30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3530
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

N. cám ơn anh Hoàng Vân và cám ơn Bạch Vân nhiều nhiều :flwrhrts: :flwrhrts: . Vậy là N có được 4 bài hợp ca với nhà Nam làm kỷ niệm riêng và tưởng niệm tháng Tư đen chung với cả nhà. :cafe: :cafe:
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




              



              
    Mùa Kiếp Nạn
    _________________________







    Có ngày nào không là ngày Quốc Hận?!
    Có đêm nào không nhớ lúc tan đàn!
    43 năm! Cảnh Nước mất, Nhà tan
    luôn ray rứt trong lòng người xa xứ!.


    Vai quang gánh, chân mỏi mòn lữ thứ
    Bến lưu vong, khách mãi đợi con thuyền
    Đất, Trời còn rấm rứt cuộc truân chuyên
    Thương quê Mẹ điêu linh trong cuộc sống.


    Bao dâu bể vẫn chưa nguôi hy vọng
    Một ngày vui trong mắt lệ đoàn viên
    Bến bờ xa nối sông núi ba miền
    Thành một dãi non sông mùa thạnh trị.


    Dẫu sông núi lạc vào tay ngạ quỷ
    Vẫn còn đây hồn thiêng của Cha, Ông
    Những người con của nòi giống Lạc Hồng
    đem xương máu làm đê ngăn hiểm họa.


    Xưa cung kiếm dấn thân vì chí cả
    Bóng chinh y trải một gánh tang bồng
    Nay nhật nguyệt từ trời xa, đất lạ
    trỗi điệu Hời khóc Tử Sĩ trận vong.


    Nén hương thắp muộn mùa kiếp nạn
    Thay tiếng lòng tưởng niệm thuở chi binh
    Chung thiên cổ xin mời nhau cùng cạn
    Nghĩa đệ huynh ngàn năm mãi thắm tình.







    Huy Văn

              




              
              


              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Ngày về
    _____________________
    Vương Mộng Long - 18/04/2018








    Năm 1981, khi tôi còn bị giam trong trại cải tạo Z30C Hàm Tân, Thuận- Hải, cứ vào buổi chiều, tôi cùng vài anh bạn tù lại ngồi quây quần bên nhau trên sạp xi măng, nhâm nhi từng ngụm cà phê chế bằng cơm cháy, ôn lại chuyện đời cho nhau nghe.

    Hầu như bữa nào cũng vậy, dù trời tạnh ráo hay mưa bão dầm dề, thế nào chúng tôi cũng được nghe tiếng guitar thánh thót của một nhạc sĩ tay ngang Cựu Thiếu Tá Hồ Văn Hùng, gốc Cảnh-Sát Quốc-Gia và tiếng ca trầm buồn ảo não của chàng ca sĩ ngang xương Cựu Thiếu Úy Nguyễn Văn Vinh gốc Biệt Cách Nhảy Dù.

    Chúng tôi mất nước đã gần chục năm, xa nhà cũng đã gần chục năm, nên những lời buồn thảm, bi ai:
    • “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua…”-
      “Những ngày xưa thân ái, xin trả lại cho ai…”
    vừa cất lên, thì người đàn, người hát, người nghe cùng chạnh lòng, nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ vợ, nhớ con, nhớ bạn bè, nhớ xóm giềng, và nhớ quê hương.

    Anh nhạc sĩ Hồ Văn Hùng, xưa kia là Cảnh-Sát tỉnh Hậu-Nghĩa; nay bị giam cùng buồng, cùng đội lao động với tôi. Anh thuộc nhiều bài hát lắm. Tôi xin anh chép lại cho tôi trọn bộ lời Pháp của bài “Chanson d’Orphée”

    Anh ta chỉ cần dạo nhạc cho tôi đôi lần, là tôi đã thuộc nhập tâm bài hát này ngay. Trong bài ca ấy, tôi thích nhất câu
    • “Le ciel a choisi mon pays pour faire un nouveau paradis”
      (Thượng Ðế đã chọn quê hương tôi để dựng lên một Tân Thiên Ðường)

    Ngày xưa Thượng Ðế đã ban cho tôi một Thiên Ðường, mà tôi lại vô tình không nhận ra, đó là đất nước Việt-Nam Cộng-Hòa. Năm 1975 Thiên Ðường của tôi đã không còn nữa.




    Một năm sau ngày được thả, đầu Thu 1989 tôi gặp lại Hồ Văn Hùng trước một sạp báo cạnh nhà thương Sùng Chính, Chợ- Lớn. Khu này quy tụ khá nhiều dân gốc “Ngụy”: Một sạp báo do anh cựu nhân viên Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo làm chủ, một thợ hớt tóc là cựu Hải quân Thiếu úy, kế đó là một ông già mài dao, mài kéo, xưa kia làm tới Phó Quận xuất thân từ trường Quốc-Gia Hành-Chánh.

    Anh chủ sạp báo là bạn tù tôi quen trong thời gian bị giam giữ ở Z30D. Vì làm bạn với anh chủ sạp báo, nên dần dà tôi quen “lây” sang hai ông “Ngụy” kế bên. Lâu lâu tôi ghé chơi, thấy tóc tôi dài, ông Hải quân lại đè đầu tôi xuống hớt tóc giùm, không lấy đồng bạc nào.

    Thấy yên sau xe đạp của Hùng chất đầy sách vở, tôi hỏi anh làm nghề quái quỷ gì mà nhiều sách thế thì anh vênh mặt lên,
    • – Tớ đi dạy.
      – Dạy nhạc hả?
      – Nhạc gì?
      – Thì nhạc Việt, tân nhạc… hồi còn trong trại tù cậu và thằng Vinh Biệt Cách hay hát cho tớ nghe…

    Hùng xua tay, lắc đầu quầy quậy,
    • – Tớ có biết nhạc với nhiếc con mẹ gì đâu?
      Guitar tớ học lóm, chẳng có thầy bà nào dạy cả! Nhạc lý, nhạc Pháp cũng làng nhàng.
      Hiện giờ tớ đi dạy Anh Văn!

