năm của chó hoang

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

năm của chó hoang

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Năm
    của chó hoang

    ________________________________
    Diêm Liên Khoa - chuyển ngữ: Đinh Từ Thức - 5.06.2012
    (từ bản dịch Anh ngữ, “The Year of the Stray Dog,” của Jane Weizhen Pan và Martin Merz, báo New York Times 21 tháng 4, 2012)





              


    Diêm Liên Khoa, tháng 8 năm 2008 tại Bắc Kinh

              

    Diêm Liên Khoa (閻連科) (Yan Lianke) sinh năm 1958 tại huyện Tung, thành Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, lúc nhỏ đi chăn trâu, năm 20 tuổi gia nhập bộ đội và năm 46 tuổi giải ngũ với cấp đại tá.
    Bắt đầu sáng tác vào năm 1979, tác phẩm nổi tiếng của Diêm Liên Khoa là quyển Đinh Trang Mộng viết về vấn nạn bán máu tại tỉnh Hà Nam. Ông đã nhận Giải văn học Lỗ Tấn, giải văn học Lão Xá và nhiều giải văn học quốc tế. Ông đã tự nhận phải tự kiểm duyệt trong những tác phẩm của mình để tránh chuyện bị chính quyền kiểm duyệt.
    Hiện là thành viên Hội Nhà Văn thành phố Bắc Kinh.


    Bắc Kinh. – Thói cũ khó bỏ. Mặc dầu đã rời nhà ở thôn quê từ hơn 30 năm, tôi không bao giờ cảm thấy mùng một tháng Giêng dương lịch là ngày bắt đầu một năm mới. Ở quê tôi, ngày thực sự bắt đầu của năm mới là Tết Âm Lịch.

    Năm 2011 đối với tôi kéo dài và đen tối như trong đường hầm không có ánh sáng.

    Cái năm 2011 đen tối của tôi bắt đầu bằng vụ kiếm việc của thằng con. Nó đã hoàn tất việc học tại nước Anh và trở về Trung Quốc với mảnh bằng thạc sĩ luật. Nó tin rằng để góp phần vào việc thay đổi ở Trung Quốc, nó phải bắt đầu sự nghiệp phục vụ công chúng trong hệ thống tư pháp. Nhưng, vì không phải là thành viên của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, không có cách gì để nó có thể tham dự cuộc thi tuyển công chức, hầu có được việc làm như mong muốn.

    Hơn một lần, nó đã tính gia nhập Đảng Cộng Sản khi còn ở trình độ bậc cử nhân. Lần nào tôi cũng can, nói rằng,
    • “Phải chăng mọi người đều phải là đảng viên để tiếp tục cuộc sống?”
    Là một người cha, kinh nghiệm của con tôi khiến tôi có cảm tưởng mình phải quỳ xuống trước mặt các lãnh đạo đảng, cầu xin họ cho những người trẻ tuổi không phải là đảng viên, có được cùng cơ hội về sự nghiệp họ dành cho những người nhập đảng.

    Sự đen tối của năm 2011 tiếp tục. Tác phẩm chót của tôi, “Tứ Thư” – một tiều thuyết dựa trên những kinh nghiệm khốn đốn của người dân Trung Quốc thời Đại Nhảy Vọt vào cuối thập niên 1950 và nạn đói tiếp theo – đã bị gần hai chục nhà xuất bản từ chối. Lý do họ nói với tôi đều giống nhau:
    • Bất cứ ai dám xuất bản sách của tôi ở Trung Quốc đều chắc chắn bị dẹp tiệm.

    Tôi đã bỏ ra hai chục năm để chuẩn bị và hai năm để viết cuốn truyện này. Là một người viết là điều quan trọng đối với tôi, và tôi biết sẽ là điều quan trọng trong việc cống hiến cho văn chương Trung Quốc. Nhưng tôi hoàn toàn hiểu rõ thực trạng của việc xuất bản tại Trung Quốc, nên không có chọn lựa nào khác hơn là tôi chấp nhận số phận tác phẩm của mình. Tất cả những gì tôi có thể làm là thở dài.

    Cộng thêm vào cơn ác mộng sách không được xuất bản ở Trung Quốc, là lệnh cưỡng chế phá hủy căn nhà của tôi cho một dự án mở rộng đường ở Bắc Kinh. Nó đến như một cơn lốc. Không ai thèm đưa cho những người bị đuổi nhà ở khu vực của tôi bất cứ tài liệu chính thức nào liên hệ tới dự án; khoản tiền đền bù không cho thương lượng được định là 500.000 nhân dân tệ (khoảng 79.000 USD) cho mỗi gia đình, bất chấp giá trị nguyên thủy của căn nhà hay đất rộng hẹp. Các cư dân được phán, “bất cứ ai hợp tác với chính quyền sẽ được thưởng thêm 700.000 tệ. Tổng cộng khoảng 190.000 USD. Số tiền này có vẻ lớn, nhưng thật ra chỉ đủ để mua một phòng tắm tại một khu khá ở Bắc Kinh.

