Leonardo và ‘Bữa Tiệc Cuối Cùng’: Tuyệt phẩm ‘tình cờ’ và công trình trùng tu kéo dài 21 năm

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Leonardo và ‘Bữa Tiệc Cuối Cùng’: Tuyệt phẩm ‘tình cờ’ và công trình trùng tu kéo dài 21 năm

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Leonardo và ‘Bữa Tiệc Cuối Cùng’: Tuyệt phẩm ‘tình cờ’ và công trình trùng tu kéo dài 21 năm




    Một trong những tác phẩm hội hoạ cổ điển còn tồn tại tới nay “Last Supper” (Bữa tiệc cuối cùng) của danh họa Leonardo da Vinci, hoàn tất vào năm 1498 sau bốn năm thực hiện, là một trong những tác phẩm cổ điển được giới nghiên cứu nghệ thuật bàn thảo nhiều nhất. Đó cũng là tác phẩm đòi hỏi nhiều lần trùng tu hơn cả, với lần cuối vào cuối thế kỷ trước kéo dài tới 21 năm. Đây cũng là tác phẩm tuy là về một đề tài tôn giáo song đã vượt ra ngoài lãnh vực tôn giáo tới giới yêu nghệ thuật không thuộc hoặc thấm nhuần đạo Thiên Chúa giáo, với một quan tâm hoàn toàn có tính cách nghệ thuật.

              

    Báo NY Times, 7/2/1995, Mục 2, trg. 31

              

    Trong bài này người viết sẽ duyệt qua bối cảnh thực hiện và kỹ thuật sử dụng của thiên tài Leonardo trong tác phẩm “Last Supper” – một kỹ thuật không phù hợp với tranh tường và là một trong các nguyên do dẫn tới nhiều nỗ lực trùng tu liên tiếp, không lâu sau khi bức tranh vĩ đại này hoàn tất. Tại sao có người gọi tác phẩm này là một “tuyệt tác tình cờ” (accidental masterpiece)? Những công trình trùng tu nào đã được thực hiện trên “Last Supper”? Và cuối cùng, bài viết sẽ tập trung vào công trình trùng tu, có thể nói là đại qui mô, kéo dài 21 năm của bà Pinin Brambilla Barcilon và một nhóm nhỏ chuyên viên Ý tại nơi chứa bức tranh tường vĩ đại – vĩ đại cả ở vóc dáng lẫn giá trị nghệ thuật vượt trên cả mục đích tôn giáo của tác phẩm – tại nhà thờ Santa Maria delle Grazie ở trung tâm thành phố Milan, Ý.


    Leonardo và “Last Supper”

    Đề tài của “Last Supper” tập trung vào bữa ăn tối cuối cùng ở thành Jerusalem hai thiên niên kỷ trước giữa Jesus Christ và 13 môn đệ của Ngài trước khi bị quân La Mã bắt và hành quyết bằng cực hình đóng đinh trên thập tự giá. Trong bữa ăn này Chúa Jesus tiên đoán là trong đám môn đệ có một người sẽ làm phản bán Ngài cho giới cầm quyền La Mã vốn không chấp nhận việc môn phái của Ngài được nhiều người theo.


    Tác phẩm “Last Supper” của Leonardo thực ra không phải là tác phẩm duy nhất và cũng không phải cuối cùng được thực hiện xung quanh đề tài tôn giáo này, thường được vẽ trên tường tại các phòng ăn (refectory) của tu viện bên Âu châu vào thế kỷ thứ 15.


    Các bức tranh vẽ bữa ăn tối cuối cùng này của Chúa Jesus, kể cả trước và sau bức của Leonardo, thường là tĩnh, có tính cách giáo điều, mô tả các môn đệ ngồi quanh bàn ăn trong vẻ khiêm cung, kính cẩn, mà phần lớn đã lui vào quên lãng ít ai nhắc nhớ hoặc ngay cả biết tới. Bức fresco “Last Supper” của Leonardo là tác phẩm duy nhất tiếp tục tồn tại trong lòng người xem, ngay cả khi không còn đứng trước tranh; và đã vượt lên cả tính cách một tranh biểu tượng tôn giáo. Đó là nhờ phẩm chất nghệ thuật tuyệt vời, sự linh động nói lên cá tính của từng nhân vật trong tranh, như phản ứng bàng hoàng xôn xao rất người của mỗi môn đệ khi Chúa phán trong số họ có một người sẽ phản bội mình vào lúc hừng đông. Và đặc biệt là kỹ thuật sử dụng luật phối cảnh tinh vi của Leonardo khiến không khí tuy sôi động, nhưng mang một bố cục chặt chẽ tập trung vào chủ điểm là Jesus Christ như đang trầm tư về bản án tử hình sắp tới, kết thúc sứ mệnh xuống thế cứu nhân loại của Ngài.

