Vũ thế Thành

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Những thằng già nhớ mẹ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Những thằng già nhớ mẹ




      • “…Nào khi đội gạo canh rau
        Muốn còn như trước dễ hầu được ru…”
        (Nhị thập tứ hiếu – Lý Văn Phức)


    Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối

    Hai mươi năm trước, ông tổng giám đốc công ty tôi mất mẹ. Lúc đương quyền, ông đem mẹ vào Sàigòn ở với ông. Khi ông về hưu, bà đòi về quê ở vùng ngoại ô Hà Nội và mất ở đó. Tôi đến thăm khi ông trở lại Sàigòn được vài tháng.

    Tuổi già được về quê sống những năm tháng cuối đời, rồi mất nhẹ nhàng như thế thì còn gì bằng, tôi an ủi.

    Mất mẹ tớ cảm thấy như thiêu thiếu thế nào ấy…

    – Thiếu cái gì?

    – Tớ muốn trồng dàn bầu hay dàn mướp ở sau nhà cho mát, trồng cây nào khác hay hơn vì tớ sợ kiến… Tớ vẫn hay hỏi bà những chuyện lặt vặt như thế. Tớ sinh ra ở quê, nhưng có sống ở quê đâu. Bây giờ bà mất, tớ chẳng biết hỏi ai…


    Hồi đó tôi chưa quá 40, còn mẹ, thấy cái thiêu thiếu của ông đúng là lẩm cẩm. Mấy chuyện vặt đó hỏi đâu chẳng được. Bây giờ thì tôi mới cảm nhận được cái thiêu thiếu của ông là thế nào.

    Tôi có thằng bạn hồi trung học. Tay này quậy phá thầy cô dàn trời. Trường đuổi học, mời phụ huynh đến thông báo. Mẹ nó đến, đứng khoanh tay như người phạm tội, nhẫn nhục nghe thầy tổng giám thị trút cơn thịnh nộ, hài tội thằng con gần nửa tiếng đồng hồ..

    Mẹ nó chảy nước mắt: “ Nhà cháu nghèo, chạy cơm từng bữa cho anh em nhà nó có cái ăn. Nhà cháu lại không biết chữ, biết thế nào mà dạy nó. Nhờ thầy cô thương đến mà dạy dỗ. Đuổi học , thì nó học ở đâu? Ra trường tư làm gì có tiền. Trăm sự nhờ thầy thương cháu, roi vọt cho cháu nên người. Để rồi tối về, nhà cháu răn đe nó…”

    Cơn thịnh nộ trôi qua, dường như thương cảm với người đàn bà quê mùa trước mặt, thầy tổng giám thị rồi cũng bỏ qua. Tôi và thằng ông mãnh đó lấp ló ngoài văn phòng theo dõi. Nó cười hi hí khi biết mình… tai qua nạn khỏi. Chưa hết, hôm sau nó hớn hở : “ May quá, bà già tao giấu biệt chuyện này với ông già, nếu không thì… hì…hì…”.

    Nó tiếp tục quậy phá, nhưng kín đáo hơn, quậy phá cho đến khi vào lính vẫn còn, nên lãnh “củ” đều đều. Lần này thì chẳng ai nhẫn nhục thay cho nó. Hôm rồi, thằng ông mãnh về nhà sau ca làm đêm ở Mỹ, ngồi uống rượu một mình, lướt “net”, đọc được bài “Cá bống kho tiêu” nào đó trên mạng, gọi phone cho tôi từ Mỹ, nói rằng, tự nhiên nhớ mẹ, rồi khóc hu…hu… qua điện thoại : “ Cả đời tao làm khổ bà già. Bà già bệnh, tao bận việc, cứ hẹn lần, không về chăm sóc được. Bà già mất, tao về, không kịp nhìn mặt… Tiền bạc bây giờ có ích gì…”. Mẹ nó mất cũng gần 10 năm rồi… Càng quậy phá, càng mềm nhũn. Nguôi ngoai gì nổi !

    Mẹ tôi mất hồi đầu năm. Thấy tôi buồn, thằng bạn học rủ về quê nó ở Châu Đốc chơi cho khuây khỏa. Chén thù chén tạc , say túy lúy, cả bọn chuệnh choạng kéo nhau đi hát… karaoke. Thằng bạn cầm micro : “ Xin giới thiệu với các anh em Châu Đốc, thằng bạn tôi đây ở Sàigòn vừa mất mẹ. Tôi xin hát tặng nó bài… “Bông hồng cài áo”… Rồi nó say sưa hát, động tác biểu diễn như một ca sĩ chuyên nghiệp. Bỗng nhiên giọng hát run run… Nó khóc nấc lên… Cách đây hai năm, tôi về Châu Đốc dự đám tang mẹ nó. Nó hát cho tôi hay hát cho nó?

    Chuyện khác, lần này không phải thằng già, mà là …bà già. Tôi có cô bạn người Ý trạc tuổi, mỗi lần về Milan, ra nghĩa trang thăm mẹ, mang theo thỏi chocolate, ngày xưa bà thích ăn (mà cô ta cũng thích nữa), bẻ chocolate, cùng ăn với cái… bóng mẹ. Chocolate Tây thay cho nhang đèn Ta, cũng chỉ là tấm lòng. Mẹ cô ta mất cũng 10 năm rồi.

    Lại có thằng, có thức ăn hay trái cây nào hay hay, lại mang để trên bàn thờ mẹ, và đặc biệt chỉ thích món ăn lấy từ bàn thờ mẹ. Khách đến chơi, thân thiết lắm, mới mang đồ cúng mẹ xuống đãi. Hỏi vì sao ? Ừ, thì cũng như hồi xưa bà cho mình ăn vậy, có đồ gì ngon cũng để dành cho mình…

    Mà có thằng con nào, dù có làm tới cái ông gì vĩ đại đến đâu lại trưởng thành dưới con mắt của mẹ mình đâu nhỉ ? Có thằng 6 bó rồi, xách xe ra khỏi nhà, vẫn bị gọi lại “ Quên mang nón (bảo hiểm)”. Mùa mưa, trời chưa mưa, ngồi một chỗ, nhưng vẫn gọi vói thằng con « Mang theo áo mưa ».

    Tôi có thằng bạn trẻ người Đức chừng… 50, ra ngoài đường cũng bị bà già “vịn” theo kiểu đó “ Alex, quên mang dù !”. Thằng này lúc nào cũng tự hào vì còn mẹ. Nó khoe: “ Từ hồi tôi qua Việt Nam, mẹ tôi lấy làm lạ vì tôi quan tâm tới bả khác xưa nhiều lắm. Bả vui !”. Alex làm ăn ở Việt Nam hơn 12 năm rồi.

    Bông hồng đỏ hay bông hồng trắng cho Ngày -của- Mẹ, đối với tôi chỉ là biểu tượng, chẳng ép phê gì. Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối. Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thấy mình còn biết bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà… giá mà….

    Hồi nhỏ học “Nhị thập tứ hiếu”, có chuyện lão Lai, già khú đế ra rồi, mà còn làm trò hề, giả vờ té ngã như con nít để mẹ cười. Tôi thấy ông này diễu dở. Bây giờ tôi muốn diễu dở như ông cũng không được. Nụ cười của người già, dù là móm mém, dù là mù lòa, nghễnh ngãng,… nhớ lại, sao thấy hiền quá. Nhớ đến tận đáy lòng. Ray rứt và ân hận là thế ! Làm sao thời gian có thể lùi lại để ngồi giã trầu, đấm lưng và chiêm ngưỡng nụ cười móm mém?

    Nụ cười của mẹ già không phải là nụ cười vì tiền vì bạc, vì chén cơm manh áo, vì quyền bính thế gian. Đó là là nụ cười mãn nguyện khi con cháu ở bên mình, vẫn chưa quên mình…

    Các bạn trẻ hẳn có nhiều cơ may còn mẹ. Hãy biết trân trọng và tận dụng thời gian bên mẹ. Tôi biết (cũng như tôi ngày xưa), cách biện minh dễ nhất là bận việc và hẹn lần.

    Thời gian chẳng quay lại, và cũng chẳng làm nguôi ngoai nỗi nhớ đâu! Những giọt lệ già mà nhớ mẹ, như nuốt ngược vào tim, mặn biết chừng nào!

    Vũ Thế Thành
    Mùa Vu Lan 2011


    Nguồn:https://thanggianhome.wordpress.com


          
Bài viết: 769
Ngày tham gia: Thứ sáu 12/06/15 21:02

Re: Những thằng già nhớ mẹ

Bài viết bởi »

... có một thằng già đọc xong ngồi nhớ mẹ ... thấy mẹ luôn.
Hình đại diện
Vi
Bài viết: 780
Ngày tham gia: Thứ năm 16/03/17 23:48

Re: Cà cuống, con gián và đàn bà

Bài viết bởi Vi »

Hi All,

Hồi nào giờ V chưa thấy qua con cà cuống mà cũng chưa nếm chưa ngửi nó ra sao , nhưng V có đọc qua một chương của nhà văn Vũ Bằng nói về con cà cuống cũng hay lắm , mình nghe sao như món ... trong Nam

V xin đăng ở post sau . V mắt hơi mờ nên chua+ đọc bài của Chị Bạch Vân được , mới đọc lướt qua phần của Lucy thôi .

Chị Lucy lúc nào cũng vui tính
Hình đại diện
Vi
Bài viết: 780
Ngày tham gia: Thứ năm 16/03/17 23:48

Re: Cà cuống, con gián và đàn bà

Bài viết bởi Vi »


Thương Nhớ Mười Hai
Tác giả: Vũ Bằng


Hình ảnh

Tháng một,
Thương về những ngày nhể bọng con rận rồng


Hình ảnh





Tưởng là hết chuyện truyền kì, quả là lầm. Sang tháng một, lại có truyền kì về con cà cuống.

Có ai ở Bắc Việt vào đây cho hỏi thăm tháng một mấy năm nay ở Bắc Việt, trời có rét lắm không, mưa vẫn riêu riêu buồn như trước hay thời tiết vì ảnh hưởng bom đạn của Mỹ đã khác xưa? Nghe thấy nước bạn Mỹ xuất toàn lực ném những loại bom kinh khủng lắm, mà ném toàn bom nặng tới bảy trăm tấn có sức phá hoại ngang bom nguyên tử, mình ở đây thấy rợn cả tóc gáy lên, ấy thế mà không hiểu làm sao cứ nghe thấy người ta nói là Bắc Việt vẫn đánh và đánh dữ hơn cả lúc mới phát động chiến tranh là khác!

