Râu ria rắc rối

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5381
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Râu ria rắc rối

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Râu ria rắc rối





    Trong ngôn ngữ thường ngày, từ "râu ria" ám chỉ cái gì tầm thường, phụ thuộc. "Anh cứ lo việc chính đi, còn chuyện râu ria để tôi". Thật ra, râu ria là cái quan trọng đối với con người nhất là nam giới, chứ không phải tầm thường vụn vặt.

    Râu tượng trưng cho trường thọ, sung mãn, đáng kính. Các nhân vật nổi danh của tôn giáo, lịch sử, văn hóa các dân tộc thường xuất hiện qua hình ảnh (vẽ, chụp, điêu khắc...) là những vị có râu: Chúa Giêsu, Đức Khổng Tử, ba ông Phúc Lộc Thọ, ông già Santa Claus, vua Hùng Vương, triết gia Socrates, bác học Einstein...




    Charles Darwin ( 1809 - 1882 )



    Râu là dấu hiệu của trưởng thành, nam nhi, hảo hán. Đàn ông phải có râu; đàn bà phải có vú tốt để chu toàn thiên chức làm mẹ. Như cổ nhân đã bảo: "Nam tu nữ nhũ", và nhận xét:

    • Đàn ông không râu bất nghì
      Đàn bà không vú lấy gì nuôi con.

    Tuy nhiên râu ria không phải là độc quyền của phái nam. Một số phụ nữ cũng có râu măng mọc nhiều trên mép trông như một hàng ria. Đặc biệt có hai phụ nữ (ở Lausanne và Mỹ) được ghi nhận trong Tự Điển Bách Khoa Larousse là có râu ria đàng hoàng, và chân tay lông lá hơi nhiều.

    Đoàn xiếc Mỹ Barnum có hai diễn viên nữ nổi tiếng nhờ râu ria rậm rạp, trình diễn như là một kỳ quái của thế giới. Josephine Clofullia (1829-1875) gốc Thụy Sĩ, năm 8 tuổi râu đã dài 2 inches. Trình diễn thế giới nàng thường để râu kiểu của Napoleon III, nên được vị Hoàng Đế này tặng một kim cương lớn. Bà kia là Annie Jones (1865-1902). Mới 9 tháng tuổi đã nhiều lông và có râu được trình diễn như một bé Esau mới. Esau là nhân vật trong Thánh Kinh Hebrew, con trai của Isaac, đặc điểm là tóc đỏ và râu ria lông lá rậm rạp. Lên 5 tuổi Annie bắt đầu mọc ria và râu hai bên má mang tai, nổi tiếng là "Cô gái có râu".





    VN ta chẳng chịu thua thế giới, vì cũng đã có một đấng quần thoa khoe rằng::

    • Mũi em có tám gánh lông.
      Chồng yêu chồng bảo râu rồng Trời cho


    Thử tưởng tượng, phụ nữ có râu ria trông mới tức cười làm sao, và hình như có cái gì nhầm lẫn, không ổn đâu đây, cho nên mới phát sinh câu tục ngữ "Râu ông nọ cắm cằm bà kia" chỉ cái gì không thích hợp, lai căng...

    Râu được coi là thể hiện tính cách con người, bởi vậy có phân biệt nhiều kiểu râu tượng trưng cho trung nịnh, thiện ác, tốt xấu...Các nhân vật hát bộ, cải lương tùy theo tính cách của mình sẽ được gán cho kiểu râu thích nghi: vai trung, thiện đeo râu đẹp; vai nịnh, ác, phường mặt mốc râu rìa mang râu xấu. Nhưng không phải luôn luôn có tương thích giữa râu và tính cách, cho nên, cũng như chiếc áo không làm nên thầy tu, bộ râu không làm nên bác sĩ hay triết gia.