              

    Tuyệt tác “Last Supper” của Leonardo da Vinci vào khoảng 1975,
    ước chừng chỉ còn 20 phần trăm các chi tiết nguyên thủy, trước khi có cuộc trùng tu 21 năm.

              

    Khác với mấy chục tác phẩm cùng một đề tài về bữa tiệc cuối cùng này, bức tranh tường (fresco) của Leonardo vô cùng sinh động, nói lên cá tính của Leonardo là vẽ theo ý mình cảm nghiệm chứ không chịu gò vào khuôn khổ giáo điều; và đầy tính người ở chỗ ông đã mô tả các phản ứng sôi nổi, sửng sốt qua động tác, đặc biệt diễn tả của những bàn tay của các môn đệ khi nghe Jesus Christ tuyên bố là trong đám họ có một nguời sẽ phản bội bán Ngài cho quân La Mã hành hình. Người này nguời kia nhìn nhau như phân trần, bàn cãi. Đặc biệt, môn đệ Philip, người thứ ba mặc áo đỏ bên trái Chúa Jesus, khi nghe phán vậy thì như đứng bật dậy nhoài mình về phía Chúa, tay chỉ vào mình như phân bua, “Chắc chắn không phải con rồi, phải không Thầy?” Leonardo không chỉ diễn tả các nhân vật theo cảm nghĩ của ông, mà là dựa vào chi tiết lấy từ các bản phúc âm khác nhau của các tông đồ kể lại bữa ăn cuối cùng này để rút ra cá tính của mỗi vị tông đồ và phản ứng đương nhiên của họ. Ở đây, ông đã đưa tâm lý học vào tranh vậy.

              

              

    Ngoài tính cách sinh động, tuyệt phẩm “Last Supper” còn cho thấy kỹ thuật sử dụng tinh vi luật phối cảnh thời ấy còn phôi thai của Leonardo, như hình trên bên trái. Và đặc biệt phần diễn tả của mỗi nhân vật trong tranh qua dáng dấp, nét mặt và những bàn tay (hình thứ hai từ trái), dựa vào các bức vẽ phác ghi lại các quan sát ghi nhận của người hoạ sĩ lúc nào cũng kề kề cuốn sổ tay nơi phố chợ để ghi lại các hình ảnh sinh hoạt thường nhật của người dân, như phác hoạ trong hai hình bên phải. (Ảnh trích “Leonardo and Last Supper” của Ross King, trong đó tác giả dành nguyên chương 14, trong số 15 chương sách, tựa là “Ngôn ngữ của những bàn tay” để bàn về quan tâm đặc biệt của Leonardo trong việc dùng các động tác của bàn tay để diễn tả tâm lý nhân vật.)


    Tác phẩm của Leonardo cũng đặc biệt ở chỗ nó đòi hỏi tu bổ nhiều lần. Lần tu bổ cuối kéo dài tới 21 năm, từ 1978 tới 1999, do nữ chuyên viên trùng tu Prinni Brambilla Barcilon đảm trách khi bà 53 tuổi và tóc còn xanh, tới tận khi tóc thành bạc trắng.


    ‘Last Supper’: Một ‘tuyệt phẩm tình cờ’


    Khi Leonardo da Vinci nhận đồ án thực hiện “Last Supper” do Công tước Ludovico Sforza của Milan giao phó vào năm 1495, ông đã bước vào tuổi 40 và chưa thực hiện được công trình nào đáng kể theo ước vọng của đời ông và cho xứng đáng với tài năng thiên phú đa dạng của ông. Chưa kể, ông còn được biết tới là làm việc chậm, vì tính quá tỉ mỉ kỹ lưỡng, cầu toàn; thêm tật không giao đồ án đúng hẹn; hoặc có khi không cả giao đồ án cho thân chủ nữa (như trường hợp bức Mona Lisa, được tìm thấy ở xưởng vẽ của ông khi ông chết vào năm 1519, mặc dù nghe nói một thương gia đã đặt vẽ chân dung vợ mình từ 16 năm trước).


