Vũ thế Thành

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Sài Gòn muộn màng của em
    cũng không còn…



    Cô bạn (trẻ) tặng tôi quyển sách của Erich Maria Remarque, bản dịch trước 75 mà em kiếm được ở tiệm sách cũ. Remarque là nhà văn người Đức mà có thời tôi “ngốn” hầu như không sót cuốn nào. Ông viết như thì thầm kể chuyện, chẳng lý luận, triết lý gì cao siêu cả, nhưng rất buồn, và rất người. Thời Hitler, Remarque phải sống lưu vong, tác phẩm bị cấm và bị đốt. Bây giờ, cầm sách của ông trên tay, tôi lại nhớ đến thời sau 75, thời sách đồi trụy phản động bị cấm và bị đốt ở Sài Gòn.


    Sách bị tịch thu, chất đống lên xe ba gác chở đi thì tôi chứng kiến, còn có đem đốt hay không thì tôi không thấy. Báo “Sài Gòn Giải phóng” số ra ngày 15/7/75 đưa tin:

    Nhà máy sản xuất giấy Kissme hoạt động 24 trên 24 giờ đã sản xuất 50 tấn giấy vệ sinh và thấm nước trong tháng 6-75. Nguyên liệu làm ra giấy gồm 60% giấy vụn lượm lặt trong thành phố và 40% là gòn và lồ ô (cây nứa giống như tre trúc).


    Báo SGGP 1-7-75, tư liệu của Thư Quán Bản Thảo

    Tôi cũng phải “cúng dường” vài chục cuốn sách (cũng còn giấu được một mớ), trong đó có hai quyển của Remarque: “Chiến hữu” và “Một thời để yêu, một thời để chết”. Có phải thừa tiền đâu mà mua sách làm kiểng. Toàn là tiền “bán cháo phổi” ngoài giờ, cân nhắc lắm mới dám mua một quyển, còn không thì thuê sách đọc. Đêm chia tay, cạn nguyên xị rượu đế. Sách đồi trụy phản động, nọc độc văn hóa đế quốc Mỹ mà như tình nhơn, đã quẳng xuống, lại cầm lên mân mê, thì thầm, Mai tao sẽ chất đống ngoài cửa để người ta mang tụi mày đi hóa thân thành tro thành mẹ gì đó. Duyên đến đây là hết, nhưng nợ còn. Tao sẽ nhớ tụi mày. Nợ thằng nào nhiều, tao nhớ thằng đó nhiều…

    Hơn 40 năm nay đâu có đọc lại Remarque, vậy mà dạo này thi thoảng tôi vẫn nhớ, dù nhớ tên người này xọ tên người kia, dù nơi này biến thành nơi nọ, nhưng đại khái tình tiết chưa quên sạch. Vẫn nhớ. Nhớ và ngẫm.

    Sách khoa học kỹ thuật được phép giữ lại, nhưng cũng có cách ra đi của nó. Một trường hợp tôi biết, ảm đạm hơn là tôi chia tay “đồi trụy phản động”. Một giáo sư tu nghiệp ở Mỹ về một ngành kỹ thuật, ông được xem là hàng đầu trong lãnh vực đó ở miền Nam, khi về nước đem theo một số sách chuyên môn, coi như gia sản nghề nghiệp. Vài năm sau 75, ông âm thầm bán sách trang trải cuộc sống. Thằng bạn tôi, một kỹ sư trẻ, gom hết tiền dành dụm, rụt rè tìm đến nhà vị giáo sư mua quyển sách ao ước và cũng nhân thể ra mắt, trò chuyện với thần tượng. Giáo sư đóng cửa phòng, không tiếp, chỉ cho vợ ra, đưa sách và báo giá. Tên hậu bối trả tiền, cầm sách thờ thẫn ra về. Giao dịch diễn ra lặng lẽ đến nặng lòng. Câu chuyện cứ như thời Đông Châu liệt quốc. Đời cơm áo sinh tồn, sao mặn chát thế này!

    Với dân kỹ thuật thì sách technology và handbook của Mỹ sánh ngang hàng… thê tử. Có những ngày tháng tôi đã cày cục copy bằng tay, vừa viết, vừa dịch nhẩm trong đầu một quyển handbook mượn được, nên hiểu được loại sách đó trân quý với dân trong nghề đến cỡ nào. Vật bất ly thân như thế mà phải chia tay thì còn tê tái nào hơn. Đã đành, bán cái mình sở hữu để sinh tồn đâu có gì phải thẹn, nhưng bán sách, bán cái gia sản nghề nghiệp, thì chẳng khác gì bán cả ước mơ, hoài bão… Ông giáo sư biết thẹn. Tên hậu bối biết thẹn, biết thẫn thờ, biết chia sẻ cái thẹn với tiền bối. Trí thức là người biết thẹn. Tôi gọi cả hai là trí thức.

    Nhưng không phải “trí thức” nào cũng biết thẹn. Đâu cần phải ‘diện bích” cả chục năm như ai đó mới ngộ ra một chủ nghĩa sai hay đúng, hiện thực hay mụ mị. Mẹ tôi, một người đàn bà mù chữ (nghĩa đen), thấy người ta đấu tố nhau trong cải cách ruộng đất, con tố cha, vợ tố chồng… bà hãi cách mạng, hãi cho đến chết vẫn còn hãi. Với bà, nghèo chịu được, khổ chịu được, đói chịu được, nhưng đảo lộn luân thường đạo lý như thế thì không… Liệu cứu cánh có biện minh cho phương tiện được chăng? Mà cứu cánh gì? Là ấm no hay quyền lực?. Ngay cả về mặt kinh tế, trong thời chiến tranh lạnh người ta cũng đã thấy cái “ưu việt” của làm chủ tập thể và hưởng theo nhu cầu rồi.


    Chiến tranh, đau thương, mất mát, độc lập, đói nghèo,
    số phận của một dân tộc đâu phải là chuyện lãng mạn.

    Hoài bão hay lựa chọn của con người, nhiều khi khởi đầu bằng cảm xúc hơn là lý trí. Lý trí đến sau đó để hợp lý hoá những hậu quả của cảm xúc. Nhưng lý trí cũng giúp con người phản tỉnh để nhận ra mình đã làm đúng hay sai. Sai lầm là thuộc tính của con người. Trí thức là người biết sai, biết thẹn để sửa sai.

    Nhưng nhiều người tuyên bố, nếu được làm lại từ đầu, họ vẫn lựa chọn như cũ. Thật đẹp và lãng mạn! Thế ra, phản tỉnh chỉ bộc phát khi hậu quả của cảm xúc bị thiệt thòi thôi sao? Chọn cái xấu, đập cho chết cái ít xấu hơn là đúng, là đẹp?

    Nhưng chiến tranh, đau thương, mất mát, độc lập (thật sự), đói nghèo, số phận của một dân tộc đâu phải là chuyện lãng mạn. Cuộc chiến kết thúc đã hơn bốn mươi năm, nhưng lịch sử chỉ đang bắt đầu viết lại. Những phóng viên trẻ thời chiến W. Burchett, Stanley Karnow, Neil Sheehan, David Halberstam… và vòng nguyệt quế Pulitzer chạy theo thời cuộc đã tạo ra góc quét gần 360 độ của cái gọi là quan điểm “chính thống” về chiến tranh Việt Nam, không thể đảo ngược. Một khi những cây đa cây đề đã xem đó là chân lý lịch sử, đụng vào quan điểm chính thống, họ sẽ nghiền nát.

    Thế hệ trẻ sau này, với nhiều tài liệu được giải mật hơn, với phương pháp sử học chặt chẽ hơn, đã dám lật ngược “chính thống”. Sự thật đang hé dần, từ lật ngược đến lật tẩy chẳng còn bao xa, Mark Moyar với “Triumph Forsaken” chẳng hạn. Nghe nói có bạn trẻ gốc Việt ở nước ngoài đang làm luận án về truyền thông trong chiến tranh Việt Nam. Lịch sử sớm muộn sẽ tung cú đấm vào sự trí trá, xảo quyệt của ngôn ngữ và hình ảnh được chọn lọc có ý đồ trong thời chiến.

    Sách đấy, tài liệu mới đấy. Đọc đi, hơn là cứ rù rì, tự an ủi mình và an ủi nhau với cái gọi là “oral history” cũ kỹ, nôm na là hóng chuyện không kiểm chứng, rồi cứ thế truyền miệng. Dù có tránh né cách này hay cách khác, thì mọi mỹ từ, mọi lý luận, lý lẽ và cả lý sự đều là sự tiếp cận với ngụy biện. Nói êm ái hơn, đó là một cách xoa dịu nỗi đau “lạc đường”. Hào quang có được từ chút tự do của một chế độ, nhưng buộc phải tắt ngúm ở chế độ kế tiếp. Tiếc nuối làm gì! Ông Nguyễn Đổng Chi chỉ viết một bài phê phán Phan Khôi không đúng mà ray rứt, ân hận cho đến chết. Biết thẹn vẫn là yếu tính của trí thức.

    Một bậc đàn anh đồng môn của tôi, trước 75 phụ trách vài mục âm nhạc, văn hóa cho đài phát thanh, mà cũng là tay sừng sỏ trong giới xuất bản. Sau 75, khốn đốn cực kỳ, nhưng đoạn tuyệt hẳn với nghề viết lách, làm chân lon ton, chạy vặt cho một nhà xuất bản. Vài năm trước, gặp ông giám đốc mới có mắt nhìn người, cất nhắc cho làm biên tập sách. Ông huynh trưởng mắc bệnh “muội đèn” của Cao Bá Quát, thấy đoạn văn hay nhưng phạm húy, tiếc, không nỡ cắt. Ông anh không cắt, thì đời cắt ông anh. Ông lại tiếp tục làm chân lon ton. Thân già bốn mươi ký lô, tính luôn giày dép và quần áo, đã bền bỉ chọn một thái độ sống như thế. Người ta có thể không cho viết, nhưng không thể bắt mình viết theo ý người ta. Ngòi bút có máu, báo chí sách vở còn lưu giữ cả đấy, không chơi bài ba lá với lịch sử được đâu.

    Cô bạn tặng tôi quyển sách của E. M. Remarque là dân… “gia công”, một từ lóng để chỉ con cái của những người tập kết ra Bắc hồi năm 54. Bọn trẻ sinh ra ở Bắc và trở về Nam sau 75. Tôi hỏi đùa, thế em là dân Sài Gòn hay người Hà Nội? – Là dân Sài Gòn chứ! Hà Nội chỉ là nơi cha mẹ “gia công” ra em thôi. Em lớn lên ở Sài Gòn, học từ tiểu học ở Sài Gòn, bạn bè Sài Gòn…

    Tội nghiệp! Sài Gòn khi em lớn lên đã là thành phố buồn hiu, dè dặt và nhẫn nhục, một thành phố trầm cảm với dăm ba người mất trí nghêu ngao hát bên hè phố, hay những người một thời cầm bút cầm phấn, bây giờ đạp xích lô, vá xe đầu đường, bơm mực bút bi…

    Đầu thập niên 80, sách cũ loại tự điển hay kỹ thuật được bày bán công khai, nhưng sách “đồi trụy phản động” thì phải lén lút. Hồi đó làm nghiên cứu, tôi thường ra… chợ trời sách ở đường Đặng Thị Nhu. Chỉ một sạp duy nhất có quyển “Handbook of Chemical Engineers”, giá bốn chỉ vàng. Hễ đến, là tôi giả vờ xem sách, ráng nhớ mấy con số, rời xa xa khỏi sạp là rút sổ tay ghi lại. Đến riết, chủ sạp quen mặt biết ý, chỉ tay, Cầm lấy, đọc thoải mái! Có một cảm thông kỳ lạ giữa người mua kẻ bán…

    Phước đức bảy đời là những người buôn bán sách cũ. Họ chứng kiến những khoảnh khắc chia tay não lòng của người bán, và những thèm thuồng tri thức của người mua. Chợ sách (cũ) khác chợ đời. Chợ buồn bã, trầm mặc như số phận đời người… Những dấu son chữ ký còn trên sách hẳn đã làm kẻ bán đoạn lòng, người mua nao lòng. Đọc mà lúc nào cũng bồi hồi nghĩ đến chủ nhân trước của sách…

    Cô bạn tôi, Sài Gòn có gì để em tự hào về gốc gác? Cha mẹ em là cán bộ trí thức, nên nhà nhiều sách “ngụy” (để tham khảo) hơn là máy móc tiện nghi… Em đọc lén. Khổ thân em! Những gì em đọc khác với những gì em học ở trường. Đó là chưa kể họ hàng em nội ngoại, bên thua, bên thắng (cuộc)… Trong lớp học, em phải viết ra những điều không phải em nghĩ. Nói và làm, đúng và sai, khẩu hiệu và thực tế cứ lộn tùng phèo trong đầu. Những thực tế tréo ngoe làm em có đôi chút phá rào, cảm nhận đúng sai. Em tự hỏi, nhưng ai trả lời?


    Có những người giàu nhanh quá, siêu nhanh giữa bầu không khí ô nhiễm (đen lẫn bóng)

    Làm việc ở nước ngoài gần hai mươi năm, ngày trở về, em thấy một Sài Gòn hào nhoáng hiện đại nhìn đâu cũng thấy building, cầu vượt… nhô lên từ những bãi nhà tôn, ổ chuột. Có những người giàu nhanh quá, siêu nhanh giữa bầu không khí ô nhiễm (đen lẫn bóng). Hàng rong bị săn đuổi giữa những hàng xe hơi lộng lẫy. Em đứng tần ngần ở quán cà phê đường Huỳnh Tịnh Của, ngắm nghía căn nhà cũ kỹ gần sáu bảy chục năm. Đẹp quá! Chẳng còn là bao những căn nhà xưa như thế này, cũng không còn những con phố yên tĩnh. Mọi thứ ồn ào và tương phản đến lạ lẫm. Em thở dài, Sài Gòn bây giờ như bức tranh lập thể siêu thực. Sài Gòn không còn là Sài Gòn của em nữa. Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn, thì Sài Gòn một thời của tôi ở đâu?

