Xuân Mậu Tuất - 2018

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20032
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Mậu Tuất - 2018

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Hái hoa
    ___________________________________
    Thế Lữ - 1935





              

    Nhẹ nhàng, em hái đóa hồng tươi,
    Dưới vẻ xuân chào buổi sớm mai,
    Trong lúc chim xuân mừng nắng mới
    Nhuốm đào sắc trắng khóm hoa mai.

    Em thấy lòng chan chứa cảm hoài.
    Lẳng lơ gió lá nhủ bên tai:
    Vườn xuân đằm thắm tình âu yếm,
    Thơ thẩn vì đâu, xuân nữ ơi!

    Tình quân em ở chốn xa xôi,
    Chắc thấy xuân sang, cũng ngậm ngùi
    Cho kẻ tựa thời gian ngóng bạn,
    Mắt buồn trông thấy cảnh xuân vui.

    Rũ hạt sương hoa, giọt lệ rơi,
    Nâng hoa ân ái để lên môi
    Tình quân nếu cũng trông mây, hẳn
    Cảm thấy tình em thả tuyệt vời.

    Có ai đem hộ đóa hồng tươi,
    Để bạn lòng em đón lấy cài
    Bên phía trái tim chàng thổn thức:
    Trông hoa hằng tưởng miệng em cười.





              

              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20032
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Mậu Tuất - 2018

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Tết Tây và Tết ta
    ___________________________________
    Nguyễn Hưng Quốc - 17.02.2015






              
              

    Sống ở ngoại quốc đúng 30 năm, tôi, cũng như bất cứ người Việt nào đang định cư ở hải ngoại, mỗi năm cũng đều có đến hai cái Tết: Tết Tây và Tết ta. Nhưng với riêng tôi, hình như có sự thiên vị rõ rệt: Chỉ có Tết ta mới thực sự là Tết.

    Sự thiên vị ấy có cái gì như nghịch lý. Bởi, về phương diện xã hội, Tết Tây dễ thấy hơn Tết ta. Cả mấy tuần trước, đi đâu cũng thấy không khí Tết: Tết trên đường phố và ở các cửa tiệm. Trong quan hệ liên cá nhân, Tết cũng hiện diện trong những bức thiệp và những lời chúc, trong những gói quà người ta nhận được hoặc gửi tặng cho bạn bè đồng nghiệp. Giao thừa Tết tây lại càng lớn. Ở thành phố Melbourne, nơi tôi sống, vào đêm giao thừa có cả hàng triệu người đổ xuống đường để cười đùa, hát hò và ngắm pháo bông. Pháo bông ở Melbourne không lớn và đẹp như ở Sydney nhưng dù sao cũng rất ấn tượng, đủ để cả triệu người say mê. Trong môi trường đại học, nơi tôi làm việc, không khí Tết cũng rất rõ rệt qua việc nghỉ lễ kéo dài cả tuần lễ, từ Giáng sinh đến tận mồng 3 hay mồng 4 tháng giêng. Vậy mà, lạ, tự đáy lòng, tôi vẫn không thấy đó là Tết. Tôi gửi thiệp hoặc tặng quà cho người này người nọ như một thứ thủ tục trong quan hệ xã hội và nghề nghiệp. Những lời chúc bằng tiếng Anh gửi đi hoặc nhận được đều có cái gì như sáo ngữ chứ không có một nội dung cụ thể nào cả.

              
              
    Trong khi đó, với Tết Việt Nam thì lại khác. Trước Tết mấy tuần, đã có chút gì nao nao và nôn nao. Cứ đếm từng ngày, từng ngày. Để làm gì? Tôi cũng không biết nữa. Những năm Tết Việt Nam rơi vào giữa tuần, tôi vẫn phải đi làm. Ở nhà cũng không có gì đặc biệt. Không bàn thờ. Không cúng. Không đến chùa. Không hái lộc. Không xem hướng xuất hành. Không xông đất. Và cũng hiếm, thật hiếm khi tham gia các hội chợ Tết do các cộng đồng tổ chức. Vậy mà, năm nào tôi cũng thấy không khí Tết đầy ắp trong nhà. Và, nhất là, trong lòng: Có cái gì đó cứ nôn nao. Ngay cả khi ngồi một mình, giữa khuya, trước màn ảnh computer, vẫn có cảm giác như có người, nườm nượp người, chung quanh. Không phải chỉ có những người còn sống mà cả những người đã chết. “Những người muôn năm cũ”. Tất cả đều về, đông đúc và ồn ào. Để… đón Tết với tôi.





    Tại sao? Lý do chủ yếu, theo tôi, là
    Tết ta gắn liền với ký ức,
    còn Tết tây thì không.
              
    Và vì gắn liền với ký ức, Tết ta, với chúng ta, không phải là sự kiện mà là một không gian. Chúng ta có thể tránh được sự kiện, nhưng không tránh được không gian. Không gian bao trùm lấy chúng ta, hơn nữa, chuyển hóa mọi sinh hoạt thành Tết, hay nói cách khác, nó Tết-hóa mọi thứ.

              
              
    Xin lấy chuyện ăn uống ngày Tết làm ví dụ.

    Ở những nơi khác, người ta đón Tết, mừng Tết; ở Việt Nam, chúng ta ăn Tết. “Ăn”, như ăn tiệc, ăn cưới, ăn giỗ, ăn liên hoan. Thật ra, chúng ta cũng cử hành nhiều nghi lễ và tổ chức nhiều hội hè như ở các nơi khác, nhưng việc ăn uống, với chúng ta, bao giờ cũng chiếm vị trí trung tâm. Người sống ăn. Người chết ăn (cúng). Cả thần linh (ông Táo) cũng được ăn uống linh đình. Trong ký ức cũng như tâm thức của người Việt, không có gì liên quan đến Tết mà lại không gắn liền với một số loại thực phẩm nào đó. Trong sáu hình ảnh tiêu biểu của ngày Tết được nêu lên trong câu đối quen thuộc “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, có đến ba thứ, tức một nửa, là thực phẩm. Nhưng đó không phải là tất cả. Cái gọi là “thịt mỡ” ấy, ở miền Bắc thường là thịt đông; ở miền Nam, là thịt kho tàu; ở miền Trung, là giò heo hầm chuối chát hoặc thịt ngâm nước mắm. “Dưa hành” chủ yếu ở miền Bắc, ở miền Trung là củ kiệu và dưa món; ở miền Nam là các loại dưa giá hẹ muối xổi. Hiện nay bánh chưng phổ biến khắp nơi, nhưng ngày trước, ở miền Nam và miền Trung, hầu như chỉ có bánh tét.

    Nhiều người than thở:
    • Các loại thực phẩm vốn được xem là đặc sản của Tết đang dần dần mất hết ý nghĩa. Bây giờ, trong chợ hay siêu thị, từ Việt Nam ra ngoại quốc, ở đâu có đông người Việt, bất cứ ngày nào, tháng nào, mùa nào cũng có bánh chưng và bánh tét. Thịt kho hay thịt đông, ngày xưa, chỉ xuất hiện trên các mâm cỗ Tết, bây giờ, là thức ăn hàng ngày. Thích lúc nào người ta ăn lúc ấy. Chả có gì là đặc biệt nữa.
              
    Thì đành là đúng.
    Nhưng điều đó không có nghĩa là ý nghĩa của thức ăn ngày Tết không còn. Còn, ở một điểm:
    • Bình thường, chúng là thức ăn, ăn cho no hoặc cho khoái khẩu;
    • ngày Tết, chúng là thức ăn của huyền thoại, ăn để… nhớ.
              
              
              





    Như bánh chưng, chẳng hạn. Ngày thường, chúng ta có thể ăn bánh chưng. Nhưng những lúc ấy, bánh chưng chỉ là bánh chưng. Người ta ăn vì thích, hoặc nhiều hơn, vì tiện: khỏi phải nấu nướng và có thể giữ được lâu. Trong không khí ngày Tết, việc mua hoặc nấu bánh chưng không còn là một chọn lựa ngẫu nhiên hay một ý thích bất chợt, xuất phát từ khẩu vị, mà là một điều gần như bắt buộc, gắn liền với bổn phận, có tính chất nghi lễ: Nhà nào cũng có. Tính chất “bắt buộc”, “bổn phận” và “nghi lễ” ấy làm cái bánh chưng trở thành một biểu tượng, nghĩa là vừa là một vật thể vừa là một ý nghĩa. Ý nghĩa ấy lại gắn liền với sự tích bánh chưng và bánh dày với Lang Liêu (hay còn gọi là Tiết Liêu) và vua Hùng Vương thứ 6, với ý niệm về Trời và Đất, về công cha và nghĩa mẹ, và gần đây, theo một số học giả về Việt học, về tín ngưỡng phồn thực với hình ảnh của dương vật (bánh chưng, ngày xưa, có hình dài, giống bánh tét bây giờ) và âm vật (bánh dày).

    Từ đó, trong ngày Tết, chỉ trong ngày Tết, bánh chưng trở thành biểu tượng của truyền thống, và nhờ tính truyền thống ấy, cái bánh bỗng có chiều dày của thời gian. Nó có ký ức.
    • Trước hết là ký ức chính thức được ghi trong sử sách:
      Ăn bánh chưng trong ngày Tết, do đó, là ăn cùng với Lang Liêu, với các vua Hùng, và với tổ tiên nói chung.
                
    • Sau nữa là ký ức cá nhân:
      Không có người nào sinh ra và lớn lên tại Việt Nam mà lại không có ít hay nhiều kỷ niệm với bánh chưng, từ kỷ niệm mổ heo đến kỷ niệm nấu bánh và ăn bánh. Văn chương Việt Nam đầy dẫy những loại kỷ niệm như thế. Ăn bánh chưng, do đó, là sống lại một quãng đời đã mất.
              
              



    Cả ký ức cá nhân lẫn ký ức tập thể ấy đều đưa chúng ta về nguồn:
    Việt Nam.
              
