30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          





- 30/04/2016 -
tưởng niệm 41 năm
người Việt mất miền Nam Tự Do
          


          



Nước mất nhà tan,
nhưng đoàn người ly hương vẫn nâng cao biểu tượng của Tự Do
mọi nơi, mọi lúc
như một lời thề cho con cháu đem cờ này trở về quê hương


để ánh Tự Do trải vàng từ Cà Mau cho đến Nam Quan
để dòng Nhân Ái thắm mãi lòng người Nam Trung Bắc




:flwrhrts: :flwrhrts: :flwrhrts:
          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Mục Lục: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

Last edited by Hoàng Vân on Thứ năm 30/03/17 15:10, edited 3 time in total.
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Lá thơ Đất Hộ: Tháng Tư Đen Đầy Uất Hận Thứ 41!

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Lá thơ Đất Hộ:
    Tháng Tư Đen Đầy Uất Hận Thứ 41
    _______________________________
    Phan Văn Song - 26-03-2016




    Đầu tuần, Xuân đến, sáng thức sớm, ra vườn trời tuy còn se lạnh, nhìn giàn hortensia đầy nụ, ngắm bụi forsythia hoa vàng đầy góc tường, nhưng sao lòng vẫn không vui! Sao vẫn có cái buồn vớ vẫn !

    Năm nào cũng vậy, đến cuối tháng ba, lòng tôi lại nao nao thế nào. Năm thứ 41 mất nước ! 35 năm chưa thấy lại Sài gòn ! Cuối tháng ba năm nào cũng tạo nỗi nhớ của khoảng khắc của tháng ba năm mất nước. Nhà Ba mẹ đầy người, bà con tỵ nạn từ Huế, từ Đà nẳng chạy về Sài gòn tỵ nạn. Khoảng thời gian trên một tháng ấy của những ngày cuối cùng của quê hương tràn ngập ký ức tôi. Việt Nam yêu dấu của tôi ngừng hẳn thời gian ấy.

    Từ sau những ngày ấy tôi không còn hình ảnh kỷ niệm nữa. Tóm lại, không phải mình kỳ thị mà sao những kỷ niệm dễ thương đều thuộc về những năm trước ngày 30 tháng Tư, kể cả những kỷ niệm kinh hoàng, chiến tranh, lựu đạn nổ, pháo kích… Còn sau ngày mất nước, thanh bình chớ, đi lại bình yên, nhưng làm sao đâu ? Hổng gì là dễ thương cả, chẳng có cái gì đáng nhớ cả ? Sài gòn tràn ngập người lạ, nói một giọng nói kỳ lạ, với những từ ngữ kỳ lạ chói tai, mất cảm tình ! Lạ thật ! E tui bất thường chăng ? Tôi vì ghét chế độ Cộng Sản nên ghét cả « đường đi lối về tông chi họ hàng Cộng Sản, ghét cả giọng ăn giọng nói » ? Xin lỗi bà con vậy ! Tôi cảm thấy họ không phải người mình, người Việt mình !

    Năm nay, cũng như mọi năm, cứ khoảng thời gian nầy là tôi mất ngủ. Nỗi nhớ nhà da diết dằn vặt tôi ! Vẫn biết quê hương mình nay đã mất, có thể vình viễn, mấy năm tháng gần đây, một lô bạn bè cùng tuổi cùng lứa, cùng thế hệ đua nhau « ra đi » và đều yên ổn nằm nghỉ nơi quê hương thứ hai, thoạt đầu xem như tạm nhưng chẳng chốc đã trở thành vĩnh viễn. Năm nay Lễ Phục Sanh đến sớm hơn mọi năm, nên vừa xong Mùa Chay của Tôn Giáo gia đình, tôi bước vào Tháng Chay cá nhơn của Tháng Tư Uất Hận Đất Nước.

    Thời sự quốc tế tuần nầy (đối với tôi) chẳng có gì đặc biệt, mặc dầu có nhiều biến cố đáng ghi nhận :
    • Obama đi thăm Cuba, bằng chứng rõ ràng là Mỹ, lại một lần nữa, nuốt lời hứa với dân Cuba Tự Do, phản bội lý tưởng Tự Do-Dân Chủ, bắt tay lại với chế độ độc tài Cộng Sản CuBa, xem thường quan niệm Nhơn Quyền !
    • Pháp cũng lần nữa phản bội đạo đức Tự Do Dân Chủ, qua Tổng Thống Pháp, miệng nói Bảo Vệ Nhơn Quyền, Dân Chủ Tự Do, gắn huy chương Légion d’Honneur cao quý nhứt của Pháp cho tên đồ tể Thái tử xứ độc tài thủ cựu Ả Rập Xê Út.
    Tất cả vì lợi nhuận, vi quyền lợi buôn bán, tất cả chỉ vì tiền. Thị trường Cuba béo bở, canh tác, xây dựng, công nhơn rẻ. Thị Trường Ả Rập béo bở, dầu hỏa Ả Rập tràn ngập. Những quan niệm phổ thông bao quát Dân Chủ, Tự Do, Nhơn Quyền, Nữ Quyền… rẻ hơn dầu hỏa, rẻ hơn máy bay Rafales, Airbus…Làm sao trách được nếu ngày mai các nhà lãnh đạo thế giới sẽ là Trump, Poutine, Tập Cận Bình, Le Pen… hay bất cứ một tay quá khích nào, biến thành những nhà cầm quyền độc tài quá khích hay tư bản độc quyền vô đạo đức ?
    • Việt Nam nổi tiếng thế giới trong vai trò «tiên phuông chết thay thiên hạ, nghèo thay thiên hạ » – (Chia đôi Cái Ngu của thiên hạ với Cu Ba) !
      Tiên phuông làm « điển hình » làm cách mạng mướn, đi đánh giặc mướn, nướng cả triệu đồng bào theo mình, giết cả vạn đồng bào mình không theo mình, dùm cho Nga Cộng cho Tàu Cộng để chỉ được cầm quyền.
    Lịch sử người kể chuyện các đại lãnh đạo đi chinh phục thế giới, chiếm đất giành dân, mở mang bờ cỏi, nới rộng non sông. Lịch sử người ghê tởm ghi chép những tội phạm nhơn loại, giết hại người, như chế độ Đức Quốc Xã Nazi giết « người Do Thái », như chế độ Thổ Nhĩ Kỳ giết người Arméniens, hay giết người Kurdes, kể cả Saddam Hussein tên độc tài Irak dùng bom hơi độc giết người Kurdes…Nhưng tất cả những đồ tể các chế độ độc tài ấy không bao giờ tàn sát đồng bào họ. Trái lại lịch sự cận đại mới ghi nhận rõ ràng các chế độ Cộng sản, bắt đầu bằng tên đàn anh Liên Sô giết hại, khủng bố đầy đọa đồng bào ruột thịt mình. Staline, Mao Trạch Đông, Hồ chí Minh, Pôn Pốt… nỗi tiếng vì đày đọa giết hại đồng bào mình !

    Lịch sử người viết những thiên sử ca tụng những lãnh đạo tài ba mở mang chinh phục cả ngàn, cả vạn dặm biên cương, đất nước, Thành Cát Tư Hản, Tamerlan, Attila, Napoléon… Nhưng trái lại, lịch sử cận đại Việt Nam ta kể chuyện ta ngu dại dâng đất, dâng biển, dâng đảo cho người láng giềng, chỉ để được cầm quyền. Ngày nay, Đồng Bằng Cửu Long, Vựa Lúa Miền Nam Việt Nam nỗi tiếng phì nhiêu nuôi dân Nam Việt từ thời xa xưa, đã khô cạn, hạn hán ! Đất mầu phì nhiêu nay đà nhiểm mặn vì Giòng Sông Mẹ Cửu Long cưu mang, nuôi sống dân Miền Nam Việt Nam đang bị Tàu Cộng cướp hết nguồn nước. Từ nay, thật là « Đồng khô Hồ cạn, đất Nam Việt tan tành ! »

    Mất Biển, Mất Đất Mất, Nước
    chừng nào Việt Nam Mất Dân, Mất cả Tên Việt Nam ?


    Biến cố đáng ghi nhận hơn nữa :
    Sáng thứ ba, lại nghe tin Bruxelles, thủ đô Vương Quốc Bỉ bị khủng bố đánh bom chết người. Buồn đau, lo lắng cho gia đình bạn bè sống ở Bỉ, một lần nữa hình ảnh khủng bố ngày nào ở New York, London, Madrid, Paris, và nay ở Bruxelles lại gợi nhớ đến sự ghê tởm Việt Cộng đánh bom dân mình năm xưa.
    Nhớ ngày xưa, giận dữ khi thấy dân Tây Mỹ phản chiến vỗ tay hoan hô Hồ Chí Minh giết hại đồng bào Việt Nam. Ngày nay, khi nghe khủng bố Hồi Giáo
    • đánh Huê Kỳ ngày 11 tháng 9-2001,
      đánh Tây phương, từ London, Madrid
      hay Paris năm ngoái,
      hay Bruxelles năm nay,
    tự hỏi người dân Tây Phương có hiểu thế nào là khủng bố không?
    Đã đến lúc Tây Mỹ phải biết thế nào là khủng bố. Không nên vì quyền lợi kinh tế, đi phản người ngay, đi phò thằng gian. Đã biết vỗ tay ủng hộ, đã biết đi xúi dại dân xứ người nổi dậy, nhơn danh Dân Chủ, nhơn danh Nhơn Quyền, thì phải ủng hộ đến cùng ! Phải tạo điều kiện và phương tiện cho những quốc gia mới lấy lại chủ quyền giữ vững nền Dân Chủ, trọng Nhơn quyền, phải biết bảo vệ tất cả những quyền Tự Do. Chớ vội sớn sát giao trứng cho ác, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, thì có ngày lãnh cái búa trả nghiệp đó thôi !
    Những bài học Huê kỳ và Âu Tây đang phải trả đây. Giúp kháng chiến A Phú Hản chống Liên Sô năm nào, giao súng đạn cho Ben Laden để Ben Laden đánh Mỹ sao nầy. Võ khí và quân cụ của Daesh do chính các quốc gia Tây Âu và Mỹ tiếp viện, ủng hộ quân kháng chiến chống độc tài Bachar Al Assad !… Người dân Âu Châu, nhứt là Pháp, Bỉ… từ nay, sống trong cảnh giác, trong tình trạng quân luật như dân chúng Sài gòn chúng ta thời Việt Cộng khủng bố vậy ! Rồi cũng qua thôi, vì vậy tôi hầu như không để ý gì đến những chuyện thời sự ấy.

    Còn thời sự Việt Nam ? Xong rồi !
    • Mất Biển Đảo,
      Mất Biên Cương,
      Người Tàu tràn ngập đất Việt, đây là một đạo quân thứ năm sẳn sàng tiếp thu đất Việt khi có lệnh.
      Lãnh đạo Việt Nam, là những người tuy mang quốc tịch Việt nhưng thật tình đã là người Tàu rồi.
    Không còn gì để mong để nói nữa !

    Tuần nầy, nhận được lá thư của Chú Bảy. Lâu lắm không được tin chú. Chú Bảy là một người bạn chí thân với Ba Mẹ chúng tôi. Khi Ba tôi rời Huế vô Sài gòn lập nghiệp hồi những năm 40, ba đi cùng một người bạn cùng xứ. Hai anh em gặp chú Bảy, dân Đất Hộ, xứ Nam Kỳ rộng lượng, chịu chơi, từ đó họp thành bộ tam sên. Bức thư nầy, đã xin phép – và được chú cho phép – xin phép quý bà con, đăng lên để chia sẻ cùng quý thân hữu để cùng cảm nhận một thoáng không khí cuộc sống hằng ngày của người dân Đất Hộ mình, dưới trào Cộng Sản Phương Bắc !

    Phan Văn Song



    Đất Hộ, Sài thành, tháng Ba, 2016, Bính Thân.

    Hai à,

    Cuối tháng Ba rồi ! Mỗi năm cứ vào khoảng nầy là tao nhớ Ba Mẹ mầy ! Vì, chắc mầy còn nhớ, cách đây 41 năm, khoảng nầy, tao dắt thím mầy và bầy em mầy bỏ Huế vào Đà Nẳng, rồi cả nhà tao lánh nạn vào tá túc nhà Ba Mẹ mầy ở sau Trường Mù, Chợ An Đông*.

    Nhớ hoài ! Thấm thoát đã 41 năm rồi ! Với ai hổng biết, chứ với tao, nuớc Việt Nam mình thực tình đã mất vào cuối tháng Ba khi Huế mất đó, mầy à! Cố đô mất, kinh đô Xứ Đàng Trong, là xứ mình mất, là mình hoàn toàn mất nước. Dù phe ta có ráng cầm cự thêm một tháng nữa, dù có súng, có máy bay, xe tăng, mà không có đạn, không có xăng… cũng như cùi. Lòng quyết tử, chí quật cường của quân dân cán chánh Việt Nam Tự Do cũng chỉ có thế thôi ! Mỹ đã phản bội ta, nuốt lời hứa, đi đêm quyết tâm bán rẻ Việt Nam Tự Do cho Nga Cộng, Tàu Cộng, thì dẩu cả toàn dân Việt Nam Tự Do có bán hết tất cả mạng sống đến người Việt Tự Do cuối cùng đi nữa, thì cũng thua. Chỉ còn, chạy, dzọt, vượt biển, đau thương, hy sanh, chết chóc, trả cái giá nặng nề, mình đi đày, vợ con mình bị hảm hiếp, gia đình mình nhục nhã …chỉ mong được đến bờ Tự Do thôi !

    Hai à ! Thiên hạ ca tụng tinh thần chiến đấu gan dạ của toàn dân quân cán chính anh hùng Việt Nam Cộng Hòa giữ nước giữ nền Tự Do hai mươi năm bền vững ! Đúng ! Nhưng chúng ta cũng phải trân quý, trân trọng, ca tụng và nhớ ơn người phụ nữ Việt Nam. Những người mẹ, người vợ, sát cánh bên chồng, bên con để giữ vững riềng mối gia đình, giữ vững hậu phương, cho chồng cho con vững tâm giết giặc giữ nước. Đó là thời chiến ! Lúc thua trận, tiếp tục phải cán đáng bảo bọc gia đình khi chồng, cha, con, hoạn nạn tù đày nơi rừng sâu nước độc, hay cơ cực khổ sai ngoài đất Bắc rừng rú mọi rợ. Lúc sanh tử có nhau, lúc hoạn nạn có nhau, cả cùng lúc chia sẻ hiểm nguy vượt biển, người phụ nữ Việt Nam, người đàn bà Việt Nam cũng bị hoạn nạn hơn người nam, bị hảm bị hiếp, bị cướp biển đem về áp trại. Nỗi khổ kể sao cho siết ! Và ngày nay ? Cũng vậy, hoà bình rồi, mà thân phận đàn bà phụ nữ Việt Nam vẫn bị làm món hàng thương mại. Phải bỏ nhà, bỏ quê hương, xuất khẩu lao động ! Lúc ở đợ, lao động xứ người, xa chồng xa con. Khi điếm, bán trôn nuôi miệng, nuôi gia đình. Nhục nhã sắp hàng, trưng bày thân thể trần truồng, làm món hàng, để chồng ngoại quốc lựa chọn mua về, làm nô lệ tình dục ! Tất cả « ra đi », chỉ mong gởi tiền về nuôi gia đình cha mẹ trả chữ hiếu !

    Xứ Đất Hộ mình biết bao nhiêu chuyện, nào gả con gái cho người nước ngoài, nào bán con trẻ làm con nuôi, tháng nào cũng có ! Còn chuyện « ra đi », ngày nay 41 năm qua rồi, hoà bình rồi, mỗi ngày cũng đều có chuyện « vượt biên ». Nhờ vậy mà cái nghề của thím mầy giáo sư Anh Văn hốt bạc, nuôi cả gia đình, xây thêm nhà, sửa thêm cửa, khá giả mấy năm nay.

    Ròng rã, năm nào cũng vậy, cứ đến tháng ba, tháng tư, hai tháng nầy, là tao nhịn ăn, đốt nhang bàn Thờ Tổ quốc, tụng niệm hằng ngày…chỉ để Nhớ, để Thương. Đặc biệt, tháng tư năm ngoái, tao rầu thúi ruột muốn bệnh luôn : nhớ nhung đủ thứ chuyện hết, nhưng tao lại làm biếng viết thơ cho mầy, đến cả thím mầy mà tao cũng hổng thèm nói chuyện. Bả cứ
    • « Ông thiệt ! Nhắc chi cái thứ đó hoài ông ơi, đổi đời mà, mình ráng sao cho cái đám con cháu nó qua truông là được rồi. Bây giờ nó dzậy đó, miễn sao con cái nhà mình nó giữ cái gì mình dạy cho tụi nó là đủ rồi. Ông rầu là gì cho thêm bịnh ».