    Có lần em buột miệng, May mà cha em mất rồi, chứ nếu còn sống… Em không phải là người duy nhất nói với tôi điều đó. Một vài bạn bè tôi, cha mẹ họ thuộc hàng công thần, trong những lúc trà dư tửu hậu cũng nói thế. Độc lập là khát khao của cả dân tộc, chứ đâu phải của riêng ai. Độc lập bị tham vọng quyền lực đánh lận nên mới ra nông nỗi thế này. Người bạn (già) của tôi ở Hà Nội nói: Các anh bị đau một, chúng tôi bị đau những hai lần.

    Em hỏi tôi có đọc sách triết không, về Sartre, Miller… gì gì đó. Tôi đã gạt mấy cha nội triết gia này ra khỏi đầu tôi hơn bốn mươi năm rồi em. Tôi muốn J. P. Sartre vô trại cải tạo để tự tìm ra con người ổng là ai. Muốn Henry Miller nói chuyện tay đôi với má mì ở quán bia ôm. Muốn Nietzsche đứng trên con thuyền nhỏ giữa sóng to gió lớn và hải tặc để ông ta hét toáng lên Thượng đế đã chết!… Cứ nhìn vào cuộc đời của mấy ông triết gia thì biết, điều họ nói và cái họ làm thật khác xa. Những lý luận của họ chỉ thích hợp ở trường học, ở tháp ngà nghiên cứu, nơi mà họ thư thả hệ thống hóa những luận thuyết.

    Triết lý thực sự ở ngay chính cuộc sống của mình, của riêng mình trong mọi tình huống, mọi lẽ sống…Nhận thức được về nó. Không nhận thức được thì cảm nhận nó. Điều quan trọng là phải sống với nó, chứ không phải nói để người khác sống, còn mình thì sống kiểu khác.

    Một khi con người còn biết chút chia sẻ, còn có chút lòng trắc ẩn thì đời đâu quá tệ, phải không? Không quá tệ, nhưng đi theo được nguyên tắc đó suốt đời mình không phải là điều dễ dàng. Tôi là độc giả thầm lặng của facebook “CLB cuộc chiến chống ung thư”, nơi những con người tuyệt vọng chia sẻ với nhau từng mẩu hy vọng. Trong đó có một status thế này: Cha tôi đã không qua khỏi, còn một ít thuốc giảm đau, bạn nào cần, tôi xin tặng lại. Đọc mà nhòe cả mắt…

    Quyển sách cô bạn tặng, “Tình yêu bên bờ vực thẳm”, bản dịch của Huỳnh Phan Anh, chỉ lật vài trang đầu, tôi đã nhận ra một Remarque quen thuộc: … Hãy để tôi đi, nàng thì thầm. Ravic không nói gì, siết chặt tay nàng hơn nữa. Ravic có cảm tưởng nàng không trông thấy chàng, và xuyên qua chàng, dường như nàng đang nhìn vào cõi xa xăm nào đó, trong đêm tối trống vắng.

    Con người trong tác phẩm của Remarque thường là những số phận bị săn đuổi, với những ước mơ, tính toán thật giản dị và tử tế. Tử tế với những người bạn tình cờ biết nhau một đêm, tử tế cả với chính kẻ thù của mình. Con người bị săn đuổi, nên lúc nào cũng vội vã, họ cảm nhận được giá trị của chia sẻ, của khoảng khắc tồn tại và yêu thương.

    Một thời triết lý vụn đã qua, mọi thứ đã lụi tàn trong ngọn lửa “đồi trụy và phản động”. Hồi trước đốt sách, nhưng liêm sỉ còn kháng cự ít nhiều. Bây giờ liêm sỉ bị thiêu rụi bởi thực dụng, bởi đạo đức giả, bởi diêm dúa của đồng tiển và quyền lực. Con người bị cầm tù bởi hiệu ứng Stockholm mất rồi!

    Trong “Một thời để yêu, một thời để chết”, tôi nhớ lõm bõm câu (đại ý): Không cần phải cứu vãn những giấc mơ, mà phải cứu vãn niềm tin. Niềm tin còn, thì giấc mơ tự nó sẽ phục hồi.

    Bốn mươi ba năm rồi đấy! Cuộc đời có khi tràn ngập những tuyệt vọng, nhưng đúng là niềm tin cần được cứu vãn. Tôi cần niềm tin. Đất nước này cần niềm tin. Niềm tin sự thật sẽ không bị vùi lấp. Niềm tin cái xấu sẽ bị đào thải: Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền.


    Vũ Thế Thành,
    Đà Lạt cuối tháng tư 2018


    Nguồn:https://vuthethanh.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Trăm nghìn nhánh khổ





    … Hai phương trời cách biệt, Bên chờ và bên mong…(1)

    Các quán nhậu vỉa hè dọc kênh Nhiêu Lộc dạo này nhiều người hát rong, cũng ampli, loa, micro không dây, nhạc đệm… Họ chỉ hát toàn nhạc xưa, nhạc sến, với điệu rumba, bolero, nghe tưởng như đồng hồ đếm ngược. Lần trước về Sài Gòn, tôi đã ngồi quán vỉa hè, nghe những bài ca vỉa hè như thế… Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời (2). Lặng cả người!



    Bạn bè, có đứa vượt được qua biên giới, nhưng cũng có đứa về bên kia thế giới.


    Tôi chợt nhớ những ngày sau tháng Tư 75, đám bạn bỗng nhiên làm đám cưới chớp nhoáng, lấy vợ lấy chồng để đối phó với thời cuộc, rồi vội vã tìm đường vượt biên. Có đứa vượt được qua biên giới, nhưng cũng có đứa về bên kia thế giới. Những người ở lại như tôi, tưởng họ đã đến bến bờ thiên đường.

    Bước lên tàu là ngàn khơi sóng vỗ, không phải là chuyến xe Sài Gòn – Đà Lạt. Có khi Hà Bá mời xuống chơi, có khi tủi nhục trên đường vượt biển, phần còn lại là may mắn. Mà có may mắn lọt vào xứ người cũng chưa hết. Cô bạn tôi cao chưa quá thước rưỡi, với tay đưa khay bánh vào ngăn, trượt chân, u đầu sứt trán. Quên cả đau, vội vội vàng vàng lượm bánh xếp lại vào khay. Bà xếp Tây mắng, Xứ này không ăn dơ như thế.

    Cũng có người đi làm nail, “tiền tươi thóc thật”, dồn hết cho con ăn học. Hy sinh đời bố, củng cố đời con; hiểu sát nghĩa đen là đây, là mồ hôi trộn nước mắt. Khi con thành tài, thân mẹ cũng tàn tạ. Tiền gửi về nhà, người thân trong nước nhiều khi tưởng đâu bên đó kiếm tiền dễ như ăn cơm sườn, xin thêm thứ này thứ nọ. Có biết đâu đó là tiền chắt chiu, có khi là tiền thí mạng không mua bảo hiểm y tế.

    Nhưng cũng có nhiều người kiên nhẫn vừa làm vừa học, thành danh. Nơi xứ người, dù sao vẫn có nhiều cơ hội hơn trong nước, vấn đề là có chịu nắm bắt hay không mà thôi.

    Trong nước thì coi như bế tắc. Hồi đó, tôi dạy kèm thêm luyện thi đại học, dạy nhóm năm, bảy học sinh. Có em học xuất sắc, bài thi làm không chê vào đâu được. Vậy mà rớt. Em là con “ngụy”, thứ “ngụy” còn trong trại cải tạo, làm sao vào đại học nổi, em rớt ngay từ bãi gửi xe. Em đến báo tin, thầy trò ngồi uống cà phê vỉa hè, buồn ứa nước mắt. Thời điểm này không dung những tiềm năng như em… Số phận đời người chứ đâu phải trò chơi chính trị.

    Những năm sau 75, giáo sư, bác sĩ, ông này bà nọ xuống đường ra chợ trời hết, người đạp xích lô, chạy xe ôm, người bơm mực bút bi, bán bún riêu, mở quán cà phê vỉa hè, buôn hàng lạc xon… Người nào lanh hơn thì buôn hột xoàn đổi đô-la…

    Năm 78, tôi gặp một phụ nữ ăn mặc lam lũ, nhưng đẹp, quý phái, không quá ba mươi, trên chuyến tàu chợ. Chị kéo lê hai bao than ra gần cửa tàu, ngước mắt nhìn tôi, nói như năn nỉ: Lát nữa gần đến ga Bình Triệu, anh làm ơn đạp dùm tôi hai bao than này xuống. Chị buôn lậu than, đến ga sẽ bị tịch thu. Đôi mắt chị buồn và nhẫn nhục quá, làm tôi nhớ đến đôi mắt của bà mẹ trong một tác phẩm của C.V. Gheorghiu. Cảnh sát bắt bà mẹ vào bót để tra hỏi nơi ẩn nấp của con bà. Tác giả đã mô tả đôi mắt của bà, cũng buồn và nhẫn nhục như thế.

    Có lần đi chơi khuya, tôi gặp Bùi Giáng ở ngã ba Trần Quang Diệu – Trương Minh Giảng(3), ăn mặc chắp vá màu mè như phường tuồng, cầm cây chổi cùn múa may, chặn đầu xe tôi lại, Cho trẫm điếu thuốc. Hoàng thượng đã chiếu cố dân đen, dân nào dám cãi. Tôi rút điếu thuốc, cung kính châm lửa cho hoàng thượng. Ngài rít một hơi rồi phẩy tay, Cho lui… Lui rồi, ngoái cổ lại, vẫn thấy hoàng thượng tiếp tục múa chổi đi quyền.

    Bùi Giáng đã có mầm mống bất thường từ trước rồi. Sau 75 nặng hơn, lang thang khắp chốn. Cái điên của Bùi Giáng thật hay giả, cũng khó biết. Mất trí như ông vậy mà hay, ý thức buồn vui làm chi cho khổ?

    Mà Sài Gòn lúc đó sao dễ gặp “người điên” thế! Cũng không phải điên, họ có phá phách gì ai đâu. Tôi thường gặp vài ông ăn mặc lịch sự, áo sơ mi trong quần, có ông còn đeo cà vạt, đi đi lại lại ở khu Lê Công Kiều, nơi bán sách cũ. Vừa đi vừa khua tay, lảm nhảm rồi lại gật gù, nào là Marx, Hegel, Mounier, Sartre…

    Người bạn tôi qua được tới bến bờ, vừa làm vừa học, gửi về cho tôi thùng quà chừng ký rưỡi, kèm bức thư ngắn: Gửi mày mấy hộp thuốc Tây, bán đi mà lai rai. Còn lọ nhỏ để uống, đừng bán. Thuốc an thần đó. Tâm thần phải chăng là lối thoát của con người với thực tại?

    Sau 75, tôi học được một điều, mà đến nay vẫn thấy chí lý. Đó là, người chiến thắng tuyệt đối đúng. Người chiến thắng tự hào là đúng rồi, nhưng có khi tự hào cả những cái sai. Sai mà cứ tưởng mình đúng. Chuyện “tủ lạnh chạy đầy đường” chỉ là chuyện khôi hài, chuyện nhỏ. Cái “sai mà tưởng đúng” mới làm đất nước chậm nhịp, di lụy chẳng biết bao giờ mới hết.

    Cả đất nước đã có lúc “sống” bằng khẩu hiệu. Nghe riết rồi quen, nghe tai này lọt tai kia cũng quen luôn. Không quen lỡ có ngày phát điên thì sao?

    Người lẽ ra phải điên mà không chịu điên, đó là mấy bà. Cầm có tí tẹo tiền, xách giỏ đi chợ, loanh quanh đầu chợ cuối chợ cả tiếng đồng hồ, có khi chẳng mua được thứ gì. Mà có tiền đi chợ là còn may, có người chỉ khoai sắn, rau lang, bí đỏ… quanh năm. Ăn để sống sót thì thứ gì chẳng nhét vô bụng được. Bột ngọt khi đó là thần thánh.

    Mấy ông “tù cải tạo” coi vậy chứ chỉ khổ cái thân, chứ cái đầu chưa đến nỗi. Có biết bên ngoài thế nào đâu mà khổ, mà lo. Vợ một bác sĩ quân y đi thăm nuôi, dúi vào tay chồng ít tiền. Thăm nuôi lần sau, thấy tiền vẫn còn nguyên, ông chồng không dám xài. Bà than, Tội nghiệp cho cả gia đình tôi! Ở ngoài vợ con nhịn đói để nuôi tù, ở trong nhịn đói vì không nỡ nuốt cái đói khát của vợ con. Não lòng đến thế là cùng! Nước mắt nuốt ngược thế này, chỉ bị nghẹn mà không phát điên, bà này chắc có căn phần phúc đức.

    Nghe nói mấy ông “ngụy cải tạo” định lập ra ngày vinh danh mấy bà vợ. Không đủ đâu mấy ông. Mấy bà này chắc phải phong thánh.

    Tháng Tư năm nay, Sài Gòn nóng khủng khiếp. Sài Gòn không mưa nhưng Đà Lạt mưa. Những ngày cuối tháng Tư năm nào Đà Lạt cũng mưa, mưa mù mịt che khuất cả đồi thông ở Couvent des Oiseaux đối diện nhà, nhưng mưa chỉ vào lúc trưa chiều, tối tạnh.

