Nguyễn Bắc Sơn Một Nẻo Đời Khác

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nguyễn Bắc Sơn Một Nẻo Đời Khác

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Nguyễn Bắc Sơn
    Một Nẻo Đời Khác

    __________________
    28/07/2023 _ Cung Tích Biền







              

    Nguyễn Bắc Sơn

              
    Đôi dòng tiểu sử:

    Nguyễn Bắc Sơn, tên khai sinh Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, Bình Thuận.

    Theo lời những người gần gũi với Sơn, anh bị khủng hoảng tinh thần rất sớm, Năm 15 tuổi, đã đến nghĩa địa, cắt gân tay nằm chờ chết. Có người tìm thấy, cứu cậu bé thoát chết. Sau này nhảy lầu tự tử “nhiều lần”, nhưng không chết.

    Thân phụ Nguyễn Bắc Sơn là cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết năm 1954, sau 30/4/1975 về đoàn tụ gia đình, cấp bậc Đại tá Quân đội nhân dân. Nguyễn Bắc Sơn là lính Việt Nam Cộng Hoà, nhập ngũ năm 1962. Trong quân ngũ, có thời gian làm thông ngôn cho cố vấn Mỹ.

    Vắng mặt trên trái đất tháng 8 năm 2015, tại quê nhà.


    1
    Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.

    Nguyễn Đức Sơn, thuở kia ở đồng bằng phố thị - Bình Dương, Sàigòn. Sau tháng Tư 1975 ông đưa vợ con lên lập Phương Bối am, vùng rừng núi Lâm Đồng, nên có Biệt hiệu Sơn Núi. Sống đời hoang dã, cách biệt với thế gian.

    Nguyễn Bắc Sơn ở Phan Thiết, hiền hòa, lãng du, Nhưng lúc 15 tuổi Sơn đã biết cắt gân tay, nhảy lầu tự diệt.

    Lưỡng Sơn này mần thơ rất dễ dàng như lỗ mũi hít vào thở ra, dung dị như thiếu nữ làng quê đi chân đất, hoa rừng tự nhiên, nắng và gió không hề kiểu cách.

    Sơn Núi, Kỳ sĩ Phương Bối am, lồng lộng một nỗi đời:
              
    Một mai cha chết đừng chôn
    Ngại chưa xuất kịp chút hồn thiết tha
    Cái gì cha nói chưa ra
    Biết đâu còn sót trong da máu này.

              
    Sơn Trung du, một anh lính Cộng Hòa, thời Năm-Bắc phân tranh:
              
    Mai ta đụng trận ta còn sống
    Về ghé sông Mao phá phách chơi
    Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
    Đốt tiền mua vội một ngày vui.

              


    2
    Bài viết này từ đây trở đi, chỉ nói về Sơn Trung du. Thử đọc vài ý nghĩ sơ khởi của Sơn:
              
    Đôi lúc nghĩ trời sinh mỗi mình ta là đủ
    Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
    Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
    Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi

    …Dù mỗi ngày ta xé đi năm mươi tờ lịch
    Nhưng thời gian đâu có chịu trôi nhanh
    Dù đen bạc là nơi cố xứ
    Nhưng đi biền biệt cũng không đành

    [Mai sau dù có bao giờ].

              
    Có một thời, miệt Phan Rang Phan Thiết, nơi có Bà Mẹ đẻ ra Người con Thi sĩ, với tôi là trời hoang đường. Từ thuở lên 10, tôi ở Xứ Quảng Nam, dân cả nước chỉ “25 triệu đồng bào”, làng xóm chen lấn với rừng là rừng bao quanh. Bà con truyền tụng, “Cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận”. Những làng xóm người Chàm cô quạnh, những dãi cát mênh mông. Những hồn đi trong nắng. Phan Rang, Phan Rí Lầu…

    Quê tôi đi đâu cũng gặp tháp Chàm. Vào hướng nam bốn cây số đã thấy tháp Bà Rầu Con Nghê, tháp Khương Mỹ trên cánh đồng lạnh, con dơi bay, tiếng chim hoang đỉnh tháp, chiều chết trong nắng vàng. Đi ra phía Bắc một buổi đường đã gặp quần thể Tháp Đồng Dương, kinh đô của người Chàm. Lịch sử đã chết. Thời gian nơi này không đi thêm bước nào. Xa hơn vế phương Bắc vùng Mỹ Sơn, hàng chục ngôi tháp lẫn quất trong rừng, sau này là Di sản thế giới. Tôi sống ở một khu chợ quê. Mỗi đầu tháng Giêng, thấy từng đoàn người Chăm “về” tới. Người quê tôi, gọi là “Họ về”, không phải “tới”. Xưa kia đất này là quê hương của họ, tổ tiên còn sâu đậm dấu tích, di chỉ trên vùng Đất Quảng này.

