Die on the job (Ước mơ cuối đời )

Trả lời
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3530
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Die on the job (Ước mơ cuối đời )

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Người đàn bà vừa nức nở xong thì lại thút thít kể lể:
- Em biết không? Không có ai mà tốt bằng ông chồng tui đâu.

Bà dừng lại, khẽ ngân nga "còn chồng gót đỏ như son ...", rồi lại lấy khăn chậm nước mắt và khóc tiếp.
Thư nhìn sang bà và cố gắng tìm vài lời an ủi ngắn gọn, dù cô biết vào thời khắc này lời nói của cô chỉ là gió thoảng mây bay. Người đàn bà trước mặt cô đang cần có người ngồi đó để lắng nghe mà thôi, nghe bà "ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng" í mà.

Rồi bà nói tiếp, chuyện nọ xọ chuyện kia, trong khi với tay xếp lại mớ giấy tờ vương vãi trên mặt bàn:
- Em tính ra vậy mà còn sướng hơn tui, con trai em còn được ăn mặc sạch sẽ gọn gàng. Đám con tui hồi mới qua chỉ toàn là mặc đồ nhà thờ cho, quần áo không đủ nên lúc nào cũng lôi thôi lếch thếch. Thời gian đó ổng có ngó ngàng gì tới mẹ con tui đâu.

Thư định lên tiếng cãi lại nhưng thôi, cô thắc mắc không biết có phải bà Mai bị Alzheimer hay không mà lại nói như vậy? Thời cô và mẹ con bà mới qua đây thì xem như trùng với nhau, đã hơn 30 năm rồi chứ ít ỏi gì. Con trai cô thì được sinh ra ở đây, mà sống ở xứ sở này làm sao túng thiếu cho được chứ. Tuổi bà bằng tuổi dì, tuổi mẹ cô mà bà cứ thích được gọi bằng chị, ờ...thích thì chìu thôi. Cô gọi bà là chị, thì con trai cô gọi bà là cô, "cô, cháu" mà cách nhau những hơn 55 năm!

Trong khoảng thời gian gần 2 năm đầu làm việc với bà, cô cứ nghe bà than thở suốt, nào là không muốn về nhà, thích ngồi làm từ sáng tới tối vì ở nhà là gặp mặt chồng, hai người tuy lớn tuổi rồi nhưng lại khắc khẩu với nhau. Nghe bà kể thì cuộc sống gia đình bà như là địa ngục, ấy vậy mà ... Khi ông Phan, chồng của bà nằm xuống, bà bơ vơ, xuống tinh thần một thời gian rất lâu. Bà nói bà muốn tìm quên trong câu kinh lời kệ, tìm quên trong việc làm.

Ờ mà nói tới việc làm, đúng là cô bị hố nặng khi nhận lời hợp tác với bà. Chuyện bắt đầu từ cô em họ bạn dì tên là Ngân, nhỏ hơn cô 10 tuổi, và có văn phòng du lịch cách nơi cô ở độ nửa giờ lái xe. Ngân nói với cô nếu muốn tìm công việc nhàn nhã chút thì nên hợp tác mở chi nhánh văn phòng du lịch, kiếm tà tà đủ sống, đừng bon chen với đời thì cũng đủ ăn. Vả lại nghề này có làm tới già cũng vẫn làm được. Sau đó Ngân giới thiệu bà Mai với cô, bà có nhiều năm kinh nghiệm bán vé du lịch, tuy đã về hưu nhưng vẫn còn rất yêu nghề (như lời bà thường nói). Bà nói với Ngân là bà sẽ làm 2 năm nữa thôi rồi nghỉ luôn và sẽ nhường lại toàn bộ số khách cho cô. Cô nghe qua thì rất mừng, và thấy như thế rất hợp lý vì bà cũng trên 70 tuổi rồi, nhà cửa bà đã trả xong, con cái bà đã trưởng thành thì cũng đến lúc bà nên sớm vui thú điền viên thôi (dù theo cô thấy như thế là hơi trễ!).

