Hồ đình Nghiêm

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Chơi vơi

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Chơi vơi



    “Đời không Facebook, đời nghe chơi vơi!” Một cô gái trẻ đẹp đã viết thế. Đăng kèm bức ảnh chụp nửa người ngó mát mắt, thông thoáng. Cô có gần 500 người bạn, không rõ có bao nhiêu kẻ thù mà bên dưới hiển thị lắm lời bàn, theo đúng thuật ngữ phổ thông của tín đồ facebook: “Sự thặc là em thít lộ hàng, phại hông?” “Em đang ở đâu vại? Hăm mún gặp nhao sao?” “Kiếm chiện hen. Òi, thì thoy!”…

    Tôi rất chơi vơi, lòng nghe hụt hơi, những muốn ra khơi, bơi vào facebook. Muốn thiền đạo tu tập cũng bị rớt mạng, mất sóng. Ngày qua rất chóng, dù thời tiết đang nóng, lắm chuyện để hóng. Chẳng giàu kinh nghiệm gì, nhưng tôi mang nhận xét là ở thế giới facebook, bạn chớ mất công theo dõi những gì mà các ông bà cụ tuổi trên 50 đưa lên, chán lắm, tẻ nhạt lắm, chả học hỏi được gì mới lạ cả! Từ 50 trở xuống, cách suy nghĩ, tầm nhìn, lối viết bộc trực của họ khiến mình “đã”, chưa kể họ biết lấy nguồn hình từ đâu đó về minh hoạ thêm. Vui đáo để! Một người nữ tuổi 35, có nghĩa là sanh sau 1975 đăng dòng tâm trạng, chữ trắng trên khung hình đen:

    “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
    Miền Nam nhớ bác nổi da gà!”

    Cô ta chua thêm hàng chữ bên dưới: “Bổn cô nương không mang hậu ý gì to lớn đâu, chỉ nhắn gửi mấy em nên lưu tâm chớ viết sai chính tả. Nỗi nhớ nhà khác với nổi da gà”. Có 320 like. Qua hôm sau, đọc thấy đôi dòng vấn đáp cũng chính nhân vật ấy treo lên (triết lý đầy mình):

    -Tại sao phụ nữ xem phim khiêu dâm thường theo dõi cho tới hồi kết thúc? – Bởi vì họ luôn muốn nhìn thấy một cái đám cưới sẽ diễn ra.

    Thanh niên khác thanh nữ. Thanh niên ưa cập nhật thời sự hơn. Một cậu đăng tin: “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Ngành sư phạm phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an và quân đội…” Người mang nick name Sung Rụng ở Hà Nội trải tâm tư: “Không cứ là ở lãnh vực giáo dục, mọi ngành nghề khác nên nhập chung vào hai bộ phận không nhỏ ấy (Công An & Quân Đội). Có thế bọn bành trướng phương Bắc mới hãi sợ. Chết òi! Chúng làm éo gì mà tập trung nhân lực đông vãi. Hăm mún gặp nhao đâu! Kính nhi viễn chi thoy”.

    Một cậu trẻ khác mang tên Thik Bia Ôm ngụ ở Sài gòn chụp lại hình ở báo Tiền Phong: “Phạm Trọng Luật- Cục trưởng cục chống tham nhũng tuyên bố: Nói đến tham nhũng là ta nghĩ tới những người có chức vụ và quyền hạn. Như thế, chống lại họ có khi chúng tôi phải chết trước!” Bạn Thích Bia Ôm viết: Một Like cho ông quan sáng suốt này. Chế độ ta không mấy ai có tầm hiểu biết sâu rộng và “sai qui trình” như thế cả!

    Lại thêm anh bạn trẻ người Huế đăng đàn: “Nhắc tới Huế thì nghĩ ngay tới sông Hương núi Ngự, tới nón bài thơ và tà áo dài, tới bún bò và con đò, tới lăng tẩm đền đài miếu mạo chùa chiền… Như thế e còn thiếu sót lắm thứ, bởi thời bi chừ nói về Huế thì buộc phải nói tới nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân. Bà con xứ Thần Kinh sinh từ năm 1968 đều phải khắc dạ tên ôn. Sau 75, gia đình ôn ở bên Đập Đá đã xảy ra lắm chuyện cười ra nước mắt, vì có tính riêng tư nên tôn trọng chớ kể ra “làm gì cho tốn giấy”, chỉ nhắc lại chút gì dính dáng tới “Huế học”. Một người sinh viên nhảy núi năm 1966. Hai năm sau, về “ăn Tết” ở Huế xuân Mậu Thân, ôm AK-47 bắn vung vãi thay đốt pháo mừng giải phóng bà con ra khỏi sự kềm kẹp ác ôn của bọn Mỹ Nguỵ. Phải đợi tới 1975 mộng ước mới tựu thành. Một kẻ theo phong trào “đấu tranh đô thị”, nói theo phương ngữ người miền Nam: “Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” đã sớm lộ rõ hành vi tráo trở bằng động thái vào nhà người thầy khả kính Phan Văn Dật để soán đoạt tủ sách quý của thầy. Nón tai bèo cùng đôi dép râu chưa cởi xong ôn đã chóng mang được chức vị: Nhà Huế học. Thủ lợi một tủ sách đồ sộ bên lưng vậy mà ôn tuồng như đã phụ rẫy văn hoá. Mới đây ôn viết trên facebook: “Từ năm 1945 tới 1954, ở Huế không thấy bóng dáng sách của Tự Lực văn đoàn đâu cả!”. Sông Hương học, núi Ngự học, Đồng Khánh học, chợ Đông Ba học e phải nên tìm gặp nhà Huế học một phen để giao lưu tình cảm xem thử ôn noái như rứa thì có phải ôn quen “nói vậy mà hổng phải vậy”? Ôn nớ năm nay nghe đâu đã 81 tuổi rồi, chưa đếm từng ngày như ôn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng xem chừng đã bị “ma đưa lối quỉ dẫn đường” để phải phát ngôn linh tinh. Một nhà Huế học, sao khi về già chẳng ngồi bình tâm viết hồi ký kể lại chiến dịch trận chiếm đóng 30 ngày đêm ở Phú Xuân? Như thế có phải hách xì xằng hơn không, để lưu danh thiên cổ”.

