Nhà văn Nguyễn Đình Toàn qua đời.

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nguyễn Đình Toàn, nguời mở cửa khu vườn bí mật

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Nguyễn Đình Toàn, nguời mở cửa khu vườn bí mật
    _________________________
    Tuấn Khanh _ 29-11-2023






    Trong cái chớp mắt của cõi nhân gian, lại bàng hoàng nhận ra một cái tên quen thuộc nữa đã ra đi. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã rời bỏ nơi trần thế, ra đi vào lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 28 tháng 11, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.

    Năm 1998, nhà văn Nguyễn Đình Toàn đến Mỹ, góp vào khung trời ký ức mang theo của người Việt hải ngoại về một thời thi ca nhạc hoạ lẫy lừng miền Nam, có Nguyễn Đình Toàn như người kể chuyện âm nhạc độc đáo Sài Gòn, qua sóng phát thanh. Nhà thơ Du Tử Lê từng gọi ông là một nghệ sĩ như người tình không chân dung của người yêu nhạc, vì người nghe mê say cách ông trình bày một ca khúc, diễn đạt một ý niệm, mô tả về hình ảnh như du vào mộng, mở cửa vào khu vườn bí mật của mỗi tối thứ Năm, chương trình nhạc chủ đề.

    Vào giai đoạn đó, nhà văn Nguyễn Đình Toàn như một người dẫn chương trình độc đáo, nâng bước cho nhiều nghệ sĩ. Về sau, nhiều bài hát hay album của những ca sĩ từng được ông giới thiệu trên đài, vẫn hay chép lại những mô tả của ông để in trên bìa băng , bài nhạc như khẳng định uy tín. Chẳng hạn, Nguyễn Đình Toàn đã từng giới thiệu về Khánh Ly, mà về sau câu nói của ông luôn được dùng lại trong các giới thiệu: “Khánh Ly – người đàn bà hát những bài tình ca không hạnh phúc”.

    Nói về nghề phát thanh viên, Nguyễn Đình Toàn đã mở ra một cách thức mới mẻ, bằng tiếng nói nhỏ nhẹ, giọng Bắc 1954 êm nhẹ như ru ngủ, cộng với văn tài của ông mà về sau gần như không có ai có thể thay thế. Nhiều người vào nghề sáng tác, ca hát đã bỗng chốc quen thuộc với khán giả. Trong một cuộc trò chuyện, có người đã ví ông tài năng như Oprah Winfrey. Nhưng xét cho cùng, Nguyễn Đình Toàn còn vượt qua ngưỡng ấy, vì ông không là show diễn, mà dùng tiếng nói của mình chải chuốt lòng người Việt trong những giai đoạn chiến tranh điêu tàn, vượt qua những giằng co khác biệt chính trị, mở ra một khung trời thơ mộng trong đêm tối, mang hy vọng cho ngày mai.
              

    Những tác phẩm đã bị đốt sau 1975 của nhà văn Nguyễn Đình Toàn

              
    Nhưng nói gì thì nói, Nguyễn Đình Toàn cũng không vượt qua được con mắt soi xét của chính quyền mới. Sau năm 1975, ông cùng với những bạn văn, bạn thơ, bạn nhạc… lần lượt đi vào trại giam vì bị coi là thành văn hoá đồi truỵ, những tên biệt kích văn hoá. Công an ập đến tổng cộng hai lần và đi tù cải tạo một thời gian gần sáu năm. “Họ dọn đi tất cả sách vở, tài liệu, huy chương, giải thưởng… nói là để nghiên cứu tội của tôi”, nhà văn Nguyễn Đình Toàn nói, giọng nhỏ nhẹ như kể chuyện trong một tiết mục trên đài. Các tác phẩm của ông bị truy vết từng con chữ để lần ra chuyện, trong ý niệm của các điều tra viên. Sau cùng thì các tác phẩm của ông bị đốt làm gương, và một số được giữ lại trong Bảo tàng Tội ác Mỹ Nguỵ như chứng tích, trong một thời gian.

    Một trong những kỷ vật bị lấy đi, mà ông nhớ tiếc trong nhiều năm, đó là chiếc kỷ niệm chương Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1972-1973, trao cho tác phẩm Áo Mơ Phai – tiểu thuyết nhiều kỳ đăng trên nhật báo Xây Dựng. Tác phẩm dày 300 trang, câu chuyện qua ánh mắt của một người Hà Nội về nơi chốn của mình. Cứ tưởng đó là một câu chuyện đời, mà đó lại là câu chuyện của một Hà Nội muôn thuở sắp mất, mất mãi mãi. Một người trẻ Hà Nội đọc tác phẩm này vào năm 2021, và để lại lời nhận xét “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu”.

    Vào Nam, mang theo trong mình ký ức một thành phố yêu thương của mình, Nguyễn Đình Toàn dựng lại trong ngôn từ, dựng lại trong tiếc nhớ và dựng lại cho những người đọc về sau. Mà Không chỉ Áo Mơ Phai, trong nhiều tác phẩm khác của mình, ông đều dựng nên một không gian lạ lùng định danh Nguyễn Đình Toàn như vậy.

    Nhắc về Giải Văn học Nghệ thuật, mà người ta còn gọi là tắt là giải thưởng Tổng thống Thiệu, tuyên ngôn của giải này được ghi rằng “Mục đích Giải chính là nhằm tuyên dương các nỗ lực chấn hưng văn hóa Việt Nam trong hoàn cảnh thế giới mới có những chuyển biến hết sức phức tạp, cũng là nêu cao chính nghĩa và khát vọng hòa bình, có nhiệm vụ quảng bá đặc sắc truyền thống nước Việt ra bằng hữu khắp năm châu”. Vì ý nghĩa này nên ngoài tấm kỷ niệm chương, người đoạt giải còn nhận được tiền thưởng là 600,000 đồng. Nhà văn Ngô Thế Vinh có nhắc là vào lúc ông Nguyễn Đình Toàn nhận được số tiền đó, nhà văn Nhật Tiến mua một xe hơi Renault 4CV, là xe được coi là ngon lành lúc đó, với giá có 400.000 đồng.

    Nhà văn Nguyễn Đình Toàn kể, khi lục soát mọi thứ mang đi, viên công an mang ra tấm Kỷ Niệm Chương bằng đồng, lớn như miệng chén, trên đó có in nổi dòng chữ “Việt Nam Cộng Hòa – Tổng Thống”, hỏi cái này là cái gì. Ông giải thích đó là giải thưởng văn học. Không nói không rằng, viên công an đưa tấm Kỷ niệm chương vào hồ sơ tang vật.
              

    Kỷ Niệm Chương và tác phẩm Áo Mơ Phai

              
    Trải qua lần tù thứ hai, ông được về và phải trình diện với công an khu vực mỗi tuần, và không được viết cho đến lúc đi. Kỳ diệu thay, nhiều năm sau, một người Bắc rành rẽ chuyện văn chương thi hoạ miền Nam chợt nhận Kỷ Niệm Chương có khắc tên ông nằm ở hè bán hàng lạc-xoong. Mua lại với giá bằng hai chai bia, người này tìm cách gửi lại cho ông. Nghe đâu, những tang vật như vậy, sau năm 1995, người ta tìm thấy được bán rải rác ở các nơi bán đồ cũ, sưu tầm ở miền Bắc khá nhiều.

    Đưa tấm Kỷ Niệm Chương cho chúng tôi xem, ông cười nói “Nó như định mệnh, mà đã là định mệnh dường như là ta dễ từ bỏ”. Lần cuối, tháng Năm 2023, đến thăm ông, lúc này ông đã yếu và quên nhiều nhưng vẫn giới thiệu lại chuyện Tấm Kỷ Niệm Chương.

    Gọi con trai mình, anh Nguyễn Đình Thư, mang ra bộ sách cuối cùng của mình để ký cho chúng tôi, ông không còn giữ vững được cây bút, Chữ viết và chữ ký chồng lên nhau ngọn xanh như núi, nhìn không còn được chữ. Ký xong, nhìn lại, ông lại cười “Ừ thì đó là tôi, chữ loạng choạng như người rồi”.

    Trò chuyện những giờ cuối với nhà văn Nguyễn Đình Toàn, hỏi ông nhớ gì Việt Nam. Ông thừ người chốc lát rồi nói “chỉ nhớ con đường làng”. Không biết được là ông nhớ con đường làng nào, rồi hỏi ông có buồn hay giận gì về những điều đã mất của mình ở Việt Nam không, ông lắc đầu cười nhẹ như đứa trẻ, không giận không buồn, người như đã chuẩn bị sẵn hành trang cho mình là một chuyến đi xa thật thảnh thơi.

    Và rồi khi hay tin ông mất ở miền Nam Cali, mới chợt nhận ra rằng ông là người đã tạo ra khu vườn bí mật, cũ kỹ mà nao lòng, xa xôi mà rộng lớn vô cùng trong thời đại của chúng ta – những người miền Nam với mãi mãi văn hoá miền Nam. Nhưng hụt hẫng biết bao, là ông – cây cổ thụ to lớn, thâm sâu nhất trong khu vườn bí mật của ký ức của chúng ta, đã vẫy tay lìa bỏ địa đàng.



    https://baotiengdan.com/2023/11/29/nguy ... on-bi-mat/
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn (1936-2023) từ trần.

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn (1936-2023) từ trần.
    __________________
    Phan Tấn Hải _ 29/11/2023






    Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã từ trần vào lúc 7 giờ 15 phút vào ngày 28/11/2023, hưởng thọ 87 tuổi, theo tin từ thân nhân nhà văn. Nguyễn Đình Toàn là một nghệ sĩ đa tài, nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật tại Miền Nam VN trước 1975, và tại hải ngoại trong những năm cuối đời, sau khi được định cư tại Hoa Kỳ sau nhiều năm bị “tù cải tạo.”
    .
    Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 tháng 9/1936 tại Gia Lâm, Bắc Ninh. Năm 1954 ông di cư vào Nam. Ông sáng tác nhiều thể loại, cộng tác với nhiều tạp chí và nhật báo ở miền Nam, nhưng được nhiều người hâm mộ qua chương trình “Nhạc chủ đề” trên Đài Phát thanh Quốc gia vào mỗi tối Thứ Năm hàng tuần. Tiểu thuyết “Áo mơ phai” của ông đoạt Giải Văn học Nghệ thuật Việt Nam Cộng hòa năm 1973.

    Sau năm 1975, Nguyễn Đình Toàn bị chính quyền Cộng sản bắt giam để “học tập cải tạo” suốt 10 năm. Năm 1998 ông cùng vợ được xuất cảnh sang Mỹ và định cư ở California nơi ông tiếp tục viết cho báo Viet Tide, và nổi tiếng với các ca khúc lãng mạn, thơ mộng, đầy lòng yêu thương với cõi người. Hầu hết các ca khúc trước đó đã được ông sáng tác từ Việt Nam và bí mật gửi ra hải ngoại. Một số đêm “Nhạc Nguyễn Đình Toàn” đã được tổ chức tại Little Saigon trong nhiều năm qua.
    .
    Tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn gồm 12 truyện dài, 2 tập truyện, 2 bút ký, 1 tập thơ, 1 tập kịch, và một số ca khúc đã được phát hành trong nước và hải ngoại. Các ca khúc của Nguyễn Đình Toàn hầt hết có thể tìm nghe trên mạng YouTube.

    Nhà văn Trịnh Thanh Thủy trong bài viết “Nguyễn Đình Toàn, người gõ cửa ký ức” trên Việt Báo ngày 6/1/2022 đã ghi nhận về tác giả Nguyễn Đình Toàn như sau: “Là một người Việt ly hương, hình như ai cũng có đôi lúc nhớ quê, hình dung lại nơi mình từng sinh ra, quay quắt thương cái chốn mình đã đi về trong tháng ngày quá khứ. Chỉ cần một hình ảnh, một cơn mưa, một vạt nắng, một nhành hoa thơm ngái hương vị quê nhà là lòng người lại bồi hồi tưởng tiếc. Nhất là khi đọc một bài thơ, nghe một khúc nhạc, hát lên một ca từ sóng sánh những âm vang kỷ niệm xưa, ai mà không tự dưng nhè nhẹ mở toang cánh cửa ký ức của lòng mình. Tôi đã làm điều đó khi đọc các bài thơ trong tuyển tập “Thơ và ca từ” của tác giả Nguyễn Đình Toàn…
    .
    “Trong tuyển tập trên trăm bài thơ của ông, nỗi nhớ lúc nào cũng được tô đậm như chim nhớ bạn, nhớ bầy, như người nhớ hơi, nhớ hương. Trong một bài thơ hay nhạc của ông, người ta tìm ra được ít nhất là vài câu nổi trội trong lối dùng từ khác lạ, sáng hẳn lên với sáng tạo mà ông gọi là “nói một cách khác.” Ông tránh ước lệ, sáo ngữ, tránh dùng các từ Hán Việt, tránh lặp lại những gì người ta đã dùng quá nhiều như chiếc diêm quẹt đã bị quẹt nhiều quá rồi, không quẹt được nữa… Ông bắt đầu làm thơ từ hồi còn bé. Những ca từ trong nhạc khúc của ông nguyên thủy là những bài thơ. Chữ nghĩa được ông dùng giản đơn, tinh tế, cô đọng nhưng sâu sắc, sống động và gợi hình, gợi bóng. Trong văn chương, thi ca, âm nhạc, các giác quan đều được ông tận dụng, ngay cả đến khứu giác. Mùi vị xuất hiện và được trộn lẫn, nào là hương hoa, cây cỏ, mùi thực phẩm quyện vào nhau như một bức tranh sống, ba chiều. Sống và lớn lên giữa thời tao loạn, tuổi trẻ, thân phận và niềm tin là những hoài nghi đắng chát. Thái độ bối rối, mất định hướng của triết thuyết hiện sinh đã ẩn hiện đâu đó trong thơ, nhạc của ông một thời.”