    Các ông Phúc Lộc Thọ, ông già Santa Claus râu ria bạc trắng, trông thật phúc hậu, tiên phong đạo cốt. Râu ba, bốn, năm chòm là của quân tử, anh hùng hảo hán như râu ba chòm của Quan Công, râu hùm của Từ Hải. Trương Phi thẳng thắn, nóng tính có râu chổi xể. Râu quai nón là một kiểu râu đẹp và thường thấy ở Do Thái, Trung Đông.. trông có vẻ nghiêng về tinh thần, sùng đạo hơn là vật chất. Râu tài lộc chỉ gồm một sợi râu dài mọc gần miệng hoặc dưới tai được coi là quí hiếm, mang lại giầu sang hạnh phúc.

    Kiểu râu xấu có khá nhiều: râu dê, râu chuột, râu cáo, râu mèo, râu cá ngão, râu cá chốt, râu nghạnh trê, râu le the ba sợi, râu móc họng, râu guidon (giống tay lái xe đap)... Đặc biệt nhất là "râu quặp" không biết hình dạng ra sao mà ông nào cũng sợ bị gán cho mang râu này, vì đây là râu của mấy ông sợ vợ. Xem ra có lẽ phải hỏi các bà liên hệ!.

    Các ông khoái được gán cho là "râu xanh" hơn. Không có nghĩa là râu mầu xanh, mà ám chỉ kẻ dâm đãng, lắm vợ, nhiều đào, thích quyến rũ phái nữ...do một tích cổ Âu Tây. Xưa có tay quý tộc tên là Râu Xanh (Bluebeard) lấy nhiều vợ bằng cách giết vợ này giấu xác vào một căn phòng rồi lấy vợ khác; và cứ thế tiếp diễn cho đến người vợ sau cùng khám phá ra đống xương khô, bèn hiệp lực cùng anh em nàng giết được hắn. "Yêu râu xanh" thường dùng để chỉ kẻ dâm ác, hãm hại phụ nữ.

    Râu hình như biến thành bạc, mọc nhanh hơn khi phải lo nghĩ nhiều, như Ngũ Tử Tư một đêm lo việc nước, tóc râu bạc trặng. Hoàng hậu Marie Antoinette chỉ trong một đêm trước hôm bị đưa ra hành hình tóc cũng bạc hẳn. Đúng là "Tâm sầu bạch phát": lòng buồn rầu, tóc râu bạc. Tục ngữ cũng nhận xét: lo bạc râu, rầu bạc tóc; rầu rĩ râu ria ra rậm rạp. Nguyên nhân sinh hóa thì đến nay vẫn chưa có kết luận.

    Khoảng 1970 trong chuyến đi mấy ngày đến để gặp bạn tình, một nhà khoa học đã thí nghiệm. quan sát và đo lường kiểm chứng (cân những lượng râu cắt mỗi ngày), nhận thấy mỗi ngày râu mỗi mọc nhiều hơn, vì bị kích thích chờ đợi, rõ ràng cho thấy độ tăng trưởng của râu tóc thay đổi tùy theo chu ký tiết ra tự nhiên của các kích thích tố (androgen, testosterone). Tương tự, râu mọc khi nam nhi trưởng thành về sinh lý, và tóc rụng lúc về già, cũng đều là do tác dụng của kích thích tố.

    Lý do để râu thì có rất nhiều, và không thể quyết định cái náo quan trọng hơn.Trước hết có lý do thẩm mỹ, làm đẹp. Một hàng ria trên mép hoặc râu mọc quanh miệng có thể che được cái miệng nhỏ hoặc làm trông rộng ra. Cằm dài nhọn hình như biến mất dưới chòm râu quai nón xồm xoàm. Người mặt mũi nhẵn quẹn, trông trơ trơ như cầu hàng thịt, sợ bị gán cho là Mã Giám Sinh, có thể để râu hoặc không cạo nhẵn mà chừa lại chút chân râu xanh xanh, đen đen trông sẽ có cảm tình hơn. Thực tế cho thấy có người để râu trông thanh lịch quý phái hẳn lên, nhưng cũng có người để râu trông bịp bợm, đểu cáng không chịu được

