Sài Gòn Cô Nương

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Đi ăn cưới ở Việt Nam




    Thông thường sang tháng 11 tây- hết mùa mưa- là bắt đầu mùa cưới kéo dài đến Tết ta là cao điểm. Sau Tết ta vẫn cưới nhưng thưa hơn cho đến cuối tháng Tư hết mùa khô. Sáu tháng mùa mưa rất ít đám cưới. Chiều tối mưa ào ào một trận dù chưa ngập lụt cũng chẳng ai đi dự tiệc, chủ nhân có mà khóc ròng.

    Vào mùa, đám cưới nhất tề cử hành khắp nơi rộn ràng quá thể. Thiệp đám cưới gửi đi như bươm bướm làm người nhận rầu rĩ. Dân trung lưu trở lên khỏi bàn nhưng từ công tư chức trung bình trở xuống mà nhận được hai ba thiệp mời một tháng quả thật vui người mà héo mình. Tiền chợ cũng như mọi chi tiêu tháng đó cắt giảm liền lập tức nhường chỗ cho việc ăn cưới.

    Có khi một ngày trùng hai đám cưới. Đám con của sếp đương nhiên có mặt, đám bạn chí cốt từ thủa trung học lẽ nào vắng nên chi đành chạy sô, đầu giờ đi đám này, lượn qua lượn lại cho gia chủ thấy mặt, ký tên rồi chạy qua đám sau. Nhất là vào những hôm tốt ngày, một buổi sáng ra ngoài đường đụng năm sáu xe rước dâu là thường. Vào công viên hoặc trung tâm thành phố gặp ngay vài đám cưới đụng nhau ầm ầm. Một góc tường gạch rêu phong, gốc cây cổ thụ, vạt cỏ, đàn chim, nhịp cầu… lọt vào ống kính phó nháy đẹp như phim nên các cặp tha hồ đứng chờ đợi phiên nhảy vào chụp hình.

    Thiệp mời tiệc rất đẹp vì mẫu mã ngày càng phong phú, mặt sau là sơ đồ nhà hàng để hướng dẫn khách khỏi đi tìm đường, thậm chí còn ghi chú thêm một câu rất “vừa lòng khách đến, hài lòng khách đi” là Gửi xe miễn phí!

    Nhận được tấp thiệp, khách được mời tính toán lẹ làng nhanh như máy tính. Thân hay sơ, đi dự hay không, nhà hàng sang hay thường, ăn tiệm hay ăn nhà… Số tiền bỏ vào phong bì mừng bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào những điều kiện đó. Trước đây vài năm, giá mừng cho tiệc ngoài nhà hàng là hai, ba trăm ngàn đồng, nếu mời ăn tại nhà chỉ một, hai trăm thôi. Dần dần vật giá leo thang. Nay thì một bàn tiệc xoàng ở nhà hàng đã tăng lên khoảng bốn triệu chưa kể bia, nước ngọt… tính ngoài. Tiền mừng cũng phải tăng lên năm trăm ngàn một ngườiNếu không dự thì bỏ phong bì hai tram. Nhà hàng sang nhảy lên bạc triệu. Đa số vẫn theo giá căn bản vì nếu phải mừng tùy mức độ nhà hàng như Continental, Windsor… thì chắc hầu hết ở nhà “cáo bệnh” luôn chứ làm sao đi nổi. Cho nên đám cưới thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu này ít… lời!

    Do vật giá gia tăng, đáng lẽ giá mừng đám cưới đã phải tăng từ lâu nhưng vì thu nhập mỗi người không tăng và giá mừng chẵn chứ không thể lẻ. Vì thế tiền mừng đành dậm chân tại chỗ đợi thời cơ mới nhảy vọt lên một lần. Chủ nhân khi mời cũng nhắm chừng loại khách nào túi lép nên bớt bớt, hướng mũi dùi tới đám khách có “khả năng” thì tiện cho cả đôi bên hơn…!

    Do tiền mừng trở thành “vấn đề” như vậy nên ảnh hưởng mạnh mẽ đến số người đi dự. Một cặp đi tiệc hiện nay phải chi tối thiểu năm trăm ngàn mỗi người nên thói quen từ xưa hai vợ chồng khoác tay nhau đi đám cưới không còn nữa. Hiện nay đi ăn đám cưới, chỉ một người đại diện chứ hai vợ chồng toi cả triệu còn gì. Họ nhẩm tính lại túi tiền, chỉ định một người đi, hoặc vợ hoặc chồng tùy thuộc vào đám cưới thân với bên nào hơn với câu thoái thác quen thuộc: Bà xã hoặc ông xã tôi hôm nay bận mắc đi đám khác. Việc này đã thành thông lệ ngầm nên chi chính chủ tiệc tuy bao giờ cũng lịch sự ghi thiệp mời ông bà nhưng dư biết bao giờ cũng chỉ một người: một ông hay một bà dự mà thôi.

    Phân công hai người đi hai nơi hay một người dự hai nơi. 17 giờ có mặt tại nhà hàng trong quận Năm, giơ cao chiếc phong bì bỏ vào thùng, vui vẻ chụp với cô dâu chú rể một tấm rồi loay hoay biến. Chạy gấp sang nhà hàng quận Tân Bình trễ mất hai món đầu vẫn tính là kịp. Cuối năm nhà hàng nào cũng chật cứng. Do đó phải nhìn kỹ tên cô dâu chú rể trong tấm thiệp với tên cô dâu chú rể dựng trước sảnh cưới. Ngày cưới, cô dâu nào cũng đẹp như nhau, dễ lộn lắm. Đã có chuyện mấy sảnh cưới liền nhau và khách mời đi nhầm vào sảnh này thay vì sảnh bên cạnh. Bỏ tiền mừng vào thùng rồi mới nhận ra đi lộn phòng thì chỉ có nước… cười mếu.

    Tiền mừng, vì bây giờ không ai mừng bộ ly tách hay mùng mền như xưa, mà thực tế mừng tiền để sau đó cô dâu chú rể kịp thời thanh toán chi phí nhà hàng ngay sau bữa tiệc. Trước cổng bao giờ cũng có cuốn sổ hay tấm vóc ký tên lưu niệm bên cạnh là thùng tiền hình giỏ hoa hay trái tim. Bỏ phong bì vào thùng không lưu ý đôi khi cũng gặp phiền chứ chẳng chơi. Nếu chỉ một đàng trai hay đàng gái chi tiền nhà hàng thì chỉ có một thùng nhưng nếu đám cưới chưa góp gạo thổi cơm chung, có nghĩa mạnh bên nào bên đó trả tiền nhà hàng riêng, sẽ hiện diện hai thùng trên bàn, mỗi thùng có đại diện hai bên trông coi, kiểm soát. Một ông khách đàng gái lơ đễnh bỏ phong bì vào thùng quà đàng trai. Vào ngồi bàn hồi lâu, khi biết mình lầm, ông đã phải chạy ra xin lỗi đàng trai cho mở thùng, lấy lại phong bì bỏ lại vào thùng kia. Hơi tức cười trước nhưng “được lòng sau”!

    Có nhiều đám cưới, chủ nhà giao thiệp rộng quá, bàn xếp chật ở bên cánh gà mà khách còn lố nhố ngoài tiền sảnh. Trường hợp này, khách dày dạn kinh nghiệm ăn cưới thường mang trong túi hai phong bì, nếu “lọt” được vào phòng ăn thì bỏ vào thùng Hai quả tim hay Hai con chim bồ câu đúng giá năm trăm ngàn. Xem chừng phải đi về “bụng không” bỏ phong bì hai trăm thôi, tương đương với… ăn cơm nhà!!!

    Mấy tuần nay cuối mùa bão, những cơn mưa rớt bão cuối mùa cộng với triều cường khiến nhiều đám cưới phấp pha phấp phỏng. Ngày tốt đã xem rồi chỉ sợ tiệc ế, mà ế có nghĩa là… lỗ vốn. Lắm đám cưới mời rất đông. Ngoài bạn bè họ hàng của cô dâu chú rể, còn bạn bè của cha mẹ, anh chị em. sáu chục bàn hơn bảy trăm người nhét chật cứng vào một cái sảnh, hai họ không len vào nổi để chụp hình từng bàn.

    Thông thường đi ăn cưới bằng xe gắn máy. Bây giờ kẹt xe, khói bụi mù mịt, mặt mũi tô son trét phấn, đầu tóc uốn chải phết keo mà đội cái mũ bảo hiểm thì hư hết đầu, diện váy dài váy ngắn tới được nhà hàng mặt mũi bơ phờ, mồ hôi mồ kê vì đứng chịu trận hít khói ở vài cái lô cốt. Thôi thì cùng chung hãng xưởng hay cùng xóm, ta ráp nhau kêu taxi grab, chia ra đầu người cũng rẻ chán.