    .
    Trong khi đó, có riêng một cuốn sách từ một nhà văn hậu bối viết riêng về Nguyễn Đình Toàn: Nhà văn Lưu Na vào tháng 7/2021 đã xuất bản tác phẩm đầy cảm xúc nhan đề “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người.” Trong tác phẩm, nhà văn Lưu Na viết với những dòng chữ như từ trái tim về Nguyễn Đình Toàn:
    .
    “Có nỗi chán chường nào đó sau những dòng chữ hờ hững, mà nỗi chán chường ấy lại là niềm yêu tha thiết dành cho cuộc sống… Mình đã không hiểu và có lẽ sẽ không bao giờ hiểu hết. Là Nguyễn Đình Toàn đổi thực thành mơ, hay ông chỉ là một Từ Thức lạc trần?” (NĐT C&N, trang 5)
    .
    “Lời nhạc của ông thường là những lưỡi dao đâm suốt tim mình. Khi mình lớn lên, chưa bao giờ được nghe tên NĐT. Ra xứ người mới đọc hỗn độn bộn bề và biết một NĐT như người của trăm năm trước. Những gì ông nói và viết đều chỉ là một giấc mơ với mình vì tất cả đã không còn để mà biết. Giờ đây mình tưởng mới nghe nhạc NĐT, mà hóa ra đã nghe từ lúc nhỏ: Em Đến Thăm Anh Đêm 30, Tình Khúc Thứ Nhất.” (Trang 8)
    .
    “Nó hay ở cái chỗ giản dị, mà đúng một cách đớn đau, những con chữ của cuộc sống đời thường được tóm lại, đưa vào với một nốt nhạc, kêu lên đúng cái âm vang khổ đau, ray rứt của tâm hồn.” (Trang 8)
    .
    “Ông làm mình nghĩ đến Võ Phiến. Nhưng Võ Phiến quan sát mọi sự quanh mình, còn Nguyễn Đình Toàn thì thật ra chỉ ngó một thứ tỉ mỉ một điều: lòng của ông. Như vậy, dường như đọc Võ Phiến thì mình theo người viết ngó ra chung quanh và đọc Nguyễn Đình Toàn thì mình ngó vào lòng người viết!” (Trang 15)
    .
    Về hình ảnh phụ nữ trong văn Nguyễn Đình Toàn, Lưu Na nhận định: “Ông có cho họ nữ tính đâu mà còn với mất. Mà các cô đó, từ học sinh trung học, đến độ 20, nghề nghiệp học thức vững vàng, hay góa chồng dang dở (Giờ ra chơi, Đồng cỏ, Ngày tháng), ông đều gắn lên tay họ điếu thuốc, không phải cái lược hay thỏi son. Mình nhớ, những năm 70 thì đó cũng hơi loạn. Hoặc họ rất lạ lùng khô lạnh.” (Trang 17)
    .
    “Với mình, ông là người lãng mạn. Mình nhìn ông, nhiều lúc ngạc nhiên thấy những mầm lá xanh non trổ ra trên thân cây già cỗi. Đó là những lúc ông ngồi ôm đàn, một trong những phút hiếm hoi, mắt nhìn ra khung cửa tay riết rung trên phím, ở cái vóc hững hờ vang ra tiếng đàn và giọng hát mỏng manh tha thiết. Như ông yêu đàn đến nỗi phải ngăn mình không chạm đến đàn, sợ rồi không buông được. Hay khi ông bảo buổi chiều là tiếng nhạc reo của xe kem dưới lòng đường, là những chiếc áo đỏ vàng lăn tròn trên sân cỏ trường tiểu học bên đường.” (Trang 27)
    .
    “Nguyễn Đình Toàn nói, người ta sống chỉ để chờ chết. Với ông, cái chết chính là sự lớn lao thứ hai của cuộc sống, nó rõ ngay trong dòng nhạc, trong lời thơ, và ẩn hiện trong những truyện ông viết. Người cùng thời của ông viết ra những suy tư và tâm tình mang dấu ấn cái thời họ sống, những vấn đề lớn lao nhưng của cả một thế hệ. Còn cái ông viết là cái muôn thuở: tình yêu và sự sống, được viết bằng cái cách của người 300 năm trước nói chuyện 400 năm sau, mình ngẫm rất lâu mới cảm được điều ông muốn nói.”
    .
    “Ông chỉ ra ý nghĩa của ca từ mà người hát đã không hiểu để hát cho đúng… Tiếng guốc trong Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương quan trọng vì âm thanh đó là một phần của Hà Nội mà chúng ta đã xa, đã mất và muốn hướng về. Một Hà Nội mờ sương, thanh bình im ắng đến nghe được tiếng guốc khua vang, và lòng người lúc đó êm ả lắm nên nghe được cái reo vui trong tiếng guốc ấy.” (Trang 48)

    .
    Trong khi đó, nhà văn Phan Tấn Hải ghi nhận: “Bản thân tôi, trong cương vị của một người cầm bút nhiều thập niên, tôi vẫn tự nghĩ rằng tôi không thể viết nổi về nhà văn Nguyễn Đình Toàn cho đầy đủ. Nơi Nguyễn Đình Toàn gần như cái gì cũng tuyệt bích. Truyện họ Nguyễn tưởng như viết một cách thờ ơ, hờ hững, nhưng khi gấp sách lại vẫn thấy phảng phất trong trí nhớ của những áo mơ phai nhiều thập niên sau. Thơ Nguyễn Đình Toàn tưởng như rất mực cổ kính của những đêm ba mươi tìm đến thăm nhau, nhưng rồi không thể nào quên được những hương đêm cận Tết và của những mùi hương cải vàng khi tóc mình đã bạc trắng. Thế rồi nhạc Nguyễn Đình Toàn đi một cõi rất riêng, nơi kẻ hậu sinh như tôi chỉ có thể mượn lời người xưa để ví rằng họ Nguyễn y hệt như một cành hoa mai rất hiếm và rồi mình chỉ có thể tự dặn là “một đời chỉ cúi đầu chào hoa mai” — Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.”
    .
    Nhà văn Phan Tấn Hải cũng có một bài thơ:

    Thơ tặng anh Nguyễn Đình Toàn

    Anh thấy, anh viết, anh hát
    hình ảnh một thời anh ghi
    nỗi buồn anh trải lên giấy
    âm vang đau suốt xuân thì

    chân đi dặm trường nam bắc
    cõi này không mấy gì vui
    nỗi buồn đầy thơ và truyện
    mắt nhìn thăm thẳm chưa nguôi

    quê nhà buồn như mật đắng
    nửa khuya lạnh hiên cúc vàng
    tên anh buồn như định mệnh
    đất nước đầy những bất toàn

    mười năm ra đứng bên lề
    ngỡ như bước lạc xuống trần
    thần tiên một thời gẫy cánh
    thiên đường khóc mấy tình nhân

    một thời tắm gội với chữ
    truyện anh kể hết cho đời
    nghe buồn như không thành truyện
    như lời độc thoại không lời

    một thời anh ngồi giữa chợ
    giấy mực ép lại thành thơ
    máu tim ngấm vào trang kịch
    buồn như màu áo mơ phai

    đêm hè cháy khô đồng cỏ
    anh ngồi thương mấy tro than
    có phải anh đã ngưng viết
    từ khi Sài Gòn điêu tàn

    có phải phím đàn anh gõ
    là vầng trăng giấu tuổi thơ
    là quê hương mình thu nhỏ
    nơi sương mù em ngồi co

    anh thấy những ngày xanh gẫy
    anh mơ thả đèn trên sông
    giúp hồn người trong đêm vắng
    bay về tìm hướng rạng đông

    anh để bên trời tiếng hát
    cõi này đầy những không vui
    mắt nhìn trăm năm như mộng
    quê nhà mênh mang ngậm ngùi.
    —- Phan Tấn Hải. California. 2020.


    .
    Nhà văn Phan Nhật Nam trong đêm Thứ Ba đã email thông báo: “Niên Trưởng NDToàn đã ra đi lúc 7:15 PM ngày 28/11. Nhóm bằng hữu từ 1960’s ở SG, hiện nay ở hải ngoại dự định tổ chức Ban Tang Lễ để xứng đáng cho lần ra đi cuối cùng của Người Anh Quý Trọng. Có gì tiếp theo chúng tôi sẽ thông báo đến quý bạn. Phan Nhật Nam.”


    https://t-van.net/phan-tan-hai-nha-van- ... 3-tu-tran/
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nhạc Nguyễn Đình Toàn, tiếng kêu bi thương của thời đại

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Nhạc Nguyễn Đình Toàn,
    tiếng kêu bi thương của thời đại

    ____________________________
    T.Vấn






    Để giới thiệu một người đã thành danh như Nguyễn Đình Toàn, quả là một việc làm thừa thãi. Và khó. Dù vậy, cảm giác mình mang món nợ gần hết một đời người với ông, cứ làm tôi vào suy, ra nghĩ, lấn cấn không yên. Cho đến khi nhận được mấy CD nhạc ông gởi “nghe chơi” qua người bạn trẻ Lưu Na, và lời “tiết lộ” rằng ông phải mày mò tìm chỗ này một bài, chỗ kia một bài mới tạm gom lại được những đứa con âm nhạc của mình, tôi chợt nghĩ ra cách để… trả ơn ông, món nợ càng mang càng nặng, vì lãi đẻ ra lời, lời đẻ ra lãi.

    Gần 50 năm, kể từ ngày tôi đọc những dòng chữ đầu tiên của tiểu thuyết “Con Đường” (Sài Gòn 1972, Giao Điểm xuất bản), làm quen với thế giới văn chương Nguyễn Đình Toàn, và từ đó, không nỡ buông ra, không thể buông ra, tôi đã nghiện cái không khí ẩm ướt của những trang chuyện, với những nhân vật không thật mà như có thật, không tên mà như có tên, mỗi người đều mang nỗi buồn riêng, như nỗi buồn của chính tôi. Từ ngày ấy, tôi biết thế nào là văn chương, qua chữ nghĩa Nguyễn Đình Toàn. Trên trang viết T.Vấn & Bạn Hữu, tôi đã hơn một lần nhận ông là người thầy chưa một lần gặp, dù quanh tôi, luôn phảng phất bóng dáng ông.

    50 năm sau, nhà văn nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã khẳng định mình ở bộ môn âm nhạc. Dù ông chưa bao giờ tự nhận, nhưng danh xưng nhạc sĩ để trước cái tên Nguyễn Đình Toàn bây giờ đã là điều mặc nhiên. Vì ông xứng đáng với danh xưng ấy hơn rất nhiều những người tự/được gọi là nhạc sĩ. Với tôi, nếu trước đây nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã chinh phục tôi như thế nào, thì giờ này, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn cũng chinh phục tôi như thế ấy. Ông chứng minh cho tôi thấy rằng một bài hát, bằng vào sự phối hợp tuyệt diệu giữa nốt nhạc và lời nhạc, tạo nên một ấn tượng sâu sắc nơi người nghe hơn hẳn một bài thơ hay, chuyên chở nhiều ý nghĩa hơn một bài văn hay, và ở lại trong lòng người nghe lâu hơn bất cứ lọai hình nghệ thuật nào. Ít nhất, với tôi, nhạc của Nguyễn Đình Toàn đã làm được công việc ấy, một cách xuất sắc. Nghe nhạc của Nguyễn Đình Toàn, là bước vào một thế giới nội tâm đau xót, không phải chỉ của tác giả, không phải chỉ của người hát, mà còn của chính mình, người nghe. Sau cơn đau xót, là nỗi bi phẫn. Trong nhạc của Nguyễn Đình Toàn, tôi nhìn thấy sự tang thương của đất nước tôi, bao năm trôi qua kể từ ngày chiến tranh chấm dứt vẫn còn chia rẽ, hận thù, dối trá, lừa lọc. Dấu vết thời đại hằn rõ nét trong nhạc của ông, nên người ta nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn không phải để giải trí, mà là để tự đắm mình trong những dằn vặt không bao giờ nguôi ngoai. Mà hình như nhà văn nhà thơ Nguyễn Đình Toàn viết nhạc không phải như một cuộc phiêu lưu vào những bộ môn nghệ thuật khác để chứng tỏ với người/với mình về một khả năng đa dạng. Theo tôi, ông chọn âm nhạc như phương tiện hữu hiệu nhất để phát biểu tiếng nói chân thực của trái tim con người trước những biến đổi tàn nhẫn của lịch sử. Và ông đã thành công. Cuối đời, với vai trò người viết nhạc, Nguyễn Đình Toàn đã khắc họa được những tiếng kêu bi thương nhất của con người thời đại. Bi thương ở cả nghĩa đen của âm thanh (nốt nhạc) và nghĩa bóng của ngôn ngữ (lời nhạc).

    Người bạn trẻ Lưu Na của trang T.Vấn & Bạn Hữu đã nhận xét khá thú vị về nhạc Nguyễn Đình Toàn:

    “Lời nhạc của ông thường cứ như dao lách vào lòng người nghe, vào những ngõ ngách của tâm hồn mà không phải ai cũng gọi được tên. Khen chữ của Nguyễn Đình Toàn là khen phò mã tốt áo. Nhưng đọc lời nhạc Nguyễn Đình Toàn thì mình nghĩ hay không vì chải chuốt mượt mà hay cầu kỳ văn hoa. Nó hay ở cái chỗ giản dị mà đúng một cách đớn đau, những con chữ của cuộc sống đời thường được tóm lại, đưa vào với một nốt nhạc kêu lên đúng cái âm vang khổ đau, ray rứt của tâm hồn. Không cầu kỳ, không phóng đại, chỉ đúng chỗ đúng mức đúng tâm tư…

    Nhạc giản dị, nhưng không dễ hát và lại kén giọng. Range rất rộng, từ Sol (G) dưới Do trung (C) lên đến Mi (E), khó chuyển giọng, và thích hợp với giọng nam nhiều hơn giọng nữ… Thêm nữa là ông thả nhiều nốt bất ngờ, không như lẽ thường theo đúng hợp âm. Thường nghe nhạc, ai nghe một câu cũng có thể lái theo câu kế, nhưng rồi Nguyễn Đình Toàn lại thả vào một nốt khác cái khung dự đoán. Vì vậy nghe lạ và thành mới!

    Với mình, đặc sắc chính ở chỗ giản dị, giản dị từ nhạc đến lời, không ở chỗ cầu kỳ chải chuốt; đặc sắc ở chỗ chọn đúng chữ đúng lời, chọn đúng nốt nhạc để láy. Nhạc Nguyễn Đình Toàn như tấm áo cắt khéo, mũi chỉ đường kim sắc sảo trên nền vải lựa đúng hàng đúng màu sắc đúng chiều sớ vải. Tấm áo sang chính vì cái giản dị có cân nhắc có nghệ thuật. Chiếc áo sang làm đẹp vóc người mặc mát mắt người nhìn. Bài nhạc sang làm rõ bản lãnh người hát và đẹp tâm hồn người nghe. Nhưng đồng cảm, phải có cả một tâm hồn, không biết có bao nhiêu người thấm thía với Nguyễn Đình Toàn?…” (Lưu Na – Nguyễn Đình Toàn: Của Chữ và Người).

    Trong nỗ lực nhận diện Nguyễn Đình Toàn với tư cách một nhạc sĩ, tôi thấm thía vô cùng cảm tưởng của một người trẻ thuộc thế hệ một rưỡi khi nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn:

    “…khi tiếng nói của mỗi con người bị tắt nghẹn, chúng ta có âm thanh nào để nói lên nỗi khổ đau? Đứng dưới đáy vực sâu con thú còn có tiếng kêu bi thương, sao chúng ta phải đành nghẹn ngào nhìn đời sống tàn lụi, giọt nước mắt cho mình cho người phải đành chảy ngược vào hồn? Chính trong nỗi đau quê hương con người bị tàn phá mà dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn mang lại cho mình một điểm tựa, một niềm tin.

    Dòng nhạc ấy giữ lại cho mình một tình yêu đơn sơ, một niềm yêu lãng mạn dẫu đất đen dường đã len vào hồn ta, dẫu đời chẳng còn ai. Một giọt sương trong một mầm lá mỏng, một ánh trăng phai một chiếc lá mừng đổi hương nồng… Ngôn ngữ mến yêu của chúng ta đẹp hơn khi dội được vào lòng những hình ảnh những cảm niệm những tiếng khóc những nỗi niềm. Chẳng biển rộng sông dài, chẳng núi cao vực sâu, chỉ là những tiếng võ vàng khua động giữa thâm tâm. Nơi những lời không nói được, Nguyễn Đình Toàn đã gói vào những âm vang ray rứt khổ đau cho mình cất tiếng. Nghe với nhau để chung hoà, hát một mình để khóc. Để khóc… Và mừng, vì chính lúc thoát ra được những âm vang ray rứt khổ đau ấy mà mình tìm lại được mình tìm lại được nhau. Mai sau dù có bao giờ…” (Lưu Na).

