Vũ thế Thành

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Mê nhạc “sến"

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Mê nhạc “sến"






    • “Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu…”

      (Thu Sầu - Lam Phương)



    Hồi nhỏ tôi mơ làm… kép cải lương. Ước mơ “khủng” này không xuất phát từ giọng ca đầy “tiềm năng” của tôi mà đơn giản vì… tiền. Một thằng nhóc 8 - 9 tuổi mơ số tiền lớn cỡ cát xê danh ca Út Trà Ôn thì hơi không bình thường. Nhưng đó là nguyên nhân gần, chứ nguyên nhân sâu xa là tôi bị nhiễm cái máu giang hồ lục tỉnh.


    Coi cải lương thì tôi có cơ hội đi “ăn theo” mấy bà chị, nhưng xem xinê, dù xoay sở cách mấy tôi cũng đành phải coi… cọp. Tôi thường lê la ở rạp Văn Cầm gần cầu Kiệu, thấy anh chị nào quởn quởn là lẩn theo như em út vào xem ké. Giao du với đám nhóc gần đó, tôi cũng biết thêm vài mánh xem cọp, chẳng hạn chỉ cần mua một vé, một thằng vào trước, rồi lẩn ra góc rạp đưa vé đã xé cho thằng khác, có sẵn cái cùi vé vất đi, dán sơ sịa vào, rồi tỉnh bơ chìa cho ông soát vé vào rạp, rồi lại tiếp tục tuồn vé cho thằng sau…


    Trót lọt vài lần, tôi về xóm, họp bè bạn, hãnh diện tuyên bố trưa chủ nhật này sẽ dẫn chúng đi xem phim Ben Hur với chiếc vé… thần. Cả bọn hào hứng, bàn tán, và ngưỡng mộ. Buồn thay! Một thằng em với điệu bộ lúng túng của kẻ phạm tội lần đầu đã làm hỏng chuyện, không qua mặt nổi ông soát vé ngờ nghệch nhất. Thế là cả lũ bị điểm mặt từng tên, thất bại ê chề…


    Trưa chủ nhật nằm chèo queo trên căn gác gỗ, gặm nhấm nỗi hờn quê độ với bè bạn, ê ẩm cả người. Tôi vớ đại tờ báo Kịch Trường của bà chị, đọc qua loa để xua đi nỗi buồn. Mắt tôi chợt sáng lên khi đọc thấy tin Út Trà Ôn vừa ký công-tra ba bốn chục vạn gì đó với một gánh hát. Trời đất! Vé xi nê chỉ có 3 đồng, và như điện xẹt, tôi ư ử vài câu vọng cổ, rồi bỗng mơ mộng mình thành kép hát cải lương mà không cần biết hò xự xang xê cống ra sao, cũng chẳng cần biết giọng ca mình là cái thá gì. Có tiền, tôi sẽ bao cả bọn đi xem xi nê, không chỉ một lần mà nhiều lần, bao cả bè bạn bà con của chúng luôn, sẽ mua đậu phộng da cá mang vào rạp ăn vặt, mua cả hạt é, xi rô đá nhận để giải khát, … Cứ thế và cứ thế tôi chìm vào giấc ngủ trưa với giấc mơ hào hiệp.


    Cải lương dính dáng với tuổi thơ tôi như vậy đó, chẳng yêu chẳng ghét. ​Nó như một chiếc cầu nối để tôi mơ mộng nhiều thứ.


    Năm tháng trôi qua, ở cái tuổi xem xi nê không buồn vỗ tay nữa, tôi xoay qua nghe nhạc lãng mạn. Thời sinh viên ai chẳng uống cà phê nghe nhạc, mà nghe nhạc gì mới được. Phải là nhạc cổ điển, nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình, lời lẽ ẩn dụ, êm ái như thơ, … Cái gout nhạc ngon lành này đã vô tình (?) vạch ra một ranh giới mù mờ giữa cái gọi là nhạc “hàn lâm”, và phía kia là nhạc “sến”. Một đàng là của giới có học, thưởng thức điệu nghệ. Đàng kia của giới bình dân, lời lẽ giản dị, phơi bày, âm điệu dễ nghe, dễ hát, thường là điệu Boléro, Rumba, Habanera, …


    Chữ “sến” hàm ý chê bai diễu cợt một hình thức bày tỏ nào đó: “Thằng này ăn mặc“sến” quá!”, và người ta cũng có thể nói: “Thằng này ăn mặc “cải lương” quá !”. Theo cách hiểu đời thường, chữ “sến” đồng nghĩa với “cải lương”.


    Đụng tới “cải lương” là tôi thấy… phiền, dù sao đó cũng là ký ức của một thời hào hiệp. Nhạc sến và cải lương có quan hệ mật thiết, chẳng phải người ta nói là tân cổ giao duyên đấy sao! Tôi không yêu cũng không ghét cải lương hay nhạc sến. Nói đúng ra, hồi đó tôi mơ hồ thấy nhạc sến cũng không tệ, chỉ có điều không dám nói ra điều đó với ai.


    Những năm sau 75 lắm chuyện đổi đời. Một buổi khuya lạng quạng về nhà trong cơn say, tôi chợt nghe văng vẳng, giọng hát của ai đó:


    • “… Có người con gái buông tóc thề,

      Thu về e ấp chuyện vu quy…”.



    Bài hát đúng là sến, giọng hát cũng sến, nhưng đã làm tôi ngẩn người như vừa khám phá ra điều gì đó. Cái âm u kinh viện của đống sách triết học, chỉ muốn vói tay lên cõi trên, khiến tôi thờ ơ với chút tâm tư giản dị và hết sức đời thường của một thiếu nữ. Chợt nhớ đến đám bạn hồi đó bỗng nhiên ào ào lấy vợ lấy chồng để gọi là «thích nghi với tình thế», hay chờ ngày ra đi. Con hẻm nhỏ ngoằn nghèo còn đọng những vũng nước mưa. Như vừa thấm thía ra điều gì đó, tôi dừng chân dựa tường nghe đến hết bản nhạc: «… Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ, nỗi niềm đầy lại vơi, mỗi mùa tiễn đưa một người…». (Nỗi Buồn Gác Trọ – Mạnh Phát & Hoài Linh).


    "Nỗi Buồn Gác Trọ» làm tôi liên tưởng đến một bản nhạc khác (không nhớ tựa đề), lõm bõm vài câu thế này: «… Em biết thân em phận gái nghèo hèn, mà lỡ yêu thương ai rồi, cầm bằng như áng mây trôi… ». Chuyện tình tan vỡ vì thân phận giàu nghèo, giai cấp có đầy ở trong cuộc sống này, và nỗi đau được bày tỏ qua tiếng nhạc bằng ngôn ngữ đời thường dù hơi thiếu chất thơ một chút, thì liệu có nên lãnh đạm chỉ vì nó là nhạc sến?


    Nhạc Việt nhiều khi nghe hay là do ca từ. Ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn cứ ngắt câu chấm xuống hàng là thành bài thơ. Nhạc Việt có chất thơ, có vần có điệu, có lẽ do ảnh hưởng ca dao hay hát ả đào chăng? Vần điệu của ca từ có thể đưa đến ý, đến nhạc, để rồi vần điệu đẻ ra nỗi lòng, chứ chưa chắc nỗi lòng đẻ ra vần điệu. Sự trộn lẫn này khó bóc tách. Nếu nghe nhạc không lời, mà trước đó chưa hề biết lời của bản nhạc, thì nhạc Việt nghe hơi… khó một chút. Nhạc và lời cấu thành bản nhạc khó tách rời.


    Nhạc Tây hình như thiên về nhạc hơn lời, và không phải bản nhạc nào của Tây cũng có ca từ hay như bài Sacrifice của Elton John (lời B. Taupin) hay bản Papa của Paul Anka. Ca từ của nhạc Beatles hay Abba nếu dịch ra tiếng Việt thì nghe chán phèo, nhưng âm điệu của nó lại nghe rất hấp dẫn, chả thế mà nó được cả triệu triệu người trên thế giới ưa chuộng, hẳn là vì nhạc chứ không phải vì lời.