    Trong trường hợp bức fresco “Last Supper”, trong khi hoạ sĩ Giovanni Donato đồng thời với Leonardo được giao việc vẽ bức fresco “The Crucifixion” (Chúa chịu đóng đinh) trên bức tường phía nam của phòng ăn đối diện với fresco của Leonardo, đã hoàn tất bức này trong vòng một năm; thì Leonardo phải mất bốn năm mới vẽ xong “Last Supper”. Lý do là ông không làm việc thường xuyên mỗi ngày; lại có ngày người ta thấy ông đến chỉ để ngồi trầm ngâm trước bức vẽ dở dang, không vẽ vời gì cả. Có khi ông biến mất tới mấy ngày. Khác với nhiều hoạ sĩ đồng thời, Leonardo không vẽ các nhân vật của ông dựa vào người mẫu do chính họ sắp xếp trong xưởng vẽ, mà đi ra các nơi phố chợ quan sát và ghi lại qua các phác họa chi tiết cung cách đứng ngồi, nét mặt và động tác diễn tả trong các cuộc tranh luận ngoài trời thường diễn ra dạo ấy ở các thành phố như Florence và Milan, hai cái nôi của nghệ thuật thời Phục Hưng. Một giai thoại được truyền tụng về cái tật làm việc thất thường này của hoạ sĩ: Một ông thầy tu sốt ruột vì phòng ăn bị bụi bậm gây cản trở sinh hoạt của tu viện đã lên tiếng than phiền, làm họa sĩ nổi đoá. Ông viết cho vị trưởng tu viện, giải thích là ông còn mắc đi tìm một gương mặt mẫu để vẽ Juda là tên bán Chúa, rằng nếu ông không tìm được người mẫu thì ông sẽ dùng mặt ông thầy tu than phiền làm mẫu thì đừng có trách.


    Mặc dù được biết tới từ khi còn ở Florence là hoạ sĩ tài hoa, song Leonardo say mê kiến trúc, môn hình học và thích khoa mổ xẻ hơn. Mộng ước của ông là xây dựng một công trình kiến trúc hay điêu khắc hoặc võ khí quân sự để đời. Một dự án điêu khắc của ông – một con ngựa bằng đồng cao tới 7.3 mét (24 feet) – nếu được thực hiện thì ông có lẽ không những chỉ được biết đến là hoạ sư, mà còn là một điêu khắc gia không thua Michelangelo ra đời sau ông trên 20 năm. Dự án con ngựa đồng phải ngưng ngang vì thời cuộc đổi thay. Hậu thế biết tới dự án bất thành này là nhờ một số hoạ đồ nghiên cứu tỉ mỉ của Leonardo còn lại trên giấy tờ qua các bản vẽ phác và ghi chú của chính hoạ sĩ.


    Leonardo nhận đồ án “Last Supper” một cách miễn cưỡng. Một trong những lý do có lẽ là vì tác phẩm này một khi hoàn tất sẽ ít người được xem vì nó nằm trên tường trong phòng ăn của một tu viện, không phải ai cũng lai vãng tới được để chiêm ngưỡng. Một lý do khác nữa là ông chưa hề bao giờ vẽ tranh tường (fresco), một kỹ thuật đòi hỏi vẽ nhanh khi lớp thạch cao còn ướt để mầu keo (tempera) thấm vào thạch cao. Thay vì dùng mầu keo truyền thống, ông sáng chế ra kỹ thuật trộn sơn với mầu keo vì nó cho phép ông vẽ thong thả, nhẩn nha – thời của ông, sơn dầu chưa thịnh hành. Chính ông nửa chừng có lúc chán nản không muốn tiếp tục nữa, và đã viết thư cho Công tước Ludovico nhưng xé bỏ, còn sót lại một mẩu thư do tay ông viết mà đời sau tìm thấy trong đám giấy tờ của chính ông ghi chú nhiều sự việc trong đời ông, trong đó ông cằn nhằn là vẽ fresco “không phải là nghệ thuật của tôi,” theo tác giả Ross King, trong cuốn sách xuất bản năm 2013, rất chi tiết về bối cảnh và sự hình thành của “Last Supper.”


    Kỹ thuật trộn mầu đó và lý do bức tranh tường ở ngay bên nhà bếp nấu nuớng hơi khói ảnh hưởng tới phẩm chất của tranh, cả hai dần dà khiến tranh có vấn đề ngay sau khi hoàn tất, so với những bức fresco cổ khác, kể cả những bức đào thấy trong thành phố Pompeii tại Ý (bị chôn vùi bởi núi lửa vào thế kỷ thứ nhất và mới được đào lên từ thế kỷ thứ 18 và được trùng tu gần đây), vẫn còn giữ được nhiều mầu sắc nguyên thủy (có lẽ một phần cũng nhờ bị chôn vùi và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết).