    Sáng tác âm nhạc, khác với những lọai hình nghệ thuật thơ văn, đến với người thưởng ngọan qua trung gian người trình bày. Với nhạc của Nguyễn Đình Toàn , tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly là một trung gian tuyệt vời nhất. Người nghệ sĩ già dặn kinh nghiệm ấy đã chuyển tải trọn vẹn tiếng lòng người viết nhạc, và đôi khi còn nâng những gịot âm thanh lên một độ cao nghệ thuật rất bất ngờ, và cũng rất buốt lòng. Đặc biệt với CD Hiên Cúc Vàng gồm 10 bài nhạc tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tiếng hát Khánh Ly đã chứng tỏ sự thành công cuối đời của bà gắn liền với nhạc Nguyễn Đình Toàn, như cách đây 50 năm, sự thành công đầu đời của bà đã gắn liền với nhạc Trịnh Công Sơn.

    Trang T.Vấn & Bạn Hữu, với sự cho phép và hiệu đính của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, sẽ lần lượt giới thiệu và lưu trữ tất cả những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ, như “một bông hồng tạ ơn” gởi đến con người tài hoa đã dành cả đời mình cho nghệ thuật. Đúng ra, công việc chính của chúng tôi là thu gom và lưu trữ những tác phẩm của ông đã được thính giả khắp nơi đưa lên rải rác ở các trang lưu trữ âm nhạc, mà như trên đã nhắc đến, chính tác giả cũng không có được trong tay đấy đủ những đứa con tinh thần của mình.

    Chuyên mục “Góc Nhạc” của trang T.Vấn & Bạn Hữu sẽ là nơi chuyên chở gia tài âm nhạc Nguyễn Đình Toàn. Và vì tầm vóc của gia tài ấy, việc thực hiện sẽ cần nhiều thời gian. Chúng tôi mong nhận được sự giúp đỡ của người yêu nhạc Nguyễn Đình Toàn, để cùng nhau, chúng ta gởi đến ông một bông hồng đẹp tạ ơn.

    Rồi đây, ông sẽ trăm tuổi. Lúc ấy, được nhìn thấy công trình một đời của mình “thu về một mối”, há chẳng phải là sự mãn nguyện cho ông (và cho tôi, kẻ mang nợ) hay sao?

    Người đời sau, có ai muốn biết đến tác phẩm của một nhạc sĩ có tên Nguyễn Đình Toàn, hẳn cũng sẽ có một nơi tìm đến mà lắng nghe tiếng kêu bi thương của một thời đại và nhỏ đôi dòng nước mắt cho những tiền nhân rất không may trong lịch sử.


    https://vanviet.info/nghe-thuat/nhac-ng ... -thoi-dai/
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tác giả ‘Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên’, qua đời ở tuổi 87

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Nhà văn Nguyễn Đình Toàn,
    tác giả ‘Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên’, qua đời ở tuổi 87
    ___________________________
    30/11/2023 _ VOA Tiếng Việt







              

    Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Đinh Quang Anh Thái)

              

    Nguyễn Đình Toàn làm thơ, viết văn, viết kịch, sáng tác nhạc với bút hiệu Nguyễn Đình Toàn. Thời mới lớn ở Hà Nội, ông dùng bút hiệu Tô Hà Vân, và sau 1975, để tránh rắc rối với nhà nước cộng sản, khi đưa “chui” những sáng tác của ông ra phổ biến ở nước ngoài, ông dùng bút hiệu Hồng Ngọc.

    Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, người nổi tiếng một thời với chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, qua đời tối Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, tại California, hưởng thọ 87 tuổi.


    Khuôn mặt nổi bật của Văn học Nghệ thuật Miền Nam trước 1975

    Sinh ngày 6 tháng 9 năm 1936 tại huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Đình Toàn làm thơ, viết văn từ rất sớm, thời còn học trung học.

    Di cư vào Nam năm 1954, ông trở thành biên tập viên của đài phát thanh quốc gia - Đài phát thanh Sài Gòn. Ông gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1968, giải ngũ vì lý do sức khỏe, và trở lại làm việc với đài phát thanh Sài gòn.

    Nguyễn Đình Toàn làm thơ, viết văn, viết kịch, sáng tác nhạc với bút hiệu Nguyễn Đình Toàn, tên thật của ông. Thời mới lớn ở Hà Nội, ông dùng bút hiệu Tô Hà Vân, và sau 1975, để tránh rắc rối với nhà nước cộng sản, khi đưa “chui” những sáng tác của ông ra phổ biến ở nước ngoài, ông dùng bút hiệu Hồng Ngọc.

    Sau 1975, như các văn nghệ sĩ cùng thời bị kẹt lại Việt Nam, ông bị đưa đi ‘học tập cải tạo’, tổng cộng 6 năm.

    Sang Mỹ trễ, cuối năm 1998 theo diện gia đình bão lãnh, không lâu sau, Nguyễn Đình Toàn cộng tác với Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ - VOA, trong chương trình “Đọc Sách” do Nguyễn Đình Toàn và vợ, Nguyễn Thị Thu Hồng, nghệ danh Hồng Ngọc, phụ trách. Trong chương trình này, Nguyễn Đình Toàn thường giới thiệu một tác giả hay một tác phẩm, hoặc một khía cạnh văn hóa nghệ thuật, Việt Nam hay Tây phương. Bà Thu Hồng từng là xướng ngôn viên của một chương trình phát thanh Sài Gòn trước 1975. “Đọc Sách” được phát đi đều đặn trên làn sóng VOA trong vài năm, cho tới khi Nguyễn Đình Toàn nghỉ hưu.


    Văn

    Tác phẩm đầu tay, “Chị em Hải”, viết ở miền Bắc thời Nguyễn Đình Toàn còn rất trẻ với bút hiệu Tô Hà Vân, được đăng từng kỳ trong báo Tự Do trước khi xuất bản năm 1961 ở miền Nam.

    Sự thành công của tác phẩm này đưa ông vào nghiệp văn. Trước năm 1975, Nguyễn Đình Toàn đã xuất bản 20 tác phẩm, gồm văn và thi ca.

    Được nhắc đến nhiều là “Áo Mơ Phai”, truyện, xuất bản năm 1972, đoạt giải văn học toàn quốc của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa năm 1973, và “Đồng Cỏ” xuất bản lần thứ nhất tại Úc năm 1994.

    Viết về hai tác phẩm dấu ấn này của Nguyễn Đình Toàn, nhà văn Ngô Thế Vinh nói: “Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri.”

    Trong một chương trình trên Jimmy Show, Nguyễn Đình Toàn cho biết ông đã dự tính viết thêm một quyển thứ 3 cho đủ bộ ba - trilogy, nhưng tuổi già, sức yếu, khiến ông không thể hoàn thành ý định.

    Trong lĩnh vực báo chí, Nguyễn Đình Toàn từng cộng tác với các tạp chí Văn, Văn học… và viết “feuilleton” – truyện dài đăng nhiều kỳ - cho các tờ báo lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ: Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, Tiền Tuyến… Phần lớn các sáng tác in từng kỳ trên các báo ấy sau này được in thành tiểu thuyết, truyện ngắn, tập truyện. Nhưng không chỉ viết bài, tiểu thuyết feuilleton, Nguyễn Đình Toàn còn đóng góp nhiều cho sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975, trong vai trò thành viên của ban tuyển chọn sáng tác thơ, văn cho tạp chí Văn.

    Nhà thơ Du Tử Lê lúc sinh thời từng nhận xét, trong văn, thơ, cũng như trong âm nhạc, Nguyễn Đình Toàn luôn tìm một ‘cách nói khác/cách viết khác’.


    Thơ

    Nguyễn Đình Toàn làm thơ rất sớm khi mới 16, 17 tuổi. Bài thơ đầu đời của ông, Khúc Ca Phạm Thái, để lại ấn tượng sâu đậm nơi người nghe.

    Nói với VOA trước đây, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, một người rất gần gũi với Nguyễn Đình Toàn, cho đây là bài thơ tâm đắc nhất của ông:

    “Bài thơ tâm đắc nhất đối với cá nhân tôi thời còn trẻ… bởi vì cậu bé nào lớn lên cũng – nói theo nhà văn Duyên Anh, ‘mơ thành người Quang Trung’, có một tính chất gọi là... gắn liền với quê hương đất nước, thì tôi thích bài Khúc Ca Phạm Thái của Nguyễn Đình Toàn. Ví dụ như câu mở đầu:

    “Ta tráng sĩ hề… lòng không mềm bằng kiếm/Ta anh hùng hề… chí khí không chứa đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như…”

    Sau này quen và thân anh Nguyễn Đình Toàn thì mới biết bài thơ này là bài thơ đầu đời của anh ấy, viết ra lúc mới 16, 17 tuổi.”

    “Cái thuở của những đêm lửa trại của thanh niên Sài Gòn ngày xưa, mà được nghe Thanh Hùng ngâm Khúc ca Phạm Thái thì tuyệt lắm!”

    Khúc Ca Phạm Thái là bài thơ phổ thành kịch thơ, nằm trong tập thơ “Mật Đắng” của Nguyễn Đình Toàn xuất bản năm 1962. Nhà văn Ngô Thế Vinh cho biết “Mật Đắng” được sáng tác trong “một giai đoạn đen tối, gần như tuyệt vọng” trong cuộc đời nhà thơ, lúc Nguyễn Đình Toàn mắc bệnh lao, tưởng như khó qua khỏi.


    Nguyễn Đình Toàn, “người tình không chân dung”

    Nhưng thơ không chỉ có trong những tập thơ, mà thơ Nguyễn Đình Toàn còn bàng bạc, phảng phất trong lời văn, trong ca từ, trong cả những lời bạt giới thiệu những ca khúc trong Chương Trình Nhạc Chủ Đề của đài phát thanh Sài Gòn trước 1975.

    Chương Trình Nhạc Chủ Đề do Nguyễn Đình Toàn và Vũ Thành An phụ trách là một hiện tượng ở Sài Gòn thời bấy giờ. Lời dẫn nhập cho mỗi bản tình ca qua giọng đọc truyền cảm của Nguyễn Đình Toàn, như “thủ thỉ” vào tai người nghe, đã giúp đài phát thanh quốc gia lôi cuốn đông đảo thính giả yêu nhạc. Mỗi lời giới thiệu, theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc, là một “tiểu tác phẩm”, lời văn mượt mà, ý tưởng sâu lắng, mà qua giọng đọc trầm ấm, ngọt ngào của Nguyễn Đình Toàn, như rót mật vào hồn người nghe, đi thẳng vào trái tim thính giả ngay từ lời mở đầu “Em yêu dấu”…

    Viết về Nguyễn Đình Toàn, nhà thơ Du Tử Lê từng nhận định:

    “Với những giới thiệu hay dẫn nhập bằng cách viết (cách nói) riêng của mình; nhất là qua giọng nói, như một thủ thỉ tư riêng giữa hai người, qua làn sóng điện, họ Nguyễn trở thành một thứ “người tình không chân dung” của rất nhiều nữ thính giả. Đồng thời, ông cũng là “người bạn thiết” của rất nhiều thính giả thuộc nam giới. Với lớp thính giả này, ông như người đã nói thay họ những điều họ muốn nói về tình yêu, âm nhạc, thời thế.”

    Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, thuở mới lớn cũng từng say mê chờ đón Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn vào mỗi tối thứ Năm:

    “Không gì hạnh phúc cho bằng mỗi tối thứ Năm, bận mấy thì bận cũng phải chạy vù về nhà ngồi bên cạnh cái radio nghe giọng Nguyễn Đình Toàn. Ngồi nghe cái giọng ấm của người đàn ông Hà Nội nói về nhạc chủ đề… Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về Nguyễn Đình Toàn, rồi sau đó mới đọc sách của ông, nghe nhạc của ông, và nhất là đọc thơ của ông.”


    Tình khúc thứ nhất- Nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn

    Vũ Thành An, lúc 21 tuổi, vào làm đài phát thanh Sài Gòn và kết thân với Nguyễn Đình Toàn. Tình bạn và có lẽ sự đồng điệu giữa hai tâm hồn nghệ sĩ đã cho ra đời hai nhạc phẩm bất hủ: “Tình Khúc thứ Nhất” và “Em đến thăm anh đêm ba mươi,” nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn.

    Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
    Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
    Lời nào em không nói em ơi
    Tình nào không gian dối
    Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say

    “Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai”… ý tưởng lạ, ca từ đẹp, nhạc hay, đã giúp cho hai ca khúc này trở thành ‘bất tử’, ra đời hơn 50 năm về trước mà cho tới giờ vẫn làm xúc động người nghe, những ‘fan’ mới thuộc các thế hệ đến sau.

    Trong một cuộc trao đổi với VOA trước đây, nhạc sĩ Vũ Thành An nói nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã “thổi hồn” vào bản nhạc, đặt tựa và lời cho “Tình khúc thứ Nhất”, mà ông đã sáng tác để tặng một người bạn.

    “Hồi đó tôi có người bạn gái thân muốn tôi viết bài nhạc tặng cô ấy, tôi viết xong, cũng có cả lời, rồi đưa cho anh Toàn nghe thì anh Toàn chê lời tôi viết không hay. Anh bảo để anh đặt lời cho. Hồi đó anh cũng có một người bạn cho nên cũng muốn viết một tình khúc để tặng bạn của anh. Phải nói là khi viết nhạc, tôi cũng chưa thấy được cái nét đặc biệt của tình khúc ấy, sau khi anh Toàn viết lời vào thì thấy là quả thật, nó là một bài hát rất là… có hồn. Chính anh ấy là người đặt tên cho bài này là bài Tình khúc thứ nhất, và đồng thời anh ấy cũng bảo tôi nên lấy tên thật là Vũ Thành An chứ không cần lấy tên hiệu gì cả.”

    Với Tình khúc thứ nhất, nhạc sĩ Vũ Thành An xuất hiện trên bầu trời âm nhạc, mở màn cho loạt bài Không Tên, đưa tên tuổi Vũ Thành An vào lịch sử âm nhạc miền Nam.

    Nguyễn Đình Toàn và Vũ Thành An còn hợp tác để thực hiện Chương Trình Nhạc Chủ Đề. Theo lời Vũ Thành An thì linh hồn của chương trình này cũng là Nguyễn Đình Toàn, chính ông nảy ra ý tưởng thành lập chương trình, kêu gọi Vũ Thành An đệ đơn xin lập chương trình, viết lời giới thiệu và đọc những đoạn dẫn nhập đó cho các ca khúc chọn lọc với những giọng ca nổi bật nhất thời đó.


    Tù cải tạo

    Mất Sài gòn, do dự mãi không biết nên đi hay ở, cuối cùng Nguyễn Đình Toàn bị bỏ lại, và như các văn nghệ sĩ ở lại, bị tập trung đi ‘học tập cải tạo.’

