Trang 1/1

Năm mươi năm “Bác” ở trong tôi

Đã gửi: Thứ hai 02/09/19 18:38
bởi Quy Nam
  •           




    Năm mươi năm “Bác” ở trong tôi
    ________________________________
    08/30/2019 — nguyenhuuvinh




              
    Phần 1: Ngộ độc
    __________________

              

              

              

    Mỗi khi trên mạng internet hoặc trên các diễn đàn mạng, mỗi lần có một ý kiến nào đó tìm hiểu hoặc bàn luận về sự thật về Hồ Chí Minh thì lập tức xảy ra những cuộc tranh cãi kịch liệt.

    Ngoài đám Dư luận viên mà dân ta vẫn gọi với ngôn từ dân dã là “bò đỏ” với con số hàng sư đoàn, cả trăm ngàn người được nhà nước dùng tiền dân nuôi làm công cụ, có nhiệm vụ gây nhiễu, cãi cùn, đưa vào các diễn đàn những ngôn từ bẩn thỉu, đánh lạc hướng nhằm che lấp sự thật cần bàn đến, thì còn rất nhiều người dân vẫn vô tư thể hiện niềm tin của mình – một niềm tin bị ngộ độc - vào hình ảnh Hồ Chí Minh.

    Có lẽ, trên đất nước này ngoài những bất đồng về chính kiến, lối sống, vùng miền, về chế độ, thì chủ đề Hồ Chí Minh lại trở thành một trong những đề tài gây chia rẽ và tranh cãi kịch liệt nhất.

    Điều đó chỉ xuất hiện khi mạng internet được phổ cập trên toàn thế giới và Việt Nam không thể ngăn chặn được việc phổ cập này.

    Đến thời kỳ đó, phương thức truyền thông bịt tai người dân ca mãi một bài ca, gió thổi mãi một chiều đã không còn tác dụng. Đó là thời kỳ mà mọi điều giấu diếm, mọi mặt trái, mọi vấn đề không còn dễ dàng tạo cho người dân một não trạng chỉ có tin, không được phép nghi ngờ, mọi “sự thật” là ở cái loa phường làm tiêu chuẩn. Những thông tin trái chiều, những tư liệu, sự thật được phơi bày qua mạng internet đã làm xã hội có nhiều thay đổi.

    Và qua đó, thần tượng cũng dần dần bị sụp đổ, thậm chí còn gây nhiều hệ lụy với những “tín đồ” bị ngộ độc bởi sự tuyên truyền của đảng cộng sản.

    Nhiều khi gặp những người dù không phải là “bò đỏ” nhưng với niềm tin về những điều được thần thánh hóa về Hồ Chí Minh, họ lao vào bảo vệ thần tượng hết sức cuồng tín và ngây ngô, bất chấp sự thật, bất chấp lý lẽ…

    Tôi thấy cũng cần có sự cảm thông với họ bởi chúng tôi cũng đã từng trải qua những thời kỳ như thế.




    Một thời đói kém

    Tôi lớn lên vào thời kỳ Hồ Chí Minh đang là một “Thánh sống” ở Việt Nam. Bởi khi đó ông đang sống, đang hết sức lung linh trong vòng hào quang được tô vẽ công phu bởi hệ thống tuyên truyền của đảng cộng sản.

    Vào tuổi thiếu nhi, bắt đầu cái tuổi có trí khôn để có thể nhớ các sự kiện, thì xung quanh chúng tôi chỉ có hai thứ: Đói và “Bác Hồ”.

    Dù ở lứa tuổi còn bé thơ, có thể có nhiều điều không được ghi lại trong bộ nhớ non nớt ấy, nhưng cái đói những thời kỳ đó là một ấn tượng chẳng bao giờ có thể quên được trong suốt cuộc đời của thế hệ chúng tôi.

    Cái đói không chỉ một cá nhân, một gia đình mà toàn xã hội Miền Bắc cộng sản.

    Đất nước vừa trải qua một cơn địa chấn ghê gớm mang tên “Cải cách ruộng đất” trước đó chưa lâu. Đảng cộng sản sau khi hô hào người dân với những khẩu hiệu rất ấn tượng “Người cày có ruộng” để lôi kéo quần chúng vào cuộc cướp bóc tập thể, tiêu diệt bằng sạch những thành phần ưu tú trong xã hội thì lập tức quay trở lại “thu hồi” ruộng đất vào tay đảng, nhà nước bằng cái gọi là “Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp”.

