Tôi không tin có ma nhưng tôi sợ ma!

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tôi không tin có ma nhưng tôi sợ ma!

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





              
    Tôi không tin có ma
    nhưng tôi sợ ma!

    __________________
    Nguyễn thị Cỏ May _ 04/11/2023






    ...
    Trời đã thu rồi, Em ở đâu?
    Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
    Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy,
    Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.

    (Thơ Đinh Hùng « Gởi người trong mộ »)

    Lá bắt đầu vàng. Cái lạnh từng bước tới. Mùa Thu đã thật sự hiện diện. Và khi Thu tới, những truyện lạnh xương sống nhưng hấp dẫn cũng bám sát theo. Như tới ngày cuối tháng 10, người ta không quên rủ nhau tổ chức Lễ Ma (Halloween). Trẻ con hóa trang làm ma đủ loại, từng nhóm, kéo nhau tới gõ cửa từng nhà trong xóm, xin kẹo. Người lớn tìm những nơi có ma tới coi cho biết và thử cảm giác mạnh.

    Ở San José, Californie, có ngôi nhà ma nổi tiếng, Sarah Winchester. Ngôi nhà này có từ thế kỷ XIX và được chủ nhơn mở rộng ra. Từ khi ngôi nhà thay đổi, có nhiều tiếng đồn ở đó có ma. Thực tế, chủ nhơn bị nhiều chuyện bi thảm, chết chóc đau thương.

    Năm 1906, trận động đất mạnh làm cho ngôi nhà sụp mất một phần. Chủ nhơn không sửa lại, cứ để nguyên như vậy lại càng tạo cho ngôi nhà cảnh hoang phế đầy ma quái. Năm 1922, có người mua lại. Người chủ mới vốn thích những chuyện ma quái nên có kế hoạch khai thác tiếng đồn ngôi nhà có ma, tổ chức những cuộc thăm viếng ngôi nhà ma, cho làm nơi đóng phim ma, viết truyện ma. Và ngôi nhà có tên mới « Winchester Mystery House ». Vào dịp lễ Ma, chủ nhơn tổ chức những buổi dạ hội ma quái và bảo đảm ai tham dự sẽ đứng tim!

    Ở Pháp năm nay, tham dự lễ Ma, nhiều người hội ý chọn 20 địa điểm nhạy cảm, tức có ma. Có nhiều nhóm khác chọn lại chỉ giữ 5 nơi « cao điểm » hơn hết. Nhưng nhóm nào cũng không quên, trước tiên, chọn nơi gần nhứt là ngay trong Paris. Đó là hầm chứa hài cốt của hơn 6 triệu người Pháp đủ thành phần xã hội như công hầu khanh tướng liên hệ trực tiếp lịch sử pháp và cả dân đen, cùng nằm sát nhau, và đủ lớp tuổi tác, ở ngay tại Công trường Denfert-Rochereau, Paris 14. Và ở đây cũng là trạm Métro Paris.

    Từ thế kỷ XVIII, những hài cốt của nghĩa địa Les Halles, trung tâm Paris, đóng cửa vì quá tải và ô nhiễm, đem về lưu giữ ở đây, chất thành những đóng cao hơn 2m so với mặt đường phố.

    Bước vào đây, khách viếng thăm có thể tưởng tượng mình sẽ gặp lại những người mà mình từng quen biết như Nicolas Flamel, nhà khoa học, tư tưởng thời Trung cổ được bà Rowling đưa vào truyện ma Harry Potter, …và nhà văn, nhà toán học, triết gia, nhà tư tưởng chánh trị, nhà cách mạng như Racine, Blaise Pascal, Montesquieu, Colbert,...Robespierre hoặc cả Danton, …

    Nhưng nay, khi bước vào đây, khách viếng thăm không thể nhận diện được người mình quen vì tất cả sang giàu, tiếng tâm hay vô loại đều nằm chung chen lẫn sát bên nhau, cùng niệm thời gian là vô tận.



    Một Đế quốc siêu hình

    Đường vào nước ma bổng bị chặn lại bởi một cánh cửa sắt giữa hai cây cột trang trí bằng những hình lập thể màu trắng trên nền đen. Trên cánh cửa ghi « Dừng lại! Nơi đây là Đế quốc của ma ». Đây là câu thơ dịch của tập Énéide kể chuyện Énée được Charon, người chèo thuyền, nhận lên thuyền để vượt qua sông Styx mà vào địa ngục.

    Khách muốn xem lại nơi đây rỏ ràng hơn, ông Guillaume, nhơn viên bảo quản, mời khách trở lại ngày chủ nhựt 13 tháng 12 tới sẽ được coi chiếu phim đầy đủ đường hầm dài cả cây số và nằm sâu gần 20m dưới lòng đất ở Công trường Denfert-Rochereau, với diện tích chứa hài cốt là 10.933 m2.

