Lưu bút học trò

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Lưu bút học trò

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           
    Lưu bút học trò







    Có thể nói viết lưu bút là một trong những sinh hoạt lành mạnh và dễ thương nhất của học trò Việt Nam trước đây. Mỗi năm, cứ vào độ sắp sang hè thì các cô cậu học trò lại chuyền tay nhau những cuốn lưu bút – nguyên thuỷ là một cuốn vở học trò rồi được tô vẽ thêm hoa lá cành – để bạn bè viết vào trong đó một hai lời nhắn, mấy câu chúc hoặc nhắc lại vài kỷ niệm đã có với nhau trong niên học vừa qua, và sau đó chia tay nhau trong ba tháng hè.

    Nghe nói các cô cậu học trò thời nay không còn viết lưu bút nữa, thật là điều đáng tiếc. Bây giờ, muốn gửi nhau lời nhắn gì thì họ lên Facebook hay gửi qua điện thoại di động, vừa nhanh lại vừa theo đúng xu hướng của thời đại. Tuy nhiên, những lời nhắn điện tử đó chắc chắn là chẳng có mấy ai thèm giữ lại để làm kỷ niệm như những cuốn lưu bút ngày xưa mà có nhiều người nay đã đến tuổi hưu rồi mà vẫn còn cất giữ và nâng niu như những kỷ vật còn sót lại của một thời tuổi hồng đầy lãng mạn.

    Có lẽ những cuốn lưu bút của học trò Việt Nam cũng xuất hiện gần đây thôi chứ không xa, khoảng giữa thế kỷ 20. Vậy thì thời gian lưu bút góp mặt trong đời sống của học trò Việt Nam kể ra cũng khá ngắn. Nhưng trái lại, lưu bút của học trò Mỹ thì không chỉ xuất hiện rất sớm mà đến nay vẫn còn được các học trò trung học tiếp tục truyền thống tốt đẹp đó và thực hiện mỗi năm – đó là những cuốn “yearbook”.

    Năm 1635, trường công lập đầu tiên được thành lập ở Mỹ, lúc đó còn là thuộc địa. Trường có tên là Boston Latin School, chỉ nhận các học sinh nam và chú trọng vào các môn học dạy làm người và cách xử thế. Mấy thập niên sau đó, đến khoảng cuối thế kỷ 17, những cuốn lưu bút đầu tiên của một số trường học ở vùng bờ biển phía đông nước Mỹ ra đời. Đó là những cuốn sổ lưu niệm được các học trò ký tên vào đó, rồi còn ghép vào giữa các trang giấy là những lọn tóc được cắt ra từ những mái tóc học trò, những cánh hoa khô được ép thêm vào, dán thêm một vài bài viết được cắt ra từ những tờ báo địa phương, và những kỷ niệm trong năm học cũng được nhắc lại ở một số trang viết khác.

    Học trò thời đó thường hay ký tên mình bên cạnh những bài thơ hoặc những mẩu chuyện nhắc lại thời gian họ cùng ngồi chung với nhau trong một lớp học. Mỗi cuốn được trình bày theo ý riêng của chủ nhân của nó và vì vậy mỗi cuốn mang một tính cách riêng. Hơn nữa lại được thầy cô khuyến khích và cho phép mang lưu bút vào trong lớp học, dần dà nó thành cuốn sổ ghi chép tất cả những chuyện xảy ra không chỉ trong mà luôn cả bên ngoài lớp học nếu như chủ nhân của nó cảm thấy thích thú và muốn ghi xuống.

    Nói chung những cuốn lưu bút này về hình thức cũng tựa như những cuốn lưu bút của học trò Việt Nam trước kia, nếu có khác thì lưu bút ở Việt Nam chỉ được chuyền tay nhau trước khi hè đến còn lưu bút của học trò Mỹ thì được chuyền tay nhau, hay ít ra, được chủ nhân của nó thực hiện trong cả niên học.

