Một câu chuyện nghiệp báo

Trả lời
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Một câu chuyện nghiệp báo

Bài viết bởi lan huệ »

Một câu chuyện nghiệp báo
Ingwa-banashi (1)
In Ghostly Japan by Lafcadio Hearn
LH dịch







Phu nhân của ngài lãnh chúa đang hấp hối, và biết mình sắp chết. Bà không thể rời khỏi giường bệnh từ đầu mùa thu niên hiệu Bunsei thứ mười. Bây giờ là tháng tư niên hiệu Bunsei thứ mười hai,-- năm 1829 dương lịch; và anh đào đang tưng bừng trổ hoa. Phu nhân nghĩ đến những cây anh đào trong vườn, và đến sự an lạc của mùa xuân. Bà nghĩ đến những đứa con. Bà nghĩ đến các nàng hầu của chồng,-- đặc biệt là Tiểu thiếp Yukiko, mười chín xuân thì.

"Phu nhân yêu quý," vị lãnh chúa nói, "nàng đã đau đớn trong ba năm dài. Ta đã làm tất cả những gì ta có thể làm, mong cho nàng khỏi bệnh, -- canh thức bên nàng ngày đêm, cầu nguyện cho nàng, và thường xuyên tiết thực vì nàng. Nhưng mặc cho sự chăm sóc ân cần của ta, mặc cho tài năng của những y sĩ xuất sắc nhất, dường như chẳng bao lâu nữa cuộc đời của nàng sẽ chấm dứt. Trước khi nàng lìa bỏ thế gian này, nơi mà đức Phật đích thị gọi là ngôi nhà lửa, có lẽ nỗi đau buồn của ta sẽ lớn hơn nỗi đau buồn của nàng. Ta sẽ ra lệnh tiến hành -- bằng bất cứ giá nào-- nghi thức của mọi tôn giáo, để chuẩn bị cho sự tái sinh của nàng; và tất cả mọi người sẽ cầu nguyện không ngừng, để nàng không phải vất vưởng trong U minh giới mà nhanh chóng nhập cõi Niết bàn, đạt thành chánh quả."


Lãnh chúa nhẹ nhàng nói, trong lúc ôm chặt phu nhân. Rồi, mắt vẫn nhắm nghiền, phu nhân trả lời chồng bằng một giọng nói mỏng manh như tiếng côn trùng:--


"Thiếp cảm kích -- vô cùng cảm kích -- lời nói từ ái của chàng.... Vâng, chàng nói đúng, thiếp đã ngã bệnh suốt ba năm, thiếp đã được chăm sóc một cách chu đáo nhất, ân cần nhất.... Thế mà, ngay lúc cận kề cái chết, thiếp lại quay lưng với con đường chánh pháp thật sao?.... Có lẽ tưởng nhớ những chuyện trần thế lúc này thì không phải chút nào; -- nhưng thiếp có một nguyện vọng,--chỉ một mà thôi.... Hãy vời Tiểu thiếp Yukiko đến đây cho thiếp gặp; -- chàng biết thiếp yêu cô ấy như em gái của mình. Thiếp muốn bàn với cô ấy một số việc nhà."


Yukiko đến như lời gọi của lãnh chúa, và theo hiệu của ngài, nàng quỳ xuống cạnh giường. Phu nhân mở mắt ra, và nhìn Yukiko, và nói: --"A, Yukiko đây rồi! Ta rất vui được gặp em, Yukiko!... Nhích lại gần đây một chút,-- để nghe ta rõ hơn: Ta không thể nói lớn... Yukiko, ta sắp chết. Ta mong em luôn luôn trung thành với ngài, -- bởi ta muốn em sẽ thay thế địa vị của ta, khi ta không còn nữa...Ta hy vọng em mãi mãi được ngài yêu dấu, -- vâng, gấp trăm lần ta đã được dấu yêu,-- và em sẽ sớm có một chỗ đứng cao hơn, trở thành chánh thất... Và ta xin em lúc nào cũng trân quý ngài; không bao giờ để cho một người đàn bà khác đánh cắp tình yêu của ngài.... Đấy là những gì ta muốn nói với em, Yukiko thương mến.... Em có hiểu chăng?"