    Tôi rất chơi vơi. Và thú thật tôi hơi bị cao huyết áp. Vì vậy trước sau tôi đành làm đứa lạc hậu không dám mở cho tôi một khoảnh đất Facebook. Tổn hại sức khoẻ và thời giờ đã đành, mở ra thì biết lấy gì mà treo lên? Trời sinh chân tôi thuộc loại thiếu thước tấc, không được dài miên man. Lẽ nào ăn gian lấy hình nữ giới làm ảnh đại diện, photoshop cho thành điện nước đầy đủ xong rồi câu like: Được tới 500 “em” sẽ cởi áo nịch dzú. Mún vại hông? Hehehe.

    Hoặc có thể nghĩ ra trường hợp hai: Tôi sẽ bị chúng hack. Cho mày chết, thằng phổi bò. Sao mày đã thôi ăn cơm quốc gia mà còn ưa chửi con ma cộng sản thế? Đao thì lỡ bị đoạn lìa mà cứ đòi rút đao tương trợ. Bạn bè mày sinh hoạt vào ra chốn nọ vẫn tịnh khẩu như bình, tự xem đó là chốn vui chơi thoải mái tha hồ khoe ảnh dĩ hoà vi quý kính lão đắc thọ. Sao mày chứng nào tật nấy, cứ ưa lo bò trắng răng?

    Nếu có facebook đời tôi chơi vơi, tôi sẽ bỏ bút. Bịt tai nhắm mắt, dại khờ như Bùi Giáng bảo, đời một giấc chiêm bao!

    Hồ Đình Nghiêm


    Nguồn:https://sangtao.org

    :giggles:
              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Ở cõi thiếu, vắng

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Ở cõi thiếu, vắng



    Chân dung Mai Thảo
    đinhcuong


    Trên đường đi, đôi lúc bạn phải tạm dừng lại, nghỉ chân. Bạn nhìn quanh, phát hiện cái thưa thớt, rơi rụng dần của bầu đoàn lữ thứ, hao hụt.

    Có những cuộc sum vầy tình cờ, đưa đẩy bạn ngồi kề một nhân dáng, hai ba bóng người đối diện. Những khuôn mặt, giọng cười đùa vô thưởng vô phạt, nhạt; làm bạn nhớ tới câu “Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu. Thoại bất đầu cơ, bán cú đa”.

    Đám đông nào mà chẳng vậy? Kia là rậm rật ánh sáng, nọ là bóng tối với so vai, trầm mặc tự chọn. Tôi luôn yêu mến một người anh già tuổi, ốm yếu. Ốm vì trong tay luôn nắm cốc rượu, chẳng thiết việc ăn. Yếu vì môi kia luôn ngậm điếu Winston, chẳng màng tâm sự. Hai hàm răng, chỉ còn trụ chừng năm bảy chiếc, nói giọng Hà Nội 9 nút, trầm, đục; nhưng nghe thanh tao mỗi bận anh dùng chữ Đếch. Làm cái đếch gì mà ồn thế! Chẳng phải ai cũng thốt được chữ đếch nghe vui tai bằng anh. Một người thầy vừa khó tính lại rất mực dễ chịu. Nửa xa cách nửa thân cận. Nửa khinh mạn nửa khuyên can. Có lần anh bảo: Cậu nên nhớ điều nầy, là nhà văn cậu nên ngồi trong bóng tối, sân khấu đèn mầu là nơi dành cho Hùng Cường Mai Lệ Huyền.

    Tạp chí Văn số 89, phát hành tháng 11 năm 1989 có đăng bài thơ của anh, đa số không dài, thường chỉ bốn câu, bài “Sáng Sớm”:

    • mắt nhắm mắt mở bước lật đật
      đi một thôi đường còn gà gật
      con lật con đật hai con đi
      cũng sống rất an nhàn kiểu Mỹ.


    Thời gian ấy tôi chăm viết. Anh gửi thư hối bài, cũng chỉ đôi dòng, chữ viết đẹp trên một vuông giấy nhỏ. Có khi hỏi: Cậu đâu biết làm thơ, nhỉ? Có khi phân trần khi nghe tôi hăm sẽ gửi sang một cái truyện dài: Tôi rất tránh chuyện phải để cho người đọc chờ cả tháng. Một ngắt rời từng đoạn là điều không nên.