    Hà Nội đa số làm cơ quan chuộng đi ăn đám cưới vào ban ngày. Họ tận dụng thời gian nghỉ trưa để ăn cưới, quay lại sở kịp giấc chiều rồi về nhà. Quần áo đi làm đến thẳng nhà hàng luôn. Dân Saigon trọng bữa tiệc cưới hơn. Thích đi hay không thì đó cũng là dịp làm đẹp và “lên” quần áo. Vì thế ít người Saigon muốn tổ chức tiệc cưới vào buổi trưa và do vậy tiệc trưa giá cũng rẻ hơn tối. Tiệc ban ngày cũng như giữa tuần đều thua thiệt hơn tối cuối tuần. Để tổ chức tiệc cưới vào ngày lý tưởng cuối tuần, thường phải đặt cọc nhà hàng từ nhiều tháng trước, thậm chí từ năm trước qua năm sau.

    Tiệc vào tối thứ Bảy và Chủ nhật là đẹp nhất. Buổi tối thời gian rộng rãi người ta có thể đi giày cao gót, mặc áo dài nhung, áo đầm kim tuyến, bới đầu cao, sơn móng tay… Trong một đám cưới, không những chỉ cô dâu chú rể mà ngay cả những người tham dự cũng mặc đẹp, điều đó làm bữa tiệc cưới trở nên trang trọng nhiều.

    Thật ra đến nhà hàng ngồi vào một chỗ, đâu có ai đi tới đi lui khoe quần áo để thấy y phục của ai đẹp xấu thế nào. Bây giờ đi ăn đám cưới, ngoại trừ những người đứng tuổi hoặc trong buổi lễ: lễ hỏi, lễ gia tiên, rước dâu… các bà các cô mới mặc áo dài, còn đi ăn tiệc cưới đa số mặc đầm gọn hay quần tây với vest chứ ít người diện áo dài buổi tối.

    Ngày xưa thiệp cưới chỉ có câu “Xin hân hạnh được đón tiếp anh, chị… vào lúc 18 giờ ngày…” Nhưng thông lệ của người Việt ta là nếu đi đúng 18 giờ thì sợ mang tiếng “ham ăn” nên 18 giờ mới bắt đầu rời khỏi nhà. Nay thì thiệp cưới ghi rõ: 17 giờ đón khách; 19 giờ nhập tiệc. Vì ghi rõ như thế nên chẳng ai đến đúng 5 giờ chiều cả. Nếu không đến trễ thì không phải là người VN! Vả lại đến đúng 5 giờ sau khi chào hỏi chụp hình với cô dâu chú rể hai phút xong, khách ngồi tò ho mấy tiếng đồng hồ ở chiếc bàn trống lốc không có ai nói chuyện và không thể nói chuyện với ai vì nhạc dạo thường vặn rất lớn, chẳng có cả nước uống vì chủ thường nói nhỏ với bồi không rót nước, nhất là bia trước giờ khai tiệc quá sớm vì … hao dữ lắm! Cho nên chắc ăn hơn cả thì nên đến nhà hàng vào lúc 7 giờ hay… muộn hơn!!

    Khách không ngồi lẫn lộn mà chia rõ rệt từng bàn: họ hàng, chòm xóm, hạn bè, cơ quan… theo tờ giấy ghi để sẵn trên bàn.

    Khách ngồi lâu quá, đưa mắt ngắm thơ thẩn quang cảnh các sảnh đám cưới kiến trúc đẹp mắt với cây cột Hy Lạp đỡ mái cong Á Đông, trên tường treo tranh lập thể hay tĩnh vật… Nói chung tùy ý người thích kiểu Á, Việt, Âu… đều hài lòng cả. Tuy nhiên nếu không phải thuộc quận Năm đặc Hoa thì các nhà hàng thường trang trí theo kiểu Tây để phù hợp với cô dâu thay một buổi ba, bốn bộ soirée cũng như các loại váy nhiều kiểu lộng lẫy của người đi dự. Ngồi hoài ngồi hủy đến bảy rưỡi mới bắt đầu khai mạc. Màn trình diễn thêm nửa tiếng nữa mới thực sự nhập tiệc. Đèn tắt, cô dâu chú rể từ ngoài cổng tiến vào trong bản nhạc The Wedding muôn thuở, người giới thiệu chương trình ba hoa xích đế hai trẻ quen nhau từ lúc tắm mưa, hai bên thông gia từ nay có dâu hiền rể quý, rót rượu giao bôi, múa trống cơm tới màn hai họ lên sân khấu “Cám ơn quan khách không ngại đường xa… Xin bỏ qua những điều thất lễ… Cuối cùng xin mời quý vị… Dzô”.

    Công nghệ đám cưới ngày càng phát triển. Cô dâu chú rể ngồi kiệu, xe song mã hay xe hơi mui trần, rước đuốc, rước hoa hay pháo bông… Đôi uyên ương đứng trong lồng chim từ trên trời rơi xuống hay dưới đất chui lên… Bong bóng nổ lạch tạch thay tiếng pháo nghe vui tai lắm.

    Vừa ăn cỗ vừa nghếch mắt xem văn nghệ, hoàn toàn không thể nói chuyện được vì âm thanh quá lớn. Đủ loại hát dân ca hay hát tân nhạc, nhạc Việt hay nhạc ngoại quốc; áo tứ thân múa đèn, áo đầm múa ballet hay bikini múa sexy, quần thụng nhảy hiphop… đều đủ cả không thiếu tiết mục gì.

    Do karaoke phổ biến nên từ đó đào luyện nên rất nhiều ca sĩ nghiệp dư. Lắm khi không cần đến văn nghệ nhà hàng mà chỉ giọng hát của thực khách đã không đủ thời giờ để trình diễn. Sân khấu kéo đến gần khán giả. Một bà mẹ vợ quá sức vui vì đẩy được cô con gái bướng bỉnh lên xe hoa cũng cầm micro ca một bài xa xưa, trẻ con leo lên bứt bong bóng nhảy nhót trên sân khấu, ông say xỉn ca bài Tình thôi xót xa…

    Tiệc cưới giữa miền Nam và Bắc cũng có sự khác nhau. Hà Nội theo kiểu cổ, cỗ cưới nhiều món hơi giống bữa giỗ, có khi cả cơm tám giò chả và mỗi món nhiều ê hề. Miền Nam ít hơn, và các món thường vừa đủ, không thừa nhiều mà vừa khít. Trừ phi quá sang hay quá bình dân, còn thì thông thường bao giờ cũng năm món: súp hay gỏi, heo quay hay gà quay bánh bao, cá chẻm sốt chua ngọt, bò ra gu bánh mì… Bao giờ cũng kết thúc bằng cơm chiên, lẩu đồng quê gọi thế chắc vì nhiều rau hay lẩu hải sản gồm cá, mực và mấy con nghêu ngao ăn với mì hay bún để thực khách không còn cớ phàn nàn về nhà lục cơm nguội, tráng miệng bánh flan hay sương sa… Chén súp bé hơn chén chè, con gà nhỏ xíu, vài lát nem chua khai vị khiến ai nấy no lưng lửng, không đói và cũng không thừa phí.

    Đang gắp miếng chả giò thì chị ngồi bên phải bỏ nhỏ “Đừng ăn, tôi nghe có mùi tôm tanh, chắc chiên chưa chín”. Vội cầm chai nước tinh khiết lên thì anh bên trái ngăn “Đừng uống, nước nhãn hiệu Cool Water này hôm nọ báo đăng lấy nước từ phông tên rồi đưa thẳng vào chai đó”. Chuyện này nhỏ thôi, đôi khi xảy ra ở ngoại thành nơi tiệc cưới thuê người về nấu từ khuya.

    Bắt đầu ăn món lẩu cuối thì bà, cô nào đi xe gắn máy lo rút sớm lấy xe, giống như đi xem hát ấy mà, chứ một nhà hàng lớn thường có 3- 4 sảnh, mỗi sảnh chừng vài chục bàn tan cùng một lúc lại bị kẹt xe mất.

    Ra được ngoài đường thoáng mát, nhẹ cả người. Sực nhớ tuần sau lại có cái đám cưới nữa…

    Saigon cô nương



    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Cà Phê Vỉa Hè




    Dân thành phố ít ai không từng ngồi quán cà phê vỉa hè. Trên khắp nẻo đường đâu cũng thấy góp mặt các quán cà phê. Vài quán sang trọng với bàn ghế rất đẹp và thức uống đắt tiền nằm trên lề đường rộng rãi của những con đường giữa khu trung tâm thành phố, thuộc về khách sạn hay siêu thị ngay cạnh đó nhưng hầu hết là cà phê bình dân. Trên đại lộ với những tòa nhà cao tầng lộng lẫy hay rợp bóng cây xanh lịch sự vẫn khép nép nhỏ nhoi hàng cà phê vỉa hè sát vì tường, những con đường nhỏ hơn dày đặc quán cà phê ngổn ngang. Buổi sáng chỉ cần ra khỏi nhà dù đi về bất cứ phía nào khu vực vắng vẻ hay đông đúc, yên tĩnh hay ồn ào đều thấy hàng cà phê vỉa hè hiện diện, quán to hay nhỏ, quán đông hay vắng, quen hay lạ, xa hay gần… Trên một con đường nếu sầm uất sẽ có nhiều quán cà phê san sát nhau cùng lúc tồn tại bởi vì dù có vẻ tương tự, cũng cùng loại bàn ghế gỗ hay nhựa màu sắc giống nhau, thức uống giống nhau, khung cảnh như nhau, thế nhưng mỗi quán đều mang một sắc thái, tình cảm riêng biệt khác nhau và vì thế sẽ có những người khách riêng biệt của mình.