    Tôi nghi ngờ vặn lại,
    • – Anh Văn của cậu cỡ nào mà dám đi dạy?

    Hùng cười hì hì,
    • – Ối trời ơi! Sao cậu ngây thơ thế? Bộ suốt đời lính không lúc nào cậu bị ở vào cái thế lang bang, không chức vụ hả? Cứ lang bang không chức vụ là được gởi đi học. Tớ biết khối thằng có đầy bằng cấp chuyên môn chỉ vì lý do không có chức vụ trong đơn vị nên cứ có lớp là bị tống đi học. Hồi xưa, lúc còn lang bang không chức vụ, tớ có dịp được đề cử theo học một khóa Anh Văn, rồi lại bị đưa đi học tu nghiệp ở Mã-Lai.
      Năm ngoái ra khỏi tù cải tạo, tớ kiếm hoài không ra việc, tưởng là phải chết đói. Ai ngờ gặp đúng lúc đổi đời, nhà nhà học Anh Văn, người người học Anh Văn. Tớ vội ôn lại văn phạm vài ngày là đi dạy kiếm cơm được rồi. Cả khu phố của tớ đều mù, tớ là thằng chột. Xứ mù, thằng chột làm vua! Tớ đếch cần làm vua, chỉ cần gạo thôi…

    Tôi không phục cái ngai vàng trên nước mù và chột của người bạn thời đi tù cải tạo này, nhưng tôi thích tiếng đàn guitar của anh, thích giọng ca của Nguyễn Văn Vinh mà tôi đã được nghe trong những chiều buồn nơi lán trại của Z30C, Hàm-Tân năm nào.

    Tôi kéo Hùng ngồi xuống bên bàn cờ tướng của ông thợ hớt tóc. Tôi giới thiệu Hùng với hai ông bạn “Ngụy” của tôi. Ông Hải quân mời Hùng uống trà; ông Ðốc Sự cũng xúm vào góp chuyện. Hùng là người Huế, ông Ðốc Sự cũng là dân Huế; chỉ vài phút sau hai ông đã ra chiều tương đắc.

    Thấy trên tường có treo cây guitar của ông thợ hớt tóc, bên cạnh là cây đờn cò của ông mài dao kéo, giáo sư Hùng gật gù,
    • – Các cha ở đây có cả Tân, Cổ giao duyên vui quá há?
    Nghe Hùng nói, tôi chợt nhớ chuyện xưa, nên cầm tay Hùng tôi khẩn khoản yêu cầu anh hát lại khúc “Những ngày thơ mộng” của Hoàng Thi Thơ cho tôi nghe.

    Chiều ý tôi, ông giáo sư Anh Văn bỏ nón xuống bàn cờ tướng, ông uống cạn ly trà móc câu, ôm cây guitar kê lên đùi, so dây, lấy giọng, rồi bắt đầu:
    • “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua? Tìm đâu những ngày xanh như mộng?…
    Khi Hùng vừa xuống giọng câu chót:
    • “Tìm đâu? Biết tìm đâu? đâu giờ…”
    thì anh bắt ngay qua
    • “Matin, fait lever le soleil…” (Buổi sáng, mặt trời lên…)
    của bài hát tiếng Tây “Chanson d’Orphée”

    Hứng chí, ông thợ mài dao ôm cây đờn cò “í!a! í!a!…” phụ họa, còn ông thợ hớt tóc thì hai tay thủ hai cái giũa sắt múa “cạch! cạch! cành! cành!…” trên thành cái chậu nhôm chứa nước như một tay trống điêu luyện, lành nghề.

    Người qua đường dừng lại mua báo, khách của bác thợ mài dao, khách của bác thợ hớt tóc đứng ngây nghe các bạn tôi đàn hát. Tiếng hát não nuột, tiếng guitar réo rắt, tiếng trống sắt rộn ràng, và tiếng đờn cò nức nở làm cho lá vàng rơi tới tấp trên đường Trần Hưng Ðạo một chiều Thu năm 1989.

    Mấy bé con tan trường từ một lớp tiểu học gần đó xì xào với nhau:
    • “Nhạc vàng, nhạc ngoại, hay quá trời, lại nghe coi tụi bây ơi!”
    Sau khi chấm dứt câu cuối,
    • “Chante chante mon coeur la chanson du matin, dans la joie de la vie qui revient…”
      (Hát lên, hát lên trái tim tôi bài hát của buổi mai, trong niềm vui vừa trở lại…)
    thì Hùng chợt hốt hoảng la toáng lên,
    • – Ủa chi rứa? Bà con làm chi rứa?
    Thì ra… bà con qua đường tưởng bốn thằng tôi là gánh hát dạo, họ bỏ tiền vào cái nón của giáo sư Hùng, cái nón nằm ngửa trên bàn!… cái nón đầy tiền loại 20 đồng màu tim tím…

    Bốn anh cựu quân, cán, chính, Việt-Nam Cộng-Hòa nhìn nhau, miệng mếu xệch.





    Mười bốn năm sau khi Miền Nam sụp đổ, hàng trăm ngàn cựu tù cải tạo đã lẫn vào và như đã biến mất trong cái xã hội hỗn mang, hạ cám thượng vàng. Họ chìm vào giòng đời dưới những bộ mã khác nhau: Ông Thiếu Úy Hải quân thành ông thợ hớt tóc; ông Thiếu Tá Cảnh Sát thành ông thầy dạy Anh Văn lưu động; ông Phó Quận Hành Chánh thành ông mài dao kéo; nhưng cái giá trị nhân bản tiềm ẩn trong con người họ vẫn còn đó. Trái tim họ vẫn không ngủ quên.