    Râu để hay cạo cũng còn do tập tục, thói quen tôn giáo. Tôn giáo xưa buộc dân Ai Cập phải để râu. Người Do Thái đã trưởng thành thường để râu dài, không xén tỉa. Giáo chủ Mohamed ra lệnh tín đồ để râu nhắm phân biệt với kẻ ngoại đạo, nhưng ông yêu cầu phải xén tỉa đàng hoàng để khỏi lẫn lộn với người Do Thái. Dân Sikh ở Punjab Ấn Độ coi râu dài, cuộn lên và găm dưới cằm là dấu hiệu của trưởng thành.

    Dân Hy Lạp cổ để râu. Các nhân vật của Homer, các triết gia Hy Lạp đều có râu ria đầy đủ. Đại đế Alexander bắt binh sĩ cạo râu để địch quân không thể nắm râu khi lâm trận; nhưng có người cho là vì lý do vệ sinh, y tế nhiều hơn. Dân La Mã đến năm 300 BC mới có tục cạo râu. Tướng S. Africanus (237-183 BC) là người đầu tiên cạo râu mỗi ngày, và biến nó thành thói quen cho mọi người. Thanh niên La mã xưa còn có tục dâng râu cắt lần đầu tiên cho nữ thần Fortuna.

    Khi để tang, người Hy Lạp cạo râu trong khi người La Mã để râu. Giáo sĩ Thiên Chúa La Mã cạo râu nên cũng gây được phong trào. Sang thế kỷ XVI, XVII Giáo hoàng, hồng y, linh mục lại để râu. Nhưng về sau mốt này bãi bỏ và chỉ cho phép để râu là các giáo sĩ trong tu viện hoặc dòng Francisco. Giáo sĩ Hy Lạp và Chính Thống Miền Đông vẫn giữ tục để râu.

    Râu ria trải qua nhiều thăng trầm. Châu Âu thế kỷ XIX, XX với các nhà chính trị cách mệnh và lối sống bohemien, râu trở thành dấu hiệu của cấp tiến và phản kháng xã hội. Miền Đông nước Mỹ không thích để râu. Giữa thế kỷ XIX, ria là dấu hiệu của các người tiên phong tiến về Miền Tây, chủ hầm mỏ, văn sĩ, bác sĩ, trí thức. Abraham Lincoln là tổng thống Mỹ đầu tiên để râu.

    Đầu thế kỷ XX râu không còn là thời thượng và hình ảnh râu ria lởm chởm không xén tỉa là của Bolshevik và vô chính phủ. Nhưng râu vẫn được một số văn nghệ sĩ ưa thích, là dấu hiệu của nhóm beatnik, hippy. Một số nhân vật nổi tiếng được nhớ đến nhiều nhờ có bộ râu ria đặc biệt. Ví dụ: Ria rậm quá cỡ của J. Stalin: râu cứt mũi của A. Hitler, hề Charlot; râu quai nón xồm xoàm của S.Freud, F.Castro; hàng ria quyến rũ của tài tử C. Gable.


    Người VN ít để râu, xưa kia chắc vì thiếu dao cạo nên thường nhổ râu bằng cái nhíp (còn gọi là díp). Miền Nam có Nguyễn Cao Kỳ với bộ râu kẽm; Còn miền Bắc Hồ Chí Minh để râu, nhưng lưa thưa, không có gì đặc biệt. Không biết có phải giống râu cáo không mà ông có hỗn danh Cáo Hồ?

    Đời sống xã hội chính trị biến đổi mạnh cũng ảnh hưởng tới râu tóc. Phong trào nữ quyền làm giảm uy lực của hình ảnh đáng nể của gia trưởng râu ria tóc tai rậm rạp vì để râu cũng chính là một võ khí áp đảo. Tương tự tay anh chị để râu bậm trợn dễ khống chế đàn em hơn; người để râu có thể dễ bắt nạt kẻ không râu.