    Ra tù, Nguyễn Đình Toàn sáng tác hơn 50 ca khúc với bút danh Hồng Ngọc. Có lẽ được nhiều người Việt tị nạn đồng cảm nhất là bài “Nước Mắt Cho Sài Gòn”, viết lúc Nguyễn Đình Toàn còn ở trong tù, ca khúc được tuồng ra nước ngoài qua trung gian Hồ Trường An, tới tay tạp chí Quê Mẹ của Võ Văn Ái ở Paris, được Jeannie Mai trình bày đầu tiên, nhưng bản nhạc cất cánh với giọng ca Khánh Ly dưới tên “Sài Gòn, Niềm Nhớ Không Tên”, ghi tên tác giả là “Người ở lại”. Băng nhạc ‘Người Di Tản Buồn’ phát hành năm 1979 có cả “Sài Gòn, Niềm Nhớ Không Tên” và “Người Di Tản Buồn” của nghệ sĩ Nam Lộc gây tiếng vang lớn trong các cộng đồng người Việt tị nạn khắp nơi.

    Tới cuối năm 1999, sau khi định cư ở Mỹ gần 1 năm, Nguyễn Đình Toàn mới chính thức ra mắt một số ca khúc sáng tác sau năm 1975 trong 3 tập nhạc: Hiên Cúc Vàng (1999), Tôi Muốn Nói Với Em (2001) và Mưa Trên Cây Hoàng Lan (2002).


    Nguyễn Đình Toàn: liệu thơ có như người?

    Đối với một tâm hồn nghệ sĩ mẫn cảm, những trải nghiệm cay đắng do biến đổi của thời cuộc và các trải nghiệm trong tù cải tạo, chắc hẳn phải có ảnh hưởng sâu đâm tới tác giả và tác phẩm. Đời thực của người nghệ sĩ thì sao?

    Nhà báo Đinh Quang Anh Thái:

    “Thỉnh thoảng những người hay đến chơi với anh, ngồi hút thuốc lá, uống một tí rượu hay nghe anh nói chuyện, uống trà, cà phê… thì có lúc thấy được cái khoảnh khắc mà Nguyễn Đình Toàn cảm thấy cuộc sống này nó đáng chán, nhưng mà bình thường thì Nguyễn Đình Toàn hóm hỉnh lắm.”

    Đinh Quang Anh Thái nhắc đến một bài thơ khác của Nguyễn Đình Toàn ít người biết đến mà ông và tác giả khá tâm đắc. Đó là bài “Tro Tàn”, viết năm 1984.

    Ta yêu nhau trong nghèo khó
    Khi quê hương tàn phá
    Được mấy ngày vui trong đời
    Tóc biếc ngoảnh đi đã đỏ màu phai
    Ta xa nhau vào lúc xa đời
    Bóng bỏ theo người
    Đổ một lần cho hết cuộc rủi may
    Cứ coi là mất coi là hết
    Lật ngửa bàn tay mà cắt dây

    “Tôi tâm đắc cái câu: ‘Bóng bỏ theo người/ Đổ một lần cho hết cuộc rủi may’. Đó là tâm tư của một Nguyễn Đình Toàn mà thảng hoặc, thấy anh như hốt hoảng trong cái cuộc sống trên cái cõi tạm này.”

    Giờ bóng đã “bỏ theo người”. Người nghệ sĩ đa năng, tài hoa đã ra đi ‘vào sương đen’, những lời ông viết trong bài “Mai Tôi Đi” khi rời Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, giờ diễn tả tâm trạng của những người ở lại.

    “Mai tôi đi, tôi đi vào sương đen
    Sương rất độc, tẩm vào người nỗi chết
    Quê hương ta sống chia giòng vĩnh biệt
    Chảy về đâu những nước mắt đưa tin

    Phu nhân Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thu Hồng, trong chương trình Đọc Sách của VOA, qua đời ngày 24/2/2021, hưởng thọ 78 tuổi. Với sự ra đi của người vợ hiền mà ông đã đền đáp ân tình bằng cách tận tình chăm sóc trong nhiều năm, có lẽ không còn gì trên cõi tạm này để níu kéo ông.


    https://www.voatiengviet.com/a/nha-van- ... 78188.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi!

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi!
    ______________________________
    Phan Nhật Nam – 30 tháng 11, 2023




              

              

    “Hãy thắp cho anh một ngọn đèn. Dù mịt mùng xa xăm. Hãy thắp cho anh một ngọn đèn. Dù chẳng còn hơi ấm...”



    Sài Gòn ơi!
    Đâu những chiều khoát áo ra đi…
    Nguyễn Đình Toàn (1936-2023)



    Lời người viết:

    Bài viết nguyên ủy “Văn/Thơ/Ca Từ Nguyễn Đình Toàn- Như Một Lời Tuyên Cáo“ được thành hình từ 24 Tháng Tư 2022 nhân buổi Ra Mắt Sách nơi nhà sách Tự Lực do Đinh Quang Anh Thái tổ chức, điều hành. Buổi Ra Mắt Sách có mặt hai Danh Tính Lớn/Lớn Nhất của nền Văn Học Miền Nam trước 1975 ở Sài Gòn, và sau 1975 nơi hải ngoại: Nhà Văn Niên Trưởng Doãn Quốc Sỹ, và Nguyễn Đình Toàn.

    Một khách mời tham dự, cô Nhã Lan, Đài Little Sài Gòn có nhận xét: “Khi hỏi chuyện, Nhà văn Doãn Quốc Sỹ 100 tuổi (sinh 1923) chỉ ngồi cười không nhớ!, và nhà văn Nguyễn Đình Toàn (sinh 1936) thì: “Tay run không ký tròn chữ được trong tập “Thơ và Ca Từ”. Bài viết nầy vì thế được viết nên (lần thứ nhất) nhằm nói cho ra lẽ: Dạng Tướng-Tính Chất-Tiếng Lời riêng biệt của Nhà Văn-Nhà Thơ-Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn.

    Và nay, kể từ 17:15 giờ, ngày 28 Tháng Mười Một 2023, Nguyễn Đình Toàn không còn nơi cuộc sống trần thế. Người Nghệ Sĩ Lớn của Miền Nam/của Việt Nam dần mất dấu như âm thanh thăm thẳm thắm thiết của Sài gòn đã, đang dần xa…



    Một.

    Suốt một thời gian qua hơn nửa thế kỷ cầm viết, bản thân anh luôn (tự) giữ nguyên tắc: Không viết hay nói đến những nhân vật trong giới văn học-nghệ thuật đương thời, còn sống… Cụ thể (nếu) nói, viết về Đỗ Ngọc Yến, Như Phong, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Huấn, Nguyễn Chí Thiện, Bùi Bảo Trúc, Đào Vũ Anh Hùng, Huy Phương… chỉ sau khi những người thân nầy đã qua đời. Anh (tự) giải thích về “nguyên tắc tự biên/tự diễn” nầy như sau:

    Không viết/nói về những người còn sống nhằm tránh rơi vào “khuyết điểm/thật là một cái bẫy” những người cầm bút Miền Nam trước 1975, hoặc sau nầy ở hải ngoại hầu như thường vấp phải: Ấy là quá xưng tụng, tung hô, hoặc đối lập là phê phán, chỉ trích theo quan điểm cá nhân chủ quan.

    Thế nhưng, hôm nay anh cần nói (thêm một lần) về Niên Trưởng Nguyễn Đình Toàn vì hai lẽ, khách quan và chủ quan, với mục đích và yêu cầu trình bày đủ/chính xác Sự Lớn Lao của Chữ và Người Nguyễn Đình Toàn – Qua tác phẩm cuối cuộc của một Tác Giả với độ tuổi 80, 90 vẫn tiếp tục làm việc, sau cơn bão lửa rúng động tận căn cơ mấy chục triệu người Miền Nam/Cũng toàn thể Việt Nam suốt 48 năm sau ngày 30 Tháng Tư 1975. Sự đơn giản tưởng như một phép lạ nầy sao không ai thấy ra? Sao không mấy ai nói ra?

    Anh cũng cần phải viết lên vì còn mấy ai hiện nay nơi hải ngoại, ở trong nước biết rõ, đủ về người và việc tại những năm 50, 60, 70 nơi Miền Nam, ở Sài Gòn… mà (chỉ) thoáng 40 năm hơn sau 1975, những sự kiện, con người mươi năm trước đã hóa nên cũ kỹ, mau chóng lãng quên!

    Là một người lính đơn vị đóng ở Phi Trường Biên Hòa, mỗi lần về phép Sài Gòn thường đến quán La Pagode (Cái Chùa), góc đường Tự Do/Lê Thánh Tôn nơi tụ họp thường xuyên giới làm báo, viết văn Sài Gòn để gặp những bạn bè cùng thế hệ (phần đông gốc người Bắc, hay Trung) trong báo giới, văn giới. Tới Quán Chùa, anh thường thấy Nguyễn Đình Toàn, người đàn ông gầy, ngồi lặng lẽ trong chiếc ghế bành màu đỏ với chiếc tẩu thuốc.

    Cách ngồi trầm tĩnh với ống tẩu tạo cho ông một cách thế riêng biệt rất dễ nhận trông đám đông ồn ào xởi lởi của một quán nước, nơi tập trung của giới người chuyên nghề “nói và viết”. Nguyễn Đình Toàn vốn ít nói, có nói cũng chỉ với tiếng nhỏ, ngắn lời. Tuy nhiên mỗi lời nói ngắn, nhỏ kia chứa đựng sức nặng đáng kể khó ai phản bác, chống đỡ. Ví dụ, khi nhận xét về một nhân vật đang giữ chức vụ cao trong chính quyền có thói quen tuyên bố lớn tiếng, ồn ào, thái độ, đi đứng mạnh mẽ trong khi thể hình không mấy cao lớn, Nguyễn Đình Toàn đưa nhận xét:

    “Nện gót giày kêu to, vung tay mạnh mẽ, tuyên bố ồn ào không làm cho người… cao thêm chút nào cả!”

    Kẻ bị/được nhận xét không (thể) có được một lời, một tiếng phản đối! Tất cả người ngồi bàn nước chững lại không một ai biết được sau khuôn mặt bình thản kia có những phản ứng dữ dội ngấm ngầm thế nào?

    Từ lời nói, việc làm cụ thể như vừa kể ra, dẫu không phải là người thân cận, anh nhìn thấy Nguyễn Đình Toàn quả là một người có bản lãnh, sắc sảo đáng quý trọng. Ông không hề khoa trương, lớn lối. Đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật 1973 với giá hiện kim tương đương 40 lượng vàng, được hỏi sao không mua chiếc xe hơi đi cho nhàn hạ. Ông chỉ cười kín đáo: Thì đi Honda cũng sang chán!

    Nhận xét khách quan như trên về Nguyễn Đình Toàn thêm được củng cố sau năm 1968, khi gia đình người em gái có chồng là nhân viên hành chánh Ban Mê Thuột đổi về tỉnh Gia Định. Gia đình em anh trở nên là hàng xóm thân thiết với nhà Nguyễn Đình Toàn qua hai căn nhà đối lưng trong Khu Làng Báo Chí Thủ Đức. Sau năm 1975, bản thân gia đình anh, người em, và Nguyễn Đình Toàn đồng lâm cơn đại loạn cùng lần nước mất nhà tan mà sống qua mỗi ngày, mỗi đêm là một lo sợ.

    Sợ ngày mai sẽ đến! Gặp lại ở Mỹ, vùng Nam Cali, anh và Nguyễn Đình Toàn là hai người cầm bút còn (sống) sót của Miền Nam vẫn tiếp tục công việc từ trước 1975 ở Sài Gòn: Sống/Chiến Đấu/Viết không khoan nhượng với người, chế độ Hà Nội. Dẫu Nguyễn Đình Toàn không hề lên tiếng phê phán gay gắt. Mến mộ trong lòng anh trước 1975 trở thành một Niềm Kính Phục toàn phần cố kết.



    Hai.

    Hiện nay, nước Việt Nam bên kia Thái Bình Dương bị độc trị bởi một chế độ chủ trương tận diệt tất cả di sản của người, và việc VNCH. Chủ trương độc hại nầy được hiện thực với Nghị Quyết 36 nhằm đánh sập Hệ Thống Chính Trị-Kinh Tế-Văn Hóa-Xã Hội” của Người Việt Tỵ Nạn cộng sản nơi hải ngoại. Chiến dịch NQ36 được khởi động từ 2008 với mục tiêu điển hình cụ thể, vùng Little Saigon, Nam Cali. Trong cuộc chiến đấu không cân sức quyết liệt nầy – Chữ và Lời của Nguyễn Đình Toàn nói chung/cụ thể qua Thơ và Ca Từ có giá trị chiến đấu với công lực vô cùng mạnh mẽ.

    Trước tiên, liên quan đến những cuốn sách viết trong một thời gian dài từ sau thập niên 1950, 60… đến trước 1975, và sau 1975 ở hải ngoại; điển hình với Thơ và Ca Từ được giới thiệu ngày 24 Tháng Tư 2022. Nhằm để trình bày đầy đủ, người viết sử dụng hai tiểu luận: Một của NTV, hai của Lưu Na về Nguyễn Đình Toàn. Hai tiểu luận của hai tác giả khác xa thế hệ, viết trước, sau 1975 ở Sài Gòn, và nay ở hải ngoại với hai nhận định khác hẳn… Từ đấy, có thể tìm ra Điểm Chung Nhất về Nguyễn Đình Toàn mà bài viết (lần thứ hai) muốn nêu rõ.

    Trước tiên nói về Văn. Nguyễn Đình Toàn sinh năm 1936 tại huyện Gia Lâm, bên sông Hồng, ngoại thành Hà Nội. Từ ngày khởi cuộc cầm bút, ông đã có lời xác nhận với cách tự tin: “Tôi qua sông Hồng, lên Hà Nội một thân không đàn anh, bậc thầy nào nào giúp sức!” Di cư vào Nam 1954, ông cộng tác với hầu hết nhật báo, tuần báo, giai phẩm ở Sài Gòn (do các bạn gốc người miền Bắc chủ trương, điều hành); biên tập viên Đài Phát Thanh Sài Gòn, nổi tiếng với chương trình Nhạc Chủ Đề.

    Tác phẩm đầu tiên, Chị Em Hải do NXB Tự Do, ấn hành 1961. Là tác phẩm đầu tay mang dấu ấn văn phong của Con Đường Nguyễn Đình Toàn xuyên suốt qua các tác phẩm sau nầy qua hơn một thập biên ở Miền Nam. Chị Em Hải, được Phạm Xuân Ninh (nhà thơ Hà Thượng Nhân) chuyển tới nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, đang là tổng thư ký nhật báo Tự Do. Như Phong nhìn ngay được viên ngọc ẩn thạch, văn tài của Nguyễn Đình Toàn từ cuốn sách đầu tiên đơn giản nầy. Hơn một thập niên sau, 1973, Áo Mơ Phai ra đời hiện thực con đường đã được vạch ra từ dòng chữ đầu tiên trong Chị Em Hải nhưng được nâng lên bởi một kỹ thuật/nghệ thuật tinh tế hơn.

