Những đứa con Trung-Học Trần Quí Cáp

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Những đứa con Trung-Học Trần Quí Cáp

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Những đứa con Trung-Học Trần Quí Cáp



    Hồi ký

    3 Kỳ- Kỳ 1



    Giữa thập niên 50 của thế kỷ 20, đậu vào Ðệ Thất Trung-Học Công Lập Trần Quí Cáp Hội-An là một thành tích xuất sắc đáng hãnh diện của một cậu học trò Quảng-Nam mới qua cấp tiểu học; vì Trần Quí Cáp là trường trung học lớn nhất và danh tiếng nhất của tỉnh. Năm đó, ước lượng, có gần hai ngàn thí sinh tranh nhau 170 chỗ, kể cả dự bị, dành cho bốn lớp Ðệ Thất Trần Quí Cáp. Tôi được ghi danh vào lớp Ðệ Thất 3 cùng với hơn 40 nam nữ sinh khác.Trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng, tôi cảm thấy mình lớn hẳn lên, và chững chạc hẳn ra. Ðời học trò, lên Ðệ Thất là bước vào một thế giới mới. Chân trời trước mặt rực rỡ, đầy hoa thơm cỏ lạ ngát hương, và thánh thót tiếng chim.

    Thời gian này, trường đang mở rộng cơ ngơi, hàng rào bê tông được dựng lên, cùng với cái cổng xi măng vững vàng sơn phết đàng hoàng. Tiếp đó là cái trụ cờ, và những sân bóng chuyền, bóng rổ nhanh chóng hình thành. Những hàng phượng vĩ đã bắt đầu cho bóng mát.

    Hai năm Ðệ Thất, Ðệ Lục chỉ là thời gian làm quen với nếp giáo dục mới, với chế độ học giờ, học với nhiều thầy giáo, thay vì chỉ có một thầy giáo. Chúng tôi biết học nhóm, và biết thế nào là hình phạt cấm túc. Trong hai năm này, thầy hiệu trưởng Tăng Dục, thường ghé lớp, kể cho chúng tôi nghe những thành tích vẻ vang của các đàn anh lớp trước. Thầy nói rằng nước nhà mới độc lập, đang cần bàn tay xây dựng của các công dân trẻ. Thầy mong muốn chúng tôi luôn luôn chăm chỉ học hành, để sau khi thành đạt, ra giúp nước, làm rạng danh cho trường.



    Thầy và trò Trung Học Trần Quí Cáp 1958 – Source: Cô Bạch Vân



    Với tôi, trường Trung-Học Trần Quí Cáp là ngọn đèn soi lối cho tôi ngày mới lớn. Tôi cảm thấy vô cùng yên tâm dưới sự che chở của những bàn tay trìu mến bao dung, đang dẫn dắt tôi. Làm sao tôi có thể quên những người suốt đời tận tụy vun xới cho tương lai của đất nước như cô Luyện, cô Nguyên, cô Huỳnh Tân, thầy Kiệm, thầy Nhâm, thầy Tước, thầy Phan Khôi, thầy Tống Khuyến, thầy Hoàng Trung, thầy Dương Ðức Nhự…

    Qua giờ học đầu tiên với cô Luyện, tôi mới hiểu phải tốn bao nhiêu công sức bỏ ra từ khi hạt mạ gieo xuống, cho tới lúc chúng ta có bát cơm ăn mỗi ngày. Vào giờ Pháp Văn tôi cứ tưởng tượng như được thầy Tống Khuyến dẫn đi thăm công viên Luxembourg ngắm lá đổ chiều Thu, leo lên tầng gác chót của tháp thép Eiffel soi bóng nước sông Seine giữa Paris, hay lênh đênh trên giòng Danube vào những đêm lung linh trăng sáng.

    Mặt khác, với những hiểu biết sâu xa về lịch sử Việt-Nam và thế giới qua mọi thời đại, thầy Phan Khôi đã nhóm ngọn lửa yêu nước trong lòng tôi cùng với giấc mộng làm một viên tướng tiên phong xua quân chinh phạt giặc Tầu. Tôi từng mơ có ngày hạ trại, đóng quân trên những pháo đài dọc dải Vạn Lý Trường Thành. Tôi cũng ước ao một cuộc ra khơi vượt Ðịa-Trung-Hải tới thành Trois, tìm vết tích con ngựa gỗ và viếng ngôi mộ của người anh hùng Hector.

    Cô giáo Huỳnh Tân đã bắt chúng tôi tập đi tập lại nhuyễn nhừ bài “Au Claire de La Lune” ; đồng thời Thầy Tước cũng dạy chúng tôi bài “Red on The Sunset” khi lớp tôi vừa học xong cách phát âm hai mươi sáu chữ cái trong Anh Ngữ. Chỉ với hai bài hát ngắn tiếng Pháp, tiếng Anh này, cũng khiến mặt tôi vênh lên “lấy le” với đám con nít xóm Hồ-Sen, đa phần là các gia đình Bảo An Ðoàn Bắc-Kỳ Di Cư. Năm mươi năm sau, hai bài hát này tôi vẫn còn nhớ.

    Lên tới Ðệ Ngũ chúng tôi thành ma cũ. Vào năm này, chúng tôi sang tuổi trổ mã, áo quần cứ ngắn và chật hẳn đi. Phong trào rèn luyện thể chất của lực sĩ đẹp Nguyễn Công Án đang lên. Những bộ ngực kiến càng của anh Cẩn, Bảo An Ðoàn, và anh Bính Trưởng Ty Thanh Niên, đã trở thành những bộ ngực lý tưởng của lớp nam sinh. Chiều nào tôi và bạn bè cũng tới tập tạ trong trụ sở Thanh Niên Cộng Hòa đối diện Trường Trung Học Diên-Hồng. Những võ sĩ tên tuổi như Văn Ðại, Minh Cảnh, Ðặng Bốn, Võ Long Châu thỉnh thoảng lại về Hội-An giao đấu biểu diễn. Nhiều lò Thiếu Lâm, Võ Ta, Nhu Ðạo, Quyền Anh, mọc lên dưới Sơn-Phong, trên Chùa Cầu, ngoài Nhà Thờ.

    Chúng tôi bắt đầu được chấm chọn vào đội túc cầu của trường để đem chuông đi đánh xứ người, trong Tam-Kỳ hay ngoài Ðà-Nẵng. Lớp Ðệ Ngũ 3 có anh Trịnh Thành và anh Tâm Ðen là hai tiền đạo xuất sắc của đội túc cầu học sinh Hội-An.

    Ðội văn nghệ của trường tôi cũng xôm tụ lắm. Những giọng ca sáng giá thời đó phải kể là, Minh Thu, Ngô Rân, Khưu Vỹ Hoàn. Chị Giang người Bắc Di Cư, nhà ở trên Vĩnh-Ðiện được nhìn nhận như là kịch sĩ Kim-Cương của ngày mai. Thầy Nhâm vừa là ông bầu vừa là đạo diễn của ban nhạc Trần Quí Cáp.

    Ðệ Ngũ cũng là năm nhiều bạn hữu của tôi chập chững bước vào con đường tình. Vào lứa tuổi mười bốn, mười lăm, tình yêu là “cái bệnh hay lây”. Người “mắc bệnh” này thường ưu tư muộn phiền vô cớ. Từ đó, một ánh mắt, một nụ cười, một tiếng nói, cũng có thể trở thành kỷ niệm một đời. Mắc bệnh này cũng nguy hiểm lắm, bị đánh sưng mặt như chơi. Những kỷ niệm buồn vui thời trung học, nửa thế kỷ qua rồi, tôi vẫn chưa quên.

