ngõ xưa

Trả lời
ty
Bài viết: 1116
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: ngõ xưa

Bài viết bởi ty »

tôi cũng buồn và chán, như Hoàng Hải Thủy, xen chút nuối tiếc trước quan điểm chính trị của Garcia Marquez. không hiểu kiểu gì mà ông lại kết thân với Fidel Castro (Cuba) và Hugo Chávez (Venezuela), ra sức bênh vực họ? chẳng phải ông đã lên án tội ác tày trời của những nhà lãnh đạo độc tài ở các nước Châu Mỹ La Tinh trong bài Diễn Văn khi nhận giải Nobel hay sao?

vậy chứ. tôi lại bắt chước Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn, “tha thứ” cho Garcia Marquez vì sự nghiệp văn chương đồ sộ của ông đã hớp hồn tôi.

chỉ hy vọng có một giây phút nào đó trong đời, Garcia Marquez biết phản tỉnh.

như *Nguyên Ngọc* Đại tá Quân đội Cộng sản, tác giả tác phẩm nổi tiếng Rừng Xà Nu, Đất Nước Đứng Lên của dòng văn học Cách Mạng.

“Một lần, bà cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (trái) hỏi Nguyên Ngọc, “Chúng ta bắt đầu sai từ bao giờ?” Nguyên Ngọc nói, “Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ Đại hội Tours”!” rồi, ông tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26 tháng Mười năm 2018.


https://hoanghaithuy.wordpress.com/2014 ... am-co-don/

https://www.rfa.org/vietnamese/news/pro ... a-marquez-

https://baotiengdan.com/2022/09/05/nguyen-ngoc/
ty
Bài viết: 1116
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: ngõ xưa

Bài viết bởi ty »

một trăm năm. một thế kỷ. một biên niên. uh... tôi nghĩ, nỗi cô đơn của loài người dài hơn thế - là vô tận, là infinitive, khởi điểm từ thuở hồng hoang cho đến vô hạn nguyên tiêu.

ngày Chúa làm người, ngài cũng cô đơn, sự cô đơn cuối cùng và sâu thẳm trong Vườn Cây Dầu, mà ngài phải trải qua để thực hiện kế hoạch cứu thế của Chúa Cha.

và, vì cô đơn luôn trây trúa trong tâm thức con người. nên, bài thơ lạc vần, Bùi Giáng, đã thơ như này, nghe rất đỗi cô đơn trào lộng:

“con kim báo lúc thấy mình cô độc
bỗng nhe răng và mỉm miệng cười thầm
trong mộng ước một phen nào bắt gặp
hồn tuỷ xương sư tử đủ hai lần”
nhóm bài thơ - mười hai con mắt

như Bùi Giáng, hồn thơ cô liêu cùng tuyệt - Tuệ Sỹ từng u uẩn như sau:

“đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
bóng người cô độc dẫm hoàng hôn
bởi ta hồn đá phơi màu nắng
ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn…”
thiên lý độc hành

có phải nỗi cô đơn giống như chiếc bóng tồn tại dai dẳng trong suốt cuộc đời, nên những thước phim của Vương Gia Vệ, ông hoàng nghệ thuật thứ bảy, luôn đậm vị cô đơn? nhân vật của Vệ hay ve vuốt yêu chiều sự cô độc. như 633, viên cảnh sát thất tình trong phim Chungking Express, trong lúc ủ dột đã chuyện trò với chiếc áo sơ mi đang treo lủng lẳng trên dây phơi: “mày có cô đơn không? để tao cho mày chút hơi ấm nhé". ở In The Mood of Love, sau cơn mưa, Chu và Trần dùng dằng chuyện chia tay. khi Chu buông tay bước đi, Trần liền dùng một bàn tay ôm chặt lấy cánh tay kia của mình. đau buồn tột độ, nhưng Trần vẫn săn sóc nỗi cô đơn cùng cực của cô.

có lẽ, cô đơn là một điều tất yếu trong quá trình làm người của nhân loại nên cô đơn vĩnh hằng. và chúng ta mới được thưởng thức những nhân vật cô đơn trong trăm năm (hoặc bất tận) cô đơn.

