« Còn lại chút gì để nhớ để thương…»

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20202
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

« Còn lại chút gì để nhớ để thương…»

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    « Còn lại chút gì
    để nhớ để thương… »

    ________________________
    09/05/2023 _ Chúc Thanh






    Tôi quen chị vào những năm cuối đời dậy học của tôi, sau 75, hai chúng tôi và một số bạn nữa, được gọi là giáo viên lưu dung, mới đầu xem văn bản CS tiếp thu trường và viết cho các thầy cô, tôi cứ tưởng là lưu lại giữ lại để dùng, hóa ra không phải, mà họ giải thích lưu dung là do lòng bao dung mà họ dùng chúng tôi.

    Họ dùng chúng tôi để dậy học trò của chúng tôi, sau ngày 30–04–1975, học trò ngoài Bắc chưa vô kịp, và trường, lớp và học trò đó vẫn là tất cả của chúng tôi. Các em đa phần đến hầu hết chỉ quen biết các thầy cô cũ, nhưng tình hình mới, bấy giờ là đổi chủ, rồi tập thể giáo chức chúng tôi là những người dậy mướn cho phòng giáo dục quận 10 Saïgon.

    Cũng có thay đổi nhân sự, đảo qua đảo lại đi ở các trường học trong quận và trong thành phố. Nhờ thế mà chúng tôi quen nhau.

    Chị Loan từ trường Việt Tú trong quận 5 ra, chúng tôi ở quận 10, cư ngụ trên đường Hòa Hưng nên ở lại tại chỗ, trường trung học của cha Vang, nằm trên đường Lê Văn Duyệt, rồi đổi tên cách mạng tháng 8, trường rộng, phòng ốc sáng sủa và cái sân rất thoáng mát. Có cây cao bóng cả. Linh mục hiệu trưởng, đã biết rõ tình trạng Hà Nội năm 1955 xưa, nên ngài làm thủ tục tặng trường cho nhà nước ngay ba tuần lễ sau khi cộng sản vô.

    Sau những ngày xáo trộn ban đầu, chúng tôi xa một số bạn cũ, rồi có thêm những người bạn mới. Nói là bạn mà là đồng nghiệp trong nghề cả.

    Chị Loan tới ít tuần sau ngày đổi chủ, tôi quen chị ngay trong buổi họp giáo viên một ngày đầu tuần lễ, hai đứa ngồi cạnh nhau. Tôi thấy chị thật cởi mở, tươi cười và dễ mến. Không phải mình tôi, mà sau đó các bạn ai cũng quí chị vì chị đáng yêu lắm. Chị dáng người nhỏ nhắn, dịu dàng, khi đi ngược chiều, từ xa đã thấy chị cười và đang chú ý tới người tới gần:
    • – Bồ khỏe không? Ăn cơm rồi chưa?
      – Nè, con cái chúng nó ngoan cả chớ? –
    Chị quan tâm tới tất cả mọi người, một cách chân phương. Chị cũng ưng nói giỡn « Một người vì mọi người » nhưng không hẳn là chế nhạo kiểu đó, mà giúp ai được điều gì trong khả năng là chị không từ nan.

    Kể cả khi mới được đong gạo tổ, bạn có kẹt là chị hô để chị cứu trợ 5 kí lô. Nhà chị có phần khá giả vì thấy lúc nào áo quần chị cũng tươm tất, gọn gàng. Khi họp tổ, ban đời sống chia nhu yếu phẩm, luôn luôn ai mua ghép đôi một món gì với chị, chị đều nhường,
    • « Cầm luôn đi, mình còn đủ xài mà ».

    Lớp chị Loan hướng dẫn ở ngay bên cạnh lớp tôi, thỉnh thoảng gặp nhau chị luôn vồn vã:
    • « Chồng em có tin tức thường không? » hay « Nếu em được phép gởi quà, cho chị gởi lời thăm nhe, chị còn một số thuốc tây sắp hết hạn, nếu em cần cứ nói chị nhe ».
    Chị khoảng ngoài 30 gì đó, mà vì nét dễ chịu vui vui, coi chị trẻ hơn tuổi. Có lúc tôi muốn gọi chị là em, vì lẽ hễ tôi ca than một điều gì là chị giải vây ngay:
    • « Bỏ đi Tám, đừng chấp tụi nó, tụi nó vô hồn các đảng, kém văn minh. Bỏ đi mà sống, chớ giờ mình còn biến đi đâu, Tám, nghe bậy chị đi! »

