Thăm lại mộ thuyền nhân việt ở đông nam á

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Thăm lại mộ thuyền nhân việt ở đông nam á

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Thăm lại mộ thuyền nhân việt ở đông nam á



    Anh bạn nhà báo Lưu Dân bên Úc gửi cho bản tin phổ biến cuối tháng Tám vừa qua trước ngày nghỉ gọi là Quốc khánh của Hà Nội, tựa là “Khuyến cáo du khách Việt không nên đến một số khu vực tại Indonesia, Philippines và Malaysia.” Lý do: “Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết khuyến cáo này nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch outbound (khách trong nước ra nước ngoài).”

    “Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch và tránh phát sinh những vấn đề về chính trị, ngoại giao, đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Liên chi hội Lữ hành Việt Nam thông tin, khuyến cáo các doanh nghiệp lữ hành tạm thời không đưa khách đến 3 địa điểm trên,” thông báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho hay.

    Đọc bản tin, tôi không khỏi bật cười. Vào thời buổi Internet phát triển vượt bực và tạo cơ hội cho mọi người có dịp tiếp cận với đủ loại thông tin và kiến thức của thế kỷ 21 này, bất kể các nỗ lực ngăn chặn mà tôi gọi là “lấy thúng úp voi” của chế độ, mà nhà nuớc, qua Tổng cục Du lịch, vẫn còn đối xử với người Việt trong nước như một lũ con nít không biết gì.

    Cái mà họ thực sự quan tâm không phải là “an toàn cho du khách,” mà chính là cho thế đứng của chế độ tư bản đỏ song vẫn độc tài của họ đấy thôi.

    Chuyện thuyền nhân Việt Nam vào cuối thập niên 1970 và suốt thập niên 1980 có mấy ai mà không biết, nếu muốn. Chỉ cần đánh cụm từ “thuyền nhân Việt Nam” hay “Vietnamese boat people” trong bất cứ hộp Search của bất cứ browser nào—Google, Microsoft Edge, Firefox, Omega, Duckduckgo, v.v.—là thấy hiện lên đầy các tài liệu, hình ảnh và phim về thảm kịch kéo dài gần hai thập niên này. Cho là trong nước những trang web này có bị chặn thì vẫn có vô vàn các cách khác để tiếp cận thông tin trên mạng. Người Việt trong nước, khả năng kỹ thuật điện toán nghe nói nhiều khi còn hơn cả nhiều người hải ngoại nữa.

    Tại sao phải đến tận nơi chôn cất các nạn nhân vượt biển đi tìm tự do không may bị bỏ mạng tại các địa điểm như Galang (Indonesia), Bidong (Malaysia) và Palawan (Philippines)? Các du khách trong nước muốn tới tận các nơi này thăm viếng thực ra chính là thân nhân của các nạn nhân vượt biển muốn viếng người thân để vun đắp, sửa sang mộ phần và thắp lên một nén hương tưởng nhớ. Cấm đoán họ vì những lý do “an toàn” đâu đâu là một lời dối trá không che giấu được ai, nếu không nói là một sự tàn nhẫn, táng tận lương tâm đối với những người không quên được thân nhân đã chết thảm trên đường đi tìm tự do mấy thập niên trước.

    Anh bạn Lưu Dân gửi bản tin trên kể thêm trong một điện thư khác, cho biết: theo chỗ anh biết, đã có hàng chục gia đình từ Việt Nam đến các trại tỵ nạn thuyền nhân ở Đông Nam Á tới các nơi “cấm địa” này lập bia mộ cho thân nhân của họ. Ngoài ra, anh cũng cho biết thêm là số người từ Việt Nam viếng thăm Galang, Bidong và Palawan ngày càng nhiều, có thể hơn cả số người Việt tỵ nạn trở về thăm lại những nơi ấy trong vài năm qua.

    Lưu Dân cho biết Hà Nội hiện đang gây áp lực ngoại giao (như đã từng làm hơn chục năm trước để buộc Indonesia và Malaysia phá bỏ những tấm bia tưởng niệm và tri ân trên các đảo Galang và Bidong) để ngăn chận dòng người đến những khu nghĩa trang nơi chôn cất hàng ngàn người Việt đi tìm tự do trong vùng Đông Nam Á vào những năm cuối thập niên 1970 và suốt thập niên 1980. Nhà báo Lưu Dân đã từng là thuyền nhân tại Galang và đã tham dự nhiều chuyến đi tìm và trùng tu các mộ phần thuyền nhân ở rải rác trong vùng Đông Nam Á do tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam phát động từ Úc, đưới sự điều động của anh Trần Đông, một cựu thuyền nhân. (Video giới thiệu VKTN có thể xem tại đây)

