Tổ Ấm, Tổ Lạnh

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Tổ Ấm, Tổ Lạnh

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Tổ Ấm, Tổ Lạnh




    “Hôn nhân không hạnh phúc không phải vì thiếu tình yêu mà là thiếu tình bạn.”
    Friedrich Nietzsche

    Nếu em không cùng anh
    sống chung trong cuộc đời,
    chỉ là người yêu thôi,
    em sẽ là thần tượng

    Những câu hát trong bài hát Thần Tượng của nhạc sĩ Y Vân được các ông chồng mà tôi quen biết tỏ sự đồng tình. Các bà vợ cũng “nhất trí” như thế (khi “em” đổi thành “anh” trong câu hát). Bài hát kết thúc bằng câu hát cuối lặp đi lặp lại…

    Nếu chỉ là người yêu, em/anh sẽ là thần tượng
    Nếu chẳng được gần nhau, em/anh sẽ là thần tượng

    Liệu có đúng là “khi đã vẹn câu thề” thì thần tượng sẽ sụp đổ và cuộc hôn nhân hạnh phúc chỉ là “ảo ảnh cuộc đời”?

    Có lần, nói chuyện với các bạn trẻ trong một lớp “Dự bị hôn nhân”, tôi hỏi:

    “Các em hãy nhìn tôi, quan sát kỹ và cho tôi biết tôi có hạnh phúc trong hôn nhân không?”

    Vừa hỏi, tôi vừa cười cười, ra vẻ tươi tỉnh.

    “Hạnh phúc vừa vừa,” một em nói.

    “Hạnh phúc tràn trề,” em khác nói.

    “Làm gì mà được như thế,” tôi trả lời. “Thỉnh thoảng thôi. Khi ấm, khi lạnh.”

    Thật khó mà biết được ai đó có hạnh phúc trong hôn nhân hay không chỉ qua một vài lần tiếp xúc, và thường thì rất dễ lầm. Người ta thường ngắm nhìn hạnh phúc của những đôi vợ chồng khác với vẻ thèm muốn cho đến ngày họ bất ngờ chia tay nhau thì mới rõ ra là cái tổ ấm của họ không thực sự “ấm” như mọi người tưởng. Chẳng qua là vì nhu cầu giao tế, cặp vợ chồng nào cũng làm ra vẻ như là đang sống hạnh phúc bên nhau.

    Thế thì làm sao mà biết được “tổ” nào ấm, “tổ” nào lạnh?

    Tổ ấm và tổ lạnh

    Những thống kê cho thấy phần lớn những cuộc hôn nhân thường kém hạnh phúc hoặc chỉ hạnh phúc ở thời kỳ đầu, như lối nói ví von, “Hôn nhân là quyển sách mà chương đầu là những vần thơ, những chương còn lại đều là văn xuôi tẻ nhạt.”

    “Những chương còn lại” ấy chắc không phải là “tổ ấm”. Thường thì những biểu hiện của “tổ lạnh” dễ nhận biết hơn là “tổ ấm”, chẳng hạn:

    – Không nghe được tiếng cười đùa nào trong cái “tổ” ấy. Ngôi nhà thiếu tiếng cười tựa bầu trời âm u thiếu tia nắng ấm. Một ngày trôi qua vắng tiếng cười là một ngày thật uổng phí và vô vị. Cả vợ lẫn chồng đã không tận hưởng được cuộc sống lại còn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và năng lượng làm việc.

    – Không hề hoặc có rất ít những cuộc trò chuyện, những “hội đàm song phương” giữa hai vợ chồng. Giữa hai người là những khoảng lặng nặng nề, trống rỗng và buồn tẻ. Khi mà hai vợ chồng không có nhu cầu chuyện trò, chia sẻ và không còn muốn lắng nghe nhau nữa thì bếp lửa nóng ấm cũng đến nguội lạnh.