    Năm đó mùa Ðông về sớm, gió Bắc lạnh tái tê. Một tối, trước thềm chùa Âm-Bổn, tôi và Trần Ngọc Lợi, ngồi bên nhau, hút thuốc lá, chuyện gẫu chờ thằng Phùng Tiến và thằng Ngô Rân. Hai đứa bạn hút hết bốn điếu Ruby rồi mà hai thằng kia chưa tới.

    Bỗng đâu, từ hướng phố, trên đầu dốc, xuất hiện hai chiếc xe đạp. Xe lạng một cái vèo, đậu ngay giữa sân. Một trong hai kỵ sĩ áo đen, chống nạnh hất hàm,

    – Ê! Sẵn sàng chưa? Thằng Tiến đâu?

    Tôi chưa hiểu chuyện gì, thì Lợi đã mau mắn trả lời,

    – Lúc nào cũng sẵn sàng! Thằng Tiến chưa tới.

    Nhờ ánh điện đầu đường mờ mờ, tôi nhận ra hai người bận đồ đen này là Lưu Lương Cơ và Nguyễn Ðức Tâm, hai anh này học trên chúng tôi hai lớp. Họ là hai tay Huyền Ðai Nhu Ðạo có hạng của Hội-An.

    Anh Tâm nhanh nhảu,

    – Ðể khi khác tụi này hỏi tội thằng Tiến. Bây giờ thì hai chọi hai. “Moi” với “Toi” chơi trước.

    Lợi quay qua tôi căn dặn, trước khi bước ra sân,

    – Mi lược trận cho tau, nếu thằng Cơ can thiệp, thì chận nó lại.

    Bước ra giữa sân, võ sĩ Nguyễn Ðức Tâm xuống tấn, chân trái trước, chân phải sau, hai tay xoè song song giơ ra phía trước trong một thế Judo căn bản. Anh Tâm đang chờ địch thủ xông vào để ném địch thủ xuống nền đá dưới chân.

    Võ sĩ Trần Ngọc Lợi, học trò ruột của Thầy Năm Sửu thì tạ mình xuống thấp, chân duỗi chân co, sẵn sàng một đường Thiếu-Lâm. Dáng dấp của Lợi như một chàng Sơn-Ðông mãi võ sắp đi quyền.

    Thoáng một cái, Trần Ngọc Lợi xoay người, đá dứ chân trái, trước mặt Tâm. Ðôi tay của Nguyễn Ðức Tâm chưa kịp tóm bàn chân đối thủ, thì nhanh như chớp Trần Ngọc Lợi đã xoay người quạt một cú đá tạt bằng gót phải trúng vai Tâm.

    Bị cú đá bất ngờ khá mạnh trúng sau vai trái, Tâm chưa kịp lấy lại thế quân bình thì Lợi tiếp một ngọn cước cũng bằng chân phải móc ngược lên, nhắm cằm của Tâm. Cú đá này nhanh và sắc như một nhát cuốc chỉ thiên. Phải là tay Judo bản lãnh lắm, Tâm mới kịp ưỡn người ra sau để tránh. Cằm anh chỉ cách lưỡi cuốc vài phân.

    Sau đó, nhanh không kém, lợi dụng lúc Trần Ngọc Lợi chỉ còn trụ trên một chân, Nguyễn Ðức Tâm xoay người lòn ra sau lưng Lợi. Tâm nhập nội, hai tay túm được vai áo của đối thủ. Anh nghiêng người, kê hông phải làm đòn bẩy, nâng Lợi lên sau vai…

    Tôi thót tim. Chắc phen này thằng bạn chí cốt của tôi sẽ bị quật giãy “đành… đạch!…” trên nền đá sân chùa, như con cá lóc bị người ta đập đầu làm thịt!

    Ai dè, Tâm chưa kịp quật Lợi xuống đất thì cái cùi trái của Lợi đã vèo tới cằm anh. Ðể tránh bị vỡ hàm, Tâm đành buông Lợi ra. Sức nặng của Lợi lơi ra làm cho Tâm mất thăng bằng.

    Ðúng là bên tám lạng, bên nửa cân! Cặp này biểu diễn còn hấp dẫn hơn cặp võ sĩ nhà nghề Ðặng Bốn “Ðầu Tàu Xe Lửa Phan-Rang” và Minh Cảnh “Ðôi Găng Vàng Thủ-Ðô” vừa diễn ra trước đây một tháng tại sân quần vợt tỉnh, nhân dịp Linh Mục Nguyễn Văn Vàng du thuyết đề tài “Tuổi Trẻ và Quê Hương”

    Ðứng ngoài, tôi và Lưu Lương Cơ hứng chí vỗ tay “đồm độp!” tán thưởng.

    Chưa xong! Trong lúc Nguyễn Ðức Tâm bị trượt chân, còn đang chao đảo, thì ngọn cước chân trái của Trần Ngọc Lợi lại tới. Dân Thiếu-Lâm có những cú đá vô cùng lợi hại,

    “Bốp!”

    Ngọn cước trúng hạ bộ của địch thủ. Người bị đòn vào “chỗ đó”, đau quá, nhảy tưng tưng, hai tay ôm “ngã ba”, mặt nhăn nhó, miệng rên “ư!…ư!…ư!…”

    – Ngưng ngay! Ngưng ngay! Ðề nghị ngưng ngay!

    Lưu Lương Cơ thấy bạn trúng thương khá nặng, bèn đề nghị ngừng trận đấu.

    Tôi hỏi anh Cơ,

    – Thế nào? Tôi và anh sao đây?

    Anh Cơ xua tay,

    – Hẹn dịp khác!

    Lợi gật đầu,

    – Chờ kỳ tới, có thằng Tiến.

    Thì ra, hôm ấy hai anh Tâm, Cơ đã bỏ công đạp xe khắp nơi để truy lùng thằng Phùng Tiến, để cho nó một trận đòn, chỉ vì nó đã mắc tội “dám yêu” nàng Minh Nguyệt. Cô bé Nguyễn Thị Minh Nguyệt là em gái anh Nguyễn Ðức Tâm. Minh Nguyệt học dưới chúng tôi một lớp, có dáng người thanh thanh như liễu rũ, có màu mắt đẹp như nước hồ thu. Tôi chẳng rõ Minh Nguyệt có nhỏ chút xót thương nào cho cái cây si đang héo hon sau ngõ nhà nàng không? Nhưng chỉ vì cái bịnh yêu của thằng Tiến mà bạn bè của nó bị vạ lây. Thực ra tôi và thằng Lợi chẳng có ân oán, nợ nần gì với anh Tâm cả.

    Hai cặp Lợi-Long, Tâm-Cơ bắt tay nhau, lòng không chút hận thù.

    Nhị vị đàn anh Trần Quí Cáp phóc lên xe. Ðêm yên tĩnh lại trở về.

    “Cậu Long ơi! Từ lần sau, các cậu có dợt võ thì vào sân sau chùa. Dợt ngoài này, lỡ gặp mấy ông Cảnh Sát đi tuần, mấy ổng rầy la đó!”

    Có tiếng nói phát ra từ một bóng người trong đêm tối, nơi cửa hông. Ðó là tiếng ông từ giữ chùa. Ông từ vừa có ý kiến với “Cậu Long”.