    Ca từ trong nhạc sến mộc mạc, giản dị, cũng trời trăng mây nước, nhưng không nhiều ẩn dụ, nghe là hiểu, khỏi cần suy đoán. Và trong tình huống cụ thể nào đó, những lời lẽ đơn sơ đó ngấm ngay vào tâm hồn người nghe, mà khỏi cần tưởng tượng hay suy diễn thêm cho phiền phức.


    Tôi được mời đi dự đám cưới. Chú rể là Việt Kiều, lúc đó trạc ngoài 40, không biết đã qua đò lần nào chưa, không tiện hỏi. Tôi bên nhà gái, nên vào bàn tiệc kính nhi viễn chi, ăn uống từ tốn, nói năng từ tốn cho phải phép. Tiệc cưới thì ồn ào, tưng bừng, hát hò,… khỏi nói. Cô dâu chú rể lăng xăng bàn này bàn nọ. Gần cuối bữa tiệc, những người ở bàn bên cạnh, chắc đều là bạn chú rể, đứng lên, nâng ly và hát, cả cô dâu chú rể cũng hát, không đàn không trống, họ hát theo nhịp cái muỗng gõ vào ly:


    • «…Một mai qua cơn​ ​mê,

      xa cuộc đời bềnh bồng tôi lại về bên em… ».



    Họ hát đồng ca, nhớ gì hát nấy, nương lời nhau mà hát. Tôi có cảm tưởng như một người trong cặp uyên ương này, hoặc cả hai, vừa vượt qua sóng gió nào đó để đi đến ngày hôm nay. Bỗng nhiên tôi thấy hào hứng buột miệng hát theo:


    • «…Tình người sau cơn mê vẫn xanh,

      dù bao tháng năm đau thương dập vùi…».



    Một kiểu cách chúc mừng đám cưới ý nghĩa quá! Lời ca giản dị, không công thức, không sáo ngữ, không một ban nhạc «hoành tráng» nào, và không một siêu ca sĩ nào theo kịp…


    Ngôn ngữ điêu luyện nhiều khi che đậy một cái gì đó không thực, không chừng gọi đó là «sến trí tuệ» cũng được.



    Thú nhận mình mê nhạc sến chẳng phải là chuyện dễ dàng. Cái sĩ diện (hão) của thằng tự cho mình là trí thức coi vậy chứ bự lắm. Có lần ngồi nhâm nhi cà phê với một bậc đàn anh, thuộc loại tài hoa, trí dũng song toàn, tôi buột miệng : «'Khi Người Yêu Tôi Khóc' của Trần Thiện Thanh nghe cũng không đến nỗi…». Ông huynh trưởng phán lạnh tanh: «Tớ không hiểu vì sao Sĩ Phú lại hát bản này». ​ ​Tôi… tịt ngòi. Miếng trầu đưa ra chưa kịp quết vôi, không có duyên để chia sẻ đề tài này. Câu chuyện cũng hơn 30 năm trôi qua rồi…


    Những năm sau này đi hát karaoke với bè bạn, tôi thường chọn nhạc sến. Bọn chúng dĩ nhiên chẳng bỏ qua cơ hội để xiên sỏ tôi. Tôi cũng… ngượng, mặc dù đã cố giải thích (để chữa thẹn) rằng, chẳng hạn «… Nếu vì tình yêu, Lan có tội gì đâu, sao vướng vào sầu đau…» là câu hay nhất của bài hát Chuyện Tình ​Lan Và Điệp.


    Thời gian làm tôi chai mặt, lì đòn hơn để khẳng định rằng mình thích nhạc sến, và cũng thời gian, khoảng hơn chục năm sau, tôi thấy bạn bè tôi, những kẻ từng «mỉa mai» tôi về nhạc sến, mỗi lần đi hát karaoke chúng lại chọn nhạc sến. Càng xỉn càng hát nhạc sến, hát không giấu diếm, hát say mê, hát như thể chỉ còn cá nhân chúng nó trên đời này. Hình như khi xỉn người ta quên mất mình đang mặc áo vest đeo cà vạt.


    Tôi chưa hề ngộ ra rằng nhạc sến hay. Đối với tôi, cải lương hay nhạc sến là cả một khoảng trời ký ức không thể chối bỏ, đã nằm sẵn đâu đó trong tiềm thức rồi, khỏi cần phải ngộ hay chưa ngộ. Nhạc hiệu của chương trình tuyển lựa ca sĩ mỗi sáng Chủ Nhật tại rạp Quốc Thanh: «Trời hôm nay thanh thanh, gió đưa cành mơn man tà áo… », đã lâu lắm rồi không nghe, mà sao vẫn nhớ, nhớ cả lúc đó mặc quần xà lỏn, cầm khúc bánh mì, vừa gặm, vừa nghe radio, vừa hát theo cơ mà… Thế thì việc gì phải úp úp mở mở, nửa phủ nhận, nửa thừa nhận. Đó là hành trình vượt qua nỗi… «sợ hãi », nói thẳng ra là vượt qua cái hèn, cái thể diện dỏm của một thằng trí thức dỏm. Không dám trung thực với chính mình không gọi là dỏm thì gọi là gì? Vấn đề là thời gian, sớm hay muộn công khai thừa nhận giá trị vốn có của nhạc sến. Như thế tôi vẫn còn thua xa những người thích nhạc sến từ thưở đầu đời cho đến hết… đời.


    Tình huống dưới đây là giọt nước tràn ly khiến tôi nhảy vọt qua nỗi «sợ hãi».


    Cách nay đã lâu, tôi đi dự đám tang của người thân. Đội kèn Tây được mời đến để thổi nhạc vào lúc di quan đã chơi bài Trở Về Cát Bụi của Lê Dinh. Bản này tôi đã nghe sơ sịa ở đâu đó rồi. Hôm đó ban nhạc đang chơi bỗng nhiên dừng thổi và cả chục tay nhạc công bỗng cất tiếng hát:



    • «… Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó.

      Trời đã ban cho, ta cám ơn Trời dù sống thương đau

      Mai kia chết rồi, trở về cát bụi giàu khó như nhau

      Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao…»



    Giọng hát ồm ồm của mấy ông thổi kèn nghe như tiếng loa trầm rách màng, vậy mà tôi nghe như mới, nghe như nuốt từng lời, tưởng như người quá cố đang tâm tình với mình trước giờ vĩnh biệt:


    • «… Người ơi xin nhớ cát bụi là ta, mai này chóng phai…».



    Trịnh Công Sơn cũng có bản nhạc Cát Bụi với lời lẽ hoa mỹ đầy tính triết học hơn nhiều, nhưng tôi phải thu hết can đảm để thú nhận rằng, bài Trở Về Cát Bụi của Lê Dinh đã thấm vào người tôi nhiều hơn. Bây giờ nghe lại, vẫn thấy phê, vẫn thấy gần gũi trong từng cách ứng xử của đời người.


    Người thích nhạc sến cũng nhiều, người xem thường nó cũng không ít, dù ngấm ngầm không nói thẳng ra.



    Nhưng cho dù thế nào, có một đề tài không ai dám cà khịa xem thường, đó là những bản nhạc nói về mẹ. Mấy bà mẹ đơn giản như dòng sữa, là lời ru, bóng mát, là vườn rau, trái dừa,… Nói triết lý cao siêu quá mấy bà mẹ không hiểu, mà có hiểu cũng không thấy thoải mái, vì lòng mẹ đầy bản năng, đơn sơ như con gà mẹ xù cánh cho lũ gà con ẩn nấp trước diều hâu. Bài Lòng Mẹ của Y Vân, vì vậy vẫn được xem là bản nhạc về mẹ kinh điển được mọi người ưa thích, kể cả những… bà mẹ cũng thích bài đó, chứ chưa hẳn đã là Huyền Thoại Mẹ hay Ca Dao Mẹ của TCS.