    Nếu anh thuận lòng, biết đâu tôi đã phóng lao, rồi phải cực lòng theo lao. Tôi đâu biết làm thơ, thơ nằm ngoài tay với. Văn Magazine như tấm gương soi, qua đó tôi thấy mặt mình rất xấu chai. Cần siêng tắm gội, chải tóc, ăn ở hợp vệ sinh mới dám bước vào vườn thơm hoa lạ (nhỡ gặp ai trong mơ, mình cũng đã chuẩn bị chút đỉnh sự tử tế). Nói đâu xa, chính anh là một rào cản. Tôi không đủ lực để tạo dựng sức mạnh, bước qua. Bài “Lẻ Một” của anh là một trong muôn ngàn lực cản:

    • sách một dẫy nằm trơ trên giá
      cạnh người thân thế cũng trơ trơ
      sách, người hai cõi cùng hư hoại
      nơi một ngàn chương thiếu một tờ.


    Không những nhìn thấy trước cơn hấp hối của chữ nghĩa, tháng 10 năm 1989, vào thời điểm ấy đã sớm tựu thành ở anh nỗi ám ảnh về một màu đêm tận tuyệt, nơi dừng chân thực sự của những lên đường trước, sau. Đời bày ra thức mà anh gọi là “Món Đất”:

    • đất tưởng còn xa trời vẫn gần
      giờ đất đã gần trời xa dần
      khăn bàn trải sẵn cùng thân thế
      đợi chiếc khay trời món đất ăn.


    Sang tới tháng 11 năm 1992, tạp chí Văn số 125 đăng một thứ gần với “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời” (nhan tập truyện ngắn của anh), bài thơ mang tên “Nói Với Mộ Chí”:

    • đá kia tuổi đá đã nghìn năm
      dựng trên kẻ đã về trong đất
      nó sống hư huyền như nó mất
      đánh dấu làm chi chỗ nó nằm.


    Càng về sau anh càng thích thu bé lại, làm thơ nhiều, trong quán rượu, ngồi xe đò, trên máy bay. Thôi viết dài, đêm khuya cúi bóng trên trang giấy, đèn thắp nhìn thấy mực dầu đang xuống dần, đốm sáng lung lay. Tạm gọi là dài khi mỗi tháng chỉ viết được Sổ Tay lay out chừng bốn năm trang, kể chuyện nắng Cali mà mưa Seattle, ai vừa di dân đến ai vừa bỏ lại hành trang. Trang văn rất lành, không bình phẩm chẳng khen chê một ai (mặc xác chúng nó). Trước sau chỉ là một kẻ đưa tin, càng trung thực càng tốt. Nhưng, cốt lõi của thơ lắng đọng lời tự thán, chút yếm thế, vẽ ra viễn cảnh chừng thảng thốt, “ai tri âm đó mặn mà với ai?” Và chữ dùng, ám chút hằn học, bất ưng: “Thằng Viết Mướn”.

    • những trang đời viết còn dang dở
      sẽ có bàn tay ấy viết giùm
      ngón cái sang trang và ngón út
      viết giòng vuốt mắt phút lâm chung.


    Nhà văn Mai Thảo (1927-1998) hàng tháng viết tên cùng địa chỉ tôi trên bì thư vàng, ra bưu điện mua tem, con mộc Westminster đóng lên và tờ Văn chưa một lần lỗi hẹn tới vùng băng giá.


    Chân dung Cao Đông Khánh
    dinhcuong


    Lý ra tôi chỉ nên nói riêng về anh, nhưng khi tìm đọc lại những số báo Văn cũ, úa mầu, tôi đụng phải một bài thơ “thần sầu” của Cao Đồng Khánh (Văn số 131, tháng 5.1993). Một tiếng thơ lạ, (đôi khi chữ lót của anh lại thiếu dấu huyền) người không có tên trong tuyển tập 40 năm thơ hải ngoại và cũng đã vắng mặt dài lâu tựa Mai Thảo. Cao Đồng Khánh, tác giả của thi tập nổi tiếng “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn” sinh năm 1941 và mất năm 2000. Sau đây là bài vừa chạm trán, “Địa Chỉ Tình Yêu”, cầm lòng không đậu buộc phải chép lại, thay tưởng nhớ người bạc mệnh:

    • đời tứ xứ! em ơi. thành phố tôi tróc nóc
      mưa bão nào. hơn nữa. cũng không sao
      có người thuỷ tận đi tìm sắc nước
      con mắt màu lý lục không yên.

      con mắt có đuôi vẫy gọi trí nhớ
      chiếc lá cuối cùng thắm thiết ra giêng
      như vết môi son thoa trên đông chí
      bay ngập vào trong tiểu sử phiêu lưu.

      tháng chạp bạch kim. tháng giêng tóc bạc
      mùa đông lạ kỳ khuya sớm tuyết trân sa
      tháng chạp gió lúc. tháng giêng nước nổi
      những tháng trời gầm em ở thật xa.

      mưa bát ngát phía bên trời đánh lớn
      trên đường sét sáng trưng ai đó quẩn quanh
      sầu cố xứ nặng nề hơn thế sự
      chuyến xe đò lên xuống máy long lay.

      mặt trăng sắc xảo trong sơn cùng ký ức
      địa chỉ tình yêu, em. hãy nhớ tận tường
      con đường máu nóng đưa vô hương lộ
      có một ngôi nhà trong góc giác quan.

