Sài Gòn Cô Nương

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Dắt con đến trường




    Trước 75, mặc dù đang thời kỳ chiến tranh nhưng trật tự ở thành phố vẫn rất tốt.

    Ngay cả học sinh tiểu học thường học một ngôi trường công gần nhà, vì thế chỉ cần lên lớp 3, tức là 8 tuổi, đã có thể tự đi học một mình, thậm chí đáp xe buýt mà không cần gia đình đưa đi đón về.

    Chẳng những đi học một mình mà các em còn một mình ôm cặp đến trường vào những giờ tréo ngoe.

    Do được phân công trực vệ sinh phòng học nên học sinh phải lần lượt thay nhau đến lớp sớm, trước giờ vào học, để quét phòng, lau bảng, thay nước chậu cây… Vào mùa hè không sao, trời sáng sủa nhưng vào khoảng tháng Chạp, ngày ngắn đêm dài. Khoảng 5g rưỡi, trời còn tối mịt đã thấy vài học trò nhỏ mang chổi, mang giẻ đi bộ trên đường. Chứ giờ đó, phụ huynh vẫn còn ngủ, không ai thức dậy đưa con nhỏ đi học khi còn tối đất đèn đường như vậy. Tối tới mức đôi khi cúp điện, cô giáo cho học sinh ngồi chơi hoặc thắp nến học đỡ trong lúc đợi trời sáng rõ.

    Trường học chia thành ba giấc, sướng nhất là giấc sáng và chiều được ăn và ngủ trưa ở nhà. Còn lại giấc trưa nắng nôi nóng nực và ngoài đường vắng ngắt vì mọi người nghỉ trưa, học sinh nhỏ vẫn lại lũ lượt đến trường. Nếu nhà gần nhau, lũ học sinh rủ nhau đi học từng nhóm nhưng cũng có nhiều em lủi thủi đi học một mình. Trên con đường từ nhà đến trường ấy rất an toàn, không có gì đáng ngại cả, hiếm nghe nói đến tai nạn xe cộ, cũng không mẹ mìn…

    Đó là không kể thời đó, với những trường có lề đường rộng rãi đằng trước, học sinh đông nghẹt tụ tập chơi trước cổng đợi tới chuông reng, chúng tự động xếp hàng ngoài lề đường. Khi ấy, giáo viên mới xuất hiện để đưa lớp của mình thứ tự theo đuôi nhau vào trường. Khi lớp cuối cùng đi qua cổng, cửa trường đóng lại, không còn học trò nào ra vào nữa.

    Từ tiểu học đã tự đi học như thế nên dĩ nhiên lên trung học, việc đến trường một mình đã trở nên quá quen thuộc. Học sinh trung học đến trường bằng xe gắn máy, rất ít, thường chỉ con nhà khá giả mới sở hữu một chiếc Velo Solex, sau này là Honda Dame, Honda PC, Babeta… còn lại đi xe đạp, nữ đi xe đạp mini nhìn dễ thương nhưng bánh xe nhỏ quá, đạp gần nhìn áo dài tóc dài dễ thương nhưng đạp xa thì mướt mồ hôi. Hoặc đi bộ cho dù trường rất xa, cặm cụi cuốc bộ cả tiếng mới đến trường, rồi lại bằng ấy thời gian để về tới nhà.

    Vào giờ ra chơi, lũ học trò túa ra khỏi phòng học, tha hồ nô đùa trên sân trường và hành lang. Cha mẹ bận rộn làm ăn nên chẳng ai có thời giờ đưa đón trẻ con cho dù hầu hết các bà mẹ trước kia đều ở nhà nội trợ chứ không tuôn ra ngoài cùng đi làm như nam giới ngày nay.

    Nhiều người ca tụng cảnh học sinh ở các nước trên thế giới. Trên vỉa hè, ở ngả tư băng ngang qua đường, lũ lượt đi bộ đám học trò tiểu học bé xíu ở Nhật hay lên xuống xe buýt đưa đón học sinh ở Mỹ… Cảnh đó đã diễn ra ở VN cách đây mấy chục năm và bây giờ khó thể thấy lại.

    Đúng là không thể xảy ra. Ngày xưa sinh đẻ tự nhiên, gia đình lít nhít chục con là thường tình. Giờ thì ít con, hiếm con. Thông thường chỉ có một đến hai đứa, hiếm nhà có ba, bốn mặc dù lúc này nhà nước sợ dân số già, đã có phần khuyến khích sinh thêm mà người dân không mặn mòi, nói gì con đàn con lũ như xưa. Đứa con trong gia đình, trong dòng họ là cục vàng, hạt kim cương, là thiên tử con trời chứ không còn là đứa bé tầm thường trong bách tính!.

    Giờ hiếm có cha mẹ nào để con tự đi bộ đến trường học, nhất là học sinh tiểu học. Lề đường không có vì đã bị chiếm dụng làm chỗ đậu xe, hàng quán… Xe cộ đông như mắc cửi lại chạy ẩu, và còn mẹ mìn ẩn nấp đâu đó đầy dẫy trên hè phố… Nên dù nhà cách trường học dăm bước, phụ huynh buộc cũng phải đưa con đến trường. Không phải đến tận trường mà đã yên tâm, phải tận mắt thấy con bước qua cổng trường vào lớp học, cũng chưa yên tâm sợ có em lòn ra nên ông bảo vệ của trường học có nhiệm vụ canh gác lũ học trò, hễ đã bước vào cổng trường là không được phép quay ra dù bất kỳ lý do nào ngoại trừ chính phụ huynh có mặt xin phép.

    Đứa trẻ từ lúc bé đến khi trưởng thành tức là từ nhà trẻ mẫu giáo cho tới hết bậc trung học, luôn có cha mẹ theo sát bên cạnh, không rời mắt giây phút nào, chỉ tạm xa con lúc chúng ngồi trong lớp. Còn lúc trẻ chơi đùa, ăn uống với bạn bè… thì bà mẹ hoặc ông bố hiện diện kề sát hay lịch sự một chút, ngồi… xa xa chăm chăm… theo dõi. Ở các trường mẫu giáo, cấp I, cấp II tổ chức đi picnic, đôi khi vẫn có bà mẹ lo lắng xin đi theo phụ giáo viên trông coi học trò.

    Chị Phước mặc dù quá bận bịu với quán bún bò và có sẵn người cha hành nghề xe ôm, nhưng vẫn cẩn thận tới mức không cho ông ngoại chở con gái mười hai tuổi học lớp 6 của mình đi học. Chị phải thuê tháng hàng xóm chở bé đến trường vì sợ cha già gần bảy mươi run tay khi chạy xe.

    Những lớp học thêm bậc tiểu học vô cùng kỹ lưỡng. Cô giáo phải canh phụ huynh đón tận học sinh cuối cùng ra về. Có bận, điện thoại mãi không có người đến đón, cô đành phải chở bé về tận nhà. Té ra ông bố mải ngồi nhậu với đám bạn, quên cả máy điện thoại hết pin. Cho tới những lớp lớn hơn, mười tám tuổi học lớp 12 sắp vào đại học, phụ huynh vẫn cần mẫn đưa đón con cái, hết học giờ chính thức đến giờ phụ, hết học ở trường tới học thêm, đâu có học thêm một môn mà học thêm đủ Văn Toán Lý Hóa, Ngoại ngữ chạy như điên từ nhà thầy này tới nhà cô khác. Ai nhà gần thì tạt về nhà nằm nghỉ canh giờ đi đón, ai nhà xa thì quanh quẩn ra quán nước hay đậu xe đợi ngoài vỉa hè, hóc mỏ như ông xe ôm chính hiệu! Với lại nhà trường cấm học sinh đi xe gắn máy nên phải chở tụi nó chứ biết sao bây giờ.

    Tư chức giờ giấc nghiêm ngặt không thể bớt xén nhưng công chức thời giờ co dãn. Suốt ngày chỉ chăm chăm lo việc đưa đón con đi học. Sáng chở con đi học rồi mới vào sở, buổi trưa quáng quàng đi đón rồi lại đưa đến trường, chiều xin phép sếp “cho em về sớm rước con”.

    Bởi thế một số gia đình tương đối khá giả, khi con đang ở năm cuối bậc trung học cần theo luyện thi nhiều nơi, người mẹ đã xin nghỉ việc để toàn tâm toàn ý trong việc đưa đón con như con thoi đến những lớp học sáng trưa chiều, tối. Đi ngoài đường vào giờ tan học, người ta thường thấy cảnh phụ huynh chở đàng sau con, cháu ngồi gậm ổ bánh, hộp sữa… trên đường đến lớp học thêm. Nhiều khi ngồi ngoan ngoãn trên yên sau đó không phải các em bé mà là những thanh thiếu niên mười bảy, mười tám, chắc là uống sữa và ăn gà rán nhiều quá mà ít vận động, to cao dềnh dàng muốn che khuất cả bố mẹ nhỏ bé ngồi trước.

    Còn những nhà lao động hoặc bận kinh doanh phải thuê xe ôm hoặc xe đưa đón của nhà trường. Thông thường chỉ có trường tư mới có xe đưa đón học sinh. Trường công chỉ một ít tiểu học và là trường lớn mới tổ chức được việc này. Lý do là phụ huynh phải đóng một số tiền để nhà trường thuê xe.

    Không phải chỉ thành phố mà ngay cả dưới quê, khi trường nằm cách xa nhà, phụ huynh cũng phải đưa đón rất mất công. Vì thế mới có chiếc ghe chở con, cháu đi học nhân thể cho con nít hàng xóm quá giang. Trên đường làng nhiều nơi cũng đã thấy xuất hiện chiếc Lam (Lambro), hoặc Su (Daihatsu) tân trang lại với hai băng ghế hai bên chứa được khá nhiều khách vì còn có thể ngồi xệp xuống sàn hay đặt một hàng ghế đẩu chính giữa. Tài xế còn trang trí tua vải, hoa giả sặc sỡ nhìn vui mắt.

    Sở dĩ xe đưa đón phần lớn trường tư tổ chức vì ở trường tư, dịch vụ nhạy bén hơn trường công. Ngoài ra các trường tư mọc ra sau này, cách trung tâm thành phố khá xa mới có đất rộng rãi để xây trường khang trang. Xa quá thì phụ huynh không thể đưa đón con cái dễ dàng như trong nội thành, buộc phải cậy đến xe đưa đón học sinh.

    Có xe đưa đón về tận nhà cũng chưa hết nguy hiểm.

    Bởi vì loại xe này cũng có điều bất tiện là phải chạy một vòng ghé đón học sinh ở nhiều nơi. Thành thủ em được đón đầu tiên đương nhiên vào giờ sớm nhất và trả về muộn nhất, thay vì gia đình đưa đón bớt được khoảng thời gian thừa này để bé có thể ngủ thêm một chút. Dù sao lên xe ngủ cũng được, trẻ con đang tuổi ăn tuổi ngủ nên tận dụng lúc xe chạy, bé ngủ gà ngủ gật vì không cưỡng được cơn buồn ngủ phải dậy sớm, không gà gật đâu mà dễ dàng ngủ say luôn nếu không ai đánh thức.

    Chuyện trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô ở ngoại quốc là chuyện không hiếm. Nhưng ở VN thì bé 6 tuổi tử vong khi mới đi học ngày thứ hai ở lớp Một, thì có lẽ là chuyện đầu tiên đang ồn ào trên các phương tiện truyền thông, lên trang nhất báo và ngay cả Thủ tướng cũng ra lệnh điều tra!

    Đặc biệt đây là trường quốc tế đóng học phí cao tức là có vẻ được quan tâm, săn sóc kỹ lưỡng hơn trường quốc nội (!). Trên xe đưa đón có tài xế, đến trường có cô monitor đón học sinh từ trên xe xuống, vào lớp có giáo viên điểm danh. Thế mà mãi đến chiều giờ tan học, tài xế vẫn đánh xe từ bãi về trường đón học sinh như bình thường, khi cô monitor mở cửa để học sinh lên xe mới phát giác em bé nằm dài dưới sàn xe. Bé đã bị nhốt trong xe khóa kín dưới thời tiết nóng nực. Ai cũng biết ngủ trong ôtô đóng kín một giờ có thể tử vong huống hồ em bé ở trong đó suốt chín tiếng đồng hồ.

    Từ đây người ta bắt đầu nhìn lại những tai nạn xảy ra từ xe đưa đón học sinh.

    Mới cách đây chưa đến hai tháng ở Đà Nẵng, xe khách đưa đón học sinh loại 16 chỗ dừng lại để thả hai anh em (5 tuổi và 3 tuổi) học cùng trường xuống nhà. Hai bé xuống xong, xe đóng cửa chạy đi thì bất ngờ cuốn bé gái ba tuổi vào bánh sau lôi đi khoảng 5m khiến bé gái tử vong. Và năm ngoái, ở Nghệ An, xe đưa đón học sinh cán chết thương tâm một nữ sinh đứng cửa xe bị ngã xuống đường khi đang đến trường

    Ngoài xe Su, còn một số ô tô 16 chỗ hiệu Toyota, Ford… nhưng các xe khá cũ kỹ, ghế ngồi rách nệm. Có xe 16 chỗ ngồi mà nhét tới hơn 20 học sinh. Chắc nhồi vậy thì giá mới có thể hạ một chút!

    Việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô đáp ứng nhu cầu cao hiện nay khi trường xa, đường đông và phụ huynh bận rộn đi làm, lại có thể giảm kẹt xe ở cổng trường vào giờ tan học. Tuy nhiên đa số loại hoạt động này phạm luật. Thường là không có giấy phép chở khách, hết hạn đăng kiểm, chở quá số người quy định, không có phù hiệu…

    Qua tai nạn bé sáu tuổi tử vong trong xe đưa đón học sinh, cần xét đến sự an toàn của loại xe này. Và hiện nay người ta đang đưa ra mẫu điển hình xe buýt vàng ở Mỹ để bắt chước!

    Saigon cô nương


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Chuyện Việt Nam: Học giả, Bằng thật





    Cuộc sống lúc nào cũng phải học. Tuy nhiên thời buổi nặng hình thức thì học gì buộc cũng phải có chứng chỉ, văn bằng trưng ra mới được tin tưởng. Đi xin việc kê khai ra càng nhiều càng tốt làm chứng cớ chứ không thể nói suông.

    Nếu làm việc trong khu vực tư, nhân viên chỉ đòi hỏi năng lực nhưng ở lãnh vực công thì lúc nào cũng trọng bằng cấp. Ngoài bằng chuyên môn, luôn luôn có hai thứ nữa thường buộc phải đi cùng là ngoại ngữ và tin học.

    Vì thế người ta lao vào cuộc chiến bằng cấp như thiêu thân.

    Bằng cấp là yếu tố đầu tiên khi nộp đơn xin việc ở bất cứ nơi đâu. Thấp nhất công nhân cũng phải tốt nghiệp trung học. Còn các công việc “chữ nghĩa” thì tệ lắm là cao đẳng, đại học.

    Nói tới học là đi kèm học phí, thời gian, công sức… Nếu không muốn mất thì giờ, công sức do bận sinh kế, do học chữ không vào đầu, thời hạn nộp văn bằng gấp quá, hay mắc bận ăn chơi… thì cũng có cách giải quyết là ra chợ mua bằng. Có cầu ắt có cung. Chợ rao hàng thượng vàng hạ cám đầy dẫy trên Net. Ở Nghệ An, một văn bằng cử nhân chỉ có giá bảy trăm ngàn mà theo cơ quan điều tra thì rất tinh vi, giống y như thật, phải… mắt thần mới phát hiện nổi. Hoặc ở Hà Nội, bằng Tiến sĩ cũng chỉ có ba triệu đồng quèn… Thật là rẻ rề rẻ mạt.

    Năm ngoái, “xưởng” sản xuất bằng giả ở vùng ven Sài Gòn bị tịch thu 50.000 bằng giả cùng 1.600 con dấu giả các cơ quan nhà nước. Đây là đường dây sản xuất bằng đại học, cao đẳng, chứng chỉ tiếng Anh, tin học… có quy mô lớn. với giá 300.000 đồng/bộ. Trung bình mỗi ngày, đường dây này sản xuất năm đến mười bằng cấp giả, thu lợi hàng chục triệu đồng. Việc mua bán bằng ngày càng rầm rộ. Bằng tiến sĩ giả được mua bán giao dịch chớp nhoáng qua… zalo

    Tuy nhiên xài bằng giả lúc nào cũng trong tâm trạng hồi hộp lắm. Đang ở chức vụ cao rồi không biết chừng bỗng một ngày tên nào ngứa miệng rêu rao hoặc làm đơn tố cáo. Thế là có thư gửi về tận trường xác minh chẳng thấy tên tuổi nằm ở đâu. Thật… toi cơm. Quê mặt dữ lắm.

    Cho nên tốt hơn hết nên xài bằng thật.

    Tuyệt nhất là bằng thật hẳn hoi nhưng không mất công học. Học sơ sơ thôi hay nhờ người… học dùm.

    Một ông Trưởng Công an xã bị tố cáo không đi học mà vẫn có bằng cử nhân Luật, vậy chắc chắn đó là bằng giả. Ông phân bua tuy không đến lớp thật nhưng đó là bằng thật hẳn hoi vì đã nhờ người đi học hộ, đi thi hộ. Cái gì cũng thật chỉ trừ bản thân ông đi học thì không.