    Một thứ trái cây khác, như dưa hấu, cũng vậy.
    • Mùa hè, trời nóng, hầu như trong chúng ta ai cũng ít nhiều ăn dưa hấu. Bản thân tôi, có thời gian, mùa hè, hầu như ngày nào cũng ăn dưa hấu. Đi làm về, bước ra khỏi xe vào nhà, mồ hôi đầm đìa, công việc đầu tiên tôi làm là mở tủ lạnh, lấy dĩa dưa hấu cắt sẵn, ngoạm từng miếng. Dưa hấu trôi đến đâu, hơi mát tràn đến đó. Nhưng, những lúc như thế, tôi chỉ ăn dưa hấu. Thuần túy là dưa hấu. Dưa hấu mua từ chợ hoặc siêu thị.
    • Nhưng cũng những miếng dưa hấu ấy, trong ngày Tết, có cái gì khác hẳn. Tôi thường thoáng chút ngần ngại khi phải bổ trái dưa hấu. Tôi muốn đặt nguyên trái trên bàn. Để có không khí. Khi ăn, tôi cắn từng miếng, từng miếng thật chậm. Và Tết nào cũng thế, cũng đều nhớ đến chuyện An Tiêm ngày xưa. Đó là trái dưa hấu của An Tiêm, con nuôi của vua Hùng. Nhớ thế, tôi ngỡ như đang ăn dưa hấu chung với An Tiêm.
              
    Mà đâu phải chỉ có An Tiêm. Cùng với An Tiêm, còn có
    • Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh và Kiều Phú, những người đầu tiên chép truyện An Tiêm trong Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ 14-15),
    • rồi Nguyễn Trọng Thuật, tác giả của Quả dưa đỏ (1925), một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam mà tôi đọc hồi nhỏ, những năm đầu của trung học.
    • Ngoài những tên tuổi lớn ấy, mỗi lần ăn dưa hấu ngày Tết, tôi còn nhớ một người khác, Lê Quý Long, một người đồng hương của tôi, người, trong cuốn Việt sử văn vần, xuất bản ở Huế năm 1971, có bài thơ về An Tiêm:
      • “An Tiêm phải bị cha đày / Sống nơi hoang đảo chuỗi ngày bơ vơ / Một hôm chim lạ tình cờ / Nhả rơi một hạt ai ngờ giống dưa […] Mang theo dưa hấu nặng nề / Nên bây giờ có khắp quê hương mình.”
      Bài thơ đơn giản, như một bài diễn ca, không có gì đặc sắc, vậy mà, không hiểu sao, đã trên 40 năm rồi, tôi vẫn nhớ. Không trọn vẹn. Nhưng nhớ. Tôi nghĩ, nhớ được, không phải vì bản thân bài thơ. Mà là vì những quả dưa hấu ngày Tết: Chúng nhắc.

    Những ví dụ nho nhỏ trên cho thấy, trong ngày Tết, ngay cả những thứ mọn nhất, từ một quả dưa hấu đến một lát bánh chưng hay bánh tét, đều có hấp lực kéo chúng ta về quá khứ:
    • Nhỏ, là những kỷ niệm thuộc về cá nhân;
    • lớn, là truyền thống của cả một dân tộc.
    Chính vì thế, Tết, chúng ta thường hay hồi tưởng và nhớ vu vơ.
    Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh. Có một khía cạnh khác, lớn và có ý nghĩa chính trị hơn:
    • mọi thứ trong ngày Tết đều vun bồi ký ức tập thể trong mỗi người, khiến mỗi người tự thấy mình là một thành viên của cả một cộng đồng đông đúc, là một đoạn ngắn trong chuỗi dài của lịch sử dằng dặc. Với ý thức ấy, chúng ta trở về với gốc rễ của chúng ta:
      Việt Nam.
              
              Nói Tết ta khác với Tết Tây là vì thế.





    Nguyễn Hưng Quốc
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20032
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Mậu Tuất - 2018

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          






Anh Cho Em Mùa Xuân
Kim Tuấn . Nguyễn Hiền
____
Lệ Thu




______________
Anh cho em mùa xuân
nụ hoa vàng mới nở,
chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
chân bước mòn vỉa phố
mắt buồn vin ngọn cây

Anh cho em mùa xuân
mùa xuân này tất cả
lộc non vừa trẩy lá
Lời thơ thương cõi đời
bầy chim lùa vạt nắng
trong khói chiều chơi vơi

Đất mẹ gầy có lúa
đồng ta xanh mấy mùa
Ngoài đê diều căng gió
thoảng câu hò đôi lứa
Trong xóm vang chuông chùa
trăng sáng soi liếp dừa
Con sông dài mấy nhánh
cát trắng bờ quê xưa

Anh cho em mùa xuân
trẻ nô đùa khắp trời
Niềm yêu đời phơi phới
Bàn tay thơm sữa ngọt
giải đất hiền chim hót
mái nhà xinh kề nhau

Anh cho em mùa xuân
đường hoa vào phố nhỏ
nhạc chan hòa đây đó
Tình yêu non nước này
bài thơ còn xao xuyến
rung nắng vàng ban mai

...
Anh cho em mùa xuân
Nhạc thả tràn muôn lối













:flwrhrts:

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20032
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Mậu Tuất - 2018

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Chiều xuân
    ___________________________________
    Anh Thơ - 1941





              

    Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
    Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
    Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
    Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.

    Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
    Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
    Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
    Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

    Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
    Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
    Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
    Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.





              

              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20032
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Mậu Tuất - 2018

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    cần tí ngoại ngữ
    ___________________________________


    • Mèo bố dắt con đi rình chuột.
      Lũ chuột biết tỏng mèo đang rình nên cứ nằm im không ra. Mèo bố rướn cổ lên trời sủa
      • “Gâu… gâu… ” vài tiếng.
      Chuột nghe vậy nghĩ mèo đã bị chó đuổi nên lục tục kéo ra. Mèo bố nheo mắt hảnh diện nói với con:
      • “Thấy chưa, kiếm ăn đôi khi cũng cần tí ngoại ngữ.”
              

              
    .:lol2:

              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20032
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Mậu Tuất - 2018

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Mùa xuân thần thoại
    ___________________________________
    Nguyễn Thị Thêm - 06.01.2015







    Tôi bước xuống phi trường Narita mà tưởng mình còn mơ ngủ. Kéo chiếc va li nhỏ tôi cố chạy theo cho kịp mẹ nuôi. Mẹ dừng lại nhìn tôi mỉm cười từ ái.

    Thoáng chốc mẹ đã quên mình là lính. Còn tôi chân có vấn đề và là một đứa bé mồ côi lần đầu tiên ra khỏi Việt Nam. Mẹ đưa tay định kéo hành lý dùm tôi. Nhưng tôi giữ lại và cương quyết tự làm cho mình. Bề nào tôi cũng là một thanh niên ở độ tuổi khỏe mạnh nhất.

    Mẹ đi sát bên tôi. Hai mẹ con trình giấy tờ ở hải quan, xuống nhận hành lý. Qua khu vực kiểm soát và đẩy xe ra ngoài. Đây là lần đầu tiên tôi được đi máy bay và thật vô cùng tuyệt vời tôi được đến nước Nhật. Một đất nước mà tôi chỉ biết qua sách vở và trong những giấc mơ. Tôi không biết làm sao để diễn tả tâm trạng tôi lúc này. Mọi thứ vượt ngoài tầm hiểu biết và tưởng tượng của tôi. Tôi nhắm mắt lại và thầm thì với chính mình:
    • -Đây là nước Nhật. Mình đang ở nước Nhật.
              
    Tôi không thể hình dung được đi máy bay là như thế này. Những sự phục vụ trên phi cơ, những tiện nghi, thức ăn nó là như vậy. Tôi không thể nghĩ mình đã đặt chân đến nước Nhật với những con người và phương tiện tân tiến nhất nhì thế giới. Ơn trên đã mở cho tôi một cánh cửa thiên đàng. Tôi bước vào đó dọ dẫm ngỡ ngàng với cái chân tàn tật và một tâm hồn đầy sẹo của quá khứ.

    Mẹ không để tôi đẩy hành lý mà kêu tôi đi theo. Một người trung niên đã đợi sẳn bên ngoài. Mẹ giới thiệu đây là bạn cùng đơn vị của mẹ. Tôi run run bắt tay sau lời chúc mừng của bác ấy. Bác đẩy xe và mẹ bấm thang máy để đi lên. Bãi đậu xe ở tầng lầu. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Mỹ. Tôi không thể hiểu họ nói những gì, chỉ biết họ rất thân tình, vui mừng gặp lại nhau.

    Để túi xách nhỏ vào xe. Tôi ngồi vào băng sau và thấy mình như say sóng. Mọi việc diễn tiến như một chuyện cổ tích mà tôi giống như cô bé Lọ Lem được hoàng tử chọn để kết hôn.




    ......

    Tôi là một đứa bé mồ côi từ lúc mới sinh ra đời. Không phải cha mẹ tôi chết mà họ đã vứt tôi trước cửa nhà một vị hảo tâm. Tôi chỉ nghe mẹ nuôi tôi nói như vậy. Người mẹ nuôi tôi không phải là người phụ nữ da trắng đang ngồi phía trước xe. Mà là một người phụ nữ VN đã bị mất con trong một lần sinh khó. Người chồng phản bội đã bỏ nhà đi theo một người đàn bà khác. Đau khổ cùng cực vừa mất con lại mất chồng. Mẹ nuôi tôi gục ngã tưởng không thể vực dậy được. Bà trở nên như người loạn trí, lúc nào cũng đi tìm con. Bà nghĩ con mình còn sống và đang bị thất lạc ở một nơi nào đó. Ông Bà ngoại tôi đem con gái về chăm sóc. Với trái tim yêu thương con vô tận, ông bà đã xin một đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi trong bệnh viện, đem về làm đứa cháu ngoại tưởng bị thất lạc cho con của mình.