    Trong xóm này “Cậu Long” cũng có uy tín lắm, vì tôi được tiếng là chăm học, chăm làm. Tôi là học trò duy nhứt có học bổng trong số rất đông học trò cư ngụ từ khu Trường Diên-Hồng tới Ðế-Võng, Sơn-Phong. Trừ ba tháng nghỉ Hè, mỗi tháng trong niên khóa, tôi được chính phủ trợ cấp 200 đồng. Thời này anh tân binh quân dịch lãnh lương tháng vỏn vẹn có 120 đồng thôi. Phụ huynh học sinh Bắc Kỳ Di Cư xóm chùa Âm-Bổn thường đem tôi ra làm cái gương tốt cho con em của họ.



    Cô Bạch Vân đứng thứ 3 (hàng đầu) từ phải qua- Source: Cô Bạch Vân


    o O o



    Trong trường Trần Quí Cáp và lớp Pháp Văn của ông Quận Ðĩnh, tôi có nhiều nhóm bạn riêng. Ngay trong lớp Ðệ Ngũ 3 này, bạn trai của tôi có hai, ba nhóm. Nhóm bạn văn nghệ, văn gừng là Trần Ngọc Lợi, Ngô Rân, Lê Hữu Mục, Lê Văn Bảy, Phùng Tiến. Nhóm bạn áo rách, nhà nghèo là Nguyễn Ðình Liếu, Phan Minh Ðông, Nguyễn Văn Ðang, Nguyễn Ðác. Nhóm Bắc Kỳ Di Cư có Vũ Văn Bằng, Nguyễn Hữu Hạnh, Trần Quế Chính…

    Bạn gái của tôi cũng có hai phe, mức độ thân thiết và xưng hô khác nhau. Phe thứ nhứt gồm chị Lê Thị Kim Tư, Trần Thị Diệu Hồng, Ngô Thị Xuân Lan, Võ Thị Quý, thêm một bạn trai là Vũ Ðức Phụng. Ngoài chị Lê Thị Kim Tư, chúng tôi kêu bằng “chị” và xưng tên, số còn lại chúng tôi gọi nhau là “mi” và xưng “tau”. Sau này, lên đệ nhị cấp, chúng tôi tan đàn, xẻ nghé, nhưng mỗi lần gặp nhau, kể cả khi đã có vợ có chồng, chúng tôi vẫn “mi …mi…tau…tau…”

    Nhóm bạn gái thứ nhì của tôi gồm hai cô ở sát nhà nhau là Tô Thị Vân và Nguyễn Thị Nguyệt Thu. Có một thời gian bạn bè trong lớp tưởng rằng người đẹp xứ Huế, sắc nước hương trời Nguyễn Thị Nguyệt Thu có tình ý với tôi. Vì mỗi khi làm xong một bài thơ mới, Nguyệt Thu đều đưa cho tôi xem để tôi cho ý kiến. Và đôi lần, Nguyệt Thu đi học, đem theo trên tay vài bông hồng còn ướt sương đêm mà nàng vừa cắt sau nhà để tặng cho Anh Vọi.

    Cho tới một hôm, tôi tới nhà thăm Nguyệt Thu, tôi gặp bác Hàm, thân phụ của Nguyệt Thu. Khi tiếp chuyện với bác, tôi thấy ý bác không muốn chúng tôi thân thiết nhau. Từ đó, tôi không ghé nhà Nguyệt Thu nữa. Năm sau, gia đình bác Hàm chuyển nhà ra Huế. Chúng tôi không còn liên lạc với nhau.

    Nhà họ Tô có ba cô con gái. Cô nào cũng đẹp và duyên dáng. Chị Tô Thị Hồng ít khi xuất hiện. Tô Thị Vân học chung lớp với tôi. Tô Thị Lan học thua tôi một lớp. Chị Vân cũng là một “thùng thư”, có nhiều anh trong lớp bỏ thư cho chị lắm.

    Năm Ðệ Ngũ tôi còn một lô bạn học chung lớp Pháp Văn nhà lá của ông Quận Ðĩnh ở Hồ Sen. Tôi được Bác Ðĩnh cho học không phải đóng tiền. Ðáp lại, tôi đã rủ rê, chiêu dụ được khá đông học sinh mới cho Bác Ðĩnh.

    Từ ngôi “Trường Tây” đèn dầu xóm nhỏ này, tôi đã quen thêm nhiều bạn mới.

    Một hôm, tan lớp tối, có một đoàn nữ binh kéo nhau tới cổng nhà tôi.

    Mẹ tôi gọi,

    – Long ơi! Có khách.

    Tôi ra tiếp khách. Khách chẳng chịu bước vào nhà, mà cứ líu lo dưới gốc cây đu đủ trước sân. Khách vớ vẩn đôi câu hỏi thăm sức khoẻ chủ nhà. Rồi khách vội vàng kéo tay nhau, vừa đi, vừa chí choé. Vài phút sau, đoàn nữ binh đã ào lên xung phong tiến chiếm trọn vẹn hai cái bàn trống trong quán chè Bà Chỉ. Tiếng con gái tranh nhau lựa loại chè còn ồn ào hơn tiếng Nhà Máy Ðèn bên kia đường. Bà Chỉ cười, đưa bàn tay gầy guộc lên che miệng, miệng bà móm sọm.

    Khổ một điều, khách toàn là con gái, nên khi khách đi rồi, tôi bị chị Hảo, người hàng xóm, chọc quê,

    – Ðược nhiều người đẹp ghé thăm, Cậu Long đào hoa lắm nhe!

    Ba thằng nhỏ trong xóm, một đứa là con Trung Sĩ Tranh, Bảo An Ðoàn cũng phụ hoạ,

    – Anh Long có bồ! Anh Long có bồ! Lêu!… Lêu!.. Anh Long!… Lêu!…Lêu!…

    Rồi một tối sáng trăng, tôi lại vướng vào một vụ rắc rối khác.

    Chúng tôi ba đứa Long, Rân, Mục đang tản bộ nơi ngã ba Ty Thông Tin thì đụng đầu toán yêng hùng Lò Heo.

    Bốn tay hảo hán chặn đường ba đứa chúng tôi lại,

    – Thằng Rân có ngon thì bước ra đi!

    (còn tiếp )


Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Những đứa con Trung-Học Trần Quí Cáp

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Kỳ 2



    Chúng tôi ba đứa Long, Rân, Mục đang tản bộ nơi ngã ba Ty Thông Tin thì đụng đầu toán yêng hùng Lò Heo.

    Bốn tay hảo hán chặn đường ba đứa chúng tôi lại,

    – Thằng Rân có ngon thì bước ra đi!

    Ông nội Ngô Rân lui ra phía sau, xô tôi tới trước,

    – Hôm nay tau nhức đầu, mày thay thế tau một trận.

    Người gọi tên Ngô Rân thách đấu là anh Mãnh, một dân chơi xóm Lò Heo. Tôi và anh Mãnh đã có dịp đọ sức một lần, lâu rồi, ở sân sau Trường Nam. Nguyên nhân cũng chỉ vì anh Ngô Rân cứ đảo qua đảo lại trước nhà một cô đẹp đẹp nào đó gần nhà anh Mãnh. Anh Mãnh thấy ghét cái bộ dạng của Ngô Rân, nên thách Ngô Rân đấu tay đôi sau sân trường Nam Tiểu Học. Tới hẹn, Rân bị nhức đầu, nhờ tôi đánh thay. Lần đó tôi đang lấn điểm thì ông phu trường xuất hiện. Ông cầm cây, rượt tụi tôi chạy vắt giò lên cổ. Anh Mãnh có nhắn rằng, sẽ gặp lại Ngô Rân, mặc dầu sau đó Ngô Rân không dám bén mảng tới khu phố có nhà chị Quế.