    Thật là lại trăm mưu nghìn kế tìm cho ra cái bằng thật 100% tức là chính bản thân đương sự có mặt thi cử, ký tên đàng hoàng chứ không cần nhờ tới người đi học, đi thi hộ nữa. Làm vậy mang tiếng quá.

    Nào là đi thi lấy chứng chỉ Tin học. Nộp tiền xong ôn thi hai buổi, vào phòng thi giám thị đọc đáp án cho chép; nào lớp Thạc sĩ mini học trong bốn tháng thật là chuyện hy hữu nghe như đùa… Những lớp học này được chính hiệu trưởng điều khiển thì… chắc như bắp còn ai dám nghi ngờ.

    Vào được một cơ quan nhà nước, nếu có bằng cao học sẽ dễ thăng tiến, được ưu tiên đưa vào “diện quy hoạch” tức là nhắm trước trong tương lai sẽ đưa vào chức nào đó: trưởng phòng, giám đốc… chẳng hạn. Hoặc thêm chứng chỉ Anh văn thì sẽ nhiều hy vọng được đi tu nghiệp, đủ điều kiện thi cao học… Chẳng cần biết có làm việc được không, đầu tiên cần bằng cấp trước đã rồi thực lực mặc kệ tính sau.

    Thời buổi hội nhập, ngoài tốt nghiệp đại học về chuyên môn của mình, nhiều người lại tiếp tục học đại học thêm một môn khác, một ngành khác, gọi vắn tắt là “văn bằng 2”. Thông thường văn bằng 2 bớt một số môn học về công dân, chính trị. Nếu có môn học trùng với môn đã học ở văn bằng 1 thì được miễn. Vì thế tổng cộng có thể chỉ cần học trong vòng hai, ba năm. Bằng đại học thứ 2 được nhiều người nhắm tới thường là tiếng Anh.

    Học IELTS, TOEFL… khó nhất là phần nghe, nói. Có người than lấy cái IELTS còn khó hơn lấy bằng cử nhân bởi cử nhân cứ tà tà rồi cũng qua cầu chứ Anh văn cứ đánh vật với cái máy, nghe đoạn hội thoại hằng trăm lần vẫn chẳng hiểu chút nào.

    Học thêm một bằng đại học nữa, nói vậy chứ cày cuốc chữ nghĩa hai, ba năm cũng mệt lắm, dài đằng đẵng!

    Nói tới học đương nhiên tốn học phí, thời gian, công sức…

    Ngoài tiền bạc cũng tốn kha khá chứ không ít, vì các lớp học ngoài giờ, tại chức được coi là nồi cơm chính của các trường đại học, nhờ thu học phí mà nhà trường sống rủng rỉnh. Lại tính tới công sức thời gian học viên bỏ ra. Hầu hết những lớp này đều học ngoài giờ chứ không phải trong giờ hành chánh để bỏ việc ở sở đó vác laptop đi học. Học viên thường phải học vào buổi tối sau giờ tan sở và hai ngày nghỉ cuối tuần. Thứ Bảy, Chủ nhật người ta đi chơi, xum họp gia đình, họp mặt bạn bè thì học viên vùi đầu đến lớp. Đó là không kể đến những chuyến công tác đi xa…Khi đã đi làm rồi, việc đến lớp thật mệt mỏi chứ không đùa.

    Học hành mặc dù lược nhẹ khá nhiều so với giai đoạn học chính quy văn bằng I nhưng vẫn khá chật vật. Thành thử nhiều người muốn đốt cháy giai đoạn, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. “Có tiền mua tiên cũng được” huống hồ mua cái bằng, cái chứng chỉ… Với lại người ta chỉ cần bằng chứ không cần kiến thức. Kiến thức từ chương học không nổi, mà học rồi cũng chẳng thực hành được bao nhiêu.

    Bắt trúng tâm lý nôn nóng học văn bằng 2, nhất là Anh văn, nhiều trường đại học mở lớp cấp văn bằng 2 môn Anh văn.

    Người học chỉ cần bằng, chủ trường chỉ cần tiền. Thế là thuận mua vừa bán. Thị trường văn bằng hoạt động cực kỳ sôi nồi, lộn xộn. Tiêu biểu cho hoạt động này là trường đại học Đông Đô.

    Vừa qua Ban Giám hiệu trường đã bị bắt gồm hiệu trưởng, một phó trưởng phòng cùng hai cán bộ. Từ đó sự việc mới được khui ra khiến ai nấy ngạc nhiên trước cung cách mua bán bằng.ở ngôi trường đại học này.

    Không chỉ hoạt động tại các cơ sở của nhà trường, Đường dây cấp văn bằng 2 môn Anh văn “chui” của Đông Đô còn vươn đến nhiều tỉnh, liên kết với khoảng hai trăm cơ sở trên toàn quốc vốn không được cấp phép mở lớp đại học. Những nơi này đều do tư nhân quản lý, tự thuê giảng viên, tự soạn chương trình học. Họ chỉ hợp tác với nhà trường để lấy danh nghĩa và trả cho Đông Đô 35% học phí.

    Mỗi người đóng từ 28 đến 35 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là mức tiền phải đóng của những người “may mắn” đến tận trường nộp học phí, còn ai qua “cò” thì phải nộp từ 50 tới 150 triệu đồng.

    Được trả tiền nên Đông Đô cấp bằng cho các học viên với thời gian không thể nào chớp nhoáng hơn. Người học chỉ cần đóng tiền và chờ vài tuần đến hai, ba tháng là được cấp bằng.

    Ban giám hiệu nhà trường trực tiếp nhận hồ sơ, hợp thức bài thi, thi kết thúc từng môn, thi tốt nghiệp và cấp bằng cho học viên mà chẳng cần học tập dù ít nhiều cho có. Quả thật các khóa học đều không tổ chức thi tuyển hay thi tốt nghiệp, chẳng cần học viên đến lớp đi học một buổi nào. Nhà trường không phát thông báo tuyển sinh, không lập hội đồng chấm thi, không duyệt danh sách học viên và nhân viên coi thi. Phòng không có camera kiểm soát… Toàn không và không… Rốt cuộc học viên chỉ cần làm mỗi một việc là cặm cụi chép đáp án của hai mươi bảy tín chỉ mà không biết nội dung của những tín chỉ này là gì. Ai chép nhanh hơn một ngày là xong, chép chậm thì hai, ba ngày.

    Không hiểu sao việc này nhà trường không làm luôn cho gọn còn bắt học viên chép đáp án làm chi cho tốn thời giờ đến lớp mất một, hai ngày. Chắc là để bảo đảm chính học viên đến phòng thi đàng hoàng chứ không phải nhờ người thi hộ.

    Kết quả đến nay có khoảng sáu đến bảy trăm người đã được cấp văn bằng 2 theo kiểu “mua” tại đại học Đông Đô.

    Ai mua bằng? Tất nhiên, thường dân chẳng ai bỏ hàng chục triệu đồng mua tấm giấy lộn đó. Mua bằng chủ yếu là “những người có uy tín trong xã hội”. Nói rõ hơn, họ là những cán bộ quan chức nhà nước cần văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để được quy hoạch, nâng lương, nâng ngạch, thi tuyển biên chế thăng quan, tiến chức… cùng nhiều người đang học thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu sinh, hoặc muốn thăng hạng, lên chuyên viên chính… cũng để cuối cùng là nâng lương, thăng chức.

    Văn bằng, bảng điểm giả không chỉ đáp ứng nhu cầu của những người muốn “làm đẹp” hồ sơ để xin việc làm, mà còn dành cho những kẻ không có tài nhưng lại thích khoe khoang bản thân. Thay vì khoe của cải, có vẻ khoe bằng cấp sang hơn rất nhiều.

    Tấm bằng giả trở thành giấy thông hành để nhiều người chễm chệ trèo cao chui sâu vào cửa quyền. Nó nghiễm nhiên tước đoạt cơ hội việc làm và tương lai của biết bao nhiêu người học thật, bằng thật khác.

    Ngoài số bằng đã cấp trên, còn gần bốn ngàn học viên đã và đang theo học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh tại ĐH Đông Đô. Tổng số tiền thu được từ việc cấp bằng “chui”, đào tạo “chui” khoảng hơn một trăm tỉ đồng.

    Làm như Đông Đô trắng trợn quá nên một số trường cũng có tổ chức gọi là “ôn thi” một hai buổi cho vui rồi thi với đề thi đã nằm hết trong bài ôn.

    Năm nay không ít vụ việc đau lòng khác xảy ra trong ngành giáo dục như trường hợp nữ giáo viên quỳ gối trong sân tỉnh để xin gặp lãnh đạo tường trình về việc bị chuyển trường; hay vụ em học trò lớp 1 Trường Quốc tế Gateway (Hà Nội) tử vong vì bị quản sinh bỏ quên trên xe đưa đón… Vừa đây ở Long An, buổi thi một lớp trung cấp giáo dục mầm non lên hệ đại học được tổ chức ngay tại… nhà riêng của trưởng Phòng giáo dục huyện Đức Hòa, Long An.

    Chính quy mà mua bán như ở chợ thì chẳng lạ các loại giáo dục khác: học “tại chức” tức vừa đi làm vừa đi học, “từ xa” là học không cần đến lớp, “liên thông” là các lớp từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học… càng bát nháo như thế nào. Chịu thua thôi.

    Sài Gòn Cô Nương

    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Chồng chúa , vợ tôi




    Người vợ bị đánh dã man ngã lăn xuống sàn nhà trong khi tay vẫn ôm chặt con nhỏ.


    Từ xưa đến nay, đàn ông đánh vợ nơi nào cũng có nhưng đặc biệt tại các nước Á Đông thì luôn trọng nam khinh nữ, xem phụ nữ như một loại nô lệ phụ thuộc nam giới. Ở các nước Hồi giáo, phụ nữ bịt kín mặt, ở TQ xưa, nữ giới trong các gia đình khá giả phải bó chân để tránh việc ra ngoài giao du rộng rãi. Ngay cả hiện tại, phụ nữ Ấn Độ, cho dù gia cảnh thiếu thốn, nghèo đói cách mấy, cũng chỉ ở trong nhà làm nội trợ, chứ không ra ngoài ngồi buôn bán để thêm một tay kiếm tiền với chồng.

    Phụ nữ VN mặc dù không đeo mạng, không bó chân, được ra ngoài làm việc, giao tiếp vui chơi nhưng phần lớn vẫn bị chồng coi thường, mỗi khi không vừa ý thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay là chuyện thường.

    Gần đây có những vụ chồng đánh vợ đưa lên mạng khiến thiên hạ bất bình.

    Tại Hà nội, vì không muốn con trai nhỏ tuổi dán mắt nhiều vào màn hình tới khuya nên người vợ đã chuyển TV từ phòng này sang khác mà không hỏi ý kiến chồng. Thế là anh chồng vốn dạy võ đã ngay lập tức chọi, tát, đấm, đá vào vợ đang bế con nhỏ trên tay khiến chị ta ngã dúi xuống nền nhà. Được biết, chị vợ mới sinh con hai tháng nhưng thường xuyên bị chồng đánh đập, gây căng thẳng và mất sữa. Do bị đánh đập dẫn tới thương tích trên người nên người vợ sau đó phải vào bệnh viện kiểm tra tình trạng sức khỏe.

    Điều đáng nói, người chồng đã nhẫn tâm đánh vợ một cách hết sức nặng nề. Anh ta thậm chí còn bất ngờ vận hết nội công tung một đòn cước vòng cầu nguy hiểm nhưng rất may là cú đá đã đi không chính xác.

    Cú đánh này được xem như đòn chí mạng nguy hiểm được tung cực nhanh và nhằm vào phần đầu người phụ nữ trẻ.


    HNgười vợ bị đánh dã man ngã lăn xuống sàn nhà trong khi tay vẫn ôm chặt con nhỏ.
    Trong giới võ, đá vòng cầu (roundhouse kick) là đòn chân vô cùng phổ biển bởi sự hiệu quả của nó. Cụ thể, người sử dụng sẽ vung đầu gối của mình, xoay chân còn lại và cả thân người để tiếp thêm lực. Cuối cùng, anh ta sẽ tác động vào đối phương bằng ống đồng hoặc mu bàn chân.

    Vì có nhiều bộ phận cùng bổ trợ nên đòn cước này khi tung ra có thể tạo nên một lực đánh cực lớn trong một quãng thời gian rất ngắn. Hồi năm 2013, một kênh truyền hình của Mỹ đã làm một thử nghiệm nhỏ để tính toán sức mạnh của đòn đá vòng cầu của một số môn võ thông dụng. Cuối cùng, một võ sư Taekwondo đai đen có tên Ben Foster đã thắng cuộc. Và cụ thể, cú đá của Foster có sức mạnh lên tới 1043kg cùng tốc độ 219 km/h!

    Hồi năm 2017, Andrey Drachyov, nhà vô địch nâng tạ của Nga, đã bỏ mạng trên đường phố sau khi lĩnh phải một cú đá vòng cầu vào đầu. Thế giới cũng ghi nhận không ít trường hợp mất mạng hoặc chấn thương nghiêm trọng vùng đầu và cổ khi hứng chịu đòn hiểm này.

    Là dân võ, hẳn người chồng hiểu được sự nguy hiểm của đòn đá vòng cầu. Vậy mà, anh này vẫn cố tình dùng nó để tấn công vợ. Rất may, người vợ đã kịp nghiêng người tránh thành công. Nếu không, hậu quả sẽ rất lớn, không chỉ cho chị ta mà còn với em bé sơ sinh đang bồng trên tay.

    Tuy nhiên, khi được hỏi, người chồng võ sư trả lời thảnh nhiên:

    -Tôi nóng tính nên khi vợ chửi, tôi có tát cô ấy vài cái, chứ có gì đâu mà cứ ầm ĩ lên. Tôi thừa nhận hành động như thế trước mặt con là sai. Nhưng nếu vợ bạn chửi bạn thì có tát cho mấy phát không!?

    Anh thậm chí còn đe dọa giết và đốt cả nhà vợ và gia đình nếu họ tiếp tục tố cáo, thậm chí có đi tù về cũng trả thù khiến cả gia đình vợ khiếp sợ lo đi trốn, lật đật bãi nại anh ta cho yên chuyện.

    Dư luận nổi sóng.

    Giới võ gay gắt vạch trần gã vũ phu này vốn học môn tán thủ, chỉ tự mở lớp dạy võ rồi tự xưng chứ đâu đã được sát hạch và cấp bằng công nhận chức danh võ sư. Võ sư thật sự có đâu vung nắm đấm, tung chân cước đánh đàn bà, mà lại là chị vợ đang bế trên tay đứa con nhỏ mới sinh còn đỏ hỏn.

    Nổi sóng chỉ là nổi sóng dư luận bên ngoài chứ trong gia đình, đa số phụ nữ đều muốn “trong ấm, ngoài êm”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng, hổ ai”… Tung ra mọi người biết, ông chồng bị coi thường chế giễu thì vợ cũng xấu lây. Vì thế hầu hết đều im lặng, nhẹ nhàng khuyên lơn không được thì… thôi. Tận cùng vẫn cứ là ôm đầu chịu trận chứ cũng chẳng dám chạy thoát ra khỏi nhà.

    Ở thị thành còn đỡ chứ ở vùng nông thôn, người đàn bà bị “tẩn” với rất nhiều lý do: lèm bèm, chậm thổi cơm, cơm bị sống, con khóc nhè chưa dỗ, không chịu làm mồi nhậu, chưa kịp mua chai dầu về nấu cơm… Ngay cả tội “tày đình” là không biết sinh con trai!!!

    Nói cho ngay, nhiều bà vợ mắc tật nói nhiều, hay càm ràm mọi lúc mọi nơi, không bớt sôi khi lửa nồng mà lại còn nghênh mặt thách thức “mày có giỏi thì đánh tao đi”. Vậy là hắn đánh thôi!!!

    Một chuyện khác cũng mới xảy ra ở Bắc Kạn, người chồng vũ phu là cán bộ Kho bạc, vợ đang làm kế toán tại một trường học. Chồng tát tới tấp như trời giáng lên mặt vợ đang bế con nhỏ ngay trước mặt con và mắng xối xả: “Tao nói cho mày biết. Tao nhịn mày nhiều rồi đấy”. Sau đó tiếp tục dùng chân đá vào người và đánh vào mặt dù vợ cố gắng đưa tay đỡ.

    Cuộc đời phụ nữ chẳng khác gì đi đánh một canh bạc. Đỏ thì ăn may chứ đen là lỡ dở cả một cuộc đời. Thông thường khi ly dị, người đàn ông rất dễ cặp ngay bóng hồng khác nhưng phụ nữ, bị ràng buộc bởi các nguyên tắc đạo lý ngàn xưa, khó để bước đi thêm bước nữa tìm hạnh phúc.

    Hàn quốc những năm gần đây được coi là xứ phát triển, văn minh nhưng đồng thời, những ông chồng Hàn vẫn nổi tiếng hết sức gia trưởng, sẵn sàng đánh vợ như đánh khúc cây. Một người đàn ông Hàn quốc 36 tuổi mang họ Kim ngay trước mặt con trai nhỏ 2 tuổi, đã đánh vào mặt, liên tục đá vào mặt, bụng người vợ VN trong suốt ba tiếng đồng hồ. Nạn nhân bị đánh gãy xương sườn và nhiều chấn thương khác.