      ở ngoài bão táp. trong lòng giông tố
      hãy ghé vào đây, em. bàn ghế tận tình
      em sẽ gặp em, như, một người mất tích trở lại
      chải gỡ đời tư bằng gương lược liêu trai.

      những tàn tích hệ luỵ trồng ngoài sân, phong cảnh
      về sau thành thế núi hình mây
      ngôi nhà cảm động nồng nàn sự thật
      yểu điệu vô cùng thân thể trăm hương.

      tháng giêng, trên ấy tuyết rơi, dưới nầy mưa lũ
      ở giữa, cuộc đời, lạnh lẽo long đong
      mặt trời quốc sắc trong tư phần phú quý
      có một ngôi nhà trong khoé mắt em.

    Trong ý nghĩ cạn xợt của tôi, bài thơ trên có thể là một biểu tượng cho hai từ: Hải Ngoại. Giạt trôi. Giông bão. Hoạn nạn. Tấp bồi. Lưu lạc. Sống thở bằng trí nhớ đã thôi còn nguyên trạng. Không thể hít vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười. Một bài kệ dài chất không thứ lớp những rạn vỡ từ con chữ khác thường, lạ lẫm. Mà tôi yêu quý.

    Có người nhiễu sự đặt dấu hỏi: “Thơ đến từ đâu?” Tôi câm lặng. Có người dùng từ thậm sáo: “Tôi là con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi”. Tôi tủi thân. Tôi vụng về. Tôi chỉ biết thổn thức khi nhớ đến hai tài năng đã về “núi lạ”. Cảm ơn anh Mai Thảo. Cảm ơn anh Cao Đồng Khánh. Mộ chừng nghe cỏ mọc xanh!

    Hồ Đình Nghiêm


    Nguồn:https://sangtao.org



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Hồ đình Nghiêm

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Dư dục vô ngôn



    Là học trò lớn lên ở miền Nam, tôi nghĩ chắc các bạn biết đến đoạn văn ngắn của Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”

    Thanh Tịnh sinh năm 1911 tại xóm Gia Lạc ven sông Hương, học tiểu học ở trường Đông Ba, trung học ở trường Pellerin, Huế. 1945 chủ nhiệm tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. 1957 tham gia thành lập Hội Nhà Văn VN. Trước khi nghỉ hưu mang quân hàm Đại tá QĐND. Mất năm 1988 tại Hà Nội nhưng mộ phần lại đặt tại núi Thiên Thai, phía tây thành phố Huế.

    Sở dĩ ghi lại vắn tắt những cột mốc trong tiểu sử của Thanh Tịnh bởi tôi đồ chừng tác giả truyện ngắn “Tôi đi học” (viết năm 1941) nổi tiếng kia đã gắn bó với Huế, không ít thì nhiều. Huế, nơi sản sinh ra những đứa con lưu lạc, từng cảm thán và từng được lắm kẻ đồng tình: Là nơi đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương.

    Chạy giặc đầu năm 1975, vô tới Sài Gòn, tưởng êm, hoá ra giọt dầu loang bắt lửa, nuốt chửng toàn bộ. Tuy chẳng bị phỏng tới lột da tôi cũng dấu che tơi tả lộn lui Huế để hoang mang ghi danh học tiếp và 1976 tôi chính thức được đối diện với Thanh Tịnh do ông Trần Hoàn, tác giả bản nhạc “Sơn nữ ca” đang giữ chức trưởng ty Thông tin tỉnh Bình Trị Thiên dàn xếp một buổi tâm tình với sinh viên con em nguỵ quân nguỵ quyền ở Huế. Có lẽ vì là nhạc sĩ nên Trần Hoàn đã chọn địa điểm là trường Quốc gia Âm nhạc làm buổi “giao lưu”, đốc thúc bọn học Mỹ thuật láng giềng xếp hàng tề chỉnh xé rào qua tham dự. Thời điểm đó nếu bạn đi xem chiếu bóng mà bỏ về nửa chừng ắt bạn sẽ đối mặt với một kết thúc không có hậu. Nhưng tình ngay diễn giả là Thanh Tịnh thì nghe thế, anh em chúng tôi thực bụng cũng hồ hởi phấn khởi lắm. Trần Hoàn thì quê quán ở Hải Lăng ngoài Quảng Trị, không kể tới; nhưng Thanh Tịnh rõ là Huế mềnh, lắng nghe xem giọng nói “chàng” đã hao mòn phai nhạt nước sông Hương bao phân sau tháng ngày dài đầu tắt mặt tối phía bên kia vĩ tuyến 17 trời mãi bàng bạc những đám mây trì nặng trôi trên bầu trời hẹp bất kể xuân hạ thu đông.

