) vui tươi, rộn ràng của khúc hoan ca (Dương Thiệu Tước còn 3 ca khúc Vui Xuân, Vườn Xuân Thắm Tươi, Tìm Xuân), Bến Đàn Xuân của Ngọc Bích vào cuối thập niên 40, nhạc phẩm Xuân Đã Về của Minh Kỳ năm 1954, Xuân Thôn Giã của Văn Phụng năm 1956, và, hình ảnh miền Nam Việt Nam được phác họa qua ca khúc Xuân Miền Nam của Văn Phụng:

    • “Miền Nam! Niềm vui chan chứa đêm mơ hồ
      Miền Nam! Tình xuân sưởi ấm thêm đôi bờ
      Giờ đây, mùa xuân đang xóa tan mây mờ
      Quên đi đau thương sầu nhớ
      Vui ca tung gieo nguồn sống
      Đắp xây tự do”


    Ca khúc Bến Xuân của Văn Cao sáng tác năm 1942 được NXB Tinh Hoa ấn hành cùng năm đó với lời ghi ‘nhạc: Văn Cao, lời: Văn Cao – Phạm Duy’. Sau này Văn Cao đã đặt thêm lời thứ nhì và lấy tên Đàn Chim Việt. Có thể nói đây là nhạc phẩm về Xuân đầu tiên nhưng giai điệu và lời ca buồn nên không phù hợp với niềm vui đón Xuân nên không thông dụng và phù hợp.

    Ở miền Nam Việt Nam, mỗi độ Xuân về, với nhạc sĩ lìa bỏ quê nhà trên đất Bắc, xa cách họ hàng bà con nhưng đã hòa nhập nơi vùng đất mới, ca ngợi mùa Xuân.

    Nhạc phẩm Hoa Xuân của Phạm Duy sáng tác vào năm 1953 với hình ảnh thật dễ thương:

    • “Xuân vừa về trên bãi cỏ non
      Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
      Hoa cười cùng tia nắng vàng son
      Lũ ong lên đường cánh tung tròn”


    Nhạc phẩm Xuân Ca của Phạm Duy năm 1961:

    • “Xuân trong tôi ra góp chung câu gào thiết tha
      Là xinh, là tươi có Xuân thưở xưa ước mơ hiền hoà”


    Bản nhạc Xuân Đã Về của Minh Kỳ vào cuối thập niên 50:

    • “Xuân đã về, xuân đã về!
      Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới
      Xuân đã về, xuân đã về!
      Ta hát vang chào mừng Xuân sang, Xuân sang…”


    Ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân của Nguyễn Hiền của nhà thơ Kim Tuấn vào đầu Xuân 1962 với lời tình tự:

    • “Anh cho em mùa Xuân,
      Đường hoa vào phố nhỏ,
      Nhạc chan hòa đây đó.
      Tình yêu non nước này,
      Bài thơ còn xao xuyến,
      Rung nắng vàng ban mai”.


    Vui nhộn nhất với điệu Chachacha, nhịp 4/4, ca khúc Cánh Bướm Vườn Xuân (Cerisiers Roses et Pommiers Blanc) của Louiguy sáng tác năm 1950, Từ Vũ chuyển lời Việt. Năm 1950 Từ Vũ theo gia đình vào miền Nam sinh sống, cũng là tác giả Gái Xuân và chuyển lời Việt nhiều ca khúc ngoại quốc.

    • “Vườn xuân ong bướm ngất ngây ngất ngây tình hoa
      Như đang đắm say ru hồn lòng ta
      Vườn xuân ong bướm ngất ngây ngất ngây tình (hoa) ta
      Ý xuân chan hòa”.





    Trong thời chinh chiến ở miền Nam Việt Nam, nhiều nhạc phẩm về mùa Xuân được lưu hành, trong đó nhiều nhạc sĩ đã khoác chiến y và cũng có nhạc sĩ tuy không dấn thân bào binh nghiệp như Phạm Đình Chương nhưng ngưỡng vọng hình ảnh người chiến sĩ như Phạm Đình Chương qua ca khúc Ly Rượu Mừng:

    • “Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
      Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi…
      … Rót thêm tràn đầy chén quan san
      Chúc người chiến sĩ lên đàng
      Chiến đấu công thành
      Sáng cuộc đời lành
      Mừng người vì nước quên thân mình”


    Ca khúc Ly Rượu Mừng được xem như “thông điệp mùa Xuân” khi mỗi dịp Xuân về từ khi nhạc phẩm nầy ra đời, giai điệu (Pháp, Anh: melodie, melody) vui tươi; nhịp điệu (rythme) ¾ của valse rộn ràng. Ở hải ngoại trong bốn thập niên qua được vang vọng khi Xuân về. Thế nhưng nó bị cấm bốn thập niên ở trong nước (1975-2016) chỉ vì “Chúc người binh sĩ lên đàng”!

    Theo lời nhà báo Nguyên Minh ở VN cho biết “Sau này khi Phương Nam phim muốn ghi bài hát này, họ đã phải cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên quan đến bài ca. Rất may, trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy bản ghi chép, tư liệu cũ của ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016”. Sự ngu dốt và đố kỵ đó đã giết chết ca khúc hay nhất vào dịp Tết sau ca khúc Xuân & Tuổi Trẻ của La Hối.

    Với ca khúc nầy và theo tư liệu của Phương Nam chỉ qua mặt bọn kiểm duyệt thiếu hiểu biết nên cần nói rõ để khỏi “mập mờ đánh lận con đen” để khỏi bị oan cho tác giả.