    Kim thừa nhận đang say rượu khi đánh vợ và cho biết nguyên do cô vợ không còn ngoan ngoãn vâng lời sau khi cả hai đăng ký kết hôn. Kim và vợ gặp nhau cách đây năm năm tại khu công nghiệp Yeongam. Người phụ nữ trở về Việt Nam năm 2016 sau khi Kim yêu cầu cô phá thai. Ba năm sau đó, Kim đưa vợ và con trở lại Hàn Quốc sau khi xét nghiệm ADN con trai. Kim biện hộ:

    -Tôi tin nhiều đàn ông cũng vậy!

    Một phụ nữ ở Quảng Nam tố chồng là Bí thư xã đã bị cách chức sau khi đập phá đồ đạc và đánh vợ tới mức phải chở vào bệnh viện. Chỉ là chức vị xã quèn thôi cho nên ông này bị phạt ba triệu đồng và bị cách chức ngay chứ không cần phải chần chừ nương tay.

    Đàn ông vốn được coi là mang nhiệm vụ quan trọng nối dõi tông đường, làm chủ gia đình. Vì thế đàn ông tự cho mình uy quyền chúa tể trong gia đình nhỏ bé gồm vợ và lũ con. Cho nên chồng nói, nhất thiết vợ phải răm rắp vâng lời. Ngày nay người vợ không hoản toàn câm nín, nhưng đưa ý kiến thì nhiều phần chồng giương nắm đấm bắt câm miệng ngay. Đàn ông sức vóc nên khi ra tay thì ăn hiếp phụ nữ chân yếu tay mềm được ngay mà không gặp bất kỳ sự phản kháng nào.

    Sở dĩ phụ nữ nhẫn nhịn chịu đựng vì nhiều nguyên nhân. Vì sợ thiên hạ nhìn vào gia đình mình mà đưa ra thành đầu đề đàm tiếu, vì không thể kiếm tiền đủ nuôi mình và nuôi con, vì muốn giữ cho đứa con một mái gia đình có đủ đầy cha mẹ… vì sợ con cái đến trường bị bạn bè chế giễu không cha, sợ con gái trưởng thành khó kết hôn vì sinh ra trong một gia đình tan vỡ. Thành thử người đàn bà đành chịu đựng theo kiểu “ván đóng thuyền” là cách sống của phụ nữ từ xưa.

    Ngày nay ngay cả đàn bà giỏi giang kiếm ra tiền nuôi gia đình cả chồng con, thậm chí chèo chống luôn cả gia đình chồng cả cha mẹ chồng, có khi cả anh, chị hay em chồng, mà vẫn bị đánh đâp không nương tay.

    Chị Hiền ở Phú Thọ lấy phải người chồng ăn chơi, nghiện ngập, nghề nghiệp lông bông chưa ngày nào được sống hạnh phúc vì những trận đòn liên tiếp của chồng. Trận đòn dã man nhất của chồng khiến chị bị gãy xương sườn, gãy mũi, tràn khí màng phổi. Ở Nghệ An, hai vợ chồng cãi nhau vì tiền bạc, chồng tra tấn vợ như thời trung cổ: bóp cổ, cắt tóc, dí roi điện và áp chiếc tô sắt nướng nóng đỏ vào mặt vợ. Ở Quảng Nam, do vợ đi chợ về muộn, chồng dùng súng bắn vào mặt vợ. Một thanh tra kho bạc đánh vợ gãy mười ba xương sườn, vỡ tim, rách phổi… đến tử vong chỉ vì cô vợ dám mặc váy ngắn đi ăn cưới

    Nặng nhất ở Bình Thuận, chồng đưa 90 000 cho vợ mang trả nợ tiệm tạp hóa gần nhà nhưng vợ chỉ đưa tiệm 40 000, còn lại đưa người em mua thức ăn cho con. Tức giận, chồng tưới xăng phóng hỏa thiêu vợ chết thảm.

    Những cảnh như trên kể hoài không hết. Những người phụ nữ không phải chỉ bị chồng đánh một vài lần, còn có thể bỏ qua. Họ bị chửi bới, đánh đập như cơm bữa trong năm, mười, hai chục, ba chục năm… từ lúc mới kết hôn tới con cái trưởng thành đầu hai thứ tóc. Đó là không kể mẹ chồng, chị em chồng cũng hùa vào chửi bới. Thống kê cho thấy khoảng hơn 50% phụ nữ VN chịu nhịn nhục cho chồng đánh đập.

    May là sau này phụ nữ cũng có “vùng lên” nhưng đây chỉ là số ít và thường ở thành phố lớn. Hầu hết phụ nữ nông thôn chỉ được coi như người ở, là máy đẻ, là chỗ cho chồng trút lên mọi bực tức.

    Khi thấy chồng đánh vợ, hàng xóm chứng kiến không phải lúc nào cũng can thiệp được. Họ ngại người chồng nóng tính giận cá chém thớt sẽ tìm cách trả thù, chuyện bé xé to làm mất lòng hàng xóm. Từng có người can gián bị ông chồng thô lỗ quay sang đánh lại đến gây thương tích và sau đó thành thù hằn nhau.

    Gọi cảnh sát càng không thể. Nếu không ai chính thức báo, công an không tự nhiên can thiệp. Trong thực tế, hầu hết không bà vợ nào dám kêu công an tới “xử” chồng mình. Họ sợ chồng bị bắt, sợ chồng đi… tù thì nguy to. Người phụ nữ Á Đông mềm yếu và không dám xuống tay mạnh với người đấu ấp tay gối. Nếu chồng bị luật pháp trừng phạt, họ lại sợ các con… oán mình hại cha chúng, cha mẹ chồng oán dâu hại con trai họ. Tổ trưởng tổ dân phố cũng chẳng dính vào làm chi, ngày nào chồng cũng đánh vợ là một việc quá nhàm!

    Số khác tìm đến các “mái ấm” được lập ra sành riêng cho các phụ nữ bị chồng đánh có chỗ trú thời gian ngắn. Nhưng những mái ấm này rất ít. Trú vài ngày rồi cũng lần về và mọi việc lại như cũ. Chồng chúa vợ tôi mặc kệ truyền thông góp phần lên án, chắc còn lâu lắm lắm may ra mới bớt.


    Saigon cô nương


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Phố Mưa





    Trời Sài Gòn đang nắng đổ lửa, nóng tươm dầu, chảy mỡ nhưng xe cộ vẫn tấp nập ngược xuôi như đèn cù. Trước kia chỉ xe máy đã đủ kẹt xe, huống hồ nay lại thêm ô tô nên đường xá ngày càng nghẹt cứng. Năm 2018, SG có hơn 7,8 triệu xe máy và hơn 750 ngàn xe ô tô. Xe của dân nội tỉnh, ngoại tỉnh. Hiếm thấy xe đời cũ mà toàn xe đời mới, nào là Future, Wave, Lead, SH, Vision… Rồi xe ô tô nhà, xe buýt, xe bán tải, xe taxi… Chưa kể một số xe ô tô nhà chạy theo kiểu grab car.

    Xe ba gác bán dạo không được đẩy trên những con đường chính gần trung tâm thành phố, nhưng ở các đường ngang thì vô số, mùa nào thức nấy, chỉ cần bắc ghế ngồi trước cửa là có thể thưởng thức các mùa lần lượt trôi qua. Giờ này đang là mùa na, cam, nhãn, thanh long… rồi thêm hồng từ Bắc đi xe lửa vào Nam, cả xe bán cà rem cây, xe rau củ bán bắp cải, cà rốt, bó xôi… xe nghêu sò ốc hến…

    Ông đi qua, bà đi lại, lúc nào đường phố cũng đông nghẹt. Chị bán gánh bột lọc ghé vào hàng hiên nghỉ chân, tán gẫu với anh thợ sửa đồng hồ. Cuộc sống hối hả nuốt chửng cứ như chậm lại một chút thì không còn kịp sống nữa. Xe gắn máy phóng ào ào, chỉ có giới sửa xe là thêm công, thêm việc, nên con đường dài chưa tói ba trăm mét mà co đến hai tiệm sửa xe, ba điểm sửa xe lề đường và một chỗ rửa xe.

    Trời bỗng râm, nắng nhạt hẳn đi vàng hoe hoe. Kinh nghiệm của dân địa phương là cứ nhìn bên bờ sông, mây đen kịt phía ấy là thế nào cũng mưa, Siêu đẳng nhất là dân cá độ mưa, chỉ cần đứng thong dong giữa cầu, ngước mặt lên ngắm trời, nghe gió, tuy không hô phong hoán vũ được như các đạo sĩ, phù thủy trong… truyện đời xưa, nhưng cũng có thể “dự đoán thời tiết” được trời sẽ mưa hay không, mưa nhiều hay ít, mưa bao nhiêu mi-li-mét chính xác vô vùng, khỏi phải tốn cơm áo của gia đình, mài quần trên ghế đại học bốn năm tu luyện với gió tín phong, mấy tích, mây ti… khỏi xài dụng cụ quan trắc cho cho hao ngân sách lại thêm phần rắc rối, dụng cụ duy nhất cần thiết chỉ là một cái cóng hay cái ly hứng nước dưới mái nhà là quá đủ. Dân cá độ bị khép vô tội cờ bạc, bị hốt hoài chứ không thôi phải mời hết bọn họ vào làm việc cho sở Khí tượng thủy văn mới đúng.

    Trời tối xầm lại, mây đen vần vũ, gió thổi mạnh từng cơn làm lá điệp tây rào rào rụng xuống như mưa, gió lùa vào lao xao, ngả nghiêng trong tàng nhạc ngựa. Bã đậu là cây mau lớn, tàn rộng, chóng xum xuê, nên mấy năm trước được ưa chụông, trồng tràn lan khắp nơi, có điều loại cây này quá dòn, sau mỗi cơn giông, cành gẫy la liệt trên mặt đường, làm u đầu sứt trán khối người nên dần dần bị đốn hết, thay thế bằng cây bàng đến mùa lá rụng, lá bàng đổi sắc, có chiếc lá màu vàng chói lọi, chiếc đỏ rực lửa, bảng màu của thiên nhiên pha thật kỳ diệu, nhìn màu sắc của một chiếc lá bàng rơi mới thật hiểu nào là Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu…

    Xe cộ lao vun vút hòng vượt cơn mưa, hàng quán lề đường táo tác như bầy gà bi rượt. Tiệm bán đồ điện vội vàng kéo nguyên mấy cái giá chưng bóng đèn vào nhà tránh mưa. Bà bán bún riêu chồng mấy chiếc ghế đẩu lên, kẹp cái bàn xếp lại, tong tả chạy tuốt tận đâu cất đồ, bàn vé số cũng mau lẹ thu dọn đồ đạc hô biến. Trong chốc lát, lề đường bộn bề tấp nập đã được dọn dẹp quang quẽ, gọn gàng, khách bộ hành rảo bước tránh những hạt mưa bắt đầu lác đác.

    Không mưa thì lúc nào lề đường cũng lôi thôi bận bịu, mạnh ai nấy chiếm khoảnh đất từ trước nhà xuống ven đường làm lãnh thổ riêng của mình, thành thử vỉa hè như hàm răng khấp khểnh. Mỗi khúc vỉa hè tượng trưng cho bộ mặt của chủ nhà, phô bày trình độ thẩm mỹ và khả năng tài chánh, thôi thì đủ màu, đủ kiểu; cái cao, cái thấp, cái dốc, cái phẳng, cái lót gạch bông khía màu vàng, cái lát đá sỏi trắng, chỗ gạch céramic xanh, chỗ khác lại xi măng lâu ngày vỡ loang lổ, bãi đậu xe và đủ thứ hàng quán đua nhau chiếm giữ lề đường, thành thử người đi bộ bị đẩy xuống xài chung lòng đường với xe cộ.

    Nhà mặt phố còn “té” ra bạc nữa chứ chơi sao, ai muốn ngồi buôn bán trên lề đường phải trả tiền thuê chỗ, tiền điện cho chủ nhà sở hữu lề đường đó, không kể các thứ lệ phí khác, cho nên bà cơm tấm chẳng những tận dụng toàn bộ vỉa hè cho khách ngồi ngồi xơi cơm thoải mái mà còn hạ cái bếp than yên vị xuống lòng đường, quạt sườn nướng xông khói bay mù mịt thơm lừng điếc mũi hàng xóm. Ông hàng phở cũng tỏ ra không thua kém, xe phở phải đẩy ra trước cửa và thực khách chen chúc bên ngoài chứ nhất định không chịu vào trong nhà dù rộng rãi, sạch sẽ hơn. Lề đường trăng thanh gió mát, ăn xong còn ngồi rung đùi, xỉa răng cọp, ngắm phong cảnh đường phố chắc chắn phải vui mắt vui tai rõ ràng.

    Hạt mưa xiên xiên theo chiều gió bắt đầu quất mạnh, trời càng lúc càng tối sầm, mưa mỗi lúc càng to càng nặng hạt, mưa rào rào rồi sầm sập, sấm nổ ì ầm, thỉnh thoảng ánh chớp lòa lên soi rõ con đường giờ đã vắng ngắt, một hai chiếc xe gắn máy hay xe hơi lao quan làm nước bắn tung tóe. Thật lẹ làng, mấy cây sào bán áo mưa từ đâu mọc ra nhanh chóng quá vậy, cắm chốt xỉa ra lòng đường, áo mưa treo đầy sặc sỡ đủ màu trong màn mưa trắng xóa. Quán nhậu kéo mái hiên di động ra hết cỡ. Bàn nhậu vẫn bình thản, vừa nhâm nhi trò chuyện vừa nghe mua ào ào, giọt nước từ máng xối dột rơi xuống chiêc thau nhôm hứng dưới đất kêu tí tách. Một bài hát quen thuộc từ ngày xưa, cứ mỗi khi trời mưa lại vọng lên trong đầu: Hạt mưa trên poncho. Nhớ những đêm anh em vỗ tay reo cười. Điệu mưa nguồn, nằm trong poncho ngỡ trên nệm gấm. Nào ai đang say sưa, hẹn nhau đi trong mưa, góp chiến công đem ghi khắc trong lời thề. Ngày trở về, niềm gian lao tan biến trong lời thề… Mưa, mưa mãi, thấm lòng người trai xa nhà. Hạt mưa vui như lời vỗ tay reo ca…

    Vài người lỡ độ đường tấp vào hàng hiên ngắm trời đất. À quên, ngắm nước chứ, vì nước cuồn cuộn đã từ miệng cống ứ lên. Con đường bắt đầu ngập, đám choai choai kéo nhau ra giữa lộ đá banh, reo hò om xòm. Xe cộ đi từ đầu đường vào một trăm mét là tớí chỗ ngập, lỡ trớn khó quay ta, thôi kệ cứ chạy ào qua, xui xẻo thì chịu chết máy. Con nít ở trần, vừa tắm mưa, vừa tắm “sông”, í ới la hét đùa giỡn, mưa càng to, nước càng ngập cao, chơi càng hào hứng. Cuộc đời thiếu tiết mục đá banh trong mưa, tắm mưa ngoài đường thì quả thật đã mất đi một trong nhưng niềm vui thú lớn của thời thơ ấu vậy.

    Đâu có cần đi xa xôi mới hay cảnh ngập ra sao. Ở thành phố cũng biết thế nào là Thủy Tinh thị uy, mấy căn nhà nền thấp phải dùng bao tải chặn bực của ngăn rác trôi vào nhà, nhưng vậy hãy còn là hạnh phúc lắm đó, chứ ở khu vực thấp giữa đường thì chẳng lâu la gì, nhà đã biến thành cái ao. Từ lúc mưa bắt đầu nặng hạt là chủ nhà đã lo nhặt guốc dép, xách ngay cả thùng rác, khiêng xống chén… tìm chỗ cao tỵ nạn. Chứ để mưa to, nước dâng lên quá nhanh chạy đồ đạc không kịp, tới lúc đó cái giường gỗ kê trên mấy cục gạch trôi lềnh bềnh, đá mấy chếc ghế chổng kềnh chặn lại không thì tủ lạnh và xe gắn máy ngả nghiêng cũng muốn đổ ụp luôn. Khiêng hai cái bàn chồng lên nhau, trên bàn là bao gạo, trên bao gạo là sách báo, chai lọ… Con nít hí hửng ngồi trên bậc cầu thang dùng que khều rác, nồi niêu xoong chảo thớt tự do ngao du đó đây, thật ra cũng có cái hay là vài ba món đồ tưởng lọt khe mất tiêu, giờ lại thấy lênh đênh hiện ra. Cá mú thì không có vì chắc chẳng lọt qua được miệng cống, nên không thể thả vó buông câu được, nhưng dăm ba con lươn, con lịch thì sẵn sàng có mặt lượn chơi tung tăng trong nhà. Đằng ngoài xe bột chiên, khách ăn đã phải gác chân lên ghế, còn cô chủ thì quần xắn móng lợn, vẫn thản nhiên thoăn thoắt chiên xào nấu nướng như không hề có biến cố gì xảy ra chung quanh. Mọi sinh hoạt vẫn rộn ràng mặc cho “phố bỗng là giòng sông uốn quanh”.