    Năm 1806, Đại học Yale chính thức in ấn thành một cuốn lưu bút hẳn hoi với các thông tin về niên học, sinh viên và giáo sư. Cuốn lưu bút đó có cái tên không mấy gì thơ mộng: Hồ sơ Lớp sinh viên Tốt nghiệp Đại học Yale – và vì lúc đó hình chụp chưa thông dụng và có lẽ kỹ thuật in hình chụp chưa có cho mãi đến hai chục năm sau nên cuốn lưu bút chỉ in hình vẽ cái bóng (sihouette) của các sinh viên mà thôi.

    Vì chưa in được hình chụp nên hầu hết lưu bút thời đó chỉ in tên học trò, đôi khi có in thêm hình vẽ chân dung, và các bạn học ký tên của họ vào những chỗ để trống. Chữ ký trong những cuốn lưu bút đầu tiên thường dài và những lời nhắn để lại trên các trang viết chú trọng nhiều đến tình bạn và kỷ niệm đáng nhớ kèm theo là những bài thơ có vần có điệu.

    Các thầy cô cũng ký vào lưu bút, nhưng có điều khác biệt là họ không để lại những lời nhắn mang tính cách cá nhân như của các bạn học trò mà chỉ kèm theo một đoạn trích từ một bài thơ hay một vở kịch, hoặc những câu danh ngôn của một triết gia nào đó. Sau đó, đến khoảng đầu thế kỷ 20, chữ ký của thầy cô hầu như biến mất trên các trang lưu bút và chỉ xuất hiện trở lại trong thập niên 1960.

    Nhìn vào những cuốn lưu bút cũ ta cũng có thể mường tượng ra phần nào sinh hoạt của học trò ở Mỹ thay đổi ra sao theo dòng thời gian. Khoảng thập niên 1930, chữ ký và những lời nhắn ngắn lại. Các bạn học ký tên và để lại lời nhắn thật ngắn gọn, đại thể như “chúc vui vẻ” hay “chúc may mắn”. Đến khoảng 1935 thì lại có một sự thay đổi lớn khác. Một số lưu bút, như cuốn của trường Trung học Simon Gratz ở Philadelphia, dành hẳn ra một số trang trống cho chữ ký của thầy cô và học trò, họ ký tên trên những hàng kẻ ngang và chỉ độc nhất chữ ký ngoài ra không thêm gì khác. Lưu bút ở Chicago và một số thành phố thuộc khu vực trung tây Hoa Kỳ, học trò ký tên vào bên cạnh hình chụp của họ nhưng tuyệt nhiên không để lại lời nhắn hoặc lời chúc. Xu hướng này kéo dài cho tới khoảng 1940. Các nhà nghiên cứu không tìm ra được lời giải thích rõ ràng về sự thay đổi trên, nhưng lúc đó là thời kinh tế suy thoái và mực viết trở nên khan hiếm có thể giải thích phần nào về xu hướng hà tiện lời chúc này trên các trang lưu bút. Có thể học trò lúc đó đặt sự cần kiệm lên trên hết mọi thứ, kể cả chút tâm tư kỷ niệm trên trang lưu bút cũng phải bị hy sinh.

    Đến năm 1943, trên những trang lưu bút của trường Trung học Bound Brook ở New Jersey và Trung học Gage Park ở Chicago lại tiếp tục đầy những chữ ký và lời nhắn gửi nhau, rồi còn kèm thêm hình vẽ tràn lan trên những trang giấy. Thời gian đó học trò còn sính dùng chữ “xinh đẹp” như thứ ngôn ngữ thời thượng để chúc nhau và xu hướng này kéo dài mãi đến thập niên 1970 mới giảm dần đi. Những lời chúc may mắn xuất hiện trong những lưu bút thời đầu thập niên 1930 cũng trở lại, và được dùng nhiều cho đến cuối thập niên 1950 trong nhiều hình thức khác nhau: chúc may mắn, chúc thành công, vạn sự may mắn, tràn trề thành công – tạo thành một đặc điểm của lưu bút trong mấy thập niên này. Có người đã viết nguệch ngoạc trong cuốn lưu bút 1947 của trường Trung học Mount Horeb ở Wisconsin một đoạn như sau: “Lời chúc tốt lành nhất với nhiều may mắn và thành công đến cho cô bạn xinh đẹp.”