    Tự dưng bị bạn đưa ra làm lá chắn, nhưng tôi vẫn thản nhiên,

    – Tôi đại diện cho thằng Rân tiếp anh.

    Anh Mãnh nhanh nhảu,

    – Thôi thì tiện đây mình giải quyết món nợ cũ cho xong.

    Tay chân vung lên, hai đứa đánh toàn là đòn độc. Cuộc chiến diễn ra giữa phố. Anh Mãnh cao hơn tôi một cái đầu, vì thế tôi cố tiến sát địch, đánh cận chiến. Tôi gồng mình chịu ba bốn cú thôi sơn vào ngực, vào hông. Nhưng rồi tôi đã thành công với hai phát chém bằng sống tay trúng ngay mặt địch thủ. Chắc mũi địch thủ của tôi phải xẹp lép vì hai cú chém này. Tôi nhấn thêm một bước cho gần địch thủ hơn. Tôi vung chân phải lên, ngáng cẳng sau của địch, đồng thời bàn tay phải tận lực đẩy ngay cằm anh ta. Nếu trúng đòn này, một con bò cũng phải té bật ngửa.



    Năm cô giáo của trường Trần Quí Cáp năm 1958 – nguồn Cô Bạch Vân



    Nhưng anh Mãnh quả là tay bản lãnh rất cao. Anh ta xoay nhanh theo chiều kim đồng hồ, tay trái đấm một phát chí tử trúng ngay cằm tôi.

    “Bốp!”

    Lãnh cú đòn này, hai mắt tôi nổ đom đóm, hai tai kêu lùng bùng. Tôi nghiến răng, liều mạng, dùng đầu làm vũ khí, húc ngược lên.

    “Cốp!”

    Ðỉnh đầu tôi chạm cằm của anh Mãnh rất mạnh. Anh ta lảo đảo. Tôi nhào vào kẻ địch, vật nó xuống. Hai đứa quấn vào nhau, lên gối lia lịa…’Hự!… Hự!…” Hai đấu thủ lăn lộn giữa đường phố. Một lúc sau, thì bốn cánh tay khóa chặt, chân mỏi nhừ, chẳng đứa nào đánh thêm được cú nào nữa, đành nằm ôm nhau thở phì phò…

    Lúc tôi đang nằm dưới, Mãnh đè phía trên thì nghe tiếng con gái la rối rít,

    “Cảnh Sát! Cảnh Sát tới!”

    Một ông cò cầm dùi cui xuất hiện,

    – Ê! Hai thằng kia, ngừng lại!

    Nghe tiếng ông cò nạt, Mãnh buông tôi ra. Tôi vội nhoài người, đứng dậy.

    Ông Cảnh Sát quất cho mỗi đứa một dùi cui vào mông đít,

    – Ði về! Lớn rồi còn đánh lộn hả?

    Một đám học trò con gái bu lại. Có mấy đứa cùng lớp tôi, đang chí chóe với nhau. Có đứa lấy dầu cù là bôi lên cằm tôi, chỗ vừa bị đấm. Tôi nghe tiếng Võ Thị Quý,

    “Cứa thèng Lang quỷ sứ nài cứ đi đắn lộộn hùa!” (Cái thằng Long quỷ sứ này cứ đi đánh lộn hoài!)

    Hôm sau, vào lớp, chị Kim Tư cằn nhằn,

    -Long!Lớn rồi, đừng đánh lộn nữa nhé!

    Tôi bẽn lẽn, trả lời chị,

    – Vâng, từ nay Long không đánh lộn nữa. À mà ai mách cho chị chuyện này vậy?

    – Quý chứ ai! Quý, Xuân Lan, Diệu Hồng, đi học Pháp Văn về. Thấy Long đang đánh nhau, tụi nó dừng lại coi. Xuân Lan nó bôi dầu lên chỗ đau cho Long, không nhớ sao?

    Tôi có nhớ gì đâu? Tôi chỉ ậm ừ.

    Võ Thị Quý chõ miệng vào,

    – Mắc cỡ! Ðánh lộn bị thua, nằm dưới. Nếu không có ba của Ngô Rân tới can thì bị một bữa ăn đòn đau rồi.

    Nghe Quý nói, tôi mới nhớ ra. Cái ông Cảnh Sát lùn tịt đó, thấy sao mà quen quá! Thì ra ông ấy là bố thằng Rân. Ðêm tối nhập nhoè, tôi không nhìn ra ông. Chắc ông già nhận ra tôi, nên chỉ phết cho một dùi cui rồi đuổi đi. Chứ nếu không, ổng túm về ty, giam cho một đêm, chắc là bị muỗi đốt cho khờ khạo.

    Nhìn cái miệng Võ Thị Quý cứ xoen xoét hài tội, tôi ức lắm, nhưng không làm gì được nó. Tôi đành rủa thầm:

    “Cái con khỉ này sao mà lắm mồm thế!”

    Tôi quay đi không thèm đôi co thêm với các cô này. Cũng từ đó, tôi chấm dứt các cuộc tỉ thí võ nghệ tay đôi. Và chuyện tình của thằng Tiến, thằng Rân chẳng còn dính dáng gì tới tôi nữa.

    Năm đó, cứ vào giờ thầy Tống Khuyến dạy Pháp Văn lớp Ðệ Ngũ 3, thì lớp Ðệ Tam được nghỉ. Những đàn anh “đứng đắn” thì túa ra sân bóng rổ luyện thể lực, hay lang thang trong sân trường tìm ý thơ. Những tay “ba nhe” thì cứ liệng qua liệng lại trước hiên các lớp dưới có con gái đẹp. Hai chữ “ba nhe” có nghĩa gì, tôi cũng chẳng biết. Thấy chúng bạn dùng danh từ này để chỉ những kẻ xấu, tôi cũng dùng theo.

    Chúng tôi thường xuyên bị những tay “ba nhe” lớp trên quấy rầy, chỉ vì lớp tôi cũng có vài cô dung nhan khá dễ thương. Bọn phá phách này cứ đi qua, đi lại ngoài hàng hiên, miệng oang oang như những cái loa Ty Thông Tin,

    “Lune d’automne!”…

    “Lune d’automne!”

    (Nguyệt Thu!… Nguyệt Thu!)

    “Nuage!”… “Nuage!”

    (Vân!… Vân!)

    Chúng tôi ngồi trong lớp mà cứ nhấp nhổm, muốn nhảy ra túm cổ bọn nhí nhô đấm vài phát cho bõ ghét. Chúng tôi gọi những tay quậy phá này là bọn “quái vật”.

    Một hôm, thầy Khuyến cất giọng, sai tôi,

    – Long! Nước cam cho thầy!

    Tôi biết là phải ra ngoài nhà ông phu trường mua giùm thầy chai nước cam. Thầy mà khô cổ, không có nước cam, thầy giảng bài không được.

    Vừa bước ra khỏi cửa, tôi đụng đầu ngay một đàn anh. Anh ta đang gân cổ gáy,

    “Lune d’au…”

    Tôi hét lên,

    – Con quái vật này! Ông đấm… (bể mõm bây giờ!)

    Tôi chưa la hết câu, thầy Khuyến đã thò đầu ra.

    Thầy cũng quát lớn,

    – Con quái vật kia, mi làm cái chi mà ồn ào rứa?

    Nghe tiếng thầy Khuyến hù, những cái loa Ty Thông Tin tắt ngấm. Ðám đàn anh của tôi chạy có cờ.