    Cũng như trăm ngàn đồng ngũ Việt-Nam Cộng-Hòa khác, ngày về của tôi cũng là ngày đầu một cuộc sống mới, đầy ngỡ ngàng. Sau đó, tôi cũng từ từ lẫn vào, và biến mất trong dòng chảy của một xã hội hạ cám, thượng vàng. Tôi bắt đầu xây lại cuộc đời với một chiếc xe đạp thồ.

    Cái xe đạp thồ của tôi quả là một con ngựa đa năng, đa dụng. Nó chẳng đòi ăn, đòi uống, nghỉ ngơi, giải trí, chuyện trò gì. Tôi chất bất cứ vật gì lên lưng nó, nó cũng im re, không than van nặng nhọc nửa lời. Nó giúp tôi buổi sớm tinh mơ chuyển hàng cho thân chủ từ Chợ-Lớn về Chợ Bến-Thành. Buổi tối, chở hàng từ Cầu Chữ Y sang đổ nơi bến xe Miền Ðông. Trời nắng chang chang, nó chở tôi và một giỏ cá khô từ Sài-Gòn lên Thủ-Ðức, len lỏi trong những con hẻm ngoằn ngoèo, để tôi rao bán lẻ từng ký cá khô, tôm khô.

    Nó chở vợ chồng tôi từ Sài-Gòn đi Thủ -Ðức tới nhà anh bạn Ngô Văn Niếu của tôi để họp mặt anh em cùng khóa 20 Võ-Bị chào mừng mười cựu sĩ quan khóa 20 Võ-Bị mới được tha, trong đó có tôi. Dịp này nơi bãi cỏ đậu xe trước sân nhà anh Niếu, nó được đứng xếp hàng chung với những chiếc xe Dream, Honda, Vespa của các bạn tôi. Tôi thấy chiếc xe đạp thồ của mình có vẻ “oai phong” không kém gì chúng bạn, vì so chiều ngang, chiều dài, nó đâu có kém ai? Nhìn kỹ, tôi thấy nó còn có vẻ “phong trần bạt mạng” hơn mấy chiếc xe máy bóng loáng, kiêu sa, yểu điệu, của các ông bạn tôi nữa đó!

    Tôi có anh bạn làm Trung Tá Cảnh Sát. Anh ấy và tôi được thả ra khỏi trại cải tạo cùng giờ, cùng ngày. Nhà anh bạn tôi ở gần Thảo Cầm Viên Sài-Gòn. Mỗi lần tôi ghé thăm nhà anh, vừa thấy mặt tôi, bà mẹ anh đã đon đả gọi con,
    • – Bảo ơi! Có “Anh Long Xe Thồ” tới thăm con kia kìa!
    Trung Tá Cảnh Sát Phan Trần Bảo, Trưởng Ty Cảnh Sát tỉnh Phan-Thiết là bạn tôi; mấy chục năm sau anh ấy còn nhớ cái tên “Anh Long Xe Thồ” mà mẹ anh ta đã đặt cho tôi.

    Trước ngày lên đường đi Mỹ định cư, nếu tôi ra khỏi nhà thì thế nào con ngựa thồ của tôi cũng đi theo. Chỉ khi nào tôi lên rừng tìm vàng, đào thiếc, tôi mới chịu để nó ở nhà.

    • “Ngựa nào cũng là ngựa, xe nào cũng là xe!”
    vợ tôi thường an ủi tôi như thế, mỗi khi thấy tôi có vẻ áy náy mời nàng dời gót ngọc lên yên sau con ngựa thồ để tôi chở đi đây, đi đó. Nàng lúc nào cũng giản dị bình thường. Có tôi bên cạnh, vợ tôi hết lo âu, nhìn đời lúc nào cũng đẹp. Sau những chuyến đi dài ngày đào thiếc, tìm vàng trên Cao-Nguyên, tôi trở về Sài-Gòn; vợ chồng tôi lại chở nhau trên lưng con ngựa thồ, lang thang rong chơi quanh phố. Ðường phố Sài-Gòn thời 1988-1990 thênh thang. Khu Nguyễn Cảnh Chân có nhiều giáo sư của Trường Trung Học Hưng Ðạo, nơi đứa con gái thứ nhì của tôi đang theo học. Qua những buổi họp phụ huynh học sinh, cô giáo hướng dẫn lớp con tôi đã quen mặt vợ tôi. Bà cũng biết rõ tôi là sĩ quan Việt-Nam Cộng-Hòa đi tù cải tạo.

    Chắc chắn hình ảnh chiếc xe đạp thồ của tôi bay lượn trong khu Cao Thắng, Nguyễn Cảnh Chân đã lọt vào những đôi mắt tò mò. Một hôm, con tôi về nhà sau buổi học, nó cười:
    • “Sáng nay cô giáo hướng dẫn lớp con vừa hỏi con rằng ba của em đã về chưa? Con nói bố em mới về. Lúc đó cô giáo con mới nói cô có thấy một người đàn ông lạ chở má bằng xe đạp đi qua nhà cô.”

    Ðời sống riêng tư của những bà vợ trẻ của sĩ quan chế độ cũ luôn luôn là mục tiêu theo dõi dòm ngó của xóm giềng. Những câu hỏi dò la, tọc mạch, chận đầu, bắt nọn như thế không thiếu trong xã hội này. Tôi chạnh nghĩ, qua mười mấy năm dài, xã hội đảo điên dưới chế độ mới, giá trị của nếp xưa Khổng Mạnh cũng còn là chút gì đáng giá cho người ta lưu tâm. Rồi tôi thấy thương vợ vô cùng.





    Chuyện xe đạp nổ lốp giữa phố đối với cặp uyên ương này là thường xuyên. Lốp xe nổ, thì vợ chồng nắm tay nhau, dắt xe đi bộ, về nhà, vá lốp xe! Ngựa nào cũng là ngựa, xe nào cũng là xe. Ngày xưa mình đi xe Jeep, ngày nay mình đạp xe thồ; ngựa xe nào cũng dùng làm phương tiện di chuyển có gì mà phải kén chọn, quan tâm? Ðiều quan yếu là: Ngày xưa mình có nhau, ngày nay mình vẫn còn có nhau. Mười ba năm, vật đổi, sao dời, mình còn nguyên vẹn như thế này là quý lắm rồi!