*
niềm cô đơn của những người trường thành
là khi muốn trốn không ai đi tìm …

-đen Vâu-

https://www.google.com/search?gs_ssp=eJ ... e&ie=UTF-8
ty
Bài viết: 1116
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: ngõ xưa

Bài viết bởi ty »

mặc dù chào đời sau dòng họ Buendía gần hai mươi năm (theo dòng xuất bản), dường như, nhân vật của rừng Na-Uy /Murakami Haruki - điển hình là Tõru và Naoko, đã đồng điệu với thân phận cô đơn nghiệt ngã của những José Arcadio và Aureliano trong trăm năm cô đơn.

mỗi cá nhân trong rừng Na-Uy là một cõi bơ vơ trong đất trời. họ khổ sở đi tìm ý nghĩa của sự tồn tại (hiện hữu) và bản chất đích thực của cuộc sống. buồn thay, chỉ vì họ “lần mò leo mãi, không qua được vách sầu”(VTA) nên Naoko, chị của cô và Kizuki đã kết liễu cuộc đời, để lại một Tõru hoang mang lạc loài “hồn bơ vơ không biết tựa vào đâu”(Huy Cận).

tuy những thành viên mang họ Buendía hừng hực sống: say sưa trong khoái lạc, dấn thân nơi trận mạc để được hư danh, đầu cơ tích trữ tài sản, yêu cuồng sống vội, sùng đạo hoặc vô đạo, họ vẫn chùng chình trong cô độc. những Aurêlianô thông minh đĩnh ngộ nhưng trầm tư - ủ dột - chán đời, những José Arcadio khoẻ mạnh - táo bạo - yêu đời đều có những kết cục buồn thảm trong đơn côi. đó là vì họ lập dị không hoà đồng với cộng đồng xã hội, thiếu trái tim yêu thương chân thành.

cô đơn lập lòe ẩn hiện dưới nhiều dạng thức: cô đơn vì mất phương hướng như những thanh niên người Nhật trong rừng Na-Uy, cô đơn vì tự loại mình ra khỏi xã hội như dòng họ Buendía. nhưng cô đơn có một ẩn số hệ lụy chung: nỗi buồn. và, các tác giả đã phổ buồn vào văn, để độc giả vân vê từng trang sách thường thức hương vị cô liêu sầu vạn cổ.

*Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu*
Ê chề - Huy Cận
ty
Bài viết: 1116
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: ngõ xưa

Bài viết bởi ty »

Đêm ấy lại đêm thức với trăng
Mưa ngoài hiên lạnh ẩn dáng Hằng
Cô đơn! Ừ nhỉ, chừng quạnh quẽ
Đêm rất riêng mình – Một cõi quên!

một cõi quên * hàn mặc tử*

cô đơn không buông tha cho bất cứ ai, ngay cả người doanh nhân "nhưng sau này tôi mới ngộ ra, người doanh nhân, dù dẫn đầu cả vạn người hay cả một đế chế, họ vẫn rất cô đơn, họ là người cô đơn nhứt giữa đời, ngoài vợ/chồng (hoặc đôi khi xui rủi còn hem có), thì không ai hiểu hết nỗi cô đơn và động cơ làm việc của họ" * đàm hà phú*

*

cô đơn giữa đời
đàm hà phú

1.
Sirivat Voravetvuthikun là một doanh nhân người Thái giàu có, ông thực ra là một nhà đầu tư và môi giới chứng khoán nổi tiếng ở Thái với bàn tay vàng, rờ đâu trúng đó, với tài sản lên đến vài chục triệu đô và số lượng cổ phiếu nắm giữ thuộc loại lớn nhứt ở Thái. Đó là thời điểm trước năm 1997. Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997 đã khiến nhiều người phá sản, và Sirivat Voravetvuthikun chỉ trong một đêm đã trở thành con nợ, buộc phải tuyên bố phá sản, bị tịch thu toàn bộ gia sản. Sirivat Voravetvuthikun hỏi vợ: giờ phải làm gì? vợ Sirivat nói em sẽ làm bánh cho anh đi bán.

Sirivat Voravetvuthikun bán bánh săng uých của vợ làm, đặt trên một cái khay treo trước ngực và đi bán ngoài đường. Ông bị bắt 2 lần vì tội bán hàng rong nên cuối cùng ông đành đứng bán bánh săng uých trước cửa toà nhà nơi từng là văn phòng của ông. Mỗi ngày vợ ông làm bánh 4 tiếng, và ông bán 6 tiếng. Họ chưa từng nghỉ ngày nào trong suốt 10 năm, ông dùng tiền bánh bánh để trả lương cho 20 nhân viên trung thành vẫn theo ông. Người Thái coi ông là biểu tượng của sự kiên trì, gọi ông là ông "Săng Uých", ông "Săng Uých" sau đó tiếp tục mở cửa hàng, thuê nhân viên, bán thêm nhiều thứ khác và tiếp tục trải qua nhiều cơn khủng hoảng khác. Bây giờ ông "Săng Uých" lại trở nên giàu có với nhiều nhãn hiệu đồ ăn, thức uống và chuỗi cafe. Ông "Săng Uých" vẫn làm việc siêng năng mỗi ngày, luôn mỉm cười và vẫn ăn cơm tối với vợ.