    Trên tạp chí Văn Học 1974, Nguyễn Đình Toàn đã nói về kỹ thuật xây dựng Áo Mơ Phai: “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên… Nhân vật chính trong tác phẩm là thành phố Hà Nội… Thành phố như giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi Nguyễn Đình Toàn xa Hà Nội mới 17 tuổi.”

    Ông nói: Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử… Chính xác và cảm động biết bao, trước hơn ai hết, Nguyễn Đình Toàn đã thấy Nỗi Đau lần Mất Sài Gòn ngày 30 Tháng Tư 1975. Và đây là lãnh vực RIÊNG của Nhạc Nguyễn Đình Toàn – Một Vùng Đất không hề chung đụng, ảnh hưởng, tác động bởi bất cứ ai, so với giới nhạc sĩ chuyên nghiệp như Phạm Duy…



    Ba.

    Điểm kế tiếp cần phải nói tới là Nhạc Nguyễn Đình Toàn đưa đến cho người nghe, người hát những ca từ mà (có thể) họ không (cần) biết là của ai vì đấy là “Lời Của Người/Của Cuộc Đời” được Nhà Văn-Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn viết nên từ rung động tinh tế chân thành với chữ nghĩa giản dị, trong suốt – Chữ, lời (đã) thấy ra từ Chị Em Hải, trong Áo Mơ Phai – Nhạc/Ca Từ Nguyễn Đình Toàn một lãnh vực độc đáo riêng mà bản thân người viết dẫu chỉ là một kẻ thô thiển đứng ngoài cuộc của nhạc giới, cũng đã có những rúng động đến đổi lạ lẫm với bản thân qua nhiều lần tự hỏi:

    “… Những chữ nghĩa đơn giản/ca từ có thể tạo rung động lòng người đến thế sao?”

    Cảm ứng nầy người viết cậy từ nhận định của nhà văn nữ thuộc thế hệ thứ hai nơi hải ngoại – Lưu Na đã viết nên một cách chính xác:

    “Lời nhạc của ông thường là những lưỡi dao đâm suốt tim… Khi lớn lên, sau 1975 ở Việt Nam chưa bao giờ được nghe tên Nguyễn Đình Toàn… Giờ đây, ra hải ngoại nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn thì hóa ra đã nghe từ lúc nhỏ… Em Đến Thăm Anh Đêm 30, Tình Khúc Thứ Nhất… Rồi đến ca khúc thời kỳ sau 1975: Hãy Thắp Cho Anh Một Ngọn Đèn… Lời ca hay ở chỗ giản dị, mà đúng một cách đớn đau, những con chữ của cuộc sống đời thường được tóm lại, đưa vào với một nốt nhạc, kêu lên đúng cái âm vang khổ đau, ray rứt của tâm hồn.”

    Phải, mỗi Người Việt/Mỗi Người Việt Miền Nam cần thắp sáng cho nhau một ngọn đèn để hy vọng, để vượt sống hơn bốn-mươi năm năm sau lần miền Nam sụp vỡ, Sài Gòn mất tên. Sài Gòn ơi! Bản thân người viết cũng như bao nhiều người Sài Gòn vẫn còn nguyên Mối Đau:

    “Sài Gòn ơi Ta mất Người như người đã mất tên. Như dòng sông nước quẩn quanh buồn. Như người đi cách mặt xa lòng. Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên. Như mộ bia đá lạnh hương nguyền. Như trời sâu đã bỏ đất sầu…”

    Cám ơn Nguyễn Đình Toàn. Cám ơn Người Viết Ca Từ Nguyễn Đình Toàn.



    Bốn.

    Cuối cùng, dẫu viết văn, viết nhạc qua mọi hình thái biểu hiện, Nguyễn Đình Toàn trước tiên, chung nhất vẫn là/luôn là Một Thi Sĩ tức là tổng hợp của “Người Viết Văn-Viết Nhạc-Soạn Kịch-Viết Nhạc Chủ Đề” – Tất cả chỉ là hóa thân từ Tâm Chất của Thi Sĩ tức là Người Viết/Sống/Với Thơ là Một.

    Ngày trước, Nguyễn Du phải viết Truyện Kiều. Thời đại chúng ta có Bùi Giáng; Tô Thùy Yên… phải làm Thơ. Tương tự Phạm Duy phải viết Nhạc. Trường hợp của Nguyễn Đình Toàn, anh nghĩ cũng không khác. Cụ thể, buổi ra mắt sách (đã là cuối cuộc) trong ngày 24 Tháng Tư 2022 là một tập Thơ: Thơ và Ca Từ – Những chữ nghĩa của ông đúc kết trong tác phẩm sau cùng nầy. Chúng ta hãy đọc lại những lời khốc liệt:

    “Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi. Bằng sức người vô hạn. Đầu đội trăm tấn bom. Tim mang nghìn dấu đạn. Tôi đã đổ mồ hôi. Đổ máu tươi. Để mong ở lại đây. Dù thế nào. Cũng ở lại đây…”

    Không thế nào có những chữ, lời can đảm, chịu đựng hơn thế nữa. Những chữ, lời đã chuẩn bị thấy ra từ ngày 17 tuổi, 1954 khi xa Hà Nội với… “những đêm khuya, những buổi chiều. Hà Nội như một cơ thể mắc chứng hoại huyết. Từ những vùng quê xa, từng đoàn người lam lũ, lầm lũi, ngày ngày gồng gánh, lếch thếch dắt díu nhau về Hà Nội… chờ để được đưa đi tới các phi trường, bến tàu – Di cư vào Nam (Áo Mơ Phai).”

    Thơ Nguyễn Đình Toàn nay được viết (lại) sau năm 1975 vì những gì (chế độ cộng sản Hà Nội) đốt được thì đã không còn… Tất cả hình ảnh của ngày phát giải Văn Học Nghệ Thuật 1973 (với Áo Mơ Phai) và sách Nguyễn Đình Toàn đồng được/bị xếp vào loại “văn hoá đồi truỵ” nên tất cả đã bị tịch thu và trở thành “Tro Than”, như tên một tác phẩm định mệnh trong chiến dịch đốt sách khắp Miền Nam sau 30 Tháng Tư 1975.

    Nhưng như một phép lạ có thật, chiếc Huy Chương Đồng mạ Vàng của giải thưởng năm 1973 xa xưa kia đã được một người trẻ tuổi (vô tình) mua lại trên vỉa hè Hà Nội và giao lại cho ông tại Mỹ. Và quả thật là một phép lạ, với vóc dáng gầy yếu thêm mang bịnh lao phổi từ thập niên 60, Người Viết Thơ Nguyễn Đình Toàn đã vượt sống với một tinh thần chiến đấu quyết liệt…

    “Hãy thắp cho anh một ngọn đèn. Dù mịt mùng xa xăm. Một ngọn đèn trong đêm mờ ám. Hãy thắp cho anh một ngọn đèn. Dù chẳng còn hơi ấm. Và kỳ diệu biết bao… Cố thắp cho em một ngọn đèn. Để dù trong xa vắng. Em còn được cháy trong lòng anh.”

    Ai trong chúng ta có thể nói những lời yêu thương đơn giản nhưng thắm thiết đến nhường nầy. Cách nói của “Những Người Viết Thơ”:

    “Thế rồi, tôi sẽ đi tìm. Tìm em như thể là Người Đầu Tiên (Bùi Giáng)”;

    hoặc “Ta về dẫu phải đi chân đất. Khắp thế gian nầy để gặp em…” của Tô Thùy Yên.

    Cám ơn thêm một lần. Cám ơn rất nhiều lần những THI SĨ từ Miền Nam. Của Miền Nam.



    Hậu Từ.

    Nguyễn Đình Toàn khi trả lời phỏng vấn của Hoàng Khởi Phong trên RFA năm 2006, có lời tường trình: “Có những người thức thời, nhìn xa trông rộng, có thể tiên đoán dự liệu được những biến chuyển của thời cuộc, dĩ nhiên có những điều họ tiên đoán cũng có điều sai. Mà đúng hay sai thì chỉ khi nào sự việc xảy ra thì họ mới biết được. Tôi viết cuốn sách đó (Áo Mơ Phai, Sài Gòn, 1973-Pnn) chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử (Hà Nội-1954-Pnn) cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết”.

    Phát biểu của Nguyễn Đình Toàn được NTVinh so sánh với diễn văn của Albert Camus khi dự lễ nhận giải Nobel Văn chương 1957. Camus nhận định rằng: “Ngày nay nhân loại gồm số nhỏ người làm lịch sử và đông đảo những người phải gánh chịu những hậu quả do biến cố lịch sử. Và Albert Camus cho rằng vị trí của những người làm văn học nghệ thuật là đứng về phía những Người Khổ Đau Vì Lịch Sử.

    Không có thể bảo: Ai khổ hơn Ai? Kẻ làm nên lịch sử, hay số đông thường nhân (vô tình/cố ý) phải nhận mối oan nghiệt lịch sử ấy?! Và nhà văn hoặc người dân thường muốn hay không muốn cũng phải nhận lấy. Chỉ riêng Nguyễn Đình Toàn thì nói rõ:
              
    TÔI ĐÃ CỐ BÁM LẤY ĐẤT NƯỚC TÔI

              
    Rất đông Người Việt cũng có quyết tâm ấy. Chỉ khác, chúng ta không có điều kiện để nói ra như Nhà Văn-Nhạc Sĩ- Thi Sĩ Nguyễn Đình Toàn mà thôi.

    Nguyễn Đình Toàn lớn lao đến ngần nào.




    Cali, 28 Tháng Mười Một 2023
    Ngày Nguyễn Đình Toàn vắng mặt sau “Giờ Ra Chơi”
    Phan Nhật Nam


    _________________

              

              
    https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-n ... uoc-toi-2/

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tưởng Nhớ Nguyễn Đình Toàn

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Tưởng Nhớ Nguyễn Đình Toàn:
    Giai Thoại Thi Ca Doãn Quốc Sỹ-Nguyễn Đình Toàn

    ________________________________
    30/11/2023 _ DOÃN QUỐC SỸ





              

              

    Tôi còn nhớ khoảng năm 1984 phong trào vượt biên đang rầm rộ: hôm nay gặp nhau đó, rất có thể chỉ vài ngày sau đã hay tin chàng A, nàng B… đã vượt biên rồi!


    Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình. Một trong đôi bạn tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm được bốn câu thơ:

    • Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm, ngọn nổi
      Gió xa lộ lúc thổi, lúc ngừng
      Gặp nhau tay bắt mặt mừng
      Vui thì vui vậy, biết chừng nào xa.


    Rất nhanh, bốn câu thơ chân thành và dễ thương này được phổ biến sâu rộng trong và ngoài giới văn nghệ sĩ. Chính bản thân tôi cũng đã thú vị ngâm nga thầm chẳng biết bao nhiêu lần trong ngày. Ngâm riết rồi bỗng sực nhớ cách đó chừng bốn năm – khoảng 1980 – tôi cũng từng đã tức cảnh làm sáu câu theo thể song thất lục bát nói về cảnh kẻ ở người đi như vầy:

    • Đỉnh trời vằng vặc gương nga
      Long lanh soi tỏ lòng ta, lòng mình
      Gương trong mình lại soi mình
      Thấy tình thăm thẳm, thấy hình phù du
      Nẻo đời gió bụi kì khu
      Biết ai còn mất, tình thu võ vàng.


    Tường thuật bằng văn xuôi, lời đối thoại của đôi bạn đại ý như sau:

    - Ôi chao, gặp cậu đây thật quý hóa. Trông kìa, đồng lúa Thủ Thiêm dưới chân cầu: ngọn chìm ngọn nổi theo gió xa lộ mênh mang lúc thổi lúc ngừng. Mừng thật đấy, nhưng liệu rồi mai đây còn gặp nhau nữa không, hay rồi lại hay tin cậu đã xuống tàu vượt biên rồi!

    - Thôi cậu ơi, hãy nhìn trăng trên đỉnh trời vằng vặc kia lấy đó làm gương soi tỏ lòng mình để thấy rằng: xa nhau mà vẫn nhớ nhau là quý. Hình hài cách trở - có xá chi!

    Chao ôi, nói vậy âu cũng chỉ dối người dối mình để tự an ủi. Cứ nghĩ cảnh rồi đây mỗi người mỗi ngả, ở tít nơi xứ người xa tắp mỗi lần nghĩ đến nhau chẳng biết ai còn ai mất – thật cũng buồn lắm thay!

    Nào bây giờ chúng ta cùng đọc lại cả mười câu thơ vấn đáp của thiên giai thoại thi ca này và không quên sự kiện ngộ nghĩnh là câu hỏi thốt ra vào năm 1984, mà câu trả lời đã có từ bốn năm về trước – 1980:


    • (1984- Nguyễn Đình Toàn)
      Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm, ngọn nổi
      Gió xa lộ lúc thổi, lúc ngừng
      Gặp nhau tay bắt mặt mừng
      Vui thì vui vậy, biết chừng nào xa.

      (1980-Doãn Quốc Sỹ)
      Đỉnh trời vằng vặc gương nga
      Long lanh soi tỏ lòng ta, lòng mình
      Gương trong mình lại soi mình
      Thấy tình thăm thẳm, thấy hình phù du
      Nẻo đời gió bụi kì khu
      Biết ai còn mất, tình thu võ vàng.



    Houston, 27-2-1995
    Doãn Quốc Sỹ


    https://vietbao.com/a317582/tuong-nho-n ... -dinh-toan
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hoài niệm anh, Nguyễn Đình Toàn

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Hoài niệm anh, Nguyễn Đình Toàn
    – một nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ tài hoa được nhiều người mến mộ

    ____________________________
    30/11/2023 _ Đặng Phú Phong






    Nguyễn Đình Toàn, tài hoa từ giọng nói


    Nguyễn Đình Toàn là một cái tên rất quen thuộc với giới văn nghệ sĩ, độc giả và thính giả yêu nhạc suốt khoảng thời gian 20 năm từ 1954 đến 1975 của người miền Nam Việt Nam. Ông là một người đa tài, làm thơ, viết văn, soạn nhạc và viết cả kịch nữa, điểm đặc biệt nhất của ông là cái chất giọng ấm, ngọt ngào và quyến rũ vang lên mỗi tối thứ năm hàng tuần trên Đài Phát Thanh Sài Gòn trong chương trình “Nhạc Chủ Đề”. Bài viết và giọng đọc truyền cảm của ông đã làm say mê biết bao thính giả, dĩ nhiên cũng làm cho bao nhiêu trái tim thiếu nữ thổn thức, ông là “một người đào hoa nhưng rất chung thủy với vợ” (theo lời người con gái). Những bài nhạc ông chọn để phát thanh đều nằm theo chủ đề của chương trình mà ông dẫn dắt người nghe đi vào những khám phá qua văn chương thi vị, qua đời sống tác giả và từng giai điệu của bài hát. Câu giới thiệu về những bản tình ca của Trịnh Công Sơn là “Những bản tình ca không có hạnh phúc” như một dấu ấn của nhạc sĩ này, đã làm biết bao thính giả thật thú vị và ghi nhớ mãi. Ông giới thiệu những nhạc sĩ tài danh từ thời âm nhạc Việt Nam mới phôi thai đến các tác giả đương thời với những tác phẩm điển hình của họ. Những nhận xét tinh tế, sửa những chữ trong bài hát đã bị phổ biến sai giúp thính giả của ông, ngoài phần thưởng thức văn nghệ còn được tăng phêm phần kiến thức về âm nhạc. Những giọng ca thường được ông ưu ái nhất để đưa các bài nhạc hay đi vào lòng thính giả như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Sĩ Phú, Duy Trác. Trong một lần trò chuyện với tôi, Nguyễn Đình Toàn nói về các giọng ca nữ hàng đầu của Việt Nam thời VNCH như sau:

    “Giọng ca của Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy, Thanh Tuyền... hiếm nhưng không quý, duy chỉ có giọng ca của Thái Thanh mới có đủ 2 chất quý và hiếm”. Riêng với Khánh Ly, ông từng dạy hát và nhạc lý cho cô nên rất thân và hiểu về giọng hát này.