    Và cái đói hiển nhiên đến như một quy luật tất yếu khi những người nông dân xưa nay chỉ biết làm thuê làm mướn kiếm ăn, nay đảng đưa vào vai trò “Ông chủ” trong các “Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp” (HTX). Ruộng đất là máu xương của người dân, từng là nơi sản xuất ra cơm gạo dưới sự quản lý của những ông chủ có kinh nghiệm và tâm huyết, nay trở thành “của chung” trong tay những “ông bà nông dân” làm chủ nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm, nên dần dần bị hoang hóa không ai chăm sóc.

    Và hẳn nhiên kết quả đem lại là cái đói do thiếu lương thực, thực phẩm cũng như các nhu yếu phẩm phục vụ xã hội.

    Cuộc chiến tranh Bắc – Nam “Vì Chủ nghĩa Xã hội” cũng là một nhân tố đẩy xã hội Miền Bắc vào tận cùng của sự nghèo nàn, lạc hậu và đói khổ.

    Tất cả tài nguyên, vật lực được đảng huy động cho tiền tuyến. Từ những cân thóc hiếm hoi thu lượm được trên những cánh đồng khô hạn hay những đồng chiêm trũng ngập sâu mà năng suất èo uột cho đến những cân thịt lợn được chăm nuôi nhọc nhằn của những người nông dân. Tất cả được huy động cho nhà nước, cho chiến tranh.

    Đói rét, nghèo nàn, thiếu thốn mọi thứ trong đời sống vật chất. Một bữa cơm no cho trẻ thơ đã là điều hết sức khó khăn và hiếm hoi, một manh áo mới cho con ngày tết là cả một nỗi lo lớn lao của những bậc làm cha mẹ.

    Những cảnh tượng hàng đoàn trẻ em xanh mướt, đói lả không quần áo, lấm lem trong bùn đất là chuyện bình thường, là hình ảnh tuổi thơ của chúng tôi.

    Trẻ em thời bấy giờ dù nhỏ dù lớn, đều mang trên mình một trách nhiệm. Đứa thì trông em, giữ nhà và… cảnh giác gián điệp Mỹ. Bất cứ một cái gì có thể ăn được, đều được khai thác đến mức tối đa từ đập quả bàng xanh lét đầy nhựa để lấy cái nhân bé xíu phía trong bỏ miệng đến quả mây chát xít.

    Chính vì thế, mỗi dịp Trung thu hoặc ngày thiếu nhi, vài chiếc kẹo bột dù đã chảy nước, được gói bằng những miếng giấy loại, cũng để lại ấn tượng để lại sự hân hoan và biết ơn đối với chúng tôi những năm tháng đó: “Kẹo Bác Hồ”.




    Và ngộ độc

              

              

    Mọi việc làm, suy nghĩ, hành động của những người miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ đều liên hệ với “Bác Hồ”.

    Những câu chuyện người lớn kể lại về “bác Hồ” thì nhiều vô kể, nào là “bác” là một ông Tiên, một ông Thánh đã cứu dất nước Việt Nam, nào là “bác” tài giỏi, đạo đức vô bờ bến chỉ biết chăm lo cho các cháu, cho người dân mà không bao giờ nghĩ đến bản thân, không gia đình vợ con và thậm chí nhịn ăn nhịn mặc để cho đồng bào…

    Và kèm theo đó, là những việc trẻ em phải làm để “theo gương bác”, “xứng đáng là cháu ngoan của bác”… được huấn luyện rất cụ thể bằng những tấm gương của nhi đồng khắp nơi.

    Những phong trào cho thiếu nhi chúng tôi học tập và huấn luyện làm theo là “Phong trào thiếu nhi làm nghìn việc tốt” “chăm nuôi trâu bò béo khỏe”…

    Những tấm gương trẻ em phải học tập là những bạn trẻ đã cảnh giác với những người lạ, bắt được gián điệp Mỹ - Ngụy đưa ra miền Bắc, bắt những người buôn lậu chè, bắt hàng xóm nấu rượu lậu... Thậm chí đã có thành tích tố cáo cha mẹ mình vì đã không chấp hành chính sách, chủ trương của nhà nước.

    Hoặc học tập tấm gương các thiếu nhi miền Nam diệt Mỹ ngụy, như Hồ Văn Mên, ở tuổi thiếu nhi đã diệt gần 80 tên giặc từ khi mới 10 tuổi, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ và được gặp “bác Hồ”.

    Những bài học, những câu chuyện, những “tấm gương” đó đã tạo ra một lớp người ở Miền Bắc ngay từ thời niên thiếu đã muốn “lập công dâng Bác” bằng những hành động bạo lực, khủng bố, giết người và coi đó là những việc cần làm, những điều cần noi theo.