    Có những khuôn mặt nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ mà khi lỡ mang cảm tình với họ, bạn chớ nên gặp mặt. Hình bóng tốt đẹp nằm trong tâm tưởng bạn chóng sụp đổ ở phút “vô duyên đối diện bất tương phùng”. Trước mặt tôi là một ông Thanh Tịnh dáng dấp thường thường bậc trung, hơi đen đúa hơi cốt cách nông dân, hơi ngần ngại… thứ tác phong chẳng phải người ở phía thắng cuộc. Kể chuyện nhạt nhẽo, ấp a ấp úng. Ông luôn ngó trước trông sau và chừng như sự thành thật của phút tâm tình đã không cách gì thể hiện được. Thanh Tịnh áo rộng thênh bỏ ngoài quần dài ngang mắt cá, mang dép Bình Trị Thiên và như tất cả các cán bộ khác, ngôn ngữ của họ đều khoác một thứ “đồng phục” y trang nhau. Cuối bài nói chuyện về “đời sống văn hoá cao ở ngoài ta” là phần hội thảo, giải đáp thắc mắc. Tôi đã rất muốn dong tay: Thưa bác, rứa thì ngoài nớ trong giờ dạy văn họ có mang một đoạn trong bài “Tôi đi học” ra giảng cho học trò như ở miền Nam không? Lại muốn thực lòng ngợi ca đó là một áng văn đẹp khó mờ phai trong lòng mấy em học trò mãi hồn nhiên chẳng biết chuyện đấu tranh giai cấp với xung phong diệt thù. Nghĩ bụng là thế nhưng cứ ngồi im re đầu óc trì nặng chứa lắm mây vân cẩu. Chuyện không có gì để ầm ĩ. Phật nói mọi khổ đau đều do miệng lưỡi phát sinh ra. Tôi cúi đầu, xin chay tịnh vá mồm để tránh phong ba.

    Kể lại chuyện xưa chẳng mang hậu ý gì, ngoài gợi nhớ đoản văn kia dễ làm đầu cầu cho một hình ảnh thấy sang bắt quàng làm họ: Hằng năm cứ vào tháng Tư, đầu mùa xuân mà lá ngoài đường rụng nhiều và lòng tôi lại nhức nhối những kỷ niệm hoang mang của đứa phải bỏ trốn quê hương. Huế là nơi đi để nhớ mà ở thì chẳng rõ có êm không… Tháng Tư, ôm đồm mà nói vậy chứ thực chất một đứa xứ Huế bị “lá rụng” từ hồi tháng Ba lận. Đám mây bàng bạc cứ dồn cục trên đầu đến cả tháng trời mới chịu tan đàn sẩy nghé bao phù vân. Ngày tựu trường mẹ nắm lấy tay tôi dắt đi học, hình ảnh an lành đó biết tìm đâu thấy khi cả mẹ lẫn con đã bỏ của chạy lấy người, hoang mang nhìn mưa-rơi-trên-mầu-cờ-đỏ.

    Trước 75, trong 12 ống của hộp màu nước, dành cho chủ đề của từng bài vẽ dường như chúng tôi biết cách dung hoà chúng. Nhưng khi “quê hương thống nhất”, màu đỏ trở thành khan hiếm do bởi chúng phục vụ cho tất cả mọi đề tài, đặc biệt là tranh cổ động. Đỏ: màu phát quang rất mạnh, đứng xa cũng thấy. Quan trọng hơn, đỏ là màu cách mạng, màu chiến thắng, đạp đổ các thứ. Hoạ sĩ Cuba, hoạ sĩ Bắc Hàn, hoạ sĩ Trung Quốc và hoạ sĩ đàn em Việt Nam thảy đều mê mệt màu đỏ. Hỏi một ông đang ngồi ngáp vặt: Sao không chịu lao động? Mặt nhăn nhó khổ sở: Chẳng có màu đỏ, lấy gì vẽ?

    Hằng năm cứ vào tháng Tư, lá ngoài đường rụng nhiều và lòng tôi lại hoang mang thắt ruột khi nhớ về những tháng ngày chịu sống ngộp thở trong sắc màu đỏ. Để mong nguôi ngoai ít nhiều, có đứa “nhân thân xấu” đã kể chuyện tiếu lâm: Một ông Tây ba-lô băng qua đường khi đèn xanh vừa bật sáng. Hậu quả dính thương tật tới 75%. Bác sĩ ở bệnh viện giải thích: Khổ quá, bác đến từ hành tinh nào thế? Đèn xanh tại sao không chịu đứng lại đợi đèn đỏ? Màu đỏ là màu chiến thắng, nhắc bác hãy xông pha tiến lên bất chấp nguy nan, nhớ? Tây ba-lô hoá ra cũng chán thằng lạc hậu, nhỉ! May mà chưa bị gọi là thái tử, nôm na: chết không toàn thây.

    Có đứa rảnh rỗi sinh nông nỗi làm tài khôn: Đố chúng mày vì sao thành hôn, vu quy, song hỷ nói chung là đám cưới người ta đều trang hoàng toàn sắc đỏ? Vì họ coi trọng giọt máu trinh tiết của cô dâu chảy ra ở đêm động phòng. Đơn giản vậy mà nghĩ không ra. Cái đứa mau miệng ấy, nghe đâu bị rụng răng vì bị ba thằng bặm trợn vây đánh hội đồng trong đồn công an. Người bạn tôi thuật chuyện khi tại ngoại sau bảy đêm (khoái lạc) ăn nằm sau chấn song. Bạn tôi vào tù vì bạn láu táu không chịu tính bề dài của bức tường làm khi viết sơn khẩu hiệu bị thiếu mất một chữ “ta” nằm cuối câu: Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng.