2.
một người đàn ông khác, người này tôi có quen biết, ta tạm gọi là ông Ba. Ông Ba chạy chiếc xe cup81 suốt gần 20 năm, cho đến khi thợ sửa xe không chịu sửa cho ông nữa ông đành phải mua 1 chiếc dream để di chuyển, dù lúc cao điểm tài sản của ông lên đến cả ngàn tỉ đồng. Ông Ba là người vẫn ăn cơm trưa với công nhân, ngủ trưa với họ. Có lần, khi công trình xây dựng nhà máy của ông Ba bị mất trộm, công an bắt được tên trộm ở nhà với đầy đủ tang chứng mời ông tới coi, ông tới thấy nhà thằng trộm nghèo quá, bốn vách lá với cái mái tole, vợ thì đang có chửa. Ông Ba xin công an bãi nại cho nó, cho thợ tới xây lại cái nhà nó, đưa thằng trộm vô nhà máy làm công nhân luôn.

cách nay mấy năm, ông Ba gặp nhiều biến cố, vợ ông mất, rồi thị trường xuất khẩu mất, nhà máy phá sản và ngân hàng xiết nợ để bán cho một đại gia khác. Ông Ba về quê ở ẩn, con cái ông ra nước ngoài du học, lấy vợ lấy chồng rồi sinh sống ở nước ngoài, ông về quê chỉ có 1 đứa lính đi theo, là gia đình thằng ăn trộm năm xưa. Khi tôi hỏi ông có tiếc những thứ đã mất không? ông Ba cười khà khà nói không, tao chỉ tiếc cái thời gian đó, đúng ra tao nên ở gần bả (bà vợ ông Ba) nhiều hơn thay vì đi kiếm tiền.

3.
hồi xưa tôi vẫn hay tự hỏi, cuối cùng, động cơ làm việc miệt mài của nhiều người giàu là gì, có người đã kiếm được trăm tỉ ngàn tỉ họ vẫn cắm đầu cắm cổ làm việc và làm việc. Tôi hay nói giỡn "tao chỉ cần có 1/1000 tài sản của thằng đó (một người giàu nào đó), là tao nghỉ khoẻ, đi chơi. Nhưng sau này tôi mới ngộ ra, người doanh nhân, dù dẫn đầu cả vạn người hay cả một đế chế, họ vẫn rất cô đơn, họ là người cô đơn nhứt giữa đời, ngoài vợ/chồng (hoặc đôi khi xui rủi còn hem có), thì không ai hiểu hết nỗi cô đơn và động cơ làm việc của họ.

doanh nhân thì cũng như người ta, quần áo xe cộ nhà cửa doanh nghiệp cuối cùng cũng là thứ ngoài thân, doanh nhân chỉ khác người thường ở chỗ, người thường chỉ chịu trách nhiệm với đời mình, còn doanh nhân, doanh nhân phải chịu trách nhiệm với nhiều cuộc đời của những người dưới quyền mình, mà đôi khi vì điều đó mà người doanh nhân đã làm việc đến quên luôn cuộc đời của chính họ


https://www.facebook.com/DamHaPhu
ty
Bài viết: 1116
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: ngõ xưa

Bài viết bởi ty »

một nét chung giữa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (trong trăm năm cô đơn) và truyện kiếm hiệp là sự hoang đường. các tác giả sử dụng thủ pháp huyễn tưởng hư cấu để kích thích hấp dẫn độc giả.

ví dụ,

*một trận mưa hoa từ trời đổ xuống trong ngày tang lễ của Jose Accardio Buendía (đời thứ nhất). “…qua cửa sổ, người ta thấy trời đổ xuống trận mưa hoa li ti màu vàng. Cả đêm ấy, những bông hoa nhỏ li ti màu vàng rơi xuống một cái làng đang trong nỗi âm thầm đau khổ. Hoa phủ kín các nóc nhà và hoa lấp kín các lối ra vào. Bầu trời sực nức mùi hoa khiến cho những con vật ngủ ngoài trời phải ngột thở. Hoa trời rơi xuống không biết cơ man nào mà kể, đến mức khi trời sáng các con đường phủ đầy hoa phẳng lỳ như một tấm chăn. Người ta buộc phải dùng gậy, sào mà hất hoa đi để lấy lối cho đám tang đi qua …” (c7 – trăm năm cô đơn)
* những võ công lợi hại thượng thừa như Nhất Dương Chỉ, Lăng Ba Vi Bộ, Cửu Âm Chân Kinh … chưởng pháp tự lòng bàn tay xuất ra luồng khí thâm hậu trừ diệt gian tà.

những chi tiết này chắp cánh cho độc giả thoát ra khỏi đời thường nhàm chán để phiêu phưỡng trên tuyệt đỉnh thần tiên ....
ty
Bài viết: 1116
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: ngõ xưa

Bài viết bởi ty »

trong TNCD, có những đoản văn lạ, đẹp như mơ, đậm chất hư ảo. có phải lăng kính huyễn hoặc này đã vẽ lại giấc mơ ngàn đời của nhân loại: thoát khỏi những định kiến khắt khe vướng víu?

