Trở về từ cõi chết!

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Trở về từ cõi chết!

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Trở về từ cõi chết!








    Theo tác giả người Mỹ, Guenter Lewy, chỉ trong vòng 9 năm, từ 1965 tới 1974, thì cuộc chiến tranh xâm lược của CS Bắc Việt vào Miền Nam Việt Nam đã làm: Quân đội Đồng minh chết: 282,000. CS Bắc Việt và VC chết: 444,000.

    Thường dân Bắc và Nam Việt Nam chết: 627,000. Tổng cộng: 1,353,000.

    Ngoài những người bị thiệt mạng, còn nhà cửa, tài sản của lương dân vô tội bị phá hủy và hội chứng sau chiến tranh làm vô số quân nhân và thường dân còn chịu nhiều đau khổ cho tới tận ngày hôm nay!

    ***

    Một trong những người tưởng đã chết nhưng cuối cùng may mắn được trở về là: Binh nhứt Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ: Ronald L. Ridgeway.

    Là con của một công nhân đường sắt Southern Pacific, Ridgeway xuất thân từ một vùng ngoại ô thuộc tầng lớp Lao Động tại Houston, Texas, USA. Ông thôi học và gia nhập Thủy quân Lục chiến bởi vì muốn trốn chạy cái bi kịch của một gia đình tan vỡ vì cha mẹ ông ly dị.

    17 tuổi khi đăng lính Thủy quân Lục chiến vào năm 1967; 18 tuổi bị bắt cầm tù; 19 tuổi bị làm đám tang và 23 tuổi được phóng thích ra khỏi nhà tù Hỏa Lò Hà Nội, sau Hiệp định Paris năm 1973.

    Mới đầu tại quê nhà Texas, trường cũ của ông: Sam Houston High loan báo trên loa phóng thanh là ông bị mất tích khi chiến đấu (missing in action).

    Nhưng thân mẫu của ông nhận được thư của cấp chỉ huy ông cho biết rằng vẫn còn một chút hy vọng! Tuy nhiên vào tháng Tám, bà nhận được một thư chia buồn từ Lực lượng Thủy quân Lục chiến là ông đã tử trận.

    Trong lúc đồng đội và gia đình thương tiếc người chiến sĩ đã bỏ mình thì Ronald L. Ridgeway đang bị quân CS Bắc Việt cầm tù một cách khắc nghiệt trong suốt 5 năm trời.

    Ronald L. Ridgeway thường bị biệt giam, bị cô lập, bị hành hạ về tinh thần cũng như thể xác bởi địch quân; cho dù đối với ông, vốn đã là một tù binh, thì cuộc chiến tranh đã chấm dứt…

    ***


    Tháng rồi, gần 50 năm sau khi bị cho rằng mình đã tử trận, Ridgeway, giờ đã 68 tuổi, đang ngồi suy tư ở nhà, hồi tưởng lại một câu chuyện khác biệt, phi thường trong cuộc chiến Việt Nam.

    Có từ 20 đến 40 ngàn quân CS Bắc Việt bao vây khoảng 6 ngàn Thủy quân Lục Chiến ở căn cứ Khe Sanh! Chúng pháo kích cấp tập và có súng phòng không làm hạn chế các cuộc không yễm, nên các cuộc tuần tra như vậy cực kỳ nguy hiểm.

    Lúc 9 giờ 30 phút, sáng ngày 25, tháng Hai, năm 1968, Ridgeway thuộc trung đội khoảng 45 người, được phái ra ngoài vành đai căn cứ Khe Sanh đang bị vây hãm tuần tra để tìm kiếm vị trí đóng quân của địch.

    Vào buổi sáng đầy sương mù đó, toán tuần tra do Thiếu úy Donald Jacques, 20 tuổi, chỉ huy lọt vào cuộc phục kích của địch quân.

    Binh nhứt Ronald L. Ridgeway trong nhóm 4 người dẫn đầu toán, đang lục soát một giao thông hào hình chữ chi trống rỗng.

    “Thình lình quân địch ném lựu đạn xuống. Chúng tôi lui lại ở một đoạn cong trong giao thông hào. Lựu đạn nổ. Chúng tôi cũng ném trả lại vài quả lựu đạn rồi rút lui! Rồi chúng tôi nhận ra tiếng súng của Thủy quân Lục chiến phía sau đột nhiên ngừng bặt.

    Khi chúng tôi đứng lên nhìn quanh quất, chúng tôi thấy lính CS Bắc Việt từ những bụi cây thấp tiến về phía họ. Tôi đoán chắc chúng cho rằng các người lính đó đã chết hết. Chúng tôi cố vượt vòng vây.”