    Bảy ngày trong lao hắn ngộ chuyện: Tiếng nước ta thật quá nguy hiểm, thiếu hoặc thừa, có dấu hoặc mất dấu sắc huyền hỏi ngã nặng, chữ đang hiền lành bỗng trở nên hung ác ngay. Con dao hai lưỡi mày ạ, người ta chưa gắp lửa bỏ tay thì mày đã bị lưỡi thép cứa đứt rồi. Để minh hoạ thêm dưới câu nói hắn kể là ông anh hắn giờ này vẫn chưa học tập cải tạo xong, trước đây ông ta có viết văn. Mà văn ông ấy cũng mềm như hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều…

    Lá rụng? Chữ này tuồng như bà con với qua đời, với nghỉ chơi, với khuất núi, với chu du miền cực lạc? Ai sao chẳng biết, chứ riêng tôi nghĩ trước năm 1975 mặc dù đang lâm vào cảnh chiến tranh nhưng đón nghe tin người chết không nhiều như giờ đây. Ngoài thân bằng quyến thuộc đến anh em bạn bè cứ người này phủi chân xong đến người khác leo lên ngồi trên bàn thờ. Có phải hệ luỵ đến từ cơn buồn đau mất nước? Mỗi năm đến tháng Tư lá ngoài đường rụng nhiều và người tôi quen biết lần lượt vác mạng qua đèo đi vào chốn cát bụi.

    Tháng Tư, do vậy trăm người cười thì có vạn người khóc. Đau thương bao giờ cũng vượt mặt, đụng trần so với nụ cười. Chuyện diễn ra hằng ngày kiểu như đọc thấy ở mục tìm bạn câu khẩu quyết: Buồn nhiều hơn vui, ai đồng cảnh ngộ xin thư về… Qua ngày đoạn tháng còn vậy huống hồ là niềm đau nhức của tháng Tư, vốn vô bờ, vốn còn mới bao vết đoạn trường cũ. Tháng này, trên các diễn đàn văn chương đọc thấy bao thơ văn của “những người đồng cảnh ngộ”. Đọc lấy và xin hãy nhìn thấy mình còn may hơn những phần số bất hạnh chẳng thể bày tỏ khác.

    Lời Phật: Bốn chín năm truyền đạo, ta không nói câu nào.

    Khổng Tử ngôn: Dư dục vô ngôn. Thiên hà ngôn tai. Không muốn thuyết giảng (bởi ngay cả) Trời có nói gì đâu.

    Nhưng hằng năm cứ vào tháng Tư, đành vượt khuôn phép để gửi chút “tâm tư” theo chiếc lá rụng ngoài đường. Mây bay chốn này muôn năm bàng bạc và lòng tôi bất chợt hoang mang tuổi nghỉ hưu. Không thanh, chẳng tịnh.

    Hồ Đình Nghiêm


    Nguồn:https://sangtao.org



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Hồ đình Nghiêm

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Lệ như sương




    Trần có hai tay, tay nào cũng thuộc loại diệu thủ. Bạn bè thương Trần, lếu láo gọi hắn có ba đầu sáu tay. Trần nghe, chẳng nói gì, chỉ cười lành. Nguyễn bảo, vậy là hàm oan, bởi chàng ta từ khi sang đây tả xung hữu đột đã làm tới bảy nghề khác nhau, thợ đụng thứ thiệt phải nể mặt, cung kính không bằng chào thua.

    Trần giỏi việc chợ búa bếp núc, nấu ăn ngon, luôn biết cách sáng tạo thay đổi các món dù nguyên vật liệu vẫn chừng ấy thứ. Tình ngay, với ba năm nai lưng chân phụ bếp trong nhà hàng của Pháp, gặp đứa cục vắt thành hòn thì chẳng thể có hoa tay như Trần được. Phan đơm mộng quấy: Hàng tuần ông đều mua vé số, trời kêu một tiếng thì ông mở ngay cái quán ăn, kêu Trần tới làm sếp để hét ra lửa chơi. Trần cười hiền, ép dầu ép mỡ sao nỡ ép tôi, quan hoài cho nhau kiểu đó hèn gì thần tài chưa gõ cửa nhà ông, mấy khi mà sung rụng ngay chỗ nằm!

    Ngày lễ các bà mẹ, nhằm cuối tuần,Trần điện thoại gọi bạn tới nhà nhậu lobster, cua xanh và nghêu sò đang được mùa. Nguyễn chém gió: Nói nghe thương, nhưng cớ sao lại vin vào lễ mẹ hiền? Chỉ chém cho Lê cùng Phan nghe chút gió đìu hiu vậy thôi. Và cả ba đóng góp chút rượu bia cùng thùng xoài, chục mãng cầu, hẹn hò nhau lại gõ cửa lúc sáu giờ chiều.

    Khi bạn bè tới thì hai đứa con của Trần đã tề tựu, chật tiếng nói cười. Một gái một trai đã thành người hữu dụng cho xã hội. Vì công việc, chúng phải ở xa Trần, thỉnh thoảng lái xe nuốt dặm dài về thăm bố. Nếu làm cuộc phỏng vấn bỏ túi, hẳn chúng sẽ không dấu sự hãnh diện khi có được một người bố “công, dung, ngôn, hạnh” như Trần, hơn cả ba đầu sáu tay. Tuy ngày lễ các bà mẹ, hai đứa con vẫn có quà cho cha, vì Trần vừa là núi Thái sơn lại kiêm luôn nước trong nguồn chảy ra. Đã mười năm, Trần đích thị là một con gà trống, chưa rụng lông, chưa chạy làng, chưa hao mòn tiếng gáy. Phong thái xem chừng ung dung tự tại, ưỡn ngực chào bình minh mà không hề quan ngại bóng chiều tà nhuộm sẫm. Mình ên vô ra chuồng, quên béng chuyện đạp mái.