Thế thì là cái thớ gì? Ở dây, người ta cũng ném bom tiêu diệt quá khích, ai cũng bảo là thời tiết không như trước, mưa không đúng cữ mà nắng cũng ra ngoại lệ, thành ra mình cũng tưởng thời tiết Bắc Việt đổi thay, do đó lắm đêm nằm tưởng tượng, mình cứ ngỡ là Bắc Việt không còn mưa rét nữa mà có khi lại nóng nứt đá tan vàng cũng nên. Nghĩ như thế, thấy buồn; nhưng nằm nghĩ thêm một lúc mình lại cười muốn khóc. Bom không làm nhụt được người thì sao mà lại ảnh hưởng được đến trời?

Bảo rằng thuốc khai quang có thể làm cho người ta ngứa; đạn thối có thể làm cho người ta nghẹt mũi trước tiến bộ của văn minh khoa học; đạn cay có thể làm cho người ta nhức đầu khó chịu, nhưng bảo rằng bom mà thay đổi được thời tiết, có lẽ là chuyện mơ hồ bịa đặt.

Ấy, chính vì nghĩ dớ dẩn như thế mình mới thấy yên tâm hơn một chút.

Hơn thế, lại còn nghe thấy nói rằng những vùng bị bom, mười ba năm nữa không cày cấy, trồng trọt được cũng lại là loè nữa. Trái lại, có người quả quyết những chỗ bị bom cày như thế trồng trọt cày cấy lại tốt hơn, còn không khí ở những vùng bị bom nguyên tử ở Nhật tưởng đâu là bị ô uế đời đời nhưng chỉ mấy tháng sau thì lại sạch sẽ và trong vắt như thuở trước. Cây lại đâm hoa trổ lá, chim lại ca hát trên cành, thế thì cơn bom đạn qua rồi trời lại trong xanh, gió lại thổi, mây lại bay, cây lại nở ngành xanh ngọn, có hề gì đâu, như thiên hạ vẫn thường đồn đại?!

Nước non là nước non trời
Ai chia đặng nước, ai dời đặng non


Không ai dời đặng non, không ai chia đặng nước, thế thì tháng một ở Bắc Việt, tất nhiên vẫn rét, mưa tháng một ở Bắc Việt tất nhiên vẫn riêu riêu. Và nghĩ đến như thế thì bảo không yêu Bắc Việt làm sao cho được?
Mưa rét thì khổ, khổ nhất cho người nghèo, nhưng biết như thế mà vẫn cứ yêu bởi vì cái mưa, cái rét ấy thông thường quá, vì chỉ có Bắc Việt mới có cái mưa cái rét ấy thôi. Ai đã xa nhà, trôi nổi ở một phương trời không có nước mắm, không có phở, tương tư phở và nước mắm thế nào thì ở giữa một thành phố khét lẹt hơi người, chói chan nắng lửa, người ta cũng nhớ mưa rét tháng một ở quê hương mình đến thế là cùng.

***

Chập tối, thắp một ngọn đèn lên ăn cơm rồi uống một ngụm nước vối, quây quần lại với nhau nói chuyện, cái thú ấy kể đã êm đềm; nhưng nếu lại chống một cái gậy tre, đi qua vũng lội mà sang nhà hàng xóm bàn chuyện tầm phơ, cái thú ấy lại càng đậm đà hết sức.

Những cái gộc, những cành cây mót lại và chất đống ở đằng sau vựa thóc, lúc bấy giờ lấy ra đem chụm để cùng quây lại mà sưởi ấm, có một cái gì rất mờ ảo, thần tiên, làm cho người ta quên mệt nhọc, quên cả lo âu, quên luôn những buồn rầu về tiền nong công nợ. Ánh lửa bập bùng soi vào những bộ mặt nửa sáng nửa tối của những người ngồi nói chuyện. Thỉnh thoảng, nghe gió rào rào và nước lóc róc trên tàu ba tiêu, có người mới nhớ là bên ngoài mưa và rét. Ở trong này chén nước vối nóng làm ấm lòng người ta. Một ông vỗ vào đùi:

- Ờ, thằng Cún đâu nhỉ, tao có giấm mấy củ khoai trong bếp tro, về lấy sang đây, mau!

Có tối chỉ có một mẻ ngô rang mà khề khà ăn gần hết đêm. Lại có ông nhấm nháp một vài chén rượu với chả nhái, rung đùi tưởng chừng như có thể gãy cả thang giường vì ngon quá thể là ngon, ngon có thể chết ngay đi được.

Hồi kháng chiến, tôi đã từng sống ở những làng đồng chiêm và những buổi tối tháng một vẫn ngồi đốt lửa họp hội đồng như vậy. Họp chừng một tuần, thành ra nghiện. Nghiện chuyện của bà con lối xóm, nghiện nước vối, nghiện ngô rang, nghiện khoai lùi, và nghiện luôn cả cái lòng ưu ái đậm đà của những người hàng xóm nghèo nhưng ăn ở lúc nào cũng như bát nước đầy.

Ở đất đồng chiêm, khoảng giữa tháng mười, sau khi tát nước để làm vụ cấy, người nông dân gieo mạ trên những thửa ruộng xâm xấp nước. Buổi chiều, chắp hai tay sau lưng đi ra ruộng, vào trung tuần tháng một, ta đã thấy ngọn mạ dạt dào trước gió bấc. Qua màn mưa phùn tím nhạt, những ruộng mạ xanh hoa lí giải ra như những tấm thảm lưu li, chỗ đậm, chỗ nhạt, trông thật tài tình. Mạ lúc ấy cao chừng ba tấc, mỗi khi có gió chạy qua, rạt cả xuống rồi lại đứng lên, trông y như thể là các cô tiên đang múa.

Trông thấy mạ, người nông dân không những sướng mắt mà sướng cả lòng. Là vì lúc ấy họ cảm thấy đã hơi hơi “ăn chắc”; mai kia, họ sẽ nhổ mạ lên bó lại từng bó, xén bớt đầu lá để đem cấy lại, nhưng trước khi cấy lại, thường thường phải tát nước vào trong ruộng.

Chính lúc này nước lại khan, hồ ao lắm khi gần như cạn hết, người làm ruộng phải mất công tát từ những mương xa, nhiều khi phải cho nước chảy qua ba bốn thửa ruộng khác mới tới ruộng của mình. Ấy chính đôi khi tát nước như thế mà bắt được vài con cá nhỏ hay mấy con tôm càng, họ nhịn miệng không ăn, lại đem biếu vợ chồng người khách lạ tản cư về làng họ. Tội nghiệp, ông bà ấy bỏ cả nhà cả cửa mà đi…

Họ không nghĩ đến chính thân họ mà chỉ nghĩ thương đến người từ ở phương xa tới và đã biết bao nhiêu lần đi kiếm rau mồng tơi, mảnh bát về nấu canh, họ không quên hái thêm một mớ cho vợ chồng mình “ăn tạm”.

***

Ở thị thành, phải nói thật là cái không khí yêu thương, ưu ái đó không có mấy. Tôi nhớ những đêm tháng một hồi còn bé, cứ độ tám giờ tối thì nhà nào nhà nấy đóng kín cửa lại ở trong nhà với nhau, ít có người nọ đến thăm người kia, ít có đốt lửa sưởi với nhau và cũng ít có những “vụ” uống nước vối, ăn khoai lùi, trò chuyện cởi mở với nhau như thế. Thường thường, trẻ con chui vào chăn bông đi ngủ sớm, trùm kín đầu đâu đấy rồi mới móc túi lấy hạt dẻ hay ngô rang ra xực, trong khi một cô em gái đọc cho bà nội nghe truyện “Thuyết Đường” hay “Tây Du” lấy công một hai xu một quyển.

Có khi ăn chưa hết ngô rang trong túi đã ngủ rồi, và chỉ độ một tiếng đồng hồ đã mộng thấy mình đi qua cầu, sang Gia Lâm, Gia Quất bẻ trộm ngô và bị người ta đuổi đánh. Sợ toát mồ hôi, thức dậy thì có khi cả nhà đã tắt đèn đi ngủ rồi. Lúc ấy, nằm mà lắng tai nghe những hạt mưa nặng hơn lúc ban ngày rơi lộp bộp trên mái ngói, người ta, dù hãy còn nhỏ nhít, cũng thấy buồn tê tê, nhưng buồn nhất đêm đông ở Bắc Việt là tiếng rao “giò giầy” và tiếng một người ăn mày từ ở tít đàng xa vọng tới, ví cái thân mình với con cá: “con cá nó sống vì nước, con sống về cửa ông cửa bà”.

Hình ảnh một người đàn ông mặc áo lá rách, đội một cái thúng vá trên đầu và xách một cái đèn dầu ở tay, thỉnh thoảng lại đánh rơi trong đêm khuya một tiếng rao ngái ngủ “giò giầy” cũng như hình ảnh một người mù, tay cầm một cái gậy bò lê dưới trời mưa, trong gió lạnh (có khi có một con chó dẫn đường), tính đốt tay cho đến bây giờ đã có ngót sáu mươi năm nhưng vẫn cứ mờ mờ hiện hiện trong óc tôi mỗi khi thấy tháng một trở về.

Tháng một trở về ở đây không có gió bấc, không có mưa phùn, tháng một trở về ở đây tươi hồng rậm lá, tháng một trở về ở đây sướng như điên trong tiếng nhạc “sốt gun” có cô con gái Việt Nam bá vai thằng Mỹ đu đưa, thế mà không hiểu tại sao tôi cứ nhớ hoài, cứ thương mãi cái tiếng rao “giò giầy” và tiếng than “con sống về cửa ông cửa bà” của người ăn mày mù! …

Sàigòn ơi, Sàigòn có đêm hồng, Sàigòn có những cô ca sĩ đeo một triệu rưởi hột xoàn ở cổ và một triệu rưởi hột xoàn khác ở vú, có khi nào quay về xứ Bắc anh em để nhận thức rằng Sàigòn sướng không biết chừng nào vì gạo thì thừa, cá lại lắm mà mùa đông lại không cần áo rét vì

Ở đây được cái quanh năm nắng,
Chẳng mượn ai đan áo ngự hàn!