    Dân thành phố ít uống cà phê tại nhà mà thường ra quán. Cà phê ngon hơn, bưng dọn chu đáo hơn nhưng không khí trong nhà gò bó và nhàm chán quá. Chỗ ngồi trong gian quán mở cửa hay kín cửa máy lạnh, mặc dù gần đây khá phát triển nhưng thường dành cho giới doanh nhân văn phòng, quần áo nghiêm chỉnh giầy tây, cà vạt. Những chỗ đó đến ngồi thích hợp hơn vào buổi trưa trốn cơn nắng gắt Saigon hay vào chiều tối khi thời gian nghỉ ngơi lắng đọng, màn đêm buông xuống bên ngoài làm tăng sự ấm áp của đèn màu dìu dịu trong quán. Vì thế, buổi sáng đương nhiên ra vỉa hè. Khoảng thời gian lúc đó xà vào đâu cũng quán cà phê, có quán mở đến trưa, đến chiều hay suốt ngày đến khuya nhưng một số chỉ hoạt động hết giờ điểm tâm, khoảng mười giờ sáng nắng lên là đóng cửa.

    Quán sang trọng bày bàn cao, ghế đệm êm ái, bồi chuyên nghiệp mặc đồng phục dọn cà phê rất ngon nên giá khá cao. Quán bình dân như chính vẻ ngoài của nó thức uống cũng bình dân. Tuy nói quán cà phê nhưng bao giờ các quán này cũng bán nhiều loại thức uống, nước ngọt đủ màu xanh đỏ bày hàng, la hán quả, chanh gồm chanh tươi, chanh dây, chanh muối và tắc muối lấy mối sẵn từ chợ bán sỉ, đôi khi nước dừa tươi… chỉ trừ sinh tố rất phổ biến ở thành phố lại không có mặt ở hàng cà phê, sinh tố có riêng giang sơn của mình là xe sinh tố cũng như nước mía có xe nước mía, không bán lẫn lộn thứ gì khác. Tuy nhiên đã gọi là quán cà phê dĩ nhiên thức uống chính mọi người hay kêu là cà phê. Cà phê phin hay cà phê bí tất, cà phê đen hay cà phê sữa, cà phê được pha sẵn đựng trong chai nhựa, khách uống tới đâu chủ quán rót ra thêm nước sôi tới đó… Cà phê ngon là lý do chính thu hút khách nhưng cà phê không ngon, chỉ thuần đắng nghét bắp hay bo bo rang cháy không hề vương vấn chút mùi vị cà phê vẫn khách tới đông đảo. Bởi vì khách đến với cà phê vỉa hè không thuần túy chỉ để uống cà phê.
    Chủ quán cà phê dậy rất sớm. Từ ba giờ sáng đã dọn hàng, nấu nước, tiếng chặt đá vang lên từ lề đường lúc bốn giờ còn tối đất. Năm, sáu giờ sáng khách lục tục kéo đến đông nhất cho tới sau giờ đi làm thì vợi hẳn. Hoạt động tại quán cà phê rất tấp nập, người ta có thể ngồi thảnh thơi đọc tờ báo đầu ngày, dò vé số, gặp người bạn cà phê quen mặt mỗi ngày, là nơi dân làm ăn bàn chuyện, trụ sở cá độ, giang hồ tụ tập giải quyết ân oán… hoặc không làm gì cả, chỉ yên lặng nhìn ra con đường trước mặt và có thể trầm ngâm như thế hằng giờ, hằng nhiều giờ. Thậm chí quán cà phê còn là trung tâm dịch vụ chuyên mua nhà, bán đất, thuê nhân công, thu tiền góp, trung chuyển hàng hóa, tin nhắn… Từ chín, mười giờ sáng chỉ ngồi yên đó là chợ búa bán rong diễu qua, ngừng lại trước mặt tha hồ mua đầy đủ bó rau, miếng thịt, khúc cá, bịch sữa đậu nành… cho đến buổi trưa khi không còn đàn ông uống cà phê thì đôi khi là chỗ hóng gió cho phụ nữ không ngủ trưa, thẩm mỹ viện lưu động ghé chân để sơn móng tay, se lông mặt, xem bói bài, chỉ tay… Thành thử các quán như vậy bao giờ vẫn là những hãng thông tấn vỉa hè với tin tức thu vào phát ra cực kỳ phong phú và nhanh nhậy hơn bất kỳ cơ quan thông tin nào trên mọi lãnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị… và đương nhiên cộng thêm đủ thứ tin đồn hấp dẫn…

    Cà phê vỉa hè rẻ tiền nên thu hút đông đảo mọi thành phần ẩm khách. Từ người giàu đến người nghèo, trí thức đến bình dân, già trẻ nam nữ, mạnh yếu… bởi cà nhắc đau yếu không thể đi xa được thì cà phê vỉa hè chính là một chốn “phiêu du” nằm trong khả năng cho phép, một thế giới trong chốc lát thoát khỏi ngoài bốn bức tường của gia đình. Ngồi đồng trong quán cà phê dĩ nhiên phái nam nhiều hơn nữ. Đàn bà VN từ ngàn xưa đến giờ lúc nào cũng tất bật, người đi làm đa đoan “việc nhà việc nước” nhưng bà nội trợ không đi làm cũng ngập đầu ngập cổ đủ thứ chuyện trong gia đình. Buổi sáng đi chợ, nấu cơm, lo cho con cháu nên bà không thể thong dong ra ngoài quán ngồi nhìn trời nhìn nước nhìn mây, vả phụ nữ thông thường hiếm có thói quen ngồi “bêu” ngoài hàng quán, nên nếu cần bà kêu ly cà phê về nhà tán gẫu với mấy bà bạn còn thích hơn hoặc vừa uống cà phê vừa làm việc nhà hay xem TV.
    Chỉ vài ngàn cho ly cà phê có thể ngồi nguyên buổi vì cà phê không phải thức uống giải khát. Không ai nốc cà phê một hơi, cà phê chính để nhâm nhi, ngẫm nghĩ. Từng ngụm, từng hớp nhỏ đưa mùi thơm nồng nàn, chút vị đăng đắng qua cổ họng thêm niềm hưng phấn, lắng đọng tình cảm và mở rộng nỗi niềm… Chưa hết ly cà phê, chủ quán đã bày ra bình trà nóng và chiếc tách nhỏ, nếu không thích trà nóng thì một ca trà đá thật to bảo đảm tha hồ ngồi đến long bàn, mục ghế chưa cần đứng lên.

    Không phải quán nào cũng may mắn được tọa lạc trên lề đường rộng rãi. Có nơi vỉa hè lồi lõm gạch vỡ, có nơi mái hiên không đủ che mưa. Khu Thị Nghè quá đông đúc chật chội nên khi có khách, chủ quán mới vội vã chạy vào nhà xách chiếc bàn và ghế tí hon ra kê, khách vừa đứng lên lại dẹp ngay; đường Hàn Thuyên luôn bị cảnh sát rượt nên chỉ rải rác vài chiếc ghế đẩu sát tường, cà phê được cất dấu chỗ nào không biết từ đâu bưng ra đặt trên một chiếc ghế đẩu trước mặt. Khi xe cảnh sát xuất hiện, chủ quán quơ hết mấy chiếc ghế đẩu chạy mất tiêu chỉ còn “tang chứng” là mấy người khách tay cầm ly nước của mình đứng chơ vơ trên vỉa hè, thản nhiên nhìn đợi cảnh sát khuất bóng để mọi việc lại trở về như cũ.

    Chỉ là những quán cà phê vỉa hè nhưng quán nước sẵn sàng cung cấp cà phê, nước giải khát cho suốt hai dãy phố gồm các quán ăn, công sở, cơ quan, xí nghiệp, hãng xưởng. Một câu dặn miệng thậm chí nhiều chủ quán có điện thoại di động, một cú phone cho người khách lẻ hay cả hội nghị, quán vỉa hè có thể bưng đến tận nơi từ một ly cho đến hàng chục, cả trăm ly cà phê hay nước chanh, nước ngọt, tận tình và chu đáo một cách chuyên nghiệp không kém bất cứ cửa tiệm lớn nào.
    Nhiều người ra cà phê vỉa hè như thói quen không bỏ nổi. Mỗi người chọn một quán và đến đó mỗi ngày, bạn bè có hẹn đi đâu rồi cũng quay về quán cũ. Tưởng tượng vừa trờ tới, người nhà chủ quán ra đỡ chiếc xe dựng hộ ngay ngắn trên lề đường, một lời chào ân cần, chiếc ghế quen thuộc được dành sẵn, khách không cần kêu mà lẳng lặng ngồi xuống, ly cà phê đúng gout nhanh chóng được bưng ra, bản nhạc ưa thích vang lên dịu dàng, những khuôn mặt quen thuộc và không gian quen thuộc, khi đứng lên, tiền thối lại trao tay nhẹ nhàng, chiếc xe được dắt xuống đường quay đầu sẵn về hướng phải đi, nụ cười ấm áp, sự tiếp đón thân thiện khiến người khách thấy lòng nhẹ nhõm. Quán cà phê như “một cõi đi về” làm sao. Nhiều người gắn bó một chiếc quán suốt từ đời cha, đời con, đời cháu, ngồi từ thủa thanh niên đến lúc mái đầu trắng xóa, ngồi qua biển bạc đến nương dâu. Cho nên không lạ khi chủ quán vắng mặt, bệnh hoạn, đi xa hay qua đời, khách quen hỏi han, thăm viếng như người bạn thiết. Khi quán đổi chủ, cà phê cũng đổi hương vị, khi quán đóng cửa buộc phải đổi chỗ ngồi qua một vị trí khác, người khách cảm giác chút gì mất mát, nuối tiếc của thói quen hàng ngày, có thể cảm nhận rất rõ chút đổi thay cuộc đời dưới đáy ly cà phê…