    Đứa con đó cũng không phải là tôi, mà là người con nuôi lớn nhất của mẹ. Mẹ tôi lần hồi bình phục với đứa con còn đỏ hỏn mới đôi ba ngày tuổi. Ông bà ngoại coi đứa bé như ruột thịt. Thương yêu và hết lòng chăm sóc. Rồi tiếng lành đồn xa. Thêm một đứa trẻ mới sinh được vứt trước nhà ông bà ngoại. Rồi đứa thứ hai và tới tôi là đứa thứ ba. Mẹ tôi đã vứt tôi trước cửa nhà người lạ và biến mất. Không biết bà có núp ở một góc nhà nào đó để theo dõi tiếng khóc của tôi. Hay xem mẹ nuôi tôi đã làm gì với đống vải nhăn nhúm quấn lấy tôi mới sinh được 3 ngày tuổi.

    Đương nhiên là tôi không biết gì hết. Tôi không biết cha mẹ mình là ai và vì sao họ bỏ rơi tôi. Tôi không biết mình lúc đó mình khóc nhiều hay ít? Tôi bú sữa bò hay nước cháo để sống còn? Tôi dễ nuôi hay èo uột, tôi cũng chẳng hay. Bốn đứa con nít chỉ biết ăn biết bú khóc mãi không thôi. Hẳn chỉ có những người có trái tim thật nhân từ và nhẫn nại mới mở lòng ra cưu mang như vậy. Ông bà ngoại làm việc nhiều lần hơn để nuôi bầy cháu nhỏ không ruột thịt gì với mình. Mẹ nuôi tôi mất một đứa con, nhưng có đến 4 đứa khác để bù trừ. Mẹ quên cả bệnh, mẹ quên cả bản thân mình. Mẹ quần quật cả ngày để chỉ sống vì chúng tôi. Nhà nghèo, còn ít đất đai ông bà để lại, ông bà ngoại cắt bán dần để nuôi chúng tôi.

    Khi tôi lớn hơn một chút, tôi nhận thức được tôi khác hơn các anh chị của mình. Một cái chân tôi không đi được. Tôi đi từng bước khó nhọc mà người xung quanh gọi tôi là "Thằng thọt". Tôi buồn lắm mỗi khi chạy chơi với các anh chị trong nhà. Tôi luôn bị thua thiệt vì sự không nguyên vẹn của mình. Trong tôi là sự mặc cảm về thân phận tật nguyền.

    Mẹ nuôi tôi không gì vậy mà hất hủi tôi. Bà yêu thương tôi hơn các anh chị khác. Bà thường gọi đùa tôi là “Con trai đích tôn” Lúc đầu tôi không hiểu gì cả vì trước tôi đã có anh Ba rồi mà. Sau này trong một lần trò chuyện tôi đã hiểu và thương yêu ông bà ngoại và mẹ hơn bao giờ hết. Nguyên do là lúc nhỏ tôi bị sốt tê liệt. Ông bà ngoại đã bán nốt miếng đất hương quả ông bà cố để lại cho cháu đích tôn mà chạy chữa cho tôi. Tôi thoát chết, nhưng một chân đã bị rút teo lại. Tội nghiệp mẹ tôi đã cố gắng tập cho tôi đi lại, bao nhiêu thuốc thang để cái chân tôi được như bây giờ. Tôi mang một cái chân bất toàn như mang cả một nghĩa tình và ân huệ của ông bà và mẹ tôi. Những người không hề có dính dáng với máu mũ, ruột thịt.

    Tôi lớn lên trong căn nhà tình nghĩa đó. Ông bà ngoại ngày một già, tiền bạc cũng không còn. Mẹ tôi bôn ba buôn bán không đủ nuôi mấy miệng ăn đang độ tuổi lớn. Chúng tôi không thể đến trường đều đặn mà phải cùng nhau đi làm để phụ kiếm sống. Các anh chị tôi thay nhau vừa bán vé số vừa đi học. Tôi cũng vậy, la lết ở các bến xe, nhà hàng để kiếm cơm.

    Ông ngoại bệnh nặng, mẹ tôi phải ở nhà chăm sóc. Tôi 8 tuổi ôm tập vé số len lỏi chốn chợ đời. Trái tim nhân hậu của con người dường như bị đánh mất trong xã hội lừa đảo. Tôi thường xuyên bị đánh vì bị giành mối. Có lúc về nhà trắng tay vì cả xấp vé số và tiền bị trấn lột. Có những cạm bẩy mà xã hội đã đưa anh em chúng tôi lạc bước. Đồng tiền của người nghèo đổi bằng nhiều thứ trong đó có sự gian xảo lọc lừa. Đồng tiền nhầu nát và bẩn thỉu, có khi đổi bằng nước mắt và cả chính máu và mạng sống của mình.

    Bụi đời cũng có lắm phe nhóm, băng đảng và phe cánh. Ngoại và mẹ dạy chúng tôi phải lương thiện. Ôi! Lương thiện chỉ từ chết đến bị thương. Bản năng sinh tồn không cho phép con người khoanh tay khi bị đàn áp và ức hiếp. Anh Ba tôi đã phẩn nộ chống cự, gây ra ấu đả đổ máu đụng đến công an can thiệp. Cuối cùng của bi kịch đời người là tất cả anh em chúng tôi bị lôi ra khỏi vòng tay mẹ nuôi và bị đưa vào trại mồ côi. (trừ chị Hai tôi có giấy tờ xin nuôi chính thức.)

    Tôi rời xa căn nhà thân yêu đã cưu mang tôi khôn lớn là ngày giỗ đầu ông ngoại. Năm đó tôi vừa 12 tuổi. 12 tuổi của một đứa bé mồ côi và lăn lóc chợ trời để mưu sinh thì sự hiểu biết cũng chính chắn lắm rồi. Tôi đã biết đâu là tình thương yêu thật sự. Đâu là nơi tiếp nhận những đứa bé bụi đời. Tôi không muốn đi vì mẹ nuôi tôi đã là một phụ nữ trung niên hay đau yếu. Bà ngoại cũng đang bước dần vào những ngày cần người chăm sóc đở đần. Chúng tôi phải bỏ hai người lại trong nước mắt. Tôi tự nhủ với lòng sẽ có ngày trở về phụng dưỡng trả ơn.

    Tất cả chúng tôi bị đưa lên xe và bước vào một cuộc sống mới. Trong viện mồ côi, chúng tôi phải sống với rất nhiều bạn đồng trang lứa. Họ cùng có cuộc sống bụi đời lang thang để kiếm sống như chúng tôi. Tuy nhiên tôi có phước hơn họ là đã từng có một mái nhà, có ông bà và mẹ. Có gia đình ấm cúng thương yêu dù chẳng ruột rà. Còn họ đủ mọi thành phần bị gom bắt đưa về đây. Có bạn hút xì ke lên cơn la hét cả đêm. Có bạn người đầy những vết sẹo vì đâm thuê chém mướn. Có bạn chuyên nghề móc túi hay dẫn gái ăn sương. Họ thích sống bụi đời. Họ tự do quậy phá quen rồi. Họ không muốn cuộc sống tù túng bó buộc nơi này. Tâm lý của họ là phó cho định mệnh. Họ tin đời họ chẳng bao giờ có tương lai tươi sáng.

    Nghe lời dặn dò của mẹ nuôi trước lúc ra đi. Tôi siêng năng học chữ, học nghề. Tôi không trốn trại ra ngoài rong chơi. Tôi chấp hành kỷ luật dù khó đến đâu. Tôi nhịn nhục dù bị bức hiếp rất nhiều của những người bạn chung phòng. Tôi tự nhủ:
    • "Đây là điều kiện để mình trưởng thành và tự lập"
    Tôi nhớ lời ông ngoại đã nói
    • "Dù chân con có tàn tật, nhưng đầu óc con minh mẫn. Hãy tự tin ở mình và đứng thẳng lên bằng trí tuệ"
    Đêm đêm tôi úp mặt xuống gối khóc vì nhớ mẹ nhớ ông bà. Tôi nhớ quá chừng căn nhà nghèo nàn dột nát mà ấm cúng thâm tình. Họ tuy không giàu có, nhưng trái tim và lòng nhân ái của họ thật bao la.




    Một ngày tôi được gọi lên văn phòng. Trước mặt tôi là một người phụ nữ da trắng trung niên. Đây là người đã lập thủ tục để xin con nuôi tại Việt Nam mà tôi được giới thiệu là một trong số người đạt đủ tiêu chuẩn. Tôi lặng người đi vì hồi hộp. Tôi có được chọn không? nếu chọn tôi sẽ đi đâu? Cuộc sống thế nào? Tôi còn có cơ hội để thăm viếng và giúp đở mẹ nuôi tôi không? Tôi run run cúi mặt lo lắng. Người phụ nữ có mái tóc vàng thật đẹp, gương mặt phúc hậu bước lại gần tôi. Bà nắm bàn tay tôi ấm áp. Bà nhìn tôi trìu mến. Có lẽ thành tích của tôi ở trường khiến bà hài lòng.

    Tôi được mời lên văn phòng nhiều lần để làm thủ tục giấy tờ. Tôi bằng lòng làm con nuôi người phụ nữ có gương mặt phúc hậu ấy. Tôi sẽ có thêm một bà mẹ. Sẽ bước qua một bước ngoặc mới. Tôi sẽ cố gắng học tập và làm tốt bản thân. Còn những gì kế tiếp thật tình tôi không dám nghĩ đến.

    Người muốn đem tôi về làm con nuôi là một người phụ nữ Mỹ độc thân. Bà là nữ Đại Úy không quân trong quân lực Hoa Kỳ. Bà là một người tham gia nhiều chương trình từ thiện tại VN. Hiện tại bà đang công tác tại một căn cứ không quân của Mỹ tại Nhật Bản. Sau bao nhiêu lần mẹ nuôi tôi đi đi về về, tốn rất nhiều tiền để hoàn tất giấy tờ thủ tục. Tôi chính thức được công nhận làm con nuôi của mẹ Lisa theo đúng luật định. Bà là một người phụ nữ có lòng hảo tâm. Khi nghe tôi kể về quá khứ của mình, bà đã đến nhà mẹ nuôi tôi và hết lòng giúp đở. Bà cho tôi đi học thêm sinh ngữ và chỉ dạy tôi rất nhiều về cuộc sống ở Mỹ để dễ hội nhập







    ........