    Thế nhưng cơn mưa tuy gấp gáp và ồn ào lại không kéo dài lâu. Mưa nhẹ hạt, sấm chớp im bặt không còn ầm oàng nữa, trời dần dần quang đãng, trong trẻo, cây cối mới tắm gội hân hoan tươi tỉnh, mỗi cơn gió qua lại rũ nước rào rào xuống. Các cửa được mở hết để chủ nhà ngước nhìn ước lượng xem trời còn nặng bao nhiêu, ngó xuống đất coi ngập cỡ nào. Mưa lất phất rồi dừng hẳn. Tạnh rồi! Từ các con hẻm ngập nước, người này, người nọ lội ra lội vào lõm bõm, mái hiên di động được cuốn vào để hứng gió. Nước rút khỏi vỉa hè, ông thợ sửa xe nhanh nhẩu vác đồ nghề ra đường để đón chực lau bu-gi cho những chiếc xe bị ngập ống pô, những cây sào bán áo mưa biến mất tiêu cũng mau lẹ như lúc xuất hiện, bàn xổ số trương ngay tấm bảng đen ghi kết quả “vé số chiều xổ”, kịp tụ tập liền một đám đông bu lại dò số. Bà bún riêu lại cắp bàn ghế ra, bày biện đàng hoàng.

    Nước trên lòng đường rút từ từ, dòng nước chảy xoắn hút vào miệng cống, con nít ngồi bên vệ đường thả thuyền giấy trôi băng băng, nhưng trong hẻm vẫn nghe tiếng nhà nào tát nước oàm oạp, mỗi lần ngập nước như vậy, tha hồ mỏi tay xách nước lau cọ ná thở luôn vì bùn sình và rác đọng trên sàn nhà và đồ đạc. Cứ mưa lớn là ngập chứ đâu phải đợi lâu lâu Thủy Tinh mới gây sự một lần. Bà chủ tiệm chạp phô méo mặt vì quên khuấy bịch đường, muối dưới gầm nên giờ đành giơ cao mấy bao ướt mem lên ngẩn tò te nhìn. Sáng mai trời nắng, ai nấy tha hồ phơi phóng các thứ đầu rau rế rách.

    Xe cá viên chiên, bắp Mỹ luộc nóng, bò bía… lại lũ lượt diễu hành qua lại. Chị bán bánh chuối hạ thúng xuống, ngồi xổm thụp ngay bậc hè đong đong gói gói, người trú mưa hàng hiên vội vã bước đi. Các khung cửa lại mở toang, xe cộ không biết từ hóc kẹt nào lại ùn ùn túa ra. Nắng ửng vàng trên mặt đường loang loáng nước, nhịp sống mau chóng trở lại bình thường như chưa từng bị ngắt quãng bởi cơn mưa. Thật đúng như Nguyên Sa đã tả trong hai câu thơ dễ thương:

    Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết

    Trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì sao
    A
    Sài Gòn Cô Nương

    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Chuyện đi chữa bệnh ở Việt Nam





    Có bệnh đương nhiên đi chữa bệnh. Có rất nhiều cách điều trị. Chữa bằng thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây là những phương cách chính thức không kể đến chích lể, tàn hương, nước thải, bùa phép…

    Hiện nay thuốc Bắc và thuốc Nam không thông dụng lắm. Thuốc Bắc đi lậu qua biên giới, gần đây mang tai tiếng nhiều do báo chí phanh phui đa số đã bị chiết xuất hết hoặc hầu hết hoạt chất, khi vào đến lãnh thổ VN thực chất chỉ còn là rác. Thuốc Bắc rất đắt lại đòi hỏi theo lâu dài nên người bình thường khó kham nổi; thuốc Nam chỉ trồng một phần, còn thì hái cây cỏ mọc sẵn nên nguyên liệu không ổn định và cũng chưa được nghiên cứu, hệ thống đến nơi đến chốn. Cả hai loại thuốc này nấu sắc rất mất công và chưa đáp ứng được vô số căn bệnh khoa học tìm ra. Vì thế đi chữa bệnh thường bao giờ người ta cũng theo Tây y.

    Những bệnh thông thường có thể tự chữa trị bằng cách xem quảng cáo trên báo và TV, loại thuốc nào mô tả giống như triệu chứng của mình thì ra tiệm thuốc tây mua về uống hết bệnh ngay, thật đơn giản và nhanh chóng. Còn như không thông thạo thuốc men thì sai thằng nhỏ ra tiệm tạp hóa của bà Sáu cứ hỏi thuốc ho kèm sổ mũi mua hai viên đầu đỏ đầu đen hay đầu xanh đầu vàng gì đó quên mất; nói bán viên thuốc nhức đầu có hình cái búa tạ là bà biết ngay, đưa đúng thuốc uống xong hết nhức đầu liền.

    Nếu bà Sáu không đủ tin tưởng thì chữa bệnh tại nhà thuốc tây. Mỗi tiệm thuốc đều buộc dược sĩ đứng tên. Nếu đó là tiệm nhà thì chính dược sĩ đứng bán thuốc nhưng thường thì các nhà thuốc chỉ thuê bằng cấp của một dược sĩ nào đó, hoặc chủ nhà là dược tá học một khóa sáu tháng đứng ra kê toa, bán thuốc luôn. Việc này chẳng chút gì khó khăn, nghề dạy nghề dễ thôi, vài tháng là chữa bệnh trơn tru. Sau khi bình thản nghe bệnh nhân khai, bất kỳ bệnh gì trên cõi đời này, cô bán thuốc đều chữa tuốt luốt. Câu đầu tiên cô hỏi: Uống mấy ngày? Ý là túi tiền bệnh nhân chịu được mấy ngày; câu hỏi thứ hai: Thuốc nội hay ngoại? Chẳng biết thực chất ra sao mù tịt nhưng chữ “ngoại” bao giờ nghe cũng có phần… kêu hơn “nội”! Nội xem chừng… kém cỏi gì đâu. Nếu có tiền thì tốt hơn hết nên xài đồ ngoại cho mau hết bệnh!!!

    Loại người đi khai bệnh tại nhà thuốc tây dĩ nhiên chỉ lấy một ngày thuốc, cùng lắm là hai. Cô bán thuốc rất cẩn thận chia sẵn cho bệnh nhân mấy bịch nylon nhỏ đựng lẫn lộn đủ viên trắng, viên cam, viên dẹp, viên tròn, viên dài, viên ngắn, viên rời, viên vỉ… Cứ ba bịch uống ba lần một ngày, hai bịch uống hai lần, cầm nguyên bịch dốc vào miệng là xong. Nếu hết bệnh thì tốt, không hết thì mai quay lại để cô điều chỉnh thay đổi thuốc hoặc tiện trên đường đi làm ghé vào tiệm thuốc nào cũng được khai bệnh tiếp. Việc chữa bệnh như thế không mất thời giờ, vô cùng thuận tiện. Thậm chí chỉ cần nói má con đau bụng bán dùm viên thuốc giống kỳ rồi là bà Sáu và cô dược tá đáp ứng ngay không thắc mắc, dù cho “kỳ rồi” đó cách đến hàng tuần, hàng tháng.

    Đúng “đường lối chính sách” hơn là ra y tế phường, có bác sĩ khám đàng hoàng, phải tội hơi rắc rối một chút là mua cuốn sổ khám bệnh và đóng tiền khám. Bác sĩ cấp phường đều thuộc thành phần bất mãn kinh niên. Trong lúc bạn đồng môn lẫm liệt ở các bệnh viện danh giá cấp trung ương, cấp thành phố, cấp chuyên khoa như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Chấn thương chỉnh hình, Tai mũi họng… hay các bệnh viện tư Vạn Hạnh, Pháp Việt… thì anh chúi mũi vào trạm y tế phường hiu quạnh hay trạm y tế xã heo hút cạnh đám ruộng, chuồng bò… nhằm trú chân tránh việc thuyên chuyển đi xa. Vả người có những căn bệnh hay ho nằm ở tim gan phèo phổi đều đi bác sĩ hay bệnh viện chuyên khoa. Chỉ toàn cảm mạo, ho gió, sổ mũi… mới chịu ra phường. Một phần cũng sợ trách nhiệm nên sau hai, ba kỳ cho toa không hết sổ mũi, ho gió, cảm mạo… thì bác sĩ đẩy ngay lên bệnh viện trên cho rảnh chuyện.

    Bà Thị không biết mình bị mắc bệnh tiểu đường biến chứng sang mờ mắt, ra y tế phường kể lể lúc nào tôi cũng thấy có con ruồi bay qua. Thế là bác sĩ định bệnh ngay vào sổ khám bệnh là “ruồi bay”, cho thuốc bổ mắt để sau đó nếu phường chán bà thì phường chuyển bà lên bệnh viện, nếu bà chán phường thì bà bỏ ra đi bác sĩ ngoài. Riết rồi bác sĩ áo bỏ ngoài quần, lê dép lẹp xẹp với bộ mặt thường trực cau có, không biết từ lúc nào trở thành lang vườn, lang phường, nghề dần lụt đi mau chóng, hoàn toàn không có khả năng phát hiện bệnh là điều cần thiết của một bác sĩ cơ sở. Ngoài kê toa thuốc cảm thì còn mỗi việc họp hành, lâu lâu có đợt chích ngừa trẻ em cũng được một buổi rộn ràng, vui vẻ.

    Có tiền đi bác sĩ tư khá tiện, không phải chờ đợi, xếp hàng, đăng ký này nọ mất thời gian. Đi bác sĩ tư giống cô dược tá ở chỗ lại nhận bịch thuốc không nhãn hiệu về uống ngày mấy bận; hơn cô dược tá ở chỗ ông có văn bằng chứng nhận bảy năm đại học đàng hoàng; khác cô ở chỗ ông đủ thẩm quyền gửi bệnh nhân đến các cơ sở xét nghiệm quen có chia hoa hồng để xét nghiệm đủ thứ, sau đó bệnh nhân nhận kết quả trao lại cho bác sĩ mà chẳng hiểu tờ giấy nói gì trong đó, tùy nghi bác sĩ giải thích trăng sao; thua cô dược tá ở chỗ cô bán thuốc đắt rẻ theo đúng giá thị trường, còn bác sĩ bán thuốc có thể đắt hơn hàng chục, hàng trăm lần, thậm chí nhiều trường hợp còn bị nghi ngờ cho thuốc ầu ơ để “nuôi bệnh”. Không có toa thuốc, ngay cả có trường hợp thuốc bị xé vỉ xoá dấu nên bệnh nhân mù tịt, cũng không biết mình đau bệnh gì mà lần. Rất hiếm bác sĩ chỉ lấy công khám mà không bán thuốc kèm.

    Tình trạng này bắt nguồn từ những ngày tháng khó khăn sau 75. Thuốc tây hiếm hoi, phần lớn nguồn thuốc do những người có thân nhân từ ngoại quốc gửi về. Bác sĩ dù cho toa, ra nhà thuốc cũng không có nên sau khi khám bệnh, bác sĩ bán luôn thuốc có nguồn gốc gom từ chợ trời về. Từ đó thành thông lệ, hễ khám bệnh thì đương nhiên bán thuốc, lợi cả đôi đàng, bác sĩ lấy công khám lẫn lãi thuốc, bệnh nhân có thuốc uống ngay, khỏi cần đi lùng kiếm. Cách kiếm ăn dễ dàng bất ngờ khiến một số bác sĩ đưa việc cung cấp thuốc thành công nghệ. Một y tá giúp việc, thường là bà vợ ngồi kế với ngăn kéo gồm các lọ thuốc chính chung chung hay đơn giản hơn là đóng bịch sẵn. Chị này đau bụng cầm bịch thuốc một trăm ngàn đồng, ông kia lỏng gối trăm rưỡi, bé nóng đầu nhận bịch bảy chục ngàn thôi… Khi đau ốm bệnh hoạn, đứng trước bác sĩ là đứng trước ông thần nắm giữ sức khỏe, sinh mạng, ai nấy kính cẩn bác sĩ nói sao cũng dạ dạ, đâu dám có dám ý kiến, ý cò sợ bác sĩ phật lòng…

    Chẳng khác gì cô dược tá ngoài tiệm, bác sĩ cũng chỉ dặn miệng bởi toa thuốc giấy trắng mực đen làm sao ghi được những câu đại loại: mười hai viên đỏ uống ngày ba lần sau bữa ăn, bịch này chín viên tròn hòa tan trong nước âm ấm, ba viên hạt dưa buổi tối trước giờ đi ngủ nhớ đừng “xơi” sớm quá. Rõ chưa, cứ lẩm nhẩm như thế từ phòng mạch về đến nhà cách nào cũng thuộc. Có người tức mình quá từng mang bịch thuốc trần trụi đi khảo giá mới hay bịch một trăm ngàn chỉ đáng giá ba chục, bịch hét hai trăm ngàn gồm những viên thuốc nội hóa giá chỉ tám mươi… Thế là mò đến bác sĩ kèo nèo ì xèo gây phiền phức quá thể. Bác cũng bực mình không kém. Cuối cùng bác bỏ bao bì, xé vỉ thuốc, tháo vỏ con nhộng… Trộn thuốc bột, giã nhuyễn thuốc viên, chế thêm ít nước lọc… bào chế thủ công thành thứ hỗn hợp -giống như phù thủy Gà mên trong thế giới Xì trum làm… thuốc tễ- được gọi là “thần dược của bác sĩ XYZ”. Chỉ uống thuốc của bác sĩ XYZ mới mập tròn, trắng da, mát thịt. Rồi trong đó có chất gì không biết mà bệnh nhân đâm mê bác sĩ, cứ nhất định phải đi khám, uống thuốc của chính ổng mới khỏe ra…

    Đó không hề là chuyện hài hước vì mấy hôm nay, báo chí đăng tải tin về hai vợ chồng bác sĩ nhi khoa bán thuốc chuyên trị trẻ em biếng ăn, còi cọc. Dùng đều đặn loại thuốc này thì con nít tròn trịa, ú na ú nần, nhưng hễ nghỉ thuốc là ốm o, da trở nên xạm đen. Phụ huynh cứ phải cầu cạnh vị bác sĩ đó cho con mình được mũm mĩm như búp bê. Phân chất thuốc chẳng qua chỉ gồm kháng sinh có tác dụng phụ giữ nước và muối nên cơ thể bé bị phù thôi. Trong lúc phòng mạch và tủ thuốc của hai vợ chồng bác sĩ bị nhà nước khám xét, thì bên ngoài vẫn túc trực hơn bốn mươi người bế con cháu đứng ngồi ngổn ngang chực chờ mua bằng được loại thần dược rỉ tai nổi tiếng, để lũ trẻ có thể mập mạp mà không cần ăn cơm, uống sữa. Nghe tin phòng mạch bị hỏi thăm, sợ bị đóng cửa, một bà ngoại khóc ròng vì sợ con cháu thiếu thuốc không chịu ăn, xuống cân liền. Bà thấp thỏm mua trữ mấy bịch thuốc để dành có người sắp đi gửi qua “bển”.

    Thôi thì người giàu đi bệnh viện tư, nơi đó đúng theo câu khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế” đón tiếp niềm nở, đon đả, tiện nghi đầy đủ. Các bệnh viện tư mở nhiều loại xét nghiệm. Thời buổi tối tân, hễ vào bệnh viện thì thủ tục đầu tiên là xét nghiệm đủ thứ. Chán bệnh viện này qua nơi khác, bao nhiêu xét nghiệm làm lại từ đầu vì rất kỳ cục là kết quả của các bệnh viện thường không giống nhau. Dù gần kế nhưng mỗi bệnh viện đều đua nhau mua sắm máy móc riêng và bắt bệnh nhân xét nghiệm lu bù để chóng thu hồi vốn, kiếm lãi to.

    Hầu hết dân chúng vẫn phải đi bệnh viện công. Tội nghiệp các bệnh viện công xây cất từ đời xửa đời xưa vẫn bấy nhiêu đó, vừa xuống cấp, vừa còng lưng quá tải gánh số lượng dân thành phố cứ tăng cao đều đều. Tuy nhiên bệnh viện công không phải là bệnh viện miễn phí như trước kia. Nếu là công chức thì đương nhiên buộc đóng bảo hiểm y tế (BHYT), tư chức cũng thế nhưng đôi khi bị ăn quỵt. Hàng tháng dù đã bị trừ lương đóng đủ bảo hiểm không thiếu một xu, nhưng đến khi hữu sự, đau ốm, sinh đẻ… nhiều người mới tá hỏa là công ty gom tiền đóng bảo hiểm của nhân viên mang gửi vào… ngân hàng kiếm lãi!!