    Tao nghe bả nói, tao cũng thấy bả có lý, nhưng tao vẫn rầu… Tao rầu bân khuơ, tao nhớ bạn, tao nhớ bè, nhớ anh Ba, ông già mầy, nhớ chị Ba, má mầy, nhớ mầy.

    Tao nhờ Trời Phật sống đầy đủ, đổi đời, cũng xuống chó, cũng lên voi, thất nghiệp, bảy nghề biết đủ, cũng như người ta, cũng biết đó biết đây. Ngày nay, tao ngán ngẩm cho cái vận, cái hạn đất nước mình sao nó vẫn còn khổ triền miên như vầy ! Nói hoà bình, nói phát triển, tiến lên, tiến mạnh, mà sao vẫn còn con nít bán mía găm, bán vé số, bán thuốc lá điếu…. Hồi trẻ, tụi tao kháng chiến, chống Tây, hy vọng lấy lại Độc lập, dân mình nó sẽ sống đàng hoàng, hy vọng không còn có cảnh phu xe kéo, chị gánh hàng rong, chị thợ hồ đội gạch, thằng nhỏ bán cà-lem cây. Sau Thế chiến, Việt Nam ta tuy lấy lại Độc lập, nhưng « người ta » vẫn tiếp tục gây ra chiến tranh, chết chóc triền miên. Năm 1954, đình chiến, đất nước tuy bị cắt chia, nhưng yên tiếng súng, hòa bình. Nhờ đó dân Nam mình cũng sống một thời gian đàng hoàng tử tế, ngon lành, xây dựng ! Thế nhưng chẳng được bao lâu thì lại chiến tranh, dân Cộng Sản ở ngoải lại pháo kích, lại khủng bố ! Lại chết chóc … mà dân Nam mình có phá hoại xâm chiếm lấy của cải của ai đâu ? Hiền hòa, biết bà biết con, biết đoàn, biết kết, biết đùm biết bọc. Năm 54, dân xứ Ngoải chạy lánh nạn Cộng sản, di cư, tỵ nạn vô cả triệu người, dân mình cán đán, lo hết. Thế mà Đảng Cộng sản ở ngoải cũng vẫn muốn giải phóng mình. Mà giải phóng gì ? Giải phóng bằng pháo kích, giải phóng bằng giựt mìn xe đò, giải phóng bằng đắp mô, giải phóng bằng chặt đầu, mổ bụng, dồn trấu…giải phóng bằng đấu, giải phóng bằng tố khổ. Thằng đế quốc thằng Tây thằng Mỹ có chết đó, nhưng chết bao nhiêu, chỉ có dân ta chết bộn thôi. Thế mà vẫn có cả ngàn người nghe, cả vạn người theo. Sợ ? Mê ? Ngu ?

    Dân chúng ở ngoải họ nói họ bị bắt buộc. Nếu bắt buộc, sao không thấy họ « ra đi », vượt biển, hay vượt tuyến ? Người dân Đông Đức, Cộng Sản, năm nào cũng có người trốn qua Tây Đức, xứ Tự Do. Tường Ô Nhục Bá Linh có cao đó, nhưng cũng có kẻ dám vượt tường. Giàn rào kẻm gai có rào bãi mìn đó, vẫn có người đào hầm chui qua rào kẻm mìn, tìm Tự Do,… Bằng chứng khi đến phiên cả xứ Việt Nam ta bị nhuộm đỏ, chẳng bao nhiêu lâu…một năm, hai năm chịu đựng là dân miền Nam bắt đầu bỏ trốn ! Thật vậy, dân miền Nam mình, chỉ cần ba năm sống dưới tay Công sản Bắc Phương, là bắt đầu bỏ xứ ra đi. Ngày nay hòa bình, thống nhứt, phát triển, tiến lên, tiến mạnh, tiến cái gì hổng thấy, mà ai ai, nếu có dịp, đều vượt biên hết. Bây giờ hết nói vượt biên rồi :
    • nói du học (rồi không về – thường thường là con ông cháu cha không à !)
      nói lấy chồng người nước ngoài,
      nói xuất khẩu lao động,
      nói « hạ cánh an toàn »,
      nói đi du lịch – và « trốn ở lại »…
    Giấc mơ đi khỏi Việt Nam hầu như ở khắp mọi người. Nhờ vậy mà gia đình tụi tao sung túc, khá lên, là nhờ cái phong trào học tiếng Anh không lúc nào ngơi?

    Về vấn đề trường học, trường tao từ đầu năm nay, cũng ế ẩm ! Vật giá đắt đỏ. Kinh tế hổn loạn. Thêm cái vụ Đại Hội Đảng vừa qua dân Bắc kỳ chiếm ghế nhiều quá, dân Nam e rằng dân Nam nổi loạn chăng ? Thôi chờ xem bầu cử Quốc hội, có gì thay đổi không ? Hay vẫn như cũ, chia ghế, chia của, xí phần. Lúc nầy còn thêm cái cha truyền con nối. Đời cha hết Thủ Tướng, nhưng đời con vẫn đại gia, vẫn Trung Ương Chánh Ủy, vẫn ăn trên ngồi trước có chết thằng ma nào đâu ? Chỉ có thằng dân ruộng thì mất đất, thằng dân biển thì mất thuyền do tàu lạ đụng, đâm… la ó than khóc thì Nhà Nước Việt Nam ta, Quân Đội Nhơn Dân Anh hùng ta cũng xử… chìm xuồng luôn.

    Còn chương trình học, lúc nào các học sanh và sanh viên trong phần học tập chánh tri có thêm cảnh giác … « diễn biến hòa bình ». Nghe các học trò về kể lại rằng nước Việt Nam ta đang bị địch bao vậy, và bọn thế lực phản động hải ngoại đang dùng diễn biến hòa bình đánh vào thành trì « xã hội chủ nghĩa » để giựt đất nước khỏi tay lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hóa ra, mình vẫn còn bị nhóm thù địch bao vây, do đó mình nghèo hoài ! Nhưng Hai à, nội cái từ ngữ « diễn biến hòa bình », tao cũng không hiểu nỗi. Diễn bìến là « hiện tượng đi tới …», là « tương lai sẽ … có hòa bình », mà có … « hòa bình » thì có gì mà nguy hiểm, mà phải sợ ! Ai cũng sợ chiến tranh chớ… và sợ những diễn biến chiến tranh, nhưng ai lại đi sợ hòa bình. Các học trò cũng kể cho tao nghe là các em học tập rằng những phong trào Dân chủ và Nhơn quyền của thế giới là do bọn thù nghịch phản động ở bển gây ra để phá hoại đất nước Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, bọn phản động muốn đưa Việt Nam tương lai vào thế giới tư bản của Đế quốc Mỹ đó mầy !

    Ủa nước mình hổng phải tư bản sao ? Các ông lớn đều đứng tên các công ty, mở cổ đông cho người hùn hập làm ăn (thường thường là bà con hay bạn đồng chí ở trong Đảng Cộng sản) hổng phải là công ty tư bản sao ?
    Có thể Công ty tư bản là những người hùn hập mua cổ đông đều là người lạ – cái chữ lạ bây giờ nó lạ lắm ! Từ « lạ » ở đây không phải là nghĩa mới bây giờ, nghĩa mới là để nói « đó là người Tàu », thí dụ « tàu lạ đâm chìm tàu ta », phụ đề việt ngữ là « tàu Tàu, tàu Trung Cộng đâm chìm tàu người Việt ta » đó thôi ! … – (« lạ » là ai ngoài phe Đảng ta), có tiền là mua cổ đông hùn vốn.
    Đằng nầy ở Việt Nam các công ty các ông lớn là do bà con và người trong Đảng hùn vốn vì vậy hổng phải là tư bản mà là xã hôi chủ nghĩa (là người cộng sản với nhau, trong Đảng cả) và theo định hướng tư bản thị trường tư do (nghĩa là hùn vốn).
    Nhưng vậy mấy chả sợ Tư bản Chủ nghĩa cũng phải. Tư bản Chủ nghĩa ai cũng có thể bỏ tiền ra được hết, riết thì ai làm chủ đây ? Xã hội Chủ nghĩa là Xã hội chủ Nghĩa là Đảng cộng sản phải làm chủ và cầm quyền và là lãnh đạo. Tao thử cắt nghĩa vậy mầy xem được không ?

    Lay hoay cũng sắp Lễ Phật đản nữa rồi. Tao thì thường nhớ ngày mồng Tám tháng Tư, chứ đâu có dời qua ngày Rằm như bây giờ. Tao cứ nhớ bài ca « … mồng Tám tháng Tư là ngày Thích Ca thành Phật ». Kệ ai cúng ngày Rằm, còn tao, tao cứ hương đèn nhang khói, tao cúng Phật đản ngày mồng Tám tháng Tư. Thím mầy cũng lại cằn nhằn :
    • « ông thiệt hổng giống ai ! Thiên hạ bậy giờ cúng Lễ Phật Đản ngày Rằm tháng Tư chứ không ai cúng ngày mồng Tám tháng Tư hết ! »
      – Kệ tui, Bà ơi ! Tui già tui cúng theo người già ! Nói nhỏ – tao cúng theo người Quốc gia !


    Mầy xem bây giờ là vậy đó. Cúng kiến lễ lạc phải đúng thủ tục, có luật có lệ, có ngày có tháng. Còn lễ nghĩa, luật lệ đi đường thì tùm lum, buôn bán thì lươn lẹo, chụp giựt, mánh mun, còn hàng hóa, thì dỏm, thì giả, không cần luật lệ gì cả, còn con nít chẳng biết thưa gởi, xin lỗi xin phải hay cám ơn cám iếc gì cả …

    Tao ráng giữ cái bầy con, bầy cháu cho tụi nó đàng hoàng một tý. Mầy gặp lại tụi nó mầy sẽ thấy tao ngon lành giữ tụi nó đàng hoàng lắm đó.

    Thôi ít hàng nói chuyện xứ Đất hộ mình cho mầy nghe. Thăm gia đình mầy.

    Hẹn thơ sau
    Chú Bảy


    • * Trước 30/04/1975.
      Bộ Tam Sên (kết nghĩa năm 1940) của Ông già chúng tôi gồm có,
      • Ba tui, năm 1975 làm Hiệu Trường Trường Mù ở Chợ Lớn,
        Bác Hai Hạp, mở tiệm bán cát, gạch ở Ngã Tư Phú Nhuận.
        Và chú Bảy, cựu công chức Bộ Giáo Dục.
      Thời ông Diệm, chú công tác ở Huế, gặp cô gái Huế, giáo sư Anh Văn (ra đi không đành !) là thím Bảy, ở lại sanh sống lập nghiệp nhập dân Huế luôn !
      Lạ chưa, gia đình Chú Bảy gốc Đất Hộ Nam Kỳ lại sống ở Huế cả chục năm, trong lúc hai ông kia, gốc Huế trọ trẹ, lại sống ở Sài gòn. Mất Huế, vào Sài gòn lánh nạn ban đầu tá túc ở nhà ông già, trước ngày 30 tháng tư ông chạy về lại Đất Hộ (Dakao), nhập vào nhà tổ phụ, vì gia đình người anh quân nhơn Hải quân đã kịp đưa vợ con di tản đi Mỹ, chỉ còn ông cụ bà cụ ở lại. Gia đình chú Bảy, 6 người về kịp để giữ nhà. Chú Bảy giáo chức có lon có lá, cũng phải đi tù vài tháng. Thím Bảy, vì không phải thuộc dân giáo chức Sài Gòn nên chỉ được « mất dạy ».
      Lúc ấy tôi còn ở Sài gòn, có giúp gia đình Chú thím mở một đề-bô bán Ladze, Nước Ngọt, Nước Đá tại nhà sanh sống qua ngày. Năm 1980, khi ra tù, có đến thăm chú thím, tiệm « bán nước » vẫn còn, tuy buôn bán có khó khăn hơn ! Bộ ba Tam sên, ở lại Sài thành, vẫn tụ tập. Hai ông gìà gân, kẻ Phú Nhuận, người Đất Hộ, đạp xe, lên chợ An Đông thăm ông già mù, để đấu láo và UTQ, uống trà quạu, hút thuốc lào, với nhau, ít lắm là một tuần một lần.



    Đầu Xuân 2016
    Nhớ những ngày loạn lạc tháng ba, tháng tư năm 1975.

    TS Phan Văn Song
    nguồn: vietthuc.org
Hình đại diện
Quy Nam
Bài viết: 824
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 18:52

Đà Nẵng những ngày cuối tháng Ba 1975

Bài viết bởi Quy Nam »

  • Đà Nẵng những ngày cuối tháng Ba 1975
    ________________________
    Bác sĩ Phùng văn Hạnh




    Sau khi thỏa hiệp Paris ký kết, Mỹ xuống thang chiến tranh. Dân sự bị thương cũng giảm. Các bác sĩ AMA giảm dần.
    • Ban mê Thuột rồi Pleiku mất.
      Cao nguyên di tản.
      Quảng trị, Thừa thiên mất.
      Những ngày cuối tháng ba, 1975, Đà- nẵng đầy người chạy giặc.

    Cộng sản có biết tại sao mà lắm người sợ họ thế? Ông bác tôi đã từng nếm mùi trại giam cộng sản, đã đứng tim chết khi nghe cộng sản trở lại. Cha tôi cũng thế.

    Lính khắp nơi ùn về đầy đường. Tôi gặp một tiểu đội Địa phương quân. Họ vẫn còn kỷ luật lắm. Anh tiểu đội trưởng đi đầu, súng mang trên vai. Các đội viên đi hàng một, mũi súng chúc xuống đất. Chắc họ từ một đồn nhỏ ở ngoại ô vào thành phố. Mắt họ buồn và sợ sệt. Họ đi mất hút ở cuối đường. Có súng nổ lẻ tẻ. Xe tăng, súng ca-nông bỏ lại trên đường phố.
    Dân sự di tản từ Quảng Trị, Huế, Quảng Tín, Quảng Ngãi, ngủ trên lề đường. Một thiếu phụ gia tài chỉ là đôi thúng gánh trên vai. Trong mỗi thúng là một em bé 2 đến 4 tuổi. Rất nhiều gia đình đã đi bộ vượt đèo Hải vân 20 km đường dốc núi. Bên Sơn Chà xe nhà binh nghẹt đường.

    Ngoài bờ biển, bến cảng mọi người ùn ra tìm ghe để có thể ra tàu lớn đậu ngoài khơi.
    Gia đình tôi lên phi trường. Lúc gần đến, gặp cả đoàn xe cộ của một ông tướng sư đoàn cũng chạy giặc, phải tránh ra bên đường, nhường cho họ qua. Ngay cổng phi trường, xe dân sự sắp hàng dài hai bên đường. Chỉ đi bộ vào cổng. Một ký giả ngoại quốc chận tôi lại phỏng vấn. Tôi đã nói gì, bây giờ chẳng nhớ. Song một người bạn ở Thụy sĩ lúc đó có thấy tôi xuất hiện trên truyền hình. Máy bay hàng không dân sự đã ngừng bay. Một nhóm người thiện chí đứng ra liên lạc với Saigon. Họ tổ chức ra máy bay trong trật tự. Có hai chuyến cất cánh suông sẻ. Song Việt cộng bắt đầu pháo kích vào phi trường. Mọi người tìm chỗ núp, rồi ùn ùn rời phi trường vì Saigon cho biết là máy bay không ra nữa.

    Chúng tôi đi bộ về nhà. Nửa đường gặp xe của một nha sĩ bạn. Anh ta chở gia đình tôi về đến nhà. Súng lính vất lại, nghẹt cả đường cống sâu trước nhà.
    Vào nhà, vợ tôi chia cho mỗi đứa con một xách áo quần và một ít tiền. Tất cả quì xuống trước bàn thờ Chúa. Nhà tôi dặn:
    • “đang loạn lạc như thế nầy, chúng ta có thể bị ly tán. Nếu may ra các con đi chung với nhau, nhớ đứa lớn che chở đứa bé. Anh em nhớ yêu thương nhau”.