    Bên cạnh đó là ảnh hưởng của thời cuộc. Như vào giữa thế kỷ 18, quân đội của Napoleon đã từng dùng phòng ăn này làm tầu ngựa, và lính đã dùng bức tranh tường làm mục tiêu tập bắn; do dấy, nhiều nhân vật trong tranh bị mất mắt vì đã trở thành đích nhắm. Trong thời đệ nhị Thế chiến, vào năm 1943, khi quân Đồng minh mở đường từ Bắc Phi để tiến lên Âu châu qua ngả Ý đã dội bom khiến cả tu viện bị phá nát, trừ bức tường có bức fresco nhờ những bao cát bảo vệ.

              

    Hình bên trái, bức tường phía bắc của phòng ăn tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan
    nơi có tác phẩm “Last Supper” của Leonardo,
    nhờ đuợc bao cát che chở nên còn tương đối nguyên vẹn sau vụ quân Đồng Minh dội bom
    để mở đường tiến vào Âu Châu từ Bắc Phi vào năm 1943.

    Phải, bức fresco được che chở đàng sau giàn sắt đỡ bức tường bên phải.

    Xem thêm về công trình truy tìm và trùng tu nghệ phẩm của đơn vị The Monuments Men trong quân đội Đồng Minh
    tại đây.

              


    Từ hư hại tới suýt bị phá hủy hoàn toàn, bức tranh tường “Last Supper” chỉ còn ước chừng 20 phần trăm các chi tiết nguyên thủy. Do đấy tranh đã phải trải qua nhiều lần trùng tu. May mắn là sau khi Leonardo hoàn tất bức tranh, có hai bản sao bằng sơn dầu trên vải bố, cùng khổ như bức tranh nguyên thủy, do các môn đệ của ông thực hiện với đầy đủ chi tiết, mà cuộc trùng tu dài 21 năm đã dựa vào đó để tu bổ cho bức fresco ở thành Milan.


    Các công trình trùng tu


    Trước công trình trùng tu 21 năm đã có ít ra sáu cuộc trùng tu khác, bắt đầu vào năm 1726. Những cuộc trùng tu này đã được các chuyên gia về phục hồi nhận dạng, phân tích và đánh giá dựa vào bề mặt tranh đã chịu những lần hoán sửa vụng về. Theo đó thì các công cuộc trùng tu “Last Supper” trước chỉ là tô vẽ thêm thắt đè lên các chi tiết và mầu sắc nguyên thủy, thay vì phục hồi, do đấy bức tranh mất đi dần các mầu sắc và chi tiết nguyên thủy. Nhiều nhà phê bình đã khe khắt nhận xét là họ không còn được chiêm ngưỡng Leonardo nữa khi nhìn bức fresco tại tu viện ở Milan.


    Vào năm 1726, tu viện Santa Maria mướn hoạ sĩ Michelandgelo Belloti đảm trách việc trùng tu. Sau khi trám các vết nứt và gỡ bỏ lớp mầu keo, Belloti phủ lên tác phẩm một lớp sơn dầu. Do việc này, mầu sắc nguyên thủy của bức fresco bị che phủ, và Belloti bị chỉ trích là “bất tài và thiếu hiểu biết”. Hơn 40 năm sau, các thầy tu viện Santa Maria lại quyết tâm trùng tu bức fresco có nhiều triển vọng tan rã biến mất, và mướn một Giuseppe Mazza lo việc cứu vãn bức tranh. Mazza bắt dầu bằng việc dùng dao cạo công trình trùng tu trước đó và trám nhiều nơi trên tranh bằng sơn dầu cùng là vẽ lại nhiều chỗ như ý mình muốn. Nghĩ là “Last Supper” được thực hiện bằng kỹ thuật fresco, ông rửa tranh bằng hợp chất sodium hydroxide. Kết quả: không những hoạ sĩ bị sa thải mà các thầy tu muớn ông cũng bị đổi đi tu viện khác.