    Trong số những người từ Việt Nam đi thăm mộ thuyền nhân, không thiếu người tới đây mà không vì có thân nhân được chôn cất tại các địa điểm trên. Họ đến vì nghe về phong trào vượt biển nhiều thập niên trước, và nhiều người bỏ mạng đã được chôn cất tại các nơi này, và họ muốn tìm hiểu thêm. Trong số đó có một số người trẻ đã đến, ngoài mục đích tìm hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử đã bị nhà cầm quyền cộng sản cố tình xoá bỏ nhưng vẫn còn sợ “bóng ma” của nó, mà còn vì muốn lưu lại và phổ biến những gì họ biết.

    Trong số đó có anh Hoàng Nam, sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản, người chủ trương chương trình “Challenge Me – Hãy Thách thức Tôi” trên YouTube, hiện có tới 3.84 triệu người ghi danh. Riêng tập phim phóng sự gồm bốn kỳ, phát hành vào đầu năm 2019, ghi lại chuyến đi thăm trại tị nạn của thuyền nhân Việt ở Galang ở Indonesia, đã thu hút tổng cộng gần 2 triệu lượt xem.

    Tập phóng sự thăm trại Galang gồm Phần 1, 13 phút, chỉ cách từ Singapore đi tới trại Galang. Phần 2, 21 phút, giới thiệu phần đầu của khu trại Galang rộng khoảng 16 km2 (3,954 acres). Phần 3, gồm hai địa điểm chính: Nghĩa trang Galang và Viện Bảo tàng Thuyền nhân. Đây là video dài nhất, hơn 43 phút, và được nhiều người vào xem nhất, với gần 1.7 triệu lượt, và trên 3,000 ý kiến, 12,000 thích và không một người bấm không thích, nói lên niềm kính trọng đối với các vong linh của hàng trăm ngàn người xem. Và Phần 4, với nhan đề “Bí ẩn trong trại tị nạn Việt Nam ở Galang”, dài 31 phút, với trên 900 ngàn lượt xem, có lẽ phần lớn vì tựa đề. Đây cũng là video khiến tôi cảm động truớc khao khát tìm hiểu và ao ước có người hướng dẫn giải đáp các thắc mắc của anh.









    Hình trên cùng, một thân nhân (đến từ Việt Nam) đang sơn lại ngôi mộ của người cha bị tử nạn trên đường đi tìm tự do được chôn tại Nghĩa trang Galang. Dưới, Hoàng Nam chia sẻ kẹo và thuốc lá với các vong linh thuyền nhân. (Hình trích trong video “Nghĩa trang Nguời Việt tị nạn Galang”)

    Các phóng sự trên được thực hiện với chỉ mình Hoàng Nam với một máy thu hình (có thể là bằng một cái điện thoại cầm tay) và cây gậy selfie, và một anh lái xe ôm người Indo xem ra rất kiên nhẫn. Mặc dù chi tiết trong phim rất sơ sài, song trong phần giới thiệu nội dung ở Phần 3 của tập phóng sự, tác giả cũng nói lên được phần nào lịch sử của trại Galang, trong khi, một cách dễ hiểu, khẳng định “sẽ không bình luận bất cứ điều gì liên quan tới chính trị, mà chỉ vào viếng thăm, hy vọng giở lại 1 trang sử buồn ít người biết tới của đất nước.”

    Tôi đã định góp một ý kiến bên dưới phóng sự trên, nhưng thấy ý kiến cuối cùng đăng cách nay đã ba năm, chắc chẳng mấy ai vào đọc. Nên viết thư bên dưới cho tác giả, chả biết có sẽ tới tay. Xin ghi lại đây:



    • Ngày 13 tháng 9, 2022

      Gửi Hoàng Nam,

      Hy vọng thư này tới tay cháu – xin phép gọi bằng cháu vì cô năm nay đã gần 80, hiện sống ở Mỹ.

      Hôm rồi tình cờ có dịp xem mấy cái video Nam làm về chuyến viếng thăm trại tị nạn của thuyền nhân VN ở Galang, Indonesia. Cô cảm động thấy, dù đây là loạt ký sự cho channel Challenge Me, nhưng đã nói lên nỗ lực đi tìm lại dấu vết của một trang sử ít người thuộc thế hệ cháu ở VN biết, và chia sẻ với họ. Cảm động nhất khi Nam viếng Nghĩa trang Galang và để lại một đĩa kẹo và bao thuốc lá, trong khi thì thầm với vong hồn các nạn nhân. Cô có lời khen ngợi cháu.