    Giai đoạn đầu của thời kỳ kháng chiến, nhiều văn nghệ sĩ đã tham gia và khi thấy thực tế phũ phàng nên “dinh tê” về thành, trong số đó có gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

    Sau kỳ Đại Hội Văn Nghệ, Phạm Duy trở về Thanh Hóa. Ngày 1-5-1951, Phạm Duy cùng gia đình từ bỏ kháng chiến, “dinh tê” về Hà Nội, rồi vào Sài Gòn sinh sống…”. (Năm 1947, Phạm Duy kết hôn với Thái Hằng Phạm Thị Quang Thái).

    Năm 1951, Phạm Đình Chương sau khi rời vùng kháng chiến, cùng gia đình chuyển vào miền Nam. Với người anh là Hoài Trung, hai người em là Thái Thanh, Thái Hằng… thành lập ban hợp ca Thăng Long vào tháng 6 năm 1951 với ca khúc Nắng Đẹp Miền Nam được mọi người ái mộ.

    Quân Đội Quốc Gia Việt Nam được chính thức thành lập vào tháng 12 năm 1950 dưới quyền của Quốc Trưởng Bảo Đại (1950 đến 1955) vì vậy trong ca khúc Ly Rượu Mừng nói về người lính trong Quân Đội Quốc Gia.

    Theo bài viết của Văn Thao, trưởng nam của Văn Cao cho biết: “Văn Cao lên Lao Kay từ đầu năm 1947, phụ trách Đội Điều Tra Công An Liên khu X. Ông mở một quán ca nhạc, có tên là quán Biên Thùy bên kia cầu Cốc Lếu để làm vỏ bọc cho những hoạt động của mình…

    … Phạm Duy hát tại quán Biên Thùy của Văn Cao gần ba tháng thì lại cùng Ngọc Bích chia tay Văn Cao ra đi. Cuộc chia tay giữa hai người lần này không vui vẻ lắm vì trong thời gian này Phạm Duy “phải lòng” một cô gái nhảy xinh đẹp là nhân viên hoạt động trong đội điều tra của Văn Cao. Không chấp nhận được điều đó, Văn Cao tức giận, đuổi Phạm Duy đi”.


    Sau Phạm Đình Chương hai thập niên, ca khúc Mừng Xuân của Phạm Duy vào thập niên 70 tri ân người chiến sĩ:

    • “Xin mừng anh chiến sĩ nơi tiền phương
      Giữ đất cho Việt Nam hùng mạnh.
      Nơi đồng xanh chúc bác dân cầy luôn
      Lúa tốt, hoa mầu tươi suốt năm”.


    Hoàng Trọng, “ông hoàng nhạc Tango” với ca khúc Hẹn Gió Xuân Về điệu slow rock:

    • “Ðông về rồi cành cây rụng lá
      Chim cất cánh bay về ngàn xa
      Và áo len cô em gửi ra
      Cho người chiến sĩ mùa băng giá
      Xa một ngày lòng vương sầu nhớ
      Ðan áo ấm cho người tình mơ
      Vì chiến chinh xa xôi đường tơ
      Ai còn nhớ chăng bao lời thơ”


    Trong bài viết Hoàng Trọng, Cung Thương Dệt Tiếng Tơ Đồng của tôi ghi lại hình ảnh của ông:

    “Năm 1950, gia nhập vào Quân Nhạc Bảo Chính Ðoàn, điều khiển dàn nhạc nhẹ của chương trình phát thanh Bảo Chính Ðoàn trên đài phát thanh Hà Nội. Từ năm 1950 đến 1954, trước khi di cư vào Nam, Hoàng Trọng sáng tác trên hai mươi ca khúc: Ðường Về, Gió Mùa Xuân Tới, Say Say Say, Bến Mơ, Tiếng Nhạc Trong Sương, Buồn Nhớ Quê Hương, Bên Sông Ðưa Người, Cánh Hoa Xuân, Gió Lạnh Chiều Ðông, Chiều Về Thôn xưa, Mơ Xuân, Hoa Xuân, Gởi Hương Cho Gió, Hững Hờ, Một Nụ Cười, Tiếng Mưa Rơi, Vui Cảnh Mùa Hè, Khóc Biệt Kinh Kỳ, Tiếng Lòng, Lá Rụng… Trong đó có ca khúc Nhạc Sầu Tương Tư, nhạc phẩm trữ tình, tiếng lòng của con tim đang vương vấn trong tình yêu & nhạc phẩm Dừng Bước Giang Hồ sinh động, vui tươi được thịnh hành, trở thành quen thuộc, yêu thích, đưa tên tuổi Hoàng Trọng vang vọng cả nước”. (Bài viết nầy vào năm 2008 và đăng trong quyển Văn Nhân & Tình Sử năm 2014).

    Nhạc phẩm Mùa Xuân Đầu Tiên của Tuấn Khanh khi di cư vào miền Nam:

    • “Xuân nay ta chúc cho mẹ già vui vườn cà thêm hoa
      Vui ruộng đồng bao la tóc bạc phơ đẹp quá
      Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay
      Người chiến sĩ mơ say bên đàn trẻ bé thơ ngây”.


    Văn Cao có nhiều công trạng với Việt Minh, khi phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm (1955-1958), ông là một trong số văn nghệ sĩ chân chính dám chống chế độ đương thời, bài thơ Những Ngày Báo Hiệu Mùa Xuân không ca tụng chế độ mà có ý chống đối với phong trào nầy như báo hiệu mùa Xuân. Sau vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, ông bị thất sủng, sống âm thầm với nghề vẽ để độ nhật.