    Chị có chồng đi tù cải tạo, có hai đứa con, một trai 8 tuổi, một gái 6 tuổi. Ngoài những giờ dậy học, cứ ra đường là thấy ba mẹ con chị, đi đâu cũng đi cùng nhau. Ngoài ra chị còn một người chị gái, hay em gái song sinh, chị Phụng, Loan và Phụng giống nhau như hai giọt nước, rất khó phân biệt, chỉ khi nào thấy một người rẽ vô lối vào trường trên đường Cách Mạng Tháng 8, đó là Loan. Còn một người y như vậy, băng ngang đường, sang hẻm vô trường Thánh Tâm, thì đó là Phụng. Cả hai đều là giáo sư Anh văn. Khi ra chợ hay ở ngoài đường, đụng ai, phải chào bằng cách hô tên cho khỏi lầm:
    • « Chào chị loan, mạnh giỏi không? »
    Cái khó là họ mặc quần áo na ná giống nhau, dép nhựa nâu, quần soa Pháp đen, áo chemise hay áo bà ba trắng… ít khi đổi kiểu.
    Không chỉ có các bạn giáo viên quý chị Loan, ngay cả ban giám hiệu cộng sản vô tiếp thu trường, hình như họ cũng không có điều gì phải cự nự chị, ngay cả họ yêu cầu chị phiên dịch nghĩa các bài Anh văn trong giáo án của chị sang tiếng Việt. Dễ ợt ! Nói gì, đòi hỏi gì chị cũng cười và OK, «
    • Để xem chúng còn muốn gì hay ho khác nữa không? »

    Tết năm đầu tiên, Tết 1975. Hai chúng tôi, phải trực gác trường học cả ba ngày Tết, mùng một, mùng hai, mùng ba Tết âm lịch. Tôi càu nhàu,
    • « Có cái khỉ gì ở trường mà phải canh với gác? Mọi năm, em đưa các con em về ăn Tết bên nội, bên ngoại khỏe ru ».
    Chị trả lời:
    • « Ờ thì năm nay em mang gởi mấy đứa nhỏ đi, rồi trở lại trường ăn Tết với chị. Bộ ăn Tết với chị không vui sao? Hì hì… »

    Hôm Tết, ngoài hai đứa tôi, có thêm một chị hiệu đoàn phó, tên Lam, từ Hà Nội mới vô, tới gác trường cùng chúng tôi, chị Lam luôn nhắc chừng tụi tôi không được ngồi tán chuyện trong phòng, mà phải thường xuyên đi rảo rảo bọc vòng ngoài vòng trong trường, coi chừng bọn phá hoại, bọn phản động đặt chất nổ hay bọn CIA gài lại ném truyền đơn. Tôi và chị Loan đi qua cổng sau trường, đi dọc dọc bờ rào biệt khu thủ đô, vòng ra đường Lê Văn Duyệt, vô trở lại, chúng tôi uống một ly nước mía trước cửa rạp hát đóng cửa. Lần nào chị Loan cũng pha trò:
    • « Này uống đi, uống rồi tụi mình còn có sức mà đi lòng vòng, tụi họ ám chỉ tụi mình đó mà, bọn phản động là em, em là dân di cư năm 1954, còn CIA là chị, chị dậy Anh văn nên là CIA ».

    Xong học kỳ II, lại có sự thay đổi trong ban giám hiệu, chị Lam về làm việc cho phòng giáo dục quận, chị Lan Quỳnh về thay thế chị Lam. Rồi chúng tôi chẳng hiểu có cái gì bén nhạy giữa họ với nhau mà sao chị Lan Quỳnh cứ quấn quýt thân thiết bên cạnh chị Loan chỉ sau ít ngày. Mới đầu, ai cũng tưởng Lan Quỳnh theo dõi Loan xem thử Loan còn là CIA được gài lại không. Lâu dần không phải vậy, hoàn toàn không, họ là hai người bạn hợp tình ý để mới gặp đã thân. Họp tổ chuyên môn họ cũng ngồi bên nhau, họp công đoàn đời sống, Lan Quỳnh cũng ở cạnh Loan, rất nhiều khi cả hai cùng giơ tay phát biểu ý kiến đồng thuận.