    Cà phê vỉa hè khác với cà phê những nơi khác ở chỗ nó nằm trên… vỉa hè. Tường cao và trần nhà bao bọc như gói gọn tâm tình nên quán cà phê trong nhà thường có khuynh hướng hướng nội, là riêng rẽ cá nhân, là nghĩ ngợi, suy tư, hoài niệm trong khi quán vỉa hè ngược lại là sự hướng ngoại, mở rộng lòng phóng ra, hòa vào thế giới nhân sinh bên ngoài. Chốn vỉa hè thật gần gũi với cuộc sống, sát với mặt đất chắc chắn và nặng trĩu. Xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, người bán hàng rong và khách bộ hành qua lại, trẻ con đùa chơi và chó mèo lẩn quẩn, người bán báo và vé số chào mời, hành khất ngửa mũ, đứa bé quỳ gối ăn xin trước cái nhìn kiểm soát của chủ gần đó, đoàn rước dâu từ trong hẻm rồng rắn tiến ra, đám cãi nhau tụ tập đông đỏ người hiếu kỳ, vụ đụng xe gây kẹt đường… Những con người và những cảnh đời diễn ra chung quanh là cuộc sống mạnh mẽ và tươi rói cuốn mỗi người vào để trở nên một thành phần không thể tách biệt của cuộc sống đó.

    Cà phê vỉa hè không cần lịch sự, giữ ý, càng không cần y phục chỉnh tề, áo sờn cổ, dép lê tiện lợi, duỗi chân tùy ý, co chân nước lụt cũng chẳng sao nên ngồi đó hòa lẫn vào đám đông thấy mình thật tự do như gió như mây. Lắng nhìn tâm tư cùng cà phê rơi từng giọt thật dễ làm thơ, thật nhiều ý tưởng tràn về. Thật thú vị khi khám phá ra người bạn cà phê bên cạnh là một ông tiến sĩ về hưu, một nhà chính trị sa cơ thất thế… nhất là rất nhiều nhà thơ, một ít nhà thơ chân chính và vô vàn nhà thơ tài tử dễ dàng tuôn tràn thơ thẩn bất cứ lúc nào.
    Và cứ thế, thời gian trong ngày chuyển dịch, thời tiết nắng mưa thay đổi, Những chiếc quán ngồi đó ngoài vỉa hè, vẫn tồn tại hằng ngày nhìn cuộc sống trôi qua và mang chính trong lòng mình một phần cuộc sống, tạo thành một cảnh trí, một sinh hoạt đặc biệt không thể thiếu của thành phố.

    Saigon Cô Nương


    Nguồn:http://vietluan.com.au

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Ngoại hình





    Vẻ bề ngoài bao giờ cũng đập vào mắt người ta dễ gây nên ấn tượng đầu tiên. Cứ trông hình thức mà đoán ngay giá trị thế nào:

    • Trông mặt mà bắt hình dong

      Con lợn có béo thì lòng mới ngon


    Thế nhưng đó là… con lợn, dĩ nhiên ngắm con lợn ụt ịt cho thấy ngay “nội dung” của nó l;à món lòng luộc chấm mắm tôm chanh ngon gì đâu.

    Nhiều câu ca dao khác nhận xét hình thức con người:

    • Những người thắt đáy lưng ong

      Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con

      Và ngược lại:

      Những người béo trục béo tròn

      Đánh con như chớp, ăn quà như ranh

    Tương đối dễ để có thể… đoán mò qua một số tiêu chuẩn về tướng số bởi cứ:

    • Tướng người trán ngắn đầu to

      Quanh năm chỉ biết chăn bò chăn trâu


    Hay Khô mặt, gân tay là vất vả mà dư dả no đủ thì Tai to mặt lớn rành rành. Tuy nhiên không phải lúc nào điều này cũng đúng vì:

    • Trông chừng thấy một văn nhân.

      Hình dong chải chuốt áo quần bảnh bao

      (Kiều)


    thì làm sao trong hình dáng nho nhã đó đoán được một tính cách Sở Khanh?

    Bề ngoài của một người, danh từ bây giờ gọi là ngoại hình – mặc dù nhà nước vốn hô hào dùng tiếng nôm – vô cùng quan trọng thời nay. Từ mấy năm trước ở Trung Quốc muốn dễ tìm việc làm đã đòi hỏi có hình thức bắt mắt. Vì thế đàn bà đua nhau hút mỡ bụng, cắt đôi mắt một mí đặc trưng của chủng tộc Mongoloist thành hai mí, sống mũi tẹt nâng lên lắm khi quá đà thành cao nghệu, nhọn hoắt như mũi Cléopatre mà sau đó phải nâng niu nhẹ nhàng không dám hôn mạnh kẻo dễ lệch sang bên, Thẩm mỹ viện thành phố đua nhau nở rộ đáp ứng nhu cầu làm đẹp cho nên đi ngoài đường bắt gặp rất nhiều phụ nữ qua dao kéo phù thủy mang nhan sắc từa tựa giống nhau. Trước kia giống nhau nhan sắc Thẩm Thúy Hằng môi trái tim, cằm chẻ. Giờ thì mười cô như một cùng kiểu mẫu ngôi sao Hàn quốc: Choi Ji Woo, Jun Ji Hun… Nếu không có nhiều tiền để ra ngoại quốc trùng tu nhan sắc ở Thái lan, Hàn quốc, Nhật bản thì vào các thẩm mỹ viện trong nước mọc lên như nấm. Không kể một số bệnh viện nhà nước cũng nhảy vào lãnh vực này vì quá ngon ăn.

    Dầu sao, đó cũng chỉ là những tiểu phẫu mau chóng không mất thì giờ, tiền bạc bằng chuyện chân ngắn. Tiêu chuẩn sắc đẹp của Tây phương xâm nhập khiến phụ nữ Á đông có chiều cao khiêm tốn trở nên khổ sở, dốc toàn bộ tâm trí lo đi kéo đôi chân dài được vài xăng ti mét thật mừng. Nhất là những năm gần đây, để hành nghề người mẫu cũng như các cuộc thi hoa hậu đều trao vương miện cho các cô từ một thước bảy đến thước tám, chứ không phải một mét năm mươi hai đến t mét rưỡi như cuộc thi “hoa hậu Áo dài” vào cuối những năm 90. Vì thế, ngoại hình càng trở thành một vấn đề khổ tâm.

    Đã hết thời kỳ đói khát bảy người đu cây đu đủ không gẫy. Đàn ông cũng thế, một số công ty vệ sĩ tuyển nhân viên như tuyển lực sĩ đi thi thể hình. Chiều cao, cân nặng… theo những tiêu chuẩn khắt khe nên những anh chàng này đều sêm sêm vận động viên thể hình. Nghệ sĩ cải lương tích cực tân trang, kép nào cũng mỹ miều cằm chẻ, má bơm, mũi dọc dừa… gợi cảm y như “Người đẹp Bình Dương” thuở nào. Kiểu làm đẹp này gần đây lan tràn sang giới tân nhạc cùng với lối phục sức mỏng te óng ánh kim tuyến khiến nhiều nam ca sĩ có khuynh hướng ngả dần sang vẻ đẹp nữ tính, anh nào anh nấy xinh xắn, nhu mì như… thỏ con.

    Ngoài ra, có lẽ dân số Saigon đông quá, một công việc đưa ra bao nhiêu người nhảy vào nên những nghề chẳng dính dáng gì đến mặt mũi tóc tai cũng bị đưa tiêu chuẩn ngoại hình vào nhằm loại bớt ứng viên. Không kể tiếp viên nhà hàng, tiếp thị bia rượu… từ nhân viên văn phòng, bán hàng điện thoại di động… cho tới sinh viên phát tờ bướm quảng cáo, kỹ thuật viên vi tính, đồ họa, tạp vụ, bồi bàn, đứng bếp coi xoong chảo, chăm sóc cây cảnh… có ngoại hình khá đều được cộng thêm điểm. Ưu tiên ngoại hình, nữ cao trên một mét sáu, nam trên một mét bảy, tuổi từ hai mươi đến hai mươi lăm hoặc “già nhất” cũng chỉ tới ba mươi là những câu rao vặt thường được đọc trên báo, mục “việc tìm người”.

