Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          

          
          

          

          

... Mời các bạn góp bài, cùng vui đón ...
... Xuân Nhâm Dần ...


          
          

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




          

                     

          

          


          
Thiên Hùng
Bài viết: 314
Ngày tham gia: Thứ tư 04/08/21 06:15

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Thiên Hùng »

đi thôi cùng năm cũ
cô hồn và cô vi
thả buồn theo mưa lũ
nào ta cùng cạn ly
:cheers:



Hình ảnh

:lol:
Nào ta cùng cạn ly
Vui vầy muội huynh tỷ
Đời có được mấy khi
Mừng Xuân say tuý luý

…Rượu vào anh Tư hát anh Hùng đờn…
“Côla côvíd khoái ôm cô nào
Cô đơn cô thế câu dzô …í lộn …cô dâu
thêm cognac rót …ngọt ngào tiếng ca”
…hihi.. :rotfl:

Tâm An


@ em gái Tâm An rót rươu cho anh Tư đó nha hihihiii :lol2:
Mây thiếu gió, mây buồn rơi xuống thấp
Gió thiếu cây, há được gọi cuồng phong
Cây thiếu hoa, sao tránh khỏi thẹn lòng
Hoa thiếu bướm, hoa thẫn thờ rũ cánh
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »




Côla Côvíd Cô đơn Cô thế Cô dâu Cognac ... wow .. :giggles: :applaud: :allright3: ....



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          

          

          


Ngày xuân



遅き日の
つもりて遠き
昔かな

蕪村



Osoki hi no
Tsumorite tooki
Mukashi ka na

Yosa Buson


Ngày xuân chầm chậm dần trôi
Để ngày xuân cũ ngậm ngùi dần xa


Quỳnh Chi
phóng dịch (12/3/2008)

          

          

          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5469
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Cọp Trong Ngôn Ngữ và Đời Sống Con Người






    Cọp là loài thú to lớn và mạnh khỏe nhất trong họ mèo, gồm tám giống thường sống đơn độc trong các khu rừng thưa có nhiều cỏ tranh ngoại trừ thời gian động đực nuôi con. Địa bàn hoạt động của cọp chủ yếu là Châu Á trải rộng từ Siberia, Mông Cổ, Trung Hoa tới bờ đông Mãn Châu, xuống tận vùng Tiểu Á, Trung Đông, Ba Tư, Ấn Độ, Đông Nam Á, các quần đảo Nam Dương, Phi Luật Tân..

    Trước đây con người chưa có đủ phương tiện để trấn áp các loại dã thú rừng xanh như beo cọp nên một số nước đông phương trong đó có Trung Hoa, VN đã thần thánh và xem nó như một linh vật để cúng tế và đắp tượng thờ tại các đình chùa. Trong dân gian cũng như lĩnh vực văn học nghệ thuật, có ghi lại rất nhiều câu chuyện thần kỳ nói về sự liên quan mật thiết giữa người và cọp đầy bí mật và huyền thoại.

    Nhưng điều oái oăm hiện nay chính là những truyền thuyết huyền thoại, mà bao đời con người dành cho cọp không biết là thật hay sự tưởng tượng ngẩu hứng, giờ đã trở thành tai họa cho loài thú này. Thêm vào đó loài người càng lúc càng sinh sôi nẩy nở, phải phá rừng xẽ núi để sản xuất trồng trọt, nên lấn chiếm dần hết giang sơn của chúa sơn lâm, khiến ác thú càng lúc càng bị dồn vào thảm họa diệt chủng. Theo thống kê cho biết hiện nay khắp thế giới còn không quá 5000 cọp. Điều này đã khiến cho Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng báo động và xếp nó vào loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ.

    + Cọp : Chúa Tể Của Sơn Lâm

    Cọp là loài dã thú có sức mạnh và sự tinh khôn gần bằng con người. Theo kinh nghiệm của giới thợ săn và làng võ, những nhân vật từng chạm trán với ác vật trên cho biết tính nết cọp rất kỳ lạ. Đó là khi vồ mồi (bất kể là người hay thú vật) nếu bắt trúng ‘ tai ‘ thì cọp bỏ đi. Khi đã bắt được mồi, bao giờ cọp cũng dựng xác người hay vật ở tư thế ngồi hay nằm rồi mới ăn thịt và luôn luôn moi lục phủ, ngủ tạng ăn trước. Cọp nào làm ngược những qui tắc trên, được giới thợ săn gọi là ‘ cọp trở mồi ‘ , một báo hiệu cho biết nó sắp bị giết bởi thợ săn hay sập bẫy. Ngoài ra khi thấy cọp quì chân sau chống chân trước là lúc cọp sắp tấn công. Khi vồ mồi, cọp chạy theo thế bò sát và phóng tới, cái đuôi phe phẩy theo hướng nào là cọp tấn công theo hướng đó. Sau cùng lúc cọp nằm ngữa bụng lên trời là để dưỡng sức đợi dịp tấn công tiếp đối thủ. Nhưng cọp cũng rất yếu bóng vía khi bị tấn công bất thần. Những lúc đó thường cong đuôi bỏ chạy và khi hườn hồn, lại quay về nẽo cũ để bắt mồi.

    Với người VN, cọp được gọi bằng nhiều danh xưng như Hổ (miền Bắc), cop miền Nam) hay ông ba muơi, ông Kễnh, ông Hùm.. Cọp thuộc họ Mèo với 240 loài là thú ăn thịt sống lớn nhất hiện nay gồm chó, mèo, chồn, gấu.. Chúng có bộ răng và móng chân đặc biệt để thích nghi trong việc xé mồi sống ăn thịt. Bộ răng gồm răng cửa nhỏ nhưng sắc bén dùng để róc xương, còn răng nanh vừa nhọn lại dài, lớn dùng để xé mồi. Riêng răng hàm được cấu tạo như lưởi kéo có nhiều mấu sắc nên có thể nhai nát thịi lẫn xương. Còn các móng chân của bộ ăn thịt đều có vuốt cong được đệm bằng lớp thịt dầy nên bước đi của chúng rất nhẹ nhàng uyển chuyển, thích hợp cho sự rình mồi. Loài nay có bán cầu não lớn mang nhiều nếp nhăn, con thú mới sinh rất yếu nên thường bị chết yểu.

    Họ Mèo (Falidae) là loài thú tiêu biểu nhất trong bộ thú ăn thịt gồm có cọp, beo, sư tử và mèo. Chúng săn mồi bằng cách rình rập và tấn công bất thần vào đối thủ (người hay vật) qua hành động nhảy cao và xa vì hai chân sau của chúng dài hơn chân trước. Chuyên săn mồi vào ban đêm nhờ có thị và thính giác cực mạnh, còn râu chỉ là cơ quan xúc giác phụ mà thôi. Trừ thời gian động dục và nuôi con, hầu hết các thú thuộc họ Mèo sống đơn độc.

    CỌP (Panthera Tigris) hay Hổ là loài thú có kích thước lớn nhất trong họ Mèo. Một con cọp xứ Bengale (Ấn Độ) vào tuổi trưởng thành có trọng lượng hơn 250 kg, dài gần 2m và để nuôi thân, mỗi tuần phải ăn một con nai hay heo rừng. Trong 11 loài cọp còn tồn tại, nhỏ nhất là loài cọp sống trên đảo Sumatra (Nam Dương) nặng chừng 120 kg, còn loài lớn nhất hiện nay là cọp Tây Bá Lợi Á (Amua Panthera Tigris Longipilis) dài 3m và nặng trên 320 kg. Trong rừng xanh cọp là chúa tể muôn loài trừ voi, sư tử, tê giác và trâu rừng.