    Thấy cảnh đau lòng, tôi rời nhà lên bệnh viện, định phi tang những bài viết chống cộng mà tôi bỏ lại ở văn phòng, trong ấy có một bài đả kích Hồ chí Minh. Vào hành lang, thấy người ta nằm la liệt. Kẻ thủng bụng, ruột lòng thòng. Người bể đầu, gảy tay chân, băng quấn sơ sài, đẫm máu. Một bạn giáo sư trung học, ôm chầm lấy năn nỉ:
    • “vợ tôi bị bắn thủng ruột đã 6 giờ rồi, chưa được ai chăm sóc”.

    Lúc ấy nhà thương không còn một bác sĩ nào cả. Tôi ghé văn phòng làm việc trống trơn, huỷ diệt bức thư điều trần, đưa kế sách cứu miền Nam, và những bài báo chống Cộng do tôi viết. Tôi xé nhỏ, bỏ vào nhà cầu và dội nước. Xong tôi vào khu giải phẫu. May sao nhân viên còn tại chỗ một nửa. Tôi cho mang vợ người bạn vào mổ. Sau đó các ca khác lại tuần tự mang vào. Chiều hôm đó BS Phạm văn Lương vào phòng mổ thăm tôi. Tôi hỏi sao không lo trên BV Duy Tân mà xuống đây. Ông y tá trưởng nói nhỏ vào tai tôi là BS Lương nay làm thị trưởng, đi thị sát BV toàn khoa đó. Sau nầy tôi mới biết là BS Lương được tỉnh hội Phật Giáo đưa lên làm thị trưởng Đà-Nẵng trong những ngày cuối tháng ba, 1975(đài BBC có loan tin).

    Một mình mổ đến chiều hôm sau thì ông y tá trưởng gỏ cửa phòng mổ và nói:
    • “có ông sĩ quan cách mạng nói bác sĩ hãy ngừng mổ cho dân sự, và mổ cho các chiến sĩ cách mạng bị thương”.
    Hởi ôi, thế là cộng sản đã vào thành phố! Tôi nói với ông y tá trưởng là cứ ca nào nặng thì đem vào trước, không phân biệt dân sự, cách mạng. Đó là va chạm đầu tiên mà sau nầy tôi bị kiểm điểm là có lập trường nhân đạo chung chung, không có quan điểm cách mạng. Chừng 10 ngày sau, thì các bác sĩ cách mạng ở trên núi xuống tiếp thu bệnh viện. Lúc đó các ca cấp cứu đã giải quyết xong. Cả khu giải phẩu nhận giấy khen của Ủy ban quân quản Đà-nẵng là đã có công trong sự ổn định y tế thành phố.

    Các bác sĩ bị kẹt lại dần dà đến nhận việc và được gọi là lưu dung. Xưa kia đi làm hơi tùy tiện vì đôi khi phòng mạch tư nhiều khách. Nay ai đến cũng đúng giờ. Bắt đầu là giao ban, toàn thể bác sĩ họp lại với bác sĩ giám đốc để trình bày phiên trực ngày hôm trước, nghe chỉ thị mới và phê bình những thiếu sót nếu có. Cách làm việc nặng phần trình diễn, phí phạm thì giờ. Sau giao ban, đi khám bệnh phòng rồi đi mổ những ca lên chương trình từ cuối tuần trước.
    • Có điều đặc biệt là bác sĩ cách mạng chuồn đâu mất lúc 10 giờ sáng. Tìm không ra. Sau nầy hỏi ra mới biết đó là thói quen đã có tự ngoài Bắc. Vì sáng không ăn, hoặc ăn ít nên 10 giờ đói, phải tìm chỗ kín nằm nghĩ.
    • Có một bác sĩ thuốc mê đã được đào luyện ở Tiệp khắc, được nhân viên phòng mổ cho ăn xoài. Anh ta trầm trồ khen ngon hết lời vì chưa bao giờ nếm thứ trái cây ngon như thế.
    • Một anh khác kể là ngày Tết được chia bồi dưỡng một gói tiêu nhỏ. Về nhà rủi làm đổ. Phải thắp đèn lên kiếm từng hạt.
    • Họ nói ở ngoài Bắc nghe tuyên truyền là trong Nam cực khổ lắm. Bây giờ mới tỉnh ngộ. Vào Saigon chơi về, họ khoe là như ra ngoại quốc. Nói là phồn vinh giả tạo, song toàn là đồ thiệt đẹp và tốt.


    Những ngày đầu tháng tư, 1975, các bác sĩ VC trên núi về, tiếp thu TTYTTK Đà-Nẵng và Bệnh viện Đức. Họ chỉ lo về hành chánh, chứ chuyên môn thì đợi các bác sĩ Hà-Nội vào. Về giải phẫu thì họ chỉ đứng xem. Vài người tỏ ra hiếu học, vào phụ mỗ với các bác sĩ lưu dung.
    • Tôi nhớ có Bác sĩ cấp bực Đại úy, vào phụ tôi để tái tạo một ống chân vỡ nát vì mìn. (Hắn ta là bác sĩ riêng cho thầy cũ Tám Trinh, nay đổi tên Nguyễn xuân Hữu, Phó bí thư đảng bộ Liên khu V.) Phải mất ba giờ và nhiều cố gắng mới giữ được cái chân. Cuối ca mỗ, đáng lý nói: ca nầy khó ác liệt, tôi tự nhiên buông câu nói theo thói quen: ca nầy khó ác ôn côn đồ Việt Cộng. Anh ta nhìn tôi không nói gì. Các y tá quanh tôi đều sững sốt. Không biết anh ta có báo cáo gì không. Song sau nầy không thấy ai nhắc đến chuyện đó.


    Trong suốt hơn một năm làm việc với CS, tháng ngày cũng qua nhanh, vì rất bận rộn.
    • Những ngày đầu, mổ liên miên để giải quyết xong nhiều ca cấp cứu,
      Những tháng kế tiếp là mổ cho dân quê trở về làng khai khẩn nhưng đồng ruộng bỏ hoang trong chiến tranh, vướn phải mìn hay đạn ca-nông chôn dưới đất.
      Giải phẩu tái tạo tiếp theo cho những tật nguyền do vết thương chiến tranh gây ra.
      Ngoài ra nào giao ban, nào học chính trị mỗi tuần vài lần. Làm việc trong không khí u uất, vì nghe lắm lời phi lý, ngu xuẩn của bọn cán bộ, lắm chế độ hà khắc, kiểm soát tư tưởng, việc làm, những tranh cải lý thuyết v.v..


    Bất hạnh thường không đến một mình. Đã buồn bực vì phải kẹt ở lại với CS, lại càng buồn thêm vì sự ra đi của người cha thân yêu. Ngày tôi chở vợ con lên phi trường để di tản, tôi đã năn nỉ cha mẹ tôi cùng đi, nhưng cha tôi một mực từ chối vì ông đã bị bại hai chân từ ba năm nay, hậu chứng xuất huyết não, và phải di chuyển trên xe lăn. Ông không muốn là gánh nặng cho tôi. Mẹ tôi thì chỉ chịu đi khi cha tôi cùng đi, vì bà phải săn sóc cha tôi tật nguyền. Khi chúng tôi không di tản được, từ phi trường trở về, hai ông bà đã khóc sướt, và lo cho tương lai chúng tôi. Hai ngày sau cha tôi chết êm thắm. Ông đã bị đứng tim trong giấc ngủ. Buổi sáng mẹ tôi mang sửa lại cho ông uống, thì thấy ông nằm bất động, tay chân lạnh ngắt. Cũng như bác tôi, cha tôi vì sợ quá, tim già đã ngưng đập khi nghĩ đến những hình phạt khủng khiếp trong tù CS. Mặc dù mới trải qua một cuộc đổi đời chưa hết bàng hoàng, tôi vẫn tổ chức ma tang thật chu đáo, với rất nhiều bà con thân thuộc theo linh cửu ra nghĩa địa. Tôi phải mướn nhiều xe ca, trong khó khăn hiện tại. Cha ơi, xin yên nghỉ bằng an trong nước Chúa.

    Lúc say sưa làm việc những năm chiến tranh, theo lời khuyên của một bác sĩ Mỹ, tôi gom góp hồ sơ các ca chữa thương với đầy đủ phim, ảnh, ghi chú theo dõi. Ông cho tôi một máy ảnh, và tôi thuê một thợ chụp ảnh phụ tá cho tôi chụp hình bệnh nhân trước và sau khi mổ, diễn tiến bệnh khi nằm tại nhà thương và tái khám. Hồ sơ được lưu trử trong một căn phòng lớn của bệnh viện. Tôi định khi nào rảnh rổi sẽ viết bài, dựa trên nhận xét lâm sàng để rút ra những kết luận hữu ích. Hai tháng sau khi cộng sản vào, thấy rảnh, tôi xuống phòng lưu trữ hồ sơ thì thấy các hộc trống trơn. Hỏi ra mới biết là tổ nhà bếp trên núi xuống nấu cơm cho bệnh nhân, vì thiếu củi đun, nên lấy hồ sơ nhóm lửa. Bao nhiêu tâm huyết đổ sông. Xưa kia nhà thầu cung cấp cơm nước cho bệnh nhân. Họ đâu có nấu nướng trong bệnh viện.

    Tôi có nhiều giấc mơ đơn giản. Song đều thất bại. Lúc còn hoạt động trong đoàn Sinh viên công giáo, có đọc thuyết “Kinh tế và nhân bản” ( économie et humanisme) của cha Lebret, có dự định cùng các bạn đồng chí hướng lập những đoàn thiện chí gồm nhiều chuyên viên về thôn quê chia xẻ đời sống của nông dân.
    • Bác sĩ lo chữa bệnh, truyền bá vệ sinh.
    • Kỷ sư nông nghiệp, cơ khí, chăn nuôi, tìm cách nâng cao sản xuất.
    • Tổ chức hợp tác xã, tiếp xúc với công ty ngoại quốc, tìm thị trường, vốn đầu tư..mong cho dân giàu, nước mạnh.
    Song khi ra trường, thì chiến tranh tràn lan, thôn quê không còn an ninh. Cuối năm 1974, thấy tình hình miền Nam sắp có nguy cơ rơi vào tay Việt cộng, mà trí thức thì chơi mạt chược và trùm chăn quá nhiều, định
    • đi khắp các tỉnh, diễn thuyết, kết hợp những người thiện chí,
    • cố nổ lực tối đa để trong sạch hoá bộ máy chính quyền, tất cả mọi người có thể cầm súng được phải chia phiên nhau ra trận. Không có nạn con ông cháu cha.
    • Trí thức phải xuống xã ấp, phá vòng vây nông thôn bao vây thành thị.
    • Chính phủ tuyên bố tình trạng quốc gia lâm nguy, đóng cửa Trung học và Đại học.
    • Đưa người qua Mỹ diễn thuyết hầu giành hậu thuẩn dân Mỹ. Nếu cần cầu viện Tây âu.
    Sắp xếp các ý tưởng, trình bày trong một bức thư điều trần gửi quốc hội và tổng thống với đề tài “Tổ Quốc lâm nguy, đề nghị biện pháp giải cứu”. Giáng sinh 1974, tôi vào Sài-gòn, đưa thư điều trần cho bạn bè xem, song không ai hưởng ứng, vì họ đoan chắc với tôi là Mỹ sẽ không bỏ miền Nam. Sau đó tình hình Miền Nam suy sụp quá nhanh. Tuy thế lúc Việt cộng vào, đã có người muốn lập công, đưa cho chúng tài liệu, nên bị hạch hỏi. Phải làm kiểm điểm vài lần, nhận có nêu lên vấn đề, song chưa phổ biến sâu rộng. Cuối cùng muốn viết vài bài về chuyên môn mình cũng không được, vì tài liệu đã bị đốt cháy ra tro.

    Khi sang Canada, đi Mỹ chơi gặp một đồng nghiệp cũ ở Bệnh viện Đà-nẵng, nay hành nghề ở Westminster, Cali. Anh ta nói với tôi:
    • “người chống cộng có hệ thống như anh, thì lại kẹt ở lại. Còn lè phè như chúng tôi, thì lại thoát. Oái ăm thiệt!”


    Kể ra cũng tại số mình long đong, chạy trời không khỏi nắng. Tôi đã bỏ lở nhiều dịp may:

    • năm 1973, cộng đồng người Hoa ở Đà-Nẵng muốn có một nhà thương riêng cho họ, nên dạm hỏi tôi có muốn bán dưỡng đường của tôi với giá 20 triệu. Vì đang làm ăn phát đạt tôi từ chối. Nếu tôi chịu bán, tôi sẽ trích ra độ một triệu, mua thông hành cho cả gia đình, lấy cớ đi Mỹ học rồi ở lại luôn. Một bác sĩ bạn tôi đã ra đi như thế.
    • Cuối 1974, nhân có người cháu, Đại uý lái phi cơ trưc thăng, đóng ở Cần thơ, chuyển về không đoàn I. Anh ta nhờ tôi xin về xưởng sữa chữa trực thăng, vì thấy đi bay, có nhiều hiểm nguy. Nhờ quen biết tôi đã thoả mãn cho anh ta. Nhận thấy miền Nam sắp mất, tôi bảo anh ta sữa chữa thật tốt một trực thăng, đổ đầy nhiên liệu, sẵn sàng chở gia đình anh ta với gia đình tôi đi Sài gòn hoặc Thái Lan, khi Đà- Nẵng có nguy cơ mất. Hôm 27-03-75, vì quen biết với gia đình Giám đốc Hàng không Việt Nam Đà-Nẵng, chúng tôi được họ mời chia xẻ một chuyến bay chót đặc biệt dành riêng cho gia đình họ. Trong khi chờ đợi máy bay từ Sài-gòn ra, tôi đến thăm người cháu gần đó, để xin ít nước uống cho các con tôi, vì đêm qua ra đi vội vã quên mang nước theo. Vào nhà tôi thấy gia đình nó chuẩn bị lên trực thăng mà tôi đã dặn để dành cho việc tẩu thoát, nếu Đà-Nẵng mất. Nó nói:
      • “con có điện thoại lại nhà dượng, kêu dượng lên đi, nhưng không ai trả lời. Thế bây giờ dượng đi với chúng con?”
      . Tôi từ chối vì cho rằng đi máy bay tiện lợi hơn là trực thăng. Tôi trở lại với gia đình và ra ra sân bay, vì máy bay đã đáp xuống ở một chỗ hẹn trước. Nhưng chuyến bay ấy bị quân nhân phi trường tước đoạt. Cảnh súng bắn đì đoàng, người đạp lên người, chen lấn lên máy bay, làm cả hai gia đình chúng tôi đứng xa mà ngó. Cuối cùng máy bay cất cánh có cả người đeo tòn teng vào bánh xe, rụng rơi dần. Cùng lúc ấy, đạn pháo Việt cộng nổ gần đường băng chúng tôi hoảng hốt dắt díu nhau chạy. Sau nầy gặp lại ở Mỹ, nó tiếc hùi hụi là hôm đó trực thăng nó trực chỉ Sài-gòn mà không có gia đình ông dượng ân nhân, có sáng kiến hay.
    • Cơ hội chót là ngày 29-03-75 vẫn còn một bác sĩ Mỹ, môn đồ Quaker, sang Đà-Nẵng làm từ lâu, với tư cách cá nhân, và anh ta không chịu di tản, chỉ ưng ở lại làm việc truyền đạo, chia ngọt bùi với bệnh nhân khu bài lao. Máy bay từ hạm đội Mỹ không ngại hiểm nguy đáp xuống trên nóc bệnh viện Việt Đức. Hai lính Mỹ vào mời bác sĩ ấy ra đi, nhưng anh ta một mực từ chối. Khi thấy tôi đi ngang qua, anh ta kéo tôi vào và năn nỉ tôi đi theo trực thăng ra tàu hạm đội Mỹ. Nhưng lúc ấy gia đình tôi không có mặt ở đó và tôi không muốn ra đi một mình, nên cũng từ chối. Nếu ngày ấy tôi ra đi. Sang Mỹ trở lại nghề và phát đạt, sẽ có phương tiện bảo lãnh cho gia đình qua sau, chậm lắm là vài năm sau và thoát đi tù cải tạo 12 năm. Nhưng đó chỉ là nếu, thực tế thì bi thảm vô kể.