Nói vậy mà không phải vậy, bà cứ đeo đẳng ngồi miết cái ghế ở văn phòng du lịch của cô. Cô mới ra trường nên số khách loe hoe đếm trên đầu ngón tay, trong khi khách của bà gom suốt 20 năm qua thì đầy dẫy. Vậy là cô vừa tự mày mò học thêm vừa học lóm những kinh nghiệm của bà. Tuy nhiên càng lúc cô càng chán nản, vì mỗi lần đến văn phòng cô chỉ thấy toàn là khách của bà. Thỉnh thoảng bà cũng "nhường" vài hồ sơ cho cô, xem như là ban phát ân huệ. Có nhiều lúc cô tự hỏi bà là chủ hay cô là chủ?. Bà chỉ thảnh thơi ngồi làm, đợi đến cuối tháng thì nhận tiền chia huê hồng, còn những chi phí khác như đường dây điện thoại, fax, tiền mướn văn phòng, v.v. thì bà không thèm để ý tới, phần đó cô và Ngân xem như "đứng mũi chịu sào", có khi cô nhắc bóng gió thì bà cũng ra vẻ như có quan tâm (một cách chiếu lệ). Trong khi đó bà đối với khách lại như bát nước đầy, hết hạ giá cái này đến giảm giá cái kia, có khi tiền huê hồng không còn được vài ba đồng để mà chia, nhưng vì trọng tuổi tác chênh lệch khá xa nên cô không muốn nói thẳng với bà.

Có những ngày không khí rất nặng nề, vào đến văn phòng tuy là thày thợ mà cứ có cảm giác như trái ngược nhau. Cô có cảm giác cô là cô học trò dở tệ và bà là bà giáo già hà khắc, chứ không phải là hai kẻ cùng hợp tác kiếm chén cơm qua ngày?!

Có những lúc bà nhã nhặn, vui vẻ, hòa hoãn đối với cô nhưng cũng không được bao lâu. Vai trò của bà là người làm công mà bà cứ nghĩ bà là chủ, cứ sai bảo cô làm này nọ cho bà. Số khách của bà tăng càng tăng và của cô giảm cứ giảm, vì lúc nào bà cũng thích ... hạ giá vé một cách triệt để. Bà hạ miết tới nổi các văn phòng du lịch nhỏ, to xa gần, điện thoại lại “mắng vốn” Ngân và cạnh khóe nhắc nhở là bà không nên phá giá vé bán của họ. Thư trộm nghĩ nếu còn ở Việt Nam chắc không chừng bà đã bị xã hội đen đỏ viếng thăm vì cái tội phá chén cơm người khác từ lâu rồi.

Thời gian cứ trôi qua lặng lẽ, Thư đợi hết một năm rồi đến hai năm. Sang năm thứ ba, bà Mai vẫn chưa rời khỏi cái văn phòng du lịch nhỏ này và lời hứa của bà xem như đã trôi vào quên lãng. Thời thế ngày càng khó khăn, chi nhiều hơn thu, nên cuối cùng Thư quyết định đóng cửa và đi tìm việc khác. Bà Mai có vẻ hậm hực lắm, dấm dẳng chì chiết xa gần đủ điều nhưng Thư mặc kệ. Cô nói với Ngân là nếu bà Mai còn muốn làm tiếp thì đó là chuyện giữa Ngân và bà, cô nản rồi nên phải buông tay. Cô biết bà Mai vẫn sẽ ôm việc làm này cho tới ngày về với tro bụi, vì có lần bà nói với cô rằng: "tôi ước gì sẽ mất đi trong lúc tôi đang làm việc!"

Trời đã vào tháng Tám, thời gian này số lượng khách mua vé giảm dần vì đại đa số bà con đã đi nghỉ hè cả rồi. Không còn Thư làm chung nữa, cũng không còn ai để "sai bảo" việc lớn việc nhỏ, nên bà Mai phải bôn ba một mình, lâu dần thành quen.

Bà Mai đứng dậy sắp xếp lại mớ giấy tờ, cho vào túi xách và lững thững đi về nhà. Nhà bà bây giờ quạnh vắng quá. Người chồng quá cố trước khi mất có khuyên bà nên bán nhà về sống với cậu con trai út nhưng bà lại không muốn, vì bà sợ sẽ mất đi sự tự do. Thế nên căn nhà của bà tuy nhỏ nhưng bây giờ trở thành mênh mông đối với bà. Bà về nhà cũng chỉ có chiếc bóng bầu bạn mà thôi, nhưng vì đã quen với căn nhà gần ba mươi năm nên bà không muốn rời xa nó.

Gần tới ngạch cửa vào nhà không biết sao bà Mai bất ngờ bị trợt té chúi nhủi, đầu bà bị va vào cánh cửa đau điếng. Bà nhìn lại thì chẳng biết ai ăn vỏ chuối vất ở đó làm bà té đau quá. Bà nằm bẹp đó cũng khoảng 5 phút rồi bà ráng lồm cồm gượng dậy mở cửa vào nhà. Ngay lập tức bà có cảm giác là lạ, thân người bà như nhẹ hẫng đi. Bà để giỏ xách lên bàn, nhìn vào chiếc ghế bành bà bỗng giật mình:

- Ủa, anh đó à?
Ông Phan buông tờ báo xuống, nhướng mắt nhìn bà:
- Chứ bà tưởng là ai?
Bà lắp bắp:
- Thì ... thì ... anh, nhưng sao lại ...
Ông lên giọng:
- Lại cái gì? Bà lúc này cũng giỏi à nha! Tối mờ mịt mới chịu về nhà. Tôi mà chờ bà làm cơm làm nước chắc là đói meo rồi.

