Một thứ tự do hoang dại

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Một thứ tự do hoang dại

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Một thứ tự do hoang dại
    __________________________________
    18/12/2018

              

              




    Lần đầu lên Đà Lạt, tôi được nghe kể là người Pháp trước kia đề ra những quy chế rất gắt gao cho việc xây dựng các biệt thự ở đây. Ví dụ, phải có diện tích đất bao nhiêu mới được làm nhà; còn về kiểu cách, trong khi bắt buộc mỗi nhà phải khác các nhà chung quanh (để tạo cảm giác độc đáo), thì anh lại vẫn phải kết hợp với cảnh quan sẵn có một cách nhịp nhàng. Nhìn Đà Lạt hồi trước, ai cũng thấy là không chỉ có nhiều nhà đẹp mà thú vị hơn là cả một thành phố đẹp.

    Còn như các khu phố mới được xây dựng ở các đô thị thời nay thì hoàn toàn ngược lại. Rất nhiều quy định chung chung, nhưng những quy định quan trọng nhất liên quan đến việc đóng góp của ngôi nhà vào vẻ đẹp của thành phố lại không có, bởi không ai có ý niệm gì về vấn đề này. Không thiếu nhà đẹp, từng cái rất đẹp, nhưng toàn bộ lại xấu.



    Ở Hà Nội hiện nay có những căn nhà chiều ngang mỏng dính, rồi những căn nhà học đòi kiểu cách nước ngoài trông thật kỳ cục, đến mức một nhà báo đã phải trương lên cái tiêu đề cho một bài báo: Eo ôi Hà Nội phố! (nhại tên bài hát “Em ơi Hà Nội phố” của Phú Quang).

    Hỏi các chủ nhà thì cái câu trả lời thường nhận được là:
    • “Nhưng mà tôi thích vậy”.

    Quá lên một chút nữa, người ta lại giở giọng
    • “Tùy tôi muốn sống thế nào thì sống, không ai được dí mũi vào việc riêng của tôi cả”.



    • Vừa phóng xe vừa hút thuốc.
    • Vào rạp chiếu phim vẫn nói điện thoại di động oang oang.
    • Phô bày những cái xấu xa ngay giữa nơi công cộng.
    • Xả rác ngay dưới chân cái bàn ngồi ăn.
    • Đánh vợ chửi con ầm ĩ hàng xóm láng giềng.
    • Hành hạ ô sin lấy cớ tôi đã thuê mướn thì dày vò thế nào cũng phải chịu…
    Cái khác của người thời nay so với thời xưa là làm những trò ngang ngược ấy một cách trâng tráo. Người ta viện dẫn cái gì chưa có luật cấm thì cứ làm. Đến lúc có luật cấm – như chuyện hút thuốc thời nay – thì lại bảo quen nết rồi bỏ sao nổi.

    Một nét thời đại nữa là trong đầu óc những người làm cái việc hơn đời ấy luôn có sẵn một mớ lý sự để sẵn sàng bảo vệ cho cách sống của mình. Họ vận dụng một khái niệm triết học – tự do để giải thích. Nghe có lý quá!

    Mang sách ra mà tra, thường tôi thấy những cuốn phổ thông nhất cũng đã ghi cái ý
    • tự do là không bị ràng buộc gì hết,
      tự do là để con người làm theo ý muốn.

    Chỉ có điều nếu đọc kỹ hơn thì thấy khi bàn về tự do, các nhà xã hội học đã lưu ý ngay là không được đẩy nó lên cực đoan.
    1. Thứ nhất, do con người sống trong xã hội nên cái đi kèm với tự do là sự kiểm soát xã hội.
      Tự do của người này không thể cản trở tự do của người khác. Nói “điều kiện đầu tiên để có tự do là tự do phải bị hạn chế” là với nghĩa đó.
                
    2. Thứ hai, tự do ở đây phải có tính nhân văn,
      với nghĩa con người chỉ có quyền tự do để sống cận nhân tình hơn, tốt đẹp hơn chứ không phải để hư hỏng, xấu xa đi.


    Theo một nhà triết học Trung Quốc cận đại là Lương Khải Siêu, thứ tự do bừa bãi kia nên gọi là tự do hoang dại, và đó là dấu hiệu của một xã hội phát triển thấp. Ông và các đồng sự như Nghiêm Phục đã băn khoăn mãi khi tìm một chữ gì trong tiếng Hán để tương ứng với chữ liberty trong tiếng Anh. Tính toán mãi các ông đành dùng chữ tự do.

    Theo nghĩa đen, tự do nghĩa là
    • từ mình mà ra
      đồng thời là trở về với mình.

