Truyền thông dân sự, cơ hội và thách thức

Trả lời
Hình đại diện
Quy Nam
Bài viết: 824
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 18:52

Truyền thông dân sự, cơ hội và thách thức

Bài viết bởi Quy Nam »

  • Truyền thông dân sự,
    cơ hội và thách thức

    _____________________________________
    Nguyễn lân Thắng - 29/02/2016




    Trong những năm gần đây, hoạt động đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền con người có sự phát triển vượt bậc nhờ sự lớn mạnh nhanh chóng của hệ thống truyền thông dân sự. Hàng chục hội đoàn, nhóm truyền thông kể cả công khai và ẩn mặt tương tác với hàng chục triệu người sử dụng internet khắp mọi nơi. Tuy có những tiến bộ đáng kể, nhưng các hoạt động này không phải là không có những bất cập, những thách thức không nhỏ. Nhiều lúc tin tức tràn ngập một cách hỗn loạn, sự quan tâm của dư luận luôn bị hút về hướng có lợi cho chế độ mà bỏ qua những điểm quan trọng có thể làm suy yếu chế độ độc tài.




    Thử nhìn vào cụ thể một số sự kiện gần đây,
    • thông tin về việc đàn áp một số nhà đấu tranh như Paul Trần Minh Nhật ở Lâm Đồng, Thuý Nga -
    • Trương Minh Hưởng ở Hà Nam
    • hay giật cướp phá vòng hoa tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 ở Sài Gòn...
    • xen lẫn với cảnh tưởng niệm 17/2/1979 bình yên hiếm thấy ở Hà Nội dưới chân tượng vua Lý Công Uẩn
    làm rất nhiều người thắc mắc. Không lẽ đất nước này có một nhà nước, nhiều chế độ? Để hiểu tại sao có hiện tượng khác biệt này thì cần phải đứng lùi ra để có cái nhìn rộng hơn.

    Trong một xã hội phi dân chủ, việc nhà cầm quyền có những động thái mạnh tay với giới đối lập không phải bao giờ cũng tốt. Đặc biệt trong thời khoảng mười năm trở lại đây, sự đàn áp toàn diện luôn là nguyên nhân bùng nổ các cuộc cách mạng xã hội lật đổ các nước độc tài. Tuy có những sai lầm nhất định, nhưng gần đây Nga và Trung Quốc là điển hình thành công trong việc
    • phát triển phương pháp đàn áp có chọn lọc,
    • phân hoá lực lượng đấu tranh, không để bất cứ dấu hiệu nào cho phép hình thành tổ chức đối lập, phong trào đối lập.
    • Và ngoài việc tác động trực tiếp đến lực lượng đấu tranh, một phương pháp quan trọng nữa là kiểm soát truyền thông, kiểm soát dư luận một cách tinh vi,
    • sử dụng quyền lực mềm của văn hoá giải trí
      • hòng kiềm chế xã hội,
      • tạo ra sự sợ hãi,
      • sự thờ ơ chính trị
      • cũng như thái độ vâng phục mù quáng của đám đông quần chúng.
    Không có quần chúng
    thì không có phong trào phản kháng nào hết.


    Có chăng chỉ một vài tổ chức lẻ tẻ, tổ chức được vài sự kiện nho nhỏ, lại được hệ thống truyền thông phi nhà nước bơm thổi quá mức, không thể có thực chất đủ trở thành một thực thể đối trọng ngang ngửa với chế độ độc tài.

    Để kiểm soát dư luận, các chế độ độc tài luôn khéo léo sử dụng truyền hình, các phương tiện giải trí trực tuyến cùng vô vàn hình thức báo chí, phim ảnh khác để kiềm chế cũng như kích động dư luận phản ứng theo hướng chúng muốn.

    Không như trước kia, không chỉ tiếp tục xây dựng vô số tượng đài chính trị bằng gạch đá bê tông, ngày nay giới cầm quyền còn rất lưu manh khi đổ tiền của dựng nên nhiều tượng đài bằng xương thịt trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hoá, giải trí, tâm linh... với vô số con nhang đệ tử hùng hổ vây quanh, sẵn sàng lao vào đồ sát những kẻ bất kính dám phạm thượng đến các "ngài"... Để rồi những ông bà thánh sống đó tha hồ phủ phê, mê hoặc xã hội đến như lên đồng, tưng bừng dẫm bước trên những mảnh thuỷ tinh mà cứ tưởng rằng đó là thảm hoa dẫn nhân loại đến chủ nghĩa xã hội, nơi không còn bất công và người dẫm đạp người.

    Có thể ví họ, những nhân vật dẫn dắt dư luận như loại giáp nổ trong xe tăng thời hiện đại. Nếu một lúc nào đó cùng bất đắc dĩ, họ bị hạ bệ, bị lật tẩy, họ sẽ bị hi sinh y như khi quả đạn bắn vào thì chỉ mình mảnh giáp nổ bị phá huỷ và khối thân xe bên trong vẫn không hề hấn gì. Cách làm này hiệu quả hơn nhiều việc chỉ lo tô đắp những tượng đài bê tông hay đàn áp lộ liễu giới đối lập. Dù rất nhảm nhí, nhưng rõ ràng tính theo tỷ trọng dân số, truyền thông chế độ luôn phủ sóng trên diện rộng, trực tiếp, liên tục, ảnh hưởng và lôi kéo được hầu hết đám đông.