    Cọp Tây Bắc Á sinh sống tại Nga, Tàu và Bắc Cao Ly, trước đây được mệnh danh là lãnh chúa của rừng Taiga, nay cũng sắp bị diệt vong trước mũi súng của phường săn. Tại Trung Hoa, chúng sống ở hai tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm (Mãn Châu) có bộ lông phát triển rất mạnh kể cả phần đuôi, biến đổi theo thời tiết từng mùa từ vàng nhạt sang đậm. Tại Tây Bá Lợi Á, cọp Siberia rất hung dữ và là kẻ thù không đội trời chung với chó sói, nên nếu có sự hiện diện của cọp trong vùng thì sói bỏ đi nơi khác để kiếm ăn.

    Hơn một thế kỷ trước tại Ấn Độ có chừng 40.000 cọp, nay chỉ còn lại 3000 trong số 6000 khắp thế giới vì hầu hết cọp sống tại Bali, biển Caspienne và Java sắp bị tuyệt chũng. May mắn nhất có lẽ là loài cọp Felis Paleosinensis cũng thuộc giống Siberia sống ở miền nam nước Tàu, Ấn Độ và vùng Đông Nam Á hiện phân bố thành 8 loài khác nhau qua màu lông, kích thước. Một số cọp Siberia được nuôi dưỡng trong khu vực có rào sắt tại tỉnh Vladisvostok (Nga) và vườn thú Minnesota (Mỹ) nhưng đặc biệt nhất là tại Vân Nam (Trung Hoa), cọp rất được người thiểu số Lolo thuộc bộ tộc Di trọng vọng vì coi nó như vị thần hộ mạng.

    Là loài thú sinh sản rất hạn chế, cop nhỏ lên tới 4 tuổi mới trưởng thành. Cọp cái mỗi lần sinh đẽ với khoảng cách 2,3 năm và trong đời chỉ sinh tối đa là 7 lần và tới năm 20 tuổi là chấm dứt. Cọp cái mang thai khoảng 4 tháng thì sinh nở mỗi lứa từ 1-5 con nhưng tới đa chỉ vài con sống sót.Tuy là loài thú dữ nhưng cọp cái rất thương con nên chăm sóc kỹ càng tới năm 3-4 tuổi, cọp con mới rời mẹ để sống một mình.

    Về nguồn gốc, theo các nhà động vật học thì cách đây hơn 300.000 năm, tại vùng rừng núi Siberia còn ôn hòa ấm áp nên đã thấy cọp xuất hiện. Chúng là hậu duệ của loài Creodon sống cách đây hơn 60 triệu năm nay đã tuyệt chũng. Sau đó khí hậu vùng này càng lúc càng lạnh lẽo băng giá nên loài cọp mới di cư tới nơi khác ngoại trừ giống cọp to khoẻ Siberia chịu đưng được thời tiết nên ở lại tới ngày nay. Chúng chia thành hai nhóm đi về hướng tây nước Nga tới vùng biển Caspienne, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan.. Nhóm khác đi về hướng đông vào Tân Cương, Trung Hoa, Mãn Châu và xuống tận miền Nam vào Ấn Độ hơp với nhóm một, thiên di tới các nước Đông Nam Á ra tận các hải đảo Nam Dương, Phi Luật Tân.. Đó cũng là cuộc di cư cuối cùng của dòng họ cọp. Hiện các nhà khoa học chọn giống cọp Bengale làm con vật trung gian giữa giống cọp lớn nhất (Siberia) và nhỏ nhất (Bali) để đại diện cho dòng họ cọp, vì nó mang đủ các sắc tố điển hình của hai loài cọp trên về sức nặng, kích thước, màu lông và các yếu rố tâm sinh lý. Đặc biệt là loài cọp trắng mắt xanh, chỉ có tại Ấn Độ. Ngoài ra còn có Liger là loài cọp được lai giống từ sư tử đực và cọp cái. Nó có cơ thể giống sư tử với những sọc vằn và thích bơi lội như cọp. Một con thú lai thứ hai giữa cọp đực và sư tử cái được gọi là Tigon, mang đặc tính loài cọp.
    VN trước đây có nhiều cọp nhưng nổi tiếng có cọp Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Quảng Trị, Khánh Hòa, Mỹ Tho, Bến Tre, Cà Mau..

    + Cọp Trong Đời Sống Con Người :

    Trong ngành thiên văn học, nếu các nhà chiêm tinh phương Tây xác nhận thái dương hệ có một vành đai gọi là ‘ Vòng Động Vật (Zodiac) ‘ là vành đại mở rộng của vòng Hoàng Đạo mà người Trung Hoa cổ đã chia nó thành 12 cung hay 12 con giáp qua tên gọi Tý, Sữu, Dần.. Hợi. Sao Mộc (Jupiter) chuyển động quanh mặt trời với chu kỳ gần đúng 12 năm và hằng năm khi sao đó đi vào cung nào trên vòng Hoàng Đạo, chẳng hạn như năm 2010 vào cung Dần nên được gọi là năm Dần.. Ngoài ra người Tàu còn lấy tên các con vật quen thuộc với người như chuột, trâu, cọp, mèo.. ghép vào các cung tương ứng theo thứ tự đã định sẳn, để cho phù hợp với nguyên lý từng cặp âm dương (căn cứ vào các ngón chẳng ‘ âm ‘ và lẻ ‘ dương ‘) của con vật.

    Nước ta từ khi lập quốc tới ngày nay luôn chứng tỏ là một dân tộc có tinh thần thượng vỏ, nên đời nào cũng đều có tổ chức những cuộc giao đấu thú dữ như voi cọp qua tên gọi ‘ Hổ Quyền ‘.Đại Việt Sử Ký Bản Ký có ghi chuyện Thái Thương Hoàng Trần Thánh Tông và vợ là Khâm Từ Bảo Thái Hậu vì mê coi cọp voi đấu, suýt bị thú dữ làm hại/ Đời Hậu Lê trường Hổ Quyền được thiết lập tại kinh đô Thăng Long trước sân diễn võ. Vì sợ cọp hung dữ làm hại mọi người, nên ba ngày trước thời hạn giao đấu, quan Phủ liêu ngầm ra lệnh dùng kìm cắt hết móng vuốt của cọp. Do đó cọp chỉ đấu được vài hiệp thì bị voi hạ chết.

    Đời Nguyễn hằng năm đều có cuộc giao đấu giữa voi và cọp với mục đích huấn luyện cho voi thêm dạn dĩ kinh nghiệm khi đụng trận thật sự. Sân đấu có chu vi hình tròn đường kính gần 40 trượng, được dựng trên một gò đất rộng ở Long Thọ thuộc làng Nguyệt Biều, kế một cái chợ cùng tên. Các chuồng voi và cọp ở gần hai cổng phụ nằm kế bên cổng chính với cửa thông tới hổ quyền. Khán đài để vua quan ngự lãm được dựng trên bức tường cao phía sau hướng về giữa sân khấu có căng màn che mưa nắng.

    Ngày đấu dân chúng địa phương đã bày hương án cũng như có một đội quân mặc lễ phục, để chào đón vua quan từ bờ sông Hương tới cổng chính hổ quyền được trải chiếu hoa. Từ sáng sớm người dân Huế cũng như các vùng phụ cận nô nức kéo về xem cuộc đấu qua hai cổng phụ. Đúng ngọ vua rời thuyền rồng dùng kiệu được tiền hô hậu ủng tới hổ quyền dùng cổng chính lên khán đài ra lệnh nổi trống mở màn cuộc đấu.