*
Remediot - Người đẹp, là người duy nhất thoát khỏi nạn dịch trồng chuối, cứ giữ mãi cái tuổi niên thiếu tuyệt đẹp, không thích chải chuốt hay những trò ma mãnh giảo hoạt, luôn giản dị: ghét những xu chiêng và xi líp, nên tự may một chiếc váy đầm bằng vải gai để chui tọt vào. Để được tự do thoải mái, không phải dùng dây xanh đỏ buộc lủng lắng mái tóc sau gáy, nàng bèn cạo trọc luôn. Ðiều đáng ngạc nhiên là càng vứt bỏ kiểu cách, càng đơn giản, thì nàng càng trở nên đẹp ghê gớm và càng làm cho cánh đàn ông thèm muốn tợn. Cho tới giây phút cuối cùng còn ở trần gian, nàng không hề biết rằng cái số phận làm đàn bà có sức quyến rũ không cưỡng lại nối của mình lại là một mối thảm hoạ hàng ngày: hơi thở của nàng không phải là làn hơi tình ái mà là luồng khí giết người.

https://gacsach.club/doc-online/85634/t ... han-1.html

cuối cùng, giữa luồng sáng phập phồng của những chiếc chăn cùng bay lên theo nàng, có cả mùi những con bọ cạp và hoa mẫu đơn, tất cả cùng đi theo nàng trong cái bầu không khí kết thúc lúc bốn giờ chiều, và tất cả cùng theo nàng vĩnh viễn biến mất ở trên tầng cao không khí nơi những con chim bay cao nhất cũng chẳng vỗ cánh tới bao giờ: Remediot - Người đẹp cuối cùng đã hoá thân theo cái số mệnh tiền định của nàng là con ong chúa.
ty
Bài viết: 1116
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: ngõ xưa

Bài viết bởi ty »

tôi yêu macondo vào những ngày đầu êm ả. đấy là một phương trời viễn mộng rộn rã tiếng chim. nơi không có người già và nghĩa trang, được xây dựng bằng kỷ cương và lao động. nơi người dân “tự giải quyết trực tiếp với Thượng Đế những vướng mắc của linh hồn và họ hoàn toàn tự bỏ thói xấu gây tội ác”. nơi không tin chiến tranh lại xảy ra vì những sự việc không thể sờ mó được.

cõi trần gian ảo diệu ấy, bỗng một ngày, biến mất. suốt bốn năm mười một tháng hai ngày, một trận mưa lụt trút xuống macondo như một cuộc lữ đoạ đày. sau đó, thôn làng lại bị rang khô trong nạn hạn hán kéo dài mười một năm. macondo khổ lụy tiêu điều xơ xác cho đến lúc một trận cuồng phong nổi lên xoá macondo khỏi mặt đất này.

*
có phải sự lụi tàn của macondo là kết quả của những tham tàn, sân hận, si mê của một dòng họ ma quái, yêu tinh?
ty
Bài viết: 1116
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: ngõ xưa

Bài viết bởi ty »

macondo làm tôi nhớ vườn địa đàng năm xưa. khởi đầu như mộng như huyễn, cuối cùng tang thương.

*

ngày còn bé, nghe chuyện tổ tiên nhân loại Adam Eva ăn trái cấm phạm tội nguyên tổ trong vườn Eden, tôi thường nuối tiếc phân vân: sao Thượng đế lại tạo ra một nguyên bản loài người không hoàn hảo? tại sao lại để sân si đồng hành với bổn thiện luân lưu trong con người?

rồi trong những giờ giáo lý, ma soeur dạy tôi rằng: sự tự do là một trong những món quà tuyệt diệu nhất mà Thiên Chúa ban cho con cái của Ngài. phẩm giá tự do cho phép con người chọn lựa và làm chủ hành vi của mình. Ngài để thiện và ác đồng sàng dị mộng trong con người để họ tự do giằng co giữa xấu và tốt rồi tự định hình hướng đi, tự chịu trách nhiệm với sự chọn lựa đó.

