Xuân Đinh Dậu

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Đinh Dậu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          



Nụ hoa vàng ngày xuân
______________________
Kim Tuấn

          

Anh cho em mùa xuân
nụ hoa vàng mới nở
chiều đông nào nhung nhớ
đường lao xao lá đầy
chân bước mòn vỉa phố
mắt buồn vin ngọn cây

Anh cho em mùa xuân
mùa xuân này tất cả
lộc non vừa trẩy lá
thơ còn thương cõi đời
con chim mừng ríu rít
vui khói chiều chơi vơi

Đất mẹ gầy có lúa
đồng ta xanh mấy mùa
con trâu từ đồng cỏ
giục mõ về rộn khua
ngoài đê diều thẳng cánh
trong xóm vang chuông chùa
chiều in vào bóng núi
câu hát hò vẳng đưa

Tóc mẹ già mây bạc
trăng chờ trong liếp dừa
con sông dài mấy nhánh
cát trắng bờ quê xưa

Anh cho em mùa xuân
bàn tay thơm sữa ngọt
dải đất liền chim hót
người yêu nhau trọn đời
mái nhà ai mới lợp
trẻ đùa vui nơi nơi...
hết buồn mưa phố nhỏ
hẹn cho nhau cuộc đời

Khi hoa vàng sắp nở
trời sắp sang mùa xuân
anh cho em tất cả
tình yêu non nước này
bài thơ còn xao xuyến
nắng vàng trên ngọn cây...


          

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Đinh Dậu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


          



[/audio]
Rước Xuân về nhà
Nhật Ngân
MiMi . Nắng Thủy Tinh



:flower:

          
Last edited by Hoàng Vân on Thứ bảy 21/01/17 18:26, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Đinh Dậu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Ngày xuân
    đọc truyện cổ tích Phạm Duy Khiêm

    ____________________________________
    Trọng Đạt






    Xin giới thiệu quí độc giả vài truyện cổ tích xa xưa trong tập truyện ngắn nổi tiếng Légendes des Terres Sereines của Phạm Duy Khiêm viết bằng tiếng Pháp năm 1941.

    Phạm Duy Khiêm sinh năm 1908 tại Sài Gòn, mất năm 1974 tại Pháp. Là con nhà văn Phạm duy Tốn, ông cũng trở thành nhà văn nổi tiếng viết bằng tiếng Pháp trong giới người cũ chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Sau khi xong tú tài tại ViệtNam ông sang Pháp du học, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm và Thạc Sĩ về văn phạm năm 1935.

    Tác phẩm chính
    • Việt Nam Văn Phạm soạn chung với Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ năm 1941.
    • De Hanoi à la Courtine, tự truyện, năm 1941.
      Năm 1958 in lại đổi tên là La Place d’un Homme, Plon,Paris
    • Légendes des Terres Sereines, Paris: Mercure de France, 1942
    • La Jeune Femme de Nam Xuong, truyện dài 1944.
    • Nam et Sylvie, truyện dài Plon,Paris, 1957.


    Légendes des Terres Sereines, Huyền Thoại Miền Đất Thanh Bình là tập truyện cổ tích gồm 30 huyền thoại, giai thoại đời xưa, đoạt giải thưởng Văn chương Đông Dương 1943, được đón nhận nồng nhiệt. Năm 2009 được Harry Aveling dịch ra tiếng Anh (Legends from Serene Lands: Classical Vietnamese Stories by Pham Duy Khiem, translated from the French by Harry Aveling, Prestige, New Delhi, nd, ca 2009).

    Viết tập truyện này, Phạm Duy Khiêm muốn giới thiệu những giá trị tinh thần của người Việt Nam với Tây phương, tác phẩm cho thấy Phạm Duy Khiêm rất am tường về phong tục và văn hóa cổ nước nhà, văn chương của ông bay bướm và sâu sắc. Những truyện cổ dân gian đơn sơ giản dị đã được cây bút tuyệt vời của Phạm Duy Khiêm biến thành những áng văn chương tuyệt tác để đời.
    Tôi lựa bốn đề tài được nhiều người ưa chuộng:
    • Khối Tình Trương Chi,
      Hòn Vọng Phu,
      Mỵ Châu Hay Chiếc Nỏ Thần,
      Truyện Trầu Cau
    và dịch theo nguyên bản tiếng Pháp do nhà Editions Philippe Picquier tái bản năm 2003.



    Phạm Duy Khiêm (1911-1974)





    Khối Tình Trương Chi
    _____________________



    Ngày Xưa có anh Trương Chi,
    Người thì thậm xấu hát thì thậm hay.


    Ngày xửa ngày xưa đã lâu lắm rồi, một tiểu thư con quan thượng thư yêu kiều diễm lệ sống cấm cung trên lầu son gác tía. Tiểu thư thường tựa cửa đọc sách, thêu thùa, đôi khi nàng đưa mắt nhìn xuống con sông lững lờ trôi bên dưới rồi thả hồn mơ mộng trông theo dòng nước uốn mình khuất vào đồng ruộng xa xăm.

    Có lúc tiểu thư liếc nhìn chiếc thuyền đánh cá cỏn con. Anh thuyền chài nghèo hay hát. Từ xa nàng không thấy mặt mũi, cử chỉ anh ta nhưng tiếng hát vọng tới tai nàng, giọng hát hay, bài ca não nuột. Không ai biết bài ca, tiếng hát của anh có gợi lại trong lòng cô nàng cảm xúc, mơ mộng gì không nhưng hôm nào vắng bóng chàng bên dưới dòng sông thì lạ thay, nàng lại ngóng chờ anh cho tới tận chiều.

    Tiểu thư mỏi mòn trông chờ anh thuyền chài hết ngày này sang ngày khác cũng chẳng thấy bóng dáng anh đâu. Nàng ngả bệnh, các thầy lang không tìm được nguyên nhân nào đã khiến tiểu thư đau yếu, song thân lo lắng, thế rồi tự nhiên nàng hết bệnh: Tiếng hát trở lại dưới sông.

    Nghe con hầu trình lên sự việc, quan lớn bèn cho gọi người thuyền chài tới gặp tiểu thư. Vừa thấy mặt anh, nàng như tỉnh cơn mê, không còn muốn nghe tiếng hát.

    Nhưng chàng đánh cá đáng thương lại bất thần bị tiếng sét ái tình rồi mắc bệnh tương tư. Tình yêu tuyệt vọng khiến anh tiều tụy gầy mòn, tàn tạ chết như một ngọn đèn cạn dầu, mang theo mối hận tình xuống dưới tuyền đài.

    Mấy năm sau, gia đình cải mả, bốc mộ anh lấy hài cốt đem chôn. Họ thấy trong quan tài một khối đá mờ mờ đục bèn đem gắn phía trước thuyền làm món đồ trang trí. Một hôm ông quan thượng thư đi ngang qua nhìn thấy thích bèn hỏi mua về giao cho thợ tiện thành cái tách trà.

    Mỗi khi rót trà vào người ta thấy anh ngư phủ hiện lên thong thả chèo thuyền quanh chén. Nghe nói thế tiểu thư muốn thấy tận mắt xem sao. Nàng rót chút nước trà vào chén, anh thuyền chài hiện ra khiến nàng xúc động khóc vì hồi tưởng đến chuyện đã qua. Một giọt lệ rơi xuống tách khiến nó tan ra thành nước .

    Trong một kiệt tác phẩm lừng danh của ViệtNam, hai câu thơ sau nhắc đến huyền thoại này.

    Nợ tình chưa trả cho ai.
    Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.

    Tuyền đài nghĩa là ở bên kia, nơi mà cánh đồng có nhiều hoa cỏ, những bóng cây bất tử xanh tốt quanh năm. Nhưng “nợ tình” ở đây có ý nghĩa gì? Ai trả nợ cho ai? Người ta có thể nghĩ người con gái nợ chàng trai vì anh đã yêu nàng cho tới chết mà chẳng được đền bù. Mãi về sau nàng mới trả nợ tình khi rơi lệ khóc cho mối tình kết tinh và đã khiến nó tan thành nước. Niềm cảm thương cho số phận hẩm hiu của chàng và lòng hối hận đã khiến chàng đau khổ sẽ xoa dịu những phiền muộn của chàng ở nơi âm cảnh.

    Đối với người Việt Nam truyện này còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Họ tin rằng tình duyên do tiền định, mọi cuộc xum vầy, kết hợp đều là hậu quả tất nhiên của mối duyên nợ có từ kiếp trước. Khi hai người kết nghĩa phu thê ấy chỉ là họ cùng tự giải món nợ chung. Vì thế cô tiểu thư con quan phải hội ngộ với anh thuyền chài nghèo khó mặc dù hoàn cảnh đã phân chia anh chị. Khi nàng nghe tiếng hát cất lên từ dưới dòng sông và khi chàng ngày đêm tương tư, tưởng nhớ tới dung nhan người đã gặp thì cả hai đã tìm đường tiến tới kết hợp với nhau và trái tim mù lòa của họ đã đập theo nhịp điệu của định mệnh.

    Nhưng chàng và nàng đã không kết hợp với nhau lúc sống. Duyên nợ vẫn còn đó nên sau khi chết anh thuyền chài vẫn không biến dạng đi được. Khối đá trong mờ mà người ta thấy trong quan tài của anh không phải chỉ là vật thể tồn tại của mối tình cảm sâu xa sau khi xác thân tan rã nhưng nó chính là con người của chàng, hình hài của chàng ở bên kia thế giới hay bộ mặt của số mệnh còn dang dở khiến nó phải kết tinh lại để đợi chờ.

    Về sau người con gái cúi nhìn tách trà trong mờ nơi phảng phất giấc mộng đẹp đã tàn. Nàng nhận thấy mối duyên nợ đã buộc mình vào anh thuyền chài và hối tiếc đã không sớm nhận ra bổn phận của nàng vào lúc mà nàng không gặp được hạnh phúc. Nhưng nàng cũng biết sự kết hợp của hai người phải làm trọn vẹn bên kia cuộc đời phù du này. Có thể nàng đã linh cảm thấy giây phút trọng đại ấy đã gần kề. Giọt lệ tình của nàng đã khiến tách trà tan biến thành nước để trộn lẫn với nhau trong sự kết hợp giải thoát cho cả hai người.