    Ngày nay râu ria không phải là thời trang, muốn để hay cạo tùy ý, vì Hiến Pháp không bảo vệ quyền (tự do) để râu. Tối Cao Pháp Viện Mỹ năm 1976 (vụ Kelley v. Johnson) phán quyết rằng chủ hãng, cơ quan chính phủ có quyền quy định tiêu chuẩn để râu đối với nhân viên thuộc quyền. Để râu trái quy định có thể bị giải ngũ, mất việc, không được tham gia đấu võ hoặc ứng cử, có khi còn bị gán cho là khủng bố. Cho nên râu ria tóc tai có mầu sắc chính trị, và có thể gây phản cảm, phẫn nộ, ngay cả biểu tình...

    Thực tế khác là các lực lượng xã hội, trào lưu văn hóa ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách căn cước của nam giới. Lời nói, việc làm, quần áo, diện mạo... tạo thành con người. Râu ria là một chỉ dấu của những khác biệt nam tính. Với cuộc sống phức tạp của xã hội hiện đại, râu có nhiều hình thức thể hiện khác biệt tùy lối sống.

    Nhận xét chung là dân heterosexual có khi để râu nhằm phô trương nam tính và phân biệt với dân homosexual nhiều nữ tính và không râu. Dân metrosexual ở thành thị để ý nhiều đến diện mạo, thường cạo râu, có để thì cũng xén tỉa hoặc để rất ngắn, như B. Pitt, G. Clooney. D. Beckham.. Dân lumbersexual ít ở đô thị, thích mặc áo sọc vuông, giầy ống và râu ria rậm rạo. Dân ngổ ngáo, thể thao, áo da, thường cỡi môtô, cạo nhiều hơn là để râu. Dĩ nhiên cũng có người để râu coi như một phương tiện quyến rũ phái nữ, và mỗi địa phương đều cũng có pha trộn các lối sống, các kiểu râu.

    Chuyện râu ria còn rất phức tạp hơn trong tôn giáo, chủng tộc (Hồi giáo, Mormon, dân Amish...) không thể bàn với bài phiếm ngắn này. Chỉ xin tạm kết luận là không như trước đây chuyện râu ria ảnh hưởng nhiều bởi thiếu hay đủ dao cạo và quy định của tập tục, tín ngưỡng hoặc muốn làm đẹp, ngày nay râu ria còn là một phương tiện để thể hiện thái độ chính trị và khuynh hướng xã hội.

    Bàn về râu ria mà quên thợ cạo thì có vẻ thiếu sót, vì họ cũng đóng vai quan trọng, và còn được đưa vào văn nghệ. Bác thợ cạo là vai chính trong kịch The Barber of Seville của Beaumarchaise, rồi sau này được Rossini đưa vào nhạc kịch (opera).


    Nghề thợ cạo cũng có một lịch sử ly kỳ. Thợ cạo đã xuất hiện từ xưa ở Ai Cập, Hy Lạp, La Mã. Tiệm hớt tóc là chỗ tán chuyện thời sự và thợ cạo được tiếng là người biết nhiều, rành chuyện.

    Thợ cạo cũng còn được giao cho nhiệm vụ lể máu, thời đó được coi như một biện pháp y tế trị liệu. Các y sĩ thoạt tiên coi khinh việc mổ xẻ, giao cho thợ cạo nhiệm vụ lể máu, băng bó vết thương, nhổ răng.... Về sau giải phẫu học được đưa vào chương trình y khoa đại học; và từ đó có sự phân biệt y sĩ áo dài (tốt nghiệp đại học) và y sĩ áo ngắn (thợ cạo).

    Ông tổ của giải phẫu học là Ambroise Paré (1510-1590) xuất thân từ thợ cạo.


    Dấu hiệu biểu trưng truyền thống của thợ cạo là một ống trụ xoay tròn, có những vạch xiên xiên mầu đỏ trắng tượng trưng cho lể máu và băng bó, ngày nay vẫn còn thấy tại một số tiệm.