    Tôi đã đến nơi này, một căn cứ không quân Hoa Kỳ trong lòng nước Nhật. Hai mẹ con tôi sống trong một căn hộ được chính phủ cấp khang trang. Tôi được giới thiệu với các bạn bè của mẹ. Ban đầu tôi rất mặc cảm vì thân thế của mình. Nhưng dần dà tôi mới thấy rõ những tư tưởng phóng khoáng của người Mỹ. Họ tôn trọng giá trị và tự do của mỗi con người không phân biệt xuất thân. Những người lính nơi đây cho tôi một cảm giác ấm áp tình thân như người trong một gia đình.

    Tôi thấy mình thật hạnh phúc và may mắn có thêm một bà mẹ nuôi hết sức tốt bụng. Bà đã coi tôi như con đẻ, chăm sóc tôi chu đáo, chuẩn bị cho tôi tất cả để tôi không thiếu thốn một thứ gì. Bà đã bỏ tất cả thời gian sau giờ công tác để dạy tiếng Anh cho tôi. Trong nhà mọi nơi, mọi chỗ đểu có gắn những mẫu giấy nhỏ ghi rõ tên bằng Anh ngữ của đồ vật đó. Bà lấy ngày nghỉ để dẫn tôi đi chơi. Chỉ cho tôi và dạy tôi nói cho đúng. Bà mời cô giáo đến tận nhà để dạy tôi học để theo kịp bạn bè khi tới lớp. Mỗi ngày bà nấu cho tôi những món ăn Việt Nam mà bà học được trên Internet. Có khi ngon, có khi dở nhưng tôi rất thích vì mẹ đã nấu bằng cả trái tim. Bà đã cho tôi một tấm gương về cuộc sống tự lập và sự tốt đẹp của người quân nhân Hoa Kỳ.

    Tôi đã đến trường và có nhiều bạn. Mỗi sáng tôi ra đón xe bus trước nhà để đến trường trong căn cứ . Tuy hơi khó khăn trong vấn đề ngôn ngữ nhưng tôi cố gắng nghe và cố gắng rèn luyện. Tôi là một thanh niên đầy đủ sức khỏe. Một học sinh lớp 10 đầy triển vọng. Tôi có một người mẹ tốt bụng, xinh đẹp và tài ba. Tôi sẽ đi lên bằng chính đôi chân không được nguyên vẹn của mình. Bằng nghị lực và niềm tin vào ngày mai tôi tin tôi sẽ thành công.

    Con người không ai có thể chọn xuất thân của mình. Tôi đã không may mắn được mẹ ruột thương yêu, đùm bọc. Mẹ bỏ tôi cho người khác hẳn mẹ có nỗi khổ riêng tư. Hai người mẹ nuôi đã cho tôi thấy tình mẫu tử trong trái tim tiềm ẩn của mỗi người phụ nữ. Tôi không trách mẹ ruột và càng yêu kính mẹ nuôi. Trong đời tôi may mắn có đến 3 bà mẹ. Xin ơn trên cho tất cả các bà mẹ của tôi đều được bình an.

    Tôi cũng không mặc cảm mình là người Việt nam nói không rành tiếng Mỹ. Rồi ngày qua ngày tôi sẽ nói rành rọt như họ. Tôi cũng không vì cái chân không được nguyên vẹn mà bỏ rơi ý chí và ước mơ của mình. Tôi sẽ học giỏi và sẽ là một bác sĩ quân y tương lai như mẹ nuôi. Tôi sẽ giúp đở những trẻ em khuyết tật, những đứa bé mồ côi như tôi.
    • "Không có gì là không thể thực hiện nếu mình quyết tâm."

    Mẹ nuôi tôi đã nói với tôi như vậy. Tôi tin tưởng bà sẽ bên cạnh và giúp tôi thực hiện những ước mơ của mình. Nơi đây cũng có vài gia đình sĩ quan người Việt. Tôi đã đến đó, đã được cùng họ trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi đã nhận những thân tình và những lời dặn dò khuyên bảo. Tôi coi đây là một mái ấm thứ hai của mình trong căn cứ này.

    Tôi không hề cô đơn hay cảm thấy lẻ loi mà tôi thấy mình rất hạnh phúc. Ơn trên đã không bạc đãi mà đã cho tôi rất nhiều ân sủng và phước lành. Tôi phải nắm lấy những may mắn đó mà bước tới bằng tấm lòng biết tri ân và báo đáp. Một ngày nào đó trong tương lai tôi sẽ về lại VN. Bằng chính đồng lương của mình kiếm được. Tôi sẽ xây nhà cho mẹ nuôi và bà ngoại. Tôi sẽ cho mẹ tôi sống cuối đời no ấm, đầy đủ và hạnh phúc. Đứa con mẹ nhặt trước cửa nhà sẽ không bao giờ quên công ơn của mẹ.

    Mùa Xuân đã về trong căn cứ. Tôi cùng mẹ tham dự những buổi liên hoan dành cho gia đình binh sĩ. Tôi hãnh diện làm con của mẹ, tôi hãnh diện là một người Mỹ gốc Việt. Tôi cố gắng học tập, giúp mẹ những việc nặng nhọc, tôi phụ mẹ cắt cỏ, quét lá, dọn dẹp nhà cửa và nấu cho mẹ những món ăn VN mẹ thích. Tôi sẽ cho mẹ niềm vui để mẹ xóa đi nỗi buồn cô đơn của một người phụ nữ độc thân. Tôi sẽ cho mẹ một tình cảm mẹ con ấm áp.

    Căn nhà của chúng tôi lấp lánh ánh đèn trên cây thông Giáng Sinh. Hạnh phúc bao trùm hai mẹ con tôi trong đêm giá lạnh. Tình yêu thương không phân biệt màu da và chủng tộc. Mẹ con tôi hai con người đều thiếu thốn tình mẫu tử. Chúng tôi sẽ bù đắp cho nhau và xây dựng mái ấm gia đình. Đây là mùa Xuân đầu tiên của tôi nơi xứ người. Đêm nay tôi sẽ cùng mẹ Lisa countdown mừng xuân mới. Mùa Xuân nơi đây, xứ sở hoa Anh Đào sẽ là mùa Xuân thần thoại của tôi.




              


    Nguyễn thị Thêm
    Viết thay cho cháu Tuấn khi gặp cháu trong căn cứ Yokota

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5416
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Mậu Tuất - 2018

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Nguyễn Văn Đông & Một Thoáng Xuân Phai




    “Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
    Đợi mùa Xuân sang tô… màu nhớ”


    Trong hai thập niên (1954-1975) nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông phục vụ trong QLVNCH đã nổi tiếng nhiều ca khúc trữ tình, đặc biệt với ảnh người lính giữa thời chinh chiến. Trải qua nhiều thập niên, những tình khúc của ông từ lúc sáng tác cho đến nay ở hải ngoại vẫn làm rung động trái tim khi thưởng thức.

    Nguyễn Văn Đông là một nhạc sĩ thành danh của dòng nhạc tình ở Sài Gòn trước 1975, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng. Ông còn một vài bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà, Đông Phương Tử, Vì Dân, Hoàng Long Nguyên…

    Trong bài viết của Trường Kỳ “Nguyễn Văn Đông: Giữa Binh Nghiệp & Âm Nhạc” đề cập đến cuộc đời binh nghiệp:

    “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932 tại quận Nhất, Sài Gòn. Nguyên quán ông bà, cha mẹ ông ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Thuở nhỏ ông theo học trường Huỳnh Khương Ninh ở Đa Kao. Khi đất nước gặp phải những biến động lớn lao vào năm 1945, gia đình ông bị liệt vào thành phần địa chủ, cường hào nên lâm vào cảnh khuynh gia bại sản, gia đình ly tán. Do đo, tuổi thơ của ông là người con duy nhất trong gia đình cũng bị vùi dập để cuốn theo thời cuộc lúc bấy giờ.

    Sau khi trường trung học Hùynh Khương Ninh đóng cửa, ông tự ý xin gia nhập trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam. Đó cũng là nơi đào tạo nhiều vị tướng lãnh tài ba của Quân Đội VNCH. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã trải qua 5 năm theo học ở ngôi trường này.. Và chính tại đó ông đã được học nhạc và văn hóa với những giáo sư người Pháp có thực tài. Đó là những giảng viên của Viện Âm Nhạc Quốc Gia Pháp được cử về trường Thiếu Sinh Quân giảng dạy. Trong thời gian ông theo học tại trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, Nguyễn Văn Đông là một thành viên của Ban Quân Nhạc Thiếu Niên, khi mói lên 15 tuổi: “Trường Thiếu Sinh Quân có riêng một đoàn quân nhạc trên 40 người có tầm vóc của người lớn, nhưng lại do chính những em Thiếu Sinh Qưân chưa quá 16 tuổi đời cử hành nhạc và do một giáo sư nhạc trưởng người Pháp chỉ huy. Đoàn quân nhạc của chúng tôi có những nhạc sĩ tí hon có mặt trong những buổi lễ duyệt binh, diễu hành quan trọng một cách đường hoàng như các đoàn quân nhạc chuyên nghiệp người lớn”.

    Với đoàn quân nhạc tí hon này, ông sử dụng nhiều nhạc khí như: trompette, clairon, trống, chập chả, vv… Nhưng một cách chuyên nghiệp hơn là ông sử dụng đàn madoline và guitare Hawaiienne trong ban nhạc nhẹ của trường.

    Nhờ sống trong một môi trường âm nhạc sôi động như vậy trong trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, Nguyễn Văn Đông đã có dịp học sáng tác từ những giáo sư người Pháp. Kết quả là ông đã viết được những ca khúc đầu tiên ở tuổi 16 như Thiếu Sinh Quân Hành Khúc, Tạm Biệt Mùa Hè…

    Những nhạc phẩm này đã đuợc nhà trường chấp thưận cho phổ biến và được rất nhiều bạn bè ưa thích. Ông cho biết cho đến nay tuy đã gần 60 năm sau, nhưng khi ông gặp lại một số bạn bè, những người này vẫn còn thuộc nằm lòng những ca khúc này và hát lại cho nhau nghe như những kỷ niệm khó quên của thời niên thiếu.

