Lồng đèn hoa mẫu đơn

Trả lời
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Lồng đèn hoa mẫu đơn

Bài viết bởi lan huệ »

Hình ảnh



Lồng Đèn Hoa Mẫu Đơn


"In Ghostly Japan" by Lafcadio Hearn
LH dịch




I


Ngày xưa ở quận Ushigome, vùng Yedo, có một hatamoto tên là Iijima Heizayemon, người mà cô con gái độc nhất, Tsuyu, có một sắc đẹp thanh khiết như Sương Mai, hệt như ý nghĩa của tên nàng. IIijima cưới người vợ thứ khi con gái của mình khoảng mười sáu tuổi; và, thấy rằng O-Tsuyu không thể vui sống với mẹ kế, ông cho người xây một dinh thự xinh xắn ở Yanagijima cho con gái ra riêng, và cấp một tỳ nữ giỏi dang, tên là O-Yone, để hầu hạ nàng.


O-Tsuyu sống hạnh phúc trong căn nhà mới của mình cho đến một ngày kia, y sĩ của gia đình, ông Yamamoto Shijo, viếng thăm, đi cùng một chàng võ sĩ đạo trẻ tuổi tên là Hagiwara Shinzaburo, nhà ở khu Nedzu. Shinzaburo là một thanh niên tuấn tú khác thường, và rất phong nhã, và hai người trẻ tuổi đã yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Ngay cả trước khi cuộc viếng thăm chấm dứt, họ đã tìm được cách thề ước trọn đời bên nhau -- mà vị lương y không hay biết. Và, khi chia tay, O-Tsuyu khẻ nói với chàng tuổi trẻ, -- "Nhớ nhé! Nếu chàng không quay lại, chắc thiếp sẽ chết mất!"


Shinzaburo không bao giờ quên những lời này; và chàng nóng lòng gặp gỡ O-Tsuyu. Nhưng lễ giáo không cho phép chàng một thân một mình đến thăm nàng: chàng bắt buộc phải chờ một dịp khác để tháp tùng người y sĩ, ông đã hứa sẽ dẫn chàng đến dinh thự ấy một lần nữa. Thật chẳng may, ông lão không giữ lời. Ông đã nhận biết tình cảm bộc phát của O-tsuyu; và ông sợ rằng thân phụ của nàng sẽ buộc ông nhận trách nhiệm cho bất kỳ hậu quả nghiêm trọng nào. Iijima Heizayemon đã lừng danh với thói chặt đầu. Và càng nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra vì đã giới thiệu Shinzaburo đến dinh thự Iijima, ông càng lo sợ. Do đó ông cố tình không nhắn gọi người bạn trẻ của mình.


Nhiều tháng trôi qua, và O-Tsuyu, không biết lý do thực sự việc trễ nãi của Shinzaburo, tin rằng tình của mình bị rẻ rúng. Rồi ôm nỗi khổ sầu, nàng phát bệnh và qua đời. Chẳng bao lâu, O-Yone tỳ nữ trung thành của nàng, cũng mất theo vì thương tiếc tiểu thư của mình; và hai người được chôn cất bên nhau trong nghĩa trang của Shin-Banzui-In, một ngôi chùa cho đến nay vẫn tồn tại ở ngoại ô Dango-Zaka, nơi lễ hội hoa cúc nổi tiếng diễn ra hàng năm.


1. Hatamoto là các võ sĩ đạo (samurai) tạo nên lực lượng quân sự đặc biệt của các Tướng quân (Shogun). Hatamoto nghĩa đen là "Người ủng hộ Trướng, Cờ". Đây là tầng lớp võ sĩ đạo cao nhất, -- không những như là thuộc cấp trực tiếp của Tướng Quân, mà còn như là những nhà quý tộc quân sự.
Last edited by lan huệ on Thứ bảy 31/10/15 23:38, edited 4 time in total.
:wlkdg:
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Lồng đèn hoa mẫu đơn

Bài viết bởi lan huệ »

II



Shinzaburo không hề biết chuyện gì đã xảy ra; nhưng nỗi thất vọng và lo âu đã khiến cho chàng lâm trọng bệnh. Rồi chàng hồi phục dần, nhưng vẫn còn yếu ớt khi Yamamoto Shijo thình lình đến thăm chàng. Lão ông viện dẫn nhiều cớ để bao biện sự thất hứa của mình. Shinzaburo nói với ông: "Tôi bị bệnh từ đầu mùa xuân cho đến nay; - ngay cả bây giờ tôi cũng chưa ăn uống được... Có tệ lắm chăng khi tiên sinh chẳng hề đến thăm? Tôi nhớ là chúng ta đã hẹn sẽ cùng đi đến dinh của tiểu thư Iijima thêm lần nữa; tôi mong sẽ được tặng cho tiểu thư một chút quà để đáp lại lòng hiếu khách của nàng.Tất nhiên tôi không thể đi một mình."

Shijo buồn bã trả lời: "Tôi rất tiếc báo cho công tử biết rằng tiểu thư đã qua đời!"

"Đã qua đời!" Shinzaburo lập lại, mặt trắng nhợt, -- "tiên sinh nói rằng nàng đã chết?"

Lão y im lặng một thoáng như để lấy lại bình tĩnh; rồi ông tiếp tục, với giọng nói của một người đàn ông đã quả quyết không coi khó khăn là quan trọng:-

"Tôi có lỗi lớn là đã giới thiệu công tử với tiểu thư; vì thế dường như tiểu thư đã yêu công tử ngay tức thì. Tôi ngờ rằng, khi hai người ở trong căn phòng nhỏ, công tử đã nói một điều gì đó với tiểu thư để khuyến khích tình cảm ấy. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy tiểu thư đã yêu thích công tử như thế nào; rồi tôi cảm thấy lo ngại - tôi sợ phụ thân của nàng biết chuyện, và sẽ đổ trọn mọi trách móc lên tôi. Vì thế -- thú thật với công tử -- tôi quyết định không liên lạc với công tử; và tôi chủ tâm lẫn tránh một thời gian. Nhưng, chỉ mấy ngày trước đây, tình cờ đến dinh thự của ngài Iijima, tôi nghe nói, thật không ngờ, rằng tiểu thư đã qua đời và tỳ nữ O-Yone cũng thế. Rồi, nhớ lại những gì đã xảy ra, tôi hiểu tiểu thư đã chết vì tình yêu với công tử! [Cười lớn] A, công tử đúng là con người tội lỗi! Vâng, đúng vậy! [Cười to] Phải chăng được sinh ra quá tuấn tú làm cho các thiếu nữ chết vì yêu mình là một tội lỗi? (1) [Nghiêm trang] Thôi, chúng ta hãy để người chết yên thân. Chẳng có ích gì khi bàn bạc thêm nữa; -- tất cả những gì công tử có thể làm bây giờ là trì niệm hồng danh Nembutsu cho nàng(2) ... Xin kiếu từ."