    Đà Lạt, tám giờ tối đã như mười hai giờ khuya ở Sài Gòn. Tôi vẫn thích đi bộ mỗi khi có chút hơi men thế này. Con đường dốc về nhà thường kéo theo mệt mỏi của đời người. Tựa lưng vào cửa nhà, hoa lá trong vườn yên tĩnh như đêm. Dưới ánh đèn đường rọi qua hàng rào, bóng của lá cây ngọc lan chập chờn trên mặt sân.

    Cuối tháng Tư rồi. Người ta sẽ đốt pháo hoa ở Sài Gòn để ăn mừng. Ai vui xin cứ vui. Nhưng còn chút tâm tình này không nói về những ngày sau 75 trong mắt tôi là như thế nào, lòng dạ chưa yên…

    Đời trăm nghìn nhánh khổ, nhánh nào cho người, nhánh nào cho mình? Năm 75 là ngã rẽ của đời người. Bạn bè, người thành danh, đứa bầm dập, và cho dù ở phương trời nào, Tây hay ta, nỗi khổ vẫn theo số mệnh mà đến. Giờ đây, đứa nào cũng chạm tay vào buổi hoàng hôn đời người.

    Tháng Tư, tôi thắp ngọn nến trong lòng. Thoảng trong mùi hương ngọc lan, tôi hát theo, hát thầm bài hát nghe được ở quán rượu…

    Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người,

    Khi mình còn đôi tay…(1)


    Vũ Thế Thành,
    Đà Lạt, 28.04.2016



    (1) Xin thời gian qua mau – Lam Phương
    (2) Nửa đêm ngoài phố – Trúc Phương
    (3) Nay là đường Lê Văn Sỹ




    Nguồn:https://vuthethanh.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Thức ăn đường phố –
    Phạt là giải quyết được sao?




    Nghị định 115 sẽ có hiệu lực vào ngày 22/10 sắp tới. Theo đó, những người bán thức ăn đường phố có thể bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng, nếu vi phạm các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có quy định mà báo chí mới đây “báo động” ầm lên là, nếu không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín hoặc thực phẩm ăn liền thì bị phạt.

    Găng tay chưa nhằm nhò gì

    Đeo găng tay chỉ là một trong nhiều điều kiện về vệ sinh thực phẩm, phòng tránh nhiễm khuẩn. Nghị định dĩ nhiên còn nêu nhiều điều kiện khác nữa như: thức ăn phải được che đậy bụi bẩn, ngăn côn trùng xâm nhập, phải có bàn tủ, giá kệ, thiết bị, dụng cụ (không nói rõ là dụng cụ thiết bị gì)…

    Tất cả các yêu cầu mà nghị định này nêu ra đều hoàn toàn cần thiết để đáp ứng vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Mặc dù lây nhiễm qua tay được xem là rủi ro khá lớn, nhưng nếu chỉ nhấn mạnh găng tay không, thì đâu có nhằm nhò gì. Xài găng tay mà bàn tay không sạch, thì cũng như không. Găng tay mà xỏ đi xỏ lại một ngày cả vài chục lần, bốc chỗ này một tí, chỗ kia một ít, mà không nhiễm chéo bằng thích à?

    Bị phạt xót của, đi phạt tâm tư

    Nếu nhìn dưới góc độ ATTP, thì nghị định 115 còn thiếu, thiếu nhiều là đằng khác. Chẳng hạn nguyên liệu, rau củ còn dư lượng thuốc trừ sâu, thịt thà cá mú xài chất cấm, phẩm màu, thuốc nhừ… thì sao? Thịt luộc, giò heo, tôm luộc ở mấy quán hủ tíu để trong tủ kính hẳn hoi, nhưng bày từ sáng tới chiều tối, với thời tiết nóng oi như Sài Gòn, mà vi khuẩn không nhảy chồm vào sinh sôi nảy nở thì mới lạ? Đó là chưa kể khăn lau chén thành khăn lau bàn, nước rửa chén xài đi xài lại, nhìn là đủ thấy… lạnh lùng rồi. Tất cả những yếu tố trên (không thấy đề cập trong nghị định) đều là nguồn lây nhiễm, gây ngộ độc thực phẩm cấp tính hoặc mãn tính.

    Mà ngay cả nếu nghị định được thi hành triệt để, thì liệu có cải thiện được vấn đề ATTP với thức ăn đường phố không? Đó là chưa nói tới, quy định có khó cỡ nào, người ta vẫn đối phó được. Đối phó để tồn tại. Mà không tồn tại được, thì chẳng lẽ thức ăn đường phố biến mất?

    Chỉ cần kiểm tra mấy xe bán bánh mì hay hàng hủ tíu buổi sáng thôi, thì cán bộ kiểm tra ghi biên bản, đếm tiền phạt cũng đủ mỏi tay rồi. Toàn là dân lao động cả. Người bị phạt xót của, người đi phạt…tâm tư.

    Vun gốc chứ đừng chặt ngọn

    ATTP là vấn đề nhận thức của người bán lẫn người mua. Phạt vạ chỉ là biện pháp sau cùng, và cũng không phải cứ phạt là giải quyết được tất cả mối nguy lây nhiễm.

    Chúng ta có bao giờ tự hỏi, người bán đã nhận thức về ATTP liên quan tới sản phẩm kinh doanh của họ chưa? À, thì đã có tập huấn. Nhưng đa số họ đều là người lao động chân tay, lấy công làm lời, học vấn không nhiều… Mà cách thức truyền đạt kiến thức ATTP cho họ từ cơ quan hữu trách rất hàn lâm, lại còn làm thế này thì vi phạm nghị định nọ, quy định kia, sẽ bị phạt bao nhiêu… Đầy tính răn đe.

    Tập huấn cho có, khám sức khỏe cho có, cấp giấy chứng nhận cũng cho có… Điều quan trọng là người học tiếp thu thế nào để chuyển sang hành động, chúng ta không cần biết.

    Một điểm nữa là truyền thông về ATTP, băng rôn, biểu ngữ treo đầy đường, rồi những tháng gọi là ATTP, “ra quân” quyết liệt, nhưng chẳng ai đo lường thử xem hiệu quả của những băng rôn ấy thế nào, sau chuyến “ra quân” ấy ra sao… Phải xem tuyên truyền về ATTP như quảng cáo và phải đo lường hiệu quả, nếu không sẽ lãng phí.

    Điểm sau cùng, khó khăn hơn, đó là phương tiện. Xe đẩy, tủ kính sạch sẽ, che đậy ruồi muỗi, thùng đá bảo quản, cả nguồn nước nữa… Ai sẽ giúp họ có những phương tiện này? Trước khi phạt, phải giúp người bán có nhận thức về ATTP, rồi phải hướng dẫn họ cách giải quyết vấn đề. Giá mà cơ quan hữu trách thay vì nói: “Làm thế này là vi phạm”, sẽ nói: “Làm thế này sẽ không vi phạm” thì thức ăn đường phố sẽ chuyển động đấy.

    ATTP với thức ăn đường phố là một vấn nạn, không chỉ riêng Việt Nam, mà còn ở các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Phi Luật Tân… nhưng họ làm hiệu quả hơn VN mình nhiều. Ít ra thì xe đẩy, quầy bán… của họ trông cũng sạch sẽ, tươm tất hơn ở mình. Đây là vấn đề cần thời gian lâu dài, cần sự tham gia của các tổ chức xã hội, chứ không phải là chuyện phong trào, hay phạt vạ là giải quyết được. Hãy vun gốc cây, chứ đừng chặt ngọn.

    Vũ Thế Thành


    Nguồn:https://khoahocnet.com


              
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Ngoc Han »

Đọc lại truyên của:
Tác giả: Wayne Nguyen
Bài số 3833-17-30333-vb5060216

Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng, sinh năm 1975, qua Mỹ định cư năm 1992. Từ năm 2000-2005 hành nghề dược sĩ (Consultant Pharmacist), sau đó trở lại học và tốt nghiệp Y Khoa. Nghề nghiệp hiện tại là Physician tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois.

* * *

"Cuộc đời của chúng ta giống như một chuyến xe đò, mỗi chuyến xe đón những hành khách khác nhau, tuy nhiên hành khách nào cũng mong muốn chuyến xe được an toàn xa lộ, để tất cả hành khách được về với gia đình, nơi đó lúc nào cũng bình an và hạnh phúc…

Tôi là đứa con Út sinh ra trong một gia đình gồm mười hai người. Vài tháng sau khi tôi ra đời, VNCH không còn nữa, và Việt Nam rơi vào tay của chế độ XHCN.

Trước năm 1975, ba tôi làm Trưởng Ty Kinh Tế tỉnh Quảng Ngãi, xét về địa lý tỉnh Quảng Ngãi nằm giữa hai tỉnh Quảng Nam và Bình Đình. Sau 1975, ba anh chị em lớn của tôi cuối cùng cũng "tỵ nạn" ở Hoa Kỳ sau những chuyến vượt biển đầy gian khổ và nguy hiểm, một người chị lớn của tôi đã mất tích trong một lần vượt biển vào năm 1989. Cuối cùng, gia đình tôi đặt chân đến LAX vào tháng 2, năm 1992 theo chương trình ra đi có trật tự gọi chung là "ODP"

Thấm thoát mà đã trên 41 năm, sau ngày 30 tháng Tư 1975 và 23 năm định cư ở Hoa Kỳ. Tôi giật mình tỉnh dậy sau năm phút lim dim trên "Xe Đò Hoàng" từ Rosemead lên San Jose, California.

Vào những dịp lễ thì "Xe Đò Hoàng" lúc nào cũng đông người, ngồi sát tôi là một chị khoảng 55 tuổi gốc người Cần Thơ, nên tôi tạm gọi là chị Tư Cần Thơ. Ngồi sát hàng ghế sát bên kia là một chị khoảng 60 tuổi, đi du lịch từ Việt Nam mới qua làm nghề mua bán Bất Động Sản ở Sài Gòn, tôi không nhớ tên nên gọi là bà Hai Địa Ốc.

"Xe Đò Hoàng" bây giờ có lẽ khác với "Xe Đò Hoàng của 10 năm về trước", không những là người Việt Nam đi xe đò, mà ngay cả những người từ nơi khác cũng biết về "thương hiệu" của xe đò. Phía trước hàng ghế tôi ngồi có hai vợ chồng người Singapore. Phía sau có hai vợ chồng người Pháp. Xe chạy đến phố Tàu hay thường gọi là Chinatown, ghé vào parking sát bên tiệm Phở Hòa để tiếp tục đón thêm những hành khách khác.

Bước lên xe lần này là một anh thanh niên Việt Nam vào khoảng 25 tuổi đi du học, riêng cậu thanh niên này thì tôi nhớ cậu ta tên là "Kiên", những người sinh sau năm 1975 và gia đình có máu cách mạng hay bộ đội thì lúc nào cũng đặc tên cho con với những cái tên như "Nam", "Bắc", "Thắng", "Lợi", "Kiên" và "Trực". Măc dù tên của cậu ta là "Kiên", tôi vẫn thích cái cái nick name tôi đặt cho cậu ta là "Cậu Út Du Học".

Kế đến là một người trung niên vào khoảng 60 tuổi với đôi nạng gỗ, nhìn mang máng giống anh Việt Dzũng, khuôn mặt đẹp trai, tôi cũng không nhớ tên anh ta, nên đành đặc tên anh là "Anh Năm đẹp trai". Hàng ghế đầu tiên trên xe có bảng ghi dành cho "disabled" (người tàn tật), tuy nhiên anh không ngồi hàng ghế này và cho rằng còn nhiều người già hơn, tàn tật nặng hơn mình, nên anh quyết định ngồi ở hàng ghế cách tôi khoảng 2-3 cái ghế gì đó.

Cuối cùng là một thanh niên người Nigerian từ bên Châu Phi, có bạn là người Việt Nam giới thiệu về Xe Đò Hoàng, đi một lần cho biết.

Như vậy, chung quanh tôi nào là "Chị Tư Cần Thơ", "bà Hai Địa Ốc", "Cậu Út Du Học", "Anh Năm đẹp trai", "Hai vợ chồng người Singapore", "Hai vợ chồng người Pháp", và anh chàng người Nigerian. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là đây: Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ, Tây, Tàu, Âu, Mỹ gì chúng ta điều có đủ.

Xe chuẩn bị rời khỏi đường Broadway hướng về freeway 5 North thì bác tài xế xe bắt đầu phát cho mỗi người một ổ bánh mì Lee's sandwiches hoặc là một bịch xôi, một chai nước lọc hiệu "Kirkland" mua từ Costco, một tờ báo "Người Việt", một tờ báo "Việt Báo" nếu người nào muốn đọc báo bằng tiếng Việt.

Hành khách có sự lựa chọn một là ổ bánh mì Lee's sandwiches hoặc là bịch xôi, chứ không được cả hai. Buổi sáng, cảm thấy còn no, nên tôi đem ổ bánh mì Lee's sandwiches vừa được phát bỏ vào bịch ni-lon ở sát bên, trước khi lên xe, tôi đã chuẩn bị mua xôi, bánh mì, và vài trái táo ở một tiệm "food to go" sát thành phố Rosemead, tất cả cho vào ba lô để ở dưới chỗ ngồi dành cho hành khách.

Và câu chuyện bắc đầu từ đây.