- Rỡn hoài. Bộ anh này muốn nói mỉa Sàigòn sao chớ?

- Đâu có. Này, tôi hỏi: thế từ xưa đến nay có bao giờ ở miền Nam lại có người chết đói chưa? Mà có bao giờ đã có người chết rét chưa? Ở Bắc, có những năm mất mùa, vô số người chết đói; còn rét mà chết, nói đâu xa làm gì, chỉ cách đây vài năm thôi, các báo chẳng đăng bằng tít bự như thế này, rằng “Ở Bắc Việt người ta chết cả đống vì trời ra tai rét quá, không thể nào chịu nổi”?

Thế nhưng mà thôi, nói mấy cũng là thừa, bởi vì từ xưa tới nay ai cũng biết là Bắc Việt nghèo khổ mà Nam Việt thì phè phỡn. Phè phỡn vì Nam Việt là con cưng được trời thương, nhưng “con ghét làm nên” có lẽ cũng là được trời thương cách khác. Nhưng dù là con thương hay con ghét thì cũng là anh em ruột thịt cho nên Nam, Bắc lúc nào cũng thương nhau, mỗi khi thấy cẳng đậu đun hạt đậu, thì hạt đậu khóc hu hu:

Cùng chung nhau một mẹ,
Đun nhau nỡ thế ru?


Tôi không ưa mấy ông “Bắc Kỳ cũ” lên mặt thạo, nói rằng người Nam “chịu được người Trung chớ không chịu được người Bắc” và mặc dầu người Nam không nói ra miệng nhưng trong tiềm thức vẫn nuôi một tinh thần kì thị.

Thú thực, tôi chỉ thấy ở Mỹ có kì thị đen trắng chứ ở Ấn bây giờ cũng chẳng còn kì thị giữa quý phái và cùng đinh thì sao ở Việt Nam lại có thể có kì thị Nam Bắc được? Nói lí sự nghe lãng nhách, cứ nhìn vào thực tế mà xem. Chỉ trong vòng có hơn chục năm nay, Bắc Việt và Nam Việt đã tỏ ra “chịu” nhau như chưa bao giờ thấy ghi trong lịch sử: chịu nhau từ việc lớn là bảo vệ tự do, xây dựng dân chủ cho đến việc nhỏ như vũ nhạc, y phục, trang trí, ẩm thực, thời trang… Cuộc di cư vĩ đại một ngàn chín trăm năm mươi tư tưởng đâu là một giai đoạn đau buồn trong lịch sử Việt Nam, thế mà không ngờ lại thành ra một cái cớ để siết thêm chặt tình thương yêu Nam Bắc.

Hồi còn người Pháp ở đây, tôi hả hê không biết chừng nào khi thấy có những ông tây chính cống nghiện mắm tôm, đến nỗi cho cả mắm tôm vào chè đường để ăn. Đến thời Mỹ, thấy họ đem thực phẩm từ Mỹ sang để xài với cả nước lạnh từ bên Mỹ sang để uống, tôi cử tưởng suốt đời ngườỉ Mỹ không thèm nhúng vào một miếng ăn nào của Việt Nam; ấy thế mà chỉ một hai năm sau, chả giò, chả lụa, lươn um, thịt bò khô trộn với đu đủ, bún thang… họ tìm ăn như quỷ. Thấy vậy, tôi cười, và thích thú vô cùng.

Nhưng thích thú, hả hê gì thì cũng không bằng thấy các ông, các thầy người Nam lịch sự như trời nghiện phở Bắc, sáng sáng không làm một tô thì đừ ra trông thấy, hay các bà các cô người Nam đẹp như tiên chịu bún riêu, bánh cuốn, bún ốc, rượu nếp, thang… hơn là bún bò, bì cuốn, hủ tíu thịt heo, cháo huyết…

Vẫn biết mỗi thức ăn có một phong vị riêng, không thể đem ra so sánh được, nhưng trông thấy người Nam “ăn Bắc”, tôi thấy có một cái gì duyên dáng lạ lùng, và tôi ưa nghĩ rằng ăn như thế là đem cái thương yêu đặt vào trong lòng, trong ruột.

*
Cô Ba đã thấy có những người Bắc mới vào đây không biết ăn sầu riêng chưa? Ngộ lắm: họ lợm giọng, muốn nhả ra, nhưng sợ bất lịch sự đành phải nuốt mà chảy cả nước mắt nước mũi ra, y như thể một đứa trẻ ăn cơm muốn bỏ mứa nhưng không được, phải nhắm mắt nhắm mũi nuốt cho xong.

Ở Bắc, có một món mà lúc đầu nhiều người trong này cũng không chịu được, cũng như có một số người Bắc lúc đầu không chịu được sầu riêng nhưng sau quen giọng rồi thì nghiện như nghiện cần sa vậy: đó là cà cuống - một thời trân của tháng một, được lưu ý nhiều từ khi có cuộc di cư.

Bây giờ, nói đến cà cuống, tất còn có cô Bảy, cô Ba lợm giọng và chê là hôi quá, không chịu nổi, nhưng nói chung thì nhiều người ở đây đã chịu cái giọng của nó rồi. Tôi còn nhớ hồi năm một ngàn chín trăm hai mươi chín, ba mươi, ở trong này, về phía đồng bào người Nam có thể nói một ngàn người thì may ra có một dùng được nổi mà thôi, còn chín trăm chín mươi chín người “cẩm như Tây” không thể ngửi được mùi của nó, chớ đừng nói là thưởng thức.

Thực tình đến bây giờ tôi không biết tại sao lại có người ngửi mùi cà cuống mà lại bảo là hôi, chớ ở Bắc thì có thể nói không người nào lại không mê cà cuống, không nhà nào lại không có một ve cà cuống để sẵn trong nhà, ăn uống món nào đó cần phải có tí cà cuống mà không có để đưa ra thì người nội trợ chưa được liệt vào “số dách”.

- Tưởng là gì! Con cà cuống anh nói đó có phải tên thật là đà cuống không? Nếu thế thì ở đây thiếu gì. Người ta không buồn bắt. Vào cữ này, đêm nào anh cứ đi láng cháng trên con đường Tân Sơn Nhứt hay là ra cầu Bình Lợi xem có cả đống không?

- Chính “hắn” đó. Người ta quen gọi là cà cuống. Thực ra, tôi không biết sự tích nó thế nào, nhưng nhớ lại lúc vợ chồng sum họp với nhau, ngồi nhể bọng cà cuống lấy dầu, thì vợ vốn là người thuộc thơ và nhớ tích truyện, cho biết con cà cuống thực ra là con đà cuống, và cũng như chim ngói, cá mòi, cũng có một truyền kì về nó.

Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống. Thấy thơm một cách lạ kì, ông ta bèn gửi dâng vua Hán một mớ và gọi nó là “quế đồ”, nghĩa là con sâu cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ trong đám có một ông lắm chuyện tâu rằng: “Đó không phải là con sâu sống ở trong cây quế mà chỉ là một con sâu sống ở dưới nước “thuỷ đồ”. Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã”, nghĩa: đó là lời nói láo của Đà. Từ đó, cà cuống thành ra đà cuống. Nó còn một tên nữa là “long sắt”, nghĩa là con rận rồng.

Con rận rồng! Nghe tên có quý không? Ta có tám món ăn quý nhất gọi là bát trân: nem công là một, chả phượng là hai, da tây ngu là ba, bàn tay gấu là bốn, gân nai là năm, môi đười ươi là sáu, thịt chân voi là bảy, yến sào là tám. Con rận rồng không phải là một thứ trân, mà chỉ nên coi là gia vị, nhưng nghe tên thì quý có phần hơn cả bát trân là khác.
Là vì con cà cuống quý không phải vì thịt nhưng vì cái dầu của nó. Cứ vào cữ tháng một ở Bắc Việt cà cuống trứng, cà cuống cay “dội” lên ở khắp nơi. Trên các đường phố Hà Nội thương thương, có những người đàn bà đội thúng ở trên đầu, tay đu đưa đi trong im lặng không rao một tiếng mà tài thế, nhà nào cũng biết để mà gọi vào mua.

Tôi còn nhớ có một thời kì tôi được sống những ngày trời tháng bụt: mùa rét, tám chín giờ mới dậy, chừng mười giờ mặc ba-đờ-suy, đi ghệt đờ-vin láng cháng ra một nhà hàng gần đó uống rượu hâm, rồi về nhà giết những phút vô liêu bằng cách lên gác xuống nhà, ngâm ngợi dăm ba câu lếu láo.

Chính nhờ thế, tôi mới biết là những người đàn bà bán cà cuống ấy sở dĩ không cần rao vì họ đã có khách quen cả rồi: có hàng thì cứ tự nhiên đem vào bán, mà đã vào thì các bà nội trợ cứ tự nhiên mua. Người bán và người mua cùng ngồi nhể bọng cà cuống cho vào một cái đĩa nhỏ, đến khi xong cả thì mới trút vào trong một cái ve nhỏ bằng ve dầu Vạn Ứng, đậy thực kín, lấy giấy bóng bao ngoài cái nút rồi lấy dây quấn chặt để cho không bay hơi đi mất.

Vì không có công chuyện gì phải làm ăn gấp rút, có nhiều lần tôi cũng “ké” vào ngồi xem và cũng bắt chước đi lấy tăm nhể bọng cà cuống chơi. Những con cà cuống này còn sống cả. Nếu cầm không cẩn thận, nó châm cái ngòi vào tay. Ngòi nó từa tựa như vòi con ve vậy. Mà “như” gì nữa? Theo tôi, cà cuống là một loại ve lớn, nhưng thay vì mình ve khác tròn thì mình nó dẹp, có bốn cánh, hai cánh ở trong ngắn, mỏng mà vàng còn hai cánh ở ngoài thì dài, cứng hơn một chút, màu cánh gián sẫm, có gân tim tím.

- Anh cẩn thận kẻo nó bò đi mất đấy. Mà nó lại bay nữa, phải coi chừng!