    Một hôm có người mang đến cho cặp vỏ xe mới, mừng ơi là mừng! Anh bạn quý của tôi lúc này đang làm “gác-dan” cổng sau khách sạn Continental. Hắn chắt bóp mãi mới được món tiền mua tặng tôi cặp lốp mới. Hắn tên là Lê Văn Chánh, người Huế. Chánh vốn là một cựu sinh viên Dược Khoa Sài Gòn thời 1960s. Hắn có máu đàn ca và đã có lúc viết nhạc bán cho một nhạc sĩ đã thành danh để có tiền đi phòng trà Anh Vũ mỗi buổi tối. Học hành chật vật mãi vẫn chưa thành Dược Sĩ, hắn bị gọi nhập ngũ khóa 15 Sĩ Quan Trừ-Bị Thủ-Ðức để cứu nước. Rồi hắn trở thành sĩ quan An-Ninh Quân-Ðội.

    Tôi và Chánh gặp nhau và thân nhau ở Trại Nam-Hà A. Chúng tôi ăn chung mâm, ngủ cùng sạp một thời gian rồi cùng được thả ra cùng một ngày, sau mười ba năm bị giam giữ, tù đày.

    Thời mới đi tù cải tạo về, tôi gặp hắn dễ lắm. Cứ đi ngang qua đường Lê Thánh Tôn, tới cổng sau Khách Sạn Continental là thấy chàng ta ngồi nơi góc.

    Những lần về phố, tôi đều ghé thăm Chánh. Gặp nhau, bù khú một lúc, hai đứa lại rủ nhau ra tán dóc với anh thợ vá lốp, sửa xe bên đường Hai Bà Trưng. Anh vá lốp xe máy, sửa xe đạp này thời xưa làm Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Trung-Tâm Huấn- Luyện Chi-Lăng của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Anh ta tên là Hoàng Trai xuất thân khóa 19 Võ-Bị. Ba chàng ngồi bên nhau, chuyện nổ như pháo. Hai bạn tôi chỉ quanh quẩn ở Sài-Gòn, nên thích nghe tôi kể chuyện đường rừng, mạo hiểm, như chuyện đào vàng, đào thiếc, chuyện bẫy khỉ, giữ lô, chuyện khai thác gỗ quý, săn ngải, tìm trầm…

    Chánh kể cho tôi nghe rằng, nó có đứa con gái lớn tên là Lê Lâm Quỳnh Như. Cháu Quỳnh Như lớn hơn đứa con gái đầu của tôi một tuổi. Một ngày từ rừng trở về thành phố, tôi nghe bạn Chánh khoe, con gái anh vừa đứng đầu cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Thành Phố Hồ Chí Minh. Phần thưởng mà con anh nhận được là cái dây chuyền 7 chỉ. Chánh nhìn tôi, cười, miệng xuýt xoa: “Thế là có tiền lo thủ tục hồ sơ đi H.O”

    Sau đó khá lâu, gia đình Lê Văn Chánh đi Mỹ theo danh sách H.O 16. Qua tới Mỹ thì ca sĩ Quỳnh Như đổi tên là Như Quỳnh, danh tiếng nổi như cồn.

    Thời gian đầu, khi Chánh còn cư ngụ ở Philadelphia thì tôi và Chánh vẫn thường xuyên liên lạc điện thoại thăm nhau. Bây giờ thì tình hình đã đổi thay nhiều. Chỉ có tôi và anh Trai là gặp nhau thường, vì hai đứa tôi cùng là cư dân Tiểu Bang Washington. Chúng tôi rất khó tiếp xúc với anh bạn cựu tù Lê Văn Chánh ngày xưa. Nghe đâu, cách đây vài năm, Như Quỳnh mua cho bố Chánh một căn nhà ở Cali, khu cư xá giống như một Fortress City, có rào cản, có cameras, hệ thống alarms cao cấp, security tuyệt hảo, phone của Chánh lại chuyển số luôn luôn, nên tôi và anh vá lốp xe đạp không chuyện trò với anh được. Lâu ngày không nói chuyện với nhau, chắc anh Chánh quên tôi rồi?

    Riêng tôi, không bao giờ tôi quên “Chánh Phăng Si Ða”, anh bạn tù sốt rét kinh niên cùng buồng 16 ở trại Nam-Hà A Phủ-Lý của tôi. Sở dĩ Chánh có biệt hiệu “Chánh Phăng Si Ða” chỉ vì lúc nào trong túi anh cũng dự trữ sẵn một vỉ thuốc sốt rét cực mạnh mang nhãn hiệu Fansidar. Không rõ bạn tôi có hiểu rằng, trong mấy năm nay, anh chàng đào vàng trên rừng Nắp Bắc Ðà-Lạt và anh chàng sửa xe đạp trên đường Hai Bà Trưng Sài-Gòn nhớ nhung anh gác-dan Khách Sạn Continental không nguôi?





    Những sự mất mát nhẹ nhàng như thế, những hình bóng mờ dần vì vô tình hay cố ý như thế, làm cho tôi thấy thương, thấy quý những giây phút bạn bè khăng khít bên nhau. Bây giờ, những sợi tơ thân thiết cột buộc chúng ta cứ mỏng dần, mỏng dần theo thời gian.

    Ôi! Biết tìm đâu? Những ngày xưa thân ái!
    Biết tìm đâu xứ sở mà Thượng Ðế đã chọn làm một Thiên Ðường?
    Biết tìm đâu Việt-Nam Cộng-Hòa của tôi?






