Vũ thế Thành

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Thằng ăn hại



    Hồi nhỏ tôi không thích ăn xôi. Đơn giản vì mẹ tôi bán xôi, mỗi khi bán ế, bà thường “mời” tôi ăn. Con nít ăn hoài một thứ ngán. Đôi khi tôi làm eo không ăn, bà chẳng nói gì.

    Rồi cũng có cách “gỡ” lại. Tôi giả vờ ốm, không ăn cơm. Ốm đau ai lại gợi ý ăn uống này nọ. Tôi cũng hiểu thế. Bà hỏi tôi ăn cháo, tôi lắc đầu. Bà hỏi tôi ăn phở, tôi nín lặng. Thế là tôi có phở. Một tô phở thì chẳng nhằm nhò gì với thằng nhóc đang tuổi nghịch ngợm. Tôi lén bà xuống bếp xúc thêm cơm ăn với nước phở.

    Mẹ tôi cưng nhưng không chiều. Tính tôi quậy phá, có bị nọc xuống phết vài roi cũng chẳng lấy gì oan ức. Tôi lỳ đòn. Ba tôi ít đánh, nhưng đánh đau, tôi gồng mình chịu, không kêu khóc. Với mẹ tôi thì khác, roi chưa chạm đến mông tôi đã gào lên thảm thiết.

    Những trò chơi giả ốm ăn phở, già họng né đòn thường tỏ ra đắt giá và hiệu nghiệm. Tôi tự hào về mấy trò mánh mung này. Sau này có con, tôi mới hiểu đó là những trò rẻ tiền. Áo mặc sao qua khỏi đầu.

    Nghề bán xôi coi vậy mà cực. Mẹ tôi phải thức dậy sớm từ ba giờ sáng để nấu xôi. Thức sớm hơn, bà không dám ngủ lại, sợ ngủ quên, lỡ buổi bán. Hồi đó giờ Sài Gòn chạy sớm hơn giờ bây giờ một tiếng. Bà rời nhà với thúng xôi khi trời chưa sáng, và về nhà lúc tám giờ dù bán hết hay không. Khách hàng là học sinh, người lao động, quá giờ đó thì bán cho ai, vả lại xôi cũng nguội rồi, bà bảo thế.

    Hồi thức khuya học thi, bà thường mang lên gác cho tôi ly cà phê nóng, và trước khi quẩy thúng xôi đi, bà lại đem lên cho tôi khi thì tô mì gói, khi thì đĩa xôi nóng. Thức cả đêm, dồn hết năng lượng vào mấy bài tập toán-lý-hóa, thì món xôi nóng lúc đó dù phải ăn triền miên cũng không phải là điều quá tệ.

    Mẹ tôi mù chữ (thứ thiệt), nhưng tính nhẩm thì…thầy chạy. Ba tôi mất sớm, nên chuyện cúp cua, lêu lổng, kể cả nhái chữ ký trong học bạ, tôi qua mặt bà thoải mái. Không quản lý nổi việc học của thằng con, bà dồn tất cả sự quan tâm vào chuyện ăn uống, sức khỏe và niềm vui của tôi. Chợ búa, bếp núc, giặt giũ… là những việc hầu như chẳng bao giờ tôi rớ tới. Sau này, xa nhà kẹt quá phải đi chợ, tôi chẳng bao giờ chuốc lấy phiền muộn vào cuộc chơi trả giá, ngay cả việc xách bó rau ra khỏi chợ vẫn còn ngường ngượng.

    Có hôm tôi dở chứng ngoan ngoãn quét nhà, bà cười mỉm. Lát sau thấy bà lặng lẽ quét lại. Giặt giũ cũng thế, quần áo ngâm chưa kịp giặt, bà chờ tôi đi, rồi vò lại cổ áo, gấu quần. Nấu nướng thì, bà luôn miệng nhắc nhở: Chờ mỡ sôi, rồi mới đập trứng vào… Đại loại là thế. Dưới con mắt của bà, việc nhà tôi chẳng làm được gì đến nơi đến chốn cả, chỉ nên ăn, học và…chơi (khoản sau cùng là tôi suy đoán). Nói theo cách mà bà vẫn thường “mắng” tôi là… thằng ăn hại. Tôi cũng chẳng vừa: Con thấy mẹ vui khi “hầu” thằng ăn hại. Bà cười, đập tay tôi: Tôi đẻ ra anh, mà lại không biết anh muốn gì à! Tôi cười thầm, con từ trong bụng mẹ chui ra, sao lại không biết mẹ nghĩ gì! Dĩ nhiên bà chẳng bao giờ nghe được những lời nói thầm đó.

    Thật ra tôi cũng đâu đến nỗi vô tích sự như thế. Tết Đoan ngọ nào mẹ tôi cũng làm cơm rượu bằng nếp vàng. Cơm rượu bà làm thì ngon tuyệt, thơm, ngọt, hạt nếp mềm nhưng vẫn còn độ dẻo. Hồi 6, 7 tuổi tôi vẫn lén ăn vụng cơm rượu khi nó chưa kịp ngấu, say xỉn đến nỗi bỏ cả học. Dạo sau bà than phiền, sao rượu mau chua quá. Tôi hứa sẽ giải quyết được. Bà nhìn tôi ngờ vực. Sự cố rượu hóa chua là vấn đề nan giải ở thời Louis Pasteur, chứ thời nay, với thằng có nghề như tôi chỉ là chuyện nhỏ. Đó là lần duy nhất trong đời tôi đã dùng sở học của mình để giải quyết “việc nhà” cho bà. Nhưng “thành tích” này vẫn không đủ để bà thay đổi cái nhìn về tôi. Trong con mắt của bà, tôi chỉ là đứa con chưa trưởng thành. Dù các con tôi đã lớn, đã tốt nghiệp và đi làm, nhưng thằng cha chúng vẫn bị bà nội đưa vào diện cần quan tâm đặc biệt, ra ngoài vẫn bị nhắc nhở quên nón, mang theo áo mưa…

    Hồi cuối thập niên 70, buồn tình tôi mượn xe xích lô của người bạn, cảo lai rai kiếm tiền xài vặt. Bà nắm tay tôi than thở, công lao mẹ nuôi con ăn học, học cho cố vào, bây giờ lại ra nông nỗi này, sao thế hở con… Tôi cười gượng, con chỉ đạp chơi cho biết mùi đời thôi, còn ban ngày con vẫn làm ở phòng thí nghiệm mà. Bà thở dài…

    Những năm cuối đời, mẹ tôi đi lại khó khăn, xe lăn không chịu ngồi, nhưng được cái bà con chòm xóm hay tới chơi, giã trầu đưa chuyện với bà. Có lần vào siêu thị, thấy bày bán mấy chai nước mắm nhỏ cỡ 30ml, đạm cao, giá đắt, chắc là hàng chất lượng. Tôi mua 5-6 chai nhét túi quần mang về biếu bà. Quê mẹ tôi ở ven sông Hồng, ngoài đê, chỉ trồng bắp, không trồng lúa được, nên bà quý hạt gạo lắm. Bà bảo, ăn cơm với rau bí chấm nước mắm ngon còn hơn ăn thịt.

    Thấy thằng con trịnh trọng moi túi quần ra mấy chai nước mắm, bà nhìn tôi khâm phục. Tôi thì thầm, nước mắm thượng hạng đấy, để chấm với rau bí. Mẹ đừng dùng nêm nếm. Bà giữ kỹ mấy chai nhỏ xíu đó lắm, mỗi ngày dùng một ít, và không quên khoe với mấy bà hàng xóm nước mắm thượng hạng thằng con bà mua biếu.

    Bẵng đi một vài tuần, tôi cao hứng nếm thử nước mắm. Trời đất như muốn sụp, tôi biết ngay mình bị bợm. Với cái đầu nghề nghiệp, tôi có thể đoán ngay ra nhà sản xuất đã giở những chiêu phép gì. Tôi phạm vào sai lầm hết sức sơ đẳng là đã không nếm thử trước khi đưa bà. Tôi như phát cuồng. Ăn học làm gì, bằng cấp làm gì mà mua chai nước mắm cho mẹ cũng không nên thân. Vậy mà cũng bày đặt đi dạy, viết sách, viết báo về an toàn thực phẩm, khuyên người ta thế này thế nọ. Trời ơi! Sao mặt đất không nứt ra để tôi vùi cái bản mặt mình xuống cho rồi. Tôi nài nỉ bà đổi loại khác ngon hơn. Bà gạt đi, nước mắm này ngon, anh biết gì mà cứ rộn lên. Bà vẫn tiếp tục dùng mỗi ngày thứ nước mắm chết tiệt đó, vẫn tiếp tục khoe với mấy bà hàng xóm, mà không bao giờ mời họ nếm thử. Tiêu chuẩn chất lượng nước mắm của bà khác với đời thường.
    *
    Dạo này tôi mất ngủ, đúng hơn là ngủ ít. Hai ba giờ sáng đã tỉnh dậy, không sao ngủ lại được. Tôi bước ra bàn thờ thắp nén nhang, đun nước pha ly cà phê, rồi thả người xuống ghế sa-lông đọc sách.

    Nửa đêm về sáng thế này, đôi lúc tôi cảm thấy như thiếu thứ gì đó. Hình như thiếu tiếng chân nhẹ nhàng trên gác gỗ. Tự nhiên tôi thấy thèm gói xôi hay tô mì, định bước chân xuống bếp, nhưng cái tật lười biếng quen thói đã giữ chân tôi lại. Tôi ngước nhìn lên bàn thờ, bắt gặp ánh mắt vừa chế giễu, vừa thương hại, vừa trách móc của mẹ tôi.

    Đà Lạt mùa này mưa lạnh, mưa rả rích cả đêm. Nén nhang trên bàn thờ đã tàn quá nửa. Vậy là mẹ tôi mất cũng hơn 3 năm rồi. Giờ này có lẽ bà đã bước vào cảnh giới nào đó, làm gì còn luẩn quẩn ở cõi ta bà này để trách móc thằng con ăn hại, nuôi mãi không lớn của bà.

    Tóc tôi đã bạc quá nửa. Rồi cũng đến ngày phải ra đi. Không biết ở cảnh giới khác, hai mẹ con có gặp nhau không? Gặp nhau mà có nhận ra nhau không? Tôi chắc mẹ tôi sẽ nhận ra tôi, bà nhận ra tôi bằng trái tim muôn kiếp của người mẹ. Còn tôi, tôi cũng sẽ nhận ra mẹ tôi, tôi nhận ra bà từ bản năng của thằng ăn hại.


    Vũ Thế Thành
    Mùa Vu Lan 2014


    Nguồn:http://tiasang.com.vn

              
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Ngoc Han »

Ai....hột vịt lộn ...hôn

Vũ Thế Thành
Cách nay khoảng chục năm, khi đi công tác ở Manila, tôi được đồng nghiệp, (mà chắc cũng là đồng bọn) ở đây rủ đi bia bọt ở một quán nhậu bình dân, với lời rỉ tai “nhậu với đặc sản chỉ Phi mới có”. Đến quán, tưởng gì chứ té ra hột vịt lộn, mà dân địa phương gọi là balut. Hột vịt lộn thì ở đâu cũng thế, chỉ có điều gia vị của họ không phải là rau răm muối tiêu như ở quê nhà, mà là hành tỏi gừng giấm ớt nên hơi lạ miệng.