    Nguyễn Đình Toàn không học nhạc ở trường lớp nào, chỉ ra công nghiên cứu các sách nhạc của Pháp (Việt Nam thời bấy giờ rất ít sách nhạc). Ông sáng tác khoảng 200 bài và phổ biến mới chừng một nửa qua 4 tập nhạc như: Hiên Cúc Vàng, Mưa Trên Cây Hoàng Lan... đa phần được in ở hải ngoại. Đươc hỏi nhận xét về nhạc của 2 nhạc sĩ vang dội trong làng âm nhạc Việt Nam là Phạm Duy và Văn Cao, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nói rất tóm tắt: “Nếu dùng hai từ cao và rộng để bàn thì nhạc Phạm Duy rộng hơn, nhạc Văn Cao thì cao hơn”.

    Nhà văn Nguyễn Đình Toàn sinh năm 1936 tại Hà Nội, di cư vào nam 1954, định cư tại Hoa kỳ năm 1999. Nguyễn Đình Toàn là bút danh chính thức còn một bút danh khác là Tô Hà Vân và Hồng Ngọc khi viết nhạc. Về văn nghiệp Nguyễn Đình Toàn đã xuất bản được 17 tác phẩm về truyện dài, tập truyện, bút ký, thơ và truyện kịch. Truyện dài đầu tay mang tên Chị Em Hải, xuất bản năm 1992; đến năm 1970 in truyện dài Áo Mơ Phai và ông đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc nhờ tác phẩm này. Rất nhiều nhà văn thơ tên tuổi viết về ông, gần như tất cả đều khen tặng, xưng tụng ông hết mình. Như Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến, Huỳnh Phan Anh...Du Tử Lê trong một bài viết đã gọi ông là “Người tình không chân dung của khán giả Việt Nam”. Quả là Du Tử Lê đã hân trao cho Nguyễn Đình Toàn ngôi vị của một Hoàng tử trong ước mơ của muôn nàng thiếu nữ. Gần đây nhà văn trẻ tên Lưu Na viết một cuốn sách dày gần 200 trang để nói về ông, với tựa đề là “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người”. Cuốn sách là những nhận định về Nguyễn Đình Toàn rất thú vị, sắc bén và mới lạ, khác với các bậc đi trước: “Người cùng thời của ông viết ra những suy tư và tâm tình mang dấu ấn của thờ họ sống, những vấn đề lớn lao nhưng của cả một thế hệ. Còn cái ông viết là cái của muôn thuở: tình yêu và sự sống, được viết bằng cái cách của người 300 năm trước nói chuyện 400 năm sau.”.

    Hay:

    “Võ Phiến quan sát mọi sự quanh mình, còn Nguyễn Đình Toàn thì thật ra chỉ ngó một thứ, tỉ mỉ một điều: lòng của ông...Đọc Võ Phiến thì mình theo người viết ngó ra chung quanh và đọc Nguyễn Đình Toàn thì mình ngó vào lòng người viết” (sách đã dẫn, Lưu Na).

    Tháng Giêng năm 2022 ông cho ra mắt một tập thơ mang tên Thơ và Ca Từ, gồm 104 bài thơ trong đó có một số được làm ca từ của những bài hát của ông, nói một cách khác là những bài thơ của ông do chính ông phổ nhạc. Trong số này có 3 bài nhạc ông viết cho 3 loài chim mà ông đặc biệt yêu mến: Họa Mi, Hoàng Oanh và Đắng Đót.

    Họa Mi là loại chim có giọng hót trong trẻo và hay nhất trong các loại chim rừng. Một người quen với người viết, rất sành điệu trong việc nuôi chim nói rằng, Họa Mi có đặc tính càng bay cao thì càng hót hay. Ông ta nhốt chim Họa Mi trong một lồng tre cao đến 2m, ở giữa là một cây trụ cao chừng 2/3 lồng, đầu trụ gắn một ổ Pi thật nhạy, hàn với một vòng tròn sắt nhỏ. Khi con chim đáp lên cái vòng, cái vòng sẽ chạy quanh, chim mất thăng bằng thì phải đập cánh, càng đập cánh nhanh thì ổ Pi có gắn vòng sắt tròn ấy càng xoay nhanh hơn; con chim Họa Mi sẽ tưởng mình đang bay cao, đem hết khả năng của mình mà hót lên những âm thanh bay bổng nhất, tuyệt diệu nhất. Nguyễn Đình Toàn yêu tiếng hót của Họa Mi và rất thích đường viền tuyệt đẹp chung quanh mắt của nó. Cứ như do một bàn tay khéo léo vẽ lên rất đều rất sắc bén và mềm mại. Nghe chim Họa Mi hót giọng ngọt ngào, trong veo như giọt sương trên cành, lòng người cảm thấy an yên hạnh phúc hơn là khổ đau, buồn bã.

    “Này hỡi họa mi trên cành liễu xanh
    Dạy cho ta biết cách yêu không buồn
    Yêu nhau nhưng không đau lòng
    Như suốt đời chim cắp cánh chung”
    (Họa Mi. Thơ và Ca Từ)

    Riêng về con chim có tên thật lạ là Đắng Đót, Nguyễn Đình Toàn kể rằng, khoảng cuối thập niên 50 ông có dịp đến tỉnh Phú Yên, được dân địa phương vùng núi ở đây giới thiệu loài chim lạ tên Đắng Đót. Cứ hằng tối chúng đi vòng theo núi một con kêu “Đắng” một con kêu “Đót”. Cứ thế, chúng nghe tiếng kêu nhau, tìm nhau cho đến sáng hôm sau chúng mới gặp nhau và cùng dẫn nhau đi mất. Dân gian kể Đắng, Đót là 2 anh em, sinh thời rất tương yêu quấn quit nhau nhưng vì do hiểu lầm đã giết nhau, nên khi chết hóa thân làm chim Đắng Đót luôn miệng kêu đắng đót mà tìm nhau nối lại tình anh em. Chuyện dân gian là thế, cách của chúng tìm nhau trong suốt đêm trường đã làm cho chúng ta không khỏi bâng khuâng, cảm kích về tình người keo sơn gắn bó. Bài thơ có những câu thật xót lòng:

    “Nước mắt tôi khóc chàng
    Không dập tắt được lửa tình trong tôi
    Ôi có ai kia
    Đêm nao nức ghe đêm
    Mới biết đêm sâu
    Mới biết tim ta
    Là bể đau khi yêu”
    (Đắng Đót. Thơ và Ca Từ)

    Thơ Nguyễn Đình Toàn đã có sẵn nhạc tính riêng nên chỉ cần nghe lại lời thơ của mình là ông có thể ghi thành một bản nhạc với những âm giai mượt mà, bay lượn. Năm 1962 có một hiện tượng nổi bật về bộ môn thơ; đó là sự trình diễn của nghệ sĩ Nguyên Thanh, một nghệ sĩ ngâm thơ rất nổi tiếng, diễn ngâm bài Khúc Ca Phạm Thái của Nguyễn Đình Toàn. Nghệ sĩ Nguyên Thanh tập dượt bài thơ trong 6 tháng và trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo trên đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, dưới sự dàn dựng của nhạc sĩ tên tuổi Đỗ Đức Thu cùng phần nhạc đệm của 3 nhạc sĩ tài danh bấy giờ là Nghiêm Phú Phi với Piano, Dương Thiệu Tước đàn Tranh và tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa. Bài thơ và phần diễn ngâm của Nguyên Khanh gây được tiếng vang lớn, sau đó được đưa đi theo đoàn văn nghệ trung ương diễn ở các nước Đông Nam Á. Bài thơ này sau đó cũng được Nghệ sĩ Hà Linh Bảo diễn ngâm các nơi được nhiều khán thính giả hâm mộ. Thế mới biết thời đó người Việt Nam rất yêu thích thơ văn, điều mà bây giờ đã không còn bóng.

    Bài thơ Khúc Ca Phạm Thái gồm 73 câu, mỗi câu 9 chữ thảng hoặc 7, 8 chữ, có khi nhiều hơn 10 chữ, Nguyễn Đình Toàn dùng nhiều từ ngữ xưa như: hề, chừ, ta, nàng … nên không khí của bài thơ rất cổ phù hợp câu chuyện ông kể. Ông nói về Phạm Thái một tráng sĩ văn hay võ giỏi, hừng hực lòng yêu nước, nhưng chí không thành đành lánh đến cửa thiền. Duyên trần chưa dứt, Phạm Thái gặp, và yêu say đắm Trương Quỳnh Như. Cánh chim không thể dừng, chàng phải ra đi để làm nghĩa vụ, 10 năm trở lại với lời hẹn xưa. Nhưng, Quỳnh Như đã trở thành thiên cổ. Phạm Thái còn chỉ biết ôm mộ nàng mà khóc.

    “Ta tráng sĩ hề lòng không mềm bằng kiếm
    Ta anh hùng hề sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như
    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
    Chợt năm canh gà chừ tóc hồ điểm bạc
    Thù nhà chưa trả chừ nợ nước vai mang
    Thẹn mặt làm ngơ chừ tủi thân hồ hải
    Gục đầu lên gươm chừ máu đổ chứa chan
    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
    Mộ nàng bao cỏ úa lòng ta bấy xót xa
    Rưng rưng chén nhỏ trào tâm sự
    Ta thương nàng hay ta thương ta”

    Bài thơ bi thương nhưng lại tràn đầy hào khí và ca tụng một tình yêu đẹp, bị dang dở nên tạo ra sức hút với dân chúng, xứng đáng nằm trong danh sách những bài thơ hay của Việt Nam.


    Đặng Phú Phong


    https://www.diendantheky.net/2023/11/an ... n-inh.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tưởng nhớ Nguyễn Đình Toàn

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Tưởng nhớ Nguyễn Đình Toàn
    – Từ “Nhạc Chủ Đề”
    đến “Áo Mơ Phai”

    ____________________________
    30/11/2023 _ Vương Trùng Dương




              

              


              
    Tưởng niệm Nguyễn Đình Toàn

              
    Vào giữa thập niên 1960s, khi còn ở quân trường trên Đà Lạt, với radio transistor, trong im vắng, lúc 10 giờ tối Thứ Năm, Chương Trình “Nhạc Chủ Đề” của Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn, và chương trình ấy mang theo trong ngày tháng đời binh nghiệp.

    Lời giới thiệu trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn mở đầu cho chương trình: “Tình ca – những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người – bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta. Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố… Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ… Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố…”

    Tiếp đến, “Nhạc Chủ Đề” do Nguyễn Đình Toàn chọn lọc, biên soạn và đọc lời giới thiệu với những tình khúc trữ tình, giai điệu nhẹ nhàng được diễn giải như những áng văn xuôi về âm nhạc… với những giọng ca đặc biệt như Anh Ngọc, Ngọc Long, Duy Trác, Sĩ Phú, Mộc Lan, Kim Tước, Thái Thanh, Lệ Thu, Lệ Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Quỳnh Giao... Chương trình nầy đã thu hút thính giả ở miền Nam Việt Nam từ hậu phương đến tiền tuyến và đã in sâu trong tâm khảm giới thưởng ngoạn.

    Theo nhà thơ Du Tử Lê: “Nguyễn Đình Toàn di cư vào miền Nam, năm 1954, ông trở thành biên tập viên đài phát thanh Quốc Gia. (Mọi người quen gọi là đài phát thanh Sài Gòn, để phân biệt với đài phát thanh Quân Đội). Không biết có phải vì lý do công việc, hay để đánh dấu một giai đoạn khác của sự nghiệp văn chương, họ Nguyễn đã từ bỏ bút hiệu Tô Hải Vân, để dùng tên thật của mình, như bút hiệu. (Sáng tác nhạc với bút hiệu Hồng Ngọc). Những năm đầu ở miền Nam, ngoài công việc thường lệ của một biên tập viên phát thanh, Nguyễn Đình Toàn còn cùng ký giả Phan Lạc Phúc, chủ trương một chương trình văn học, nghệ thuật cho đài phát thanh Sài Gòn... Với những giới thiệu hay dẫn nhập bằng cách viết (cách nói) riêng của mình; nhất là qua giọng nói, như một thủ thỉ tư riêng giữa hai người, qua làn sóng điện, họ Nguyễn trở thành một thứ “người tình không chân dung” của rất nhiều nữ thính giả. Đồng thời, ông cũng là “người bạn thiết” của rất nhiều thính giả thuộc nam giới. Với lớp thính giả này, ông như người đã nói thay họ những điều họ muốn nói về tình yêu, âm nhạc, thời thế. Kể cả những điều họ không có trong đầu, trước khi nghe chương trình của ông…”

    Ca sĩ Quỳnh Giao, góp mặt trong chương trình nầy viết: “Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ… Chương trình ăn khách và thực sự tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ, của Nguyễn Đình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu” như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy ông thầm thì với riêng mình về những cảm xúc đó. Đáng lẽ, chương trình ấy phải được gọi là “Dẫn em vào nhạc” mới phải, nhưng thời ấy chúng ta chưa dám táo bạo như thế! Qua cách nói... “hỡi em yêu dấu”, rõ là Nguyễn Đình Toàn chỉ nói với phái đẹp. Vào quãng thời gian ấy, ông còn quá trẻ để gọi thính giả nam phái là “em”. Nguyễn Đình Toàn là nhà văn, là thi sĩ và ông giới thiệu nhạc bằng cảm nhận của nhà thơ”.

    Nhà thơ Đào Trường Phúc, có thời gian làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn ghi nhận: “Qua làn sóng điện giữa đêm khuya thanh vắng, chương trình “Nhạc Chủ Đề” đã gửi đến thính giả những viên ngọc trác tuyệt nhất của kho tàng tình ca Việt Nam, những sáng tác bất hủ của Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Ngọc Bích, Lâm Tuyền, Phạm Duy, Hoàng Trọng, Nhật Bằng... mỗi bài hát là tặng vật vô giá mà chỉ riêng các cặp tình nhân Việt Nam mới có thể chia sẻ cùng nhau”.