    VML - K20
    Seattle tháng Tư năm 2018


              
                         
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Ngoc Han »

:applaud: :clphnds2: :bravo: Quá hay- anh Hoàng Vân
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           


    ... :D :cafe: ... anh Hân ...


              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    30/4/1975:
    Ngày cỏ độc và loài man dại lên ngôi

    _____________________
    Chu Chỉ Nam - Vũ Văn Lâm









              
    Từ độ ngươi về hỡi loài man dại!
    Dẫu vô tri sỏi đá cũng buồn đau

    (Vũ Hoàng Chương)

              

    - Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi nói về cộng sản, Ngài đã đưa ra nhận định:
    • "Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh,
      là loài trùng độc, sinh sôi nẩy nở trong rác rưởi của cuộc đời".

    • Trên hoang tàn của Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918),
      Lénine đã được Bộ Tham Mưu Đức đưa về cướp chính quyền ở Nga.
    • Cũng lợi dụng thời cơ hoang tàn sau Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945),
      Hồ chí Minh đã được Cộng sản Liên Sô và Trung Cộng đưa về cướp chính quyền ở Việt Nam vào ngày 19/08/1945.

    Trước đây hơn 60 năm, cụ Phan Khôi (1887 - 1959) cũng đã sáng suốt nhận ra sự độc hại của Cộng sản. Vào năm 1956, trong truyện ngắn “Cây cộng sản”, cụ Phan Khôi mô tả loại cây này như sau:
    • “...Có một thứ thực vật cũng như sen Nhật Bản ở xứ ta, trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy, chỉ thấy ở Việt Bắc không chỗ nào là không có.”

    Theo cụ, có nơi gọi loại cây nầy là “cỏ bọ xít”, vì nó có mùi hôi như con bọ xít, có nơi gọi là “cây cứt lợn”, hoặc “cây chó đẻ”. Cụ nói rằng những tên đó đều không nhã nhặn tý nào, người có học không gọi như vậy, mà nên gọi là “cây cộng sản". Không mấy lâu rồi nó mọc cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan tràn ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có những năm 1930-1931 đồng thời với Đông Dương Cộng sản Đảng họat động, Phong trào cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được như thứ cây ấy, cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là “herbe communiste”, đáng lẽ dịch là cỏ cộng sản, nhưng nhiều người gọi là cây cộng sản. Nó còn có một tên rất lạ... Ông già Thổ mà Phan Khôi hỏi chuyện tên nó là cây gì, ông nói tên nó là “cỏ cụ Hồ”.
    • "Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường sá đồi đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với cụ Hồ về thì gọi nó như vậy…”


    Thật vậy, từ ngày Hồ chí Minh được Đệ Tam Quốc tế Cộng sản, với sự trợ giúp của đảng Cộng sản Tàu, về Việt Nam cướp chính quyền vào ngày 19/08/1945, sau đó đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/09. Trên thực tế họ Hồ đã đặt nước ta vào trong gông cùm cộng sản, biến nước ta thành bãi chiến trường của cuộc tranh hùng tư bản - cộng sản, dân tộc Việt trở thành nạn nhân. Họ Hồ và đảng Cộng sản đã đưa nước Việt từ trận chiến này qua trận chiến khác, từ cuộc chiến 1946-1954, cuộc chiến 1954-1975, cuộc chiến bên Căm bốt 1978, cuộc chiến với Trung cộng 1979, làm cho máu dân Việt chảy thành sông, xương người Việt chất thành núi.

    Không những ngoại chiến, mà còn nội chiến triền miên, vì họ Hồ nhập cảng lý thuyết Mác-Lê, chủ trương bạo động lịch sử, đưa đến cảnh con đấu cha, vợ tố chồng, bạn bè tìm cách mưu hại lẫn nhau, qua những cuộc đấu tố trong chiến dịch Cải cách ruộng đất (1953-1956) hay sát hại trí thức như vụ Nhân văn giai phẩm năm 1956.

    Sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 bị thất bại và Hồ chí Minh chết vào năm 1969, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn tiếp tục tinh thần vọng ngoại của họ Hồ, tuân theo chiến lược tấn công các nước tư bản một cách gián tiếp của Brezhnev cũng như lợi dụng sự ra đi của người Mỹ, tinh thần hoảng loạn của quân dân miền Nam, đảng Cộng sản Việt Nam đã dốc toàn lực tấn công và cưỡng chiếm miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

    Sau khi chiếm được miền Nam,
    • người cộng sản không biết làm gì
      • ngoài việc trả thù
      • cướp bóc tài sản của dân miền Nam.
    • Qua chiêu bài học tập cải tạo,
      hàng trăm ngàn quân, cán, chính, văn nghệ sĩ miền Nam đã bị lùa vào trại tập trung,
      nhiều người bị sát hại giam cầm cả chục năm.
    • Hàng triệu người bị cướp nhà cửa, tịch thu tài sản và bị lùa đi vùng kinh tế mới,
    • chưa kể cả nửa triệu người vùi thây dưới đáy biển trên đường vượt biên.
    Hận thù, tang tóc đổ lên đầu không biết bao nhiêu triệu người.
    Trong giòng sử Việt,
    chưa có một thời đại nào,
    chưa có một chế độ tàn ác nào
    mà người dân phải bỏ xứ ra đi.

              
    Trước thảm cảnh trước sau chưa có, cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1916 – 1976) đã phải thốt lên:
              
    "Từ độ ngươi về hỡi loài man dại.
    Dẫu vô tri, sỏi đá cũng buồn đau.
    Tiếng thở dài vang tận đáy sông sâu,
    Màu đỏ oan cừu hành hung phố chợ."