    Bác sĩ Phùng Văn Hạnh
    nguồn: hon-viet.co.uk
Hình đại diện
Vịnh Nghi
Bài viết: 1224
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 20:59

TRẠI CẢI TẠO MỘT ĐẠI TỘI ÁC CHỐNG LẠI LOÀI NGƯỜI CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN

Bài viết bởi Vịnh Nghi »

Cho Nghi gởi youtube video này vô đây. Nếu không thích hợp với chủ đề, xin BĐH dời dùm Nghi nhe.
[youtube][/youtube]
Carpe diem
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          

.:flower: .. Nghi ..

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2016 - 41 năm mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          

Để chung phần bồi đắp cho mục 30/04
HV xin mời toàn thể anh chị em nhà Nam (.. và các bạn hữu chưa ghi danh .. :giggles: ..)
góp giọng cho những bài đơn ca, hợp ca, kịch .. vv ..
thích hợp với chủ đề lính, quê hương, lịch sử ..

HV sẽ lục trong kho Karaoke và góp nhạc vào đây :pntfngrri: Karaoke
cho các bạn có thêm nhạc để chọn


          
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Người Lính Không Có Số Quân

Bài viết bởi Ngoc Han »

Người lính không có số quân
Tối đó, tôi dẫn Đại đội tới điểm đóng quân đêm, đây là ngày đầu tiên tôi nắm Đại đội, sáng nay có cuộc bàn giao ở Tiểu đoàn, người Đại đội trưởng tiền nhiệm, cũng là khóa đàn anh của tôi, có sự vụ lệnh đi học khóa quân chánh.
Ra trường được sáu tháng, từ anh Thiếu úy mới tò te ra trường, giờ đã lên nắm Đai đội, quả là thời gian hơi nhanh so với những đứa bạn cùng khóa ở các binh chủng khác như Nhẩy dù, Thủy quân lục chiến..., có lẽ họ vẫn còn đang thực tập ở Trung đội hay là Trung đội trưởng mà thôi. Tôi nắm Đại đội hơi nhanh không phải vì mình tài giỏi gì mà năm 67 khi ra trường, như bao đứa bạn khác chọn đi Bộ binh, các đơn vị rất thiếu sĩ quan, như Tiểu đoàn tôi về chẳng hạn, có Đại đội xử lý là một Chuẩn úy, gọi là xử lý cũng không đúng vì trong cấp số coi Đại đội thì tối thiểu phải là Thiếu úy, nhưng không hiểu sao vào những năm này, sĩ quan quá thiếu, bởi vậy khi vừa tới Trung đoàn, nghe tin có mấy sĩ quan Đà lạt mới ra trường là các đơn vị nhao nhao lên xin, tôi được đưa về Tiểu đoàn 4/46 thì một ông đàn anh khóa 16 đang làm Đại đội trưởng xin ngay tôi về. Ông tên Hồ Trang, khóa 16, ở miền Trung bị thuyên chuyển vào Nam vì dính dáng tới vụ Phật Giáo, ngoài đó ông đã là Tiểu đoàn phó nên vị Tiểu đoàn Trưởng cũng có hơi nể, quay quắt vì việc phải thuyên chuyển xa nhà, bị giam lon, giam chức nên ông gắt gỏng như mắm tôm, ông nghiêm khắc với mọi người nhưng rất chí tình trong việc chỉ bảo cho tôi từng ly, từng tí việc chỉ huy mà dầu sao tôi cũng còn quá mới, quân trường dậy là một chuyện, ra đây đụng với thực tế lại là một chuyện khác.
Cứ như vậy, những lần hành quân, ông cho tôi ở cạnh để học hỏi hoặc cho xuống trung đội để thưc tập, 6 tháng sau, khi thấy tôi đã tàm tàm gọi là đủ lông, đủ cánh bay solo được, ông nói với Tiểu đoàn Trưởng và bàn giao Đại Đội lại cho tôi, trước đó, ông đã thu xếp người Đại đội phó đi học để tôi coi Đ.Đ được danh chính ngôn thuận.
Nói về tối đầu tiên tôi dẫn Đ.Đ đi đóng quân đêm, thường tọa độ đóng quân đêm cùng các điểm phục kích do Tiểu đoàn chấm, tối đó đang di chuyển trên đường tôi thấy có một người đàn bà đi lẫn trong toán đại liên, tôi hỏi Thượng sĩ Hội, thường vụ đại đội, ông ta đi lính hồi tôi còn học Tiểu học:
- Ai vậy ông Hội, sao có đàn bà lẫn lộn vào đây?
- Thưa Thiếu úy, đó là vợ thằng Nở, xạ thủ đại liên, nó ở với Đại Đội lâu rồi, hồi còn Trung úy Trang, ông cũng cấm nhưng chỉ được vài ngày là nó lại lẻn xuống sống với chồng nó.
- Tôi thấy không được rồi đó ông, lỡ đêm Việt cộng tấn công thì làm sao, thằng Nở chỉ lo cho vợ nó thì còn đánh đấm gì được..
- Thiếu uý đừng lo, vợ nó phụ nó rất đắc lực, chị ta biết xử dụng đại liên, biết tiếp đạn cho chồng, rồi Thiếu úy coi, hễ rảnh là nó lại lau chùi cây đại liên nữa.
- Nhưng lỡ có chuyện gì làm sao mình báo cáo.
Hôm sau tôi gọi Nở lên trình diện:
- Sao cậu không để cho vợ cậu ở nhà mà cho đi theo Đại đội như vậy, lỡ có chuyện gì thì sao?
- Thưa Thiếu úy, con Ba nó mồ côi từ nhỏ, không có nhà, em đã đưa nó về với má em rồi nhưng má em không ưng nó, cứ kiếm chuyện với nó hoài, cho nó theo ĐĐ, thấy cũng bất tiện, em biết chứ.
Nở thực hiện lời"em biết chứ", vài ngày sau, tôi không thấy vợ Nở đi chung trong toán đại liên nữa, tôi hỏi Thượng sĩ Hội, ông ta cho biết Nở đưa vợ ra bến xe về quê mấy bữa nay rồi, tôi có hơi băn khoăn nhưng nghĩ vậy cũng phải, lỡ có chuyện gì thì làm sao, rồi má con sẽ phải hòa thuận với nhau chứ.
Một hôm, Hạ sĩ quan quân số cầm về xấp thư của ĐĐ đưa cho tôi, trước đó tôi có dặn anh ta là thỉnh thoảng phải kiểm soát thư từ của binh sĩ xem biết đâu có đứa bị móc nối. Tôi dở xấp thư ra coi thấy có một lá đề tên Nở, khi tôi coi ĐĐ thì Nở không biết chữ, sẵn dịp, tôi hỏi các Trung đội xem còn ai không biết chữ gom tất cả lại, đâu cũng được 5,6 người, tôi nói Trung sĩ Hiển, Hạ sĩ quan CTCT mua tập vở về dậy họ học,"ngày mãn khóa", tôi kêu từng người đưa tờ Chiến sĩ Cộng Hòa cho đọc, ai đọc được, tôi thưởng cho bốn ngày phép, Hạ sĩ Nở biết chữ từ ngày đó.
Có bốn ngày phép, Nở không đi đâu cả, anh ta và vợ quanh quẩn chơi ở mấy nhà quen trong xã, hết bốn ngày, Nở về lại ĐĐ.
Tôi mở lá thư của Nở ra đọc:
Long Xuyên, ngày...
Anh hai thương, em diết thơ nầy cho anh là lúc ba giờ phia, em chờ má ngủ mới dám diết cho anh, anh hai ôi, em nhớ anh quá hà, sao số kiếp cứ đài đọa tụi mình hoài, nhớ những lúc điêm tối cùng anh đi đóng quân, dầu gì vợ chồng được gần nhau cũng hơn há anh, hôm anh tiễn em ra bến xe em buồn quá, lúc xe chạy, em thấy như mất mác cái gì quí báo, em khóc ước cả mắt, em cố chìu chuộng má mà má vẫn hổng thương em, thôi để em lên quỳ xinh với ông thiếu úy để em được đi theo anh, liệu được hôn anh, diết thơ nầy xông, mơi sẽ gởi cho anh, anh hai nhớ trả lời em nghe.
Em, Ba.
Một tuần lễ sau khi đọc lá thư của Hạ sĩ Nở, buổi tối dẫn Đại Đội đi đóng quân, tôi lại thấy cái dáng nhỏ bé ấy đi chung với toán đại liên, lẫn vào hàng quân, không biết anh Hai có trả lời, trả vốn gì không hay nhớ chồng lên đại, tôi thấy chị ta cố lẩn vào đám đông, chắc sợ tôi nhìn thấy, hoặc có thể biết tôi đã thấy nhưng làm nước liều, có điều hôm nay không mặc bộ bà ba đen thường lệ mà là bộ đồ trận rộng thùng thình, đầu còn đội nón sắt, chị ta tính ngụy trang che mắt tôi, tôi cười thầm trong bụng khi thấy vợ Nở cuốn nguyên một dây đại liên quanh người, tôi mong chị ta đừng gặp tôi mà xin gì cả, chẳng thà để tôi lờ đi như không biết còn hơn là hợp thức hóa cho khó xử.
Năm 67, các Tiểu đoàn Bộ binh thường có ba Đại đội tác chiến, chia nhau vùng trách nhiệm họat động, hành quân lục soát từng ĐĐ chung quanh bộ chỉ huy TĐ, đôi khi có cuộc hành quân cấp Tiểu đoàn thường là nhẩy trực thăng và xa hơn. Ba Đại đội trưởng tác chiến đều cùng khóa 21 Đà Lạt gồm Th/U Vũ đình Hà (ĐĐ1), Th/U Lê xuân Sơn(ĐĐ2) và tôi ĐĐ3.
Một tối, Đại đội 1 bị tấn công, ĐĐ2 tối đó đóng xa, giữ con đường từ Long Thượng về Cần Giuộc, tôi nằm cách Hà(ĐĐ2) khoảng 500 thước, Tiểu đoàn mất liên lạc với Hà, kêu tôi lên tiếp cứu, chỗ Hà nằm tôi biết rõ vì đã từng đóng quân ở đây, chắc chắn là địch tấn công từ ngã rạch tấn công ra, tôi dẫn Đại đội chạy băng lên vì tình người bạn cùng khóa, tôi cho Đại đội bắn chặn nơi đầu rạch, nhưng vì không liên lạc được với Hà, tôi sợ quân ta bắn lầm quân bạn,, tôi chạy lại cây đại liên, cho chuyển hỏa lực về bên trái, dưới ánh sáng của pháo binh Cần Giuộc, tôi thấy vợ Nở nằm cạnh chồng, tay nâng dây đạn, Nở đang nghiến răng bóp cò, nhả từng loạt đạn về hướng địch.
Như tôi đã nói ở trên, dạo đó ở Long An VC chưa nhiều, chắc khoảng hai chục tên, đợi mình ơ hờ, liều lĩnh tấn công.Cũng tại nơi con rạch này, ít lâu sau, ĐĐ tôi hành quân lục soát ở đây và đụng nặng, sở dĩ đụng nặng vì địch tụ ở đâu về, ém quân trong đám dừa lá dầy đặc như vùng bất khả xâm phạm, chắc chúng tập trung ở đây, đợi đêm xuông có giao liên dẫn chúng xâm nhập Đức Hòa, Đức Huệ rồi qua Campuchia, chúng không ngờ ta lùng sục, chúng buộc phải chống trả.
Đám dừa nước cao ngất che dọc theo con rạch, hướng ĐĐ tiến vào là đồng trống, suốt vùng Long An này chỗ nào cũng vậy, bất ngờ ban đầu làm ta có ba binh sĩ bị thương và một chết, tôi xin pháo binh và Cobra lên vùng, hồi đó gọi máy bay ném bom còn là một điều mới mẻ, vũ khí xử dụng là của thời đệ nhị thế chiến, toàn là Garant, Carbin, cả Thompson nữa, ấy vậy mà cây đại liên 30 của Hạ sĩ Nở cũng có tác dụng. Nở người hơi thấp nhưng rất khỏe, một mình vác cây đại liên cả với chân ba càng, mỗi lần pháo bắn hay trực thăng phóng rocket là anh ta chạy nhào lên cho gần mục tiêu, lúc đó địch còn lo núp. Khi đã rất gần mục tiêu và có gò đất làm điểm tựa chắc chắn, cây đại liên mới phát huy được hiệu quả của nó, từng loạt đạn bắn ra làm bọn VC không ngóc đầu lên được, cộng thêm pháo và trực thăng bắn liên tục, ĐĐ chiếm được mục tiêu lúc gần tối, địch bỏ lại 6 xác và một số vũ khí. Trận đánh như thế này không đáng kể gì so với sau này khi SĐ 25 rời Long An di chuyển về vùng trách nhiêm mới là Tây Ninh, cuộc hành quân vượt biên năm 1970 cũng như ở Bình Long mùa hè đỏ lửa thì chiến trận lên tới cấp Sư đoàn, Quân đoàn.
Sáng hôm sau, Tướng Phan trọng Chinh, Tư lệnh SĐ xuống quan sát trận đánh và gắn huy chương, tôi đề nghị với TĐT thăng cho Nở lên Hạ sĩ nhất nhưng Tướng Chinh là người rất ngặt nghèo trong việc ban thưởng huy chương và thăng cấp, Nở chỉ được cái huy chương đồng, ông bảo huy chương đồng của SĐ 25 bằng huy chương vàng của các nơi khác(!)
Hai ngày sau ĐĐ còn được nghỉ dưỡng quân, tôi xuống tổ đại liên chơi, cả toán đang ngồi ăn cơm, tôi thấy vợ Nở đang mân mê cái huy chương của chồng, thấy tôi, chị có vẻ ngài ngại gật đầu chào rồi bỏ vào trong nhà, tôi nghĩ giá tôi có quyền, tôi sẽ tặng cho chị ấy một cái huy chương của buổi tối yểm trợ cho Vũ đình Hà.
Đầu năm 1968, tôi được đề cử theo học khóa Tác chiến trong rừng ở Mã Lai, tôi còn gắn bó với ĐĐ hơn một tháng nữa. Một buổi sáng, đang đứng trước cửa ĐĐ thì vợ Nở bất chợt ngang qua, chắc đi chợ về, thấy tôi, chị ta khựng lại muốn thối lui nhưng không kịp, chị ta làm bạo bước tới và khi ngang qua tôi, vợ Nở mím môi lại và dơ tay chào theo kiểu nhà binh, tôi ngạc nhiên, trong một phản xạ, tôi chào lại, chào xong, tôi mới ngẩn người ra nghĩ: sao mình lại chào nhỉ, hóa ra ĐĐ này có một nữ quân nhân ư? Có lẽ chị ta thấy mọi người trong ĐĐ chào tôi nên khi gặp, chị cũng chào để cho giống như những người kia chăng! Tôi thấy hình như bụng vợ Nở có hơi to ra. Tôi đem điều này hỏi Thượng sĩ Hội thì ông ta bảo: có vẻ như vậy Trung úy.
Tôi gọi Nở lên:
- Vợ cậu có bầu phải không?
- Dạ, thưa Trung úy.
- Vậy thì cậu phải đưa cô ta về với bà già đi chứ, bầu bì rồi đi theo ĐĐ mãi sao được, phải lo sức khỏe cho cô ta.
- Dạ, em cũng tính tháng này lãnh lương xong, Trung úy cho em cái phép để em đưa nó về gởi bà già.
- Được rồi, lúc nào muốn cứ lên đây.
Hai ngày sau, Đại Đội được lệnh đóng quân đêm và tổ chức một cuộc phục kich ở sau lưng quán Năm Ngói, một địa danh nổi tiếng về sự khuấy rối của VC nơi đây, tối đó, ĐĐ chạm địch, một tốp nhỏ bọn chúng gặp toán phục kích, hai tên bị bắn hạ, số còn lại nhập qua toán kia thì đụng phải ĐĐ, nhờ toán phục kích nổ súng trước nên ĐĐ không bị bất ngờ, địch bắn rất rát nhưng không chủ ý tấn công nên sau một hồi, chúng rút lui, hình như có chuyện gì xẩy ra ở cây đại liên vì tôi thấy nó nổ được một chập thì im bặt, tôi đảo nhanh vòng quanh tuyến phòng thủ, không có tổn thất nào, nhưng khi tới cây đại liên, tôi thấy có mấy người lố nhố, linh tính cho tôi biết có chuyện không hay, tôi hỏi giật giọng:
- Gì vậy Nở?
Không có tiếng trả lời, tôi bước vội tới, thấy Nở ôm vợ, y tá Thọ đang loay hoay băng vết thương nơi ngực chị ta, thấy tôi, Nở nghẹn ngào:
- Vợ em nó chết rồi Trung úy ơi!
Tôi ngồi xuống, chị ấy bị trúng đạn ở ngực, máu ướt đẫm cả cái áo trận, y tá Thọ đứng lên:
- Chết rồi Trung úy.
Tiếng thằng Năm trong toán đại liên:
- Súng bị kẹt đạn, thằng Nở kéo mãi đạn không lên, con Ba nó chồm dậy mở nắp cơ bẩm, em la nó nằm xuống nhưng không kịp Trung úy.
Tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ họng, từng chứng kiến nhiều cái chết nhưng lần này tôi thật xúc động. Thôi, chị Nở, từ nay chị hết cần phải tránh né tôi nữa rồi, sao tôi lại không cứng rắn hơn nữa với chị, giá tôi đừng tình cờ đọc được lá thư chị viết cho chồng, ừ, đáng lẽ tôi phải cứng rắn hơn, nhất định không cho chị đi theo ĐĐ như vậy.
Tôi báo với Thiếu tá Hải, Tiểu đoàn Trưởng về sự việc xẩy ra, ông có biết vợ chồng Nở, ông cho Sĩ quan CTCT/TĐ mua cái hòm, cấp cho Nở một cái xe Dodge để đưa vợ về quê mai táng. Tôi lấy hết tiền có thể có được, cả tiền quỹ ĐĐ đưa cho Nở, buổi trưa cuối năm, trời hơi lành lạnh, chiếc xe chở Nở và quan tài vợ đi ngang qua ĐĐ, tôi đứng nghiêm chào như một lần chị đã chào tôi, chị chết đi mà cái hòm không có phủ cờ, không được mười hai tháng lương, không cả được lên cấp chỉ vì chị là NGƯỜI LÍNH KHÔNG CÓ SỐ QUÂN.
Mười ngày sau, Nở trở lại đơn vị, trước ít ngày tôi về SG để chuẩn bị đi học, Nở đào ngũ, có lẽ Nở không chịu được cái cảnh mỗi tối vác cây đại liên tới chỗ đóng quân mà không có vợ bên cạnh.
Chị Nở thân mến, 40 năm sau ngày chị mất, hôm nay tôi ngồi viết lại chuyện này về chị, chỉ là một sự tình cờ thôi, hôm nọ tôi đọc loáng thoáng đâu đó người ta nói về những gương chiến đấu của Quân và Dân miền Nam trong công cuộc chống CS xâm lược trước đây, tôi chợt nhớ tới chị, một người không phải là quân, cũng không hoàn toàn là dân, gọi chị là gì nhỉ, chị lưng chừng ở giữa nhưng đã chiến đấu như một người lính thực thụ và đã hy sinh.
Một lý do nữa để tôi viết về chị là vì mới đây, Cộng Sản Việt Nam đã làm ầm ĩ lên câu chuyện về Đặng thùy Trâm, một nữ cán binh CS xâm nhập vào Nam và đã chết ở chiến trường Quảng Ngãi, cô Trâm này chết ở đây nhưng không ai biết nắm xương khô vùi chôn nơi đâu, một người lính Mỹ hành quân qua nơi cô chết và nhặt được cuốn nhật ký của Đặng thùy Trâm, cuốn nhật ký này, như một kỷ niệm chiến tranh của người lính, anh ta đem nó về Mỹ, mấy chục năm sau, nó mới được đưa ra ánh sáng và trao cho mẹ của Đặng thùy Trâm ở Hà Nội.
Nhà nước CSVN chụp được cơ hội này cho xuất bản cuốn nhật ký, dĩ nhiên với nhiều thêm thắt để khơi động lòng yêu nước của đám thanh niên càng ngày càng rời xa chủ nghĩa CS.. Đặng thùy Trâm là một Bác sĩ, nhưng không hiểu có được học hành tử tế để thành một Bác sĩ không, tôi đã đọc được một truyện khi ở tù ngoài Bắc là có một anh công nhân được tặng danh hiệu anh hùng lao động vì đã phục vụ 15 năm trong phòng bào chế thuốc, và vì phục vụ hăng say và lâu như vậy, anh được thăng lên làm dược sĩ vì quen với công việc bào chế, phong dược sĩ xong, anh ta mới đi học bổ túc văn hóa vì anh ta viết chữ cũng chưa gọn ghẽ mấy. Bởi vậy, tôi không biết Bác sĩ Thùy Trâm này trình độ có khá hơn y tá Thọ của Đại Đội mình năm xưa không, hay cũng như mấy bà mụ vườn ở nhà quê.
Thưa chị Nở, cả chị và cô Đặng thùy Trâm này là hai người đàn bà ở hai chiến tuyến chết trong cùng cuộc chiến, trong cùng thời gian và độ tuổi cũng gần như nhau, nhưng hai cái chết mang hai ý nghĩa khác nhau, Thùy Trâm bị bắt buộc và tự đi tìm cái chết, còn chị, chị bị chết vì người ta ở mãi đâu vô đây tìm để giết chị, chị chỉ là tự vệ, chị không hận thù ai, không ai dậy chị oán thù, không ai tuyên truyền với chị về chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ và cũng không nhân danh chủ nghĩa để chém giết người khác, chị rất đôn hậu, còn cái cô Thùy Trâm kia đã từ ngoài đó vào đây, mang trong lòng sự thù hận bởi sự tuyên truyền nhồi nhét, miền Nam này nào có cần ai phải giải phóng đâu, cho mãi nhiều năm sau này, người miền Nam vẫn khẳng định rằng họ không cần ai giải phóng cả.
Chị Nở có thấy điều buồn cười này không là trong cuốn nhật ký, Thùy Trâm viết là sao quân Mỹ Ngụy tàn ác, thích chém giết, chị Nở có thích chém giết ai không hay người ta vào đây tìm giết chị, từ ngoài đó lần mò vào tận trong này để tìm giết người ta lại còn hô hoán là sao người ta thích chém giết mình, thật kỳ lạ. Cũng trong cuốn nhật ký, Thùy Trâm than phiền là phấn đấu đã lâu nhưng chưa được kết nạp đảng, đây cũng là lý do vì sao Thùy Trâm đi B, cố gắng trong công tác để chỉ mong được đảng kết nạp, chị Nở có biết cô ta mong được kết nạp để làm gì không, thưa là để có cơ hội được làm lớn, có đảng mới được làm lớn, có làm lớn thì mới có quyền và có tiền, bây giờ cả cái nước Việt Nam này, đảng Cộng Sản thi nhau vơ vét tiền bạc của người dân, chúng giầu lắm rồi, hồi trước mỵ dân, chúng đem những người giầu có ra đấu tố, gọi họ là địa chủ, giờ thì ai đấu tố chúng? Thùy Trâm này nếu mà không chết và giả như có ô dù, giờ có thể là Bộ trưởng Y tế hay làm Giám đốc một bệnh viện nào đó thì cũng là những con giòi, con bọ đang tham gia đục khoét thân thể Việt Nam.
Cũng là cái chết nhưng chị chết trong vòng tay người chồng, có mồ yên mả đẹp, có nhang, có khói, tội cho cha mẹ cô Thùy Trâm, không biết nắm xương khô con giờ ở chỗ nào, họa chăng là cái bàn thờ với tấm hình cô ấy mà thôi.
Bốn mươi năm đã qua, bây giờ nhiều thay đổi lắm rồi chị Nở ạ, ông Thiếu úy trẻ năm xưa giờ là ông cụ già rồi, vẫn khó tính như trước và đang phiêu bạt nơi xứ người, Thượng sĩ Hội đã mất, Nở từ ngày đào ngũ tôi không gặp lại, chắc đã có vợ khác, xin được tạ lỗi cùng chị là đã không giữ được đất nước để rơi vào tay quân thù, thật không xứng đáng với sự hy sinh của chị, chúng tôi làm mất nước không phải vì hèn kém, không chiến đấu, mất nước vì bị phải mất nước.
Quên kể cho chị nghe,mấy tháng sau ngày chị mất, vũ khí được tối tân hóa, những cây Garant cổ lỗ sĩ được thay bằng súng M16, còn cây đại liên 30 nặng chình chịc chị biết đấy, thay thế bằng đại liên M60, nhẹ hơn, bắn nhanh hơn và không hay bị kẹt đạn nữa chị Nở ạ. Thôi tất cả đã qua, chúng tôi vẫn không bao giờ quên những người đã hy sinh vì mảnh đất miền Nam thân yêu, không bao giờ quên được những gương chiến đấu dũng cảm của quân và dân trong việc chống lại quân Bắc phương xâm lược, hôm nay ngồi viết lại những hàng chữ này như được thắp nén hương trang trọng cho chị, thưa chị Nở.