    Nhà văn BS Ngô Thế Vinh viết: “Vào thập niên 1960, có ba chương trình nhạc được thính giả yêu thích là chương trình Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Tiếng Nhạc Tâm Tình do ca sĩ Anh Ngọc và Mai Thảo phụ trách, và chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Mỗi chương trình có một sắc thái hay riêng, nhưng có lẽ “Nhạc Chủ Đề” trên đài phát thanh Sài Gòn ngày ấy vào mỗi tối thứ Năm được chờ đợi đón nghe nhiều nhất. Những lời dẫn quen thuộc với giọng đọc trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn như nhập tâm vào mỗi thính giả: Tình ca – những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người – bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…”

    Không phải chỉ có nữ giới, mà cả phái nam cũng rất mê chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ở Sài Gòn là giới thanh niên sinh viên, nơi chiến trường xa là những người lính.

    GS Nguyễn Văn Tuấn từ Viện Nghiên Cứu Y Khoa Garvan Úc Châu trước và sau 1975 là một “fan” của chương trình Nhạc Chủ Đề. Anh Nguyễn Văn Tuấn viết: “Tôi tưởng tượng rằng như có một phép màu nào, xoay ngược lại thời gian. Kìa tôi, trong một hình hài nào đó, giữa đêm lập loè ánh điện, đang ngồi áp tai vào radio, ngồi nuốt từng lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn, thả hồn vào những giai điệu tuyệt đẹp tuyệt vời của những bản tình ca không bao giờ tàn lụi”.

    Rồi mới đây sau khi nghe lại CD Tình Ca Việt Nam Nguyễn Đình Toàn 1970, anh đã phải thốt lên: “Mỗi lời dẫn cho một bản nhạc ở đây là một “nhạc thoại” một tác phẩm khác. Nó thể hiện tính thẩm văn và thẩm nhạc của người tuyển chọn là Nguyễn Đình Toàn”. Rồi cuối cùng, hai người bạn họ Nguyễn ấy như Bá Nha-Tử Kỳ cùng một kiếp tha hương, họ cũng đã gặp nhau không phải trên “một quê hương Việt Nam sợ hãi mà trên lục địa Mỹ Châu thênh thang tự do nhưng vẫn là lưu đầy”.

    Với chương trình “Nhạc Chủ Đề” trích dẫn qua các tác giả ở trên nói lên giá trị của người thực hiện phải có tâm hồn, kiến thức về văn chương và âm nhạc… mà nay, hơn sáu thập kỷ qua vẫn được nhắc tới.

    Từ “Nhạc Chủ Đề” Nguyễn Đình Toàn tiếp nối với “Tình Ca Việt Nam” từ trong nước đến hải ngoại. Vẫn theo nhà thơ Đào Trường Phúc: “Tình Ca Việt Nam là tựa đề của băng nhạc đầu tiên và duy nhất do người khai sinh chương trình “Nhạc Chủ Đề”, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, thực hiện vào năm 1970. Ngày đó trên quê hương chúng ta, compact disc và video chưa xuất hiện, mới chỉ có hình thức “bande magnetique”, và các phòng thâu băng cũng chưa có những thiết bị kỹ thuật tối tân để lọc âm thanh, ghép tiếng hát... Nhưng ngày đó cơn lốc chiến tranh đã cuốn hàng triệu người tuổi trẻ tù thành phố ra sa trường và đưa lửa đạn mịt mù từ sa trường về thành phố. Giữa giông bão chiến tranh, trong nỗi mong manh bọt bèo của thân phận con người và số phận đất nước, những ca khúc bất hủ của kho tàng tình ca Việt Nam được ghi lại và cất lên qua những giai điệu tuyệt vời nhất, vào giai đoạn thăng hoa nhất của những tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú, Võ Anh Tuấn, tiếng dương cầm của Nghiêm Phú Phi và Lê Vũ Lê Văn Chấn, tiếng vĩ cầm của Đan Thọ, Tuấn Khanh, Phạm Văn Phúc, Đào Duy... tiếng clarinette của Đỗ Thiều và Lê Đô, tiếng đại hồ cầm của Nhật Bằng, nhịp trống của Trần Quang Mây...

    Hơn ba mươi năm sau, khi khối người Việt Nam lưu lạc nơi hải ngoại đã chuyển tiếp từ thế hệ thứ nhất qua thế hệ thứ hai, rồi thế hệ thứ ba, “Tình Ca Việt Nam” mới được in và phát hành lần đầu tiên dưới hình thức CD. Nguyễn Đình Toàn gửi đến thính giả mười lăm bài hát cũ của chương trình “Nhạc Chủ Đề” trên làn sóng điện của đài phát thanh Sài Gòn, cùng lúc với tuyển tập ca khúc thứ hai do ông sáng tác “Tôi Muốn Nói Với Em”…

    Ba mươi năm quá đủ dài để giập vùi bao nhiêu cuộc đời, xé nát bao nhiêu giấc mơ, cuốn phăng bao nhiêu ân tình, nhưng vẫn chưa và có lẽ chẳng bao giờ xóa sạch được dấu vết kỷ niệm trên ký ức của những người đã lạc nhau trong một cuộc bể dâu. Ba mươi năm trước, khi viết lời giới thiệu “Hướng Về Hà Nội”, Nguyễn Đình Toàn nhắn nhủ rằng sự chia lìa hai thành phố trên cùng một đất nước cũng đớn đau y như cuộc phân ly giữa những cặp tình nhân sinh ra đời để yêu nhau…”

              

              

    Nguyễn Đình Toàn tài hoa trong lãnh vực văn học nghệ thuật từ truyện, thơ, nhạc, kịch trong nhiều thập kỷ từ trong nước và hải ngoại. Riêng về truyện, trước năm 1975 ở Sài Gòn đã ấn hành nhiều tác phẩm: Chị Em Hải (1962), Những Kẻ Đứng Bên Lề (1964), Con Đường (1967), Ngày Tháng (1968), Phía Ngoài (1969), Giờ Ra Chơi (1970), Đêm Hè (1970), Đêm Lãng Quên (1970), Không Một Ai (1971), Đám Cháy (1971), Tro Than (1972)… Với tác phẩm Áo Mơ Phai đã mang lại niềm vinh dự trong sự nghiệp cầm bút, đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật năm 1973 và cũng là tác phẩm, sau năm 1975 bị kết tội phản động nên bị tù! (Khi ông định cư ở Mỹ, ấn hành Tiểu Thuyết 1: Áo Mơ Phai, Con Đường, Tro Than. Tiểu Thuyết 2: Đồng Cỏ, Giờ Ra Chơi, Ngày Tháng – Người Việt ấn hành, hiện còn trên Amazon).

    Trong quyển Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ của họa sĩ Tạ Ty, “Nguyễn Đình Toàn & Nỗi Buồn Trước Mặt” ghi: “Nguyễn Đình Toàn mang tuổi trẻ đi vào tình yêu, như kẻ hành hương gian nan đi tìm thánh địa trong tâm tưởng. Mỗi nhân vật được nhà văn dùng tới hình như đã mang sẵn một bản án, một quyết định nên mọi diễn trình của nhân vật đều ôm theo nỗi bi đát của định mệnh. Hình ảnh cô liêu làm băng hoại suy nghĩ. Mỗi nhân vật dưới nét mực Nguyễn Đình Toàn được đẩy vào con đường không định sẵn hướng đi. Mỗi số phận cứ lần từng bước trong vũng tối của tâm linh và trở thành mù loà trước ám ảnh, dục vọng! Từng bước của nhân vật như đi vào miền lưu đày vĩnh viễn…

    Nguyễn Đình Toàn, nhà văn luôn luôn khao khát hạnh phúc, nhưng tâm hồn lại trôi giạt vào vùng trời bất hạnh, ở đấy, hạnh phúc chỉ là phiền muộn! Con người đã biến thành trò chơi của Tạo hóa, nó bị lưu đày vào từng hố thẳm của ưu tư và bất lợi cho số mệnh an bài. Không một tác phẩm nào của Nguyễn Đình Toàn mở ra với ánh sáng, hầu như bao giờ nó cũng khỏa lấp vào u tối của oan trái, khắc nghiệt!”

    Áo Mơ Phai là truyện dài feuilleton thứ 13 trên nhật báo Xây Dựng năm 1971. Trước đó có những truyện dài viết feuilleton như Con Đường trên nhật báo Tự Do, Đồng Cỏ trên nhật báo Chính Luận và những truyện dài khác trên nhật báo Tiền Tuyến. Tác phẩm Áo Mơ Phai, nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành năm 1972, tác phẩm với 300 trang gồm 9 Chương. Nhân vật chính trong truyện là Lan, cô nữ sinh thơ ngây, trong trắng, nhí nhảnh với cuộc tình chớm nở với Quang. Những lần gặp nhau, đi bên nhau dạo phố phường Hà Nội rất đẹp, dễ thương thế rồi sau Hiệp Định Genève, chia đôi hai miền Nam-Bắc bao tang thương, phân ly ập đến, đứt ruột đành bỏ nơi chốn thân yêu để di cư vào Nam. Nhưng có thể hiểu “nhân vật chính” là Hà Nội trong trái tim của tác giả.

    Trong bài viết của nhà văn BS Ngô Thế Vinh cho biết: “Khi viết bài điểm sách Áo Mơ Phai, Huỳnh Phan Anh, đã nhận định: “Phải nhìn nhận rằng yếu tố 'truyện' là cái gì quá nghèo nàn trong Áo Mơ Phai, truyện dài. Một độc giả bình thường có thể thất vọng sau khi đọc Áo Mơ Phai. Người đọc có thể xếp cuốn sách lại với nỗi bàng hoàng nào đó, có lẽ người đọc sẽ khó thâu tóm 'câu truyện' mà tác giả đã dùng trên 300 trang sách để kể. Có thể câu truyện thật sự của Áo Mơ Phai không thể tách rời khỏi từng trang Áo Mơ Phai, nghĩa là không thể giản lược tóm thâu mà không làm mất ý nghĩa của nó. Có thể vì câu truyện thực sự của Áo Mơ Phai là cái gì chưa hoàn tất, nói một cách nào đó, hãy còn vắng mặt, hãy còn hứa hẹn.” (Văn Học 10/02/1974).

    Cũng trên tạp chí Văn Học 1974, Nguyễn Đình Toàn đã nói về kỹ thuật xây dựng Áo Mơ Phai như một tác phẩm tâm đắc của mình: “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên. Nhiều người đã nói tôi dùng lối viết quá dài, cả trang không chấm trong Áo Mơ Phai này mới mang đủ sắc thái không khí của Hà Nội. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”

    Trong buổi mạn đàm với Hoàng Khởi Phong trên RFA (9/10/2006), khi được hỏi về Áo Mơ Phai, Nguyễn Đình Toàn bày tỏ: “Có những người thức thời, nhìn xa trông rộng, có thể tiên đoán dự liệu được những biến chuyển của thời cuộc, dĩ nhiên có những điều họ tiên đoán cũng có điều sai. Mà đúng hay sai thì chỉ khi nào sự việc xảy ra thì họ mới biết được. Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết”. (HKP Mạn Đàm Với NĐT, RFA 9/10/2006).

    Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri” (Ngô Thế Vinh).

    Trong truyện ngắn Đêm Giã Từ Hà Nội của nhà văn Mai Thảo mô tả giờ phút cuối cùng khi rời Hà Nội nhưng trong Áo Mơ Phai với câu kết: “Nàng cũng mong mỏi một buổi chiều nào, ngồi ở bao lơn đó, nàng sẽ trông thấy Quang đi tới. Lan không gọi, nhưng Quang cũng sẽ ngửng lên, và trông thấy nàng. Họ sẽ phải gặp nhau một lần cuối cùng như thế trong Hà Nội, rồi có sẽ gặp nhau ở nơi xa xôi nào khác nữa không, là việc sau. Lòng mong đợi gay gắt đến nỗi, đã có khi làm Lan tưởng như nàng sẽ chết thật, sẽ không thể nào thở được nữa. Nhưng cái hơi thở hổn hển đó còn kéo dài mãi, dài như những trận gió heo may thổi quanh Hà Nội, thổi vào Hà Nội, trải dài hơn những hàng cây đang để trơ dần những cành gầy guộc, khẳng khiu. Tưởng tượng mạnh mẽ đến nỗi, có một lần Lan đút mấy ngón tay mình lên miệng, và nàng có cảm tưởng chúng cháy bùng như những cây nến”.

    Theo ông, Áo Mơ Phai coi như tác phẩm tâm đắc vì Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi”.

    Trong bài Hồi Tưởng của Nguyễn Đình Phương Uyển, con gái tác giả: “Áo Mơ Phai, miêu tả chi tiết về quang cảnh Hà Nội. Chi tiết đến từng góc phố, từng con đường, từng mùi hương. Hà Nội qua ngòi bút của ông đẹp như tranh thế mà Cộng Sản lại bỏ tù ông vì tác phẩm nầy. Giải thưởng từ tay Tổng Thống nghĩa là bố tôi nợ máu với Việt Cộng nhiều hơn ai hết thảy”.

    Ông bà Nguyễn Đình Toàn có 4 người con: Nguyễn Đình Thức, Nguyễn Đình Tri, Nguyễn Đình Phượng Uyển, Nguyễn Đình Thư. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Bà Tú Xương của Nguyễn Đình Toàn – vĩnh biệt chồng con, cháu… ngày 15 tháng 2 năm 2021, hưởng thọ 79 tuổi. Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, ngày 28 tháng 11 năm 2023, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi. Ông đã vĩnh viễn ra đi nhưng để lại di sản văn học nghệ thuật quý báu cho người ở lại.




    – Vương Trùng Dương
    https://vietbao.com/a317588/tuong-nho-n ... o-mo-phai-
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Những nét tinh hoa của đời sống

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Những nét tinh hoa của đời sống
    ________________
    Phan Lạc Tiếp




              

              


    Kính thưa quý vị trưởng thượng,

    Kính thưa toàn thể quý vị và các bạn.

    Người xưa có nói “ Thất thập cổ lai hy”, bảy mươi tuổi xưa nay hiếm. Câu nói ấy với chúng tôi và anh Nguyễn đình Toàn có lẽ không còn đúng nữa. Ví anh Toàn sinh năm 1936, còn 4 năm nữa tròn 80, và chúng tôi, người đang thưa chuyện cùng quý vị đây, chúng tôi hơn anh Toàn 3 tuổi. Dù có cố trốn tránh cách nào đi nữa, chắc chắn anh em chúng tôi không còn trẻ nữa.