              

    Trong khi "loài man dại" đang say men chiến thắng thì cũng có những người cộng sản còn lương tri, như Nhà văn Dương thu Hương, người đã từng theo đoàn quân chiến thắng vào miền Nam, khi thấy xã hội miền Nam nhân bản, phát triển, sung túc, bà đã tìm một góc phố, như lời bà tường thuật, bật lên tiếng khóc và than rằng:
    • Tôi ở cùng trong đoàn quân chiến thắng nhưng mô hình xã hội của kẻ chiến thắng lại là man rợ, trong khi đó mô hình xã hội của kẻ chiến bại lại là văn minh.


    Đảng cộng sản Việt Nam không những làm khổ dân Việt, sát hại người Việt, mà còn đưa đất nước vào vòng lệ thuộc ngoại bang, trước đó thì lệ thuộc Liên Sô, ngày hôm nay thì lệ thuộc Trung Cộng. Chính tên đầu sỏ của loài man dại là Lê Duẫn đã trâng tráo tuyên bố:
    • “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.”
    • Ngày nay thì tất cả những quyết định chính trị quan trọng đều phải được sự chấp nhận của Trung Cộng.
    • Hàng hóa phim ảnh Trung cộng tràn ngập thị trường Việt Nam, giết chết nền kinh tế Việt, làm thui chột văn hóa Việt.
    • Ngày hôm nay trên thực tế Việt Nam chỉ là một quận huyện của Trung Cộng,
    • đảng Cộng sản Việt Nam, bạo quyền cộng sản Việt Nam chỉ là những thái thú của Tàu.


    Đất Việt là do bao công lao, xương máu của ông cha ta mà có được nhưng bọn cộng sản Việt Nam, bắt đầu từ Hồ chí Minh lại bán nước, dâng đất, nhượng biển cho Trung Cộng.

    • Việc dâng đất nhượng biển đã bắt đầu từ thời Hồ chí Minh.
      Vào những năm đầu của thập niên 50, khi sửa đường xe lửa ở biên giới Việt Hoa, Trung cộng đã tự động rời những cột mốc ở biên giới về phía nam, lấn đất Việt Nam, báo Nhân dân của cộng sản thời đó có lên tiếng phản đối nhưng là chỉ lấy lệ.
    • Rồi tiếp tục với công hàm của Phạm văn Đồng đề ngày 14/09/1958, trả lời công hàm của Chu ân Lai có đính kèm bản đồ nói là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng.
      Chính vì vậy mà Trung Cộng đòi chủ quyền về 2 quần đảo này mặc dầu theo công pháp quốc tế, lịch sử, địa lý, thì 2 quần đảo này là hoàn toàn thuộc về chủ quyền Việt Nam.
    • Việc dâng đất, nhượng biển còn tiếp tục với Lê khả Phiêu, qua 2 Hiệp ước ký với Trung Cộng năm 1999.
    • Sau đó thì Nông đức Mạnh, Nguyễn tấn Dũng cho thuê rừng vùng biên giới, cho Trung Cộng khai thác quặng bô xít ở cao nguyên trung phần, xương sống về địa lý chiến lược quân sự của Việt Nam, dọn đường cho Trung Cộng đánh chiếm Việt Nam trong tương lai.
    • Ngày hôm nay Nguyễn phú Trọng,
      • trong thì thẳng tay trấn áp các cá nhân, tổ chức tranh đấu cho Tự do – Dân chủ:
      • ngoài thì cấu kết ăn chia với hãng xưởng ngoại quốc mặc tình để cho ngoại nhân thải chất độc,
        trước thì giết dân sau gây ô nhiễm môi trường.
      Nguyễn phú Trọng còn có dã tâm học theo họ Tập bên Tàu,
      • mượn danh chống tham nhũng để loại trừ và tịch thu tài sản những kẻ không theo mình,
      • muốn xây dựng một chế độ Độc Tài Cộng Sản toàn diện, kiểm soát mọi hành động của đời sống con người và xã hội, từ lãnh vực triết học, tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đến thông tin, tuyên truyền.


    Đảng Cộng sản Việt Nam, bắt đầu từ Hồ chí Minh đến những kẻ thừa kế, đã phạm một lỗi lầm chưa từng có trong lịch sử Việt, là đã nhẫn tâm tiêu diệt mọi thành phần, nhân sĩ, trí thức, kể cả những người cộng sản không cùng đường lối với mình. Hành động vô lương "Trí Phú Địa Hào, đào tận gốc trốc tận rễ" qua những cuộc cải cách ruộng đất, tiêu diệt văn hóa đồi trụy, đánh tư bản mại bản,... đã tạo ra những trận cuồng phong đảo lộn cả quốc gia - dân tộc.
    Bắt đầu từ chủ trương bạo động lịch sử, vì thế trong các nước cộng sản vẫn xẩy ra thường xuyên tranh chấp nội bộ, bất ổn xã hội, khắp nơi đều có kẻ thù, Việt Nam hiện tại cũng không thoát khỏi quy luật và tình trạng này.

              
    • Đây là một thảm nạn, một đại họa của dân Việt.
      Đại họa này đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, nếu chúng ta tính từ năm 1954
                
    • và nó có viễn tượng đưa việt nam thành một quận huyện của nước láng giềng to lớn,
      trở về thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 5
      • do âm mưu toa rập,
      • tham vọng bám quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam.
    • Bởi lẽ đó, chúng ta, trong cũng như ngoài nước,
      phải có can đảm đứng lên
      đấu tranh để sống còn, để tự cứu,
      vì nước Việt, từ ải Nam quan đến mũi Cà Mâu, là gia tài chung mà cha ông chúng ta đấu tranh và bảo tồn bằng xương máu, mồ hôi nước mắt mới có được.

              
              

    Chúng ta, muôn người như một
    quyết tâm đập tan dã tâm cùng mưu đồ bán nước
    của đảng Cộng sản Việt Nam.