    Sự xung khắc giữa cư dân và toán phá hủy rất căng thẳng. Cư dân thề bảo vệ tài sản và nhân phẩm bằng mạng sống của mình.

    Cuộc chiến kéo dài trong nhiều tháng. Đến một ngày, bức tường bao quanh khu vực bị phá hủy vào sáng sớm. Một số cư dân cao tuổi tranh đấu mệt mỏi phải đưa vào bệnh viện. Rồi có tin hàng loạt những vụ “trộm xảy ra trong khu phố”, mà mọi người đều biết đó chỉ là chiến thuật nhằm mục đích đe dọa cư dân. Báo cáo những vụ trộm này với cảnh sát cũng vô nghĩa như học trò tiểu học báo cáo mất cây bút chì.

    Ngày 30 tháng 11, một hôm trước hạn chót của lệnh cưỡng chế phá hủy, tôi viết một thỉnh nguyện thư gửi cho tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào, và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, và đem lên mạng xã hội Sina Weibo, tương đương với mạng Twitter của Trung Quốc, hối thúc chấm dứt trò chơi mèo-vờn-chuột đối với những người dân nhà cửa của họ sắp bị phá hủy. Tôi biết lá thư sẽ không tới tay những người nhận, nhưng tôi hy vọng nó sẽ gây chú ý đủ để áp lực nhà cầm quyền địa phương tránh đổ máu trong vụ cưỡng chế phá hủy.

    Lá thư của tôi được post lại trên nhiều mạng và hầu như tức thì lan ra khắp nước. Nhưng nó không gây nhiều ảnh hưởng ngoài một cơn gió thoảng.

    Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 2 tháng 12, một nhóm người đồng phục cả nam lẫn nữ đội mũ sắt đột nhập vào nhà người láng giềng của tôi qua cửa sổ. Sau khi nói với toán đột nhập là ông chống lại lệnh cưỡng chế, người láng giềng của tôi bị bắt đi và tống giam. Một vài thứ đồ gỗ lớn được khiêng ra ngoài và nhà ông ta bị ủi sập. Sau đó ông nhớ lại là trong khi ông bị bắt đi vào sáng hôm ấy, ông nhìn thấy hơn 200 người, tất cả đều mặc đồng phục và đội mũ sắt, vây quanh nhà ông.

    Vào tháng 12, cuối cùng hơn 30 gia đình đã bị buộc phải đồng ý cho phá hủy. Điều này chấm dứt cái năm 2011 đen tối của tôi. Kinh nghiệm này khiến tôi nhận ra rằng trong thực tế, nhân phẩm của một công dân và một nhà văn chẳng có gì đáng kể hơn là một con chó đói phải nài xin chủ về miếng ăn; trên thực tế, quyền của một công dân có thể thực sự hưởng thụ chẳng hơn gì không khí một người có thể nắm trong tay.

    Tôi muốn khóc. Thỉnh thoảng tôi cho rằng sẽ là một đặc ân lớn lao nếu có thể khóc thật to tại Quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm Bắc Kinh.

    Dân chúng sống như những con chó trong xã hội này. Tôi mơ có thể sủa vang trong những cuốn sách của tôi, và có thể biến tiếng sủa thành khúc nhạc hay. Cuộc đời lạ lùng này và giấc mơ lạ lùng này giúp tôi sống, và thỉnh thoảng còn cho tôi tự tin. Cùng lúc, tôi thất vọng triền miên.

    Chán nản cùng cực, tôi mong được bỏ lại Bắc Kinh đen tối của năm 2011 ở phía sau để về quê. Tôi mong một cuộc đời mới vào năm 2012 – một cuộc đời mới ở quê tôi, với mẹ tôi, với họ hàng của tôi, để sự đơn sơ nồng ấm của họ làm tan đi nỗi lạnh lùng, lo lắng và sợ hãi đã bao phủ tôi trong đường hầm đen tối của năm 2011.






    Tôi về quê. Trong 10 ngày, tôi dành tất cả thời gian với bà mẹ tám chục tuổi của tôi, với anh tôi, chị dâu và các cháu tại quê nhà ở huyện Tung, phía Tây tỉnh Hà Nam. Chúng tôi kể chuyện quá khứ, nói đùa, và chơi mà chược. Không một lời nào đề cập tới chuyện viết lách hay những việc không vui của tôi. Cứ như là tất cả chúng tôi đã có cuộc sống hoàn hảo.

    Tất cả những gì tôi có thể nhìn là ánh sáng mặt trời. Tất cả những gì tôi có thể cảm thấy là tình yêu của thân tộc. Trong 10 ngày, chúng tôi ngồi trước TV. Chúng tôi xem những trường kịch vớ vẩn, và Hội Xuân trên CCTV. Chương trình TV không có gì đặc sắc, nhưng tình yêu gia đình đẩy lui những tối tăm của năm 2011. Tôi cảm thấy yên tâm.