    Thành thử cu Tý mười bảy tuổi học lớp Mười Một, cao có một thước sáu mươi sáu, ngày nào cũng nghe cả nhà hò như hò đò. Tý ơi, trước khi đi ngủ ráng uống thêm ly sữa Úc, mỗi sáng nhớ đu xà đều đặn hai mươi phút và tập chơi bóng rổ làm sao để cao trên một mét bảy, buổi tối có nghe TV đăng thông báo tuyển dụng không đó. Phóng viên, MC không nói làm chi, gác cổng cho chí thư ký ngồi trong hậu trường cũng phải cao từ một mét bảy trở lên đấy. Với lại con gái thành phố cũng có khuynh hướng cao hơn trước kia. Thâm thấp và học dốt nữa là mai mốt Tý ta khó… cua đào đó nha.

    Nhậu nhẹt, phong bì lót tay là… chuyện thường ngày của huyện. Thành thử trên sân khấu, phim ảnh, sách báo, cứ tượng trưng cho các ông bà quan chức nắm giữ vị trí lãnh đạo nhất thiết đều phải là hình ảnh một người béo tốt, phương phi phì nộn. Làm sao không phục phịch được khi ngày nào ông cũng theo cùng một thời khóa biểu như nhau. Ngồi ăn sáng ở tiệm, ngồi làm việc ở văn phòng, ngồi ăn trưa ngoài quán, ngồi tiếp khách salon, ngồi xe hơi đi công tác, ngồi nhậu nhà hàng, ngồi hát karaoke… Toàn ngồi và ngồi, ăn và ăn, uống và uống khiến mỡ sa, mỡ phần chẳng tích cực phát triển phì nhiêu sao được. Còn những ngành ban phát trực tiếp ân huệ như: thuế, hải quan, công an… đương nhiên dáng điệu bệ vệ, khệnh khạng đi cùng với bộ mặt đăm chiêu, hình sự. Không lạ khi báo đăng tin anh phó thường dân từng phát biểu đầy xúc động biết ơn về một quan lớn như sau: “Đồng chí X làm lớn nhưng thật gần gũi, hòa đồng. Và ấn tượng nhất là đến nhà quan không phải để dép ngoài sân!!!”

    Năm ngoái, cảnh sát Philippine bị buộc leo núi toát mồ hôi, Thái Lan cùng chủ trương như thế nhằm giữ nhân viên giảm trọng lượng sao cho thân hình thon gọn, cảnh sát Ấn độ sẽ bị cho thôi việc, Nhật Bản còn đưa lên blog tin tức và hình ảnh của các quan chức để mọi người tha hồ vào diễn đàn góp ý. Cứ tưởng đó là chuyện của… người ta té ra bây giờ lan đến VN. Nhiều quan chức vào tù với vóc dáng phì lũ quá. Cảnh sát giao thông đứng ngoài xa lộ, quốc lộ, tỉnh lộ… tha hồ ngoắc tay… phạt đã đời tới mức ông nào ông nấy ngày càng tròn trong khi đám tài xế, lơ xe… bị phạt càng ngày gầy nhom. Do đó nhất thiết cần thay đổi hình ảnh “công bộc của dân”.

    Khởi đầu từ cấp thấp. Tỉnh Đồng Nai với diện tích tự nhiên rộng lớn, nổi tiếng nhiều tài nguyên thiên nhiên do rừng vàng vẫn còn kha khá… gỗ, đồng thời cũng lừng danh về việc làm luật dọc đường mang tiếng quá chừng. Do đó từng có lệnh chuyển những cảnh sát bụng bự sang công tác khác hoặc tạm rời công việc hiện tại để tập luyện cho vòng hai nhỏ lại rồi mới được đảm nhiệm các phần việc ra mặt tiếp xúc với dân.

    Giờ đây VN đã mở cửa nhìn ra thế giới bên ngoài. Quan trên trông xuống người ta trông vào. Ục ịch cái bụng ông Địa xì bia cả thùng không được nhưng gầy gò quá người ta dè bỉu thiếu ăn cũng không xong nên có nơi đồng thời chuyển luôn nhân viên gầy gò, thấp bé vào dấu kỹ sau hậu trường!!! Hà Nội tuyệt cú mèo hơn nữa khi yêu cầu cảnh sát quần áo phải sạch sẽ, đàng hoàng, không được đứng nghênh ngang đút tay vào túi quần như… cao bồi, không đeo kính đen sặc mùi hình sự, không thuốc lá phì phèo, cũng không nói năng hách dịch, kêu gọi xách mé…

    Cho đến cấp cao cũng không kém. Giám đốc lo giữ “phoọc” thật đúng mốt. Cơ quan hành chánh làm việc sáng từ 7 giỡ rưỡi đến 11 giờ rưỡi, chiều từ 1 giờ đến 5 giờ. Sếp tranh thủ tám giờ vàng ngọc bằng cách sáng chạy bộ vào cơ quan lúc tám giờ, chiều bốn giờ rưỡi bắt đầu vào sân tennis chơi vài sẹc để chuẩn bị sức khỏe cho chầu nhậu buổi tối. Các môn thể dục thể thao cũng phản ảnh đẳng cấp bởi ngang ngang chức giám đốc chỉ đánh golf, tennis… có tính chất “quý tộc” tốn nhiều tiền mua vợt, mua bóng, thuê sân chứ không bao giờ thèm chơi những môn có vẻ lèng xèng, bình dân như cầu lông, bóng bàn…

    Ảnh hưởng Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, các phòng thẩm mỹ dành cho nam giới phát triển mạnh vì đi xin việc, ngoài lý lịch rõ ràng, “trong sạch”, bằng cấp cao và nhiều, ví như ba bằng đại học, bằng C vi tính, bằng A tiếng Hoa, đai đen võ thuật… lại còn vẻ mặt Phan An, Tống Ngọc, hình thể cao một mét bảy, cân nặng sáu mươi ký, vòng 1…, vòng 2…, không biết có cần số đo vòng 3 không thì không rõ?

    Một ông của Viện kiểm sát tỉnh Cần Thơ đi bia ôm còn mặc nguyên bộ đồng phục bị chụp hình tại trận. Sao mà… nghiêm chỉnh thế. Chắc là cũng bệu rệu dữ lắm nên mới y trang che dấu như vậy. Hình thể vô cùng quan trọng vì có dịp cởi trần trước bàng quan thiên hạ thì cũng phô bày được một hình dáng không tới nỗi… bị thịt quá.

    Chỉ có các hàng quán bình dân: quán phở, cửa hàng tiện lợi… chẳng cần tới bề ngoài nên chỉ thuê mấy ông bảo vệ hom hem, đen cháy vì phơi nắng cả ngày ngoài đường. Giá thuê mấy ông này rẻ thôi, vài triệu một tháng phù hợp với cửa hàng lèng xèng. Nhưng bước vào trong cửa spa, shop quần áo… thì nhân viên toàn dàn trai xinh gái đẹp

    Saigon cô nương

    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Sài Gòn Cô Nương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Trưa Sài Gòn





    Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…

    Giờ thì chẳng còn ai mặc áo lụa đi giữa trưa Saigon cả. Có mà điên! Ai nấy đều trùm áo gió, mũ nón, khẩu trang, găng tay, găng chân kín mít từ đầu tới chân

    Tháng Tư, tháng Năm nóng nhất trong mười hai tháng. Lúc này đã đầu mùa mưa. Năm nay những trận mưa đến sớm một chút. Thế nhưng hôm nào mưa thì mát mẻ, hôm nào không mưa, thời tiết vẫn rất gay gắt.

    Trời oi nóng cộng thêm dịch Covid-19, học sinh cấp tốc thi học kỳ trong vòng hai ngày để nghỉ hè sớm. Trẻ không đi học, không đi nhà trẻ, không được đi ra ngoài chơi… bị bó giò ở nhà khiến bầu không khí càng bức bối thêm.

    Saigon nóng khủng khiếp, nhiệt độ từ 36 đến 39 độ C, nắng đến cháy da, vàng tóc. Người dân được khuyến cáo không nên ra ngoài đường từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều vì khoảng thời gian đó chỉ số tia cực tím ở mức cực đại!!!

    Không biết có phải vì ngày càng đông người hơn, cây cối lại ít đi nên ai cũng kêu thành phố nóng hơn xưa rất nhiều. Gần đến trưa, thời tiết càng oi bức, mới đi chút xíu ngoài đường hai má đã rát bỏng, cánh tay và cổ bị mặt trời nướng đỏ mà sau đó sẽ mau chóng chuyển sang đen!!! Vì thế đàn bà con gái cứ bước ra khỏi nhà là trùm kín bưng kín mít từ đầu đền chân như phụ nữ Hồi giáo, chỉ mỗi đôi mắt hé ra nhìn đời, e còn bí ẩn hơn phụ nữ Hồi giáo vì có khi thêm cặp kín râm thật to choán hết nửa khuôn mặt. Áo khoác chống nắng hai lớp, tay dài che kín cả bàn tay kèm mũ trùm đầu, cổ cao kéo fermeture lên tận cằm, thêm váy chống nắng dài tới gót chân.