    Vào năm 1821, đến lượt Stefano Barezzi được mướn để cứu vãn tranh. Tin tưởng bức tranh là fresco, ông này bèn gỡ tranh ra khỏi tường. Khi biết đây là một sai lầm, ông tìm cách dán các ảnh đã gỡ ra và còn sơn thêm vài chỗ bằng vữa mầu. Khoảng 20 năm sau, Barezzi lại được mướn để trùng tu tranh. Lần này, ông rửa toàn bộ tranh và gỡ phần thạch cao ở phần tường phía trên tranh, để lộ hình vẽ ba cửa sổ bán nguyệt do Leonardo vẽ với các biểu hiệu của gia đình Công tuớc Ludovico, người đã thuê ông vẽ bức fresco “Last Supper” vào cuối thế kỷ 15, đã bị sơn đè lên vì triều đại thay đổi.


    Đến đầu thế kỷ 20, các kỹ thuật khoa học đã được sử dụng trong việc bảo trì “Last Supper”. Luigi Cavenaghi là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật phân tích các lớp hóa chất dùng trên tranh, đi đến kết luận là bức tranh được sơn bằng mầu tempura trên hai lớp thạch cao, có lẽ kỹ thuật chưa tới nên ông đã không khám phá ra các lớp nằm ở sâu hơn. Những năm kế đó cho tới giữa thập niên 1950, các họa sĩ Ý tiếp tục công trình phục hồi gồm có việc gỡ đi những lớp tranh sơn đè lên bản vẽ nguyên thủy của các thế kỷ trước, để lộ một số chi tiết và mầu sắc chính của tranh như Leonardo đã vẽ, và phết lên đó những lớp nhựa cây để bảo vệ tranh.


    Cuộc trùng tu dài 21 năm


    Đến năm 1976, viên tổng giám thị cơ quan Bảo tồn Di sản Nghệ thuật và Lịch sử của thành phố Milan ra lệnh làm một cuộc tổng duyệt xét tác phẩm của Leonardo, qua việc dùng kỹ thuật sonar và radar, máy chụp hình trang bị hồng ngoại tuyến, và x-ray để nghiên cứu các lớp tranh trên bức tường trên đó danh họa Leornardo vẽ nên đại tác phẩm “Bữa tiệc cuối cùng” để đời. Bà Brambilla được đề cử điều khiển công trình tổng trùng tu mà chính bà không ngờ đã chiếm hết nửa đời sự nghiệp của bà.


    Pinin Brambilla Barcilon (Barcilon là họ của chồng), sinh năm 1925, nguyên là sinh viên kiến trúc khi bà làm quen với việc bảo tồn các nghệ phẩm cổ điển, và quyết định theo đuổi ngành này. Khi nhận lãnh việc trùng tu đại tác phẩm “Last Supper” ở tuổi ngoài 50, bà đã tiếp tay trùng tu nhiều công trình nghệ thuật cổ điển khác và đã tạo một chỗ đứng vững vàng trong ngành bảo tồn. Tuy vậy, lần đầu được tiếp xúc với một tuyệt tác, và vĩ đại về diện tích với một lịch sử trùng tu dầy đặc, của một thiên tài như Leonardo, bà cũng không khỏi trầm tư. Nhiều người can ngăn bà, do quan tâm thực sự hay ganh tị hoặc hoài nghi, coi đó là một công trình không thể hoàn tất. Nhiều người trong giới chuyên viên bảo tồn còn lo ngại là công trình trùng tu này sẽ chỉ gây thêm tổn hại cho bức fresco vốn đã “bệnh hoạn” sẵn này.


    Tuy nhiên, bà Brambilla vẫn quyết tâm theo đuổi cơ hội ngàn năm một thủa này, tin ở chương trình bà đề ra để cứu vãn bức tranh, để giới thưởng ngoạn có dịp ngắm bức tranh nguyên thủy thay vì là những lớp sơn vụng về của những lần trùng tu của các thế kỷ trước do thiếu hiểu biết và kỹ thuật hiện đại. Bà coi đó là một vinh dự lớn nhất đời bà, như bà kể về hành trình trùng tu “Last Supper” trong một phim ngắn của BBC.


    Vì lẽ đây là bức tranh tường nên không thể di dời đến một nơi an toàn để làm việc, bà Brambilla phải biến cả phòng ăn thành một nơi kín đáo bằng cách niêm phong mọi cửa sổ, và đặt hệ thống điều hoà không khí. Sau đó là dùng các phương cách thử nghiệm khoa học để nghiên cứu chi tiết nguyên thủy của tranh dựa vào các bức vẽ phác của chính Leonardo hiện tàng trữ tại Thư viện Hoàng gia tại Lâu đài Windsor, Anh quốc.