    Tức thì hai cánh cửa chuồng hai bên được mở rộng, một con cọp vằn to lớn nhanh nhẹn nhảy ra dương oai diệu võ gầm thét kinh hồn như muốn ăn tươi nuốt sống con voi đang đối diện. Cuộc ác đấu xãy ra giữa hai con vật hùng dũng nhất rừng xanh, cuối cùng voi cũng hạ chết cọp nhờ sức khỏe, trước sự vui mừng vừa ý của vua quan và dân chúng có mặt. Tuy nhiên không phải cuộc đấu nào cũng suông sẽ mà không gặp phải tai nạn như vào thời vua Gia Long, do một con cọp quá dữ dằn đã gây chết chóc viên quản tượng và nhiều binh lính tại đấu trường. Sau cùng quan chỉ huy phải ra lệnh giết cọp mới yên.

    Tả quân Lê Văn Duyệt lúc làm Tổng trấn Gia Định cũng cho xây hổ quyền để nuôi voi và cọp, với mục đích cho cọp đấu với các võ sĩ trước mặt các sứ thần ngoại quốc, làm tăng thêm quốc thể VN thời đó. Lê Văn Khôi là một trong những hảo hán đương thời, đã dùng tay không để bắt cọp , câu chuyện thần kỳ này tới nay vẫn còn truyền tụng qua tác phẩm của Lê Đình Chân viết về ‘Tả Quân Lê Văn Duyệt‘. Ngày hổ quyền chính thức bị bãi bỏ vào cuối đời vua Tự Đức.

    Tỉnh Khánh Hòa nổi tiếng về cọp không phải ở đây loài ác thú này dữ và nhiều hơn các nơi khác mà do hai câu chuyện thần kỳ tới nay vẫn còn được truyền tụng : Đó là việc cọp náo loạn pháp trường cứu chủ và sự tích ‘ ông ba mươi ‘ được dân điạ phương mời làm lý trưởng. Nghề bắt cọp tại Thủy Ba nổi tiếng khắp nước nên hằng năm theo lệnh vua, dân làng này vào Thừa Thiên để bắt cọp đem về kinh đô Huế đấu với voi tại Hổ Quyền. Theo huyền thoại còn lưu truyền trong dân gian, thì thuở đó người Thủy Ba bắt cọp bằng lưới bén được làm từ một loại cây mềm mọc tận rừng sâu. Loại cây này rất dẽo và bền nên cọp không thể nào cắn xé đứt được. Lệnh làng bắt buộc thanh niên nam nữ trong thôn xóm (trừ chức sắc, khoa cử, học trò) đều phải tham gia các đội bắt cọp để bảo vệ và canh giữ làng mạc.

    Thịt cọp ngon bổ, da thuộc để trang trí hay nhồi thành hổ giả. Theo các thầy thuốc Ấn Độ và Trung Hoa, thì hầu hết các bộ phận trong cơ thể đều có nhiều khả năng kỳ diệu, chứ không phảichỉ có cao hổ cốt còn xương cọp dùng để nấu cao hổ cốt với công dụng trị đau xương, tê thấp, đau nhức. Mỡ cọp chế thành thuốc trị suy nhược, gan cọp ăn sống tăng thêm can đảm, mắt cọp chế thành thuốc viên trị chứng co giật.. Với các thú ăn thịt khác thì chỉ săn mồi lúc đói nhưng cọp lại rất tham lam vì no vẫn giết con mồi để dự trữ ăn dần.


    Thế nhưng trong số 1001 món tráng dương bổ thận, ‘Dịch Hoàn Hổ ‘ được nhân gian đánh giá là món ‘ dược thiện ‘ thượng hảo hạng mà người thường khó lòng nếm nổi vì chỉ dành cho vua chúa thời xưa trong thực đơn hàng ngày. Dịch hoàn của cọp đực vùng tây bắc to bằng cái bánh bao, được chế biến thành ‘ thanh thang ‘ bằng cách chưng cách thủy suốt mấy giờ liền. Khi ăn bỏ lớp da bọc ngoài rồi cắt thành từng lát mỏng bỏ vào nước muối rồi nhăm nhi với rượu thì dù tuổi già vẫn cai quản nổi ‘ tam cung lục viện ‘ hằng ngày. Ngoài ra còn món ‘ canh hầm dương vật cọp ‘ mỗi chén hơn 300 đô la Mỹ.

    Cọp Trong Ngôn Ngữ :


    Trong các loài dã thú và gia súc liên quan tới người thì cọp là con vật được nhắc nhớ nhiều nhất trong văn chương và huyền thoại. Từ ngàn xưa, cọp qua hình ảnh to lớn với sức khỏephi thường đã hằn sâu trong tâm trí của nhân loại. Điều trên đã được xác thực qua những khai quật của người tiền sử Gordis, sống cách đây hơn 6000 năm bên bờ sông Amua trong vùng Tây Bá Lợi Á (Nga). Từ đó mới phát hiện được nhiều minh họa và vật dụng về cọp. Cũng tại vùng Bikin là địa bàn sinh sống của người Udages có nhiều danh từ liên quan tới con vật này và loài cọp Siberia, được coi là hai vị thần hộ mệnh tại Primosky và Kharbarovsk.

    Trong thần thoại Ấn Độ có nử thần Durga cưỡi cọp nhưng trên hết vẫn là các loại sách truyện của người Tàu viềt về sự tái sinh của cọp qua nhân vật Lý Nhĩ là tổ sư của Lão giáo với mục đích chống lại tà thần. Ngoài ra còn có các loại ‘ Hiếu Tử truyện ‘ ca tụng sự ‘ đền ơn đáp nghĩa ‘ của cọp đối với người đã cứu giúp chúng ‘ cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơ trả oán ‘.VN cũng có nhiều câu chuyện truyền kỳ được ghi trong sách vở như ‘ Đại Nam Nhất Thống Chí hay Chuyện Đời Xứ của Trương Vĩnh Ký.. ’ ’ liên quan tới cọp giúp người được triều đình phong chức lập miễu thờ cúng. Ngoài ra Việt sử cũng đề cập tới nhiều danh nhân liên quan tới cọp như Đinh Tiên Hoàng Đế, Bùi Tá Hân, Nguyễn Hữu Tiến, Dương Cọng Trừng, Tăng Ân..

    - Cọp Trong Ca Dao, Tục Ngữ : cọp, hổ, hùm, ông ba mươi.. cũng chỉ là một danh từ dùng để chỉ chúa sơn lâm. Cáo mượn oai hùm : mượn oai của kẻ mạnh để hù dọa thiên hạ. Chưa qua truông đã trật lọ cho khái : câu này đuợc lưu hành trong vùng Nghệ Tĩnh với các danh từ truông đèo núi), lọ (bộ phận sinh dục đàn ông) và khái (cọp). Nghĩa đen ‘ chưa qua khỏi núi đã ra mặt coi thường cọp ‘ còn nghĩa bóng nói ‘ việc chưa hoàn thành đã vội tuyên bố kiêu căng mà không hề nghĩ tới những tai họa trước mắt đang chờ sẳn.

    Hổ trướng dựa theo điển tích trong ‘ Nam Đường truyện ‘ ghi Vương Từ đời Lương dùng da cọp làm lều trại họp thuộc hạ bàn cguyện quân cơ được đời sau gọi là trướng hổ. Hổ Trướng Xu Cơ là tên của một bộ sách quân sự do Đào Duy Từ (1572-1634) sáng tác. Ông là người có công giúp Chúa Sãi vương xây dựng các lũy Thầy và Trường ục tại Quảng Bình để ngăn chống quân Trịnh. Hổ Bảng là nơi niêm yết danh sách các tân tiến sĩ đời Đường còn được gọi là long hổ bảng hay hổ bảng.