    Muốn có thẻ bảo hiểm y tế cũng trần ai. Trước đây, chỉ ai có đi làm cho cơ quan, xí nghiệp mới được đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. VN bắt nhịp được nền xã hội tiên tiến nên mở rộng lãnh vực này bằng cách cho dân chúng -tức những người không đi làm hay hành nghề tự do- được mua gọi là “bảo hiểm y tế tự nguyện”. Một hai năm đầu, thể thức mua loại bảo hiểm này không được phổ biến rộng rãi và người dân cũng mơ hồ về nó nhưng rồi dần dần thức ăn, không khí, vệ sinh môi trường ngày càng ô nhiễm, bệnh tật gia tăng nhất là ung thư… Dân chúng hiểu ra lợi ích nên ùn ùn kéo nhau đi mua bảo hiểm y tế. Chỉ có điều toàn già cả, đau ốm chứ người trẻ trung, khỏe mạnh nhất định không đóng một xu. Thế là quỹ BHYT chỉ sau một, hai năm âm mấy ngàn tỷ, trong đó phải kể tới nhiều người thông đồng tuồn thuốc bảo hiểm y tế ra ngoài bán hàng chục triệu đồng. Nhà nước hoảng hốt vội vàng ban hành chính sách mới xiết chặt lại.

    Trước đây thẻ BHYT bán lẻ cho từng người nhưng kết quả chỉ toàn người già, người mắc bệnh mãn tính tới lúc vào bệnh viện mới mua. Thanh niên trai tráng chẳng tội tình gì bỏ tiền ra mua BHYT, chưa kể có người sợ xui, đang mạnh khỏe lại mua cái thẻ… trị bệnh giống như leo lên đò phải mặc áo phao giữa lúc trời quang sóng lặng. Chẳng khác nào trù ẻo!

    Quỹ BHYT có nguy cơ bị vỡ. Nhà nước phải xiết lại. Toàn bộ người có tên trong một sổ hộ khẩu phải cùng lúc mua BHYT.

    Lại đi khiếu nại. Nhà hơn chục người, làm việc ăn lương công nhật lại chưa kịp tách hộ khẩu thì kiếm đâu ra cùng lúc mấy triệu đồng để mua BHYT mà thực tế chỉ có một, hai ông bà già sử dụng.

    Lại uyển chuyển sửa đổi. Mức đóng bảo hiểm của từng người trong hộ gia đình giảm dần: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương; người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất… cho tới người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

    Và nếu kẹt lắm thì có thể đóng từng quý thay vì đóng một lúc cả năm..

    Rắc rối quá. Tới đó là chấm dứt câu chuyện đi chữa bệnh!

    Saigon cô nương



    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Hiến đất






    Thành phố đất đai giới hạn chỉ có bao nhiêu đó, dân số ngày càng gia tăng. Nhiều mương rạch nhỏ đã bị lấp kín, đặt cống hộp để lấy thêm đất xây phố xá, nhà cửa, đường ngang ngõ dọc. Vô số kênh rạch bị san lấp: rạch Ông Búp, Bà Tiếng (quận Bình Tân), rạch Lăng (Tân Bình)… lấp rạch Ụ Lò Đường để xây khu nhà ở Sông Đà (phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức)…

    Tới bây giờ, người ta mới thấy tác hại khi không còn chỗ tiêu thoát nước cho nên mới mưa một chút, chỗ nào cũng ngập lênh láng như cái ao. Đã phải tính đến cách khôi phục lại một số kinh rạch như kênh Hàng Bàng, kênh Hi Vọng, rạch xuyên tâm… Thật khổ, kênh rạch lấp đã rồi lại đào lên. Mà đâu đơn giản muốn đào lúc nào là đào, bởi lâu nay nhà cửa đã mọc lên chi chít. Lại phải vắt óc kiếm nguồn tiền để đền bù, giải tỏa nhà dân mới đào được.

    Những nơi không bị lấp thì bị lấn. Mặc dù nhiều đoạn kênh rạch đã giải tỏa nhà sàn nhưng nhiều nơi khác, vẫn bị chiếm dụng vô tội vạ như rạch Văn Thánh, rạch Bần Đô… nhà sàn từ trong bờ theo lối đi bắc ván nhỏ hẹp có đến vài lớp nhà mới thấy mặt sông rạch chỉ còn một nửa đen sì, đặc quánh.

    Nhà cửa thành phố người càng ngày càng đông, tấc đất tấc vàng, mất đất là mất của, ven sông là vậy huống hồ trên đất liền, người ta càng giành nhau từng chút đất. Phong trào trào lấn hẻm, cơi nới trở nên rầm rộ sau 75 một thời người ta sống và cứ thế ngày càng lan rộng. Người sau nhìn người trước lấn thế nảo mà bắt chước y chang hay hơn nữa.

    Gần đây, việc xây dựng nhà, công trình của thành phố hướng vào quy tắc: Xây căn nhà mới phải chừa hàng hiên phía trước, chừa đường ống cống đàng sau. Tất nhiên cũng có trường hợp bất chấp do làm bừa, cậy thế, có hữu hảo với nhân viên công quyền…

    Còn thì chẳng theo luật lệ gì cả.

    Thông thường nhà nào có chỗ trống quanh nhà, nhìn trước nhìn sau lấn từ từ. Lấn sáu tấc sau nhà làm chỗ rửa chén, lấn ven tường bên hông đặt mấy chậu cây. Nhà có con nít chạy nhảy cũng cần một khoảng rào nhỏ để giới hạn chỗ chơi đùa khỏi sợ xe tông. Vài căn nhà ở góc thì nhất định lấn sang hai phía: trước mặt và bên hông.

    Cứ theo chính sách tuần tự như tiến..

    Thoạt tiên chỉ là vài chậu cây nho nhỏ chưng làm cảnh rồi tới chậu to hơn, cây lớn hơn. Ban đầu dựng cái hàng rào sắt mảnh mai rồi nhổ cây sắt xây bờ tường thấp khoảng một mét. Nhà thêm dâu, rể, con cháu thì xây gạch tiếp cao hơn, làm chỗ phơi quần áo, đặt bàn ăn, cái bếp lò…

    Thông thường nhu cầu tối thiểu mỗi gia đình là cần một khoảng trống trước cửa để tạm một, hai hay vài chiếc xe gắn máy của gia đình hay của khách khứa đến chơi. Xe gắn máy đến buổi tối trước khi đi ngủ mới cất vào trong nhà, còn trong ngày thì để tạm trước cửa. Để khỏi mất công canh chừng, chủ nhà làm ngay cái hàng rào bằng gỗ hay cọc sắt. Sau một thơi gian nhìn quanh nhìn quất không thấy ai nói năng gì, chiếc hàng rào sơ sài được thay thế bằng bức tường gạch lợp mái tôn, kéo cửa sắt… hẳn hoi. Thế là căn nhà được nới rộng thêm diện tích bằng cả một gian chứ ít đâu. Thậm chí phần lấn ăn gian đó có thể để vừa chiếc xe ô tô, thành phòng khách…

    Nhà nọ noi gương nhà kia. Chứ nhà người ta lợi được ít đất, lẽ nào mình thiệt. Với lại quan trọng người đi trước mở đường trót lọt thì kẻ sau bắt chước thôi. Con hẻm rộng rãi khang trang dần thu hẹp lại chỉ còn vừa hai xe máy tránh nhau.

    Đó là nhà trong hẻm. Nhà mặt tiền sinh ra tiền thì còn mạnh tay hơn.

    Đoạn nào vỉa hè hẹp thì lấn một mét. Đoạn nào vỉa hè rộng thì lấn tối đa vài mét, thậm chí lấn hết cả vỉa hè. Nói chung mạnh ai nấy lấn. Thành thử nhiều căn nhà, tầng lầu, tức tầng bắt buộc phải xây đúng theo giấy phép xây dựng thì thụt vào tuốt bên trong nhưng tầng trệt thì vươn ra ngoài thật xa, dễ thấy nhất là những căn nhà tầng trệt nơi người ta có thể mở cửa hàng buôn bán mà nhờ thế tiền cho thuê cũng cao hơn.

    Chỗ gần chợ, thị tứ… chủ nhà không sống yên được, khách tới tấp đề nghị thuê nhà.

    Hiếm có chủ nhà tự kinh doanh, Kinh doanh chi cho mệt, chỉ cần cho thuê phần lấn ra là đủ ăn xài phủ phê, khỏi đi làm cho mệt.

    Đi qua nhiều nơi, nguyên cả con đường đều bị lấn vỉa hè. Cứ ngước mắt nhìn lên. Phần tầng lầu mấy tầng xây bên trên thẳng tắp, còn tầng trệt thì uốn lượn tùy chủ nhà lấn bao nhiêu tùy thích. Nhà hàng ăn đã kê bàn ghế lấy hết vỉa hè nên lò than nướng thịt chuyển xuống lòng đường. Xe của thực khách cũng xuống đậu kín hết lòng đường trước mặt quán

    Các con hẻm còn ác liệt hơn nhiều. Hẻm hẹp vì nhà lấn. Lấn đã rồi bây giờ, sau mấy chục năm, nhiều căn nhà cũ kỹ nhưng không dám đập đi xây lại bởi nếu xây lại thì phần lấn buộc phải cắt bỏ đi, thậm chí có nhà bị cắt đến hai phần ba, chỉ còn mỗi cái hến hẹp te! Thành thử tiếc phần diện tích trên trời rơi xuống đó, chủ nhân đành vẫn chịu đựng sống trong gian nhà thấm dột, nền nhà thấp trũng đọng nước như cái hồ vì sau mấy làn sửa đường thì mặt đường đã cao hơn nền nhà tới mấy tấc.

    Thành phố không thiếu những con hẻm tối om vì dài và quá hẹp, bức bối không thấy ánh mặt trời do tường đổ bóng hoặc balcon gác bên trên de ra như chiếc mái che kín bầu trời của hẻm. Những khu nhà lấn đất cũng là nơi dễ ngập lụt do nhà thường xây cất trên miệng cống, chặn đường thoát nước cộng với thủy triều lên nên hễ mưa là ngập, nước mưa đổ xuống, nước cống sình lên, rác rưới lềnh bềnh ngập ngụa.

    Trong những con hẻm này, chủ nhà phiền toái vì tới bữa cơm, nhà này nhìn rõ nhà kia ăn món gì, phơi bày việc nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, chưa hắt hơi hàng xóm đã biết. Ở những khu hẻm bình dân chật chội như thế. Người bệnh phải bồng hay cõng ra ngoài đường vì taxi cũng không vào được, nói gì đến xe cứu thương.

    Khi có tang ma hiếu hỉ mới thật rắc rối. Những gia đình khá thường phải tổ chức tang lễ ở tang nghi quán, còn nhà nghèo đành ra ngoài lề đường, vỉa hè gần đó nằm dưới rạp căng chứ hẻm quá nhỏ, quan tài đi không lọt.

    Thật ra do tham đất nên cứ lấn chứ một căn nhà rộng cách mấy, nhưng tọa lạc trong ngõ hẻm bé xíu, thậm chí có khi hai xe không thể đi cùng lúc, thì giá trị của nó rõ ràng giảm đi rất nhiều.

    Thêm nữa khi có hỏa hoạn thì hẻm nhỏ tắc tịt vì nội cư dân túa ra chạy đồ đạc nào TV, tủ lạnh, quần áo… đã nghẹt cứng, xe cứu hỏa tới, lính cứu hỏa không có chỗ len chân dẫn ống nước vào.

    Nay đô thị đòi hỏi trật tự hơn, phải tuân thủ luật xây dựng, luật quảng cáo… Nhất là sau mấy vụ cháy nhà, xe và lính cứu hỏa khó luồn lách vảo ngõ hẻm chật chội, đám cháy nhỏ hóa to vì không chữa kịp thời.

    Tin trong báo: “Đầu tháng 9, người dân ở 8 phường của quận 3, Saigon hiến đất mở rộng hẻm. Khởi đầu, mười con hẻm mở rộng từ phần đất mà nhiều chục năm qua bà con vẫn sinh sống, sử dụng”.

    Thật sự gọi là hiến đất chỉ ở những vùng nông thôn, rừng núi, dân hiến đất để xây trường, làm đường…

    Thôi thì trước khi áp dụng luật thì kêu gọi trước. Đất ở quận 3 có giá cao chót vót chứ ít đâu nên xén đất mở rộng hẻm ở đây là cả một vấn đề. Dư luận quan tâm nhiều, lý do đơn giản vì đất của quận 3 thuộc loại “tấc đất tấc vàng”, cứ mỗi mét vuông có giá từ 100 đến 150 triệu đồng. Vì thế, số đất mà từ 1 172 gia đình ở đây bị xén ở đây lên đến 9.400m2 “đất vàng” giá 445 tỉ khiến ai nấy nghe mà xuýt xoa. Vận động từng nhà, từng người dân từ mười mấy năm nay.

    Chỉ có điều đâu phải đất cứ đơn giản hiến là hiến vì nhà đập xong làm sao sửa lại. Nên lại có đòi bồi thường, tiền sửa sang… rất mất công sức thời gian.

    Hẻm mở rộng thông thoáng có chỗ cho con nít chơi đùa, người già đi qua đi lại. Hiện nay, do giá mặt tiền quá cao nên việc buôn bán dần lùi vào hẻm. Vào bất cứ con hẻm nào của SG, rộng thì có văn phòng, quán ăn…, nhỏ hơn có tệm may, tiệm uốn tóc… Hẻm nhỏ không những chỉ là nơi ở mà còn mưu sinh buôn bán sầm uất.

    Chỉ kẹt là sau khi thấy con hẻm mở ra rộng rãi để trống không cũng tiếc nên người ta lại tận dụng bày ra xe mì, tủ thuốc lá, bàn cà phê… Thành thử, hẻm rộng thoắt lại thành chật, từng có nồi lèo sôi sục ven hẻm khiến em bé ngã vào hay xe gắn máy tông trúng gây bỏng nặng. Và trở lại ngày đầu là chủ nhà lại đặt vài chậu cây cảnh, không phải trang trí mà nhằm xác định quyền sở hữu của khoảnh không gian trước nhà. Thay vì con hẻm thoáng đãng có thể vui chơi thì nay thành thông lộ, hàng quán xe cô nườm nượp và mỗi nhà đều nhốt chặt con nít sau cửa kín.

    Nhả ở nội thành chật hẹp, giá mỗi mét vuông đất trị giá cả mấy cây vàng. Của đâu mà cho không vậy. Thế nhưng nói cho đúng thực ra chẳng ai hiến đất riêng của mình cả. Phần lấn chiếm là đất công trong lộ giới giải tỏa hẻm. Khi không ai nói tới thì dùng đại. Do đó khó mà đòi bồi thường Đây chỉ là trả lại phần lấn chiếm từ lâu lắm rồi nên nghiễm nhiên bị coi là của riêng

    Thành ra rầm rộ vận động hiến đất nhưng lại là hiến đất… công!

    Biết tới chừng nào mới tới phiên nhà mặt tiền mới “hiến” phần lề đường công cộng trước nhà để có lối đi cho khách bộ hành?

    Sài gòn Cô nương


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Giấc mơ xe ô tô




    Mấy năm nay xe ô tô tràn ngập khắp VN. Từ thị thành đến miền núi, trên những con đường làng hẹp ngoằn ngoèo, xe ô tô bon bon lăn bánh.

    Dân thị thành dư dả, dân kinh doanh cần phương tiện di chuyển, dân miền sâu “bị” giải tỏa đất đai trên trời rớt xuống một đống tiền không biết sắm cái gì “siêu khủng” cho bớt tiền… thì món đầu tiên nghĩ đến không phải là một chiếc xe gắn máy tay ga nữa. Thời thượng hiện nay phải ô tô mới đúng tay chơi, mới rõ mặt anh hùng

    Vì thế hiện nay VN có hơn ba triệu xe ô tô.

    VN cũng cũng sản xuất ô tô. Trước 75 có Ladalat, giờ là Vinfast.

    Nhu cầu ô tô trong nước tăng vọt nên đủ loại ô tô có mặt. Từ bình dân, siêu sang, sản xuất hạn chế… tất tật đều có mặt. Xe từ các nước Đông Nam Á láng giềng đến các nước Á châu, Âu Mỹ. Tháng 6.2019 đã có nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của VN đặt tại Hải Phòng.

    Saigon từ lâu đã xuất hiện các nhóm chơi xe. Vào các dịp đám cưới, sinh nhật của thành viên trong nhóm, các cuộc caravan… Những chiếc siêu sang xuất hiện làm thiên hạ lé cả mắt.

    Xe ô tô giá rẻ hiện giá chỉ suýt soát vài trăm triệu gần với… một chiếc xe gắn máy! Như xe Hàn Quốc bốn chỗ giá 300 triệu trong khi chiếc Vespa PIAGGIO giá gần trăm triệu hoặc SH từ 100 đến hơn 200 triệu…

    Xe xịn như Rolls-Royce, Lamborghini… với giá cực khủng đều có mặt.

    Hay muốn rẻ thì chơi những chiếc ô tô sang tiền tỷ nhưng thanh lý với giá rẻ bèo như Toyota Camry 2003 giá 197 triệu đồng, Lexus RX330 đời 2003 giá 350 triệu…

    Xe ô tô dùng cho sinh hoạt gia đình, xe chạy chở khách… lên ngôi, ngày càng đầy đường.

    Ai nấy ngày càng thấy cái tiện lợi của xe hơi.

    Thay vì trước kia mua gắn máy chỉ chở hai người thì nay, người ta sắm chiếc ô tô quá tiện lợi. Ô tô một lúc chở được nhiều ngưởi và ngồi trong đó êm ái, mát mẻ, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, lại có thể đi được đường trường.