Sau khi mỗi người đã có trong tay ổ bánh mì hoặc bịch xôi, "Cậu Út Du Học" xin thêm bịch xôi, tuy nhiên bánh mì thì còn nhưng xôi thì hết. "Cậu Út Du Học" đòi cho bằng được bịch xôi, nếu không có, cậu bắt buộc xe phải ngừng lại hoặc trả tiền refund $40 dollars cho cậu. Cậu Út bảo "như thế là không chuẩn nhé", "khách hàng là thượng đế nhé", "khách hàng muốn ăn xôi là phải có xôi nhé". Miệng thì lẩm bẩm chửi bác tài xế "Đúng là đồ Việt Kiều lưu vong, bị thất nghiệp nên đi lái tài xế cho xe đò".

Trong cái ba lô của tôi còn có một bịch xôi gà nóng, tôi đưa nửa bịch xôi gà cho Cậu Út Du Học và nhắc nhở rằng "rồi mọi việc sẽ đâu vào đó, cố gắng ăn đỡ xôi gà cho ấm bụng". Tôi bảo cậu ta, khi xe đến thành phố Bakersfield, xe sẽ dừng lại break 15 phút, ở chỗ này có tiệm Subway, McDonald và ngay cả tiệm Chinese Food tha hồ mà ăn.

Tôi được biết, Cậu Út Du Học này xuất thân từ gia đình ở tỉnh Thanh Hóa. Sau "Giải Phóng", gia đình Cậu Út Du Học vào nam, và tịch thu được hai căn nhà trên đường "Đồng Khởi" (đường Tự Do trước năm 1975), mà người Cộng Sản gọi là "tiếp thu". Xin thưa với Cậu Út Du Học, chính là từ hai căn nhà trên con đường Tự Do chiếm đoạt được mà cha mẹ cậu mới có tiền trang trải cho cậu đi du học ở đất nước Hoa Kỳ. Cậu Út à, bác tài xế xe không bị thất nghiệp, nếu như bị "thất nghiệp" thì nghỉ ở nhà, chứ đâu có đi lái xe, "thất nghiệp" tức là không có việc làm. Mà không phải ai muốn lái xe khách 40 chỗ ngồi cũng được! Phải trải qua nhiều kỳ thi lý thuyết và thực hành để được cấp cho bằng lái xe 40 chỗ ngồi Cậu Út ạ!

Xin thưa với Cậu Út Du Học, chúng tôi là những người "lưu vong" đúng vậy, và chúng tôi cố gắng xây dựng một Little Sài Gòn vững mạnh phi cộng sản. Nhờ có kinh tế vững mạnh hàng năm, chúng tôi cố gắng góp tiền bạc giúp đỡ cho đồng bào trong nước, nên lúc nào truyền thông trong nước gọi là "Việt kiều là khúc ruột ngàn dặm thương yêu của tổ quốc Việt Nam". Bởi vì chúng tôi "lưu vong", nên chúng tôi cố gắng góp phần không ít vào khu công nghệ "Silicon Valley" gồm những thành phố San Jose, Cupertino, Palo Alto… Cupertino chính là nơi của công ty số một thế giới "Apples" (Cậu Út gọi là Quả táo, thay vì người miền nam gọi là Trái Táo. Nhờ có "Quả Táo" này mà Cậu Út mới có được Iphone, Ipad để tha hồ lướt web ở bất cứ nơi nào.



Xe chạy vừa pass qua junction xa lộ I-5 và I-118. Tôi nhìn qua phía bên trái: Chị Tư Cần Thơ vẫn còn thức, tuy nhiên người chị bủn rủn và mệt mỏi, Chị Tư Cần Thơ thuộc loại người tròn trịa, nhìn qua tôi cũng biết "bà này chắc bị tiểu đường rồi" và chợt nhớ đến hai câu thơ "Ngày xưa bụng bự thì sang, ngày nay bụng bự viêm gan và tiểu đường".

Chị Tư Cần Thơ đón xe đò lên San Jose để thăm đứa con gái duy nhất của chị vừa hạ sinh được đứa con đầu lòng. Tôi biết rằng Chị Tư Cần Thơ bị "hypoglycemia" (lượng đường thấp) có lẽ lúc tối chị chích glargine insulin nhiều quá, nên bây giờ bị phản ứng phụ của insulin. Tôi nhanh chóng đưa cho chị nửa nắm xôi gà còn lại lúc sáng, chị ăn được một chút và người chị tỉnh hẳn ra. Ăn xong Chị Tư Cần Thơ nói "Em là bác sĩ hay sao nhìn qua là biết chị bị tiểu đường rồi". Tôi chỉ cười và không nói gì, chị tiếp tục im lặng, chắc có lẽ chị "Có những niềm riêng… có điên cũng không dám nói", "niềm riêng" của chị là gì đây? Nhìn cuốn sách "Viết Về Nước Mỹ lần thứ 14" của tôi ở trước mặt, sau khi đọc một vài trang đầu tiên, chị bắt đầu kể về cuộc đời của chị.

Chị Tư Cần Thơ đi vượt biên năm 1987, tàu xuất phát tại bến Ninh Kiều. Cha mẹ chị, đứa em gái chị, và chồng của chị chết trong chuyến đi ấy. Cả con tàu còn vỏn vẹn 18 người sống xót trong đó có hai mẹ con chị. Nhìn qua cách cư xử và cách nói chuyện của chị, tôi có thể biết rằng chị là một người biết chia sẻ, biết chấp nhận quá khứ và hài lòng với hiện tại. Ngay cả bà con nội ngoại của chị không còn ai, phần lớn đã bỏ mình ngoài đại dương trên đường tìm tự do. Bây giờ chị còn lại đứa con gái duy nhất và đứa cháu ngoại mới sinh được một tuần rưỡi.

Quá khứ thì quá đau buồn, tương lai thì chưa biết, thôi cố gắng vui vẻ với hiện tại mình có được. Khi nói đến đứa cháu ngoại vừa mới sinh ở Kaiser Permante thành phố San Jose, Chị Tư Cần Thơ vui lắm, cho tôi coi hết hình này đến hình khác. Người Chị Tư Cần Thơ vừa tròn, vừa mập, vừa lùn, nhìn giống "trẻ em đi lạc", tuy vậy từ Los Angeles lên San Jose, chị đem theo hai thùng sách viết bằng tiếng Anh "How to be a good mommy" làm quà cho đứa con gái.

Chị nói với tôi rằng, bây giờ chị cố gắng cười thật nhiều, bởi vì đối với chị "cuộc đời không còn gì để mất nữa", cứ thế vui vẻ mà sống. Xin thưa là em rất nể chị, chị là một người vượt qua số phận trớ trêu, những gian khổ của cuộc sống, một thân một mình nuôi con, để bây giờ chị có đứa con gái ra trường làm "Registered Nurse". Chị dẹp bỏ những đau buồn và bất hạnh trong cuộc đời, và cố gắng tận hưởng những gì hạnh phúc niềm vui ông trời đã ban cho chị.

Người bạn thân của tôi làm nghề bác sĩ tâm lý psychologist Dr. Hạnh Trương ở miền nam California thường nói về cuộc đời rằng, tất cả những gì trên đời này điều là "Trời cho", nếu không được thì nói ngược lại là "Trò chơi". Một người bạn bác sĩ tâm thần psychiatrist Dr. Gandi ở bệnh viện University of Illinois at Chicago thường nói "Life is joke, take it easy". Chị Tư Cần Thơ thì nói "nói thì dễ, làm thì khó lắm", tuy nhiên "mình phải làm", chị cố gắng làm nhiều viêc để quên đi quá khứ đau buồn. Và ước mơ của chị là được làm bà ngoại đi đây đi đó du lịch cùng với con cháu của chị.

...

Hàng ghế bên kia Bà Hai Địa Ốc đang mải mê nói chuyện với cô con gái qua hệ thống viber của Iphone, và lúc nào cũng căn dặn là phải "nhanh tay lẹ mắt" để kiếm được nhiều tiền, nào là phải chạy tiền và đút lót như thế nào cho Sở Tài Nguyên Môi Trường, rồi đến công an quận, làm sao cho trót lọt.

Sài Gòn thời mở cửa cho những người có cơ hội muốn "chụp giật" trong ngành địa ốc, danh từ chính xác ở Việt Nam bây giờ thường gọi là "Kinh Doanh Bất Động Sản" (KDBDS). Ở Việt Nam, nơi mà "quyền sử dụng đất" khác với "quyền sở hữu đất", nơi mà giấy tờ nhà đất được gọi là "sổ hồng", "sổ đỏ", nơi mà luật lệ thay đổi qua nhiều tầng lớp nào là luật lệ của nhà nước, rồi đến luật lệ thành phố, luật lệ của tỉnh, của quận và huyện, hay nói tóm lại là luật lệ của XHCN.

Tôi rời xa Sài Gòn năm tôi 16 tuổi, nên không hiểu mấy về từ ngữ "luật lệ", Bà Hai Địa Ốc giải thích rằng "luật là có trong sách vở" "lệ tức là hối lộ, đút lót". Thì ra là vậy. Người đi, người ở, người về, người thì về Việt Nam làm ăn, người thì bán nhà để ra đi nước ngoài định cư. Bà Hai Địa Ốc cũng chả cần để ý đến những khu vực nào người dân nghèo sắp bị giải tỏa, nhưng lúc nào cũng căn dặn đám công an cố gắng ém giá đền bù cho dân càng ít thì càng tốt. Bà Hai Địa Ốc lúc nào cũng chê về nước Mỹ trên phone khi nói chuyện với cô con gái, nào là "Xe Đò Hoàng" không có hàng ghế dành cho "thương gia." Chắc bà thuộc loại người "thượng lưu" nên chỗ ngồi cũng phải tương xứng với cái "thương hiệu" của bà. Bà Hai Địa Ốc còn nói rằng bác tài xế lái xe đáng lẽ phải lễ phép đưa hai tay khi phân phát ổ bánh mì cho bà. Bà Hai Địa Ốc chê đồ ăn ở khu Little Sài Gòn Westminster. Bà cũng nhắc tới hai con chó cưng của bà vừa mới được một đại gia đi du lịch từ Phú Quốc về tặng cho. Cặp chó quý Phú Quốc này được những người osin chăm sóc hết sức chu đáo trong nhà của bà ở khu Phú Mỹ Hưng.

Xin thưa với Bà Hai Địa Ốc rằng, đồ ăn ở nơi đây không ngon bằng đồ ăn của bà ở Phú Mỹ Hưng, nhưng bảo đảm an toàn vệ sinh bởi vì nơi đây thức ăn được kiểm tra bởi Department of Public Health, mỗi nhà hàng điều được đánh giá rating A,B,C,D thích hợp. Luật lệ ở những nước tư bản lúc nào cũng bảo vệ người dân, chứ không phải như thực thẩm ở Việt Nam bị đầu độc bởi Trung Quốc, đó là chưa kể đến hàng loạt nhiều loại cá bị chết dọc bờ biển Miền Trung kéo dài từ bờ biển Quảng Bình đến tận bãi biển Đà Nẵng, khi những người thợ lặn lặn xuống thăm dò sau đó bị ngứa và chết đi, như vậy chất độc đó nặng như thế nào. Xin mời Bà Hai đọc bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh" viết bởi nhà thơ Trần Thị Lam. Sau khi đọc bài thơ này tôi không biết nói gì hơn, chỉ đành nói tóm gọn là "Đất nước mình bậy quá phải không Bà Hai Địa Ốc".

Bà Hai Địa Ốc chê nước Mỹ nhưng lại muốn ở lại nước Mỹ. Chuyến đi lên San Jose kỳ này với mục đích làm hôn nhân giả với một kỹ sư người Mỹ ở San Jose, và ước mơ của bà là "hạ cánh an toàn" sau khi tiền vô đầy túi.

Nhìn những cánh đồng strawberry, pumkin ở thành phố Lamont trên con đường từ Bakersfield đến San Jose, tôi chợt nhớ đến những chuyến xe đò từ miền Trung vào Sài Gòn hoặc là từ Sài Gòn xuống miền Tây. đã 41 năm rồi sau ngày 30/4 nhưng lúc nào xe cộ cũng chen lấn, tai nạn thì xảy ra thường xuyên. Việt Nam, đất nước mà nhân nghĩa đạo lý con người chưa bao giờ được nói đến, mà người dân chỉ toàn là nói đến những chuyện "cung đình" và "Hùng Dũng Sang Trọng" bây giờ như thế nào (Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng). Khi người dân lúc nào cũng lo sợ sự bành trướng từ Trung Quốc, thì làm sao an tâm làm ăn được.

...

Đối với hai vợ chồng người Singapore đây cũng là chuyến đi "Xe Đò Hoàng" đầu tiên, cả hai đều không có ý kiến gì, nhưng lúc nào cũng trầm trồ khen rằng hệ thống "Xe Đò Hoàng" tốt, giống như đi máy bay, có chỗ gác chân, có chỗ để hành lý, dù không có hiện đại xài script card giống như hệ thống xe điện ngầm bốn tầng thường gọi là MRT (Mass Rapid Transit) ở Singapore. Tuy không cùng chung ngôn ngữ, nhưng hai ông bà rất vui vì thái độ thân thiện của tất cả hành khách người Việt trên xe. Mặc dù không sang trọng như hệ thống MRT ở Singapore, nhưng tinh thần phục vụ chu đáo là niềm vui trọn vẹn của ông bà trong xuốt chuyến đi.

Không giống như hai vợ chồng người Singapore, ông bà người Pháp thì lúc nào cũng ôm hành lý vào người mình, ảo tưởng về tệ nạn cướp giật giống như ở Paris. Còn anh thanh niên họa sĩ người Nigerian thì kể rằng lúc du lịch ở Việt Nam vào thành phố Huế, Iphone và cái bóp của anh ta đã không cánh mà bay, mặc dù anh cũng rất thích cảnh đẹp thơ mộng của thành phố này. Trong đầu tôi liền "xuất khẩu thành thơ" hai câu thơ về Huế: "Huế mộng, Huế mơ, Huế lơ mơ mất cái bóp". Ôi! một nỗi buồn cho cả một chế độ.