Trần như Xuyên
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Quốc Hận 30-4, Thương Tiếc Những Nữ Anh Thư Tử Chiến với Giặc Thù CS

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Quốc Hận 30-4, Thương Tiếc Những Nữ Anh Thư Tử Chiến với Giặc Thù CS




    Nữ Quân Nhân VNCH


    NHỮNG NGƯỜI VỢ LÍNH THỜI LỬA BINH

    Trong cuộc chiến tranh bảo quốc chống ngăn cơn sóng đỏ của cộng sản quốc tế với đạo quân tay sai tiền kích của chúng là binh đội cộng sản Bắc Việt và Việt cộng miền Nam, khuôn mặt của những người vợ lính dường như đã rất mờ nhạt đằng sau chất muối trắng đẫm đầy trên lưng áo của những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng chiến tranh càng nặng độ thì hình ảnh những người chị vô danh ấy đã dần hiện rõ trong một ánh sáng diệu kỳ, mà chúng ta chỉ có thể cúi người thật sâu xuống để tôn vinh và ngợi ca. <!->
    Ðó là những người lính không có vũ khí, không số quân, không tiền lương, không cả lương thực hành quân, nhưng là những người lính tỏa hào quang chói sáng nhất trong những hoàn cảnh nghiệt ngã thắt ngặt nhất, mà đã góp phần đem chiến thắng quyết định trên chiến trường.

    Ðó là NHỮNG NGƯỜI VỢ LÍNH, những người chị cao cả mà đã cùng chồng dấn mình trong cơn bão lửa của chiến tranh, cùng chia sẻ cái chết, có khi các chị hy sinh trước cả các anh. Những cái chết anh dũng trong âm thầm đó nào ai biết được. Không có Lá Quốc Kỳ Vàng Ba Sọc Ðỏ phủ trên chiếc quan tài được ghép thành từ những mảnh ván đơn sơ, không có chiếc huy chương Anh Dũng Bội Tinh Với Nhành Dương Liễu, không cả tiếng kèn truy điệu ai oán.

    Những người lính đóng đồn cùng vợ con của các anh cùng sống chui rúc trong những cái hầm tối tăm ngột ngạt, dưới những những cái hố nhỏ ngập đầy nước. Những người lính nghèo nàn, rách rưới và tội nghiệp co ro ôm súng gác giặc và đánh giặc trong cái lạnh xé thịt của đêm. Ăn uống thì đạm bạc đến không có gì đạm bạc hơn được nữa. Một cái nồi cơm méo mó, với vài con cá nhỏ kho trong chất nước mắm hạng bét mặn chát những muối, một dĩa rau muống ruộng hay rau đắng xơ xác, mà có thể tìm thấy mọc đầy khắp những vũng nước đọng trên những cánh dồng lầy.

    Cả gia đình người lính Ðịa Phương Quân hay Nghĩa Quân quây quần chung quanh mâm cơm đơn sơ đó chấp nhận sự thua thiệt của mình. Không than thở, không ta thán và vui lòng với niềm hạnh phúc mong manh của mình. Một năm 365 ngày, mười năm, hai mươi năm, cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến, hơn bảy ngàn đêm những người chị ấy chưa từng bao giờ biết ngủ yên giấc là gì. Chị thao thức đến nửa khuya, lắng nghe tiếng đại bác vọng ì ầm về thành phố từ phía mặt trận có anh ở đó, chị thổn thức nguyện cầu cho anh được bình yên, để anh có một ngày được về với chị và con, dù chỉ là những khoảnh khắc về phép thật quá hiếm hoi. Hay nếu chị cùng chồng trấn thủ lưu đồn, anh chiến đấu cơ cực như thế nào, anh ăn ngủ chập chờn ra sao, thì chị cũng cơ cực và chập chờn ngần ấy.

    CHỊ PHẠM THỊ THÀNG, NỮ ANH THƯ ÐẤT GÒ CÔNG

    Người vợ lính ở tiền đồn cáng đáng cùng một lúc hai công việc, mà công việc nào cũng biểu hiện hình ảnh và đức tính cao quí của người phụ nữ Việt Nam. Thứ nhất, đức tính đảm đang tận tụy của người vợ, người đàn bà Việt Nam quán xuyến chuyện gia đình, trông nom dạy dỗ con cái và nấu nướng những bữa ăn.

    Thứ hai, khi quân giặc đã thấy dẫy đầy ngoài những vòng rào kẽm gai, thì những người nữ chiến sĩ chưa từng một ngày được huấn luyện ở quân trường ấy đã chiến đấu như bất cứ người lính chuyên nghiệp nào. Chị cũng biết dùng máy truyền tin gọi Pháo Binh, chị biết sử dụng thành thạo mọi loại súng trong đồn có, chị ném lựu đạn ác liệt và chính xác, tấm thân nhỏ bé của chị oằn nặng dưới những thùng đạn tiếp tế. Và chị cũng sẵn sàng nằm gói thân thiên thu trong chiếc poncho, để tên chị vĩnh viễn đi vào lịch sử. Chúng ta có nhiều người chị như vậy lắm. Ở ngay tại đồng Giồng Ðình này thì ít nhất cũng có những chị Phạm Thị Thàng và Trần Thị Tâm.





    Ðêm 2.10.1965, với âm mưu làm xáo trộn hệ thống tiếp viện của những đơn vị diện địa trong khu vực Tiền Giang để dễ dàng thanh toán mục tiêu chính nào đó, chỉ trong một đêm Việt cộng đã tổ chức tấn công 11 vị trí của quân ta với quân số thật lớn. Ðồn Giồng Ðình thuộc tỉnh Gò Công cũng bị áp lực rất nặng của quân địch khi hứng chịu cuộc cường kích của 300 lính cộng.

    Ðây là một lực lượng chính qui Việt cộng với hỏa lực rất mạnh, chúng quyết tâm hủy diệt đồn Giồng Ðình nhỏ bé, mà chỉ có vỏn vẹn một Trung Ðội Nghĩa Quân 24 tay súng trấn giữ. Là những con ác quỷ hung tợn và thâm độc, lực lượng cộng quân đã bố trí ở hướng có nhiều nhà dân chúng, vừa làm bia đỡ đạn cho chúng, vừa ngoác miệng tuyên truyền gây căm thù nếu quân ta bắn trả. Người dân, nhất là những ông bà lão già, đàn bà và trẻ con luôn luôn là những cái bia sống đỡ đạn cho bọn giặc hèn nhát gọi là những người “giải phóng”. Với quân số ấy, vũ khí hùng hậu ấy mà chúng cũng ngán ngại 24 chiến sĩ Nghĩa Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đến nỗi phải cậy nhờ đến máu thịt của đồng bào để có cơ may thủ thắng, thì còn từ ngữ nào, hình dung từ tồi tệ nhất nào để diễn tả bộ mặt cùng hung cực ác rất đốn mạt của cộng sản nữa không.

    Ðúng 2 giờ đêm, quân cộng dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thượng Úy Sáu Bích, đã mở cuộc tấn công từ hai mặt đánh vào Giồng Ðình, với sự tin tưởng điên rồ, rằng chúng sẽ thanh toán cái tiền đồn nhỏ xíu này trong một thời gian ngắn. Chiến thắng dường như là chắc chắn, vì với quân số mười lần hơn, mười đè một, dẫu chúng có thí chín tên thì cũng có thể hạ gục được một chiến sĩ Nghĩa Quân Giồng Ðình.