    (Nguyên tác Le Cristal D’Amour của Phạm Duy Khiêm,
    Trọng Đạt dịch)




    Hòn Vọng Phu
    _____________________



    Trước khi tới Lạng Sơn, du khách từ Châu thổ lên miền Thượng du để ý thấy, bên phải con đường Bắc kỳ xưa, một ngọn núi đứng trơ vơ. Một tảng đá trên đỉnh giống hình một người đàn bà đứng ôm con. Vào lúc chiều khi mặt trời lặn trông càng giống y như thật. Đó là núi Vọng phu, ngọn núi hình người đàn bà chờ chồng. Người ta kể như sau.

    Ngày xưa, có hai anh em mồ côi sống trong một làng tại miền thượng du, người anh tuổi đôi mươi, đứa em gái lên bẩy. Không bà con họ hàng, cả hai yêu thương nhau rất mực . Một hôm ông thầy tử vi người Tầu qua làng, được người anh hỏi về tương lai ông trả lời.
    • “Nều ngày giờ sinh của cậu như thế thì nhất định cậu sẽ phải lấy em gái cậu. Không thể cưỡng lại số mệnh được cậu ạ”

    Lời tiên tri khiến anh ta khiếp sợ, nó ám ảnh ngày đêm. Về sau phát điên lên anh bèn quyết định liều lĩnh. Một hôm đi dốn củi trong rừng, đem theo đứa em. Thừa lúc em quay lưng lại, anh lấy búa táng em một nhát rồi bỏ trốn. Hết bị ám ảnh nhưng thỉnh thoảng tội ác ghê rợn lại hiện ra theo đuổi anh, người thanh niên đổi tên , dần dần bình thản rồi về sinh sống tại Lạng Sơn.

    Thời gian trôi qua nhanh, chàng ta lấy con gái một nhà buôn, vợ sinh một bé trai, gia đình hạnh phúc. Một hôm bước vào sân trong, anh thấy vợ ngồi ngoài nắng phơi mớ tóc dài đen, chị ta quay lưng lại nên không thấy chồng đi vào. Trong lúc nàng một tay giữ làn tóc mượt, tay kia cầm lược chải thì chàng thấy một vết sẹo dài phía trên gáy. Chàng hỏi nguyên do, sau một lúc do dự người vợ vừa khóc vừa kể chuyện của mình.
    • “Em chỉ là con nuôi, không phải là con đẻ của cha. Hồi còn bé em mồ côi, sống với người anh lớn, nhà chỉ có hai anh em. Cách đây mười lăm năm, anh lấy búa chém em một nhát bỏ em lại trong rừng. Một bọn cướp cứu em. Ít lâu sau bị săn đuổi, chúng chạy trốn khỏi sào huyệt người ta tìm thấy em. Một ông nhà buôn có con gái mới chết bèn nhận nuôi em.
      Nay em không biết anh ấy ra sao, em cũng không hiểu sao anh lại làm thế .. hai anh em thương yêu nhau rất mực”

    Mặt nàng ràn rụa nước mắt. Người chồng tự trấn tĩnh rồi hỏi tên cha mẹ, quê quán của vợ. Sau khi biết chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa, chàng giữ kin chuyện bí mật ghê rợn ấy. Người chồng thấy hổ thẹn và ghê sợ cho chính mình, cảm thấy không thể sống chung như thế bèn kiếm cớ đi xa.

    Sáu tháng trôi qua, người vợ nhẫn nại chờ chồng nhưng thời hạn đã qua lâu mà chàng vẫn biệt vô âm tín. Chiều nào nàng cũng bế con trèo lên núi nhìn về phương xa ngóng chờ chàng trở lại. Lên tới đỉnh nàng đứng ngay như tượng gỗ, mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời. Nàng hóa thành đá vì thế nay người ta vẫn còn nhìn thấy nàng đứng yên trông chờ mãi mãi.
    Ngọn núi huyền thoại đã gợi nguồn cảm hứng cho các thi nhân Việt Nam sáng tác lên nhiều vần thơ hay.

    (Nguyên tác La Montagne De L’Attente của Phạm Duy Khiêm,
    Trọng Đạt dịch)






    Mỵ Châu Hay Chiếc Nỏ Thần
    _____________________




    Truyện này đã được ghi trong biên niên sử từ xưa.

    Từ hơn hai nghìn ba trăm năm, vua nước Thục cầu hôn công chúa nhà Hồng Bàng trị vì nước Văn Lang . Căm giận vì bị khước từ, vua Thục thề sẽ tiêu diệt nhà Hồng Bàng. Nhà vua băng hà không kịp rửa hận bèn dặn con cháu báo thù. Đó là nguyên do chiến trận liên miên giữa hai nước Thục và Văn Lang

    Nhà Hồng Bàng thắng trận nhiều năm. Họ vững mạnh nhờ đó, tin tưởng được thần linh che chở nên canh phòng chểnh mảng, họ hưởng nhàn, ăn chơi thỏa thích. Khi đó kẻ thù Thục Phán, vua nước Thục đã chuẩn bị chiến trận từ lâu, ông đợi thời cơ thuận lợi để chiếm Văn Lang. Bị thua trận, vua nước Văn Lang uất hận hộc máu ra rồi nhẩy xuống giếng tự vẫn. Đó là vị vua cuối cùng dòng dõi Thần Nông, một trong năm vị đại đế nước Tầu ngày xưa đã trị vì năm trăm năm.

    Thục Phán nhập hai nước làm một, đặt tên là Âu Lạc, lấy hiệu An Dương Vương. Ngài lập kinh đô tại Phong Khê. Nhưng mới dựng tường thành lên đã bị sụp đổ vì trận cuồng phong ban đêm kéo tới. An Dương Vương cho khởi công xây dựng lại ba lần nhưng đều bị hủy hoại trong một dêm. Ngài bèn lập bàn thờ ở cửa đông để cầu khấn. Ngày mồng bẩy tháng ba nhà vua thấy một ông già từ phương đông đến bảo.
    • “Ngài hãy tin sứ giả Thủy Tinh sẽ đến giúp”

    Sáng sớm hôm sau, nhà vua thấy một con rùa vàng thật lớn từ phương đông tới nổi trên mặt nước. Rùa Vàng hay Thần Kim Qui nói đã được giang thần gửi tới. Nhà vua mời vào trong cung và hỏi tại sao ngài lại không xây được thành. Thần đáp.
    • “Đất này của núi và sông đầy những thần linh. Chính Thần Núi, Sơn Tinh đã giật sập những tường thành của Ngài.”

    Nhờ Thần Kim Qui giúp, nhà vua đã chế ngự được bùa phép phá hoại của quỉ thần và xây dựng được thành quách nhanh chóng. Thành gồm ba bức tường dài hàng nghìn trượng cuốn lại theo hình soắn chôn ốc. Do đó gọi là Loa Thành, thành hình vỏ ốc. Xây Kinh đô xong, Thần Kim Qui giã từ nhà vua. Ngài tiễn Thần ra cửa cung điện bầy tỏ lòng cảm tạ và nói.
    • “Nhờ ơn ngài mà thành được vững mạnh. Nhưng khi ngài đi rồi tôi có thể giữ thành được không?

    Thần Rùa đáp.
    • “Thịnh hay suy là do Thiên mệnh. Trời phù hộ cho người tài đức, tôi xin tặng Thánh thượng món quà vì ngài đặt nhiều tin tưởng vào tôi. Ngài nhớ là nó sẽ giúp ngài bảo vệ giang sơn”

    Thần Rùa bèn tháo một móng chân mình đưa cho nhà vua bảo.
    • “Ngài lấy cái móng này thay vào cái lẫy nỏ, khi ra trận ngài sẽ bách chiên bách thắng”

    Nói rồi Thần Kim qui tiến ra bờ sông, nhà vua nhìn theo cho tới khi Thần biến mất.

    Vào thời này Tần Thủy Hoàng cai trị nước Tầu, sau khi thống nhất sơn hà, thu hồi lục quốc, nhà Tần đem quân tới tận biển Nam hải. Vua Tần đồng thời cho xây Vạn lý trường thành và đem quân đánh nước Âu lạc. Nhưng quân Tầu phải tháo lui không tới được Loa Thành.

    Ba năm sau, Vua Tần cử tướng Triệu Đà mang năm nghìn quân đi chiếm đất của An Dương Vương , đóng quân trên núi, dàn chiến thuyền dưới sông. Nhà vua ra khỏi kinh thành dẫn đầu đoàn quân, lấy cái nỏ thần có lẫy linh thiêng rồi bắn ba mũi tên: ba nghìn quân Tầu chết la liệt trên mặt đất, số còn lại chạy tan tác.

    Biết không thể chống lại nỏ thần. Triệu Đà bèn nghĩa mưu đánh thắng An Dương Vương, ông xin cầu hòa và gửi con trai Trọng Thủy đế làm con tin trong triều tỏ lòng thân thiện. An Dương Vương giao miền đất phía trên sông Bằng Giang cho Triệu Đà, đưa Trọng Thủy vào hàng cận thần rồi gả con gái là Mỵ Châu cho chàng ta.

