30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Dương Vận Hạm (LST)

    _____________________Vũng Tàu HQ503
    ________________________________
    KS Nguyễn Văn Phảy




    Mỗi năm đến ngày 18.04 thì lòng tôi cảm thấy buồn và hồi tưởng lại trận chiến tại vịnh Cà Ná, Mũi Dinh ở Phan Rang chiều ngày 18.04.1975. Trận chiến đã gây tử thương cho 4 sĩ quan Hải quân và 2 nhân viên Giám lộ cùng 18 nhân viên khác thuộc thuỷ thủ đoàn HQ503 bị thương. Trong số đó có Hạm trưởng HQ Trung tá Nguyễn Văn Lộc cũng bị mảnh đạn găm vào đầu và phải chịu sự đau nhức cho đến ngày lìa đời năm 2005 tại Hoa Kỳ.
    Nói về chiến hạm HQ503 cũng có những chuyện vui buồn riêng theo định mệnh của chiến hạm mà tôi đã phục vụ lâu nhất của đời binh nghiệp.



    Lai lịch của chiến hạm:

    Chiến hạm HQ503 nguyên là Dương Vận Hạm của Hải quân Mỹ, là một loại chở quân trang quân dụng, quân cụ, xe tăng, đại bác và binh lính dùng để đổ bộ trong những cuộc hành quân ven biển….
    • Chiến hạm hạ thuỷ vào ngày 14.03.1944 và chính thức được đặt tên là USS LST 603 (Landing Ship Tank) tại New Orleans, LA ngày 05.04.1944.
      Trong thời đệ nhị thế chiến, chiến hạm LST 603 tham gia hoạt động tại Âu Châu, Phi Châu và Trung Đông.
      Kể từ ngày 12.05.1955 chiến hạm vào nằm ụ tạm ngưng hoạt động cho đến ngày 08.06.1966 mới được tân trang và tái hoạt động.
      Từ 14.12.1966 đến 20.03.1969 chiến hạm đã liên tục tham gia những cuộc hành quân và công tác tại bờ biển miền Nam Việt Nam.




    • Chiến hạm có chiều dài khoảng 100 m, chiều ngang 15,24 m.
      Trên chiến hạm được trang bị 2 khẩu đại bác 40 ly đôi ở trước và sau chiến hạm.
      Có 4 khẩu 40 ly đơn.
      Tuỳ theo nhu cầu của mỗi chiến hạm LST, 12 khẩu đại bác 20 ly hoặc ít hơn được trang bị trên chiến hạm.

    Ngày 04.04.1969 chiến hạm được bàn giao cho Hải quân VNCH và mang tên Dương Vận Hạm Vũng Tàu HQ503.



    Năm 1970 chiến hạm đã tham gia công tác
    di tản Việt Kiều từ Cam Bốt hồi hương.



    Công tác 4 tháng đầu năm 1975
    và trận chiến tại vịnh Cà Ná, mũi Dinh ngày 18.04.1975:


    Kể từ đầu năm 1975 chiến hạm phải đảm trách rất nhiều công tác để chuyên chở quân cụ, di tản quân dân cán chính v.v. từ miền Trung vào miền Nam.





    Sau khi Phan Rang thất thủ vào ngày 16.04.1975, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi với biệt danh là Vương Hồng đã liên lạc với chiến hạm HQ503 lúc đó là OTC (vì Hạm trưởng HQ503 có cấp bậc cao nhất, HQ Trung tá Nguyễn Văn Lộc nên đảm nhiệm Chỉ huy trưởng chiến thuật). Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cho biết đang lẩn trú trên núi nằm ở giữa mũi Dinh và vịnh Cà Ná. Chiến hạm HQ503 và các chiến hạm hiện diện trong vùng có nhiệm vụ dùng hải pháo ngăn chận địch quân tràn vào Phan Thiết cũng như phải cứu vớt quân cán chính từ bờ đang tìm cách di chuyển ra biển để lên các chiến hạm. Lúc bấy giờ chiến hạm HQ503 đã cứu vớt được hơn khoảng 350 quân dân cán chính.
    Nhưng rất tiếc việc tiếp cứu Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi không thành công. Ra hải ngoại tôi mới được biết tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã bị cộng quân bắt trước khi chiến hạm HQ503 bị bắn. Lúc đó chiến hạm nghĩ rằng tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đang còn trên núi ở giữa mũi Dinh và vịnh Cà Ná.

    Vào chiều ngày 18.04.1975, khi chiến hạm đang vào gần bờ để tiếp tục cứu vớt quân cán chính chạy tỵ nạn cộng sản từ bờ đổ xô ra biển ở giữa mũi Dinh và vịnh Cà Ná thì bị cộng quân dùng đại bác 105 và 155 ly của quân lực VNCH ở những căn cứ tại Phan Rang sau khi bị thất thủ, chúng đem ra eo biển Cà Ná và bắn trúng HQ503 .
    Mặc dù chiến hạm HQ503 bị trúng pháo trên 10 quả như
    • ở trên đài chỉ huy,
      2 bên hông tàu
      và phía sau chiến hạm
    nhưng chiến hạm không bị chìm.

    Nhờ có sự phản pháo đại bác 76,2 ly và 127 ly từ các chiến hạm bạn đang hiện diện trong vùng chiến như HQ3, HQ17, HQ11, HQ231…(lúc nầy OTC là Hạm trưởng HQ17) cùng với những nỗ lực của thuỷ thủ đoàn HQ503 đã sửa chữa kịp thời hệ thống lái tay thay thế cho hệ thống tay lái điện đã bị địch pháo hư hại, chiến hạm HQ503 từ từ tiến ra khỏi vùng chiến. Về phía cộng quân không biết thiệt hại như thế nào mà chúng đã ngưng pháo theo HQ503 đang tiến dần ra khơi.

    Sau khi chiến hạm rời khỏi vùng chiến, với sự trợ giúp của chiến hạm HQ11, chiến hạm HQ503 đã di chuyển về Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Sài Gòn để được sửa chữa cấp tốc. Về tới Sài Gòn, chiến hạm đã mua sắm 3 tháng ẩm thực để chuẩn bị đi công tác dài hạn. Rất tiếc chiến hạm chưa được sửa chữa xong thì lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương văn Minh trên đài phát thanh Sài Gòn ban ra lúc 10:00 giờ ngày 30.04.1975 làm cho hầu hết thuỷ thủ đoàn HQ503 bị kẹt trở lại. Vào tháng năm 1975 tất cả Sĩ quan của chiến hạm phải trình diện và bị đưa vào "tù cải tạo". Còn nhân viên cơ hữu thì mỗi người một phương.

    Ra hải ngoại mới biết, vào chiều tối ngày 29.4.1975 Hạm trưởng Nguyễn Văn Lộc đang dưỡng bịnh tại nhà thì được thân hữu thông báo nên Hạm trưởng Nguyễn Văn Lộc đã cùng gia đình rời nhà để xuống chiến hạm khác cùng di tản ra Côn Sơn trong đêm 29.4.1975.

    Sau 30.4.1975 CSVN tiếp tục sửa chữa chiến hạm HQ503 và sử dụng. Được biết chiến hạm HQ503 đã bị Hải quân Trung cộng bắn chìm ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa ngày 14.3.1988?



    Các Hạm trưởng của chiến hạm LST HQ503:

    • Hạm trưởng đầu tiên nhận lảnh chiến hạm LST HQ503 là cố HQ Trung tá Trần Văn Chỉ (K6 SQHQNT).
      Sau đó là cựu HQ Trung tá Đặng Trần Du (K4 SQHQNT),
      rồi đến HQ Trung tá Trần Đình Trụ (K8 SQHQNT),
      HQ Trung tá Nguyễn Thái Lai (K8 SQHQNT),
      HQ Trung tá Trần Trọng Hải (K11 SQHQNT),
      HQ Trung tá Dương Bá Thế (K10 SQHQNT)
      và cuối cùng là cố HQ Trung tá Nguyễn Văn Lộc (K11 SQHQNT) làm hạm trưởng.




