Hoa viên nhật bản

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hoa viên nhật bản

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Hoa viên
    nhật bản

    ____________________________
    Phạm Đức Thân


              

              





    Những nhân tố văn hoá và địa dư tác động đến sự phát triển của nghệ thuật. Nhật Bản là một quần đảo đất đá núi non, nằm trong vùng Bắc, được bao quanh bởi những giòng nước ấm, cho nên mưa nhiều, rừng rậm phát triển, khí hậu ôn hoà với những thay đổi rõ rệt từ mùa này sang mùa khác.

    Một biển nhỏ ngăn cách Nhật với lục địa châu Á khiến văn hoá dân tộc tương đối ít bị ảnh hưởng của ngoại lai. Nhưng tuy ngăn cách mà không bao giờ biệt lập hoàn toàn, do đó nền văn hoá ban đầu thờ linh vật (Thần Thái Dương) và tôn sùng thiên nhiên đã trải qua nhiều biến đổi dưới ảnh hưởng của tư tưởng Trung Hoa và Triều Tiên du nhập, để trở thành một nền văn hoá mới, phong phú, sâu sắc, tinh vi và tao nhã. Dấu ấn mạnh nhất là Thiền học và Lão học với thiên nhiên là tiền đề lớn cho mọi thỏa nguyện của con người. Quan niệm con người và thiên nhiên hoà đồng được thấy rõ ràng trong hội họa, văn học, kiến trúc và hoa viên. Bài này bàn về một vài đặc điểm chính của vườn Nhật.





    Muốn hòa đồng với thiên nhiên, người Nhật nghiên cứu nó, quan sát gần rồi xa để nhận ra các sắc thái của thiên nhiên trong mọi điều kiện thời tiết. Họ không sao chép mà thể hiện yếu tính của thiên nhiên tùy theo cảm nhận chủ quan của mình trước cảnh vật thật. Ấn tượng bao quát nhận ngay ra được là tính không đều, bất đối xứng mạnh mẽ, mặc dù trên quy mô nhỏ (như trong hình thể nhụy hoa, lá cây…) thiên nhiên có thể đối xứng. Do đó vườn Nhật thường được thiết kế bất đối xứng về chu vi cũng như phân bổ các thành phần chính (đá, cây, nước …).
    • Cây mọc không đều, trồng không thẳng tắp mà xiên lệch, cao thấp khác nhau. Bụi cây không mọc thành khối tròn hay vuông cũng không xén tỉa kỹ càng thành những hình thù ước lệ có vẻ nhân tạo.
    • Lối đi quanh co.
    • Cây hoặc đá kết hợp theo số lẻ.
    Tất cả nhằm tăng cường dáng vẻ thiên nhiên qua sự bất đối xứng.

    Tuy nhiên bất đối xứng đã được cân bằng và nhân hoá cho bớt tính triệt để. Vườn Nhật cơ bản là thiên nhiên nhưng cũng sử dụng những hình thể nhân tạo làm nền hoặc khung để làm nổi bật những yếu tố có hình thể thuần tuý thiên nhiên. Ví dụ
    • đường thẳng của hàng rào xén tỉa hoặc lối đi lót sỏi đá là nhăm tạo chút tương phản với thiên nhiên.
    • Hàng bụi cây xén tỉa tròn với kích thước và bề cao khác nhau, trông như chồng lên nhau theo chiều sâu phối cảnh, có thể tượng trưng cho núi non.
    Ngược lại, vườn Tây phương đối xứng cao với những mảng hoa hình học, lối đi thẳng tắp, bãi cỏ vuông vắn… thiếu tính cách tự nhiên.

    Để tạo phong cảnh người Nhật dựa vào vào đường nét và khối lượng hơn là màu sắc. Tính thống nhất của cấu trúc cơ bản của vườn được thiết lập do những mảng cây, bụi cây kết hợp với đất, đá tảng hoặc các vật khác (như đèn đá, vũng nước, tượng gốm, cầu, giếng, cát sỏi…). Màu trội bật là xanh, nâu, xám đậm lợt khác nhau. Các đường nét và khối lượng chính không thay đổi theo mỗi mùa, chúng là tái tạo trong hình thể nhân hoá những gì nhận xét được từ thiên nhiên. Hiếm khi màu sắc đóng vai quan trọng trong cảnh vật núi rừng, ven biển, sông ngòi hoặc đồng bằng mà vườn mô phỏng.
    Thật ra màu sắc mới bị hạn chế sau này. Trước đó (khoảng từ thế kỷ viii đến thế kỷ xiii) vườn Nhật đầy tính trống thoáng, vui tươi, nhiều mảng hoa hoặc cây hoa khoe sắc với sông hồ. Chúng là vườn thiên nhiên nhưng được lý tưởng hoá cho phù hợp với quan niệm thời thượng về cuộc sống thiên đường. Vườn dùng để tô điểm cung điện, dinh thự của vua chúa và quý tộc, là nơi giải trí với những giòng nước quanh co đổ vào hồ ao thường là khá lớn, có thể chèo thuyền dạo chơi ven bờ. Giữa hồ có hòn đảo Thiên Đường. Dưới nước có khi rải những hòn đá tượng trưng cho những chiếc tàu bỏ neo ban đêm tại một cảng Trung Hoa. Hoặc một phiến đá nhô lên khỏi mặt nước biểu thị con tàu chở kho tàng trong cổ tích.