    Nhưng mà con người ta phải là cái gì trí tuệ, hiểu biết, tự làm chủ được mình thì mới có quyền trở về mình chứ? Để cho thứ tự do hoang dại kia lôi cuốn là làm rối loạn xã hội!

    Chính vì hiểu thế, Lương đặt vấn đề là các nhà quản lý xã hội không chỉ thân dân, gần gũi dân mà còn phải tân dân, làm cho dân ngày một tốt hơn.




    Ngoài nghĩa thông thường, tự do còn là một phạm trù thu hút không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà triết học.

    Như tên gọi của nó đã chỉ rõ, Bàn về tự do của John Stuart Mill in năm 1859 – nhà xuất bản Tri thức đã cho in bản dịch – là cuốn sách kinh điển viết về khái niệm này, ở đó tác giả bàn kỹ về ý nghĩa xã hội của tự do như tự do tư tưởng, tự do về đời sống tinh thần. Những ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề phải có quyền tồn tại ngang nhau, không ai được lấy cớ gì để ngăn cấm.



    Những khía cạnh đó cũng đang thành chuyện thời sự ở ta. Cái khó là ở chỗ
    • trong khi thứ tự do theo nghĩa thiêng liêng đang là chuyện mỗi người hiểu một cách và phải gỡ dần dần,
    • thì ý niệm tự do theo nghĩa phàm tục lại chiếm lĩnh tâm trí nhiều người.

    Tầm thường dung tục trong quan niệm và học đòi những cái nhố nhăng, những hành xử kiểu đó kéo người ta thấp xuống. Nó chỉ làm cho một xã hội trở nên nhộn nhạo thậm chí đầy tai vạ, chứ không phải là dấu hiệu của một khao khát tự do nào hết. Nó đóng vai trò một thứ van xì hơi, giúp người ta xả bớt những bức xúc trong lòng nhưng lại làm lãng quên cái quyền tự do cơ bản là tự do nâng cao chất nhân văn trong mỗi con người để mở đường đi tới xã hội văn minh.





    TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN TỰ DO HOANG DẠI

    Bác sĩ Zhivago trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của Boris Pasternak có lần nói với bạn gái:
    • “ Cô thử nghĩ xem cái thời đại chúng ta thật là lạ lùng. Và cô với tôi đang phải sống trong đó. Thật ngàn năm một thuở mới lại xẩy ra những chuyện điên rồ như thế này. Cô có thấy cả nước Nga như mất nóc — tôi và cô, tất cả những người như chúng ta đang sống ngoài trời. Không còn ai kiểm soát chúng ta. Tự do ! Đúng là tự do thực chứ không phải những lời rỗng tuếch, nhưng đó là một thứ tự do ngoài mọi sự chờ đợi của chúng ta, tự do vì tình cờ vì ngộ nhận.”

    Tôi ngờ rằng lẽ ra ở đây, tác giả muốn viết thêm …
    • ”tự do vô chính phủ, tự do làm khổ nhau hành hạ nhau.“

    Giá biết trước câu này, tôi sẽ dẫn vào bài Một thứ tự do hoang dại mới viết. Hóa ra ở đâu khái niệm tự do cũng là khó hiểu nhất!

    Từ những biến thiên kiểu ấy, nay nước Nga rơi vào tình cảnh thế nào? Có hai chi tiết đáng nhớ nhất từ các bài báo mà rải rác tôi đã đọc.
    • Một là về các vùng quê, thấy rất nhiều người đàn ông say rượu, có khi tất cả đàn ông trong làng say rượu. Còn đàn bà thì dạy nhau để làm sao bán được thân mình cho những người giầu có.
                
    • Và thứ hai, nếu ngày xưa, các phương tiện truyền thông chuyên môn đóng vai giảng đạo thì nay ngược lại. Xem ti-vi, dân không phải nghe dạy bảo là hãy sống như thế này thế nọ nữa. Trong khi tha hồ lê lết trong cực khổ, giờ đây họ toàn được nghe những điều họ muốn nghe, những lời nịnh nọt rằng nước Nga thuộc loại cường quốc dắt dẫn thế giới, người dân Nga đang sống cực kỳ hạnh phúc.




    ---
    Nhưng đấy còn là ở một dân tộc có niềm tin tôn giáo.

    Người bình dân VN trong quá khứ – và còn kéo dài cho đến hôm nay – cũng quen và rất thích thú thu hẹp khái niệm tự do vào nghĩa tự do hoang dại, nhưng thường bao hàm cái nghĩa chả có gì là nghiêm chỉnh cả. Câu tục ngữ sau tôi thường được nghe với tâm lý sảng khoái và vẻ mặt bất cần đời “thứ nhất quận công thứ nhì ỉa đồng”!




    Vương Trí Nhàn





    http://vietluan.com.au/mot-thu-tu-do-hoang-dai/
              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”