    Hôm đó các chị trong lớp ca tụng thầy Khuyến hết lời. Còn bọn con trai chúng tôi cũng gân cổ đổ đủ thứ tội lên đầu bọn nam sinh Ðệ Tam.

    Cái uy của thầy Tống Khuyến cũng hiệu lực được vài hôm, rồi đâu lại hoàn đấy. Cứ tới giờ Pháp Văn, chúng tôi lại nghe tiếng ma kêu, quỷ rú, từ gần ra xa, từ xa về gần “Lune d’automne!… Nuage!…”

    o O o

    Ðầu thập niên 60, đất nước lâm nguy, đám nam sinh Trần Quí Cáp hăng hái, “đứng lên đáp lời sông núi…” (Quốc Ca)

    Trước ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên bãi biển Sơn-Trà, Ðà-Nẵng, Trường Sĩ Quan Hải Quân đã mời gọi được những người trai yêu biển cả như Lưu Lương Cơ, Trần Văn Căn, Trần Quế Chính.

    Trường Sĩ Quan Không Quân cũng tuyển Nguyễn Hữu Hạnh và Vũ Văn Bằng ngay từ khi hai bạn này vừa xong Tú Tài I.

    Nghe đâu anh Mãnh xóm Tây Hồ cũng cùng vài người bạn, đã tòng quân, theo khóa Hạ Sĩ Quan, Nha-Trang.

    Tôi quen biết nhiều anh trong số những chàng trai đã cất cao khúc hát “Biệt Kinh Kỳ” thời đó, như Võ Văn Sung, Hoàng Công Thưởng, Trương Ðình Bảy, Khưu Vỹ Hoàn, Lê Hữu Mục, Lê Trung Bòng, Hồ Hùng, Ðỗ Bá …

    Một ngày, khi đứng trong đám tân binh của Quân Ðoàn I chuẩn bị lên xe lửa vào Ðà-Lạt nhập Khóa 20 Võ-Bị, tôi thấy anh Nguyễn Ðức Tâm đeo lon Thiếu úy, ưỡn ngực đi qua, đi lại, dưới hàng hiên Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn. Hôm đó, tân Thiếu úy Nguyễn Ðức Tâm Khóa 18 Võ-Bị, vừa ra trường, đang nghỉ phép thăm nhà. Thấy tôi, anh Tâm giơ tay vẫy. Ngày đó tôi lên đường,

    “Hát khúc Xuất Quân

    Giỡn mặt Tử Thần

    Viết những thiên anh hùng ca bằng máu

    Từ những chiến trường Tây-Nguyên, Bến-Hải, Cà-Mau”

    (Thơ VMLong)

    Giữa thập niên 60, đám nữ sinh bạn tôi lần lượt lên xe hoa, về làm dâu… nhà người ta.

    Thời gian này tôi đang học trong Trường Võ-Bị Ðà-Lạt nên không có dịp tiễn chân các bạn mình sang sông. Chị Lê Thị Kim Tư lấy một Y Sĩ Trung úy. Võ Thị Quý kết hôn với một ông sĩ quan trưởng kho đạn đồn trú ngoài bãi biển Sơn-Trà.

    Có một lần tôi về thăm nhà, tới thăm bạn. Quý vừa nựng con,vừa cười với tôi,

    – Nếu mi tìm không ra vợ. Về lại Hội-An tau giới thiệu cho một mớ. Tha hồ mà lựa. Muốn đứa nào, tau nói cho một tiếng là xong. Mà cũng lạ hí? Tụi mình chơi với nhau thân như rứa, mà sao chẳng nghĩ tới chuyện lấy nhau? Lạ hí?

    Tôi chỉ cười trừ. Chứ biết trả lời sao với bạn tôi đây?

    Càng ngày, chiến tranh càng leo thang. Tôi tham gia hết chiến dịch này qua chiến dịch khác dọc Trường-Sơn, ít khi có dịp về thăm chốn cũ.

    Ngày xưa nghe Minh Thu hát,

    “Rừng ơi! Ta nhớ những đêm trăng buồn.

    Ngồi bên khe vắng nghe suối xa tuôn…”

    (Hùng Lân)

    Tôi đã thương núi, yêu rừng.

    Tới khi quanh năm trong rừng, tôi lại thèm được một ngày trở về Hội-An, để nghe Minh Thu hát.

    Sau Tết Mậu-Thân, đơn vị tôi hành quân trên Ðà-Lạt. Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân chạm trận nặng trong rừng Cam-Ly. Ðại đội tôi bị máy bay đánh lầm, phải chạy bán sống, bán chết. Ðại úy Hồ Khắc Ðàm, tiểu đoàn trưởng bị thương. Ðài BBC thổi phồng sự thiệt hại của đôi bên, làm cho dân chúng thành phố xôn xao.

    Ngay hôm tôi rút quân về, một người bạn báo cho tôi biết Nguyệt Thu đang ở đây, và đã tới Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn tìm tôi nhưng không gặp. Hôm sau tôi và tài xế cùng một người bạn gốc Hội-An tới nhà Thu ở trọ để thăm Thu. Lúc đầu, tôi không thể nhận ra Thu. Thu đang có bầu, mặt đầy tàn nhang, chỉ có đôi mắt to đen, mở lớn là còn nét quen thuộc. Nguyễn Thị Nguyệt Thu đã lập gia đình lâu rồi. Và Thu đang làm cô giáo, dạy tiểu học ở Trại Hầm.

    Tôi cám ơn Nguyệt Thu đã tới tìm thăm tôi, khi nghe tin đơn vị tôi vừa chạm trận, thiệt hại nặng.

    Nguyệt Thu ngắm cái phù hiệu Biệt Ðộng Quân trên vai áo tôi, giọng bùi ngùi,

    – Ngày đó Thu tưởng, sau này lớn lên, Long sẽ thành một nhà văn. Không ngờ Long lại chọn nghề võ.

    Nghe Nguyệt Thu nhắc lại kỷ niệm thời Ðệ Ngũ, lòng tôi cũng cảm thấy bâng khuâng.

    Cả một khung trời êm đềm của tuổi học trò như vừa hiện về. Tôi chợt thấy an ủi trong lòng, khi nhận ra rằng, dù không gian cách trở, thời gian có trôi qua, nhưng tình nghĩa bạn bè tuổi ấu thơ vẫn còn bền chặt thân thiết như thuở xưa.

    Mới đó mà, từ sau năm Ðệ Tứ, chúng tôi đã xa nhau tám năm. Trong tám năm dài đằng đẵng ấy, đã xảy ra bao nhiêu là thay đổi…

    Tháng 9 năm 1970 tôi phải về Sài-Gòn chờ đi học một khóa ngắn ngày bên Singapore. Tôi tìm địa chỉ của Phùng Tiến để ngủ nhờ. Tôi không nói ngoa, chứ ở cái nơi cùng kiệt của con hẻm 164 Yên Ðổ ấy, vào ban đêm, khách lạ phải gồng mình lấy sức, để xông qua bức màn muỗi đói dày đặc như nêm cối chắn lối, mới tìm ra cái cửa căn phòng nhà Phùng Minh Tiến. Thằng Tiến thuê căn phòng này để ở trong những năm chuẩn bị cái bằng Cao Học Hành Chánh.

    Ðây là chốn tụ tập của những bạn đồng môn Trần Quí Cáp năm xưa. Tại đây tôi gặp mặt Mạc Phi Hoàng, Ðặng Xuân Nghĩa, Nguyễn Tăng Kỷ và Nguyễn Lợi. Nguyễn Lợi vừa là bạn cùng lớp, vừa là bạn cùng xóm Chùa Âm-Bổn của tôi. Nó có hai đứa em gái đẹp lắm. Cô lớn tên là Nguyễn Thị Nhiều, cô nhỏ tên là Nguyễn Thị Chuyện. Ngày nào tôi cũng gặp hai nàng yểu điệu thục nữ cùng xóm này, nhưng chưa bao giờ dám mở miệng làm quen.