    Loại vườn cảnh trên phản ánh cuộc sống vui chơi vô tư lự của cung đình mà một số nhỏ được hưởng thụ. Rồi xã hội thay đổi, vườn cũng đổi thay theo. Tới thế kỷ xiii cuộc sống vàng son thời Heina sụp đổ. Những năm nội chiến tiếp sau và triết lý Thiền chủ trương đơn giản tịnh niệm đã ảnh hưởng đến mọi ngành nghệ thuật. Vườn Nhật trở nên thâm trầm, nghiêm trang, chừng mực, giản dị, ít chịu tác động của mỗi mùa thay đổi và chú trọng nhiều đến cây xanh.

    Tiết điệu chậm chạp, đều đặn gần như bất động của vườn Nhật ngày nay là do những mảng cây xanh mọc chậm kết hợp với đá tảng, tạo thành khung sườn chính của vườn, tương phản với những nhân tố phù du, sớm rụng lá (như cây thích, cây anh đào, cây mận…) chúng luôn được xén tỉa để lúc nào cũng chỉ đóng vai phụ trợ, điểm xuyết cho nền xanh lục mà thôi.






    Vườn Nhật tĩnh mịch, lặng lẽ, ít thay đổi theo mùa phản ánh quan niệm sống khác nhau của Đông và Tây. Phật giáo nhìn cuộc đời xa hơn, bánh xe con tạo quay vòng rồi cũng trở về chỗ cũ, trong khi cuộc sống Tây phương đầy hoạt động, biến đổi và thực dụng. Vườn Nhật thường được xây dựng trên một mảnh đất nhỏ, thân mật, ấm cúng, ẩn sau hàng rào hay tường là nơi để sống chứ không phải để phô trương, phải tạo được cảm giác thư giãn, ngơi nghỉ, liên hệ mật thiết với căn nhà và những người cư ngụ. Cho nên nó phải bị làm cho chậm lại, thay đổi nhanh chóng theo mùa sẽ gây khó chịu, xáo trộn thần kinh những người hàng ngày tiếp cận.

    Sử dụng toàn cây xanh cũng còn vì lý do trồng trọt. Mùa xuân ở Nhật dịu hơn nhờ những dòng nước ấm, cho nên những cây nhạy cảm với giá lạnh vẫn có thể sống được trong mùa đông. Khác hẳn ở phương Tây, do khí hậu, chu kỳ cuộc sống của cây hiện ra rất rõ: Mùa đông trơ trụi, mùa xuân đâm chồi kết nụ, nhắc nhở đến tiết điệu cuộc sống thay đổi, khiến cho người ta cũng đổi thay cảm xúc buồn vui tùy theo cảnh vật.

    Tinh thần Thiền và Lão nhấn mạnh đến
    • quá trình tìm kiếm sự toàn thiện
      hơn là chính sư toàn thiện,
    • cầu đạo
      hơn đắc đạo.
    Cái đẹp thật sự chỉ có thể khám phá
    • nhờ tưởng tượng suy ngẫm
      để hoàn tất cái chưa hoàn tất.
    Phong cảnh, hoa lá, chim chóc là những chủ đề miêu tả phổ biến nhưng bóng dáng con người thì phải tìm ở chính kẻ đã tham dự vào cảnh. Nghệ sĩ phải chừa lại một cái gì không nói ra để tạo cơ hội cho người xem hoàn tất cái ý bỏ dở. Nghệ sĩ bậc thầy là người có tài lôi cuốn mạnh sự chú ý của người thưởng ngoạn cho đến khi họ thực sự trở thành một phần của tác phẩm.
    • Trong khi vườn Pháp hoặc Ý trình diễn cả một sự pha trộn lớn lao những cụm hoa sặc sỡ , bụi cây xén tỉa công phu, hồ nước vuông tròn, lối đi thẳng tắp …
    • thì vườn Nhật chỉ gợi ra một khởi đầu để người ngắm tự thưởng ngoạn , bằng cách chỉ cung cấp một chuỗi những thành phần thiên nhiên kết hợp (đá, cây, nước…) vật nào cũng có dụng đích rõ rệt và xuất hiện hạn chế. Mỗi phần lôi cuốn chú ý riêng nhưng liên hệ chặt chẽ với những phần khác và đồng gợi ra được bản sắc của thiên nhiên.