…Cuối cùng tôi cũng không quen nhắc đến "Anh Năm đẹp trai" với đôi nạng gỗ, anh đang mải mê đọc cuốn sách "Principle of General Surgery" bởi tác giả Schwartz tạm dịch là "Nguyên lý của giải phẫu tổng quát". Anh là một bác sĩ tốt nghiệp trước năm 1975. Lúc đó Sài Gòn chỉ có một trường đại học y, sau này đổi tên là Đại Học Y Dược, vẫn là con đường cũ Hồng Bàng. Sau 1975, gần 700 trường đại học các ngành lớn nhỏ ra đời trên toàn đất nước (đại học công lập, đại học bán công, đại học quốc gia, đại học viện, đại học thành phố). Anh Năm gọi tất cả "đại học" điều là "học đại", và gia đình nào cũng muốn cho con cái đi du học ở nước ngoài.

Như Bác Sĩ Huỳnh Phước Sang (nickname Anh Tư Sang) một bác sĩ trong nước trên facebook thường nói về tình trạng giáo dục và y tế ở Việt nam "thời buổi này làm gì có lương y từ mẫu như Hải Thượng Lãn Ông nói, lương lậu phong bì thì có", "lương" thì ít nhưng "lậu" thì nhiều. "Từ mẫu" à!! Bác sĩ làm cho bệnh nhân "từ trần" và đem vứt xác ở Sông Hồng thì có, giống như bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Mạnh Tường ở Hà Nội.

...

"Xe Đò Hoàng" rẻ phải đường King Road để tấp vào thành phố San Jose, laptop của tôi viết cho bài này từ từ khép lại. Cuộc chiến 41 năm trước đã kết thúc, chúng ta là những người trước cuộc chiến, và sau cuộc chiến, hiện tại chúng ta đang sống ở đất nước Hoa Kỳ.

Bốn mươi người hành khách trên xe điều có những quá khứ khác nhau, xuất thân từ những mãnh đời khác nhau với những ngôn ngữ khác nhau (tiếng Tàu, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nigeria) và những nghề nghiệp khác nhau (Cậu Út Du Học-kỹ sư, Chị Tư Cần Thơ-đầu bếp, Bà Hai Địa ốc-thương gia, hai vợ chồng người Singapore-giáo viên dạy học, anh thanh niên người Nigeria-họa sĩ, hai vợ chồng người Pháp-sản xuất rượu vang, tôi và Anh Năm đẹp trai-bác sĩ), mặc dù có nhiều điểm khác nhau, nhưng ai trong mỗi chúng ta điều mong muốn được hạnh phúc.

Ai trong mỗi chúng ta đều có những giấc mơ, ai cũng ao ước sống trong một xã hội công bình, nhân ái. Giấc mơ nào cũng cần có thời gian để đạt đến, cho dù không hoàn hảo, nhưng mọi việc trên đời rồi sẽ đến như chúng ta mong đợi mặc dù nó không đến cùng một lúc, do đó chúng ta nên kiên nhẫn.

Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác. Rồi đây sẽ có những 40 hành khách khác với những mảnh đời khác nhau cũng trên những chuyến "Xe Đò Hoàng" mỗi ngày, 365 ngày một năm. Và mỗi ngày luôn có những câu chuyện để "Viết về nước Mỹ" như hàng ngày vẫn thấy trên Việt Báo hơn 15 năm qua.

Wayne Nguyen
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Nói chuyện với anh hàng giò




    Ông Phương, 34 tuổi, ở vương quốc giò chả khu Xóm Mới, Gò Vấp dẫn tôi xuống bếp, tham quan “xưởng” chế biến giò chả, công suất 200 kg/ ngày. Xưởng rộng như cái nhà bếp, đầy nồi niêu xoong chảo, chén dĩa như bếp gia đình.



    Thịt ngon nới nhiều mỡ, thịt dở hạn bớt mỡ.
    Thịt thúc xong, sờ vào là biết phải chém bao lâu.



    Câu chuyện thế này :


    Đây là máy thúc. Còn đây là máy chém.

    Thế nào là thúc, thế nào là chém?

    Thúc để nghiền nhuyễn thịt. Thịt nhuyễn, mà gân không chịu nhuyễn thì đưa qua chém.

    Thúc chưa tới thì sao? Còn chém quá tay thì sao?

    Thúc không kỹ thì mọc lột xột. Chém quá tay thì mọc chảy. Heo non thúc ít. Heo già thúc nhiều. Muốn mặt giò rỗ xốp thì thúc sơ, chém kỹ. Cần mặt giò trơn láng, thì thúc kỹ chém sơ. Khách muốn kiểu gì, chiều kiểu nấy.

    Trơn láng và rỗ xốp, mặt nào xịn?

    Mặt rỗ xốp mới bảnh. Thịt có ngon, thì nghiền mới quánh, mới dẻo. Có quánh, có dẻo mới “bọc” được không khí. Khi luộc mới tạo ra mặt rỗ xốp.

    Vậy cần gì thúc sơ với chém kỹ?

    Rỗ xốp do thịt ngon và rỗ xốp do thủ thuật, giống nhau ở cái bản mặt, mà khác nhau ở cái bản chất.

    Làm giò có pha mỡ không ?

    Không pha mỡ thì không phải giò . Giò toàn thịt chỉ khô khốc, rệu rạo.

    Có pha bột không?

    Có bột thì mặt giò mới đẹp, mới mịn. Ít bột gọi là “đệm” bột, nhiều bột gọi là “độn”bột. Giò cứng, giò dai, giò mềm cũng đều do bột. Muốn cứng thì tăng bột gạo. Dai quá thì giảm bột năng…. Cứ thế mà linh động.

    Ông không sợ tôi ăn cắp nghề à?

    Thịt ngon nới nhiều mỡ, thịt dở hạn bớt mỡ. Thịt thúc xong, sờ vào là biết phải chém bao lâu. Chém xong, lại sờ là biết có cần thúc lại hay không. Thúc rồi chém , chém rồi thúc. Cảm giác ra lệnh thêm bột cỡ nào, bớt mỡ tới đâu. Chẳng có công thức gì ráo. Chỉ là sờ, chỉ là cảm giác. Cũng vì cảm giác, nửa đêm mơ màng, thúc rồi chém, chém rồi thúc,… mà bàn tay phải của tôi (đưa bàn tay ra) chỉ còn 2 ngón. Sanh nghề tử nghiệp. Ông có đứng xem tôi làm cả tháng, cũng chẳng cảm giác được đâu là cứng, là dai, là mềm.

    Nghề là thế, nghiệp cũng là thế.


    Vũ Thế Thành

    ———————-

    Viết thêm ngày 1/12/2018

    Hôm nay lục lại đống tài liệu cũ, gặp được bài này. Bài viết cách nay đã 20 năm, đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị. Lúc đó tôi đang nghiên cứu chất thay thế cho hàn the dùng trong chả lụa. Hàn the bị cấm dùng, nhưng Nhà nước lại không có giải pháp cho cái nghề giò chả thủ công này.

    Nhân vật Phương trong bài, tuy ít học nhưng thông minh, nhận xét tinh tế và sắc lẻm. Phương hiện nay ở đâu, tôi không biết, có còn theo đuổi nghề giò chả hay không, tôi cũng không biết.

    Nhắn: Chú Phương, nếu đọc được bài này, liên lạc với anh. Anh em mình ra bờ kênh Nhiêu Lộc lai rai, nói chuyện giò chả hiện đại, và chuyện đời… Hơn 20 năm rồi đấy… (Vtt)



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Sài Gòn đâu cần nhập tịch



    Đã nhiều lần tôi ước mình sinh ra đâu đó ở miền quê, có sông suối, núi đồi, vườn cây hoa lá, để lâu lâu về quê lại có những ‘đêm buồn tỉnh lẻ’, về Sài Gòn kể chuyện làm quà ra cái điều lãng mạn.

    Sinh ra, lớn lên và sống gần hết đời ở cái đất Sài Gòn này mới thấy nó chán phèo. Hồi nhỏ thì chơi tạt lon, đánh đáo, giựt cô hồn… Thả diều không được vì ông già Mười, nhà có xe hơi xách baton rượt, sợ vướng dây điện. Tụi tôi lấy kẹo cao su gắn dính vô chuông cổng nhà ổng rồi bỏ chạy. Lớn hơn chút nữa thì chơi bầu cua, cát-tê, xập xám…





    Tôi lớn lên ở Sài Gòn, không khí Sài Gòn, cơm gạo Sài Gòn, đầu Sài Gòn, tim Sài Gòn… Bao nhiêu thứ buồn vui với nó.

    Mỗi tối mẹ sai tôi xách rác ra gốc me ngoài đường đổ. Tối cúp điện, tôi vừa xách thùng rác vừa nghêu ngao… Đường về hôm nay tối thui, gập ghềnh em không thấy tui, em đụng tui, em nói tui đui… Tội nghiệp bản Kiếp nghèo của Lam Phương, tôi chỉ cám cảnh a dua hát theo chứ đâu biết sửa lời. Trời nóng, để tạm thùng rác ở gốc me, chạy ra phông-tên nước gần đó, năn nỉ mấy chị Ma-ri-sến gánh nước thuê, cho em thò cái đầu vô vòi nước một chút. Mát đầu có sức quậy tiếp…

    Xóm nhỏ đôi khi lầy lội. Thỉnh thoảng mấy bà trong xóm cũng cãi nhau ầm ĩ. Hôm sau hai ông chồng lại ngồi khề khà nhậu với nhau, còn mấy bả đon đả tiếp mồi. Cãi nhau là chuyện nhỏ, chuyện hôm qua cho nó qua luôn. Đời sống nghèo ở Sài Gòn là vậy, có gì thơ mộng đâu?

    Mà nói thiệt, tôi là dân Bắc Kỳ… chín nút. Nhưng đó là chuyện của ba má tôi, dù sau này có về thăm quê nội ngoại tôi vẫn thấy hụt hẫng và hờ hững thế nào ấy. Tôi lớn lên ở Sài Gòn, không khí Sài Gòn, cơm gạo Sài Gòn, đầu Sài Gòn, tim Sài Gòn… Bao nhiêu thứ buồn vui với nó. Trong tôi cứ bám riết cái Sài Gòn chán phèo này, dù đôi lúc mặc cảm mình không phải là dân Sài Gòn.

    Hồi 54, cả trăm ngàn dân di cư mang theo đủ loại kiểu sống, bó trong lũy tre làng đem nhét hết vô mảnh đất nhỏ xíu này, cũng gây xáo trộn cho người ta chứ. Phong tục, tập quán, ở đất người ta mà cứ như là ở đất mình. Nhưng người Sài Gòn chỉ hiếu kỳ một chút, khó chịu một chút, rồi cũng xuề xòa đón nhận.

    Lúc đầu tụi bạn ghẹo tôi là thằng Bắc Kỳ rau muống. Con nít đổi giọng nhanh mà, trong nhà giọng Bắc, ra ngoài giọng Nam. Thế là huề hết. Rủ nhau đi oánh lộn phe nhóm là chuyện thường. Khỏi cần biết đúng sai, mày đánh bạn tao, thì tao đánh lại. Oánh lộn tưng bừng. Vài ngày sau lại rủ nhau đi coi xi-nê cọp. Dễ giận dễ quên.

    Hè, tụi bạn về quê, Bến Lức, Vĩnh Long, Kiến Hòa… cũng chia tay hứa hẹn, tình cảm ra rít: Tao về quê sẽ mang lên cho mày ổi xá lỵ, xoài tượng… Tôi ngóng cổ chờ bạn, chờ quà. Thực ra, tôi thèm có quê để về…

    Tết đến, thầy cô, bạn bè về quê, nhiều người Sài Gòn xôn xao về quê. Tôi ở lại Sài Gòn mà thấy hình như mình vẫn không phải là dân Sài Gòn. Vậy ai là dân Sài Gòn chính hiệu đây? Chẳng lẽ phải tính từ thời mấy ông Pétrus Ký hay Paulus Của?

    Sài Gòn trẻ măng, mới chừng hơn ba trăm tuổi tính từ thời chúa Nguyễn xác lập chủ quyền ở đây. Sài Gòn khi cắt ra khi nhập vào, to nhỏ tùy lúc. To nhất có lẽ khi nó là huyện Tân Bình, kéo dài đến tận vùng Biên Hòa. Nhỏ nhất là vào thời Pháp thuộc, mang tên Sài Gòn. Ngay trước 1975, Sài Gòn rộng chừng 70km2, có 11 quận, từ số 1 đến 11. Hồi đó Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức… còn được xem là tỉnh lẻ (tỉnh Gia Định). Bây giờ Sài Gòn rộng tới 2.000km2.

    Sài Gòn đắc địa, có cảng nối biển, là đầu mối giao thương quốc tế, tiếp cận với văn minh Tây phương sớm. Đất lành chim đậu. Người miền Nam đổ về nhiều. Dân Sài Gòn không có địa giới rõ rệt. Nói tới người Sài Gòn có vẻ như là nói tới phong cách của dân miền Nam. Họ là những lưu dân khai phá, hành trang không có bờ rào lũy tre nên tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, nói năng bộc trực… Ai thành đại gia thì cứ là đại gia, ai bán hàng rong thì cứ bán.

    Sài Gòn không tự hào mình là người thanh lịch, không khách sáo, không mời lơi. Họ lấy bụng thiệt mà đãi nhau. Sài Gòn có mua bán chém chặt ? Có, đúng hơn là nói thách. Cứ vô chợ Bến Thành xem mấy bà bán mỹ phẩm, hột xoàn hét giá mát trời ông địa luôn. Đối tượng nói thách của họ là khách hàng, chứ không cứ gặp khách tỉnh mới nói thách. Dân Sài Gòn lơ mơ cũng mua hớ như thường. Thuận mua vừa bán mà.