Trứng vịt có duyên “trống mái”, dân gian gọi là trứng có cồ, khoa học gọi là trứng thụ tinh, ấp nở chưa thành con gọi là trứng vịt lộn.
Từ con đường lộn ngược đến câu chuyện hình hài
Chiều chiều vịt lội mênh mông,
Cầu trôi ván nổi ai bồng em qua
Trứng vịt ấp lâu hơn trứng gà, kéo dài khoảng 28 ngày thì nở con. Nhưng ấp mới chừng 16 – 20 ngày đem ra luộc ăn gọi là hột vịt lộn. Tuỳ thời gian ấp dài ngắn, mà có loại lộn non, lộn vừa, lộn già. Già quá, vịt đủ lông đùi xương cánh mỏ,…gọi là hột vịt xác. Có khi lộn già gặp thời tiết nóng, chưa kịp luộc bán đã nở thành vịt.
Lòng đỏ trứng (có cồ) được xem là một tế bào hoàn chỉnh (2n) khổng lồ, có đĩa mầm, mà sau này sẽ phát triển thành…vịt. Lòng đỏ chủ yếu cung cấp dưỡng chất cho phôi. Lòng trắng bảo vệ phôi và cũng cung cấp một phần dưỡng chất cho phôi.
Khoảng 4-5 ngày ấp, hệ thống mạch máu đã phát triển nhiều ở lòng đỏ. Túi niệu bắt đầu hình thành để giúp tái hấp thụ calcium, hô hấp, và trữ chất thải (nước ối). Khi ăn hột vịt lộn, chọn đầu to, đập, bóc vỏ, xé màng, húp lấy húp để thứ nước ngai ngái, vàng nhạt. Đó là nước ối. Ai bạo miệng, gọi là nước tiểu “vịt bao tử” cũng không đến nỗi trật.
Lòng trắng trong hột vịt lộn chủ yếu là protein, bị (thai) rút gần cạn nước, khi chín, nhai như sụn khô khốc, nhiều người bỏ, nhưng ăn cũng chẳng chết chóc gì.
Từ ngày thứ 7 – 9, sự phân hoá đã gần hoàn chỉnh, các “mầm” chân mỏ đầu cổ mắt mũi, tim gan phèo phổi lông cánh,… sẵn sàng tăng tốc. Giai đoạn này có thể soi trứng để biết hột nào có cồ, hột nào không, phôi nào chết, phôi nào sống,…
Tới ngày thứ 16-18 thì gần như đầy đủ, chỉ còn là to hay nhỏ, nhiều hay ít.
Hột vịt lộn càng già, lòng đỏ và lòng trắng càng teo tóp lại, nước ối cũng cạn dần, chuẩn bị cho một con vịt chào đời.
Chính vì hình hài non già của hột vịt lộn mà sinh ra lắm kiểu thưởng thức khác nhau, vừa ăn vừa hãi, vừa ăn vừa xung. Có người thư thả để cả hột vịt lộn đã bóc vỏ vào chén rồi nhâm nhi. Có người đập một đầu trứng, múc từng muỗng (không cần hay không dám nhìn xem mình đã ăn tới phần nào của trứng). Lại có người, bóc vỏ trứng ra một nửa, và ngoạm 2 nhát là xong, ngoạm mà đôi mắt nhắm nghiền.
Thưởng thức kiểu này thua xa mấy em học sinh ở Phi Luật Tân. Trong bài phóng sự về hột vịt lộn, hãng tin CNN cho biết, một số trường ở Phi đã đưa hột vịt lộn vào lớp học để các em thực tập về giải phẫu loài chim, sau đó là…chén luôn. Phi xứng đáng là vương quốc hột vịt lộn.
Ở Việt Nam, hột vịt lộn bây giờ cũng được chế biến theo nhiều kiểu, nghe thấy hay mà nhìn thấy…ớn. Mọi thứ đều “trần truồng” như hột vịt lộn chiên dòn, hột vịt lộn rang me, xào chua ngọt, hột vịt lộn hầm ngải cứu, hay hầm thuốc bắc,… Có khi gà vịt dính chùm với món lẩu gà hột vịt lộn.
Hột vịt lộn nói chung bổ dưỡng. Tất cả sự chuyển hoá dưỡng chất ở mức cao nhất để mầm sống phát triển. Nhưng Tây hãi ăn hột vịt lộn, nên những nghiên cứu dinh dưỡng của họ về món ăn này quá ít.
Một tài liệu cho biết, một quả hột vịt lộn (khoảng 70gr), cung cấp 188 calo, chứa 14 gr protein và chất béo, 2 mg sắt và 116 mg calcium. Giá trị sinh học của protein trong phôi cao, nhưng lượng cholesterol cũng cao, khoảng trên 600 mg, gấp đôi lòng đỏ trứng thông thường.
Y học dân gian cũng lan truyền nhiều công dụng chữa bệnh của hột vịt lộn, tu âm dưỡng huyết, nhiều khi trái ngược nhau, người nói tăng cân, người bảo giảm. Người nói ăn để xung, người khác lại bảo xìu,…
Hột vịt lộn chỉ là món ăn chơi, 1-2 hột/tuần chẳng có gì phải lăn tăn với ốm mập, tăng xông, mỡ máu,… chi cho mệt, miễn là đừng nổi xung, ăn 4-5 hột một lúc, và ăn thường xuyên thì mới phiền.
Về an toàn thực phẩm thì hột vịt lộn cũng không có gì đáng ngại. Trứng nói chung rất dễ nhiễm vi khuẩn salmonella (gây tiêu chảy, thương hàn), mà đâu có ai ăn hột vịt lộn ốp la, sống hay tái bao giờ. Luộc sôi trứng từ 20 đến 30 phút thì vi trùng nào sống nổi.
Đào hoa bạc mệnh
Ở Việt Nam chưa thấy nuôi vịt quy mô công nghiệp, mà chỉ có chăn vịt thả đồng, ăn lúa mót cua mót tép,… Trứng vịt chạy đồng coi vậy chứ lòng đỏ nhiều hơn, dưỡng chất nhiều hơn.
Nuôi vịt đẻ trứng thì cần gì nuôi nhiều con trống cho tốn sức. Cả hơn chục con mái mới giữ lại một con trống. Con trống tốt số (hay tới số) này phải miệt mài phục vụ tất cả. Chừng 8 tháng sau, con mái tạm ngừng đẻ để thay lông dưỡng sức, còn những con trống kém cỏi phải lên đường vào lò…quay. Đào hoa bạc mệnh!
Những con vịt “goá bụa” sau khi thay lông đổi thịt, lại nhởn nhơ bơi lội, lại thụ tinh, lại đẻ trứng, lại nhởn nhơ, rồi lại thụ tinh…Vịt mái khỏi lo ấp trứng, đã có máy ấp rồi.
Bầy vịt cả ngàn con bơi lờ lững trên kênh rạch đồng lúa, đẹp như tranh vẽ, đẹp như câu ca dao Chiều chiều vịt lội mênh mông, cầu trôi ván nổi ai bồng em qua. Chim trời cá nước đã quên con vịt cồ bạc mệnh.
Mới đây, vợ chồng người bạn học về nước chơi, tôi mời đi ăn nhà hàng, chẳng nem công chả phượng gì, nhưng cũng phải ra cái điều cho xứng tầm với “khúc ruột ngàn dặm” một chút. Nhìn ra ngoài trời mưa một hồi, cô bạn bỗng ghé tai hỏi nhỏ, nhà hàng này có bán hột vịt lộn không vậy? Đâu dễ gì quên món ăn dĩ vãng, phải không?
Tôi chợt nhớ tiếng rao hàng trong đêm “Ai… hột vịt lộn.. hôn!”. Một thời thức khuya, học thi, ăn vặt đã xa lắm rồi. Cơn bão đời lại tưởng là làn gió thoảng, cũng như chuyện chim trời cá nước vậy thôi.

Vũ Thế Thành ([email protected])
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Nẫu hơn cả người… nẫu



    Tôi không phải dân Nẫu. Thằng bạn Việt kiều Ý gốc Nẫu xúi tôi viết về Nẫu, kèm theo lời khuyên (răn đe?), nên tham khảo những bài do người Nẫu viết. Không! Tôi chẳng cần tham khảo sách vở. Tôi viết về Nẫu dưới con mắt của người Sài gòn, viết theo ký ức và cảm nhận.


    Hồi trẻ, gặp gái Bình Định là sợ, về già gặp mấy bà Bình Định là hãi. Chết xuống âm phủ, gặp ma nữ Bình Định thì coi như hết kiếp



    Hồi trung học, tôi từng chứng kiến bà vợ Bình Định mắng…chồng, chỉ hiểu loáng thoáng, rõ ràng bả đang hét bằng tiếng Việt, mà hình như xen lẫn tiếng… lạ. Hồi trẻ, gặp gái Bình Định là sợ, về già gặp mấy bà Bình Định là hãi. Chết xuống âm phủ, gặp ma nữ Bình Định thì coi như hết kiếp (khỏi đầu thai). Nói như thế để thấy hồi trẻ tôi bị ám ảnh thế nào. Đàn bà con gái gì mà roi quyền cung cước, thấy là muốn… ù té chạy. Tôi có phải là Lưu Bị đâu mà đứng lại vờ vĩnh sợ hãi, để Ngô quận chúa dẹp hết đao kiếm, dắt chả vào phòng… hoa chúc.

    Hồi đó tôi cứ tưởng Nẫu là dân Quảng Ngãi, sau mới biết mình lầm. Bình Định, và cả Phú Yên nữa mới là Nẫu. Tôi hỏi thằng bạn Nẫu: “Bộ mấy bà Nẫu dữ lắm hả?”. Y tần ngần: “Chỉ hơi nóng tính thôi, chứ còn chịu khó lo cho chồng cho con lắm”.

    Người Nẫu bảo thủ, gia phong, khuôn phép, cục bộ đến độ hơi cố chấp. Đàm tiếu từ dòng họ làng xóm, thì Nẫu ngán, chứ dư luận bên ngoài thì Nẫu…chấp. Bạn tôi dân Sài Gòn làm rể Nẫu, hàng năm về quê vợ ăn giỗ, nhức nhối về mấy cái nghi thức “duy nhất đúng” kiểu Nẫu. Về lại Sài Gòn là y hú anh em ra quán nhậu xả stress, rồi đi đến kết luận: “364 ngày bả lo cho tao. Tao có 1 ngày để… khổ vì bả, cho bả nở mày nở mặt với bà con. Một ngày của tao còn gấp trăm lần cái ngày 8 tháng 3 ở Sài Gòn. Mấy thằng mua hoa nịnh vợ, hay làm thơ khen vợ là mấy thằng có…khuyết điểm”.

    Dĩ nhiên chẳng dại gì lấy một vài trường hợp riêng lẻ, rồi khái quát thành đặc tính của cả một vùng miền, nhưng đó là cảm nhận, mà cảm nhận thì có ai giống ai đâu.

    Giọng Nẫu không khó nghe lắm, biến âm nặng một chút, nhưng chen vài “tiếng lạ” thành ra khó hiểu. Phải nghe Hoài Linh hát cái bản thất tình (tôi quên tựa) mới thấm hết cái giọng Nẫu. Lại thêm cảnh tượng một Hoài Linh gầy nhom, lê la ở quán ven đường than thở “… Anh bây giờ, khoé mắt sầu cứ rung rinh có giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra…”. Trời ơi! Nghe thê lương, sầu thảm gì đâu… Đúng là “nẫu” cả…ruột gan. Chí Phèo có nghe, chắc cũng rơi lệ. Tác giả, tôi đoán, chắc bị em Nẫu nào đó phóng cho một cước chí mạng mới làm nổi cái bài “Đệ nhất thất tình ca” này. Tôi thích bản này, nghe rách cả băng video, nhớ lõm bõm vài câu. Bây giờ muốn nghe lại, chẳng biết tìm ở đâu. Một di sản độc địa như vậy, sao cất kỹ thế!

    Người Nẫu ghiền bánh tráng. Thằng bạn Nẫu hót với tôi về nghệ thuật cuốn bánh tráng quê nó tỉ mỉ tới tầm…quốc tế, cứ như nghệ thuật ăn bốc của dân Ấn. Mặc kệ! Tôi chưa bao giờ thử thách đôi tay mình theo cách này (dĩ nhiên, có ai đó cuốn sẵn thì vẫn hơn). Tôi từng dẫn mấy ông Tây bà đầm đi ăn bánh tráng phơi sương, thấy họ toát mồ hôi vì…cuốn. Tôi nói: “Làm theo tôi!”. Lấy bún, khế, chuối xanh, rau thơm, thịt, bánh tráng xé nhỏ ra cho hết vô chén, rưới mắm nêm lên. Rồi, Action! Tây khen good…good… Thiệt giả không biết, nhưng mặt họ tươi hẳn lên, trút được gánh nặng ngàn cân.

    Người Nẫu hiếu khách quê mùa kiểu… Nẫu.

    Tôi thường đãi khách ở một quán quen. Quen, nên có lần hỏi chuyện một cậu phục vụ ở đó. “Rượu Bàu Đá hồi đó uống ngon, sao bây giờ dở quá vậy. Kinh tế thị trường hả?”.“Quê cháu đâu có làm rượu giả. Chú mua phải rượu dỏm rồi. Thứ 7 này về quê, cháu sẽ mua tặng chú”. Chuyện tưởng quên. Lần sau tôi trở lại, cậu ta mừng rỡ, cháu chờ chú cả tháng nay. Rồi quay vào bếp, mang lên bình 2 lít, trịnh trọng: “Đây là rượu Bàu Đá quê cháu, tặng chú uống chơi”. Tôi cám ơn và trả tiền bình rượu. Cậu ta từ chối. Quê cậu ta ở An Nhơn, Bình Định.



    Hơn 10 năm trước, tôi đi công tác Quy Nhơn, rồi ghé Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn. Hôm đó vắng khách. Tôi vào thắp nhang, xem di tích, rồi ra ngoài điện thờ, chụp ảnh tượng đài. Đang loay hoay vì ngược nắng, thì một anh thợ chụp ảnh dạo bước đến đề nghị chụp dùm. Chuyện nhỏ! Biết tôi là dân Sài Gòn, thế là anh “mở máy” nói, chỗ này là nền nhà xưa của anh em Tây Sơn, chỗ kia là nơi luyện võ. Ông Nhạc dân gọi là ông Hai Trầu, Nguyễn Huệ là chú Ba Bình vì Huệ là tên chị dâu. Đây là giếng nước, cây me ngày xưa họ dùng. Rồi anh chỉ hướng nào là vựa trầu của ông Nhạc, chỗ nào là quê ông Dũng, chỗ nào quê ông Diệu, họ tụ nghĩa thế nào,… Càng nghe càng hứng. Đột nhiên, giọng anh trầm lại, “Em nghe ông bà kể lại, nơi đây, đêm đêm họ nghe thấy tiếng ngựa phi, tiếng binh khí, thấy cả bóng đoàn quân cưỡi ngựa qua núi. Bây giờ không còn nữa”. Tôi cám ơn anh phó nhòm kiêm “sử gia dân dã”. Gửi biếu ít tiền, anh từ chối.

    Tôi hiểu, quê Nẫu nghèo, cần kiệm đôi khi trên mức cần thiết một chút. Vùng đất này đã có thời là “hang ổ” của “ngụy quyền” Tây Sơn, bị nhà Nguyễn truy bức bách hại cả gần trăm năm. Họ trở nên khép kín, nhưng cái hào khí năm xưa vẫn là nỗi luyến tiếc và trở thành huyền thoại. Như cái lò xo bị nén, một khi lòng tự hào được xả ra, Nẫu sẽ chơi… xả láng. Tự ti xen lẫn tự tôn là thế!

    Nói đến vua Quang Trung, tôi lại nhớ đến bài hịch của ngài:

    • “Đánh cho để dài tóc.

      Đánh cho để đen răng.

      Đánh cho nó chích luân bất phản.

      Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.

      Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

    Nay, cửa khuyết không còn, nhưng đền thờ còn. Tiện dân từ phương Nam khấu đầu, kính bẩm: “Tâu hoàng thượng, khi nào ngài tái sinh?”.