    Hổ Vi tên gọi trường Quốc Tử Giám. Hổ Bôn chỉ đạo quân thiện chiến anh dũng.Đời Hán có chức hổ bôn lang, hổ bô trung lang tướng chỉ huy quân hổ bôn túc vệ. Hổ khẩu là chỗ ngón tay cái giáp với ngón tay trỏ. Hổ bộ là bộ võ dựa theo dáng đi của cọp. Hổ phù chỉ binh phù của các võ tướng thời phong kiến. Hổ khê là khe nước trước chùa Đông Lâm trên núi Cam Lộ thuộc Cửu Giang tỉnh Giang Tây (Tàu) nơi ghi chuyện Đào Tiềm cùng hai nhà sư Lục Tu Tĩnh và Túc Viễn qua khe cọp. Hổ phách nhựa cây tùng. Hổ hà con tôm hùm. Hổ cứ là con cọp ngồi ý nói địa hình hiểm trở. Hổ cốt xương cọp dùng nấu cao. Hổ đầu là đầu cọp chỉ người có tướng mạo hùng vĩ. Hổ lang chỉ cọp và chó sói để gọi những kẻ giang ác tán tận lương tâm. Hổ lĩnh là chân cọp dùng để gọi các võ tướng xưa có sức mạnh khác người. Hổ môn cửa vào dinh soái tướng. Hổ quyền chỗ nuôi cọp.

    - Cọp Trong Thành Ngữ và Điển Tích
    : ‘Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử ‘ thành ngữ rút từ điển tích Ban Siêu thời Đông Hán theo Đậu Cố đánh giặc Hung Nô có công nên được vua cử đi sứ để chiêu dụ các nước khác ở Tây Vực. Vua nước Thiện Thiện vì theo Hung Nô nên đối xử không tốt với sứ giả . Ban Siêu biết được nên bàn kế với thuộc hạ lúc ấy chỉ có 16 người, đột nhập vào lều tạm trú của sứ bộ Hung Nô lúc đó cũng có mặt giết sạch. Vua quan Thiện Thiện thấy vậy rất sợ nên tuân phục nhà Hán. Đời sau căn cứ vào câu chuyện trên, rút ra thành ngữ ‘ không vào hang cọp sao bắt được cọp con ‘.

    ‘Vị hổ tắc trành ‘ là truyền thuyết đã có từ xa xưa nói về linh hồn của người bị cọp ăn thịt không siêu thoát được nên cứ phải quấn quit theo nó dẫn đường để giết hại người khác thế chỗ cho mình. Từ chuyện trên, sách ‘ Thinh vũ ký đàm ‘ chép rằng ‘ Nhân ngộ hổ, y đái tự giãi, giai trành sỡ vi ‘ nghĩa là người bị cọp bắt, được ma trành cởi quần áo giây lưng ra cho cọp ăn thịt. Còn linh hồn theo dẫn đường cho cọp bắt người, được gọi là quỷ hay ma trành. Từ truyền thuyết trên, người sau rút ra thành ngữ ‘ vị hổ tắc trành ‘ ám chỉ những kẻ phù trợ bưng bợ đồng lỏa giúp phường ác làm điều bậy.

    ‘Dưỡng hổ di hoạn
    ‘ Lưu Bang và Hạng Võ cùng khởi binh diệt bạo Tần. Sau đó hai người trở mắt coi như kẻ thù không đội trời chung. Cuối cùng lấy giải hòa, lấy Giả Cổ Hà thuộc huyện Huỳnh Dương tỉnh Hà Nam làm ranh giới. Nhưng dù đã cam kết, Lưu Bang vẫn không giữ lời hứa vì nghe theo lời Trương Lương và Trần Bình khuyên nên lợi dụng thời cơ đánh úp Sở. Nếu không sẽ nuôi hổ để tự mình rước họa vào thân. Qua điển tích này, người sau rút ra được thành ngữ ‘ dưỡng hổ di hoạn ‘ nói về sự dung dưỡng kẻ thù địch ác gian, để tự mình rước họa về sau.

    ‘Hổ giã hổ uy
    ‘ Sở Hoàn Vương thời Chiến Quốc hỏi quần thần, về lý do tại sao các nước phương Bắc ai cũng sợ Đại Chiêu Hề Tuất " thì được Giang Ất đem câu chuyện ngụ ngôn ‘ con cáo sắp bị cọp ăn thịt, nên nói láo là mình được trời sai xuống thống trị muôn loài kể cả cọp, nên ai làm hại nó sẽ bị trời phạt. Để cọp tin, cáo cùng cọp đi khắp nơi quả nhiên các loài thú khác thấy cọp hoảng sợ bỏ trốn hết. Thây vậy cọp tưởng thiệt cũng cong đuôi chạy mất. Ý của Giang Ất noí với nhà vua là Đại Chiêu Hề Tuất hiện được vua giao hết binh quyền nên dân chúng sợ Sở Hoàn Vương chứ đâu sợ hắn. Từ điển tích trên, đời sau rút được thành ngữ ‘ hổ giã hổ uy; đồng nghĩa với câu tục ngữ VN ‘ cáo đội lớp hùm ‘ để chỉ hạng người hèn kém xấu xa nhờ dựa vào thời cơ thế lực kẻ khác, để lên mặt hiếp đáp đồng bào.

    ‘Họa hổ thành khuyển ‘ Mã Viện đời Đông Hán viết thư khuyên con cháu noi gương hai người tốt đương thời Long Bá Cao và Đổ Quý Lương để học hỏi. Sau khi phân tích lợi hại giữa hai người trên, Viện khuyên nên theo Bá Cao vì cho rằng dù không học hết nơi ông này thì ít ra cũng học được phẩm hạnh. Còn nếu theo Quý Lương khi thất bại coi như mất hết, giống như một họa sĩ muốn vẽ con cọp nhưng vô tài nên thành con chó. Từ đó người sau rút được thành ngữ ‘ họa hổ thành khuyển ‘ để chỉ người muốn làm chuyện lớn nhưng đã thất bại dù lúc nào cũng tin tưởng sẽ thành công.

    ‘Dữ hổ mưu bì‘ Thời Chu có người muốn mở đại tiệc toàn bằng thịt dê nên đến thương lượng với loài này làm chúng sợ hãi bỏ trốn hết vào rừng. Lần khác anh ta lại muốn có chiếc áo hồ cừu (cao nên tìm loài này để lột da, cáo biết được bỏ trốn hết. Hai câu chuyện ngụ ngôn trên trích ra từ sách Phu tử được người sau rút làm thành ngữ ‘ dữ hổ mưu bì ‘ ám chỉ một sự việc chẳng hạn như tới xin lột da cọp, là điều không bao giờ thực hiện được, giống như đi xin xõ lòng thương nơi kẻ ác độc nham hiểm, rốt cục chỉ chuốc nhục họa vào thân.

    ‘Bạo hổ bằng hà‘ chỉ hai hành động cực kỳ nguy hiểm là đánh cọp bằng tay không (bạo hổ) và vượt sông không có thuyền (bằng hà). Thành ngữ trên rút ra từ sách Luận ngữ lúc Khổng Tử và hai đệ từ là Nhan Hồi và Tử Lộ bàn thế sự . Ngài diễn giải cho hai đệ tử phải hành xử sao cho đúng đạo lý, phải biết suy nghĩ đắn đo trước khi làm chứ không ỷ vào sức mạnh dễ bị thất bại. Tóm lại người xưa dạy ta phải biết tuỳ thời để xử dụng võ lực hay tài trí để giải quyết câu chuyện cho hợp lý.

    ‘Hà Đông sư tử ‘ Trần Tạo đời Tống có vợ họ Liễu hay ghen tuông dữ dội nhưng tánh Tạo hào hoa nên nhà thường có tiệc tùng lại mời kỷ nữ tới xướng ca. Liễu thị ở trong phòng tức tối phá phách gầm thét như sử tử, khiến cho Tạo sợ quá làm rớt cây gậy đang cầm. Tô Đông Pha thấy thế có làm bài thơ đùa bạn trong đó có câu ‘ Hốt văn Hà Đông sư tử hống, trụ trượng lạc thủ tấm mang nhiên (bổng nghe sư tử Hà Đông hống, kinh hoàng bỏ gậy rớt rơi đâu "). Đời sau dùng thành ngữ ‘ Hà Đông sư tử ‘ để chỉ loại đàn bà dữ dằn như cọp cái, quen ghen tương dữ dội hiếp đáp chồng con.