    Vào tối giao thừa của Tết Âm Lịch, gia đình tôi cùng nhau ăn bữa bánh hấp truyền thống. Mẹ cho tôi một phần cái bánh của bà đề bầy tỏ bà thương tôi. Vài mớ tóc trắng rủ xuống khuôn mặt rạng rỡ niềm vui.
    • “Nước ta bây giờ giầu rồi. Thật tuyệt diệu!” bà nói.
      “Chúng ta bây giờ đã có bánh hấp nhồi thịt, ăn thường như ăn cỏ dại khi chúng ta còn nghèo.”

    Ông anh cả của tôi từng là một nhân viên bưu điện, cả đời đi phát thư bằng xe đạp. Bây giờ ông nghỉ hưu và lái chiếc xe hơi tôi mua bằng tiền bản quyền bán sách.
    • “Tại sao người ta ghét chính quyền?” ông hỏi tôi trong khi lái xe đi thăm một người họ hàng ở ngôi làng hẻo lánh trên núi.
      “Cuộc sống của chúng ta đang tốt đẹp. Như vậy không đủ sao?”

    Hai bà chị tôi là nông dân. Họ thích vở trường kịch về ông hoàng đế triều Thanh anh minh đã đối xử tốt với thần dân. Các bà ấy muốn tôi viết một vở trường kịch như vậy để nổi tiếng và làm giầu. Chỉ cần một trường kịch thành công, là cả họ tràn ngập vinh quang, các bà ấy nói như vậy.

    Tôi không biết gia đình tôi có thực sự tin vào những điều như vậy không, hay họ chỉ cố gắng để an ủi tôi. Tôi không biết những của cải mới đạt được có làm cho người Trung Quốc thực sự tin rằng những quần áo ấm và cái bụng no quan trọng hơn là những quyền và nhân phẩm. Hay họ luôn tin rằng một đĩa bánh hấp và một chút tiền trong túi thực dụng hơn là những quyền và nhân phẩm?

    Tôi đã không hỏi và tôi thực sự không muốn đào sâu vào chuyện này, vì tôi biết rằng không có câu trả lời rõ ràng. Về phần tôi, tôi thà giữ được nhân phẩm ngay cả khi chết đói. Sự tin tưởng này có trong máu tôi. Điều này đáng lẽ phải là tiêu chí cho mọi người có học, nhưng đối với nhiều người ở Trung Quốc hiện nay, nó chỉ là lời nói vô nghĩa. Tại sao tôi ca cẩm? Nếu ngay cả những người có học chọn miếng ăn và tiền của hơn nhân phẩm, làm sao có thể chỉ trích những người bà con ít học của tôi?

    Ngày Mùng Sáu Tết là ngày tốt để xuất hành. Đã đến lúc ra đi. Tất cả họ hàng tôi đến để chào từ biệt. Mẹ tôi khóc như thường lệ vào dịp này. Bà giữ im lặng cho tới phút chót.
    • “Làm bạn với những người có quyền thế,” bà nói nhỏ vào tai tôi.
      “Đừng làm điều gì khiến họ bực mình.”

    Anh tôi gửi cho tôi lời nhắn sau khi tôi ra đi.
    • “Tôi đã không nói điều này với chú vì đó là ngày tết. Nên nhớ: Không bao giờ làm bất cứ điều gì mất lòng chính quyền, bất cứ điều gì.”

    Cháu tôi đi theo cho đến lối vào xa lộ, rồi dè dặt nói với tôi:
    • “Mẹ cháu bảo cháu nói với cậu: Hãy giữ gìn sức khỏe.
      Đừng viết nhiều, và nếu thực sự cần phải viết, thì chỉ nên viết những gì ca tụng chính quyền và đất nước.
      Đừng trở thành xuẩn động với tuổi già.”

    Tôi gật đầu.
    • “Cháu về nói với bà, bác và má: Đừng lo cho cậu. Cậu không sao đâu. Chuyện viết lách của cậu vẫn tốt đẹp. Cậu đang làm ăn khá. Ngoài chuyện có thêm mấy vết nhăn và tóc bạc, sẽ chẳng có gì tệ hại xẩy ra cho cậu.” Tôi lái xe đi.

    Trong khi lái xe, nước mắt tự nhiên tràn xuống mặt tôi, chẳng có lý do gì rõ ràng cả. Tôi chỉ muốn khóc. Phải chăng khóc cho má tôi, cho anh tôi, cho họ hàng tôi và những người xa lạ đã quên nhân phẩm của mình chừng nào có đủ miếng ăn? Hay cho những người như tôi vốn tôn thờ những quyền và nhân phẩm nhưng sống cuộc đời như một chó hoang? Tôi không biết. Tôi chỉ muốn khóc thật to.

    Tôi táp vào bên đường để cho nước mắt chảy dài – xuống mặt tôi và trong tim tôi. Sau một lúc lâu, sau khi nước mắt đã khô, tôi cho xe chạy trở lại. Tôi trên đường trở lại Bắc Kinh, hổn hển và lo âu, giống như một con chó hoang lạc lõng trong một đường hầm tối.


    Diêm Liên Khoa




    https://damau.org/24509/nam-cua-cho-hoang
              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”