    Trong suốt 21 năm kế đó, bà và nhóm chuyên viên không tới 10 người cặm cụi làm việc. Trước hết là gỡ bỏ những bụi bậm, bồ hóng truớc khi gỡ bỏ những lớp sơn của các công trình trùng tu trước gồm nhiều lớp nhựa cây, sơn dầu, trước khi bắt tay vào việc bảo tồn. Họ làm việc trên từng mảnh tranh nhỏ bằng bàn tay. Chỗ nào bị hư hại tới không còn chi tiết nguyên thủy thì được phủ bằng một lớp mầu nước nhạt để không lôi kéo sự chú ý của người thưởng ngoạn vào khoảng hư hại đó.

              

    Một trong những khám phá trong cuộc trùng tu này
    là việc tìm ra một cái lỗ đinh nhỏ nơi thái dương bên phải của Jesus
    được Leonardo đóng để định điểm hội tụ (vanishing point) của phối cảnh trong tranh;
    và nhiều chi tiết khác, như một số đồ vật và bánh trái trên bàn ăn, hình vẽ trên vải trải bàn,
    áo sống và thảm trang trí trên tường, vv.

              

    Cuộc trùng tu tưởng-không-thể-thực-hiện trên một kiệt tác đang-chết-dần ấy cuối cùng hoàn tất vào năm 1999. Nhiều xung đột bàn cãi trong giới bảo tồn quốc tế cũng đã đồng thời diễn ra vì cơ quan Bảo tồn Di sản Nghệ thuật và Lịch sử của Ý đã đơn phương quyết định, trong khi nhiều người trong giới bảo tồn nghệ phẩm cho rằng lẽ ra đây phải là một công trình quốc tế vì kiệt tác Leonardo này đã được coi như di sản của thế giới. Như đã diễn ra với công trình trùng tu các bức fresco trên trần Sistine Chapel của Michelangelo.


    Riêng bà Brambilla cũng đã từng chịu nhiều áp lực xã hội trên đời sống cá nhân của một người mẹ làm việc ngoài gia đình, với một ông chồng than phiền về nỗi không có vợ ở bên vào cuối tuần. Bên cạnh đó là vấn đề tài trợ công trình không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bà tâm sự có những buổi sáng bà không muốn tới chỗ làm việc. Nhưng niềm đam mê của bà dành cho thiên tài Leonardo và kiệt tác “Last Supper” đã giúp bà vượt khỏi các trở ngại.

              

    Hình trên chụp bản tin ngày 20 tháng 3, 1983 trên nhật báo New York Times về công trình trùng tu bức fresco “Last Supper” của Leonardo. Hình trên góc phải là bà Pinin Brambilla Barcilon lúc ấy 58 tuổi, mái tóc còn đen. Khi hoàn tất công trình trùng tu vào giữa năm 1999, tóc bà đã bạc trắng.



    Mỗi ngày trong suốt hai thập niên trùng tu kiệt tác “Last Supper”, bà Brambilla leo lên dàn dựng cao khoảng 2.5 mét/8 feet để làm việc trên từng mảng tranh nhỏ cỡ lòng bàn tay.

              

    “Thành thực mà nói tôi hy vọng đã làm đúng,” bà Brambilla kể trong bản tin video của BBC phát hình giữa năm 2016. “Thời gian sẽ trả lời.”

    “Khi tôi hoàn tất cuộc trùng tu, tôi rất buồn phải xa rời bức tranh,” bà Brambilla tâm sự. “Sự chia cách này thật là khó khăn. Một phần đời của mình đã bị thất lạc.”

    Bà Brambilla qua đời vào ngày 12 tháng 12, 2020, ở tuổi 95. Trước đó, bà đã đúc kết kinh nghiệm trong cuốn tài liệu khổ lớn dầy 458 trang, ghi lại đầy đủ chi tiết và hình ảnh về công trình trùng tu này, tựa là “Leonardo: The Last Supper”, bản dịch tiếng Anh do University of Chicago Press xuất bản lần đầu vào năm 2001.

              

    Kiệt tác “Last Supper” của Leonardo da Vinci đã được trùng tu tại nhà thờ Santa Maria delle Grazie ở Milan.
    Muốn xem tranh, du khách cần đặt vé trước và phải đi qua một số phòng lọc bụi và chất ẩm trước khi vào nơi nguyên là phòng ăn của tu viện nơi trưng fresco, và cũng chỉ được phép ngắm tranh trong khoảng 20 phút.

              



    Trùng Dương
    2022/12


    Tài liệu tham khảo:




    Nguồn:https://www.diendantheky.net



          
Trả lời

Quay về “Ảnh”