    Ngày đó tôi ngu quá. Nghe lời thằng Ngô Rân giảng “mo ran” rằng:

    “Chỉ những thằng khốn kiếp, mặt dày mới đi cù em gái của bạn!”

    nên tôi cứ phải đóng vai lạnh lùng, đạo mạo với mấy cô em gái của tụi bạn tôi.

    Ai dè đâu, chỉ vài năm sau, thằng “mặt dày” Ngô Rân cưới được Quý Hương, em gái thằng Trần Ngọc Lợi. Lúc tôi thấy mình ngu, thì tôi đã vào Pleiku mất rồi.

    Tôi còn nhớ, lần ghé Sài-Gòn năm đó (1970) bọn thằng Lợi, thằng Nghĩa nài nỉ tôi kể chuyện đời lính Cao-Nguyên cho chúng nó nghe.

    Ðang vui câu chuyện, ông vua phản chiến Nguyễn Tăng Kỷ vụt đứng dậy bĩu môi,

    – Chỉ vì những thằng hiếu chiến như tụi mi nên mới có chiến tranh!

    Hôm đó bùng nổ một cuộc đấu lý kịch liệt, một bên là Nguyễn Lợi và Ðặng Xuân Nghĩa, bên kia là Nguyễn Tăng Kỷ. Tôi hầm thằng Kỷ lắm, nhưng không quen đánh nhau bằng mồm. Chờ lúc tụi nó thở ra, nghỉ mệt, tôi hét vào mặt thằng Kỷ,

    – Nếu không có mấy thằng hiếu chiến như tụi tao, thì làm sao mày có thể sống nhơn nhơn ở Sài-Gòn bao nhiêu năm nay được? Cái đồ vô ơn!

    Thấy tôi đổ quạu, các bạn tôi ngừng cãi nhau.

    Từ Singapore về, tôi lại tới hẻm 164 Yên Ðổ ngủ nhờ, chờ phương tiện về Pleiku. Ngày hai bữa, chúng tôi hẹn nhau về cái chòi căng bằng vải nhựa của một bà bán cơm dĩa trong con hẻm đối diện. Tội nghiệp bà chủ quán. Vào giờ đông khách, trông bà cứ như con vụ, xoay mòng mòng, tả xung, hữu đột, đối phó với bọn khách đang đói bụng. Ít năm sau, bọn khách bình dân này thành Ðốc-Sự, Thanh-Tra, Phó Quận, Phó Tỉnh. Chẳng đứa nào ghé thăm bà chủ quán cơm. Có lẽ chỉ vì bà không có con gái, nên khi thành đạt rồi, chúng nó quên bà ngay.

    Vài hàn sĩ thư sinh bạn tôi đã thoát xác để thành một Phó Ty Cảnh Sát Tỉnh, một Ủy Viên Giám-Sát-Viện, một Chánh-Văn-Phòng sau cùng của Thủ-Tướng Trần Thiện Khiêm. Và từ năm 1973, mỗi khi nhắc tới tiểu sử Trung-Học Trần Quí Cáp Hội-An, người ta lại thấy tên Trần Huỳnh Mính trong danh sách hiệu trưởng trường, sau tên quý vị tiền nhiệm Lưu Chí Kiên, Hoàng Trung, Tăng Dục…

    Thế sự cứ xoay vần, vận nước cứ đổi thay; làm sao chúng ta đoán biết được tương lai? Nhưng suy cho cùng, “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả” (Phan Bội Châu) thì ai cũng thành thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, có ai dại dột đi làm binh… sĩ như tôi?

    Chợt có một lần tôi nghiệm ra rằng trăm nẻo đường đời, nẻo nào cũng có chông gai riêng của nó. Ði lính đã trên chục năm, bất ngờ một hôm tôi thấy dưới quyền mình có một người quen.

    Số là sau Tết Dương Lịch 1974 anh Thiếu Úy Nguyễn Tiến Dũng, Sĩ Quan Trợ Y của tiểu đoàn tôi bị lật xe, gãy tay. Tôi gửi điện văn cho Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân Quân Khu 2 xin bổ sung người mới. Vì Pleime là một tiền đồn trọng yếu của Vùng 2, nên yêu cầu của tôi đã được cấp trên thỏa mãn ngay lập tức. Nào ngờ, ông Trung úy sĩ quan trợ y có tên trên lệnh bổ sung gửi cho tôi, lại là một người bạn của tôi thời niên thiếu: Nguyễn Hồng Khanh.

    (còn tiếp)



          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Những đứa con Trung-Học Trần Quí Cáp

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    (kỳ 3)



    Vì Pleime là một tiền đồn trọng yếu của Vùng 2, nên yêu cầu của tôi đã được cấp trên thỏa mãn ngay lập tức. Nào ngờ, ông Trung úy sĩ quan trợ y có tên trên lệnh bổ sung gửi cho tôi, lại là một người bạn của tôi thời niên thiếu: Nguyễn Hồng Khanh.

    Tôi và Khanh đã học chung lớp suốt ba năm sau cùng dưới mái Trường Trung Học Trần Quí Cáp.

    Anh Khanh bị loại năm cuối cùng tại Ðại Học Dược Khoa Sài-Gòn, bị gọi đi Sĩ Quan Trừ Bị, rồi bị đưa về phục vụ ở Tiểu Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân ở Biển-Hồ (Pleiku)


    Thời gian này (1974), đơn xin học lại năm chót Dược Khoa Quân Y của Trung úy Khanh đã được chấp thuận, nhưng vì nhu cầu công vụ, anh phải tạm thời vào Pleime làm việc với tôi trong khi chờ người thay thế.

    Tôi thấy ở Pleime, Tử Thần rình rập từng giờ, từng ngày; bạn tôi lên đường càng sớm càng hay. Tôi vội ký sự vụ lệnh cho Trung úy Nguyễn Hồng Khanh ra đi.

    Mãi một năm sau (tháng 1/1975) tôi mới được bổ sung ông Sĩ Quan Trợ Y mới.

    Hiện nay (2009) Dược sĩ Nguyễn Hồng Khanh vẫn còn hành nghề thầy thuốc ở Hội-An. Không biết người cựu chiến binh Biệt Ðộng Quân này có nhớ gì Pleiku không?

    o O o


    Ba chú bé trong xóm Hồ Sen, từng có lần trêu chọc tôi, “Anh Long có bồ! Lêu!… Lêu!…” đã nghe lời cha mẹ dặn, lớn lên noi gương “Cậu Long” cố gắng học hành.

    Ngày tôi ra trường Võ-Bị, đầu đội cái mũ nâu, về thăm nhà, chúng nó đã trở thành học sinh Trung-học Trần Quí Cáp. Ba thằng em bu quanh tôi, miệng hát,



    Hình chụp tại Westminster 2007



    “Biệt Ðộng Quân…chết trên rừng,”

    Nghe thế, mẹ tôi trừng mắt,

    – Các cháu đừng nói gở…

    Cả ba đứa toét miệng ra cười,

    – Anh Long ngon quá! Mai này lớn lên tụi em sẽ đi theo anh…

    Ðầu năm 1974, có một chuẩn úy mới ra trường đáo nhậm đơn vị. Khi nghe anh nói chuyện giọng trăm phần trăm Quảng-Nam, tôi tò mò,

    – Chú nói tiếng Quảng không pha một chút nào. Vậy chứ chú em quê ở đâu?