    Những câu chuyện liên quan HQ503:

    Vào khoảng giữa năm 1973, HQ503 đã chở sinh viên Dược Khoa từ Sài Gòn ra Nha Trang để viếng thăm Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang, đặc biệt thăm viếng Trường Sĩ Quan Hải Quân khoá 24 và khoá 25 đang thụ huấn. Trong những ngày thăm viếng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang, Liên Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân năm đó gồm có khoá 24 và khoá 25 đã tổ chức đêm văn nghệ dạ vũ để đón mừng khách quý nhất là những nữ sinh yêu kiều từ Đại học Dược Khoa ra thăm viếng.

    Sau khi tốt nghiệp khoá 24 SQHQNT, ngày 01.09.1973 tôi đã chọn HQ503 làm đơn vị phục vụ vì tôi yêu thích biển cả, thích đi thăm các quân cảng và những thành phố xinh đẹp thân yêu của miền Nam ở các vùng duyên hải. Mới xuống chiến hạm tôi được Hạm phó giao trách nhiệm làm Trưởng Ban Văn Thư cùng với HQ Trung uý Trần Ngọc Điệp (Khoá 1 OCS) làm Trưởng Ban Nội Vụ. Thời gian đầu tiên tôi đi ca (quart), nhiệm sở hải hành chung với HQ Trung uý Điệp. Mấy tháng sau, HQ Trung uý Nguyễn Huệ, Trưởng ban Giám Lộ kiêm Thám Xuất rời đơn vị, tôi được nhận nhiệm sở Trưởng Ban Giám Lộ Kiêm Thám Xuất nên không cùng đi chung phiên với HQ Trung uý Trần Ngọc Điệp. Nếu không, tôi cũng không biết số phận của tôi ra sao trong trận chiến ngày 18.04.1975 vì phiên hải hành của HQ Trung uý Trần Ngọc Điệp gồm có 3 sĩ quan và 2 nhân viên Giám lộ kiêm Thám xuất tất cả đều bị tử thương trên đài chỉ huy của chiến hạm.

    Mặc dù chiến hạm HQ503 được Hải quân VNCH sử dụng không lâu năm nhưng có nhiều câu chuyện tình khá lãng mạn, đáng nhớ. Những nhân viên nào thuộc thuỷ thủ đoàn của chiến hạm mà đưa người yêu, dù quen lâu hay mới quen xuống thăm chiến hạm khi về bến thì trước sau gì cũng đều trở thành những nàng dâu của chiến hạm.
    Tôi xuống chiến hạm phục vụ chưa đầy 2 năm nhưng chứng kiến 4 cặp tình nhân là những sĩ quan Hải quân trên chiến hạm đã dắt dìu người tình lên thăm viếng và đã gắn bó với nhau thành duyên chồng vợ.
    • Điển hình như HQ Trung uý Huỳnh Văn Tiếp đưa người yêu xuống thăm viếng chiến hạm thì sau thời gian ngắn đã tổ chức đám cưới với sự tham dự của tất cả sĩ quan của chiến hạm HQ503. Nghe nói sau 30.4.1975 Trung uý Tiếp bị đi "tù cải tạo" mấy năm. Sau khi được trả tự do vợ chồng Trung uý Tiếp đi vượt biên và mất tích.

      HQ Trung uý Nguyễn Huệ cũng đưa người yêu là chị Ánh xuống chiến hạm rồi cũng kết duyên chồng vợ. Đầu năm 1975 HQ Trung uý Huệ được qua Mỹ, thành phố Monterey, California du học MS (153 tuần lễ) theo chương trình đào tạo bậc cao học cho những sĩ quan HQ nào có văn bằng cử nhân. Trung uý Huệ tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, rồi chuyển sang quân chủng Hải quân VNCH. Văn bằng được xem tương đương Cử nhân khoa học thực nghiệm. HQ Trung úy Huệ mới nhập học vào ngày 22.03.1975 tại Học viên Hải quân ở Monterey thì ngày 30.04.1975 là ngày cuối cùng Trung uý Huệ phải rời học viện vì chế độ VNCH sụp đổ hoàn toàn. Đến năm 1983 chị Ánh mới được bảo lãnh từ VN sang Mỹ để đoàn tụ.

      HQ Trung uý Trần Ngọc Điệp cũng đưa người yêu xuống thăm chiến hạm và sau đó nên duyên chồng vợ. Rất đau buồn, sau khi đám cưới không lâu HQ Trung uý Điệp hy sinh vì Tổ quốc.

      Riêng cá nhân tôi cũng vậy. Đầu năm 1974 đưa người yêu xuống chiến hạm thăm viếng. Sau đó người yêu quyến luyến con tàu và biển cả mênh mông. Đám cưới của chúng tôi đã được tổ chức vào đầu năm 1975 tại Sài gòn với sự tham dự của nhiều bạn bè trên chiến hạm. Nếu không có ngày 30.4.1975, hy vọng tôi cũng sẽ có dịp sang Monterey để theo học bậc cao học do học viện Hải quân Mỹ tại Monterey tổ chức.

    Đặc biệt trên chiến hạm HQ503 có HQ Trung uý Nguyễn Thái Hùng là trưởng ban nhạc ngoài đời và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè trên chiến hạm nên những tiệc đám cưới của chúng tôi đều do bạn Hùng điều khiển phần văn nghệ dạ vũ thật tuyệt vời. Rất cảm ơn bạn Nguyễn thái Hùng. Hiện giờ bạn Hùng định cư tại Hoa Kỳ sau chuyến vượt biển thành công vào thập niên 80.

    Ngày nay, mỗi nhân viên thuỷ thủ đoàn thuộc HQ503 đang lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Mỗi người đều có hoàn cảnh và cuộc sống riêng tư. Tuy vậy, 41 năm trôi qua, mỗi năm đến ngày 18 tháng Tư, có lẽ mỗi người trong chúng tôi mãi không quên dành những giây phút tưởng niệm đến các sĩ quan và nhân viên của thuỷ thủ đoàn HQ503 đã Vị Quốc Vong Thân và luôn cầu mong cho những chiến sĩ còn lại trên cõi đời nầy luôn bình an.




    Nguyễn Văn Phảy
    Cựu Trưởng ban Giám lộ kiêm Thám xuất HQ503
    Germany 2016
    nguồn: vietbao.com
Last edited by Hoàng Vân on Thứ hai 20/03/17 19:04, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          

          






Việt Nam quê hương ngạo nghễ
Nguyễn đức Quang
Hoàng Vân . Ngàn Khơi


          
Last edited by Hoàng Vân on Thứ năm 30/03/17 15:11, edited 1 time in total.
Hình đại diện
NTL
Bài viết: 1323
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 14:20

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi NTL »

*

Nghe nói tác giả là hiện là cô giáo ở Hà Tĩnh.
Lú nhận được trong email sáng nay, dán cho bà con đọc ké

ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH
Trần Thị Lam - Hà Tĩnh

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…

*
Make the long story... short !
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    :flwrhrts: .. chị Ngô ..
    sáng nay tui thấy có bài trả lời trong Việt Báo ..

    ______________________________




    "ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH ?"