- Biết quá mà. Hồi chúng mình chưa lấy nhau, anh đi chơi một hai giờ đêm mới về. Anh còn nhớ cũng vào khoảng tháng này đây, đi con đường từ Lò Sũ về Bờ Hồ, qua rạp Philharmonique và đền Bà Kiệu lá rụng và cà cuống bay cứ rào rào làm lu cả bóng đèn điện ngoài đường, bắt không xuể… Nhưng này, sao nó chỉ dội lên mấy ngày, một tuần lễ là cùng, rồi mất hẳn không thấy nữa?

- Cái gì đẹp mà quý lại chẳng hiện lên rồi mất ngay? Con rươi, chim ngói, cá mòi, cốm… đều thế cả. Có phải Tây cũng như Tàu đều tin như vậy và vẫn nói rằng “ngay hôm nay phải hái liền những bông hồng của cuộc đời” phải không anh?
- Nhưng mà này, sao mình nhể “liền” cái bọng của con này lại không có gì là nghĩa làm sao?

- Ông ơi, ông chỉ được cái tài nói khoác. Có phải con cà cuống nào cũng có bọng để lấy dầu đâu! Đây này là con đực, chỉ có con đực là có dầu thôi.Vì thế, cà cuống cay bao giờ cũng là cà cuống đực. Con cà cuống đực có một cái bao nhỏ dính với ruột, trong chứa một chất nước như mùi nước đái quỷ. Ở hai bên, phía trong bụng, dưới cặp chân thứ ba, có hai cái túi nhỏ bằng hột gạo trong đựng một chất nước thơm. Cái nước thơm ấy, ta đương nhể ra đây. Nhể phải nhanh tay mới được, chậm thì bay mất mùi thơm đi. Ta gọi cái nước thơm ấy là dầu cà cuống. Dầu cà cuống nhẹ hơn nước, mùi thơm hơi cay, cho vào lọ mà bịt nút không kín thì nó bay hơi đi mất.

Nhớ những lời của vợ kể ngày xưa, người chồng nói khoác hôm nay lại cứ đúng nguyên văn mà nói lại với những cô bạn mĩ miều phương Nam đương ngồi ăn thang chan đẫm mắm tôm cà cuống. Cô nào nghe cũng cứ treo mắt lên môi anh chàng. Và anh không quên nói tiếp mấy câu tráng miệng:

- Thế nhưng đừng tưởng cà cuống chỉ quý riêng về cái dầu đó mà thôi. Ta biết cà cuống có hai thứ: cà cuống cay và cà cuống thịt. Cà cuống cay cho chúng ta chất dầu đặc biệt vừa nói, nhưng cà cuống thịt lại có một vẻ lâm li khác hẳn. Bỏ cánh đi rồi, anh nhần nhần sáu cái chân nó, lấy cái đầu, xé ra nhấm nhót cái ức trước rồi cái đuôi sau, anh sẽ thấy nó có một vị ngon khác hẳn các món ăn ngon nào khác: nó nhận nhận, bùi bùi, beo béo mà lại thanh thanh, một người tục có thể ăn cả trăm con không biết ngán.

Mà ngán làm sao được? Tháng một là tháng cà cuống thịt hầu hết đều có trứng, tách đôi cái bụng nó mà nhần lấy những chùm trứng xanh xanh, vàng vàng như hoa cà hoa cải, tôi nhất định tin là còn khuya cái món ca-vi-a (1) của Âu Mỹ mới mong sánh kịp.

- Thế cà cuống cay lấy dầu xong thì “rục” cả đi ư?

- Nói bậy. Ăn cũng ngon như cà cuống thịt vậy, nhưng nó kém ngon một chút vì không có trứng mà thịt ở ức không mấy béo.

Một cô mĩ miều bỗng đập tay vào vai cô ngồi cạnh:

- Thôi chết rồi, nói vậy thì ở đây mình cũng có cà cuống mà mình không bắt để ăn…

- Thì đã nói là ở đây thiếu gì, nhưng cái hay là có người không buồn bắt, trong khi có người khác lại biết bắt lấy để rút cái chất nước thơm và cay ở trong bụng nó làm đồ gia vị độc đáo nhất, mê li nhất. Đừng ai bảo ăn uống như thế là tầm bậy tầm bạ. Không. Ăn uống như thế là đã đi đến chỗ tinh vi triệt để, không dễ gì các nước vỗ ngực là văn minh, mà cũng không dễ gì các nước có một nền văn hoá hai ba trăm năm đã biết ăn như vậy.

Mù-tạt là cái gì? Nước cà tô-mát là cái gì? Mà ma-di là cái gì? Đó là tất cả những cái gì rất ngon, rất quý của Tây phương, ai mà dám chê; nhưng có nhiều lúc tôi đã nghĩ thầm như thế này và tôi cười muốn chết: ngày tết gói bánh chưng trộn nhân với mù-tạt; ăn thang, cuốn, chả cá, tiết canh lòng lợn chấm mắm tôm mà lại cho tô-mát-dút (2); hoặc ăn bánh cuốn, cháo ám mà lại cho vào nước mắm một ít ma-di hay lạp-chíu-chương thì trời đất quỷ thần ơi, phong vị các món ăn gia dụng ấy sẽ ra sao?

Nước Việt Nam khổ sở của chúng ta có biết bao nhiêu món ăn thích khẩu, nhưng biết bao nhiêu món ăn thích khẩu sẽ “đi đoong” nếu không có gia vị là cà cuống. Âu cũng là một điều đáng tiếc là phải đợi mãi đến gần đây ta mới thấy người mình ở trong này lấy dầu cà cuống để điểm vào những bữa tiệc hay những bữa quà cho “thơm” hơn! Vậy mà dần dần đồng bào ở đây và cả các ông ngoại quốc cũng “chịu giọng” cái “chất nước trong, cay hắc mà hôi hôi đó” - chịu quá, chịu đến hoá ra ghiền, vì tôi đã thấy có người ăn bất cứ món gì cũng phải cho mấy giọt cà cuống vào nưởc chấm mới làm được vừa ý ông thần khẩu.

Ấy thế mà cà cuống ở đây, thực ra, mới chỉ là hạng nhì, vì cà cuống đây không cay sắt là một lẽ, mà lẽ khác là vì dầu cà cuống phần nhiều pha chớ không được nguyên chất, lại cũng có thứ dầu cà cuống chế bằng chất hoá học chớ không phải là dầu chính cống, lấy trong bọng con cà cuống ra.

Tôi tiếc ở đây người ta không xài cà cuống thịt, phảí chi có những người đến mùa đi bắt đem về luộc lên để cho các bợm nhậu đưa cay, dám chắc xí-quách, lỗ tai heo, khô nai, khô cá thiều, thịt bò lúc lắc đều thua xa một nước.

*
Nhưng nói thế mà thôi, chớ nóng chảy mỡ ra như cái tháng một ở trong này, ăn vàng vào miệng cũng như là ăn rơm. Chỉ được cái trái cây gỡ lại. Không nuốt được cơm, chỉ lấy trái cây mà rẫy, rồi ăn xong thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại, anh nằm quạt máy lim dim con mắt mơ về những chuyện xa xưa, tôi đố anh không có lúc thấy tiếc tiếc, nhớ nhớ, thương thương cái bầu trời đục màu chì lỏng, cái mưa lầy lội chỉ vừa làm ướt gấu quần và cái rét êm êm, ngòn ngọt thỉnh thoảng lại có một ngọn gió hơi buôn buốt thổi vù vù từ xa lại làm cho những cành cây thưa lá đập vào nhau và reo lên khe khẽ như tiếng của những người yêu bé nhỏ gọi những người yêu.

Mưa rét như thế, ai mà chẳng cảm thấy ở trong nhà đọc sách thỉnh thoảng lại nhắp một miếng cà phê do chính mình pha lấy và hít một khói xì gà thì nhất: những người có chất nghệ sĩ lắm khi khó chịu đến cái mức vợ con không thể nào chịu nổi. Có ai nằm nhớ lại Hà Nội ngày nào, vào những lúc trời se sắt, mưa dầm dề, gió lê thê như thế, thỉnh thoảng ở giữa đường lại có một anh chàng mặc áo tơi, đội mũ mốt săng, đi ghệt, ngậm cái ống điếu đi lang thang một mình như đang nghĩ thơ không?

Ấy đó, biết là đóng cửa lại ở trong nhà ấm cúng thật tình, nhưng có những người nhìn lên trời thấy ở bên ngoài sầu sầu một cách nên thơ, tự nhiên cảm thấy không chịu được, phải vội vàng khoác áo đội mũ ra đi để tận hưởng cái rét, để dầm mình vào trong mưa, để nghe cái nhịp thở âm thầm của cỏ cây lúc đó bắt đầu hé những lá non bé tí tẹo, xanh mươn mướt.

Không phải là thi sĩ, nhưng vào những buổi chiều tháng một ở Hà Nội, người nào cũng muốn làm thơ: trời lạnh có gió mưa, nghe tiếng rao sì-cốc-bểu là một loại bánh cuốn hấp, người ta cũng thấy có một cái gì gợi cảm; cái xe tay trùm áo tơi cánh gà cũng có thể là một đề tài để cho người đa tình suy nghĩ hay một cái quán bên đường he hé mở để cho người đi qua nghe thấy một cái lò than hồng tráng bánh cuốn có mấy người ngồi ăn trong làn khói mờ mờ như sương cũng có thể làm cho ta tưởng tượng bao nhiêu cuộc hợp hoan chờ đợi…

Rét lắm, anh ơi, thôi đi về, anh nhé. Những bờ vai sát lại với những bờ vai; những con mắt nhõng nhẽo tìm những con mắt ngọt ngào; mớ tóc ai đen rưng rức như đêm tăm sao khéo buông lơi xuống môi má người thương y như thể tơ hồng quấn quýt lấy cành mộc-liên xanh nõn…

Kéo cái màn cửa sổ mà nhìn qua lớp kính mờ mờ hơi nước xuống con đường nhựa láng bóng nước mưa, anh thấy vũ trụ im ru như trong buổi hồng hoang mà nhịp thở ân tình của người yêu là tiếng hát ru, còn bộ ngực ngát thơm là cái gối mộng đưa anh xuống con thuyền bát nhã chở về miền cực lạc.

Bây giờ, ngồi ở trong một quán nước vắng teo mà nhìn lên gác nhà ai le lói một làn ánh sáng mờ mờ ấm ấm, người chồng phiêu bạt đột nhiên cảm thấm thía hơn cả bao giờ nỗi cô chích của mình và bao nhiêu kỉ niệm với người vợ bùi ân ngọt ái khi xưa lại trở về như những cánh chim non trong mộng.