    Thế nhưng, Tết Bính Thìn năm 1976, ông sáng tác ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên, với những câu “Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên… Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người” trong khi đó hàng trăm nghìn Quân, Cán, Chính VNCH vào chốn lao tù (tác giả ca khúc Xuân Đã Về của Minh Kỳ trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia “Ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân” chết bi thảm trong trại tù)… Ông là nhạc sĩ khai sáng và thiên tài trong nền âm nhạc VN nhưng không thức thời. Trước năm 1975, người dân miền Nam và sau nầy người Việt ở hải ngoại ngưỡng mộ những ca khúc trữ tình thời tiền chiến của Văn Cao nhưng mấy bản nhạc mang màu sắc tuyên truyền của ông như cú “hồi mã thương” vào bản thân tác giả. Ca khúc để “lập công” nầy được phổ biến mấy lần trên làn sóng phát thanh rồi bị cấm suốt 24 năm (1976-2000). Năm 1995 ông mất, năm 2000, ca khúc nầy mới ra khỏi gọng kìm kiểm duyệt của chế độ!.

    Sở dĩ, đề cập nhiều về Văn Cao vì ông là một trong những nhạc sĩ khai sinh nền tân nhạc Việt Nam và cũng là thiên tài với nhiều nhạc phẩm trứ danh nhưng bản thân “lăng ba vi bộ” rất đáng tiếc! Thời VNCH trong binh chủng Không Quân và Hải Quân đã xử dụng hai hành khúc của ông cho thấy không đố kỵ thái độ chính trị của nhạc sĩ trong thời kháng chiến.




    Nhạc sĩ Hoài Linh phục vụ trong ban văn nghệ Vì Dân của Nguyễn Văn Đông, thay mặt người lính sống xa nhà gởi về người yêu với ca khúc Đầu Xuân Lính Chúc (Hoài Linh & Tấn An) với thể điệu vui tươi:

    • “Người yêu lính, nếu em biết cho rằng
      Đời quân nhân sống đây đó không ngừng,
      Vì như thế năm ngoái sai hứa với em,
      Tết không về chắc em ghét anh nhiều lắm,
      Và giờ đây Xuân trời rực rỡ, Xuân mình vừa nở, em vừa ý chưa?”


    Nhạc phẩm Tâm Sự Nàng Xuân của Hoài Linh với tâm trạng người ở hậu phương luôn vọng về người lính:

    • “Tôi đón Xuân giữa lúc còn chiến chinh,
      Chúc mừng Xuân bên ly rượu hành trình,
      Chúc người trai đi xây dựng hòa bình,
      Để cho đất nước vui trọn mùa Xuân thắm xinh”.


    Hầu hết những nhạc phẩm do nhạc sĩ sáng tác không mang màu sắc tuyên truyền mà tri ân, động viên tinh thần người lính đã dấn thân trong cơn binh lửa. Ca khúc Hạnh Phúc Đầu Xuân của Lê Dinh & Minh Kỳ cũng gởi lời chúc Xuân đến người lính nơi biên cương:

    • “Thấm thoát là đây… một mùa Xuân mới với ngàn cánh mai vàng,
      Nụ cười trên môi trên làn má ai… đón Xuân tươi vừa sang
      Xuân nay tôi chúc người miền biên cương muôn ngàn câu mến thuơng,
      Mong Xuân yên lành trong bao hương tình,
      Để rồi người thêm vui… cuộc sống thanh bình”.


    Ngày Đầu Một Năm của Anh Chương (Trần Thiện Thanh):

    • “Ngày đầu một năm, giữa tiền đồn heo hút xa xăm
      Có người lính trẻ, đón mùa Xuân bằng phiên gác sớm
      Lại một lần Xuân, trên miền xa cát đá khô cằn
      Chúc anh năm này, lập kỳ công trên bước đấu tranh.
      Ngày đầu một năm.. có mẹ già trông ngóng tin con
      Khấn nguyện đất trời, giúp bình yên thằng con biên giới
      Lòng già thầm mong.. ước người con sẽ giống anh hùng
      Chúc cho năm này, lập đầu công con về thăm nhà”




    Nhạc phẩm Ngày Xuân Thăm Nhau của Hoài An (1929-2012, sau nầy có nhạc sĩ trẻ mang bút hiệu Hoài An) thể hiện tình nghĩa:

    • “Đầu năm ra tới chốn đóng quân.
      Lâu lắm đôi ta chưa gặp một lần.
      Tiện mùa Xuân về nên tới thăm anh
    .

    Cho lòng nhẹ bớt bâng khuâng, chung nhau mấy ngày Xuân hiền lành.

    • … Nàng Xuân lưu luyến giữa chúng ta.
      Ngắt mấy bông hoa trong tận rừng già,
      Tặng chàng thay quà năm mới phương xa.
      Ghi tình gặp gỡ thiết tha, ghi từng phút mùa Xuân đậm đà”


    Hoài An cũng là tác giả ca khúc Tâm Sự Đầu Xuân, góp phần làm đẹp hình ảnh người lính gìn giữ quê hương:

    • “Tôi đón Xuân lúc đang còn chiến chinh
      Chúc nàng Xuân bên ly rượu hành trình
      Chúc người trai đi xây dựng hòa bình
      Để cho đất nước vui trọn mùa Xuân thắm xinh

      … Mừng Xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua”.


    Trong thời chinh chiến, người lính VNCH phải đảm nhận trách nhiệm nơi núi rừng để bảo vệ an ninh cho hậu phương, và để nhớ ơn, quan tâm đến người lính, ở hậu phương thường tổ chức “Cây Mùa Xuân Cho Chiến Sĩ”. Nhạc phẩm Thư Xuân Trên Rừng Cao của Trịnh Lâm Ngân thay mặt cho người lính:

    • “Mời anh mời chị mùa Xuân lên đây thăm tôi
      Nơi xa xôi khuất nẻo thưa người
      Núi rừng mịt mù sương
      Mời em một lần rời xa nơi đang yên vui
      Lên đây thăm lính ở trên rừng
      Ðể cùng ngọt bùi xớt chia”.