    Trọng Thủy thương yêu vợ nhưng không quên trách nhiệm mà vua cha đã giao cho. Chàng bèn hỏi Mỵ Châu cho xem cái nỏ thần, nàng không ngần ngại đưa cho chồng. Trọng Thủy xem xét cái móng rùa rồi làm một cái giả giống y như thế và lén đánh tráo nó. Sau đó chàng xin An Dương Vương cho về thăm nước một thời gian. Trọng Thủy bảo Mỵ Châu.
    • “Nghĩa phu thê không làm chàng quên bổn phận với song thân phụ mẫu, từ lâu chàng đã không được quì lạy các người. Chàng tiêc không thể đem nàng đi theo, đường về phương Bắc vạn lý xa xăm qua rừng qua núi đầy những hùm beo, ác thú”

    Nhưng trong lúc phân ly chàng không khỏi bồi hồi xúc động khi nhìn vợ hiền, vì thương yêu và tin tưởng chồng nàng đã phản lại vua cha và đất nước mà không biết. Mỵ Châu chợt thấy Trọng Thủy buồn bã và xúc động sâu xa lúc chia tay, nàng có linh cảm sự chẳng lành và bảo chồng.
    • “Tình nghĩa phu thê bất diệt, nhưng cảnh thái bình của hai nước thật phù du, biêt đâu mai kia Bắc Nam cách biệt đôi đường. Nếu phải bỏ Loa Thành chạy loạn, em sẽ mặc áo lông ngỗng mình tặng cho em trước đây. Em sẽ rắc lông ngỗng trên các ngã tư để chỉ cho mình biết đường em chạy qua.

    Trọng Thủy vội về nước trao cái móng rùa thần diệu cho phụ vương. Triệu Đà vội cất quân đi đánh An Dương Vương. Nghe tin ấy ông vua này bật cười. Ông để cho quân địch đến gần mà không ngăn chận, chẳng cần phòng ngự thành. Trên thành cao, lính canh báo hiệu quân Tầu đông như kiến đen nghịt cả chân trời, nhà vua tự mãn bảo.
    • “Nước láng giềng lại quên cái nỏ thần của ta chăng?

    Ông tiếp tục ván cờ. Sau cùng quân địch đã tới cửa thành nhà vua đứng dậy cầm vũ khí. Nhưng vừa bắn mũi tên đầu ông biết mình bị phản. Nhà vua chỉ kịp nhảy lên lưng ngựa, cõng con gái lên ngồi phía sau rồi phóng nhanh về phương Nam, bỏ cà kinh thành giang sơn mà chạy.

    Trọng Thủy vào cung không thấy Mỵ Châu bèn theo dấu lông ngỗng tại các ngả tư đường để phóng ngựa truy tầm nhà vua.
    An Dương Vương phi ngựa như gió qua rừng, qua ruộng, leo đồi, xuống dốc, vượt sông. Mỗi khi dừng lại nhà vua nghe thấy tiếng vó ngựa đuổi theo, ngài lại thúc ngựa chạy cuống cuồng như điên dại. Mỵ Châu ngồi nép mình vào cha, hai tay ôm chặt thân người như hồi còn nhỏ. Nước mắt ràn rụa, nàng cảm thấy thân phận nữ nhi yếu đuối của mình trước nỗi gian khổ mênh mang. Chạy tới bờ biển. Không một chiếc thuyền dưới nước, An Dương Vương kêu than
    • “Trời bỏ ta rồi!
      “Sứ giả Thủy Tinh ngài ở đâu? Hãy tới cứu nguy ta.”

    Thần Kim Qui hiện lên mặt biển ngay và cất tiếng nói thật lớn đến độ từ xa Trọng Thủy cũng nghe được và dừng lại.
    • “Ngài cõng kẻ thù sau lưng ngựa làm sao thoát được”?

    Nhà vua quay lại nhìn con gái, nàng yên lặng ngước đôi mắt đẫm lệ lên trời. An Dương Vương bèn rút thanh gươm to bản chém đầu nàng. Rồi tay cầm cái sừng tê giác, ngài theo Thần Kim Qui mở đường rẽ nước đi vào lòng biển khơi

    Trọng Thủy thấy xác Mỵ Châu vội xuống ngựa bồng lấy nàng mà khóc. Chàng đem nàng về Loa Thành để chôn cất. Lòng buồn khôn nguôi, chàng đi dạo suốt ngày tại những nơi vợ mình hay ở. Sau cùng trong khi tuyệt vọng chàng nhẩy xuống ao nơi vợ thường tắm.

    Những con sò tại bờ biển hút máu từ thân xác Mỵ Châu, rồi từ đó chúng nhả ra những viên ngọc quí. Ngọc này đem rửa tại cái ao nhỏ nơi Trọng Thủy trầm mình sẽ sang rực hắn lên. Nước ao vang danh tới tận bên Tầu và Hoàng Đế bắt phải kèm theo một bình nước ao vào hàng triều cống mỗi ba năm, việc triều cống được thực hiện đều cho tới triều Lý.

    Ngày nay tại bờ biển nhìn lên thì thấy một cái đền nhỏ trên núi gần nơi mà cô công chúa đã kết thúc bi thảm đời nàng. Nhưng nhất là tại thành Cổ Loa, giữa những việc tưởng nhớ biến cố lịch sử mà truyền thống còn giữ mãi là việc thờ phụng An Dương Vương và Mỵ Châu. Tại chánh điện của đền, từ hơn hai nghìn năm qua một ngọn lửa vẫn cháy sáng trước bàn thờ của vị anh hùng đã hy sinh chiến đấu bảo vệ giang sơn. Xa xa cành và rễ xum xuê của một cây đa cổ thụ linh thiêng phủ xuống ngôi đền nhỏ bé của Mỵ Châu.

    (Nguyên tác My Châu ou L’Arbalète Surnaturelle của Phạm Duy Khiêm,
    Trọng Đạt dịch)





    Truyện Trầu Cau
    _____________________




    Huyền thoại này rất phổ biến ở Việt Nam. Truyện này chắc xưa lắm rồi, cốt truyện chính đơn sơ, những chi tiết có nhiều khi khác nhau tùy theo truyền thống, đôi khi khó lựa chọn cái nào cho đúng.

    Dưới triều vua Hùng Vương thứ tư (có người nói thứ ba), một ông quan tên Cao có hai người con tên Tân và Lang dù không phải anh em sinh đôi nhưng giống nhau như hai giọt nước đến nỗi cha mẹ còn không phân biệt được. Cả hai đều khôi ngô tuấn tú, thương nhau rất mực, bên nhau như bóng với hình.

    Hai cậu còn nhỏ (có truyện nói mười hai, mười bốn tuổi, cũng có truyện nói mười bẩy, mười tám) bỗng một cơn hỏa hoạn khiến cha mẹ chết cháy, sự nghiệp tiêu tan. Đầu hôm sớm mai thành trắng tay, không bạn bè quen biết, hai anh em đi lập nghiệp phương xa.

    Tình cờ gõ cửa nhà ông Lưu, cũng làm quan, người nhân đức có quen biết cha hai cậu. Ông quan quí mến hai cậu bèn đón vào nhà cho ăn ở, cũng vì ông không có con trai chỉ có một người con gái. Ít lâu sau ông muốn gả cô cho hai cậu mồ côi này. Cả hai đều để ý tới cô gái, cô này cũng không biết chọn ai vì họ giống nhau cả người lẫn tính, họ lại ra tỏ cao thượng với nhau, nhường nhau cô gái mà cả hai cùng yêu thương.

    Hôm sau ông bảo cô gái làm cơm, có ý muốn tìm ra manh mối qua sự gặp gỡ. Ông sai con gái đem hai chén cơm, một đôi đũa rồi đưa cho hai cậu. Người em bèn tự động đưa đũa cho anh theo bổn phận. Ông quan bèn chọn cậu cả làm rể.

    Thương yêu anh, theo bổn phận làm em Lang chế ngự được tình cảm với cô gái nay đã là chị dâu của mình. Thế nhưng Tân vì hạnh phúc mới đã lơ là tình ruột thịt, nhạt nhẽo với Lang. Cậu em cô đơn dù tình cảm với anh, chị dâu trong sáng sâu đậm. Một buổi sang nọ, buồn quá cậu đành bỏ nhà ra đi. Chàng ta đi thật xa, đi mãi, đi không biết mệt cho tới bờ sông ngồi nghĩ đến thân phận hẩm hiu rồi chết vì đau khổ. Cậu biến thành phiến dá.

    Người anh thấy em bỏ đi biết là tại sao bèn tự trách mình ích kỷ. Anh hối hận bèn đi tìm em. Mấy ngày sau tới chỗ bờ sông ấy, chàng mệt quá ngồi tựa lên phiến đá. Người anh biến thành một cây thẳng đứng có chùm cành lá trên ngọn.

    Người vợ không thấy chồng lo lắng khôn nguôi cũng đi tìm chàng. Nàng cũng đi tới tận chỗ cây này rồi ôm lấy nó cho khỏi ngã, khóc thương chồng mà chết. Người vợ biến thành một dây leo cuốn quanh thân cây cao chót vót.

    Nhờ báo mộng, dân làng trong vùng dựng một cái miếu thờ ba người tình bất hạnh. Phía đầu hồi có ghi:
    Anh em xum họp, Vợ chồng chung thủy


    Về sau trong năm đại hạn hán cuối triều đại vua Hùng vương thứ tư, khi cây cỏ thực vật chết hết riêng cây và dây leo quấn quanh vẫn xanh tươi giữa cảnh hoang tàn khô héo. Nghe chuyện kỳ diệu ấy, từ khắp mọi phương người ta đổ về miếu. Chính nhà vua cũng tới nơi và được các vị trưởng thượng trong làng kể lại chuyện hóa thân của ba người. Ngài xúc động tìm hiểu ý nghĩa linh thiêng của nó, hỏi các quan tư vấn nhưng không ai giải đáp được. Sau cùng quan thượng thư bộ hình, một cụ già uyên bác bảo:
    • “Muôn tâu Bệ hạ, nếu muốn biết họ cha của anh chị em, hay quan hệ phụ tử của đứa con hoang, người ta lấy tí máu của các đương sự hứng vào cùng một cái bát. Nếu máu hòa hợp nhau sau khi dông đặc thì kết quả đúng sự thực.
      Cũng có thể ta nghiền nát lá dây leo với một quả của cây và một tí đá đập nát thành bột xem sao?..”

    Nhà vua nghe theo, sai đem nung phiến đá cho rã ra, nghiền nát ba thứ trên nó biến thành mấu đỏ tươi, thử nghiệm là đúng.