"Ôi, đại nương," Yukiko phản kháng, "tiện nữ xin đại nương chớ nói với tiện nữ những điều lạ lùng như thế! Đại nương thừa biết, tiện nữ xuất thân nghèo hèn, lam lũ: -- làm sao tiện nữ dám mơ mộng trở thành vợ quý của ngài!"


"Không, không!" phu nhân đáp lại, giọng khàn đục, --"đây không phải là lúc dành cho những lời khách sáo: chúng ta hãy thành thật với nhau. Sau cái chết của ta, chắc chắn em sẽ được đưa lên một địa vị cao hơn; và ta bảo đảm với em, ta muốn em trở thành vợ chánh-- vâng, ta mong mỏi điều ấy, Yukiko, còn hơn cả mong mỏi được thành Phật!... A, suýt chút nữa ta đã quên!-- ta muốn em làm cho ta một việc, Yukiko. Em biết là trong vườn có một cội anh đào hoa kép yae-zakura, (2) đã được đem về đây, năm kia, từ Núi Yoshino ở Yamato. Ta nghe nói hoa đang bừng nở; -- và ta rất muốn nhìn thấy cây ấy phủ hoa! Trong chốc lát ta sẽ chết;--ta muốn thấy nó trước khi chết. Ta ước gì em đưa ta ra vườn-- ngay bây giờ, Yukiko, -- để ta có thể nhìn ngắm nó... Vâng, trên lưng em, Yukiko ạ; -- hãy cõng ta trên lưng em...."


Trong khi đòi hỏi như vậy, giọng của phu nhân trở nên rõ ràng và mạnh mẽ,-- như thể sự cuồng nhiệt trong ước muốn của bà đã nảy sinh một sức mạnh mới; và thình lình bà bật khóc. Yukiko vẫn quỳ yên một chỗ, không biết phải làm gì; nhưng ngài lãnh chúa gật đầu.


"Đây là ước nguyện cuối cùng của phu nhân," ngài nói. "Nàng vẫn luôn yêu thích hoa đào; và ta hiểu, nàng tha thiết muốn nhìn ngắm cội đào Yamato ấy trổ hoa. Nào, Yukiko, hãy làm theo ý muốn của phu nhân."


Như một chị vú đưa lưng cho đứa trẻ để nó bám vào, Yukiko chìa bờ vai cho phu nhân, và nói:--


"Thưa đại nương, tiện nữ đã sẳn sàng. Xin đại nương chỉ dạy."


"Hướng này cơ!"-- người đàn bà hấp hối trả lời, nhỏm dậy với một sức mạnh gần như siêu phàm, và bám vào vai Yukiko. Vừa đứng lên, bà đã lập tức luồn hai bàn tay gầy guộc của mình dưới lớp áo của cô gái, chồm qua vai, xuống cặp nhũ hoa của nàng, bấu lấy chúng... và phát ra một tiếng cười tai quái.


"Ta đã mãn nguyện!" bà kêu lên--"Ta mong ước hoa đào, (3)--nhưng không phải thứ hoa đào nở trong vườn!....Ta không thể chết nếu chưa đạt được ước nguyện. Bây giờ ta đã có nó rồi!-- ôi, sung sướng biết bao!"


Cùng với những lời này, bà ngã sấp xuống cô gái đang phủ phục, và chết.


Các tỳ nữ vội đỡ lấy thân hình của bà, kéo khỏi bờ vai của Yukiko, để đặt xuống giường. Nhưng-- thật lạ lùng!--công việc tưởng chừng dễ dàng này lại không thể thực hiện được. Đôi bàn tay lạnh lẽo đã dính, theo một cách không thể lý giải, vào cặp nhũ hoa của cô gái,-- dường như chúng đã mọc vào da thịt của người sống. Yukiko bất tỉnh, vì kinh hoảng và đau đớn.


