Work Ethic

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Work Ethic

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Work Ethic




    Chữ “work” trong Anh ngữ bạn đã biết. Còn chữ “ethic” có thể bạn ít gặp; nó có nghĩa đạo đức. Gộp hai chữ work và ethic chúng ta có work ethic tức “đạo đức nghề nghiệp”. Nói đến đạo đức nghề nghiệp là nói đến tinh thần trách nhiệm, làm việc với chữ tâm nhằm tạo ra những sản phẩm và dịch vụ uy tín, tiếng lành đồn xa được người sử dụng giới thiệu truyền miệng lâu dài…

    Tại sao lần này chúng ta bàn đến đạo đức nghề nghiệp? Câu hỏi ấy thoạt nghe có vẻ ấm ớ. Nhưng ngẫm kỹ lại, đạo đức nghề nghiệp là nền tảng vững chắc giúp xã hội phát triển lành mạnh. Không có đạo đức nghề nghiệp, một xã hội sẽ chỉ có những dịch vụ sản phẩm kém cỏi, những lãng phí vì hàng hóa phẩm chất tồi, chưa xài được bao lâu đã hỏng vứt bỏ, hoặc sửa tới sửa lui, tu bổ, bảo hành tốn kém. Không có đạo đức nghề nghiệp, nhân công làm việc kém hiệu suất, niềm tin người tiêu dùng vào sản phẩm không có, xã hội mất đi cơ hội sản xuất ra những thương hiệu nức tiếng, đủ khả năng chinh phục những thị trường khó tính. Ngoài ra đạo đức nghề nghiệp là sợi dây nối kết các thế hệ công dân trong quá khứ với hiện tại và tương lai. Nói khác đi, xã hội rất cần những công nhân có trách nhiệm, chuyên tâm nghĩ đến những sản phẩm dịch vụ mình làm ra. Họ tự hào về những sản phẩm dịch vụ uy tín như bàn đạp để thế hệ tương lai nối tiếp. Nên một đất nước không có những sản phẩm và dịch vụ tốt, đủ khả năng cạnh tranh, làm sao xã hội ấy có một tương lai xán lạn, ổn định, phát triển.

    Những mặt hàng “made in America” một thời vàng son để lại bao ấn tượng khó quên. Vâng. Làm sao bạn quên được những tên tuổi ấy. Nhiều lắm. Từ phó-mát cho đến đậu phọng rang, kẹo sô-cô-la, thuốc lá Marlboro, dao cạo râu, thuốc xịt kiến, hộp quẹt zippo… Nhưng nhìn lại, bạn có thấy giật mình? Nhiều thương hiệu, đặc biệt máy móc điện tử, đồ gia dụng, tủ lạnh, xe cộ của Mỹ… càng ngày càng giảm thiểu tính “thuần chủng”. Tại sao, vì hám lợi, vì tiết kiệm, các hãng sản xuất (trong đó có xe hơi) mua linh kiện từ nhiều nguồn khác rẻ hơn, râu ông nọ, cằm bà kia, miễn ráp vào chạy được (với dụng tâm làm ra những mặt hàng giá rẻ) vô tình những mặt hàng này mất dần tính “nhãn hiệu cầu chứng” vốn một thời đầy ấn tượng với khách hàng.

    Nhìn lại nước Mỹ hôm nay, còn mấy mặt hàng, mấy thương hiệu giữ được niềm tự hào vang danh một thuở. Rõ ràng không nhiều. Bước vào mấy tiệm Home Depot, Lowe’s, Wal-Mart… ê hề những mặt hàng, bạn giật mình. Gần như công nghệ sản xuất hàng hóa Mỹ đã biến mất. Hàng hóa “made in America” rất hiếm. Càng nhói lòng hơn trong các chợ này mặt hàng nào không thể tuồn ra nước ngoài (outsource to oversea) mới thấy sản xuất ở Mỹ. Toàn là hàng nhập từ PRC (People’s Republic of China). Xấu hổ thay, sản phẩm hàng hóa phải là niềm tự hào đại diện cho một xứ sở; thế mà hàng hóa Trung Quốc bán ra nước ngoài phải che đậy, giấu diếm nguồn gốc như một điều đáng xấu hổ…