    ‘Điệu hổ ly sơn‘ là một trong tam thập lục kế của người xưa, dụ cọp ra khỏi hang ổ để hạ sát dễ đàng hơn, hoặc đánh đuổi cọp đi khác để dễ dàng hạ các loài chồn cáo hồ ly tinh dựa hơi cọp hoành hành gây hại cho kẻ khác. Trong lịch sử nước Tàu có Trần Bình đã bày ra 6 kế ‘ điệu hổ ly sơn ‘ giúp Hán Cao Tổ diệt Hạng Võ thống nhất Trung Hoa, sau đó giêt luôn Hàn Tín để trừ hậu hoạn. Kế trên Trần Bình dựa theo câu chuyện Trịnh Trang Công đời Đông Châu liệt quốc, dùng kế dụ mẹ con công tữ Đoan rời kinh thành phải tự tử.

    ‘Ban chư ngật hổ‘ giả làm heo để ăn thịt cọp, đây cũng là một trong 36 kế của người Tàu, dựa vào câu nói của Lảo Tử về người khôn khéo nhưng giả bộ ngu khờ , ấy là ‘ đại trí nhược ngu’ như người thợ săn thường giả làm tiếng heo dụ cọp ra khỏi hang để giết. Kế trên được Vương Doãn đời Hậu Hán dùng Điêu Thuyền để nhữ giết Đổng Trác và Lữ Bố. Đời Chiến quốc, Việt Câu Tiển cũng dùng kế này qua Tây Thi giết Ngô Phù Sai. Sau cùng Tư Mã Ý đời tam quốc cũng dùng nó để dụ giết Tào Sảng và Tôn Tẩn giết Bàng Quyễn cũng nhờ vào kế ‘ ban chư ngặt hổ ‘.

    ‘Đuổi hùm cửa trước, rước beo cửa sau ‘ chống kẻ ác này nhưng lại theo kẻ ác khác, đó không phải là phương cách xử thế hay đường lối ngoại giao đứng đắn. Thành ngữ này đồng nghĩa với câu ‘ họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm ‘ ý nói không để tâm đến bề ngoài của người, mà phải quan sát kỹ càng tâm địa của kẻ đối diện mới không bị lầm lẫn. ‘ Hổ phụ sinh hổ tử ‘ đồng nghĩa với các câu ‘ Hổ phụ lân nhi hay Hổ phụ bất sinh khuyển tử ‘ ý nói cha nào thì con nấy.

    Ngoài ra còn có các thành ngữ như ‘ Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn ‘, ‘ Long hành hổ bộ, khấu hổ bì, long bàn hổ cứ, mãnh hổ nan địch quần hồ, miện hùm gan sứa..’’ tất cả đều có liên quan tới cọp.

    Trong nghệ thuật tạo hình, tượng cọp được thể hiện nhiều nhất trong bộ môn điêu khắc bằng đồng, đá và đất sét. Người ta còn vẽ hình cọp trên giấy. Tại VN hình cọp được đúc trên các đồ đồng Đông Sơn là niên đại sớm nhất ở nước ta cách đây hơn 2500 năm. Đề tài cọp còn được trang trí trên đồ gốm Đại Việt từ thời Hậu Lý tới Lê Mạt kéo dài hơn 7 thế kỷ.
    Tóm lại con người thời nào cũng đều giống nhau ở điểm rất sợ thú dữ, thần linh và ma quỷ. Sợ nhưng không trốn tránh vì những loài ác thú dữ dằn như cọp beo sư tử.. con người có thể tìm cách trừ khử và tiêu diệt. Riêng đối với thần linh ma quỷ trong thế giới vô hình biết đâu mà tránh nên con người phải thần phục để cầu an. Nhưng có một thứ khác mà con người rất hãi sợ, vì nó ác hơn thú dữ, lại nham hiểm độc địa không thua tà ma quỷ quái. Đó là chính sách độc tài, hại dân hại nước, do chính con người đã hảm hại người.

    Câu chuyện ‘Hà chánh mãnh ư hổ‘ kể rằng Khổng Tử trên đường chu du, tới một làng dưới chân núi Thái Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông, thấy một người đàn bà đang ngồi than khóc. Đức Khổng cho học trò là Tử Cống tới thăm hỏi mới biết cả chồng và con bà đều bị cọp ăn thịt, vì vùng này có rất nhiều chúa sơn lâm. Thấy lạ, thầy Tử Cống hỏi sao không kiếm nơi khác ở để tránh nạn cọp " được trả lời là dân chúng không đi vì ở đây có vị quan sở tại rất liêm chánh, không hề hà khắc với dân chúng.

    Khổng Tử nghe được câu chuyện thì than rằng ‘ thì ra chính sách hà khắc còn khốc hại hơn mãnh hổ.‘


    Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
    Tháng 1 năm 2010

    Mường Giang.



    Nguồn:https://vietbao.com

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5469
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Bạch Vân »

          



Hai Bài Thơ Cuối Năm





Gẫm


Little Sàigòn sũng những cơn mưa
những đợt giông mù từ biển thổi về
khiến đông đã lạnh lại thêm buồn bã
con tim se thắt nỗi nhớ khôn cùng

Bốn chục năm tròn bên này đại dương
chẳng nguôi da diết dĩ vãng chập chùng
mà nay gần Tết thúc lòng thương hận
bao người quay quắt trên khắp quê hương

Giò lan hé nụ cánh tía rưng rưng
run rẩy bên hiên da diết đoạn trường
người như bất lực ngồi trông thế sự
dẫy đầy oan trái gian trá ngập tràn

Bí lối cùng đường xã hội hoang mang
con người quay quắt cuộc sống mung lung
phải chăng khi bị dồn vào cửa tử
sắp hồi tận diệt mới nẩy hanh thông?



Ngóng xuân



Sáng dậy mới hay trời rét ngọt
nhớ cả tháng nay cứ sụt sùi
mưa nắng đổi nhau mà vẫn lạnh
khiến người rưng rưng cứ chơi vơi

Ngoài hiên sương muối không gian đẫm
Giò lan thấp thoáng đã đâm chồi
Còn hai tuần nữa là đúng Tết
Chẳng biết hoa nở có đúng thời?



– Phạm Quốc Bảo


(17/1/2022)

Nguồnhttps://vietbao.com


          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5469
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Những Chùm Hoa Pháo Đỏ





    Để tưởng nhớ cô bạn H.T. và một mùa xuân năm cũ.



    Con gà mái trốn biệt đi đâu mất từ hôm hăm ba tháng Chạp. Sáng nào Hoàng Hoa cũng nghe tiếng má gọi “túc túc, túc túc” khắp vườn để kiếm chị chàng. Gió Tết lành lạnh, má co ro trong chiếc áo len đen, đi từ góc vườn này tới góc vườn kia. Hoàng Hoa ái ngại nhìn má:

    – Hay là mấy ông bộ đội trước nhà bắt ăn thịt mất tiêu rồi đó má!

    Má thở dài:

    – Con gà chút xíu, bõ bèn gì với cả một tiểu đội chết đói!

    Hoàng Hoa chợt nghe một chút hờn dỗi dâng lên:

    – Mà má kiếm nó về làm chi để rồi bán nó đi, cũng vậy thôi.

    Má bật cười:

    – Cái con này, mày to đầu mà lúc nào cũng như con nít. Để coi, Tết này là con hai mươi ba tuổi đầu rồi chớ còn nhỏ nhít gì. Hàng họ bán không đủ tiêu, không bán con gà đi thì lấy đâu tiền sắm chút đỉnh cúng ông bà ngày Tết, với lại nhờ thầy Nguyên Quang cúng cầu an cho chị con?