Và ông lão vội vã bỏ đi; -- không muốn kéo dài câu chuyện về một sự kiện đau lòng mà ông tự cảm thấy có phần trách nhiệm, dù không cố ý.





(1) Có thể cuộc đối thoại này với độc giả Tây Phuong là kỳ lạ; như nó đúng thực với cuộc đời. Toàn cảnh này rất đặc trưng Nhật Bản.

(2) Niệm Namu Amida Butsu! ("Nam mô A Di Đà Phật!"); - lập đi lập lại, như một lời cầu nguyện, cho lợi lạc của người chết.

Last edited by lan huệ on Thứ hai 19/10/15 11:23, edited 2 time in total.
:wlkdg:
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Lồng đèn hoa mẫu đơn

Bài viết bởi lan huệ »

III




Shinzaburo u mê một thời gian vì quá đau khổ trước cái chết của Tsuyu. Nhưng một khi trí óc minh mẫn trở lại, chàng khắc tên nàng lên thẻ làm bài vị, đặt lên bàn Phật tại gia, dâng lễ, và tụng kinh. Mỗi ngày sau đó chàng đều dâng lễ, niệm Nembutsu, và hình bóng của O-Tsuyu không bao giờ ra khỏi tâm trí của chàng.


Không có gì làm thay đổi nhịp điệu nhàm chán của nỗi tịch liêu của chàng, cho đến khi mùa Bon tới, --Lễ hội của Người Chết, -- ngày mười ba tháng bẩy. Khi ấy chàng trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mọi việc tươm tất; -- treo lồng đèn bên ngoài dẫn đường cho các linh hồn phiêu bạt, và bày dĩa thức ăn của người chết trên các shoryodana, Kệ của Linh hồn. Và buổi tối đầu tiên của lễ Bon, khi mặt trời đã khuất, chàng thắp một ngọn đèn nhỏ trước bài vị của O-Tsuyu, cũng như thắp các đèn lồng.


Đêm trong, với trăng sáng, -- và không gió, và rất ấm. Shinzaburo bước ra hiên cho mát. Phong phanh trong lớp áo mỏng mùa hè, chàng ngồi đó nghĩ ngợi, mơ màng, thương tiếc; -- lúc thì phe phẩy quạt; lúc thì đốt chút hương cho khói xua đi muỗi mòng. Mọi thứ đều im lặng. Đây là một khu dân cư thưa thớt, rất ít người vãng lai. Chàng chỉ nghe tiếng con suối nhỏ trong xóm róc rách, và tiếng những dạ trùng rả rít.


Nhưng sự yên tĩnh bất ngờ bị phá tan bởi tiếng khua của những geta(1) của phụ nữ -- lộc cộc, lộc cộc; -- và tiếng động này càng lúc càng gần hơn, dồn dập, cho đến khi chúng tới bên bờ dậu. Rồi Shinzaburo, cảm thấy tò mò, nhón chân, nhìn qua hàng rào; và chàng thấy hai người đàn bà đi qua. Một cô, cầm một chiếc lồng đèn mỹ miều trang trí với hoa mẫu đơn, (2) có vẻ như là tỳ nữ; -- cô kia là một thiếu nữ mảnh mai độ chừng mười bẩy tuổi, mặc một chiếc áo thụng tay dài, thêu những đóa hoa mùa thu. Gần như cùng một lượt, cả hai người quay mặt về phía Shinzaburo; -- và trong nỗi ngạc nhiên tột cùng, chàng nhận ra O-Tsuyu và O-Yone, tỳ nữ của nàng.


Họ lập tức đứng lại; và cô gái kêu to, --"Ôi, sao mà lạ lùng thế này!... Hagiwara Sama!"


Shinzaburo cùng một lúc cũng gọi người tỳ nữ: -- "O-Yone! A, ngươi đấy à O-Yone!--- Ta còn nhớ rõ ngươi."


"Hagiwara Sama!" O-Yone kêu lên kinh ngạc tột độ. "Tiện nữ không thể tin được! .. .Thưa công tử, thế mà người ta bảo rằng công tử đã chết."


"Sao khủng khiếp thế!" Shinzaburo kêu lên. "Ta lại được bảo rằng cả hai chủ tớ nhà ngươi đều đã chết."


"A, thật là một câu chuyện đáng ghét!" O-Yone đáp lời. "Sao họ lập lại những chữ xui xẻo ấy nhỉ?... Ai nói với công tử như thế, thưa công tử?"


"Xin mời vào trong," Shinzaburo nói; -- "trong đó chúng ta dễ trò chuyện hơn. Cửa vườn đang mở."


Cho nên họ đi vào, và trao đổi những câu chào hỏi; và sau khi họ an vị, Shinzaburo nói:--


"Ta tin rằng các cô đã tha thứ cho tội khiếm nhã của ta, vì trong một thời gian dài, ta đã không đến viếng tiểu thư. Nhưng Y sĩ Shijo, cách đây độ một tháng, nói với ta rằng hai cô cháu đều chết."


"Vậy người nói với công tử chính là ông ấy, thưa công tử?" O-Yone hỏi. "Ông ấy thật là ác độc khi nói như thế. Xem nào, chính Shijo cũng là người bảo với tiện nữ rằng công tử đã chết. Tiện nữ nghĩ rằng ông ấy muốn lừa dối công tử, -- là một chuyện không khó, vì công tử rất thật thà và cả tin. Có lẽ tiểu thư của tiện nữ đã sơ xuất nói vài tiếng tiết lộ lòng ái mộ đối với công tử, và những lời ấy đã đến tai của phụ thân nàng; và, trong trường hợp ấy, có lẽ kế mẫu O-Kuni đã lập mưu để ngài y sĩ nói lại với công tử là tiểu thư đã chết, và như thế chia rẻ chúng ta. Dù sao, khi tiểu thư nghe tin công tử từ trần, tiểu thư lập tức muốn cắt tóc đi tu; nhưng tiện nữ đã khuyên tiểu thư đừng cắt tóc, và tiện nữ thuyết phục tiểu thư, rằng hãy chỉ là nữ tu trong lòng. Sau đó phụ thân của tiểu thư muốn tiểu thư kết hôn với một thiếu gia nào đó; và tiểu thư từ chối. Rồi rất nhiều điều phiền nhiễu đã xảy ra, -- phần lớn do phu nhân O-Kuni gây nên; -- rồi chúng tôi bỏ dinh thự ra đi, và dọn vào một căn nhà nhỏ tại Yanaka-no-Sasaki. Hiện giờ chúng tôi mưu sinh khá chật vật, làm chút việc vặt... Từ đó cho tới nay, lúc nào tiểu thư cũng niệm hồng danh Nembutsu cho công tử. Hôm nay là ngày thứ nhất của lễ Bon, chúng tôi đi lễ chùa; và chúng tôi trên đường về nhà -- do đó trời đã tối -- khi cuộc tao ngộ lạ lùng này xảy ra."