    Mỗi lần đọc thơ Sơn, một nhà thơ rất cách biệt thế giới Chàm, nhưng tôi bị huyễn hoặc bởi “Đoàn người du Xuân ấy”. Y phục nhiều sắc màu đẹp đẽ. Bọn nhỏ chúng tôi chạy lon ton theo xem. Họ đi thẳng người, thong dong hai tay buông thòng, khi đang đội trên đầu một cái giỏ bự, trong đó đủ thứ hàng hóa. Họ bày bán những loại thuốc nam, bùa ngãi, sừng nai hưu, nanh voi, mật gấu. Buổi tối quần tụ trong lồng chợ người Việt, người Chàm – Chăm, thức thâu đêm, âm thầm trò chuyện, những tình nước tình đời. Tôi mê nhất là bên ánh lửa khuya, với cây đàn ghita và tiếng hát. Lời Chăm. Giọng buồn. Một kể lễ. Những lời bọn nhỏ chúng tôi chẳng hiểu gì, nhưng chẳng rời xa họ được.

    Cha tôi bảo, trong xa hút về xưa, quân nước Việt vào Đất Quảng Nam, từng sống chung với người Chăm bản xứ, hòa trộn trên một trăm năm người Chăm cuối cùng mới biến hẳn đi. Sự giao hòa ấy, có khi một đàn con có cha Việt mẹ Chăm ra đời. Chúng tôi có một họ ngoại dân tộc Chăm. Tình ấy huyền hoặc. Một thiêng liêng rung chuyển tận máu me.

    Đi ra từ những ấn tượng mờ hoang ấy, sau này mỗi lần gặp một người trong phương nam, lòng tôi rờn rợn, như thấy bóng mà không gặp người. Thật ra họ rất thân thiết hiền từ, những người bạn quý như Nhật Trường, Từ Công Phụng, Trần Thiện Hiệp, Nguyễn Bắc Sơn …

    Y Uyên, người sĩ quan trẻ, một nhà văn tài năng, tử trận đồn Nora. Y Uyên lại dẫn tôi tới Phan Thiết xa xăm, những địa danh rất đổi mơ màng. Phù My , động Thái An, Hòn Hồng, Hòn Rơm , bầu Ông, bầu Bà, Ma Lâm, Phan Rí Chàm, Tà Dôn, Suối Hồng.

    Cõi hoang huyền ấy giúp gì cho hồn thơ của Sơn?

    Tôi đọc thơ Sơn, qua một mối giao cảm khá lạ lùng. Một cõi hoang mạc lại rực rỡ màu sắc tuyệt cùng.
              
    Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
    Còn ngại hành quân động Thái An
    Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
    Mùa khô thiếu nước lính hoang mang

    Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
    Nghe súng rừng xa nổ cắt-cù
    Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
    Nỗi buồn sương khói của mùa thu

    Mai ta đụng trận ta còn sống
    Về ghé sông Mao phá phách chơi
    Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
    Đốt tiền mua vội một ngày vui

    Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
    Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
    Nếu ta lỡ chết vì say rượu
    Linh hồn chắc sẽ thành mây bay

    Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
    Vơ vẩn trong rừng động Thái An
    Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
    Che mưa giùm những đám xương tàn.