    Râu ria là chuyện của đàn ông, nhưng tác dụng của nó đối với phụ nữ như thế nào? Ba chục năm qua nhiều thí nghiệm để xem râu ria hấp dẫn phụ nữ ra sao vẫn chưa tìm được kết luận dứt khoát, vì kết quả không thống nhất, mỗi lần thí nghiệm cho mỗi kết quả khác nhau. Tuy nhiên có thể lập một bảng thứ tự loại râu nào thường được phụ nữ cho là hấp dẫn, từ nhiều đến ít như sau: Thứ nhất là chỉ hơi lởm chởm, tiếp theo là lởm chởm, rồi có râu nhưng vừa phải, sau đến cạo sạch không râu và sau cùng là râu ria rậm rạp.

    Dĩ nhiên tùy cá tính, phụ nữ có thể thích một kiểu râu nào đó. Và có người cho rằng vì thời thượng những năm qua là lởm chởm râu, cho nên phụ nữ bị ảnh hưởng, chứ nếu khách quan vô tư chưa chắc kết quả như trên. Mặt khác khi chọn bạn tình, râu không phải là yếu tố quyết định. Thực tế đã không cho biết rõ phụ nữ thích râu nhiều hay ít, và bị ảnh hưởng thế nào, ta thử quay sang văn học để xem các nhân vật nữ có ý kiến ra sao về chuyện này.

    Trong kịch Much Ado about Nothing của Shakespeare một bà đã kêu lên: "Tôi không thể chịu được một ông chồng có râu trên mặt. Tôi thà nằm trong chăn ấm còn hơn". Trong khi đó, một nhân vật nữ của Guy de Maupassant (trong truyện ngắn Lý Do Chính Đáng) lại cảm nghiệm khác hẳn, qua tâm sự nàng gửi cho bạn:

    " Thật vậy, đàn ông không ria không phải là đàn ông. Tôi không để ý đến râu, nó tạo một vẻ bất cẩn, bê trễ. Nhưng ria thì, ôi, ria không thể thiếu được đối với diện mạo đàn ông. Không ai có thể tưởng tượng nổi công dụng của cái đám lông trên mép đối với mắt nhìn cũng như quan hệ luyến ái. Tôi nghĩ nhiều điều mà không dám viết ra cho bạn, chỉ có thể nói thầm với bạn mà thôi. Vấn đề quá tế nhị, quá khó khăn, quá bất tiện, phải hiểu biết nhiều mới tiếp cận được mà không nguy hiểm.

    Đừng để đàn ông không ria ôm hôn. Môi hắn không còn hương vị, không còn du dương quyến rũ, không còn cái hăng hăng của nụ hôn. Ria chính là gia vị của nó.

    Cái quyến rũ của ria? Làm sao tôi biết? Nó nhồn nhột. Trước khi môi chạm môi, người ta đã cảm thấy rồi. Nó làm rúng động toàn thân đến tận ngón chân. Nó mơn trớn, làm da thịt rung động, phải kêu lên: "A!" như thể bị lạnh bất ngờ. Nó cà vào gáy nhột nhạt, xuống sống lưng, tới tận đầu ngón tay.

    Ria vểnh lên làm dáng, có vẻ như yêu phụ nữ trên hết, và nhọn sắc như kim. Ria rậm rủ trên mép cho thấy người hiền lành tốt bụng. Ria Pháp thật lãng mạn, nịnh đầm, như chìm đắm trong rượu vang, lạc thú...Tôi ái mộ ria vì nó đầy Pháp tính, từ cha ông truyền lại..."


    Tục ngữ Ý có câu: "Một cái hôn không ria mép giống như miếng bíp-tếch không mù-tạt." Chẳng biết đối với phụ nữ VN cái hôn không ria có giống như bún thang không cà cuống hay mắm tôm không? Chuyện này phải hỏi các bà!

    Rõ ra râu ria rất rắc rối!

    Phạm đức Thân.


    Nguồn:http://art2all.net


              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”