    Vì con gái, An yêu thích bông hoa và nhân ngày Mother’s Day, hoa lá cành là mặt hàng bày bán khắp hang cùng ngõ hẹp nên cô con hiếu thảo đã ôm tới cho bố một bó rõ to. An đang cắt tỉa chúng, cắm vào bình nước, loay hoay trình bày một bố cục vẹn toàn rồi mang ra đặt giữa bàn ăn. Nguyễn ngắm hai loài hoa, nhưng Nguyễn chỉ để tâm thưởng thức tới thứ hoa di động kia. Hoa có mái tóc dài, hoa có nước da trắng, hoa rạng ngời một vẻ đẹp khiến Nguyễn mơ hồ nhớ về người sở hữu gương mặt tới tám phần giống hệt An. Bà ta giờ này ở đâu? Lý ra người xứng đáng đón nhận bó bông nhiều màu sắc đó là bà, danh chính ngôn thuận hơn gã đàn ông mang tên Trần một mực hồn nhiên trong cuộc lữ. Nguyễn nói:

    Bác có đọc một chuyện khôi hài mang tên “Sách vở đôi khi không tốt” để kể cho An nghe: Nhà nọ có trồng vườn hoa rất đẹp, ông chồng đã bỏ ra lắm công sức cũng như đổ tiền bạc vào trò tiêu khiển thú vị và lành mạnh ấy, ông tự hào mình là kẻ chăm bón gần đủ bao loài hoa quý phái trong thiên hạ. Một chiều kia, đi làm về, ông ta tối tăm mặt mũi khi nhìn ra khu vườn trơ trụi, xác xơ trong khi người vợ thì say sưa cúi đầu nghiền ngẫm cuốn sách “Nghệ thuật cắm hoa”.

    Chỉ giúp vui cùng An, người vừa cắm hoa có nghệ thuật, nhưng thứ chuyện cười kia lại lọt vào tai Bảo, cậu em kỹ sư đầu quân cho công ty điện lực đưa ra câu hỏi: Bác còn viết lách không? Sách bác có tốt không? Nguyễn thấy thất bại vì mẩu chuyện đã chẳng làm đôi trẻ bật cười. Thì bác vẫn viết đều đấy thôi. Vì sao Bảo hỏi thế? Vì bác phải hình dung ra ai là người đọc sách truyện ấy? Thời buổi này người ta đều chúi mũi vào internet cả!

    Nguyễn nhìn Bảo, ngạc nhiên vì cậu ta nói tiếng mẹ đẻ còn ngon lành quá. Khá suông sẻ, rất ngon cơm dù đôi lần Bảo bịt mũi trước chén nước mắm mà Trần chưa kịp pha chế chanh đường ớt tỏi. Công việc mà cháu đang làm có bao giờ phát sinh ra lỗi kỹ thuật? Ý của bác là thành phố Bảo ở từng bị mất điện chưa? Hãy xem việc bác in sách cũng tựa như một tai nạn ngoài ý muốn, bác cố đốt thắp ngọn nến trong khi đợi có điện trở lại… An mang tới cho Nguyễn một chai bia: Bác nói vậy cũng không đúng, bởi vì bác đâu sáng tác ra sách nghệ thuật cắm hoa, phải vậy không? Là sao, bác chưa hiểu cái bóng gió của An?

    Lê hút xong điếu thuốc, từ ngoài vườn trống chẳng có hoa dại hồi sinh sau kỳ nghỉ đông quá dài, bước vào góp tiếng: An biết không, có nhiều người rất giỏi việc cắm hoa nhưng lại vụng về trong chuyện cắm tin yêu vào bao người thân, có nghĩa là họ quá tệ việc ứng xử… Trần xuất hiện từ vuông bếp chật, hắng giọng: Đàm thoại như vậy xét đã đủ, giờ thì nên để miệng mồm được nhai nuốt thức ăn, dĩ thực vi tiên, hoặc muốn đạt đạo phải chìu chuộng cái bụng trước. Cơm no hẳn bò cỡi. Phan đùa: Lời nhà ngươi thật hợp ý ta. Để chấm dứt, có một câu xét thấy cần tra vấn nhất, đó là đến bao giờ thì mấy bác ngồi đây được góp mặt trong ngày vui của An? Con chưa tính được bởi con không tìm ra cuốn “Làm thế nào để giữ hạnh phúc dài lâu?”

    Khi da mặt của bốn tên Trần Nguyễn Phan Lê đổi màu thì hai người đầu xanh xin phép được rút đi. Bảo nói, nghe các bác kể chuyện đời xưa thì cũng học hỏi được lắm điều, mặc dù toàn buồn đau, không thấy có vui chen chân. Mấy bác tài thật, khi nhớ những thứ chẳng đáng nhớ. Máy móc đôi lúc phải thay cái mới khi muốn nó vận hành tốt, gọi là phải bảo trì chúng, dụt bỏ các thứ cũ xưa, hết thời hạn… Có thể Bảo muốn nói dài lời nhưng cậu ta tìm chưa đủ vốn chữ. Thôi, tụi con phải về, qua cầu xa lộ dễ bị kẹt xe lắm. An tiếp, cảm ơn mấy bác luôn đến nhậu với ba con, không có ai thân cận chắc ba Trần cô đơn lắm. Con đi nghe ba, mấy món ba làm quá super.