    Hãy nghe một anh chàng xa nhà, Tết không về quê được, nhớ mẹ thế này:


    • «… Giờ đây chắc mẹ già tóc bạc nhiều

      Sớm chiều vườn rau vườn cà,

      Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai? … »

      (Mùa Xuân Của Mẹ - Trịnh Lâm Ngân)



    Nghe cái giọng rên rỉ là biết thằng con này… dóc tổ. Y mà có về được, ôm bà già một cái, trình diễn cái màn quét nhà, rồi thì mắt trước mắt sau lẻn đi chè chén với chúng bạn. Y mà có bạn gái nữa thì coi như xong… Biền biệt ! Mà bà mẹ cần gì điều đó, thấy thằng con về là mừng quýnh lên, rờ tay rờ chân nó, thấy còn lành lặn đầy đủ là thiếu điều vái Trời vái Phật rồi, trông mong gì thằng con rớ tới vườn rau vườn cà…


    Không về được thì thằng con hứa hẹn tiếp:

    • «… Dẫu gì rồi con cũng về

      Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi…»



    Tâm sự của thằng con nghe thật sến, thật não lòng, mà sao như tìm thấy tâm trạng của chính mình trong đó…


    Mẹ tôi mất. Năm ngoái là cái Tết đầu tiên không có bà. Căn nhà ở Sàigòn quá nhiều ký ức quen thuộc làm tôi… ngại. Giao phó hết việc nhà, tôi chuồn lên nhà Đà Lạt một mình. Tết nhất khỏi đi thăm khách và cũng khỏi tiếp khách, nằm nhà đọc sách cho khỏe.


    Tối giao thừa, một đĩa trái cây, vài cành hoa ngắt dưới vườn, thắp nén nhang trên bàn thờ mẹ… Thế là đủ.


    Tôi mở nhạc, nhâm nhi ly rượu vang đón giao thừa. Cũng chỉ là những bản nhạc xưa thôi, có bản nghe quen, có bản lâu lắm rồi mới nghe lại, và đến bản Đường Xưa Lối Cũ:


    • «… Đường xưa lối cũ,

      có tiếng tiêu,

      tiếng tiêu ru lòng ai…».


    Bà ca sĩ Kim Anh này cũng lạ, càng già giọng hát càng ấm, càng buồn… Bài hát này của Hoàng Thi Thơ có đoạn:



    • «…Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng,

      Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về,

      Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời

      Không lời từ ly cuối cùng trước khi phân kỳ…»



    Ở đoạn chuyển khúc kế tiếp:


    • «… Chạnh lòng thương nhớ, những phút xưa,… »



    Hai chữ "chạnh lòng..." bỗng dưng chùng xuống, thả ra thật nhẹ, nhẹ như hơi thở… đã làm «người hùng» ngã ngựa: nước mắt rơi đêm giao thừa.


    Ca sĩ Hương Lan, trong một cuộc phỏng vấn về nhạc sến đã bực bội : «…Cũng như từ “cải lương” vậy, đó là một loại hình nghệ thuật, sao mọi người có thể tùy tiện sử dụng mỗi khi muốn chê cái gì đó (sao sến quá, sao cải lương quá).​ ​Tôi xem đó là sự chọc ghẹo, coi thường và nhục mạ rất tệ hại, nếu không nói là vô văn hóa… ».


    Bà Hương Lan à, xin đừng nóng… Nhạc sến hay cải lương hiểu theo nghĩa tốt đẹp thì nó vẫn tốt đẹp. Nhạc sến cũng như nhạc «hàn lâm», có bài hay, có bài không hay, tùy theo cảm nhận của mỗi người.


    Nhạc sến là vậy đó, nhưng ca sĩ sến thì lại khác. Ca sĩ sến cho dù có hát nhạc «hàn lâm» thì vẫn là… sến (thứ thiệt), khi mà giọng hát phải cố gào thét cho khàn ra. Cung cách giả tạo như thế không thể bày tỏ cho nỗi lòng thực. Tương tự, Dạ Cổ Hoài Lang mà được hát với giọng opéra thì chắc trời… sập. Chưa ai qua nổi Hương Lan với giọng hát da diết ở bản nhạc này cả.


    Dạo gần đây một số bậc thức giả đã đánh giá nhạc sến một cách tích cực hơn, ra cái điều thông cảm với quần chúng đám đông, nhưng vẫn chỉ là cái nhìn từ trên xuống. Xin lỗi! Nhạc sến có giá trị riêng của nó, mà không cần đến bất kỳ một chiếu cố nào cả. Âm nhạc cần có sự đồng cảm, từ người sáng tác, người chơi nhạc, người hát và người nghe. Một khi bắt nhịp được với lời ca tiếng nhạc của nhau, thì sự chia sẻ có thể bắt đầu.


    Âm nhạc là món ăn tinh thần, vấn đề là có hợp khẩu vị hay không mà thôi. Gà tây nhúng sữa, kẹp phô mai đút lò chắc gì đã bắt mồi hơn cá lóc nướng trui?


    Vũ Thế Thành




    Nguồn: http://www.banvannghe.com
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Bồ đào mỹ tửu… pha lê bôi

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Bồ đào mỹ tửu… pha lê bôi



    Rượu bồ đào đựng trong chén ngọc phát sáng về đêm (dạ quang bôi) đẹp đến cỡ nào thì chưa thấy, nhưng rượu vang (đỏ) đựng trong ly pha lê thì lóng lánh, tuyệt vô cùng! Đó là chưa kể, âm thanh cụng ly nghe trong trẻo êm tai, khác xa tiếng đàn tì bà phá đám, chưa kịp nhấp môi đã dục tửu sĩ lên ngựa. Nhưng hàng pha lê nào cũng có chì với hàm lượng cao. Chì sẽ thôi vào trong rượu. Chẳng lẽ cái đẹp của ly rượu lóng lánh, êm tai lại hẩm hiu đến thế sao?




    Thủy tinh nấu chảy từ cát (silica). Nhiệt độ làm nóng chảy cát rất cao, nên phải trộn thêm với những chất khác như đá vôi, carbonate potassium hoặc sodium,… để làm hạ nhiệt độ chảy (chất trợ dung). Ngoài ra, có thể trộn thêm những oxid khác để thủy tinh có thêm đặc tính mong muốn, như tăng độ bền nhiệt, bền hóa, chống ứng lực,…

    Tới thế kỷ 17, người ta mới bắt đầu thêm oxid chì để nấu thủy tinh, và thế là tạo ra pha lê. Bản thân oxid chì cũng là chất trợ dung rất tốt.

    Không phải thủy tinh nào có chì cũng được gọi là pha lê.



    Uống rượu trong ly pha lê thì không sao, nhưng đựng rượu trong bình pha lê năm này tháng nọ,
    thì chì sẽ thôi vào trong rượu


    Pha lê có chỉ số khúc xạ cao hơn thủy tinh (thường) nhiều, nên mức độ phản chiếu lấp lánh rất đẹp. Nếu pha lê được tạo hình có những góc cạnh, thì độ lấp lánh càng tuyệt. Chì có khối lượng nguyên tử cao, nên khối lượng riêng của pha lê cao hơn thủy tinh, khi cụng ly phát ra âm thanh trong trẻo và thanh.

    Thực ra, pha lê (crystal) cũng chỉ là một dạng thủy tinh (không tinh thể), nhưng không hiểu vì sao người ta lại dùng chữ crystal, có nghĩa là tinh thể, để chỉ pha lê.

    Nói tới pha lê thì dứt khoát phải là thủy tinh chì. Hàm lượng chì càng cao thì đặc tính của pha lê (độ lấp lánh, khúc xạ, tiếng kêu…) càng thể hiện rõ. Lượng chì ở pha lê có thể lên tới 40%. Để tránh nhập nhằng, Châu Âu quy định, chỉ thủy tinh có hàm lượng chì (quy thành PbO) trên 24% mới được gọi là pha lê chì (lead crystal). Còn thủy tinh dưới 24% chì được xem là hàng nhái pha lê (crystallin), và phải ghi trên nhãn đúng như thế.