Dưới ánh sáng nhập nhoạng lờ mờ từ ngọn đèn vàng nơi phòng ăn hắt ra, bà Mai len lén nhìn ông Phan, rồi bà nhìn lên di ảnh ông trên bàn thờ. Trong nhất thời bà cảm thấy hoang mang và rối ren tột cùng.

Bà nhỏ giọng:
- Để tôi xuống bếp hâm ít cơm canh cho ông dùng bữa tối.
- Thôi, không cần đâu! Một tiếng đồng hồ nữa có người tới đón bà và tôi đi rồi.

Rồi ông Phan cao giọng nhiếc:
- Đến giờ tôi mới rõ ra là bà làm mưa làm gió bao lâu nay. Trước kia tôi lo cho bà và đám con đầy đủ chứ có để thiếu thốn gì đâu? Còn bà, bà thích việc làm này vì bà nói bà yêu nghề, nên tôi để cho bà tự tung tự tác. Đồng tiền bà mang về chỉ như muối bỏ biển, bà có biết không? Vậy mà ôi thôi, tôi nghe nhiều lời đàm tiếu rêm tai quá rồi. Ai cũng hỏi tôi "sao ông làm ăn giỏi giang mà không để vợ ở nhà ngồi chơi xơi nước đi, bắt bà ấy cày cực khổ làm gì?”.

Bà Mai ngắt lời:
- Tôi đâu có cực khổ ...
Ông Phan quát :
- Bà nín đi, để tôi nói cho hết. Bà làm việc phải có lương tâm một chút. Bà cứ cho giá rẻ để gom hết khách vào, rồi bà hô to là bà làm việc thiện à?
Bà lắp bắp:
- Sao ... sao ông biết ? ...
Ông mỉa mai:
- Cái gì mà tôi lại không biết? Bà định nghĩa cho tôi nghe xem, bà làm việc thiện là làm sao? Bà nghe kinh, nghe kệ nhiều lắm mà!? Người ta có tiền người ta đi chơi, mà bà cứ bớt rồi là bớt, bà chỉ thỏa mãn cái tôi của bà thôi! Bà biết không, bà đi làm công chứ có phải bà làm chủ đâu? Bà phá giá để cả thành phố này kêu ca, ai lại không biết bà!!!
Ông Phan chau mày nói tiếp:
- Bà quơ quào để có đông khách, rồi bà lại bảo là bà thương người. Vì thương người nên bà hạ giá, vì thương người nên bà phá giá người khác. Lý luận này của bà mà bà cho là đúng à? Bà điên thật rồi biết không? May cho bà đấy nhé, nếu như bà ở Việt Nam là ăn dao từ lâu. Thôi, bà lo chuẩn bị theo tôi là vừa. Sắp có người tới đón chúng ta rồi.

Bà Mai ngơ ngác:
- Theo ông đi đâu? Sáng sớm mai tôi còn phải in vé cho khách đó ông!
Ông Phan bật cười lớn:
- Thật tội cho bà, bà vẫn còn trong cơn mê ngủ! Cú té hồi nãy đã giúp bà trả xong món "nợ đời" rồi đấy! Tôi ghé ngang đón bà để bà không phải bỡ ngỡ.

Bà Mai bật khóc lớn :
- Vậy tôi ... đã ... đã chết rồi sao? Tôi không muốn, tôi ... tôi chưa muốn!
- Bộ bà tưởng là bà muốn và chưa muốn là được sao?

Ông Phan bước tới, bà Mai cuống cuồng thụt lùi ... nhưng bà vẫn bị bàn tay ông chộp lấy kéo mạnh. Ngoài sân có tiếng còi xe nhấn "tin, tin".

- Đi thôi, trễ giờ là tôi lại bị "la" đó bà. Ah, mà bà đã được toại nguyện ước mơ rồi nhé! “Die on the job!"
- Hu ... hu ..., ông sống với tôi bao nhiêu năm mà không hiểu gì tôi cả, hu ... hu ..., ... tôi làm việc để tìm nguồn vui, làm việc thiện mà ông, hu ... hu ...



hnh
Viết xong tháng 8-2018
Trả lời

Quay về “Lung Linh Nắng Hạ”