    Ngoài việc đói về vật chất, người dân miền Bắc lúc bấy giờ không hề có một nguồn thông tin nào khác ngoài cái loa nhà nước.

    Câu khẩu hiệu được giăng khắp nơi là: “Nghe đài, đọc báo của ta. Chới nghe đài địch ba hoa nói càn”. Rồi những câu “Ở đây tai vách, mạch rừng. Những điều bí mật xin đừng ba hoa” nhắc nhở người dân tinh thần “cảnh giác cách mạng”.

    Những người lớn có khát thông tin, thì cũng đành chịu bởi hệ thống phát thanh, thu thanh đều đặt dưới sự quản lý găt gao của nhà nước. Những người liều lĩnh nghe trộm đài BBC, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ là một trọng tội. Đã không ít người phải vào tù vì hành động dại dột đó.

    Chỉ có những câu chuyện trên sách vở, trên đài phát thanh, trên miệng các cán bộ tuyên truyền và thầm thì rỉ tai trong dân chúng về một “bác hồ” đạo đức, thương dân và tài giỏi vô biên thì tha hồ tô vẽ cho trí tưởng tượng của tuổi thơ về một ông tiên, một vị thánh: Hồ Chí Minh.

    Khi tôi bước vào học lớp vỡ lòng là những năm chiến tranh ác liệt, lớp học là vườn cây cọ của nhà cô giáo, bàn học là những thân cây cọ đã nhẵn lỳ bởi bao lớp người đã kê làm bàn học từ các lớp trước. Những bài hát mà đám trẻ con chúng tôi gào khản cả cổ lại là những bài hát về bác hồ.

    Cái chết của Hồ Chí Minh vào năm 1969 là khi tôi vào lớp 1. Khi chiếc loa của Hợp tác xã thông báo tin này và những lời khóc lóc của người dân, của cán bộ từ khắp nơi… cả nước như đất sụp xuống dưới chân. Lúc bấy giờ, người ta có cảm giác đất nước sẽ không còn biết trông cậy vào đâu khi “bác Hồ” chết đi.

              

              

    Tôi còn nhớ rõ hình ảnh thằng bạn lớp trưởng có bố là chủ tịch xã, được đeo cái băng tang bé tí màu đen trên màu đỏ bên áo cất bài hát mỗi khi vào lớp: “Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh” và phong trào “Nhớ ơn bác Hồ” được phát động.

    Cho đến nay, đã 50 năm qua, tôi vẫn còn thuộc làu bản Di chúc của Hồ Chí Minh được công bố lúc bấy giờ.

    Điều mà mãi đến sau này tôi vẫn không thể tin là lúc bấy giờ khi nhìn thấy hình ảnh chụp trên báo bản Di chúc, tôi không nghĩ và không thể tin đó là chữ viết của “bác Hồ”. Bởi ấn tượng không tốt đầu tiên của tôi là chữ trên đó quá xấu và cẩu thả. Mấy đứa trẻ chúng tôi đã cãi nhau, phần tôi đã hùng hổ rằng: “Đó không thể là chữ viết của Bác Hồ, vì chữ Bác phải đẹp chứ không thể như vậy”.

    Thế rồi từ đó trở đi, hầu hết mọi sinh hoạt tập thể, mọi hoạt động cá nhân, học sinh Việt Nam đều được hướng tới và gắn thêm một mệnh đề “Hồ Chí Minh”.

    Bài hát “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” của Xuân Giao, là bài hát của mọi thiếu niên, nhi đồng và thanh niên Miền Bắc lúc bấy giờ cho đến tận ngày nay.

    Nhà nước vẽ ra đủ thứ về Hồ Chí Minh, từ Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh cho đến Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Từ những bài hát về Hồ Chí Minh được ra rả ngày đêm trên các loa công cộng về công đức, đạo đức của Bác Hồ, cho đến những sách vở, tài liệu trong trường học, trong các buổi sinh hoạt…

    Rồi phong trào trồng cây, thậm chí là “phong trào làm phân xanh nhớ ơn bác Hồ”, phong trào “Nhà nhà treo ảnh Bác Hồ”, “vườn cây, ao cá Bác Hồ”... luôn luôn được nhắc đi nhắc lại găm vào đầu, vẽ vào não những người dân miền Bắc một hình ảnh Hồ Chí Minh.

    “Bác Hồ” vẫn là một vị thần, một lãnh tụ thiên tài là kết tinh tất cả những gì đẹp nhất, hoàn hảo nhất trong chúng tôi suốt cả quãng thời gian niên thiếu rồi trưởng thành đến tuổi thanh niên.