    Trong bài viết Nguyễn Văn Đông & Một Thoáng Xuân Phai của tôi viết vào tháng Giêng năm 2018, đăng trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, phát hành ngày 15 tháng 2 năm 2018 (trước hai tuần lễ ông qua đời). Trong nhạc phẩm Khúc Xuân Ca tô điểm hình ảnh mùa Xuân:

    • “Mùa Xuân thay áo, hồng trên má hoa đào.
      Vườn Xuân xôn xao, câu ái ân thầm trao.
      Kìa trong ánh Xuân tươi, nhịp chân bước đôi mươi.
      Nàng Xuân hé môi cười, nhạc lòng nghe chơi vơi.
      Em có hay chăng lòng anh, trọn đời yêu em mãi thôi”


    Thế nhưng ca khúc Phiên Gác Đêm Xuân (ban đầu ghi tác giả Vì Dân) vào thời điểm 1956:

    • “Đón giao thừa một phiên gác đêm
      Chào Xuân đến súng xa vang rền.
      Xác hoa tàn rơi trên báng súng
      Ngở rằng pháo tung bay
      Ngờ đâu hoa lá rơi…

      … Chốn biên thùy này Xuân tới chi?
      Tình lính chiến khác chi bao người
      Nếu Xuân về tang thương khắp lối
      Thương này khó cho vơi, thì đừng đến Xuân ơi!”


    Theo lời chia sẻ của tác giả vì tuổi trẻ gặp bất hạnh trong gia đình nên không có mùa Xuân và khi khoác áo chiến binh ở nơi tiền đồn vì vậy mang tâm sự buồn. Lúc đó Bộ Thông Tin cấm phát hành vì cho rằng lời ca mang tính tiêu cực, ủy mị làm nhụt chí chiến đấu của người lính nhưng sau đó cho lưu hành. Ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân rất lãng mạn, mang tâm trạng của tác giả với người tình nơi xa xôi bên bờ thành Vienne.

    Thời VNCH tuy có kiểm duyệt nhưng không quá khắt khe nên nhạc sĩ được bày tỏ tâm trạng của mình, người lính vào dịp Xuân về.

    Ca khúc Mùa Xuân Của Mẹ của Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh, Lâm Đệ, Nhật Ngân vào năm 1962):

    • “Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi
      Giờ đây đời con đang còn lênh đênh
      Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
      Áo trận sờn vai bạc màu
      Nhìn Xuân về lòng buồn mênh mang

      … Đêm nay núi rừng gió nhẹ sang Xuân
      Thoáng mùi mai nở đâu đây
      Nghe lòng lạc loài chơi vơi kki xưa,
      Những ngày binh lửa chưa sang
      Bếp hồng quây quần bên nhau
      Nghe Mẹ kể chuyện đời xưa”.




    Trần Anh Mai phụ trách chương trình Lính & Tình Yêu của đài truyền hình VN, chương trình Quân Đội. Nhạc phẩm Xuân Trong Rừng Thẳm vào chuyến công tác Đà Lạt cuối năm 1968:

    • “Theo cánh quân tôi băng rừng
      Kìa đàn én nhởn nhơ đầu gió
      Cành mai thắm chắn bước quân đi
      Ô! Chúa Xuân đến trên trần gian
      Cho thế nhân xây mộng thắm

      … Cho sắc Xuân không phai màu.
      Nghìn cây súng giữ Xuân bền lâu,
      Đời chinh chiến nắng tím với mưa nâu,
      Mấy ai đón Xuân trong vui đâu,
      Hỡi Xuân trong rừng sâu…”.


    Bởi nơi đó như lời tâm sự của Trần Thiện Thanh qua ca khúc Mùa Xuân Lá Khô:

    • “Ở đây không có hoa mai
      Không có hoa đào trang điểm trần ai
      Những lá khô rơi xuống âm thầm
      Như trong một lần lòng tôi biết yêu đương”.


    Và, Trần Thiện Thanh phác họa hình ảnh khác nơi núi đồi có mai rừng qua ca khúc Đồn Vắng Chiều Xuân:

    • “Đầu Xuân năm đó anh ra đi
      Mùa Xuân này đến anh chưa về
      Những hôm vừa xong phiên gác chiều
      Ven rừng kín hoa mai vàng
      Chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ.

      … Đồn anh đóng ven rừng mai
      Nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa?
      Chờ em một cánh thư Xuân, nhớ thương gom đầy
      Cho chiến sĩ vui miền xa xôi”.


    Nhạc phẩm Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân thay cho lá thư gởi về mẹ để an ủi vào dịp Xuân:

    • “Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
      Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
      Bao lứa trai cùng chào Xuân chiến trường
      Không lẽ riêng mình êm ấm
      Mẹ ơi! Con, Xuân này vắng nhà”


    Bài hát Tôi Chưa Có Mùa Xuân của Châu Kỳ cũng bày tỏ nỗi niềm và khát vọng của người lính về hình ảnh mùa Xuân:

    • “Đợi hai ba năm nữa, quê mình thôi khói lửa
      Mời Xuân đến với tôi, giờ còn nặng hai vai
      Thân chinh nhân hồ hải, hỏi Xuân có gì vui
      Hỏi Xuân có gì vui, Xuân làm dáng cho đời
      Đẹp lòng giây phút thôi, ôi đất nước hai nơi
      Xuân đi làm sao tới… dài xin chớ lui”


    Và, Đinh Việt Lang với ca khúc Hẹn Một Mùa Xuân cũng là ước mơ của bao người dấn thân vào binh nghiệp:

    • “Tôi sẽ về thăm lại dòng sông con phố cũ
      Ngày xưa có lần chiến tranh qua
      Những đôi mắt buồn lệ nhạt nhòa
      Xuân không pháo nổ Xuân không áo màu
      Không nụ cười đưa duyên

      … Bao năm chinh chiến góp mòn nẻo gần xa
      Lòng vẫn mơ ngày quê hương nắng đẹp
      Trẻ thơ vui tiếng cười
      Xuân rộn rạng Xuân về nơi nơi”.