    Trên thị trường cũng có loại pha lê không chì, thay vì dùng chì, người ta dùng oxid barium và oxid kẽm thay thế. Đây cũng là loại pha lê nhái, gọi là crystal glass. Loại này nhẹ hơn và có chỉ số khúc xạ, âm thanh cụng ly không bằng pha lê thiệt.

    Đằng sau vẻ đẹp…

    Thực phẩm lỏng, nhất là loại có tính acid như đồ chua, nước trái cây, nước ngọt làm chì thôi ra từ ly pha lê. Rượu vang đỏ, vang trắng, rượu mạnh các loại cũng thế. Con số do Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA- Mỹ) đưa ra, rượu vang porto (20 độ) đựng trong bình pha lê sau 2 ngày, mức chì đo được 89 microgram (phần triệu). Sau 4 tháng, con số này là 2.000 – 5.000. Rượu mạnh (brandy) sau 5 năm thôi ra 20.000. Thôi ra nhiều hay ít còn tùy hàm lượng chì cao thấp trong ly/bình pha lê.

    Hàm lượng chì quy định trong nước uống tối đa là 50 microgram.

    Chì vào cơ thể sẽ đi theo đường máu đến các mô mềm như não, gan, thận, nhưng chủ yếu “định cư” lâu dài ở xương và răng. Khi cơ thể suy yếu do tuổi tác, có thai, gãy xương,..thì chì được phóng thích trở lại vào máu, đến các mô mềm, và “ngấm” vào thai nhi, nếu đang có thai.

    Ngộ độc chì không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. Triệu chứng giống như bị cúm: nhức đầu, ăn không ngon, mệt mỏi, đau khớp, đau bụng, ói mửa,… Phơi nhiễm liên tục với hàm lượng thấp, thì hệ thần kinh bị ảnh hưởng (dễ quên, trầm cảm, thiếu hồng cầu, rối loạn tâm thần và thể chất). Với lượng cao hơn, dễ bị rủi ro sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc vô sinh (đàn ông).

    Thai nhi và trẻ em rất nhạy với ngộ độc chì. Chỉ cần hàm lượng nhỏ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất (thai nhi), gây hiếu động thái quá, khả năng tiếp thu kém. Ngộ độc nặng hơn thì hư thận, hại não, hôn mê và tử vong.

    Cổ lai “ẩm tửu” kỷ nhân hồi?

    Bà bầu, con nít nên tránh xa hàng pha lê, cả thiệt lẫn nhái cho chắc ăn. Cũng lưu ý, đồ chơi trẻ em có khá nhiều chì, nhất là đồ chơi Trung quốc. Thêm nữa, các chén tô dĩa sứ kiểu màu mè hoa lá, nhất là màu đỏ, vàng đều có chứa chì. Người ta dùng men nhẹ lửa (frit chì) để trang trí hay viền ở đồ sứ.

    Với mấy tay nhậu, rượu ngon mà không có ly đẹp thì còn gì…lãng mạn. Xin cứ tự nhiên “Bồ đào mỹ tửu pha lê bôi”, chẳng có gì phải…hãi. Theo con số của cơ quan an toàn Canada, lượng chì thôi ra từ ly pha lê vào rượu trong thời gian bữa ăn chưa quá 0,2 ppm (=0,2 microgram). Chẳng nhằm nhò gì so với uống nước (50 microgram/lít max). Uống rượu trong ly pha lên tuyệt đối an toàn, nhưng đừng chơi…đắp mô cả mấy tiếng đồng hồ thì hơi khó coi.

    Các ly (có chân) mà các công ty rượu khuyến mãi, hay bày bán ở siêu thị chỉ là thủy tinh kiềm, nếu có chì, thì hàm lượng rất ít, mục đích để thủy tinh có độ mềm thích hợp, dễ tạo hình hơn thôi. Hàng pha lê xịn, phải vào cửa hàng chuyên bán đồ pha lê, mà cũng phải thận trọng kẻo đụng hàng nhái

    Dĩ nhiên, không nên đựng rượu trong bình pha lê năm này tháng nọ, nếu không muốn số phận vận vào câu thơ cuối (thơ nhái) trong bài Lương Châu Từ: “Cổ lai ẩm tửu kỷ nhân hồi”.


    Vũ Thế Thành


    Nguồn: https://vuthethanh.com

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Dục ẩm tì bà mặc kệ thôi

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Dục ẩm tì bà mặc kệ thôi



    Tôi khoái rượu vang, dù không phải là dân sành điệu, tinh tế giống nho, sóng sánh hít hà, vang trắng hải sản, vang đỏ thịt bò,… Nhưng uống rượu luôn luôn chịu thử thách của cái gọi là“áp lực nội bộ”. Rượu vang đã xử đẹp những càm ràm phản khoa học này, khi nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng, chất resveratrol trong rượu vang có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch, béo phì, ung thư, tiểu đường, và alzheimer.


    Thần tửu bồ đào resveratrol?


    Túy ngọa “thượng sàng” quân mạc tiếu


    Rượu vang đỏ là rượu bồ đào, một loại mỹ tửu thưở xưa, nhưng tính thần tửu của rượu vang mới chỉ được khám phá ra đây thôi, và được giải thích là do chất resveratrol, một trong những chất chống oxýt hóa (antioxidant) nhóm polyphenols có nhiều trong vỏ và cuống trái nho.

    Vang đỏ có nhiều resveratrol hơn vang trắng là do cách chế biến. Trái nho được cà xát, rồi lọc nước ra nước, cái ra cái, sau đó cho lên men. Nếu dịch lên men có cả vỏ nho sẽ cho ra vang đỏ.

    Lượng resveratrol có trong vang đỏ từ 0,2 – 5,8 mg/lít. Nhiều ít còn tùy giống nho và cách chế biến (thời gian tiếp xúc lâu với vỏ nho). Giống nho muscatel ở Bắc Mỹ có thể cho rượu vang có hàm lượng resveratrol tới trên 40 mg.

    Resveratrol được phát hiện đầu tiên vào năm 1940, không phải từ nho mà từ rễ của các loài cây hellebore, và sau này vào năm 1963 từ rễ cây chút chít (knotgass) ở Nhật. Nhưng resveratrol chỉ trở nên “hot” từ năm 1992 khi rượu vang được cho là giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Đích thị là do resveratrol chứ còn gì nữa. Từ đó thiên hạ xúm nhau nghiên cứu về resveratrol.

    • .Với bệnh tim, resveratrol giúp làm giảm viêm, làm hạ cholesterol xấu (LDL), và tăng cholesterol tốt (HDL), chống đông tập tiểu cầu làm hình thành các cục máu đông gây những cơn đau tim.

      .Resveratrol còn ngăn ngừa việc kháng insulin, là yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường.

      .Resveratrol hoạt hóa gene SIRT 1, một cơ chế sinh học bảo vệ cơ thể chống lại các hiệu ứng có hại của chứng béo phì và các bệnh tuổi già.

      .Resveratrol còn bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi hư hỏng và tránh đóng vữa (plaque), có thể dẫn đến bệnh alzheimer.

      .Chưa hết, reseveratrol còn có khả năng xuyên thẳng vào nhân tế bào, giúp DNA sữa chữa những hư hỏng do các gốc tự do gây ra, nếu không sẽ dẫn đến ung thư. Resveratrol còn hỗ trợ hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư.



    Chuột là người hay người là… chuột?

    Các nhà khoa học chân chính thường… hẹp hòi. Khi nghiên cứu về độc tố, họ xem chuột là người, nhưng với chất nào tử tế một chút, như resveratrol trong rượu vang chẳng hạn, thì họ xem chuột chỉ là chuột.

    Hầu hết các nghiên cứu về tính thần dược của resveratrol đều làm thí nghiệm trên thú vật, chủ yếu là chuột, và giới khoa học lạnh lùng phán: resveratrol tốt cho chuột, nhưng không đủ bằng chứng tốt cho người, và uống rượu cũng chẳng hay ho gì. Rõ ràng họ có thành kiến với rượu và kỳ thị…chuột.