Bác sĩ được mời đến. Họ không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Không một phương pháp thông thường nào có thể tách hai bàn tay người chết khỏi thân thể của nạn nhân;-- chúng dính với nhau khít khao đến mức chỉ thử rứt ra, máu đã chảy. Không phải vì những ngón tay bấu chặt: mà vì thịt của lòng bàn tay kết hợp với thịt của nhũ hoa thành một khối, theo một cách không thể giải thích.


Thuở ấy y sĩ giỏi nhất vùng Yedo là một người ngoại quốc,--một nhà phẫu thuật Hòa Lan. Người ta quyết định mời ông đến. Sau khi khám xét kỷ càng, ông nói ông không hiểu bệnh án này, và để khẩn cứu Yukiko, không có cách nào khác ngoài việc chặt đứt bàn tay người chết khỏi thi thể . Ông tuyên bố sẽ nguy hiểm, nếu cố tách bàn tay khỏi ngực cô gái. Người ta làm theo lời khuyên của ông, và chặt ngang ở cổ tay. Thế nhưng hai bàn tay vẫn dính vào cặp nhũ hoa; và không bao lâu chúng đã xạm đen và khô đét, như bàn tay của một người chết đã từ lâu.


Tuy thế, đây chỉ là khúc dạo đầu của sự kinh hoàng.


Mặc dù trông tàn héo và không một giọt máu, hai bàn tay vẫn không chết. Thỉnh thoảng chúng lại ngọ ngoạy--len lén, như những con nhện xám. Và mỗi đêm sau đó--luôn luôn bắt đầu từ giờ Sửu, (4)-- chúng lại bấu nghiến, vò ép và tra tấn. Chỉ đến giờ Dần cơn đau mới dừng lại.


Yukiko xuống tóc, trở thành một ni cô khất sĩ, có pháp danh là Dassetsu. Nàng đặt làm một tấm ibai, ghi thụy hiệu của người quá cố,--"Myo-ko-In-Den-Chizan-Ryo-Fu Daishi"; -- và mang nó theo khắp nơi; và mỗi ngày trước bài vị, nàng khẩn cầu sự tha thứ của người chết, và tụng niệm để linh hồn ghen tuông ấy sớm được an nghĩ. Nhưng một nghiệp báo có ảnh hưởng như vậy không thể chấm dứt một sớm một chiều. Mỗi đêm vào giờ Sửu, đôi bàn tay chưa bao giờ ngưng hành hạ nàng, suốt hơn mười bẩy năm,--theo lời chứng của những người đã được nàng kể lại lần sau chót, trong một đêm dừng chân tại nhà trọ Noguchi Dengozayemon, làng Tanaka, quận Kawachi, tỉnh Shimotsuke. Năm ấy là năm Kokwa thứ ba (1846). Sau đó không còn nghe tin tức gì của nàng nữa.



1. nghĩa đen là "câu chuyện ingwa." Ingwa là danh từ Phật giáo Nhật, chỉ những ác nghiệp hay quả báo do những sai lầm đã tạo nên từ tiền kiếp. Có lẽ giáo lý nhà Phật là cách giải thích hay nhất cho cái tựa đề gây tò mò và câu truyện này, rằng người chết chỉ có khả năng hãm hại người sống như hậu quả của các hành động tàn ác mà những người này đã gây từ một kiếp nào đó. Có thể tìm thấy tựa đề và câu truyện này trong tuyển tập Những câu chuyện kỳ lạ Hyaku-Monogatari.


2. Yae-zakura, yae-no-sakura, là một giống anh đào ở Nhật cho hoa kép, mỗi hoa có nhiều hơn 5 cánh.


3.Trong thi văn và phương ngữ Nhật Bản, sắc đẹp của một người đàn bà được ví như hoa anh đào; trong khi đức hạnh của phụ nữ được ví như hoa mận.


4. Theo cách tính giờ cổ của Nhật, giờ Sửu là giờ đặc biệt của ma quỷ. Giờ Sửu bắt đầu lúc 2 giờ sáng, kéo dài đến 4 giờ sáng--vì một giờ cổ của Nhật dài gấp đôi một giờ hiện đại. Giờ Dần bắt đầu lúc 4 giờ sáng.
:wlkdg:
Trả lời

Quay về “Góc Lan Huệ”