    Rồi chúng tôi trải qua những năm tháng học phổ thông và đại học. Lại vẫn là Hồ Chí Minh trong mọi lúc và mọi nơi. Những bài thơ, những bài viết, những câu nói… của Hồ Chí Minh hay các tác phẩm văn nghệ về Hồ Chí Minh vẫn là đề tài bắt buộc phải có trong các chương trình dạy và học, trong các kỳ thi.

    Sách báo, kịch nghệ, bài hát và mọi thứ để tuyên truyền, để vẽ nên một “bác Hồ” huyền ảo, tài tình và đạo đức thì nhiều vô kể. Những tác phẩm của Hồ Chí Minh được đem vào sách giáo khoa giáo dục trong nhà trường đã đành, thậm chí là những tác phẩm mà chính Hồ Chí Minh viết nhưng mạo danh người khác để ca ngợi mình như “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” với bút danh Trần Dân Tiên được coi là những tác phẩm quý giá, được in nhiều nhất và phổ cập đến các học sinh.

    Tất cả mọi ngành, mọi nghề đều cố gắng lấy một cái mốc nào đó làm ngày truyền thống của mình chỉ khi gắn được vào câu nói, hành động nào đó của Hồ Chí Minh liên quan đến nghề, ngành đó.

    Hình ảnh Hồ Chí Minh không chỉ có trên tờ giấy bạc, mà khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, từ cái nhãn vở học sinh cho đến những hình ảnh hay tấm pano trong các lớp học, từ các vách nứa, phên nhà của đồng bào dân tộc cho đến nơi Thánh thất, chùa chiền.

    Cái gọi là “Phong trào nhà nhà treo ảnh bác” gần như là hành động bắt buộc đặt Hồ Chí Minh trong nhà ở vị trí trang trọng nhất, đẹp đẽ nhất như là việc hoàn toàn tự nhiên phải có.

              

              

    Những câu nói của Hồ Chí Minh được kẻ, vẽ, đúc dựng khắp nơi. Có những thời gian ở Miền Bắc, đi bất cứ cơ quan, trường học và công sở nào, người ta không thấy biển tên cơ quan, chỉ duy nhất câu khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

    Mọi hành động lời nói hay bất cứ điều gì tỏ ra bất kính với Hồ Chí Minh đều bị coi như là một trọng tội.

    Và chúng tôi lớn lên trong môi trường đó, trong hoàn cảnh đó, không hề có bất cứ một thông tin phản hồi nào trái ngược.

    Và chúng tôi ngộ độc thông tin về Hồ Chí Minh một cách khủng khiếp.

    Thậm chí, có một thời gian, chúng tôi đã tìm những tấm hình đẹp nhất, lớn nhất của Hồ Chí Minh để mua về nhà đặt nơi trang trọng nhất cho xứng đáng với “Đạo đức và công lao trời biển của người”.

    Có thể nói rằng: Với những người tin vào Chúa, vào Phật thì Đức tin vốn đã mạnh mẽ, nhưng Chúa và Phật không được nhìn thấy cụ thể ở trần gian. Còn Hồ Chí Minh lại ở trần gian, được đưa ra hàng ngày, hàng giờ như một vị Thánh mẫu mực vô song nên niềm tin dù mù quáng vẫn được củng cố vững chắc hàng ngày, hàng giờ.

    Hồ Chí Minh đã trở thành “vị cứu tinh không chỉ với Việt Nam mà còn là của nhân loại” đã hình thành trong chúng tôi bằng cách như vậy.

    Trong môi trường, hoàn cảnh đó mà không bị ngộ độc thông tin, không coi Hồ Chí Minh như thần thánh mới là chuyện lạ.

    (Còn nữa)





    Ngày 30/8/2019, Những ngày đảng kỷ niệm 50 năm di chúc Hồ Chí Minh
    J.B Nguyễn Hữu Vinh

    nguồn: rfavietnam.com
              

Re: Năm mươi năm “Bác” ở trong tôi

Đã gửi: Thứ hai 02/09/19 23:29
bởi Ngoc Han
"Những cảnh tượng hàng đoàn trẻ em xanh mướt, đói lả không quần áo, lấm lem trong bùn đất là chuyện bình thường, là hình ảnh tuổi thơ của chúng tôi."

Bác Hồ Rồi Lại Bác Tôn
Nguyễn chí Thiện
Bác Hồ rồi lại bác Tôn
Cả hai đều thích ôm hôn nhi đồng
Nước da hai bác màu hồng
Nước da các cháu nhi đồng màu xanh
Giữa hai cái mặt bành bành
Những khăn quàng đỏ bay quanh cổ cò
NCT, 1970
:sad3: