Đảo Mồ côi

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20256
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đảo Mồ côi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Đảo Mồ côi
    _____________________
    Nguyễn Đình Phượng Uyển _ 30/09/2019








    Trại tế bần nằm giữa khu phố thị đông đúc, xe tải, xe máy, chợ búa, hàng quán ầm ầm tối ngày thế nhưng không khí trong trại luôn toát ra một vẻ ảm đạm, lạnh lẽo, cô liêu.

    Ngày xưa, tôi chỉ biết đến viện mồ côi qua cuốn sách “Những người áo trắng” - của Nhật Tiến thì phải - rồi qua phim ảnh “Vô Gia Đình”, từ chuyện kể....

    Lũ trẻ ở đây không giống trong sách vở. Chúng tật nguyền, phần lớn bị bại não, sứt môi, bại liệt. Sáu bảy tuổi mà quắt queo như trẻ lên ba, nằm khèo trong mấy cái nôi gỗ, khăn khẳn mùi nước tiểu, xú uế lưu cữ lâu ngày. Đứa nào đứng dậy đi được thì chạy lăng xăng, khập khiễng với đôi chân cong vòng, mỏng te. Cảm giác như mình có thể cầm chân nó trên hai tay, bẻ cái rộp như bẻ một khúc mía.

    Trong truyện, trẻ mồ côi thường ghét biểu lộ thông cảm của người khác, sợ bị thương hại nhưng trẻ ở đây thì không, chúng tự cầm lấy tay những người khách đến thăm, áp vào má chúng và giữ yên như vậy rất lâu. Chúng thèm được tiếp xúc với da thịt con người, thèm được âu yếm. Ở đó, một ma sơ trông coi đến hai ba chục mạng, toàn bệnh trầm kha – bởi vậy cha mẹ mới bỏ nó – lo ăn uống, ỉa đái, thuốc men đã hết hơi, làm sao mà trò chuyện, mà nựng nịu từng đứa. Chả lẽ nựng đứa này, bỏ đứa kia ?

    Có đứa muốn hôn vào má các vị khách nhưng nhìn thấy cái môi sứt sẹo, trống hoác của nó, nhiều người ngại, chưa kể cái mùi khăn khẳn lan tỏa khắp phòng, ám vào thân thể chúng nó, gây ra một cảm giác ghê ghê.

    Khách khứa chia nhau xúc cơm, nói chuyện và chơi đùa với trẻ. Chúng nó sướng ra mặt, nhảy cẫng lên, trong họng ư ử những tiếng rên mừng rỡ khi có người quan tâm, để ý. Tiệt, không nghe chúng đáp lại lời nào.

    Thức ăn thường là canh lõng bõng nước, chả thấy cái đâu mặc dầu cái chỉ là miếng bí, cọng rau, đừng mơ miếng thịt hay dẻo cá. Cũng phải. Thời gạo đong củi đếm, cả nước còn ăn uống kham khổ nói gì đến trại tế bần.

    Các tình nguyện viên hùn hạp nhau, nhiều thì nấu súp, bèo thì nấu chè tẩm bổ cho trẻ. Cả trại mừng như hội. Chúng nó nhìn các nhà hảo tâm với đôi mắt hàm ơn, đầy cảm mến.

    Trời cuối năm giá rét. Lũ trẻ, Hạ cũng như Đông, chỉ độc quần đùi áo cánh, những bộ đồ nhặt nhạnh đâu đó, có cái rộng thùng thình, có cái ngắn củn. Chúng buộc, rồi túm, rồi giằng kéo...cũng xong, nhưng ấm thì không thể. Mặt mũi, chân tay tụi nhỏ xanh lè, môi tím ngắt.

    Đã lạnh mà còn đói, hai cái cắn vào cái thân thể oặt ẹo, như con chuột và con gián cố nhằn cho ra mẩu thịt còn sót lại trong khúc xương khô.

    Mấy đứa nhỏ đến cạnh sờ sờ rồi nép vào áo len của khách tìm hơi ấm, hít hà mùi thơm của quần áo đã được giặt sạch sẽ. Cái áo làm họ trở nên lố bịch trước đám trẻ rét mướt, không cha không mẹ....

    Có đứa sốt bệnh, phải truyền nước biển mà cũng nằm tơ hơ trong nôi, không gối không chăn, áo quần thèo đảnh, mắt chỏng lơ. Nó biết thân, nằm im lìm trong cái nôi chật chội, không một tiếng mè nheo, năn nỉ hay trách móc. Có la to, ai màng? Nhiều khi bị đòn thêm không chừng. Khi được ai đó vuốt vào má, nó khẽ hé môi cười, nhắm mắt lại, người run lên tận hưởng niềm sung sướng được âu yếm rồi lại nằm đơ, thở khò khè. Gặp con người khác, vừa đói vừa rét vừa đau đâu đó, chắc nó la bể cái nhà.