    Trên lý thuyết, thì giả thiết đó dường như đúng. Nhưng trên trận địa, người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa luôn luôn thể hiện những chuyện phi thường, mà rất hằng hiện hữu trên bất kỳ chiến trường nào, quả thật cộng quân đã chọn lầm mục tiêu. Sau ba đợt tấn công hung bạo, tưởng gạch đá cũng phải nát thành tro, đã chiếm được 2 trong số 3 lô cốt trong đồn, cộng quân vẫn phải rút trở ra. Cuộc tấn công lần thứ tư được hối hả tổ chức và thực hiện, với quyết tâm san bằng Giồng Ðình. Nhưng liệu 24 chiến sĩ Nghĩa Quân có cho phép điều đó không. Câu trả lời là không, không chỉ đến từ ý chí hừng hực tử thủ của các anh, mà còn là từ đôi bàn tay yếu mềm của những người vợ lính đang sống cùng với chồng con của các chị trong đồn. Phải, cuộc chiến thắng cuối cùng của Nghĩa Quân đồn Giồng Ðình sẽ không thể thực hiện được, nếu không có sự góp sức chiến đấu của những người chị này. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Không phải chỉ những người chị dũng cảm ấy không thôi, mà cả trẻ con cũng đánh.

    Ðồn Giồng Ðình nằm ở một vùng thôn ấp hẻo lánh trong tỉnh Gò Công, do một Trung Ðội Nghĩa Quân trấn giữ, với thành phần chỉ huy gồm có anh Nguyễn Văn Thi, Ðồn Trưởng, anh Lê Văn Hùng, Ðồn Phó và anh Lê Văn Mẫn, âm thoại viên. Trấn thủ một vị trí hung hiểm như vậy, không chỉ có 24 tay súng mà đã đủ, nên tất cả những người vợ lính trong đồn đều đã được chồng huấn luyện sử dụng thành thạo những loại máy móc truyền tin và vũ khí. Như vậy số tay súng đã được nhân lên gấp đôi.

    Trong nhiều trường hợp, đến những giây phút tử sinh tuyệt vọng nhất, những em bé cũng tham chiến, khi các em gan dạ bò dưới lưới đạn của giặc để đem tiếp tế đến cho cha và mẹ. Không ai buộc những người vợ lính, con lính cầm súng đánh địch. Nhưng chính những người vợ lính, con lính ấy làm sao có thể ẩn náu tìm cái sống trong khi chồng và cha của họ sắp ngã gục ngoài chiến hào.

    Khi chấm dứt đợt tấn công thứ ba, địch tạm rút để tái tổ chức tấn công, thì tình trạng bên trong đồn Giồng Ðình đã khá là bi đát. Ðã có đến 16 chiến sĩ Nghĩa Quân bị thương, chỉ còn 8 Nghĩa Quân còn chiến đấu được. Âm thoại viên Lê Văn Mẫn bị thương ở đầu trong lúc anh đang cố gắng gọi máy về Tiểu Khu.

    Anh Mẫn gục xuống buông chiếc ống liên hợp. Chị Trần Thị Tâm, vợ anh Mẫn vội đặt con bên cạnh anh và chộp lấy ống liên hợp. Liên lạc được tiếp nối, chị Tâm nghiễm nhiên trở thành một âm thoại viên, và là cứu tinh của đồn Giồng Ðình. Ở một góc đồn, anh Lê Văn Hùng và chị Phạm Thị Thàng, vợ anh, và hai đứa con nhỏ đang phải đối đầu với một lực lượng quá đông của địch.

    Nhìn ra ngoài hàng rào kẽm gai, giặc đã đã tràn vào đen ngòm như những con quái vật hung hãn. Anh Hùng chỉ còn trong tay cây tiểu liên Thompson và 16 trái lựu đạn, chị Thàng có một khẩu Carbine. Thật tội nghiệp cho hai đứa nhỏ, sức ép của bộc phá và súng SKZ của Việt cộng bắn vào quá gần, các em không còn khóc được nữa mà đã nằm bất động dưới chân hai vợ chồng anh Hùng. Chị Thàng thì thào:

    • - Chúng đang phá lô cốt chánh, để em bắn yểm trợ anh bò về giữ. Lô cốt mất là đồn mình mất, em nằm tại đây giữ mấy đứa nhỏ, nếu chúng tràn vào thì... thì... em ném lựu đạn ra, có thể cầm cự đến sáng được.


    Anh Hùng ngần ngừ, anh rưng rưng nhìn vợ con, rồi nhìn về phía lô cốt. Tiếng súng từ lô cốt cuối cùng đã yếu ớt lắm, có lẽ mấy Nghĩa Quân cố thủ ở đó đã kiệt quệ quá rồi. Số phận của anh Thi Ðồn Trưởng thế nào. Anh Hùng lắc đầu không dám nghĩ đến chuyện xấu nhất đã xảy ra cho đồng đội. Nhưng nếu Việt cộng chiếm được lô cốt ấy, thì coi như đánh dấu chấm hết cuộc kháng cự. Anh Hùng phải quyết định, dù quyết định đó quá đau xót, là bỏ lại vợ con, mà trong lúc quân giặc đã hò hét ngay sát bên rồi:

    • - Anh chạy theo giao thông hào, em bắn yểm trợ cho anh.


    Anh Hùng nhìn chị Thàng và hai đứa nhỏ lần cuối cùng. Trong lòng anh quặn lên một nỗi bi thương. Trời ơi, vợ con mình. Hai đứa nhỏ chẳng biết còn sống hay đã chết. Anh phóng mình xuống hào chạy băng băng về hướng lô cốt. Cây Carbine trên tay chị Thàng run lên, những tràng đạn rải vào những cái bóng đen đã quá gần. Anh Hùng đã bò vào được lô cốt, giữa những tiếng đạn nổ rền trời. May quá, anh Thi trưởng đồn vẫn nguyên vẹn. Súng SKZ của địch thụt ầm ầm, nhưng anh Hùng vẫn có thể nghe được từng tiếng lựu đạn nổ từ phía công sự của chị Thàng.

    Nước mắt anh rơi lả chả trên nền đất. Anh đã đếm được đến con số 15, mà tiếng súng của địch vẫn nỗ dòn dã ngay sát tuyến phòng thủ của chị Thàng. Anh biết giây phút định mệnh thảm thiết nhất cũng đã điểm. Chị Thàng sẽ làm gì với quả lựu đạn thứ 16. Anh Hùng đau đớn rên lên trong lòng : “Chỉ còn một trái lựu đạn nữa thôi, làm sao em cầm cự được đến sáng”. Chính anh cũng không có được một giây để nghĩ tiếp cái gì sẽ xảy đến cho vợ con mình, vì dưới chân lô cốt anh tử thủ đã đông nghẹt quân giặc. Ðủ mọi thứ loại súng nỗ chát chúa khắp đồn, anh Hùng không biết chắc là mình đã nghe được tiếng nổ của trái lựu đạn thứ 16 chưa.

    Cuộc chiến đấu đã kéo dài được một tiếng đồng hồ, quân địch đã phá được lớp kẽm gai cuối cùng và sắp tràn ngập đồn Giồng Ðình. Lúc đó là 3 giờ sáng rạng ngày 2.10.1965. Tình hình đã quá nguy ngập. Anh Nguyễn Văn Thi, Ðồn Trưởng, quyết định thà hy sinh còn hơn là để đồn lọt vào tay địch. Anh giật lấy ống liên hợp từ tay chị Tâm và thét lớn:

    • - Hãy bắn lên đầu chúng tôi ! Bắn vào giữa đồn... Hai lô cốt thứ nhứt và thứ hai đã thất thủ. Tụi tui ở lô cốt thứ ba. Hãy bắn lên trên đầu chúng tôi, Việt cộng đông lắm. Bắn đi... bắn....


    Sau tiếng gọi thống thiết của người Ðồn Trưởng, Pháo Binh Tiểu Khu Gò Công lập tức bắn vào đồn với loại đầu nổ cao. Loại đạn đặc biệt này nổ khi cách mặt đất chừng 4, 5 thước, rất hữu hiệu tiêu diệt biển người địch, quân ta núp trong lô cốt vẫn có hy vọng sống sót. Những cái bóng đen nhập nhoạng dưới ánh sáng hỏa châu văng tung tóe, tiếng kêu dẫy chết của chúng như tiếng rú của quỷ. Hàng tràng đạn nổ cao vẫn dội ùng oàng xuống đồn. Chiếc lô cốt cuối cùng vẫn đứng vững, anh Thi cùng anh Hùng từ trong những lổ châu mai bắn tỉa từng tên địch. Giữa tiếng súng nổ dòn, dường như người ta nghe âm thanh rì rì của máy bay. Không Quân Việt Nam đã tới. Những chiếc A1 khu trục cơ đã xuất kích. Ðến đây thì Thượng Úy Sáu Bích, tên chỉ huy trận đánh đã có thể nhận thấy rằng, cuộc tấn công đồn Giồng Ðình đã đánh dấu chấm hết, với phần thắng nghiêng về phía Nghĩa Quân Việt Nam Cộng Hòa. Lúc 4 giờ 30 sáng, chiến địa hoàn toàn im tiếng súng. Quân địch đã kéo những xác chết và những tên bị thương chạy trốn vào phía bóng tối.

    Khi ánh hừng đông của một ngày mới đã lên, hai Ðại Ðội Ðịa Phương Quân do chính Trung Tá Tiểu Khu Trưởng Gò Công chỉ huy đã đến và tổ chức bung quân ra lục soát. Quân cộng đã để lại trận địa 23 xác chết, ở giữa đồn có 6 xác khác nằm bên cạnh lô cốt thứ ba, nơi mà anh Ðồn Trưởng Thi, Ðồn Phó Hùng và chị Tâm giữ máy truyền tin đã kháng cự mãnh liệt, thà chết không hàng. Những tên Việt cộng này mang trên mình rất nhiều lựu đạn và bộc phá, chắc là chúng quyết thí mạng để phá cho bằng được ổ kháng cự cuối cùng này.

    Anh Thi và anh Hùng đã bắn địch theo lối xâu chéo, nghĩa là bắn chéo góc với nhau tạo thành một xạ trường quét gọn tất cả những tên cộng nào nằm trong đó. Ngày hôm sau, một người thường dân bị Việt cộng bắt đi tải thương lén trốn về được đã cho biết số bị thương của chúng chở đầy sáu chiếc ghe tam bản. Một lính cộng may mắn bị thương tên Dương Văn Thiều, 18 tuổi, sống sót và bị bắt làm tù binh. Tại sao may mắn ? Vì nếu anh ta bị kéo đi theo vào bưng biền, nếu không bị chết vì nhiễm trùng, bị những quân y sĩ Việt cộng cưa cắt bằng những loại cưa và đục của thợ mộc, thì cũng bị cấp chỉ huy ra lệnh mang anh đi thủ tiêu. Ðó là lý do giải thích tại sao sau ngày 30.4.1975, người dân Miền Nam hiếm thấy người thương phế binh cộng sản trên đường phố.

    Nhưng đối với anh Hùng, thì tất cả những gì mà Viêt cộng đã trả giá cho cuộc tấn công không làm anh quan tâm. Ngay khi tiếng súng vừa chấm dứt., quân cộng đã rút đi, thì anh đã như một người điên lao mình ra chỗ chiến hào mà chị Thàng đã một mình một súng trấn giữ ở đó, với một niềm hy vọng mỏng manh, rằng đừng bao giờ trái lựu đạn thứ 16 được rút chốt. Anh Hùng bò vào khúc hào mà anh đã nuốt nước mắt chạy đi. Chị Thàng cùng hai đứa con của anh nằm chết bên cạnh ba xác Việt cộng. Anh Hùng gục xuống như thân cây chuối bị một nhát dao bén chém ngọt làm đôi. Anh biết, nếu trái lựu đạn thứ 16 nổ thì chị Thàng cũng đi vào cõi chết, vì chị Thàng sẽ không bao giờ cho phép giặc bắt chị hoặc đạn của chúng bắn vào người chị. Chị Thàng đã chọn một cái chết thật dũng cảm và cao cả. Ôm hai đứa con vào lòng, chị Thàng bình tĩnh chờ cho những tên Việt cộng nhào vào, chị rút chốt.

    Tiếng nổ kinh thiên cùng với xác thịt và máu của người nữ chiến sĩ đó đã được đánh đổi với ba mạng giặc. Anh Hùng ôm xác vợ con vào lòng và gần như ngất xỉu. Nhưng khi nhìn ra ngoài, những xác giặc thù nằm ngỗn ngang khắp nơi, trong nỗi đau khổ tột cùng của mình, anh Hùng thấy trong lòng dậy lên một niềm tự hào đến nghẹn ngào. Sự hy sinh của chị Thàng đã cứu sống được tất cả những thương binh Nghĩa Quân cùng vợ con các anh, nhưng trên hết cứu sống chính sinh mạng của người chồng mà chị yêu mến. Những viên đạn Carbine và 15 trái lựu đạn của chị đã đóng góp vào sự tồn tại kỳ diệu của đồn Giồng Ðình. Một người lính chuyên nghiệp và thiện chiến nhất cũng chỉ làm được đến ngần ấy. Nếu cái lô cốt thứ ba không đứng vững, thì chắc chắn tất cả sinh mạng mấy mươi người Nghĩa Quân và vợ con của đồng Giồng Ðình đều sẽ chết hết.

    Anh Hùng ẳm chị Thàng ra ngoài, để trông thấy những người còn sống, những người vợ lính khác đã gục đầu khóc tiếc thương chị Thàng. Những nấm mộ đất được đắp vội với ba tấm bia tang tóc. Một của chị Phạm Thị Thàng, và hai kia của cháu Lê Văn Dũng và Lê Tấn Sỹ. Ôi, những người vợ của lính trong thời lửa binh. Chị Phạm Thị Thàng, chị Trần Thị Tâm, và nhiều người chị khác trên khắp nẽo chiến trường, chị Thạch Thị Ðịnh, chị Bùi Thị Xiếu, chị Am Reng. Người lính của chúng ta, những công dân xếp hạng chót nhất trong bậc thang xã hội, nhưng là những người hứng chịu oan nghiệt trước nhất, là bức tường chắn cho sự an toàn của hậu phương phồn thịnh và hạnh phúc. Trong đời của các anh không có được một thứ ưu tiên vật chất nào cả, ngoài cái ưu tiên phải hy sinh và chết. Có những người lính từ Miền Tây ra tận miền hỏa tuyến hay trên vùng cao nguyên sương mù Miền Trung, nhiều năm liền không có lấy được một ngày phép về thăm gia đình. Nếu anh may mắn, thật đau xót, quân thù bắn anh bị thương, thì anh mới có cái diễm phúc được nắm trong tay tờ giấy phép. Còn nếu sự gọi là may mắn đó đi xa hơn một bước, anh chết, thì anh được phép dài hạn trở về và vĩnh viễn được an nghỉ ở nơi đã sinh ra anh. Ðầu năm 1972, trong một trận đánh của Sư Ðoàn 3 Bộ Binh tại khu vực Cồn Tiên nằm sát phía Nam khu phi quân sự bên này bờ sông Bến Hải, một tiểu đoàn sau nhiều ngày cố gắng đã không thể chiếm được một cao điểm. Vị Tiểu Ðoàn Trưởng gọi bốn người lính gốc Miền Tây lên hứa sẽ cấp mỗi anh mười ngày phép nếu các anh chiếm được ngọn đồi ấy. Bốn người tráng sĩ Kinh Kha đã nai nịt tề chỉnh, mang thật nhiều lựu đạn bò lên, mỗi người cầm một cây gậy ngắn dò đường. Ðêm tối như mực. Hễ chọt trúng cái lổ nào là thảy lựu đạn vô cái lổ đó, vì ở đó chính là cái miệng hầm chốt của địch. Ðến sáng, bốn người dũng tướng vô danh đó đã reo hò trương Cờ Vàng Việt Nam trên đỉnh cao điểm. Ôi, những ngày phép đã trở thành một ân huệ chứ không phải là một quyền lợi đương nhiên của những người lính trận.

    Người vợ lính cùng chia sẻ với chồng những nỗi đắng cay thiệt thòi đó, bằng tất cả sự câm nín nhẫn nhục và vui lòng với những gì mình có. Một góc hầm tối tăm, một chiếc ghế bố cũ, vài cái nồi, chảo nhem nhuốc, những cái chén sành và những đôi đũa tre, cùng tiếng cười của lũ trẻ thơ cũng đủ làm nên thành niềm hạnh phúc vĩ đại của những người vợ lính. Chị Thàng đã chết đi, anh linh của chị cùng hai cháu bé đã thăng thiên lên cõi vĩnh hằng, nhưng những người còn sống cùng thời với chị, cho mãi đến tận bây giờ và ngàn đời sau, dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên tên chị. NGƯỜI CHỊ CAO CẢ PHẠM THỊ THÀNG. Vì tên chị đã được trân trọng ghi chép vào những trang bi tráng nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam chống cộng sản quốc tế và Hà Nội, một lũ hung đồ diệt chủng, diệt dân tộc gớm ghiếc nhất của thế kỷ thứ 20 và của lịch sử hình thành nhân con người.