    Một binh sĩ đang trong giao thông hào với Ronald L. Ridgeway là James R. Bruder, 18 tuổi quê ở Allentown, tiểu bang Pennsylvania, bị đạn xuyên qua ngực.

    Charles G. Geller, 20 tuổi, quê ở East St. Louis, Illinois lom khom người, đứng lên quan sát bị một viên đạn sượt qua trán làm ông phải hụp xuống xuống.

    “Tất cả mọi người đã chết. Những người lính phía sau cũng đã chết.

    Chúng tôi phải làm gì bây giờ? Chúng tôi phải rút lui.”

    Charles G. Geller rút trước, theo sau Ronald L. Ridgeway chạy ngược về trảng cỏ nơi họ xuất phát. Khi chạy đến bờ rìa, họ gặp Willie J. Ruff, 20, quê Columbia, tiểu bang South Carolina, đang nằm vật ngửa ra vì bị trúng đạn vào tay. Cả hai rất vội nhưng cũng dừng lại vì thấy đồng đội bị thương.

    Geller quỳ xuống cạnh Ruff, một viên đạn trúng vào mặt Geller, gây một vết thương kinh hoàng. Khi Geller đang trong trạng thái bấn loạn vì bị thương nặng cố quỳ lên thì quân thù ném một quả lựu đạn và giết chết anh ấy.

    Ruff khẩn cầu Ridgeway đừng bỏ anh lại. Ridgeway nói: “Không! Tao không bỏ mầy lại đâu!” Đêm đó Ruff chết!

    Rồi Ridgeway bị một viên đạn xuyên qua bả vai. “Chúng tôi nằm trên trảng trống. Tất cả điều có thể làm là nằm đó và giả chết.”

    Quân CS Bắc Việt tiếp tục xả súng vào thi thể những người lính để chắc chắn rằng họ đã chết.

    Ridgeway vừa tỉnh vừa mê. “Chúng đã bắn trúng tôi và bỏ mặc cho chết, rồi tiếp tục xung phong tràn qua xác của tôi!” Trời sụp tối, pháo binh từ căn cứ Khe Sanh cày nát khu vực này.

    Ridgeway sực tỉnh vào sáng hôm sau, khi ai đó kéo cổ tay mình. Mới đầu ông nghĩ là đồng đội Thủy quân Lục chiến nhưng sau lại là tên một lính Bắc Việt, mặt non choẹt, đang cố rứt cái đồng hồ ra khỏi cổ tay của ông.

    Tên lính Bắc Việt giựt nảy mình kinh ngạc khi thấy Ridgeway vẫn còn thoi thóp thở. Ridgeway nghĩ mình sẽ bị hành quyết vì trước đó ông không nghe ai bị bắt làm tù binh bao giờ.

    Cuộc hành quân cứu viện để thu hồi xác tử sĩ đã không xảy ra vì cấp chỉ huy sợ sẽ bị chịu thêm nhiều thương vong. Thế nên các tử sĩ phải nằm ngoài đó ròng rã suốt 6 tuần.

    Cuối cùng, vào ngày mùng 6, tháng Tư, năm 1968, Thủy quân Lục chiến mới có thể trở lại chiến địa. Chỉ còn lại xương cốt của những người đã chết, giày trận và thẻ bài…

    Tất cả được mang về nhà xác dã chiến tại căn cứ Khe Sanh nhưng nhận dạng chính xác chỉ được 9 người trong 26 người được liệt kê mất tích.

    Những phần di thể không thể nhận dạng, được liệm chung trong hai chiếc quan tài, chôn dưới hai ngôi mộ tập thể.

    Vào ngày mùng 10, tháng Chín, 1968, đám tang theo lễ nghi quân cách rất trang trọng được cử hành tại nhà quàn Jefferson Barracks, Nghĩa trang Quốc gia St Louis, thân mẫu của Ronald L. Ridgeway đến dự và mang về một lá quốc kỳ nước Mỹ được gấp lại.

    ***


    Xa bên ấy, mùa mưa Bắc Việt Nam đang đến và Ronald L. Ridgeway đang là tù binh chiến tranh đã được 7 tháng.

    Tàn trận đánh, chúng băng bó và cáng ông xuyên rừng bên Lào rồi trở vào Bắc Việt Nam. Trải qua nhiều trại tù trong rừng, bị nhốt trong chuồng cọp bằng gỗ làm vết thương trở nặng hơn.

    Ông mặc bộ đồ tù binh chiến tranh, POW, màu hồng và xám, mang dép râu!