    Chúng tôi quen nhau từ năm 1949, khì Hà Nội vừa im tiếng súng. Chúng tôi từ vùng tản cư trở về, cùng đi học lại, gặp nhau và tập tễnh làm văn nghệ văn gừng. Ở lứa tuổi non trẻ ấy, chúng tôi tạm quên những vần thơ của thời tiền chiến và đang ngỡ ngàng, ngưỡng mộ những ngôi sao mới như Quang Dũng, Yên Thao…

    Anh Nguyễn đình Toàn quê ở Gia Lâm, sát Hà Nội. Làng anh nằm bên tả ngạn sông Hồng và hữu ngạn con sông huyền thoại của Hoàng Cầm:

    “Sông Duống trôi đi một dòng lấp lánh…
    Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…”

    Vùng đất ấy xưa gọi là Kinh Bắc, với chùa chiền, lăng miếu thờ Lý Bát Đế còn rải rác đó đây, là cái nôi của Hội Lim, quan họ tình tứ, của “liền anh, liền chị”. Trong những ngày sơ giao ấy, lấy bút hiệu là Tô hà Vân, Nguyễn đình Toàn cũng có những câu thơ rất trữ tình đậm mùi đồng nội :

    Ngày em về thăm quê tôi
    Xóm làng gặp kỳ mở hội
    Chim rủ nhau về ăn cưới
    Hoa thanh bình yêu nắng mùa xuân


    Nhưng những ngày tháng yên lành, mơ mộng ấy của chúng tôi không được bao lâu.. Mấy năm sau tiếng đại bác đêm đêm đã vọng về Hà Nội. Điện Biên Phủ, một địa danh xa tít bỗng tràn ngập mặt báo Hà thành. Cuộc đi Nam ào ạt. Tình bạn của chúng tôi cũng tan theo, tưởng không bao giờ gặp lại.

    Nhưng trong miền đất mới, Sài Gòn, chúng tôi tình cờ lại gặp được nhau và trở nên thân thiết. Nhưng bạn tôi thì đau ốm, không biết sẽ “buông tay” ngày nào. Nguyễn đình Toàn bị bịnh lao phổi. Bịnh này trong thời gian ấy coi như bất trị. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ của người chị, mái lá cong lên dưới nắng hanh, Toàn có một căn phòng vách nứa riêng biệt ở miệt ngoại ô, gần Tân sơn Nhất, hàng ngày nghe thấy tiếng chuông từ nghĩa trang Bắc Việt vọng về. Ở đấy Toàn đã thả thời gian vô định miệt mài đọc, viết, làm thơ và lững lờ sống như chờ đợi phút cuối của đời mình, như chính anh đã viết:

    Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng
    Mặt đất mềm bước chân em chợt nặng
    Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi
    ….

    Một người con gái chẳng hề ngần ngại, không sợ lây lan, đã nhiều lần đến thăm Toàn với những nụ hồng tươi thắm. Thật lạ. Những hôm trời nắng, Toàn ngồi dựa lưng vào đống chăn gối, búng những nốt đàn buồn và tiếp tục đọc những câu thơ của mình như một lời tạ từ, tiếc nuối :

    Em đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa
    Cứ cúi đầu, cứ thế, rồi ra đi
    Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết
    Và dấu giày mai sẽ lá sương che

    Cô bé như nuốt hết những lời ca, nốt nhạc và cả tiếng nắng hanh trên mái lá vào lòng.. Cô như muốn bắt chước người con gái đang nổi tiếng ở bên Tây, F Sagan “Buồn ơi chào mi”, và cô đã có những câu thơ liều lĩnh, thật lạ và vui:

    Nếu mà con rắn cuốn chân tôi
    Thì tôi ngửa mặt vỗ tay cười.

    Chính trong thời gian này NĐT đã thai nghén và viết cuốn truyện đầu tay của anh, cuốn Chị Em Hải.

    Sau người con gái ấy đi đâu, tôi không biết nữa (Xin bà Toàn đừng buồn, hãy coi đây như một áng mây mỏng bay qua cửa sổ. Mà lúc ấy bà Toàn còn nhỏ, chúng tôi chưa biết. Và như chúng tôi còn nhớ, khi bà và NĐT gặp nhau, bà còn gọi chúng tôi là chú. Chúng tôi cũng từng nghe bà nói, chỉ cần anh Toàn sống dược 3 năm là đủ hạnh phúc rồi. Nay cuộc hôn nhân ấy đã gần 50 năm, và ông bà Toàn đã sẵn sàng đón nhận cháu gọi mình là cụ, vì cháu nội ông bà Toàn đã lập gia đình). Một hôm chúng tôi đến thăm Toàn, đọc mấy trang bản thảo Chị Em Hải, thấy lạ. Chữ viết đẹp như múa. Tôi mượn cả cuốn bản thảo đem về đọc và khoe với ông anh tôi, Phan lạc Phúc. Ông anh tôi đọc suốt đêm, rồi ngỡ ngàng, bảo: “Cái này ở đâu ra?” Tôi bảo “Của bạn em.” Ít ngày sau một chương sách của NđT xuất hiện trên nhật báo Tự Do. Tôi mang chút tiền còm bản quyền cho Toàn với lời nhắc của thi sỹ Hà thượng Nhân : “Anh này viết lạ lắm, bút pháp rất mới, in dược đấy”. Hà thượng Nhân lúc đó là một trong những người chủ trương cơ sở xuất bản Tự Do và cùng làm việc với ông anh tôi tại Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu. Sau ông làm Tổng Giám Đốc đài phát thanh Sài Gòn. Chị Em Hải nhờ đó được Cơ Sở Tự Do in phát hành vào năm 1960.

    Trước khi cuốn sách được in, ông anh tôi đề nghị tác giả “Bỏ bút hiệu Tô hà Vân mà lấy tên thật làm bút hiệu.Tên mới này nó mạnh mẽ hơn, mời gọi hơn.” Từ đó Văn Học Miền Nam, trên nửa thế kỷ qua, có một nhà văn, một thi sỹ và một nhạc sỹ được mọi người biết đến và yêu mến là Nguyễn đình Toàn.

    Như thế chính Chị Em Hải còn là “người đưa lối” cho Toàn làm biên tập viên cho đài Sài Gòn do Thiếu Tá Phạm xuân Ninh, tức thi sỹ Hà thượng Nhân làm Tổng Giám Đốc.

    Bịnh tình của Toàn như trôi đi theo những ngày trưởng thành của VNCH.

    Cuộc xâm lăng Miền Nam do Bắc Việt phát động bùng lên. Động viên toàn quốc. Toàn bình phục đủ sức để làm công chức, nhưng không đủ sức để nhập ngũ. Mục Nhạc Chủ Đề do Toàn phụ trách và đích thân đọc lời giới thiệu và dẫn giải được đón nhận nồng nàn. Và cũng chính thời gian này anh viết Những Kẻ Đứng Bên Lề. Sau đó là Ngày Tháng, Áo Mơ Phai, mang những nét nhớ nhung về Hà Nội. Tác phấm này năm 1970 được trao giải Văn Học Toàn Quốc. Sau nữa là tập thơ Mật Đắng…

    Ngày 30 tháng 4 ùa tới, tình bạn của chúng tôi lại một lần nữa cách chia.

    Ở lại với Sài Gòn, để ngâm ngùi với “thành phố đã mất tên” và những ngày tù tội, hơn 10 năm sau mới tới được Hoa Kỳ và NĐT đã có cơ may cầm bút lại.

    Mấy năm trước đây, nhân buổi ra mắt cuốn Bông Hồng Tạ Ơn tại San Jose, thi sỹ Hà thượng Nhân, lúc này đã ngoài 90, rất yếu, đi xe lăn tới dự. Nhiều người lên nói về cuốn sách, có người nói đặc biệt về Chương Trình Nhạc Chủ Đề, về giọng nói êm đềm tha thiết mở đầu bằng câu “ Em yêu dấu…” Diễn giả tha thiết nói “Chúng tôi mê mệt đón nghe tiếng nói ngọt ngào của người giới thiệu chương trình, hơn là nghe tiếng hát…” Lời phát biểu ấy vừa dứt, Hà trưởng Môn dơ tay, và máy vi âm đươc chuyển tới ông. Ông nói : “Khi hồ sơ (xin việc) của anh đến tay tôi, tôi thuận ngay và mời anh làm cho đài. Tôi quá bận, không có thì giờ theo dõi kỹ việc anh làm. Tôi cũng không biết anh có nhiều tài năng như thế. Tôi…, tôi thành thực xin lỗi anh”. Lời “xin lỗi” ấy ông nói rất từ tốn, dõng dạc, thận trọng, mọi người hiện diện không ngờ và bàng hoàng. Chúng tôi ngồi cạnh Toàn, chúng tôi cũng bàng hoàng. Toàn đứng lên, chấp tay đa tạ.

    Tất cả hội trường như lặng đi trong không khí tương kính ít có giữa những người đã làm xong việc đời, nhưng vẫn giữ vẹn toàn khí tiết và trách nhiệm.

    Chẳng bao lâu sau, Hà trưởng Môn mất.

    Vài nét như thế tưởng cũng tạm đủ về thân thế tác giả Nguyễn đình Toàn.

    Và bây giờ chúng ta trở lại với bộ sách mới của anh : Bông Hồng Tạ Ơn, viết thêm và tái bản.

    ***


    Nếu phải tìm một cuốn sách nào phản ảnh được đầy đủ, ngập tràn sinh động của VNCH từ những ngày còn trứng nước, rồi trưởng thành, trên dưới 20 năm cho đến những phút cuối cùng tan rã, chúng tôi nghĩ, không có cuốn sách nào viết về VNCH, bằng cuốn Bông Hồng Tạ Ơn của Nguyễn đình Toàn.

    Một bộ 2 cuốn, tổng cộng 1308 trang, không kể bìa, nói về 234 tác giả, những người làm văn học, nghệ thuật của Miền Nam.

    Sao vậy?

    Vì nói về quê hương, xét cho kỹ không phải là nói về đất đai, cảnh trí, mà là con người.

    Chính con người làm nên quê hương, tình quê hương.

    Nguyễn đình Toàn, như một định mệnh đã an bài, anh vừa là một nhà văn, một thi sỹ và cũng là một nhạc sỹ nữa trong một công dân VNCH. Anh đã gắn chặt vào đài phát thanh Sài Gòn từ những ngày đầu thập niên 60 cho đến khi Sài Gòn sụp đổ, kéo theo những ngày dài tan hoang, tù tội, chia lìa, nhung nhớ và chất ngất tiếc thương.

    Nên, viết về những kỷ niệm của một người bạn anh đã gặp, một lời nói anh đã ghi, ngắn thôi, như còn rộn rã âm vang của một khung trời ngày cũ.

    Nói một cách khác, từng con chữ của anh trong bộ sách này, như một chìa khóa diệu kỳ làm thức dậy trong ta lung linh cả một cảnh trời quê hương, dù chất ngất đắng cay nhưng vẫn rất thân thương, tiếc nuối.

    Tác giả đã viết lịch sử bằng cả tâm hồn thương quý với ngôn ngữ của thi ca.

    Cụ thể hơn, bộ sách chỉ nói về sinh hoạt văn học của Miền Nam mà thôi.

    Tuy chúng ta cũng bắt gặp một số tác giả ở bên kia vỹ tuyến 17 hay những người đã có những sinh hoạt trước năm 1954 như Lưu trọng Lư, Thơ Thơ, Phạm Quỳnh, Phan Khôi… Nhưng bản chất của các bài viết ấy, nói về những người ấy, như để làm sáng, làm rõ những khác biệt giữa hai miền, hai chế độ.

    Hãy nhìn đám tang cùa cụ Phan Khôi thì rõ dưới sự ghi nhận của Tô Hoài mà ông đã trích dẫn : “ …từ trên một căn lầu, nhìn qua của sổ xuống đường, thấy đám ma ông Phan Khôi đi qua, đằng sau chỉ chỉ có một mình chị Hằng Phương đi đưa…”

    Chỉ đơn giản thế, chỉ vài giòng, ta đã thấy rõ sự khác biệt giữa hai miền Nam, Bắc.

    Cụ thể hơn, đặc tính của bộ sách là sự phóng khoáng, tự nhiên như Lời Thưa của soạn giả. “Đây không phải là cuốn sách nghiên cứu hay phê bình văn học nghệ thuật” mà chỉ là “nhằm chia xẻ chút hiểu biết về những gì còn nhớ đuợc về các tác phẩm, tác giả mà mình ưa thích…”.

    Đúng thế thật,“những gì còn nhớ được” nên sự thiếu sót là lẽ đương nhiên, mọi sự cứ tự nhiên tuôn chảy, không theo một thứ tự nào. Kỳ phát hành đầu cách đây mấy năm là 190 và kỳ này lên đến 234 người đã được ghi nhận. Đa số họ là những người cùng thời với soạn giả, hay những người sinh hoạt truớc hay sau ông, nhưng liên hệ trực tiếp đến sự hình thành của Việt Nam Cộng Hoà.

    Vì là sự ghi nhận “những gì còn nhớ được”, nên người đọc cũng tùy ý mở ra bất cứ trang nào, nói về bất cứ ai, đọc vẫn thấy thú vị, không lệ thuộc vào bố cục của toàn cuốn sách.

    Bên cạnh những nét tưởng như đơn giản trên lại là những nhận định thật sắc bén và vô cùng tế nhị. Tế nhị về người, về những nét đặc thù của những sáng tác.

    Như khi nghe bài Còn Chút Gì Để Nhớ, thơ Nguyễn hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc, ông đã viết: “không biết có bao nhiêu người (nghe nhạc) đã ao ước được đến Pleiku”, và thán phục sự tinh tế của người soạn nhạc. Nhưng ở một chỗ khác, nhận định về Phạm Duy, ông viết : “…Người ta có cảm tưởng những gì ông ( Phạm Duy) nói được thì ông làm được. Kể cả những điều ông làm cho người ta nhăn mặt”.

    Có biết bao những nhận xét tinh tế như thế với hơn 200 tác giả, khiến ta tự hỏi “Làm cách nào mà soạn giả đã ghi nhận được như vậy?”

    Thật là hiếm quý. Cả bộ sách như một cuộc dong chơi mà vô cùng phong phú.

    Đó là bộ sách ghi nhận những nét đặc thù, tinh hoa của đời sống sống một thời.

    Hơn bao giờ hết, tôi thấy bạn tôi, Nguyễn đình Toàn là một người vô cùng giàu có. Ông đã không thủ đắc riêng mà đã trao gửi lại gia tài này cho mọi người, cho văn học, cho mai hậu. Bởi càng đọc càng thấy lạ, thấy hay, thấy thân quý vì đó chính là đời sống thân thương của chúng ta, của VNCH.

    Và hơn bao giờ hết những “Ngày Tháng” tưởng như rong chơi của bạn tôi, Nguyễn đình Toàn, bỗng trở nên vô cùng hữu ích..

    Một nét đặc thù khác là suốt chiều dài của hơn môt ngàn trang sách, chúng ta hầu như ít khi bắt gặp những nụ cười. Phải chăng đó là hậu ý của tác giả viết về một giai đoạn đau buồn, cực kỳ oan trái của dân tộc trong thế kỷ qua và vẫn còn tiếp diễn.

    Một hậu ý của bao nỗi xót xa !

    Nói một cách tổng quát, Bông Hồng Tạ Ơn, là bộ sách to lớn nhất, “khoẻ mạnh” nhất so với những cuốn sách trước đây của chính Nguyễn đình Toàn. Ông không còn là “Những Kẻ Đứng Bên Lề" nữa. Ông đã nhập cuộc bằng tất cả rung động, cảm xúc, ý chí và thân xác mình qua những ngày dài tù tội.

    Xin cám ơn tác giả.

    Xin đa tạ quý vị đã lắng nghe.



    Phan lạc Tiếp
    13 tháng 5 năm 2012.

    https://www.ngo-quyen.org/p3590a9571/ph ... a-doi-song
Trả lời

Quay về “chứng nhân Việt”