    Trong hai thập niên ở miền Nam VN, ngay cả lúc chiến tranh bùng nổ, nhiều nhạc sĩ đã sáng tác khoảng một trăm nhạc phẩm về Xuân, nhiều nhạc sĩ nổi tiếng mang nguồn cảm hứng để viết vài ca khúc về Xuân, trong đó nhiều bài liên quan đến người lính có vui, có buồn như đã dẫn chứng nói lên tâm hồn người nghệ sĩ sáng tác trong khung trời tự do.

    Cho đến hôm nay, hơn bốn thập niên qua, nơi hải ngoại, người Việt lưu vong, mất quê hương nhưng luôn ngưỡng vọng về quá khứ trên mảnh đất thân yêu nhân dịp Xuân về “Xuân đã về, xuân đã về! Ta hát vang chào mừng Xuân sang, Xuân sang…”.

    Trong hai mươi năm chinh chiến, nhạc Xuân ở miền Nam Việt Nam lúc nào cũng rộn ràng, vang vang đón chào năm mới cho đến Tháng Giêng “là tháng ăn chơi” nhưng bi thảm xảy ra trong Tết Mậu Thân, 1968… với hàng vạn vành khăn tang đành ngậm ngùi ngưng hẳn!

    Ta đã mất mùa Xuân trên quê hương, viết lại những dòng nầy để hồi tưởng lại một thời đã qua.


    Vương Trùng Dương
    2018-2019



    Nguồn:https://sangtao.org


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Kỷ Hợi - 2019

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Con heo





    Lợn, heo, là gia súc thân cận và thân thiết với người, nhất là con người thôn dã Việt Nam, từ vài ba ngàn năm nay, nhưng ít xuất hiện trong văn thơ, nghệ thuật. Nó tham dự thường xuyên vào văn hóa loài người, nhưng không đi vào biểu tượng, có lẽ vì hình dáng và lối sống lè tè, « không nghệ thuật », không thuận theo những quy ước trong tâm thức cộng đồng. Cảnh Lợn Đàn hay Lợn ăn cây Dáy trong nghệ thuật dân gian Việt nam, tranh Đông Hồ, là một biệt lệ.

    Trong trí nhớ của tôi, câu thơ về lợn, hay và tha thiết nhất có lẽ là của Nguyễn Khuyến trong thơ gửi bạn :

    • Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu
      Lụt lội năm nay bác ở đâu ?
      Mấy ổ lợn con rày lớn bé,
      Vài gian nếp cái ngập nông sâu ?


    Lời thơ ân cần, đằm thắm, chân thật và chân tình. Thật ở những lo lắng cho nhau, thiết thân trong sinh hoạt bấp bênh ở nông thôn trước thiên tai. Và tình ở niềm tưởng nhớ, vừa thực tế vừa vu vơ. Hỏi « bác ở đâu » là vì vắng nhau, nhớ nhau chứ không phải vì không biết. Hỏi « lớn bé, nông sâu » không phải là thắc mắc thật sự, mà chỉ bày tỏ không gian và thời gian nhung nhớ. Về mặt đối ngẫu : đem « con » đối « cái » là tuyệt vời. (Cũng có người cho rằng Nguyễn Khuyến chế giễu bạn Bùi văn Quế, người Châu Cầu, huyện Thanh Liêm, Hà Nam, là địa phương chuyên nuôi lợn sề, bán lợn con, và nấu rượu, trữ nếp cái. Nhưng chắc không đúng).

    Trong thơ Nguyễn Khuyến còn có thịt lợn ngày ông Lên Lão :

    • Anh em hàng xóm xin mời cả
      Xôi bánh trâu heo cũng gọi là


    Và đặc biệt ngày Tết :

    • Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng
      Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt

    Ở thôn quê ngày áp tết nhiều nhà chung tiền mua, rồi chia nhau một con lợn ; hàng xóm nghèo cũng được một phần nhỏ, có khi là phần mỡ bạc nhạc. Nhưng nhà nào ngày Tết cũng có chút thịt để thực hiện câu ca dao :

    • Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
      Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh

    Đoàn văn Cừ ( 1913-2004) tả mâm giỗ ngày Tết

    Thịt lợn đầy mâm thái miếng to

    Tục chia thịt ở nông thôn ta chỉ là một công việc thực dụng, không nghe nói đến nội dung tượng trưng nào, như tục giết lợn ở Âu châu, mùa đông chung quanh ngày Tết dương lịch ; phong tục này có tính cách tế sinh, vừa nghi thức vừa cuồng bạo, một truyền thống mang nhiều ý nghĩa tiềm ẩn mà giới phân tâm học đang quan tâm.

    Nguyễn Khuyến còn có câu đối nổi tiếng, làm cho một hàng thịt lợn :

    • Tứ thời bát tiết canh chung thủy
      Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang


    Dịch nôm :

    • Bốn mùa tám tiết lòng chung thủy
      Bờ liễu non bồ dục điểm trang.