    Vào khoảng thập niên 1960 và 1970 lưu bút lại một lần nữa có sự thay đổi lớn lao. Thời gian này người ta sống buông thả và kêu gọi tự do luyến ái, và vì vậy, chữ “yêu” xuất hiện tràn lan trên lưu bút đến nỗi gần như mất đi ít nhiều ý nghĩa thiêng liêng của nó. Trong những năm trước đó, chữ “yêu” chỉ được dùng đặc biệt riêng cho gia đình và những người thân yêu nhất, nhưng bước vào thập niên 1960 thì người ta sử dụng một cách thoải mái, không câu nệ. Ai cũng bắt chước nhau ký lưu bút phải kèm thêm chữ “yêu” hay “yêu bạn”, kể cả khi người ký lưu bút thật sự không biết nhiều về chủ nhân của nó. Những chữ hay những câu tương đối nghiêm trang trước đây như “may mắn” và “những lời chúc tốt lành nhất” hầu như biến mất trên những trang lưu bút trong thời gian này.

    Bước vào thập niên 1980, nhiều chữ viết tắt bắt đầu được sử dụng và cho đến nay còn được sử dụng mạnh hơn bao giờ hết. Những cuốn lưu bút thời nay có những chữ viết tắt đã được dùng từ ba thập niên trước mà đến nay vẫn còn xuất hiện: như chữ KIT (keep in touch – giữ liên lạc), FF (friends forever – tình bạn mãi mãi), SWAK (sealed with a kiss – gắn vào một nụ hôn), HAGS (have a great summer- hưởng một mùa hè tuyệt vời), v.v… Đến thập niên 1990 có thêm một số chữ viết tắt mới với hình thức khác đi đôi chút, chẳng hạn như “wuz ^” (what’s up – có gì lạ không) hay “c-ya next year” (see you next year – gặp nhau năm tới).

    Lưu bút đầu thập niên 2000 là thời điểm để người ta tập tành kỹ thuật. Năm 1999, hầu như học trò nào cũng để lại số điện thoại cùng với những chữ viết tắt nay đã trở thành thông thường như KIT hoặc C/M (call me – gọi cho mình) – mặc dù chẳng ai thèm gọi vì còn mải mê vui chơi với mùa hè. Năm 2000 và 2001, địa chỉ điện thư và số máy báo (pager) bước vào trong các trang lưu bút, và đến năm 2008 thì địa chỉ nối vào trong trang Facebook cá nhân được ghi cẩn thận ngay bên dưới chữ ký trong lưu bút.

    Những cuốn lưu bút gần đây nhất dường như đã bỏ bớt đi những điều ngớ ngẩn, ngây ngô trong lưu bút của thời trước, thay vào đó là những điều mang tính cách cá nhân hơn: những lá thư dài và có ý nghĩa hơn để nhắn nhủ bạn bè biết rằng người ký lưu bút thật sự quan tâm đến tình bạn. Hiện tượng này phải chăng một phần là do cuộc sống ngày nay gắn liền với những loại kỹ thuật di động: bạn bè nay có thể nối kết với nhau 24/24, và có lẽ lưu bút đã trở thành một phương tiện khác để người ta bày tỏ tình cảm với bạn bè mà không cần đến những phương tiện của thời đại là những trang mạng xã hội như Instagram hoặc Snapchat, và vẫn giữ được mối dây liên lạc.

    Qua những điều vừa kể, ta thấy sinh hoạt lưu bút của học trò Việt hay Mỹ cũng mang nhiều nét hao hao giống nhau. Riêng có điều chữ “lưu bút” của học trò Việt hay hơn chữ “yearbook” của Mỹ. Nó mang nhiều ý nghĩa hơn. Vả lại chữ “lưu” không chỉ là lưu giữ mà còn là lưu luyến, và vì vậy có nhiều người nay đã bước vào tuổi hưu rồi mà mỗi khi cầm cuốn lưu bút cũ của thời học trò lên vẫn tỏ vẻ nâng niu, trân quý như một kỷ vật muôn đời.

    Huy Lâm


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”