    Vũ Thế Thành


    Nguồn:https://vuthethanh.com

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Kiều lão Đà Lạt




    • “…Bên tê thành phố tráng lệ

      Giai nhân nằm khoe lõa thể

      Bên ni phố vắng,

      ôi lòng ngoại ô…”
    Lang thang ở Đà Lạt, tôi có cái thú, đoán xem người nói chuyện với mình có phải là dân gốc Đà Lạt không. “Gốc” ở đây hiểu là nếu không sinh ra, thì ít ra cũng lớn lên và ở đấy cỡ bốn hay năm chục năm. Với trò chơi này, tôi là kẻ “độc cô cầu bại”, ít nhất là cho đến lúc này, khi tôi vừa trở thành cư dân “đờ-mi” Đà Lạt cuối năm ngoái, theo cái kiểu vui ở buồn đi, đi chán lại về .

    Đà Lạt không xa lạ gì với tôi. Trước năm 75, tôi đã từng lông bông trên đó, chỉ là chuyện đàn đúm vui chơi thôi chứ chủ yếu vẫn ăn học ở Sài Gòn.


    Có những buổi chiều ngồi đọc sách bên bờ hồ, tự dưng chợt hỏi, liệu 50 hay 100 năm nữa, Đà Lạt sẽ thay đổi như thế nào…”.

    Đà Lạt thuở ấy thế nào? Hãy nghe người Đà Lạt ly hương nói về Đà Lạt để họ xả stress: “… Những con dốc với hàng mai anh, hay cúc quỳ, những mái nhà kiểu Pháp, những giọng nói nhỏ nhẹ, những quán cafe ngồi để ngắm chứ không để người khác ngắm… Khi còn bé, Đà Lạt với tôi là cái gì đó mờ mờ, huyền bí và… lạnh. Rồi 5 năm sau, Đà Lạt trong tôi lại mang một dáng dấp rõ ràng hơn. Và yêu lắm… Có những buổi chiều ngồi đọc sách bên bờ hồ, tự dưng chợt hỏi, liệu 50 hay 100 năm nữa, Đà Lạt sẽ thay đổi như thế nào…”.

    Người Đà Lạt nói về tính cách của họ thế này:“… hòa nhã, thân thiện, hiếu khách, nhỏ nhẹ, hiền hậu, lãng mạn,…”. Nghe thấy đã! Tự than (thở) thì được, còn tự khen như thế cũng hơi kỳ. Ngượng! Riêng tôi, với cái nhìn đầy cảm tính và thiên vị, tôi thấy họ nói thế cũng chẳng có gì… trật.

    Tháng 12 năm đó, trời lạnh. Tôi trọ ở một khách sạn gần Hồ Xuân Hương. Không ngủ được, tôi thả bộ dọc bờ hồ. Bên ngoài trời lạnh và gió nhiều hơn tôi tưởng. Đã lỡ đi được gần cây số, chẳng lẽ quay về… Có ai đó nhóm lửa ở ven hồ, gần nhà máy nước, đầu đường Đinh Tiên Hoàng. Tôi ghé vào sưởi ké. Đó là xe bán gỏi khô bò, dân địa phương gọi là xắp xắp. “Quán lưu động” này chỉ có ghế mà không bàn. Tôi gọi một dĩa khô bò và nửa xị rượu, và là người khách duy nhất đêm đó.

    Càng về khuya, càng lạnh, người bán chụm thêm củi,… Một cô gái khoác áo lông, từ bên kia đường băng qua, ngồi vào sưởi. Nhìn kiểu cách son phấn, tôi đoán cô là gái ăn sương. Ế độ rụng rời! Khách ăn còn không có, huống gì khách mua hoa. Cô quay sang tôi bắt chuyện nhát gừng. Tôi mời cô ly rượu. Tôi biết cô chẳng hy vọng gì ở thằng bụi bặm như tôi, ngồi lề đường, uống rượu đế (12.000 đ/xị), nhắm khô bò (5.000 đ/dĩa), tổng cộng cỡ 0,5 USD, thứ người đó làm gì có tiền mà đi… “tâm sự”.

    Cái không khí ế độ, vắng người, lạnh lẽo, và buồn như chấu cắn thế này, người ta dễ huỵch toẹt với nhau nhiều thứ. Dưới đây là trích mẫu đối thoại giữa tôi và cô gái.
    • Anh là dân Đà Lạt?
      Không, tôi tha hương…
      Anh làm nghề gì?
      Ai mướn gì làm nấy. Còn cô?
      Làm cái nghề như anh thấy đó. Hôm nay thứ năm, chẳng bắt được khứa nào..
      Không, tôi muốn hỏi, cô là dân Đà Lạt?
      Em gốc ở miền Trung, nhưng sống ở Đà Lạt từ nhỏ. Cho em xin điếu thuốc.
    Tôi đẩy gói thuốc sang phía cô và bật quẹt. Ánh lửa lóe lên, tôi chợt thấy cô sang trọng như một mệnh phụ trong chiếc áo khoác lông màu trắng…

    • Cô có con chưa?
      Có cháu ngoại rồi
      Xin lỗi, cô bao nhiêu tuổi?
      Năm mươi ba (53)


    Vài phút im lặng trôi qua…Cô gái vẫn xoay mặt ra ngoài đường, phía bờ hồ. Tôi bối rối cực kỳ, nốc cạn nửaly xây chừng để hoàn hồn…

    • Trông cô trẻ hơn tuổi nhiều, tôi đoán chừng ba mươi mấy.
      Tại đánh son phấn nhiều. Sáng mai lại đây, anh sẽ thấy em khác,..
      Sao không ở nhà trông cháu?
      Không thích nhờ vả con cái…
      Không còn nghề gì khác để làm sao?
      Không. Biết làm cái gì để sống bây giờ. May vá thì được bao nhiêu. Nhờ vả con cái thì em không thích. Không giúp được nó thì thôi, nhờ vả làm gì.
      Cô có thể bán thuốc lá, bán mồi nhậu ở đây này. Một ngày kiếm chừng năm chục (ngàn) thì đủ rồi.
      Nợ nhiều, kiếm bằng đó làm sao đủ. Trả góp ngày cũng cỡ trăm hai (chục ngàn) rồi.
      Cô tiêu xài gì mà mắc nợ nhiều?
      Tiền nhà, tiền ăn, tiền son phấn, tiền thuê quần áo“đi làm”. Cái áo lông này là em thuê. Thuê ngày nào trả ngày đó.
      Cô lớn tuổi rồi, làm sao giành khách nổi với tụi trẻ?
      Tụi nó đi giá cao, mình đi giá rẻ. Gặp mấy thằng xỉn, tụi nó cũng chẳng để ý lắm, miễn là rẻ.
      Mỗi lần đi như vậy được bao nhiêu?
      Em hét hai trăm (ngàn), tụi nó trả cỡ trăm rưởi, trăm hai là đi được rồi. Kẹt quá, thì năm bảy chục cũng đi… Hên thì vài ba cữ một đêm. Không có tiền, sáng mai gặp mặt con mẹ chủ nợ khó chịu lắm.


    Góc tối của một đô thị đầy ánh sáng là như thế. Đêm đó trời lạnh kinh khủng. Những cái khốn cùng của xã hội, chẳng có cái nào giống cái nào. Phải nhìn vào góc tối mới thấy bộ mặt thật của xã hội. Cô điếm già có thể móc túi khách làng chơi với nhiều thủ thuật, nhưng họ hành xử “chính danh” và ở tận cùng của xã hội rồi. Còn những thứ điếm khác được người đời tôn vinh, xum xoe, điếu đóm, nhưng họ có thừa khả năng làm tiêu tùng cả vài thế hệ như chơi. Nói nữa thêm buồn…

    Hồi đó đoạn bờ hồ này, chiều chiều có những xe bán xắp xắp sà tới bán. Khách ngồi ghế đá ven hồ, hoặc ăn đứng. Có lần tôi gặp cô bé ngoài hai mươi, mang theo cặp, đi xe đạp đến bán phụ mẹ. Gợi chuyện, cô gái nói: “Cháu học ngành viễn thông ở đại học Đà Lạt. Giờ này đông khách nên đến phụ mẹ”. Thùng khô bò đặt trên yên sau xe gắn máy hoặc xe đạp, xe công an đến thì ù té chạy. Tôi đã chứng kiến cảnh bỏ của chạy lấy người như thế, bỏ lại sau lưng đĩa, đũa, ghế nhựa,… Khách thương tình, đứng lại chờ họ quay lại, trả tiền, còn không thì coi như mất. Mà công an hình như cũng chẳng muốn bắt. Xe công an cứ thủng thỉnh đuổi. Phía trước báo động, người xe, người thúng chạy lẫn vào hẻm. Nhưng dạo này không còn thấy những xe xắp xắp bán dạo ở ven hồ nữa. Chắc công an làm gắt rồi.

    Đà Lạt là thành phố trẻ, chỉ cỡ trăm năm. Dân định cư nơi đây chủ yếu đến từ miền Trung, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,… Họ được thuê mướn làm đường xá, xây cất. Rồi sau này người miền Bắc vào trồng rau, trồng hoa, rồi người Huế cũng vào lập nghiệp. Đợt di cư 54 cũng kéo theo cả ngàn người đến ở Đà Lạt khẩn hoang lập ấp. Người Đà Lạt đến từ mọi miền đất nước, mang theo văn hóa đặc thù, mà dễ thấy nhất là ẩm thực. Chẳng biết tôi có thiên vị hay không, nhưng ăn bún bò Huế, mì Quảng ở Đà Lạt thấy ngon hơn ở Huế hay ở xứ Quảng nhiều. Cay xé họng, trào nước mắt vẫn thấy ngon.

    Người Quảng, người Huế, người Bắc,… sống ở Đà Lạt mất dần đi bản sắc vùng miền của riêng họ. Sự khẩn hoang mang họ đến gần nhau bất cần gốc gác, lại thêm nỗi nhớ quê, rồi núi đồi, sông suối, khí hậu và sự yên tĩnh của thiên nhiên đã biến họ thành người… Đà Lạt: chất phác và hiếu khách, hiếu khách thiệt tình kiểu Nam Bộ, nhưng nhỏ nhẹ chứ không ồn ào.

    Một buổi sáng Chủ nhật, tôi ngồi uống cà phê ở góc đường Bà Triệu. Hai cụ già, bà dìu ông, chậm rãi vào quán. Ông mặc áo vest, đội mũ casquette, cầm tờ báo Pháp. Bà mặc áo dài, khoác áo măng tô, tay cầm sách kinh, áng chừng họ vừa đi lễ nhà thờ Con Gà về. Ông trông ra dáng công chức thời Tây. Bà dáng quý phái, trang điểm nhẹ. Bà gọi ly cà phê sữa cho ông, và tách trà nóng cho bà, rồi lặng lẽ lấy những viên thuốc từ vỉ: “Ông uống thuốc đi”. “ Chưa uống!”, ông già cạu cọ, mắt vẫn không rời tờ báo. Lát sau, bà lại đẩy ly nước về phía ông, nhẹ nhàng: “ Ông uống đi, tới giờ uống thuốc rồi”. “Không uống!”, mắt vẫn dán vào tờ báo. Bà nhìn quanh quẩn đâu đó. Lát sau lại đưa thuốc sát tay ông: “Ông uống đi, kẻo tối lại ho xù xụ”. Lần này ông cầm mấy viên thuốc cho vội vào miệng như trả nợ đời, làu bàu: “Đã bảo chưa uống lúc này mà cứ uống, cứ uống….”. Bà yên lặng rót thêm trà cho ông, mắt và miệng ra chiều mãn nguyện. Nhìn hai “con khỉ già” làm… nũng, thấy đất trời Đà Lạt bỗng nhiên giao hòa, tiền muôn bạc tỉ hóa thành tiền âm phủ, thế giới phẳng hay cong cũng trở thành vô nghĩa.

    Ai đó đến Đà Lạt mưu đồ khanh tướng, nhưng người Đà Lạt (gốc) hình như không có máu làm quan, và họ cũng chẳng muốn làm quan. Họ thích đời yên phận với đất trời cây cỏ. Tôi có người quen ở Đà Lạt làm viên chức ngân hàng, bon chen kém cỏi, xin về hưu non, sửa chữa điện tử lai rai và thỏa mãn với cái nghề xập xình này. Tuần trước đi karaoke với nhau. Anh hát bài “Biển nhớ”, cũng đứng lên cầm micro biểu diễn như ca sĩ thứ thiệt. Anh hát dở ẹc, nhưng biểu cảm tha thiết như muốn chở biển lên rừng. Ban giám khảo điện tử cho anh 100 điểm. Chắc máy karaoke này đọc được tâm trạng con người. Chị vợ ngồi cạnh cũng “máu” không kém, chơi bài “Đêm nay ai đưa em về”. Chẳng biết họ có ẩn ý gì với nhau qua lời ca tiếng nhạc hay không, nhưng mới sáng hôm đó, đi chợ Đà Lạt, thấy tay chị khoác tay anh, đầu nghiêng ngửa vào nhau, trông họ “lẳng” với nhau, một cái “lẳng” đằm thắm hết sức… Đà Lạt.

    Nghe nói, người ta định mời kiến trúc sư Pháp thiết kế lại Đà Lạt. Cũng nghe nói, người ta định lập một đô thị Đà Lạt khác trên con đường đi lên Suối Vàng. Ừ, một đô thị Đà Lạt tráng lệ nên thơ, mà thiếu “con- người-Đà-Lạt”, thì cái hồn của Đà Lạt sẽ ra sao?

    Những người con của Đà Lạt nay quy cố hương, không khỏi chạnh lòng vì những đổi thay: nhà hàng, nhà cao tầng, các vạt đồi đã đốn cây xanh, còn trơ đất đỏ sẵn sàng cho những dự án hoành tráng, xứng tầm với một thành phố du lịch, xứ sở ngàn hoa, như có người nói: “Người ta cắt một mảnh Saigon lên, đem dán vào Đà Lạt và bảo rằng Đà Lạt đang phát triển trong… quy hoạch”. Đà Lạt trở nên thực dụng hơn…

    Thời gian Đà Lạt dường như chậm lại. Nhịp sống cũng chậm lại. Những người muôn năm cũ đang nhẫn nhục né tránh nhịp sống thời đại. Mà dân Đà Lạt (gốc) ở đây chắc cũng chẳng còn được bao nhiêu. Thời cuộc đã phân tán họ đi khắp nơi rồi.