    – Không hề bộc lộ những tình cảm âu yếm, thân mật. Nhiều đôi vợ chồng không còn sánh đôi bên nhau, không còn dắt tay nhau ngoài đường phố, mà “anh trước, em sau”. Không phải là ngày xưa ấy chàng trai chỉ mong được nắm lấy bàn tay mềm mại của cô gái, chỉ xin được “đưa em đi đến cuối cuộc đời”? Không phải là ngày xưa ấy cô gái từng có những phút xao xuyến, những phút nghe trái tim đập mạnh vì cái nắm tay của chàng trai?

    Trong những cuộc họp mặt bạn bè, vợ chồng mỗi người một nơi, không ai nói với ai một lời, không một cử chỉ vỗ về, săn sóc, thậm chí không ngó ngàng gì đến nhau.

    – Không hề hoặc rất ít quan tâm đến nhau. Có những ông chồng không nhớ nổi ngày thành hôn của hai vợ chồng hoặc loài hoa nào vợ mình yêu thích nhất (để mua tặng vợ trong ngày sinh nhật nàng, hay đặt lên mộ nàng khi người vợ qua đời). Có những bà vợ không nhớ rõ ngày sinh nhật của chồng mình hoặc món ăn nào ông chồng mình yêu thích nhất.

    – Không hề hoặc hiếm khi “anh đâu, em đó” trong các sinh hoạt của đời sống và giao tế xã hội. Có vợ thì không có chồng, hay ngược lại. Có những cặp vợ chồng chẳng bao giờ đi chơi xa được với nhau, cứ lên xe một đoạn là… cãi nhau thì khó mà đồng hành trong một chuyến viễn du dài.

    Khi mà người vợ, hay người chồng, nói rằng “Tôi phải chịu đựng anh/em” thì đồng thời người kia cũng là kẻ đang phải chịu đựng. Người này là nỗi chịu đựng của người kia. Có chung sống được với nhau thì cũng như hai mặt của một đồng tiền, chỉ đâu lưng lại với nhau chứ không chạm mặt nhau và không tách rời nhau được.

    – Sau cùng, “tổ lạnh” là cái “tổ” mà người chồng hay người vợ chỉ muốn bước chân ra ngoài để tìm đến những cuộc vui, những hoan lạc của cuộc sống bên ngoài và không có chút hứng thú gì để về lại nơi chốn không ai chờ, ai đợi.

    Những biểu hiện của “tổ lạnh” có khá nhiều, người tinh ý dễ nhận biết và kể thêm ra được. Tất nhiên, vẫn có những ngoại lệ là những cuộc hôn nhân mà “ấm, lạnh” chỉ hai người biết với nhau.

    Những biểu hiện của “tổ ấm” thường trái ngược, hoặc không giống như trên. Có những đôi vợ chồng luống tuổi vẫn cứ đi, về tay trong tay như thuở ban đầu trong buổi hoàng hôn của đời người. Hoặc, người chồng hay người vợ có vắng nhà vì đi xa, đi gần thì vẫn háo hức muốn “tung cánh chim tìm về tổ ấm”, vì biết rằng nơi ấy luôn đầy ắp tiếng cười và luôn có vòng tay chờ đợi.

    Thực tế, không có “tổ” nào ấm mãi được. Thỉnh thoảng vẫn có hơi gió lành lạnh lùa vào, và có như thế thì mới biết quý chút hơi ấm còn giữ lại được.

    Tổ ấm có khi hóa thành tổ lạnh. Tổ lạnh khi đã lạnh rồi thì chỉ có thể làm ấm lên một chút hoặc làm cho bớt lạnh chứ khó mà tìm lại được sự ấm áp ban đầu.

    Kiếp này và kiếp sau

    Không ít người từng hoài công xây những cái “tổ” to và đẹp, từng dọn ra dọn vào những ngôi nhà tựa những lâu đài cổ tích nhưng vẫn chưa tìm được một “tổ ấm”. Khó đến vậy sao! Điều thực sự có ý nghĩa không phải là sống trong ngôi nhà nào, mà là sống với người nào.

    Những cuộc hôn nhân tự nó không mang đến hạnh phúc. Một cái tổ vẫn chỉ là cái tổ, người xây tổ cần làm sao cho nó ấm lên. “Men make houses; women make homes” (Đàn ông xây nhà; đàn bà xây tổ ấm), câu thành ngữ quen thuộc ấy không hẳn lúc nào cũng đúng. Không phải chỉ người vợ mà cả hai vợ chồng đều cần xăn tay áo lên để nhóm lên bếp lửa làm ấm ngôi nhà của mình.