    Bồ và liễu là tên cây, họ dương, tượng trưng cho người phụ nữ thướt tha, yểu điệu. Đặc sắc là câu đối chữ Hán mà lại có được « bát tiết canh » đối với « đôi bầu dục » áp dụng cho hàng thịt lợn. Câu dịch nôm như trên chỉ làm lếu láo chiếu lệ, dù cố « vớt vát » cũng không sánh được với cách chơi chữ tài tình của Nguyễn Khuyến

    Trong phong tục ngày Tết, con lợn đóng vai trò thiết yếu, như qua câu đố về cái bánh chưng :

    • Ruộng xanh mà trồng đỗ xanh
      Trồng nếp trồng hành, rồi thả lợn vô


    Hay nhất trong câu là từ « ruộng », chữ Hán là « điền », hình vuông vắn và chia tư như cái bánh chưng xanh mướt.

    Thịt mỡ đi với dưa hành, vì hành làm tiêu chất mỡ ; do đó dân gian có câu :

    • Con gà tục tác lá chanh
      Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
      Con chó khóc đứng khóc ngồi
      Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng


    Lợn sống gần gũi với người, chuồng lợn thường tiếp giáp với chái bếp, để tiện bề chăn sóc. Lợn là nguồn lợi của gia đình, là nhiệm vụ của người phụ nữ, nên có câu ca dao đùa vui dí dỏm :

    • Đương khi lửa tắt cơm sôi
      Lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm tem !
      Bây giờ lửa đã nhóm lên,
      Lợn no con ngủ tòm tem thì tòm.


    Và có tục ngữ :

    • Gái không biết nuôi heo là gái nhác
      Trai không biết nuộc lạt là trai hư


    Lại còn ca dao :

    • Nuôi lợn thì phải vớt bèo,
      Cưới vợ thì phải nộp cheo cho làng.
    Nữ sĩ Anh Thơ (1921-2005) trong Bức tranh Quê (1941) khi tả cảnh sáng sớm trong một gia đình nông thôn, đã kết hợp lợn với bèo:

    • Người dậy cả, bà già lần thổi bếp,
      Thằng cu con dụi mắt quét quàng sân.
      Cùng trong lúc gà lồng kêu chiếp chiếp
      Và lợn chuồng ủn ỉn dục cho ăn

      Bên ao nước, bèo chen rau muống nổi,
      Mẹ và con xắn váy cúi khom, và
      Người vớt bèo, người khều rau, hái vội,
      Vì trên đường lên chợ đã người qua.
    Con lợn khi sống, thì gần gũi với người phụ nữ, khi chết còn đóng góp vào hạnh phúc lứa đôi, qua hôn lễ

    • Mai mốt lấy chồng, anh sẽ giúp cho :
      Giúp em một thúng xôi vò
      Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
      Giúp em đôi chiếu em nằm
      Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo…


    Do đó không cứ gì ở Việt Nam mà còn trên nhiều nền văn hóa khác, lợn cũng đóng vai trò quan trọng.

    Từ điển Robert Văn Hóa, 2005, đánh giá : vai trò này là quan trọng hàng đầu trong đời sống xã hội, trước khi nông nghiệp được cơ giới hóa tại Âu châu. Tại Trung Quốc, chữ « gia » là nhà hội ý từ chữ « thỉ » là heo, đội một mái ngang, là bộ « miên ». Không nên hiểu đơn giản, là người Tàu ngày xưa đồng hóa ngôi nhà với chuồng lợn ; nhưng nhất định là có tương quan giữa con lợn và văn hóa loài người, trong thực tế và trong tâm thức.

    Nhưng dường ngày xưa lợn được thả rong. Phùng khắc Khoan, 1528-1613, đã ghi lại trong Đào Nguyên Hành làm giữa thế kỷ 16 :

    • Trâu, bò, gà,, lợn, dê, ngan,
      Đầy lũ đầy đàn rong thả khắp nơi


    Các nơi khác cũng vậy thôi. Trong Quốc văn giáo khoa thư, 1926, tôi vẫn nhớ bài tập đọc lớp Tư mang tên Truyện ngươi Thừa Cung, chăn lợn và hiếu học, cứ mỗi khi lùa lợn qua tràng, có tiếng giảng sách, thì đứng lại nghe. Về sau được thầy cho học, trở nên học trò giỏi và nổi tiếng. Ở Pháp, lợn được thả rong tại ngay thủ dô Paris, cho đến năm 1131, gây tai nạn lưu thông, làm thiệt mạng con vua Louis le Gros mới bị cấm. Ở Hy Lạp thời thượng cổ, theo trường ca Odyssée của Homère, lợn được nuôi đại trà và thả rong. Nhà thơ Nhất Uyên đã diễn ca trọn bộ 12110 câu :

    • Mười hai dãy trại cao nền
      (…) Năm mươi lợn nái nằm dài chờ sinh
      Lợn nọc chăn dắt ra đồng
      Ba trăm sáu chục lợn con chạy cùng
      Trong sân năm sáu chó săn
      Dăm người phụ trại lo ăn, quét chuồng


    Đoạn thơ nhắc lại truyền thuyết nàng Circé, phù thủy tóc vàng, có bùa phép biến hóa người thành lợn. Truyền thuyết chứng tỏ người và lợn thời đó sống thân cận nhau.

    *


    Tuy nhiên, ngay thật mà nói thì con lợn, con heo, không phải là một hình tượng văn học thông thường ; muốn tìm ắt phải có, nhưng phải cố công, chứ tự nhiên thì ít ai nhớ.

    Con lợn đã xuất hiện rất sớm, từ những bài thơ quốc âm đầu tiên, như của Nguyễn Trãi :

    • Dài hàm, nhọn mũi, cứng lông,
      Được dưỡng vì chưng có thửa dùng
      Ý nói : nuôi chẳng qua chỉ để ăn thịt
      Tiện chẳng hay bề biến hóa


    Đào Duy Anh giải thích : con lợn là giống bần tiện, chỉ nằm mà ăn, không biết biến hóa. Ưng hay oan ? Nguyễn Trãi có ý ấy không ?