    Chu Chỉ Nam & Vũ Văn Lâm
    Paris 24/4/2018


              
                         
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           



              

              

              



              
    Tưởng Niệm
    _________________________







    Tôi đứng lặng thầm trước tượng đài chiến sĩ.
    Tháng tư đen buồn luôn cảm nghĩ về anh.
    Những anh hùng đã vị quốc vang danh.
    Vì Tổ quốc vì quê hương đất nước.
    Chết... theo thành dễ mấy ai làm được.
    Vẫn hào hùng vẫn anh dũng hiên ngang.
    Hậu duệ còn đây, quyết diệt lũ bạo tàn.
    Anh hùng tử, trong lòng người bất tử.






    Tưởng niệm tháng tư đen, 30/4/1975
    kính cẩn thương tiếc đến các Tướng VNCH đã vị quốc vong thân.
    California 4/7/2018.

    NT

              




              
              


              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Máu Trung Tá Long
    đã thấm xuống lòng đất mẹ

    _____________________
    Duyên Anh









    Tôi không hiểu, trong Dinh Độc Lập, Dương văn Minh và bọn hàng thần lơ láo đến mức độ nào trước ống kính xấc xược của bọn phóng viên cộng sản và trước những câu hạch hỏi hỗn láo của bộ đội giải phóng cấp tá. Họ có nghe những tiếng súng danh dự, trách nhiệm, tổ quốc
    • của lính văn nghệ diệt T-54 ở cầu Thị Nghè,
      của lính nhẩy dù cách cổng Dinh Độc Lập chẳng bao xa?

              
    Chúng tôi vào trung tâm thành phố. Dân chúng đang bu kín công viên dựng hai người chiến sĩ thủy quân lục chiến Việt Nam họng súng nhắm thằng vào Hạ Viện. Những chiếc loa gắn trên cây cao đã oang oang giọng nói mới chào mừng giải phóng miền Nam. Bài hát Tiến vào Sài gòn ta quét sạch giặc thù muốn rung chuyển thành phố.

    Nhưng trời vẫn thiếu nắng.
    Cộng sản đã tiếp thu Đài phát thanh, Bưu điện… Giọng nói cầy cáo của Lý Quý Chung và ca khúc Nối vòng tay lớn không còn nữa. Chúng tôi lách đám đông. Dưới chân tượng đài của thủy quân lục chiến, xác một người cảnh sát nằm đó. Máu ở đầu ông ta chẩy ra tươi rói. Người sĩ quan cảnh sát đeo lon Trung tá. Ông ta mặc đồng phục màu xanh. Nắp túi ngực in chữ Long. Trung tá cảnh sát Long đã tự sát ở đây Cộng sản để mặc ông ta nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất lâu cảnh này.

    Lúc tôi đến là 14 giờ 30.
    Dân chúng đứng mặc niệm trung tá Long, nước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe, chớp nhanh.
    • Tất cả im lặng,
      thây kệ những bài ca cách mạng,
      những lời hoan hô bộ đội giải phóng.
    Trung tá Long đã chọn đúng chỗ để tuẫn tiết.
    • Tướng giữ thành Sài gòn là Tổng trấn Sài gòn đã đào ngũ.
      Tướng giữ thành Sài gòn là Đô trưởng Sài gòn đã đào ngũ.
      Tướng giữ thành Sài gòn là Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia đã đào ngũ.
      Không có Hoàng Diệu, ở những trạng lịch sử chó đẻ của thời đại chúng ta.
    Và trên những tiểu thuyết đấu tranh, những hồi ký chiến đấu của những con người tự nhởn sống hùng mọi hoàn cảnh, người ta không thấy một dòng nào viết về cái chết tuyệt vời của trung tá Cảnh sát tên Long.
    • Cộng sản đã chẳng ngu dại phong anh hùng, liệt sĩ cho quốc gia. Họ độc quyền anh hùng, liệt sĩ.
    • Ở những cuộc đấu thầu anh hùng, liệt sĩ quốc gia tại hải ngoại, chưa thấy một nén tâm hương tưởng mộ trung tá Long.

    Có lẽ, liệt sĩ đích thật không lãi lớn bằng liệt sĩ giả vờ thế thì thời đại chúng ta đang sống là cái thời đại gì nhỉ?

    Nó không chịu, không thích vinh tôn cái thật, đã đành, nó còn nhận chìm cái thật và vấy bẩn lên cái thật một cách thô bạo, ẩn ý và lạnh lùng. Khi cái thật bị nhận chìm, bị vấy bẩn, cái giả nổi bật, sáng giá và chói lọi, thơm tho. Như vậy, mọi giá trị về tinh thần, về đạo nghĩa bị nhởn chìm theo. Rốt cuộc, bọn giả hình sống với cái giả của chúng, huyễn hoặc mọi người bằng cái giả với bạo lực của quyền uy hợp pháp và cả quyền uy ảo tưởng hậu thuẫn. Và người công chính thụ động, buông xuôi. Cuối cùng, con cháu chúng ta sẽ chỉ biết liệt sĩ đất sét, anh hùng gian dối, vĩ nhân phường tuồng.

    Tôi muốn biểu dương trung tá Long như Hoàng Diệu hôm nay, Hoàng Diệu của Sài gòn. ông ta đang nằm kia, dưới chân tượng đài thủy quân lục chiến Việt Nam anh dũng. Máu trung tá Long đã thấm xuống lòng đất mẹ.
    • Cái chết của trung tá Long nếu chưa thức tỉnh được sự u mê của thế giới tự do thân cộng, của bọn phản chiến làm dáng
    • thì, ít ra, nó cũng biểu lộ cái khí phách của một sĩ quan Việt Nam không biết hàng giặc.
    Tôi không mấy hy vọng cái chết của trung tá Long lay động nổi cái bóng tối vô liêm sỉ trùm đặc tâm hồn những ông tướng đào ngũ. Chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam lưu vong vì chúng ta còn trung tá Long không đào ngũ, không đầu hàng giặc và biết chết cho danh dự miền Nam, danh dự của Tổ Quốc.
              