    AMRENG, NGƯỜI NỮ CHIẾN SĨ CAO NGUYÊN

    Quân cộng sản hành quân trên vùng cao nguyên thường khinh rẻ và húng hiếp các sắc dân Thượng rất thậm tệ. Chúng bắt trai tráng đi dân công, thậm chí cho bổ sung vào những đơn vị Thượng cộng, người làng thì bị ép buộc đóng góp lương thực, lúa gạo. Chúng dùng muối, là thứ tối cần của người dân miền cao, để đổi chác một cách rất bất lợi cho người Thượng. Người Thượng sống vất vả quanh năm, chỉ trông cậy vào những mảnh đất rừng khai phá để trồng trọt chút hoa màu hay trồng lúa rẫy, không đói đã là may lắm rồi, có còn đâu dư dả để cung phụng cho bọn phỉ cộng. Có nhiều trường hợp cả làng trong rừng sâu chịu không nỗi cảnh áp bức, giết chóc, đã kéo nhau ra quận hay tỉnh để xin nương náu với người Kinh.

    Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã lập Bộ Phát Triễn Sắc Tộc để giải quyết những vấn đề của người thiểu số. Hàng trăm trại tiếp cư tị nạn cộng sản đã được thiết lập để đón tiếp đồng bào Thượng và giúp đỡ đồng bào tạo dựng cuộc sống mới. Ðất canh tác được cấp phát vô điều kiện cho đồng bào Thượng tị nạn cộng sản. Thông thường thì mỗi gia đình thiên tai hay tị nạn đều được cấp phát 10 bao xi măng và 20 tấm tôn để cất lại một căn nhà nhỏ. Một nước nhỏ, nghèo là Việt Nam Cộng Hòa, quanh năm chiến tranh, ngân khoản thiếu thốn, mà đã cắn răng gồng gánh giúp đỡ hàng triệu người đồng bào bất hạnh của mình. Không phải “Lá lành đùm lá rách nữa”, mà là “Lá rách đùm lá nát”. Ðã vậy mà thôi đâu, những làng định cư nhỏ bé và nghèo nàn ấy vừa được dựng lên chưa được bao lâu, thì Việt cộng đã tràn về đốt phá tan hoang. Những chiếc lá rách nát lại cắn răng san sẻ cho nhau những gì mình có. Dưới mắt cộng sản, thì những người dân chạy về phía chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hòa xin được che chở và giúp đỡ, đều mang cái tội tày trời là “dân ngụy”, là “phản động”, dù có bắn bỏ hay đốt cháy nhà cửa của họ cũng là chuyện trừng phạt đương nhiên của điều mà chúng gọi là cuộc “cách mạng giải phóng”.

    Với bản chất là một lũ cướp chuyên nghiệp và man rợ, cộng sản Hà Nội hiện nay không bao giờ từ bỏ cơ hội chiếm đoạt đất khẩn hoang của người Thượng. Chúng chờ cho các sắc tộc Thượng khai phá rừng tạo dựng nên thành những vùng sinh sống màu mỡ trên những tỉnh cao nguyên, là chúng kiếm chuyện cứớp đoạt một cách trắng trợn ngay, nại lý do đất đai thuộc về quyền quản lý của nhà nước, người dân không có quyền sỡ hữu. Mặt khác, chúng áp dụng hình thái thực dân, cho di chuyển dân Kinh gốc Miền Bắc vào ở trên đất mà người Thượng đã sinh sống từ ngàn năm, lấn dần, lấn dần, người Thượng kém thế phải lùi mãi vào tận rừng sâu,ở chỗ chỉ có nước độc, bệnh hoạn và đói kém. Ðã thế mà cộng sản nào chịu buông tha, chúng vẫn cứ cho phép những người gọi là di dân tràn vào như vết dầu loang, để đồng bào Thượng chịu không nỗi phải chạy qua đất Miên xin tị nạn. Ðây là một tiến trình có chủ mưu, có sách lược để tiêu diệt dần mòn dân Thượng. Chúng ta có thể thấy ngay rằng, những người di dân Miền Bắc đã không biết rằng mình đang được rải ra làm phên dậu phòng thủ dọc theo dãy biên thùy Trường Sơn, án ngữ con đường đổ xuống đồng bằng duyên hải, nếu có một đạo quân đánh sang từ đất Lào và Miên. Cũng tốt, cái phên dậu đó giống như con dao hai lưỡi, rồi cũng có một ngày những đồng bào di dân nghèo Miền Bắc đó sẽ trở thành một lực lượng mạnh có khả năng thọc sâu mũi dao vào tận tim của bọn cộng sản để tiễn chúng xuống tận đáy địa ngục.

    Tức nước thì có lúc cũng phải vỡ bờ. Ngày 12.4.2004, nhiều chục ngàn dân Thượng của các sắc tộc sinh sống trong những tỉnh Kontum, Pleiku, Darlac, Phước Long, Bình Long đã kéo vào những thành phố tỉnh lỵ để hình thành một cuộc phản kháng bất bạo động, phản đối cộng sản Hà Nội đàn áp đức tin đạo Tin Lành, chiếm đoạt đất đai và quyền sống căn bản của người Thượng. Dưới mắt cộng sản, dù chỉ là một biểu hiện phản đối nhỏ cũng đã được gán cho cái tội phản động, tội chết, chứ đừng nói gì đến những cuộc tập trung đông đảo như vậy. Hàng sư đoàn bộ binh của cộng sản đã được điều động lên phối hợp với công an đàn áp dã man cuộc tập trung. Hàng trăm đồng bào Thượng đã bị bắn chết, những người bị thương bị đem vào cô lập trong bệnh viện nhà nước, không ai có thể vào thăm viếng, kể cả những phóng viên và những nhà ngoại giao nước ngoài.

    Ngày đầu xuân Tân Hợi 1971, trên miền cao nguyên của Quân Khu II, trong chiến dịch quân sự mà cộng sản gọi là Cao Ðiểm Tân Hợi nhằm quấy phá những tỉnh biên thùy đã không thực hiện được. Có thể bởi hậu quả của những cuộc hành quân Tây chinh vượt biên Cửu Long của Quân Ðoàn IV, Toàn Thắng của Quân Ðoàn III và Bình Tây của Quân Ðoàn II trong năm 1970 đã gây tổn thất nặng ở những kho tiếp tế hậu cần của cộng sản, nên chúng khó thể đủ sức mở được những mặt trận lớn như mong muốn. Ðêm 31.1.1971, lúc 3 giờ sáng, một lực lượng cộng quân tấn công vị trí của Ðại Ðội 838 Ðịa Phương Quân tại làng Plei Kênh Săn thuộc tỉnh Pleiku..

    Cuộc tấn công đã rất sớm bị thảm bại vì quân địch đã không thể ngờ rằng, có những người vợ lính cũng đã chiến đấu dũng mãnh như thế nào. Ðại Ðội 838 Ðịa Phương Quân đa số chiến sĩ là người dân tộc Thượng, là những chiến sĩ sinh ra và lớn lên ở giữa núi rừng cao nguyên, đã hun đúc các anh trở thành những con người cứng rắn như những tảng đá khổng lồ trên triền dãy Trường Sơn. Người Thượng quen sống kiếp du mục du canh, nên khi người lính Thượng Ðịa Phương Quân đóng đồn ở đâu thì vợ con của các anh cũng đi theo và nhanh chóng thích ứng với môi trường cùng cuộc sống mới ở nơi đó. Tuy là phụ nữ, nhưng những người đàn bà Tây nguyên dẻo dai không kém gì người đàn ông Thượng. Vai mang gùi nặng trên lưng, chân trần chai sạn vì đá cứng và gai nhọn của núi rừng, cùng hoàn cảnh sinh tồn khắc nghiệt, bất cứ một người phụ nữ Thượng nào cũng đã được thiên nhiên rèn luyện nên thành một mẫu người khỏe mạnh, rắn rỏi, nhưng vẫn giữ được những dường nét mềm mại tràn đầy mạch sống. Cho nên khi cuộc chiến đấu nổ ra, thì những người đàn bà đó đã rất nhanh chóng trở thành những người nữ binh hăng hái cầm súng đánh địch. Một trong những người chị đó là chị Ksor Amreng, vợ của Binh Nhứt Kpa Dan.

    Anh chị Dan và Amreng đều là người sắc tộc Djarai, sinh quán ở quận Phú Túc, tỉnh Phú Bổn. Từ sau khi thành hôn, anh Dan nhập ngũ, thì chị Amreng cũng đã theo chồng lên sinh sống trong những tiền đồn hẻo lánh ở biên giới trong quận Phú Nhơn, tỉnh Pleiku, những địa danh thật xa lạ với chị : Queng Mep, Plei Kênh Săn. Khi quân cộng sản Bắc Việt nổ súng tấn công Plei Kênh Săn, chị Amreng đã vững vàng trong tư thế phụ xạ thủ đại liên cho chồng. Khẩu đại liên M60 nằm phía sau những lổ châu mai nhỏ đã bị giới hạn rất nhiều khu vực tác xạ, anh Dan quyết định dời khẩu đại liên sang một vị trí khác có xạ trường rộng lớn và bao quát hơn. Trong lúc chị Amreng chạy đi chạy lại để khiêng những thùng đạn đại liên sang vị trí mới, thì có ba tên Ðặc Công Việt cộng đã nhào vào đánh cận chiến cới anh Dan. Anh Dan thật dũng cảm, như một con beo ở rừng xanh, bằng tay không anh đã vật lộn với chúng mà không nao núng. Chị Amreng vừa vác một thùng đạn đến, quát bảo anh Dan tránh ra xa. Hiểu ý vợ, anh Dan lăn một vòng, một trái lựu đạn M26 từ trong tay chị Amreng được ném tới. Ba tên Ðặc Công chưa kịp phản ứng, thì một tiếng nổ chát chúa đã đốn gục chúng xuống ngay bên cạnh đường giao thông hào. Khẩu đại liên M60 trong tay đôi vợ chồng Dan và Amreng đã bắt đầu nổ dòn dã ngăn chận tất cả những cuộc tấn công biển người của địch vào đồn. Anh Dan đang say mùi thuốc súng, anh đã không để ý nhiều tên Ðặc Công khác đã bò vào gần khẩu đại liên để mở cuộc cận chiến lần nữa.

    Nhưng chúng không biết rằng người nữ binh vóc dáng nhỏ bé với khuôn mặt hiền lành như một em bé đã rất cảnh giác. Ba trái lựu đạn M26 đã được chị quăng ra rất chính xác vào những cái bóng đen đang bò lổn nhổn. Giữa tiếng súng nổ ầm ầm, chị Amreng đã có thể nghe thấy tiếng kêu gào thảm thiết của những lính địch trúng phải lựu đạn của chị. Ðến lúc này thì anh Kpa Dan chợt nhận ra rằng mình đã bị thương, chị Amreng lập tức trở thành xạ thủ chính, anh Dan lùi qua một bên làm xạ thủ phụ cho chị. Hào hùng không kém gì những đấng nam nhi, người nữ chiến sĩ ấy đã cùng với khẩu M60 đốn ngã hàng loạt cuộc tấn công của giặc. Sinh mạng của cái đồn nhỏ Plei Kênh Săn phần lớn trông cậy vào khẩu đại liên. Nói một cách chính xác, toàn tiền đồn cậy nhờ vào đôi bàn tay nhỏ nhắn của một cô gái mà ngày thường rất hiền hòa và ít nói này.

    Khi ánh bình minh lên, giặc chấp nhận thua cuộc và đã rút đi, chiến trường đã hoàn toàn im tiếng súng, lũ chim rừng sau một đêm kinh hoàng đã ríu rít hát ca trên cành lá đón chào một ngày mới. Tin chiến thắng của Plei Kênh Săn đã bay về đến Pleiku và cái tên Ksor Amreng thật dịu dàng và thật đẹp ấy đã được người dân thành phố gọi là buồn muôn thuở này nhắc nhở nhiều. Kinh lẫn Thượng, đồng bào Pleiku đã chung góp gửi đến chị Amreng và Ðại Ðội 838 Ðịa Phương Quân nhiều tặng phẩm và tiền thưởng. Thiếu Tướng Ngô Dzu, Tư Lệnh Quân Ðoàn II & Quân Khu II đã đích thân bay trực thăng đến Plei Kênh Săn trân trọng trao gắn cho người lính không số quân Amreng chiếc huy chương cao quí Anh Dũng Bội Tinh, một vinh dự hiếm có dành cho một người dân sự .

    Tấm gương chiến đấu của chị Ksor Amreng là một trong nhiều tấm gương thầm lặng còn chưa được biết của những người chị trên cao nguyên trong cuộc chiến tranh bảo quốc bi tráng của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, những thế hệ đi sau anh chị Dan và Amreng sẽ mãi nhớ rằng, dòng máu kiên cường uy vũ bất năng khuất mà anh chị cùng những chiến sĩ Thượng từng một thời thể hiện dưới lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Quân Kỳ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là một niềm kiêu hãnh sáng chói mà họ, những đồng bào Thượng đang bị kềm kẹp oan khuất dưới bàn tay sắt máu của cộng sản Bắc Việt, cũng sẽ có ngày vùng lên ném những quả lựu đạn và bắn những tràng đại liên vào giữa mặt bọn chúng, để hủy diệt chúng, bọn vô dân tộc vô thần đó, và cho chúng biết lòng quật khởi phi thường của người Nước Nam.


    Phạm Phong Dinh





    Nguồn:nguyenkhapnoi.com

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Bãi biển Non Nước: Một kết thúc tức tưởi, oan nghiệt

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Bãi biển Non Nước: Một kết thúc tức tưởi, oan nghiệt


    Khoảng giữa tháng 3 năm 1975 Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) với các Tiểu Đoàn 2, Tiểu Đoàn 6 và Tiểu Đoàn 9 di chuyển đến Thường Đức, Đà Nẵng để thay thế các đơn vị Nhảy Dù. Cổ Thành và các vị trí đóng quân ở phía Tây Quốc Lộ 1 bàn giao lại cho Biệt Động Quân và các Tiểu Đoàn Địa Phương Quân trấn giữ.



    Nhìn đoàn quân xa chuyển quân cùng các đơn vị Truyền Tin, Pháo Binh nối đuôi nhau theo Quốc Lộ 1 (QL1 ) xuôi Nam người dân Quảng Trị đã thảng thốt kêu lên: Thủy Quân Lục Chiến rút khỏi Quảng Trị rồi! Đường từ thị xã Huế đến chân đèo Hải Vân đông nghẹt xe cộ. Những chiếc xe đò chất đầy khách trong xe, đồ đạc cao ngất ngưởng trên mui, đang hối hả, chen chúc, chờ qua đèo.



    Đại đội của tôi được lệnh sẽ thay thế vị trí đóng quân của đại đội Nhảy Dù đang trấn đóng ở cao điểm 1062.



    Đoàn xe đưa chúng tôi đến điểm đổ quân ngay trên con đường ủi sát chân núi chạy dài theo hướng Tây Nam mà từ xa đã nhìn thấy. Từ đó chúng tôi sẽ di chuyển theo con đường này cho đến khi gặp đơn vị Dù. Báo cáo xuống xe, bố trí, chờ lệnh di chuyển, thì ngay tức khắc địch quân đã chào đón bằng những tràng thượng liên dòn dã cùng những quả súng cối rải rác rất gần. Bám theo từng mô đá, bụi cây sát chân núi, đại đội di chuyển thật chậm, nắng chiều đã tắt, địch ngưng bắn, chúng tôi đến được điểm đóng quân thì trời đã tối.

    Tôi cho đại đội bố trí dọc theo đường tiến quân, vào gặp đại đội trưởng để nhận vị trí bàn giao. Đại đội trưởng Đại Đội 2 Tiểu Đoàn 6 Dù là một niên trưởng khóa 22 VKTĐ. Thật nhanh, anh cho tôi biết đã chuẩn bị sẵn những liên lạc viên của 15 vị trí để thay thế cùng những cao điểm trọng yếu đã được đánh dấu trên bản đồ. Anh nói: “Tôi biết quân số đại đội của bạn dư sức để trám tuyến đại đội của tôi và anh cũng cho biết thêm với kinh nghiệm hoán đổi nhau nhiều lần ở đây, địch quân lúc nào cũng sẵn sàng rình rập tìm cơ hội phản công, đặc biệt là những lần đổi quân.”