ngày đó, tôi chỉ hiểu lờ mờ bài học giáo lý về tự do, về chọn lựa, về trách nhiệm của ma-soeur-hiền-vô-tội. sau này, khi thấy đứa cháu nhỏ chọn quả táo thay vì cây cà-rem để ăn tráng miệng, tôi mới hiểu mồn một lời soeur dạy. mẹ cháu có thể dấu, không dọn cây kem🍦 ra bàn, thì cháu bé has no choice, phải ăn táo thôi. nhưng đó là sự ép buộc, while, cách kia cho phép cháu chọn lựa giữa hai món ăn tốt cho sức khỏe và không tốt cho sức khỏe. và, cháu đã tự nguyện lựa chọn một cách đúng đắn. nhìn nụ cười mãn nguyện của mẹ cháu bé, tôi liên tưởng đến sự hài lòng của Thượng Đế khi thấy con cái Ngài sống tràn đầy trọn vẹn trong tự do.

*

lúc ban đầu, nếu Jose Arcadio (đời thứ nhất) và Ursula không lấy nhau thì dòng họ Buendía không bị tuyệt tự.

họ đã có một sự chọn lựa phong ba, bão loạn.
ty
Bài viết: 1116
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: ngõ xưa

Bài viết bởi ty »

trong thư gửi tín hữu Ro-ma, chương 7 câu 19, thánh Phaolo đã viết:

For I do not do the good I want to do, but the evil I do not want to do--this I keep on doing. *Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.*

ví như, ý nguyện ban đầu của đại tá Aureliano Buendía (thế hệ thứ hai) là chiến đấu cho phái tự do nên ông đã phát động 32 cuộc chiến tranh. nhưng khi trở thành tư lệnh các lực lượng vũ trang vùng duyên hải, Aureliano lại trở thành một kẻ độc tài, kiêu ngạo, hiếu chiến.

cho nên, khi được hưởng đặc ân cao quý *sự tự do* mà con người vẫn hướng thiện không bị sa ngã trước những cám dỗ là một màu nhiệm, diệu dụng.

*
https://augustino.net/kinh-thanh-tan-uo ... u-ro-ma/7/
ty
Bài viết: 1116
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: ngõ xưa

Bài viết bởi ty »

trong thư gởi cộng đoàn Cô-rin-tô, thánh Phaolo khẳng định:

“Ở đâu có Thánh Linh Chúa (Spirit of the Lord), ở đó có Tự Do (Liberty)".

“Thánh linh Chúa” nghĩa là gì mà có thể mang đến tự do cho con người? và, những người không tin vào tôn giáo có tự do hay là không? hoặc những người tin vào Đức Phật hay Thánh Allah sẽ như thế nào?

thực chất tự do là quyền làm theo ý muốn cá nhân muốn làm gì thì làm? điều này có vẻ bất khả thi. ví dụ, học trò đâu thể nào đánh giết thầy cô vì tức giận, hoặc, tay bợm nhậu phá làng phá xóm bất cứ lúc nào?

hay đó là quyền tự do hành động, nói năng, suy nghĩ không bị áp bức/áp đặt bởi các thứ quyền lực chính trị? có thể và không thể. có thể khi một chính phủ là thể chế dân chủ. không thể khi đó là chính phủ độc tài.

như thế, con người có tự do không? có lẽ, có, nếu họ biết hướng theo chân lý và thiện lành.

gã hũ hèm có vẻ rất tự do, vì khi rượu vào hắn coi trời bằng vung tha hồ ăn nói đập phá. nhưng hắn ta lại đánh mất cái tự do căn bản nhất: không cưỡng lại cơn ghiền mà luôn làm tôi mọi cho nó. thế thì ảnh đâu còn tự do nữa? trái lại, một ông vì thương yêu một bà nên không sa ngã đèo bòng bà thứ hai. làm như thế, ông không là nô lệ của dục tình, ông tự do tự tại giữa muôn trùng cám dỗ.

một chính phủ có những lãnh đạo nhân từ biết trị vì đất nước một cách công bằng và bác ái thì người dân sống vô uý an yên không bị áp bức mất hết quyền tự do.

vậy, tôi có thể định nghĩa tư tưởng khai phóng thông lộ tự do cho con người “Thánh Linh Chúa” = “Đấng Toàn Năng. Chân Thiện Mỹ. Tâm Bồ Đề. Bồ Tát Đạo” chăng?

*
trong trăm năm cô đơn dòng họ Buendía cũng có tự do, nhưng đó là một sự tự do thác loạn, nên, cuối cùng….
Trả lời

Quay về “Nhà của bạn ..”