    • Trương hai con mắt, lại xem rồng.


    Vẫn một lối giải thích : tuy lợn không biết biến hóa, nhưng người ta dùng thủ lợn luộc để cúng thần, thì nó lại trương hai con mắt, « thao láo như mắt lợn luộc » mà nhìn rồng trên bàn thờ thần, là loại giỏi biến hóa.

    Đây là một bài thơ bát cú nhưng thiếu câu sáu nên chúng tôi không trích toàn văn. Cặp 3, 4 cầu kỳ :

    • Lỗi hòa đàn, tinh Bắc Đẩu
      Lang một điểm, thụy Liêu đông


    Trần văn Giáp giải thích : theo sách Tạp trở, đời Đường có vị thiền sư Nhất Hàng giỏi thuật số, muốn cứu một can phạm, đã bầy mưu : xem vườn nào có nuôi giống vật gì có bảy con thì bắt cả về. Người tù bắt được một ổ lợn mang đến. Nhất Hàng nhốt cả bảy con vào một cái ống rồi bịt lại. Thế là chòm sao Bắc Đẩu không mọc. Vua lo sợ vời đến vấn kế. Nhất Hàng khuyên nên làm đại xá. Vua nghe theo và người tù được tha. Nhất Hàng thả lợn ra, Bắc đẩu lại mọc.

    Câu sau có nghĩa : ở Liêu Đông hiếm có lợn lang đầu, nên được xem là « thụy », nghĩa là điềm lành, có người mang lên dâng vua. Đi đến Hà Đông, thấy đầy cả lợn lang đầu, bèn thẹn và lui về.

    Điển cố cầu kỳ như vậy, tác giả dù uyên bác như Nguyễn Trãi, e cũng phải vắt óc mới tìm ra chứ không phải đến tự nhiên như khi tả cây chuối, lá chuối :

    • Tình thư một bức phong còn kín
      Gió nơi đâu gượng mở xem


    Nói khác đi và nôm na : tả con lợn thì dù cho đến Ức Trai có khi cũng phải bí ! Ngoài việc tả lợn ăn ngủ, đẻ đái, khó còn chuyện gì khác để làm thơ. Vì như vậy, trong thơ văn ít thấy lợn.

    Nhà thơ Ngô văn Phú, bậc chánh tổng trong làng thơ thôn dã, trong ba bốn trăm bài thơ tả làng mạc, chỉ một lần tả con « lợn ủn ỉn » nhưng là ở một « chợ ven đê » (1984). Huy Cận --hay cả Phùng Cung-- tả rất kỹ cảnh thôn dã với nhiều gia súc mà không hề đụng đến con heo. Có lẽ do thành kiến ăn sâu vào tiềm thức, như Đào Duy Anh đã giải thích : « Lợn là giống bần tiện, chỉ nằm mà ăn không biết biến hóa », không lao động, không săn bắt như mèo chó, không bươi chải như gà vịt. Chưa kể lợn còn vô kỷ luật qua câu tục ngữ « lợn ở trong chuồng, thả ra mà đuổi » ; lợn sổng chuồng thì khó mà bắt lại. Đã vậy, ngày nay lợn còn chịu thêm tiếng thị phi , là diễn phim kích dâm, hủ hóa.

    Lợn có đóng góp thân xác cho đời, âu cũng là việc tiêu cực ngoài ý chí.

    Tóm lại lợn là con vật phi Khổng phi Mao, phi Lê phi Mác. Nó ủn ỉn bên ngoài sử quan, và tiếng ủn ỉn không hy vọng gì trở thành biện chứng.


    *



    Tranh Đông Hồ


    Đối chiếu như vậy để biết trân trọng tấc lòng của dân gian Việt Nam đã tôn vinh con lợn qua tranh Gà Lợn bằng nghệ thuật Đông Hồ, hay còn rải rác trong tranh Kim Hoàng, Nam Đàn hoặc vài nơi khác. Thơ Hoàng Cầm :

    Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong,
    Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.


    Tranh dân gian, trong tính cách bình dị của nó, khó nói được là cao siêu. Riêng tranh Lợn Đàn, Lợn ăn cây dáy, có nét đặc sắc. Những nghệ nhân vô danh đã thấu hiểu triệt để và sâu sắc đề tài, tính chất con lợn, địa vị của nó trong đời sống người dân tầm thường, lam lũ. Lợn lên tranh là giống lợn ỷ, mặt ngắn, có nhiều nếp nhăn, lưng võng, chân thấp. Sống lưng lợn mẹ được tô đậm màu đỏ da cam, lún phún lông mọc nghiêng. Theo kinh nghiệm nông dân con lợn nào có lông « đai » như vậy là tốt giống, mạnh ăn, béo khỏe, mắn đẻ và đông con. Lũ lợn lúc nào cũng đang ăn, no căng, bụ bẫm, dáng dấp phủ phê, mặt mày phè phỡn, nụ cười tủm tỉm đầy nhân tính, có khi ranh mãnh, lẳng lơ. Vẽ ra con lợn, nghệ nhân phác họa thế giới của mình, tâm cảnh lồng vào ngoại cảnh , từ những lam lũ gieo neo vươn tới giấc mơ no ấm, sum vầy đông đúc. Trên thân hình mập mạp, lợn mẹ lợn con đều mang hai vòng tròn xoáy âm dương. Công dụng là trang trí cho thân hình đơn điệu, nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho khoáy lông, tướng lợn, biểu hiện cách điệu qua một nét vẽ siêu hình ; vòng âm dương mở rộng hạnh phúc con người chan hòa với niềm vui trời đất, trong lẽ tuần hoàn vô thủy vô chung.