    – Em quê Hội-An.

    – Em có học Trần Quí Cáp không?

    – Em tốt nghiệp Trần Quí Cáp sau Thiếu tá chín năm.

    – Vậy ra em có biết anh?

    – Em ở trong khu Hồ Sen, Chùa Âm-Bổn. Nhà em gần nhà Thiếu tá.

    – Em tên là gì?

    – Em tên Trương Trọng Tài. Nhưng em thích được gọi là Trương Thiên Tài.

    – Ừ thì anh sẽ gọi em là Trương Thiên Tài. Nhà em ở chỗ nào khu Hồ Sen?

    – Nhà em cách nhà bác Thạnh hai căn, đâu lưng với nhà bác Nhuận, tài xế.

    – Anh nhớ ra rồi, nhóm em có ba đứa. Hai đứa kia giờ này ở đâu?

    Ðôi mắt người sĩ quan trẻ chợt buồn,

    – Thiếu tá ơi! Chúng nó bỏ học ngang xương, tình nguyện đi lớp Hạ Sĩ Quan. Hai đứa đều về Tiểu đoàn 39 Biệt Ðộng Quân. Trận Hạ Lào, chúng nó không về. Lớp tuổi của em, trong xóm mình, còn có mình em thôi.

    Như thế là, hai đứa em trong xóm, đã theo chân “Anh Long” thành Biệt Ðộng Quân, và đã… chết trên rừng.

    Nghe Tài kể chuyện, tôi chợt cảm như có cái gì đó làm tôi nghẹn hơi. Có cái gì đó làm tôi khó thở. Ngực tôi đột nhiên nặng như chì.

    Năm 1974, chiến dịch mùa mưa Cao-Nguyên khởi đầu sớm hơn mọi năm.

    Một hôm, bình minh lên cùng với tiếng súng. Mưa pháo ào ào cày xới Căn Cứ Hỏa-Lực 711, Pleiku. Tiểu đoàn 82 Biệt Ðộng Quân QLVNCH bị hai trung đoàn Cộng Quân xa luân chiến tấn công.

    Chín giờ sáng ngày 14 tháng Tư năm 1974 Chuẩn úy Trương Thiên Tài bị thương vào tay trái. Băng bó vừa xong, người trung đội trưởng lại vội vã lao ra chiến hào. Trận đánh càng lúc, càng thêm ác liệt, và kéo dài suốt đêm. Lực lượng trừ bị sau cùng của tiểu đoàn đã được tôi tung vào trận địa để chống đỡ những đợt biển người liên tiếp của Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản Bắc-Việt.

    Tám giờ sáng ngày 15 tháng Tư năm 1974, Trung đội trưởng Trung đội 3/ Ðại đội 3/ Tiểu đoàn 82 Biệt Ðộng Quân gục trên chiến hào, cách tôi và Thiếu úy Phiến, Ðại đội trưởng Ðại đội 3/82 vài thước. Chuẩn úy Trương Thiên Tài vỡ ngực vì một băng AK 47 trong đợt tấn công biển người lần thứ sáu của Cộng Quân trong hai ngày kịch chiến.

    Hôm đó, nơi tiền đồn biên giới Pleime, trong màn lửa đạn mịt mù, một đàn anh Trần Quí Cáp vuốt mắt cho một đàn em Trần Quí Cáp.

    Em gục xuống rồi. Từ nay trong xóm mình, lớp tuổi của em, không còn ai nữa!

    “Biệt Ðộng Quân chết trên rừng,

    …cầu mong cho hậu phương bình yên.”

    Như giòng Thu-Bồn chảy mãi không ngừng. Từ nơi đó ra đi, những thế hệ học sinh đã theo chân nhau đóng góp tuổi trẻ, mồ hôi, và xương máu, cho quê hương Việt-Nam, làm rạng danh Trung-Học Trần Quí Cáp.

    Thời chiến tranh, biết bao thanh niên đã lên đường ra mặt trận. Mỗi năm, bạn bè tôi cứ hao hụt dần. Các anh Trần Ngọc Lợi, Lưu Lương Cơ, Hoàng Công Thưởng, Trương Ðình Bảy, Khưu Vỹ Hoàn, Trần Quế Chính, Hồ Hùng, Ðỗ Bá, đã đền nợ nước.

    Cho tới đầu tháng Năm năm 1975, vào một ngày rất buồn, tôi gặp lại Niên Trưởng Nguyễn Ðức Tâm trong Khu Ðăng Ký Sĩ Quan Cấp Tá của Ủy Ban Quân Quản, đường Trần Hoàng Quân, Sài-Gòn. Thiếu tá Nguyễn Ðức Tâm là vị tiểu đoàn trưởng sau cùng của Tiểu đoàn 14 Nhảy Dù.

    Hai anh em nhìn nhau, mắt lệ rưng rưng. Chúng tôi đã không làm tròn sứ mệnh quê hương giao phó. Chúng tôi đã đánh mất quê hương.

    • “Quê hương tôi

      Bao người bỏ chạy vì đâu?

      Bao oan khiên chìm đáy biển sâu

      Từ ngày ba mươi tháng tư năm ấy

      Quê hương tôi là tất cả thương đau… “

      (Thơ VMLong)


    Rồi chúng tôi bị đưa vào các trại tập trung cải tạo. Từ đó, tôi bắt đầu cuộc đời tăm tối không ngày mai. Nhiều đồng ngũ của tôi bị xử tử vì tội vượt ngục.Vượt ngục không thành, nếu may mắn không bị xử bắn, thì cũng bị cách ly, kiên giam, bỏ đói, nhốt trong hầm tối một thời gian. Hai lần vượt ngục bất thành của tôi ngoài Hoàng-Liên-Sơn cũng làm cho tôi mất một cái răng, và gãy một cái xương sườn, sau những trận đòn thù của bộ đội Ðoàn 776 Quân-Ðội Nhân-Dân Việt- Nam.

    Truyện kể về cuộc đời sau chiến tranh của những người thất trận là một truyện trường thiên đầy nước mắt, không bút giấy nào ghi cho hết.

    o O o


    Sau mười ba năm tù cải tạo, tôi về. Một hôm, trên đại lộ Trần Hưng Ðạo, Sài-Gòn tôi gặp Nguyễn Tăng Kỷ đạp xe lọc cọc ngược chiều. Thấy tôi, hắn giơ tay vẫy, miệng cười thân thiện. Tôi nghếch mặt lên trời ngắm cánh én bay, không đáp lại cái vẫy tay của người bạn bảy năm Trần Quí Cáp này.

    Rồi sau đó tôi được nghe bạn bè nói lại rằng, chỉ vài năm sau ngày Miền Nam sụp đổ, Nguyễn Tăng Kỷ đã mở mắt ra. Giấc mơ thiên đường Xã-Hội Chủ-Nghĩa của nó thành mây khói. Vợ nó chết rồi. Con gái nó đã ra khơi làm thuyền nhân, đang định cư ở Úc. Biết điều này, tôi mới hiểu vì sao, hôm đó cái vẫy tay của nó lại có vẻ thiết tha như thế. Khi nghe tin thằng Kỷ đã sang Úc sum họp với gia đình con gái nó, tôi cũng mừng cho nó.

    Năm 1993 gia đình tôi lên đường đi Mỹ theo diện HO.