    Tuy nhiên, kiểu này đơn điệu quá làm sao mọi người thấy mình… điệu đà chỗ nào! Thành thử ai nấy vẫn trang bị lỉnh kỉnh, tuy hơi lộn xộn một tí nhưng kiểu cọ màu sắc tha hồ như ý: đầu đội mũ sùm sụp, khẩu trang không nhằm mục đích chống ô nhiễm mà là che nắng nên rất dày, chỉ một lớp vải sợ ngăn không nổi sợi nắng xuyên thủng qua nên khẩu trang may tới ba lớp, còn như khẩu trang chống ô nhiễm thì tới sáu lớp thêm một lớp than ở giữa, lại thêm một tấm mica để đề phòng con vi trùng Corona không kể thêu thùa đủ màu đủ kiểu. Chân đi tất, còn găng thì kéo lên tuốt gần vai. Nếu găng ngắn thì bên ngoài thêm một chiếc sơmi tay dài đến lưng bàn tay. Hoặc khoác ngoài một chiếc áo jean dầy cui, áo khoác chống nắng bằng thun lạnh cho đúng thời trang, nóng mấy thì nóng, lẽ nào mình khác người ta được?

    Bởi vậy hoàn toàn sai lầm nếu tưởng thời trang của mùa nóng là nhiều kiểu quần áo mát mẻ được tung ra. Trời càng nóng bao nhiêu y phục càng “kín cổng cao tường” bấy nhiêu. Áo hai dây chỉ xuất hiện vào buổi tối khi nắng nhạt đã hoàn toàn tắt hẳn. Thật không cách nào biết được đằng sau các thứ phụ tùng đó là dung nhan mùa nào. Chỉ có thể nhìn vóc dáng để đoán xuân, hạ hay thu. Còn đông dĩ nhiên là không rồi vì ai đã tự xếp mình thuộc về mùa đông thì không cần võ trang đến tận răng như vậy. Chỉ rắc rối ở chỗ mỗi lần đến đâu lại mất thời gian gỡ từng món ra, trước khi lên xe tiếp tục khởi hành lại từng thứ một đủ lệ bộ tròng của người: Mũ vải có vành rộng dưới mũ bảo hộ, khẩu trang y tế bên trong khẩu trang kiểu mới nhất qua khỏi cổ, phủ xuống tận giữa lưng che kín mái tóc thề không một sợi dám thò ra, găng tay viền lông… chồn Bắc cực, có khi thêm một chiếc khăn voan mềm mại bởi vì dù cổ ngắn một ngấn hay cổ “kiêu” ba ngấn đều phải được bảo vệ ngang nhau.

    Mặc đi liền với ăn, buổi trưa đương nhiên chẳng thể chẳng đề cập đến bữa ngọ. Không thực sao vực được đạo nên tới cái giờ hoàng đạo đó đi đâu cũng toàn gặp cảnh ăn uống.

    Cơm bình dân lề đường ít hẳn vì bị tém gọn. Covid cấm tụ tập nên thức ăn thức uống chủ yếu bán mang đi. Giá một phần cơm trưa khoảng ba, bốn chục ngàn.

    Quán cơm xã hội từ thiện giá 2 ngàn với dòng người xếp hàng là sinh viên, người bán vé số…Thảo nào đa số sinh viên đều còm nhom thấp bé, lưng gù, vai so là vậy. Khi ra trường may mắn kiếm được việc làm tốt là nhào vô liền ăn uống nhậu nhẹt bù lại lúc thiếu thốn, thành thử lắm anh mới ngoài ba mươi đã vác cái bụng bia nặng nề, bệ vệ như ông Địa

    Một số chùa phát cơm chay hàng ngày.

    Một ít nhà “có điều kiện” thì nấu cơm “thực dưỡng” với gạo hữu cơ, thịt, cá, rau… “sạch” được gửi từ quê lên để sáng sáng cho vào gô cơm mang theo ăn trưa.


    Ngoại trừ các nhà máy, xí nghiệp còn giữ bếp ăn tập thể, hiện nay, các cơ quan văn phòng đã giải tán việc ăn tập thể này.

    Cơm trưa văn phòng trước ở trong quán ăn, nhà hàng, khách sạn… Buổi trưa tấp nập áo dài, quần tây, áo sơ mi, đồng phục… thì nay giảm nhiều từ khi có phong trào đặt thức ăn online.

    Chỉ có ít người chỗ làm việc kế cận quán ăn hay cần chỗ riêng tư bàn chuyện làm ăn mới vào quán… Còn thì đã có sẵn đội ngũ xe máy công nghệ giao thức ăn. Nào là áo màu xanh của Grab food, áo màu đỏ của Go Viet, màu xanh nước biển của Baemin… Sẵn sàng cơm hộp, mì xào hộp, bún bò Huế hộp, ly cà phê sữa đá, ly trà sữa,… từ vài chục đến trăm ngàn.

    Mặt đường bị nắng hun muốn mềm ra, đến tươm nhựa, nháng lửa. Hàng quán vỉa hè lui sát vào hàng hiên hoặc gom vào xúm xít dưới tán dù tròn xoe. Tuy vậy, chẳng hàng nào đóng cửa nghỉ trưa, các cửa tiệm vẫn mở cửa, kéo rộng mái hiên di động ra. Các ngôi chợ còn bán qua trưa vẫn y nguyên các thứ trái cây, rau củ bày trên mẹt tha hồ dang nắng dài dài dưới đất ngóng khách. Nóng nực quá nên khu vực là nơi thường xuyên xảy ra các đám to tiếng này cũng trở nên uể oải, im ắng. Chẳng ai đủ hào hứng gây sự trong tiết trời đổ lửa này.

    Đông nhất là các xe nước mía, nước sâm, phục linh, hàng dừa tươi, dừa tắc bán liền tay. Xe phục linh có đủ loại: sương sâm, sương sáo, sương sa, hột é, lười ươi. Mủ trôm, mủ gòn… xe nước sâm cũng chẳng kém: từ mía lau, rễ tranh đến nước đắng, hoa cúc, rong biển, củ sen… Thêm mấy món thức uống trà sữa, trà đào, rau má mix sầu riêng, đậu xanh, nước mía mix chanh dây, dâu tây…

    Dịch bệnh Corona-19 diễn biến phức tạp, hết chủng virus Tàu, virus Anh tới virus Ấn… nên từ ngày 8/5, thành phố Saigon cấm các hoạt động tập trung trên 30 người ở nơi công cộng.

    Đúng là ngoài đường có thưa hơn vì học sinh đã được nghỉ học hết, nhưng không hề vắng người qua lại. Có bà sồn sồn tướng tá hơi phì nhiêu nên canh đúng ngọ, nai nịt gọn gàng, khẩu trang kín miệng phì phò ra vườn Tao Đàn chạy marathon. Quả nhiên hiệu nghiệm, chỉ sau một tuần lễ tập luyện siêng năng đã tan ngay đến ba ký lô mỡ sa, mỡ phần, được mọi người nức nở khen trông thon thả, yêu kiều hẳn ra. Chí lớn lúc nào cũng gặp nhau nên hẳn nhiên phương pháp chạy bộ mười hai giờ cũng có không ít người thực hành. Công viên buổi trưa vì thế lại đông vui đáo để, chứ không phải chỉ toàn các anh chị vô gia cư ngồi bỏ hai chân lên ghế thảnh thơi nặn mụn cho nhau giữa chốn ông đi qua bà đi lại. May ghê sẵn thời tiết thuận lợi chứ không thôi các vận động viên muốn xuống ký nhằm lúc trời không nực lắm còn phải trùm mũ, mặc áo mưa gài nút mà chạy ấy chứ.

    Trời bức bối quá đâu có ngủ được dù nằm lăn trên nền gạch vặn quạt hết cỡ. Thành thử nhân tiện, mấy bà trong xóm kêu thợ tới làm móng tay, móng chân. Quây quần họp chợ trên mấy bậc tam cấp, người ngâm chân, ngâm tay đợi tới phiên. Cùng lúc, các bà tám cho nhau biết giá vé rẻ lắm nên đi Đà Lạt bằng máy bay cho lẹ nhưng giờ thì các tour đóng băng rồi, chuyện vợ cũ của cầu thủ có con với trai trẻ kém 9 tuổi, giá vàng rục rịch lên vậy có nên mua vào hay không…

    Bữa trước còn vào tiệm massage, spa máy lạnh mát mẻ có nhạc không lời êm dịu và nhân viên học qua trường lớp đàng hoàng, giá tối thiểu khoảng một trăm ngàn trở lên một xuất tùy địa điểm và tùy theo crème, dầu.. Xoa bằng dầu dừa hay dầu hạnh nhân… Vừa thư giãn gân cốt vừa thiu thiu ngủ mơ màng. Còn không thì làm mặt nạ, cũng trong tiệm massage, da mặt phụ nữ xứ nóng xấu quá, dễ nám, nổi mụn nên cứ phải o bế, trùng tu hoài. Đánh một giấc ngon lành dậy là gương mặt được tân trang sáng sủa hẳn ra. Mặt nạ là một hỗn hợp gồm những thứ gì nhỉ? Lòng trắng trứng đánh với nước cốt chanh, yaourt quấy với lô hội và một viên vitamin, bơ nghiền với sữa tươi và trà xanh…, avocado chứ không phải butter đâu, là những hỗn hợp đơn giản; không thì Sheherazat mách công thức như sau: một nhúm bột trân châu, một nhúm bột mã não, một mẫu trầm nghiền nát, vài giọt xạ hương, mấy muỗng sữa lạc đà trộn kỹ, ướp với tinh dầu cá voi rồi chưng cất trên bếp gaz mười tiếng… và công thức làm mặt nạ của Dương Quý Phi: nhụy hoa hải đường, phù dung, thủy tiên… mỗi thứ mười gam trộn một viên ngọc trai tán nhuyễn, luyện với lệ chi xay sinh tố và sương đọng trên cánh mai mùa đông, đào mùa xuân, sen mùa hạ và cúc mùa thu mỗi loại mười một giọt, viên thành tễ, hạ thổ hai năm rồi đào lên… Bảo đảm trét các thứ đó lên mặt, da dẻ xinh đẹp mịn màng không hơn thì chí ít cũng xêm xêm các nàng ái phi ấy.