"Ôi, sao mà kỳ diệu!" Shinzaburo kêu. "Có thể nào đây là sự thật?-- hay chỉ là một giấc chiêm bao? Ở đây, ta cũng thường xuyên đọc Nembutsu trước bài vị của nàng! Hãy nhìn đây!" Và chàng chỉ cho họ thấy tấm bài vị của nàng đặt trên Kệ của các Linh Hồn.


"Chúng tôi cảm kích nhiều hơn nữa, nhưng chỉ có thể bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi trước thịnh tình của công tử," O-Yone trả lời, mỉm cười... "Bây giờ đến lượt tiểu thư, --nàng tiếp tục nói, quay sang O-Tsuyu, từ nãy đến giờ vẫn ngồi yên một cách nhu mì, và im lặng, tay áo che nửa mặt--"tiểu thư của tiện nữ, nàng thực sự có bày tỏ rằng, vì công tử, nàng không sợ bị phụ mẫu từ bỏ trong bẩy kiếp, (3) nàng cũng không sợ bị thân phụ giết hại! Nào, công tử sẽ không cho phép tiểu thư ở lại đây đêm nay?"


Shinzaburo tái mặt đi vì mừng rỡ. Chàng trả lời, giọng run rẩy vì xúc động mạnh:--"Xin ở lại; nhưng đừng nói chuyện lớn tiếng-- có một người hay gây phiền nhiễu ở gần đây, một ninsomi (4) tên là Kahuodo Yusai, ông ta biết tiên đoán vận mạng bằng cách quan sát nét mặt. Ông ta có tánh tò mò tọc mạch; và nếu ông ta không biết gì thì tốt nhất."


Hai người đàn bà đêm ấy ở lại nhà của người võ sĩ đạo trẻ, và trở về nhà họ trước khi trời rạng sáng. Và sau đó họ trở lại hàng đêm, liên tiếp bẩy đêm -- bất kể thời tiết xấu đẹp, -- luôn luôn đến cùng giờ. Và Shinzaburo càng lúc càng mặn nồng với thiếu nữ, và hai người gắn bó, người này với người kia, bằng một mối liên kết của ảo vọng còn mạnh hơn là xiềng xích.





1. Komageta trong nguyên tác. Geta là guốc gỗ, có nhiều kiểu khác nhau, có kiểu rất thanh lịch. Komageta, hay còn gọi là "pony-geta" vì tiếng dội của guốc trên mặt đất nghe như tiếng móng ngựa con gõ trên đường.

2. Loại lồng đèn này hiện giờ không được sản xuất nữa; và ta có thể biết hình dạng của nó dựa vào tấm tranh đính kèm câu chuyện này. Nó hoàn toàn không giống những lồng đèn hiện đại ở trong nước, được vẽ huy hiệu của giòng họ; nó cũng không phải hoàn toàn không giống một số lồng đền hiện vẫn còn làm cho Lễ Hội của Người Chết, và được gọi là Bon-doro. Những bông hoa trang trí không phải là hoa vẽ: chúng là hoa nhân tạo bằng lụa crepe, và được gắn trên đỉnh của đèn lồng.

3. "Suốt bẩy cuộc đời," -- nghĩa là, liên tiếp suốt bẩy kiếp đầu thai. Không hiếm những trường hợp cha từ bỏ con trong bẩy kiếp ở các bi kịch và tiểu thuyết tình cảm Nhật Bản. Sự từ bỏ này gọi là shichi-sho made no mando, truất quyền thừa kế trong bẩy kiếp, -- nghĩa là sau cuộc đời này khi người con trai hay con gái hư hỏng bị ruồng bỏ, họ còn phải chịu thêm sáu kiếp như thế trong tương lai.

4. Nghề này vẫn còn tồn tại. Người ninsomi sử dụng một thứ kính phóng đại (hay đôi khi gương phóng đại) gọi là tengankyo hay là ninsomegane.

Last edited by lan huệ on Thứ hai 26/10/15 08:54, edited 1 time in total.
:wlkdg:
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Lồng đèn hoa mẫu đơn

Bài viết bởi lan huệ »

IV



Khi ấy có một người tên là Tomozo, sống trong căn nhà nhỏ liền kề với tư dinh của Shinzaburo. Tomozo và vợ là O-Mine cùng là nô bộc của Shinzaburo. Dường như cả hai đều tận tâm phục vụ chủ nhân trẻ của mình; và nhờ sự giúp đỡ của chàng, họ có thể sinh sống một cách tương đối thoải mái.

Một đêm nọ, đã rất khuya, Tomozo nghe tiếng đàn bà từ khu vực của chủ nhân vẳng ra; và việc này khiến hắn không yên tâm. Hắn sợ là Shinzaburo, vốn hiền lành và tốt bụng, có thể trở thành nạn nhân của một cô gái lẳng lơ quỷ quyệt nào đó; -- mà trong tình huống này, gia nhân sẽ là những người thiệt thòi trước nhất. Vì thế hắn quyết định sẽ canh chừng; và vào đêm kế tiếp, hắn nhón gót đi rón rén tới nhà Shinzaburo, rồi nhìn qua khe một trong các tấm cửa lùa. Dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc lồng đèn ngủ trong phòng, hắn có thể trông thấy chủ nhân của mình và một thiếu phụ lạ đang chuyện vãn trong màn. Thoạt tiên hắn không thể nhìn rõ thiếu phụ. Nàng quay lưng lại; -- hắn chỉ có thể nhận xét rằng nàng rất mảnh khảnh, và hình như rất trẻ, -- dựa vào kiểu áo và cách chải tóc.(1) Ghé tai vào khe hở, hắn có thể nghe rõ câu chuyện. Thiếu phụ nói:--

"Và nếu thiếp bị cha từ bỏ, chàng có để cho thiếp đến đây chung sống với chàng?"

Shinzaburo đáp:--

"Chắc hẳn rồi -- mà không, ta nên vui mừng vì có cơ may này chứ. Nhưng chẳng có lý do nào để lo sợ rằng nàng sẽ bị cha từ; bởi nàng là con gái duy nhất của ngài, và ngài rất yêu nàng. Điều làm ta lo sợ chính là một hôm nào đó chúng ta sẽ bị nhẫn tâm chia cách."

Nàng khẻ nói:--

"Không bao giờ, không bao giờ thiếp có thể nghĩ rằng thiếp sẽ chấp nhận một người đàn ông nào khác làm chồng. Ngay khi bí mật của đôi ta bị lộ, và cha thiếp có giết thiếp vì những gì thiếp đã làm đi nữa, thiếp vẫn -- cả sau cái chết -- thiếp vẫn không bao giờ thôi nghĩ tới chàng. Và giờ đây thiếp hiểu rằng chính chàng cũng không sống nổi nếu không có thiếp."... Rồi tựa sát vào người đàn ông, môi kề trên cổ chàng, nàng mơn trớn; và chàng đáp trả những âu yếm đó.