    Các trung đội, từng toán lần lượt theo liên lạc viên đến vị trí bàn giao với lời dặn : việc trước tiên là phải báo động tại vị trí tác chiến, không được làm gì khác, quan sát động tĩnh, canh gác cẩn thận đề phòng địch tấn công bất ngờ. Một cao điểm vô cùng quan trọng ở xa, là nơi địch luôn quấy phá, được tăng cường gấp đôi quân số (14 người ) có máy truyền tin được giao cho trung sĩ Điểu, một hạ sĩ quan dày dạn kinh nghiệm đảm trách.

    Bàn giao hoàn tất, người đại đội trưởng Dù bắt tay từ giã “Chúc bạn may mắn, chúng tôi được lệnh về Sàigòn” . Người về hậu phương yên bình, kẻ vào vùng binh lửa hiểm nguy đối với chúng tôi quá quen thuộc. Biết bao lần hoán đổi như thế này trong những ngày tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị giữa các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến(TQLC) với nhau và giữa TQLC và Nhảy Dù.

    Nhưng người niên trưởng Dù không về Sàigòn như anh nói, đơn vị của anh đổ vào Khánh Dương, Nha Trang, quần thảo khốc liệt cùng địch quân và anh may mắn thoát hiểm trở về được Vũng Tàu gặp lại tôi khi đại đội tôi chịu trách nhiệm tuần tiễu thị xã Vũng Tàu.

    Tiểu Đoàn 6 TQLC đóng giáp tuyến với tôi về phía Tây Nam đụng nặng. Địch quân tấn công mỗi đêm. Người bạn cùng khóa Võ Đăng Tâm vào được tần số nội bộ của đại đội tôi cho biết “tình hình không được sáng sủa, mày với tao ráng giữ liên lạc để có gì còn cứu nhau!”. Tôi cho biết tình hình chỗ tôi vẫn yên tĩnh, địch cố bám sát, thăm dò nhưng bị phát giác, giao chiến nhỏ rồi rút lui, không có tổn thất. Tuy nhiên chúng nhảy vào tần số truyền tin của mình khiêu khích, tuyên truyền, hăm doạ, mặc dù mình thay đổi tần số nhiều lần vẫn bị chúng bám theo. Trong những giờ phút thật rảnh rang chờ địch, bỗng dưng chợt nhớ: hôm nay là ngày 27 tháng 3, sinh nhật của người mình thương yêu! Thật buồn! Nhưng biết làm sao bây giờ!

    Người hiệu thính viên báo cáo tiểu đoàn vừa ra lệnh tất cả các đại đội sẵn sàng giấy bút nhận công điện. Nghe và ghi chép thật kỹ, không được gọi lại hỏi tới, lui! Tôi linh cảm sẽ có chuyện quan trọng xảy đến. Công điện nhận được gần nửa trang giấy.
    Chi tiết của một Lệnh rút quân!

    Tuyến phòng thủ Tiểu Đoàn 6 TQLC lại đụng nặng, tôi nghe được tiếng đạn nổ liên tục. Tôi cũng biết pháo binh, không yểm rất khó khăn, hạn chế trong lúc này!

    Còn 2 tiếng nữa đúng giờ G, tôi sẽ kéo Trung Đội 2 ở xa nhất về đại đội. Khó khăn nhất là vị trí của trung sĩ Điểu. Địch từ những cao điểm gần đó luôn canh chừng, theo dõi, quấy phá, để tìm cách nhổ cho được trọng điểm tiền đồn này. Phải làm cách nào để địch không phát giác được. Chỉ có cách duy nhất là dùng liên lạc viên để chuyển lệnh đến từng trung đội trưởng rồi cứ theo đó tiến hành, tuyệt đối không được dùng máy truyền tin. Còn vị trí của trung sĩ Điểu đành phải bỏ lại lều chõng!

    Thời gian như dài thêm từng giây phút từ lúc trung đội 2 bắt đầu di chuyển. Sự yên lặng, căng thẳng hiện trên từng khuôn mặt, bất cứ một tiếng súng nổ nào từ hướng đó là dấu hiệu kế hoạch rút quân bị lộ.

    Tôi thở dài nhẹ nhõm khi người khinh binh trung đội 2 vừa đến tuyến đại đội. Xiết chặt tay Th/u Lê Kim Minh Cảnh, người trung đội trưởng trẻ nhưng quá phong trần, đêm nào cũng trắng đêm chờ địch tại giao thông hào, tôi cho trung đội vượt qua đại đội bố trí tại điểm tiếp tế chờ đại đội.

    Trung đội 3 của Ch/u Hào cũng đã đến trám vị trí đại đội.

    Bây giờ Trung đội 1 của Th/u Lê Viễn Hồng trở thành tuyến đầu, sẵn sàng khi có lệnh sẽ đoạn hậu, rồi nối đuôi theo đại đội. Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn toán quân sẽ quay ngược lại chiến đấu cùng Trung đội 1 và đại đội sẽ phòng thủ chu vi tại điểm tiếp tế để chờ Trung đội 1 nếu bị tập kích.
    Rất may, đúng theo lệnh rút quân, toàn bộ đại đội rút ra khỏi vùng đóng quân suông sẻ. Giờ đây nếu đối mặt giao chiến với địch quân, tôi có toàn bộ đại đội để đánh nhau chứ không phải phân tán hơn 15 vị trí, mỗi một vị trí chỉ khoảng 8 đến 10 người!

    Rời vị trí đóng quân được khoảng 3 cây số thì được lệnh tiểu đoàn tìm một chỗ đóng quân gần đường rồi gởi số nhà về tiểu đoàn. Qua đêm, tình hình vô sự, chúng tôi được lệnh tiếp tục di chuyển về Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn (BCHLĐ) 369.
    Đến chiều vượt qua vị trí đóng quân của đại đội Trương Chí Công Tiểu Đoàn 9 đang giữ mấy khẩu pháo dọc theo đường. Thấy tôi anh nói : “Anh chơi vậy, chơi với ai, đi trước bỏ đàn em ở lại.” Nhưng đấy chỉ là giỡn chơi với nhau mà thôi. Cảnh gặp nhau như thế này, kẻ ở lại chịu trận, người rút ra vùng an toàn đối với chúng tôi như một chấp nhận rất tự nhiên. Thản nhiên như đến phiên trung đội lãnh trách nhiệm đi đầu trong thời gian hành quân ở Giồng Trôm, Kiến Hòa. Mìn bẫy khắp nơi, dẫm theo bước chân người khinh binh mở đường mà đi. Chệch một bước chân có thể đạp lên khối nổ của trái đạn 105 ly.

    Đại đội đến BCHLĐ 369 thì trời vừa sập tối. Toàn bộ lữ đoàn đã di chuyển. Tôi được lệnh đóng quân tại vị trí BCHLĐ. Vừa hoàn tất rải quân trám tuyến phòng thủ thì được báo Tiểu Đoàn 9 đang đến. Tôi gặp Tân An (Đ/u Đoàn Văn Tịnh) Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn 9. Anh nói “bạn sắp di chuyển, cho tôi gởi mấy thằng em theo, tụi nó bị thương đi không nổi.” Tôi nói chưa được lệnh, thì lập tức ngay sau đó tiểu đoàn báo sẵn sàng tại chỗ, xe sẽ đón ra Đà Nẵng.

    Ngày 29 tháng 3 năm 1975

    Xe chạy suốt đêm, vào thành phố Đà Nẵng khoảng 3 giờ sáng. Tiểu đoàn cho biết tôi sẽ gặp tiểu đoàn tại bãi biển Non Nước.

    Cầu Trình Minh Thế đã bị giật sập, chúng tôi phải lên tàu nhỏ để đến bãi biển. Khi đại đội tập trung đầy đủ thì trời vừa sáng. Trời càng sáng tỏ, tôi thảng thốt khi nhìn thấy suốt dọc theo bãi biển đông nghẹt là người! Quân lính đủ mọi binh chủng, dân chúng đông không đếm xuể.



    Có một chiếc tàu cặp sát bờ khoảng 100 mét đang kéo một số người lên tàu bằng lưới, xong từ từ lui ra biển. Trên bờ số đông nhốn nháo đang lội theo, một đợt sóng lớn dập tới đánh bật mọi người té lăn trở lại bãi!



    Một chiếc thiết vận xa chìm nghỉm còn nhô pháo tháp cách bờ khoảng 100 mét, sợi giây thừng từ pháo tháp kéo vào bờ vẫn còn dập dềnh trên mặt nước.



    Tàu đã rời xa bãi biển, thả neo, im lìm, bất động.
    Người trong bờ ngóng nhìn, mong đợi!

    Một chiếc trực thăng xuất hiện, đảo một vòng bãi biển, ai cũng thấy rõ phi công ở trần, mặc quần đùi. Trực thăng bay thấp gần tàu, cả phi công và trực thăng đều lao xuống biển!

    Đại bác 130 ly đã pháo tới. Đạn rớt ngoài biển, trên bờ ,mọi người chạy tới, chạy lui vô cùng hỗn loạn.

    Tôi nhìn thấy Đại Bàng Phúc Yên ( Trung tá Nguyễ Xuân Phúc ) LĐT/LĐ369. Đại Bàng Thái Dương ( Trung tá Đỗ Hữu Tùng ) LĐP/LĐ369. Đại Bàng Hà Nội (Thiếu tá Trần Văn Hợp ) TĐT/TĐ2 đang ngồi trên bãi biển, cạnh một chiếc xe jeep, đang viết, vẽ những gì trên bãi cát. Tôi tiến lại gần chào, các vị ngẩng đầu nhìn tôi im lặng.

    Tôi đã từng phục vụ dưới quyền chỉ huy của Đại Bàng Thái Dương khi ông giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 5. Đại đội tôi có lần về trình diện Đại Bàng Phúc Yên để nhận trách nhiệm phòng thủ Lữ Đoàn. Cho nên cả hai vị đều biết tôi.

    “Thưa Thiếu tá, pháo đã bắn tới nơi, xin cho tôi đem đại đội đi tìm chỗ bố trí!”

    Cả 3 vị đều im lặng, cho đến khi Thiếu tá Hợp bảo tôi: “Ông muốn làm gì thì làm!”

    Bây giờ thì tôi đã hiểu rõ. Tàu sẽ không bao giờ vào bờ để đón người nữa vì sóng gần bờ quá lớn. Người phải bằng cách nào ra tới ngoài kia, nơi tàu đang bỏ neo để lên tàu!

    Tôi nhìn đại đội vẫn còn đang tập họp trong đội hình để chờ lên tàu mà ứa nước mắt. Bao nhiêu gian khổ, khó nhọc, còng lưng để mang đủ vũ khí, đạn dược, mặt nạ, áo giáp…một chốc nữa đây sẽ vất bỏ tất cả xuống biển.

    Từng toán trở ngược lại phi trường Non Nước để lấy ruột xe làm phao. Có toán đi dọc theo biển đến xóm chài đế tìm thuyền.

    Trên mặt biển nhấp nhô không biết bao nhiêu người. Pháo đã được điều chỉnh chính xác hơn. Tiếng kêu la, than khóc vang dội!



    Trung úy Hiền rủ tôi tìm phao bơi ra tàu. Tôi nói tàu xa quá tôi chỉ biết bơi bì bõm chắc ra không nổi! Anh bảo “ đừng lo, tôi sẽ cột phao ông chung với phao tôi, tôi là dân miền biển bơi rất giỏi, chúng ta sẽ bơi được ra tới tàu.” Chúng tôi 4 người, Tôi,Tr/u Hiền, Dũng, Nam, đi dọc theo bãi biển về phía xóm chài, xa chỗ tập trung đông người khoảng hơn cây số thì gặp một anh công binh TQLC đang loay hoay với chiếc xuồng đã bị lật úp gần bờ. Anh đang cố gắng lật trở lại nhưng không nổi. Chúng tôi phụ lật trở lại, tát nước và kéo lên bờ. Anh cho biết sáng nay toán công binh 6 người dùng xuồng để ra biển nhưng mấy lần không qua nổi đợt sóng gần bờ, lần nào cũng bị sóng đánh lật úp! Các bạn của anh nản chí đã bỏ đi hết rồi!

    Chúng tôi rủ anh mình làm thử lần nữa biết đâu thoát được. Cũng may, ngoài tôi ra ai cũng bơi rất giỏi. Tất cả đồng ý cho tôi lên trước ngồi ở giữa xuồng, còn lại mỗi bên 2 người, bơi đẩy xuồng cố gắng vượt qua được đợt sóng lớn rồi mới lên xuồng. Sóng dập mạnh phủ chụp lên xuồng, con xuồng lắc lư sắp lật mấy lần, nhưng nhờ các anh kềm nổi, chúng tôi qua được đợt sóng lớn, tất cả reo lên: thoát rồi! Cả bọn thi nhau tát nước, mỗi bên một chèo, thay phiên chèo tay hướng về tàu, anh công binh thì cố gắng để sửa máy tàu.

    Trời đã về chiều, khoảng cách đến tàu còn quá xa. Nhưng lại một lần nữa, sự may mắn lại đến với chúng tôi, cuối cùng máy đã nổ, chiếc xuồng phăng phăng lướt sóng đến tàu.

    Lên được tàu, chúng tôi được hướng dẫn thẳng xuống hầm tàu đã đông nghẹt lính. Chỉ khác với chúng tôi, họ còn quân phục chỉnh tề, giày trận đầy đủ. Tôi không biết họ lên tàu lúc nào và bằng cách nào!

    Xa xa nhấp nhô trên mặt biển rất nhiều người đang ôm phao bơi đến. Những chiếc thuyền nhỏ không biết phát xuất từ nơi nào trên bãi biển, đưa người ra tàu rồi quay trở lại để tiếp tục làm chuyến khác. Đèn pha trên tàu bật sáng cả một vùng biển, là cái đích để mọi người đang bơi trên biển tìm tới.

    Cho đến khuya thì không còn thấy ai nữa!
    Tàu nhổ neo xuôi Nam. Bãi biển Non Nước, thành phố Đà Nẵng xa khuất dần cho đến khi mất hẳn!

    Bộ đồ trận thấm ướt nước biển đã khô, toàn thân vô cùng ngứa ngáy khó chịu. Tôi được cho vào phòng tắm để tắm rửa, giặt bộ đồ duy nhất để mặc lại. Các bạn Hải Quân trên tàu đã lo cho mọi người thật chu đáo, từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh với một số người quá đông đảo. Tôi và Hiền len lỏi trong đám đông người để tìm kiếm có ai trong đại đội, tiểu đoàn lên được tàu. Tôi gặp Trần Đình Công ĐĐT/ĐĐ4, tôi hỏi người bạn cùng khóa: “mày có gặp được ai khác?”. Có Đại úy Nghiêm ĐĐT/ĐĐCH và Thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Nó đã quần khắp mọi nơi tìm kiếm nhưng không còn ai khác!

    Tiểu đoàn 2 TQLC đã tan tác rồi! Không đánh nhau mà tan hàng trong nỗi cay đắng, uất nghẹn!

    Trên đường từ Thường Đức di chuyển ra Đà Nẵng, Trung úy Thanh ĐĐT/ĐĐ1 liên lạc với tôi nhờ báo với tiểu đoàn là đại đội của anh lạc mất tiểu đoàn và giờ này còn kẹt trong núi. Anh đã cố gắng liên lạc với tiểu đoàn và các đại đội khác mà không được. Tôi báo ngay cho tiểu đoàn biết và liên lạc nhiều lần với anh sau đó nhưng không được!

    Thiếu tá Tiểu đoàn phó, Đại úy Huỳnh Văn Trọn ĐĐT/ĐĐ5 chắc còn kẹt lại trên bãi biển.

    Tàu đổ xuống quân cảng Cam Ranh tiếp nhận tân binh, vũ khí, quân trang, quân dụng.
    Tiểu đoàn 2 TQLC bây giờ chỉ có tiểu đoàn trưởng, trưởng ban 3 và 2 đại đội trưởng.

    Bãi biển Non Nước: Một kết thúc tức tưởi, oan nghiệt!



    MX Lê Đình Đơn


    Nguồn: http://www.tqlcvn.net
              
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”