      Có đôi lúc lang thang giữa những ngôi nhà mục nát hay các di tích hoang phế tĩnh lặng chỉ có tiếng gió đùa với lá cây và tiếng chim hú, khỉ kêu trong trại Galang (video #4), cháu nói ra miệng ước giá có ai hướng dẫn giải thích cho cháu. Ước ao đó càng có vẻ thôi thúc khi cháu thấy khu Miếu Ba Cô, thắc mắc không biết tại sao lại có ngôi miếu nay bỏ hoang này.

      Dù trễ, song cô vẫn cảm thấy muốn chia sẻ với cháu “sự tích Ba Cô” mà cô may mắn nghe biết được và rất thương tâm. Cô không phải là thuyền nhân. Cô sang Mỹ từ cuối tháng 4/1975, nhưng đã có hai dịp đi thăm mộ thuyền nhân Việt, một ở Indonesia vào năm 2012, với tư cách đi công tác; và dịp khác ở Thái Lan và Mã Lai năm 2017, với tư cách cá nhân. Lẽ ra đã trở lại vùng này thêm một lần nữa vào năm 2020, coi như chuyến đi cuối cùng, nhưng đại dịch Covid-19 đã thay đổi mọi dự tính. Cô có viết hai bài phóng sự về cả hai chuyến đi với nhiều hình ảnh. Cô gửi kèm bản PDF của hai bài đó cháu xem và cất làm tài liệu, tùy nghi chia sẻ với ai có nhu cầu muốn biết.

      Đây là đoạn về khu miếu Ba Cô, một trong vài thắc mắc của cháu trong phóng sự cuối cùng, “Bí ẩn trong trại tị nạn Việt Nam ở Galang”:

      Miếu Ba Cô dưới cây bồ đề lớn không xa trụ sở UNHCR là mấy. Theo lời kể của anh Lưu Dân và cũng được ghi lại tại web site http://refugeecamps.net/, hai trong ba cô là hai chị em vượt biển bị hải tặc hãm hiếp nhiều lần. Đã vậy, khi họ tới đảo thay vì là thương cảm thì một số người đã nhìn họ bằng cặp mắt coi thường. Theo anh Lưu Dân thì giọt nước làm tràn cái ly là khi hai chị em bị buộc tội ăn cắp cái bóp của một bà thiện nguyện viên người Mỹ. Chịu không nổi nữa, hai chị em rủ nhau treo cổ tự sát. Cái bóp về sau kiếm lại được, do một người đàn ông ăn cắp thú tội. Cô thứ ba cũng cùng cảnh ngộ bị hải tặc hãm hiếp, quá tủi hổ nên tự sát về sau này. Người trong trại thương cảm lập miếu thờ. Chúng tôi tới thắp nhang, đốt vàng mã và cầu nguyện cho vong hồn các cô siêu thoát, an bình nơi mỉền vĩnh cửu.

      Chúc Nam luôn khoẻ mạnh để tiếp tục các công trình khám phá.

      Cô,


    Đính kèm: PDF của hai ký sự
    Mộ phần thuyền nhân: Chứng tích lịch sử không thể xóa bỏ
    Đi thăm trại tị nạn cũ ở Galang và mồ mả thuyền nhân ở đảo Kuku, Air Raya


    Trùng Dương
    2022-09




    Các Web links trong bài:

    Khuyến cáo du khách Việt không nên đến một số khu vực tại Indonesia, Philippines và Malaysia
    https://dulich.tuoitre.vn/khuyen-cao-du ... 219976.htm

    Biểu tình trước lãnh sự quán Indonesia và Malaysia tại LA để phản đối việc phá bỏ các tấm bia tưởng niệm người tị nạn vượt biển
    https://www.voatiengviet.com/a/a-19-200 ... 82803.html

    Văn khố Thuyền nhân Việt Nam
    https://www.vnbp.org/


    Cách tới trại tị nạn Thuyền Nhân người Việt [Indonesia 1]


    Trong trại tị nạn Việt Nam ở Galang [Indonesia 2]


    Nghĩa trang người Việt trong trại tị nạn Galang [Indonesia 3]


    Bí ẩn trong trại tị nạn Việt Nam ở Galang


    Mộ phần thuyền nhân: Chứng tích lịch sử không thể xóa bỏ
    https://damau.org/46163/mo-phan-thuyen- ... the-xoa-bo

    Đi thăm trại tị nạn cũ ở Galang và mồ mả thuyền nhân ở đảo Kuku, Air Raya
    https://damau.org/29199/di-tham-trai-ti ... u-air-raya


    Nguồn:https://damau.org


              
Trả lời

Quay về “Người Việt hải ngoại”