    Hoàng Hoa thấy cay cay ở mắt:

    – Má, bộ má không nhớ con gà này là của chị Hoàng Phố nuôi sao? Tháng trước má đã bán cái bàn học của chỉ rồi.

    Má gắt nhẹ:

    – Thì của nó hay của con cũng vậy chớ có khác gì đâu? Mày làm như con Hoàng Phố...

    Má bỏ lửng câu nói mà Hoàng Hoa đã đoán được phần sau. Má vặn vòi nước tung toé để rửa tay, nén cơn xúc động vừa kéo đến. Hoàng Hoa vùng vằng đến ngồi xuống bực tam cấp:

    – Không chừng rồi có ngày má kêu người vô bứng hết cả cái giàn hoa pháo của chị Hoàng Phố trồng luôn cho coi.

    Giàn hoa pháo ở ngay trên đầu chỗ Hoàng Hoa ngồi. Đầu tháng Chạp, những chiếc lá đã trở nên xanh mướt, mượt mà. Rải rác khắp giàn, những nụ hoa đã chúm chím, chỉ chờ mùa xuân đến là rộn ràng bừng nở. Từ các kẽ lá, ánh nắng dịu dàng của buổi sáng sớm len vào, rơi xuống thềm xi-măng thành những bông hoa nắng lung linh, tinh nghịch nhảy múa. Cũng ở chỗ này, những đêm trăng sáng, ánh trăng tung những giọt vàng biếc qua kẽ lá, ngập thềm loang loáng. Chị Hoàng Phố thường ôm đàn ngồi trên bực tam cấp, còn Hoàng Hoa ngồi cạnh mơ màng thả hồn theo tiếng nhạc. Giọng chị Hoàng Phố thật ngọt ngào, sâu lắng. Chị hay mở màn bằng bài Dạ Lai Hương: “Đêm thơm như một giòng sữa, lũ chúng em êm đếm rủ nhau ra trước nhà...”. Đêm càng sâu, giọng chị càng vời vợi, tiếng đàn càng réo rắt. Hoàng Hoa nghe chị hát câu cuối cùng trong bài Cành Hoa Trắng mà ớn lạnh cả người: “Người về trong đêm tối, ôm cành hoa tả tơi, bóng in dài gác đời lẻ loi...”

    Chị Hoàng Phố lấy chồng năm kia, rồi đi vượt biên Tết năm ngoái. Mồng Hai Tết này là chị và anh Bình đi đã tròn một năm, mà chuyến tàu đó không ai có tin tức gì về cả. Anh Hoàng—anh của chị Hoàng Phố và Hoàng Hoa—ở bên Úc, đã đi kiếm vợ chồng chị nát cả các trại tỵ nạn Đông Nam Á mà vẫn không ra. Tội nghiệp nhất là khi đi, chị đang mang bầu bảy tháng. Má nhất định không tin là vợ chồng chị đã chết ngoài biển khơi. Không bao giờ má muốn nhắc tới điều kinh khủng đó, mặc dầu trong cái thành phố nhỏ bé này đã có lắm tin đồn về chuyến tàu của chị. Nhiều nhà có người đi trong chuyến đó đều đã lập bàn thờ cho thân nhân, chỉ có má là vẫn bám víu vào những hy vọng mơ hồ, không căn cứ. Hoàng Hoa không bao giờ dám tưởng tượng quá mấy giây những gì có thể đã xảy ra trong chuyến đi của chị Hoàng Phố. Thành ra niềm đau cứ chập chờn, khuất lấp ở một góc nào đó trong hồn. Niềm đau Hoàng Hoa không dám đặt tên, nằm câm lặng trong ký ức.

    Gần Tết, má cứ nhắc đi nhắc lại hoài:

    – Thế nào Tết này mình cũng có tin của vợ chồng con Hoàng Phố. Ờ, con của nó cũng sắp đầy năm rồi phải không Hoàng Hoa? Con đoán nó là con trai hay con gái?

    Hoàng Hoa đáp xuôi cho qua chuyện:

    – Chắc là con gái, má à.

    Má nhíu mày:

    – Má nghĩ là con trai mới đúng. Con nhớ không? Cái bụng chị con hồi đó mới ba tháng mà đã nhọn hoắt! Thằng Bình cưng con Hoàng Phố như cưng trứng. Đàn ông thương vợ, nhất định đứa con con đầu lòng phải giống mẹ...

    Nghĩ sao má lại thêm:

    – Tội nghiệp con nhỏ, sanh con đầu lòng mà không có má bên cạnh. Có biết cái gì đâu mà kiêng với cữ! Rồi đứa nhỏ lúc trái gió trở trời không biết làm sao!

    Má nói những điều này lúc hai mẹ con đang cắm cúi làm việc. Cả má và Hoàng Hoa cùng đều tay làm thoăn thoắt. Những con giống đủ màu sắc lần lượt thành hình dưới đôi tay lành nghề của hai mẹ con. Hồi chị Hoàng Phố còn ở nhà, số lượng con giống sản xuất nhiều gấp đôi má và Hoàng Hoa làm ra bây giờ. Chị Hoàng Phố khéo tay lắm. Chị đi rồi, Hoàng Hoa không làm sao bắt chước cho thật giống món ngũ quả của chị. Một nải chuối, một trái mãng cầu, một trái mận đỏ, một trái xoài và một trái măng cụt, tất cả chỉ lớn hơn đầu ngón tay cái một chút. Vậy mà chị Hoàng Phố đã nặn những trái chuối nhỏ tí tẹo thật nhanh, thật xinh xắn. Những trái chuối Hoàng Hoa làm ra lúc nào cũng mập mạp, đẫy đà. Hoàng Hoa chỉ khoái làm thằng người cỡi ngựa, vừa dễ vừa nhanh.

    Má vừa làm vừa tiếp tục thủ thỉ:

    – Má trông mong vô món tiền bán con gà, bây giờ nó đi mất rồi, mẹ con mình phải cố làm nhiều hơn mới có chút tiền sắm Tết. Con gà mất gì mà ác ôn!

    Má xếp những con giống đã làm xong lên cái nong đan bằng tre. Những con gà, con vịt, hoa quả, người ngợm... bằng bột đủ màu loè loẹt nằm xinh xắn bên nhau. Hoàng Hoa khệ nệ bưng cái nong ra phơi ngoài nắng, đặt cạnh những cái nong đầy con giống khác. Má hài lòng nói:

    – Cỡ mười một giờ là nó khô vừa rồi. Con coi xếp vô giỏ cẩn thận. Nhớ thâu tiền cho đầy đủ. Má đưa phòng hờ cho con thêm chút ít. Con mua những thứ má ghi trên giấy. Nhớ khi mua lá dong phải lựa cho kỹ. Nếp nữa, con lựa thứ hột tròn nấu ra mới dẻo. Nhà không có gì, nhưng má phải sẽ mời thầy Nguyên Quang tới cúng cầu an cho vợ chồng con Hoàng Phố. Cứ nghĩ tới con gà mới mất là lại tức!