    Ít nơi nào nhiều hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương… như ở Sài Gòn. Dân tứ xứ về đây lập nghiệp nhiều. Có máu lưu dân trong người, dân Sài Gòn thông cảm đón nhận hết, không ganh tị, không thắc mắc, không kỳ thị. Người ta kỳ thị Sài Gòn, chứ Sài Gòn chẳng kỳ thị ai. Nhiều gia đình người Bắc người Trung ngại dâu ngại rể Sài Gòn, chứ dân Sài Gòn chấp hết, miễn sao ăn ở biết phải quấy là được.

    Dân Sài Gòn làm giàu bằng năng lực hơn là quyền lực. Người ta nói ‘dân chơi Sài Gòn’. Trời đất! Sài Gòn mà dân chơi cái nỗi gì. Dân chơi dành cho những đại gia mới giàu lên đột xuất từ đâu đó đến. Đổi đời, Sài Gòn biết sợ. Sài Gòn a dua thì có, nhưng a dua biết chọn lọc. Coi vậy chứ dân Sài Gòn đâu đó còn chút máu ‘kiến nghĩa bất vi vô dõng giả’. Cứ xem dân Sài Gòn làm công tác xã hội thì biết, cứu trợ lũ lụt thấy người ta lạnh quá, cởi áo len đang mặc trên người tặng luôn. Họ làm vì cái bụng nó thế, chứ không phải vì PR, đánh bóng bộ mặt.

    Biết bao văn nghệ sĩ miền Bắc, miền Trung vào đất Sài Gòn này ‘quậy’ tưng, tạo ra cái gọi là Văn học miền Nam hậu 54 coi cũng được quá chứ ? Nhạc sĩ Lam Phương, quê Rạch Giá, mười tuổi đã lưu lạc lên Sài Gòn kiếm sống. Năm mười bảy tuổi nổi danh với bản Kiếp nghèo và khá giả từ đó…

    Tiếp cận văn minh phương Tây sớm, nên dân Sài Gòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ. Chạy xe lỡ va quẹt vào nhau, giơ tay chào ngỏ ý xin lỗi là huề. Những thói quen này giờ đây đang mất dần, nhưng dân Sài Gòn không đổ thừa cho dân nhập cư. Họ cố gắng duy trì (dù hơi tuyệt vọng) để người mới đến bắt chước vì lợi ích chung. Chợ hoa là một chút văn hóa của Sài Gòn, có cả nửa thế kỷ nay rồi, có dân nhập cư nào yêu hoa mà ra đó cướp giựt hoa đâu.

    Sài Gòn nhỏ tuổi nhiều tên, nhưng dù thế nào Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Nhiều người thành danh từ mảnh đất Sài Gòn này. Sài Gòn nhớ không hết, nhưng mấy ai nhớ đến chút tình của Sài Gòn? Chỉ khi xa Sài Gòn mới thấy chút gì nhức nhối. Tôi có người bạn Bắc Kỳ chín nút, xa Việt Nam cũng gần bốn mươi năm. Tên này một đi không trở lại, vừa rồi phone về nói chuyện lăn tăn, rồi chợt hỏi: Sài Gòn còn mưa không? – Đang mưa. Đầu phone bên kia thở dài: Tao nhớ Sài Gòn chết… mẹ!. Sài Gòn nay buồn mai quên, nhưng cũng có nỗi buồn chẳng dễ gì quên.

    Mới đây đi trong con hẻm lầy lội ở Khánh Hội, chợt nghe bài hát Kiếp nghèo vọng ra từ quán cà phê cóc ven đường. Tôi ghé vào gọi ly cà phê. Giọng Thanh Thúy sao da diết quá… Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gởi theo gió sương… Chủ quán, ngoài sáu mươi, cầm chồng báo cũ thẩy nhẹ lên bàn Thầy Hai đọc báo… Hai tiếng ‘thầy Hai’ nghe quen quen… Tự nhiên tôi thấy lòng ấm lại. Sài Gòn từ tâm, Sài Gòn bao dung. Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sài Gòn từ thuở bào thai rồi, cần gì xin nhập tịch.


    Vũ Thế Thành
    (trích trong tập tùy bút “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ)
    Nguồn:https://vuthethanh.com







              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Chẳng cần khô hay ngọt cũng nhức đầu!






    Mục “Ngon & Lành” này cả năm nói toàn chuyện ăn cái này có hại, uống cái kia có lợi. Mệt người viết, điếc người nghe. Bài báo cuối năm này, tiễn chó đón heo, phá lệ nói chuyện thưởng thức rượu chè cho thêm phần phong lưu tao nhã…

    Rượu vang khô dịch từ tiếng Anh là “dry wine”. Dân Mỹ, dân Ăng Lê cũng chẳng hiểu chữ “khô” (dry) ở đây nghĩa là gì. Nhưng dân nhậu thì hiểu. Vang khô để chỉ rượu vang không ngọt. Nhưng đôi khi uống vang ngọt vẫn cảm thấy “khô”. Sao vậy?

    Đơn giản, ngọt là do đường




    Đúng, ngọt là do đường. Đường trong nho lên men thành rượu. Vì nhiều lý do, đường không thể chuyển hóa hết thành rượu, nên trong rượu vang vẫn còn đường, gọi là dư lượng đường (residual sugar). Rượu còn rất ít đường gọi là vang khô (dry wine), nếu còn nhiều đường gọi vang ngọt (sweet wine).

    Như thế nào là nhiều, là ít? Mỗi nơi quy định mỗi khác. Theo kiểu châu Âu thì, rượu có dưới 4g đường/lít là vang khô, dưới 12g là khô trung bình (medium dry), dưới 45g là trung bình (nửa khô, nửa ngọt), và trên 45g là ngọt.

    Vì sao vang lại nhiều đường, ít đường?

    Có nhiều nguyên nhân làm dư lượng đường trong rượu vang còn nhiều hoặc ít. Tất cả chỉ để phục vụ cho khẩu vị con người.

    Thêm đường: Đường được cho vào nước ép nho trước khi lên men, rượu có dư đường nên ngọt. Thêm đường không ảnh hưởng gì đến an toàn, nhưng một số nước cấm chơi trò bá đạo này vì sợ mất uy tín bồ đào tửu của họ.

    Ức chế lên men: Lên men càng lâu, càng nhiều đường bị biến thành rượu. Do đó, nếu đang lên men giữa chừng rồi ức chế không cho lên men tiếp, thì trong rượu sẽ còn nhiều đường. Ức chế có thể bằng cách hạ nhiệt độ, hoặc thêm rượu vào.

    Độ ngọt của nho tươi: Độ ngọt của nho, nghĩa là bản thân trái nho có nhiều đường hoặc ít đường. Điều này tùy thuộc giống nho và khí hậu nơi trồng. Nho trồng ở vùng ấm áp thường ngọt hơn, nên hay dùng để làm vang ngọt. Còn nho ở vùng lạnh hơn làm vang khô. Ngoài ra độ ngọt của rượu cũng còn phụ thuộc vào độ chín của nho. Nho chín chứa đường nhiều hơn, lên men sẽ cho rượu ngọt hơn. Còn nho chưa chín tới sẽ cho rượu vang khô.

    Phơi khô nho tươi : Phơi khô nho làm nồng độ đường trong trái nho tăng lên. Khi lên men sẽ cho rượu ngọt.

    Cảm giác bị đánh lừa

    Không phải hễ rượu vang có nhiều đường là uống thấy ngọt. Những yếu tố sau đây trong rượu vang sẽ đánh lừa cảm giác khô và ngọt.

    Độ acid của rượu cao, thì cảm giác “khô” nhiều hơn. Nói cách khác, hai loại rượu vang có nồng độ đường như nhau, nhưng loại nào có tính acid cao, cảm giác ngọt bị giảm đi, uống như vang “khô”. Một số giống nho trồng ở vùng khí hậu ấm áp, dù có nhiều đường, nhưng có độ acid cao, nên vẫn làm rượu vang khô được.
    Hàm lượng tannin trong rượu: Tannin có chủ yếu ở vỏ nho và hạt. Khi chà xát nho lấy dịch nho để lên men, thì chất tannin lẫn vào, nên rượu vang ít nhiều đều có tannin. Tannin là chất tạo cảm giác chát trong khoang miệng. Rượu vang dù có nhiều đường, nhưng có hàm lượng tannin cao, uống vẫn có cảm giác khô (không ngọt).

    Độ cồn cao, làm cảm giác ngọt thành… khô: Điều này nghe rất… chói tai, vì lên men là biến đường thành rượu (cồn). Độ cồn càng cao thì đường phải ít đi. Ít đường thì rượu phải “khô” chứ. Thật ra vang loại này làm từ nho phơi khô rồi mới ép lấy dịch để lên men. Nho phơi khô thì lượng đường cao. Đường lên men thành rượu cao độ cồn, nhưng lượng đường vẫn còn nhiều. Đường nhiều nhưng uống vẫn thấy khô là do độ cồn cao. Vì sao? Rắc rối này là do… cảm giác. Rượu vang không chi có hương vị của nho, mà còn có mùi… rượu. Cả hai thứ khi vào khoang miệng tạo cảm giác “khô” (ẩm độ giảm). Cảm giác “khô” không nhận ra được vị ngọt.

    Rõ ràng, chọn vang khô hay ngọt dựa trên dư lượng đường coi như trớt quớt. Một số tay bợm rượu vang rỉ tai nhau, Cabernet Sauvignon, Shiraz, Chianti… là vang khô, Merlot, Chardonnay, Rose, Sauvignon Blanc… là vang ngọt.

    Thế thì thế nào?

    Nhận diện “vẻ đẹp” của rượu vang cũng giống như nhận diện vẻ đẹp của hoa hậu… hoàn vũ, không thể đồng hóa cảm giác khô/ngọt, ai cũng giống ai, như mấy tay bợm được. Uống vang khô hay ngọt là tùy gout mỗi người. Với vang ngọt, đường làm chậm tốc độ chuyển hóa của rượu, nên uống vang ngọt mà lỡ quá chén thì dễ bị nhức đầu. Mà thiệt tình (chủ quan), đã nhâm nhi rượu ngẫm chuyện đời, mà đời thì đâu có ngọt, vớ phải vang ngọt thì thà nốc ly sinh tố cho lành. Vang ngọt dành cho mấy bà nhấm nháp để ra cái điều… hòa đồng, uống hoài ly rượu không cạn, hóng chuyện lỡ lời. Chẳng cần khô hay ngọt cũng nhức đầu!


    Vũ Thế Thành


    Nguồn:https://vuthethanh.com



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Cha, con và nước mắm






    Ông cha, sáu mươi sáu tuổi, làm nước mắm ở Nha Trang. Ông con, chưa quá ba mươi tuổi, đi chơi đâu đó về, thấy tôi đang trò chuyện về nước mắm với cha nó, xin phép xáp vào hóng chuyện.

    Thiệt ra ông cha chẳng gốc gác gì với nước mắm, vợ ông mới chính hiệu. Quê gốc ông ở Nghệ An, tán tỉnh thế nào dính phải cô nước mắm Nha Trang. Khác “chiến tuyến”, vất vả lì đòn lắm ông già cô gái mới ưng. Lấy được vợ, ông già vợ cho bốn thùng chượp làm của hồi môn. Ông thành dân nước mắm. Dân nước mắm “ngang hông” như ông mà bảo thủ còn hơn dân nước mắm chính hiệu. Ai đời, thời buổi này mà ông còn hà tiện đun xác mắm để chiết cho bằng hết đạm. Ông nói, tận dụng để ra thêm nước mắm thấp đạm, nhưng vẫn là hương mắm thiệt chứ không hương mắm nhân tạo như của “người ta”. Đun thì mùi lan tỏa. Hương mắm tỏa ra giữa phố thị, ông bịt tai nghe chòm xóm nặng nhẹ.

    Chỉ mấy chục năm trước thôi, nơi đây là làng nghề nước mắm. Bây giờ dân làng thành dân tỉnh, đâu đó chỉ còn vài chục nhà thùng dựa sông, ôm cá làm nước mắm. Đa số bán hàng xá cho “người ta” làm nước mắm công nghiệp. Số ít lì lợm hơn, như ông, một mực thủy chung với ông già vợ. Ông nói, nước mắm 30 độ đạm của tôi, dân Hà Nội mê lắm, mùi hương đậm đà chứ không nhạt như nước mắm miệt dưới… Nước mắm, phải là nước mắm Nha Trang, và chỉ có vùng Nha Trang mới được như thế. Ông bốc Nha Trang lên trời mây. Tôi ngờ, ông yêu Nha Trang vì nước mắm hơn là vì ai đó.

    Ông con nãy giờ im lặng, rụt rè xen vào, vậy mà thêm chút đường vào đó chú. Tôi chưng hửng. Nước mắm truyền thống bảo quản bằng muối, nên độ mặn cao, một số nhà thùng cầm lòng không đặng, thêm đường làm dịu lại. Thằng nhỏ này ngon, truyền thống thứ thiệt, ngầm phản ứng lại ông già nó. Tôi hỏi, cháu theo nghề của cha à? – Dạ, mới tập tành hai năm nay – Cháu biết thử nước mắm không? – Dạ không, cháu học ở Sài Gòn, ăn quen nước mắm vị dịu, nước mắm công nghiệp ấy, nên chưa biết thử. Tôi lại chưng hửng.