    *



    Tranh gà lợn Đông Hồ là một nét đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam, không biết đặt vào đâu trong những dòng văn hóa địa phương hay thế giới. Ngày xưa, trên một lưỡi giáo Đông Sơn đào được ở Sơn Tây 1927, có hai con thú châu đầu vào nhau : một con cọp, và một con heo nhỏ hơn, mập mạp, chân thấp. Di chỉ này có thể là hiện vật có từ một, hai thế kỷ trước Tây lịch. Nhưng đây là một mô hình biệt lập chứng tỏ quan hệ xa xưa giữa Việt tộc và loài lợn, nhưng không liên quan gì đến tranh Đông Hồ.

    Nghệ thuật Đông Hồ đã gợi ý cho nhiều bài thơ, đặc sắc nhất có lẽ là bài của Vũ Hoàng Chương (1915-1976) làm vào ngày tết Bính Thìn 1976.

    • Vịnh tranh gà lợn

      Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
      Gà lợn om sòm rối bức tranh
      Rằng vách có tai, thơ có họa
      Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh ?
      Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
      Lòng lợn âm dương một tấc thành
      Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
      Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh



    Lời lẽ đơn giản nhưng tế nhị, súc tích và uyên bác. Tác giả dùng nhiều tục ngữ, ca dao, điển cố. Câu đầu vịn vào thành ngữ « tranh tối tranh sáng » là lời phá đề tài tình cho một bài thơ …. tranh. Câu sau « om sòm » lấy lại ý thơ Tú Xương « om sòm trên vách bức tranh gà ». Câu thứ ba dựa theo thành ngữ « dừng có mạch vách có tai », và chữ « họa » mang ba nội hàm khác nhau: xướng họa, hội họa, và nhất là… tai họa. Tiếp theo là thành ngữ « xanh vỏ đỏ lòng » và « mắt xanh » chỉ vào những con mắt tinh đời, có khả năng đánh giá đúng. Câu năm nhắc đến thành ngữ « mắt quáng gà » nhìn không rõ, và ca dao : « gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau ». « Lợn âm dương » là tên tranh Đông Hồ. Thơ Hoàng Cầm : Mẹ con đàn lợn âm dương/chia lìa đôi ngã. Đoạn cuối « cục tác, ủn ỉn » lấy từ câu ca dao đã nhắc ở đoạn trên. Chữ « rồng » ở câu kết đánh dấu năm Thìn đang tới, sẽ là mùa xuân cuối cùng của thi nhân,và « tân thanh » là tên truyện Kiều, cắt bớt hai chữ « đoạn trường » đau đớn.

    Dĩ nhiên là bài thơ còn u uẩn nhiều ngụ ý và u uất nhiều tâm sự, chúng tôi không bình giải nơi đây, nhường cái thú ấy cho người đọc ngày xuân.

    Người ta thường cho rằng kẻ sinh năm Hợi là tốt số, sống thong thả và sung túc, có lẽ là do cảnh sống của con lợn. Nó còn là một hình ảnh một thanh bình. Không nghe nói lợn tham dự vào cuộc chiến nào, hay có được thành tích nào hiển hách. Nhưng có một lần, đâu đó, nhà bác học Pháp Buffon, thế kỷ 18, cho rằng các làn sóng Hồi giáo không xâm nhập được vào Trung quốc là vì con lợn, chính xác hơn là thịt lợn. Lịch sử Trung hoa nhờ miếng thịt lợn không cần một trận Poitiers nào cả.

    Heo, lợn là sinh vật đáng thương đáng quý. Duyên phận của nó, là đem sinh mệnh của chính mình làm khoái trá cho kẻ khác

    Trên đời còn có định mệnh nào bi thiết và cao cả hơn ?

    Đặng Tiến


    Nguồn:http://vietsciences2.free.fr



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Kỷ Hợi - 2019

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Bảo lợn nghe máy đi !


    Ông nọ nuôi 1 con lợn, đến lúc chán rồi muốn đuổi đi, khổ nỗi lần nào thả lợn cũng nhớ đường về.

    Một lần, ông ta chở lợn đi xa vứt, trên đường về ông ta vòng tới vòng lui cũng không tìm được đường về nhà. Trời đã tối, ông gọi điện về nhà hỏi:
    • "Lợn về chưa?".
    Vợ nói:
    • "Lợn về rồi".
    Ổng nói:
    • "Bảo lợn nghe máy đi, tao lạc đường rồi"!



    :lol2:



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Kỷ Hợi - 2019

Bài viết bởi Bạch Vân »

          


Sắp Hết Năm 2018...






          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Kỷ Hợi - 2019

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Thơ xuân
    ___________________________________
    Nguyễn Bính





              


    Đây cả mùa xuân đã đến rồi
    Từng nhà mở cửa đón vui tươi.
    Từng cô em bé so màu áo
    Đôi má hồng lên, nhí nhảnh cười.

    Và tựa hoa tươi, cánh nở dần,
    Từng hàng thục nữ dậy thì xuân
    Đường hương thao thức lòng quân tử
    Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân.

    Từng gã thư sinh biếng chải đầu
    Một mình mơ ước chuyện mai sau,
    Lên kinh thi đỗ làm quan trạng,
    Công chúa cài trâm thả tú cầu

    Có những ông già tóc bạc phơ
    Rượu đào đôi chén, bút đề thơ
    Những bà tóc bạc, hiền như Phật
    Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa.

    Pháo nổ đâu đây, khói ngợp trời
    Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi,
    Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
    Một áng thơ đề nét chẳng phai.


              



              
Trả lời

Quay về “Chuyên đề”