Lại nghiện “Like”, lỗi tại Facebook!

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20007
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Lại nghiện “Like”, lỗi tại Facebook!

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Lại nghiện “Like”,
    lỗi tại Facebook!

    __________________________
    31-07-2019





    Mới đây trên Facebook một video clip ghi hình hai phụ nữ cãi vã, đánh nhau vì tranh chỗ để chụp hình được cư dân mạng truyền đi khắp nơi. Đó là cảnh hai người đàn bà đứng tranh chấp trên 2 bục đá to và nhỏ khác nhau của hồ Vô Cực nằm bên trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt. Không ai nhường ai, vì có lẽ họ muốn cái bục đá rộng hơn để có chỗ selfie. Khi hai người đánh nhau, bạn bè của cả hai xáp lại bênh nhau cũng đã tham chiến, cục diện biến thành một màn ấu đả lẫn nhau thật ngoạn mục. Kết cuộc ai cũng lóp ngóp dưới nước và hình ảnh đẹp đẽ như hai con cọp dữ của hai phụ nữ được truyền đi cho mọi người xem.

              
              

    Lỗi do đâu? Có phải tại ai cũng thích chụp hình? Không ai chụp cho mình thì selfie. Cái điện thoại cầm tay thật tiện lợi là máy tự chụp ảnh vừa đẹp vừa gọn. Selfie xong thì bỏ lên Facebook để đợi phản hồi, đợi “Like”. Một sự thật tâm lý, ai cũng thích được khen. Khi bỏ 1 tấm hình, 1 bài thơ, một đoạn văn kể chuyện mình hay gia đình lên Facebook, ai cũng trông chờ một sự phản hồi hay tương tác từ bạn bè ở chữ “Like” dù họ có đọc, xem hay thưởng thức nó không. Tâm lý hơn, bạn bè đọc, xem hình hay chẳng buồn đọc cứ “Like” trước đã, để làm vừa lòng bạn bè. Mà cái hệ thống kỳ diệu của Facebook nó cài đặt làm sao mà cái status càng nhiều người tương tác, like hay phản hồi thì nó càng gởi tin nhắn ra cho người khác để họ vào xem cái status đó, khiến status trên càng nhiều người vào xem hơn. Tâm lý được “Like” kéo theo bệnh “Selfie”. “Selfie” là tự chụp hình mình. Không biết ai dịch nôm na ra là “tự sướng” tức “tự thích mình”. Mà chữ “tự sướng” hay thiệt, đố bạn tìm được chữ nào hay hơn chữ “tự sướng” để dịch thay cho chữ “Selfie”. Đi đến đâu cũng thấy người ta giơ cái điện thoại cầm tay ra chụp hình mình với cảnh, vật họ muốn chụp. Càng tới những nơi có thắng cảnh càng thấy cảnh tự chụp, nhiều hơn. Sau khi chụp là bỏ liền lên Facebook, chờ “Like”, có người gọi là “chụp hình cúng FB”. Bên Anh Quốc, có 1 thanh niên chụp 200 bức ảnh một ngày vì nghiện Selfie.

    Có rất nhiều người mất mạng chỉ vì “selfie” trước các bờ vực, núi cao hay ghềnh thác nguy hiểm.
    • Năm 2018 đài truyền hình CNN làm thống kê đưa ra con số 259 người chết vì selfie trong vòng 6 năm.
    • Bộ Giao thông Hoa Kỳ năm 2014 đưa ra 1 con số phỏng chừng vào khoảng 33 ngàn người gặp tai nạn, bị thương tích khi xử dụng điện thoại cầm tay lúc đang lái xe trong đó có việc dùng tin nhắn, nói chuyện và selfie.


    Chắc các bạn đã từng nghe đến bệnh nghiền chữ “Like” của Facebook đã lâu nhưng nó không bao giờ cũ. Bởi nó vẫn diễn ra hàng ngày và càng ngày càng có nhiều người mắc phải. Tại người ta vẫn mê nó như mê “game”, mê cờ bạc hay các thứ khác có chất gây nghiện. Hậu quả nghiện của nó không đến nỗi trầm trọng nhưng lâu dần nó thấm vào trí óc con người và có thể biến 1 người thành kẻ bị bệnh tâm thần. Những trường hợp bị nặng hay nhẹ tùy theo người. Đặc biệt là giới trẻ nông nỗi, thích là làm, hay bốc đồng hoặc “nổ” rồi hành động thiếu suy nghĩ, hại đến tánh mạng chỉ để kiếm “Like”. Cách đây hai năm, trong nước có 1 thanh niên lên Facebook tuyên bố nếu bức ảnh của mình đạt đủ 40 ngàn like thì 7 giờ tối sẽ tự thiêu rồi nhảy xuống cầu Tân Hóa. Anh ta tuyên bố chắc chắn rằng nếu đủ like sẽ nói là làm.