    Ông con nói như xả ra, đã theo truyền thống thì theo tới cùng. Mất công sức cả năm mới ra được nước mắm cao đạm, thêm một chút đường, đường phèn đường cát, cũng làm mất giá… Ông cha ngập ngừng, muốn nói gì đó, nhưng lại thôi. Cha con họ hình như có chút gì đó khách sáo với nhau…

    Nói chuyện với dân làm nước mắm, mà nói nước mắm người ta có mùi gắt, mùi nặng, mùi nồng thì dễ… xa nhau lắm. Phải nói là nước mắm có mùi thơm đậm đà, mùi thơm dìu dịu… Mà có Trời mới định nghĩa được thế nào là nước mắm đậm đà, thế nào là nước mắm dìu dịu… Sao vậy? Vì nguyên liệu cá mỗi nơi khác nhau, thời tiết khác nhau, cách làm khác nhau, ra mùi nước mắm khác nhau. Dân vùng nào xài nước mắm vùng đó. Xài riết rồi quen, ngửi riết đâm ghiền. Vùng này ngửi nước mắm vùng khác, chê nhạt. Vùng khác ngửi nước mắm vùng này, chê gắt. Nói quê hương là mùi nước mắm cũng thấm thía lắm.

    Tôi biết có cặp vợ chồng. Chồng quê miền Tây xài quen nước mắm Phú Quốc, vợ quê Ninh Hòa xài quen nước mắm Nha Trang. Chồng chê (của) vợ nồng, vợ chê (của) chồng nhạt. Bữa cơm nào cũng nói nói kháy nhau vài câu về nước mắm ăn mới ngon miệng. Kháy riết, chồng… thua. Quyền lực bếp núc trong tay bà, không thua không được. Ngửi riết đâm ghiền là thế đấy. Tình huống đau thương này thì nước mắm là mùi quê… vợ.

    Nước mắm Nha Trang quả thật có mùi hơi đậm. Đậm là do cá cơm vùng biển Nha Trang không mập như cá cơm Phú Quốc, ruột cá ít enzyme hơn, còn lắm protein dang dở, nên nước mắm Nha Trang có mùi hơi đậm (đà). Tôi nói hơi đậm thôi, chứ còn so với nước mắm Nghệ An hay Cát Hải thì “mùi đậm” của nước mắm Nha Trang còn thua xa. Nước mắm miệt phía Bắc, gặp mấy tháng thu đông lạnh lẽo, nước mắm làm sao lên men nổi. Vậy mà ông cha họ vẫn làm ra được nước mắm. Cá thì phải đánh khuấy cho nát ra, lại chượp ít muối, phơi nắng phơi gió… bất cần nặng nhẹ miễn sao cho ra được nước mắm. Nước mắm vì vậy mùi đậm lắm, và cứ thế cha truyền con nối. Gọi là nước mắm truyền thống cũng đâu có gì trật.





    Có ai đã từng ngân nga Gửi gió cho mây ngàn bay mà cảm được mùi hương của nước mắm Vạn Vân chưa nhỉ?

    Nước mắm Cát Hải (Hải Phòng) vì thế nặng mùi, à quên, đậm mùi. Cát Hải là hậu thân của nước mắm Vạn Vân, lừng lẫy một thời. Vạn Vân là hãng nước mắm lớn nhất Đông Dương vào những năm 20, 30, 40 của thế kỷ trước, xuất qua cả Pháp và châu Âu chứ không phải đùa. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lớn lên trong mùi nước mắm đậm đà (vô biên) đó. Là con ông chủ nước mắm Vạn Vân, nhưng Đoàn Chuẩn không nối nghiệp nhà, mà xài tiền nước mắm để phong lưu bay bướm ở Hà Thành, sáng tác ra những bản tình ca bất hủ. Ông con nhạc sĩ đền đáp công ơn nước mắm bằng cách cho in quảng cáo “Nước mắm Vạn Vân” ở mặt sau những ấn phẩm ca khúc của mình. Có ai đã từng ngân nga Gửi gió cho mây ngàn bay mà cảm được mùi hương của nước mắm Vạn Vân chưa nhỉ?

    Trở lại chuyện Nha Trang. Về đến khách sạn, tôi nhận được email từ ông cha: Hai năm nay nó làm cho tôi từ chết đến bị thương. Ngựa non háu đá, tôi đang phải siết lại, nhưng không giao cho nó thì giao cho ai bây giờ?. Ông còn nói qua phone, nó là thằng con duy nhất của tôi, ăn học ở Sài Gòn, làm việc ở Sài Gòn, dỗ mãi nó mới chịu về làm nước mắm, mà háu đá như thế đấy.

    Ông con gặp tôi ở quán cà phê sáng hôm sau, xả… Ba cháu bảo thủ lắm chú à. Cháu muốn tạo dựng thương hiệu cho nước mắm nhà, nhưng hơi non tay một chút, nên ba cháu cằn nhằn… À, mà cháu định làm nước mắm chỉ cá và muối thôi, truyền thống thứ thiệt, không thêm đường mía, đường phèn gì cả, đóng vô cái tĩn như hồi xưa, bán giá cao cho khách du lịch.

    Thế còn thị trường Hà Nội thì sao, họ đã quen với nước mắm 30 độ đạm thêm chút đường?, tôi hỏi. Cháu sẽ làm hai loại, loại có đường như hiện nay, loại không đường. Mình phải chơi hàng thiệt chú à. – Thế còn, nước mắm 20, 25 đạm, sản lượng nhiều, đầu ra thế nào? Thằng nhỏ ngần ngừ … Cháu chưa biết tính thế nào.

    Các cơ sở làm nước mắm hầu hết chỉ là quy mô hộ gia đình. Khó khăn là đầu ra, nhưng khó khăn nhất là khẩu vị của người tiêu dùng đã thay đổi. Họ quen với vị nhạt của nước mắm công nghiệp. Nước mắm truyền thống mặn vì bảo quản bằng muối. Nước mắm công nghiệp chỉ đơn giản là dùng nước mắm pha loãng với nước, có vị nhạt vì dùng chất bảo quản; muốn vị dịu có đường hóa học; muốn đậm vị thịt có bột ngọt, siêu bột ngọt; muốn màu vàng hổ phách, có màu nhân tạo; muốn sánh, có chất tạo sánh; muốn mùi, có hương nước mắm… Nước mắm công nghiệp có độ đạm thấp là vì thế. Đạm từ cá, nhưng không cần cá cũng ra được nước mắm công nghiệp.

    Đầu ra không có, thì các cơ sở làm nước mắm đành “bán thân” cho các ông lớn nước mắm công nghiệp. Họ mua hàng xá, tính theo độ đạm, bất kể mùi vị. Các cơ sở sản xuất nước mắm nhỏ cũng “đáp ứng” lại, làm nước mắm bất kể truyền thống, làm ẩu, làm mánh, làm vài tháng, thậm chí vài tuần, ra nước mắm… Với xu hướng này, nước mắm truyền thống đang trên đường tự hủy diệt.

    Sự “xung đột” giữa cha, con về nước mắm ở Nha Trang chỉ là một trong nhiều trường hợp tôi thường gặp. Hai thế hệ già trẻ suy nghĩ khác nhau về kinh doanh. Già mơ mộng công nghiệp hóa truyền thống, mặc áo blouse trắng đi giữa thùng chượp. Trẻ, giữ nguyên kiểu làm thủ công, cái lõi của hàng hiệu, marketing độc đáo, bán giá cao. Đó là điều đáng mừng khi bọn trẻ muốn giữ kiểu làm truyền thống như một di sản của cha ông. Nhưng nước mắm không đơn giản như rượu vang, nước mắm có nhiều loại, bên cạnh loại cao đạm (30 độ đạm trở lên), còn loại thấp đạm 20, 25 đạm phải dùng phụ gia mới đáp ứng được thị hiếu của thị trường, chẳng lẽ bỏ rơi cho nước mắm công nghiệp 10 đạm thao túng?

    Với nghề làm nước mắm, thì hương nước mắm ra muộn màng nhất, cả bảy, tám tháng, có khi ủ chượp hơn cả năm, mới ra được mùi hương nước mắm tự nhiên. Thêm phụ gia thì cứ thêm, nhưng phải giữ cho bằng được hương mắm đặc trưng của vùng miền. Quê hương chẳng phải là mùi nước mắm đấy sao?

    Vũ Thế Thành


    Nguồn:https://vuthethanh.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Có ai còn nhớ nước mắm tĩn không?



    Nước mắm tĩn Sài Gòn đó! “Sài Gòn làm gì có hãng làm nước mắm, bỏ đi tám! Sài Gòn bán nước mắm thì có”, anh bạn quê Bà Rịa cười khẩy, nhớ Sài Gòn phát cuồng, rồi bạ thứ gì cũng quơ vào Sài Gòn. Nhớ Sài Gòn thì ai đó nhớ, chứ hồi nào tới giờ tôi vẫn ở Sài Gòn. Bộ khùng sao đi nhớ cái đang kè kè bên mình. Nhớ đây là nhớ nước mắm tĩn bán ở Sài Gòn. Nước mắm đựng trong những tĩn sành có lớp xi măng vôi phủ ngoài đó!


    Trong ký ức của tôi, nước mắm tĩn gắn liền với ông Sáu. Ông Sáu tóc búi tó, quần trắng áo trắng, không phải áo sơ mi, cũng không phải áo bà ba, gọi là áo gì không biết, chắc là kiểu đồ ta hai túi. Cứ một hai tháng gì đó, ông lại từ quê lên, bước nhanh nhẹn theo sau xe ba gác chở những tĩn nước mắm đi bỏ mối. Thấy ông là bọn con nít tụi tôi bu lại, lẽo đẽo theo sau, luôn miệng…Ông Sáu, ông Sáu… tối nay ở lại, đừng về nghe. Ông chỉ cười…


    Những người yêu nghề nước mắm phôi pha, bạc tóc đi nhiều. Sài Gòn thiếu nước mắm tĩn như thiếu đi một chút gì đó phóng khoáng, phong trần và thiệt thà.

    Những tối bỏ hàng chưa hết, ông quay về xóm, ngồi dưới gốc cột đèn, cho tụi tôi bánh kẹo. Ông già nhà quê đã mê hoặc bọn nhóc thành thị qua những câu chuyện làng chài, sóng biển, thuyền nan, thuyền thúng, câu mực, lưới cá, nhà lều nước mắm,…






    Nước mắm hồi đó đựng trong những tĩn sành, giống như trái bưởi cắt phẳng hai đầu, nhưng to hơn, dung tích cỡ 3 lít. Tĩn có quai dây cói để xách, nắp bằng đất nung, khằn tĩn bằng hồ vôi trộn với đường, ông Sáu nói thế, rồi mới dán nhãn ở nắp, giống như niêm phong vậy. Nước mắm xài hết, còn tĩn đem bán ve chai, nhưng nắp tĩn thì bọn nhóc tụi tui canh me lượm hết, mài nhẵn, chơi tạt hình.

    Ai có tiền mua nguyên tĩn về xài, người ít tiền ra chạp phô mua nước mắm lẻ. Ở tiệm có muôi làm bằng ống tre để đong. Nước mắm tĩn hồi đó không thấy ghi độ đạm, mà sao chấm rau, dầm trứng luộc thơm ngon quá chừng…

    Tôi không biết quê ông Sáu ở đâu. Tuổi thơ của tôi, biển Ô Cấp chỉ nghe nói mà mơ tưởng. Thỉnh thoảng cha dẫn ra bến Bạch Đằng, gió lồng lộng, nhìn xa xa mấy còn tàu đã thấy mênh mông, tưởng đâu là biển. Quê ông Sáu có thể là Phước Tỉnh, Bà Rịa, Rạch Giá, Cà Mau,… nhưng sau này, khi nghĩ về ông, không hiểu sao trong đầu tôi cứ đinh ninh quê ông ở Phan Thiết.

    Phan Thiết là nước mắm, là ông Sáu. Nước mắm Phan Thiết ngon nhất, nước mắm tĩn tuyệt đối ngon nhất,…Sau này lậm chân vào nghề thực phẩm, đi đây đi đó nhiều, tôi mới thấy tình cảm át lý trí. Nước mắm Phú Quốc chượp hơn một năm, 35 độ đạm, rót ra sóng sánh màu hổ phách bộ không ngon (nhất) sao? Ngư trường thiên nhiên ưu đãi, cứ độ tháng 7 – 9, cá cơm mập ú, đem chượp làm nước mắm còn thua ai, hở Trời! Hơn kém nhau 8/10, tôi còn ngần ngừ, chứ cỡ 9/10, xin lỗi nhà lều Phú Quốc, tôi chọn nước mắm Phan Thiết. Sức mạnh của dĩ vãng mạnh lắm, dù là dĩ vãng… nước mắm.

    Nước mắm Phan Thiết làm từ cá nục hoặc cá cơm, tùy nơi. Cá phải thiệt tươi là điều quan trọng, nhưng quan trọng không kém là cách làm. Làm bằng trái tim yêu nghề, thì nước mắm Phú Quốc và Phan Thiết cũng ngang ngửa nhau, hương vị đều đậm đà theo kiểu cách riêng, mà mô tả chi tiết chỉ có sáo ngữ văn chương mới làm được. Cách nay hơn 15 năm, tôi gặp một ông Tây trong hội chợ thủy sản ở Sài Gòn. Ông Tây nói, nhà ông thường xuyên ăn nước mắm, và ông tự hào có thể phân biệt được nước mắm Phú Quốc và Phan Thiết. Tôi hỏi, ông mua nước mắm ở đâu? – Ở quận 13, Paris. Hồi đó, nước mắm “Phú Quốc” của Thái Lan tràn ngập thị trường Âu Mỹ. Nước mắm Thái dùng thêm enzyme để rút ngắn thời gian chượp. Ép lòi hương vị đẻ non như thế chỉ có mùi vị ngai ngái, chứ đậm đà gì nổi. Ông Tây này có nghề… ngoại giao.