    Có xe hơi đi làm khỏi phải hít khói bụi, quần áo thơm tho không lấm lem mưa nắng. Đi làm nơi xa nhà khó nguy hiểm tai nạn dọc đường như gắn máy. Đi siêu thị không ngại hàng hóa đùm đề. Cuối tuần cả nhà về quê hay đi picnic chất lên cả đống đồ đạc thật gọn gàng. Thậm chí có bà mẹ mua ô tô chở con đi học hàng ngày để tránh việc con cái ngồi sau xe gắn máy ồn ào, hít khói bụi mịt mù trong tình trạng bụi mịn tại các thành phố lớn ở VN đã lên cao đến mức báo động. Vào giờ tan học, trước các cổng trường quốc tế, xe ô tô đậu chật đoạn đường gây kẹt xe dữ dội.

    Phường Thảo Điền, quận 2, khu vực nhà ở cao cấp có nhiều trường học quốc tế. Giờ tan học chiều thường kẹt xe mấy tiếng đồng hồ vì mỗi học sinh là một xe ô tô trong khi lòng đường không thể mở rộng thêm. Tuy nhiên một cuộc phỏng vấn nho nhỏ cho thấy cả phụ huynh và học sinh vẫn không vì sự bất tiện đó mà chuyển sang xe máy, lại càng nói không xe buýt.

    Nhất là dân buôn bán, kinh doanh đi ký hợp đồng mua bán, sản xuất… từ xe hơi bước ra thật… khí thế. Trông giỏ bỏ thóc. Khách hàng nhìn thấy chủ nhân từ một chiếc ô tô hoành tráng bước xuống rõ ràng cũng thêm phần tin tưởng hơn.

    Bà mẹ vợ đi nhờ xe con rể. Bước xuống xe tới đám tiệc cưới, bà hãnh diện, giới thiệu với đám bạn: “Đây là xe nhà của thằng con rể”.

    Anh Quân, tư chức, rủng rỉnh chút tiền tiết kiệm đang dò tin để mua cái “xế hộp” đi làm, chở vợ con shopping.

    Vợ anh tính toán thiệt hơn:

    -Chiếc xe bét nhất như KIA MORNING mất 300 triệu. Hàng tháng gửi xe ở bãi chung cư 1,5 triệu; với những chung cư cao cấp hoặc các trung tâm thương mại lớn, mức phí này còn cao hơn. Giá gửi xe lẻ cũng đội lên từ 40.000 đồng đến cả 100.000 đồng/lượt và 200.000 đến 300.000 đồng/ngày không kể đi đâu hàng quán ăn uống mua sắm, chỗ nào tiền gửi xe cũng quá đáng cộng lại vài triệu một tháng. Kế tiếp tiền bảo hiểm, đăng kiểm 5 triệu; xăng ít nhất 2 triệu; bảo dưỡng 1 triệu. Chưa kể những phiền phức như xe vào khu vực trung tâm thành phố không có chỗ đậu xe, rất dễ bị phạt. Tiền nuôi xe bằng lương công nhân, bằng nuôi một người chứ có ít đâu. Thôi, tôi cứ kêu taxi hay xe ôm cho thơ thới đỡ tốn kém, đỡ bận tâm.

    Nhưng một lý do thầm kín của anh Quân là từ quê xa vào Saigon lập nghiệp gần hai mươi năm, anh muốn mỗi năm đôi lần về thăm quê sẽ khiến cha mẹ nở mặt nở mày với chòm xóm khi thấy cậu con trai lái chiếc xe hơi láng o từ thành phố về tận làng nghèo. Nó tượng trưng cho sự giàu có thành đạt.

    Thành phố ngày càng chật vì dân số quá đông.

    Đã có người muốn uống cà phê giữa quận 1 phải gửi xe cách đó cả cây số rồi kêu xe ôm chở đến quán. Khi ra về cũng y như vậy: bắt xe ôm ra xe ô tô.

    Gửi xe hàng ngày cũng y như vậy. Nhà thành phố toàn nhà ống nhỏ hẹp, chỗ ở còn không đủ lấy đâu chỗ đậu xe. Thành thử xe hơi phải gửi ở bãi đậu xe, may mắn gần nhà thì đi bộ ra, còn không cũng chạy xe gắn máy tăng-bo. Đến sở làm không khác, nhất là sở tại trung tâm thành phố, nên cũng phải gửi xe một chỗ rồi tìm cách khác: xe ôm, xe buýt… tiếp tục tới sở làm.

    Trong một cuộc phỏng vấn nghiên cứu thị trường, trả lời câu hỏi: “Bạn có muốn sắm xe hơi không?” thì một số người trả lời “rất cần thiết để sắm xe nhưng không thể vì không có gara”. Hoặc “Nhà thì rộng nhưng hẻm chật quá, xe không vào được”.

    Cho nên có người phải mua căn hộ chung cư khi nghĩ đến chuyện sắm xe. Dẫu sao không phải cứ mua chung cư là đương nhiên có chỗ đậu xe, lại phải giành giật mua “nền” cho chiếc xe từ vài trăm triệu cho tới bạc tỉ. Đúng là “nền” như mua “nền” nhà vì có thể mua đi bán lại chỗ đậu xe đó. Có “nền” rồi cũng không yên vì thỉnh thoảng vẫn gặp tai nạn khi bỗng dưng mưa to một chặp, máy bơm chạy không xuể hoặc chết máy. Thế là nguyên đống ô tô ngâm nước bùn dưới hầm.

    Nhiều chung cư không lường hết sự phát triển của xe hơi nên hầm giữ xe đâm ra quá tải. Ô tô đành để tràn lan trên mặt đất. Thế là sáng mai ngủ dậy, chủ nhân tá hỏa thấy cặp kính chiếu hậu đã bị vặt trộm lúc nào hồi đêm. Đã có lần, trộm không những vặt cặp kính chiếu hậu mà còn tháo luôn cả bốn bánh xe mới hay.

    Thông thường ở những nơi thiếu chỗ đậu xe, thay vì phát triển xe công cộng thì nhà nước mặc kệ, trước kia xe gắn máy gia tăng vô tội vạ thì bây giờ tới phiên ô tô, ai có tiền cứ việc mua không có giới hạn trong khi giá ô tô ngày càng hạ.

    Một công ty bất động sản ra giá nửa tỷ đồng mỗi ô đậu xe tại một dự án ở quận 5 chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (10% giá bán) và phí bảo trì (2% giá bán). Thế nhưng cư dân phản đối vì mắc quá, chỉ muốn thuê với lý do tuy giá cao như vậy, nhưng nhà nước chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho căn hộ, chứ cho chỗ đậu ôtô thì không!

    Khi trước, nội xe máy đã làm thành phố kẹt xe trầm trọng huống hồ nay lại thêm xe hơi rồng rắn rùa bò, dù không phải giờ đi làm hay tan sở xe vẫn nối đuôi dài dằng dặc. Đôi khi một chiếc ô tô sốt ruột, lấn vào làn xe gắn máy thế là cả ô tô lẫn xe gắn máy nghẹt cứng không cách nào nhúc nhích nổi.

    Nhận thấy ô tô ngày càng trở nên cần thiết nhất là đời sống dân thành thị. Vì thế, nhiều người đã nghĩ cách kiếm ăn bằng cách mua xe về cho thuê.

    Anh Vương học xong khóa lái xe, lấy bằng đàng hoàng nhưng phân vân về việc mua xe. Anh có thể mua một chiếc ô tô nhưng ngại đối đầu với những bất tiện khi thực sự sở hữu nó. Hàng ngày anh đi làm ở ngoại thành bằng xe đưa đón của công ty, vợ làm việc khá gần nhà, chạy một chiếc tay ga vừa sức. Vì thế anh chọn cách thuê xe. Khi cần, vào cuối tuần hoặc ngày lễ, anh thuê một chiếc bảy chỗ, thồn hết vợ con, mẹ, và cả vợ chồng người chị đi ra Vũng Tàu tắm biển hoặc về quê vợ dưới miền Tây chơi. Xe hơi cũ một chút và của người quen nên giá rẻ, chỉ khoảng 700 ngàn/ một ngày. Rất tiện lợi, đỡ nhức đầu việc giữ gìn và “nuôi” chiếc xe.

    Thỉnh thoảng mói có khách thuê tự lái nên hiện nay, để xe chạy thường hơn, chủ xe thường cho các tài xế thuê chạy grab với giá khoảng hơn 300 ngàn một ngày, thuê tháng rẻ hơn, tùy xe tốt hay xấu giá vào khoảng từ 11 đến 13 triệu một tháng.

    Không muốn trả tiền thuê xót ruột nên nhiều người vay tiền ngân hàng mua xe chạy taxi công nghệ. Grab car là tên một hãng taxi loại này nhưng xuất hiện đầu tiên nên người ta gọi gộp chung các hãng taxi công nghệ là grab cả. Vay ngân hàng trả góp cả chục năm thì sở hữu hoàn toàn chiếc xe.

    Thấy lãnh vực kiếm ăn được, chia chác rõ ràng, thế là ùn ùn thiên hạ rủ nhau đi mua ô tô, hầu hết là xe trả góp. Người người mua xe, nhà nhà mua xe. Gab car, cũng giống như Grab bike, xung đột với xe chạy từ trước tới giờ, gọi là xe truyền thống. Cung đã quá cầu từ lâu rồi nên đâm ra ế ẩm.

    Xe hơi quá nhiều và rẻ, chỉ cần theo học một khóa vài tháng là đường hoàng cầm vô lăng. Để đáp ứng nhu cầu thì các trường dạy lái xe mọc ra như nấm, trước kia thường chỉ dạy cho những người sắp xuất ngoại, nay dạy trong nước còn không hết khách.

    Dù sao đường phố SG nhỏ hẹp, đông đúc và hỗn loạn, mạnh ai nấy đi không tuân thủ luật lệ giao thông nên tai nạn giao thông với ô tô xảy ra thường xuyên, nhất là tài xế xay xỉn hay phụ nữ yếu tay lái, đã có mấy vụ mất tay lái đâm chết và trọng thương hàng loạt người vì kẹt giày cao gót của phụ nữ.

    Ô tô không còn đóng dấu của người giàu sang nữa, mà chỉ là một trong các loại xe cộ thôi. Vì thế người ta không lạ khi camera cho thấy ban đêm, ô tô dừng lại bên đường để người bước xuống bê chậu cảnh đẹp chưng trước nhà lên xe chạy mất, hay ăn trộm đánh xe bán tải gọn gàng khiêng luôn một chiếc xe gắn máy lên mà khỏi cần bẻ khóa mất công!

    Saigon cô nương


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Khi sếp về hưu




    Hợi là một ông sếp lão làng.

    Ông tốt nghiệp tấm bằng chính quy thuộc viện đại học quốc gia chứ không phải văn bằng hàm thụ, tại chức… hay mua ngoài thị trường lậu, giống như mới đây, một bà trưởng phòng bị phát giác chỉ học hết cấp II, đã mượn bằng tốt nghiệp của người chị để nhanh chóng trèo cao, tiến sâu trên con đường hoạn lộ. Cũng không phải bằng chuyên tu, bằng đại học từ xa hay một trường đại học vớ vẩn ở xó kẹt nào.

    Thăng tiến theo thâm niên. Theo thông lệ, cứ ba năm mới được tăng lương một lần. Nhưng ông là nhóm trưởng, tổ trưởng, mỗi lần định kỳ xét thi đua, ông được ưu tiên chiến sĩ thi đua, mấy cái danh hiệu lèng xèng khác: tiên tiến, xuất sắc… phân ra cho người khác. Nhờ mấy cái danh hiệu đó, cộng thêm bao đồng, ông kiêm nhiệm luôn công việc của công đoàn chuyên đi thăm người bệnh, bao luôn phong trào thể dục thể thao lăng xăng mặc dù chẳng biết chơi môn thể thao nào, cũng chẳng tập thể dục, cứ nhìn cái bụng bia tròn vo của ông là rõ. Thế nên chẳng những mau tăng lương, đồng thời cũng được cộng thêm sự tín nhiệm để thăng cấp.

    Thế là sau thời gian làm việc gần bốn mươi năm, cứ thế ông bước từng bước một vững chắc lên chức vụ lãnh đạo.

    Từ nhân viên văn phòng quèn của một sở, ông được đề bạt làm trưởng phòng của một công ty nhánh trực thuộc sở. Lên làm phó phòng của sở, xuống làm trưởng phân xưởng sản xuất, lên làm chánh thanh tra của sở, xuống làm giám đốc công ty con, và cuối cùng là phó giám đốc sở.

    Trải qua nhiều đời giám đốc, ăn cơm sở mòn răng nên ông quen thân tất tần tật anh em trong hệ thống sở tức là gồm sở, các công ty nhánh trực thuộc sở, các địa phương mà sở phải liên hệ để làm việc.

    Mối quan hệ hữu hảo mở rộng thật là vui.

    Dầu sao thì cũng đến lúc phải về hưu. Vài nơi đối với người giỏi, hoặc ở môi trường giáo dục, nghệ thuật… có thể mời ở lại làm thêm một thời gian hoặc các công ty tư nhân mời chào cộng tác lấy kinh nghiệm, quan hệ xã hội rộng rãi làm tư vấn, nhưng ông chỉ là một công chức chung chung, không có khả năng nào nổi bật, chỉ là sống lâu lên lão làng. Vì thế đúng hạn là phải nghỉ.

    Buộc phải nghỉ nhưng dù sao ông cũng là chức phó của một sở nên đâu có đơn giản nghỉ không kèn không trống như đám tép riu được.

    Ông sinh vào tháng Mười, nghĩa là hết tháng Mười này, ông rời nhiệm sở.

    Trước đó hai tháng, cả hệ thống sở đã “lên kế hoạch” tiễn sếp về hưu.

    Mọi người điện thoại báo cho nhau biết để “xếp lịch” khỏi sợ trùng. Nào là nhóm, nào là nhánh, nào là cá nhân đều có chương trình riêng đặc biệt cho việc chia tay.

    Thứ Ba này là phòng Kế hoạch của xí nghiệp Xuất khẩu, ngày mốt thuộc về anh A. giám đốc công ty sản xuất, thứ Sáu là của phân xưởng… Tuần sau tới phiên hai huyện ngoại thành và công ty khách hàng… Lẽ ra khách hàng thì liên quan gì nhưng khách hàng lâu năm còn giao du dài dài với sở, mọi chuyện muốn dễ dàng thì tốt hơn hết nên bày tỏ… thành ý!

    Mỗi lần đãi đằng một chỗ khác nhau để anh… khỏi nhàm chán.

    Hôm nay món Ta mai món Tàu, buffet, món nướng hay món lẩu… Nhân tiện sẵn xe cơ quan mấy anh em rủ nhau đi xa xa đổi gió luôn. Hỏi thăm ở Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Dương… chỗ nào có đặc sản. Cá chìa vôi ở quán Tư Tàu Nhà Bè, bò tơ Tây Ninh, lẩu tôm 5 Ri Biên Hòa…. Bây giờ hết cầy rồi. Thật ra nhiều người cũng thích nhậu thịt cầy, chỉ hiềm món này toàn có mặt ở những quán có vẻ ngoài bình dân, bàn thấp, nhìn hơi tối tối, hơi… lam lũ. Coi không… sang, không xứng đáng cho một buổi tiệc chia tay sếp chức sắc đầy lưu luyến. Với lại mấy quán này toàn uống bia hoặc rượu đế làm gì có rượu tây thiệt giá vài triệu mỗi chai. Ngay cả nếu thích rượu ta cũng phải đến quán cá sấu, đà điểu… chứ không thể vào chỗ lem nhem được.

    Đàn ông vào quán xá, nhà hàng càng đông càng vui chứ đâu có song ẩm hai người buồn chết. Vì thế mỗi lần đi như vậy kéo hàng hai, ba chiếc ô tô đủ mặt bộ sậu nhậu tới bến. Chi phí đa số đã có quỹ chung xuất ra nên ai nấy đều hỉ hả gia nhập cuộc vui. Chứ nếu móc túi riêng thì khó tụ tập đông đảo như vậy lắm.
    Ngoài việc ăn uống còn quà cáp hậu hĩnh nữa. Thông thường bày tỏ tấm lòng nhưng đừng xa xí quá, đâu còn tại chức mà mai mốt nhờ vả, chỉ là cái áo sơ mi hàng hiệu, bộ ly tách, chai rượu tây, hòn đá phong thủy… Mấy năm nay đá phong thủy đang lên phong trào. Chưng đá phong thủy trong nhà hay bàn làm việc trong sở làm hợp mạng số sẽ mau chóng thăng quan tiến chức. Hoặc gọn nhẹ, tiện dụng nhất bao giờ cũng là phong bì chứ quà cáp nhiều khi không hợp ý cũng phí phạm.

    Công việc của Sở cũng bị dao động chút xíu, vì phải làm vội vàng cho xong còn đi liên hoan nữa chứ.

    Nói nhỏ chút xíu cũng có người thấp cổ bé như anh văn thư, chị thủ quỹ, chú tài xế… mặt hơi nhăn nhó vì phải… đóng góp vào tiết mục quà cáp!!!