    Cách đây 3 năm, tôi đi chuyến xe đêm từ Sài Gòn, đến Đà Lạt khoảng 4 giờ sáng. Gõ cửa khách sạn giờ đó cũng hơi ngại, tôi ghé quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng. Quán chừng 5-7 người, toàn là dân Đà Lạt (gốc), tôi đoán thế. Bốn giờ sáng ở Đà Lạt là thời điểm hơi sớm để bắt đầu một ngày làm việc. Họ là những người bỏ mối hàng chợ, lấy mối vé số hoặc chạy xe ôm. Một anh mù bán vé số, trạc 40, bước vào quán cùng với người bạn. Anh tìm chỗ ngồi dễ dàng, dường quen thuộc với cách sắp xếp bàn ghế ở quán. Anh gọi ly cà phê sữa, và 2 điếu thuốc “con mèo”, mời người bạn bên cạnh một điếu. Anh mù bán vé số, nhưng lại chơi số… đề. Trông anh thoải mái, lạc quan khi bàn đề với bạn, mặc dù chiều qua anh không trúng. À, nếu chiều nay trúng đề anh sẽ mua những gì, những gì…Ước mơ giản dị quá! Anh chơi đề cũng nhỏ thôi (chừng 10 – 20 ngàn đồng) và chỉ đánh hai số cuối. Tôi hỏi: “Tại sao bán vé số mà lại chơi đề?”. Anh nói: “Chơi đề trúng nhỏ nhưng dễ trúng hơn”.

    Cặp vợ chồng già, Kiều lão, cô bé sinh viên,… là những nét chấm phá tạo ra bức tranh chung về con người Đà Lạt. Đâu đó có những khoảng khắc yên bình chen lẫn với những đắng cay. Trước 75, ngoại trừ các đại gia từ Sài Gòn đến Đà Lạt mua biệt thự để làm chỗ nghỉ mát, chứ nói chung, cư dân Đà Lạt không giàu nhưng họ sống thư thả, không bon chen, hối hả theo đời cơm áo. Có lẽ anh mù bán vé số đó là tiêu biểu cho người Đà Lạt (gốc) chăng?

    Một buổi chiều xẫm tối ở góc đường Phan Bội Châu – Bùi Thị Xuân, tôi nói bâng quơ với bà bán bắp nướng, khi đứng chờ lấy bắp: “ Đà Lạt chỉ còn con đường Đinh Tiên Hoàng dẫn đến trường đại học là còn nét cũ”. Chị nói như thì thầm: “Còn chứ, còn một con đường còn sót lại, con hẻm trước mặt đó. Anh vào xem đi, không khéo mai mốt lại không còn nữa”. Con đường dốc hẹp càng đi sâu, càng âm u, yên lặng, chỉ có tiếng gió thổi qua hàng cây. Một bên vách cao, lá và những cây to, một bên là vực, rải rác vài căn nhà nhỏ. Nhón chân lên, có thể thấy bên kia là ánh đèn của khu du lịch Bùi Thị Xuân, ồn ào, chèo quéo khách du lịch. Sự tương phản chỉ cách nhau chưa đầy trăm mét.

    Đà Lạt buồn hiu, con đường sót lại buồn hiu, “người muôn năm cũ” buồn hiu,… Tất cả mờ dần sau những đợt festival hoành tráng.

    Tôi muốn trích đoạn một bài thơ của Cung Trầm Tưởng được Phạm Duy phù phép thành bản nhạc “Bên ni Bên nớ” để kết thúc bài viết tạp này. Mà liệu có kết thúc được chăng? Biết bao nỗi niềm còn chất chứa …. Kiều lão Đà Lạt chỉ là một trong những ngã rẽ buồn bã, còn biết bao ngã rẽ khác nữa. Nói mấy cho vừa…

    Thôi, hãy cứ thì thầm theo đoạn nhạc…

    • “… Bên tê thành phố tráng lệ

      Giai nhân nằm khoe lõa thể

      Bên ni phố vắng, ôi lòng ngoại ô…

      …Tiếng chân gõ guốc xa xa…”



    Vũ Thế Thành

    PS : Tôi gặp Kiều lão trong bài vào năm 2010, nhưng đến năm 2012, khi đã chính thức “tạm trú” ở Đà Lạt, tôi mới viết bài “Kiều lão Đà Lạt”, chắp vá những ký ức vụn vặt vào thời điểm viết. Bây giờ Đà Lạt đã thay đổi nhiều, chỉ mới 7 năm mà thay đổi nhiều lắm. Xe gỏi xắp xắp không còn chỗ trú thân, mảnh đất đã thuộc về tư nhân. Đà Lạt đang mất dần, mất đất, mất cả con người… Kiều lão trôi dạt đi đâu? Mỗi khi đi ngang qua đó, không khỏi ngậm ngùi… 13/05/2017 – Vtt



    Nguôn:https://vuthethanh.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Áo xưa dù nhàu



    Đầu thập niên 70, dân Sài Gòn xôn xao với bộ phim Doctor Zhivago. Tôi đã đọc truyện và xem phim. Hồi đó tôi không hiểu vì sao ông bác sĩ này lại yêu một lúc đến hai bà, mà yêu thiệt tình chứ không phải chơi. Nói theo ngôn ngữ thời đại, đó là “tình yêu chất lượng cao”. Có cao, thì có cái ít cao hơn. Ai cao, ai ít cao hơn? Hai chữ “thủy chung” coi bộ dễ hiểu mà sao rắc rối quá chừng.



    Anh là của tui, chỉ của riêng tui,
    léng phéng là tui… chơi tới cùng. (ảnh: netlife.vn)




    Báo Dân Việt cuối năm 2010 kể lại câu chuyện của ông Bàn Văn Bảng, ở Bản Thảo, xã Ma Le, Hà Giang. Vợ chồng ông Bảng sống với nhau 45 năm, chưa hề to tiếng dù họ không con cái. Bà mắc bệnh nan y. Những ngày cuối đời, tinh thần bấn loạn, bà nhớ đến mối tình đầu, mê sảng gọi tên người tình cũ. Ông Bảng nhắn tin trên báo đài, bắt xe về Nam Định tìm người tình cũ cho vợ. Không kết quả. Bà mất, ông ray rứt vì chưa giúp vợ toại nguyện mong ước sau cùng.

    Hồi trẻ, tôi thấy tình yêu đâu có gì khó hiểu, mà sao thiên hạ cứ than thở: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?”, hay như Lý Mặc Thu trong Thần Điêu Đại Hiệp suốt ngày ngâm nga

    • “…Hỏi người dưới thế tình là vật chi?

      Hẹn nhau sinh tử cùng đi…”.


    Tình yêu là gì? Dễ ẹc! Tình yêu là.. chịu lấy nhau, mà chịu lấy nhau chưa chắc đã là tình yêu. Triết lý phết! Nhưng đó là thứ triết lý của thằng nhãi, điếc không sợ súng. Theo thời gian, mỗi giai đoạn của cuộc đời, tôi hiểu tình yêu khác đi một chút, rộng lượng hơn một chút. Bước vào tuổi “tri thiên mệnh” thì chẳng còn hiểu nổi tình yêu là cái thứ gì nữa. Thôi, để lại hai chữ đó cho thế nhân bàn luận.

    Một trường hợp khác, đôi trẻ yêu nhau hồi còn trung học, tưởng như trời gầm không nhả. Vậy mà xa nhau vì chuyện hờn giận lảng nhách nào đó. Sau 75, hai đứa hai nơi, chàng ở Canada, nàng bên Úc… Mỗi khi gặp chuyện gia đình riêng tư muộn phiền, cả hai lại hồi tưởng “ngày xưa tươi đẹp” mà hối tiếc. Ba mươi bốn năm sau, họ gặp lại nhau tại Sài gòn. Thôi thì những gì ấm ức, chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện xưa chuyện mới xả ra hết… Ba mươi bốn ngày mưa ngâu, lô cốt ngập nước. Họ chia tay nhau, email, chát chít, hàng ngày, hàng ngày,… rồi thưa dần. Cả hai nhận ra rằng, cái “bất hạnh” riêng tư của mỗi người, tuy cay đắng nhưng chưa đến nỗi phũ phàng. Nếu họ xáp lại, có khi lại phũ phàng, còn tệ hơn là cay đắng. Họ đã thanh toán xong cái quá khứ đầy hối tiếc.

    Nói thiệt, tôi mê nhạc…sến, mà cũng chỉ mới “ngộ” ra đây thôi. Nghe nó…sến, nhưng lại thấy gần, bay xa chịu không nổi. Những dòng nhạc trữ tình với ca từ đầy tính ẩn dụ, giàu hình tượng, triết lý cao, chỉ cần một hai câu cũng tạo ra sự đồng cảm với tâm trạng “khó nói nên lời” nơi người nghe. Sướng là ở chỗ đó! Nhưng nhiều khi ca từ điệu nhạc hay quá lại đẩy người ta bay bổng vào thế giới mộng mị, và không chừng lại hoang tưởng với “chữ nghĩa” cũng nên.

    Nhiều người lấy nhau do cha mẹ đặt đâu ngồi đó, do mai mối, có khi coi mắt một lần, chịu đèn là tới…luôn. Vậy mà họ đẻ con lia lịa. Có bà, áo chưa nhầu, tóc chưa bạc, chồng đã qua đời. Họ ở vậy nuôi con. Thằng con đang tuổi lớn, quậy phá. Bà vợ thắp nhang, ngồi bệt trước bàn thờ chồng than thở, trách móc, rồi lại khóc, rồi lại thấy không có chồng bên cạnh là sự mất mát hơn bao giờ hết. Đâu cần phải “gọi mùa thu tới”, hay nhờ tới “sỏi đá”, chữ nghĩa hoang tưởng tới đâu cũng thừa. Tình yêu lẩn đi chỗ nào rồi?

    Tình và Nghĩa liệu có gì khác nhau? Nói theo “Ngũ Thường” (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), Mạnh Tử cho rằng, Nhân là trái tim, Nghĩa là cách sống. Nghĩa trong Nho giáo, hiểu rộng là cách hành xử trong mối quan hệ giữa người và người, trong đó có nghĩa phu thê. Cái Nghĩa ràng buộc và thấm sâu đến độ nhiều khi người ta hờ hững với những cái gọi là lãng mạn ái tình. Mức ly dị ở Tây cao chắc một phần là do Tình nhiều Nghĩa ít, hay họ đã sống đời thực dụng một cách văn minh?

    Bà Bảng đã sống hầu như trọn nghĩa với chồng. Nếu thời gian có lùi lại vài chục năm, chưa chắc bà đã dám đổi Nghĩa lấy Tình. Cái sâu thẳm của niềm tin qua trải nghiệm bền vững hơn nhiều so với khoảng khắc “đột biến”. Phải có gì ray rứt lắm bà mới đem theo một góc trái tim về bên kia thế giới. Bà mặc hai áo: một áo phẳng phiu, một áo đã nhầu. Tôi không biết bà mặc áo nào vào trong, áo nào ra ngoài, nhưng dù thế nào, tôi vẫn tôn trọng và thương cảm cho bà.

    Tình yêu là cái gì có tính… sở hữu. Chắc là vậy quá! Cư xử với “đối tác” như đôi bông tai, cà rá… Anh là của tui, chỉ của riêng tui, léng phéng là tui… chơi tới cùng, và ngược lại. Tính sở hữu đã phức tạp hóa mọi vấn đề, lẽ phải thuộc về người này, lẽ trái do người kia,… Với ông Bảng, thì lẽ phải thuộc về trái tim, không có một ego nào cả. Văn hào George Sand nói:“Đơn sơ là điều khó nhất trên đời. Đó là giới hạn cuối cùng của sự từng trải, và là nỗ lực sau cùng của thiên tài”. Ông Bảng không phải là người từng trải, cũng chẳng là thiên tài, nhưng ông đạt tới sự đơn sơ một cách thoải mái, như bản chất thường thấy ở người dân tộc.

    Nếu xem bằng cấp (tính luôn bằng giả thứ thiệt và bằng thiệt học giả) là thước đo trí tuệ, thì ông Bảng có cái trí quá nhỏ. Nói theo Kant, “Bổn phận là mệnh lệnh của lý trí”, thì ông Bảng lại thực hành bổn phận theo mệnh lệnh của trái tim. Một trái tim đơn sơ, một tâm tình hiến dâng mà ông không hề biết, mà cũng chẳng cần biết mình đã dâng hiến.

    Trái tim của ông là bản nhạc không cần ca từ.


    Vũ Thế Thành


    Nguồn:https://vuthethanh.com

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Tình bạch tuộc, đẹp đến thế là cùng!




    Nhâm nhi bia bọt với món bạch tuộc nướng ở những quán ven đường, dân nhậu đâu ai ngờ rằng, những con bạch tuộc trước khi lên đĩa đã có một tình yêu tuyệt vời và bi tráng, mà những mối tình đẹp nhất của loài người cũng không thể sánh bằng.




    Một lần là trăm năm

    Bạch tuộc có tám cánh tay (tua). Một trong 8 cánh tay này được biến thái trở thành tua giao cấu (hectocotylus).

    Có ai ngồi quán bạch tuộc vỉa hè Sài Gòn chiều cuối năm, lai rai đôi chút, và ngậm ngùi đôi chút với cái gọi là “một lần là trăm năm” của đời bạch tuộc chăng?

    Đến mùa mây mưa, con đực xáp lại gần, ve vãn, âu yếm người tình bằng những cánh tay, và đưa tua giao cấu vào con cái. Rồi bất ngờ, bạch tuộc đực tự cắt phăng luôn “cái nợ đời” tặng cho người tình.

    “Nợ đời” không còn, sống cũng như chết, mà con đực chết thật, chỉ sau đó một vài tuần. Bạch tuộc cái ôm chặt tặng vật của người tình cho đến ngày sanh nở, nâng niu chăm sóc “giọt máu” của tình yêu cho đến khi trứng nở thành con, và ngay sau đó (có khi sớm hơn), đi theo người tình về cõi… vô tận.

    Người ta có thể chết vì tình như Trọng Thủy hay Romeo. Người ta cũng có thể xuống tóc vì tình, mà vẫn chần chừ cắt đứt dây chuông như cô Lan trong Tắt lửa lòng, nhưng chưa ai vì tình dám làm động tác “dứt khoát” như bạch tuộc, dứt khoát luôn thị phi, đàm tiếu, người đời. Một lần là trăm năm. Một “tâm tình hiến dâng” tuyệt đối, đẹp đến thế là cùng!

    Ngàn đời còn hãi sợ

    Ngôn ngữ văn chương thì lúc nào lại chẳng ca tụng tình yêu đến tận cùng chữ nghĩa. Nhưng dưới con mắt khoa học, tình bạch tuộc lại xem ra quá tàn nhẫn và tê tái.

    Trong tua giao cấu của bạch tuộc có 2 túi tinh (spermatophoric sacs). Con cái phải ôm chặt “tặng vật” của người tình để vắt cho bằng hết tinh trùng, rưới vào vòi buồng trứng của nó. Khi giao phối, nếu cảm thấy đã đủ “đô” thụ tinh rồi, mà con đực vẫn cứ… tới tới, thì con cái sẽ “đạp” văng luôn con đực, mà “cái nợ đời” vẫn phải để lại. Lại có trường hợp, vừa xáp lại gần, con đực đã tự động tháo (remove) “cái nợ đời” ra giao nộp mà không được xơ múi gì cả. Những thực tế phũ phàng như thế quả thực, ngàn đời còn… hãi.

    Có khoảng 300 loài bạch tuộc, mỗi loài có cách thức truyền giống, sinh sản khác nhau, nhưng đại loại cũng gần gần giống như trên.

    Bạch tuộc con, vừa nở ra từ trứng, đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chúng không học được gì từ cha mẹ cách thức để sinh tồn, nhưng chúng vẫn biết cách phun mực để trốn kẻ thù, biết thay màu, biến hình đổi dạng để đánh lừa những thú săn mồi dưới biển, thậm chí bị kẻ thù chộp cánh tay, bạch tuộc tháo luôn cánh tay bỏ chạy,…

    Bạch tuộc được xem là thông minh nhất trong các loài nhuyễn thể (thân mềm). Bạch tuộc Paul của Đức còn tiên đoán kết quả bóng đá World Cup 2010, mà độ chính xác đã làm giới cá độ “lên ruột” một thời.

    Nhưng tất cả chỉ là bản năng sinh tồn, duy trì nòi giống mà thôi.

    Coi chừng bạch tuộc đốm xanh

    Nãy giờ nói nhăng cuội, nhưng đây là bài báo cuối cùng của năm, coi như xả stress. Bây giờ quay lại vấn đề “an toàn thực phẩm” cho đúng chuyên mục, nếu không chủ bút thổi còi.

    Bạch tuộc cũng như các loại hải sản khác, giàu protein (15%), ít béo (1%), nhưng tỉ lệ acid béo không no cao, nhất là omega-3 (0,16%). Lại có nhiều khoáng cần cho cơ thể như sắt, manganese, selenium, lượng potassium cũng cao hơn hẳn so với sodium. 100gr bạch tuộc cung cấp chỉ 80 Calo, thích hợp cho ăn kiêng giảm béo.

    Bạch tuộc xuất cảng từ Việt Nam hầu hết ở dạng sơ chế rồi đông lạnh. Nhật Bản và Hàn Quốc rất thích ăn sống bạch tuộc (không chế biến), do đó tuyển lựa nguyên liệu rất kỹ. Bạch tuộc đánh bắt phải bảo quản tốt, chuyển về nhà máy càng nhanh càng tốt, sờ tay vào bạch tuộc vẫn phải còn nhép dính.

    Về an toàn thực phẩm, bạch tuộc cũng tương tự như các loại hải sản khác, nhiễm ký sinh trùng ít được ghi nhận, nhưng vẫn có thể nhiễm các vi khuẩn gây bệnh khác, nếu vệ sinh, bảo quản không tốt. Ở nước ngoài, thường tiêu thụ bạch tuộc đông lạnh, đã được vệ sinh, khử khuẩn tại nhà máy, nên tương đối an toàn. Việt Nam dù là nước xuất cảng bạch tuộc đông lạnh, nhưng loại này lại không thấy bán ở siêu thị.

    Bạch tuộc bán ngoài thị trường là hàng ướp lạnh, trước đó ít nhiều đã có dùng hóa chất để tẩy trắng, làm tăng trọng. Nói chung không thể kiểm soát được về mặt chất lượng, và dù có nơi nói là hàng tươi, cũng không thể tin, trừ khi họ có hồ sơ chất lượng của lô hàng, từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra. Điều này thường chỉ có ở những nơi chế biến bạch tuộc xuất khẩu.

    Nhiều nhà hàng trong nước quảng cáo bán bạch tuộc tươi. Quên đi! Bạch tuộc thiệt tươi đã có mối lái đi vào nhà máy để làm hàng ăn sống, xuất cả rồi. Loại kém tươi hơn một chút, được sơ chế, đông lạnh rồi xuất sang Hàn, Nhật, Mỹ, EU, Hồng Kông,.. Mỗi năm Việt Nam xuất cảng khoảng 40.000 tấn bạch tuộc, còn đâu là hàng tươi đi vào nhà hàng trong nước. Hàng “ngậm nước”, ướp đá thì có.

    Do đó, không nên ăn gỏi bạch tuộc, chỉ nên ăn bạch tuộc nướng hoặc nấu chín. Độ rủi ro sẽ thấp hơn, phước chủ may… “người ăn”.

    Tuy nhiên không phải bạch tuộc loại nào cũng ăn được. Bạch tuộc đốm xanh (blue-ringed octopus) đã từng gây chết người ở Bình Thuận. Bạch tuộc loại này chứa độc tố tetrodotoxin cực độc (giống như ở cá nóc), nấu chín không phân hủy được độc tố. Độc tố trong một con bạch tuộc 25 gr đủ làm chết 10 người.

    Bạch tuộc quán Sài Gòn, chiều cuối năm



    Bạch tuộc ven biển Việt Nam chỉ có loại nhỏ, cỡ bàn tay. Vài loại phổ biến theo tên gọi địa phương là loại bạch tuộc 1 da 2 mắt, 4 mắt (có 2 đốm giống như 2 con mắt), maya, bạch tuộc ốc,…tiếng Anh gọi chung là bạch tuộc nhí (baby octopus).

    Vài loại bạch tuộc rất dễ đổi sang màu hồng khi tiếp xúc với ánh sáng, không khí, pH,..và làm khổ các nhà chế biến không ít (bạch tuộc đổi màu, giá sẽ thấp), nhất là các loại bạch tuộc ở miền Trung và vịnh Bắc Bộ. Bạch tuộc ở Kiên Giang, nói chung, đánh bắt ở vịnh Thái Lan được cho là ngon nhất.

    Bạch tuộc là món ăn mới mẻ trong nước, xuất hiện mới vài năm trở lại đây thôi, chắc là “sái nhì sái ba” gì đó của hàng xuất cảng. Nhưng với óc sáng tạo vô biên của dân nhậu, bạch tuộc đã nhanh chóng trở thành nhiều món nhậu phong phú, nào là bạch tuộc sa tế, bạch tuộc nướng mật ong, bạch tuộc chiên dòn, bạch tuộc chua ngọt, bạch tuộc nhúng giấm,…

    Năm Dê sắp tàn. Có ai ngồi quán bạch tuộc vỉa hè Sài Gòn chiều cuối năm, lai rai đôi chút, và ngậm ngùi đôi chút với cái gọi là “một lần là trăm năm” của đời bạch tuộc chăng? Xỉn quá về nhà, xớ rớ lại bị đạp cho một phát“ngàn đời còn hãi sợ”, coi như vận xui năm Dê chưa hết.

    Vũ Thế Thành


    Nguồn:https://vuthethanh.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Chuyện của một thời




    Thằng bạn Việt kiều mới đây gửi mail cho tôi: …Sài Gòn dạo này còn nhiều xích lô không? Cứ đến những ngày tháng Tư này, tao lại nhớ đến xích lô. Bây giờ, mày chạy hai bánh nổi không?… Chạy hai bánh ở đây là nghiêng xe, giữ thăng bằng, thì xích lô ba bánh có thể chạy bằng hai bánh.



    Tên Việt kiều này có thời là đồng nghiệp xích lô của tôi. Nó đang theo học ban Triết (Tây) thì đứt phim. Sau 75, mọi ngành học bên Văn khoa (trừ Ngoại ngữ) đều có “vấn đề”, môn Triết lại càng có “vấn đề” hơn nữa. Nó phải bỏ học, sống lông bông đủ kiểu. Tôi theo ngành khoa học nên được chiếu cố cho học nốt những môn còn thiếu, ra trường và làm việc tại một trung tâm nghiên cứu.


    Một buổi chiều cũng dạo tháng Tư thế này, lang thang ngoài phố, tình cờ gặp nó đang đạp xích lô. Tay bắt mặt mừng. Y ra hiệu cho tôi bước lên xe, chở thẳng ra quán nhậu lề đường. Chén thù chén tạc, đời xích lô lắm chuyện ly kỳ bụi bặm. Y nói: Tao mướn xe tháng, xài không hết công suất, chiều tối hay sáng sớm gì đó, khi nào rảnh, mày lấy xe tao chạy kiếm thêm tiền. – Tao chưa thử xích lô lần nào. Có dễ chạy không?, tôi hỏi. Không khó lắm.

    Nói vậy cũng hơi ngần ngừ, ngoài giờ làm việc cho cơ quan nghiên cứu, tôi còn dạy kèm luyện thi đại học cũng kiếm thêm được chút đỉnh, đủ nhậu lai rai. Một bà bước đến bên bàn nhậu hỏi:

    Xích lô! Có đi không?
    Nghỉ rồi dì, thằng bạn lắc đầu.
    Vài ly rượu đủ làm tôi bốc lên: Để tao! Ngồi đó chờ một chút. Tôi quay qua bà khách: Dì đi đâu?

    Hình như tôi có khiếu… đạp xích lô. Chẳng cần tập tành gì cả, mọi thứ đều an toàn, trót lọt. Nửa tiếng sau, tôi trở lại quán rượu, đặt số tiền cuốc xe đầu tiên lên bàn, cười sảng khoái: Năm giờ rưỡi chiều mai, tao ghé nhà mày lấy xe.

    Những năm sau 75 mọi thứ đều đổi đời. Leo lên chiếc xích lô, tôi cũng phải ăn mặc và ứng xử như một người đạp xích lô thứ thiệt. Xắn cao ống quần chân phải để khỏi bị xích xe nghiến nát, kẻo tai nạn dập mặt cũng không chừng. Nhưng điều quan trọng là phải đội nón, tránh nắng là chuyện nhỏ, tránh gặp người quen mới là chuyện lớn. Thành phố Sài Gòn đông người mà ngõ hẹp, không ít lần tôi đã “đụng” phải học trò, đồng nghiệp, thậm chí cả bạn (gái) ngoắc xe. Đời lắm nỗi oái oăm!

    Có lần tôi chở hai bà khách, mà trọng lượng của cả hai chắc cũng trên tạ rưỡi. Trưa nắng, dốc cầu Thị Nghè dài như vô tận. Tôi chợt thấm thía câu thơ của Cao Bá Quát: Trời nắng chang chang người trói người… Trời ơi! Hai bà khách vẫn vô tư cười nói, sao họ không xuống xe đi bộ một quãng cho mình đỡ khổ! Cho dù thế nào, có Chúa làm chứng, tôi đã tận lực làm tròn nhiệm vụ của thằng đạp xích lô. Dốc mỗi lúc mỗi cao, lực bất tòng tâm, tôi không còn ghì nổi tay lái, chiếc xe đổ nhào về phía trước… Đôi khi con người cũng nên biết lắng nghe những lời chửi rủa mà tưởng như đang nghe nhạc trữ tình. Cuộc đời nhờ đó sẽ đỡ khổ hơn chăng?

    Một trường hợp khác, tôi chở một bà khách ăn mặc quý phái, túi da, vòng vàng, son phấn sáng rực. Thỏa thuận địa điểm và giá cả xong, tôi khởi hành, dù giá hơi hẻo, nhưng chở một người thì xe cân bằng, dễ chịu hơn đi xe trống. Khi tới nơi, bà khách nói đi xích tới nữa, sắp tới, và tới nữa… cũng cả hơn hai cây số. Đến đây thì tôi hiểu mình bị lừa vặt. Tôi dừng xe lại, và lịch sự mời bà khách xuống. Bả sừng sộ: Mày là thằng đạp xích lô, chứ là cái thá gì mà đòi nói bà xuống… Tôi nổi nóng, nhảy xuống xe, định ăn thua đủ, nhưng thoáng thấy quần mình đang mặc ống thấp ống cao… Trong nháy mắt, tôi chợt nhận ra đúng thân phận, mình chỉ là thằng đạp xích lô. Tôi xua tay: Tặng bà cuốc xe đó, rồi lên xe đạp thẳng, còn kịp nghe tiếng nguýt đuổi theo: Xí…! Nghèo mà còn làm phách…

    Những năm cuối thập niên 70, đầu 80 chẳng ai sống bằng lương nhà nước nổi. Lương kỹ sư khoảng 73 đồng. Nhu yếu phẩm gạo (13kg), đường (0,5kg), thịt mỡ (0,6kg)… được mua theo giá chính thức. Cũng phải kể, đàn ông được mua thêm 3 gói thuốc đen, phụ nữ vài thước vải mùng. Mấy thứ này ngốn hơn nửa tiền lương rồi. Còn giá thị trường đại khái thế này: 3đồng/tô phở bình dân, 3đồng/xị rượu hạng bét, 0,5đồng/ly cà phê bắp… Mức sống tiêu chuẩn cán bộ (kỹ thuật) là thế. Còn dân thường hầu như phải vật lộn theo giá thị trường. Sổ gạo khi có khi không, chen lấn, khoai mì, bo bo, hàng độn đủ thứ… Vậy mà thiên hạ vẫn sống, vẫn loay hoay kiếm cái gì đó để ăn, để tồn tại. Sức đề kháng của con người để sinh tồn trong nhiều trường hợp thật không tưởng tượng nổi. Sau này tôi mới hiểu vì sao mấy ông tù cải tạo, phải chờ thả về nhà mới chịu… đổ bệnh.