    Sự kỳ thị chuột không phải là không có lý. Ngăn chặn kháng insulin kiểu nào không biết, nhưng nhiều người bị tiểu đường type 2, chỉ cần chiêu 2 ngụm rượu vang đỏ (cỡ 100 ml), thì sáng hôm sau lên đường (huyết) ngay.

    Một phũ phàng khác, các thí nghiệm trên chuột đều sử dụng resveratrol liều cao mới được kết quả tốt đẹp như thế. Nếu tính qua cho người, phải cần tới hơn 2.000 mg resveratrol, hay phải uống tới… 1.000 lít rượu vang mỗi ngày mới đạt liều tương đương. Coi như tuyệt vọng với resveratrol!

    Những người không tuyệt vọng

    Đó là các nhà khoa học thực phẩm…chức năng và cộng sự. Đối với họ, cái gì tốt cho chuột đều tốt cho người. Cái gì mơ hồ đều là có thể. Cái gì có thể nghĩa là chắc chắn. Thực phẩm (chức năng) chứ có phải dược phẩm đâu mà ngán.

    Họ chiết xuất resveratrol từ cây chút chít và chế ra các viên bổ sung resveratrol từ 200-500 mg. Giới y học chưa dám khuyên nên dùng mấy viên này. Lợi ích còn mơ hồ, nhưng hiệu ứng phụ đã được nhìn thấy, chúng có thể tương tác với các loại thuốc làm loãng máu như wafarin, hoặc các loại thuốc chống viêm non-steroid như ibuprofen, làm tăng nguy cơ chảy máu.

    Hợp lòng dân nhậu và bồ đào liệu pháp

    Viện Nghiên cứu Y học Pháp (INSERM) năm 2002 đã làm nghiên cứu “tập thể” với những tay “bợm” từ 35 –65 tuổi ở Toulouse, vùng nổi tiếng về rượu vang của Pháp. Kết quả cho thấy, những người uống rượu vang đỏ đều đều, mỗi ngày cỡ chừng hơn 1 xị (khoảng 300 ml), thì hàm lượng cholesterol tốt (HDL) trong máu cao hơn so với những người không uống rượu. Cả omega-3, một loại acid béo tốt cho tim mạch cũng cao hơn. Các nhà khoa học gọi đây là nghịch lý dân Tây (French paradox).

    Trong rượu vang, ngoài resveratrol còn nhiều chất có hoạt tính sinh học và chất chống oxýt hóa khác và điều đó đem lại ít nhiều lợi ích, chứ không chỉ xâm soi vào resveratrol. Dĩ nhiên còn nhiều nghiên cứu khác hỗ trợ cho lợi ích “thần thánh” của rượu vang, như của giáo sư Marty Mayo (University of Virginia Health System), hay nghiên cứu của Martin Wabitsch, giáo sư Đại học Ulm (Đức), và còn nhiều nhiều nữa…

    Thiệt là những nghiên cứu thuận ý Trời và hợp lòng dân… nhậu.


    Ai ngập ngụa hơn ai?


    Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) “cay cú” thừa nhận điều này, nhưng nói thêm, tập thể dục và ăn kiêng giảm cân cũng làm giảm nguy cơ tim mạch. Họ không quên cảnh báo, uống rượu nhiều làm tăng mỡ trong máu, dẫn đến béo phì và áp huyết cao.

    Chưa hết, rượu vang còn được phát triển để làm da dẻ mịn màng, gọi là “bồ đào liệu pháp” (vinotherapy). Làm đẹp thì mấy bà tít mắt lên rồi. Nhẹ đô thì lấy nho cà, hay hèm rượu vang xát da. Nặng đô thì pha rượu…tắm. Rượu để nhâm nhi, lại đem dốc ồng ộc vào bồn tắm. Ai ngập ngụa hơn ai?

    Nỗi lòng thần tửu

    Phiền nỗi, uống rượu lại chẳng ai ưa. Các nhà khoa học (dở hơi) không ưa đã đành, cái kiểu “áp lực nội bộ” mới sinh chuyện. Họ có quyền năng biến những gì vô lý thành…chân lý, và ngược lại. Thuyết phục mấy cái đầu ngoan cố đó bằng chân lý là điều bất khả.

    Uống rượu điều độ, uống chút chút mới có lợi, các nhà khoa học khuyên thế. OK, chút chút là bao nhiêu? Cái này thì khoa học bất đồng, người nói 50 ml, người bảo 70 ml. Nhưng dựa trên cơ sở nào để tính toán ra 50 hay 70? Mấy ổng nín khe. Các nhà khoa học (rất tử tế) ở Mayo Clinic, một cơ sở phi lợi nhuận nghiên cứu và điều trị nổi tiếng ở Mỹ, đưa ra con số 148 ml, cỡ 2/3 xị (quy đổi hơi ăn gian một tí). Đó là con số lớn nhất mà tôi lục lọi được. Cái đầu của các nhà khoa học thường rất hà tiện, không thể kì kèo thêm được nữa. Mà thú thiệt, tôi cũng không biết Mayo Clinic tính toán thế nào lại ra con số đó. Đây là đang nói về rượu vang, 13 – 14 độ cồn, chứ không phải rượu đế, Mao Đài, Vodka, Chivas,.. đâu nghe mấy ông thần.

    Sau cùng, tôi muốn dẫn lời của David Crabb, giáo sư đại học Y khoa Indiana (Indianapolis), rượu vang đỏ chỉ tốt cho những người cao tuổi, có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao. Còn thanh niên, rượu có thể làm họ bị đụng xe trước khi bị…tim mạch. Các bạn trẻ nên lưu ý điều này.

    Ngày xuân nhâm nhi vài ly rượu vang (2/3 xị max) là hình ảnh…đẹp. Túy ngọa “thượng sàng” quân mạc tiếu, chưa say cũng phải giả say. “Áp lực nội bộ” mới là điều tệ hại. Cứ cằn nhằn, không khéo “người ta” lại chết vì stress, trước khi chết vì…xỉn.


    Vũ Thế Thành


    Nguồn:https://vuthethanh.com

              
Bài viết: 769
Ngày tham gia: Thứ sáu 12/06/15 21:02

Re: Dục ẩm tì bà mặc kệ thôi

Bài viết bởi »

Cám ơn chị BV đã rinh về.

Đọc thấy có lý quá nên tính bỏ nàng vodka để quay qua nàng Bồ Đào cho nó lành.
Vì cù lét của tôi lâu nay ngất ngưởng cao và tim mạch như cũng xôn xao có điềm ... không lành :D

Chị Lú ơi, như là chị rất rành về rượu nho vậy chị chỉ giáo cho tư biết một vài tên tuổi uống được nhưng bình dân thôi nha chị vì tư là cái bang đặng tư mua về nhâm nhi.
Mẹt xi chị.

Hình ảnh
Search trên net thì thấy có mấy chai này làm ở Niagara giá từ 10 ~ 13 tì bữa nào rảnh rinh về uống.
Tự dưng ngẫm nghĩ phải chi ở cạnh nhà cô láng giềng nào thích làm rượu vang cái mình xách hũ sang cái bang.
Last edited by on Chủ nhật 19/02/17 22:59, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Dục ẩm tì bà mặc kệ thôi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

tư ngựa đã viết:...
Tự dưng ngẫm nghĩ phải chi ở cạnh nhà cô láng giềng nào thích làm rượu vang cái mình xách hũ sang cái bang.
  • .. :lol2: :allright: ..
          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Con gái Hà Nội ở đâu?

Bài viết bởi Bạch Vân »

  • Con gái Hà Nội ở đâu?



    Mẹ tôi nể phục mấy cô gái Hà Nội lắm. Dưới con mắt của người nhà quê ra Hà Nội làm việc vặt, bà thấy các thiếu nữ nơi đây ứng xử khôn khéo, nói năng lễ độ, và khuôn phép lắm. Đó là chưa kể thêu thùa may vá, nữ công gia chánh,… Nói chung là đảm. Mỗi khi thấy mấy cô Sài Gòn tân thời quá, tự nhiên quá, bà lại chép miệng, con gái Hà Nội đâu có thế. Bà nói riết, nói riết…, khiến tôi ngờ…bà muốn thằng con của bà nên đi tìm một thiếu nữ Hà Nội.