    Không nắm được truyền thông thì không thể nắm được quần chúng,
    mà không có quần chúng thì đừng nói chuyện phát triển phong trào,
    nữa là nói đến phong trào đối lập, tổ chức đối lập.

    Giới đấu tranh cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, để thấy được rằng,
    không phải vì mình nói đúng mà người ta sẽ nghe theo,
    không phải vì mình làm đúng mà người ta có thể ra mặt ủng hộ.


    Cần tỉnh táo phân tích, chọn lựa phương pháp truyền thông khôn ngoan để có thể
    • tiếp xúc,
      cảm hoá,
      dẫn dắt mọi tầng lớp quần chúng nhân dân.


    Thử phân tích sơ bộ tương quan thế và lực, ta có thể thấy những điều sau:
    * Sức mạnh của chúng ta là:
    độc lập, linh hoạt, có chính nghĩa
    * Sức mạnh của chúng là:
    nguồn lực khổng lồ, hệ thống vận hành được đào tạo bài bản, có lợi thế lịch sử bám rễ lâu dài trong tâm trí quần chúng. Hệ thống toà án, an ninh, côn đồ, nhà tù luôn trực chờ dập tắt mọi đối tượng cạnh tranh
    * Điểm yếu của chúng ta là:
    manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự phong phú sáng tạo, còn khô khan trong phương pháp tiếp cận quần chúng, thiếu một trình độ nhận thức chung để cùng đoàn kết hành động
    * Điểm yếu của chúng là:
    không có chính nghĩa, hệ thống phức tạp, quan liêu, trì trệ, thiếu linh hoạt khi đối phó với tình huống phát sinh
    * Cơ hội của chúng ta là:
    tận dụng tiến bộ công nghệ truyền thông mới, tận dụng được sự ủng hộ của một bộ phận rất lớn những người, những tổ chức tiến bộ cả trong và ngoài nước, cả trong chính hệ thống của chúng
    * Cơ hội của chúng là:
    có nguồn lực và trình độ hơn hẳn
    * Thách thức của chúng ta là:
    dễ bị chia rẽ, dễ bị phân tán, dễ bị ảo tưởng khi đạt được những thành công nhỏ, khó phát triển thành những tổ chức chuyên nghiệp
    * Thách thức của chúng là:
    dễ bị mất kiểm soát dư luận, dễ bị quá tải hệ thống, dễ bị lật tẩy từng điểm yếu nhỏ



    Từ những phân tích trên, ta có thể hình dung ra những đường hướng cơ bản cho truyền thông dân sự trong giai đoạn hiện nay:

    • 1. Vận dụng tối đa lợi thế linh hoạt để xoay chuyển nhiều hướng tấn công.
      Dàn hàng ngang cùng tiến, không tập trung xây dựng các đội ngũ truyền thông qui mô lớn,
      dùng biện pháp xa luân chiến, nguy hiểm là phải rút cho người khác trám chỗ.
      Trung thực, chính xác, nhưng khôn khéo đánh nhỏ, đánh kiên trì,
      bền bỉ tấn công vào sự tuyên truyền dối trá, sự mê hoặc, ru ngủ xã hội
      bằng văn hoá giải trí tầm thường nhằm thu phục, thức tỉnh dần quần chúng nhân dân
    • 2. Liên tục tìm tòi đổi mới phương pháp tiếp cận,
      vận động phù hợp với đặc điểm hiện tại của quần chúng theo từng giới, từng vùng miền.
      Nâng cao trình độ sử dụng các phương tiện truyền thông,
      nâng cao khả năng bảo mật, khả năng đối phó với các cuộc uy hiếp tấn công các loại
    • 3. Tranh thủ sự ủng hộ của tất cả các thành phần xã hội,
      cả trong nước và quốc tế,
      cả trong nội bộ hệ thống báo chí
      tuyên truyền của chế độ,
      tạo sự hưởng ứng nhịp nhàng giữa các thành phần tham gia tương tác.
      Cảnh giác trước những đòn tấn công, đòn hoả mù làm chệch hướng mục tiêu truyền thông vì sự minh bạch, vì sự tiến bộ của xã hội, vì phẩm giá con người

    Những phân tích trên đây có thể còn sơ sài, phiến diện,
    • nhưng không nhằm đả phá bất cứ hoạt động của một cá nhân, một hội nhóm đấu tranh nào,
      mà được viết ra với một thành ý để gợi mở những suy nghĩ, những con đường để xây dựng một nền truyền thông dân sự mạnh mẽ, chống lại bất cứ một chế độ nào không vì tổ quốc, không vì nhân dân.

    Đối mặt với chế độ độc tài không bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt là trên mặt trận truyền thông. Đã có rất nhiều cây bút phải vào tù vì muốn nói lên sự thật. Nhưng nòng súng hay nhà tù chỉ có thể khuất phục được kẻ mang tâm thế nô lệ, không thể khuất phục được người yêu tự do. Mà tôi tin rằng khao khát tự do và mong ước được sống trong một xã hội bình đẳng, tôn trọng phẩm giá con người là những giá trị tiềm ẩn trong mỗi chúng ta.



    nguồn: rfavietnam.com
Trả lời

Quay về “Nguyễn lân Thắng”