    [Mật khu Lê Hồng Phong]

              
    Đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn, trong tôi, có tiếng vang dội lại từ những khoảng trống, nơi chiến chinh bày ra cho những giấc mơ lẻ loi:
              
    Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
    Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
    Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
    Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt

    Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
    Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi
    Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời...
    Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic

    Kẻ thù ta ơi các ngài du kích
    Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
    Hãy tránh xa ra ta xin tí điều
    Lúc này đây ta không thèm đánh giặc

    Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
    Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
    Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
    Ăn muối đá mà điên say chiến đấu

    Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
    Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
    Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
    Xem cuộc chiến như tai trời ách nước

    Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
    Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
    Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
    Suy nghĩ làm chi cho lao tâm khổ trí

    Lũ chúng ta sống một đời vô vị
    Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
    Mượn trời đất làm nơi đốt hoả châu
    Những cột khói giả rừng thiêng uốn khúc
    Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết
    Và máu xương làm phân bón rừng hoang

    [Chiến tranh Việt Nam và tôi]

              
    Nguyễn Bắc Sơn, một đơn vị người tuồng là vô nhiễm, giữa một môi trường ô uế lý tưởng, ồn ào đạn bom, huyên náo chợ đời.

    Có thật, “Lũ chúng ta sống một đời vô vị / Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”, Phải chăng, “Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước / Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi” Ai đã đặt khối chất nổ nơi nhà hàng, rạp chiếu bóng, đêm khiêu vũ? một con mắt người ướt máu dán trên vách tường ám khói? một cẳng chân của một ai, lủng lẳng treo trên trần nhà, quán rượu?

    Nguyễn Bắc Sơn nói thật lòng cuộc đùa chơi. Chỉ là bồng bồng phi lý. Lửa khói, điêu linh, đã trú ẩn trong cái thế giới vừa đùa vừa đau ấy. Ngôn ngữ ấy chính là trò ảo dụ của Nhà ảo thuật.



    *
    Nguyễn Bắc Sơn là nhà thơ gây ấn tượng nhanh, và lan rộng đối với giới yêu thơ tại Miền Nam, trước 1975. Điểm đặc biệt là ông không, hoặc rất ít khi dùng từ Hán-Việt, mà thông thường văn thơ có loại từ ngữ này nhiều được gọi là “hàn lâm”. Trong thơ Sơn rặt từ thuần nôm, dân dã, văn là văn nói thông thường, chỗ đường sá, chợ búa. Nhưng, khi mớ ngôn ngữ này nằm trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, chúng nó như được thoát xác, bỗng dưng bay bổng, thanh thoát, khoát chiếc áo thi ca; đích thực là hư ảo, đa tầng ngữ nghĩa.

    Trong cõi thơ viết về chiến tranh trước 1945, hiếm có ai viết tài tình, sâu sắc và khiến người đọc giật mình, về chỗ nghênh ngang bất cần, khinh bạc, mà trầm thống nỗi đời, mà lạnh cơn u hàn những hoang mạc phận người.

    Bất cứ một thể tài nào, cả chuyện vặt, qua Sơn, đã hiện ra thơ. Sớm mai vợ cho tiền đi hớt tóc, sa đà vào những câu chuyện thời cuộc vớ vẩn, vài bàn cờ tướng, thua độ, hết ngày, tóc mái đầu còn nguyên. Mà thơ hay, cực hay.

    Trích vài đoạn:
              
    Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc
    Vô tình ngang một quán cà-phê
    Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn
    Mải mê tán dóc chẳng cho về.

    Về đâu, đâu cũng là đâu đó
    Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
    Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
    Ba nghìn thế giới cũng chưa to.

    […] Tháng giêng có kẻ đi tìm cúc
    Nhưng cõi đời không có Cúc Hoa
    Thấy đám phù bình trên mặt nước
    Biết mình đi lộn nẻo bao la.

    […] Dường như đứa trẻ nghìn năm trước
    Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta
    Khi về râu tóc còn nguyên vẹn
    Một ngày loáng thoáng một ngày qua.
    [Một ngày nhàn rỗi]

              
    Hãy đọc thêm, Nguyễn Bắc Sơn chuẩn bị “vũ khí” trước lúc ra trận:
              
    Khi tao đi lấy khẩu phần
    Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
    Chúng mình nhậu để trừ hao
    Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng

    Mùa này gió núi mưa bưng
    Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan
    Mùa này gió bãi mưa ngàn
    Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà

    Những thằng lính trẻ hào hoa
    Lưu đày trong cõi rừng già núi xanh
    Lao mình vào cuộc phân tranh
    Tiếc thương xương máu sinh thành được ư

    Đời vội quá. Hãy nhàn nhã một đôi khi.

              



    Garden Brook Senior Village
    Orange County, 2023


    https://vietbao.com/p301420a316477/nguy ... o-doi-khac
Trả lời

Quay về “câu chuyện văn chương”