    Vì vậy lão thượng thư tâu vua Hùng Vương cho truyền bà việc trồng hai loại cây và dây leo này, lại được đặt tên trầu cau tượng trưng cho tình huynh đệ nghĩa phu thê. Những cô cậu mới cưới hay anh chị em trong nhà bắt đầu nhai lá và quả với một tí vôi để giữ tình thân. Chẳng bao lâu tục ăn trầu được lan truyền đi rất nhanh trong mọi cuộc gặp gỡ giữa những người quen nhau hay người muốn “làm quen”

    Ngày nay người ta còn thấy nhất là tại miền quê, những người tập tành ăn trầu tài tử cho có chút say, với người chưa biết ăn có thể thấy cay cay nhưng nó cũng lưu lại cho họ một hương vị cưới hỏi tươi mát, dịu dàng và chút cay đắng nhè nhẹ.


    Nếu miếng trầu là đầu câu chuyện như câu ngạn ngữ đã nói, tục ăn trầu cũng thường thấy trong những biến cố lớn của đời sống như quan hôn tang tế cũng như trong những nghi lễ tôn giáo công, tư . Với người đã khuất, tổ tiên, thần thánh trầu cau cùng với chén nước trong là đồ cúng tinh khiết. Nhưng đối với việc cưới hỏi và tình yêu đương trai gái tục lệ này có ý nghĩa nhât.

    Theo truyền thống, những cuộc truyện trò hào hoa giữa trai gái bắt đầu bằng trầu cau, đó là lời mời mở đầu. Nếu nhận lời cũng như đã giao ước ít nhiều tùy theo mỗi dịp. Phải biết từ chối khi có dịp như cô gái trong bài hát sau.

    Sáng nay em đi hái dâu,
    Gặp hai anh ngồi trên phiến đá buông câu
    Cả hai đứng dậy bảo em.
    Cô đi đâu mà vội mà vàng
    Thưa anh em đi hái dâu,
    Hai anh mở túi mời trầu,
    Thưa anh em nghe lời cha mẹ dặn
    Con gái không nhận cau trầu người lạ

    Trong đám hỏi, trầu cau của nhà trai đưa được nhà gái đem biếu bà con bằng hữu để báo tin vui. Về sau nếu người ta từ hôn vì một lý do gì, bên gái sẽ trả lại lễ cưới cũng như ở nơi khác người con gái từ hôn sẽ hoàn trả nhẫn. Trong đám cưới vẫn có những quà căn bản, ngay cả ngày nay trong đám hỏi cổ truyền ta thấy những người đội trên đầu những mâm tròn đựng những chùm cau và lá trầu, phía trên phủ tấm khăn đỏ, đó là màu chung thủy

    Hồi xưa vào nhà người Việt Nam, ta thấy trên phản để một cái hộp lớn sơn đỏ hay khảm sà cừ đã mở sẵn. Trong hộp có đĩa di động nhiều ngăn đựng đủ vật dụng ăn trầu: Cau tươi bổ làm tư, cau khô vành ngoài cuốn vào hạt nâu ở giữa, không thể thiếu những lá trầu xanh tươi hoặc ngả vàng hay xanh đậm cuốn lại nhiều tầng như điếu thuốc lá, bên cạnh đó là rễ chẻ từng miếng và cuối cùng một túi vôi nhỏ thường bằng bạc với cái thìa để trát vôi. Dưới mâm trong lòng hộp người ta để dự trữ sẵn những lá trầu, những quả cau nguyên vỏ xanh, một con dao nhỏ sắc như nước và chiếc khăn đỏ để lau tay.

    Nay người Việt đứng tuổi còn nhớ hồi nhỏ mẹ thường dậy chị hay em gái têm trầu, cách cầm quả cau bằng năm ngón tay trái để gọt vỏ, bổ làm tư thật đều, cách cắt hai bên lá trầu trước khi cuốn nó rồi đóng lại bằng cuống lá cắt bên cạnh không quên quệt chút vôi trước. Tại một số nhà, các cô gái biết làm nhiều hình lá khác nhau như lá cánh phượng. Cũng có người khéo tay cuốn nó thành hình ống thật đều, dễ coi, mềm mại, dẻo dai mọi chỗ.

    Ngày nay, tại tỉnh thành người ta không còn thấy tục ăn trầu hay tục nhuộm răng đen. Các cô gái tân thời nếu có học một chút nghề làm bánh, may vá, nấu ăn chưa kể học chữ nghĩa sẽ không còn tập sắp xếp khay cau trầu lỗi thời nữa. Cũng như một chàng trai nay không còn đưa chùm cau và dây trầu tươi để tỏ lòng thành.

    (Nguyên tác Le Bétel Et L’Aréquier của Phạm Duy Khiêm,
    Trọng Đạt dịch)



    Trọng Đạt

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Đinh Dậu

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           




    Chuyện kiêng ngày Tết

    Một giọng đàn ông hoảng hốt gọi đến sở cảnh sát đêm giao thừa:



    • - Xin báo cho 113 gấp. Tôi ở số nhà… Căn hộ của tôi vừa bị kẻ gian bẻ khoá, chúng đã lấy sạch tiền, vàng…

      - Ông và gia đình bình tĩnh và cố giữ nguyên hiện trường. Chúng tôi sẽ đến ngay.

      - Ấy, từ từ cũng được, qua mồng 3 các ông hãy đến, nhà tôi vẫn kiêng người lạ xông đất.

      - !?



    Quà Tết ý nghĩa


    Một bà già vào shop, hỏi cô nhân viên bán hàng:


    • - Tôi muốn có một món quà tặng cho con trai tôi nhân ngày Tết!

      - Thưa, anh ấy như thế nào ạ để cháu tư vấn cho bà?

      - Con trai tôi cao 1,8m, đẹp trai, khỏe mạnh, độc thân. Hơn nữa là thứ gì nó cũng có rồi, nên tôi chẳng biết mua tặng nó thứ gì nữa!

      - Vậy bác có thể tặng anh ấy… số điện thoại của cháu được không?

      - !?



    Mối quan hệ mật thiết giữa âm nhạc và hôn nhân


    Sau bao năm mải mê lập nghiệp, cuối cùng cũng đến thời điểm Tồ muốn xây dựng một gia đình nhỏ cho riêng mình.

    Tuy vậy, anh không thể mường tượng được đời sống hôn nhân thật sự như thế nào nên bèn tìm đến hỏi bố:

    • - Đàn ông sao khi cưới vợ thì cảm giác như thế nào bố nhỉ?


    Bố Tồ chậm rãi nói:

    • - Con lấy điện thoại ra đi, vào danh sách bài hát chọn một bài mà con thích nghe nhất ấy.

    Dù không hiểu lắm nhưng Tồ vẫn răm rắp làm theo. Sau đó anh hỏi:

    • - Rồi sao nữa bố?


    Bố Tồ vẫn chậm rãi:

    -
    • Con xóa hết tất cả các bài hát khác đi, chỉ chừa lại duy nhất bài hát con đã chọn thôi.

    Tồ ngạc nhiên:

    • - Chuyện này thì liên quan gì đến việc con lấy vợ hả bố?

    Bố Tồ nhẹ nhàng khoác vai con trai:

    • - Con cứ thử tưởng tượng suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, con chỉ được nghe đúng một bản nhạc ấy đi. Bố tin là con sẽ hiểu, con trai ạ.

    - !?!

    ST

    :lol2:

              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Đinh Dậu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          

... :lol2: :rotfl: :allright3: ...

          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân Đinh Dậu

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    12 loại cây cảnh mang tài lộc vào nhà ngày Tết



    Tết Nguyên Đán tới gần cũng là thời điểm các gia đình dọn dẹp, trang trí nhà cửa để đón những ngày đầu tiên của năm mới. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều đồ trang trí đẹp nhưng một vật trang trí không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt trong những ngày Tết là những chậu hoa, chậu cây cảnh. Chúng không chỉ giúp mang không khí ấm áp của mùa xuân, không khí ngày Tết mà còn mang lại may mắn, phúc lộc, tiền tài cho gia chủ trong năm mới.

    Mỗi loại hoa, loại cây cảnh đều có ý nghĩa khác nhau và phù hợp với không gian riêng nên việc lựa chọn được loại cây vừa đẹp trang trí Tết vừa hút tài lộc như ước nguyện của mình thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là những loại cây cảnh và ý nghĩa của chúng giúp các bạn tham khảo để lựa chọn trang trí cho ngôi nhà của mình.

    Ý nghĩa các loài hoa và cây cảnh trong ngày tết

    1. Đào



    Hoa đào được coi là tinh hoa của ngũ hành, là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, nhân duyên, lễ cưới. Theo phong thủy, hoa đào có thể trị bách quỷ. Chính vì vậy, trong năm mới ở các gia đình người Việt ở miền Bắc thường có bày cây hoặc cành hoa đào với mong muốn cầu xin may mắn, thuận lợi cả năm.

    2. Mai vàng



    Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát triển. Theo quan niệm của người xưa, hoa mai nở vào ngày Tết sẽ đem lại may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, tấn lộc tấn tài.

    3. Cây quất


    Cây quất tượng trưng cho sự may mắn, bình an, sức khỏe, trường thọ, niềm vui, hút tài lộc. Chính vì vậy, trong những ngày Tết, hầu hết các gia đình, công ty, cửa hàng kinh doanh đều chọn cây quất để trưng bày.

    4. Cây sung



    Cây sung là biểu tượng cho sự sung mãn, tròn đầy nên cây sung rất được người Việt ưa chuộng trồng làm cảnh. Cây sung còn được xếp đứng đầu trong bộ tam đa, là biểu tượng của phúc (cây sung) cùng với lộc (cây lộc vừng), thọ (vạn tuế). Quả sung cũng được nhiều người lựa chọn để bày trên mâm ngũ quả cúng tổ tiên ngày Tết.

    5. Hoa cúc


    Trong dân gian, hoa cúc là loài hoa quý nằm trong tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai", tượng trưng cho sự trường thọ, phúc lộc dồi dào. Theo phong thủy, hoa cúc mang lại may mắn, cuộc sống bình yên cho gia chủ. Bởi vậy, đây là một trong những loại hoa không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về, có thể là một chậu hoa cúc nhỏ đặt trước nhà hoặc những bông hoa cúc trên bàn thờ tổ tiên.

    6. Cây phát tài, phát lộc



    Đây là loài cây mang lại may mắn, tài lộc sung túc cho cả gia đình. Theo phong thủy, số lượng cây phát tài, phát lộc được trồng trong một chậu sẽ có ý nghĩa khác nhau.

    • 2 cây: Tình duyên và hôn nhân
      3 cây: Mang đến 3 loại may mắn: hạnh phúc, trường thọ, sự giàu có
      5 cây: Sức khỏe
      8 cây: Thịnh vượng, phát tài
      9 cây: May mắn


    7. Hoa hải đường


    Hoa hải đường là loài hoa tượng trưng cho mùa xuân. Trong phong thủy, loài hoa này mang lại phú quý, làm ăn tấn tới, may mắn cho gia đình. Ngoài ra, hoa hải đường còn tượng trưng có tình cảm anh em hòa hợp, cuộc sống vui vậy và tình bạn thân thiết.

    8. Hoa trạng nguyên



    Cây trạng nguyên là biểu tượng cho sự thành đạt, đỗ đạt trong con đường học hành. Với màu sắc đỏ thắm, cây trạng nguyên vừa mang lại hạnh phúc, may mắn vừa mang lại thành công cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, những gia đình có con cháu sắp bước vào những cuộc thi cử quan trọng đều chọn cây hoa trạng nguyện bày trong nhà với hy vọng con cháu học giỏi, đỗ đạt cao.

    9. Hoa lan



    Loài hoa "nữ hoàng" này tượng trưng cho sự giàu có, sang trọng, quý phái. Trong phong thủy, hoa lan mang lại nhiều may mắn, vượng khí cho gia chủ. Chính vì vậy, với vẻ đẹp sang trọng, màu sắc rực rỡ, loài hoa này thường được bày ở trong phòng khách mỗi dịp xuân về.

    10. Nụ tầm xuân


    Nụ tầm xuân có ý nghĩa sinh sôi, nảy lộc, mang lại nhiều may mắn. Cùng với hoa đào, cây quất, hoa tầm xuân là vật trang trí không thể thiếu trong nhiều gia đình trong dịp Tết.

    11. Hoa đồng tiền



    Hoa đồng tiền mang lại nhiều may mắn, sức khỏe, tuổi thọ mà giá thành khá rẻ nên được nhiều gia đình lựa chọn để chơi hoa trong ngày Tết. Bạn có thể đặt một chậu hoa đồng tiền trước cửa nhà, trong phòng khách hoặc cắm thành lọ trang trí như một lời chúc ý nghĩa cho gia đình trong ngày đầu năm mới.

    12. Hoa thủy tiên



    Loài hoa tượng trưng cho sự may mắn, trường thọ, giàu sang phú quý, tài lộc sung túc. Theo phong thủy, hoa thủy tiên có tác dụng khử tà, mang lại cát tường, tăng thêm tài khí cho gia chủ. Chính vì vây, hoa thủy tiên được rất nhiều gia đình lựa chọn trang trí trong


    Nguồn: http://khoahoc.tv

              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Đinh Dậu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Những năm Dậu

    với những biến cố đáng ghi nhớ
    __________________
    Xuân Vũ TRẦN ÐÌNH NGỌC





    Trăm năm bia đá cũng mòn
    Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ!
    (Ca dao)


    “Ôn cố nhi tri tân”, tìm đọc lại những bài học cũ để qui hoạch cho đường lối mới luôn luôn là điều dạy khôn ngoan của cổ nhân. Nhân năm mới Đinh Dậu, chúng ta thử lần giở lại vài trang sử cũ của nước nhà để tìm trong ấy may ra có học được một bài học nào của tiền nhân không?

    Con cháu các cụ ngày nay, dù trong nước hay ở hải ngoại, càng cần đọc sử, học sử để nhớ nguồn nhớ cội, để không mất gốc, để duy trì mãi cái dòng giống khởi từ mười tám đời vua Hùng và tổ mẫu Âu Cơ, đã từng dựng nước, giữ nước, chống chõi nhiều lần với quân thù để giữ yên và mở mang bờ cõi. Là con cháu, chúng ta quyết phải bảo vệ từng tấc đất tổ tiên giao lại, bành trướng thế lực, mưu cầu an lạc hạnh phúc cho trăm họ, biến mảnh đất hoang sơ của tiền nhân thành nơi hoa gấm, tươi đẹp, an bình cho mọi con dân Việt sinh sống. Ðó mới chính là cái triết lí thâm sâu cốt lõi của việc “ôn cố nhi tri tân” vậy.

    Sau đây là một số biến cố đáng ghi trong các năm Dậu




    - Năm Ất Dậu (1226):
    Nguyên vua Lý Huệ tông không có con trai, chỉ sinh được hai người con gái. Người chị là Thuận thiên công chúa đã gả cho Trần Liễu là con trưởng của Trần Thừa; còn người em là Chiêu thánh công chúa, tên là Phật Kim, Huệ tông yêu mến lắm, nên mới lập làm Thái tử lúc lên 7 tuổi. Tháng 10 năm Giáp thân (1224) Huệ tông truyền ngôi cho Chiêu thánh công chúa rồi vào ở chùa Chân giáo. Huệ tông trị vì được 14 năm.

    Chiêu thánh công chúa lên ngôi, tức là vua Lý Chiêu hoàng (1224-1225). Bấy giờ quyền chính đều ở cả trong tay Ðiện tiền chỉ huy sứ là Trần thủ Ðộ, em họ của hoàng hậu. Không bao lâu, Trần thủ Ðộ tư thông với Trần thái hậu (tức Trần thị, vợ Lý Huệ tông), đêm ngày tìm mưu lấy cơ nghiệp của nhà Lý. Trần thủ Ðộ cho cháu là Trần Cảnh vào cung làm chức Chính thủ.

    Ðến tháng chạp năm Ất Dâu (1226), do sự sắp xếp của Trần thủ Ðộ, Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và truyền ngôi cho chồng.
    Nhà Lý đến đấy là hết, làm vua đuợc 216 năm, truyền ngôi được 9 đời.



    - Năm Ất Dậu (1285):
    Ðời vua Trần Nhân tông, Hưng Ðạo vương Trần quốc Tuấn cùng dân quân nhà Trần đánh tan 50 vạn quân Nguyên (Mông cổ) chỉ trong 6 tháng, từ tháng chạp năm giáp thân (1284) đến tháng 6 năm Ất Dậu (1285). Thái tử Mông cổ là Thoát Hoan cùng các tướng A bát Xích, Ô mã Nhi và Phàn Tiếp chạy thoát về Tàu được. Toa Ðô và Lý Quán bị giết trong trận.


    - Năm Ất Dậu (1405):
    Nhà Minh sai sứ sang đòi đất Lộc Châu. Trước Hồ quí Ly đã không chịu, sau phải cắt ra 59 thôn ở Cổ lâu nhường cho Tàu.

    Chúng ta cần đi ngược dòng lịch sử để hiểu thêm về Hồ quí Ly, một nhân vật quan trọng ở cuối thế kỉ 14 đầu thế kỉ 15, tạo nên nhiều biến động lịch sử. Hồ quí Ly tên thật là Lê quí Ly, dòng dõi ở Chiết giang bên Tàu, tổ là Hồ hưng Dật, từ đời Ngũ quí sang ở nước ta, làng Bảo đột, huyện Quỳnh lưu. Sau ông tổ tứ đại là Hồ Liêm dời ra ở Thanh hóa, làm con nuôi nhà Lê Huấn nên mới đổi họ là Lê. Lê quí Ly có hai người cô lấy vua Minh tông. Một người sinh ra vua Nghệ tông, một người sinh ra vua Duệ tông. Vì thế nên vua Nghệ tông - một ông vua rất nhu nhược - lại càng tin dùng Quí Ly lắm, phong cho làm Khu mật đại sứ, lại gia tước Trung tuyên hầu.

    Làm vua được hai năm (1370-1372) Nghệ tông truyền ngôi cho em là Kính, tức Duệ tông (1372-1377) rồi về ở phủ Thiên trường làm Thái thượng hoàng. Tuy thế, mọi việc quyết định đều trong tay Nghệ tông, Duệ tông chỉ đứng làm vì. Trong một trân tiến sâu vào thành Ðồ Bàn của Chế Bồng Nga vì bị lừa, Duệ tông tử trận. Quân sĩ mười phần chết đến bảy tám. Sau đó Nghệ tông bèn lập con của Duệ tông là Hiễn lên nối ngôi tức là Trần Phế đế (1377-1388).