    (Tất cả những thứ đó ông mang theo về làm kỷ niệm khi được phóng thích)

    Ông bị chấy rận, bị sốt rét rừng, bị kiết lỵ hành hạ. Hậu quả là sụt mất gần 50 pounds.

    Một điều tra viên được ông đặt cho cái biệt danh là “phô mai“ (Cheese). Vì hắn trông giống một miếng phô mai bự chãng. Mặt hắn như một con chuột chù, tánh tình lại cực kỳ hung ác.

    Hắn nói tiếng Anh và ngồi trên một cái ghế cao khi hỏi cung, và khi hắn ra dấu bằng cách gật đầu, tên lính dưới quyền dùng gậy tre đánh đập, tra khảo tù nhân đang bị trói nằm dưới sàn nhà.

    Dẫu bị tra tấn tàn bạo như vậy nhưng ông không bao giờ cộng tác với kẻ thù, ông nói dối với bọn điều tra và khai ra những tin tức quân sự không có thật!

    Những cai tù quân CS Bắc Việt cho rằng ông là một kẻ cứng đầu ngoan cố, và tất cả bọn Thủy quân Lục chiến Mỹ là đồ súc vật!

    Ông nói: “Bạn phải tính từng ngày một. Trong đầu, phải ráng nghĩ rằng mình sẽ sống sót. Phải tin rằng chúng sẽ không đánh bại được mình, tin rằng cuối cùng thì mình sẽ chiến thắng!”



    Cố mà sống sót! Ông cô đơn ngồi một mình trong xà lim không cửa sổ, cạnh một chiếc giường gỗ! Không có ai để chuyện vãn, cố giữ vững tinh thần bằng cách tưởng tượng rằng mình đang ở một nơi nào khác, một ngày nào đó trong tương lai ông sẽ mua được một chiếc xe “pick up“ để chở vợ và con đi câu cá.

    Tháng Giêng, năm 1973, đang bị nhốt trong nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, mà tù binh Mỹ gọi châm biếm là “Hanoi Hilton” (Khách sạn Hilton Hanoi), thì những kẻ giam cầm ông loan báo rằng: Các tù nhân chiến tranh sẽ được phóng thích theo thỏa thuận hòa bình trước khi Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam.

    Khi danh sách tù binh Mỹ được công bố, tên Ronald L. Ridgeway nằm trong số đó. Ở Houston, mẹ ông đập cửa nhà hàng xóm, reo mừng: “Ronnie’s alive!”“(Ronnie còn sống!)

    Ronald L. Ridgeway được phóng thích vào ngày 16, tháng Ba, năm 1973. Ông trở về quê nhà, lập gia đình rồi đi học Cao đẳng.

    “Đơn giản tôi trở về đây chỉ vì: Tôi có thể sống cuộc đời của chính tôi. Tôi đã đến nơi đó vì công việc phải làm. Chúng tôi đã làm hết khả năng. Và chúng tôi rất may mắn còn được trở về!”

    ***

    Nhiều tháng sau khi trở về, Ronald L. Ridgeway cùng vợ là Marie, tới doanh trại Jefferson Barracks, Nghĩa trang Quốc gia St. Louis để nhìn tận mắt tấm bia mộ của chính mình.

    “Ambushed Patrol Died in Vietnam Feb. 25, 1968” (“Toán tuần tiễu bị phục kích, đã chết tại Việt Nam vào ngày 15, tháng Hai, năm 1968”)

    Tên 9 chiến sĩ Thủy quân Lục Chiến Mỹ bỏ mình tại mặt trận, tên Ronald L. Ridgeway nằm hàng thứ tám. Dòng chữ trên tấm mộ bia làm hồi ức năm xưa sống lại.

    Năm nay, 2017, khi Hoa Kỳ đang đánh dấu nửa thế kỷ kể từ cao điểm chiến tranh Việt Nam ác liệt nhứt vào năm 1967-1968 thì chiến công của một thanh niên dũng cảm trong chiến đấu, bền gan trong ngục tù, dù bị hành hạ tra tấn một cách dã man, vẫn sống sót để trở về từ cõi chết lại xuất hiện trên truyền thông Mỹ.

    Dẫu cuộc chiến Việt Nam (theo cách gọi của người Mỹ) vẫn còn chia rẽ người Mỹ một cách sâu sắc; nhưng họ cũng có cùng một điểm chung là: “Chúng ta, những người may mắn còn sống sót sau cuộc chiến, không bao giờ được phép quên lãng những người đã nằm xuống!”


    đoàn xuân thu.


    Nguồn:http://vietluan.com.au

              
Trả lời

Quay về “Vào cuộc chiến”