    Chúng tôi có người táy máy thắc mắc, Loan cười, luôn dễ thương:
    • « Cô ấy tốt và rất gần với chúng ta, cô ấy không lên giọng sửa sai dậy bảo chị đâu ».
    Rồi sau đó, có những ngày người ta thấy hai chị đó, Loan và Quỳnh ra ngồi trên ghế đá, sau vườn trường, mỗi người cầm một cuốn English for Today. Thì ra Loan dậy Quỳnh học Anh văn. Mọi người đều cười vui vẻ, cũng rất tốt thôi.

    Nhưng có một người không vui vẻ mấy, đó là anh Tiến, chồng của Lan Quỳnh. Chuyện giằng co đôi ba lần, nên mọi người ngầm hiểu, hình như hiệu trưởng có góp ý nhưng Lan Quỳnh đâu có đầu hàng dễ dàng như vậy. Thế rồi có một ngày, tôi vừa quẹo vô ngõ trường, ngõ khá sâu dẫn vô trường, mới đi vô đâu khoảng 100 mét tôi thấy chị Loan đi trở ra. Ơ lạ, sao hôm ấy không thấy chị cười từ đằng xa ? Đến gần hơn, thấy chị lặng lẽ, nét đăm chiêu, vừa đi chậm rãi chị vừa dòm dòm xuống mặt đường.
    • – Chào chị Loan, ồ, chị Phụng, em xin lỗi.
      – Không có chi, chào bồ, số là hôm nay Loan bị bệnh mình vô xin phép cho cô ấy nghỉ. Mình vừa gặp một ông nào đó tự giới thiệu là chồng của hiệu phó Quỳnh, ổng ở trong đi ra cùng với mình và cự nự mình là không nên tiếp tục làm hủ hóa cô Quỳnh.
      – Ủa, vậy chị không nói cho ổng hay là chị không phải là Loan và không dậy ở trường này sao?
      – Thôi, khỏi, vậy là Loan khỏi gặp ổng. Em mình mà nghe ổng nói như thế, mất công buồn, tôi nghiệp nó!

    Rồi những ngày tháng tiếp theo, nghe nói Loan đã đi dậy ở một nơi khác, không thấy chị trở lại trường. Cả chị Phụng, cũng không còn thấy Phụng băng ngang đường sang bên trường Thánh Mẫu bên kia nữa. Họ ra đi, không để lại tin tức, chỉ còn Lan Quỳnh ở lại đó. Cô ít nói ít cười, dáng vẻ thất vọng và bơ vơ. Cô đi ra đi vô ngoài hành lang bọc ra vườn phía sau, tay vẫn cầm cuốn sách Anh văn không rời. Mãi cả mấy tháng sau, mới thấy cô ấy cười nói, cười mà như mếu.

    Phải nói là cái hôm ấy thì ai cũng tức cười. Vừa tức và vừa cười. Vì cái tháng ấy, ban đời sống do chị Long đảm nhiệm, chị hớt hải đi về đi về, rồi báo về trường kỳ này mua được vỏ xe đạp và 10 cái mùng rộng giường đôi, ba 1m80. Nhưng số thầy cô đông quá, sẽ phải bốc thăm, hai hay ba người sẽ mua chung một vỏ xe hay một cái mùng. Hôm đấy, sau hết còn một cái mùng cuối cùng lại rơi vô tên cô Thu Lan và thầy Tuyên, hai bạn này còn độc thân từ lâu, nên mọi người được một trận cười vui vẻ, khi trao mùng cho Thu Lan, chị Long Phán đùa một câu xanh rờn:
    • – Tối hôm nay, hai người này chui vô mùng ngủ chung nhe!

    Nụ cười thời bao cấp cũng vui, mà không vui bằng tuần lễ sau đó, ban giám hiệu đưa ý kiến cho chị Long làm một bữa liên hoan, tiễn hiệu trưởng cũ đi, anh là quân đội, anh được lệnh trở lại chiến trường Cambodge, và nhân tiện đón mừng chị Thuận, hiệu trưởng mới về thay thế. Hôm liên hoan, ban đời sống đảm trách việc nấu một nồi bún riêu. Bún, rau, xương, cà chua, mắm muối, gia vị, bột ngọt thì đã sẵn vì là đầu tháng, nhu yếu phẩm trường mới mua, chưa chia. Nhưng cái mục bát, chén, tô, muỗng, đũa thì mỗi cá nhân phải tự lo, tự mang tới và dán tên vô.