    La cà trong giới xích lô tôi mới biết ra rằng, không ít người là trí thức (cũ) đã chọn con đường mưu sinh này. Khá bộn cái gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” cũng tham gia vào nghề này. Họ khó có chọn lựa nào khác. Ai cũng tìm cách che giấu thân phận, nhưng “phát hiện” ra nhau không phải là điều khó. Lúc ế độ, không có khách, tấp vào bóng mát nào đó, nằm khểnh trên xe đọc sách. Tri thức vẫn là một nhu cầu, ngoài chuyện ăn uống.

    Tôi biết có nhiều nhà giáo sau 75 bỏ nghề để đi hớt tóc dạo, bán thuốc lá lẻ, sửa giày dép… Tôi hỏi một vị: Bộ không được lưu dụng hay sao mà bỏ nghề giáo? Làm nghề này chi cho cực?–Không, tôi tự nguyện “mất dạy”. Tôi thà mất dạy…, ông cựu giáo chức cười méo miệng. Tôi không hỏi thêm nữa, sợ ông buồn.



    Có một nghề mà mấy ông cựu thầy giáo rất thích, nghề bơm mực, bởi nó dính dáng tới văn phòng tứ bảo, cũng gần gần với cái “nghiệp” năm xưa của mấy ổng. Tôi xin mở ngoặc một chút để các bạn trẻ có thể hình dung về cái nghề lỗi thời này. Bút bi mà các bạn đang dùng, xài hết mực thì vất đi. Sau 75, bút bi thuộc loại “quý giá” và là hàng dễ hỏng. Bút nào mà xài được tới hết mực, được xem là hàng… chất lượng cao. Xài hết thì mang ra ngoài đường bơm mực, xài tiếp. Nói tới bút dỏm, mà không nói tới giấy dỏm thì có vẻ hơi thiếu. Giấy vàng khè, còn lộm cộm những bã rơm rạ nghiền chưa kỹ, đè bút mạnh tay một chút để ra chữ, có khi văng cả bi ra ngoài. Tôi còn lưu giữ khoảng vài trăm trang giấy như thế, là các báo cáo và bản dịch tài liệu kỹ thuật. Đôi lúc ngậm ngùi, nhìn lại bút tích của chính mình. Quả là một thời kiên nhẫn không cần thiết.

    Không phải khách đi xích lô nào cũng hãm tài như tôi vừa kể ở trên. Khách đàn ông dễ chịu hơn, ít kì kèo. Khách nhi đồng thì miễn trả giá, cỡ nào tôi cũng chạy. Khách hào phóng nhất, mà đôi khi cũng xù tỉnh queo nhất là mấy em đi… khách. Sập tối sáu, bảy giờ là ra quân, hôm nào trúng mánh thì trả đậm, trật mánh thì hẹn… kiếp sau. Có khách lên xe, buông một câu: Anh chở tôi đi đâu loanh quanh cũng được, đi đủ hai tiếng đồng hồ. Thời buổi đó, lên voi xuống chó, tình người đẩy đưa, tình đời đen bạc, tâm tư chất chứa đủ chuyện. Người khách im lặng suốt cuốc xe. Tôi chở khách, chở luôn nỗi buồn thời cuộc của họ.

    Một buổi sáng chủ nhật, tôi chở bà khách từ chợ An Đông. Bà bao xe nguyên ngày, đi nhiều nơi trong Sài Gòn, mỗi nơi bà đi vào khoảng nửa tiếng, rồi trở ra đi tiếp. Đi kiểu này thì khỏe, tôi khỏi tốn công cảo xe lòng vòng kiếm khách. Tới nơi, khách đi công chuyện của khách, tôi ngả người lên xe nằm chờ, và lấy sách ra đọc. Chặng cuối cùng, bà yêu cầu đi ra Bến xe Miền Tây để đón xe đò về Rạch Giá. Có vẻ như đã xong công việc, bà khách ngồi trên xe vui vẻ bắt chuyện:

    Anh đạp xích lô lâu chưa?
    Chừng vài tháng.
    Tôi thấy anh đâu có dáng đạp xích lô, mặt mũi như thế phải là người có ăn học.
    Tôi đang kiếm sống bằng nghề đạp xích lô mà.
    Ban nãy tôi thoáng thấy anh đọc truyện tiếng Anh, quyển gì, à… 16 skeletons from my closet
    Bà khách này đáo để quá… Tôi im lặng hồi lâu.

    Sao anh không đi?
    Đi đâu? -Tôi vờ ngớ ngẩn
    Ở đây khó sống. Bên kia còn thấy tương lai…
    Tới bến xe, bà trả tôi gấp đôi số tiền thỏa thuận. Anh không muốn đi thật sao? Tôi lờ mờ hiểu ra công việc của bà sáng nay. Tôi có hoàn cảnh riêng. Chúc chị đi bằng an.

    Đi vài bước, bà khách chợt quay lại, rút ra trong túi xách quyển sách: Anh cầm cuốn này mà đọc. Tôi chưa kịp cám ơn bà đã quầy quả đi ngay vào bến. Đó là tiểu thuyết Nhịp cầu trên sông Drina của Ivo Andritch.

    Sáu tháng đạp xích lô, tôi hiểu ra được nhiều mảng đời, nhiều số phận. Cuộc sống đảo điên và kỳ lạ, một chút tàn nhẫn, một chút thánh thiện, không đơn giản như những gì tôi chúi mũi trong phòng lab.

    Trong những ngày gian khổ đó, bên cạnh những mảng tối, vẫn còn đâu đó vài điểm coi được. Thèm miếng thịt, thèm lắm, vậy mà dĩa thịt trong mâm cơm nhiều khi còn đầy, người này nhường người nọ, không ai nỡ gắp. Tuổi trẻ thời nay không hình dung nổi chuyện lẻ tẻ đó. Thế hệ @ là phải nhanh như điện xẹt, yêu cuồng sống vội. Đối với họ, cuộc sống là hưởng thụ, là đề cao cá nhân, là ứng xử bầy đàn. Chia sẻ cái gu ăn chơi thì được, chứ chia sẻ tấm lòng thì hơi khó. Thanh niên thiếu nữ giành giựt ở hội chợ hoa Hà Nội năm nào chẳng phải là điều đáng suy nghĩ hay sao? Hay chỉ cách đây vài hôm, báo chí đưa tin, cả ngàn fan nữ thảng thốt vì vẻ đẹp của một ngôi sao Hàn Quốc. Cũng chả trách bọn trẻ được, một khi triết lý giáo dục đã không xem con người là cứu cánh, mà chỉ xem con người là phương tiện cho mục tiêu nào đó.

    Còn biết bao chuyện để nói. Tóc bạc rồi, không nói bây giờ thì lúc nào sẽ nói đây? Và nói để ai nghe? Bọn trẻ không chừng vừa nghe vừa bấm facebook, twitter, hờ hững với quá khứ. Nói ra không phải để than vãn một thời khổ cực, mà đâu chỉ có chuyện cơm áo gạo tiền mới làm mình khổ cực. Còn nhiều thứ khổ khác nữa, khổ tinh thần thì đến giờ vẫn còn phải chịu đựng. Tôi nhớ câu nói của một người bạn đã khuất núi: Nghèo thì ăn bắp ăn khoai cũng chịu được, nhưng chịu nhục thì không. Có cách nào khác không?

    Quyển tiểu thuyết để lại, chiếc cầu trên sông Drina được xây từ thế kỷ XVI, nối liền Bosnie và Serbie, khi đó Nam Tư còn thuộc đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Viên tể tướng của đế quốc lại mang dòng máu Nam Tư, đã cho xây chiếc cầu bắc ngang dòng sông ngăn cách đó. Máu và nước mắt, thù hận và nhẫn tâm. Biết bao biến cố xảy ra chung quanh cây cầu trải dài suốt bốn trăm năm, từ chiến tranh, bệnh dịch cho đến cái chết của một thiếu nữ lao mình xuống sông Drina vào ngày hôn lễ, hay tâm tư của cô chủ quán già Lotika ê chề vì tình đời bạc bẽo. Rồi chiếc cầu cũng đến ngày kết thúc số phận của nó khi Thế chiến thứ Nhất bùng nổ. Số phận của chiếc cầu và thân phận của con người. Bốn trăm năm có là giấc mộng?

    Thằng bạn xích lô bỏ đi từ giữa thập niên 80, từ đó chưa một lần trở về Việt Nam. Ra nước ngoài, nó đi học lại và trở thành chuyên viên máy tính, bỏ lại sau lưng một thời mưa gió và lý sự cùn về triết học Hiện sinh, nhưng một thời xích lô chắc chưa đến nỗi quên, mặc dù có thể nó không hình dung nổi xích lô ở Sài Gòn lúc này được trang hoàng lộng lẫy như xe hoa để chở khách du lịch Tây.

    Người Đà Lạt nói: “ba chiều, chín chiều”, nghĩa là ba chiều mưa, qua đến chiều thứ tư vẫn còn mưa, thì sẽ mưa thêm năm buổi chiều nữa. Đà Lạt lúc này đang mưa đến chiều thứ ba rồi, và có lẽ trong những ngày cuối tháng Tư này, mai sẽ còn mưa nữa, mưa cho đủ chín chiều, có khác gì “cửu hồi trường”, chín chiều quặn đau?

    Tôi nhìn ra sân vườn, mưa vẫn rơi rả rích. Mưa rơi trên khóm trúc sát bên cửa sổ, rơi từng giọt một, chẳng vội vàng gì. Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!


    Vũ Thế Thành

    Đà Lạt 28.04.2013


    Nguồn:https://vuthethanh.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Còn chốn để về, về đi!




    Tôi bỗng dưng trở thành nơi xả stress về mẹ của những người bạn già. Stress buồn có, ‘stress vui’ có. Stress buồn nhiều hơn ‘stress vui’. ‘Stress vui’ hàm ý khoe mình còn mẹ, lăng xăng lo cho mẹ thế này, thế kia. Stress buồn lặng lẽ nghe.


    Chỉ cần nắm chặt tay bà thôi. Cái dây nhau cuống rốn ấy vẫn cảm nhận được nguồn sống mà mình đã từng chắt chiu, ôm ấp.

    Vợ chồng người bạn tôi ở Đức, mới đây ‘thỉnh’ mẹ từ Mỹ sang Đức chơi vài tháng. Lại thu xếp nghỉ phép đưa bà về Việt Nam chơi vài tuần. Quê họ ở Huế. Huế buồn ra rít mấy tháng mưa. Bà cụ muốn đi miền Tây, ngắm vùng sông nước, sông Tiền sông Hậu. Tôi hứng cái ‘stress vui’của bạn để làm tour guide.

    Tôi dẫn họ đi cồn Phụng, thăm chợ nổi Cái Răng, ăn bông điên điển xào tỏi, tép nhảy chiên bột, cháo cá Mỹ Tho… Mẹ bạn cao hứng nâng ly với hai thằng già (non). Vui quá, ngon quá. Bà cụ chín mươi hẹn sang năm đi nữa. ‘Stress vui’ hiếm hoi. Nhà đó có phúc, phúc từ mẹ đến con.

    Tôi hứng stress buồn nhiều hơn. Năm kia, tôi đến chùa viếng đám ma mẹ người bạn. Thấy tôi, bà bạn bước vội đến nắm chặt tay tôi nức nở khóc. Họ tìm thấy ở tôi, người đồng cảnh ngộ, một sự chia sẻ, hiểu (thấu) nỗi đau của họ. Từ khi mất mẹ, tôi chưa bao giờ nói lời chia buồn với những ai mất mẹ. Chia gì nổi mà chia. Hồn ai nấy giữ, đau ai nấy chịu.

    Mà đúng là chia không nổi. Khoảng hai tuần sau tôi nhận được tin nhắn của bạn: Thật sự tôi sợ nghe lời chia buồn của bạn bè. Tôi không muốn ở nhà, cũng không có tinh thần đến công ty làm việc. Tôi cứ lang thang đến chùa, ngồi ghế đá, chẳng nghĩ gì được hết. Tôi cũng chẳng muốn gặp người quen.

    Bạn tôi đấy, một doanh nhân thành đạt bận bịu suốt ngày với công việc. Mẹ mất, bỏ hết, lang thang vào chùa tìm mẹ. Mẹ cô ấy bị alzheimer. Dẫn mẹ đi Âu Úc nghỉ hè, biết bao cảnh đẹp, sông thác hùng vĩ, lầu đài tráng lệ, bà chỉ ngồi trầm ngâm với khoảng không của ký ức, nụ cười ngây ngô… Con cái năm sáu đứa, còn không nhận ra, huống gì cảnh đẹp của thế gian. Vậy mà trong ngóc ngách hẹp hòi của ký ức đó, lại gọi tên, lại nhận ra được đứa con đang chăm sóc mình, biết bấu chặt tay nó khi cảm giác bất an vô cớ của tuổi già chợt đến.