Tomozo thắc mắc khi lóng nghe, -- bởi ngôn từ của thiếu phụ không phải là thứ ngôn từ của một người đàn bà tầm thường, mà của một tiểu thư con nhà. (2) Rồi bất kể nguy hiểm, hắn quyết phải nhìn mặt của thiếu phụ; hắn thận trọng di chuyển thật chậm quanh nhà, từ trước ra sau và từ sau ra trước, ghé mắt qua từng khe hở hay kẻ nứt nhỏ; và cuối cùng hắn cũng nhìn thấy; -- nhưng lập tức một cơn run rẩy giá băng xâm chiếm hắn; và tóc của hắn dựng ngược trên đầu.

Vì mặt là mặt của một người đàn bà chết đã lâu; -- và những ngón tay mơn man là những đốt xương trắng hếu; -- và thân hình từ thắt lưng trở xuống không có hình thù gì cả; nó chảy tan hòa lẫn vào thứ bóng tối dài ngoằng thưa loãng nhất. Ở nơi mà người tình điên đảo nhìn thấy nét xuân thì, duyên dáng và kiều diễm thì người quan sát chỉ nhìn thấy nỗi kinh hoàng, và sự rỗng không của cái chết. Cùng lúc ấy, một người đàn bà khác, hình dạng kỳ dị hơn, từ trong phòng đứng dậy và nhanh chóng đi về phía người quan sát, như thể đã phát hiện sự có mặt của hắn. Rồi, khiếp đảm tột độ, hắn vùng chạy qua nhà của Hakuodo Usai, và đập cửa một cách hoảng loạn, làm người này thức dậy.



1. Phong tục Nhật quy định chặt chẻ màu sắc, hình dáng của áo, và kiểu chải bới tóc đúng theo tuổi tác của phụ nữ.

2. Văn nói của võ sĩ đạo và các giai cấp quý tộc rất khác biệt với các thành ngữ phổ thông; nhưng sự khác biệt này khó có thể thể hiện thành công trong Anh Ngữ.
:wlkdg:
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Lồng đèn hoa mẫu đơn

Bài viết bởi lan huệ »

V



Hakuodo Yusai, nhà tướng số ninsomi, là một người tuổi đã cao; nhưng thời trẻ ông du ngoạn nhiều nơi, nghe và thấy nhiều thứ đến nổi khó có chuyện gì có thể làm ông ngạc nhiên. Thế nhưng câu chuyện của Tomozo kinh hãi đã khiến ông cảm thấy cảnh giác lẫn thú vị. Ông từng đọc ở cổ thư Trung Hoa tình yêu giữa người sống với kẻ chết; nhưng chưa bao giờ ông tin chuyện ấy là có thực. Thế mà giờ đây ông lại cho rằng những lời tuyên bố của Tomozo không phải giả trá, và có một chuyện gì đó rất đỗi lạ lùng đang xảy ra tại nhà của Hagiwara. Nếu những gì Tomozo tưởng tượng lại hóa ra sự thật, thì mệnh bạc của người võ sĩ đạo đã an bài.


"Nếu người đàn bà ấy là ma," -- Yusai nói với tên nô bộc hãy còn khiếp đảm, "-- nếu người ấy là ma, chủ nhân của ngươi không bao lâu nữa phải chết, --ngoại trừ một chuyện phi thường nào đó cứu mạng ông ta. Và nếu người đàn bà ấy là ma, mặt ông ta sẽ có dấu hiệu của cái chết. Bởi thần khí của người sống là yoki, và trong sạch; -- thần khí của người chết là inki, và không trong sạch: cái này là Dương, cái kia là Âm. Người nào có vợ ma không thể sống. Ngay cả khi máu của anh ta có chứa sức mạnh của một cuộc đời dài trăm năm, sức mạnh ấy sẽ bị hủy hoại nhanh chóng... Tuy vậy, ta sẽ làm hết sức để cứu Hagiwara Sama. Trong thời gian này, Tomozo, ngươi không được nói cho ai điều gì hết, -- kể cả vợ của ngươi. Khi mặt trời lên, ta sẽ đến gặp chủ nhân của ngươi."




VI




Khi bị Yusai vặn hỏi vào sáng hôm sau, trước tiên Shinzaburo cố chối rằng không một người nữ nào đã đến với mình; nhưng rồi chàng hiểu sự dối trá thô thiển của chàng không hiệu quả, và tin rằng mục đích của lão ông hoàn toàn vô vị lợi, cuối cùng chàng thú nhận những gì đã xảy ra, và giải thích lý do chàng muốn giữ bí mật. Về phần tiểu thư Iijima, chàng có ý định, chàng nói, sẽ cưới nàng làm vợ ngay khi có thể được.


"Ôi, điên rồ quá!" Yusai gào lên, -- đánh mất lòng kiên nhẫn vì quá đổi cảnh giác. "Ngài cần biết, thưa ngài, những người đến đây, đêm này qua đêm khác, đã chết! Ngài đang bị một ảo vọng khủng khiếp ám ảnh!... Tại sao ư, có một sự kiện đơn giản là từ lâu ngài tin rằng O-Tsuyu đã chết, đã niệm chú Nembutsu cho nàng, đã cúng kiến trước bài vị của nàng, sự kiện ấy tự thân nó là một bằng chứng!... Môi người chết đã hôn ngài! Bàn tay của người chết đã âu yếm ngài!... Ngay trong giờ phút này lão còn thấy dấu tích của cái chết trên mặt ngài -- thế mà ngài còn không tin!... Hãy nghe lão nói, thưa ngài, -- lão van xin ngài, -- nếu ngài muốn tự cứu mạng: bằng không chẳng đầy hai mươi hôm nữa ngài sẽ chết. Họ nói với ngài-- những người đó-- rằng họ ngụ tại quận Shitaya, vùng Yanaka-no-Sasaki. Có bao giờ ngài đến viếng nơi ấy hay chưa? Chưa! -- dĩ nhiên là chưa! Vậy hôm nay hãy đến đó, -- ngay khi nào có thể, -- đến Yanaka-no-Sasaki, và cố tìm cho ra nhà của họ!..."


Sau khi thốt ra lời khuyên này với lòng nhiệt tình nhất, Kakuodo Yusai đột ngột ra về.



Shinzaburo, hốt hoảng nhưng vẫn bán tín bán nghi, sau khi ngẫm nghĩ đã quyết định làm theo lời khuyên của thầy tướng số ninsomi, lên đường đi Shitaya. Ngày còn sớm khi chàng tới Yanaka-no-Sasaki, và bắt đầu tìm nhà trọ của O-Tsuyu. Chàng rảo qua từng phố dọc phố ngang, đọc tất cả tên họ khắc trên các loại cổng chào, và mỗi khi có dịp chàng lại hỏi thăm. Nhưng chàng không thể tìm thấy thứ gì tương tự ngôi nhà nhỏ mà O-Yone đã nói; và không ai được hỏi lại biết tới căn nhà nhỏ có hai người đàn bà cư ngụ. Cuối cùng cảm thấy chắc chắn rằng có tìm nữa cũng vô ích, chàng quay về nhà theo con đường ngắn nhất, tình cờ thế nào lại lạc đến khuôn viên chùa Shin-Banzui-In.