Ối, ở cái đất giàu có sung sướng này, hương phấn thừa thãi, giơ ngón tay út lên thì lúc nào chẳng có người sẵn sàng kết bạn một đêm với anh ngay, nhưng người chồng “đánh rẻ cái hồng nhan” đứng dậy, bỏ quán nước đứng lên; đi thủng thỉnh dưới mưa phùn gió bấc. Ngao ngán cho thân mình, y có lúc không còn mong gì nữa, không còn thèm gì nữa. Mong gì bây giờ? Mà còn thèm gì bây giờ? Những tiếng cười tiếng nói đa tình, những bộ đứng, cách đi duyên dáng của các cô bạn mĩ miều đã tắt như lửa ở trong lò sưởi tắt lúc trời gần sáng. Bao nhiêu ấm cúng, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu an ủi đã chết rồi, bây giờ chỉ còn lại một cái gì trống rỗng mông mênh, một cái gì nhạt nhẽo không làm rung động được khứu giác, một cái gì ghê rợn thoang thoảng mùi bệnh tật và chết chóc.

Chiếc chìa khoá vàng rớt từ ở trên đỉnh tháp xuống bây giờ biết tìm đâu? Đến gần sáng, người chồng mới về được tới nhà, mở cửa rộng ra, và tự nhiên thấy tạt lại một mùi gì nhạt nhẽo: có lẽ đó là mùi chăn hôi chiếu mốc. Mệt mỏi, anh không buồn đóng cửa lại nữa, gục đầu xuống cởi giày nhưng để nguyên quần áo lăn ra giường và lấy nửa cái chăn đắp vào ngực cho đỡ lạnh.

Ngoài kia, mưa rơi buồn thê thiết; gió thổi qua khe cửa làm cho lá màn màu bạc úa cũng rung lên vì lạnh. Kỉ niệm xa xưa ơi, cứ đến trêu chọc người gối lẻ nằm mất ngủ đêm mùa đông làm gì?!

Em ra bến nước trông về Bắc,
Chỉ thấy mây trôi, chẳng thấy làng!


Y giơ tay bưng lấy mặt, nhưng vẫn không tài nào chợp được mắt.

*

Một lát thì ở xa tiếng gà đã gáy te te. Trời lọc qua cửa kính rọi vào một làn ánh sáng đục lờ như thể cà phê sữa. Chẳng biết bây giờ ở xứ bạn nằm yên giấc, trời đã sáng chưa, mà sao ở trong căn phòng úa héo này, vẫn còn tối mù tối mịt.
Người chồng lăn bên này, lăn bên nọ thì đã thấy ở bên cạnh có tiếng máy truyền thanh nhỏ nhẻ vọng sang. Cái đất này nghiện máy truyền thanh, cải lương, Quỳ ạ.

Trước đây, vợ anh thích nhất hai tuồng “Sơn Hậu” và “Chiêu Quân cống Hồ”. Anh cũng thích là vì vợ thích. Nhưng đêm nay, ruột cứ nẫu ra, còn bụng dạ nào mà nghe nữa? Anh kéo chăn trùm kín lấy đầu, nhưng giọng Út Bạch Lan trong “Bụi mờ ải nhạn” vẫn cứ như khoan vào lỗ tai. Trong lúc chập chờn nửa mê nửa tỉnh, anh bỗng thấy từ dưới đất dưng lên đồi núi trùng trùng điệp điệp, trắng xoá dưới những lớp tuyết dày dãi ra bát ngát không biết đâu là đất, đâu là trời.
Không có một bông hoa, một bóng chim. Tuyết, chỉ toàn là tuyết trắng. Thỉnh thoảng, nổi lên một tiếng tì bà oán hận. Rồi ở xa xa, xa tít đàng xa, có hai cái hình bóng bé nhỏ hiện lên trên hai con ngựa gầy cúi đầu đạp tuyết mà đi về phía chân trời tẻ ngắt. À, ra là Vương Chiêu Quân đi cống Hồ, có Lưu Văn Long hộ vệ, và cứ đến mỗi chặng đường, Chiêu Quân lại khóc bằng mười đầu ngón tay trên cây đàn tì rồi tức cảnh làm thơ để Lưu Văn Long hoạ lại, nói lên nỗi lòng thương Hán oán Phiên.

Người chồng chảy nước, nói một mình như thể người mơ ngủ:

- Tội nghiệp Chiêu Quân vì sắc đẹp mà phải đem mình sang cống vua Phiên, nhưng ai oán nào cho bằng Lưu Văn Long bị vạ lây, phải bỏ vợ mới cưới đi hộ tống “lịnh bà” sang đất rợ để tới khi được về thì tóc xanh đã bạc quách từ bao giờ rồi!

****************************
Chú thích
(1) Caviar: một loại trứng cá esturgeon, thoạt đầu chỉ Nga có, nhưng bây giờ thì có hầu hết cả Âu Châu.
(2) Tomato juice: nước cà chua.

Nguồn: Việt Nam Thư Quán
Phụng Lục

Re: Những thằng già nhớ mẹ

Bài viết bởi Phụng Lục »

Hình như khi còn trẻ, mình còn ham vui nên ít khi nhớ đến công ơn Mẹ Cha. càng về già càng thấy thương cha thương mẹ nhiều hơn.
Câu này hay quá "Thời gian chẳng quay lại, và cũng chẳng làm nguôi ngoai nỗi nhớ đâu! Những giọt lệ già mà nhớ mẹ, như nuốt ngược vào tim, mặn biết chừng nào!" nghe mà cảm thấy chua xót chi lạ. :'(
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Những thằng già nhớ mẹ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

đã viết: Thứ hai 22/05/17 22:46 ... có một thằng già đọc xong ngồi nhớ mẹ ... thấy mẹ luôn.





:lol2: :focl: :rotfl:




          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Những thằng già nhớ mẹ

Bài viết bởi Bạch Vân »

Hoàng Vân đã viết: Thứ ba 23/05/17 08:39
đã viết: Thứ hai 22/05/17 22:46 ... có một thằng già đọc xong ngồi nhớ mẹ ... thấy mẹ luôn.



:lol2: :focl: :rotfl:




          
Cám ơn anh Tư , anh Phụng chia xẻ cảm xúc

"Thằng già" nhà BV làm như "cool" lắm để che dấu , nhưng mỗi khi nhớ mẹ thì ổng ngồi thiền để được gặp mẹ trong mơ, hoặc nhắc con vợ làm món ăn của mẹ mình ngày xưa :)
Nói chung các " thằng già hay con già" khi nghĩ đến Mẹ trái tim đều ướt mềm như nhau :flwrhrts:


          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Cà cuống, con gián và đàn bà

Bài viết bởi Bạch Vân »

          
  • Cám ơn Vi , chắc BV sẽ đem về 11 bài còn lại của ông Vũ Bằng

    Các món ăn VN, cảnh vật qua ngòi bút của ông khiến mình như trông thấy và nếm được cả huơng vị, quá tuyệt :allright:
          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Con gái rượu

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Con gái rượu





    Tôi gặp cha con họ trong một quán phở gần nhà thờ Ba Chuông, hồi năm 80 hay 81 gì đó.

    Tối đó trời mưa. Đi chơi về khuya, tôi táp vào quá phở. Quán vắng khách, chỉ có 2 người: ông già và cô gái. Họ đang uống rượu, thủ thỉ nói chuyện. Hơi lạ!



    Tô phở đã kết thúc mà mưa chưa dứt. Sàigòn mưa tháng bảy nhì nhằng bất kể lúc nào, tối khuya hay nửa đêm về sáng cũng chẳng chừa.

    “Chú em qua đây làm một ly cho ấm bụng”, ông già nâng ly nói vói qua. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Mưa rả rích thế này, đang thèm rượu, mà uống một mình, cay ai chịu nổi. Không khách sáo, tôi bước qua bàn ông và cạn ly.

    Ông chỉ qua cô gái với chút hãnh diện: “Đây là con gái tôi. Nó làm ở tổ hợp đan lát. Hôm nay nó lãnh lương, rủ bố đi nhậu”. Cô gái trạc hai mươi, tóc ngắn, có da thịt, trông có vẻ quyết đoán.

    Ông tự giới thiệu là họa sĩ. Trước năm 75, có triển lãm tranh ở nhiều nơi, kiếm tiền rủng rỉnh, tay chơi một thời. Bây giờ chẳng ai mua tranh, đi vẽ thuê panô, áp phích qua ngày. Tôi dốt hội họa bẩm sinh, dốt thời đi học, và bây giờ vẫn dốt, nên không hào hứng lắm với chuyện tranh ảnh, nhưng nghe ông kể cuộc đời lãng tử của ông, chuyện văn nghệ sĩ Sàigòn cũng thấy vui vui. Chuyện vãn tôi đoán ông khoảng ngoài năm mươi, tóc dài chấm vai, thưa, nhiều sợi bạc, mắt hõm sâu, tinh anh, mặt gầy, xương xẩu, áo sơ mi đuôi tôm rộng thùng thình. Trông ông có vẻ già hơn tuổi nhiều.

    Tô mồi gân bò còn hơi đầy, nhưng xị rượu gần cạn. Có vẻ như cha con họ uống nhiều, nói nhiều và nghe nhiều hơn là ăn. Tôi gọi thêm xị rượu: “ Xin phép chú, từ chai này cháu tính, mời chú và cô em…”. Ông xua tay, hơi to giọng: “Chú em gọi rượu được, tính tiền được, nhưng không được gọi tôi bằng chú, phải gọi là anh, mình là dân nghệ sĩ…”. Ông già chơi thế mới…nghiệt. Tôi hơn cô gái chừng năm, sáu tuổi chứ nhiêu, lỡ cỡ… Tôi rót rượu mời ông, mời cô gái. Cô chỉ nhấp môi, lí nhí : “Cám ơn…chú”. Lỡ cỡ là ở chỗ đó! Ông già cười ha hả: “Con này nó chỉ đá mồi”.