    Gần 12 giờ trưa, ngày liên hoan bún riêu, phòng họp công đoàn trường tề tựu đông đủ anh chị em giáo viên đời sống mới, mới mới thôi. Diễn văn từ biệt và diễn văn chào mừng của hai hiệu trưởng đọc rôm rả và được vỗ tay tán thưởng rào rào, rồi tới màn lấy tô ra và tự phục vụ bún riêu của mỗi người. Phải khen thay tổ trưởng ban đời sống khéo biến báo, có cả xương heo nấu làm nước dùng, nên hơi tôm khô và cà chua bay tan trong phòng khá ngào ngạt. Hấp dẫn chứ.

    Mỗi người tự lấy tô từ giỏ sách tay để ra bàn rộng, thường thì mỗi người chúng tôi mang ra một cái tô trung bình cỡ đựng bằng hai chén ăn cơm. Bất chợt Lan Quỳnh lôi ra từ giỏ một cái tô tổ chảng, ai cũng giật mình, tôi và vài bạn đứng gần thoát nghĩ là nhà chị chỉ có tô kiểu đó thôi, họ mới vô mà. Cũng không ai phát biểu điều gì cho tới lúc chị tân hiệu trưởng Thuận hô hoán lên:
    • – Sao đồng chí mang cái liễn to tướng vậy? Múc hai ba lần cái liễn này thì hết nồi canh riêu đấy!

    Ai cũng không thể nhịn cười, họ phải cười ồ! Lan Quỳnh hơi luống cuống, phân bầy:
    • – Ơ, nhà em bát đĩa, ba người, chỉ có ba cái tô này thôi, em biết lấy tô khác ở đâu ra?

    Tiếng ồn ào chợt im. Nhưng, ngay lúc đó bên dẫy bàn phía nam, đã một anh chữa cháy:
    • – Không sao, cần tô lớn ăn cho đỡ nóng, bỏng…
      – Khôn, khôn đấy!

    Rồi có một anh khác, chữa lửa tài hơn:
    • – Đúng thế, đúng thế. Còn tôi, lát nữa tôi sẽ ăn hai tô, tôi nhất định ăn hai tô hay ba tô không chừng, tại chị Long nấu ngon quá, vả lại lâu quá rồi nay mới ăn riêu bún.
      – Ăn vậy ăn hết phần người khác à? –
      Người khác lên tiếng.

    Chị đầu bếp Long bèn can thiệp:
    • – Ai ăn mấy tô cứ việc ăn, ăn cho no, cứ tự nhiên, bún riêu này đặc biệt, ăn không bao giờ thiếu, mà có nhiều thì sẵn đây, cho thêm vô nồi, xốt cà chua, ít nước dùng, nước sôi, mắm và bột ngọt… Dư sức qua cầu, anh chị em tiến lên nào, cứ tự do mà ăn, ăn mặc sức nhé!
      – Này lên múc, chan đi chứ! Nhanh lên! Riêu đang sôi, nóng hổi, nhanh lên, tiến lên coi!
      – Sời ơi! Tô bún riêu của chị… Mà ngộ nhỉ… tiến lên, làm như chết đói, hay như ra mặt trận không bằng! –
      Mọi người lại ồn ào như cái chợ vỡ.

    Cười cười mang tô của mình tuần tự nối đuôi nhau trong hàng, người thêm rau, giá, ớt, hành hoa, chanh… Tiến lên! Vâng, tiến lên, ăn bún! Nhiều lúc thấy kỳ lạ mà chúng ta bị áp lực bởi đám đông, bởi ai đó, cái bàn tay mình, cái tâm ý mình, chẳng phải một mình mình mà luôn giữ được như mong muốn!

    Hôm đó, riêng phần Lan Quỳnh, không thấy chị tiến lên, chị cũng xếp hàng nối đuôi như các người khác, nhưng khi đi tới cửa hông, chị lách nhẹ người ra cửa sân sau, chị đi nhẹ nhàng trên cỏ, rồi đến ngồi trên ghế đá, một mình lơ đãng nhìn trời. Cái băng ghế đá, ở đó, Lan Quỳnh và Loan đã từng cùng ngồi, đọc và học Anh văn.




    Chúc Thanh
    (Paris, 29/04/2023)


    https://vietbao.com/a315738/con-lai-chu ... de-thuong-
Trả lời

Quay về “Chúc Thanh”