    _________________________Câu hỏi đúng hay sai?
    _______________________________
    Đốc Nguyễn - 28-04-2016





    Thời gian gần đây bốn tỉnh miền Trung Việt Nam có hiện tượng cá chết trầm trọng gây bức xúc cho nhiều người quan tâm đến thời cuộc, trong số đó có cô giáo Trần Thị Lam giáo viên trường THPT chuyên Hà Tĩnh đã có bài thơ gây xúc động lòng người, thế nhưng rất tiếc với vị trí đứng của cô một giáo viên hiện còn trong nước chưa nhận rõ thực trạng đất nước nên đã có câu hỏi không đúng sự thật lịch sử có thể gây ngộ nhận cho nhiều thế hệ trẻ dấn thân sau này :

    • Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
      Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm

    Thật ra bốn ngàn năm văn hiến dân tộc Việt Nam rất lớn đã kiên cường chống ngoại xâm, kiên cường chống giặc tàu, chỉ có bốn mươi mốt năm dưới chế độ cộng sản dân mới không chịu lớn và vẫn còn bú mớm. Không nên đánh đồng bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc cùng chung với thời gian ngắn ngủi bốn mươi mốt năm dưới sự cai trị của Cộng Sản Việt nam. Ngoài ra những vấn đề khác cũng có thể gây tranh cải.

    ***

    Chúng tôi rất cảm thông những lời tâm huyết của tác giả , thế nhưng để tránh ngộ nhận gây tranh cải và cũng giúp cho các thế hệ trẻ dấn thân hiểu rõ bản chất của vấn đề. Người viết xin trả lời chính xác toàn bộ thư của cô giáo như sau :




    Trả lời câu hỏi của cô giáo Trần Thị Lam
    "ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH"

    _____________________________________

    Đất nước mình không ngộ quá đâu em
    Bốn mươi mốt năm cọng sản dân không chịu lớn
    Bốn mươi mốt năm cọng sản dân trí hèn và lùn
    Chỉ biết còng lương đóng thuế, không biết kêu đòi

    Đất nước mình không lạ quá đâu em
    Cái bánh vẽ thiên đường xã hội vô cùng kỳ vỉ
    Trên xác đồng bào và máu oan khiên
    Sinh mạng con người chẳng hơn gì trâu chó

    Đất nước mình buồn lắm mà em
    Biển rừng khánh kiệt, ruộng đồng hết nước
    bốn mươi năm hòa bình dân vẫn còn bỏ nước ra đi
    Biển chết rồi, rồi đây nhiều con thuyền vượt sóng đi xa

    Đất nước mình muốn thương nhưng khó quá mà em
    Người ở xa lên tiếng thì phản động, người trong nước nói thật đi tù
    Cọng sản Việt nam đã bán nước cho Tàu thì còn gì để lại cho cháu con
    Đừng mơ mộng viển vông phải ngẩng đầu mới thương được đất nước

    Đất nước mình rồi đây phải đổi thay mà em
    Khi lòng dân trổi dậy và tất cả đều phải làm thế
    Cọng sản tàn, thế hệ trẻ kẻ trước người sau
    Sẽ trả lời cho đất nước biết phải về đâu

    Đây là nguyên văn câu hỏi của cô giáo Trần Thị Lam
    ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH

    Đất nước mình ngộ quá phải không anh
    Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
    Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
    Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...

    Đất nước mình lạ quá phải không anh
    Những chiếc bánh chưng vô cùng kỳ vĩ
    Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
    Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...

    Đất nước mình buồn quá phải không anh
    Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
    Rừng đã hết và biển thì đang chết
    Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa

    Đất nước mình thương quá phải không anh
    Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
    Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
    Đứng trước năm châu mà không phải cúi đâu...

    Đất nước mình rồi sẽ về dâu anh
    Anh không biết em làm sao biết được
    Câu hỏi gởi trời xanh, gửi người sau, người trước
    Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu






    nguồn: vietbao.com
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    :flwrhrts: ..
    thêm câu trả lời của một vị khách ..

    ______________________________






    KHI NÀO….
    _______________________________
    PHAN VIỆT CHÍ NHI - 26/04/2016





    Chí Nhi xin đặt một bài thơ nhỏ để trả lời cô giáo LAM-Hà Tĩnh. Cảm ơn cô đã làm một bài thơ thật hay và rất ý nghĩa.
    Thanks so much for your kind and warm thoughts. The poem is very meaningful. I am so touched after reading it.


    KHI NÀO….


    Em hỏi tôi Đất Nước mình rồi sẽ về đâu
    Đến khi nào Quê Hương mình mới bớt khổ?
    Tôi xin nghiêng người kính cẩn trả lời em


    Khi Quê Hương mình không còn Cộng Sản
    Khi Núi Sông mình không còn Ủy dữ lúc về đêm (Ủy Ban)
    Khi biển bạc, rừng xanh không bị cướp dần đến hao cạn
    Khi Non Cao, Đồng Bằng không là tất đất của Ngoại Bang

    Khi hung tàn không mang kinh hoàng vào giấc mộng
    Khi xã thôn nghèo không còn tiếng oán của dân oan
    Khi thuyền ghe không bị đắm chìm trên biển cả
    Khi đêm dài không còn uất mãi tiếng kêu than

    Khi Bà Mẹ Già không còn chờ con trong đêm vắng
    Khi Anh Lao Công không còn làm nô lệ giữa xứ người
    Khi Em Thiếu Nữ không bị nhục nhằn trên thân xác
    Khi Xã Hội truy đồi không giết sạch tuổi đôi mươi

    Khi Trẻ Thơ không còn đội nắng giữa trưa hè
    Khi Cụ Già không còn ướt đẫm giữa đêm mưa
    Khi Anh xe ôm không còn đói rả người trên từng cây số
    Khi Chị chân què không còn nặng trĩu gánh hàng trưa

    Khi những Người Công An không là kẻ Côn Đồ
    Khi Người Cán Bộ không là những ông Quan bòn chét
    Khi niềm tự hào không là những công trình quy mô
    Khi Chính Quyền không là một Cơ Quan vơ vét

    Khi Quê Hương Tôi là của Tôi
    Khi Quê Tôi là của Dân Tôi
    Khi Quê Tôi là Tất Cả….
    Quê Tôi là của Mọi Người

              


    nguồn: vietbao.com
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Tháng tư 2016, đọc lại 2 chuyện nhẩy dù --- Chuyện số 1

    30 Tháng 4 của Tiểu đoàn 9 Dù
    _________________________
    Giao Chỉ San Jose - 28/04/2016







    30 Tháng 4 của Tiểu đoàn 9 Dù
    (Giao Chỉ - viết cho mùa kỷ niệm tháng Tư Đen 1982)



    Ghi chú:
    • Hỏi thăm ai biết
      thiếu tá nhẩy dù Lê Mạnh Đường hiện ở đâu?


    Ngày 26 tháng 5-1975 tạI văn phòng thủ tục của Tent City (thành phố lều) đảo Guam, một ngườI đàn ông ngoài 40 tuổi, dáng dấp khỏe mạnh, bước đi chắc chắn, bước vào khai giấy tờ để đưa gia đình ông ta vào tỵ nạn tạI Hoa Kỳ.

    Nhân viên văn phòng cơ quan thiện nguyện hỏI gia đình ông có bao nhiêu người ?
    • - Gia đình tôi có bốn trăm lẻ tám người.
      Ông đáp bằng giọng nghiêm trang không hề mỉa mai, không hề diễu cợt. Và ngườI đàn ông độc thân đó nói thêm :
      “ Tất cả đều là con cái của tôi.”.
    Thực vậy , đó là những đứa con còn lại Tiểu đoàn 9,
    Lữ đoàn 1 của Sư đoàn Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa !





    Trên trận tuyến Long khánh, Xuân Lộc, Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù cùng với Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 8 thuộc Lữ đoàn 1 của Trung tá Nguyễn Văn Định đã đóng vai cản đường 4 Sư đoàn Việt Cộng tiến về Sài Gòn suốt tháng 4 năm 1975. Trong những ngày cuối, Thiếu tá Nhỏ ,Tiểu đoàn trưởng, bị thương và Thiếu tá Lê Mạnh Đường ngườI Đại độI trưởng can trường của ĐạI đội 92, sĩ quan Thủ Đức 13 năm lính đã được đôn lên nắm Tiểu đoàn .

    Trong số 12 Tiểu đoàn tác chiến của Sư đoàn Dù, Chín Dù không phải là đàn anh, nhưng cũng không phải là em út. Chín Dù ra đời sau trận Đồng Xoài của những năm 66. Tiểu đoàn chín nút của binh chủng Dù luôn luôn cố gắng và đạt trên mức trung bình.

    Cho đến khi vào Hạ Lào thì Chín Dù mới có dịp thi thố tột cùng khả năng của nó. Nếu không phải là Chín Dù thì thằng nào đã gỡ chốt Suối Máu ở nước Lào, nơi đã làm tan tác cả Tiểu đoàn 1. Chính xứ Lào nắng đỏ mà Đại đội 92 của Chín Dù đã đánh một trận để đời cuốI cùng.

    Bây giờ là đến lần Lê Mạnh Đường của 92 lên nắm Chín Dù ở vườn cam tướng Tỵ bên tuyến đầu Long Khánh .

    Tháng 4 của năm 1975, cũng vào khoảng giờ này đây, tướng Lê Minh Đảo Tư Lệnh Sư đoàn 18 lên máy ra lệnh tử thủ. Sư đoàn 18 lính cậu mà đột nhiên chiến đấu sinh tử như vậy kể ra khá ngon lành. Nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ. Nghe ra có vẻ cảI lương nhưng đó là sự thật. Cả tuyến đầu Long Khánh vỡ. Chín Dù được lệnh cuốn chiếu. Từ Long Khánh giạt về Bà Rịa thì Phước Tuy đã lọt vào tay địch .

    Sau mấy tháng quần thảo vớI kẻ thù, Chín Dù đã mệt nhoài, gặp lại tướng Hinh của Sư đoàn 3 đang tái tổ chức đơn vị . Xếp Hinh giao cho 20 chiến xa để Chín Dù lấy lại Phước Tuy. Với những đứa con lưng còng vì súng đạn Chín Dù lại một lần nữa đứng lên dựa vào tường để đánh qua núi Đất . Đánh để lấy đường về Vũng Tàu. Và từ Vũng Tàu sẽ theo cận duyên về Gò Công. Và từ Gò Công sẽ có Quân Khu 4. Có đất có dân, Chín Dù sẽ cố gắng mà tồn tại . . . với Việt Nam Cộng Hòa. Ấy là cứ mong như vậy.

    Nhưng không phải xong trận Núi Đất mà xong việc. Trong sự hỗn loạn tột cùng của cả nước, con đường duy nhất dẫn ra biển Vũng Tàu đã trở thành quốc lộ kinh hoàng. Trong cơn mê sảng của sự sụp đổ toàn diện. Chín Dù vượt cầu Cỏ May và trấn thủ tại Cỏ May hai đêm trong một tinh thần trật tự và kỷ luật phi thường.

    Chắc chắn giờ này hơn 400 lính Dù của Tiểu đoàn 9 ở khắp nơi trên nước Mỹ vẫn còn nhớ những giờ phút cuối. Sau khi Chín Dù đánh sập cầu Cỏ May, địch vẫn còn bám theo từng bước..

    Chỉ còn nhờ những chiến xa còn lại của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chính những đám lính mũ đen của binh chủng Thiết Giáp đã giàn hàng tiến về phía địch làm rào cản để Chín Dù có thể xuống thuyền. Kể từ năm 66 của trận Đồng Xoài, khi mà nhảy dù mũ đỏ tùng thiết, mũ đen thiết giáp yên dạ. Nhảy Dù chưa có bao giờ bỏ Thiết Giáp bơ vơ. Vào tháng 4 năm 75, lần đầu tiên và là lần cuốI cùng, nhảy dù đã phảI bỏ thiết giáp. Những con “cua” anh hùng đã phơi mình chết trên cồn cát trắng ở Vũng Tàu để cho bạn hữu của nó mở đường máu về Gò Công.
    Nhưng rồi Gò Công cũng không phải là vùng đất hứa. Trong phiên họp lịch sử, Lữ đoàn 1 Dù đã chia sẻ đau thương với cả nước. Những quyết định khó khăn nhất đã phải thực hiện. Lữ Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Đĩnh ở lại. Lữ đoàn phó Lê Hồng ra đi. Riêng Chín Dù của Lê Mạnh Đường ra đi gần trọn gói . Đúng như vậy. Trung tá Lê Hồng là người sau này theo ông Minh về chết trên đường phục quốc...




    Khi đến Tent City ở Guam, người Tiểu đoàn trưởng cuối cùng của Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù đã đứng đó mà khai rằng gia đình ông ta có 402 đứa con !

    Bây giờ thì chắc các anh đã hiểu là tại sao HộI Ái Hữu của Nhảy Dù Việt Nam lại được gọi là Gia Đình Mũ Đỏ. Họ đã sống với nhau như trong một gia đình và họ còn đang cố đùm bọc nhau theo cái cung cách đó.
    • Tướng Lê Quang Lưỡng, vị Tư Lệnh cuối cùng của Sư đoàn Dù QLVNCH cũng còn đang khắc khoải. Năm trước ông đã về Thái Lan rồi lại trở lại Mỹ. Hoàn cảnh úp xuống đầu như cái cũi nhốt những con cọp trong sở thú. Ở cái đất Mỹ mênh mông này coi vậy mà tù túng chật hẹp lắm.
    • Lữ đoàn phó Lê Hồng đã về rồi, như Hổ đã về rừng.
      Lê Mạnh Đường tạm cư ở Cali. Tuy xác phàm nhưng vẫn mang hồn lính
      • “Người ta có thể đưa tôi ra khỏi quân đội, nhưng không ai có thể đưa quân đội ra khỏi tôi .”.

    Thực vậy những người lính còn lại cuối cùng của Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù,
    không ai có thể đưa quân đội ra khỏi anh.



    • (Viết cho Nguyễn Thế Nhã anh hùng, ngườI bạn cùng khóa đầu đời quân ngũ của tôi,
      cựu Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 9 Dù, đã hy sinh tạI Thừa Thiên )


      San Jose 1982, Mùa kỷ niệm 7 năm tháng Tư Đen
      Giao Chỉ

    Ghi chú sau cùng:
    Các anh đừng hỏi tôi Lê mạnh Đường hiện ở đâu.
    Người tiểu đoàn trưởng cuối cùng của tiểu đoàn 9 nhẩy dù mới qua đời tại Sacramento.


    nguồn: vietbao.com
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Tháng tư 2016, đọc lại 2 chuyện nhẩy dù --- Chuyện số 2

    CHUYẾN XE TANG VỀ QUÊ CHỒNG
    _________________________
    Giao Chỉ San Jose -
    (Lời kể lại của Lệ Hà) - San Jose, ngày 29 tháng 04 năm 2009 -
    Cố Trung Úy Dù QUÁCH VĂN SỞ
    Khóa 24 Trường VBQGVN







    CHUYẾN XE TANG VỀ QUÊ CHỒNG



    Em là Trần Thị Lệ Hà, quê Cần Thơ, hiện cư ngụ tại San Jose, xin kể lại cho bác Lộc và các bác niên trưởng trong quân đội câu chuyện năm 1975. Nếu miền Nam và Saigon gọi ngày 30 tháng Tư 75 là ngày tang của đất nước thì ngày tang của Trần Thị Lệ Hà đến sớm hơn một ngày. Đó là ngày 29 tháng 4 năm 1975.

    Đêm 28 tháng 4 cách đây 34 năm trung úy Quách Văn Sở, võ bị Đà Lạt khóa 24, từ giã vợ con vào trại Hoàng Hoa Thám sinh hoạt với tân binh nhảy dù. Trung úy mũ đỏ Quách Văn Sở rất có tinh thần trách nhiệm, đã có giấy lên đại úy nhưng còn chờ lễ đeo lon. Quá nửa đêm 28 qua sáng 29 thì Việt cộng pháo kích vào Tân Sơn Nhất và trại Hoàng Hoa Thám. Sáng sớm 29 tháng 4 lính dù chạy về báo tin anh Sở, chồng của Lệ Hà đã chết.

    Cùng một lúc khu trại gia binh nhảy dù phải di tản. Em lúc đó 25 tuổi, con trai đầu lòng được 7 tháng. Chẳng có ai thân thuộc. Mẹ con ôm nhau chạy qua nhà ông cậu bên thành Lê Văn Duyệt. Chồng chết ra sao cũng không biết. Đường xá kẹt hết. Chuyện chiến tranh, trận mạc nhà binh từ khi lấy nhau tất cả đều do anh Sở quyết định. Nay bỗng nhiên trời xập, ôm đứa con dại, em ngồi khóc một mình. Không biết xác chồng nằm ở nơi đâu. Chung quanh Sài Gòn náo loạn, ai mà lưu tâm đến người vợ trẻ mất chồng vào cuối tháng 4. Phải mà anh Sở chết sớm hơn một tháng thì truyền thống lính dù đã đưa xác về tận nhà. Tang lễ uy nghi, có đơn vị trưởng chứng kiến lễ gấp cờ, như em đã thấy tại sân Hoàng Hoa Thám. Nhưng sao anh Sở lại chết vào cuối tháng tư, giờ thứ 25 của cuộc chiến.

    Trải qua một đêm dài thảm kịch. Thằng bé Quách Vĩnh Hưng ôm mẹ nằm trên đất lạ. Cả mẹ con đều không thấy tương lai.




    Xác anh, giờ ở phương nào?

    Sáng hôm sau, nhờ cậu em họ dẫn đường vào trại Hoàng Hoa Thám để tìm xác anh Quách Văn Sở. Doanh trại đã di tản. Ở một vài nơi quân ta còn kháng cự và quân địch chưa tiến vào. Khu bị pháo kích chỉ còn di tích đổ nát, thương binh tử sĩ nhảy dù chẳng còn thấy nữa. Nghe nói các chiến binh mũ đỏ đã tản thương anh em vào đêm 29 và đưa xác tử sĩ lên nghĩa trang Biên Hòa. Trên trời máy bay trực thăng ồn ào chở người di tản suốt ngày 30 tháng 4 năm 1975.

    Sáng 1 tháng 5 năm 1975, Saigon đổi chủ, em chẳng hề quan tâm. Nhờ người gởi con một nơi, lấy xe máy lên tìm chồng tại nghĩa trang Biên Hòa. Đây là lần đầu tiên em tìm về nơi chôn cất tử sĩ miền Nam. Khu đơn vị chung sự Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đầy xác chết và quan tài đủ loại. Có người phe ta còn làm việc nhưng mặc đồ dân sự. Lính cộng sản xuất hiện nhưng xem chừng còn ngại ngùng không kiểm soát. Phe ta mạnh ai nấy tìm xác người thân và than khóc. Tử sĩ miền Nam vẫn còn đầy đủ quân phục, danh tính cấp bậc. Trên quan tài vẫn còn đèn nến và vàng hương. Thân nhân ngồi khóc bên các tử sĩ từ các nơi chở về. Sau cùng em tìm được xác anh Quách Văn Sở, đã được tẩm liệm và cho vào quan tài. Một bác mặc đồ dân sự nói rằng chị yên tâm, tôi sẽ ghi dấu quan tài của ông Trung úy nhảy dù. Tôi cũng là lính Việt Nam Cộng Hòa.
    Đã hơn 30 năm rồi, em vẫn còn nhớ hình dáng của người lính bên ta lo việc mai táng vào lúc mà toàn quân cùng với quốc gia không còn nữa. Sau khi thấy rõ tên tuổi di tích của anh Sở nằm đó, em trở về Saigon bắt đầu tìm xe thuê chở xác chồng về quê. Năm xưa, vợ chồng từ Hậu Giang lên Sài Gòn, bây giờ anh đã vĩnh viễn nằm xuống, em nhất định phải chở anh về với gia đình, về nơi anh đã ra đời.

    Quê em ở Cần Thơ, quê chồng ở Rạch Giá. Giờ này mẹ và các anh em họ hàng bên anh Sở vẫn chưa biết là anh đã hy sinh. Suốt mấy ngày đầu tháng 5, em tìm mọi cách để thuê xe chở quan tài. Trong những ngày giờ đó, chẳng quen biết ai, làm sao mà thuyết phục được chủ xe chở xác sĩ quan dù về tận Rạch Giá. Sau cùng khi tìm được lại phải cùng với chủ xe đi mua xăng. Tiền bạc không đủ, phải trả cả bằng nữ trang và nhẫn cưới đầy kỷ niệm.




    Chuyến xe tang về quê chồng

    Đưa xe tải về nhà, dọn những gì có thể đem đi được, từ giã cư xá gia binh, chấm dứt đời vợ lính. Mẹ ôm con lên xe trở lại nghĩa trang. Đó là ngày 3 tháng 5 năm 1975.

    Nghĩa trang đã thay đổi. Tất cả các xác chết đã bị Việt cộng bắt chôn tập thể. Nhưng may thay những quan tài có người nhận từ hôm trước vẫn còn. Vàng hương và tên tuổi cấp bậc thì vứt đống dưới đất. Người lính chung sự Việt Nam Cộng Hòa mặc đồ dân sự vẫn còn đó. Ông nói rằng quan tài này của trung úy dù tôi vẫn ghi dấu là đã có thân nhân đến nhận. Xin thưa với bác là em cũng chẳng biết tên ông lính đó là ai, nhưng ơn nghĩa tử sinh thì em ghi nhớ suốt đời. Nếu không có ông này, chắc xác anh Sở cũng phải nằm chung trong mồ tập thể. Rồi nhờ mỗi người một tay, quan tài anh Quách Văn Sở được khiêng lên xe hàng. Mẹ con ôm nhau ngồi bên xác anh suốt quãng đường dài. Đó là chuyến xe tang về quê chồng tháng 5 năm 1975.

    Bác hỏi em quang cảnh bên đường ra sao. Bác ơi, vợ lính 25 tuổi, ôm thằng bé chưa được một tuổi. Lòng dạ nào mà nhìn thấy hai bên đường. Mắt em mở nhưng chỉ thấy toàn kỷ niệm quá khứ.
    Em là nữ sinh Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ. Anh Sở là sinh viên đại học Cần Thơ. Gặp nhau, hẹn hò, yêu đương. Từ đại học Cần Thơ anh vào võ bị khóa 24 học suốt 4 năm. Em ra trường làm công chức, đổi từ Cần Thơ lên Saigon. Bốn năm Đà Lạt, Sài Gòn tình yêu thơ mộng biết chừng nào. Ra trường anh đi lính nhảy dù đóng tại trại mũ đỏ Hoàng Hoa Thám, em làm công chức tại văn phòng phủ thủ tướng. Đâu có quen biết ông lớn nào đâu. Sở công vụ cho đi đâu thì làm đó. Chiến tranh ở đâu thì không biết nhưng Saigon, Cần Thơ và Rạch Giá là những miền đất đầy hạnh phúc của một gia đình trẻ với đứa con trai.
    Từ đầu tháng tư mẹ em ở Cần Thơ rất lo sợ cho con rể, con gái và cháu ngoại. Mẹ anh Sở ở Rạch Giá cũng đang cầu nguyện cho con trai, con dâu và cháu nội.

    Chuyến xe đau thương của em ghé Cần Thơ. Mẹ thấy con gái về bèn ôm cháu ngoại hỏi rằng
    • còn thằng Sở đâu.
    Con gái mẹ kêu khóc mà nói rằng:
    • anh Sở chết rồi. Con đưa xác về đây. Mẹ đi với con qua Rạch Giá.
    Mẹ già tất tả vừa khóc vừa gói quần áo theo con gái lên xe. Cả xóm tuôn ra nhìn theo, chiếc xe tang về quê chồng lại lên đường. Xe tải chở theo bà xui Cần Thơ đi theo con gái. Nước mắt góa phụ trẻ bây giờ thêm nước mắt mẹ già. Thằng rể quí của bà đi lính nhảy dù mấy năm không chết mà đến ngày cuối cùng lại tử trận.




    Người lính mũ đỏ đất Kiên Giang

    Năm 1971 có anh sĩ quan nhảy dù xuất thân võ bị làm đám cưới ở bến Ninh Kiều, Cần Thơ, tiệc bên nhà gái xong là rước dâu về Rạch Giá. Đoàn xe hoa cũng đi theo con đường này. Qua đến năm 1975, xe hàng chở quan tài người lính chiến về lại quê xưa, cũng có bà xui đại diện cho nhà gái trong chuyến đi cuối cùng. Xe về đến Rạch Giá, cả nhà họ Quách ra đón mừng, thấy quan tài con trai út bà mẹ té dài ngay trên bậc cửa.

    Mẹ của anh lính dù có hai người con trai. Mấy năm trước người anh tên là Quách Hải đã tử trận. Còn cậu út nhất định đi võ bị rồi theo nhảy dù, bà tưởng rằng gởi gấm được ông tướng Dư Quốc Đống vốn là thân quyến thì cũng đỡ nạn binh đao. Ai ngờ anh sỹ quan nhảy dù chết ngay tại trại Hoàng Hoa Thám vào giờ phút sau cùng của cuộc chiến.

    Mặc dù lúc đó cộng sản 30 tháng 4 tại Kiên Giang đã làm khó dễ nhưng người góa phụ trẻ hoàn toàn không có kinh nghiệm trong cuộc sống đã một mình đơn độc đem xác chồng về chôn tại quê nhà. Câu chuyện làm xúc động bà con lối xóm nên đám tang rất đông người dự để tiễn đưa người lính dù cuối cùng của đất Kiên Giang trở về quê mẹ.




    Nước non ngàn dặm ra đi

    Sau đó em trốn tránh quanh quẩn tại Hậu Giang vì muốn giấu lý lịch vợ lính dù, lại làm công chức phủ thủ tướng. Qua năm 1979 trở về Cần Thơ vượt biên với má và thằng con trai. Nhờ anh Sở phù hộ, tàu qua Mã Lai bị kéo ra biển nhưng rồi cố lết qua được Indo. Ở bên Nam Dương một năm thì vào Mỹ, đến ngay San Jose. Mấy năm sau, em gặp ông xã sau này, hai bên lập gia đình và có thêm hai cháu.

    Thưa với bác Lộc rõ, em có duyên số với Võ bị và Rạch Giá. Ông xã hiên nay của em cũng là người quê Rạch Giá, cùng vượt biên năm 1979 trong một chuyến khác. Qua đây mới gặp nhau. Ông ấy ngày xưa cũng dạy trường võ bị Đà Lạt. Con cái của gia đình em, nói để các bác mừng cho, tất cả đều thành đạt và hạnh phúc. Các cháu cũng đã lập gia đình và có thêm các cháu nội ngoại.

    Ông xã em bây giờ hết sức tế nhị và thông cảm. Chính ông đã làm một bàn thờ tại gia để ghi nhớ hình ảnh của trung úy nhảy dù Quách Văn Sở ba của cháu Quách Vĩnh Hưng. Năm nay cháu 35 tuổi.




    Chút di sản muộn màng, gửi tương lai vĩnh cửu

    Đã 34 năm qua, em còn lưu giữ hồ sơ của anh Sở.
    • Một tờ khai gia đình của khu gia binh sư đoàn nhảy dù, căn cứ Hoàng Hoa Thám.
      Có chữ ký của thượng sỹ Trần Văn Linh, trưởng trại gia binh. Kiến thị bởi trung tá Nguyễn Văn Tư chỉ huy trưởng căn cứ và chữ ký của gia trưởng trung úy Quách Văn Sở.
    • Ngoài ra còn giấy chứng nhận bằng nhảy dù, thẻ căn cước dân sự, thẻ căn cước quân nhân, chứng chỉ tại ngũ.
      Trên các thẻ căn cước, chỗ nào cũng có tên mẹ của anh Sở là Dư Thị Kim Thoa, bà là vai cô của tướng Dư Quốc Đống.
    • Trung úy Sở còn tờ giấy nghỉ phép 5 ngày từ 26 tháng 4 đến 30 tháng 4 năm 1975.
      Cầm giấy phép, nhưng anh Sở không đi phép. Vì lo tân binh Nhẩy dù mất tinh thần nên tối 28 tháng 4 năm 1975 anh vào trại. Trận pháo kích sau cùng đã làm thay đổi vận mệnh của cả gia đình.
    • Người thanh niên Kiên Giang, trải qua 4 năm sinh viên võ bị Đà Lạt, 5 năm sỹ quan nhẩy dù, từ giã cuộc đời năm 30 tuổi.
      Anh để lại tấm thẻ bài hai mảnh. Gia đình còn giữ suốt 34 năm qua. Nay đã đến lúc chia tay đôi ngả. Một tấm đi theo quân bạ vào viện bảo tàng. Còn một mảnh xin giữ làm kỷ niệm cho con cháu họ Quách đời sau. Với đầy đủ tên họ, số quân và loại máu.





    Tâm nguyện cho tương lai

    Thưa bác, kể xong chuyện ma chay cho người chồng chiến binh 34 năm về trước, trao được các di vật cho viện bảo tàng Việt Nam tại San Jose, em rất yên tâm.
    • Xin cảm ơn nhà em ngày nay, nguyên là giáo sư võ bị ngày xưa đã thông cảm, sẽ thông cảm thêm.
    • Con trai của anh Sở nay đã 35 tuổi, sẽ hiểu biết thêm chuyện gia đình và chiến tranh.
    • Những đứa con sau này ra đời tại San Jose bây giờ mới biết ngày xưa mẹ sống trong trại lính Dù có tên là Hoàng Hoa Thám.
    • Anh em Đà Lạt khóa 24 biết thêm về người con gái miền Tây làm dâu võ bị hai lần.
    • Người Rạch Giá cũng biết thêm về cô gái Cần Thơ hai lần lấy chồng xứ Kiên Giang.

    Và em tạ ơn trời đất còn có ngày nay. Trước sau em cũng chỉ là người vợ lính đã từng sống trong trại gia binh.
    Em cám ơn các bác đã nghe hết câu chuyện 29 tháng 4 của em 34 năm về trước.




    Giao Chỉ

    nguồn: vietbao.com
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Bidong – Dấu xưa, nền cũ
    _______________________________
    Lưu Dân & Lý Nhân - 28/04/2016



    “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
    Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương… ”
    (Thăng Long Thành hoài cổ, Bà Huyện Thanh Quan)


    Về lại Bidong những ngày tháng Ba…

    • ‘Tình Bidong có list là dông’ … mà sao chẳng thấy ai dông. Lại còn nhiều người trở về.