    Rượu ngấm qua bờ môi… Bỗng nhiên ông đứng dậy, lảo đảo, một tay vịn mép bàn, ông hát:
      • “Ngày mai lênh đênh trên sông Hương.
        Theo gió mơ hồ hồn về đâu?
        Sóng sầu dâng theo bao năm.
        Ngóng về đường lối cũ tìm em…”

    Tiếng hát không cần nhịp, lúc ngắn lúc dài, khi hát khi nói, lúc nhỏ lúc to,… Lưng ông còng, khom người xuống, tay phải áp vào tim, dang ra diễn đạt, trông ông còng đến thảm hại.

    Ông hát không cần người nghe, ông hát cho chính ông, hát để trang trải nỗi lòng. Rồi ông thẳng người lên:
      • “ Thương em thì thương rất nhiều,
        mà duyên kiếp lỡ làng rồi.
        Xa em, lòng anh muốn nói….”.

    Giọng ông khàn, gào lên như tiếng con gà bị cắt tiết. Tôi nhìn sang cô gái, mắt cô chăm chăm nhìn ông. Tôi buột miệng: “Mẹ đâu?”. Mắt cô vẫn không rời cha, môi mím chặt: “Bỏ đi rồi!”. Tôi thấy khóe mắt cô có giọt nước…

    Những năm tháng đó, lòng người đổ vỡ nhiều, kẻ đi người ở, tâm trạng lao đao, nhân tình thế thái. Giọng hát của ông họa sĩ dở nhất trên đời, nhưng nghe ông hát, nhìn ông diễn mới cảm ra được số phận thế nào. Tiếng hát không đi vào lòng người thì đi về đâu? Ánh mắt của cô con gái nhìn cha đã ám ảnh tôi cả một đoạn đường dài.

    Cách đây không lâu, tôi có đọc một truyện ngắn của một cô gái kể về cha mình. Cha cô là một người đàn ông có trách nhiệm, nghiêm khắc, thương con. Từ ngày qua Mỹ, ông làm quần quật để lo cho các con ăn học. Mục tiêu của ông là thế, rồi dựng vợ gả chồng. Mẹ cô tiếng Anh kém, nên chỉ ở nhà nội trợ.

    Đến tuổi, mẹ cô lãnh tiền già, ba cô lãnh lương hưu. Mẹ cô bỗng đổi tính đổi nết, ăn nói ngang ngược, suy diễn lung tung. Ba cô trở nên ít nói, suốt ngày trong phòng, niềm vui duy nhất là đứa cháu ngoại. Rồi một hôm, cha cô bỏ đi, để lại mảnh giấy nhắn, đừng lo cho ông và cũng đừng tìm ông. Cô lo lắng, dọ hỏi khắp nơi. Không ai biết tin về ông.

    Một hôm cô nhận được thiệp mừng sinh nhật của ông gửi cho con gái cô. Ông nhớ cháu ngoại. Thư không có địa chỉ người gửi. Cô xin nghỉ phép, lần theo dấu bưu điện tìm cha. Hai cha con gặp nhau ở quán cà phê. Cô mời ông về nhà để cô chăm sóc, nhưng ông từ chối. Ông cho biết ông đang trông cửa hàng cho một người bạn học. Bà ta đã góa chồng, hiện ở với đứa con gái trạc tuổi cô. Cả hai đều quý ông, và ông cảm thấy thoải mái khi ở đó. Trông cha cô khỏe ra, vui hơn, cô thấy yên tâm.

    Vài năm sau, ông về thăm nhà, ngày hôm sau bị đột quỵ, rồi mất ở bệnh viện vài ngày sau đó. Mẹ cô cũng than khóc như bất cứ bà vợ mất chồng nào khác. Ở nghĩa trang, cô thấy xa xa, hai người phụ nữ mặc đồ đen, một già, một trung niên, lặng lẽ đứng dưới gốc cây, một trong hai người đang dùng khăn chậm nước mắt. Linh cảm cho cô biết họ là ai. Cô tiến về phía họ, định nói lời cám ơn vì đã chăm sóc cha cô những năm tháng cuối đời, nhưng cả hai đã quay lưng bước ra khỏi nghĩa trang. Cô cảm thấy có điều gì đó ân hận và nuối tiếc…

    Chuyện chấm dứt ở đây.

    Cô thương cha, cô muốn phụng dưỡng, chăm lo ăn uống, sức khỏe cho ông. Cô cũng hiểu cha cô buồn bực, khổ tâm vì những lời nói ngang ngược của mẹ. Là con, cô cảm thấy mình khó xử. Cô muốn cha vui. Nhưng liệu cô có hiểu, người già như cha cô, khi xong nghĩa vụ với con cái, thường có xu hướng quay về với quá khứ, với những ước mơ thời trẻ, không phải để thực hiện hay nuối tiếc, mà để sống với nó, đắm chìm với nó như một níu kéo mà phần lớn cuộc đời, vì cơm áo gạo tiền, vì trách nhiệm với gia đình họ không dám phiêu lưu.

    Người già thấm thía số phận hơn người trẻ. Lý trí và cảm xúc, cố chấp và khoan dung, tự tôn và nhẫn nhục. Yếu tố mâu thuẫn trong những cặp đôi này đan xen vào nhau, vế sau thường trội hơn vế trước.

    Như con hổ già trong gánh xiếc bỗng nhiên nhớ rừng, người già thường cô đơn, dễ tủi. Họ cần sự cảm thông và chia sẻ, mỏng manh trước những bất cần. Tiện nghi vật chất hờ hững. Thế giới tâm linh trở nên gần gũi hơn.

    Với người già, thức ăn trở nên nhạt nhẽo, sức khỏe là điều miễn cưỡng. Con cái quan tâm đến cha mẹ già như một đối tượng khách quan, chữ hiếu được làm tròn bằng sự chăm sóc duy ý chí với những kiến thức khoa học hiện đại. Nước mắt chảy xuôi là quy luật, nhưng chảy ngược như thế liệu có phải là những thứ người già cần?

    Khi cha mất, cô mới nhận ra nhu cầu tinh thần của ông. Người đàn bà lặng lẽ ở nghĩa trang đã làm cô hiểu ra điều đó. Cô hiểu, nhưng chưa thấu được những giọt nước mắt “không chính danh” của người phụ nữ kia đã phải nuốt ngược vào tim. Tử Kỳ mất rồi, cây đàn Bá Nha còn để làm gì? Cô chưa với tay được tới tri âm.

    Chưa với tay được, có lẽ vì cô chưa bao giờ ngồi… nhậu với cha cô. (chữ “nhậu”ở đây mà hiểu theo nghĩa cụng ly chan chát, thì buồn chết). Không khí bàn nhậu thường làm tâm hồn người ta chùng lại, đôi khi nói với khoảng không, nói mà như không nói. Trong những khoảng khắc đó, cô có thể bắt gặp được cha cô. Người già biết quãng đời còn lại của họ như gió thoảng, sống chỉ là sống nốt cho hết tuổi đời…

    Tôi không có duyên để gặp cha con ông họa sĩ lần thứ hai. Chẳng biết bây giờ họ ra sao. Nếu gặp lại, có thể tôi vẫn nhận ra ông. Ông không thể già hơn được nữa.

    Còn cô gái, bây giờ cũng xấp xỉ 50, nếp nhăn trên khóe mắt, và còn biết bao biến đổi khác. Chỉ một lần gặp, rồi ba mươi năm trôi qua, làm sao có thể nhớ được khuôn mặt. Nhưng nếu gặp nhau ở quán rượu, chỉ cần bắt gặp ánh mắt của cô nhìn cha, có thể tôi sẽ nhận ra. Đó là ánh mắt xót xa thương cảm vô bờ, rõ ràng là ánh mắt của người mẹ, không phải của đứa con. Chắc chắn tôi sẽ nhận ra.

    Vũ Thế Thành
    (tuyển tập “Những thằng già nhớ mẹ”)


    Nguồn:https://thanggianhome.wordpress.com

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Câu chuyện trồng hoa




    Tôi dốt về hoa lá cỏ cây, dốt bẩm sinh, dốt tận cùng bằng số… Nếu ai đó chỉ cho tôi một loài hoa, nói tên, kể chuyện về nó, quay đi quay lại là tôi quên sạch. Trong võng mô và tâm trí tôi coi như chưa bao ghi nhận hình ảnh hay câu chuyện về loài hoa đó…


    • “Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo

      Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi…”

      (G. Apollinaire)


    Tôi trồng cây hồng ri trong vườn, trông nó cao lêu nghêu và buồn bã giữa những loài hoa khác

    Chẳng có ai dốt toán lại thích làm toán bao giờ. Tôi cũng thế, hoa dù có đẹp, có thơm, có đài các, có được thi vị bởi văn thơ ca nhạc hay gì gì đi nữa, tôi vẫn dửng dưng. Nói với tôi về hoa chẳng khác nào đàn khảy tai trâu.

    Nhưng cũng có ngoại lệ. Hồi nhỏ tôi thích cây xấu hổ, thích những lá kép của nó khép khép mở mở. Tôi thường “ghẹo” nó bằng cách chạm vào lá này, rồi lá kia, xem đứa nào… xấu hổ lâu hơn. Chòng ghẹo hoa mà không phải bận tâm đến những cái lườm nguýt chẳng phải là điều thú vị hay sao?

    Ấy thế mà đôi khi cũng phiền, không cẩn thận, những gai li ti của hoa đâm vào tay cũng đau điếng. Khi lớn, dù không còn thú “ghẹo” hoa nữa, nhưng tôi vẫn thích loài hoa dại đó – thích vì cái tên hoa – Đôi khi tôi bật cười, hoa mà cũng biết…xấu hổ!

    Tôi mới mua căn nhà ở Đà Lạt để về dưỡng sức, dưỡng già, và chết… già ở đó cũng không chừng. Đà Lạt là xứ sở ngàn hoa, đường phố ngập hoa, ngõ hẻm cũng hoa, nhà nào cũng hoa. Nhà tôi, sân trước, sân sau, bên hông còn rộng. Tôi nghĩ thầm, hay mình thử trồng hoa cho nó giống người ta. Khi ý nghĩ thầm kín này bộc lộ, tôi nhận được cả đống tư vấn từ các bạn ở Sài Gòn, hầu hết đến từ các cô bạn….già. Tôi kính cẩn lắng nghe, nhưng để đó. Trước tiên phải trồng một dàn cây tùng ngay sau hàng rào để ra cái điều mình đang ở xứ lạnh.