Chàng bất chợt để ý tới hai tấm bia mới lập, nằm cạnh nhau, đàng sau chùa. Một tấm tầm thường, như thể dành cho một người có địa vị khiêm tốn; tấm kia to và tráng lệ; ở trước có treo một chiếc lồng đèn hoa mẫu đơn rất đẹp, có lẽ ai đó bỏ lại từ ngày Lễ của Người Chết. Shinzaburo nhớ chiếc lồng đèn hoa mẫu đơn mà O-Yone cầm cũng giống hệt vậy; và chàng thấy sự trùng hợp này quả là kỳ lạ. Chàng nhìn hai tấm bia một lần nữa, nhưng chúng không nói lên một điều gì cả. Không có cái nào ghi tên tộc, --chỉ ghi kaimyo, pháp danh của người chết. Rồi chàng quyết định tìm hỏi nhà chùa. Một người phụ tế nói, trả lời câu hỏi của chàng, tấm bia lớn mới dựng cách đây không lâu cho tiểu thư của ngài Iijima Heizayemon, hamamoto lãnh địa Ushigome; và tấm bia nhỏ bên cạnh là của nữ tỳ O-Yone, người đã chết vì thương tiếc không lâu sau tang lễ của tiểu thư.



Lập tức Shinzaburo nhớ lại, lần này mang một ý nghĩa khác, đen tối, lời của O-Yone: -- "Chúng tôi ra đi, và tìm được một căn nhà nhỏ ở Yanaka-no-Sasaki. Ở đó chúng tôi sinh sống khá chật vật -- làm một chút việc tư..." Đây đúng thực là một căn nhà nhỏ, -- và tại Yanaka-no-Sasaki. Nhưng chút việc tư là việc gì chứ...?



Kinh hoàng, chàng võ sĩ đạo chạy đến nhà của Yusai, van lơn lời khuyên và trợ giúp của lão. Nhưng Yusai bảo rằng lão không có khả năng trong trường hợp này. Tất cả những gì lão có thể làm là gởi Shinzaburo đến thượng tọa Ryoseki, trụ trì ở chùa Shin-Banzui-In, cùng với một lá thư, khẩn cầu sự phụ trợ tâm linh.
:wlkdg:
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Lồng đèn hoa mẫu đơn

Bài viết bởi lan huệ »

VII



Thượng tọa Ryoseki là một cao tăng uyên bác và đạo hạnh. Bằng huệ nhãn, ngài có thể hiểu bí mật của bất kỳ nổi khổ đau nào, cũng như tính chất của thứ nghiệp lực đã gây ra nó. Ngài ngồi yên, lắng nghe câu chuyện của Shinzaburo, và nói với chàng:--


"Có một nguy hiểm lớn lao đang đe dọa thí chủ, vì thí chủ từng phạm lỗi lầm ở một trong nhiều kiếp trước. Nghiệp chướng ràng buộc thí chú với linh hồn này sâu đậm lắm; nhưng nếu bần tăng có cố gắng giải thích, thí chủ cũng sẽ không hiểu. Vì lẽ đó bần tăng chỉ nói cho thí chủ biết một điều; -- linh hồn không muốn hảm hại thí chủ vì thù hận, cũng không cảm thấy đối nghịch với thí chủ: ngược lại, nó bị chi phối bởi một thứ tình cảm cuồng nhiệt nhất. Có lẽ tiểu thư đã thương yêu thí chủ từ một tiền kiếp xa xưa; -- cách đây không dưới ba, bốn kiếp; và dường như mặc dù nàng đã phải thay đổi hình dạng và điều kiện trong nhiều lần tái sanh liên tiếp, tiểu thư vẫn không thể nào ngừng theo đuổi thí chủ ... Cho nên, không dễ gì thoát khỏi ảnh hưởng của nàng... Bây giờ bần tăng cho thí chủ mượn linh vật mamori này (1) Đây là pho tượng bằng vàng ròng của đức Phật có danh hiệu Hải Triều Âm A Di Đà Phật, -- Kai-On-Nyorai, -- vì âm thanh của pháp giảng của Ngài vang trong thế gian như tiếng sóng biển. Pho tượng nhỏ này đặc biệt là một bùa trừ tà, shiryo-yoke (2) -- bảo vệ người sống khỏi kẻ chết. Thí chủ phải đeo tượng trong túi lụa, sát bên người, -- dưới lớp thắt lưng ... Ngoài ra, bần tăng sẽ lập một đàn giải oan tại chùa, là lễ segaki (3) cầu an cho vong hồn tức tửi... Và đây là kinh Ubo-Darani-Kyo, hay là kinh "Châu Báu Vũ" (4) mà thí chủ phải tụng mỗi đêm ở nhà -- không được xao lãng... Hơn thế nữa, bần tăng sẽ cho thí chủ một tập những đạo bùa yếm o-fuda (4);-- thí chủ phải dán một tờ trên mỗi lỗ hở trong nhà, -- dù nhỏ cho tới đâu chăng nữa. Làm như vậy, những lời kinh linh diệu sẽ ngăn chận ma quỷ không lọt vào trong nhà. Nhưng -- dù chuyện gì xảy ra chăng nữa-- đừng quên trì niệm kinh".


Shinzaburo đảnh lễ thượng tọa; và rồi, cùng với tượng, kinh và những đạo bùa, chàng vội vàng quay về nhà trước khi mặt trời lặn.



1. Mamori là danh từ tiếng Nhật mang nhiều ý nghĩa không kém danh từ "amulets" trong ngôn ngữ của chúng ta. Không thể nào, bằng một ghi chú đơn giản ở cuối trang, có thể kể hết các loại vật dụng mang tính cách tôn giáo của Nhật dưới tên này.Trong truyện, mamori là một pho tượng rất nhỏ, có lẽ được để trong một tiểu khán bằng gỗ sơn mài hay bằng kim loại, và đựng trong túi lụa. Võ sĩ đạo thường mang chúng trên mình. Gần đây tôi được xem một pho tượng Quán Thế Âm trong lồng sắt nhỏ mà một sĩ quan đã mang theo trong trận chiến Satsuma. Ông nhận thấy, hợp lý, rằng có lẽ ông đã được cứu mạng nhờ pho tượng; vì trên tượng còn thấy rõ vết móp chỗ viên đạn bắn trúng.
2. đến từ chữ shiryo, yêu ma, và chữ yokeru, trừ khử. Trong các truyền thuyết dân gian Nhật Bản, có hai thứ ma tiêu biểu: ma từ linh hồn của người chết, shiryo; và ma từ linh hồn của người sống, ikiryo. Một căn nhà hay một người có thể bị ám bởi ikiryo hoặc shiryo.
3. Một nghi thức đặc biệt, -- kèm theo đồ cúng như thức ăn, vân vân ... cho những linh hồn không có thân bằng quyến thuộc chu cấp, do đó được đặt tên như vậy. Trong truyện này, có thể là một nghi thức đặt biệt và ngoại lệ.
4. Viết là Ubo-Darani-Kyo có lẽ chính xác hơn. Đó là tên ghi theo âm tiếng Nhật, của một bài kinh rất ngắn được đại sư người Ấn, ngài Bất Không Kim Cương dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hoa, có lẽ vào thế kỷ thứ tám. Bản tiếng Hoa có nhiều chữ chuyển dịch từ một vài chữ Phạn bí ẩn, hẳn phải là thần chú, -- như các thần chú ta thấy ở bản dịch Diệu Pháp Liên Hoa Kinh của Kern, chương xxvi.
5. O-fuda là tên chung cho các kinh văn tôn giáo dùng làm bùa phép. Đôi khi chúng được đóng dấu hay nung khắc trên gỗ, nhưng thông thường chúng được viết hay in trên những rẽo giấy dài và hẹp. Người ta dán O-fuda lên cửa, trên tường, trên bài vị đặt ở bàn thờ trong nhà, vân vân và vân vân. Có loại được đeo trên người; -- có loại được vò thành viên, và uống như uống bùa trừ tà. Kinh văn trên o-fuda khổ lớn thường có những hình vẽ hay biểu tượng lạ kỳ đi kèm
.
:wlkdg:
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Lồng đèn hoa mẫu đơn