    Mùa Vu Lan năm đó tôi viết bài ‘Trẻ không chịu nhớ, già mới nhớ’, post lên mạng. Cô ấy còm bên dưới …Vẫn giọng văn ấy, anh đã giúp cho tôi thực tình. Tôi vẫn còn diễm phúc được ôm ấp mẹ hàng ngày! Con thật sự sợ đến một ngày… Gió lay. Mẹ rụng… Vài tháng sau, mẹ rụng. Lá đổ ngoài sân rồi!

    Chuyện khác gần hơn, chưa quá trăm ngày. Nửa đêm tôi nhận được tin nhắn cộc lốc từ người bạn: Mất rồi! Tuần sau, ngồi quán cà phê, bạn kể, Mệt quá, tôi thiếp đi. Chợt tỉnh, nhớ đến giờ cho bà uống thuốc. Mở mắt, thấy đèn sáng trưng. Tôi nhận ra mình đang nằm dưới sàn nhà, cạnh quan tài. Giọng nói đều đều, vô cảm. Có những nỗi đau thà òa khóc, hay than thở liên hồi bất tận có khi lại dễ chịu hơn cái vô cảm như thế.

    Hai người bạn mất mẹ trên đều hy sinh đời sống riêng tư để ở bên mẹ. Đầu tư tình cảm càng nhiều, cảm giác mất mát càng lớn. Vài ba năm chưa chắc đã nguôi, chưa chắc đã tin mẹ mình đã mất thật rồi. Cái lẽ tử sinh sờ sờ ra đấy, ngoài sáu bó cả rồi còn gì. Nhưng cái lẽ tử sinh cho chính mình có khi còn dễ chấp nhận hơn cái lẽ tử sinh cho mẹ.

    Sau này tôi hỏi họ, có gì ân hận sau khi mất mẹ không. Cả hai đều thở dài hối tiếc, còn nhiều thứ định làm cho mẹ, chưa kịp thì bà mất.

    Thực ra, họ đã làm nhiều, rất nhiều cho mẹ họ rồi. Hối tiếc chỉ vì họ nhận thức được, biết mấy bù đắp cho vừa với những lúc họ được bế ẵm nằm nôi. Chứ còn tôi, thằng láo lếu, thấy mẹ còn thở, còn ăn, còn nói được là biến ngút ngàn, ham chuyện đời, nhác việc nhà. Tuổi già lá rụng mong manh, chỉ khi bà đau nặng mới biết sợ, sợ cả tiếng chuông điện thoại từ nhà gọi đến. Đâu phải cứ học cao biết rộng là có thể nhận biết được những giá trị mà mình đang có trong tay đâu.

    Lá vàng cảm nhận lá vàng, hiểu được mong manh của đời người nên hối tiếc. Tuổi già nhớ mẹ như những tiếng thở dài bị nén lại, những người may mắn nghe lãng đãng.




    Những đứa con còn mẹ về thăm mẹ đi. Con chim già, dẫu có ở trong lồng vàng lồng bạc vẫn thấy cô đơn, vẫn mang cảm giác bỏ rơi, thừa thãi.

    Về đi! Chẳng cần quà cáp, chẳng cần kể lể, chẳng cần phải nói ‘Mẹ ơi, mẹ có biết con thương mẹ hay không?’. Chỉ cần nắm chặt tay bà thôi. Cái dây nhau cuống rốn ấy vẫn cảm nhận được nguồn sống mà mình đã từng chắt chiu, ôm ấp. Cảm nhận đến từ trái tim, không đến từ khối óc, từ ngôn từ hoa mỹ, hay từ những con số.

    Đừng tính toán thời gian với mẹ mình nữa. Còn nơi chốn để về, về đi!


    Vũ Thế Thành
    Mùa Vu Lan 2017





    Nguồn:https://vuthethanh.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Sài Gòn, la de vài hột






    • Thâu đêm ròng rã kêu ai đó

      Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ

      (Tiếng cuốc kêu – Nguyễn Khuyến)



    Sài Gòn đổi tên, con cọp mất tích, chẳng ai còn nhắc đến la de con cọp một thời, nhưng nhãn hiệu bia 33 thì còn. Ông chủ mới chỉ thêm một con số 3 nữa, thành bia 333

    Lần đầu tiên nếm mùi bia 33 là hồi tôi mới đậu Tú tài. Thằng bạn và tôi rủ nhau đi Vũng Tàu, uống cà phê ở Bãi Trước, ngắm biển và ngắm… người (nữ). Chưa biết nhậu nhẹt, nên chỉ có thế cho bõ công đèn sách. Trên đường về lại Sài Gòn, thằng bạn rủ ghé ông anh nó đang đóng quân đâu đó ở Biên Hòa. Đàn anh chơi đẹp, dẫn hai thằng đệ “tân khoa tú tài” đi nhậu lề đường.

    Gọi bia 33, ba anh em nâng ly, nốc một nhát cạn ly. Nửa ngọt, nửa cay, hương thơm, vị đắng. Bia mát lạnh, ngoài mặt nhăn nhó, nhưng trong bụng sảng khoái vô cùng. Hồi lâu, ông anh ngập ngừng “Uống chút băm ba cho biết mùi đời. Giữa tháng, anh hết “đạn” rồi, hai chú chịu khó làm tiếp “nước mắt quê hương” cho… chóng lớn!”. Nước mắt quê hương mà ổng nói là rượu đế.

    Tình dang dở khó quên. Sảng khoái dang dở cũng không ngoại lệ, huống chi đó lại là ấn tượng sảng khoái bia bọt thuở ban đầu. Sau này đám bạn đi lính về phép, lại kéo nhau ra quán nhậu bù khú. Ít tiền thì la de con cọp, nhiều tiền thì bia 33.

    Bia 33 là loại bia sang nhất hồi đó do hãng BGI sản xuất, và đây cũng là hãng bia duy nhất của miền Nam. Hãng chỉ sản xuất chỉ có hai loại bia: chai lớn dung tích 66 phân khối và chai nhỏ, 33 phân khối.

    Ngôn ngữ thường được sáng tạo nơi bàn nhậu, mà bàn nhậu đã sáng tạo thì không thể thay đổi. Chai nhỏ, dân nhậu gọi là bia băm- ba, chẳng ai buồn gọi cho đúng “phép tắc” là ba-mươi-ba.

    Còn bia chai lớn, gọi là la de con cọp. Gọi thế là vì nhãn chai có in hình đầu con cọp lớn. Còn chữ lade, thì có người giải thích là do chữ Larue, tên của người sáng lập hãng, đọc nhanh thành ra la de. Giải thích thế thì biết thế, nhưng nghe hơi gượng ép.

    Bia 33 tuy nhỏ, nhưng có độ cồn cao hơn, hương đậm và vị đắng hơn la de con cọp chai lớn. Tôi nhớ, giá bán hai loại bia này cũng sàn sàn như nhau. Như nhau, nhưng thiệt ra đắt hơn, vì dung tích chai bia 33 chỉ bằng một nửa so với chai bia lớn. Hồi đó, lính Mỹ thích bia 33 hơn bia Mỹ cũng vì hương vị đậm đà này. Cách nay vài năm ra nước ngoài chơi, ghé vào hiệu sách, tôi thấy có quyển hồi ký của một trung úy Mỹ, đã từng có mặt ở Việt Nam. Lướt thử vài trang, thấy chú GI này cũng nói đến bia 33, mà lính Mỹ rất ưa chuộng.

    Cái bóng đầu cọp in trên cổ chai là logo của BGI, chai lớn chai nhỏ đều có. Dù chỉ là cái bóng, nhưng cũng đủ cho các chú GI khoái chí gọi bia 33 theo tiếng lóng là “nước đái cọp” (tiger piss). Anh lính viết hồi ký này còn bốc lên rằng, bia 33 được làm từ gạo.

    Làm bia từ gạo chỉ đúng một phần thôi. Về nguyên tắc thì ngũ cốc nào cũng đem làm bia được, nhưng trước khi lên men, phải malt hóa chúng, nghĩa là ngâm nước để ngũ cốc nảy mầm. Ngũ cốc nảy mầm mới tạo ra nhiều enzyme để cắt tinh bột thành đường. Từ đường mới lên men thành bia (rượu) được. Trong các loại ngũ cốc, thì lúa mạch (barley) tạo ra nhiều enzyme nhất. Làm bia không thể thiếu lúa mạch. Vì lúa mạch đắt, nên người ta phải “độn” thêm các loại ngũ cốc khác sẵn có ở địa phương như lúa mì, gạo, bắp… để giảm giá thành. Có thể hồi đó hãng BGI đã “độn” thêm gạo để làm bia, nhưng chủ yếu vẫn phải là lúa mạch.

    Những năm sau 75, hãng BGI rút về nước, làm gì có đủ lúa mạch để làm bia. Phải độn thêm, rồi độn thêm nhiều ngũ cốc hơn nữa. Nhưng ngũ cốc loại gì? Cơm gạo cho người ăn còn không đủ, thì gạo đâu mà dành cho bia, không chừng còn độn bo bo, khoai bắp cũng nên. Bia Sài Gòn hồi đó uống có vị ngai ngái. Ngai ngái nhưng thuộc hàng quý hiếm trong những năm tháng đó.

    Dân Sài Gòn nhâm nhi ly bia ngoài quán hay vỉa hè cũng ít khi ồn ào, chỉ xù xì nói chuyện, nhìn phố người qua kẻ lại, chứ không nâng ly cụng chén “dzô dzô”. Mồi đơn giản thường là đậu phộng, hột vịt lộn, khô bò, khô mực… Nhậu “dữ ” hơn thì xài tới rượu đế, với các món chiên xào bếp núc. Hạng cao cấp, sang trọng thì vô nhà hàng với Chivas, “Ông già chống gậy”… Hạng này, miễn bàn. Còn thứ sinh viên như bọn tôi, dạy kèm rủng rỉnh chút tiền, ra quán vỉa hè làm vài chai la de con cọp, sang hơn thì gọi bia 33 cho ra cái vẻ… sành điệu vậy thôi. Chỉ có những thằng bạn đi lính, thứ gì cũng uống, thức nào cũng ăn, già dặn trưởng thành sau những lần về phép thấy rõ.


    Mà có tiền nhâm nhi ly bia đã là khá bảnh rồi, chứ của đâu mà uống cho tới xỉn. Nhưng có câu chuyện (thiệt) về cái “thần” của người uống bia tới xỉn mà tôi đọc được, kể ra đây nghe chơi:

    Một điêu khắc gia được yêu cầu tạc một bức tượng để đặt ở nghĩa trang. Ông nghĩ hoài không biết tạc cái gì, nên đi vào nghĩa trang quân đội (Sài Gòn) ở Hạnh Thông Tây để quan sát tìm cảm hứng. Ghé vào quán nhậu gần đó, ông bắt gặp một người lính đang ngồi uống bia một mình, trên bàn đặt hai ly bia. Anh lính vừa đi đưa đám bạn mình. Nâng ly, rồi cụng ly, rồi uống… Cứ thế, người lính uống với cái bóng của bạn mình, cho tới khi gục xuống bàn. Nhà điêu khắc lặng lẽ quan sát. Ông bắt được cái “thần sắc” nỗi buồn trên khuôn mặt, trên đôi mắt của người say nhớ bạn. Bức tượng hoàn thành, được đặt ở nghĩa trang Biên Hòa. Hồi đó, người ta đồn, đêm đêm bức tượng đến nhà dân quanh đó, gõ cửa xin nước uống… Sau năm 75, bức tượng không còn nữa.


    Đôi mắt của người say nhớ bạn.




    Chiến tranh, đau thương mất mát buồn lắm. Trải qua mới thấm.

    Ngoài la de con cọp và bia 33 một mình một chợ, tôi không thấy nhãn hiệu bia nào khác trên thị trường nữa. Bia BGI một thời tung hoành, và nghe nói còn xuất cảng đi những đâu nữa đấy. Trên nhãn bia 33, tôi còn nhớ ghi “Export”.

    Sau năm 75, Sài Gòn đổi tên, con cọp mất tích, chẳng ai còn nhắc đến la de con cọp một thời, nhưng nhãn hiệu bia 33 thì còn. Ông chủ mới chỉ thêm một con số 3 nữa, thành bia 333, thương hiệu còn cho đến bây giờ. Dân Sài Gòn vẫn gọi đó là bia “băm ba”. Ba mươi ba dân nhậu còn chả gọi, huống gì ba trăm ba mươi ba.

    Thay chủ, thay tên thì chất lượng bia cũng khác, nhưng chẳng ai phàn nàn. Bia bọt là hàng xa xí phẩm lúc đó. Chạy chọt tem phiếu, chen lấn để mua được ly bia hơi thì cũng… tàn hơi. Có khi cửa hàng còn bắt chẹt, phải mua kèm mồi. Uống rượu đế thì cay xè, vào nửa ly xây chừng là bốc hỏa lên rồi. Nhưng sau 75, thì chẳng còn phân biệt gì nữa. Bia hơi là deluxe, là premium quality. Thường nhật chỉ còn rượu đế, rượu Cây lý, rượu Gò Đen… Bia thì là loại bia lên cơn, lên men từ vỏ thơm, cùi khóm ruồi nhặng bu đầy… Uống chỉ để uống, uống để quên đời. Uống tạp như thế, không hiểu sao giờ này vẫn còn sống để… viết.