    • – Tôi chứng kiến tự phút đầu.
      – Ông nói sao?
      – Tôi nhìn rõ ông ta rút súng bắn vào thái dương mình.
      – Thật chứ?
      – Đáng lẽ tôi phải nói dối.
      – Tại sao?
      – Vì nói thật lúc này không có lợi.

    Tôi nghe hai người Sài gòn nói chuyện. Và tôi được nghe “Huyền sử một người mang tên Long” do một trong hai người kể. Truyện như vầy:
              
    • 10 giờ 30, Dương văn Minh đọc lệnh đầu hàng, quân đội và cảnh sát tuân lệnh Tổng thống, lột quần áo, giầy vớ, nón mũ, vất súng đạn bỏ chạy về nhà mình hay nhà thân nhân của mình. Một mình trung tá Long không lột chiến bào, không phi tang tích huân chương, không liệng súng đạn. Trung tá Long từ nơi nào đến, chẳng ai rõ. ông xuất hiện ở công viên trước Hạ Viện hồi 12 giờ. Ngồi trên ghế đá, ông ta trầm ngâm hút thuốc. Rồi ông ta nhìn trước, nhìn sau, ngó ngang, ngó dọc. Rồi ông ta đưa tay ôm lấy đầu, cúi thấp. Khi ấy, Sài gòn đã ồn ào tiếng hoan hô cộng sản giải phóng. Bất chợt, ông ta đứng dậy, chậm rãi bước gần chân tượng đài. Trung tá Long đứng thẳng. Ông ta ngẩng mặt. Thản nhiên, ông ta rút khẩu Colt, kê họng súng vào thái dương mình bóp cò. Tiếng đạn nổ trùm lấp tiếng hoan hô cộng sản. Trung tá Long đổ rạp.
    • – Đó, diễn tiến cái chết của Trung Tá Long.
      – Ông có mặt ở đây trước lúc trung tá Long xuất hiện?
      – Phải. Tôi tuyệt vọng, không thiết về nhà nữa.
      – Rồi sao?
      – Dân chúng bu quanh xác trung tá Long.
    • Cộng sản chưa có thì giờ kéo xác ông ta đi. Phóng viên truyền hình Pháp thu cảnh này kỹ lắm. Chỉ tiếc họ đã không thu được cái oai phong lẫm liệt của trung tá Long. Họ đến quá chậm và họ chỉ quay phim một xác chết. ông hãy nhìn cho kỹ. Trung Tá Long tuẫn tiết cùng chiến bào, cùng cấp bậc, cùng tên mình.

              
    Tôi đã nhìn kỹ.
    Lịch sử của chúng ta đã có những vị anh hùng chỉ có tên mà không có họ. Như Đô đốc Tuyết, Đô đốc Long…
    Hôm nay, chúng ta có thêm trung tá Long.

    Những ai sẽ viết lịch sử?
    Và liệu sử gia đời sau có soi tỏ niềm u ẩn của Trung tá Long chảy máu mắt nhìn quê hương lạc vào tay quân thù mà bất lực cứu quê hương, mà chỉ còn biết đem cái chết tạ tội quê hương, dân tộc. Đã hàng tỉ tỉ chữ viết về những chuyện khốn nạn, viết về những tên khốn kiếp, viết về những sự việc khốn cùng. Dòng chữ nào đã viết về Trung tá Long? Người ta đã viết cả pho sách dày cộm để nguyền rủa xác chết. Người ta cũng đã viết cả pho sách dầy cộm để suy tôn xác sống. Người ta ồn ào. Người ta vo ve. Dòng chữ nào đã viết về Trung tá Long? Ai đã làm công việc sưu tầm lý lịch đầy đủ của vị liệt sĩ đích thực này? Than ôi, lịch sử đã hóa thành huyền sử.

    Cho nên người ta nhìn quốc kỳ mà không cảm giác linh hồn tổ quốc phấp phới bay. Chúng ta đang bị sống trong cái thời đại của những ông tướng đào ngũ, của những ông tổng trưởng đào nhiệm không hề biết xấu hổ. Thời đại của chúng ta còn đòi đoạn ở chỗ, kẻ sĩ và kẻ vô lại đồng hóa trong “lý tưởng” nguyền rủa xác chết và suy tôn xác sống.


    • Xưa, Hàm Nghi 8 tuổi, hỏi cận thần:
      – Tay bẩn lấy gì rửa?
      Cận thần đáp:
      – Nước.
      Hàm Nghi hỏi thêm:
      – Nước bẩn lấy gì rửa?
      Cận thần ngơ ngác:
      – Tâu bệ hạ, thần không hiểu.
      Hàm Nghi nói:
      – Nước bẩn lấy máu mà rửa!
    Trung tá Long đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30-4. Lính nhẩy dù đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30-4. Lính văn nghệ đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30-4. Những kẻ tạo ra ô nhục 30-4 lấy gì nhỉ?
    • Họ đang cầm ca, cầm đĩa xếp hàng ngửa tay lấy cơm, lấy nước ở đảo Guam.
      Biết đâu chẳng xẩy ra tranh cơm như tranh quyền bính. Và biết đâu chẳng bị ông quân cảnh Mỹ đen tặng một vài cái tát xiếc! Những kẻ này vẫn thừa thãi vô liêm sỉ để họp bàn, hiến kế cứu nước. Lịch sử lại thêm vài phụ trang chó đẻ.

              


    Giải phóng quân đã đổ đầy trước thềm Hạ Viện. Cỏ đuôi chó hoan hô tưng bừng.
    Dân chúng chiêm ngưỡng Trung Tá Long tản mạn. Trung Tá Long nằm nguyên chỗ ông ngã rạp cho máu rửa nhục Sài gòn.

    Giã từ liệt sĩ! Vĩnh quyết liệt sĩ.
    Xin hãy phù hộ tôi kéo dài cuộc sống hèn để có ngày được viết vài dòng về Trung Tá.


              

              


    Duyên Anh


              
                         
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”