    Về địa danh, « Denfert-Rochereau » là tên nhà quân sự pháp Pierre-Philippe Denfert-Rochereau, Thống đốc thành phố Belfort ở miền Đông, nổi tiếng anh hùng trong chiến tranh pháp-phổ (franco- prussienne). Tình cờ lịch sử hay do một sự an bài nào đó mà Công trường Denfert-Rochereau trước kia có tên là Công trường «Enfer» (« Enfer » nghĩa là « Địa ngục », thì nay là nơi chứa hài cốt. Và Enfer nay là Denfert …) như có gì gần gũi với nhau lắm vậy?



    Anh có tiếng là xứ có nhiều ma

    Người ta nói những lâu đài ở Anh và Écosse thường có ma lui tới và ở. Họ còn xác quyết đó không phải là điều mới mẻ.

              

    Lâu đài d'Eilean Donan, ở Écosse, ai dám nói là không có nhiều ma?

              

    Người dân ở đây cứ nghĩ 31 tháng 10, đêm Halloween, là thời điểm duy nhứt trong năm để thế giới ma và người gặp nhau. Trong mọi nền văn minh nhơn loại vẫn không thiếu những truyện ma. Tôn giáo cấm nhưng tín đồ lại tin có ma và thích truyện ma. Ai cũng biết rằng niềm tin Thượng Đế và việc tin có ma vẫn là hai điều hoàn toàn không liên hệ với nhau.

    Nhựt bổn là nước có dân chúng đi đạo rất thấp, trái lại người tin có ma và tin ma lại đông hơn. Cả ở Huê kỳ cũng vậy. Theo Giáo sư Justin Mc Daniel dạy về tôn giáo ở Đại học Pennsylvania, thì việc theo một tôn giáo hay không và việc tin có ma vẫn không quan hệ với nhau.

    Ở Âu châu cổ thời, ma cùng ở chung hằng ngày với người. Những người chết không mồ mả thì hồn ma phải đi lang thang khắp nơi lẩn lộn với người sống. Nên người ta mới làm lễ mai táng người chết để hồn có nơi yên nghỉ.

    Chuyện ma trở thành thiết thực ngay trong đời sống xã hội nên ma được đưa vào Dân luật. Ở thế kỷ XVI, chuyện đã xảy ra một hợp đồng mướn nhà đã bị hủy bỏ vì căn nhà đó có ma mà người thuê không muốn sống chung với ma xa lạ.

    Việc tin có ma kéo dài khá lâu ở Âu châu. Bà Caroline Callard, sử gia chuyên về chuyện ma, tác giả quyển « Thời của ma » (Le Temps des fantômes), kể lại ở Anh quốc, từ lâu, người ta để những viên đá chung quand bếp lửa để cho ma tới sưởi ấm và có ánh sáng. Ở đảo Corse của Pháp, đàn bà cứ mỗi tối thứ bảy, để sẵn trong nhà nước uống và lửa để cho ma tới giải khác và sưởi ấm.

    Chuyện ma của dân gian lại một thời đi vào đời sống Thiên chúa giáo. Chẳng những không bị búa rìu của các tu sĩ giáo hội Vatican, mà còn mặc nhiên, từ thế kỷ XII, được thừa nhận có tính chánh thống về mặt thần học, với truyện « thanh lọc » hay « đầu thai » xuất hiện. Từ đời sống thế gian tới đi lên Thiên Đàng, xa hay gần, lâu hay mau, hồn ma phải chờ đợi tới thời điểm cho phép, tùy theo lỗi lầm đã phạm phải trong đời sống thế gian. Nhưng thời gian chờ đợi lại linh động. Khi ma nóng lòng không chờ đợi tới phiên mình được, ma bèn lui tới với người sống và cần được họ cầu nguyện cho sớm đi lên Thiên đàng.

    Những hồn ma này có quyền được ở trên đất thế gian của thiên chúa giáo và được luật pháp bảo vệ. Cũng vào thế kỷ XVI, một hợp đồng mướn nhà của người thế gian bị hủy bỏ vì nhà đó đã có người ở rồi, tức có ma đang ở, không thể lại cho người khác cùng mướn nữa.

    Ngày nay, như sử gia Caroline Callard nói, chúng ta sống trong một nền văn hóa mà truyện ma và tin có ma không thể chấp nhận được. Nhưng quái quăm là chúng ta không tin có ma mà lại sợ ma. Không tin có ma mà Anh lại có đầy rẫy những truyện ma như Harry Potter, Exorciste, Casper hoặc Ghost, …

    Ngày nay, người Anh có còn tin ma hay không, thì theo kết quả điều tra của Yougov năm 2014, có 34% đàn ông và đàn bà người Anh tin có ma. Ở Pháp, chỉ có 32% ông Tây bà Đầm, vẫn theo kết quả điều tra của Yougov năm 2019, nhứt định phải có ma.

    Chắc chắn là ma không chết hết đâu. Nó vẫn lẩn quẩn đâu đây, theo sát chúng ta mà thôi.

    Nên hiểu chúng ta có, tức có con người thế gian, thì tại sao không có ma chớ?

    Vì có con người thì có tất cả!



              
    Nguyễn thị Cỏ May
              
    nguồn: tác giả qua email .. :flower: ..

              
Trả lời

Quay về “Nguyễn thị Cỏ May”