    Nói chung hễ nới nào có máy lạnh là có khách vào trú nắng: tiệm karaoke, siêu thị, quán cà phê, tiệm sách … chẳng hạn. Sách ra hằng hà sa số nhưng giá đắt quá, vì thế vào giờ vắng vẻ thường có người vào “coi cọp”. Đông nhất phải kể tới tiệm internet. Trưa vào giờ cao điểm nên các quán luôn hết sạch chỗ, ai nấy, thường là thanh niên ngồi chật cứng trong những căn phòng máy kê san sát, chăm chú dán mắt vào màn hình để chơi game và chat say sưa.

    Đó là chuyện mấy bữa trước thôi. Bão nổi lên rồi. Giờ thì các tiệm spa, tập gym, massage… đều tạm đóng cửa chờ… bão tan. Nào là quán ăn ở phường mấy, quận mấy có F2 ghé ăn; hẻm nọ có F1 đến chơi nhà bạn; sở nọ có F3 từ tỉnh Thái Bình về…

    Nắng vẫn chang chang. Công nhân vệ sinh lợi dụng trưa vắng kiên nhẫn lia chổi quét đám lá vàng khô cong trên mặt đường. Những tủ kính bán hàng sợ phai màu hàng hóa phủ khăn tránh tia nắng trực tiếp chiếu vào gay gắt.

    Lớp học buổi sáng tan ra lúc mười một giờ ba mươi, và lớp chiều tập trung lúc mười hai giờ mười lăm nên cổng trường vào khoảng giữa hai thời điểm này đông nghẹt học sinh của cả hai lớp sáng chiều. Mặt trời trên cao càng toả sức nóng khô như chảo rang và chỉ những tà áo trắng bay dịu dàng trên các ngả đường đến trường mới làm nhẹ đi cảm giác nực nội giữa ngọ, mới khiến bỗng nhiên nắng Saigon anh đi mà chợt mát.





    Nhưng giờ thì khắp nơi vắng hoe với virus Corona lơ lửng đe dọa…


    SGCN


    Nguồn:https://thoibao.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Mát mẻ trẻ trung

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Mát mẻ trẻ trung





    Ở Huế và Đà lạt hồi đó, du khách vẫn thấy ở chợ và trên đường phố, những người phụ nữ bán rong mặc áo dài nhất là các gánh hàng rong. Sau này lâu lắm họ mới đổi sang áo ngắn.

    Nhưng nay váy ngày càng ngắn hơn, cổ áo ngày càng khoét sâu hơn, tay áo biến mất chỉ còn hai dây hay áo ống không dây, áo croptop, quần xệ, kiểu áo giấu quần với sơ mi dài che khuất chiếc short ngắn ngủn tưởng chừng cô gái không mặc quần… Thêm nữa các cô người mẫu lại luôn lăng xê mốt trang phục xuyên thấu với chất vải mỏng dính thấy rõ đồ lót.

    Dĩ nhiên thời tiết nóng chỉ là cách nói thôi. Xứ nhiệt đới đương nhiên nóng quanh năm, nóng từ xưa chứ phải bây giờ mới đâu. Trào lưu trang phục kiệm vải được cho là phát triển nhanh chóng qua phim ảnh, báo chí và nhất là Internet. Thế giới ngày càng hở bạo hà cớ gì phụ nữ VN cứ phải kín cổng cao tường!

    Thông thường y phục hàng ngày của các bà các cô là bộ thung lạnh không cổ, không tay và quần lửng tha đi khắp đầu đường cuối chợ. Thậm chí đến những nơi công cộng như trạm y tế, trường học, văn phòng ủy ban phường, xã… vẫn thấy bộ đồ ấy. Thật ra đồ bộ lửng ngao du ngoài phố chủ yếu là phụ nữ trung niên. Các bà này tới tuổi sổ mỡ. Người mập mạp nặng nề nên miễn thoải mái, lại không nhăn, khỏi ủi là tung tăng khắp nơi mà không cần chú ý đó là y phục dành cho phòng ngủ, trong nhà, kẹt lắm ngồi hóng gió trước cửa hay chạy ra chợ cóc gần nhà chứ chẳng nên tự nhiên trong bộ đồ ngủ rong ruổi khắp nơi.

    Rõ ràng nhìn loại trang phục này hàng ngày nên dần dần cũng quen mắt. Thành thử xem phim hay hình ảnh trên báo, net… cô nào mặc trang phục “kín cổng cao tường” quá cũng thấy… nực. Vả y phục kiểu mới mẻ này cũng làm cho người đứng tuổi trẻ hẳn ra. Trong số phụ huynh đứng trước cửa trường mẫu giáo giờ tan học. Một phụ nữ tóc nhuộm vàng, áo thung không tay, quần short ngắn tối đa, mọi người tưởng mẹ đón con, hóa ra bà ngoại đón cháu.

    Ngày nay, người ta chăm tập rất nhiều các môn thể dục thể thao nên không thể thiếu các bộ đồ thê thao gọn gàng khỏe khoắn. Chỉ có điều bộ đồ không ở yên trong phòng gym mà cũng tha hồ dạo khắp nơi.

    Riêng nghệ sỹ làm việc trong giới showbiz. Mặc sexy là chuyện thường còn kín đáo mới là lạ. Không riêng người mẫu, ca sĩ, diễn viên, MC, nhiều người trẻ đều rất thích theo khuynh hướng hở.

    Lúc trước, nữ sinh từ lớp Đệ Thất, tức lớp 6 bây giờ, đã bắt đầu mặc áo dài đến trường. Vì thế cho đến lớn, áo dài là y phục quen thuộc.

    Nữ sinh đi học ngoài số ít mặc jupe plissé, còn lại mặc áo dài trắng có cổ thấp hoặc cổ tròn sát chân cổ. Vào thập niên 70, áo dài không dài rộng và lụng thụng nữa, phụ nữ khắp nơi mặc áo dài raglan nối vai, tà áo hẹp. Khi ấy, áo dài vẫn chưa mất địa vị độc tôn của nó. Đó là loại y phục phụ nữ phải mặc trong bất cứ trường hợp nào: lễ lạt quan trọng, đi làm hay đơn giản ra phố, chỉ khác nhau ở loại vải đẹp hay xấu cho từng trường hợp thôi. Tà áo dài thướt tha khiến phụ nữ trở nên dịu dàng, nữ tính làm sao:

    • Đưa em về dưới mưa

      Áo dài sầu hai vạt

      Khi chấm bùn lưa thưa

      (Nguyễn Tất Nhiên)


    Khi phong trào hiện sinh lên cao, đám thanh niên hippy tóc dài phủ ót, mặc sơ mi bó sát phanh hai chiếc khuy đầu khoe bộ ngực còm nhom, xương xẩu, trông có vẻ chán chường buồn nôn, môn đồ của Sartre lắm…

    Đầm xuất hiện nhiều hơn nhưng vẫn kín đáo, dẫu sao cũng đang thời kỳ chiến tranh nên không có nhiều kiểu cọ: jupe serré, robe vải thật dày cao tới đầu gối… Ăn mặc thời kỳ này vẫn hiền…

    Rồi một thời gian rất dài sau 75, dân thành phố ra ngoài đi làm hay đi chơi chỉ toàn quần tây, áo ngắn. Khi đó vải vóc được phân phối từng khúc một. Khúc khổ thước sáu dài mét mốt để may quần. Khúc khổ mét rưỡi dài thước hai cho áo dài tay… Thường là vải màu trắng, xanh dương hay hồng để may áo, vải quần tây xanh đậm, đôi khi có những khúc nỉ hay len, hoa văn lạ như kiểu Lào hay Kampuchia không biết may gì. Nói chung vải vóc có gì phân phối thứ đó, miễn có khúc vải là quý rồi.