    Sau một ngày status xuất hiện thì không phải 40 ngàn, mà đã có tới 93 ngàn người chung tay góp sức bấm like. Tất nhiên đa phần mọi người đều cảm thấy anh chàng này đúng là chơi dại lấy tiếng và thật vớ vẩn khi lại đem mạng sống của mình ra làm thứ để đùa giỡn, câu like như vậy. Cái kết của câu chuyện bi hài này, nam thanh niên tẩm xăng đốt người. Tuy nhiên, do sơ suất, lửa bén vào quần áo nên nhảy xuống kênh Tân Phú để dập lửa. Theo thông tin báo chí, anh bị bỏng ở mặt từ chính trò giỡn với lửa dại dột của mình. Gần đây lại có một thanh niên bị chỉ trích dữ dội vì “ăn mì trong bồn cầu” câu like.

    Từ đó, câu “nói là làm” đã gây nên một cơn sốt khiến nhiều thiếu nữ trẻ “cũng nói và làm” bằng cách cởi bỏ quần áo của mình “phơi thân” cho đàn ông vào xem trang mạng của mình. Công dân mạng gọi là “Lột đồ, phơi xác, câu like”. Một số cô gái thường xuyên dùng hình ảnh nóng bỏng trong cách trang phục thiếu vải hay trong những tư thế gợi dục với mục đích mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của dân mạng. Sức ảnh hưởng, độ hot của mỗi tài khoản cá nhân đã được các bạn trẻ đánh giá bằng số bạn bè, lượng người theo dõi hay lượng like, lượng commnent trên facebook. Chính điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý muốn được nổi trội của nhiều cô gái trẻ. Để có được nhiều like thì những bức hình khoe thân, những status mời gọi được các cô gái này sử dụng triệt để. Có lời bình thế này, “Cứ được nhiều người chú ý, khen xinh, khen đẹp là các bạn ấy thích rồi. Nổi tiếng ảo cũng chỉ là một cách để ‘tự sướng’, tự hoan hỉ với bản thân mà chẳng có ý nghĩa gì cả”.

    Mới đây tôi chứng kiến một trường hợp rất quái dị nhưng nói chung vẫn quanh quẩn ở cái tâm lý thích người ta khen mình đẹp ở người phụ nữ.

    Một người bạn Facebook của tôi phát hiện ra một người phụ nữ Việt tuổi cũng đã lớn mà cũng làm trò câu like khiến cô bạn tôi phát giác và đã đăng lên facebook của cô một status như vầy.




              
    MỸ NỮ FACEBOOK NGÀN NGƯỜI MÊ
    _______________________________________________

              
    Hôm nay em tình cờ gặp một mỹ nữ facebook. Nàng xinh đẹp, dịu dàng, nhẹ nhàng, tâm hồn mơ mộng. Mỗi bài nàng viết ra, mỗi tấm ảnh nàng đăng lên là có từ 500-1000+ likes. Lời bình luận nhiều như kiến đến mức nàng không thể nhấc tay like/love bình luận nổi. Nàng quá nổi tiếng đến mức ghi rõ là không trao đổi qua inbox, chỉ giao lưu qua status mà thôi.

    Nói chung em cũng không GATO tới mức thấy người ta nổi tiếng mà sân si. Nhưng sau khi đọc vài bình luận “em 50t mà còn đẹp như diễn viên”, em nhìn lại mấy tấm ảnh ấy thật kỹ. À há, đầu tiên chỉ tưởng là cắt hình người rồi ghép vào cảnh đẹp. Nhưng không, ai lại làm thế. Lạc hậu rồi! Hơn thế cơ!