    Nước mắm là nước chấm chứa đạm. Nước tương tàu vị yểu cũng là nước tương chứa đạm, nhưng mùi vị nước mắm và nước tương khác nhau xa. Trong quá trình chượp, protein của cá bị thủy giải thành acid amin, rồi cả đường và lipid cũng bị phân giải tạo ra nhiều chất dễ bay hơi hình thành hương vị đặc trưng của nước mắm. Quá trình này diễn ra rất từ từ, có khi kéo dài cả năm hoặc hơn. Thời gian chượp phải đủ dài để hương ngấu tới độ, vị mới đậm đà hơn. Chượp lâu quá, rút ra để thành nước mắm lú, màu đậm, vị ngon, nhưng hương nước mắm nhạt đi nhiều.

    Làm nước mắm không chỉ chượp cá rồi ngồi chờ…sung rụng, mà chăm lù như chăm con, muối thừa muối thiếu đều thua, trái gió trở trời cũng mệt. Phải yêu nghề mới làm ra nước mắm ngon đúng điệu được. Còn yêu tiền thì làm ra đủ loại nước mắm, giá nào cũng có, đạm cao cỡ nào cũng có. Gần chục năm trước, vào siêu thị thấy bày bán những chai nước mắm nhỏ cỡ 30 ml, đạm cao, giá cao, màu đẹp, tôi bỏ túi quần mấy chai, đem về biếu bậc trưởng thượng ăn sống. Vậy mà trời còn sập, nước mắm mặn chát.

    Tôi còn nhớ trong tạp chí Thế Giới Tự Do có đăng ảnh những tĩn nước mắm chất cao như hình kim tự tháp, những ghe thuyền chở tĩn nước mắm ngược xuôi. Đẹp và thanh bình. Nước mắm tĩn hồi đó sao mà thiệt thà, thơm ngon đến thế, đâu có đụng phải hàng dỏm bao giờ. Nước mắm loại nhì, loại ba đựng trong thùng thiếc 20 lít, có bơm cũng bằng thiếc, thụt lên thụt xuống, bơm nước mắm ra bán lẻ. Qua tới đầu thập niên 70, có bơm nhựa, bóp ra bóp vào.

    Dựa vào độ đạm, màu sắc, kể cả giá cả mà chọn nước mắm thì chẳng khác nào chơi tài xỉu với thị trường mông muội. Nước mắm ngon dòm sâu đáy hủ, nhưng dòm sao cho thấu túi tham?

    Cách nay mấy năm đi Phan Thiết, tôi ghé vào cửa hàng nhỏ xíu ở Hàm Tiến, nhưng phía sau là sân rộng, chứa cả trăm lu nước mắm làm bằng cá cơm, lu thì mới chượp, lu thì đang ngấu, lu thì đã ngấu, chờ pha… Bà chủ nói, tôi làm nước mắm từ thời con gái. Lấy chồng rồi cũng làm nước mắm. Bây giờ con cái lớn hết rồi, đứa ở Sài Gòn, đứa về đây, những chẳng đứa nào chịu theo nghề. Tôi làm chút ít nước mắm cho đỡ buồn. “Sao bà không làm nước mắm tĩn?”. Bà chủ cười buồn, làm gì còn tĩn mà làm, xa lắm rồi! Nơi làm nước mắm mà không có mùi khó chịu. Tôi thử nước mắm, thấy được, mua vài chai. Cơ sở của bà không có đại lý ở Sài Gòn, thành thử lâu lâu, tôi lại kiếm chuyện đi chơi Phan Thiết.

    Ông Sáu à, tụi nhóc năm xưa bây giờ đã ngoài sáu mươi, còn ông chắc cũng ngoài…trăm tuổi. Những người yêu nghề nước mắm phôi pha, bạc tóc đi nhiều. Sài Gòn thiếu nước mắm tĩn như thiếu đi một chút gì đó phóng khoáng, phong trần và thiệt thà. Lâu lâu nhớ đến ông, nước mắm thắm duyên nhau mà ông Sáu, tôi vẫn hình dung ra được ông bận đồ ta trắng, tóc búi tó, như một ông tiên mà không cần thi ca đánh bóng.

    Vũ Thế Thành


    Nguồn:https://vuthethanh.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Vũ thế Thành

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Ông thầy Việt văn




    Tôi hận ông thầy Việt văn lớp Mười một. Ổng chơi không đẹp khi bắt tụi tôi học thuộc lòng bài thơ Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ. Đó là bài hát nói gieo vần “vô kỷ luật” nhất mà tôi từng biết, chả vần chả điệu, lòng thòng, Hán nhiều hơn Nôm.


    Đây này, trích thử vài câu nghe chơi:

    • … Cầm chính đạo để tịch tà cự bí

      Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên…


      Cầm chính đạo để tịch tà cự bí…



    Mà tôi theo ban Toán, chứ có phải Văn chương đâu. Hiểu được ý nghĩa bài thơ đó cũng đáng nể rồi, giờ còn bắt học thuộc lòng nữa, coi sao được. Lớp bốn mươi học sinh, mỗi tuần chỉ có hai giờ cổ văn, tôi có bảy mươi lăm phần trăm thoát hiểm, lỡ bị gọi trả bài thì coi như trời hại. Nhưng ổng tỉnh bơ:“Tôi sẽ gọi từng người cho đến hết lớp”. Ổng còn thêm: “Ai không thuộc, tôi sẽ cho cơ hội lần sau, và lần sau nữa cho đến khi… có điểm”. Thế là rõ! Ổng quyết tâm… chơi tụi tôi đến cùng. Không còn chọn lựa nào khác, đành ôm hận, lảm nhảm méo mỏ với cái bài thơ đó cho đến khi thuộc lòng.

    Cơ hội rửa hận đến khi ổng ra đề luận: Bạn nghĩ gì về tình thầy trò ngày nay?. Từ hồi biết mặt chữ, tôi chưa bao giờ “múa bút” sướng như thế. Nào là, thời xưa học một thầy, học để làm quan, và chỉ học nghề… văn. Thời nay, học đủ thứ, cần gì học nấy, học để hành nghề, để kiếm cơm. Thời đại khoa học, ai học trước người đó là… “thầy”, bởi vậy mới có chuyện đi học luyện thi, mới có thầy giáo “cua”(*) học trò… Đại loại bài luận văn là một “bản cáo trạng” về thầy. Tôi khoắng bút như một nghệ sĩ, cho đến khi gần hết giờ, chấm xuống hàng, kết luận: Nên xem thầy giáo như người anh, coi bộ nhẹ nhàng hơn khi nhìn dưới khía cạnh đạo đức. Thiệt hả giận! Tôi viết với tư thế “tử vì đạo”, ăn trứng vịt cũng được, không thành danh thì cũng thành… ma.

    Bài luận được mười sáu điểm. Hôm phát bài, ông thầy cười cười: “Tôi không đồng ý với em nhiều điểm, nhưng vẫn cho em số điểm cao nhất”. Thiệt chưng hửng! Tôi mơ hồ hình như ổng chơi trên… cơ mình, nhưng “cái tôi” khốn nạn đã đẩy tôi đi quá xa, khoác lác hả hê với bè bạn: “Cái hận Kẻ Sĩ đã rửa xong!”.

    Ổng còn nhiều chiêu kỳ quái khác. Tú Xương thì học trò đứa nào chẳng khoái. Lẽ ra phải chia sẻ chút đỉnh với đám học trò mới lớn bằng những câu thơ:

    • Cao lâu thường ăn quỵt

      Thổ đĩ lại chơi lường


    hay ít ra cũng thông cảm với bọn học trò đang chuẩn bị bước vào vòng “ân oán” của thi cử:

    • Đau quá đòn hằn, rát hơn lửa bỏng

      Hổ bút hổ nghiên, tủi lều tủi chõng…

      Thi là thế, học hành là thế, trò chuyện cùng ai?

      Người một nơi, hồn phách một nơi, than thân với bóng!

    Không! Ổng phang bài:

    • Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,

      Dưới sân ông cử ngửng đầu rồng.


    Ổng giảng say sưa, bằng giọng bi ai, phẫn hận về thời Nho mạt, về danh lợi, về nhân phẩm… Ổng truyền lửa cho đám học trò đang há hốc miệng ngồi nghe, xả suốt hai giờ đồng hồ. Hình như ổng đang dạy tụi tôi kiến thức để làm người, chứ không phải kiến thức để đi thi. Ổng đâu ngán cháy giáo án. Mà hồi đó làm gì có giáo án. Bài soạn của ông là xấp giấy khổ A4 gấp đôi, chẳng bao giờ thấy ổng mở ra. Ổng chỉ mở… sổ điểm để gọi tên khảo bài.

    Đời cứ thế trôi đi… Những năm cuối thập niên 70, đầu 80, đời sống khó khăn thế nào khỏi cần kể. Tôi làm ở một trung tâm nghiên cứu ở Sài Gòn. Ban ngày khoác áo blouse vào phòng lab cứ như là… viện sĩ. Tối về mượn xích lô của thằng bạn, cảo vài vòng kiếm thêm. Một buổi chiều trời mưa, ế độ, tôi tấp vào quán nhậu ven đường (cái lều nhậu thì đúng hơn) gần ngã tư Bảy Hiền. Hồi đó khu này còn hoang vắng lắm. Quán cũng ế độ nốt, chỉ có mình ông chủ đang trầm ngâm bên ly rượu. Tôi kêu một xị, ngồi trông ra đường, nghe tiếng mưa lằng nhằng trên mái nhà, rầu thúi ruột… Chợt nghe tiếng ngâm ê a của ông chủ quán từ phía sau. Lời ngâm nghe quen quen… Rồi tự nhiên tôi cũng cất tiếng ngâm theo:





    • … Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất

      Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn

      Xe bồ luân dầu chưa gặp Thang, Văn.

      Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.

      Cầm chính đạo để tịch tà cự bí.

      Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên…



    … và cứ thế cho đến hết bài Kẻ Sĩ.





    Rượu đến mềm môi…

    Một khoảng im lặng. Tôi quay lại, không ai bảo ai, cả hai nâng ly mời nhau. Trong sự nghiệp cụng ly của tôi, chưa bao giờ tràn ngập những tiếng nói không lời như lần đó.

    Chủ quán trạc ngoài ba mươi, cao học luật, công chức chế độ Sài Gòn. Sau 75, đi cải tạo bốn năm, về mở lều nhậu tiêu sầu. Chúng tôi cà kê chuyện đời, chuyện người, chuyện số phận đẩy đưa… Rượu đến mềm môi. Bài thơ Kẻ Sĩ thuở đi học tưởng đã trôi vào quên lãng, bỗng thức dậy trong một đêm mưa, có người đồng điệu, ngân nga như tiếng chuông đeo đẳng đời người.

    Đất nước thời mở cửa, kinh tế thị trường nửa khép nửa hở. Kiếm sống bằng năng lực thì ít, nhưng bằng quyền lực hay dựa hơi quyền lực thì nhiều. Luật lờ mờ, nhưng lệ rõ ràng. Làm ăn là phải biết điều, gọi văn vẻ là… thỏa hiệp. Thỏa hiệp đủ thứ, không thỏa hiệp không được. Giới hạn thỏa hiệp tới đâu, tùy thuộc vào nguyên tắc sống của mỗi người. Cái giới hạn này mong manh, tự mình hạ thấp giới hạn xuống, rồi tự biện minh với bao lời hoa mỹ, đi ngược lại xu hướng thời đại là không thức thời. Dối người, dối mình, đạo đức giả hồi nào chẳng hay.

    Kẻ Sĩ thời nay lộn ngược rồi: Thương, Công, Nông, Sĩ. Ai chẳng khoái tiền, khoái danh. Cám dỗ vô cùng! Đạo lập thân làm sao giữ lấy cương thường? Mỗi lần như thế, tiếng chuông đêm mưa ở cái “lều nhậu” lại vang lên, làm nhức nhối kẻ bị mang tiếng là… gàn dở, toát mồ hôi với cái lưới “đầu rồng đít vịt”.

    Kinh thánh có chuyện kể, đứa con út đòi cha chia gia tài, rồi tìm đến phương trời xa vui chơi thỏa thích. Người cha chiều nào cũng tựa cửa đứng trông con về. Rồi thằng con về thật. Nó đã phung phí hết tiền, bây giờ đói rách trở về nhà cha xin chén cơm thừa. Nhưng người cha mừng rỡ, đã mặc áo mới cho nó, làm tiệc linh đình mừng con mình trở về.

    Văn hào Pháp, André Gide, cũng có câu chuyện Đứa con hoang đàng tương tự, chỉ khác khúc cuối. Đang giữa tiệc mừng, thằng con lững thững bỏ về phòng, nhìn xa xa qua khung cửa sổ, nhớ đến những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng cùng chúng bạn. Nó đang mơ một chuyến đi khác. Trở về chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Hồi đó, đọc đến đoạn này, tôi bật cười sảng khoái,“Phải thế mới được!”.

    Thưa thầy Việt văn, thằng đệ (tử) giờ đây đầu bạc chân mỏi, ngày Nhà giáo năm nay xin hầu thầy cho đến tận cùng bữa tiệc để khoanh tay nói lời tạ lỗi, trước khi phản xạ tung hô theo đám đông: Biết ơn thầy cô.


    Vũ Thế Thành
    ( Đà Lạt 2012,
    trong tập “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”)


    —–

    (*)Cua: Tán tỉnh


    Nguồn:https://vuthethanh.com


              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”