    Hầu hết áo dài đều được mang ra sửa thành áo ngắn. Tà làm thân áo, phần trên sửa thành tay ngắn, hai cái tay áo biến thành bèo nhún chỗ này chỗ nọ… Hầu như tất cả áo phụ nữ bấy giờ đều là sơ mi hay cổ bẻ. Quần tây, áo ngắn thay thế áo dài trước kia cho mọi nơi, mọi lúc: để đi học, đi làm, đi dạy, đi đám tiệc… là đã đường hoàng lắm rồi. Vải vóc bán ngoài chợ số ít nếu có màu sắc, đa số là hàng hóa theo dạng quà biếu từ ngoại quốc gửi về

    Áo dài gần như mất dấu. lâu lắm mới thấy cô giáo đi dạy được mặc lại và nữ sinh câp III. Thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn, áo dài tỏ ra không thích hợp với những hoạt động mới mẻ trong nhà trường. Vì thế đồng phục vẫn quần tây sơ mi hoặc váy. Áo dài rút lui, ráng lắm chỉ còn xuât hiện vào ngày thứ hai đầu tuần.

    Áo dài cũng khó cạnh tranh với với quần hay váy tiện lợi. Chiếc áo dài phô hết vẻ đẹp, đồng thời cũng bày hết nét xấu của phụ nữ. Nhất là các bà trung niên, cơ thể banh mì, rất ngại xỏ tay vào chiếc áo dài, trong khi những loại quần áo khác có thể che dấu khuyết điểm trên đường nét cơ thể.

    Áo dài được khôi phục bằng vô số kiểu áo cách tân, giáo viên mặc áo dài đứng lớp, nhiều cơ quan, công sở buộc nhân viên phải mặc áo dài. Dù được trọng vọng như vậy nhưng áo dài không tìm được địa vị độc tôn ngày xưa. Các cô đi làm chỉ mặc áo dài ở nơi làm việc. Trên đường đến và tan sở về nhà, họ thay bộ đồ khác. Vì thế đi trên đường phố vẫn ít thấy áo dài ngoại trừ cổng trường.

    Thời may, mấy bà Việt kiều bắt đầu về nước phổ biến kiểu quần áo “Việt kiều” may bằng soie, quần có túi nhưng lưng thung, áo tay ngắn hay dài. Kiểu này già trẻ lớn bé đều mặc được, diện trong nhà hay đi chơi, đi chợ, đi đám đều được. Đi đám thì phải may bằng loại vải đẹp hơn loại đi chợ. Kiểu này mau chóng phát triển vì quá sức tiện lợi, các bà không phải bó người trong chiếc quần tây chật chội khó chịu. Một bộ quần áo kiểu mới được mệnh danh là “đồ Việt kiều”, chứ không phải bà ba, áo túi xưa như trái đất. Theo đúng nhu cầu phụ nữ vào bất cứ thời nào là luôn theo mốt mới nhất, mặc vào lại hết sức rộng rãi, dễ chịu.

    Chỉ có điều, khuynh hướng “đồ Việt kiều” càng lúc càng trở nên dễ dãi. Mặc trong nhà cũng thế, ra ngoài cũng y như vậy, không khác biệt bao nhiêu. Quần chật bớt một chút, áo ngắn hơn một chút và thay vì chỉ có người già mặc vì cần sự thoải mái thì phụ nữ giới tuổi nào cũng mặc. Thành thử từng có người ra tòa Tổng Lãnh sự xin xuất ngoại đã bị từ chối phỏng vấn vì lý do mặc “đồ ngủ”!

    Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới ra dự luật chống khiêu dâm trong dó cấm phụ nữ mặc trang phục khêu gợi. Sinh viên đại học Bách khoa Nam sinh viên Singapore kêu ca không thể tập trung đầu óc ngồi học khi các bạn nữ mặc trang phục thiếu vải qua lại trước mặt. Riêng Trung Quốc cấm một thói quen ngàn đời của đàn ông đàn ông là cởi trần ‘hở bụng, lòi rốn’ ở nơi công cộng

    Đó là tinh thần “cổ hủ” của các nước Á châu. Nhưng các nước Tây phương cũng phản đối vấn đề tiết kiệm vải vóc này.

    Nước Anh. Tại một trường cấp 2, hàng chục học sinh bị đuổi về vì mặc váy quá ngắn và quần quá bó sát. Thành phố Alabama Hoa Kỳ cẩm váy ngắn vì cho rằng sự hở hang nơi công cộng là tiếu tôn trọng…

    Quả thực, trang phục hở hang không đúng nơi đúng chỗ dễ gây phản cảm và gây hậu quả khó lường, nhất là đối với cac bé gái.

    Việc ăn mặc tự do. Đủ loại, đủ kiểu. Kiểu Tây, kiểu Mỹ… Nhờ quần áo SIDA tức quần áo cũ viện trợ đi theo ngả Cam-bốt bán giá rẻ mạt nên người nghèo cũng có thể quần áo lành lặn, áo thung, áo gió hay sơ mi bán ở Châu Đốc chỉ năm ngàn đến mười ngàn, về tới thành phố vẫn không đắt hơn bao nhiêu. Quần áo Trung quốc đi lậu qua đường biên giới vài chục ngàn một cái. Giờ, sau Covid, biên giới lúc đóng lúc mở tùy tình hình dịch bệnh. Mặc dù lợi tức suy giảm nhưng giá dầu tăng kéo theo mặt hàng quần áo, dù hàng chợ, cũng tăng lên cả trăm, vài trăm.

    Được ăn mặc tùy ý nên VN cũng đuổi kịp kiểu cọ thế giới. Phim Hàn quốc thống lĩnh màn ảnh khiến Saigon xuất hiện nhiều cửa hàng bán thời trang Hàn quốc. Quần áo Tàu nhiều và giá rẻ hơn nhưng về mặt thời trang, không được xem là đẹp bằng Hàn. Thời trang Nhật bản cũng bước vào Hà nội va Saigon qua teen trong trang phục Cosplay- trang phục theo nhân vật trong truyện tranh-, và Harajuku -xu hướng ăn mặc kỳ lạ, không giống ai-.

    Một số nhãn hiệu thời trang trong nước cũng đã gây được uy tín. Nhiều nhà tạo mẫu trang phục ra đời tham dự các cuộc thi trong và ngoài nước, các cuộc trình diễn giới thiệu thời trang được tổ chức theo xuân hạ thu đông cho dù Saigon chỉ hai mùa mưa nắng. Báo chí đưa tin hằng ngày các cô người mẫu hôm qua mới hắt hơi, hôm nay lại sổ mũi… Áo pull, áo hai dây, quần jean bó, quần legging, đầm ngắn, đầm dài… Y phục theo kiểu unisex, theo kiểu tài tử Hàn quốc hay ca sĩ Mỹ… Ai kiểu gì mình kiểu nấy, ai sao mình vậy.

    Chỉ có điểu khi y phục có phần đầy đủ thì người ta lại ăn mặc bừa bãi hơn trước, không theo một quy tắc nào.

    Rất dễ nhận thấy phụ nữ ngày nay ăn mặc hở hơn trước. Quần xệ ơi là xệ, áo mỏng dính, cổ khoét sâu ơi là sâu, váy thì ngắn ngủn… quần xệ đi với áo ngắn, quần bó chật cứng rách te tua đi với áo ống hở vai, hở lưng, hở ngực, hở bụng…

    Cho nên Bộ Giáo dục từng ban hành một thông tư yêu cầu nữ sinh trung học phải mặc váy dài quá gối. Nếu không kịp thời chấn chỉnh thì váy học đường cứ ngày càng vải rút. Chỉ tổ tội phạm gia tăng tỷ lệ thuận theo chiều co của váy…! Sinh viên tự do hơn, thoát khỏi vòng kềm tỏa của kỷ luật trung học nên một số cô mang thời trang đi phố vào giảng đường nhìn nhìn chói cả mắt.

    Thời trang nhiều khi theo không theo các nguyên tắc thẩm mỹ. Kiểu áo dài đến đầu gối đi với quần legging khiến dáng tầm thước của người Việt càng trở nên thấp hơn, chân càng ngắn hơn, váy ngắn cho thấy đôi chân vòng kiềng, thanh niên mặc áo lưới phô vóc ròm hay béo phì…

    Rất nhiều phụ nữ vẫn giữ thói quen mặc nguyên bộ đồ ngủ suốt đêm, sáng dậy đi chợ, đến trường đi họp phụ huynh cho con em, đi công viên, vào tiệm ăn sáng… Tại vì bộ quần áo đó may bằng hàng soie đâu có nhăn, mà hễ không nhăn thì trông vẫn tươm tất, có thể tha đi khắp nơi được

    Cũng bộ đồ bộ đó hay là áo hai dây, nhất là quần lửng cả nam lẫn nữ, xông xáo khắp nơi, vào lớp học, bệnh viện, cửa công…. Nếu chính mình không y phục chỉnh tề thì không thể kêu ca khách ngoại quốc cứ tự nhiên quần short, áo thung ba lỗ đi vào chỗ tôn nghiêm…

    Bởi ăn mặc là gốc con người, ăn mặc chính là biểu lộ mức độ văn hóa của con người vậy.

    SGCN

    Nguồn: https://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”