    Mà không phải nội bộ của sở vui thôi mà bạn bè hàng xóm cũng có mặt vui lây. Bởi vì mỗi lần được mời đi liên hoan thì sếp lại sực nhớ ra: “Mày mời thêm ông A bên Thuế nữa nha”, “Hôm bữa, cô B bên Ủy ban nhắn khi nào liên hoan thì kêu cổ qua chung vui”… Hôm trước sở người ta có việc mời mình thì bây giờ mình có chuyện vui, chia tay ăn uống tưng bừng là chuyện vui cứ đâu phải chuyện buồn, thì cũng phải mời người ta chia sẻ chứ.

    Ôi, niềm vui bất tận, hết tăng một ăn, qua tăng hai uống, tăng ba hát hò…

    Sang đầu tháng Mười Một, tưởng chừng cuối năm bận bịu lo tổng kết một năm làm việc, nhưng không phải, có bận bịu thiệt nhưng bận việc khác. Phòng Tài vụ hối hả điện thoại cho phòng Nhân sự:

    -Mai bên tôi mời chia tay sếp đó, còn phòng ông bữa nào?

    -Ủa, tôi tưởng hôm trước làm rồi?

    -Bữa đó mới là tiệc mừng sinh nhật thôi, còn bây giờ mới thật sự là tiệc chia tay về hưu.

    Thâm tình quá nên những bữa tiệc trong tháng Chín là tiệc vui mừng sinh nhật, còn qua tháng Mười mới là tiệc “buồn” lưu luyến chia tay.

    Thế là lại tiệc của phòng Hành chánh, tiệc của bà quản đốc phân xưởng, tiệc của công đoàn Chi cục… Cứ thế mà tiệc đi tiệc lại mãi không dứt. Tiệc to hay nhỏ còn tùy thuộc vào thành phần mời. Tiệc chia tay của Phòng Hành Chánh bao gồm cả lao công, tài xế… nên tiệc… mọn thôi. Còn tiệc của các phòng, của các công ty nhánh đượng nhiên to hơn. Tiệc to ở nhà hàng sang nên không phải ai cũng tham dự được. Chỉ có “chức sắc” tức là trưởng phòng, phó phòng…. đi thôi, chứ cắc ké kỳ nhông có mặt đầy đủ thì tiền đâu chi cho nổi.

    Ăn nhậu, quà cáp, vui chơi chưa phải là hết.

    Xem còn loại quà nào, vét luôn thể.

    Có một cuôc họp toàn quốc được tổ chức ở một tỉnh vùng Tây bắc nhằm phổ biến kinh nghiệm “xóa đói giảm nghèo cho dân cư thành thị”.

    Ông Giám đốc lệnh cho phòng Nhân sự:

    -Làm công văn để tên anh Hợi đi họp.

    Ông Nhân sự ngạc nhiên:

    -Anh Hợi về hưu rồi. Ảnh họp xong rồi về thẳng nhà chứ đâu có vào sở để phổ biến công việc. Mấy tháng trước có thư mời đi dự hội thảo “xử lý chất thải” ở Hà Lan, bên phòng Môi trường đã chuẩn bị chọn người đi họp để sang năm truyền kinh nghiệm cho các nơi. Cuối cùng giám đốc lại duyệt cho anh Hợi. Đi họp như thế chẳng khác gì đi du lịch chứ cần học hỏi kinh nghiệm làm gì.

    Ông Giám đốc khoát tay:

    -Thôi, thôi, đừng bàn nữa. Các cuộc hội thảo tổ chức ở miền núi là ý cho các tỉnh phía Nam có cớ biết đèo Mã Pí Lèng, đồi chè Mộc Châu, ruộng bậc thang Tà Xùa… Ngược lại hội thảo tổ chức miền Nam nhằm giới thiệu cảnh đẹp, đặc sản miền Nam cho các đại biểu phía bắc thưởng thức. Để anh Hợi có dịp đi chơi dối già miễn phí cho vui. Chứ mai mốt về hưu muốn đi chơi lại phải mua tour tốn tiền!

    Công việc thì chỉ cần đọc tài liệu rồi hỏi thêm kinh nghiệm mấy tỉnh lân cận là xong thôi. Chẳng có gì quan trọng. Anh Hợi chỉ còn dịp này thôi, nhân viên trong sở thì còn nhiều dịp khác. Sang năm có mấy chuyến đi Ấn Độ, Nhật Bản các trưởng và phó phòng chia nhau chia nhau. Còn đi mấy tỉnh gần gần nhàm chán thì phân cho đám thanh niên mới vào sở.

    Vét tới vét lui, vét đi vẫn còn vét lại.

    Bà Kế toán trưởng nói nhỏ với ông Công đoàn:

    -Mặc dù ông Hợi nghỉ hưu từ tháng Mười nhưng trên giấy tờ, Giám đốc nói tôi vẫn làm bảng lương cho ông phó lãnh lương đến hết tháng Mười Hai. Như vậy nhằm ông phó lãnh thêm phần chia từ “quỹ khen thưởng” của quý 4 trong năm, chia quỹ cuối năm và cả phần tiền tết Tây.

    Tết Ta vào tháng Một của năm mới nên không chia chác gì được. Nhưng chắc chắn cũng phải có ít quà tết để tỏ tấm lòng thơm thảo.

    Thế nhưng rất lạ ở chỗ ăn uống quà cáp chia tay một cách huy hoàng bịn rịn. Nhưng khi món quà cuối cùng kết thúc là lúc không ai còn muốn nhìn mặt ông nữa. Ở nhà cũng buồn không biết làm gì. Đôi khi ông muốn vào sở gặp mặt anh em lai rai cà phê, cà pháo, ăn trưa như xưa thì người ta có ý tránh mặt, tránh cả một câu chào xã giao. Các câu chuyện bỗng nhiên gượng gạo nhạt phèo hết biết nói gì. Cũng chẳng thấy ai cần hỏi han kinh nghiệm của ông.

    Sếp về hưu là vậy.

    Sài gòn Cô nương


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Đi chữa bệnh ở Việt Nam





    Có bệnh đương nhiên đi chữa bệnh. Có rất nhiều cách điều trị. Chữa bằng thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây là những phương cách chính thức không kể đến chích lể, tàn hương, nước thải, bùa phép…

    Hiện nay thuốc Bắc và thuốc Nam không thông dụng lắm. Thuốc Bắc đi lậu qua biên giới, gần đây mang tai tiếng nhiều do báo chí phanh phui đa số đã bị chiết xuất hết hoặc hầu hết hoạt chất, khi vào đến lãnh thổ VN thực chất chỉ còn là rác. Thuốc Bắc rất đắt lại đòi hỏi theo lâu dài nên người bình thường khó kham nổi; thuốc Nam chỉ trồng một phần, còn thì hái cây cỏ mọc sẵn nên nguyên liệu không ổn định và cũng chưa được nghiên cứu, hệ thống đến nơi đến chốn. Cả hai loại thuốc này nấu sắc rất mất công và chưa đáp ứng được vô số căn bệnh khoa học tìm ra. Vì thế đi chữa bệnh thường bao giờ người ta cũng theo Tây y.

    Những bệnh thông thường có thể tự chữa trị bằng cách xem quảng cáo trên báo và TV, loại thuốc nào mô tả giống như triệu chứng của mình thì ra tiệm thuốc tây mua về uống hết bệnh ngay, thật đơn giản và nhanh chóng. Còn như không thông thạo thuốc men thì sai thằng bé ra tiệm tạp hóa của bà Sáu cứ hỏi thuốc ho kèm sổ mũi mua hai viên đầu đỏ đầu đen hay đầu xanh đầu vàng gì đó quên mất; nói bán viên thuốc nhức đầu có hình cái búa tạ là bà biết ngay, đưa đúng thuốc uống xong hết nhức đầu liền.

    Nếu bà Sáu không đủ tin tưởng thì ta chữa bệnh tại nhà thuốc tây. Mỗi tiệm thuốc đều buộc dược sĩ đứng tên. Nếu đó là tiệm nhà thì chính dược sĩ đứng bán thuốc nhưng thường thì các nhà thuốc chỉ thuê bằng cấp của một dược sĩ nào đó, hoặc chủ nhà là dược tá học một khóa sáu tháng đứng ra kê toa, bán thuốc luôn. Việc này chẳng chút gì khó khăn, nghề dạy nghề dễ thôi, vài tháng là chữa bệnh trơn tru. Sau khi bình thản nghe bệnh nhân khai, bất kỳ bệnh gì trên cõi đời này, cô bán thuốc đều chữa tuốt luốt. Câu đầu tiên cô hỏi: Uống mấy ngày? Ý là túi tiền bệnh nhân chịu được mấy ngày; câu hỏi thứ hai: Thuốc nội hay ngoại? Chẳng biết thực chất ra sao mù tịt nhưng chữ “ngoại” bao giờ nghe cũng có phần… kêu hơn “nội”! Nội nghe xem chừng… kém cỏi gì đâu. Nếu có tiền thì tốt hơn hết nên xài đồ ngoại cho mau hết bệnh!!!

    Loại người đi khai bệnh tại nhà thuốc tây dĩ nhiên chỉ lấy một ngày thuốc, cùng lắm là hai. Cô bán thuốc rất cẩn thận chia sẵn cho bệnh nhân mấy bịch nylon nhỏ đựng lẫn lộn đủ viên trắng, viên cam, viên dẹp, viên tròn, viên dài, viên ngắn, viên rời, viên vỉ… Cứ ba bịch uống ba lần một ngày, hai bịch uống hai lần, cầm nguyên bịch dốc vào miệng là xong. Nếu hết bệnh thì tốt, không hết thì mai quay lại để cô điều chỉnh thay đổi thuốc hoặc tiện trên đường đi làm ghé vào tiệm thuốc nào cũng được khai bệnh tiếp. Việc chữa bệnh như thế không mất thời giờ, vô cùng thuận tiện. Thậm chí chỉ cần nói má con đau bụng bán dùm viên thuốc giống kỳ rồi là bà Sáu và cô dược tá đáp ứng ngay không thắc mắc dù cho “kỳ rồi” đó cách đến hàng tuần, hàng tháng.

    Đúng “đường lối chính sách” hơn là đi theo bảo hiểm y tế. Gần thì ra y tế phường, có bác sĩ khám đàng hoàng. Bác sĩ cấp phường đều thuộc thành phần bất mãn kinh niên. Trong lúc bạn đồng môn lẫm liệt ở các bệnh viện danh giá cấp trung ương, cấp thành phố, cấp chuyên khoa như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Chấn thương chỉnh hình, Tai mũi họng… hay các bệnh viện tư Vạn Hạnh, Hoàn Mỹ, An Sinh… thì anh chúi mũi vào trạm y tế phường hiu quạnh hay trạm y tế xã heo hút cạnh đám ruộng, chuồng bò… nhằm trú chân tránh việc thuyên chuyển đi xa. Vả người có những căn bệnh hay ho nằm ở tim gan phèo phổi đều đi bác sĩ hay bệnh viện chuyên khoa. Chỉ toàn cảm mạo, ho gió, sổ mũi… mới chịu ra phường. Một phần cũng sợ trách nhiệm nên sau hai, ba kỳ cho toa không hết sổ mũi, ho gió, cảm mạo… thì bác sĩ đẩy ngay lên bệnh viện trên cho nhẹ chuyện.

    Bà Thị không biết mình bị mắc bệnh tiểu đường biến chứng mờ mắt, ra y tế phường kể lể lúc nào tôi cũng thấy có con ruồi bay qua. Thế là bác sĩ định bệnh ngay vào sổ khám bệnh là “ruồi bay”, cho thuốc bổ mắt để sau đó nếu bà chán phường thì lên bệnh viện theo tuyến bảo hiểm y tế, nếu tiền rủng rỉnh thì đi phòng mạch tư. Riết rồi bác sĩ áo bỏ ngoài quần, lê dép lẹp xẹp với bộ mặt thường trực cau có, không biết từ lúc nào trở thành lang vườn, lang phường, nghề dần lụt đi mau chóng, hoàn toàn không có khả năng phát hiện bệnh là điều cần thiết của một bác sĩ cơ sở. Ngoài kê toa thuốc cảm thì còn mỗi việc họp hành, lâu lâu có đợt chích ngừa trẻ em cũng được một buổi rộn ràng, vui vẻ.

    Có tiền đi bác sĩ tư khá tiện, không phải chờ đợi, xếp hàng, đăng ký này nọ mất thời gian. Đi bác sĩ tư giống cô dược tá ở chỗ lại nhận bịch thuốc không nhãn hiệu về uống ngày mấy bận; hơn cô dược tá ở chỗ ông có văn bằng chứng nhận bảy năm đại học đàng hoàng; khác cô ở chỗ ông đủ thẩm quyền gửi bệnh nhân đến các cơ sở xét nghiệm quen có chia hoa hồng để xét nghiệm đủ thứ, sau đó bệnh nhân nhận kết quả trao lại cho bác sĩ mà chẳng hiểu tờ giấy nói gì trong đó, tùy nghi bác sĩ giải thích trăng sao; thua cô dược tá ở chỗ cô bán thuốc đắt rẻ theo đúng giá thị trường, còn bác sĩ bán thuốc có thể đắt hơn hàng chục, hàng trăm lần, thậm chí nhiều trường hợp còn bị nghi ngờ cho thuốc ầu ơ để “nuôi bệnh”. Không có toa thuốc, ngay cả có trường hợp thuốc bị xé vỉ xóa dấu nên bệnh nhân mù tịt, cũng không biết mình đau bệnh gì mà lần. Rất hiếm bác sĩ chỉ lấy công khám mà không bán thuốc kèm. Tình trạng này bắt nguồn từ những ngày tháng khó khăn sau 75. Thuốc tây hiếm hoi, phần lớn nguồn thuốc do những người có thân nhân từ ngoại quốc gửi về. Bác sĩ dù cho toa, ra nhà thuốc cũng không có nên sau khi khám bệnh, bác sĩ bán luôn thuốc có nguồn gốc gom từ chợ trời về. Từ đó thành thông lệ, hễ khám bệnh thì đương nhiên bán thuốc, lợi cả đôi đàng, bác sĩ lấy công khám lẫn lãi thuốc, bệnh nhân có thuốc uống ngay, khỏi cần đi lùng kiếm. Cách kiếm ăn dễ dàng bất ngờ khiến một số bác sĩ đưa việc cung cấp thuốc thành công nghệ. Một y tá giúp việc, thường là bà vợ ngồi kế với ngăn kéo gồm các lọ thuốc chính chung chung hay đơn giản hơn là đóng bịch sẵn. Chị này đau bụng cầm bịch thuốc hai trăm ngàn đồng, ông kia lỏng gối hai trăm rưởi, bé nóng đầu nhận bịch một trăm thôi… Khi đau ốm bệnh hoạn, đứng trước bác sĩ là đứng trước ông thần nắm giữ sức khỏe, sinh mạng, ai nấy kính cẩn bác sĩ nói sao cũng dạ dạ, đâu dám có dám ý kiến, ý cò sợ bác sĩ phật lòng…

    Chẳng khác gì cô dược tá ngoài tiệm, bác sĩ cũng chỉ dặn miệng bởi toa thuốc giấy trắng mực đen làm sao ghi được những câu đại loại: mười hai viên đỏ uống ngày ba lần sau bữa ăn, bịch này chín viên tròn hòa tan trong nước âm ấm, ba viên hạt dưa buổi tối trước giờ đi ngủ nhớ đừng “xơi” sớm quá. Rõ chưa, cứ lẩm nhẩm như thế từ phòng mạch về đến nhà cách nào cũng thuộc. Có người tức mình quá từng mang bịch thuốc trần trụi đi khảo giá mới hay bịch hai trăm ngàn chỉ đáng giá chín chục, bịch hét ba trăm ngàn gồm những viên thuốc nội giá chỉ trăm sáu… Thế là mò đến bác sĩ kèo nèo ì xèo gây phiền phức quá thể. “Bác” cũng bực mình không kém. Cuối cùng bác bỏ bao bì, xé vỉ thuốc, tháo vỏ con nhộng… Trộn thuốc bột, giã nhuyễn thuốc viên, chế thêm ít nước lọc… bào chế thủ công thành thứ hỗn hợp – giống như phù thủy Gà mên trong thế giới Xì trum làm… thuốc tễ – được gọi là “thần dược của bác sĩ XYZ”. Chỉ uống thuốc của bác sĩ XYZ mới mập tròn, trắng da, mát thịt. Rồi trong đó có chất gì không biết mà bệnh nhân đâm mê bác sĩ, cứ nhất định phải đi khám, uống thuốc của chính ổng mới khỏe ra…

    Đó không hề là chuyện hài hước vì mấy hôm nay, báo chí đăng tải tin về hai vợ chồng bác sĩ nhi khoa bán thuốc chuyên trị trẻ em biếng ăn, còi cọc. Dùng đều đặn loại thuốc này thì con nít tròn trịa, ú na ú nần, nhưng hễ nghỉ thuốc là ốm o, da trở nên xạm đen. Phụ huynh cứ phải cầu cạnh vị bác sĩ đó cho con mình được mũm mĩm như búp bê. Phân chất thuốc chẳng qua chỉ gồm kháng sinh có tác dụng phụ giữ nước và muối nên cơ thể bé bị phù thôi. Trong lúc phòng mạch và tủ thuốc của hai vợ chồng bác sĩ bị nhà nước khám xét, thì bên ngoài vẫn túc trực hơn bốn mươi người bế con cháu đứng ngồi ngổn ngang chực chờ mua bằng được loại thần dược rỉ tai nổi tiếng, để lũ trẻ có thể mập mạp mà không cần ăn cơm, uống sữa. Nghe tin phòng mạch bị hỏi thăm, sợ bị đóng cửa, một bà ngoại khóc ròng vì sợ con cháu thiếu thuốc không chịu ăn, xuống cân liền. Bà thấp thỏm mua trữ mấy bịch thuốc để dành có người sắp đi gửi qua “bển”!