    Trần đứng lên, tiễn hai đứa con ra: Lái xe cẩn thận. Lời đề nghị của hai con, ba xin nghe theo, nhưng phải tới khi nghỉ hưu mới tính được, bởi hơn ai cả, ba luôn muốn sống gần với các con, ở đây lạnh lẽo quá. Phan nhìn qua ô cửa: Hai đứa thật dễ thương, rõ là ở đời vẫn còn đó luật bù trừ. Lê nói nhỏ, giọng mềm như tẩm nhiều men bia: Vợ tôi có facebook, bả lùng sục kiểu gì đó mà tình cờ lạc trôi tới giáp mặt một bóng hình, bả nhìn nhận ra ngay đó là vợ cũ của chàng Trần nhà mình. Điều đó không kinh khiếp bằng chuyện nay mai “người đẹp” sẽ lấy một anh chồng nhỏ thua tới mười cái xuân xanh, hôn lễ đình đám diễn ra ở tận Biên Hoà. Ngồi uống chất cay tôi những muốn ngứa miệng mới gớm. Phan hoa tay: Ông nuốt xuống là đúng, bốn đứa mình thì chẳng hề hấn gì nhưng để hai đứa An, Bảo nghe được thì không hay, mất vui đi. Ngày lễ mẹ, xin cho chúng hình dung ra một ảnh hình khác với thứ nằm mộng cũng chẳng ngờ kia.

    Tiếng động cơ nhỏ dần, có thể Trần nhìn theo chiếc xe vụt mất mới mở cửa trờ vào nhà, nhìn xuống bàn vung vãi một “bãi chiến trường” đã đến hồi tàn cuộc. Tất cả chừng như không còn giữ được sự nguyên vẹn như ban đầu, chỉ duy những bông hoa là khởi sắc, tươi mươi, ướt át dâng trọn vẻ đẹp hằng cửu. Hằng cửu là nói chung về nhan sắc của hoa chứ thực ra, sau lễ mẹ hẳn nó sẽ chịu rụng tàn đi trong kiếp ngắn mà phận hoa vẫn mang. Dâng cho đời, kín tiếng một màu sắc để rồi nhạt phai. Đôi khi nó đẹp chỉ do bởi cái tạm bợ ấy. Vậy thì thẩm mỹ có nương náu vào sự bất biến? Trần hỏi, có bạn nào uống tiếp nữa thôi? Và không chờ một ai hưởng ứng, Trần mở tủ lạnh lôi ra xâu bia: Nguyễn à, hồi nào ông cạn đề tài thì cứ hỏi tôi. Ông ngờ được không là tôi vẫn còn giữ cuốn nhật ký từ thuở bắt đầu làm chồng làm cha. Tôi sẽ trao cho ông hôm nào xét thấy nhác chơi, nghe bệnh tình thăm viếng. Tôi có niềm tự hào riêng, là tôi hứa sẽ tìm mọi cách không cho hai đứa con tôi nghĩ xấu về mẹ chúng nó. Rằng chúng ta mỗi người có lấy một hoàn cảnh riêng, và hoàn cảnh của tôi là do lỗi lầm tôi tự gây ra. Tôi từng giải thích cho An và Bảo biết về câu “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Tự xét mình trước khi đỗ lỗi cho kẻ khác. Chúng nó muốn tôi dọn về ở gần để lỡ có gì chúng còn biết đường mà xoay trở. Điều đó có nghĩa là tương lai gần tôi sẽ chia tay cùng các bạn. Trong chúng ta, ai mà không có lúc nói tiếng giã từ… Vô cái này đi chứ, khà khà, bia thương chứ không ai thương đâu! Nói bỏ lỗi chứ chúng ta đứa nào cũng đều mất mẹ, buổi nhậu này là cái cớ để dành một phút mặc niệm cho mẹ già, cho hiền mẫu, cho một nhân vật mà thượng đế ưu ái dành riêng cho mỗi đứa chúng ta. Nói mấy cũng không cùng, có đúng không?

    Nguyễn, Phan, Lê bước khỏi Trần gia trang khi đêm dịu dàng vây bủa bóng tối. Sương xuống, mát lạnh, đẫm vai. Nguyễn đã nhanh tay ngắt từ bình hoa An cắm một cành hoa hồng màu trắng, nhét vào túi áo. Phan hỏi: Ông đang nhớ mẹ chăng? Ừ, tôi mãi là thằng con bất hiếu, chưa thể hoàn thiện một đoản văn ngợi ca mẹ mình. Lê nói: Vậy thì mai hậu có viết nỗi chuyện đời, một nửa của bạn Trần? Nguyễn gật đầu: Sẽ cố, nếu bạn ấy đã tín nhiệm gửi trao. Các bạn có hiểu sự ví von: Tuổi già hạt lệ như sương?

    Người uống ít nhất là Lê. Lê sẽ ngồi vào tay lái. Xe nổ máy, chiếc Honda đời 2008 chưa tiện đun vào nghĩa địa sắt thép đang run bần bật, húng hắn chạy ra giữa con lộ ướt sương.

    Hồ Đình Nghiêm

    Nguồn:https://sangtao.org


              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”