    Trong khoảng đời tạm trên đảo, dường như cái gì cũng tạm, kể cả tình yêu. Vì vậy chăng mà Bidong “mang tiếng” như thế? Đến hơn phần tư thế kỷ sau, từ ngày trại tỵ nạn này đóng cửa, người ta vẫn còn nhắc đến câu nói bạc bẽo đó…

    Trong chuyến Về Bến Tự Do vừa rồi, lần thứ 24 do Văn khố Thuyền nhân VN (VKTNVN) tổ chức thăm viếng và trùng tu các trại tỵ nạn cũ ở vùng Đông Nam Á trong vòng 10 năm qua, chúng tôi không những không ‘dông’ mà còn tình nguyện về lại, cùng hưởng “thú đau thương” với phương tiện công cộng muôn vẻ ở Malaysia:
    • từ đáp máy bay, lên xe bus, xuống xe van, nhảy lên phà, đổi qua ghe và cuối cùng phóc lên “xe chở heo”
      (mọi người thân ái đặt tên những chiếc tractor chở chúng tôi di chuyển trên đảo resort Redang như vậy, đành nhận thôi, cãi chi cho… phí sức!).
    Hay cái là, không ai nói “tôi đi Bidong” mà “tôi về Bidong”. Ngôn ngữ đến tuyệt thế thôi!

    Cuối tháng Ba 2016, 30 cựu Thuyền Nhân khắp nơi dắt díu nhau về thăm chốn tạm dung được ghi nhận là lớn nhất trong suốt cuộc đào thoát tìm sống vĩ đại nhất của lịch sử VN. Không nói khoác đâu, cứ tìm đọc “10 biến cố bi thảm nhất của Thế kỷ 20” (Ten most tragic events in the 20th century) ắt gặp ngay chữ “Boat People”. Khổ nỗi, quãng đường gần 2 giờ đồng hồ trong mùa biển động từ bến phà Marang (sau đó còn phải chuyển phà và hành lý thêm lần nữa) để ra đảo Redang nội chiều hôm đó, khiến mọi người trong đoàn dù chưa thấy lại Bidong mà đã “dậy sóng trong lòng”. Nhưng, đó mới chỉ là “Khổ, tập 1”.



    Các phương tiện di chuyển chính trên đường đến Bidong



    Trong chuyến VBTD Bidong lần này, có không ít cựu Thuyền Nhân lần đầu trở về sau bao nhiêu năm xa cách. Vậy mà điều làm chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động nhất là tất cả đều đồng lòng góp mỗi người một bàn tay ngay vừa khi đặt chân lên chiếc cầu Jetty kỷ niệm, mặc dầu ngày nay nó hoàn toàn khác với những hình ảnh thân thương trong ký ức khi họ rời đảo.



    Câu chuyện của một chiếc cầu:
    ngày xưa và hôm nay.



    Những đợt sóng nhồi không chút thương tình cho các tấm thân vốn quen thuộc với đời sống thành phố, cùng với việc di chuyển từ Bidong về Redang mỗi ngày (Khổ, tập 2 – và còn nhiều tập nữa!) không những không làm các thành viên trong đoàn chùng lòng mà còn khiến mọi người càng tập trung và mau mắn, có lẽ vì ai cũng hiểu rằng lần này mình không có nhiều thời gian trên đảo.


    [youtube][/youtube]
    Bidong nhìn từ trên cao – Video tư liệu của SkyGallery, Malaysia



    Vừa kịp thích ứng với “lịch hành quân” dồn dập, thức dậy từ tờ mờ sáng để kịp rời Redang sang Bidong trước khi sóng lớn, mọi người còn được ‘mừng mừng tủi tủi’ hội ngộ cái nắng khô hanh khét tiếng miền biển đảo Mã Lai này. Chả thế, chỉ sau ba ngày trân mình trên Bidong, chúng tôi bèn… nhận bà con với lũ “mực ba nắng”.



    Tìm về dấu xưa…

    Ý thơ trong bài “Thăng Long Thành hoài cổ” chập chờn hiện đến trong chuyến đi, dù “dấu xưa, nền cũ” trong lòng những người trở về Bidong khác hẳn khung cảnh của tác giả lúc Bà rời cố đô lên đường vào kinh làm quan hơn 200 năm trước. Giống nhau chăng là một mối cảm hoài về một “cuộc hí trường”!

    Không những chỉ đối với cựu Thuyền Nhân Bidong mà bất kỳ ai đến thăm nơi đây cũng không khỏi bùi ngùi khi biết được hòn đảo nhỏ bé này – lọt thỏm giữa những hòn đảo du lịch nổi tiếng gần kề như Perhentian, Lang Tengah hay Redang – lại từng là chốn tạm dung cho xấp xỉ 250,000 người Việt tỵ nạn vài thập niên trước.



    Tấm bảng giới thiệu đảo Bidong
    của Chính quyền bang Terengganu, Malaysia



    Đối với những ai từng nhận Bidong làm quê hương thứ nhì thì dường như lại có ít nhiều xa lạ, ngỡ ngàng so với hồi ức… Ngày trở về, trải dài trước mắt là cầu Jetty khang trang, vững chãi liền kề với hàng gạch sót lại của Kho Tiếp liệu Cao ủy, một bên (từng) là Bệnh viện Sick Bay nhìn ra xác con tàu sắt nay chỉ còn trơ sườn, nằm gác đầu lên mấy gốc thùy dương tóc xõa rì rào.

    • Gần như toàn bộ khu B đã khuất lấp sau rừng cây cao lớn, văn phòng Cao Ủy ngày nay chỉ còn là một bãi cát trắng phủ từng cụm rau muống biển xanh mướt.
      Thấp thoáng sau hàng dừa khu A ngày nào là dãy nhà nguyện mới dựng cùng trại cá của Đại học Thủy sản Terengganu.
      Bên kia đảo, dọc theo bãi biển khu C là một khu nhà nuôi san hô của một gia đình ngư dân địa phương.

    Hàng cây trứng cá dọc đường lên Đồi Tôn Giáo lẫn trong từng bụi cây lớn, các bậc đá dẫn lên Nhà thờ nay chỉ còn sót lại Cung Thánh buồn bã nhìn ra những bụi cỏ lau mọc cao ngang ngực.



    Câu chuyện của một chiếc tàu: ngày xưa và hôm nay.



    Vậy mà, mặc những hoài niệm ùa về, không ai bảo ai, mỗi người một việc bắt tay ngay trong Ngày 1 vào công tác chính của chuyến đi: trùng tu các di tích trên Bidong trong cuộc chạy đua với thời gian ít ỏi trên đảo.

    Chúng tôi quyết tâm thay tấm áo mới cho Bidong!

    Từng nhóm nhỏ phụ nhau chuyển vật liệu sơn sửa, máy bơm nước, ống nước và thang lên khu đồi Tôn Giáo.
    • ‘‘Vô đội hình kiến!’’ –
    Đồng loạt ngoảnh đầu về phía tiếng nói dõng dạc tự tin ấy, mọi người không ai có thể ngờ rằng nó phát ra từ Thi sĩ Lâm Hảo Khôi (Sydney, Australia). Nhà thơ của chúng tôi không phải là người thích nói, nhưng quả thật khi đã làm thơ và ra lệnh thì mọi người cũng… khó đỡ.


    ‘Đội hình kiến’ trên Bidong


    [youtube][/youtube]



    Trong khi tìm nguồn nước gần nhất lắp máy bơm để rửa Cánh Buồm Tự Do và toàn bộ các kiến trúc trên Đồi Tôn Giáo, một thành viên đã nghĩ ra cách dẫn ống nước từ Đồi Tôn Giáo xuống thẳng tượng Ông Già Bidong, và đặt máy bơm cao áp ở đó (thay vì nối dây xuống nhà máy nước dưới chân đồi Tôn Giáo) để lực nước đẩy được mạnh hơn.
    Điều đó có nghĩa là phải chuyển máy bơm xuống dốc sau đó luồn ống nước qua bụi gai mà nhiều người mới nghe đã thấy… ớn. Ý tưởng táo bạo này mang lại kết quả mỹ mãn khi mọi người nghe tiếng máy nổ reo vui lúc mặt trời vừa đứng bóng.