    Trong suốt 5 năm theo học ở trường Thiếu Sinh Quân, ông luôn luôn đoạt giải giọng ca hay nhất toàn trường…” (TK).


    (Ghi chú thêm: Cuối năm 1951, sau khi ra trường Thiếu Sinh Quân, Nguyễn Văn Đông nhập ngũ vào Quân Đội Quốc Gia, mang số quân: 52/120.117, theo học khóa 4 trường Võ Bị Địa Phương Nam Việt Vũng Tàu (còn gọi là Trường Võ Bị Cap Saint Jacques). Tháng 10 năm 1952, mãn khóa tốt nghiệp thủ khoa với cấp bậc Thiếu Úy. Qua năm 1953, được cử đi học khóa huấn luyện Đại Đội Trưởng tại trường Võ Bị Đà Lạt. Cũng năm này, ông có chân trong ban giám khảo chấm thi khóa Võ Bị Đà Lạt 1953 do Quốc Trưởng Bảo Đại chủ tọa lễ bế giảng khóa.

    Năm 1954, ông được gửi ra Hà Nội theo học khóa Tiểu Đoàn Trưởng tại Trung Tâm Chiến Thuật Hà Nội. Ra trường, ông được giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ Trọng pháo 553 và là Tiểu Đoàn Trưởng trẻ nhất của Quân Đội Quốc Gia khi mới 22 tuổi. Sau Hiệp định Genève 1954, di chuyển vào Nam, được thăng cấp Trung Úy, phục vụ tại Phân Khu Đồng Tháp Mười với chức vụ Trưởng Phòng Hành Quân, dưới quyền Đại Tá Nguyễn Văn Là.

    Đầu tháng 11 năm 1955, ông chuyển biên chế sang Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, được cử chức vụ Trưởng Phòng 3 của Phân Khu Đồng Tháp Mười. Năm 1956 ông tham gia Chiến Dịch Thoại Ngọc Hầu, hình ảnh ông được đăng trên bìa báo Chiến Sĩ Cộng Hòa. Cuối năm 1957, ông được cử đi du học khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ. Ngày Quốc khánh Đệ Nhất Cộng Hòa 26 tháng 10 năm 1959, ông được thăng cấp Đại Úy.

    Sau ngày 1/11/1963, ông được thăng cấp Thiếu Tá và được chuyển về Bộ Tổng Tham Mưu phục vụ ở Khối Lãnh Thổ. Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1968, ông được thăng cấp Trung Tá phục vụ trong Khối Lãnh Thổ. Ngày Quốc Khánh Đệ Nhị Cộng Hòa 1 tháng 11 năm 1972, ông được thăng cấp Đại Tá làm Chánh Văn Phòng cho Tổng Tham Mưu Phó. Ông đã ở chức vụ này cho đến cuối tháng 4 năm 1975. (Trung Tướng Nguyễn Văn Là, Tổng Tham Mưu phó đặc trách Bình Định & Phát Triển kiêm Tư Lệnh Địa Phương Quân & Nghĩa Quân. Vì vậy Đại Tá NVĐ coi như người thân tín)

    Ông từng được nhận huy chương cao quí nhất của Việt Nam Cộng Hòa là Bảo Quốc Huân Chương vào giữa thập niên 60…

    Trong sinh hoạt văn nghệ, từ năm 1958, Nguyễn Văn Đông là trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian của Đài Phát Thanh Sài Gòn… Năm 1959, Nguyễn Văn Đông là trưởng ban tổ chức đại hội thi đua Văn Nghệ Toàn Quốc, đã quy tụ trên 40 đoàn văn nghệ đại diện cho cả miền Nam cùng tranh giải suốt 15 ngày đêm tại Sài Gòn. Ông cũng từng nhận giải âm nhạc quốc gia vào cuối thập niên 50.

    Tuy phục vụ trong quân ngũ, Nguyễn Văn Đông còn là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca nổi tiếng, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân…. cho ra đời nhiều chương trình ca nhạc, các vở tuồng, cải lương. Chính Nguyễn Văn Đông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng…

    Là sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Công Hòa với cấp bậc Đại Tá. Ông đã viết nhiều nhạc phẩm về người lính miền Nam khi đó như Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Mấy Dặm Sơn Khê, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Lá Thư Người Lính…

    Theo lời tác giả “Bản nhạc Chiều Mưa Biên Giới được viết vào năm 1956. Khi ấy tôi là Trung Úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến. Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muới sát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…”

    Sau tháng Tư năm 1975, Nguyễn Văn Đông trải qua 10 năm lao tù và được trả về ngày 01 tháng Giêng, 1985 với lý do: “Đương sự bị bệnh sắp chết, nên cho phép gia đình đem về nhà chôn cất!”

    Sau khi ra tù Nguyễn Văn Đông chia sẻ “Khi trở về nhà, tôi mang theo nhiều chứng bệnh trầm trọng, tinh thần và thể xác bị suy sụp…”. Và niềm an ủi khi lập gia đình với người bạn đời – chị Thu trước năm 1975 nhân viên của hãng đĩa Continental do ông làm giám đốc – có một cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội với nhiều lọai kẹo bánh dưới tên Nhiên Hương ở Phú Nhuận, nguồn thu nhập của hai vợ chồng người nhạc sĩ suốt mấy thập niên qua. Năm 1990, diện H.O cho cựu Tù Nhân Chính Trị định cư tại Hoa Kỳ, Nguyễn Văn Đông không đi với suy nghĩ của ông “Do những căn bệnh ngặt nghèo tưởng như ‘hết thuốc chữa’ và do tinh thần suy sụp đến tột cùng, có lúc tôi đã nghĩ rằng mình không còn sống được bao lâu nữa nên chẳng còn thiết tha bất cứ chuyện gì, chỉ muốn từ bỏ tất cả để được thảnh thơi yên nghỉ ở cuối đời’’. Vẫn theo lời nhạc sĩ “Không hiểu do đâu, mà Trời Phật đã nhìn lại ông và, cho ông sống, dù là một đời sống ‘rất lê lết’ cho đến ngày hôm nay”.

    *Ca Khúc Mùa Xuân

    * Phiên Gác Đêm Xuân


    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ghi lại hồi ký thời điểm sáng tác ca khúc nầy:

    “Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, được xem là mặt trận tiền tiêu nóng bỏng vào thời bấy giờ. Khi ấy, tôi mang cấp bực Trung Úy, mới 24 tuổi đời, còn bạch diện thư sinh. Tuy hồn vẫn còn xanh nhưng tâm tình đã nung trong lửa chín ở quân trường. Chính tại Đồng Tháp Mười, vùng đất địa linh nhân kiệt, đã gợi hứng cho tôi sáng tác những bản hùng ca như Súng Đàn, Vui Ra Đi, một thuở được hát vang trong chiến dịch Thoại Ngọc Hầu. Rồi tiếp sau đó là các bản nhạc Phiên Gác Đêm Xuân, Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ được ra đời cũng tại vùng đất thiêng này. Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời.


    Ngày đó Đồng Tháp Mười còn là đồng không mông quạnh, lau sậy ngút ngàn, dân cư thưa thớt, sống co cụm trên những gò đất cao giữa vùng đồng lầy nước nổi quanh năm. Người ở hậu phương lúc bấy giờ nhìn về Đồng Tháp Mười như là vùng đất bí hiểm với những huyền thoại Lúa Ma nuôi quân đánh giặc, về Tổng Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Vương thời chống Pháp qua những trận đánh lẫy lừng ở Gãy Cờ Đen, Gò Tháp mà chiến tích được tạc vào bia đá ở Tháp Mười Tầng còn lưu lại đến ngày nay.

    Mùa Xuân năm đó, đơn vị tôi đóng trên Gò Bắc Chiêng, có tên là Mộc Hoá, nằm sát biên giới Việt Nam – Campuchia, sau này là tỉnh lỵ Kiến Tường. Đơn vị của tôi đã có những cuộc giao tranh đẫm máu vào những ngày giáp tết trên những địa danh Ấp Bắc, Kinh 12 và tuyến lửa Thông Bình, Cái Cái, Tân Thành. Dù vậy, mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. Cứ mỗi độ xuân về, sông Vàm Cỏ lại mang về từng đàn tôm cá từ biển hồ Tông Lê Sáp, vượt vũ môn theo đám lục bình trôi về vùng Tam Giác Sắt, như nhắc nhở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Đồng Tháp Mười lập danh sách cho những người được về quê ăn Tết.

    Vì còn độc thân nên tên tôi được ưu tiên ghi vào Sổ Nhật Ký Hành Quân và ở lại đơn vị trong những ngày Tết. Dù không ai nghĩ có đánh nhau ngày đầu năm nhưng quân lệnh phải được tuân hành nghiêm chỉnh. Trước ba ngày Tết, tôi được lệnh lên chốt tiền tiêu, tăng cường cho cứ điểm, mang theo chiếc ba-lô với chút hành trang lương khô, cùng tấm ảnh của người em gái hậu phương, cũng là cơ duyên sau đó để tôi viết nên bài tình ca Sắc Hoa Màu Nhớ.

    Tiền đồn cuối năm, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình. Tôi ngồi trên tháp canh quan sát qua đêm tối, chỉ thấy những bóng tháp canh mờ nhạt bao quanh khu yếu điểm như những mái nhà tranh, chập chờn dưới đóm sáng hỏa châu mà mơ màng về mái ấm gia đình đoàn tụ lúc xuân sang. Thay cho lời chúc Tết là tiếng kẻng đánh cầm canh và tiếng hô mật khẩu lên phiên gác.

    Vào đúng thời điểm giao thừa, ngọn đèn bão dưới chiến hào thắp sáng lên như đón chào năm mới thì cũng là lúc những tràng súng liên thanh nổ rền từ chốt tiền tiêu. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân.

    Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân:

    • “Đón giao thừa một phiên gác đêm
      Chào Xuân đến súng xa vang rền.
      Xác hoa tàn rơi trên báng súng
      Ngở rằng pháo tung bay
      Ngờ đâu hoa lá rơi…”


    Rồi mơ ước rất đời thường:

    • PK: “Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
      Mơ rằng đây mái nhà tranh
      Mà ước chiếc bánh ngày xuân
      Cùng hương khói vương niềm thương…
      ĐK: Chốn biên thùy này xuân tới chi?
      Tình lính chiến khác chi bao người
      Nếu Xuân về tang thương khắp lối
      Thương này khó cho vơi, thì đừng đến Xuân ơi!”


    Lúc đó Bộ Thông Tin cấm phát hành vì cho rằng lời ca mang tính tiêu cực như những dòng thơ của Chế Lan Viên thời tiền chiến trong bài thơ Chiều Xuân:

    • “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
      Đem xuân chi lại thêm sầu
      Với tôi, tất cả như vô nghĩa
      Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!”


    Bài Phiên Gác Đêm Xuân được ra đời trong hoàn cảnh như thế…, đánh dấu một chuỗi sáng tác của tôi về đời lính như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Xin Đừng Trách Anh, Lá Thư Người Lính Chiến, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt…. Sau ngày 30 tháng Tư năm 75, các bản nhạc này cùng chung số phận tan tác như cuộc đời chìm nổi của tôi…”.

    *

    Nhớ Một Chiều Xuân

    Ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân, sáng tác để kỷ niệm chuyện tình lãng mạn với một thiếu nữ bản xứ khi đi tu nghiệp Khóa Chỉ Huy & Tham Mưu ở Hawaii năm 1957.

    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết ca khúc nầy để nhớ một người con gái mang quốc tịch Áo.. Họ đã gặp và yêu nhau tại quần đảo Hawaii. Ngày chia tay để trở về Việt Nam, ông đã thề ước là sẽ trở lại và không phụ tình cô gái. Nhưng rồi chiến tranh liên miên, ngày càng thêm ác liệt, ông đã không thể thực hiện lời thề hẹn của mình. Cuộc tình ấy đã ly tan, với nỗi niềm:
    • “Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
      Chạnh lòng tôi khơi… bao niềm nhớ
      Người nơi xa xăm phương trời ấy
      Người còn buồn còn thương còn nhớ
      Nắng phai rồi…. em ơi!
      Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
      Một tình thương nơi… phương trời cũ
      Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá
      Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
      Tìm đâu bóng… hình ai?
    • ĐK
      Người vê còn nhớ… khúc hát
      Người yêu dấu bên bờ thành Vienne
      Lòng này còn quyến… luyến mãi
      Đêm Xuân dài mà đâu có hay
      Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời




    • Đợi mùa Xuân sang tô… màu nhớ
      Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
      Buồn tìm về tình ai đằm thắm
      Giờ vun vút trời mây!”



    Trong ca khúc Mấy Dặm Sơn Khê mang hình ảnh nơi núi rừng Tây Nguyên với nỗi buồn:

    • “Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng
      Chờ mùa Xuân tươi sáng, nhưng mùa thắm chưa sang
      Anh đến đây rồi anh như bóng mây
      Chốn phương trời ấm lạnh, hòa chung mái nhà tranh”


    Cũng như ca khúc Chiều Mưa Biên Giới, Lá Thư Người Lính Chiến, ca khúc nầy mang hình ảnh nơi núi rừng cao nguyên với nỗi buồn nên một thời bị Bộ Thông Tin cấm vì quá ủy mị, có vẻ “phản chiến” làm nhụt nhuệ khí của tinh thần chiến sĩ.
    • “Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng
      Chờ mùa Xuân tươi sáng, nhưng mùa thắm chưa sang
      Anh đến đây rồi anh như bóng mây
      Chốn phương trời ấm lạnh, hòa chung mái nhà tranh”
    Nguyễn Văn Đông tâm sự: “Ông có những mùa Xuân buồn trong quãng đời thơ ấu, nhiều bất hạnh! Như gia đình lâm cảnh tang thương. Người thân yêu ly tán trong chiến tranh, ông mất mùa Xuân tuổi thơ khi cha mẹ bị tù đày. Lớn lên đi lính, ông lại thường bị ứng trực vào mùa Xuân ở các đơn vị hẻo lánh….”. Hầu hết các ca khúc về Xuân với niềm vui nhưng dĩ vãng đau buồn vẫn ám ảnh trong lòng tác giả nên trang trải qua từng ca khúc.

    Gia tộc Nguyễn Văn Đông là điền chủ ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Nơi đó có mối thân tình xóm giềng với gia đình ông hương Cả. Năm 1945 “cách mạng mùa Thu” bùng nổ, ông Hương Cả bị đưa ra trước tòa án nhân dân; lãnh bản án “cường hào ác bá” rồi bị xử bắn. Xác thả trôi sông. Thuở bé Nguyễn Văn Đông học trường Huỳnh Khương Ninh, phường Đakao, Tân Định, Sài Gòn. Năm 1945, 1946 loạn lạc, trường Huỳnh Khương Ninh đóng cửa. Cha mẹ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từ Sài Gòn tản cư về cố hương, bị liệt vào hàng “địa chủ ác ôn”. Ông bà bị bắt làm tù lao công khổ sai. Tịch biên tài sản, sung vào quỹ kháng chiến. Gia đình ly tán. Cửa nhà tan nát. Ông Hương Cả có một cô con gái xinh đẹp. Hai bên gia đình cùng giao ước kết thông gia khi hai trẻ lớn lên. Khi ấy Nguyễn Văn Đông và cô bé kia còn vị thành niên nên tình cảm trai gái của “thuở ban đầu” ngây thơ… Đôi trẻ trôi giạt, mỗi người một phương. Họ bặt tin nhau!… (Trong ca khúc Về Mái Nhà Xưa, Nguyễn Văn Đông nói lên niềm đau khi trở lại chốn xưa). Nhờ Trường Thiếu Sinh Quân được coi như mái nhà nuôi dưỡng “đứa con lạc loài” để tạo dựng cuộc đời trong quân ngũ và sinh hoạt văn nghệ.

    Trong bài viết của Lê Hữu thì: “Hình tượng người lính chiến, khắc họa qua dòng nhạc Nguyễn Văn Đông, như được ‘nâng’ lên ở tầm mức cao hơn và đẹp hơn. Lý tưởng của những người trai anh dũng hiến thân vì tổ quốc như được tô đậm hơn, chính nghĩa của cuộc chiến đấu gian khổ của quân dân miền Nam như được soi sáng hơn. Người đời, qua đó, thấy yêu mến và gần gũi hơn những người lính, thấy cảm kích và ngưỡng phục những hy sinh cao cả và thầm lặng của người chiến binh vì nước quên mình. Vậy thì không thể nào không cám ơn ông, cám ơn người nhạc sĩ đã gieo vào lòng người những mối cảm xúc sâu đậm, những ấn tượng đẹp và sắc nét về người lính và đời lính.

    Chiến tranh đã đi qua, những bài nhạc lính như thế ngày nay ít còn được nghe hát, thế nhưng dư âm lời ca tiếng nhạc của một mùa chinh chiến ấy và hình tượng hào hùng của người lính chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đọng lại mãi trong tâm tưởng biết bao người, như câu nói bất hủ của một danh tướng Hoa Kỳ, Douglas MacArthur: ‘Những người lính già không bao giờ chết, họ chỉ nhạt mờ đi thôi’ (Old soldiers never die, they just fade away).


    Sau bao mùa tang thương dâu bể, sau bao nhiêu giông tố dập vùi, ‘người lính già Nguyễn Văn Đông’, vẫn một niềm tin sắt son vào hồn thiêng sông

    núi, vẫn chưa mất niềm tin vào vận mệnh đất nước, vẫn còn nguyên vẹn trái tim chàng lính trẻ Nguyễn Văn Đông nặng trĩu tình quê tình nước của những ngày đầu bước chân vào đời quân ngũ.

    • Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông
      Kết trong lòng thế hệ
      Nghìn sau nối nghìn xưa…”


    * Khúc Xuân Ca

    Khác với các ca khúc đề cập ở trên, Khúc Xuân Ca như lời tình tự với người yêu. Là nhạc sĩ tài hoa, sĩ quan cao cấp trong QLVNCH, không thể nào thiếu bóng hồng “đi qua đời ông” nhưng Nguyễn Văn Đông rất kín tiếng chuyện tình yêu. Nhiều nhạc sĩ khi sáng tác ca khúc trữ tình thường nói lên hình bóng nào đó làm nguồn cảm hứng nhưng Nguyễn Văn Đông thì ngược lại.

    • “PK: Em mùa Xuân hồng, gieo trên phím tơ đồng.
      Cho đời mơ mộng, thả ý thơ chờ mong.
      Em mùa trăng rằm, cho vương áng mây hồng.
      Xin đừng thay lòng, nhạt màu ái ân.
      ĐK: Mùa xuân thay áo, hồng trên má hoa đào.
      Vườn xuân xôn xao, câu ái ân thầm trao.
      Kìa trong ánh xuân tươi, nhịp chân bước đôi mươi..
      Nàng Xuân hé môi cười, nhạc lòng nghe chơi vơi.
      Em có hay chăng lòng anh, trọn đời yêu em mãi thôi.
      PK: Em mùa Xuân hồng, cho anh vương tơ lòng.
      Xin bờ môi hồng, ý thắm chuyện trăm năm.
      Xuân mùa tâm đồng, cho đôi lứa yêu thầm.
      Tay cầm tay mừng, mùa Xuân ái ân…
      Nào dìu nhau đi, mùa xuân như ý”.


    Khi nhạc sĩ “vương tơ lòng” để “trọn đời yêu em mãi mãi” cho đến bây giờ vẫn là hình ảnh bí ẩn.