    Nhưng thế giới của tôi lại khác. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Sài Gòn, bạn bè Sài gòn, trong đầu tôi, nếu có, cũng chỉ là con gái Sài Gòn cho hợp… thủy thổ.

    Mà con gái Bắc (di cư 54) hồi đó gớm lắm, vờn qua vờn lại, làm duyên, đá lông nheo, õng ẽo làm điêu đứng con trai Nam Kỳ đến là khổ. Một thanh niên xứ Biên Hòa đã phải cay đắng thế này:

    • “ Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc

      Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền,

      Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang,

      Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt…”


    Tôi không có ý kiến gì về bài thơ trên, mà cũng chẳng dại gì có ý kiến. Mấy bà mấy cô Bắc Kỳ đọc bài thơ trên có nổi cơn tam bành rủa xả, thì chắc cũng chỉ mình rủa mình nghe thôi, chứ tác giả, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chết rồi, chết trong một chiếc xe hơi cũ kỹ ở sân chùa bên California.

    Dù sao cũng nên đọc tiếp thêm vài câu nữa mới thấy “cảm thương” cho tác giả:

    • “…Ta vẫn nhớ dặn dò lòng tha thiết,

      Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ

      Nên yêu đương bằng gương mặt khờ khờ

      Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt…”


    Những ngày sau 75, trên tivi Sài Gòn là những đoàn quân “chiến sĩ gái”, bước theo nhịp quân hành, chiếu cận cảnh với đôi mắt rực lửa căm hờn, giọng nói lanh lảnh. Cảm giác đầu tiên của tôi với các cô gái Bắc Kỳ (thứ thiệt) là…ớn lạnh. Tôi cười, “Đấy con gái Hà Nội của mẹ đấy…”. Bà cụ lại thở dài, chép miệng… “Hồi trước đâu có thế…”.

    Dĩ nhiên, mẹ tôi không thể phát hiện cái trò đánh lận rẻ tiền của thằng con, tỉnh bơ xem tất cả các cô Bắc Kỳ đều là các cô Hà Nội.

    Thực ra trong đầu tôi cũng có một chút gì đó mơ hồ về con gái Hà Nội. Biết tả thế nào nhỉ! Có thể là hình ảnh dịu dàng đằm thắm của cô Liên trong Gánh Hàng Hoa, hay thiếu nữ tân thời một cách bảo thủ, không sao thoát ra khỏi vòng lễ giáo của cô Loan trong Đoạn Tuyệt. Tôi cảm được nỗi cô đơn của Loan khi thả bộ trên bờ đê Yên Phụ,… Đại loại là tôi đã nhìn thiếu nữ Hà Nội qua lăng kính của những tiểu thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi được học thời trung học.



    Cũng chẳng dừng ở đấy đâu. Khi đọc “Tuấn, chàng trai nước Việt”, một thứ tiểu thuyết hồi ký của Nguyễn Vỹ, tôi biết thêm rằng, các cô nữ sinh Hà Nội cũng lãng mạn ra rít. Họ kín đáo lập ra hội “Ái Tino”. Tino Rossi là ca sĩ người Pháp lừng danh thưở đó, và là thần tượng của vô số thiếu nữ, chẳng riêng gì thiếu nữ Hà thành. Cái “hội” kín đáo, chỉ lèo tèo dăm ba cô thế thôi, nhanh chóng tan hàng, và rồi mạnh ai người nấy tam tòng tứ đức, xuất giá tòng phu, công dung ngôn hạnh… Cái “lãng mạn tân thời” chỉ là đóm lửa, và họ nhanh chóng quay lại với sự thanh lịch, nề nếp theo giáo dục của gia đình.

    Năm 1980, lần đầu tiên tôi ra Hà Nội công tác. Anh bạn đồng nghiệp trạc tuổi, tốt nghiệp từ Đông Đức, chở tôi trên chiếc Simson lòng vòng Hà Nội. Nơi đầu tiên tôi muốn ghé thăm là phố Khâm Thiên. Anh bạn tròn xoe mắt, “Làm gì còn hố bom mà ghé thăm”. Tôi chợt hiểu vì sao anh bạn ngạc nhiên, nhưng không thể giải thích. Môi trường giáo dục trong Nam ngoài Bắc khác nhau.

    Cái máu phóng đãng đã dẫn tôi đến phố Khâm Thiên, chứ không phải bom rơi đạn lạc ở đó. Đến, dù chỉ để nhìn vài căn nhà xiêu vẹo, cũng thỏa đôi chút tò mò về một thời vang bóng. Phong lưu tài tử giai nhân, đúng, nhưng không phải cách phong lưu của Vân Hạc trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố. Anh chàng Vân Hạc khi chờ kết quả thi, ra vào chốn ả đào để vui say bè bạn, để trấn an nhau, để bốc nhau, để chờ ngày bảng vàng ghi tên.

    Tôi nhớ đến kiểu cách phong lưu của Cao Bá Quát, một tay chơi thứ thiệt, khi làm sơ khảo trường thi, tiếc bài thi hay mà phạm húy, đã dùng muội đèn để sửa. Việc lộ, bị kết án giảo giam hậu, ông phải đi dương trình hiệu lực, nghĩa là đi làm phục dịch cho phái đoàn đi công tác nước ngoài. Con người tài hoa này, mang theo nỗi cô đơn đến phố ả đào giải sầu bên chén rượu, làm vài bài hát nói, đào nương hát, mình gõ nhịp…

    • “Giai nhân nan tái đắc

      Trót yêu hoa nên dan díu với tình

      Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh

      Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ…”


    Cũng lần đầu ở Hà Nội, buổi chiều chập choạng tối, lang thang ở phố Huế, tôi thấy một bà đi xe đạp ngược chiều, bị cảnh sát ngoắc lại. Bà năn nỉ thông cảm? Không. Bà phân bua? Không. Bà cãi tay đôi với cảnh sát rằng, nhất định mình đúng. Lương và nhu yếu phẩm phân phối còn không đủ sống, đâu dễ gì chịu nộp phạt. Đôi co với nhau mà cả hai vẫn một mực xưng hô…đồng chí. Tôi phì cười. Hà Nội có những điều không nằm trong trí tưởng tượng của một người Sài Gòn, lần đầu ra Hà Nội như tôi.

    Bây giờ, Hà Nội khác xa rồi. Hà Nội nhiều nhà cao tầng, cầu vượt. Hà Nội nhiều xe hơi hơn, Hà Nội giàu hơn. Hà Nội không còn những cảnh cãi tay đôi với cảnh sát buồn cười như thế nữa. Hà Nội văn minh hơn, nhưng có thể họ phải “cãi tay đôi” với chính mình, khi mà còn những cảnh thanh niên thiếu nữ “ à la mode” hái hoa, giẵm hoa bẻ cành để chụp ảnh, hay gào thét tung hô thần tượng minh tinh Hàn Quốc. Đó là chưa kể bún mắng cháo chửi, rải rác vẫn còn đâu đó. Thương hiệu chăng? Tôi chịu! Ăn ngon mà nghe chửi, thôi thà ăn độn dễ nuốt hơn.

    Tôi có bà bạn già (hơn tôi) là dân Hà Nội mấy đời. Cha bà là một trong số rất ít người xong bậc đại học thời Tây. Sau 54, nhà đông con, xoay sở không nổi, ông bố định cho 2 đứa con lớn tạm nghỉ học, đi làm rồi học bổ túc sau. Nhưng bà mẹ thì không, nhất quyết không. Bà đến gặp ông bà bác sĩ nhà bên mượn…tiền để các con tiếp tục ăn học. Họ cùng ở trong thành như bà, không vướng bận con cái, còn chút của ăn của để, đồng ý cho vay tín chấp, một thứ tín chấp tình người, thời nay khó tìm. Tôi hiểu ra, dân trí thức Hà Nội xưa có kiểu chơi “chẳng giống ai” (lúc này). Họ kín đáo giúp đỡ nhau trong những tình huống khắc nghiệt. Trong họ dường như chất “nhân” và lòng tự trọng được rèn luyện qua giáo dục, giấy rách phải giữ lấy lề. Mực đen và bão tố không thể vấy bẩn hay phá sập. Những năm sau 75, trong Sàigòn tôi cũng thấy vài trường hợp như thế.