    Quen thuộc với những thành phần vật chất vẫn chưa nắm được cái lõi của nghệ thuật hoa viên Nhật. Tại sao cấu trúc vườn Nhật lại có vẻ ổn định, sâu sắc, thâm trầm hơn vườn Tây phuơng hình như mong manh, nông cạn, vô nghĩa? Một phần giải đáp có lẽ phải tìm trong Lão học nhấn mạnh đến nguyên lý đối nghịch, xung khắc: trong nhu có cương ; thụ động hoặc bất bạo động mà lại thắng, như nước chảy làm mòn mọi vật. Đó là cân bằng sáng tối, âm dương, nam nữ…

    Trong thiên nhiên nguyên lý đối nghịch dưới hình thức kết hợp, cái này bổ túc cái kia để tạo nên thực thể, chân lý của sáng tạo. Vườn Nhật với cuộc sống “đá và cây” là chính, thể hiện cái thực thể này, cho nên có vẻ sinh động.
    • Dương tính nằm trong đời sống của cây biến đổi với các hình thể và chủng loại khác nhau;
    • còn âm tính nằm trong đá tảng im lìm qua vô số hình thù và kích thước,
      chưa kể thành phần nước có nhiều âm tính rõ ràng.
    Âm dương cân bằng, không cái nào lấn lướt cái nào, tạo cho vườn một vẻ viên mãn, ổn định, vững chãi giống như thiên nhiên nếu không có người can thiệp, cứ để tự nhiên cũng sẽ tự động cân bằng lấy. Người Nhật cố gắng khám phá cái cân bằng này và kiến tạo vườn một cách tự do theo phong cách riêng,
    • nhờ học qua trực giác, quan tâm, yêu thích thiên nhiên, kiên nhẫn, tò mò, mở to mắt đi vào rừng, lên núi, xuống đồng
    • chứ không phải sao chép mẫu mã trong sách vở.


    Từ xưa người Nhật đã biết sử dụng các vật liệu đá, cát, gỗ, kim loại, đồ gốm … để tạo nên những hình thể ước lệ biểu thị những giá trị nghệ thuật và tôn giáo. Các hình tam giác, tròn, chữ nhật được coi là những hình tượng trưng cho các thành phần cơ bản tạo dựng vũ trụ.
    • Hình tam giác tượng trưng trời hoặc lửa,
    • hình tròn chỉ nước,
    • hình chữ nhật là đất.
    Trong ý nghĩa tôn giáo, hình tam giác biểu thị hai bàn tay con người chắp lại hướng lên trời cầu nguyện, hình tròn chỉ con người hoặc tấm gương, một trong ba dấu hiệu linh thiêng của đạo Shinto. Ngoài ra còn
    • hình nửa vòng tròn (bán nguyệt) biểu thị gió,
    • hình chỏm nụ như quả hồng tượng trưng bầu trời.
    Năm hình thể trên đều hiện diện đầy đủ qua các thành phần của chiếc đèn đá đặt trong vườn.

    Muốn nhận ra các hình thể tam giác, tròn, chữ nhật trong vườn phải tưởng tượng và suy ngẫm. Nếu có dịp đi thăm vườn khô nổi tiếng Ryoan-Ji ở Kyoto gồm toàn sỏi, cát, đá, rêu thì với cố gắng bạn có thể nhìn ra hình chữ nhật trong chu vi vườn, hình tam giác trong những kết hợp đá tảng. Nhưng phần chắc là bạn không tìm ra hình tròn. Xin mách bạn:
    • “Hãy ở lại đó vài giờ. Nghỉ ngơi thoải mái. Lặng lẽ ngắm vườn.
      Hình tròn, chính là bạn đó!



              

              





    Phạm Đức Thân
    (tham khảo Japanese Gardens Today, David H. Engel)

    http://www.art2all.net/tho/phamducthan/ ... hatban.htm
Trả lời

Quay về “Phạm đức Thân”