    Ca khúc Dáng Xuân Xưa cũng mang niềm tâm sự mối tình dang dở như bóng dáng mùa Xuân đã đi qua cuộc dời tác giả:

    • “ĐK: Xuân sang lả lơi chợt thấy hoa cười
      Nối duyên chạnh nhớ một người
      Từ mùa Xuân trước tới bây giờ còn mơ
      Xuân nào sánh vai cùng ngắm hoa đào
      Ái ân nào chẳng lúc tàn
      Vườn em thơm ngát chờ anh bước sang


      PK: Xuân nay mang về kỷ niệm ngày xưa thênh thang
      Bâng khuâng thấy hoa mỉm cười chạnh nhớ tới người
      Đầu cành oanh ăn nói hình dáng Xuân xưa
      ĐK: Em ơi ước mơ thì cũng lỡ rồi
      Trách nhau thì cũng xa rồi
      Lòng ta lơ đãng mà Xuân vẫn sang…”

    *

    Tuy phục vụ trong quân đội, Nguyễn Văn Đông sáng tác một số ca khúc về người lính nhưng không mang màu sắc tuyên truyền như lối “phanh thây uống máu quân thù” mà chỉ tỏ bày niềm đau, nỗi buồn của người lính nơi tiền đồn, núi rừng… nhưng khi đổi đời “đứa con tinh thần” đó cũng bị hẩm hiu như cuộc đời tác giả. Nguyễn Văn Đông chia sẻ: “Rất tiếc một số bài hát tâm đắc không được nhà nước cho phép. Tôi hy vọng rồi đây theo thời gian mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Đặc biệt trong lãnh vực văn hoá, văn nghệ, tôi nghiệm rằng những gì có giá trị nghệ thuật, dù bị vùi dập vì sự ganh tỵ hay hiểu lầm, sẽ có ngày được mang trả lại vị trí đích thực của nó. Tôi chỉ tiếc đời người ngắn ngủi mà tôi đã phí phạm quãng thời gian dài 30 năm. Thật lấy làm tiếc!”.

    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, qua các bút hiệu khác đã sáng tác khoảng một trăm ca khúc từ tân nhạc đến tân cổ giao duyên. Trong phạm vi bài nầy chỉ đề cập vài ca khúc của ông liên quan đến hình ảnh mùa Xuân đã đi vào lòng người trải qua nhiều thập niên.

    Vương Trùng Dương


    Nguồn:https://cuuhocsinhphuyencom.wordpress.com



              
Hình đại diện
thiên thanh
Bài viết: 1352
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 11:49
Nơi ở: Phố Cổ

Re: Xuân Mậu Tuất - 2018

Bài viết bởi thiên thanh »

          



          
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
🌺🌿🌾 ĐÓN XUÂN NÀY - NHỚ XUÂN XƯA 🌾🌿🌺
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
          



          
Năm MẬU TUẤT 2018 chính là năm con …chó nên Tủ Sách Tuổi Hoa thân mời quý độc giả đọc lại bài viết cách đây đúng 48 năm trích trong báo TUỔI HOA XUÂN số 122, cũng vào năm con… chó (CANH TUẤT 1970) của tác giả MINH QUÂN sau đây:
          



          















          



nguồn
          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20032
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Mậu Tuất - 2018

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           









    Cẩu Sự:
    Tuất hay Chó
    ____________________
    Nguyễn thị Cỏ May - 09/02/2018
              










    Năm dương lịch 2018 nhằm năm Tuất theo Âm lịch. Phần lớn người Việt nam quen gọi năm con Chó. Người Pháp cũng gọi năm con Chó – L’Année du Chien. Nhưng «Tuất» phải có nghĩa là «Chó» hay không ?

    Theo nhà Việt học Nguyễn Cung Thông, thì «Tuất / Chó» là biểu tượng chỉ năm thứ 11 trong 12 con Giáp theo Âm lịch. Ông nói rõ thêm
    • «Các dữ kiện ngôn ngữ, đặc biệt khi xem lại các từ Hán cổ liên hệ, đều cho thấy nguồn gốc phi-Hán (không phải của Tàu) như nhiều người đã lầm tưởng từ Đông sang Tây và qua bao ngàn năm nay».
              
    Các hình khắc/vẽ của chữ Tuất cho thấy hình cây kích (bộ qua là cái mác).
    Các dữ kiện ngữ âm trên cho ta một kết luận là Tuất không có liên hệ gì đến loài chó trong tiếng Hán, phản ánh qua các cách gọi
    • khuyển ,
      cẩu ,
      hiêu/kiêu ,
      hiểm
              
    So sánh các quá trình hình thành các chữ khuyển (tượng hình, hình loài thú như chó)cẩu (cũng thuộc bộ khuyển) – xem hình bên dưới. Nếu chữ Tuất có nguồn gốc tượng hình (loài chó như chữ khuyển) thì khó mà đặt vấn đề về nguồn gốc phi-Hán của tên 12 con giáp.


    Các dạng chữ Tuất cổ :

              
              


    Các dạng chữ Khuyển cổ :

              
              


    Tóm lại,
    • Tuất trong cách gọi năm Tuất (12 con giáp) không có liên hệ nào tới loài chó hay cách gọi chó trong tiếng Hán như khuyển, cẩu, sử/sứ, li, lang, ngao, ngan
    • Tên gọi Tuất (qua một dạng âm cổ phục nguyên *swot đề nghị trong bài này) liên hệ đến chó có khả năng đến từ phương Nam, như từ ngữ hệ Mon-Khme mà tiếng Việt cổ là một thành viên quan trọng. …

      (Nguyễn Cung Thông, Tuất, internet)




    Cũng nói về chữ Tuất/Chó, Giáo sư Hán nôm Đại học Văn Khoa Sài gòn Nguyễn văn Sâm cắt nghĩa rất đơn giản, chắc dễ được nhiều người chia sẻ hơn. Theo ông, thì
    • «người xưa đặt ra 12 cửa, mỗi cửa đặt ra cái tên gì đó cho dễ nhớ thôi để chỉ 12 chi trong lịch Tàu.
      Từ cái tên khó nhớ Tý, Sửu, Dần.... Người xưa, đặt thêm các con vật vô đó cho người bình dân dễ nhớ.
    Ông không cho rằng Tý, Sửu, Dần, Mẹo... là tiếng Việt xưa chỉ Chuột, Trâu, Cọp, Mèo bị biến thể.

    Ông nhắc lại đề 36 con ở Sài gòn ngày xưa, tức «Đề Cổ Nhơn». Mỗi con số họ cho ứng với 1 con vật và ứng với một nhân vật của Tàu. Người Việt nam bỏ qua nhân vật Tàu mà chỉ nhớ con vật thôi.
    • Từ đó mới có số 2 là con ốc,
    • số 31 là con tôm
      (ai còn nhớ 2 con vật này ngầm chỉ cái, con gì liên hệ tới con người ?),
    • và số 35 là con dê...
    Chuyện nầy cũng giống như chuyện thời VNCH, các ứng cử viên Dân biểu đều kèm theo tên của mình một cái hình biểu tượng. Điều đó không có nghĩa cái tên = cái hình, là nghĩa của cái hình...

    Tóm lại
    • «Tuất» hoàn toàn không có nghĩa là chó.
    • Nó là tên chỉ một CHI, cửa thứ 11 trong thập nhị chi của lịch Tàu mà thôi».
              





    Quan điểm về chó

    Chó là con vật có nhiều tên hơn Mèo tuy cả hai đều sống thân cận với gia chủ. Tên ở đây không phải là tên gọi do gia chủ đặt riêng cho nó mà đó là những cách gọi khác nhau chủ yếu chỉ nhằm tránh phải gọi “chó”.
    • Người cựu học thâm nho thì gọi “mộc tồn” vừa cho có chữ nghĩa thánh hiền, vừa biểu lộ tính “cao quí” của một tầng lớp sinh vật.
    • Phái tân học gọi “cầy tơ” chủ về nền văn minh phi vật thể ẩm thực của nhơn loại.
    • Kẻ chủ trương hưởng lạc theo trường phái triết gia Épicure (Hy-lạp ở Athènes trước công nguyên) không ngần ngại quả quyết đó là “sống trên đời”.
    • Đến thời kháng chiến chống pháp, Việt minh cộng sản lập thành tích “hạ cờ tây” để chào mừng bác đảng !
    • Nhơn dân đồng bằng xứ Nam kỳ nói một cách đơn giản, nhưng rất gần gũi vừa phảng phất mùi «quốc lủi» (rượu đế) “Nai đồng quê”.
              
    Cách gọi đã khác nhau thì khi đi vào thực tiễn, chó cũng cho loài người nhiều món nổi tiếng khác nhau.
    • Chó có tiếng sủa vang.
      Loài người khi luận về chó cũng lắm ý kiến, quan điểm khác nhau, chống đối nhau ỏm tỏi.
    Người phương Tây yêu quí chó vì chó là người bạn trung thành, thông minh, luôn được nhắc tới với ngụ ý tốt. Nhưng chó, theo quan niệm phương Đông hay Việt Nam nói riêng, không phải trường hợp nào cũng gợi tới điều hay, ý tốt. Điều đó được thể hiện khá rõ trong kho tàng tục ngữ, ca dao. Bên cạnh những thành ngữ ca ngợi đức tính trung thành của con chó như “nhứt khuyển nhì mã” thì cũng có những thành ngữ, tục ngữ với hình ảnh con chó hàm ý không tốt đẹp như “chó dại cắn quàng” hay “giỡn chó, chó liếm mặt”. Nếu nói rằng người Việt ta ai cũng yêu mến, quý trọng chó thì không hẳn đúng. Đến như người Mỹ, Pháp, Anh, Đức, …có tiếng là thương chó “Gia đình thường gồm có vợ chồng và con chó” mà vào mùa hè họ vẫn đem chó vứt bỏ ngoài đường để đi nghỉ hè. Hết hè, trở về lại tìm mua chó nuôi nữa.

    Yêu chó, quý chó hay ghét chó, khinh chó. Đó là quan điểm riêng của mỗi người. Nói ai đúng, ai sai, đều là cách phản ứng chủ quan, nặng tinh thần phe cánh. Tranh cãi nhau lại càng vô lý, vô duyên.