    Bà bạn (già) này, về chuyên môn, thì kiến thức mênh mông chứ chẳng vừa. Ăn nói nhẹ nhàng, nhưng quyết liệt khi cần. Vậy mà cư xử thì cứ dạ dạ,..cám ơn. Bà nói chuyện với tôi cũng thế, cũng dạ dạ,..cám ơn. Tôi cười, sao chị khách sáo thế. “Không phải đâu, tôi được giáo dục trong nhà từ nhỏ như thế. Các anh chị em tôi cũng đều như vậy chứ chẳng riêng tôi. Hồi đi học, chỉ vì dạ dạ…cám ơn mà chúng tôi bị phê bình là tiểu tư sản. Ông bà cụ dạy con nghiêm khắc lắm. Tôi là con gái, đi học về là phải tập tành bếp núc, ăn trái chuối là phải bẻ đôi. Ở trường là chuyện khác, còn về nhà là đâu ra đó, vào khuôn phép.”. Tôi cũng nhận ra sự “khách sáo chân thành” của bà, chứ không phải khách sáo đãi bôi.

    Dạo sau này, vì công việc tôi thường ra Hà Nội. Đi ăn hàng với bè bạn ở đó thì không sao, nhưng hễ đi một mình là bị chặt (giá), dù chỉ là chai nước tinh khiết, 10.000 đồng ở quán ven đường phố cổ. Bị chặt riết thành quen. Tôi nhủ thầm, lần nào ra Hà Nội mà không bị chặt coi như trúng số.

    Dù tôi cũng có vài người bạn thân ở Hà Nội, nhưng giữa tôi và Hà Nội, dường như vẫn còn khoảng cách nào đó. Tôi đến Hà Nội như một kẻ xa lạ, đến như đi nước ngoài không cần visa.

    Sài Gòn dễ hội nhập. Cứ ở Sài Gòn là thành người Sài Gòn. Chưa thấy mình là người Sài Gòn, ở lâu thêm chút nữa cũng biến thành người Sài Gòn. Sài Gòn đồng hóa con người nhanh lắm.

    Nhưng Hà Nội có lẽ khác, người ta đồng hóa Hà Nội như vũ bão, đồng hóa cạnh tranh từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra một văn hóa Hà thành hiện đại khó mô tả. Còn người Hà Nội (thứ thiệt) đành phải co cụm, khép kín, và giáo dục con cái theo cách riêng của họ để bảo tồn…di sản. Giáo dục từ gia đình mới tạo ra gốc rễ, chứ không phải là quy tắc ứng xử, hay giàu sang, quyền thế.

    Hà Nội nhiều hồ. Hà Nội đẹp vì hồ vào những buổi sáng thật sớm, khi trời còn nhá nhem. Sáng lên, Hà Nội biến mất. Con gái Hà Nội (xưa) chắc cũng thế. Cuộc đời dâu bể đã làm họ biến mất, nhưng thực ra cũng chỉ lẩn quất, âm thầm đâu đó thôi.

    Năm ngoái, đi ngang qua ngõ nhỏ trong khu phố cổ, tôi ghé tiệm tạp hóa mua chai nước lạnh. Bà bán hàng dễ cũng gần 70, đưa chai nước: “Thưa, của ông đây, giá 5.000. Cám ơn ông…”. Tai tôi lùng bùng. Trong tiềm thức có cái gì nghe quen quen, đọc đâu đó rồi. Đã dợm chân đi, nhưng cũng quay lại: “Thưa bà, bà là người Hà Nội?”. “Vâng ạ, nhà tôi ở ngõ này đã ba đời rồi, từ thời ông nội tôi ra làm quan ở đây”.

    Mẹ tôi nói đúng về con gái Hà Nội. Họ hiếm hoi, ẩn mình như giọt nước đọng ở mặt dưới của lá cây sau cơn mưa. Có duyên mới gặp, phải tìm mới thấy.


    Vũ Thế Thành


    Nguồn:https://vuthethanh.com
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Cà cuống, con gián và đàn bà

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Cà cuống, con gián và đàn bà



    Tôi vẫn không hiểu vì sao người ta lại nói “cà cuống chết đến đít còn cay”. Đít cà cuống, sống hay chết, đâu có dính dáng gì đến mùi cà cuống. Mà tinh dầu cà cuống đâu có cay, thơm nồng mà. Thịt cũng ngon nữa. Tuổi thơ của tôi có những ngày đi bắt cà cuống đem bán, kiếm tiền xem chớp bóng. Đến tuổi biết… nhậu, cà cuống bay xa. Nghe nói chúng tàn đời vì thuốc trừ sâu diệt cỏ.


    Chỉ là hương nhân tạo

    Hồi nhỏ tôi vẫn theo lũ bạn đi bắt cà cuống ở những cột đèn đường, đem bán cho mấy người ve chai. Cà cuống rẻ rề, cả chừng hai chục con mới được 5 cắc. Họ thu gom cà cuống, bỏ trong thùng sắt tây, sau này tôi mới biết, họ đem bán cho một tiệm thuốc tây ở dường Hai Bà Trưng, Tân Định, trích lấy tinh dầu.


    Cà cuống kết liễu con mồi bằng ngòi đốt có nọc độc mạnh,
    và hút dinh dưỡng từ cơ thể đã tê liệt của con mồi (tinmoitruong.vn)


    Chỉ con đực mới có tinh dầu. Hồi bắt cà cuống, tôi đâu có biết đực cái thế nào, hễ thấy cà cuống là chộp. Vậy mà đực cái gì họ cũng mua. Con đực được khều lấy tinh dầu. Rồi sau đó, đực hay cái gì cũng lên… chảo chiên hết.

    Hương thơm cà cuống là do tinh dầu, là hỗn hợp gồm nhiều chất dầu dễ bay hơi, chứ không chỉ một chất. Tinh dầu cà cuống được nghiên cứu từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, nhờ tiến bộ khoa học gần đây trong lĩnh vực sắc ký khí (gas chromatogaphy), người ta mới xác định rõ hơn thành phần của tinh dầu cà cuống.

    Đại học Công Nghệ Suranaree (Thái Lan) đã nhận diện được 22 chất tạo hương ở cà cuống đông lạnh, và 27 chất ở cà cuống luộc (*). Thành phần chiếm nhiều nhất là 2 ester (E) – 2-hexenyl acetate và butanoate. Hai chất này cũng có nhiều trong dầu chuối và các loại trái cây khác như táo, chuối, xoài, dâu, mận,.. Ngoài ra còn nhiều ester lẻ lẻ khác,… Tất cả gộp lại cấu thành mùi hương đặc trưng của cà cuống. Từ những kết quả phân tích này, người ta dùng kỹ thuật phối hương để chế ra tinh dầu cà cuống nhân tạo.

    Cà cuống đực có bùa mê

    Hương thơm ở cà cuống đực cũng là chất mùi dẫn dụ (pheromone), đại loại cũng giống như “bùa mê thuốc lú” để dụ con cái xáp lại, hoàn thành sứ mạng truyền giống.

    Chất dẫn dụ là tín hiệu hóa học mà động vật nào cũng có, nhất là ở các loại côn trùng, được tiết ra để báo hiệu cho đồng loại nhận biết và thực hiện điều gì đó, chứ không riêng gì chuyện ái tình. Chẳng hạn con ong tiết ra pheromone để làm tín hiệu phương hướng cho cả đàn ong bay về tổ, con kiến đánh dấu đường đi bằng pheromone để nhớ đường về tổ,…

    Cỏ cây khi bị trầy xước hay bị con vật nào đó gặm cũng tiết ra pheromone báo động cho đồng loại. Các cây cỏ gần đó sẽ tạo ra chất tannin gây chát, làm cho động vật ăn cỏ hết thèm ăn. Loài cỏ cây cũng biết đau, cũng biết xót thương tình đồng loại đấy.