    Biết rõ Quí Ly là một kẻ gian hùng, Ðế Hiễn bàn với các quan phải trừ Lê Quí Ly đi, Quí Ly biết tin ấy vào kêu xin với Nghệ tông, xúc xiểm Nghệ tông rằng: “Người ta nuôi con bỏ cháu chứ không thấy ai nuôi cháu bỏ con bao giờ” Nghệ tông giáng chức Ðế Hiễn, nhưng Quí Ly vẫn bắt tội Ðế Hiễn bị thắt cổ chết. Nghệ tông sau đó lập con mình là Chiêu định vương lên làm vua, tức là vua Trần Thuận tông (1388-1398)

    Chế Bồng Nga, vua Chiêm thành, đã nhiều lần xâm phạm bờ cõi nước Nam. Những lần thắng, quân Chiêm thành vào kinh đô ta như vào chỗ không người, đủ biết vua quan nhà Trần lúc đó rất sợ Chế Bồng Nga. Năm Kỉ tị (1389) Chế Bồng Nga lại đem quân đánh Thanh hóa. Vua sai Lê Quí Ly đem binh chống giặc nhưng Quí Ly thua trận phải trốn về Kinh. Qua tháng mười một, quân Chiêm lại vào sông Hoàng giang, Thượng hoàng sai Ðô tướng là Trần Khát Chân đem binh chống giữ. Khát Chân khóc và lạy rồi ra đi. Khát Chân cho đóng quân ở huyện Hưng Nhân tỉnh Thái bình, tức sông Luộc. Tháng giêng năm Canh Ngọ (1390) Chế Bồng Nga đi thuyền đến xem hình thế quân của Trần Khát Chân. Trước đó, một tên đầy tớ của Chế Bồng Nga có tội, sợ bị Chế giết bèn chạy sang hàng với Trần Khát Chân. Nhân khi Chế Bồng Nga đem hơn 100 chiếc thuyền đến gần trại của quân nhà Trần, tên đầy tớ chỉ cái thuyền của Chế cho Khát Chân. Khát Chân truyền lấy súng bắn vào thuyền ấy. Chế Bồng Nga trúng đạn, chết. Quan quân đổ ra đánh. Quân Chiêm thấy quốc vương đã chết, bỏ chạy cả. Quan quân cắt lấy đầu Chế đem về dâng Thượng hoàng.

    Từ khi giặc Chiêm đã yên, Thượng hoàng càng ngày càng tin dùng Quí Ly, việc lớn nhỏ giao cho hết, lại bảo Quí Ly nếu con cháu nhà vua sau này không xứng đáng thì Quí Ly cứ tự định đoạt (nghĩa là có thể lên nối ngôi vua). Quí Ly thề thốt trước mặt vua rằng sẽ trung thành với nhà Trần mãi mãi nhưng Quí Ly vẫn càng ngày càng kiêu hãnh, chuyên quyền hơn trước, những kẻ không tùng phục mình thì xúi Thượng hoàng giết đi; hoàng tử thân vương cũng đều bị hại. Ðến tháng chạp năm Giáp tuất (1394) Thượng hoàng mất, trị vì được 3 năm, ở ngôi Thái thượng hoàng 27 năm, thọ 74 tuổi.

    Nghệ tông mất rồi, Quí Ly lên làm Phụ chính Thái sư, vào ở trong điện, sửa đổi việc tài chánh, việc học hành, việc cai trị và lập Tây đô. Qua năm 1397, Quí Ly bắt Thuận tông nhường ngôi cho con, đi tu tiên. Người con là Thiếu đế, mới có 3 tuổi. Lê Quí Ly làm phụ chính tự xưng là Khâm đức hưng liệt đại vương, rồi sai người giết Thuận tông. Bấy giờ triều đình có những văn quan võ tướng như Thái bảo Trần nguyên Hãng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân lập hội để mưu trừ Quí Ly, chẳng may việc bại lộ, bị Quí Ly giết đến hơn 370 người.

    Lê Quí Ly lại xưng là Quốc tổ chương hoàng, ở cung Nhân thọ, ra vào dùng nghi vệ Thiên tử. Ðến tháng hai năm Canh Thìn (1400), Quí Ly bỏ Thiếu đế rồi tự xưng làm vua thay ngôi nhà Trần. Từ đó Quí Ly đổi họ là Hồ, Hồ Quí Ly. Làm vua chưa được một năm thì Hồ Quí Ly bắt chước tục nhà Trần, nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, lên làm Thái thượng hoàng để cùng coi việc nước, nhưng quyền lực thực trong tay Hồ Quí Ly tất cả, Hán Thương chỉ làm vì.

    Ðến năm Giáp thân (1404), một người tên Trần Khang đi đường Vân Nam sang Yên Kinh, đổi tên là Trần thiêm Bình, xưng là con vua Nghệ tông, vào triều yết vua Thành tổ nhà Minh, kể rõ sự tiếm nghịch của Hồ Quí Ly. Từ đấy nhà Minh muốn mượn tiếng đánh Hồ phục Trần để lấy đất An-nam.

    Nhân việc Hồ Hán Thương giết Thiêm Bình, vua Thành tổ sai Chu Năng làm đại tướng cùng Trương Phụ, Lý Bân, Trần Húc chia binh làm hai đạo sang đánh An-nam. Tướng nhà Minh biết rằng người An-nam không phục họ Hồ bèn làm hịch kể tội họ Hồ và nói rằng quân Tàu sang là để lập dòng dõi nhà Trần, cứu dân khỏi sự khổ cực.

    Quân họ Hồ thua to ở trận Ða Bang, quân Minh tiến lên lấy Ðông đô, tức Thăng Long, bắt đàn bà con gái hãm hiếp, cướp bóc của cải. Từ đó, bọn Trương Phụ tích trữ lương thực, đặt quan làm việc, định kế ở lâu dài. Tướng Tàu đánh họ Hồ thêm hai trận nữa là trận Mộc phàm giang và trận Hàm tử quan, họ Hồ đều thua chạy. Hồ Quí Ly vào đến cửa Kỳ la, thuộc huyện Kỳ Anh, Hà tĩnh thì bị quân nhà Minh bắt được. Hồ Hán Thương và những con cháu họ Hồ bị giặc bắt được ở núi Cao vọng. Vua quân nhà Hồ đều bị giải về Tàu. Quí Ly bị giam rồi sau đày ra làm lính ở Quảng tây, chết ở đó. Còn con cháu và tuớng sĩ của họ Hồ thì được tha.



    - Năm Quí Dậu (1765):
    Chúa Nguyễn sai quan Tổng binh là Nguyễn hữu Kính đem quân chiếm đất Chiêm thành thuộc tỉnh Phan Rang, Phan Rí bây giờ. Từ đó nước Chiêm thành mất hẳn.


    - Năm Ðinh Dậu (1777):
    Nguyễn Nhạc sai người ra xin với Chúa Trịnh để được làm chức trấn thủ đất Quảng Nam. Chúa Trịnh thuận cho; sau khi được phong chức, Nguyễn Nhạc ra lệnh cho Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem thủy bộ quân vào đánh chiếm thành Gia định.

    Cùng năm này, Giám mục Bá đa Lộc (Evêque d’Adran) giúp Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn.



    Năm Kỉ Dậu (1789):
    Vua Quang Trung đại phá quân Thanh.

    Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, sau đổi tên là Nguyễn quang Bình là một người có sức khoẻ ít ai bì, lại có mưu trí, quyền biến, mẹo mực như thần, khởi binh ở đất Tây sơn, huyện An khê, tỉnh Bình định, giúp anh là Nguyễn Nhạc lập nên nghiệp lớn, được phong là Bắc bình vương, đóng đô ở Phú Xuân.

    Năm Mậu thân (1788), nhà Thanh mượn tiếng sang cứu nhà Lê, đem quân chiếm giữ thành Thăng Long, có ý muốn lấy đất An-nam. Bắc bình vương lên ngôi Hoàng đế đặt niên hiệu là Quang Trung rồi đem binh đi đánh giặc.

    Nguyên vua Lê Chiêu thống đã mấy lần toan sự khôi phục nhưng không đuợc phải nương náu ở đất Lạng giang. Nhưng bà Hoàng thái hậu đem hoàng tử sang kêu van với quan Tàu xin binh cứu viện. Quan tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn sĩ Nghị dâng biểu tâu với vua Càn Long nhà Thanh, vạch ra hai điều lợi là cứu nhà Lê, nhân thể lấy được đất An-nam, lợi cả đôi đường. Vua Càn Long nghe lời tâu ấy sai Tôn sĩ Nghị khởi quân bốn tỉnh Quảng đông, Quảng tây, Quí châu và Vân Nam sang đánh Tây sơn.

    Tôn sĩ Nghị chia quân làm ba đạo: sai quan tổng binh tỉnh Vân Nam và Quí châu đem một đạo sang mạn Vân Nam; sai Sầm Nghi Ðống đem một đạo sang mạn Cao bằng; Sĩ Nghị cùng đề đốc Hứa thế Hanh đem một đao sang mạn Lạng Sơn; ba mũi giáp công hẹn ngày sang đánh An-nam.

    Tướng Tây Sơn là Ngô văn Sở ở Thăng Long được tin quân Tàu đã sang, sợ yếu thế đánh không nổi, bèn rút quân thủy bộ về đóng giữ từ núi Tam điệp (đèo Ba dội) ra đến bờ bể rồi sai người vè Phú Xuân cáo cấp với Bắc bình vương Nguyễn Huệ.

    Tôn sĩ Nghị đến Kinh bắc (Bắc ninh) vua Chiêu thống ra chào mừng rồi theo quân Tàu về Thăng long. Ngày hôm sau, Sĩ Nghị làm lễ tuyên đọc tờ sắc của vua Càn Long phong cho Chiêu thống làm An-nam quốc vương. Tuy đã thụ phong nhưng trên các văn thư đều phải đề niên hiệu Càn long, mỗi ngày vua Chiêu thống phải đến dinh Sĩ Nghị để chầu chực xem y có lệnh lạc gì về việc cơ mật quân quốc không mà y thì khinh bạc, coi vua Chiêu thống không ra gì cả; khi không có việc gì, y cho quân hầu đứng dưới gác chiêng truyền rằng:”Hôm nay không có việc quân quốc gì, xin ngài hãy về cung nghỉ.”

    Người trong nước rất đau lòng thấy thái độ hèn hạ, khiếp nhược của vua Lê Chiêu thống với quân Tàu, thường bảo với nhau rằng, từ thuở nước ta có vua, chưa ông vua nào làm mất quốc thể như Lê Chiêu thống. Việc gì cũng phải đến bẩm quan Tổng đốc, văn thư cũng phải để niên hiệu vua Tàu, thế có khác chi đã bị nội thuộc?