    Tóc Hoàng Hoa gội từ sáng sớm vẫn còn âm ẩm. Cô bắc cái ghế đặt gần cây nhãn lớn, ngồi hong tóc trong nắng. Tại sao má cứ lo cầu an cho vợ chồng chị Hoàng Phố mà không chịu cầu siêu? Rồi cả năm nay không cúng kiếng gì, vợ chồng con cái chị đói khát thì sao? Không biết có phải do giàu tưởng tượng mà ra hay sao, chứ Hoàng Hoa cứ nằm chiêm bao thấy chị Hoàng Phố và anh Bình về hoài. Hai người mình mẩy ướt mem; chị Hoàng Phố bụng bự, mặt chị tái ngắt. Chị nhìn Hoàng Hoa đăm đăm, run run nói: “Chị lạnh quá, chị đói quá, Hoàng Hoa ơi!”. Giật mình tỉnh giấc trong bóng đêm, Hoàng Hoa cắn môi đến rướm máu. Cô nhìn qua cái giường đối diện, thấy má vẫn ngủ yên. Má nằm nghiêng, một tay gối đầu, nhịp thở đều đặn. Tóc má bạc gần hết. Má ơi! Chị Hoàng Phố ơi! Hoàng Hoa không dám nhắm mắt nữa, sợ lại thấy chị Hoàng Phố về như câu hát cuối trong bài Cành Hoa Trắng.

    Hong tóc xong, Hoàng Hoa làm ít việc lặt vặt rồi cũng vừa vặn mười một giờ. Những con giống sặc sỡ trên nong đã khô ráo, rắn chắc. Cô nhẹ nhàng xếp từng con vào chiếc giỏ mây lớn. Cứ một lớp con giống, cô lại lót một lớp rơm mỏng. Mùi bột thơm thơm quen thuộc gợi lại cho Hoàng Hoa một quãng đời thơ ấu êm đềm của hai chị em bên cạnh những con vật tí hon thầm lặng này. Xếp xong lớp cuối cùng, Hoàng Hoa cẩn thận cột cái giỏ mây vào yên sau xe đạp. Đoạn cô trở vào nhà, lấy số tiền nhỏ nhoi dành dụm lâu nay của mình, gói lại trong chiếc khăn tay. Hoàng Hoa định sẽ mua riêng một ít trái cây, lén nhờ thầy Nguyên Quang làm một lễ cầu siêu cho vợ chồng chị Hoàng Phố sau khi làm lễ cầu an theo ý của má.

    Tới đầu chợ, Hoàng Hoa gởi xe đạp rồi xách giỏ con giống vào chợ. Không khí nhộn nhịp của chợ Tết không còn làm cho cô háo hức như những năm cùng chị Hoàng Phố đi dạo chợ nữa. Tự dưng Hoàng Hoa đâm ra hận anh Bình quá. Không lấy anh, chị Hoàng Phố sẽ không bao giờ đi vượt biên. Trước khi lấy chồng, chị không khi nào có ý định đó. Vậy mà lấy anh Bình rồi, không biết anh nói ngọt nói bùi ra sao mà chị Hoàng Phố trở thành người thích đi vượt biên hơn ai hết. Hoàng Hoa còn nhớ chiều ba mươi Tết năm ngoái, hai chị em ra chợ mua những món má còn thiếu. Chị Hoàng Phố mải thả hồn theo chuyến đi sắp tới, chị không còn nhận ra những gì đang diễn ra chung quanh nữa. Đi bên Hoàng Hoa mà chị cứ như đi trên mây. Cô nhớ chị hỏi: “Hoàng Hoa à, tao đi được rồi mày muốn tao gởi về món gì?” Hoàng Hoa cười tủm tỉm: “Gởi cho em món gì hả? Em không ham quần jeans áo pull như thiên hạ đâu. Chị gởi cho em một hộp viết màu lông ba mươi sáu cây đó, để em vẽ chơi cho đỡ buồn.” Chị Hoàng Phố cười hăng hắc: “Con này lập dị! Tưởng đòi cái chớ cái đó thì dễ quá rồi. Tao sẽ gởi cho mày một chục hộp!” Hoàng Hoa cũng vui lây: “Một hộp là đủ rồi. Em đâu có buôn bán gì mà chị gởi nhiều dữ vậy!”

    Những lời đối đáp đó, Hoàng Hoa tưởng chừng như vừa mới hôm qua. Vậy mà đã cả năm trời rồi. Bây giờ chị ở đâu? Câu hỏi chới với. mịt mùng. Hoàng Hoa thấy mình như biến mất giữa một rừng người hỗn độn và những âm thanh sắc nhọn.

    Giao hết hàng xong, Hoàng Hoa giữ chặt món tiền trong tay, đi hết hàng này qua hàng khác mua những món má dặn trong giấy. Xong xuôi, cô mới mua riêng phần mình cho chị Hoàng Phố. Trái cây này, hoa này, giấy tiền vàng bạc nữa. Ừ, tại sao mình không mua áo quần gởi cho vợ chồng chị mặc Tết, và cả em bé luôn? Hoàng Hoa chọn cho chị Hoàng Phố và anh Bình mỗi người một bộ quần áo giấy, cho em bé một bộ nhỏ xíu. Chắc má nói đúng, bụng chị nhọn phải đẻ con trai. Vậy mình mua thêm cho thằng bé một cái mũ cao bồi, đội vui bằng thích. Hoàng Hoa bỏ tất cả những món đó vô một cái bao giấy. Về nhà phải giấu má, không thì lôi thôi to.

    Lứa con giống chót đã giao hết hôm hăm tám Tết. Má thu được một số tiền kha khá, cộng thêm số tiền anh Hoàng gởi về dịp Tết, cho nên nhà cũng tạm đủ các món. Chiều ba mươi, má và Hoàng Hoa tất bật sửa soạn cúng tất niên và nhân tiện mời thầy Nguyên Quang đến cúng cầu an như đã định. Hoàng Hoa bày bàn thờ cúng trong nhà và cầu an trước thềm nhà, dưới giàn hoa pháo. Năm nay hoa pháo nở rộ thật đúng lúc. Những chùm hoa pháo chi chít, rực rỡ, làm khung cảnh trong vườn cũng bớt phần ảm đạm. Hoàng Hoa thích gọi là hoa pháo đỏ chứ thật ra hoa pháo màu da cam sẫm. Nụ hoa thuôn thuôn dài, miệng loe ra như cái loa kèn nhỏ, điểm những nhuỵ hoa thanh thanh. Hoa pháo nở thành từng chùm sum sê, và chỉ nở vào dịp Tết. Còn nhớ ngày nào chị Hoàng Phố xin được một gốc cây hoa pháo nhỏ về giâm xuống đất. Hai chị em hì hục làm giàn cho hoa leo cả tuần lễ mới xong. Bây giờ hoa lá đầy giàn, mà chị Hoàng Phố đã lưu lạc phương nào...

    Hai giờ chiều, thầy Nguyên Quang đạp xe đến. Má cung kính mời thầy vào nhà. Lúc thầy sửa soạn làm lễ, má ngập ngừng nói:

    – Xin thầy thông cảm. Các món cúng kiếng không được tươm tất cho lắm. Nhà định bán con gà mái để sắm sửa cho đầy đủ, mà không biết nó biến đi đâu mất!

    Thầy Nguyên Quang cười độ lượng:

    – Cúng kiếng là do tấm lòng, đâu cần phải bày vẽ mới là thành tâm. Bán gà đi cho người ta giết thịt, lại mắc tội sát sanh.

    Hoàng Hoa cũng tiếc con gà mái đó lắm, nhưng cô cũng mừng thầm là khỏi phải chứng kiến cảnh nó bị cột thúc ké bỏ vào giỏ xách ra chợ bán. Hoàng Hoa biết má cũng thương con gà đứt ruột, nhưng tiền bạc trong nhà cứ vơi dần đi, má phải bấm bụng bán hết món này qua món khác, không thể lúc nào cũng trông mong anh Hoàng gởi tiền về.