    Nhìn lại, mấy người còn giữ được tinh thần trách nhiệm với công việc? Chẳng trách họ được. Khi giới chủ đầu tư chỉ nghĩ đến giá trị cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhân viên là công cụ để họ vắt chanh bỏ vỏ. Khái niệm về hưu (retirement) càng ngày càng hiếm, 401K gần như đang biến mất, các khoản phúc lợi teo tóp, bốc hơi dần. Trong bối cảnh đó, làm sao nhân viên có thể an tâm làm việc. Gần như họ bị tước đi cơ hội lao động với triết lý “ăn cây nào, rào cây nấy”.

    Nhìn vào kỹ nghệ fast food, với đồng lương “chết đói” làm sao nhân viên lãnh lương tối thiểu (minimum wage) có thể tươi cười tận tụy với công việc được. Đã thế họ luôn làm ít giờ, lương lãnh gần như chẳng được là bao. Giới chủ cố tình né tránh thuê nhân công làm việc toàn thời gian (full-time) vì ngại chuyện chu cấp lợi ích cơ bản như bảo hiểm sức khỏe, chế độ nghỉ lễ, nghỉ hè… Vì thế nhân viên fast food luôn sống trong tình trạng căng thẳng, lương tâm nghề nghiệp nơi đây làm sao bén rễ được.

    Nhìn vào kỹ nghệ xây dựng nhà cửa. Cũng thế. Nhân viên hầu như đến từ Mễ, trong đó có nhiều người không giấy tờ. Họ có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào. Hơn nữa công việc không bảo đảm lâu bền nên chẳng ai rảnh rỗi nghĩ đến trách nhiệm nghề nghiệp. Khái niệm “ăn xổi ở thì” thể hiện rất rõ. Họ làm cho xong. Làm rất ẩu. Nhiều người mua “nhà mới” than phiền nhà xuống cấp nhanh, dễ hư hỏng, không chắc chắn nhà như nhà xây hồi xưa.

    Thợ ống nước lắp ráp đồng hồ khu nhà mới cũng thế. Họ lắp cho xong, không màng đến chuyện lắp đúng. Họ làm ăn rất bừa bãi. Chỗ rò rỉ lâu ngày, nước ứ đọng tha hồ để muỗi làm tổ. Còn mặt đồng hồ lắp nghiêng sau này đọc số rất khó. Ngày xưa đâu có thế. Lắp đồng hồ phải kín và thẳng thớm.

    Người trồng cỏ mới thì sao? Cũng thế. Họ trồng cho xong. Đất không nện, không cán cho phẳng. Gần như chỉ vứt đại những vạt cỏ xuống cho xong. Người “nghiệm thu” công trình chẳng ai bận tâm nhắc nhở. Nên cỏ trồng bừa bãi, lấp lên đồng hồ nước, lấp luôn những van khóa chôn dưới đất. Tới chừng cần chỉnh sửa không biết van khóa nằm chỗ nào mà tìm!

    Vâng. Cứ thế. Những ngôi nhà sử dụng vật liệu rẻ tiền xuống cấp rất nhanh. Vẫn biết tiền nào của nấy. Nhưng, nếu thợ xây có trách nhiệm, thợ sơn có lương tâm, thợ điện có lòng với nghề, nhất định họ sẽ bỏ thời gian để làm tốt. Còn không, người làm công đoạn trước cẩu thả, người làm sau, hay chủ nhà về sau sẽ cảm thấy rất phiền, rất nhức đầu.