    Thôi thì người giàu đi bệnh viện tư, nơi đó đúng theo câu khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế” đón tiếp niềm nở, đon đả, tiện nghi đầy đủ. Các bệnh viện tư mở nhiều loại xét nghiệm. Thời buổi tối tân, hễ vào bệnh viện thì thủ tục đầu tiên là xét nghiệm đủ thứ. Chán bệnh viện này qua nơi khác, bao nhiêu xét nghiệm làm lại từ đầu vì rất kỳ cục là kết quả của các bệnh viện thường không giống nhau. Dù gần kế nhưng mỗi bệnh viện đều đua nhau mua sắm máy móc riêng và bắt bệnh nhân xét nghiệm lu bù để chóng thu hồi vốn, kiếm lãi to.

    Hầu hết dân chúng vẫn phải đi bệnh viện công. Tội nghiệp các bệnh viện công xây cất từ đời xửa đời xưa vẫn bấy nhiêu đó, vừa xuống cấp, vừa còng lưng quá tải gánh số lượng dân thành phố cứ tăng cao đều đều. Tuy nhiên bệnh viện công không phải là bệnh viện miễn phí như trước kia. Nếu là công nhân viên chức thì đương nhiên buộc đóng bảo hiểm y tế (BHYT), tư chức cũng thế nhưng đôi khi bị ăn quỵt. Hàng tháng dù đã bị trừ lương đóng đủ bảo hiểm không thiếu một xu, nhưng đến khi hữu sự, đau ốm, sinh đẻ… nhiều người mới tá hỏa là công ty gom tiền đóng bảo hiểm của nhân viên mang gửi vào… ngân hàng kiếm lãi!!

    Muốn có thẻ bảo hiểm y tế cũng trần ai. Trước đây, chỉ ai có đi làm cho cơ quan, xí nghiệp mới được đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. VN gần đây bắt nhịp được nền xã hội tiên tiến nên bắt đầu mở rộng lãnh vực này bằng cách cho dân chúng – tức những người không đi làm hay hành nghề tự do – bắt đầu từ nông dân rồi dần tiến đến dân thành thị được mua gọi là “bảo hiểm y tế tự nguyện”. Một hai năm đầu, thể thức mua loại bảo hiểm này không được phổ biến rộng rãi và người dân cũng mơ hồ về nó nhưng rồi dần dần thức ăn, không khí, vệ sinh môi trường ngày càng ô nhiễm, bệnh tật gia tăng nhất là ung thư… Dân chúng hiểu ra lợi ích nên ùn ùn kéo nhau đi mua bảo hiểm y tế. Chỉ có điều toàn già cả, đau ốm chứ người trẻ trung, khỏe mạnh nhất định không đóng một xu. Thế là quỹ BHYT đang tồn hai ngàn tỉ đồng, chỉ sau một, hai năm âm mấy ngàn tỷ, trong đó phải kể tới nhiều người thông đồng tuồn thuốc bảo hiểm y tế ra ngoài bán hàng chục triệu đồng. Nhà nước hoảng hốt vội vàng ban hành chính sách mới xiết chặt lại. Quy định là chỉ bán thẻ bảo hiểm y tế cho toàm bộ người trong một hộ gia đình chứ không bán lẻ.

    Trong những đại gia đình nghèo, người khỏe mạnh cả năm không tốn một đồng tiền thuốc thì tội vạ gì bỏ mấy trăm ngàn ra mua bảo hiểm. Vậy là những người già yếu, bệnh tật chung trong hộ dài cổ ra chịu đựng. Bệnh nặng quá thì ráng lết ra các phòng khám từ thiện uống thuốc Nam hoặc được cấp vài viên thuốc… giảm đau!!!

    Tới đó là chấm dứt câu chuyện đi chữa bệnh!

    Sài Gòn Cô Nương


    Nguồn:http://vietluan.cọm.au


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Tám giờ vàng ngọc





    Ngày xưa đi làm văn phòng, người ta hay dùng câu cửa miệng “sáng xách ô đi, tối vác ô về” ám chỉ công việc đều đặn một cách nhàm chán. Sau Bảy lăm, thời gian làm việc đó được nâng cao ý nghĩa lên thành giờ “lao động vinh quang”, giờ “phục vụ nhân dân lao động”… Cho nên tám giờ làm việc đó không còn tầm thường nữa mà được gọi là giờ vàng hành chánh hay tám giờ vàng ngọc; đồng thời cũng khá vui vẻ, bận rộn, chẳng nhàm chán tí nào.

    Giờ hành chánh nói chung thường là giờ làm việc tại cơ quan, văn phòng của nhà nước. Và chỉ ở nhà nước mới được tôn xưng thành giờ vàng, giờ ngọc hay giờ bạch kim, giờ kim cương, san hô, trân châu, mã não… chứ tư nhân lúc nào cũng cặm cụi, túi bụi một cách… vô lý thì quá đỗi kém cỏi. Giờ làm việc của tư nhân chỉ xứng đáng được gọi là giờ sắt, chì, đồng, nhôm, kẽm… thôi.

    Giờ hành chánh theo qui định từ bảy giờ rưỡi sáng đến mười một giờ rưỡi trưa. Buổi chiều từ một đến năm giờ. Sáng đủ bốn tiếng, chiều gọn bốn tiếng. Trên nguyên tắc cộng lại chẵn chòi tám tiếng không thừa không thiếu.

    Tuy nhiên giờ vàng ngọc này thường chỉ áp dụng ở nhân viên cấp thấp như thư ký, gác cổng, tài xế, lao công…, kể cả thành phần được xếp vào một vị trí cao quý là giáo viên! Những người này buộc phải tôn trọng giờ hành chánh được dát vàng, bạc, ngọc trai… bằng cách luôn luôn đi làm đúng giờ hay sớm hơn. Thường có bảo vệ canh chừng ở cổng để ghi lại thời điểm bàn chân của họ bước qua cổng trễ bốn phút mười lăm giây hay hai phút ba mươi giây… chính xác như đồng hồ theo dõi kỷ lục bơi lội. Số lần vi phạm sẽ được đưa vào các loại kỷ luật khác nhau như kiểm điểm, cảnh cáo… và tùy theo đó để trừ điểm. Điều này đồng nghĩa tiền thưởng sẽ bị cắt giảm vào những đợt xét duyệt thi đua cuối kỳ. Trăm ngàn thứ chi tiêu trong gia đình trông chờ vào số tiền ít ỏi lãnh được, mất đồng nào héo hon chừng ấy. Do quy ra “hiện kim” như vậy nên chi đám “bình dân” này sợ xanh mặt. Giờ vàng ngọc thật đúng nghĩa giờ vàng ngọc không dám suy xuyển một li.

    Dẫu sao cũng có nhiều cách đối phó với việc kiểm soát nghiêm ngặt này bởi vì chỉ cần bước qua cổng cơ quan đúng giờ xong là ngay sau đó trở về tình trạng tự do như gió như mây. Nấn ná dưới sân, chần chừ ngoài hành lang… hòng kéo dài thời gian ngoài cửa phòng đến mức tối đa. Giáo viên sau khi quẳng bài cho học sinh chép đã mang cuốn sổ chi tiêu gia đình ra tính toán, vài người túm tụm ở ngả ba các dãy lớp để trao đổi tin sốt dẻo. Nếu tin giật gân thì mau chóng tỏa ra các phòng kế bên để tiếp tục chuyền “thiên linh chuỗi”!

    Nói gì thì nói nhớ canh chừng hai đầu cầu thang và liếc xuống sân, nhác thấy sếp vừa ra khỏi văn phòng có vẻ sắp dạo mát một vòng, ai nấy lui về phòng nghiêm trang tỏ vẻ loay hoay bận rộn điều gì đó. Chẳng may trong lúc say mê trò chuyện ban giám hiệu tới bên lúc nào không biết. Chẳng sao, giáo viên đang sôi nổi bàn cãi về bài giảng đó mà.

    Đó là cắc ké kỳ nhông và giáo viên trong trường học mới phải nhìn trước ngó sau như vậy. Nhân viên cấp cán sự, chuyên viên ở công sở thì tự do hơn rất nhiều. Ở nhà trang điểm dung nhan, sửa soạn cho con cái chán chê, đưa chúng đến trường rồi mới tà tà chạy xe đến sở.

    Vì thế, đến gần tám giờ sáng cơ quan mới hiện diện đầy đủ nhân sự. Sau khi đặt chiếc cặp hay túi xách lên mặt bàn để chứng tỏ chủ nhân của chúng đã có mặt, giống như thời tem phiếu, đặt cục gạch xếp hàng, nam giới cầm tờ báo ra quán cóc, một cách vô cùng lịch sự là chọn chiếc quán cách xa văn phòng của mình vài căn cho khuất mặt khuất mày một chút. Ở đó bao giờ cũng ngồi đồng sẵn vài đồng nghiệp cùng cơ quan hay hàng xóm.

    Uống cà phê chứ đâu phải nước chanh, nước ngọt, nước mía… Cà phê không phải thức uống giải khát nhằm hạ cơn khát, đó là loại câu dầm, nhìn từng giọt cà phê rơi để ngẫm nghĩ sự đời, lãng quên thời gian… Cho nên công việc cà phê cà pháo, đọc báo đọc chí, điểm tin quốc nội quốc ngoại, trong nhà ngoài phố, tin văn nghệ, thể thao, cùng chuyện ông A, bà B, anh E, chị G… kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ mới tạm xong. Ai bảo phụ nữ toàn “bà Tám” chứ thật ra đàn ông ngồi quán cà phê buổi sáng “nhiều chuyện” không kém chút nào. Xong công tác thu và phát bản tin đầu ngày tạm đủ, mọi người mới lục tục đứng dậy lững thững về sở.

    Phụ nữ dĩ nhiên không hơn thì thôi, làm sao thua kém nam giới trong chuyện la cà này được. Vì thế quý bà thả bộ đến quán bún bò, bún riêu, bánh cuốn… đầu đường làm mỗi người một tô. Phần vì chưa đủ “đô” buổi sáng, phần hãy còn… sớm nên cả đám rủ nhau xề qua hàng chè xơi tiếp chè đậu, chè bắp, chè thưng… hay tàu hũ, sữa đậu nành… vì mấy thứ này rất tốt cho sức khỏe! Đến tám giờ rưỡi, cười nói ríu rít đầy thỏa mãn, chị em thong dong nắm tay nhau dạo bước về phòng.

    Ai nấy thong thả chễm chệ yên vị trên chiếc ghế của mình và bắt đầu lai rai làm việc. Chỉ lai rai thôi vì nhân thể thỉnh thoảng tạt ngang qua NET coi tin mới hôm nay thế nào. Việc cứu trợ bão tới đâu không biết. Tùy theo tuổi tác, ai nấy cắm cúi vào các trang web xem đời tư thần tượng phim ảnh sân khấu, ca sĩ hôm nay cặp này li dị và cặp khác làm đám cưới thế kỷ; gửi thư tham dự mấy cuộc thi đố vui có giải thưởng kẻo dịp may hiếm có trúng được giải độc đắc chiếc xe tay ga hay một chuyến du lịch xa thì thật tuyệt. Chị em phụ nữ mê đắm vào tiết mục mua hàng online và săn hàng khuyến mãi. Mọi người náo nức truyền miệng shop online này ban hàng độc, shop kia chuyên hàng xách tay. Cừa hàng nọ đang giảm giá 10% tới giờ nghỉ trưa rủ nhau đi càn quét kẻo lỡ dịp thì tiếc lắm.

    Bận rộn như thế nên mười một giờ đến lúc nào không hay. Việc công nhất tề được dẹp để chuyển sang chuyện tư. Thiên hạ tấp nập sửa soạn ăn trưa, kẻ xách gà-mên ra hâm lại cơm nóng, canh sốt; người xuống cantine ăn cơm, nhân thể nhâm nhi ly bia lạnh với đĩa mồi vì trời quá nóng; kẻ rút ổ bánh mì vừa gặm vừa chơi game hay cơm trưa đặt qua mạng được shipper giao đến tận nơi, nhiều người cùng đặt món một chỗ thì chia nhau tiền ship rẻ.

    Mười một giờ rưỡi chuông reng báo hiệu nửa ngày làm việc đã chấm dứt cùng lúc bữa trưa hoàn tất nhanh chóng. Một tiếng rưỡi nghỉ trưa là giờ tự do. Một người ngồi gần cánh cửa sau khi đóng xập cửa đã cẩn thận gài chốt, bấm khóa lại hẳn hoi đề phòng có ai bất thần đột nhập. Trái với không khí uể oải, lặng lẽ trôi qua suốt buổi sáng, một tiếng rưỡi nghỉ trưa thật rộn rịp. Chỉ có một mạng lôi mấy chiếc ghế xếp lại để ngủ vì tối qua thức quá khuya cày phim bộ Hàn quốc, chị Mai trải cái mền trữ trong tủ ra để ủi quần áo. Chị Lan xách nồi áp suất hầm cháo dinh dưỡng cho thằng con trai. Trong lúc đợi nồi cháo nhừ, chị mang chai dầu gội đầu vào phòng tắm chứ nuớc máy ở nhà hồi này nổi váng, đóng cặn hư hết mái tóc mới dưỡng, hấp bạc triệu. Anh Tre vội vã vào bàn cùng lúc mở một lô cửa sổ chat với nguoitinhbebong.aol và emlacanhchimcodon.hotmail… Lâu lâu bật cười hắc hắc khiến thiên hạ phải bỏ dở việc riêng ghé mắt nhìn vào, tiện tay chat giỡn với mấy nàng một hồi cho cả phòng mua vui…

    Một giờ bắt đầu cho thời gian làm việc buổi chiều. Thật đúng cảnh chợ chiều đìu hiu, tẻ ngắt vì sau buổi trưa tích cực hoạt động không nghỉ ngơi, giờ ngồi trước công việc bắt buộc, ai nấy ngáp lên ngáp xuống. Bà trưởng phòng “quyền cao chức trọng” đứng lên đầu tiên bệ vệ bước ra khỏi phòng không thèm nhìn quanh. Mọi người cũng chẳng buồn ngước lên vì biết rõ cứ chiều ngày chẵn bà đi massage cho tan bớt mỡ sa mỡ phần lên đầm cho đỡ phì nhiêu. Chừng mười phút sau thò đầu qua cửa sổ nhìn xuống đường thấy bà đã khuất bóng đằng xa, chị Cúc trịnh trọng thông báo tin quan trọng là ngoài siêu thị có hàng giảm giá và khuyến mãi. Mặc dù siêu thị ngày nào cũng khuyến mãi, không phải súp lơ cũng mì gói, không dép cũng quần short. Thế nhưng ai cũng reo lên sao không nói sớm, mọi người nhao nhao xếp sổ sách giấy má lại, tức tốc kéo ngay đi. Một người ở lại trực phòng có khách đến tìm cứ nói mọi người bận công tác cả. Cứ hai tay không tà tà ra khỏi cổng, chút nữa tay xách nách mang túi to, túi nhỏ hí hửng về, tạt qua mấy phòng hàng xóm khoe hàng mua rẻ cho thiên hạ í ới rủ nhau lũ lượt tuôn đi tiếp. Đặng có gì “tội lỗi” chia đều!

    Nhờ có chuyện đi tới đi lui như vậy mà giờ làm việc buổi chiều trôi qua thật hào hứng, mọi người lôi mớ hàng vừa mua ra ngắm nghía, so sánh, phát giác hàng cận date. Lại rỉ rả vừa làm việc vừa ăn cóc, ổi, mận, dứa… , hết đống quà vặt, chấm muối ớt mút tay cũng… ngon; vừa moi chuyện đời tư thiên hạ, mách nhau chỗ xâm lông mày đẹp như thật, tiếp tục trò chơi game bỏ dở hồi nãy.

    Bốn giờ rưỡi chiều, chị Trúc về sớm đón con ở nhà trẻ, bà phó phòng và anh kế toán bụng bia rủ nhau ra công viên trước sở đi bộ mười vòng tập thể dục cho giảm “mỡ trong máu”. Bốn giờ bốn mươi lăm, mọi người thu dọn đồ đạc tắt đèn đóng cửa dông lẹ còn đi chợ mua thức ăn buổi chiều, ghé bà ngoại đón con… Bà trưởng phòng rên rỉ mỗi người mang hồ sơ về nhà tối làm thêm một chút mới kịp “tiến độ thi công”. Ồ, đâu có được, công tư rạch ròi, ngoài tám giờ hành chánh là việc tư. Còn trong vòng tám tiếng vàng ngọc đó dành cho việc công. Tư nhảy vào công một chút nhưng công không tràn ra tư được đâu. Thôi cứ vậy đi, lẫn lộn là không có được đâu nghen.


    Sài Gòn Cô Nương



    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”