    Dịp festival hoa vừa qua, đám bạn kéo nhau lên Đà Lạt. Tôi khoe cái biểu tượng xứ lạnh sát hàng rào. Một cô bạn (già) gật gù: “Đó là cây trắc bá diệp”. Tôi ngẩn người, tên gì nghe sặc mùi kiếm hiệp. “Lá thuộc bài đó!”, cô bạn cắt nghĩa. À! Lá thuộc bài thì tôi biết. Hồi nhỏ, học trò đứa nào yếu vía thường ép lá thuộc bài vào vở. Tôi thì không bao giờ xài tới thứ bùa đó. Thầy cô khảo bài, gọi đứa trước đọc đoạn trên, tôi ngồi dưới lảm nhảm đoạn kế. Trí nhớ tôi ngon lành, nên trót lọt hết. Tên tôi vần T, họ vần V, xui lắm mới bị “nhón” lên đầu tiên, nếu thế thì coi như …thua. Thắng thua là chuyện thường. Trả bài cũng giống như chơi cờ bạc, thắng hoài cũng khó coi. Có điều, nhớ lẹ thì quên mau. Bây giờ ở tuổi “tiêu rắc lên muối”, trí nhớ càng thảm hại, quên trước quên sau, quên cái lẽ ra nên nhớ, nhưng lại nhớ cái lẽ ra nên quên.

    Đám bạn kéo tôi đi festival hoa, áng chừng để tôi mắt thấy tai nghe, để cụ thể hóa những gì họ tư vấn, cơ hội vàng để họ dạy (dỗ) kẻ cứng đầu về hoa như tôi. Dọc đường, tôi chỉ vào bông hoa vàng mọc dại bên đường:

    Hoa gì thế?
    Hoa dã quỳ.
    Tôi trồng được không?

    Nghe thế, bọn họ đồng thanh rú lên…“Đừng trồng dã quỳ! Tuyệt đối không!”

    Sao thế? Tôi thấy hoa cũng được mà…
    Đừng….Đừng… dã quỳ là… quỷ già. Đừng trồng nó!


    Tôi chột dạ… Về nhà soi gương, thấy mặt mình cũng tệ, nhưng đâu đến nỗi quá… tệ. Chắc họ ám chỉ “dã quỳ” là ai đó của riêng họ. Hôm qua, nhà văn Nhật Chiêu hỏi tôi:“Dã quỳ đã nở ở Đà Lạt chưa?”. Hỏi thế là mong đợi. Hoa dã quỳ mọc dại, mọc lung tung khắp nơi ở Đà Lạt, ra ngõ là gặp. Ông nhà văn lè phè này bỗng nhiên mong đợi loài hoa dại, biểu tượng của cái nóng hâm hấp lúc trưa, lạnh thấu da về tối. Dã quỳ ở đô thị du lịch này đã vương mùi khói xe và barbecue từ lâu rồi. Chắc Nhật Chiêu mượn dã quỳ để chờ đợi cái khác, ai biết được?

    Rồi cái vườn nhỏ bé nhà tôi cũng tràn ngập những hoa, đủ màu, đủ sắc, nhỏ to đủ cỡ, nào là cẩm tú cầu, cẩm tú mai, cúc mặt trời, cúc nút, hoa lài Nhật Bản, hoa ngọc thảo, hoa tướng quân, hoa hải đường,… Nhớ được bằng đó tên hoa là tôi phục tôi rồi. Chỉ có trục trặc nhỏ là tôi thường lộn tên hoa này với tên hoa khác.

    Một người bạn Sài Gòn gọi điện cho thằng đệ tử ở Đức Trọng vác lên cho tôi ba bụi trúc. Cô bạn (già) trịnh trọng qua phone: “Cây trúc tượng trưng cho sự ngay thằng, là cây của người quân tử. Ông rửa tay gác kiếm rồi, thì phải trồng cây này”. Ẩn ý thế nào chưa cần biết, nhưng nghe thế cũng đủ sướng. Tôi trồng hai cây trúc ở cửa trước, một cây ở cửa sau. Có quân tử gác nhà, sợ gì tiểu nhân!

    Gần nhà tôi có cậu thanh niên, Tuyên, ngoài 30 tuổi, làm thợ xây. Tuyên kể, thuở nhỏ ham vui, lại gặp thời buổi khó khăn, tới lớp 7 bỏ học, vào rừng kiếm củi, bẫy chim, câu cá. Rừng chỉ cách trung tâm Đà Lạt mười mấy hai chục cây số. Ven Đà Lạt hồi đó tương đối còn hoang sơ, chỉ có rừng là rừng, vào sâu một chút có khi còn gặp dấu chân cọp. Cả tuổi thơ của Tuyên là thiên nhiên, là hoa lá, là núi rừng, là suối, là hồ, là thác, là bẫy chim bẫy thú,…Người thành thị như tôi chỉ có thể nghe, nhưng chưa từng sống qua. Vào rừng thiếu la bàn, thiếu đồng hồ, thiếu quẹt gas, thì trình độ văn minh cũng vứt.

    Tuyên yêu rừng, yêu hoa, yêu cây cỏ không dứt bỏ được. Tính nó cần cù, khéo tay. Tôi xây hồ nước nhỏ ở cuối sân, nuôi cá trồng bèo nhìn cho đã mắt. Trên đường đi làm về, Tuyên lấy đá cuội, đá tảng để lên xe máy chở về biếu tôi, để chưng trong hồ. Vài ngày như thế, khi thì tảng to, khi thì hòn cuội nhỏ. Tuyên nói, "để sau Tết rảnh, cháu sẽ lấy đá rối, đá tảng làm cái thác nước cho chú”. Tôi gật gù, Ừ, thì sau Tết. Mà thác phải kêu ầm ầm mới được, chứ đừng nghe róc rách, chán chết. Tối tối ngồi nghe thác đổ, ngẫm chuyện đời, nhâm nhi ly rượu mới sướng. Tuyên cười, nó hứa với tôi, thác sẽ kêu ầm ầm, sẽ có rong rêu, có vài bông hoa nhỏ mọc nhô ra từ khe thác.

    Tôi muốn trồng hoa thiên lý, hoa tường vi để chúng leo hàng rào. Mà thú thiệt, tôi không biết mặt mũi mấy cái hoa này đẹp xấu ra sao, chỉ biết chúng qua văn học. Muốn trồng chẳng qua để ra cái điều mình…lãng mạn, sau này có viết văn viết báo cũng không đến nỗi quê mùa. Tôi hỏi Tuyên:“Hoa thiên lý có đẹp không?”. Mặt nó ngớ ra. Tôi lại hỏi: “Hoa tường vi có đẹp không?”. Nó cũng ngớ mặt. Trời đất! Văn thơ ca nhạc rên rỉ tên mấy loại hoa này hàng ngày, một người mê thiên nhiên như Tuyên mà không biết. Thế là thế nào? Tôi bắt đầu nghi ngờ tài nghệ của nó. Tôi hỏi vớt vát:“Chỗ nào bán hai loại hoa này?”. Tuyên ngập ngừng… “Chắc mấy nơi bán hoa có”.

    Tôi và Tuyên ra shop hoa ở chợ Đà Lạt. Cô gái bán hoa trẻ măng. Cô giảng giải cho tôi tường tận về hoa tường vi được lai tạo cấy ghép thế nào để chúng thích nghi với Đà Lạt và ra nhiều hoa, phải trồng thế nào và trồng bao nhiêu bụi để chúng quấn vào nhau. Cô nói ngoài Bắc gọi là hoa thiên lý, còn trong Nam gọi là hoa xác pháo leo. Cô còn kể tường vi và thiên lý đã đi vào văn thơ nhạc thế nào, về nguồn gốc, về ý nghĩa, về sứ điệp của loài hoa,…Những lời nói thông thái về hoa đó tôi quên sạch hết rồi, chỉ nhớ nơi đó có bán hoa tường vi và thiên lý.

    Tuyên bỗng xen vào:“Cho tôi xem hoa thiên lý và tường vi”. Cô bán hoa đưa ra cả chục bịch, chỉ có cây lá và đất, không thấy hoa. Tuyên chăm chú quan sát, rồi khều tôi. Hiểu ý, tôi nói thêm vài ba câu rồi cáo biệt.

    Ra ngoài, Tuyên nói:“Hoa tường vi là hoa hồng dại, mọc đầy ở Đà Lạt. Còn hoa mà cô ta gọi là hoa thiên lý là hoa xác pháo leo, nhưng cháu nghe ba cháu nói hoa thiên lý màu xanh, chứ không phải đỏ hồng như xác pháo. Nếu chú thích xác pháo leo, thì gần xóm mình có cả đống để cháu ươm rồi trồng cho chú, khỏi phải mua. Cháu chẳng lạ gì các loại hoa Đà Lạt, cháu chỉ không biết những tên đẹp đẽ mà dân Sài Gòn đặt cho nó”.

    Tội nghiệp cho người Sài Gòn! Mấy ông văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ ở mãi đâu đâu, rỗi chuyện, ngồi mơ mộng đặt tên hoa cho ra vẻ kiêu sa đài các, chứ dân Sài Gòn sức mấy mà mộng mơ nổi.

    “Bây giờ người ta cấy ghép lai tạo, rồi phun thuốc kích thích cho ra nhiều hoa màu sắc đẹp lắm, nhưng chóng tàn. Hoa đẹp, nhưng thấy kỳ kỳ làm sao ấy, không như những hoa hồi nhỏ cháu thấy”, Tuyên nói giọng buồn buồn. “Để bữa nào rảnh, cháu dắt chú vào rừng tìm hoa về trồng”.

    Rồi tôi và Tuyên vào rừng. Đường có lúc chạy êm ái, có lúc chỉ là con đường mòn gập ghềnh nín thở. Một cái hồ rộng được bao bọc giữa núi rừng. Đẹp quá! Tuyên nói:“Hồ này là hồ Xanh, ngày xưa tụi cháu hay vào đây câu cá, có lần bơi ở đây bị vọp bẻ, suýt chết đuối. Bây giờ người ta không cho vào nữa”. “Sao vậy?”.“Chú có thấy cái biệt thự ở gần đó không, có cả nhà thủy tạ, người ta đang làm đường nhựa để dẫn vào biệt thự đó. Cái gì người ta cũng bán”, Tuyên hậm hực như thể tuổi thơ của nó bị ai lấy mất.