    Vua Chiêu thống và triều thần lúc đó chỉ trông cậy vào Tôn sĩ Nghị, không nghĩ việc gì khác ngoài việc tìm cách giết hại những người đã theo nhà Tây Sơn. Tôn sĩ Nghị thì càng ngày càng kiêu căng, ngạo mạn; y thả quân lính của y ra nhũng nhiễu dân lành, hãm hiếp đàn bà con gái, cướp phá dân gian, coi như không còn một thứ luật pháp nào ngoài luật rừng của chúng nữa. Nhân dân đồ thán, tiếng kêu ai oán vọng tới Trời.

    VUA QUANG TRUNG ÐẠI PHÁ QUÂN THANH

    Bắc Bình vương được tin quân nhà Thanh đã sang đóng ở Thăng long, lập tức hội các tướng sĩ để bàn việc đem binh ra đánh. Các tướng đều xin hãy chính ngôi tôn để yên lòng người rồi sẽ khởi binh. Bắc bình vương bèn sai lập đàn ở núi Bàn Sơn, ngày 25 tháng mười một năm Mậu Thân (1788), vương làm lễ lên ngôi Hoàng đế, rồi tự mình thống lĩnh thủy bộ đại binh ra Bắc đánh giặc Thanh. Khi ra đến Nghệ an, Ngài ra lệnh nghỉ lại 10 ngày để tuyển thêm binh, cả thảy được 10 vạn quân và hơn 100 thớt voi.

    Vua Quang Trung cưỡi voi duyệt toàn quân vào một buổi sáng, truyền dụ quân sĩ phải hết sức vì nước đánh giặc. Tướng sĩ đều nức lòng hoan hô vang dậy. Ðoạn kéo quân đi, đến ngày 20 tháng chạp Mậu thân thì tới núi Tam Ðiệp. Bọn Ngô văn Sở, Ngô thì Nhiêm đều ra tạ tội, kể chuyện quân Tàu thế mạnh, sợ đánh không nổi nên phải rút về nơi hiểm yếu bảo toàn lực lượng. Vua Quang Trung cười mà nói rằng:

    • “Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng ta nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế.
      Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì Nhiệm dùng lời nói cho khéo với vua nhà Thanh để đình chỉ việc chiến tranh. Ðợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa.”

    Vua Quang Trung truyền cho tướng sĩ ăn Tết Nguyên đán trước đến hôm trừ tịch thì cất quân đi, định ngày mồng 7 tháng giêng thì vào thành Thăng long mở tiệc ăn mừng chiến thắng. Có sách chép nhân dân khắp vùng đã nô nức đem các thứ bánh trái và thức ăn ngày Tết đến đãi quân sĩ, tình quân dân thật là thắm thiết.

    Sau đó, ra lệnh ba quân nghe lệnh điều khiển.(Chi tiết trận đánh quá dài, không thích hợp với bài này. Xin để một dịp khác.) Vua Quang Trung cỡi voi chỉ huy chiến trường. Ngài quấn khăn vàng quanh cổ, tiến lên hàng đầu hô quân lính xung phong. Ðến trưa mồng 3 Tết thì hoàn toàn chiếm được Thăng Long, tức trước hạn kì 4 ngày. Tôn sĩ Nghị nửa đêm được tin báo, hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa và mặc áo giáp, đem mấy tên lính kị chạy qua sông sang Bắc (quân y đóng ở phía Nam sông Nhị hà). Quân Tàu ở các trại nghe tin như thế, xôn xao tan rã chạy trốn, tranh nhau sang cầu làm cầu đổ, sa cả xuống sông chết đuối, sông Nhị hà ngập thây xác quân Tàu.

    Vua Chiêu thống lúc đó cũng theo Tôn sĩ Nghị sang sông cùng với bà Hoàng thái hậu và mấy cận thần chạy sang Tàu. Ðạo quân Vân Nam và Quí châu đóng ở mạn Sơn tây nghe tin quân Tôn sĩ Nghị đã thua, cũng rút về Tàu. Hứa thế Hanh, đề đốc; Trương sĩ Long, tiên phong; Thượng duy Thăng, tả dực đều tử trận ở Ngọc hồi, Hà hồi. Sầm Nghi Ðống, tri phủ Ðiền châu đóng quân ở gò Ðống đa bị quân ta vây đánh, thắt cổ chết. Tính chung, quân Tôn sĩ Nghị bị tử trận đến trên hai mươi vạn, không kể số bị thương và số trốn thoát được về Tàu. Thây giặc vắt ở gò Ðống đa như đống núi.

    Vua Quang Trung vào thành Thăng long với áo ngự bào bị thuốc súng bắn vào đen như mực. Ngài dũng mãnh cầm quân, tung hoành trong trận, đánh quân Tàu như một chúa sơn lâm vờn đàn chồn. Ngài sai quân sĩ đuổi quân Tàu đến ải Nam quan, những dân Tàu ở vùng Lạng sơn dắt díu nhau chạy về Tàu.

    Vua vào thành rồi, hạ lệnh chiêu an bá tánh, những người Tàu trốn tránh ra thú tội đều đưọc tha, lại cấp cho lương ăn, áo mặc để về Tàu. Nhận đưọc tin thất trận, vua Càn Long rất đau đớn, than rằng:
    • ”Quốc thể không đến nỗi bị tổn thương, nhưng uy danh liệt sĩ đã bị suy kém.

    Lần đầu tiên đế quốc Mãn Thanh nếm mùi thất bại chua cay. Dù rất thù hằn, vua Càn Long phải hạ bút ca ngợi vua Quang Trung là bậc anh hùng cái thế, sánh ngang với Hạng Võ.

    Trước sau, cái mộng của vua Quang Trung là đòi lại Lưỡng Quảng, vốn của Việt Nam, nên sau này Ngài đã định kế xin cầu phong và xin cưới công chúa Mãn Thanh, nhưng hoài bão của Ngài thì vĩ đại mà mệnh số quá vắn. Ngài mất năm Nhâm tí (1792), làm vua được 4 năm, thọ 40 tuổi, miếu hiệu: Thái tổ Võ hoàng đế.

    Con Ngài là Thái tử Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, lúc mới 10 tuổi, mọi việc quyết đoán đều trong tay thái sư Bùi đắc Tuyên, nhà Tây Sơn phân ra bè đảng, chia rẽ, giết hại lẫn nhau mà tan sự nghiệp. Ðồng thời, vua Gia long Nguyễn Ánh cầu cứu người Pháp đem binh lính và vũ khí giúp nên diệt nhà Tây Sơn không bao lâu. Vua Gia Long đã giao hoàng tử Cảnh cho Giám mục Bá đa Lộc đưa sang Pháp làm con tin. Người Pháp nhòm ngó nước ta đi đến chỗ đánh chiếm, đô hộ kể từ thời Gia long và Giám mục Bá đa Lộc vậy.



    - Năm Tân Dậu (1801):
    Nguyễn-vương Ánh thấy lòng dân không theo Tây Sơn nữa nên dùng thủy binh đánh chiếm cửa Thuận an rồi kéo quân chiếm thành Phú Xuân (Huế)


    - Năm Quí Dậu (1873):
    Ðại Úy Francis Garnier (Ngạc Nhi) hạ thành Hà nội. Tổng đốc Nguyễn tri Phương bị thương nặng, quân Pháp vào thành bắt được cụ đem xuống tầu. Cụ Nguyễn tri Phương không chịu buộc thuốc cầm máu và nhịn ăn để chết. Cụ là tấm gương: ”Thành mất, tướng chết theo thành”.

    Ngạc Nhi sau này bị quân Cờ đen phục kích giết. Cụ Nguyễn Khuyến có làm một bài Văn tế ngắn mỉa mai y, nhan đề là Văn tế Ngạc Nhi.



    - Năm Ất Dậu (1885):
    Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương chống Pháp. Ngài cùng quần thần bỏ ra Tân Sở phát động phong trào đánh đuổi quân Pháp xâm lăng. Tướng Tôn thất Thuyết huy động được hai vạn quân tấn công tòa Khâm sứ Huế và trại lính Pháp tại đồn Mang cá. Nhưng vì thế cô và ít súng đạn, quân ta thua chạy. Cụ Tôn thất Thuyết trốn ra Quảng trị rồi sau cùng trốn sang Tàu. Cụ Nguyễn văn Tường thì bị đày ra đảo Haiti ở Thái bình dương, được ít lâu mất tại đó, quan tài được đem về chôn tại Việt Nam.

    Năm Mậu tí (1888) tên Trương quang Ngọc bắt vua Hàm Nghi giao cho Pháp. Pháp đày ngài đi Algérie ngày 13-1-1889, Ngài mất tại đó ngày 4 tháng 1 năm 1943. Ngài có một hoàng tử và hai công chúa.



    - Năm Ất Dậu:(1945):
    Khởi từ mùa Ðông năm 1944 đến giữa năm 1945, gần hai triệu người Bắc Việt chết đói vì Pháp thu mua lúa gạo tích trữ đồng thời Pháp phải bán cho quân Nhật ăn theo sự đòi hỏi của Nhật. Ðồng thời Nhật bắt nông dân ta bỏ lúa trồng đay và gai từ mấy năm trước để chúng dùng trong kĩ nghệ chiến tranh.

    Tác giả bài này tuy trong tuổi niên thiếu nhưng đã sống và chứng kiến tận mắt những cảnh vô cùng thương tâm của nạn đói tháng Ba năm Ất Dậu. Sẽ hầu chuyện bạn đọc trong một thiên hồi ký đặc biệt, thực 100% dưới dạng truyện ngắn để chúng ta hiểu nỗi lòng người dân sau trăm ngàn đau khổ dưới ách thống trị của ngoại bang, mong mỏi nước nhà Ðộc lập Tự Do Dân chủ như thế nào? Và những ước vọng chính đáng ấy có được đáp ứng hay bị phản bội trắng trợn?

    Ngày 9-3 quân đội Nhật lật đổ chính quyền Pháp tại Ðông dương, tấn công các đồn binh Pháp ở Hànội, Lạng sơn, Sàigòn, Huế... Ðô đốc Decoux và một số tướng, tá, dân sự Pháp bị bắt cầm tù. Quân đội Pháp còn sống sót do tướng Alexandrie chỉ huy đã đào thoát sang Tàu.