    Nắng vàng cuối năm sao mà buồn tênh. Những bông hoa nắng trên thêm như héo úa, vàng vọt. Tiếng đọc kinh ê a của thầy Nguyên Quang, tiếng mõ đều đều, làm cho Hoàng Hoa buồn nẫu ruột. Cô thì thụp lạy theo má. Lạy xong, Hoàng Hoa phải ra ngoài cổng đứng nhìn mông lên ngôi nhà thờ đá cho thoải mái một chút. Ánh nắng quái vàng hoe phủ choàng xuống đỉnh cao của ngôi nhà thờ, làm loá lên những đường nét kỷ hà lạnh lùng. Hoàng Hoa vuốt ve chùm tóc dài của mình, hít hà mãi mùi bồ kết thơm hăng hăng. Xa xa có tiếng pháo nổ lẻ tẻ của nhiều nhà đang cúng tất niên. Tiếng pháo càng làm cô nhớ chị Hoàng Phố hơn.

    Lúc Hoàng Hoa trở vào nhà thì nhang cũng vừa tàn. Cô kính cẩn xá ba xá ở mỗi bàn thờ trong ngoài rồi phụ má dọn dẹp. Má dọn cho thầy Nguyên Quang một mâm cơm chay nhỏ. Hai mẹ con ngồi hầu chuyện lúc thầy dùng cơm. Khi thầy đứng lên nói lời từ giã, má cám ơn thầy rồi cũng sửa soạn xuống nhà bà Tư ở Xóm Mới biếu bà một ít món ăn Tết. Hoàng Hoa tần ngần nói nhỏ với thầy Nguyên Quang:

    – Thưa thầy, thầy có thể nán lại thêm chút nữa không ạ?

    Thầy Nguyên Quang hỏi:

    – Có chuyện gì vậy Hoàng Hoa?

    Hoàng Hoa đợi cho bóng má khuất hẳn ngoài cổng rồi mới thưa:

    – Con định nhờ thầy làm thêm một lễ nhỏ nữa để cầu siêu cho vợ chồng chị Hoàng Phố.

    Nước mắt của cô ở đâu chợt trào ra như suối. Thầy Nguyên Quang ái ngại nhìn cô. Giọng thầy trầm xuống:

    – Thầy biết con muốn gì rồi. Thôi làm lẹ đi, kẻo má con về lại rắc rối.

    Hoàng Hoa mau mau bày trái cây, hoa tươi lên cái bàn nhỏ. Cô vô phòng lấy ra tấm hình đám cưới của chị Hoàng Phố và anh Bình đem để lên bàn thờ. Lúc thắp nhang, Hoàng Hoa chợt thấy rợn người khi có cảm giác chị Hoàng Phố mỉm cười với cô sau làn khói nhang xám biếc. Bên cạnh thầy Nguyên Quang đang đọc kinh, Hoàng Hoa cứ mặc nước mắt tuôn ra không dứt. Những dòng nước mắt cô giấu kín lâu nay được dịp oà vỡ một lần.

    Hoàng Hoa khóc mãi cho đến khi thầy Nguyên Quang đọc xong hồi kinh, chấm dứt lễ và chào cô ra về. Hoàng Hoa tiễn thầy ra cổng rồi trở vào đốt vàng mã. Ngọn lửa cháy hừng hực. Mặt cô nóng ran vì ngồi khá gần. Tiếng giấy cháy tí tách nghe như tiếng reo vui của vợ chồng chị Hoàng Phố. Vậy là Tết này gia đình chị có cái ăn cái mặc, hết còn đói khát, lạnh lẽo. Hoàng Hoa ngồi sững bên chậu giấy đốt đến lúc má về hồi nào không hay. Má nhìn bàn thờ với tấm hình cưới của chị Hoàng Phố, cả người má như hoá đá. Mãi một hồi sau má mới lắp bắp:

    – Mày... mày làm cái gì vậy, Hoàng Hoa?

    Cô giật thót mình, quay khuôn mặt đẫm nước mắt lại nhìn má, không nói được tiếng nào. Má ôm mặt, giọng rã rời:

    – Con ác lắm, Hoàng Hoa. Con trù ẻo chị con, con làm tan nát hy vọng của má. Con ác lắm, con biết không?

    Má quày quả đi vô nhà. Hoàng Hoa đứng lên, không còn đi được nữa mà phải lết từng bước đến buông mình xuống bậc thềm, chỗ chị Hoàng Phố ưa ngồi hát hằng đêm. Cặp mắt của chị sau làn khói nhang như vẫn còn nhìn Hoàng Hoa đăm đăm. Tiếng cười trong vắt như pha lê của chị hôm đám cưới năm nào như còn vang vọng. Từng cơn gió se lạnh của buổi chiều cuối năm thổi qua. Hoàng Hoa tưởng chừng như có chị Hoàng Phố và anh Bình nương theo gió về lẩn quất đâu đây. Những sợi dây thần kinh trong đầu cô như căng cứng, muốn đứt tung. Tiếng chuông nhà thờ từ xa thong thả vang lên trong tịch mịch.

    Chợt Hoàng Hoa nghe có tiếng “túc túc” quen thuộc. Trời đất, con gà mái! Nó đang bươi bươi đất bên cạnh chậu hoa mãn đình hồng. Hoàng Hoa chạy lại, âu yếm bồng nó lên. Con gà như nũng nịu, kêu “túc túc, túc túc” liên hồi. Hoàng Hoa nói nựng nó:

    – Tí Ti ơi, chị Hoàng Phố đi kiếm Tí Ti về đó phải không? Mấy bữa nay Tí Ti đi đâu mất đất vậy? Bộ Tí Ti biết trước là Tí Ti sắp bị bắt đem bán hay sao mà trốn kỹ quá vậy hả?

    Có tiếng động sau lưng. Hoàng Hoa quay lại. Má đứng sững nhìn cô đang ôm con gà trong tay. Ánh mắt má xa xôi. Hình như má không nhìn Hoàng Hoa mà nhìn một cái gì đó xuyên qua cô. Thân hình má hôm nay như bé choắt hẳn lại trong cái áo bà ba màu ruốc quen thuộc. Tóc má bạc phơ. Những nếp nhăn trên mặt má như ghi lại từng giây phút đau khổ của má hằng đêm. Sau một loạt pháo nổ từ xa, Hoàng Hoa nghe giọng má nói, âm u như từ cõi nào vọng lại:

    – Con Hoàng Phố và thằng Bình thật tệ! Tết nhất tới nơi mà không nhắn gởi tin tức gì về nhà. Con cái như vậy thì thôi!

    Gương mặt má bây giờ đẫm nước mắt. Từng giọt, từng giọt thi nhau lăn dài trên hai gò má nhăn nheo của má. Không dưng, Hoàng Hoa thấy mỗi dòng nước mắt của má là một bông hoa pháo đỏ. Những bông hoa pháo đớn đau tuôn tràn, kết thành những chùm hoa quá đỗi xót xa.


    – Trần C. Trí


    https://vietbao.com

              
Bài viết: 769
Ngày tham gia: Thứ sáu 12/06/15 21:02

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi »

Thiên Hùng đã viết: Chủ nhật 23/01/22 10:46

…Rượu vào anh Tư hát anh Hùng đờn…
“Côla côvíd khoái ôm cô nào
Cô đơn cô thế câu dzô …í lộn …cô dâu
thêm cognac rót …ngọt ngào tiếng ca
…hihi.. :rotfl:

Tâm An

@ em gái Tâm An rót rươu cho anh Tư đó nha hihihiii :lol2:
Tiếng ca cô rất ngọt ngào
Cô ca cô hát dạt dào hồn Xuân
Cô nương rủ Tết về gần
Khiến người cô lữ dừng chân mơ màng
:mrgreen:

Cám ơn anh Thiên Hùng :cheers: và Tâm An :flower:
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3555
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Mơ màng nhớ Xuân xưa
Xúng xính áo quần mới
Mùng Một đi mừng tuổi
Lì xì ôm đầy túi :lol:


p.s: vần cô vui quá xá luôn Tâm An ơi :bravo: :flwrhrts: :cafe:
Trả lời

Quay về “Chuyên đề”