    Tháng 9 năm 2007, nơi quê người, tình cờ tôi gặp lại Nguyễn Lợi nhân một chuyến về chơi Westminster, Nam California .

    Quả đúng như nhận xét của Thục Anh, cô học trò của tôi,

    “Anh Nguyễn Lợi trông già không ra già, trẻ không ra trẻ, vừa gặp là nhận ra ngay…”

    Bao năm qua, mà “dung nhan” của Nguyễn Lợi chỉ thay đổi tí ti thôi. Bởi thế, nơi sân khách sạn Little Saigon, khi nghe tiếng người xứ Quảng,

    “Ê! Lang! Có phửa Giương Mộng Lang đó khô… ông?” (Ê! Long! Có phải Vương Mộng Long đó không?) quay lại, tôi nhìn ra “con ma xó” này ngay. Tôi lén đặt cho nó cái hỗn danh “con ma xó” là vì, chuyện trên trời dưới bể, cái gì nó cũng biết, cái gì nó cũng rành. Nguyễn Lợi giúp tôi tìm được Mạc Phi Hoàng và nhà thơ Phùng Minh Tiến. Mấy thằng này vẫn còn tươi rói, mặc dù mái tóc thằng nào cũng có vẻ nhạt màu và thưa đi nhiều, không còn bồng bềnh đen nhánh như thời chúng nó mới vào Ðại Học Chính-Trị Kinh-Doanh, Ðà-Lạt.

    Ngày đó, cậu học trò Mạc Phi Hoàng nhút nhát lắm. Trong bảy năm, nó âm thầm ôm ấp hình bóng một giai nhân lớp dưới mà không ai hay. Nó đã thú nhận cái nhút nhát của mình, qua bài “Hoa Tuyết Phi”

    • “Chàng yêu tha thiết cả con tim

      Cay đắng thương đau với nỗi niềm

      Câm nín ngàn lần không dám nói

      Bảy năm mòn mỏi gục bên thềm…”

      (Thơ Mạc Phi Hoàng)


    Quả thực, cho tới bây giờ tôi mới biết rằng Mạc Phi Hoàng cũng là tay yêu văn thơ. Có lẽ vì thế mà nó kỳ khu, miệt mài lấy cho được mảnh bằng Cử-Nhân Văn-Khoa của Viện Ðại Học Ðà-Lạt.

    o O o


    Năm 2009, nhân dịp “Kỷ niệm 46 năm ngày nhập Khóa 20 Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam” vợ chồng tôi lại về Nam Cali. Dịp này tôi mời ba ông khách quý tới dự đêm dạ tiệc với bạn bè đồng khóa của tôi. Ông Mạc Phi Hoàng, cựu Phó Ty Cảnh-Sát Tỉnh, đang bị bệnh giời leo vật té ngửa, không tới được. Chỉ có ông Nguyễn Lợi, cựu Chánh-Văn-Phòng Phủ Thủ-Tướng và ông Phùng Minh Tiến, cựu Uỷ-Viên Giám-Sát-Viện hiện diện đêm tiếp tân. Hai đứa này có dịp tha hồ tâm sự cùng bọn đồng môn Trần Quí Cáp đã đi K20 Võ-Bị còn sống sót. Những đứa con Trung-Học Trần Quí Cáp gặp lại nhau nơi đất khách, mừng mừng tủi tủi.

    Hôm đó, những kỷ niệm của đoạn đời thơ mộng ngày nào chợt sống lại. Một con lộ cắt ngang ruộng rau muống, đêm đêm ếch nhái kêu vang, trước Khổng Miếu tối om; một đoạn phố ven sông, có ánh đèn điện mờ mờ, từ Chùa Cầu tới rạp Hòa-Bình; một khúc đường quê bốn mùa hoa nở từ Chùa Sư Nữ xuống Phước-Trạch; hay cái lối mòn hun hút, ngoằn ngoèo trên cồn cát cháy nắng sau Chùa Long-Tuyền; những con đường in dấu chân thời mới lớn, những mối tình học trò, đã là những đề tài nói mãi không thôi.




    Vợ chồng Vương M Long chụp cùng Cô Bạch Vân và phu quân (Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng) – Seattle, 2014



    Hết chuyện thế giới, chuyện quê nhà, tới chuyện gia đình vợ con, chúng tôi hàn huyên suốt buổi. Ðêm sao ngắn quá! Mà tâm sự thì chưa thổ lộ hết cho nhau.

    Tôi cứ thắc mắc trong lòng, thằng Nguyễn Lợi ly dị vợ, sống một mình đã đành; chuyện thằng Phùng Tiến đang đơn côi mới là điều đáng ngạc nhiên. Bộ thằng khờ này không biết Việt kiều đang rủ nhau về quê cưới vợ rần rần hay sao? Tôi nhắc Tiến,

    – Người xưa đâu?

    Nó chỉ lắc đầu cười, rồi đưa tặng tôi một tập thơ nhiều tác giả, xuất bản cách đây khá lâu. Trong “Tuyển Tập Thơ Quốc Gia Hành Chánh” này, tác giả Phùng Minh Tiến có mười bài. Nơi đây, tôi vẫn nhận ra dáng dấp thơ của cậu học trò Ðệ Ngũ, Trần Quí Cáp ngày nào,

    “Tôi về thăm bóng trăng xưa

    Còn đâu bến cũ mà đưa tiễn người

    Sông Thu nay lở mai bồi

    Bèo tan cửa Ðại, mây trôi phương nào.

    Nửa đời chưa hết lao đao

    Bốn mươi năm lẻ làm sao quên người.

    Trời ơi! Thoáng một nụ cười

    Theo nhau chi để lụy người núi sông?”

    (Thơ Phùng Minh Tiến)

    Ðời người đâu có dài cho lắm? Vậy mà, hơn bốn mươi năm sau, nụ cười của một người Hội-An vẫn chưa nhạt phai trong tim một người.

    Bây giờ là thế kỷ 21. Một trang sử đã lật qua. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Mỗi người con Trung-Học Trần Quí Cáp có những nỗi niềm tâm sự riêng khi nhớ về nơi ấy. Nhưng cứ mỗi lần nghe ai nhắc tới tên ngôi trường này, lòng tôi lại cảm thấy dạt dào thương nhớ.

    Tôi mồ côi cha từ nhỏ. Trường Trần Quí Cáp đã làm cái thiên chức của bố tôi, dạy dỗ, uốn nắn, và bao dung che chở cho tôi suốt thời niên thiếu. Tôi đã được trui rèn nhân cách, trau dồi kiến thức, để trở thành một người tốt; biết tự trọng, kiên nhẫn và nhún nhường; biết tự hào là công dân của một nước độc lập, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng tự do. Từ nơi đó, tôi đã lớn khôn. Từ nơi đó, tôi đã thành người.

    Tôi đã cống hiến cả cuộc đời mình cho quê hương xứ sở. Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được để phục vụ đồng bào tôi và đất nước tôi, như bố tôi đã hằng mong. Và trên xứ Thiên-Ðàng, chắc bố tôi cũng đã mỉm cười hài lòng vì đứa con mình.

    Bây giờ tôi ở cách xa Hội-An cả một đại dương, nhưng trong tâm tưởng, tôi vẫn có thể mường tượng ra rất rõ, hình ảnh của ngôi trường xưa, cùng nét mặt thân yêu của những người đã một thời dạy dỗ tôi.


    Vương Mộng Long
    Seattle tháng 10 năm 2009


    *Hiệu đính và bổ túc tháng 10 năm 2018 với hình ảnh do cô Bạch Vân cung cấp.


    Nguồn:http://baotreonline.com



              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”