Bài viết bởi lan huệ »

VIII



Với lời khuyên và sự giúp đỡ của Yusai, Shinzaburo có thể dán các đạo bùa trên tất cả các lỗ hổng trong nhà mình trước khi trời tối. Rồi lão ông ninsomi trở về, -- để chàng trẻ tuổi lại một mình. Đêm tới, ấm và trong. Shinzaburo đóng chặt cửa, cột bùa quanh thắt lưng, chui vào màn, và dưới ánh sáng của một lồng đèn đêm bắt đầu tụng kinh Ubo-Darani-kyo. Trong một lúc lâu, chàng đọc nhưng chẳng hiểu gì mấy; -- rồi chàng cố gắng nghỉ ngơi một ít. Nhưng tâm trí của chàng rối bời vì những sự việc kỳ lạ xảy ra trong ngày. Nửa đêm đã qua; chàng vẫn không ngủ được. Cuối cùng chàng nghe tiếng chuông của đại tự Dentsu-In gióng lên báo giờ thứ tám. (1)



Chuông ngừng; rồi thình lình Shinzaburo nghe tiếng guốc vang lên từ hướng cũ, --nhưng lần này chậm rải hơn; lọc cọc-lọc cọc, lọc cọc-lọc cọc! Lập tức mồ hôi lạnh toát ra trên trán chàng. Vội vàng mở quyển kinh, với bàn tay run rẩy, chàng bắt đầu tụng lớn. Những bước chân gần hơn và gần hơn, -- đến hàng dậu, -- ngừng! Rồi, lạ lùng mà nói, Shinzaburo cảm thấy không thể ngồi yên trong màn; một điều gì đó mạnh hơn nỗi khiếp đảm thúc đẩy chàng phải tìm xem; và thay vì tiếp tục tụng kinh Ubo-Darani-Kyo, một cách ngu xuẩn chàng đi tới cửa sổ, ghé mắt qua một khe nhỏ nhìn vào bóng đêm. Chàng thấy O-Tsuyu đứng trước nhà, và O-Yone với chiếc đền lồng hoa mẫu đơn; và cả hai đang chăm chú ngó những câu kinh Phật dán bên trên cửa. Chưa bao giờ-- ngay cả khi còn sống-- O-Tsuyu lại diễm lệ như thế; và Shinzaburo cảm thấy trái tim của mình cuốn hút về nàng bởi một sức mạnh gần như không thể chống cự lại. Nhưng nỗi khiếp đảm cái chết và kinh sợ những điều chưa biết đã kềm giữ chàng; và sự giằng xé giữa tình yêu và sợ hãi trong nội tâm khiến chàng như một người mà cơ thể quằn quại trong Viêm nhiệt địa ngục.(2)



Rồi chàng nghe tỳ nữ nói, --


"Thưa tiểu thư, không có cách nào để vào. Hẳn trái tim của công tử Hagiwara Sama đã thay đổi. Lời hứa đêm qua đã tan vỡ, và cửa đóng then gài để ngăn cản chúng ta...Chúng ta không thể vào đó tối nay. Tiểu thư hãy khôn ngoan hơn, hãy quyết định đừng nghĩ gì tới công tử, vì tình cảm của công tử với tiểu thư chắc chắn đã phai nhạt. Rõ ràng là công tử không muốn gặp tiểu thư. Vì vậy tốt nhất tiểu thư đừng bận lòng đến con người bạc bẽo ấy."



Nhưng người con gái khóc thút thít, trả lời:


"Ôi, nghĩ đến chuyện xảy ra như thế này sau những lời thề ước mà chàng và ta đã trao đổi cho nhau!...Ta thường nghe nói lòng dạ của người đàn ông thay đổi nhanh như trời mùa thu; -- tuy nhiên ta chắc rằng trái tim của Hagiwara Sama không thể nào độc ác đến mức chàng thực tình muốn loại bỏ ta theo cách này!....Yone em ạ, hãy tìm cách đưa ta đến gặp chàng... Nếu em không làm, ta sẽ chẳng bao giờ, chẳng bao giờ trở về nhà."



Và như thế, nàng tiếp tục van lơn, tay áo dài thướt tha che mặt, -- và trông nàng đẹp não nùng, và thương tâm; nhưng nỗi sợ hãi cái chết lại quá mãnh liệt nơi tình lang của nàng.


Cuối cùng O-Yone đáp,--"Thưa tiểu thư, tại sao tiểu thư lại sầu khổ vì một người đàn ông dường như quá bạc ác như vậy?...Được rồi, hãy xem đàng sau nhà có chỗ nào chúng ta có thể đi vào hay không: hãy đi với em."



Và nắm tay O-Tsuyu, tỳ nữ dắt nàng ra sau; và cả hai đột nhiên biến mất nhanh như thể ngọn lửa tan khi ta thổi tắt ngọn đèn dầu.





1. Theo cách tính giờ cổ của Nhật Bản, yatsudoki hay tám giờ là hai giờ sáng. Mỗi giờ Nhật Bản tương đương với hai giờ Âu châu, do đó Nhật chỉ có sáu giờ thay vì mười hai giờ như chúng ta; và sáu giờ này có thể được đếm theo thứ tự ngược lại, --9, 8, 7, 6, 5, 4. Như vậy giờ thứ chín tương ứng với giữa trưa, hay nửa đêm của chúng ta; chín giờ rưởi tương ứng với một giờ của chúng ta; tám giờ ứng với hai giờ của chúng ta. Hai giờ sáng, còn gọi là "giờ Sửu," theo Nhật Bản, là giờ của ma quỷ.