    Chỉ có núi đồi, thung lũng, cây xanh, và tiếng thông reo. Tôi chỉ một vạt nâu nâu trên sườn đồi:

    Đang cả một màu xanh, sao tự nhiên lại có một mảng nâu trên đồi vậy?

    Chẳng biết người ta phun cái thuốc gì để giết cây thông, rồi họ sẽ đốt những cây chết lấy đất trồng cà phê. Những cây mọc thấp thấp ở đồi bên cạnh là cây cà phê đó chú. Cà phê ở Đà Lạt cao giá hơn cà phê Bảo Lộc.
    Chỉ có những người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, đùa giỡn với núi rừng, với hoa lá cỏ cây mới thấy thương, mới cảm thấy tiếc nuối vẻ đẹp của thiên nhiên.

    Tuyên chỉ cho tôi những trái nhỏ lủng lẳng dưới dàn lá xanh:

    Cây này là cây chua chát. Bắc dàn cho nó leo, mát lắm. Trái của nó ăn được.
    Ừ thì mình sẽ làm dàn trồng cây chua chát, nhưng tại sao lại gọi là chua chát?
    Hồi nhỏ tụi cháu vào rừng, hay hái trái này ăn, thấy chua và chát, nên gọi là cây chua chát.


    Tôi cười, văn học dân gian là đây rồi, tìm đâu cho xa. Chua chát hiểu theo nghĩa cao siêu như thân phận của con người, hay hiểu theo kiểu “ẩm thực” như tụi nhỏ cũng đâu có gì là trật. Hiện thực quá đi ấy chứ! Con người vốn phức tạp, càng có học càng phức tạp, nghĩ ra đủ thứ chuyện phức tạp, phức tạp chồng lên phức tạp. Ăn thấy chua chát thì gọi là cây chua chát. Tụi nhỏ đẻ ra triết lý, chứ triết lý đẻ ra tụi nhỏ hồi nào đâu?

    Tôi buột miệng hỏi Tuyên:

    Đà Lạt còn hoa xấu hổ không?
    Hồi trước nó mọc dại khắp nơi ở Đà Lạt, bây giờ tự nhiên không thấy nữa.


    Ở Sài Gòn cũng vậy. Cuộc sống đô thị, cuộc sống công nghiệp làm hoa xấu hổ chạy mất tiêu. Không chừng con người hết biết xấu hổ rồi. Trong rừng chắc còn, cháu tìm thử xem.

    Tuyên đi loanh quanh một hồi, rồi mang về một nhúm cọng xấu hổ. Nó nhìn tôi nghi ngờ:

    • Chú định trồng hoa xấu hổ à?
      Chẳng lẽ cất công đi tìm, ngó một cái rồi vất đi.
      Ai lại đi trồng thứ hoa dại này?
      Thì người ta không trồng, mình trồng, thiên hạ mới nể, tôi trả lời bựa…
      Mà chú định trồng hoa xấu hổ ở đâu?
      Trồng dưới chân mấy bụi trúc.
      Sao lại dưới chân bụi trúc? Trông đâu có đẹp…


    Cây trúc tượng trưng cho người quân tử, tôi lý sự với Tuyên bằng một thứ triết lý bụi bặm, Người quân tử không phải lúc nào cũng đúng, có khi họ nghĩ sai, làm sai, nhưng người quân tử biết xấu hổ khi họ sai. Xấu hổ là dấu hiệu khởi đầu của sự phản tỉnh…, à…à,.. phản tỉnh là… ngẫm ra thấy mình sai thì dũng cảm thừa nhận mình sai, rồi nghĩ lại cho đúng, hành động cho đúng. Xấu hổ lúc nào cũng gắn liền với người quân tử.

    Hoa xấu hổ không bám vào rễ, vào gốc cây trúc, thì bám chỗ nào?

    Tuyên trố mắt nhìn tôi ngưỡng mộ, như thể tôi là nhà bác vật bên Tây mới về.

    Trời đã chạng vạng tối. Khi về ngang qua lăng Quận công Nguyễn Hữu Hào, đột nhiên Tuyên dừng xe lại, bước đến một cây cao chừng 8 tấc, mọc khẳng khiu bên đường, chỉ có một cây vươn giữa đám cỏ dại, trên đỉnh cây là một cụm hoa màu hồng nhạt, nhiều hoa, nhiều cánh bé xíu. “Chú thích hoa này không?”, Tuyên hỏi. Tôi ngước nhìn lên lăng, âm u và hoang phế:“Ừ thì mang về trồng cũng được, mà tên hoa là gì?”.“Cháu không biết, chắc nó là một loại hoa hồng”.

    Tuyên xuống…tấn, rồi nhẹ nhàng nhổ phăng cây như Lỗ Trí Thâm nhổ cây liễu ở sân chùa. Tôi bước tới đỡ lấy cây, Tuyên cảnh báo,“Chú cẩn thận, cầm hoa hồng phải cầm ở rễ, cầm ở thân gai đâm”.Tôi bật cười ha.. hả.. Đúng thế! Muốn kiểm soát hoa hồng, phải nắm chặt lấy gốc rễ. Đơn giản thế mà cả đời nghĩ không ra để phải chuốc lấy bao phiền toái. Tuyên ngơ ngác nhìn tôi. Nó không hiểu vì sao tôi lại cười sảng khoái với một chân lý đơn giản như thế. Thằng nhỏ này đúng là thầy tôi. Cái ngơ ngác của nó đạt tới mức…thiền, như câu chuyện nhà sư cõng cô gái qua sông.

    Ngồi sau xe, tôi hào hứng,“Tiếc nhỉ! Không biết nó là hoa hồng gì?”. Tuyên im lặng, nó chạy thẳng ra chợ, gặp cô bán hoa thông thái, hỏi chuyện loanh quanh, rồi chỉ vào hoa hồng đang cầm trên tay,“Chị biết hoa này tên gì không?”. Cô gái ngẫm nghĩ một chút, rồi bật ra:“Hoa hồng ri”. Tuyên nhìn tôi, nháy mắt, tên nó là Hồng Ri.

    Tôi trồng cây hồng ri trong vườn, trông nó cao lêu nghêu và buồn bã giữa những loài hoa khác. Bước ra vườn là tôi nhìn nó trước tiên. Tôi quan tâm tới sự sống chết của nó hơn những loài hoa khác. Tôi tưới nước, tôi nhìn nó âu lo, vậy mà lá héo đi, các cánh hoa nhỏ xíu rủ xuống thảm hại. Đang tự do từ nơi hoang dã, bỗng nhiên bị nhốt trong vườn, giữa những loài hoa xa lạ phấn son, không buồn sao được. Tôi thoáng nghĩ, hay trả nó về…rừng. Người ta chở củi về rừng, thả động vật về rừng, thả cá về biển, chứ ai lại thả hoa về rừng.

    Tôi chợt nhớ đến câu chuyện Hương phi của vua Càn Long. Nhà Thanh đem quân đánh vùng Trung Á, bắt được công chúa xứ Hồi Hột, đem về dâng Càn Long. Nàng đẹp, người toát hương thơm kỳ lạ, được vua phong làm Hương phi. Nàng buồn, nhớ cố quốc. Vua cho xây cả cung điện thu nhỏ giống như ở kinh đô Hồi Hột để nàng khuây khỏa. Hương phi vẫn u uất nhớ quê, nhớ chồng. Sau cùng, nàng chọn dải lụa để chết.

    Tôi không phải là vua để vung tay chơi nổi cả khu rừng sinh thái. Tôi là thằng ngớ ngẩn về hoa. Hồng ri cũng ngớ ngẩn giữa bầy hoa đô thị. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Không chừng hồng ri sẽ sống. Vậy mà nó sống thiệt! Tuần sau, những cánh hoa bé xíu đã ngẩng lên, lá héo đã thay bằng lá non… Tôi tự thưởng cho mình ly rượu vang, hả hê, Càn Long chẳng là cái đinh gì so với thằng ngớ ngẩn như tôi.

    Hàng ngày tôi tập tưới cây, tập ngắm hoa. Tôi cố gắng nhớ những tên gọi nên thơ đài các của hoa, cố nhìn cho ra vẻ đẹp muôn màu muôn sắc của hoa, ráng hít hà hương thơm của hoa. Tập tành cái gì thì được, chứ tập tành… yêu coi bộ khó quá! Sự miễn cưỡng làm tôi bối rối.

    Cả đời chạy theo… hoa-biết-nói, lời nói bay lên lượn xuống, rồi trôi đi tuốt luốt. Bây giờ tôi lại chạy theo những loài hoa-không-biết-nói, ngắm nghía sự im lặng của chúng. Nhà văn Nhật Chiêu đọc thơ Han Yong-Un và Hàn Mặc Tử, hứng lên nói rằng, im lặng là thứ ngôn ngữ ẩn giấu, hiểu được cái ẩn giấu đó, thì niềm im lặng sẽ cất lên tiếng hát. Tôi ngờ cha nội nhà văn này chỉ vẽ chuyện. Im lặng là im lặng, im lặng còn hát với hò thì coi sao được. Mà không chừng chả lại…đúng. Tôi đã chẳng từng lên rừng, mượn hoa xấu hổ, mượn đóa hồng ri để đi tìm một cái gì đó hay sao? Biết đâu trong rừng tôi lại bắt gặp ông bạn văn sĩ lè phè đang lom khom vác tâm tư Hermann Hess đi tìm cái gì đó. Chẳng lẽ lại tìm giống cái tôi đang tìm? Nếu gặp Nhật Chiêu trong rừng, tôi sẽ vẫy tay từ xa hello, tôi sẽ chụm hai tay làm loa hú to về phía chả: “same same but…different”.

    Tôi nhìn hoa xấu hổ dưới chân bụi trúc, ngẫm nghĩ về lòng tự trọng. Tôi nhìn hồng ri, hoa đứng chơi vơi giữa đám hoa đài các kiêu sa, những bông hoa hương sắc đã vào thẩm mỹ viện từ thuở hoài thai. Trông hồng ri bi tráng, mộc mạc và chân thật biết bao! Hình như tôi vừa nhận ra vẻ đẹp của nó.

    Mà chân thật chẳng lẽ không phải là cái đẹp hay sao?


    Vũ Thế Thành
    Đà Lạt 2011


    https://vuthethanh.com


              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”