    Tại sao con người càng ngày càng thiếu tinh thần trách nhiệm? Phải chăng vì họ sống nhanh, sống vội không còn thời gian nghĩ đến cái hậu, đến hệ lụy sau này. Họ cứ làm vội cho xong, còn các công đoạn sau này ai xui xẻo gặp phải ráng chịu. Hơn nữa tiền lương trả rẻ như bèo, chế độ đãi ngộ quá thấp kém, nhân công đâu ai quỡn nghĩ đến chuyện tận tâm, đơn giản, họ không có bất cứ lý do nào để nhiệt tình với công việc!
    Để có đạo đức nghề nghiệp người lao động cần gì? Phải chăng họ cần được đánh giá cao, được đãi ngộ công bằng. Hơn thế nữa, họ cần một cảm giác an toàn: Công việc này sẽ ổn định, tôi sẽ làm ở đây lâu bền, tôi sẽ về hưu với công ty này. Nếu tôi làm ẩu, lỗi xảy ra, tôi sẽ là người chịu trách nhiệm trước tiên. Còn như nhân công cảm thấy công việc mình đang làm bấp bênh, “làm ngày nào, biết ngày đó”, họ không có động lực có trách nhiệm với công việc. Kỹ lưỡng cẩn thận cũng được trả lương như đứa làm ẩu, vậy cẩn thận kỹ lưỡng để làm gì?

    Thượng bất chánh, hạ tắc loạn. Lãnh đạo không ra lãnh đạo. Tay người vật cối đá. Mấy ông nghị thì bị cánh vận động hành lang bịt mõm. Còn giới chủ cả lúc nào cũng lo “vắt cổ chày ra nước”, xà xẻo được khoản nào là họ thực hiện liền. Họ coi nhân công là phương tiện, chỉ lo đến lợi nhuận, thay thế bắp thịt lao động bằng máy móc tự động, thử hỏi làm sao nhân công của họ có trách nhiệm, có lương tâm với nghề cho được.

    Cuối cùng là: Khôn chết, dại chết, biết sống! Người đi làm thuê ăn lương miễn cưỡng không thể mặn mà với công việc mình đang làm. Họ không còn tâm huyết nữa. Họ chán. Họ thấy những cố gắng của mình là vô nghĩa. Chủ không biết quý mình. Công việc thì tạm bợ, bàn chuyện lương tâm nghề nghiệp chi cho mệt.

    Và bạn, bất luận đang sống bằng nghề gì, liệu bạn có thật tâm với công việc đang làm? Là thợ nail, bạn có nghĩ đến chuyện ngồi yên một chỗ lâu bền, hay bạn sẽ đổi chỗ làm dễ dàng. Là công nhân xí nghiệp, bạn có nghĩ đến trách nhiệm tối thiểu, hay do bị ép phải nhanh tay, phải đủ số chỉ tiêu… thành ra muốn có lương tâm nghề nghiệp cũng khó!

    Chẳng trách gì hôm nay ta thấy quá nhiều chuyện buồn nhan nhản trong xã hội. Điều đó liên quan gì đến lương tâm nghề nghiệp? Có chứ. Lương tâm nghề nghiệp trong trường học, của thày cô. Trách nhiệm của thày thuốc, của bệnh viện. Lương tâm nghề nghiệp của các ông nghị, bà nghị? Lương tâm của những chính khách, những nhà lập pháp, hành pháp… Nếu họ thực tâm nghĩ đến hệ lụy hành động của mình, thay vì chỉ lo chuyện cờ đến tay ai người nấy phất, óc đảng phái, hứa hẹn vung vít, lại quả, bánh ít, bánh quy… xã hội không loạn cào cào lên mới lạ!

    Làm gì bây giờ?

    Vâng. Vực lại đạo đức nghề nghiệp ư ? Phải chăng đây là vấn nạn toàn cầu chứ không riêng gì Mỹ. Nếu thế, tương lai nhân loại rồi sẽ đi về đâu? Có thể cứu vãn được nữa không? Hay mọi cái đã quá trễ…

    Tại sao trên thế giới nhiều nơi người ta vẫn duy trì được thương hiệu gia truyền, những đặc sản truyền thống, những sản phẩm dịch vụ ấn tượng? Liệu bí quyết của họ có thể giải quyết vấn nạn đạo đức nghề nghiệp (?) càng ngày càng suy đồi như đang thấy hôm nay…


    Nguyễn Thơ Sinh


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”