    Những đầu thập niên 90, tôi làm công việc dịch tài liệu, và điểm báo cho một cơ quan xúc tiến ngoại thương, chung với anh Phan Tường Vân. Làm từ trưa tới chập tối là xong, nhưng hai anh em thường nán lại, bù khú với nhau, chỉ một, hai chai bia Sài Gòn xanh với hột vịt lộn, kéo dài có khi đến khuya mới về. Anh Vân chuyên về kinh tế, trước 75 làm việc trong chính quyền Sài Gòn, nên bao chuyện thâm cung bí sử cứ rù rì tuôn ra. Bia Sài Gòn nhạt, nhưng ký ức cứ chảy ngược, dòng đời vẫn chảy xuôi. Anh Phan Tường Vân mất cũng hơn mười năm rồi…

    Đời cọp thăng trầm từ sau 75, sống kiếp lưu vong, cũng bị buôn qua bán lại nhiều đời chủ. Rồi đâu đó cũng cỡ đầu những năm 90, cọp quay lại Việt Nam, cũng là tên hãng BGI, nhưng đã bán cho chủ hãng bia khác, lớn hơn. Sài Gòn lạnh nhạt, cọp về nương náu ở Mỹ Tho. Cọp tái xuất giang hồ, nhưng dân Sài Gòn chỉ gọi là bia con cọp. Dĩ vãng đã giữ chặt hai chữ La de mất rồi.

    Bia Con cọp và La de có gì khác nhau? Cũng chai nâu lớn, cũng đầu cọp, cũng Larue BGI, nhưng dân nhậu đồn rằng bia con cọp uống vào nhức đầu. Nhức đầu là do nguồn nước ở Mỹ Tho không thích hợp để làm bia? Tôi không biết nguồn nước có phải là nguyên nhân, và bia có thực sự làm nhức đầu hay không. Nhưng với trò chơi thương trường thì điều gì cũng có thể. Các hãng mua lại BGI cũng đều là hãng bia “đồng nghiệp” với nhau cả. Họ mua, đâu chỉ là mua nhà máy, mà mua cả thương hiệu, kênh phân phối, phân khúc khách hàng… Vẫn là con cọp, nhưng ruột cọp thế nào, chủ mới dư sức biến hóa công thức.

    Hồi đó, miền Nam chỉ có duy nhất một hãng bia là BGI, và BGI cũng chỉ có một nơi duy nhất để sản xuất bia nằm ở đường Trần Hoàng Quân (nay là Nguyễn Chí Thanh, quận 5). Bây giờ thì nhiều hãng bia với cả vài chục nhà máy sản xuất, rót hơn bốn tỉ lít bia cho non một trăm triệu dân, tính luôn đàn bà và trẻ em…

    Cọp hồi hương làm khách nhức đầu thì cọp cũng nhức đầu. BGI đổi chủ, rồi lại đổi chủ nữa, nhưng đầu cọp thì vẫn còn, thương hiệu 33 vẫn còn, thế nhưng văn hóa nhâm nhi ly bia liệu có còn? “Con cọp” lạc lõng giữa văn hóa tiếp thị, chân dài chân ngắn trong những quán nhậu đông người.

    Bia ngon bia dở khó luận, nhưng chắc trong bia có phần ký ức. Ừ, thì đôi lúc cũng phải la de vài hột, rồi như khách giang hồ lục tìm trong ký ức, mới thấy đời người còn biết bao điều dở dang, nuối tiếc. Có khác gì tiếng cuốc đêm hè đâu, phải thế không?


    Vũ Thế Thành
    Xuân Mậu Tuất, 2018




    Nguồn:https://vuthethanh.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Trò chuyện với ông Khoai Lang của Chính Luận



    Chính Luận là tên một nhật báo khá nổi tiếng tại Sài Gòn trước năm 75. Tờ báo này có chuyên mục Chuyện Phiếm, nói nhăng nhít đủ chuyện trên trời dưới đất. Nhăng nhít nhưng châm chích nhau cũng chua cay đáo để.




    Chúng mày con nít biết gì


    Mới đây, tôi có dịp trò chuyện với ông Khoai Lang, người thường có bài trên mục Chuyện Phiếm này. Thực ra, tôi biết ông từ hơn ba năm trước, cũng đã trò chuyện với nhau, nhưng tôi lại không biết ông là… Khoai Lang. Ông mê một giống cây anh đào nào đó, không có ở Việt Nam. Tôi là bạn học của con rể ông, ở Thụy Sỹ. Lần đó tôi sang Thụy Sỹ chơi, ông con rể chặt cành anh đào ở vườn, nhờ tôi mang về Sài Gòn biếu bố vợ làm giống. Chuyện đơn giản, nhưng của một đồng, công một nén, từ lúc chặt cành đến lúc đến tay người nhận phải trong vòng hai mươi bốn giờ để kịp nhúng nước. Tôi đã hoàn thành công việc đúng thời hạn.

    Lần trò chuyện đầu tiên, ông mơ màng nói với tôi về giấc mơ… anh đào, độc nhất vô nhị ở Việt Nam này. Vẫn biết cây xứ lạnh, đem trồng xứ nóng thì chuyện lụi tàn là điều thấy rõ, nhưng tôi vẫn ‘báo hiếu’ thay cho thằng rể của ông, phụ họa thêm vào giấc mơ của ông rằng, nếu anh đào ra hoa, tôi sẽ đem về Đà Lạt nhân giống, rằng tôi sẽ phát triển giống anh đào này ở xứ sở ngàn hoa của tôi, và rằng truyền thuyết các loài hoa Việt Nam sẽ ghi tên ông vào lịch sử… Ông càng hào hứng, xưng hô toa thế này, moa thế nọ… thân mật theo kiểu công chức thời Tây.

    Hồm rồi, bạn tôi từ Thụy Sỹ về nước chơi, tôi nhờ bạn đem biếu ông via nó quyển Những thằng già nhớ mẹ. Ông tưởng tôi là dân thơ văn thứ thiệt, nên nhắn đến chơi. Lần gặp gỡ thứ nhì, tôi mới biết ông là Khoai Lang, một tay châm chích chua cay trong làng báo Sài Gòn một thời.

    Ông kể, ‘Tôi làm trong ngành Y, công chức thời Tây, cho đến thời ta. Chỉ đi làm, nuôi con ăn học, chứ có biết chi đến chuyện văn chương viết lách. Chắt bóp mãi, cũng may có người quen giúp đỡ, mới cho được thằng con qua Tây học hành. Thế mà có tay viết báo mắng những người cho con ra nước ngoài học là muốn giựt le. Tôi nổi nóng, viết bài phản ứng lại. Báo đăng trong mục Chuyện Phiếm. Tôi lại viết chuyện khác, sáng đưa bài, chiều báo đăng. Cứ thế, tôi thành ông Khoai Lang viết phiếm’.

    Nói rồi, ông đưa tôi xem cả xấp những bài báo cắt ra từ báo Chính Luận. Giấy báo mong manh, ố vàng, nhưng chữ in vẫn còn rõ ràng để đọc. Cũng gần năm mươi năm rồi còn gì. Tôi trích ra đây hai đoạn bút chiến về du học giữa hai ông Lê Vũ và Khoai Lang, để biết kiểu viết phiếm của báo chí thời đó ra sao, lịch sự, nhã nhặn, nhưng không kém phần đá… đểu. Trích dẫn giữ nguyên chính tả và dấu chấm câu.

    Lê Vũ: Các anh chàng học sinh mới 17, 18 tuổi đầu, còn ngờ nghệch lắm đâu đã biết tính lợi hại của các việc đời. Anh chỉ nghe bè bạn đấu hót nào ở đó lúc nào cũng dồi dào vấn đề đầm đìa nào là nhót thả cửa thâu đêm suốt sáng, bơ sữa, bom nho rẻ rề. Cứ nghe bè bạn đấu hót rồi mê đi là bỏ mẹ đấy các con ạ.

    (Du học – Mục Chuyện Phiếm, báo Chính Luận số ngày 8-1-1972)

    Khoai Lang:… Vả lại sự thay đổi nếu có cũng là do tâm tính từng người hoặc do nơi giáo dục gia đình. Nhiều sinh viên về thăm nhà mà tôi gặp rất đàng hoàng về đầu tóc cũng như y phục: tóc hớt ngắn, quần không ‘ống voi, ống cọp’ cử chỉ lễ độ, lịch sự chẳng có gì lố lăng đáng trách. Hỏi nhỏ Tiên sinh nhé; ‘Lệnh huynh trước đây có bay bướm lả lướt lắm không?’ nếu có thì đúng là ‘Hổ phụ sinh hổ tử’ rồi, có gì là lạ!

    (Du học và giựt le – Mục Chuyện Phiếm, báo Chính Luận số ngày 4-2-1972)

    Bút chiến, mà lại là bút chiến kiểu phiếm, thì ngôn ngữ xỏ lá ba que tha hồ được tận dụng. Báo chí mà không có chuyện cây đè điện giựt, thì cũng phải chích điện cưa cây để lôi kéo độc giả.

    Về chuyện du học, nếu phụ huynh có điều kiện thì nên cho con cái đi để mở rộng tầm mắt là đúng rồi. Tôi ngờ báo Chính Luận đăng bài nói ngang để khiêu khích độc giả. Ông Khoai Lang mắc bẫy, viết bài bút chiến. Lời qua tiếng lại, nhờ đó mà mới có một ông Khoai Lang châm chích.

    Cũng trong bài Du học và giựt le, ông Khoai Lang có nói đến một chuyện thú vị về việc bán cours (giáo trình) ở Đại học Luật Khoa Sài Gòn hồi đó. Tôi trích để nhớ lại sinh hoạt trong môi trường đại học ở Sài Gòn một thời.

    Khoai Lang viết: Nhưng cũng có một số ‘bực thầy’ đã khai thác cours của mình ‘khá kỹ’ như một dịch vụ thương mại. Các thầy đánh máy quay ronéo lấy, đóng thành tập, đánh số từng cuốn, ký tên sau sách của mình và ghi từng tên sinh viên đã mua sách để tiện nâng đỡ sau này.

    Điều này có thật, và chỉ xảy ra ở Đại học Luật Khoa, nơi số sinh viên năm thứ nhất rất đông, cả hơn chục ngàn sinh viên, loại mới nhập trường cũng có, mà loại sinh viên thi rớt ‘muôn năm’ dồn lại cũng có. Nên bán cours cho sinh viên năm thứ nhất là áp phe định kỳ lãi lớn. Mỗi năm, cours lại ‘cập nhật’ chút ít, mà đề thi lại cứ nhắm vào những chỗ ‘cập nhật’ mà ra. Giáo sư Luật mà kinh doanh, thì đúng… luật là cái chắc. Khi ông Khoai Lang viết bài đó, thì nhu cầu sinh viên mua sách nhiều, nên không phải quay ronéo như ông Khoai Lang nói, mà đưa ra nhà in xếp chữ làm bản kẽm, in hàng loạt hẳn hòi.

    Đúng như ông Khoai Lang nói, một số vị giáo sư thực thụ (full professor) lão làng, lại thường dành dạy năm thứ nhất, thay vì năm cuối hoặc dạy các lớp cao học. Nhưng vụ bán cours kiếm lời này chỉ xảy ra ở trường Luật Sài Gòn thôi, chứ Đại học Khoa học Sài Gòn, nơi tôi theo học thì không. Cours giao cho ban đại diện sinh viên, quay ronéo, bán gần như giá vốn, thầy cô không dính dáng gì tới chuyện in ấn bán buôn này cả.

    Ông Khoai Lang còn khoe, ông biết làm thơ, nhưng con gái ông nói nhỏ vào tai tôi, ông làm thơ thua mẹ cô xa lắc. Mẹ cô là em ruột nữ sĩ Tương Phố. Tài nghệ thơ phú của Tương Phố thì không có gì để bàn. Bà mất năm 1973 tại Đà Lạt. Hơn một tháng sau ngày bà mất, Trung tâm Văn Bút tổ chức buổi lễ tưởng niệm nữ sĩ tại Sài Gòn. Ông Khoai Lang là một trong những diễn giả hôm đó. Diễn văn của ông kết thúc bằng một bài thơ, có đoạn:

    • Giọt lệ thu buồn mờ viễn ảnh

      Sông Tương mưa gió thấy đâu người?


    Tôi chắc rằng, không có thơ nào mà em rể khóc chị vợ thê thảm hơn thế được.

    Tôi muốn biết tên thật ông, để khi viết bài ông Khoai Lang có thể ‘truy xuất nguồn gốc’, nhưng ngần ngại. Người già thường hay mắc cỡ bất tử. Tôi quay sang hỏi nhỏ anh con rể. Ông thính tai, nghe được, và cao hứng bổ sung chi tiết nhân thân: Tên ông là Liệu, Nguyễn Đức Liệu, quê quán Hải Dương, 92 tuổi mụ, 91 tuổi đời.

    Sài Gòn hồi đó, khoai tây đắt hơn khoai lang nhiều. Con gái ông thắc mắc, nếu đã thích khoai, sao ông không chọn bút hiệu Khoai Tây cho sang, mà lại chọn Khoai Lang chi cho mạt. Ông gạt phăng, Chúng mày con nít biết gì. Tôi cũng không hiểu vì sao ông lại lấy bút hiệu dân dã ấy. Tôi ngờ, ông viết phiếm, ít nhiều chọc ngoáy quan này, quan nọ, lại viết nham nhở như ông tự nhận, nên lắt léo, chặn đầu với thành ngữ Con kiến mày kiện củ khoai cho đỡ sợ.

    Nhưng ông kể, hồi đó ông tán tỉnh một cô em thơm như mít (sic). Cô hỏi tên, ông buột miệng: Khoai Lang. Thế rồi hai người ra rít, xưng hô Khoai này, Củ nọ… với nhau. Khi viết bài phiếm đầu tiên, ông lấy luôn bút hiệu Khoai Lang cho tiện. Thấy tôi vẫn chưa hiểu, ông ngập ngừng một lát, mới thốt ra được: Tôi nói tục đấy!



    Vũ Thế Thành
    (Sàigòn 2017)



    Nguồn:https://vuthethanh.com


              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”