    Tuần sau đến thăm, nghe sơ bảo nó chết rồi.

    Trong vài tháng, hai ba đứa ra đi như vậy. Chuyện chúng qua đời trong trại, người ta nhắc đến, tỉnh bơ như chuyện thời tiết thay đổi trong ngày.

    Không giữ đủ ấm, bệnh. Bệnh không chăn mền, không thức ăn, không thuốc men....thì sao?

    Nơi này, sống được mới khó chứ chết, dễ như lật một trang giấy.

    Người cơ nhỡ chừng đôi mươi ở trại bên cạnh cũng lân la đến gần các tình nguyện viên làm quen. Họ thèm được nói chuyện, tìm hiểu xem bên ngoài bức tường ngăn cách cao nghều của trại, người trần sống như thế nào mà trông cuống quýt, vội vàng, sôi động, hừng hực lửa, trái ngược với đời sống trong này, thời gian trôi lê thê, dù họ đã đi thật chậm, làm từ từ vậy mà xoảnh ! Đã đến nơi. Ăn thật ít, thở thật nhẹ, răng sữa chưa rụng hết, vậy mà boong ! Đã hết đời.

    Sáng lại chờ trưa. Trưa lại chờ chiều, chiều chờ tối. Chờ gì ? Chờ ai đến thăm ? Không. Chờ cơm ? Nhắm mắt cũng biết bữa ăn có món gì, ngán ! Họ sống không mục đích, không công việc, không tiền bạc, không của cải, không vì một ai đó, những thứ cơ bản nhất nắm chân họ chạm đất.

    Người đời cười nói, giỡn hớt, cãi cọ rổn rảng. A ! Cãi cọ thì trong trại cũng có, nhiều là đằng khác, chỉ có điều họ không lắm lời để chửi, để cãi mà chỉ u u ơ ơ hay la hét, những thanh âm phát ra từ bản năng khi bực bội. Nếu họ được xem tivi hay nghe radio chắc sẽ học được một ít văn đàm thoại. Khổ nỗi thời ấy, mấy thứ này được coi là xa xí phẩm, nhà giàu mới có. Trẻ con lớn lên trong trại, chỉ được tiếp xúc với một vài ma sơ kín tiếng nên không biết nói đã đành, người lớn từng biết chữ, vào đây, nói nhiều thì người nghe sẽ không hiểu, lâu ngày từ ngữ cũng phôi phai.

    Một cậu chừng hai mươi tuổi đi lại bằng cặp nạng gỗ, hai chân bại liệt teo tóp, trái ngược với đôi vai rộng và bộ ngực cao vồng ra phía trước. Câu chuyện cậu kể không suông, chắp vá lại thì biết hồi nhỏ cậu được đưa sang Đức chữa chân, về lại Việt Nam đúng vào lúc thay đổi thể chế, cha mẹ chạy loạn đi đàng nào không biết. Tứ cố vô thân, cậu lưu lạc rồi rớt vào trại mồ côi này đã mười mấy năm. Bộ ngực cao vồng tưởng rằng khỏe mạnh ấy thật ra là do hai cây nạng cậu dùng từ hồi bé, giờ thân người lớn lên nhưng không có cặp nạng khác cao hơn để thay, sức nặng cơ thể dồn vào vai, chống lên đôi nạng thấp làm xương ngực thay vì phát triển bề cao, đùn ra phía trước. Cậu ước được ra ngoài làm việc trong cơ xưởng mây tre lá để kiếm tiền đi học, lo thân nhưng cậu không có xe lăn để di chuyển, ai mướn ?



    ___________________________________

    Một Robinson Crusoe lạc vào hoang đảo rồi quên mất tiếng người đã làm chấn động bao nhiêu bạn đọc, qua bao thế hệ.

    Giữa phố thị đông người qua lại, xe pháo như nêm, lọt thỏm phía trong bức tường rào dày hai mươi xăng ti mét của trại tế bần là hàng lô hàng lốc những đứa trẻ sống chung với nhau nhưng không biết nói tiếng người, cứ u ơ ra hiệu là chính. Người biết nói, rồi cũng sẽ thành câm.

    Nơi này ...nhiều, rất nhiều Robinson....không bao giờ gặp tàu cứu nạn.....





    https://www.luanhoan.net/gocchung2020/h ... 1-8-46.htm
Trả lời

Quay về “Nguyễn đình Phượng Uyễn”