    “Cẩu sự” là vậy. Còn “cẩu nhục” thì sao ? Thịt chó đơn giản chỉ là một món ăn ?
    Trên thực tế sẽ không đơn gìản như vậy. Những người yêu chó, quý chó thì không nỡ ăn thịt chó. Chứ không vì minh là người văn minh, đầy tính nhân bản. Còn người thích ăn thịt chó, thì bảo vệ quan điểm
    • “sống trên đời không ăn thịt chó, mai kia xuống âm phủ, biết có hay không?”
              





    Thịt cầy, lịch sử và đạo lý

    Làm món thịt cầy (La cynophagie) là một bộ môn thuộc nghệ thuật làm bếp và văn hóa ẩm thực có từ xa xưa của nhiều xứ á châu như Việt nam, Tàu, Triều tiên, …và Phi châu. Riêng ở Nam dương, dân công giáo hưởng ứng nền văn minh ẩm thực này. Phần còn lại, đại đa số là dân hồi giáo thì kiêng cữ như kiêng cữ thịt heo.

    Nhiều nước Âu châu phản đối ăn thịt cầy và bày tỏ sự ghê tởm. Vào cuối thế kỷ XX, luật pháp còn ngăn cấm nghiêm ngặt việc giết cầy làm thịt. Nhiều Hội bảo vệ thú vật ra đời. Ở Pháp có nữ minh tinh Brigitte Bardot làm Hội trưởng APA (Association de la Protection des Animaux) hoạt động tích cực. Bà di chuyển bằng phi cơ. Tới kỳ bầu cử Tổng thống, bà ủng hộ ai, người đó sẽ có nhiều may mắn đắc cử.

    Nhưng ăn thịt cầy lại rất phổ biến vào thời cổ đại la-mã và ở vài nơi khác. Thịt cầy hầu như chưa bao giờ thật sự vắng bóng ở Âu châu. Vào đầu thế kỷ qua, người ta còn thấy vài tiệm thịt cầy ở Pháp. Ở cuối thế kỷ XIX, ở Paris đầy rẫy tiệm thịt cầy. Và chợ bán chó họp chợ ngay trên đường Saint Honoré, một đường phố sang trọng ngày nay.

    Người ta không ăn thịt cầy từ khi những con vật được phân loại “thú rừng”, “thú nhà” như heo, gà, vịt, … và “thú thân cận” như chó, mèo, …Tuy nhiên việc ăn thịt cầy dường như ngày nay vẫn còn duy trì trong chốn riêng tư. Như ở vài vùng quê hẻo lành ở Thụy sĩ.

    Trái lại, thịt cầy lại được ưu đãi ở Tàu, Triều tiên, Việt nam. Ở Tàu, mỗi ngày có hơn 30,000 con chó bị làm thịt và mỗi năm có tới hơn 10 triệu con tẩm bổ cho các chú Ba Tàu khá giả. Ở đây có cả trại chăn nuôi chó thịt. Riêng ở Hồng kông thịt chó bị cấm. Vì ảnh hưởng nền văn minh anh quốc?

    Vài tôn giáo ở Á châu như bà-la-môn, hồi giáo, cấm ăn thịt chó như thịt heo.
    Phật giáo ngăn cấm các thứ thịt do cấm sát sanh.
    Riêng các hệ phái thiên chúa giáo tỏ ra dễ dãi với việc ăn hay không thịt cầy và các thứ động vật khác.






    Không ăn thịt cầy, không phải người Việt nam

    Trong tháng 4 vừa qua, xảy ra việc tranh cãi chung quanh một dĩa thịt cầy:
    1. Tại sao người Việt nam ăn thịt cầy?
    2. Bạn (là người Việt nam) có ăn thịt cầy không?
    Vì người âu châu ngày nay không còn mấy người ăn thịt cầy nữa nên câu hỏi đó đặt ra cho một người Việt nam, nhứt là người Việt nam đến từ Miền Bắc, không thể không hàm ý một biểu hiện kỳ thị.

    Thật ra người Việt nam ăn thịt cầy nhưng không phải ăn bất kỳ loại cầy nào.
    • Họ chỉ ăn loại cầy thịt, tức loại cầy có vóc dáng nhỏ. Được cầy hương là ngon tuyệt.
      Thông thường thì vàng hơn mực. Nhưng không có thì cầy nào cũng được. Còn hơn không !
    • Loại cầy to lớn của Âu châu, họ không ăn.
      Một phần vì thịt không ngon. Mặt khác, loại cầy này được nuôi để phục vụ đời sống con người nên chúng trở thành thân thiết và hữu ích. Như cầy đi săn, kéo xe, bảo vệ, chiến đấu, giữ nhà, …
              
    Về quan hệ thân thiết giửa người với loài vật thì người Âu châu có con chó, người Việt nam chúng ta có con trâu :
    • “Trâu ơi, ta bảo trâu này,
      Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta.
      Cấy cày vốn việc nông gia.
      Ta đây, trâu đó, ai mà quản công”
    nên người Việt nam kiêng cữ thịt trâu cũng giống như người âu châu kiêng cữ thịt cầy.


    Nếu nói rằng người Việt nam có tập quán ăn thịt cầy vì xứ thiếu chăn nuôi nên thiếu thịt là điều không đúng.
    Họ ăn thịt cầy vì sở thích ẩm thực mà không vì thiếu thịt. Đổi cái đùi cầy lấy cái đùi heo, chưa chắc họ chịu đổi. Đó là điều cho thấy tại sao người viêt nam thích ăn thịt cầy :
    • «Đúng, thịt cầy rất đặc biệt – miếng thịt cầy thường có đầy đủ các thành phần: nạc có, mỡ có, da cưng cứng có… nạc không ra nạc, mỡ chẳng ra mỡ - nạc của nó không bã ra như miếng sắn dây đầy xơ, cũng không phải cắn phòi mỡ ra như thịt lợn béo…

      thịt cầy ăn có một vị gây gây, nhưng cái gây gây đó là gây gây dạng ma túy, người ta hoàn toàn có thể ghiền vì nó được. Miếng thịt bò gây gây, ăn mùa đông nguội là mỡ có thể đông cứng trên miếng thịt, nhưng miếng thịt cầy làm khéo, kể cả nguội vẫn mềm và vị gây của nó thì hoàn toàn không bị chán. Chính thứ mỡ màng ấy của nó, khi nó chảy, cháy trên lửa nướng làm cho nhiều người đang đi đường, hít mùi mà cầm lòng không đậu, phải dừng bước ghé vào … Đến nỗi câu cầy tơ bảy món :
      • luộc, nướng, chả, nhựa mận, xáo, đùi nhừ
        hoặc gan nướng cuốn mỡ chài, dồi
      nghe âm vang như lời một giáo chủ hiệu triệu tín đồ vậy » !

    Dân ăn thịt cầy sành điệu thường phân biệt ”con chó với con má”. Theo sự phân biệt này,
    • con chó là con vật khôn. Nó không bao giờ ăn thịt đồng loại.
    • Còn con má là con vật ngu, gặp thịt là ăn, không biết phân biệt.
    Ăn thịt cầy là ăn thịt con má này. Nhưng khi ăn thịt cầy, có ai biết phân biệt không?


    Ở Sài gòn sau 30/4, người dân thường chửi đổng, nhắm vào VC, những lúc bất mản “Nay là thời chó đẻ”. Nhưng bị sửa lại “Thời chó chết” mới đúng vì “chó đẻ” là chó còn sống được nên mới đẻ.

    Giám mục Seitz phục vụ ở Việt nam, đặc biệt vùng Cao nguyên, ghi hồi ký gồm 93 trang, hai Phần. Ông bắt đầu ngày 7 tháng 4/1975 với tựa sách “Thời chó câm” (Le Temps des chiens muets). Sau đó, ông bị trục xuất về Pháp (nghe nói ông bị giáo hội rút về để tránh đụng chạm vô ích trong vấn đề ngoại giao ?). Ông điều khiển một Chủng viện ở ngoại ô Paris, vùng Marne la Vallée, đem theo vài chủng sinh gốc Thượng. Trong số chủng sinh này,
    • có người đậu Cử nhơn Triết ở Sorbonne hiện có vợ đầm, sanh sống ở Vendée, miền Tây-Bắc nước Pháp.
      Có ngưòi làm thợ Điện tử nhưng cậu này lúc nào cũng chờ để trở về xứ.
      Người sau cùng trở thành Linh mục và hiện phục vụ tại một giáo xứ của Paris XV.
              

    “Thời chó câm” (Le Temps des chiens muets) - xuất bản năm 1977 -
    của Đức Giám Mục Paul Léo Seitz Kim (1906-1984)
              




              Ai cũng biết khi Hồ Chí Minh tới,
              chẳng những chó không dám sủa mà cũng muốn vượt biển nữa. Không riêng gì chỉ có con người !
    Vậy năm nay Chó tới, chớ không phải Hồ Chí Minh tới, thì liệu Bà Con vượt biển sau 30/04/1975 sẽ trở về quê hương chăng :
    • …"Chó mừng tân chủ rỡ ràng
      Bốn phương tấp nập lên đàng hồi hương
      Long Hoa muôn thuở biên cương
      Việt Thường con cháu Tiên Rồng vẻ vang."(*)


      (*) Lời Sấm của Bà Liễu Hạnh về cơ
      dạy về tình hình Vìệt nam năm 1938 được Cụ Dương Bá Trạc ghi tại Đền ngọc Sơn ở Hà nội, có mặt Lm Lê Quang Oánh.






    Nguyễn thị Cỏ May

              
    Nguồn: Tác giả qua Email. :flower:


              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20032
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Mậu Tuất - 2018

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          






          



          
Bạch Vân & Hoàng Vân
thương chúc thân hữu nhà Nam




một năm Mậu Tuất 2018


An Khang Thịnh Vượng
          




                     

          


          


          
Trả lời

Quay về “Chuyên đề”