    Dẫn nước biển lên đồi Tôn Giáo…



    Trong khi nhóm đàn ông đánh vật với các đường ống và cái máy bơm nước cứng đầu thì “Hội Phụ nữ Bidong” phụ trách sơn các tượng Phật trên Chùa Từ Bi cùng các tấm Bia Tưởng Niệm dọc theo đường lên Đồi Tôn Giáo. Người pha sơn, người kẻ chữ, người lo việc dọn dẹp và cúng bái. Có những sự quan tâm, cả những tiếng cười pha lẫn những giọt mồ hôi trong nguyện ước sửa sang ngôi nhà cho Đồng Bào không may mắn nằm lại – những điều mà trước hết đã mang chúng tôi đến với nhau, sau hết kết nối chúng tôi lại với nhau, vượt lên trên hết những mỏi mệt hoặc thiếu thốn tiện nghi ở đảo.
























    Bước lên nền cũ…

    Tạm xong công việc ở đồi Tôn Giáo, chúng tôi dù chẳng ai nói với ai nhưng biết rằng mỗi người đều ngoái tìm thăm một nền gạch đá ngổn ngang nằm lặng lẽ cạnh Cung Thánh. Đó là câu chuyện buồn khó phai của một thập kỷ. Mười năm trước cũng tại nơi này, tấm Bia Tưởng niệm Thuyền Nhân và Tri ân Liên Hiệp Quốc cùng Chính phủ Mã Lai tại Pulau Bidong do VKTNVN thiết lập chưa đầy năm đã bị phá hủy tận nền vì áp lực ngoại giao từ Hà Nội.

    Có lẽ, thật sự đã tồn tại những vết thù còn chai đá hơn cả hoa cương cốt thép, có sức nghiền nát cả ba thập kỷ cưu mang và lòng cảm tạ giản dị mà chân thành giữa người với người…



    Tấm bia Tưởng niệm TNVN tại Pulau Bidong 2005-2015



    Ngày cuối ở đảo, chúng tôi lên viếng Nghĩa Trang khu G.
    Nghĩa trang nằm trên vị trí cao nhất của Bidong, chính vì thế rất hoang lạnh, khó đi nên qua năm tháng, nó cũng dần lu mờ trong trí nhớ của nhiều người. Ngày trở về, đường lên khu G vẫn âm u dưới tầng tầng lớp lớp cây rừng và vẫn buồn như lần cuối ghé thăm, chỉ mới hồi tháng Tám năm ngoái.
    Ngoài mục đích thăm viếng và cầu nguyện, chúng tôi còn có ý định đánh dấu lại số mộ tại khu này và cập nhật số liệu cho những nhóm muốn thăm viếng trong tương lai. May mắn thay, chúng tôi tình cờ tìm lại được những di vật của người Việt tỵ nạn rải rác khắp nơi rất xa khu Nghĩa Trang chính quanh bồn chứa nước, như tube kem đánh răng Hynos, đôi dép sa-bô, vỏ hũ chao hay chai rượu.
    Linh tính nói rằng có điều gì đó còn nằm lại dưới lớp lá rừng phủ dày này. Quả thật, lần theo những hòn đá xếp thành hình vòng tròn, chúng tôi đã tìm và đánh dấu được thêm 41 mộ mới, và tin rằng có thể sẽ còn hơn nữa nếu chúng tôi có thêm thời gian tìm kiếm.



    Những điểm tụ hội

    Nói hai chuyến VBTD 23 (Koh Kra, Thái Lan) & 24 (Bidong, Mã Lai) là nơi tụ hội những sự trùng hợp ngẫu nhiên và “phát kiến” có lẽ không phải quá lời. Một điểm trùng hợp thú vị giữa hai chuyến đi:
    • chữ ‘Koh Kra’ có nghĩa là ‘đảo Rùa’,
      trong khi ‘Pulau Bidong’ mặc dù nghĩa là ‘đảo Rắn’ nhưng hình dạng nhìn từ trên cao lại hệt như một chú rùa bụ bẫm và hiền lành.

    Dù đã có lần nhắc đến, nhưng có lẽ càng nhìn lại, chúng tôi càng nhận ra nhiều điểm bất ngờ “gom nhặt đầy” trong những mẩu chuyện “Khổ, toàn tập” và trong những con số trùng hợp đến kỳ diệu.

    Chuyến VBTD 23 đã phải mất gần 3 năm mới thực hiện được sau 3 chuyến tiền trạm đầy vất vả, mà chuyến đầu tiên năm 2013 ghe cá đã đưa 3 người dò đường tiến đến sát bờ Koh Kra nhưng do sóng quá lớn đã không thể cập bờ. Lần này đến với Koh Kra, chúng tôi lại một lần nữa ngạc nhiên khi thấy rằng Koh Kra thực chất là một cụm 3 đảo: Koh Kra Yai, Koh Kra Klang và Koh Kra Lek chứ không phải là một hòn đảo như mọi người vẫn biết đến.

    Nếu VBTD 23 đã mang 36 thành viên về lại Koh Kra sau 36 năm,

    thì VBTD 24 mang 30 thành viên tiếp tục công việc trùng tu ở Bidong trong 3 ngày và kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng 3.
    Trong suốt cuộc hành trình về Biển Đông lần này, chúng tôi nhận được sự đồng hành của 3 cơ quan truyền thông Việt ngữ lớn tại hải ngoại: SBS Radio Australia, SBTN và Hồn Việt TV – USA.
    Điểm tụ hội cuối của chuyến đò lịch sử lần này nằm ở những ngày cuối, và có lẽ vì thế nên sẽ được viết ở đoạn cuối này, vì nó lại là những con số - điều mà có lẽ chính tác giả cũng sẽ khá bất ngờ khi đọc được – nhà thơ Lâm Hảo Khôi:
    • “Đêm Bidong đêm ba mươi năm
      Sinh tử nổi chìm trên ngọn sóng
      Mồ nối mồ đắp theo biển động
      Mùa chim đi tìm hơi gió đông”…
      (Đêm ngủ trên cầu Jetty)

    Ba ngày dốc sức với rất nhiều nụ cười, giọt mồ hôi và hơn cả là những lời cầu nguyện thành tâm, trời Mã Lai không đổ một hạt mưa, Cánh Buồm Tự Do vươn mình đón gió trong kiêu hãnh, hướng mặt ra Biển Đông với những ước vọng của biết bao thế hệ Thuyền Nhân xưa đã đến rồi ở lại, rời đi rồi trở về.

    • Cung Thánh và đài Mẹ Fatima,
    • ghe Tỵ Nạn trên đồi Tôn Giáo,
    • các tượng Phật,
    • các bảng Ghi Ơn,
    • cùng toàn bộ mộ bia trên Nghĩa Trang khu F đã được sơn mới.
    • Tại Nghĩa Trang khu A, cỏ cũng được làm sạch và chúng tôi cũng trồng lại hàng cột đã đổ.


    [youtube][/youtube]
    Tạm biệt Bidong



    Khoảnh khắc tạm chia tay với Bidong, chúng tôi đứng ngắm 4 câu thơ Nôm trên Cánh Buồm Tự Do trong trời chiều, dường như (lại) một hạnh duyên khác nhắc nhớ đến tâm tình hoài quốc từ hơn 200 năm trước của một nữ sĩ trong niềm tưởng nhớ một quê hương đã xa...

    Chúng tôi mạn phép mượn những giao cảm đó, gói thành hành trang tình người để mở ra những ngày tháng Tư đọng đầy cảm xúc…



    Bidong, tháng 4/2016.

    nguồn: vietbao.com
Hình đại diện
Vịnh Nghi
Bài viết: 1224
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 20:59

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Vịnh Nghi »

[youtube][/youtube]

[youtube][/youtube]

[youtube][/youtube]

[youtube][/youtube]

[youtube][/youtube]
Carpe diem
Hình đại diện
Vịnh Nghi
Bài viết: 1224
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 20:59

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Vịnh Nghi »

[youtube][/youtube]
Carpe diem
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”