2.En-netsu hay Sho-netsu (tiếng Phạn là "Tapana"), Viêm nhiệt địa ngục, là ngục nóng thứ sáu trong Bát Nhiệt Địa Ngục theo Phật Giáo Nhật. Một ngày trong ngục này tương đương với hàng ngàn (có người còn nói là hàng triệu) năm của đời người
:wlkdg:
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Lồng đèn hoa mẫu đơn

Bài viết bởi lan huệ »

IX



Đêm này qua đêm khác cứ đến giờ Sửu những bóng ma lại đến; và mỗi đêm Shinzaburo lại nghe tiếng than khóc nỉ non của O-Tsuyu. Tuy nhiên chàng tin mình đã thoát nạn, -- chàng không biết số phận của chàng bị định đoạt bởi tính cách của thuộc hạ của mình.

Tomozo hứa với Yusai là không được nói với ai -- kể cả O-Mine-- về sự việc lạ lùng đang xảy ra. Nhưng chẳng bao lâu, Tomozo đã bị các con ma hành hạ không yên. Hằng đêm O-Tsuyu vào nhà hắn, đánh thức hắn dậy, và yêu cầu hắn phải lột bỏ đạo bùa dán bên trên một cửa sổ rất nhỏ đàng sau nhà của ông chủ. Và Tomozo, quá sợ hãi, thường hứa hẹn với nàng rằng hắn sẽ lấy nó đi trước tối hôm sau; thế nhưng qua ngày mai hắn lại không thể quyết định gỡ xuống, --vỉ tin rằng Shinzaburo sẽ gặp phải sự xấu. Cuối cùng, trong một đêm giông bão, O-Yone làm hắn giật mình tỉnh giấc bằng một lời rên xiết ai oán, và cúi đầu trên gối của hắn, và nói với hắn: "Hãy nghĩ lại cách nhà ngươi đã cư xử tệ bạc với chúng ta! Nếu, đến tối mai ngươi vẫn chưa lấy đạo bùa ấy xuống, ngươi sẽ biết tay ta!" Và nàng tạo ra một gương mặt kinh khủng đến độ Tomozo xuýt chết đi vì khiếp đảm.


O-Mine, vợ của Tomozo, đến lúc ấy vẫn chưa hay biết về những lần các hồn ma đến viếng: ngay cả chồng thị cũng nghĩ rằng chúng có lẽ chỉ là ác mộng. Nhưng đêm đặc biệt này, thình lình thức giấc, thị nghe tiếng đàn bà lầm thầm với Tomozo. Gần như cùng lúc, câu chuyện chấm dứt; và khi O-Mine nhìn quanh, thị thấy, dưới ngọn đèn ngủ, chỉ có chồng thị, --run rẩy và trắng nhợt vì sợ hãi. Người lạ đã biến mất; cửa nẻo đóng chặt: dường như không ai có thể vào nhà. Tuy nhiên thói ghen tuông của người vợ trỗi dậy; thị bắt đầu trách móc và cật vấn Tomozo đến mức hắn cho rằng hắn cần phải nói ra bí mật, và giải thích tình huống khó khăn mà hắn đang gặp phải.

Rồi cơn ghen của O-Mine hạ xuống nhường chỗ cho những thắc mắc và lo sợ; nhưng là một người đàn bà tinh ranh, thị lập tức nghĩ ra một kế hoạch cứu chồng bằng cách hy sinh chủ nhân. Và thị khôn khéo khuyên Tomozo, -- hãy đặt điều kiện với những con ma.

Đêm sau vào giờ Sửu những con ma lại đến; và O-Mine tìm chỗ núp khi nghe tiếng động của chúng, lộp cộp--lộp cộp, lộp cộp-- lộp cộp! Nhưng Tomozo đi ra gặp chúng trong bóng tối và cả gan nói với chúng những gì người vợ xúi dục:--

"Đúng là tôi đáng tội cho tiểu thư trách móc; -- nhưng tôi không cố ý chọc giận tiểu thư. Lá bùa chưa được gỡ xuống vì vợ chồng chúng tôi hiện sống chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của công tử Hagiwara Sama, và chúng tôi không thể nào đưa công tử đến chỗ nguy hiểm mà bản thân chúng tôi lại tránh được chuyện không may. Nhưng nếu có một trăm ryo bằng vàng, chúng tôi có thể khiến tiểu thư hài lòng, bởi chúng tôi sẽ không cần đến sự giúp đỡ của ai khác. Do đó nếu tiểu thư đưa cho chúng tôi một trăm ryo, tôi có thể lấy đi lá bùa yểm mà không còn e ngại mất đi phương tiện sinh sống duy nhất của chúng tôi."

Khi hắn nói xong, O-Yone và O-Tsuyu nhìn nhau im lặng một thoáng. Rồi O-Yone nói:--

"Tiểu thư, em đã thưa với tiểu thư rằng thật không đúng khi quấy rầy người này, -- chúng ta không có lý do nào muốn hãm hại hắn. Nhưng chắc chắn sẽ thật vô ích nếu tiểu thư cứ mãi buồn phiền vì công tử Hagiwara Sama, bởi tình của công tử với tiểu thư đã thay đổi. Bây giờ, một lần nữa, em van xin tiểu thư, đừng nghĩ tới công tử nữa! "


Nhưng O-Tsuyu, nức nở, trả lời:--

"Yone ạ, dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa, ta cũng không thể nào thôi tưởng nhớ tới chàng! Em biết là em có thể kiếm được một trăm ryo để gỡ bỏ đạo bùa... Chỉ một lần nữa thôi, ta xin em, Yone! -- chỉ một lần nữa cho ta được mặt đối mặt với công tử Hagiwara Sama, -- ta khẩn cầu em!" Và dấu mặt dưới tay áo, nàng tiếp tục van lơn.

"Ôi! sao tiểu thư lại nhờ em làm những việc này?" O-Yone đáp. "Tiểu thư biết rõ là em không có tiền. Nhưng vì tiểu thư sẽ tiếp tục nài nỉ trong ước muốn ngông cuồng này, mặc dù em đã nói hết lời, em nghĩ em phải tìm cách để kiếm cho được số tiền đó, và sẽ đem tới đây vào tối mai..." Rồi, quay lại tên phản phúc Tomozo, tỳ nữ nói:--"Tomozo, ta phải nói cho ngươi biết điều này, công tử Hagiwara Sama hiện đeo trên thân thể một đạo mamori tên là Kai-On-Nyorai, và chừng nào công tử còn mang nó trên mình, chúng ta không thể đến gần công tử. Do đó ngươi cần phải lấy đạo bùa đó đi, bằng cách này hay cách khác, cũng như phải gỡ bỏ đạo bùa o-fuda."

Tomozo yếu ớt trả lời:--

"Tôi cũng có thể làm việc đó, nếu tiểu thư hứa sẽ đem cho tôi một trăm ryo."

"Thưa tiểu thư, " O-Yone nói, "tiểu thư chờ đến tối mai, được hay không?"

"Ôi, em Yone!" tiểu thư khóc nức, --"tối nay chúng ta một lần nữa phải về nhà mà không được nhìn thấy công tử Hagiwara Sama? A! thật là đau đớn!"