    Khoa học nghiên cứu các chất dẫn dụ đặc thù để dụ côn trùng phá hoại mùa màng tập hợp lại và tiêu diệt hàng loạt.

    Còn con người có tiết ra pheromone để dụ nhau, hay để ai dụ ai thì chưa thấy khoa học nói đến, nhưng ông bà ta thì nói “Lia thia quen chậu,…’

    Nghiên cứu của Đại học Công nghệ Suranaree nêu trên chỉ dùng 12 loại ester trong số 27 chất trong tinh dầu cà cuống để làm hàng nhái. Hầu hết tinh dầu cà cuống bán ngoài thị trường đều là hương nhân tạo, chỉ gần giống thôi, làm sao mà giả được tinh dầu cà cuống thứ thiệt có “vị the” sục lên óc mà không buốt như mù tạt.

    Nghe kể phát thèm

    Tinh dầu cà cuống thuộc loại quý phái, chỉ cần nhỏ 1 giọt vào nước mắm, chấm với đậu hũ, bánh cuốn, thịt heo, thịt gà,…thứ gì cũng dậy mùi, cũng ngon. Đã lâu rồi, tôi không còn nhìn thấy cà cuống bay ở cột đèn. Về quê ruộng lúa, cũng không thấy. Nghe nói có nơi nuôi cà cuống trong hồ nước như nuôi cá cảnh, nhưng được bao nhiêu?

    Cà cuống là loại côn trùng. Về mặt an toàn thực phẩm, đa số côn trùng là loại ăn cỏ (herbivores) nên ít có vấn đề hơn loại ăn tạp (omnivores). Cà cuống sống trên cạn dưới nước, và cả trên trời, đạm nhiều, béo ít, nhất là cơ thịt nơi vùng cánh gắn vào (flight muscle), vận động nhiều nên thịt săn chắc. Cà cuống lại có cánh cứng, cánh mềm, con đực có mùi, con cái có trứng, tiêu hành ớt tỏi, chiên dòn chắc là bắt mồi.

    Cà cuống được chế biến theo nhiều kiểu: luộc, hấp, nướng,…, nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là cà cuống chiên. Tôi có bà bạn ở nước ngoài say mê cà cuống. Mới đây gửi email kể chuyện năm xưa đầy luyến tiếc:“…phần đầu cà cuống đực và cái đều có tí thịt, ăn trúng con đực thì mặc dù đã xào nhưng vẫn thoang thoảng thơm mùi dầu cà cuống. Ăn đến phần thân thì xé chiều dọc thân cà cuống thành 2 miếng bụng và lưng, để giữa hai hàm răng nhằn nhằn để tuốt tí thịt của con đực và tí trứng của con cái. Ngon vô cùng.”. Nghe kể phát thèm.

    Bà bạn này sợ gián. Chỉ cần con gián bay qua, cũng làm bà ta xanh mặt, toát mồi hôi, thở dốc,… Con gián trông giống như cà cuống còn non. Vậy mà với cà cuống, bả lại từ tốn “phanh thây”, từ tốn nhâm nhi đến tận cùng chi tiết. Đàn bà sao khó hiểu quá!

    Vũ Thế Thành ([email protected])


    Nguồn:https://vuthethanh.com

              
Hình đại diện
NTL
Bài viết: 1323
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 14:20

Re: Cà cuống, con gián và đàn bà

Bài viết bởi NTL »

*

wow... cám ơn CS hết lòng hết sức hết trí khôn.
Nhờ CS mà nú biết được mấy người viết thiệt là hay và thú vị lắm lắm.
Bài viết nhẹ nhàng, đầy informations khoa học những chuyện hàng ngày mà mình hổng để ý nên hổng biết.

Nói nào ngay, nú sợ hương cà cuống, nồng quá xá nồng.
Hồi nhỏ nhà nghèo làm chi có chuyện đi ăn hàng với thực phẩm ướp tinh dầu cà cuống, nên cái lưỡi cái vòm hầu sau này tiếp xúc với cà cuống thì nó nhứt định làm lơ. Tướng công biểu bắc kỳ cho nước bông vào thức ăn ha, lạ lẫm gì đâu, cũng bởi bắc kỳ ăn lấy hương lấy hoa vì xứ bắc vốn nghèo khổ, nên bày đật lung tung kiểu... trưởng giả dỏm!

Nú vào cái blog của tác giả, để rồi thong thả sẽ đọc dần.
Tướng công dặn dò, em chớ viết thư làm quen ha, cho dù có thích quen, vì rằng dám chả tưởng em mê chả !
Trời thần ơi, mê cái chi mà mê độc địa dzầy trời !

Nú đang stress quá xá. Hồi đó mua cái condo cho con gái, nhưng nó đi học xa, thành phải cho thuê, chừ đòi lợi vì con gái về tới, vậy mà nó ì ra hổng trả. yêu sách tiền bạc tùm lum. Thành thứ ba phải đi luật sư, tốn chút tiền chớ nú hổng biết cách. Một thằng francais de la france gốc guinée (chỗ phóng vệ tinh kìa) cà chớn. Mỗi lần thư từ giấy tờ nó viết dài thòng, lôi cả đống code civil và loi des services sociaux ra hù mình, đọc chóng mật luôn.

thứ hai này là lễ victoria day. quebec independent hổng khoái kêu vậy, chúng kêu là dollars day vì trên tờ giấy 1 đồng có hình bà nữ hoàng naỳ. Chừ independent hơn nữa, chúng kêu là patriots day. Bên nớ có celebrate ngày này không ? Tướng công biểu cứ nghỉ có lương công chức là vui, ông cha căng bà chú kiết nào cũng hổng thèm théc méc.

*
Make the long story... short !
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Cà cuống, con gián và đàn bà

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           



              ... hihi ... ờ tướng công dặn dò đúng đa .. :giggles: :allright: .. đừng có viết thơ làm "quạt". Có viết thì kiu chả vô nhà Nam này chơi nè. Ở đây nói chuyện công khai, tướng công tha hồ kiểm diệt .. :wink2: ..
              

              ... haha .. khuynh hướng xã hội mà, luật pháp phải bảo vệ cái thằng tây khốn khổ không nhà gốc Guyane (chứ hông phải guine'e nha .. guine'e là bên phi châu, còn guyane bắn vệ tinh là nam mỹ) kia, chứ lý nào lại bênh chủ nhà .. :wink2: ..
    Canada cứ tốt đẹp trên con đường "xã hội" thì ngày kia nó sẽ giựt nhà chị rồi làm màn đấu tố luôn (.. hehe .. ai đó dám nói "nhân chi sơ tính bổn thiện" .. :lol: ..)
              

              ... dà .. Úc cũng có ngày "sinh tật" của Nữ Hoàng (Queen's Birthday),
    bà con có thêm 1 ngày nghỉ (thứ 2 của tuần nhì, tháng 6) chứ chẳng ai để ý đến vua chúa gì hết .. :D ..
              




    Chị Ngô nhớ đọc VTT rồi thấy có gì hay mang dìa nghen. Tui thấy BV ngồi kế bên, cứ đọc rồi khúc kha khúc khít .. :lol2: ..


    :flwrhrts:
              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Cà cuống, con gián và đàn bà

Bài viết bởi Bạch Vân »

          
  • Cám ơn chị Ngô, khi nào chị email cho ông VTT nhớ kéo em theo cho đủ "quạt" :lol2:
    ông ni viết nhiều bài thú vị, khoa học, lời văn dí dỏm đặc biệt là các bài viết của ông ít thấy các từ ngữ của vẹm xhcn
    em kiếm thấy tấm hình của ông đem về cho chị xem mặt "văn phong sao người vậy " vẫn còn phong độ lắm
          
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”