    Có những cách gọi khác nhau để giới thiệu người vợ hay chồng mình, như “nhà tôi”, “bà/ông xã tôi”, hoặc vui vui như “xếp lớn của tôi”, “một nửa của tôi”, “chiếc xương sườn của tôi”, hoặc đơn giản như “bà vợ/ông chồng tôi”… Riêng tôi vẫn cho cách gọi “người bạn đời của tôi” là ý nghĩa hơn hết, thể hiện sự thương yêu và tôn trọng người phối ngẫu của mình. Người vợ hay chồng, trước hết và trên hết phải là người bạn thân thiết. Nếu không có những tính cách gần gũi, hòa hợp của một bạn lòng thì không dễ gì chung sống được với nhau lâu dài. “Những cuộc hôn nhân không hạnh phúc không phải vì thiếu tình yêu mà là thiếu tình bạn,” người chia sẻ kinh nghiệm này là ông triết gia kiêm thi sĩ, nhạc sĩ người Đức, Friedrich Nietzsche.

    “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn được cưới nàng làm vợ.”
    Đấy là lời của một ông chồng nhạc sĩ nói về cô vợ mình (ca sĩ PT), khi chuyện trò và trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí. Tôi tin lời ấy là lời thực, vì chẳng ai bắt anh chàng phải nói như thế cả. Ta hiếm khi được nghe ông chồng nào bộc lộ một cách thoải mái đến như vậy trước mặt mọi người, có mặt hay không có mặt vợ mình. Đấy hẳn là ông chồng may mắn, và một đôi vợ chồng hạnh phúc.

    Bạn tin vào kiếp sau chứ? Bạn có thực sự muốn được tái ngộ vợ hay chồng mình ở kiếp sau (hay là bạn sẽ đi tìm ai đó, người bạn yêu mà không lấy được ở kiếp này chẳng hạn, để cùng nhau xây cái “tổ” khác)? Hoặc, bạn cho là một khi đã trả sạch mọi nợ nần ở kiếp này thì bạn hoàn toàn được giải phóng để có những chọn lựa khác ở kiếp sau?

    “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn được cưới nàng làm vợ.” Ta có thể lấy câu ấy làm cái trắc nghiệm nho nhỏ. Không ai buộc bạn phải qua cái máy dò nói dối, nhưng hãy thử soi mặt mình vào tấm gương trong suốt để tự trả lời một cách trung thực là bạn có muốn như thế không.

    Nếu bạn trả lời dứt khoát “Có chứ, tất nhiên rồi!” (“Yes, of course!” theo lối người Mỹ), có nghĩa “tổ” của bạn ấm lắm rồi và bạn không có nhu cầu thay đổi.

    Nếu bạn trả lời nhẹ nhàng “Xin lỗi, tôi không có ý định ấy”, có nghĩa cái “tổ” của bạn khó mà gọi là “tổ ấm” được.

    Nếu bạn trả lời mạnh mẽ “Thôi, cám ơn!” (“No, thank you!” theo lối người Mỹ), có nghĩa bạn không muốn chịu lạnh thêm nữa.

    Nếu bạn trả lời lưỡng lự “Chắc có, chắc không” (“Maybe, maybe not” theo lối người Mỹ), có nghĩa cái “tổ” của bạn khi ấm, khi lạnh và nếu có cơ hội thì bạn cũng muốn tìm cái “tổ” nào khác ấm hơn.

    Còn nếu bạn trả lời ngắn, gọn “Không đời nào!” (“No way!” theo lối người Mỹ), có nghĩa bạn đang lạnh run.

    Dù sao, tôi thực tâm mong bạn vẫn có được một cái “tổ” âm ấm để mà đi, về có nhau cho trọn đường trần hơn là phải chờ đến kiếp nào xa xôi quá.

    Lê Hữu


    Nguồn:https://www.tvvn.org


              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”