    Đầu tiên phải chụp vài tấm ảnh mặt đẹp, 60 hay 360 độ đều được. Mặt thật trông già thì ta sửa, ta bôi màu, ta bôi nếp nhăn, xóa mờ… gì gì đó để rồi…, chính gương mặt tuyệt vời không tì vết đây này. Rồi cắt cái đầu, hay đúng hơn là cái mặt hoàn hảo đó, ghép vào 1 tấm ảnh minh tinh nào có dáng đẹp, mảnh mai, thon thả yêu kiều. Kế đến bỏ tất cả vào một phông cảnh, nào thác nước, nào rừng già, nào cung điện, dinh thự nguy nga, bãi biển dập dờn sóng vỗ. Cuối cùng tấm ảnh có một hiệu ứng tuyệt vời. Bao nhiêu người khen vòng eo thon thả, khen “em đẹp như tiên giáng trần”. Có anh lỡ bình luận “em kiếm được cặp giò đẹp quá” là bị nàng chửi như xối xả “cơ thể người ta cha mẹ sinh ra là được như thế, kiếm ở đâu mà kiếm”. À há!

    Tất nhiên mỹ nữ của chúng ta cũng có nhu cầu selfie cho thân mật gần gũi, nên khi selfie thì nhìn nàng… to bự hẳn so với khi chụp xa!!! Ảnh ghép rất mượt, nhưng ghép cả trăm tấm làm sao không bị lỗi. Có tấm mặt thì trơ ra, trẹo cổ so với tư thế nàng đứng. Thậm chí có ảnh ai ghép cho nàng bị lỗi, nàng có hẳn… 3 tay. Mặt và tay thật to ghép với vòng eo nhỏ hơn vòng eo 56 của Ngọc Trinh. Có hề gì! Bạn facebook vẫn nhiệt tình like, thả tym, bình luận, kiểu “Em là người đẹp ngàn năm có một”, “Anh thật ngưỡng mộ em”, “Làm sao sinh ra đã đẹp vậy”, vv… và vv…

    Mỹ nữ cũng bận bịu lắm, cứ vài ngày nàng viết một status, nói chung những lời lẽ nhẹ nhàng dễ hiểu quần chúng bình dân đọc hiểu hết, không cần gì phải đao to búa lớn, ẩn dụ sâu xa. Nàng cũng đi chép thơ mạng về và hiên ngang ghi tên mình kèm hai chữ Sưu Tầm cuối bài, tất nhiên là hoàn toàn không có tên tác giả. Kèm một tấm hình ảo diệu long lanh là đủ nuôi dưỡng ảo tưởng bao nhiêu đàn ông và câu được bao nhiêu like, bình luận, tài sắc vẹn toàn, tâm hồn trong sáng.



    Đọc status của cô bạn, ai cũng cười ngặt nghẽo, và tò mò tìm hiểu xem mặt thật, người thật của “Mỹ nữ” ra sao. Họ tìm hiểu và biết được nhan sắc của nàng không đến nỗi ma chê quỷ hờn nhưng có thể nói là dưới trung bình, thân hình thì đẫy đà có da, thịt thừa thãi! Họ bàn tán với nhau rằng nàng đi mua like vì trên FB có các dịch vụ rao bán like của những con buôn chuyên đi hack account của người khác để thao túng tạo các nick ma đi lừa gạt thiên hạ. Trường hợp của cô nàng, có người bảo là cô bị bệnh tâm thần. Tuy nhiên thật sự đã có người vào bệnh viện tâm thần vì nghiện like và Facebook.

    Có một con số phỏng chừng hơn 1 tỉ người sử dụng Facebook trên toàn thế giới mà mạng FB ở Việt Nam hiện nay có khoảng 8,5 triệu người tham gia. Những nguyên nhân tâm lý gây nghiện của FB do các chuyên gia tâm lý đưa ra rất nhiều. Xin đơn cử một vài nguyên do như, Like là:
    • 1) Một hành động đưa ra sự phản hồi tích cực hoặc kết nối với những gì chúng ta quan tâm.
      2) Quá đơn giản để thực hiện.
      3) Thể hiện sự cảm thông
      4) Vì có đi, có lại.
      5) Có thể chia sẻ sở thích và phong cách sống với người khác
      6) giúp giảm bớt sự cô đơn..v..v…


    Thế giới ảo quá sức là phức tạp, nhưng sức quyến rũ của nó đối với những người sống vì facebook mạnh mẽ biết dường nào. Người nghiện like còn mở riêng một trang nhà trên FB lấy tên “Hội những nguời nghiện like”. Bạn có bao giờ thử làm một cái test và tự hỏi mình đã nghiện like, nghiện facebook chưa?




    Trịnh Thanh Thủy
    Orange County, CA



    http://vietluan.com.au/lai-nghien-like- ... -facebook/
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”