    Ngày 11-3-45, Nhật tuyên bố trao trả Ðộc lập cho Việt Nam.

    Ngày 6-8-45, TT Hoa kỳ Harry Truman đã ra lệnh thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima, Nhật làm hơn 150,000 người thiệt mạng, 60% thành phố bị phá hủy. Ngày 9-8-45, trái bom nguyên tử thứ hai do không quân Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki làm cho Nhật hoàng Hirohito phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

    Ngày 22-8-45, chiếu quyết nghị của Hội Nghị Postdam về việc giải giới QÐ Nhật, Trung hoa Quốc gia (TT Tổng giới Thạch) phụ trách từ Bắc vĩ tuyến 16 thuộc tỉnh Quảng Nam trở ra Bắc, quân đội Anh từ Nam vĩ tuyến 16 vào Nam.

    Ngày 16-8-45, sau khi Nhật đầu hàng Ðồng Minh, Hồ chí Minh (tức Nguyễn ái Quốc) chộp lấy thời cơ, tổ chức Ủy Ban Giải phóng Quốc gia, thành lập một chính phủ lâm thời sau khi được quân đội Nhật trao trả lại quyền hành điều khiển quốc gia.

    Ngày 17-8-45, chính phủ Pháp đề cử đô dốc Thierry d’Argenlieu làm Cao ủy Ðông Dương. Ðiều này cho thấy Pháp vẫn còn muốn ở lại Ðông Dương vì món mồi béo bở khó bỏ. Pháp không làm như Anh, trả lại thuộc địa cho Ấn độ và nhiều nước khác hay như Hoa kỳ trả độc lập cho Phi luật tân v.v... Chính Pháp làm tăng trưởng chế độ thực dân ở Việt Nam và Cộng Sản có cơ nhảy ra cướp chính quyền.

    Ngày 19-8-45, công chức, Sinh viên thanh niên, học sinh và đồng bào tổ chức một cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba đình Hà nội để biểu dương khí thế và lòng nhiệt thành với nền Ðộc lập của Dân tộc bị cán bộ Việt Minh xâm nhập, phát và treo cờ đỏ sao vàng và hoan hô lãnh tụ của họ: ông Hồ chí Minh. Cuộc mít tinh của toàn dân thành ra cuộc biểu tình do Việt Nam Cách Mệnh đồng minh hội tức Việt Minh lãnh đạo.

    Ngày 24-8, cựu hoàng Bảo Ðại bị buộc thoái vị sau khi trao lại ấn kiếm cho đại diện của Việt Minh. Vua Bảo Ðại tuyên bố:”Thà làm công dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.” Dân Việt Nam lúc đó coi ông Bảo Ðại như một ông vua bù nhìn, vô dụng, ăn chơi trụy lạc. Sau đó, công dân Vĩnh Thụy nhận lời mời làm Cố vấn tối cao cho chính phủ với danh nghĩa “chính phủ liên hiệp” do Hồ chí Minh là Chủ tịch, cụ Nguyễn hải Thần là Phó chủ tịch, Nhà Văn Nhất Linh Nguyễn tường Tam: Bộ trưởng Ngoại giao, Trần huy Liệu, cán bộ Cộng sản, Bộ trưởng Thông tin, ông Vũ hồng Khanh v.v...

    Ngày 2-9-45, lợi dụng sự trì hoãn ngày kí thỏa ước đầu hàng giữa Nhật Hoàng với Ðại tướng Hoa kỳ Mac Arthur trên chiến hạm Missouri thả neo tại vịnh Ðông kinh vì bị một trận cuồng phong lớn, nên Hồ chí Minh cho lệnh chuyển quân về Hà nội và tại vườn hoa Ba đình, rồi đọc bản tuyên ngôn độc lập và thành lập chế độ dân chủ cộng hòa Việt Nam (tức chế độ Cộng sản).

    Ngày 3-9-1945, hơn 2000 tù binh Pháp bị Nhật giam giữ được trả tự do.

    Ngày 12-9-1945, quân đội Anh quốc dưới quyền chỉ huy của tướng Douglas Gracey đổ bộ đến Saigon để giải giới quân đội Nhật.

    Ngày 16-9-1945, tướng Lư Hán chỉ huy một đạo quân gần 200,000 lính Trung Hoa được di chuyển từ Vân Nam qua Bắc Việt để giải giới quân đội Nhật tại Bắc Việt.(Lính của Lư Hán bị bệnh phù thũng rất nhiều và chân bị sâu Quảng, người Việt thường gọi là Tầu phù)

    Ngày 26-9-1945, một Trung tá tên Dewey Peter giữ chức trưởng nhiệm sở cơ quan tình báo chiến lược Hoa kỳ (OSS) tại Saigon, trong khi lái chiếc xe Jeep từ thành phố ra phi trường Tân sơn Nhất đã bị một binh sĩ Việt Minh bắn tử thương vì tưởng nhầm là một sĩ quan Pháp. Dewey là quân nhân Hoa kỳ đầu tiên bị thiệt mạng tại Việt Nam.



    NĂM ÐINH DẬU (1957)
    Ngày 3-1-1957, Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến ra thông cáo là trong khoảng từ tháng 2-1955 đến tháng 6-1956, cả hai phe Việt Minh và Cộng Hòa Việt Nam đều không thực thi nhiệm vụ của mình theo đúng điều khoản đã ghi chép trong Hiệp định Genève 1954.

    Ngày 23-2-1957, Tổng thống Ngô đình Diệm trong chuyến kinh lí vùng Ban Mê thuột đã bị một cán bộ cộng sản mưu sát nhưng Tổng thống đã thoát nạn; kẻ mưu sát đã bị bắt tại chỗ.



    NĂM KỈ DẬU (1969)
    Ngày 25-1-1969, cuộc hội đàm giữa hai phái đoàn Bắc Việt và Hoa kỳ được chính thức khai diễn tại Paris.

    Ngày 10-6-1969 Cộng Sản loan báo việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời tại miền Nam Việt Nam.

    Ngày 3-9-1969, tại Hànội Hồ chí Minh xuống trình diện Mác-Lê-Mao tại phủ Diêm vương, thọ 79 tuổi. Dư luận đồn rằng ông Hồ quá đau khổ vì thất bại trận Tết Mậu Thân (1968) sinh bệnh, chết.

    Ngày 15-11-1969, tại Hoa kỳ có hơn 250,000 người biểu tình chống chiến tranh Việt Nam do John Kerry và Jane Fonda cầm đầu, tập trung tại thủ đô Hoa thịnh Ðốn, trên đường phố Pennsylvania và tại Washington Monument. John Kerry và ba đồng ngũ đứng liệng huy chương quân đội cấp phát. Kerry vào Thượng viện nói những điều không có thật ở Việt Nam, bôi bác chính sách Hoa kỳ tại Việt Nam mục đích cho Tổng thống Nixon và nhân dân Hoa kỳ chán nản, bỏ Việt Nam Cộng Hòa cho Cộng Sản.

    Tính đến ngày 31-12-1969, Tổng thống Hoa kỳ Richard Nixon ra lệnh rút quân đội viễn chinh từ 543,000 trong tháng 6 xuống còn 479,000. Quân đội Mỹ tại Thái Lan rút xuống còn 46,000 người; đồng thời lực lượng quân sự của Thái Lan, Ðại Hàn ước độ 12,000 người bắt đầu rút ra khỏi Việt Nam. Tính đến cuối năm 1969, lực lượng viễn chinh Hoa kỳ bị tổn thất: 40,000 tử trận, 260,000 bị thương, 1,400 bị mất tích.



    NĂM QUÍ DẬU (1993)
    Nếu tính từ 30-4-1975, ngày Miền Nam mất vào tay Cộng Sản, cho đến năm 1993, một cách khái quát, có 3 triệu người Việt Nam đã đào thoát khỏi nước đi khắp thế giới tránh nạn Cộng Sản trong vòng 18 năm đó, định cư nhiều nhất ở Hoa kỳ, rồi Âu châu, Úc châu. Con số nạn nhân mất tích ở biển Ðông và trên các đường rừng xuyên Việt qua Lào, Cam bốt, Thái Lan cũng lên tới con số 500,000 nạn nhân. Chưa cuộc di cư nào trong lịch sử Việt Nam vĩ đại và đầy gian khổ, chết chóc, đau thương như cuộc đào thoát từ ngày 30-4-1975, chưa kể cuộc đào thoát từ miền Trung vào Sàigòn từ tháng 3-1975 khi Cộng quân tiến chiếm Ban Mê thuột, rồi Huế và Ðà nẵng và các tỉnh miền




    Xuân Vũ TRẦN ÐÌNH NGỌC
    Little Saigon, CA 26-1-2005
    Tài liệu tham khảo:
    Trần trọng Kim - Việt Nam Sử lược
    và một số báo chí rải rác.



              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Đinh Dậu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          



Về bến xuân xưa
______________________
Mường Mán

          

Áo biếc xưa về qua bến tạnh
Ngày xuân tóc mới chớm ngang vai
Chị đi thoáng chút hương xoan muộn
Sóng sánh nghiêng lòng bao gã trai

Khăn đào xưa đùa cùng gió nội
Theo người qua trăm chặng lao đao
Chị gánh sương đi từ hừng sáng
Khuya về, vai nặng gánh trăng sao

Cậu bé ngày xưa thường tha thẩn
Ôm đàn ra bến hát nghêu ngao
Đón chị, đón quà, và đón cả
Vòng tay thơm gió bụi ngọt ngào

Hương xoan nay đã xa vời vợi
Thuyền cũ đi về vắng bóng ai
Lênh đênh trên bến vần thơ trắng
Nhuộm áo khăn xưa màu trăng phai.


          

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Đinh Dậu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          



... Bìa báo Xuân xưa ...
:flower:

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân Đinh Dậu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


          



[/audio]
Tình tự mùa xuân
Từ công Phụng
MiMi



:flower:

          
Trả lời

Quay về “Chuyên đề”