Và bóng của tiểu thư, khóc lóc, được bóng của tỳ nữ dẫn đi.







X



Một ngày qua, và một đêm đến, và người chết cũng đến theo. Nhưng không có tiếng than khóc bên trong nhà Hagiwara; bởi tên đầy tớ bất trung vào giờ Sửu đã lấy được phần thưởng của hắn, và đã gỡ bỏ lá bùa o-fuda. Hơn nữa, trước đó khi chủ nhân của hắn bận tắm rửa, hắn đã đánh cắp được, từ bao lụa, đạo bùa mamori bằng vàng, thay thế nó với một pho tượng đồng; và chôn tượng vàng Kai-on-Nyorai ở một cánh đồng hoang. Do đó khách không gặp cản trở nào để đi vào. Che phủ mặt với tay áo, như một luồng hơi nước, chúng bay lên và chui qua cánh cửa sổ nhỏ xíu mà trên đó đạo linh chú đã bị xé bỏ. Nhưng những gì xảy ra sau đó bên trong, Tomozo không bao giờ biết được.

Mặt trời đã lên cao trước khi hắn liều lĩnh đi tới nhà chủ, và gõ những cánh cửa lùa. Lần đầu tiên trong nhiều năm hắn không nghe tiếng trả lời; và sự im lặng làm hắn sợ hãi. Hắn tiếp tục gọi thêm nhiều lần nữa, vẫn không có tiếng ai đáp lại. Rồi, nhờ sự trợ giúp của O-Mine, hắn mở được một lối vào và một mình đi đến phòng ngủ, nơi mà hắn lại gọi cửa trong vô vọng. Hắn cuốn mành mành lên để ánh sáng lọt vào; nhưng vẫn không có động tĩnh bên trong. Cuối cùng hắn lấy hết can đảm nhấc một góc màn lên. Lập tức sau khi trông thấy những gì bên dưới màn, hắn ù té chạy khỏi nhà, thét lên vì kinh sợ.

Shinzaburo đã chết -- một cái chết ghê rợn; --và mặt của chàng là mặt của một người chết trong nỗi thống khổ tột cùng vì khiếp đảm; -- và bên cạnh chàng trên giường là bộ xương của một người đàn bà! Và những khúc xương cánh tay, và những lóng xương bàn tay, xiết chặt cổ chàng.
:wlkdg:
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Re: Lồng đèn hoa mẫu đơn

Bài viết bởi lan huệ »

XI




Hakuodo Yusai, nhà tướng số, đến xem xét thi thể của người chết theo lời van xin của tên đầy tới phản trắc, Tomozo. Dù sợ hãi và bàng hoàng trước quang cảnh kỳ dị, ông vẫn quan sát mọi việc bằng ánh mắt tinh tường. Ông sớm biết rằng đạo bùa o-fuda dán trên cửa sổ nhỏ đàng sau nhà đã bị vứt bỏ; và khi kiểm tra thân thể của Shinzaburo, ông cũng phát hiện rằng đạo bùa mamori vàng không còn trong túi lụa, mà thay vào đó là một pho tượng thần Fudo bằng đồng. Ông nghi Tomozo chính là kẻ cắp; nhưng vì đây là một sự kiện hết sức đặc biệt, ông nghĩ tốt hơn hết nên thỉnh giáo thượng tọa Ryoseki trước khi hành động. Do đó, sau khi đã kiểm tra cẩn thận hiện trường, ông gượng hết sức già đi nhanh đến chùa Shin-Banzui-In.


Thượng tọa Ryoseki, chẳng đợi nghe qua mục đích cuộc viếng thăm của ông, lập tức mời ông vào thư phòng.


"Tiên sinh đã biết, tiên sinh luôn luôn được tiếp đãi nồng hậu ở đây," nhà sư nói. "Xin an tọa.... Bần tăng rất tiếc rằng Hagiwara Sama đã qua đời."


Yusai thảng thốt kêu lên:--"Vâng, công tử đã chết; -- nhưng làm sao thượng tọa biết được điều ấy?"


Nhà sư trả lời:--


"Công tử Hagiwara Sama phải trải qua khổ nạn vì hậu quả của một ác nghiệp; và cũng vì nô bộc của công tử là một người xấu. Những gì đã xảy đến cho công tử không thể nào tránh được; --số mạng của công tử đã được định đoạt từ rất lâu trước khi công tử sinh ra ở kiếp này. Tốt nhất, tiên sinh đừng nên phiền não vì việc này."


Yusai đáp; --


"Tôi từng nghe nói, người tu sĩ có một đời sống vô cùng tinh khiết có thể đạt được khả năng nhìn thấu chuyện tương lai hàng trăm năm tới; nhưng đây là lần thứ nhất trong đời tôi được chứng kiến tận mắt đạo hạnh này... Tuy nhiên, tôi vẫn còn một điều quan ngại..."


"Tiên sinh muốn nói," thượng tọa Ryoseki ngắt lời, "tới sự thất lạc của đạo bùa mamori, Kai-on-Nyorai. Nhưng tiên sinh không nên lo lắng về chuyện ấy. Tượng bị chôn dấu ở một cánh đồng; nó sẽ được tìm thấy và hoàn trả lại bần tăng vào tháng tám năm sau. Vì thế tiên sinh đừng băn khoăn nữa."


Càng lúc càng kinh ngạc, lão tướng số đánh bạo nói; -- "Tôi đã nghiên cứu lý Âm-Dương In-Yo, (1) và khoa bói toán; và tôi sống bằng nghề tiên đoán hậu vận; -- nhưng tôi không thể hiểu được bằng cách nào thượng tọa có thể biết trước những điều ấy."


Nhà sư nghiêm nghị trả lời:--


"Không cần để tâm vì sao bần tăng lại biết được những chuyện ấy... Bây giờ bần tăng muốn bàn với tiên sinh về tang lễ của Hagiwara. Gia tộc Hagiwara đương nhiên có nghĩa trang riêng của họ; nhưng nếu chôn cất công tử ở đấy thì không đúng lẽ. Cần phải chôn công tử bên cạnh O-Tsuyu, tiểu thư nhà Iijima; bởi duyên nghiệp giữa hai người quá sâu đậm. Và nếu tiên sinh lập bia mộ cho công tử bằng tiền túi thì chí phải, vì tiên sinh đã từng mang ơn công tử."


Và như thế việc Shinzaburo được chôn bên cạnh O-Tsuyu trong nghĩa trang chùa Shin-Banzui-In, vùng Yanaka-no-Sasai, đã được truyền tụng.


--Câu chuyện những con ma của Cuộc Tình Lồng Đèn Hoa Mẫu Đơn chấm dứt ở đây.--




1. Lý Dương và lý Âm của vũ trụ, lực Động và Tỉnh của thiên nhiên. Ở đây Yusai nhắc đén một triết thuyết cổ của Trung Hoa; -- được độc giả Âu Châu biết đến dưới tên Phong-Thủy FENG-SHUI.
:wlkdg:
Trả lời

Quay về “Góc Lan Huệ”